Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Giáo Hội Sống Tình Yêu Tự Hiến - Tháng 08 năm 2005

CHỦ ĐỀ: GIÁO HỘI SỐNG TÌNH YÊU TỰ HIẾN

I. THƯ MỤC VỤ số 8.

Mầu nhiệm Thánh Thể làm nên một Giáo Hội biết yêu thương, vì đã học yêu thương, đã không ngừng cử hành mầu nhiệm tình yêu sâu thẳm nhất. Giáo Hội được Thiên Chúa yêu thương và sống nhờ tình yêu của Thiên Chúa. Khía cạnh mà Giáo Hội kinh nghiệm nhiều hơn cả là tình yêu tự hiến của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, vì Giáo Hội không ngừng đón nhận và sống bằng sự tự hiến ấy. Giáo Hội sống bằng Thân Mình bị nộp của Chúa Giêsu, bằng Máu của Chúa đổ ra cho mọi người được tha tội, bằng Thần Khí hằng hữu đã thúc đẩy Chúa Kitô tự hiến mình làm lễ hy sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa (x. Dt 9,14)....

Nếp sống tự hiến ấy của Giáo Hội thể hiện rõ nét nơi những người biết dâng hiến đời sống, biết quên mình phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

II. DẪN GIẢI

1. Đức Gioan Phaolô II quả quyết: nhân loại muốn xây dựng xã hội thăng tiến, nhưng nếu không xây dựng bằng tình yêu thì xã hội sẽ tan rã.

2. Văn minh xây dựng bằng ích kỷ, tiền bạc, truỵ lạc...không hẳn là xây dựng mà đúng ra là tàn phá, là văn minh đưa đến chỗ chết. Xây dựng xã hội đạo đức lành mạnh mới làm cho xã hội sống. Muốn vậy, phải thương yêu, phải xây dựng bằng tình thương. Đó là đường lối của Hội Thánh, đường lối của thương yêu và sống thật.

3. Thánh Thể là nguồn tình yêu. Hội Thánh múc được tình yêu nơi Thánh Thể, sống tình yêu nhờ Thánh Thể. Sống tình yêu tự hiến như Thánh Thể đưa đến tuyệt đỉnh là hiến mình nên Bánh tình yêu cho người biết dùng. Biết dùng thì cũng biết tận hiến: quên mình phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Đó chính là đặc tính của Hội Thánh: sống tình yêu tự hiến.

III. CHUYỆN MINH HOẠ 

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Một hôm Abd-ed-Kader, hoàng tử Ả Rập đi qua các khu phố ở Marseille với một ông quan nước Pháp, vừa gặp một linh mục đang đem Thánh Thể Chúa cho bệnh nhân, thấy ông quan Pháp dừng lạ, bỏ mũ và quỳ gối xuống, hoàng tử Ả Rập hỏi lý do về các cử chỉ này, viên quan trả lời:

- Tôi thờ lạy Chúa mà linh mục đem đi cho bệnh nhân.
- Sao lại có chuyện như vậy? Ông tin rằng Chúa Trời là Đấng cao cả mà lại làm cho mình ra tầm thường, đến ở nhà người nghèo khó sao? Chúng tôi người Mahômet ý thức rằng Thiên Chúa là Đấng rất cao cả.
- Chính vì quí ông chỉ có một tư tưởng là Thiên Chúa rất cao cả, mà không biết Ngài là tình yêu.

Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa dựng nên con người là vì yêu thương và để con người được sống trong tình thương của Người. Tội lỗi con người không thể bẻ gãy chương trình của Thiên Chúa. Do đó, con Thiên Chúa, từ trời cao xuống thế trở nên người phàm để chuộc lại hạnh phúc mà con người đã đánh mất, bằng cái chết và sự Phục sinh của Người.

Vả để ở lại mãi với con người mà Chúa yêu thương, Ngài lập Phép Thánh Thể để ở lại và hiến thân làm của ăn nuôi sống loài người.

Thánh Bênađô nói: "Thánh Thể là tình yêu vượt trên mọi tình yêu trên trời dưới đất". Thánh Tôma Aquinô thêm: "Thánh Thể là nhiệm tích tình yêu, là tình yêu, và sinh ra tình yêu". Chính khi tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta sống lại hy tế Thập Giá, chúng ta cảm nghiệm được tình thương vô cùng của Thiên Chúa dành cho chúng ta để chẳng những cứu chúng ta khỏi chết mà còn mang lại sự sống vĩnh cửu cho mỗi người chúng ta. Điều đó thôi thúc chúng ta cũng phải hiến thân phục vụ anh em mình. Có như vậy, chúng ta mới thực sự sống Phép Thánh Thể mà chúng ta đón nhận.

IV. DIỄN GIẢI

1. Thế nào là tình yêu tự hiến?

Chúng ta thường có quan niệm rất mơ hồ về tình yêu. Khi yêu thích ai, chúng ta cảm thấy muốn tiếp xúc, muốn gần gũi và khi tiếp xúc, gần gũi với đối tượng, ta cảm thấy vui và hài lòng. Tại sao thế? Thường chúng ta ít đặt vần đề, hoặc không nhận thấy điều nầy.

