Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Giáo Lý Lòng Chúa Thương Xót tháng 10 năm 2014: Cầu Nguyện và Truyền Giáo

"Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt.
Vậy chúng con hãy xin Chủ sai thợ đến gặt lúa"
(Lc 10,2).

I. Ý NGHĨA THÁNG 10

- Tháng 10 gắn liền với chuỗi Mân côi, vì là tháng tôn vinh Nữ Vương Mân Côi. Chính vì thế, tinh thần cầu nguyện vốn đã được đề cao, lại càng được nhắc nhở thường xuyên hơn.

- Tháng 10 còn được gọi là tháng truyền giáo, vì sắp hết 1 năm và vì có ngày lễ Khánh nhật truyền giáo. Trong tháng này, ý nghĩa của sự truyền giáo càng được thúc bách và nhấn mạnh hơn.

Giáo Hội luôn liên kết tràng chuỗi Mân côi với ý hướng truyền giáo. Nhiều người vốn đã yêu mến chuỗi Mân côi, càng tha thiết đọc kinh, thì càng gắn liền với ước nguyện truyền giáo"Nguyện Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời".

II. Ý NGHĨA VIỆC CẦU NGUYỆN VÀ TRUYỀN GIÁO

1. CẦU NGUYỆN

-    Cầu nguyện là gì? Cầu nguyện chính là gặp gỡ, tâm sự, nói chuyện với Chúa, với Mẹ Maria và các thánh.

-    Hiệu quả cầu nguyện: ơn biến đổi, bình an, chửa lành.

-    Tâm tình cầu nguyện: thờ lạy, cám ơn, xin lỗi, xin ơn.

-    Thái độ cầu nguyện: Con thảo, tội nhân, bạn thân.

-    Thời gian cầu nguyện: Khi nào? Bao lâu? Mọi nơi, mọi lúc.

-    Thắc mắc: Cầu nguyện khi làm việc và làm việc khi cầu nguyện: có được không?

2. TRUYỀN GIÁO

-    Truyền giáo là gì? Truyền giáo đúng nghĩa, chính là truyền rao Chúa Giêsu, giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác: vì Chúa Giêsu là Đạo (Đường), là sự Thật, là sự Sống.

-    Bổn phận truyền giáo: Hội thánh Công giáo tự bản chất là truyền giáo. Mỗi Kitô hữu đều có quyền và có bổn phận truyền giáo. Không biết truyền giáo, không đáng là Kitô hữu.

-    Truyền giáo bằng cách nào? Bằng đời sống, lời nói, việc làm, hi sinh, cầu nguyện.

-    "Hãy đi khắp thế gian Loan báo Tin Mừng": Lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu đã ban hành: Như vậy, Phúc âm hóa đời sống, hay sống theo tinh thần Phúc Âm, sống giống như Chúa Giêsu cũng là Truyền giáo.

III. GƯƠNG CẦU NGUYỆN VÀ TRUYỀN GIÁO:

Trong tháng 10, chúng ta có hai mẫu gương tuyệt vời về truyền giáo và cầu nguyện: Mẹ Maria và thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

1. MARIA: CẦU NGUYỆN VÀ TRUYỀN GIÁO

"Maria luôn ghi nhớ và suy niệm trong lòng". Đức Maria là một phụ nữ chiêm ngắm và suy tư. Mẹ âm thầm chấp nhận thánh ý Chúa. Có khi không hiểu hết, nhưng đã nội tâm hóa tất cả bằng cả một đời thầm lặng bên cạnh con mình. Không ồn ào hay khoa trương, Mẹ đã chiêm ngắm Con Thiên Chúa từ khi Người chưa nhập thể, chỉ mới bắt đầu đón nhận lời truyền tin, đến lúc Người Con ấy về bên Thiên Chúa.

Mẹ Maria đã từng một lần nói tiếng "Xin vâng", nhưng cả một đời chấp nhận "Xin vâng" trong đức tin. Chính vì vâng phục trong đức tin, làm cho Mẹ, một phụ nữ suy tư, suốt đời chìm trong cầu nguyện. Trong cầu nguyện, Mẹ dõi theo bước chân truyền giáo của Chúa Giêsu trên khắp nẻo đường Palestine, và sau khi Chúa về trời, Mẹ lại tiếp tục dõi theo bước chân của những người con là môn đệ của Chúa Giêsu, cùng chia sớt niềm vui nỗi buồn của cả Giáo Hội.

Vì thế, Mẹ Maria trở thành tấm gương sáng chói cho những ai yêu thích đời truyền giáo, bắt chước Mẹ hy sinh, cầu nguyện cho việc truyền giáo.

2. TÊRÊSA: CẦU NGUYỆN VÀ TRUYỀN GIÁO

Têrêsa Hài đồng Giêsu, một tâm hồn nhỏ bé nên thánh vĩ đại! Chị sống trong cõi đời có 24 năm, nhưng đấy là thời gian hình thành con đường nên thánh sâu sắc, bởi Chị đã nếm trải quá nhiều thương đau. Chị đã không làm những công trình vật chất vĩ đại để cho hậu thế, nhưng đời Chị là cả một chuỗi ngày anh hùng. Đặc biệt 9 năm cuối đời, ngoài những thử thách nội tâm, chị chấp nhận những đau khổ phần xác diễn ra hằng ngày, để cầu nguyện cho việc truyền giáo.

