Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Giáo Lý Viên, Cánh Tay Nối Dài Của Việc Rao Giảng Tin Mừng - Tháng 07 năm 2001

Chủ đề: GIÁO LÝ VIÊN, CÁNH TAY NỐI DÀI CỦA VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG

 

I. LỜI CHÚA: Mt. 28, 16 - 20

Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giêsu đến gần nói với các ông : “ Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế ” .

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Trước khi về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã trao cho các Tông đồ một mệnh lệnh tối hậu là làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa bằng việc loan báo cho họ những điều mà các ông đã nghe, đã thấy tận mắt về Người, đồng thời các ông còn có sứ mạng giải thích, với thẩm quyền, tất cả mọi điều đã học hỏi được từ Chúa Giêsu và Thánh Thần mà Chúa Giêsu trao ban sẽ giúp các ông chu toàn sứ mạng.

III. CHUYỆN MINH HỌA

NHỮNG ĐỨC TÍNH CỦA CHÚA GIÊSU

Một cậu bé 15 tuổi ngồi bên cạnh cha mình là người đang lái xe ngang qua một phi trường tí hon tại một thị trấn thuộc tiểu bang Ô-hai-ô (Ohio) của Hoa Kỳ, thì thình lình một phi cơ đang bay thấp mà người lái không còn kiểm soát được nữa, chúi mũi xuống đường. Thấy thế cậu bé hét lên: "Cha ơi, cha ơi! Dừng lại ngay!"

Vài phút sau, cậu bé lôi chàng phi công ra khỏi chiếc máy bay ngộ nạn. Đó là một chàng sinh viên 20 tuổi đang tập cất cánh và hạ cánh máy bay lên xuống. Chàng thanh niên ấy đã tắt thở trong tay cậu bé.

Vừa về tới nhà, cậu bé liền chạy lại ôm má vừa khóc vừa nói: "Mẹ ơi! Anh ấy là bạn con! Anh ấy chỉ mới có 20 tuổi!" Cậu bé rơi vào một cơn khủng hoảng tâm thần nên không ăn uống gì. Cậu liền vào phòng, đóng cửa lại và leo lên giường nằm.

Điều khiến cậu bé rơi vào cơn khủng hoảng là vì chính cậu đang cố công dành lấy bằng lái may bay cho bằng được sang năm ở tuổi 16. Cậu đi làm ngoài giờ ở một tiệm tạp hóa, kiếm được đồng nào liền dốc hết vào việc học tập lái máy bay. Bố mẹ cậu rất lo lắng về hậu quả của thảm kịch nói trên. Họ nghĩ thảm kịch ấy có thể gây hại không nhỏ cho con mình. Ông bà chưa rõ cậu bé 15 tuổi này còn dám tiếp tục học lái may bay nữa không. Nhưng ông bà đã nhất trí để cho cậu bé tự do quyết định về vấn đề đó.

Hai ngày sau tấn thảm kịch nói trên, mẹ cậu mang bánh bích qui bà mới nướng lên cho cậu ăn. Bà nhìn vào ngăn kéo bàn học của con và thấy có một tập vở mở trang. Đó là tập vở cậu bé còn giữ lại từ hồi thơ ấu. Ngay ở trang đầu bà đọc thấy hàng chữ hoa: "ĐỨC TÍNH CỦA CHÚA GIÊSU". Kế đến, bà thấy con mình liệt kê những đức tính sau đây:

- Chúa Giêsu không hề phạm tội.
- Chúa Giêsu khiêm nhường và nâng đỡ người nghèo.
- Chúa không ích kỷ
- Chúa sống rất gần gũi với Thiên Chúa Cha là Cha của Người
Bà hiểu ngay con bà cũng biết theo gương Chúa Giêsu để cầu nguyện mỗi khi phải quyết định điều gì quan trọng. Thế là bà quay về phía con mà hỏi:
- Con quyết định thế nào về vấn đề học bay?
Cậu bé liền nhìn vào mắt mẹ mà trả lời:
- Thưa mẹ, con hy vọng rằng mẹ và bố sẽ hiểu cho con, nhưng với ơn Chúa giúp, con sẽ phải tiếp tục học bay.
Cậu bé đó chính là Neil Armstrong ngày 20.7.1969 đã trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.
Câu chuyện kể lại cho thấy con người của Đức Giêsu đã ảnh hưởng không nhỏ trên Neil Armstrong. Ngay từ thời thơ ấu, cậu đã biết chiêm ngưỡng cuộc đời Đức Giêsu. Rồi khi gặp gian nan thử thách, cậu đã không quên cậy dựa vào Đức Giêsu để lãnh lấy trách nhiệm cho tương lai đời mình.