Thương nhau vì nhu cầu cần được bổ túc (tính dục), thương nhau vì tâm tính hợp nhau (đồng thinh tương ứng) hoặc vì ý muốn giống nhau (đồng khí tương cầu) hoặc nhận thấy những đức tính thiện hão nơi một ai đó, làm phát sinh nơi ta tình thương mến phục và ao ước có được những đức tính thiện hão ấy. Đi xa hơn, ta muốn chiếm hữu chính đối tượng có thiện hão như thế.

Tình yêu như thế, đi từ chỗ hạp thể xác, hạp ý chí, hạp tinh thần, đều ít nhiều còn mang tính ích kỷ và chiếm hữu. Tình yêu như thế là thứ tình yêu còn hèn kém. Tuyệt đỉnh của tình yêu là tình yêu tự hiến. Đó chình là tình yêu của Thiên Chúa. Mọi tình yêu tự hiến đều phát xuất từ Thiên Chúa.

Nơi Thiên Chúa không có tình yêu gọi là bổ túc (hoặc giống nhau, hạp nhau), vì Thiên Chúa tự mãn. Con người không thể tự mãn, vì con người không ai hoàn hảo cả. Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo, nên chỉ mình Thiên Chúa mới có thể tự mãn. Đó đó, Thiên Chúa không cần phải bổ túc.

Cho nên, tình thương của Thiên Chúa mới đúng là tình yêu tự hiến và tràn đầy. Thánh Tôma Aquinô nói: Thương ai thì muốn điều tốt cho người đó. Chính Thiên Chúa đã làm như thế khi ban cho con người giống hình ảnh Người để đáng được Chúa thương, đến độ đã sai Con Một Chúa đến trần gian chịu chết đền thay tội cho con người. Qua việc hiến mình chịu chết, Chúa Kitô đã tự hiến cho tình yêu Chúa Cha và tình yêu đối với con người.

Trong Phép Thánh Thể, Chúa Kitô tự hiến toàn vẹn con người, sự sống của Chúa cho chúng ta để chúng ta được sống và được sống dồi dào (x.Ga 10, 10).

2. Giáo Hội sống tình yêu tự hiến

Sáng kiến tình thương độc đáo của Chúa Giêsu khi lập Phép Thánh Thể là để hiện tại hoá hy tế Thập giá, tái diễn lại cái chết dâng hiến của Chúa Con vì yêu thương Chúa Cha và yêu thương con người cho đến cùng. Cái chết có sức khoả lấp mọi tội lỗi và mang lại sự sống cho chúng ta.

Bằng sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể, Chúa qui tụ Hội Thánh và làm cho Hội Thánh được sống, nhờ ăn Thịt và uống Máu của Người. Vì Chúa Kitô "Bánh hằng sống từ trời xuống" (Ga 6, 51) là Đấng duy nhất có thể thoả mãn cơn đói khát của con người khắp mọi nơi, thuộc mọi thời đại.

Tuy nhiên, Chúa không muốn làm điều nầy một mình, Chúa để các môn đệ cộng tác vào. Ngài khích lệ các ông : "Các con hãy lo cho họ ăn" (Lc 9, 13). Ngài giao cho các ông sứ mạng lo cho đoàn chiên của Ngài: "Chúa cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng và bẻ ra, rồi trao cho các môn đệ, để các ngài mang đến cho dân chúng" (Lc 9, 16). Dấu chỉ lạ lùng nầy là hình ảnh mầu nhiệm cao cả của tình yêu, được lặp lại mỗi ngày trong Thánh lễ: qua các thừa tác viên có chức thánh, Chúa Kitô trao ban Mình Máu Người để cho nhân loại được sống. Và những ai sống nhờ Bàn Tiệc Thánh Thể, thì trở nên phương tiện sống động cho sự hiện diện Chúa, sự hiện diện đầy yêu thương, nhân từ và hoà bình.

Hội Thánh sống nhờ Thánh Thể. "Hội Thánh sống bằng Thân Mình bị nộp của Chúa Giêsu, bằng Máu của Chúa đổ ra cho mọi người được tha tội" (TMV 8)Tình yêu mà Hội Thánh múc nguồn từ Thánh Thể phải là Tình Yêu tự hiến. Hội Thánh yêu người bằng tình yêu của Thiên Chúa, mà tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu tự hiến, nên Hội Thánh cũng phải sống tình yêu tự hiến.

Tình yêu tự hiến ấy thể hiện qua việc phục vụ anh em như lời Chúa Giêsu: "Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau" (Ga 13, 14). Để đi đến cùng việc phục vụ, Chúa Giêsu đã hy sinh cho đến chết. Hội Thánh sống tình yêu tự hiến cũng phải trở nên tấm bánh cho người ta ăn, xả thân phục vụ mọi người: "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20, 28).

Và chính khi mọi thành phần trong Hội Thánh tận tâm phục vụ anh em nhất là những kẻ bé mọn cho đến hy sinh thân mình là cùng với Chúa Giêsu chúng ta đã làm cho chính Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy ở lại với chúng con!

Như hai môn đệ trong Phúc âm, chúng con khẩn xin: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ở lại với chúng con!

