Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Giáo Hội Sống Chia Sẻ - Tháng 09 năm 2005

CHỦ ĐỀ: GIÁO HỘI SỐNG CHIA SẺ

I. THƯ CHUNG CỦA HĐGMVN số

Một dấu chỉ sống động mà Giáo hội không ngừng thực hành ngay từ buổi sơ khai và mãi cho tới khi Chúa trở lại, đó là nghi lễ Bẻ Bánh. Các môn đệ trên đường Emmaus đã nhận ra Chúa Phục sinh khi Người bẻ bánh với họ. Mọi người trong bàn tiệc chia nhau cùng một tấm bánh; tấm bánh ấy là Thân Mình Đức Kitô được bẻ ra cho mọi người thông phần. Cử chỉ bẻ bánh nói lên nếp sống chia sẻ của Giáo hội....

Trước hết, đừng ngại chia sẻ với nhau những của cải tinh thần. Giáo hội Công giáo có một gia sản hai ngàn năm cần được khai thác và chia sẻ....

Kế đến, đừng ngại chia sẻ của cải vật chất cho nhau để làm việc chung, để giúp đỡ những người hoạn nạn yếu đau, đặc biệt những người nghèo, để Giáo hội thật sự trở thành Giáo hội của người nghèo và cho người nghèo.

II. DẪN GIẢI 

SỐNG CHIA SẺ

Chia sẻ là chia nhỏ nhỏ chút chút. Còn chia xẻ là xẻ ra để chia. Có thể sẻ cái chi cần thiết của mình để chia.

Đoạn này Hội Đồng Giám Mục nhắc chúng ta:

1. Phép Thánh Thể thời sơ khai thường gọi là nghi thức Bẻ Bánh. Khi chúng ta hưởng dụng không được dành riêng cho chính mình mà phải biết san sớt cho anh em. Bẻ Bánh để chia cho anh em.

2. Chia xẻ mặt vật chất lẫn tinh thần,nhất là mặt tinh thần: thông chia ơn Chúa, thông chia hiểu biết, lối hành đạo, lối tổ chức, kỷ thuật sống đạo. Thông chia phần tinh thần không làm vơi cạn phần riêng của mình.

3. Chia xẻ là việc bác ái, bắt nguồn từ Thánh Thể và lan rộng tới mọi người: nơi họ đạo, và họ đạo với nhau, và toàn Hội Thánh, và với mọi người ngoài Hội Thánh, khác tôn giáo.

Vui cộng tác với các công trình từ thiện bác ái của các tôn giáo!

III. CHUYỆN MINH HOẠ: GIÊSU, NGÀI LÀ AI?

Trong một buổi cầu nguyện, một người đàn bà Mỹ với giọng Đức còn nặng đã chia sẻ câu chuyện như sau:

Bà là một thiếu nữ Do Thái bị giam trong một trại tập trung Đức Quốc Xã trong thời đệ nhị thế chiến. Câu chuyện của bà không khác bao nhiêu so với những nỗi đau khủng khiếp của những tù nhân trong các trại tập trung này. Sau nhiều tháng bị lạm dụng và đói khát, người thiếu nữ Do Thái chợt nhận thấy được rằng, bao lâu còn chút sức khoẻ cô phải tìm cách trốn thoát khỏi trại bằng mọi giá.

Vừa tốt nghiệp trung học, cô thấy nhiều phụ nữ chỉ hơn cô vài tuổi nhưng trông chẳng khác nào những cụ già. Đêm đào thoát, cô đã qua được những chặng đầu rất thành công. Chặng gay go cuối cùng là phải leo qua hàng rào kẽm gai, nhưng khi cô chỉ còn cách hàng rào kẽm gai vài bước thì người lính trực đã phát giác ra cô. Anh chĩa súng vào người cô để cô dừng lại. Máu me đã chảy lai láng từ đầu gối cô, cô khóc sướt mướt khi biết rằng cô không còn chút hy vọng nào để trốn thoát. Nhưng trước sự ngạc nhiên của cô, cô nghe người lính Đức Quốc Xã gọi tên cô:

- Êli, có phải cô không?

Không thể tưởng tượng được, cô nhìn thẳng vào mặt người lính, nhận ra anh là Rodge, người bạn học rất thân của cô.

Họ đã chia sẻ cho nhau biết bao nhiêu ước mơ và khát vọng. Nhưng giờ đây vì chiến tranh, hai người đang ở hai chiến tuyến đối nghịch nhau. Cô nài nỉ người lính Đức Quốc Xã:

- Rodge ơi, anh giết tôi đi, tôi không còn một lý do nào để sống nữa, tôi đã mất tất cả hy vọng rồi.

Nhưng anh nói với cô:

- Êli ơi, đừng nói thế, bao lâu mình biết mình đang sống cho ai thì đó là lý do để sống còn. Tôi sẽ giúp cô trốn thoát, tôi sẽ canh chừng cho đến khi cô leo qua hàng rào kẽm gai, nhưng cô có chịu hứa với tôi một điều không.

Người thiếu nữ nghi ngờ, nhưng nhìn thẳng vào mắt người thanh niên, cô hiểu rằng anh rất thành thực.

Anh nói với cô:

- Xin cô hứa với tôi là khi cô được tự do, cô sẽ liên tục tự mình hỏi mình một câu hỏi cho đến khi nào có ai đó trả lời cho cô nghe. Câu hỏi đó là: Tại sao Chúa Giêsu Kitô làm cho cuộc đời đáng sống?

Cô hứa với tôi nghe Êli, Ngài là lý do duy nhất để chúng ta sống. Cô hãy hứa với tôi điều đó cho đến khi cô tìm được câu trả lời nghe!

