Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Giáo Lý Ơn Gọi _ Bài 34: Giới Luật Thứ Nhất

BÀI 34. GIỚI LUẬT THỨ NHẤT

I . Ý NGHĨA. 

Giới luật thứ nhất dạy tôi thờ phượng một Thiên Chúa và kính mến Ngài trên hết mọi sự.

Thờ phượng Thiên Chúa là nhận biết Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và là chủ tể trời đất muôn vật, đồng thời hết lòng tôn thờ, kính phục và yêu mến Ngài.  

 II . CÁCH THỜ PHƯỢNG THIÊN CHÚA.  

Thờ phượng Thiên Chúa bề trong cũng như bề ngoài, cùng tham dự các việc thờ phượng chính thức của Giáo Hội gọi là Phụng vụ.  

Những việc Phụng vụ quan trọng nhất .

Là Thánh lễ, các Bí tích và kinh Nhật tụng (kinh nguyện hằng ngày của các linh mục, tu sĩ. Công đồng Vatican II cho phép và khuyên giáo dân cùng đọc).  

III. NĂM PHỤNG VỤ.

Được tổ chức theo 2 mùa chính: 

1) Mùa Giáng sinh (Noel):

giúp người tín hữu sống mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống làm người.  

Mùa Giáng sinh có những lễ lớn (lễ trọng).

  • Lễ Giáng sinh (Noel, còn gọi là lễ Sinh nhật.
  • Lễ Hiển linh ( quen gọi là lễ Ba Vua).

Trước lễ Giáng sinh có 4 tuần chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ, gọi là Mùa Vọng (Avent).  

2) Mùa Phục sinh (Pâques):

Giúp người tín hữu sống mầu nhiệm Đức Giêsu cứu độ nhân loại bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài.  

Mùa Phục sinh có những lễ lớn (lễ trọng).

  • Lễ Phục sinh (Pâques).
  • Lễ Chúa Giêsu lên trời (gọi là lễ Lên Trời, hay Thăng Thiên).
  • Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống (gọi là lễ Hiện xuống).

Trước lễ Phục sinh có một thời kỳ chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ, gọi là Mùa Chay (Carême).

Ngoài ra Giáo Hội còn nhiều ngày lễ khác kính Đức Mẹ và các Thánh là những vị đã sống trung thành với Chúa và hằng cầu khẩn cho chúng ta trước mặt Chúa.  

IV . NHỮNG TỘI VI PHẠM GIỚI LUẬT THỨ NHẤT. 

1) Thờ loài thụ tạo.

 Là tội thờ tà thần ma quỷ, thờ súc vật, gỗ đá, mặt trời, mặt trăng, hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác và coi đó như là Thiên Chúa của mình vậy. 

Chú ý:

Việc thờ kính cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Chữ "thờ" theo nghiã tuyệt đối chỉ dành cho việc thờ Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ cũng là người như chúng ta, nghiã là các ngài cũng là loài thụ tạo do Chúa dựng nên, nên chúng ta không thể thờ các ngài như là thờ Thiên Chúa của chúng ta. Ở đây, chỉ có thể dùng chữ "thờ" trong việc thờ kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ theo nghiã tương đối mà thôi.

Tuy nhiên, lúc nào chúng ta cũng phải tôn kính, biết ơn, hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ theo luật Chúa dạy và theo giáo huấn của Giáo Hội, qua việc tưởng nhớ, xin lễ và cầu nguyện cho các ngài.  

2) Mê tín dị đoan.

Là tin rằng các loài thụ tạo cũng có quyền năng phi thường như Chúa, như là phù thủy, bói toán, hoặc tin vào những tiếng chim kêu, gà gáy, cùng những điều khác tương tự như vậy.  

3) Phạm sự thánh.

Là tội xúc phạm đến những người, những nơi hay là những của gì đã được hiến dâng cho Thiên Chúa để làm việc thờ phượng Ngài, như xúc phạm vào những vị có chức thánh, thánh đường hoặc lạm dụng của thánh... 

V . CẦU NGUYỆN . 

1 . Định nghĩa:

Cầu nguyện là nâng lòng trí lên cùng Chúa mà thờ lạy, cảm tạ, xin Ngài tha thứ tội lỗi và ban những ơn lành hồn xác.  

2 . Sự cần thiết.

Cầu nguyện là việc rất cần thiết, như lời Đức Giêsu đã dạy: "Phải cầu nguyện luôn, đừngbao giờ chán". Ngài còn cho biết: "Không có Thầy, các con không làm được gì" (Lc.18,1; Ga. 15,5).  

3 . Cầu nguyện khi nào?

Tôi phải cầu nguyện luôn, nhất là buổi sáng, buổi tối, những khi bị cám dỗ hoặc những khi gặp đau khổ, hiểm nguy phần hồn phần xác.  

4 . Tâm tình.

Khi cầu nguyện thì bên trong phải có lòng khiêm nhường, kiên nhẫn và cậy trông;

bên ngoài, tôi phải có cử chỉ nghiêm trang, cung kính.  

5 . Cách cầu nguyện.

Có hai cách:
Đọc kinh ngoài miệng.
Cầu nguyện trong lòng.  

6 . Hình thức cầu nguyện trong Giáo Hội.

Có 2 hình thức:  
(1)   
Hình thức chính thức cũng gọi là Phụng vụ, như khi có linh mục hoặc phó tế chủ sự một lễ nghi nào đó.
(2)    Hình thức không chính thức: như đọc kinh ban sáng, ban tối, hoặc riêng tư hoặc đọc chung với nhau.  

7 . Đức Giêsu dạy chúng ta kinh để cầu nguyện:  

KINH LẠY CHA

"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến; ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ." (bản dịch năm 1992). 

VI . TÔN KÍNH ĐỨC MẸ VÀ CÁC THÁNH . 

1 . Ý nghĩa.

Chúng ta không tôn thờ Đức Mẹ Maria, vì Ngài cũng là loài thụ tạo do Chúa dựng nên.
Tuy nhiên, chúng ta phải đặc biệt tôn kính Ngài vì Ngài là Mẹ Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Thiên Chúa, nên Ngài cũng là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta.
Chúng ta tôn kính các Thiên Thần và các Thánh , vì các Ngài là những tôi trung, con thảo của Chúa và có thể cầu bầu cho chúng ta trước mặt Chúa.  

2 . Kính ảnh tượng, hài cốt.

Tôn kính các ảnh tượng đó vì nhắc nhở chúng ta nhớ đến các Ngài, để chúng ta thêm lòng kính mến và noi gương các Ngài.

Chúng ta tôn kính hài cốt (xương thánh) và di tích của các Thánh: là những kỷ niệm của các phần tử ưu tú trong Giáo Hội là Nhiệm thể Chúa Kitô và vì Chúa thường dùng những di tích ấy mà làm nhiều phép lạ.  

3 . Thực hành.

Tôi có thể làm những việc này:

  • Yêu mến, cậy trông cùng siêng năng cầu xin cùng Đức Mẹ và các Thánh.
  • Mừng lễ các Ngài cho sốt sắng và làm những việc sùng kính các Ngài như Giáo Hội khuyên dạy.
  • Noi gương nhân đức của các Ngài.
1785    14-02-2011 08:23:02