Chúa là Người Khách Thần Linh, kẻ biết rõ những con đường chúng con đi, biết rõ tâm hồn chúng con, xin đừng để cho chúng con bị cầm giữ bởi những bóng tối cuối ngày.

Xin hãy nâng đỡ chúng con khi chúng con mệt mỏi; xin hãy tha thứ những tội lỗi chúng con, xin hãy hướng những bước chúng con đi trên con đường điều tốt.

Xin Chúa hãy chúc lành cho các trẻ nhỏ, các bạn trẻ, các gia đình, và nhất là những kẻ đau yếu. Xin Chúa hãy chúc lành cho các linh mục và những anh chị em sống đời tận hiến. Xin chúa hãy chúc lành cho toàn thể nhân loại.

Trong bí tích Thánh Thể, Chúa trở nên "phương dược ban sự sống đời đời", xin hãy ban cho chúng con được cảm nếm sự sống trọn đầy, làm cho chúng con bước đi trên trần gian nầy như những khách hành hương đầy tin tưởng và vui tươi, luôn luôn nhìn về sự sống không bao giờ cùng.
Lạy Chúa, xin hãy ở lại với chúng con! Xin hãy ở ại với chúng con. Amen.

(ĐTC Gioan-Phaolô II)

Kiểm điểm:

1. Nơi Phép Thánh Thể Chúa Kitô tự hiến mình cho chúng ta, chúng ta làm gì để sống tình yêu tự hiến như Người?
2. Chúng ta có biết sống vì người và cho người không?
3. Chúng ta có biết chịu khó không?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI.

Tôi không có lòng xót thương những người cùng khốn. Xin Chúa tha thứ.
Tôi không diễn tả lòng kính mến Chúa. Xin Chúa tha thứ.
Tôi dự lễ, đọc kinh, chỉ vì luật buộc, chứ không phải vì "kính mến Chúa". Xin Chúa tha thứ.

LỜI NGUYỆN CHUNG.  

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Vì yêu thương, Chúa Giêsu đã tự hiến mình bị nộp, làm của lễ đền tội chúng ta. Theo đường lối Chúa Giêsu, Giáo Hội cũng sống tình yêu tự hiến. Chúng ta cùng hợp ý cầu nguyện cho chính mình và cho mọi người:

1. "Trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ". Chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh, khi cử hành Thánh Lễ, thì lãnh nhận tình yêu Chúa, biết diễn tả tình yêu ấy trong cuộc sống giữa trần gian.

2. Chúa Giêsu phán: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình". Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, dám chịu khó hy sinh vì đạo Chúa, và biết xót thương giúp đỡ người túng thiếu.

3. Chúa Giêsu phán: "Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con". Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, biết thi hành lời Chúa dạy, thể hiện tình yêu của Chúa đối với tất cả mọi người.

4. Chúa Giêsu phán: "Các con đã lãnh nhận cách “nhưng không”, thì cũng hãy cho cách “nhưng không”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết giúp đỡ nhau, cả về tinh thần, lẫn vật chất, và giúp nhau sống tình yêu tự hiến.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa đã ban Con Một Chúa để cứu độ trần gian. Xin cũng ban Thánh Thần Chúa cho chúng con, giúp chúng con sống tình yêu tự hiến dâng, để loan truyền ơn cứu độ Chúa cho mọi người. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH 

TỰ HIẾN TỪNG PHÚT GIÂY

Trong Thông Điệp Mysterium Fidei, 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói : "Giáo Hội đã học hiến dâng chính mình trong hy lễ Giáo Hội dâng, như là hy lễ chung cho mọi người, áp dụng cho phần rỗi thế gian sức mạnh cứu chuộc, duy nhất và vô biên của hy lễ thập giá".

Thư gửi tín hữu Dothái viết:"Đức Kitô đã hiến dâng chính mình làm lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại" (Dt 10,10). Là thân thể của Đức Kitô, Giáo Hội cũng dâng hiến với Đức Kitô-Thủ Lãnh, nhờ Người, với Người và trong Người. Là Kitô hữu, chi thể của nhiệm thể Đức Kitô, mỗi người chúng ta đều được hiến dâng và dâng chính mình "như một lễ vật sống động trong Đức Kitô" (KNTT IV).

Bởi thế, lời chúc cuối lễ:"Lễ xong, chúc anh chị em về bình an" của linh mục nhắn nhũ chúng ta rằng: nếu trong thánh lễ chúng ta đã thật sự kết hiệp với Đức Kitô, để dâng lên Chúa Cha những hy sinh của chúng ta, thì khi trở về với đời thường, chúng ta cũng hãy mang lấy tâm tình ấy.

Hãy cố gắng chu toàn mọi công việc dù nhỏ bé tầm thường nhất vì lòng yêu mến Chúa. Chính lòng yêu mến này sẽ biến những công việc tầm thường nhỏ bé ấy thành những sợi chỉ vàng dệt nên tấm vải cuộc đời, làm cho đời sống chúng ta có một giá trị thiêng liêng to lớn trước mặt Thiên Chúa.