IV. DIỄN NGHĨA

Neil Armstrong người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng cùng với câu nói nổi tiếng khi in bàn chân mình lên đất mặt trăng : “ Đây là một bước chân nhỏ của con người, nhưng lại là một bước tiến vĩ đại của nhân loại.

Neil Armstrong đã cương quyết đi cho đến cùng ước nguyện thời thơ ấu của mình là được làm phi công bất chấp sự sợ hải mà cậu ta đã chứng kiến tận mắt về cái chết của viên phi công bạn mình. Lý do là cậu đã sống gắn bó với Chúa Giêsu, học hỏi nơi Chúa Giêsu và cậy dựa vào Chúa Giêsu mỗi khi phải đi đến những quyết định quan trọng ảnh hưởng suốt cuộc đời mình.

Rao giảng Tin Mừng là một phương thế mà Chúa Giêsu đòi hỏi Giáo Hội thực hiện liên lỉ qua mọi thời và khắp mọi nơi nhằm đưa con người đến với ơn cứu độ, được cứu độ. Và việc dạy giáo lý là một phương thế, một giai đoạn của việc Rao giảng Tin Mừng. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Catechesi Tradendae (1979) về Việc Dạy Giáo Lý cho thời đại chúng ta dạy : “ Người ta gọi việc dạy giáo lý là toàn thể mọi cố gắng của Giáo Hội - nhằm đào tạo các môn đệ, hầu giúp con người tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhờ đó, do lòng tin họ có được sự sống nhờ Danh Người - nhằm huấn luyện đời sống của họ cũng như xây dựng Thân Thể Chúa Kitô. Giáo Hội không ngừng cống hiến mọi nổ lực cho công cuộc dạy giáo lý nầy ” (CT số 1). Như vậy việc dạy giáo lý là một phần của việc Rao giảng Tin Mừng và mục đích là đưa người ta đến gắn bó với một Người : Đức Giêsu Kitô.

1. Chúc ngôn của Chúa Giêsu : “ Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ... dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con ”
Một vài con số theo Sách Niên Giám Giáo Hội Công Giáo 1999.

- Người Công giáo tăng từ 1.022tỷ người trong năn 1998 tới 1.038 tỷ người trong năm 1999, tức là tăng 1,6%. Đang khi đo, trong cùng giai đoạn, dân số thế giới tăng 1,4%.

- Số phần trăm người Công giáo trên thế giới không thay đổi vẫn giữ nguyên là 17,4% nghĩa là cứ 100 người trên thế giới thì có 17 người là Công giáo.

- Lục địa Mỹ Châu chiếm tới phân nữa số người công giáo trên thế giới, đang khi đó Âu Châu có 27,3%; Phi Châu có 12%; Á Châu 10,4% và Châu Đại Dương có 0,8% dân số Công giáo so với thế giới.

- Có 3,86 triệu người hiến thân cho việc Tông đồ, trong đó gồm tất cả chừng 2,44 triện giáo lý viên. Có tất cả 4.482 Giám mục; 405.009 linh mục trong đó có 265.012 linh mục triều; có 26. 629 thầy sáu thường trực; 55.428 tu sĩ không có chức linh mục; 809.351 nữ tu khấn dòng; 31.049 thành viên Tu Hội đời và 80. 662 giáo dân truyền giáo.

Một vài nhận định.

Con số 2,44 triện giáo lý viên và 80.662 giáo dân truyền giáo trên khắp thế giới cho thấy có rất nhiều người dấn thân vào sứ mạng truyền giáo qua việc dạy giáo lý và góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng, một nhiệm vụ mà mỗi người tín hữu lãnh nhận khi chịu Phép Rửa tội.