Cô gái hầu như la lớn: vâng, tôi xin hứa.

Nhưng khi vừa leo qua hàng rào kẽm gai, cô cảm thấy có lỗi, cô tự nghĩ lẽ ra mình không nên hứa bất cứ điều gì để thoát ra khỏi địa ngục này. Khi cô vừa nhảy qua được bên bờ tự do, cô nghe được nhiều tiếng súng nổ, vừa chạy vừa nhìn lại, cô cứ tưởng rằng người thanh niên đã để ý nên bắn theo cô. Kỳ thực trước những kinh hoàng của cô, cô thấy những người lính Đức khác chạy đến chỗ của Rodge và khi biết rằng anh ta đã để cho cô đào thoát, họ đã nả súng vào người anh. Cô hiểu rằng, Rodge đã chết cho cô để cô được biết Chúa Giêsu. Từ đó cô không ngừng tự hỏi:

Giêsu là ai mà có thể khiến cho người khác sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để cô được biết Ngài?

R. Braustein đã nói: "Người ta có thể cho mà không thương, nhưng không thể thương mà không cho". Cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương con người "cho đến cùng" (Ga 13, 1) đã xuống thế làm người chịu chết, đền tội cho con người và sống lại để cho con người cùng được sống với Ngài, nên Rodge đã liều thân cứu bạn mình với ước mong rồi ra bạn mình cũng sẽ nhận ra rằng mình được Chúa thương. Đó là hạnh phúc lớn nhất của con người: được Thiên Chúa yêu thương.

Thiên Chúa là Tình Yêu, và yêu là quên mình để sống cho người khác (1 Ga 4,8) là chia sẻ cuộc đời cho đến hy sinh cả thân mình.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con xác tín cách mạnh mẽ rằng mình được Chúa yêu thương và cố gắng sống xứng đáng với tình yêu ấy.

IV. DIỄN Ý

1. Đức Giêsu Kitô, "Tấm bánh bẻ ra"

Vì yêu thương mà Chúa Giêsu đã tự hiến làm "tấm bánh bẻ ra" (x. Mt 26, 6) để ở lại và nuôi sống chúng ta: "Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy" (1 Cor 11, 23-24). Hành vi "bẻ bánh" của Đức Giêsu là bẻ chính thân mình Ngài để dâng hiến cho Chúa Cha (sát tế) chính mạng sống của Người và để ban cho chúng ta Thịt máu Người làm của ăn, thức uống thiêng liêng nuôi sống chúng ta.

Ngày nay Đức Giêsu vẫn là tấm bánh bẻ ra cho chúng ta hưởng dúng, khi trong Phép Thánh Thể Người tự hiến làm của ăn nuôi sống chúng ta. Theo Đức Gioan-Phaolô II, "Thánh Thể không chỉ biểu lộ sự hiệp thông trong đời sống Giáo Hội mà còn là một kế hoặch của tình liên đới cho cả nhân loại" (Mane Nobiscum Domine, 27). Thật vậy, Chúa Kitô là "bánh hằng sống từ trời xuống" (Ga 6, 33) là Đấng duy nhất có thể thoả mãn cơn đói của con người mọi thời đại và mọi nơi trên thế giới, đáp ứng mọi khát vọng thâm sâu nhất của con người: cơn đói tinh thần, cũng như vật chất.

Xưa Chúa đã chạnh lòng thương xót, khi trông thấy đám đông "vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt" (Mt 9, 36), thì nay, trong Phép Thánh Thể Đức Giêsu tiếp tục chạnh lòng thương trước cảnh nghèo khó, khốn khổ của nhân loại. Không còn hiện diện cách hữu hình nơi trần gian, Chúa mượn tâm hồn, đôi tay và đôi chân của chúng ta, nhờ kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, để mang tấm bánh cứu chuộc đến cho mọi người. Vì chỉ có Chúa mới làm no thoả tâm hồn con người. Chỉ có Ngài mới đáp ứng được nổi khát khao công lý, tình thương và nhất là sự sống đời đời: "Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy sẽ sống đời đời" ( Ga 6, 51).

2. Giáo Hội, "Tấm bánh bẻ ra".

"Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22, 19). Giáo Hội sơ khai tiếp tục cử hành bí tích Thánh Thể được gọi là lễ "bẻ bánh" (Cv 2,42), tại các nhà riêng của tín hữu (Cv 2,46). Bẻ bánh trở thành nét đặc trưng của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai.

Mỗi lần cộng đoàn Giáo Hội cử hành Thánh lễ, nhất là vào ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa, là mỗi lần Giáo Hội cảm nghiệm sự hiện diện của Đấng Phục sinh và ý thức hơn về "Thân Mình bị nộp" và "Máu đổ ra" cho "nhiều" người được tha tội (x. Mt 26, 28). Giáo Hội không thể giữ riêng"tấm bánh bẻ ra" là Đức Giêsu khổ nạn và Phục sinh cho riêng mình mà phải chia sẻ cho người khác.

Cuộc đời của Đức Giêsu là tấm bánh bẻ ra. Tấm bánh trong bữa Tiệc Ly đã trở thành tấm thân Ngài, được bẻ ra và trao cho con người qua cái chết thập giá. Do đó, rước lễ là nuôi sống mình bằng chính sự sống của Chúa (x. Gn 10,10), vừa mở tâm hồn chúng ta theo con đường tình thương và chia sẻ. Thánh Phaolô đã khẳng khái quả quyết rằng việc cử hành Thánh Thể sẽ thiếu sót nếu không thực thi việc chia cơm sẻ áo cho những người nghèo túng (x. Mane Nobiscum Domine, 28).