Những hy sinh, những vất vả và cực nhọc, những khổ đau buồn phiền, chúng ta chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa sẽ là những lễ vật nhỏ bé xuất phát từ lòng cuộc đời, để rồi kết hiệp với hy tế của Đức Kitô mà dâng lên Chúa Cha mỗi khi ta tham dự thánh lễ. Do đó, sống từng phút giây của đời thường nhờ Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô là tình yêu tự hiến, là của lễ cao quý dâng tiến Chúa Cha, có giá trị cứu rỗi.

"Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn" (Lc 16,10). Trong một đời sống thánh thiện, không có chi tiết dù nhỏ nhặt đến đâu lại không in dấu ân sủng. Mọi hành động dù to hay nhỏ trong đời ta, cũng đều bắt nguồn từ một trạng thái tâm hồn đáng thưởng hay đáng phạt. Chính vì thế , cùng một hành động mà có thể đáng thưởng ở người này, và đáng phạt ở người kia.

Một tâm hồn quảng đại, không quảng đại nhờ kích thước to lớn của các việc họ gặp, nhưng nhờ tâm hồn của họ có một cái gì làm cho mọi sự nên to lớn nơi họ. Cũng vậy, các vị thánh nhìn thấy trong mọi sự, một phản ảnh của Thiên Chúa; các vị thánh nhìn thấy trong mọi việc, một thánh ý của Thiên Chúa; các vị thánh nhìn thấy trong mọi bổn phận, một lời mời gọi của Thiên Chúa.

Từ khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người, mọi sự ở trần gian này đều có một kích thước đời đời, nhận biết điều ấy là điều cao quý, nhưng sống theo nhận biết đó mới làm cho ta đáng được thưởng. Con người sang hèn không ở tại sự vật, mà ở tại lòng người. Việc tốt mà làm với ý xấu thì cũng không nên tốt được.

Mọi việc điều có thời của nó. Đừng chờ đợi các việc lớn mà bỏ các việc nhỏ. Làm tốt các việc nhỏ sẽ sửa soạn cho ta làm tốt các việc lớn sắp xảy đến. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một mẫu gương: con đường nhỏ, tự hiến từng phút giây. Nên nhớ là giây phút hiện tại chỉ đến với tôi có một lần và không bao giờ trở lại. Trong giây phút hiện tại, Thiên Chúa đã trao cho tôi hoàn thành một trọng trách, Người không trao cho người khác. Vì thế, nếu tôi không hoàn thành, thì đời đời sẽ có một lỗ trống trong chương trình của Người.

Trong đời người, không có gì là dửng dưng, việc gì cũng được hoàn thành trong tinh thần nào đó và hướng về mục đích gì đó. Trong vấn đề tội - phúc cũng vậy, đừng nói rằng có những việc chẳng hề chi, việc gì cũng có một giá trị vĩnh cửu, bởi ai thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, sẽ gặp Người ở khắp mọi nơi, nhưng ai lẩn tránh Thiên Chúa, cũng sẽ gặp Người ở khắp mọi nơi.

Thiên Chúa đã đặt con người làm chủ vũ trụ, để vũ trụ làm theo mục đích của con người, nhưng con người phải làm theo mục đích của Thiên Chúa ấn định cho họ. Vì thế, khi ta hy sinh mục đích của Thiên Chúa cho mục đích loài người, và mục đích loài người cho mục đích của thiên nhiên, thì ta đã gây một xáo trộn rất lớn.

Mọi giây phút đều như nhau ở chỗ giây phút nào cũng mang lại cho ta một giá trị đời đời. Giây phút nào cũng được đánh giá theo sự phong phú của Thiên Chúa và sự phong phú của bản thân ta. Mỗi giây phút đều đem lại cho ta cái điều mà ta đợi chờ, nếu ta lơ là với hiện tại mà chỉ nghĩ đến tương lai, thì giây phút đó sẽ trôi qua với những gì nó có, để cống hiến cho ta. Mọi giây phút đều trôi qua, nhưng giá trị đời đời sẽ ở lại, nếu ta biết giữ lấy nó.

Sự sống thật mà Thiên Chúa dành cho tôi ở trong tầm tay của tôi, tôi chỉ cần phải tin và yêu là tôi có thể đương đầu với sự chết. Cũng như muốn đạt đến linh hồn thì phải nhờ đến thể xác, muốn đạt đến sự sống đời đời cũng phải nhờ đến thời gian. Người anh hùng dù có chết yểu cũng sống hiên ngang, tích cực. Kẻ tiểu nhân dù tồn tại lâu dài cũng chỉ là sống thoi thóp. Như vậy, phải có cái gì thuộc thời giờ mà không bị đo lường bởi thời giờ. Cái đó mới quan trọng cho ta: Mọi giây phút đều trôi qua, nhưng giá trị đời đời sẽ ở lại, nếu ta biết tự hiến từng phút giây.

Đời ta chỉ có một lát, nhưng phải có nó thì trí tuệ và lòng muốn của tôi mới có thể ngụp lặn trong sự thiện hão bất diệt. Do đó, đừng đánh mất thời giờ, kẻo mất luôn cả đời đời.