Thực tế tại các Họ Đạo tại Việt Nam chúng ta cũng cho thấy nhu cầu đòi hỏi phải có những giáo lý viên, những tông đồ giáo dân, có năng lực, có nhiệt huyết, cộng tác tích cực với các linh mục bổn sở trong việc dạy giáo lý và hướng dẫn anh em đến với Chúa. Đặc biệt trong trường hợp một linh mục phải coi sóc nhiều Họ Đạo, lại thiếu các tu sĩ nam nữ như hiện nay, thì việc đào tạo để có các giáo lý viên tốt, năng nổ, sống theo tinh thần Tin Mừng là một vấn đề cấp thiết. “ Việc dạy giáo lý là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội, bởi vì, trước khi về với Cha mình, Đức Kitô Phục sinh đã trối lại cho các Tông đồ chúc ngôn tối hậu : các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ và dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con ” . (Catechesi Tradendae số 1)

2. Theo Tông Huấn Catechesi Tradendae thì việc dạy Giáo lý là:

Quyền lợi và là bổn phận của Giáo Hội. Đây là một bổn phận thánh và là một quyền lợi không thể bị tiêu trừ. Là một bổn phận vì đây là chúc ngôn Chúa dạy, là nghĩa vụ của mọi Mục tử của Giao ước mới. Là một quyền lợi vì, xét về phương diện thần học, mọi tín hữu, qua Bí tích Rửa tội, có quyền lãnh nhận từ Giáo Hội sự dạy dỗ và đào tạo để họ đạt tới một cuộc sống Kitô hữu đích thực; xét về phương diện quyền con người, mỗi người có quyền tìm kiếm chân lý tôn giáo và gắn bó vào đó một cách tự do, bất chấp những cản ngăn đi ngược lại với lương tâm của họ.

Bổn phận ưu tiên : Càng ưu tiên cho việc dạy giáo lý Giáo Hội càng được củng cố về đời sống nội tâm của cộng đoàn tín hữu và của hoạt động truyền giáo bên ngoài qua việc dạy giáo lý.

Trách nhiệm chung nhưng có tính cách chuyên biệt của Giáo Hội: Từ Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám mục, các linh mục, các bậc cha mẹ, thầy giáo, các thừa tác viên khác nhau trong Giáo Hội, các giáo lý viên...đều có trách nhiệm dạy giáo lý. ( CT số 14,15,16)

3. Mục đích của việc dạy giáo lý.

Mục đích chính yếu của việc dạy giáo lý là giúp người tín hữu nhận biết Chúa Giêsu, giáo lý của Ngài để sống gắn bó với Ngài, nhờ ơn Chúa Thánh Thần : suy nghĩ, nói năng, hành động như Chúa muốn.

Tông huấn dạy : “ Một cách rõ ràng hơn, mục đích của việc dạy giáo lý (huấn giáo) trong cái nhìn toàn thể của việc rao giảng Tin Mừng, là giai đoạn dạy dỗ và trưởng thành, nghĩa là thời gian mà người Kitô hữu, sau khi đã tin nhận con người Chúa Giêsu như là Đức Chúa duy nhất và gắn bó toàn diện vào Ngài bằng sự hoán cải tâm hồn một cách chân thành, họ cố gắng hiểu biết sâu xa hơn về Chúa Kitô mà họ gắn bó : tìm hiểu về “ Mầu nhiệm ” của Ngài, về Vương Quốc mà Thiên Chúa loan báo, về những đòi hỏi và những hứa hẹn chứa đựng trong sứ điệp Tin Mừng của Ngài, về những nẻo đường mà Ngài đã vạch ra cho những ai muốn theo Ngài ” (CT số 20)

4. Đức ái là nguồn gốc phát sinh việc tông đồ.

Công việc dạy giáo lý của các thừa tác viên có chức thánh cũng như giáo dân nếu có mang lại kết quả nào là do họ sống gắn bó với Đức Kitô. Chúng ta giảng dạy, nhưng chính Chúa Thánh Thần hoán cải tâm hồn con người. Việc tông đồ mang những hình thức khác nhau do những ơn gọi khác nhau và những hồng ân khác nhau từ Chúa Thánh Thần. Nhưng đức ái luôn là linh hồn của mọi việc tông đồ, trong đó có việc dạy giáo lý.