Tình yêu đòi phải được san sẻ. Qua việc rước lấy Mình Máu Chúa, Đấng đã hy sinh cho đến chết vì ta, chúng ta sẽ được sức mạnh để hy sinh chính mình mà sống cho Chúa và anh em. Đồng thời, rước lễ liên kết chúng ta nên một Thân Thể, vì "tất cả chúng ta cùng chia sẻ một tấm Bánh" (1C 10,17). Sống hiệp thông và chia sẻ cơm áo với những người túng nghèo là biểu hiện của người môn đệ Chúa và là tiêu chuẩn cho thấy ta đã thực sự sống Phép Thánh Thể hay chưa (Mane Nobiscum Domine, 28).

3. Mỗi Kitô hữu là "Tấm Bánh bẻ ra".

"Các con hãy cho họ ăn đi" (Lc 9, 13; Mt 14, 16). Lời Chúa ngày hôm nay vẫn vang vọng thúc bách chúng ta dấn thân sống tình huynh đệ và phục vụ cho những kẻ bé nhỏ nhất. Bí Tích Thánh Thể chính là nguồn mạch và là sự thể hiện sự hiệp thông. Khi lãnh nhận Bánh Thánh, chúng ta được Chúa biến đổi thành tấm Bánh bẻ ra cho anh em, chấp nhận bị vỡ tan, bị nghiền nát, trở thành thức ăn cho mọi người.

Nhờ kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể chúng ta trở nên tấm bánh bẻ ra cho mọi người, chấp nhận dâng hiến cuộc đời mình để anh em "ăn". Đó là những người nghèo khó và khốn khổ, cô thế cô thân trong xã hội, những người bị coi thường, bị khinh dể và bị hất hủi, những người chết vì thiên tai, bệnh tật, già lão, cô đơn, thất nghiệp, tỵ nạn bơ vơ....(x. Mane Nobiscum Domine, 28)

Đ ức Gioan-Phaolô II nhắn nhủ: Bí tích Thánh Thể thôi thúc tín hữu trở thành chứng nhân của Đấng Phục Sinh, để biến đổi thế giới, làm cho thế giới được dậy men những giá trị phúc âm. Đời sống người tín hữu phải vọng lên những lời Chúa Cứu Thế đã nói: "Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không khát bao giờ" (Ga 6, 36). Mỗi người phải là "tấm bánh bẻ ra" cho anh em mình đôi khi đến độ phải hy sinh cả cuộc đời.

Thật vậy, Chúa cần sự cộng tác của con người khi bảo các môn đệ:"Các con hãy cho họ ăn đi" (Mt 14, 16) để biến năm chiếc bánh và hai con con cá cho năm ngàn người ăn. Chúa cần chúng ta mở lòng quảng đại, phục vụ quên mình trong yêu thương để một đoàn dân đông đảo được tề tựu trong Bàn Tiệc Nước Trời.

(Theo "La Mission: pain rompu pour la vie du monde", message de Jean-Paul II, 22. 02. 2005)

Lạy Chúa, thế giới vẫn còn quá nhiều người nghèo tình thương và vật chất, xin cho chúng con sống quảng đại, mở rộng con tim yêu thương để có đủ chổ cho mọi người. Amen

Kiểm điểm

1. Có chịu Phép Thánh Thể để hưởng dụng riêng một mình không?
2. Khi rước Thánh Thể ta có nghĩ dến người khác không?
3. Có chia sớt cho người khác được điều gì không?
4. Có biết nhờ Phép Thánh Thể để cộng tác với người khác không?
5. Có nhờ Phép Thánh Thể khi làm việc bát ái không: trong chia sẽ giáo lý, giúp người khó khăn...

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI.

Nhờ Giáo Hội, tôi lãnh nhận ơn Chúa, nhưng tôi lại không phân phát cho những người chung quanh. Xin Chúa thương xót tôi.

Tôi không chia sớt tiền của cho anh chị em túng thiếu. Xin Chúa thương xót tôi.

Tôi không chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho anh chị em cùng hưởng. Xin Chúa thương xót tôi.

LỜI NGUYỆN CHUNG.  

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Trong phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu bẻ bánh trao cho các môn đệ, để các ông phân phát cho dân chúng. Theo lệnh truyền của Chúa, Giáo Hội cử hành nghi lễ bẻ bánh và sống chia sẻ. Chúng ta hợp ý cầu nguyện cho mọi người:

1. Chúa Giêsu phán với các môn đệ: "Các con hãy lo cho họ ăn". Chúng ta cầu nguyện cho hàng giáo sĩ trong Hội Thánh, tận tình phân phát Lời Chúa, sốt sắng dâng Thánh lễ và ban các Bí tích cho Dân Thiên Chúa.

2. Chúa Giêsu phán: "Các con là ánh sáng cho trần gian". Chúng ta cầu nguyện cho dân Kitô-giáo, biết san sẻ ánh sáng Chúa Kitô, rao giảng Tin Mừng, đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người lân cận.

3. Với dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, Chúa Giêsu bảo: "Con hãy đi và làm như vậy". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người, biết yêu thương và giúp đỡ nhau, không phân biệt sang hèn hay nghèo giàu.

4. Chúa Giêsu phán: "Các con hãy vào hưởng sự vui mừng trên trời, vì xưa Ta đói, các con đã cho Ta ăn". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết chia sẻ của cải vật chất và ơn thánh tinh thần cho mọi người.