Thời giờ đã qua thì không bao giờ trở lại, nuối tiếc chẳng ích gì. Phải lo chuộc lại những gì đã mất trong hiện tại, vì lúc nào Thiên Chúa cũng vẫn chờ đợi và gõ cửa để ban cho ta sự sống đời đời. Còn thời giờ thì còn hy vọng. Chỉ tuyệt vọng với những ai không còn thời giờ để mà chuộc lại lỗi lầm.

Lạy Chúa, xin quản trị đời con, đừng để có giây phút lầm đường lạc lối. Xin cho con biết tự hiến từng phút giây để luôn đi theo con đường mà quan phòng khôn ngoan của Chúa đã chỉ vạch. Xin Chúa Thánh Thần thấm nhuần ân sủng vừa dịu êm, vừa mạnh mẽ của Người vào tư tưởng của con, con tim của con, quyết định và công việc của con, để mọi sự trong đời con đều nằm trong thánh ý của Người.

VII. GIỚI TRẺ 

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI TẠI KOLN , ĐỨC (16-21/08/2005)

"Chúng tôi đến thờ lạy Người" (Mt 2,2)

1. Ngày Giới Trẻ Thế Giới là gì?

Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một ngày hội niềm tin. Đó là một biến cố lớn lao mà Đức Thánh Cha mời gọi tất cả các Bạn Trẻ trên khắp năm châu cùng đến một địa điểm để tạo một sự nối kết vững chắc giữa niềm vui ngày hội và Đức Tin. Ngày Giới Trẻ Thế Giới là ngày hội quốc tế: tại Toronto, nơi lần vừa qua đã diễn ra Ngày Giới Trẻ Thế Giới, các Bạn Trẻ từ trên 160 quốc gia đã đến tham dự. Mục đích chung của họ là: làm quen với nhau, chia sẻ những kinh nghiệm sống và cùng với Đức Thánh Cha chung vui ngày hội.

2. Khi nào Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2005 sẽ diễn ra?

Ngày Giới Trẻ Thế Giới kéo dài nhiều ngày và sẽ diễn ra từ ngày 16 đến ngày 21 tháng 8 năm 2005 trong khu vực thành phố Koln. Nhưng tại các địa phận Đức Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã bắt đầu sớm hơn: từ 11 đến 15 tháng 8.2005 các Bạn Trẻ trên toàn thế giới sẽ đến tham dự những ngày gặp gỡ tại các địa phận ở Đức. Nơi đó họ sẽ làm quen nhau và chuẩn bị tinh thần cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Vào ngày 15 tháng 8.2005 những người trẻ tham dự sẽ đi từ các địa phận tới Koln, để tham dự lễ khai mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 20 năm 2005 vào ngày 16 tháng 8.

3. Chương trình của Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2005 tại Koln ra sao?

Các buổi tổ chức lớn trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã được sắp xếp. Ngoài ra sẽ có nhiều các chương trình bổ túc khác sẽ được thông báo trong thời gian tới trên trang Web: www.wjt2005.de. Chương trình dự tính đến nay như sau:

- 16.8.2005: Sau trưa Đức Tổng Giám Mục Koln sẽ dâng Thánh Lễ khai mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Thánh Lễ khai mạc này sẽ diễn ra trên sân cỏ Rheinwiesen thuộc quận Poll tại Koln .

Vào các ngày thứ tư, thứ năm và thứ sáu tất cả các Bạn Trẻ được mời gọi đến gặp gỡ rất nhiều các giám mục đến từ khắp nơi trên thế giới để cùng chia sẻ với các ngài về các vấn đề Đức Tin. Những buổi gặp gỡ này được gọi là giờ giáo lý (Katechese) và sẽ diễn ra tại nhiều nơi trong giáo phận Koln .

- 18.8.2005: Các Bạn Trẻ tham dự sẽ chào mừng Đức Thánh Cha với buổi Đại Lễ Chào Mừng tại Rheinwiesen thuộc Koln-Poll.

- 19.8.2005: song song với các buổi Katechesen sẽ có chương trình đi Đàng Thánh Giá vào buổi tối.

- 20. 8.2005: tối thứ bẩy các tham dự viên sẽ cùng với Đức Thánh Cha làm đêm canh thức để chuẩn bị tâm hồn cho ngày Đại Lễ Bế Mạc Chúa nhật.

- 21.8.2005: Một trong những cao điểm của Ngày Giới Trẻ Thế Giới là Thánh Lễ Bế Mạc cùng với Đức ThánhCha. Không chỉ các Bạn Trẻ tham dự viên mà tất cả mọi người đều được mời gọi để đến tham dự Thánh Lễ này. Vì lý do số người dự trù đến tham dự Thánh Lễ sẽ rất đông nên Thánh Lễ Bế Mạc sẽ được tổ chức tại phi trường Sankt Augustin-Hangelar tại Bonn .

Từ thứ ba đến thứ sáu: Đại Nhạc Hội Giới Trẻ của Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ kéo dài nhiều ngày và sẽ đem đến rất nhiều sáng kiến. Các tham dự viên có thể cùng chung vui, đóng góp các vũ điệu, thưởng thức nhạc hoặc khám phá những sáng tạo nghệ thuật mới.

Từ thứ ba đến Chúa nhật: ban tổ chức cũng nghĩ đến những tham dự viên trẻ muốn đi tìm yên bình và đi tìm chính mình trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Tại nhiều thánh đường họ sẽ có cơ hội để nhận Bí Tích Hoà Giải và yên lặng để cầu nguyện trong thánh đường.