V. CẦU NGUYỆN


Lạy Chúa Giêsu, trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa đã trao phó cho Giáo Hội sứ mạng làm cho muôn dân nhận biết Chúa để được ơn cứu độ. Xin cho có nhiều người quảng đại dấn thân làm tông đồ Chúa trong nhiệm vụ là những giáo lý viên cộng tác với các Mục tử trong việc rao giảng Tin Mừng. Amen

VI. HỌC LỜI CHÚA

” Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ... dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con ” .

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

ĐẠO ĐỨC CỦA GIÁO LÝ VIÊN

Đạo đức là cách phát biểu đức tin, đức cậy, đức mến. Nếu người ta nói đến nhiều thứ đạo đức Kitô giáo, điều đó có nghĩa là chúng khác nhau ở những nhân tố, những phương thế được dùng để đi đến sự hoàn hảo Kitô giáo.

Giáo lý viên, như mọi người Kitô hữu khác, cũng sống đức tin, đức cậy, đức mến, cũng gặp sự dữ nơi mình, quanh mình, cũng phải chiến đấu, phải chổi dậy nếu vấp ngã; vì thế phải khiêm tốn, vững tin, vâng phục, trong sạch, khôn ngoan, phải thờ phượng, tạ ơn, kêu cầu . . . Nhưng tùy theo mức độ dấn thân vào việc giảng dạy giáo lý mà giáo lý viên cụ thể hóa đời sống Kitô hữu của mình qua chính hành vi giảng dạy đó và những đòi hỏi của nó.

Vậy ta tìm hiểu những nhân tố cấu tạo nên đạo đức của giáo lý viên theo hai phương diện : tương quan với sứ điệp Lời Chúa, và tương quan với học viên cùng những người liên hệ.

I. TƯƠNG QUAN VỚI SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA.

A. ĐỨC TIN

1. Đời sống chiệm niệm:

Muốn giảng truyền ý định của Thiên Chúa, mầu nhiệm thánh ý Người, muốn biết kết hợp mọi sự trong Chúa Kitô, nhất thiết giáo lý viên phải không ngừng suy niệm về ý định đó, về sự bao la phong phú và đơn giản của nó, phải đi sâu vào ý định đó bằng chiêm niệm, ca tụng, tạ ơn . . .

2. Suy niệm và sống Lời Chúa :

Phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, sống Lời Chúa để truyền đạt một Lời sống động.

3. Sống Phụng Vụ :

Đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Kitô mà Giáo Hội cử hành. Đời sống bí tích phải biểu hiện đức tin cách chân thành. Chúa Kitô phải là trung tâm của đời sống cầu nguyện. Lòng tôn sùng Đức Maria gắn liền với lòng tôn sùng Chúa Kitô và thân thể của Người là Giáo Hội.

4. Đời sống Giáo Hội :

Đạo đức của giáo lý viên phải nằm trong lòng cộng đoàn Kitô hữu, phải chia sẻ niềm vui, nỗi khổ, mối lo âu, cuộc tìm tòi, sự phấn đấu của Giáo Hội. Những biến cố trong Giáo hội là đề tài suy niệm để khám phá, đi sâu vào việc thực hiện và hoàn thành mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Kitô. Đạo đức của giáo lý viên còn là vâng phục và hợp tác với mọi người làm việc với mình cho Nước Chúa. Gắn liền với sứ mạng Giáo Hội, đạo đức của giáo lý viên còn là trung thành với Giáo hội.

B. ĐỨC CẬY

Đức cậy là nhân đức giúp ta vượt thắng những chướng ngại. Trong việc giảng dạy giáo lý có một cuộc chiến đấu với Thiên Chúa và chiến đấu với chính mình.

1- Chiến đấu với Thiên Chúa :

Làm thế nào ta có sức mạnh Lời Chúa trên miệng lưỡi mình ? Các tiên tri đều có cảm giác bất lực và tuyệt vọng mà các ông chỉ có thể vượt thắng bằng vâng phục trong sứ mạng được Thiên Chúa trao cho, bằng tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa : ” Ta sẽ là lưỡi của ngươi và là sức mạnh của ngươi ” .

Giáo lý viên cũng cảm thấy sự yếu đuối, kém cỏi của mình, thấy mình bất xứng để giảng truyền Lời Chúa. Do đó điều cần là không ngừng suy niệm về sứ mạng Chúa trao ban, đồng thời phát huy khả năng Chúa ban, trung thành theo đường lối Thiên Chúa đã vạch ra cho việc giảng dạy.