Kết thúc: Lạy Chúa, Con Chúa đã dạy chúng con phải chia sẻ các ơn Chúa cho mọi người. Xin Chúa ban Thánh Thần, giúp chúng con dám mạnh dạn thực hành Lời Chúa, hầu làm cho mọi người đạt tới sự thánh thiện trên Quê Trời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

GÓP PHẦN

Hình ảnh của sự chia sẻ được Phúc Âm diễn tả qua việc Chúa Giêsu làm phép lạ hoá năm chiếc bánh và hai con cá ra nhiều nuôi hơn 5000 người. Phép lạ không nằm ở chổ Chúa "hô biến", tức khắc năm chiếc bánh và hai con cá biến thành một đống bánh khổng lồ để cho dân chúng mạnh ai nấy lấy mà ăn thoả thích; nhưng Chúa cầm lấy bánh và cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ trao cho mọi người, và mọi người trao cho nhau. Chính khi mọi người trao cho nhau, Chúa làm phép lạ, bánh và cá cứ tiếp tục sinh sôi bao lâu những bàn tay còn trao cho nhau.

Việc hoá bánh ra nhiều là biểu tượng của Bí tích Thánh Thể mà Chúa sẽ thiết lập sau này: Chúa Giêsu cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói "Này là Minh Ta . . . ". Rồi bảo các môn đệ: "Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Từ đó các môn đệ tiếp tục trao ban cho mọi người cho đến tận thế. Như vậy, ngoài cơm bánh là của ăn vật chất cho con người, Chúa Giêsu còn ban cho con người lương thực thiêng liêng vô giá, là Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa trong bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể được gọi là "Bữa tiệc chia sẻ tình yêu - Bữa tiệc bẻ bánh".

Mỗi Thánh Lễ là một cuộc chia sẻ: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến dự tiệc thiêng liêng của Ngài trong Thánh Lễ, để nhận lãnh của ăn đem lại sự sống đời đời. Ngài cũng mời gọi chúng ta góp phần với Ngài để chia sẻ cho anh em: chia sẻ của ăn thiêng liêng là chính sự sống của Chúa, chia sẻ của ăn vật chất là góp phần của mình , dù nhỏ mọn, để phục vụ anh em, để làm chứng cho Chúa.

Góp phần với Chúa Giêsu để Ngài tiếp tục trao ban, chúng ta phải có những việc làm cụ thể, mà một ai đó ẩn danh đã viết thành một bài thơ, hiện nay còn được treo tại một Đan Viện các nữ tu dòng thánh Clara nước Brazil như sau:

"Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban sự sống, Nhưng bạn có thể mang lại cho người khác ước muốn vui sống. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban Đức Tin, Nhưng bạn có thể làm chứng nhân cho Ngài. Chỉ có Thiên Chúa mang lại niềm hy vọng, Nhưng bạn có thể mang lại niềm tín thác cho anh chị em mình. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tình thương, Nhưng bạn có thể dạy tha nhân biết yêu thương. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban hoà bình, Nhưng bạn có thể gieo sự đoàn kết. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban niềm vui, Nhưng bạn có thể mỉm cười với mọi người. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban sức mạnh, Nhưng bạn có thể nâng đỡ người nản chí thất vọng. Chỉ có Thiên Chúa là Đường, Nhưng bạn có thể chỉ đường cho người khác. Chỉ có Thiên Chúa mới là Ánh Sáng, Nhưng bạn có thể làm ánh sáng ấy sáng chói trước mặt người khác. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm phép lạ, Nhưng bạn có thể đem đến năm cái bánh và hai con cá. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm những điều không thể thực hiện được, Nhưng bạn có thể làm những gì có thể làm được. Chỉ có Thiên Chúa mới làm đầy đủ cho chính mình, Nhưng Ngài muốn cậy nhờ vào bạn.

VII. TÌM HIỂU TÔN GIÁO BẠN

MỘT CÁI NHÌN VỀ CÁC TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM

Chúng ta phải nhìn nhận rằng tôn giáo của đa số người Việt đúng là rất phức tạp: như đạo Cao Đài hiện nay là tập hợp nhiều tôn giáo thành một tương hợp.

Dầu vậy chúng ta có thể nhận định: dân tộc Việt Nam là một dân tộc có lòng đạo. Phần đông tin có ông Trời. Tin có giới linh thiêng cao siêu hơn, quyền lục hơn tin có hồn thiêng (bất tử thì không rõ lắm) sau khi chết vẫn còn. Tuy nhận có giới cao siêu linh thiêng quyền lực , nhưng tôn thờ thì mơ hồ, không nhận định tôn thờ là nhìn nhận chủ tể tuy ệt đối và cũng không cảm thấy là phận sự nhưng ở đâu linh thiêng và lợi ích cho mình thì thờ. Cũng không hẳn là thờ mà chỉ là một nghi thức có lợi cho mình (Phật, Thần, ông bà... phù hộ).

Đạo như thế không gọi được là đạo, cho đi tạm gọi là đạo. Ở đây chúng thấy được có nhiều điều không hợp lý. Dẫu vậy, niềm tin ấy vẫn có những điểm như nhìn nhận có giới cao siêu, có hồn thiêng bất tử,...đó cũng là chân lý.

Bài 1 : ĐỐI THOẠI

Đức Gioan-Phaolô II nhiều lần khuyến khích ta đối thoại với các tôn giáo bạn. Chúng ta hãy nhận định và tìm hiểu đối thoại là gì?