4. Các buổi tổ chức sẽ diễn ra ở đâu tại Koln ?

Từ ngày 21 tháng 8.2003 - đúng 2 năm trước Thánh Lễ Bế Mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Toronto - địa điểm chính cho các tổ chức của Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã được quy định và công bố chính thức.

Thánh Lễ Khai Mạc với Đức Tổng Giám Mục Koln và Đại Lễ Chào Mừng dành cho Đức Thánh Cha sẽ diễn ra với khoảng 350.000 tham dự viên tại Rheinwiesen của quận Poll thuộc thành phố Koln - tại đây người ta có thể nhìn thấy nhà thờ chính toà Koln . Phi trường Sankt Augustin-Hangelar được lựa chọn cho các tổ chức lớn khác cùng với Đức Thánh Cha: Đêm Canh Thức vào tối thứ bẩy và Thánh Lễ Bế Mạc ngày Chúa nhật. Khu vực phi trường rất lớn, nên giới trẻ có thể ngủ đêm ngoài trời trên sân cỏ.

5. Những ai có thể tham dự?

Tất cả các Bạn Trẻ công giáo trên toàn thế giới được mời gọi về tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Nhưng không chỉ riêng họ: tất cả các người trẻ tuổi từ 16 đến 30 muốn tham dự đều được hân hoan đón mừng tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Ngoài ra ban tổ chức cũng cần tìm rất nhiều người tự nguyện để giúp đỡ trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

6. Tôi không phải là người công giáo. Tôi có thể tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới không?

Mặc dù Ngày Giới Trẻ Thế Giới trước tiên nhắm đến các tín hữu trẻ của Giáo Hội Công Giáo, nhưng những ai quan tâm đến ngày này đều được hân hoan chào đón; từ những người chỉ muốn cùng tham dự ngày đại hội cho đến những người muốn tìm hiểu Đức Tin Công Giáo hoặc muốn tái khám phá niềm tin Công Giáo.

7. Các tham dự viên đông đảo này sẽ sống ở đâu?

Các tham dự viên trẻ của ngày đại hội sẽ được phân chia chỗ ở miễn phí không chỉ trong các ngày đại hội nhưng cả trong những ngày gặp gỡ tại các địa phận - tại nhà tư nhân và tại các cơ sở công cộng và của giáo xứ, trường học,nhà thể thao. Những chỗ ngủ đơn giản này sẽ do văn phòng Ngày Giới Trẻ Thế Giới sắp xếp. Lệ phí cho việc ăn ngủ này sẽ được trang trải qua việc mua Túi Hành Hương.

8. Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã khởi xướng ra sao?

Sáng kiến tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới là của chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Trong năm 1983 - 1984 Giáo Hội Công Giáo mừng Năm Thánh đặc biệt để tưởng niệm cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô cách đó 1950 năm. Trước Lễ Phục Sinh 1984, thời điểm kết thúc Năm Thánh, Đức Thánh Ca đã mời gọi tất cả các Bạn Trẻ trên toàn thế giới đến tham dự Chúa Nhật Lễ Lá tại Rôma - và rất đông đã đến. Phấn khởi vì con số tham dự viên lớn lao này, Đức Thánh Cha đã lấy năm kế tiếp, năm mà Liên Hiệp Quốc đã công bố là Năm Của Giới Trẻ, để mời giới trẻ đến Roma gặp gỡ vào ngày Chúa nhật Lễ Lá 1985.

Xúc động vì sự thành công của ngày gặp gỡ giới trẻ tại Rome, vào tháng 12 năm 1985 Đức Thánh Cha đã công bố chính thức rằng, từ thời điểm này sẽ tổ chức mỗi năm ngày gặp gỡ cho giới trẻ. Và không chỉ thế: trong tương lai cứ hai năm một lần sẽ có một Ngày Giới Trẻ Thế Giới chính được tổ chức thay đổi tại các nơi trên thế giới. Trong những năm nằm giữa các Ngày Giới Trẻ Thế Giới quốc tế này Đức Thánh Cha mời gọi giới trẻ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới thuộc cấp địa phận được tổ chức vào ngày chủ nhật Lễ Lá tại các giáo xứ địa phương. Các Ngày Giới Trẻ Thế Giới được đếm liên tục không lệ thuộc vào hình thức quốc tế hay thuộc địa phận. Như thế, Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1986 là Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ nhất - và Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Koln năm 2005 là lần thứ XX.

9. Các Ngày Giới Trẻ Thế Giới quốc tế đã diễn ra ở những đâu?

Cho đến nay đã có 19 Ngày Giới Trẻ Thế Giới, trong đó có 8 lần gặp gỡ quốc tế:
1987 tại Buenos Aires (Á Căn Đình),
1989 Santiago de Compostela (Tây Ban Nha),
1991 Tschenstochau (Ba Lan),
1993 Denver ( USA ),
1995 Manila (Phi Luật Tân),
1997 Paris (Pháp),
2000 Roma (Ý Đại Lợi) và
2002 Toronto (Kanada).