Sống trong Dòng Kín Cát minh, tuy bề ngoài rất đơn sơ, nhưng bề trong, Chị Têrêsa hiểu tình yêu của Chị đối với Chúa Kitô được thực hiện bằng con đường khổ nạn mà chính Người đã đi qua. Trong đêm thứ Sáu Tuần Thánh 1896, chị ho ra máu lần đầu tiên, bắt đầu cho một cuộc tử đạo kéo dài 18 tháng cuối đời.

Hi sinh chịu đựng bao nhiêu, Chị lại đối diện với nội tâm của chính mình nhiều bấy nhiêu. Cứ thế đời sống cầu nguyện và kết hợp với Chúa vốn đã là sức mạnh giúp Chị vượt thắng, lại càng tha thiết, nồng nàn và vững chắc. Quyển Thánh Kinh với Chị, là lương thực hàng ngày. Từ những trang Thánh Kinh, chị nhận ra khuôn mặt Thiên Chúa đầy lòng thương xót mỗi lúc một lớn dần.

 Chị Têrêsa đã có một đam mê rất lớn, rất thánh thiện, đó là muốn yêu Chúa hơn bất cứ ai trên thế giới và yêu mọi người như Chúa Giêsu yêu. Tình yêu ấy lớn hơn mọi lời rao giảng. Vì thế, chỉ sống trong bốn bức tường đan viện dòng kín, Chị vẫn là nhà truyền giáo nổi tiếng. Người ta không thấy Chị đến bất cứ nơi đâu để truyền giáo, nhưng nhờ sự hy sinh và cầu nguyện thầm lặng, Chị đã dùng chính bản thân hướng đến mọi miền đất của thế giới.

Tình yêu Chúa nung nấu đã giúp Chị hoàn thành ước nguyện: hiến dâng toàn thân mình, dâng tất cả chuỗi ngày sống dù đau khổ hay hạnh phúc cho lòng Thương xót của Chúa, như của lễ toàn thiêu. Chị đã từ giã cuộc đời trong khi miệng vẫn thì thầm: "Lạy Chúa, con yêu Chúa!".

Têrêsa Giêsu Hài đồng trở thành vị Đại thánh của Cầu nguyện và Truyền giáo.

IV: NGƯỜI TÍN HỮU: CẦU NGUYỆN - TRUYỀN GIÁO

Từ những suy nghĩ về hai tấm gương sáng chói rực rỡ của Mẹ Maria và của thánh nữ Têrêsa, soi rọi cho chúng ta sống cầu nguyện, sống hi sinh và truyền giáo.

Nếu Chúa để cho ta mang nhiều bệnh tật, gặp những hoàn cảnh ngang trái, những khổ đau trong cuộc sống: vì bản thân, vì gia đình, vì tình đời bạc đen... Ta sẽ làm gì để nên thánh và để truyền giáo?

Hãy Tin vào Lời Chúa, lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Hãy kiên trì cầu nguyện hết mọi ngày trong đời sống của mình, và hãy hiến dâng mọi hy sinh trong đời sống thường ngày để hướng đến những miền đất truyền giáo trong Giáo Hội, trong giáo phận.

Hãy ý thức từng giây phút sống: sống Niềm vui của Tin Mừng, sống vui vẻ và chu toàn bổn phận, sống tử tế với người chung quanh, tất cả để truyền giáo.

"Đời con như của lễ không hề ngưng, như tấm bánh luôn để dâng. Tình con như ánh nến luôn bừng cháy trong Tình Chúa sáng như hừng đông". "Xin dâng Chúa trọn đời con...

"...Trọn đời con là lời mang sứ điệp Tin Mừng, là dòng sông mang đến cho nhân loại phù sa chứa chan tình thương".

QUYẾT TÂM SỐNG

Bạn và tôi hãy cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng. Hãy chiến thắng chính mình, đừng để sự mòn mỏi, nản chí lấn chiếm tâm hồn mà buông xuôi cầu nguyện.

Ngày nào còn sống, ngày ấy phải là một lời cầu nguyện với lòng tín thác, với tất cả tâm hồn đơn sơ chứa chan tình Chúa tình người, với ước nguyện rao truyền Lòng thương xót cho mọi người: SỐNG TINH THẦN TRUYỀN GIÁO.

THỰC HÀNH

Truyền giáo bằng cách nào?

Có 5 cách truyền giáo:

- Bằng cầu nguyện liên lĩ: lần chuỗi, thánh lễ.

- Bằng đời sống gương mẫu: tin, yêu, phó thác;

- Bằng lời nói: khuyên bảo, an ủi, khích lệ;

- Bằng hi sinh, hãm mình, chịu đau khổ;

- Bằng làm việc bái ái, góp công góp của.

CHÂM NGÔN SỐNG

Cầu nguyện để Truyền giáo -Truyền giáo bằng Cầu nguyện
Hi sinh để Truyền giáo- Truyền giáo bằng hi sinh.

F.V. Long Mỹ 17/10/2014

1571    17-10-2014 15:44:26