Đối thoại là đàm đạo, là chuyện trò với nhau để bàn luận, đối chiếu với nhau về một y, một tác động nào đó, để tìm hiểu rõ nhau, giải toả những đố kỵ lẫn nhau và tìm cách liên kết với nhau trong vài việc từ thiện bát ái. Cho được đối thoại như thế thì trước tiên phải gặp nhau rồi phải hiểu biết nhau ít nhiều- không gặp nhau thì làm sao đối thoại! Không biết nhau chút nào hết thì nói những chuyện gì? Chỉ gợi ý giao tiếp.

Muốn đối thoại thật sự thì phải biết tôn trọng đối phương: tôn trọng người và như vậy phần nào tôn trọng ý kiến, đạo lý của người đối thoại.

Không tự phụ mình là người đã được gặp đạo Chúa mạc khải, chắc chắn là chân chính, cho nên khinh dễ lý thuyết của họ và cũng khinh thường chính con người của họ. Người công giáo quá tự phụ không thể đối thoại, mà "đối... thọi."

Tiếp xúc trình bày những chân lý của đạo mình không bao giờ nên áp đặt: tranh tiên (trong trường hợp cãi vả ta nên nhớ: thắng một người là thua một người; chinh phục một người là chinh phục được nhiều người).

Phần khác chúng ta phải biết nghe, biết trọng những điều hay trong tôn giáo bạn ( có cỏ nào mà không có rễ- thảo vô căn).

Cần phải đối thoại vì là một vật sống xã hội- Đức Gioan Phaolô II lại nói đối thoại: là một hình thức của bác ái, đưa đến kết hợp.

Chúng tôi sẽ cố gắng trình bày căn bản của Tam Giáo, mong nhờ đó chúng ta đối thoại chân tình và tôn trọng nhau. Dĩ nhiên kết quả sâu xa thì phải tin tưởng nương nhờ nơi Chúa.

Bài 2 : ĐỐI THOẠI VỚI PHẬT GIÁO

Sống xã hội thì cần phải đối thoại. Nếu vì mình có tôn giáo khác biệt cho nên không muốn tiếp xúc đối thoại với tôn giáo bạn, thì đạo mình trở thành yếu tố phá hại xã hội hay ít ra là không giúp kiến tạo xã hội, vì sống độc lập chia rẽ.

Để đối thoại thì cần kiếp phải gặp nhau, tiếp xúc với nhau, biết nhau ít nhiều, mới cùng nhau bàn luận, trao đổi, thấy được những điểm tương đồng, giải toả những đố kỵ và tìm những cảm tình tương ứng với nhau để cùng vui sống cùng nhau sinh hoạt.

Chúng ta thử tìm hiểu chút ít về Phật giáo. Có thể nói ngắn gọn: Phật giáo là con đường là lề Phật dạy để con người thoát khỏi bể khổ trần ai! ( đường giải thoát) để vào được Niết Bàn? ( thiên đàng?).

Chắc chắn chúng ta không biết hết và cũng không chắc chúng ta hiểu đúng ( cónhiều nhà nghiên cứu, gần như mỗi người có một lối hiểu). Dẫu vậy, cũng nên biết vài điều cốt yếu.

Nền tản căn bản của phật giào là tứ diệu đế.
Tứ diệu đế là bốn nền tảng huyền diệu: Khổ- Tập- Diệt- Đạo ( chân lý nền tảng).

1) Khổ đế: đời là khổ!

Sinh, bệnh, lão, tử: khổ. Ghét nhau mà phải chung sống là khổ. Thương nhau mà phải lià nhau là khổ... những đều mình mong ước mà không đạt được là khổ. Đạt được rồi mà lại không giữ được là khổ. Nhưng chi không thường còn mạnh lên, lớn lên thì khổ ( có thể hiểu: chính cái không thường còn là khổ).

Ngay những đều thường thiên hạ cho là hạnh phúc cũng chứa đựng những cái khổ... mình sướng một chút cũng ít nhiều bắt người ta khổ cho mình thụ hưởng. Thụ hưởng rồi sợ mất cũng khổ. Khoái lạc cũng có cái khổ! Không thoả mãn hoàn toàn và có thể gây mệt nhọc bệnh hoạn, hiệu quả là sinh con, phải khổ tâm nuôi dạy. ăn nhậu khoài khẩu cũng thế.

Phật trí đã quả quyết: đời là khổ! Như nước biển chỉ có một vị là mặn.

2. Tập đế.

Đời là khổ! Nhưng do đâu là khổ? Chính phật nói qua, nhưng về sau mới có giáo thuyết thập nhị nhân duyên (1. Vô minh, 2. Hạnh, 3. Thức, 4. Danh sắc, 5. Lục nhập, 6. Xúc, 7. Thụ, 8. Ái, 9. Thủ, 10. Huỷ, 11. Sinh, 12. Lão, tử).

Gọi là nhân duyên không phải nguyên nhân đưa đến hiệu quả, mà là một dịp, một duyên, là cớ làm phát sinh hiệu quả.

Giải thích thập dị dài dòng và phức tạp. Chúng ta có thể nói tắt lại: tham, sân, si là duyên tạo khổ.

Đầu tiên là là vô minh ngu muội tạo nên tham dục sai lầm đưa đến kết quả:là sân không hài lòng, nên bực tức: khổ.

Chú ý: Thập nhị nhân duyên và nghiệp liên kết ra ngũ uẫn tức là sắc.

Có thể kết luận khổ có nhân duyên. Duyên tập hợp nên khổ (không có các tội riêng biệt).

3. Diệt đế.

Khổ, có thể diệt được. Diệt được nhân duyên khổ thì cũng diệt được khổ. "Duyên hà mãn" nghĩa là dòng chảy của duyên đến chở đầy là tạo khổ.