10. Bao nhiêu người sẽ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giớ năm 2005?

Đã có trên 1 triệu người tham dự Thánh Lễ Bế Mạc tại Paris (1997), tại Roma (2000) khoảng 2 triệu và tại Toronto (2002) trên 800.000 người. Liệu có bao nhiêu người sẽ đến tham dự năm 2005 thì tạm thời chỉ có thể phỏng đoán. Cho khu vực Koln chúng tôi chờ đợi sẽ có khoảng 400.000 người trẻ tham dự thường trực và khoảng 800.000 người tham dự Thánh Lễ Bế Mạc với Đức Thánh Cha.

11. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sẽ có mặt tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới?

Ngay từ đầu Đức Thánh Cha là người chủ mờ các Bạn Trẻ đến tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới và đồng thời là động lực chính. Sự hiện diện của Ngài vì thế là một yếu tố căn bản của các Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Tại Toronto Ngài đã mời gọi giới trẻ trên thế giới về tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới quốc tế tại Koln . Ước muốn của Ngài là được tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2005 - nếu Thiên Chúa muốn như thế.

12. Tại sao tôi lại cần tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới?

Đối với rất nhiều người trẻ thì Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một kinh nghiệm sống khó quên. Đến đây họ được làm quen với các tín hữu trên khắp thế giới, cùng chung vui ngày đại lễ và qua đó lại được cùng sống Đức Tin. Những sứ điệp của Đức Thánh Cha đã tác động các tham dự viên mạnh mẽ. Ngài tin tưởng vào giới trẻ và đem lại cho họ lòng dũng cảm và sự cương quyết trong đời sống hằng ngày. Ngoài ra kinh nghiệm sống Đức Tin chung, bất kể lằn ranh quốc gia, văn hoá, ngôn ngữ sẽ tăng sức cho nhiều người trẻ trên con đường sống riêng của họ, nơi nhiều tín hữu trẻ cảm thấy đơn độc. Chính họ sẽ cảm nhận những năng lực mới và sự định hướng tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

12. Tôi có thể tìm hiểu về Đại Hội Giới Trẻ ở đâu?

Bạn là người Việt, xin vui lòng theo dõi thường xuyên trang Web tiếng Việt về ĐHGT: www.DHGT-2005.net do Ban Mục Vụ Công Giáo Việt Nam miền Đông Bắc Đức thực hiện. (Trích từ www. DHGT-2005.net)

VIII. TẢN MẠN

Đại Hội Thiếu Nhi Giáo Phận

Đình Khao ngày 1/7/2005 là ngày hẹn và nơi đến của các thiếu nhi giáo phận Vĩnh Long.

Những ngày trước đó, các cha đặc trách thiếu nhi đã lên chương trình coi như không sót một thứ gì, từ việc đạo đức đến đề tài học hỏi, bài hát sinh hoạt, trang phục, ẩm thực, y tế . Bước chuẩn bị chu đáo như vậy chứng tỏ tấm lòng thương mến trân trọng dành cho các bé thiếu nhi trong giáo phận, lần đầu tiên được tham dự đại hội.

Con số trên 1900 thiếu nhi từ các họ đạo về dự đại hội nói lên tinh thần phấn khởi và khao khát của các em. Từ sáng sớm, những đoàn xe từ các nẻo đường của giáo phận hướng về Đình Khao, tạo nên một dòng chảy đầy sức sống mạnh mẽ, mang theo những mầm xanh đầy tiềm năng triển vọng của giáo phận. Nhìn những gương mặt vui tươi, hồn nhiên, đơn sơ, trong trắng của các em chúng ta mới hiểu được tại sao Chúa Giêsu lại phán: ai muốn vào Nước Trời, phải trở nên như trẻ nhỏ.

Theo Đức Cha Tôma, đại hội thiếu nhi lần này nhằm mục đích cho các thiếu nhi thấy được mình có chỗ đứng quan trọng trong giáo phận, thực sự được quan tâm, trở thành bạn của Chúa Giêsu và có ý thức truyền giáo. Nổi ưu tư của Đức Cha đã được toàn thể giáo phận đồng cảm và hưởng ứng mạnh mẽ trong ngày đại hội dành cho thiếu nhi. Kinh phí tuy có lớn lao, nhưng cũng thật xứng đáng với những toà nhà tâm hồn mang giá trị tinh thần rất cao. Những chiếc nón màu trắng mang dòng chữ : "THIẾU NHI THÁNH THỂ" mời gọi các em yêu mến và thuộc về Chúa Giêsu Thánh Thể bằng đời sống siêng năng tham dự Thánh Lễ và viếng Chúa, cùng với những việc đạo đức khác.

Phần các em thiếu nhi, dịp này được qui tụ giao lưu cùng các bạn bè trong giáo phận thật là thích thú. Cùng nhau thi đua học hỏi tạo nên bầu khí sôi nổi hào hứng. Tổ chức hệ thống hàng đội giúp các em có ý thức kỷ luật chặt chẽ trong một tập thể biết tương trợ lẫn nhau với tinh thần biết lắng nghe và vâng phục.