Còn duyên là khuynh nghĩa là ngược dòng sinh tử; diệt được vô minh là diệt được khổ.

Diệt được cái vô thường (vô thương còn) nghĩa là nghiệp, hợp với ngũ uẫn tạo nên cái hình danh sắc tướng hoặc cái vô thường còn. Vượt lên trên cái vô thường còn để tiến vào thường còn, thì vượt khỏi bến mê bể khổ. Khổ diệt được.

4. Đạo đế: nền tảng huyền dịu thứ bốn.

Làm sao để hết khổ và nhảy khỏi cái vô thường (không thường còn).

Dùng bát chánh đạo: tám đường chánh, đường đúng... để thoát khổ.

Chúng ta đã nhận định khổ trong thực tế. Và cái khổ đặc biệt là đời con người không thường còn, không giây nào không biến đổi, biến đổi liên tục, không chút nào thường trụ. Do đó, con người không còn bản thể, cái tôi, cái " ngã". Không là cá biệt, tách biệt. Đó là cái khổ to tát nhất.

Bát chánh đạo gồm :1. chính kiến. 2. chính tư duy. 3. chính ngữ. 4. chính nghiệp. 5. chính mạng. 6. chính tinh tiến 7. chính niệm. 8. chính định.

Dùng bát chính đạo để diệt khổ. Vì diệt được vô minh và nhờ sáng suốt, không tạo nghiệp xấu, nên không còn chi để tập hợp với ngũ uẫn, làm nên cái gì khác trước. Nhờ đó, vào được Niết Bàn (có thể hiểu là: đồng hóa với Thường còn).

Chánh kiến là thấy đúng, loại được vô minh, làm cho cái thấy đúng, cái sáng suốt đó ăn sâu vào người. Đó là chánh tư duy. Tiếp đến do sáng suốt con người nói đúng ( chánh ngữ)- làm đúng (chánh nghiệp)- sống đúng (chánh mạng)- tiếng mãi theo sáng suốt (chánh tinh tiến)- không còn yếu tố tạo kiểu luân hồi.

Loại được cái khổ và vượt khỏi kiếp luân hồi, thì con người đạt đến tình trạng giác ngộ.

Giác ngộ có thể hiểu là gặp được cái biết chân chính toàn hảo. Có người gọi là chính giác hay toàn giác, là tình trạng chánh ý (chánh niệm) và chánh định - tâm ý trong tình trạng thường xuyên sáng suốt loại vô minh (chánh niệm) và giữ đúng trụ mãi trong tâm trí: chánh định.

Phật dưới cây bồ đề (bồ đề đạo trường) trãi qua tám đường chính để đạt tình trạng chính giác, toàn giác. Phật đã toạ thiền, ngồi suy nghĩ, hay cách vận dụng bát chính đạo.

Thiền: để đạt tình trạng Thường Còn.

a. Sơ thiền: suy nghĩ nhận thấy được tứ diệu đế.
b. nhị thiền: hài lòng vì thấy được.
c. Tam thiền: vui khoái vì thấy được.
Ba thứ suy nghĩ này phải bỏ đi hết.
d. Tứ thiền: tạo một thế trống rỗng, thầm lặng trong tâm hồn.

Đó là toàn giác vì loại, bỏ vượt lên trên những biến đỗi những cái không Thường Còn...nhờ đó mới đạt được Thường Còn: đó là đạt Niết Bàn!

Lượt qua những điểm căn bản của Phật Giáo (không chắc là hiểu đúng như Phật) Dù có nhiều lối trình bày giãi thích, chúng ta cũng nên tìm hiểu qua, để có chổ dựa cho đối thoại.

Lướt qua tứ diệu đế, ít nhiều chúng ta cũng nhận thấy có nhiều điểm trong Phật giáo, chúng ta không chấp nhận vì khác biệt với tín ngưỡng của mình (có khá nhiều, nếu anh em ngõ ý muốn biết chúng ta sẽ tìm biết sau).

Dẫu vậy vẫn có nhiều điểm: ít ra cũng có bộ mặt giống Công giáo như; đời khổ, đời biến chuyển, con người có thể thoát khổ và hưởng phúc ở kiếp sau. Sâu hơn trong tìm thức, có thể chứa đựng ý nghĩ về với nguyên lý tuyệt đối.

Đối thoại, chúng ta không bao giờ "đối thọi", nói chống nhau, nhưng luôn luôn đối tiếp. Đối tiếp nhưng không đồng hoá! Cho rằng đối phương cũng đã được Chúa soi sáng, nên có thể nhờ đó mà được rỗi! Nghĩ như thế thì vô hiệu hoá mạc khải, làm mất thế giá của mạc khải. Chúa mạc khải mới chắc chắn đúng chân lý. Chúa mạc khải mới đầy đủ, mới hoàn hảo. Khác quan điểm nhưng có thể chung sống với nhau theo bên ngoài.
Hoà nhưng bất đồng... để có thể vui sống chúng và vui cộng tác.

VIII. NGHỆ THUẬT SỐNG

MANG THƯƠNG TÍCH

Sau khi tiêm chủng trên cánh tay, bác sĩ muốn dán một băng keo trên vết chích cho cậu bé. Cậu yêu cầu: 'bác hãy dán trên cánh tay bên kia.'

Bác sĩ hỏi: "Ủa, sao vậy? Băng keo này sẽ cho mọi người biết nơi cháu bị tiêm và sẽ không chạm vào tay đau của cháu."

Cậu bé van nài: "Xin bác làm ơn dán qua tay bên kia đi. Bác không biết mấy đứa bạn học của cháu đâu!"

Cậu không muốn cho người ta thấy điểm yếu của mình. Cậu sợ để cho người khác biết nơi mình dễ bị tổn thương vì e rằng người ta sẽ llàm cho cậu đau đớn hơn hiện trạng của mình.

Người trưởng thành cũng thế, họ rất giỏi giấu nỗi đau của mình. Không hẳn là những đau đớn thể chất, mà là những nỗi đau vì mất mát, vì bị hắt hủi hoặc vì sợ hãi.

Họ muốn tỏ ra là mình biết kiềm chế; họ có thể đối chọi với mọi sự mà cuộc đời áp đặt cho họ; họ sẽ vượt qua. Và rất thường khi, họ trở nên cô đơn. Không ai hiểu họ. Không ai đến giúp đỡ họ. Họ trở thành những người mang thương tích.

Susan Muto, trong cuốn BLESSINGS THAT MAKE US BE (Crossroad book, 1982), thuật lại câu chuyện của một vị đại vương muốn tìm một tể tướng giúp mình cai trị đất nước. Cuối cùng đức vua tìm được một người thích hợp; ngài đưa ông ra bao lơn của cung điện, ở đấy họ có thể nhìn thấy toàn cảnh giang sơn.

Vị quan cận thần hỏi nhà vua: "Tâu bệ hạ, thần cần phải nhớ điều gì trước tiên, khi thực hiện thánh chỉ của bệ hạ?"

Đức vua trả lời: "Khanh à, chỉ có một đường lối phai theo thôi: hãy xem thần dân là những người đang mang thương tích"

Ông vua khôn ngoan kia hiểu rằng ai ai cũng đau thương cách này hay cách khác. Những vết thương không lộ ra, nhưng chúng đang có đó.

Hãy khám phá nơi mà người khác bị tổn thương rồi cuối cùng bạn sẽ thông cảm họ.

Hãy phát hiện nơi dán miếng băng keo vô hình rồi bạn sẽ biết cách giúp đỡ, chữa trị và đi vào cõi lòng họ.

Hãy xem họ là những người mang thương tích rồi bạn sẽ biết mình phải làm gì. (sưu tầm)

IX. HÀNH TRANG BẠN TRẺ

TẤM BÁNH ĐƯỢC BẺ RA,
HÀNH TRANG VÀO ĐỜI CỦA NGƯỜI BẠN TRẺ

Hành trang vào đời xin được đề nghị với các bạn trẻ là: "Tấm Bánh được bẻ ra", một hình ảnh của Chúa Giêsu Thánh Thể.

Bạn trẻ đi vào đời là đi vào một cuộc hành trình dài phiêu lưu với Chúa Giêsu, Ðấng được ví như "Tấm Bánh được bẻ ra" để xây dựng một thế giới mới.

Tôi xin đề nghị các bạn trẻ hãy vẽ trên miếng giấy hoặc miếng bìa cứng thật đẹp hình một tấm bánh đưiợc bẻ ra, rồi bỏ hình ảnh đó vào chiếc ba-lô hành trang, coi đó như mộ dấu chỉ nhắc nhớ bạn luôn ý thức đồng hành với Chúa Giêsu Thánh Thể, Ðấng bạn yêu mến, tôn thờ và sống thân mật với Ngài trong hành trình cuộc đời.

Bạn thừa hiểu rằng, Thánh Thể đó chính là Thân Thể Thánh thiêng của Chúa Giêsu. Như vậy, vấn đề đã rành rành rằng, không có Thánh Thể, bạn không có Chúa Giêsu: Ðể có thể vào đời như Chúa Giêsu đã vào đời, bạn phải sống với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ðó đích thực là ý nghĩa của câu nói: "Con cùng Chúa vào đời trong Ngàn Năm Mới".

Tiếc thay cho thời đại chúng ta, càng ngày càng có nhiều người rời xa Thánh Thể vì rời xa Thánh lễ. Con số người Kitô hữu trên thế giới, đặc biệt là các bạn trẻ Kitô đi tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật ngày càng ít đi. Do đó, lòng đạo ngày càng sa sút, sức sống ngày càng suy yếu vì thiếu đi sức mạnh của Thánh Thể. Có những người đi xây dựng thế giới mà không thấy thành công, vì những người đó quá chú tâm đến việc học, đến tài năng tự nhiên, mà quên đi, hoặc không chú trọng đủ đến sức mạnh tinh thần, sức mạnh đón múc nơi nguồn mạch chính, đó là Thánh Thể.

Bàn đến Thánh Thể trong những ngày chuẩn bị Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới thật là hợp tình hợp cảnh: Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Năm Thánh Thể, kéo dài từ tháng 10/2004 đến tháng 10/2005, có ý muốn chúng ta đi sâu hơn vào việc chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa.

Vậy, Năm Thánh Thể, đặc biệt là Ðại Hội Giới Trẻ được tổ chức trong thời gian của Năm Thánh Thể, là thời gian rất thích hợp để các bạn trẻ hướng về Bí tích Thánh Thể, hiểu biết sâu xa hơn về mầu niệm Thánh Thể, để chuẩn bị một hành trang vào đời bất khả khiếm khuyết.

Chúng ta có thể quả quyết rằng, việc cử hành Năm Thánh Thể chỉ đạt được mục tiêu của nó khi người bạn trẻ thực sự biết hướng về Ngôi lời Nhập Thể để học hỏi (tri thức), rồi để từ đó, đón nhận Thánh Thể (sống), và cùng với Thánh Thể đi vào đời với ước mong xây dựng một thế giới mới nhân đạo hơn, và đầy tình người hơn.