Một ngày đại hội ngoài trời, không thể không nói đến sự thuận lợi của thời tiết. Trời râm mát thật lý tưởng. Buổi chiều mây kéo đen nghịt bầu trời như chuẩn bị cho một trận mưa thật to. Thật sự, cách đó không xa mưa rất lớn ở chợ Thị xã Vĩnh Long, ban tổ chức rất hồi hộp! Thế mà nơi Đình Khao lại không mưa mới lạ chứ. Có thể xem đó là một phép lạ của Thánh Philipphê Minh chăng? Thánh nhân thương mến che chở cho các cháu thiếu nhi đang hành hương đến với ngài, không để các cháu ướt lạnh mất vui.

"Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Các em thiếu nhi ra về trong hân hoan, mang theo ơn khôn ngoan của Thánh Thần và được trở thành bạn nghĩa thiết của Chúa Giêsu, như bài hát chủ đề: "Giêsu là bạn thân của em. Chúa yêu em, Chúa thương em vô cùng. Em muốn là bạn thân của Chúa, em muốn sống ngoan hiền dễ thương, để mến yêu người bạn Giêsu".

Các em thiếu nhi ở trong trái tim của giáo phận. Rồi đây ngày truyền thống của thiếu nhi được bắt đầu ngay hôm nay 1/7/2005 .

IX. NGHỆ THUẬT SỐNG

Đối Xử Nhẹ Nhàng

700 năm trước khi Chúa Giêsu chào đời, có một người nô lệ Hy Lạp tên Aesop sưu tập một số mẩu chuyện. Ngày nay người ta gọi sưu tập này là Aesop's Fables (ngụ ngôn của Aesôp). Một trong các mẩu chuyện ngụ ngôn này kể về cuộc tranh cãi giữa mặt trời và gió. Chúng tranh cãi nhau xem cái nào mạnh hơn cái nào.

Ngày nọ, một cơ hội xảy đến giúp cả hai dàn xếp được cuộc tranh cãi. Hôm đó có một người mặc áo choàng đang đi trên một con đường quê hoang vắng. Mặt trời nói với gió: "Ai làm cho người ấy bỏ áo choàng ra mau hơn thì người ấy thắng cuộc nhé." Gió ta chẳng những đồng ý mà còn quyết định ra tay trước. "Chàng" ta thổi tới tấp, nhưng càng thổi thì người nọ càng giữ chặt lấy chiếc áo. Cuối cùng kiệt sức gió ta đành phải chịu thua. Lúc đó mặt trời mới ra tay. Gã ta cần giương hết quang vinh của gã ra. Chỉ trong mấy phút, người nọ nóng quá phải cởi áo ra. Aesôp bàn đến phần luân lý câu chuyện trên như sau: "Bạn có thể thành công nhờ sự hiền từ dễ thương hơn là nhờ bạo lực".

Joseph Lahey có kể một câu chuyện về chính mình trong tạp chí Guideposts :

Khi còn bé, Joseph bị khòm lưng. Mặc đồ vào, cậu ta trông không đến nỗi tệ, nhưng khi cởi áo ra thì trông cậu thật xấu xí. Joseph rất ghét cái lưng của cậu. Một hôm, Joseph phải đứng xếp hàng ở trường khám bệnh. Cậu rất sợ lúc Bác sĩ bảo: "cởi áo ra!" Và giây phút kinh khủng ấy đã đến. Joseph lúng túng cởi nút áo, tay cậu run run thảm hại. Cuối cùng cậu cởi xong chiếc áo, vị bác sĩ nhìn cậu, và làm một điều rất khác thường. Ông bước vòng quanh bàn, đôi tay to lớn của ông úp lên đầu cậu bé, ông vừa nhìn thẳng vào mắt cậu, vừa dịu dàng nói: "Này con, con có tin vào Chúa không?" Cậu bé trả lời: "Dạ, có ạ!" Bác sĩ nói: "Tốt! con càng tin vào Ngài thì con càng tin vào chính con." Thế rồi cũng bất ngờ như khi biểu lộ sự tử tế của mình, ông còn tỏ ra là một bác sĩ khéo xử nữa. Ông trở lại bàn giấy và viết gì đó trong giấy sức khoẻ của cậu, rồi rời căn phòng một chút. Joseph liếc mắt nhìn vào phiếu sức khoẻ của cậu. Cậu thắc mắc không hiểu bác sĩ đã viết gì và cậu đang lấy lại bình tĩnh để chờ điều tệ hại nhất, đồng thời cậu nhón chân về phía trước nhìn vào tấm phiếu. Dưới hàng chữ lớn "đặc tính thể lý" ông bác sĩ đã viết: "có cái đầu cân đối khác thường." Joseph không thể nào tin nổi vào mắt mình nữa! Một phút sau, ông bác sĩ quay trở lại. Ông khám thêm một vài điểm trên người Joe, đoạn ông mỉm cười vừa nói: "Tốt lắm! Joseph! Em mặc áo vào và kêu cho tôi em kế tiếp".

Sự việc ngắn ngủi ấy trong cuộc đời Joseph xảy ra đã bao nhiêu năm nay, thế mà cậu ta không bao giờ quên được sự dễ thương và những lời khích lệ của ông bác sĩ ấy.
(Sưu tầm)

1954    20-04-2012 10:17:03