Sở dĩ chúng ta dám nói chủ yếu là nhờ Thánh Thể mà chúng ta có thể đi vào đời để xây dựng một thế giới đầy tình ngời hơn, vì Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình yêu, và Thánh Thể là nguồn sức sống để chúng ta vững bước trên hành trình đức tin, với sứ mạng dấn thân phục vụ trong công việc tông đồ và truyền giáo.

Ðức Cố Giáo Hoàng nhắc đi nhắc lại điều này: Thánh Thể là Tấm Bánh được bẻ ra để xây dựng một thế giới mới; Thánh Thể là trung tâm điểm của công cuộc truyền giáo, Thánh Thể là hồn tông đồ,... Chúng ta chỉ có thể có sức mạnh tinh thần khi chúng ta sống kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể bằng việc rước lễ, bằng vệc đón nhận Thánh Thể, để Chúa Giêsu Thánh Thể biến đổi chúng ta nên giống như Ngài là tình yêu.

Bạn còn nhớ, xưa kia trong thời Cựu ước, Dân Chúa đã nhờ bánh man-na để có đủ sức cho cuộc hành trình trong sa mạc thế nào, thì ngày nay, trên hành trình sa mạc vào đời, bạn cũng cần man-na thiêng liêng thể ấy, đó là Bánh bởi trời ban xuống cho bạn từ 2000 năm qua: Chúa Giêsu Thánh Thể. Của ăn này xem ra đã rất cũ, cũ như 2000 năm, nhưng cũng thật là mới, và luôn luôn mới, bởi vì " Ðức Giêsu Kitô hôm qua vẫn là Ðức Giêsu Kitô hôm nay..." (Dt 13:8). Sức sống tâm linh của bạn khi vào đời hoàn toàn tuỳ thuộc vào sức sống của Chúa Giêsu Thánh Thể.

Những gì Chúa Giêsun đã nói cách đây 2000 năm về Thánh Thể, nay vẫn còn nguyên hiệu lực và chắc chắn vẫn còn nguyên sức sinh động trong tâm hồn người bạn trẻ chúng ta. Ngài đã nói gì về Thánh Thể? Ngài đã nói rất nhiều. Ở đây, xin mời bạn nghe lại một vài lời nguyên văn chính Ngài nói với dân chúng thời đó:

Câu quan trọng nhất là: " Ðây là Mình Thầy, hy sinh vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy... Chén Thầy là giao ước mới, lập bằng Máu Thầy, máu đổ ra vì anh em" (Lc 22:19 -20).

"Vì chỉ có một Tấm Bánh, chúng ta tuy nhiều nhưng cũng là một thân thể, vì chúng ta được thông phầm vào cùng một tấm bánh" (1Cr 10:17 ).

"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta" (Ga 1:14 ).

Những lời nói trên đây hẳn phải còn rất sinh động trong thế giới văn minh chúng ta ngày hôm nay. Những lời đó, và còn nhiều lời khác nữa của Ngài về Thánh Thể phải vang vọng tong tâm hồn người bạn trẻ trong hành trình vào đời trong Kỷ Nguyên Mới này.

Bạn trẻ nào cũng có thể mang trong tim những mộng ước cho công cuộc cứu độ thế giới. Những mộng ước đó chỉ có thể thực hiện được cách thành công nhất khi bạn thực hiện trong tinh thần hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể, với toàn thể Giáo Hội, và với các bạn trẻ khác. Bởi thế, bạn không nên đứng riêng lẻ một mình. Mục đích chính của các Ngày Ðại Hội Giới Trẻ Thế giới là để tạo nên và làm cho sống lên tinh thần hiệp thông giữa cá bạn trẻ Kitô với nhau, và qua đó, tạo nên ý thức tình liên đới đại đồng giữa các bạn trẻ Kitô và các bạn trẻ không Kitô, hầu dẫn đến sự hiệp thông giữa các bạn trẻ với Giáo Hội hoàn vũ, và tình liên đới giữa các bạn trẻ Kitô với cộng đồng nhân loại. Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Koln càng phải mang lấy chiều kích hiệp thông này hơn bao giờ hết, khi những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới tuôn về Koln tham dự với ý thức rằng mình đến gặp nhau để cùng siết chặt tay nhau, và cùng diù nhau bước vào đời trong KỶ Nguyên Mới, ngõ hầu trong Kỷ Nguyên Mới này, các bạn cùng đồng hành với nhau, và cùng nhau đồng hành với Ðức Kitô trên hành trình đức tin, và trên bước đường phục vụ cộng đồng nhân loại.

Các bạn đã thấy rõ hơn tầm quan trọng và giá trị của hành trang vào đời này (Thánh Thể). Thường người ta không thấy ham thích một cái gì đó, nếu người ta không thấy nó đáng quý.

Chúng ta dùng câu nói sau đây của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để tóm kết chủ đề của chúng ta:

"Mượn lời thánh I-rê-nê, tôi muốn nói rằng, chúng ta không thể cho phép mình để cho thế giới nhìn thấy hình ảnh một mảh đất khô cằn, sau khi chúng ta đã đón nhận lời Chúa như một cơn mưa từ trời; và chúng ta sẽ không bao giờ mơ ước làm nên một tấm bánh duy nhất, nếu chúng ta ngăn cản các nhúm bột liên kết thành một khối bột dẻo nhờ nước đã được đổ xuống trên chúng ta". (Ðức Thánh Cha trích lời của thánh I-rê-nê trong "Chống lạc giáo", III, 17: PG 7,930)

1069    20-04-2012 10:09:30