2- Chiến đấu với chính mình :

Ta cảm thấy mình không có đủ sức hay can đảm sống đúng tấm vóc của sứ điệp mà mình giảng truyền, nên có cảm giác như giả hình, làm cho mình ngại nói. Ta có thể vượt thắng tình cảm đó bằng lòng khiêm nhượng, tin cậy vào Chúa, bằng nỗ lực để sống xứng đáng hơn. Con người luôn luôn bất xứng với sứ mạng Thiên Chúa trao, nhưng trong sứ mạng đó luôn luôn có ơn trợ giúp để mình có thể hoàn thành sứ mạng.

C. ĐỨC MẾN

Đức mến của giáo lý viên hướng về việc bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa bằng cách giảng truyền vinh quang đó cho người khác. Vinh quang của một người là được biết đến, được ca tụng về những đức tính và công trình của mình. Hiểu biết và ca tụng Thiên Chúa là trên hết : Đức mến của giáo lý viên cơ bản là nhiệt tình làm cho mọi người biết Chúa và yêu mến Chúa. Sự sống đời đời là biết Chúa và Đấng Người đã sai đến.

Lòng yêu mến tha nhân không tách rời khỏi lòng yêu mến Chúa : yêu mến Chúa Kitô Thánh Thể còn là đưa học viên đến với Người trong bí tích Thánh Thể là bí tích bác ái, bí tích tạ ơn.

II. TƯƠNG QUAN VỚI HỌC VIÊN VÀ NHỮNG NGƯỜI LIÊN HỆ.

1- Cái nhìn đức tin.

Mầu nhiệm về Thiên Chúa cũng là mầu nhiệm về con người vì Nước Chúa đến trong họ. Kinh Thánh, Phụng Vụ, Thần Học là những nguồn ánh sáng giúp đức tin soi chiếu mầu nhiệm con người. Đức tin của giáo lý viên phải nhìn con người, biến cố, sự vật, như Chúa Kitô nhìn. Với cái nhìn của Chúa Kitô, ta nhìn những nỗi đau khổ, những tình yêu nhân loại, những đáp ứng của trẻ, những lo âu của phụ huynh để khám phá ý nghĩa của mọi thực tại đó trong Chúa Kitô.

Nghiên cứu về tâm lý và sư phạm giúp ta biết rõ hơn sự cởi mở của con người đối với Lời Chúa, phong cách của Thiên Chúa đối với những người mà Thiên Chúa ngỏ lời. Theo nghĩa đó, sư phạm của giáo lý viên là tùng phục và trung thành với ơn thánh Chúa. Kiến thức về môi trường mà học sinh sống, được nhìn như những nhân tố xác định hoàn cảnh của họ đối với Lời Chúa. Cái nhìn đó cho phép tâm lý học và xã hội học tham phần vào chính giá trị của Lời Chúa.

2- Cái nhìn đức cậy.

Cái nhìn đức cậy cho phép giáo lý viên đương đầu với những khó khăn, chấp nhận và vượt thắng những nỗi đau buồn gặp phải trong việc giảng dạy: đau buồn vì trẻ dốt giáo lý, vì những thái độ ngỗ nghịch, vì những điều kiện bất lợi cho việc đón nhận Lời Chúa. Đau buồn hơn nữa vì đức tin mình kém cỏi, vì những gì trong cộng đoàn họ đạo đi ngược lại Lời Chúa và cản trở cộng đoàn Kitô hữu trở nên dấu chứng tình thương của Thiên Chúa đối với loài người. Đau buồn nhiều hơn nữa vì sự chống đối của những người lẽ ra phải giúp đỡ mình. Trong tất cả những cái đó, giáo lý viên gặp thấy sự hiện diện của sự dữ mà Lời Chúa phải giải thoát bằng thập giá. Đức cậy còn cho thấy rằng đau khổ có giá trị cứu độ.

Thập giá của giáo lý viên là mang lấy những ngu dốt, những chướng ngại đó với những hậu quả của nó. Lời Chúa mà mình giảng truyền phải là một sự giải phóng chứ không phải một sự trừng phạt. Đừng bao giờ gây ấn tượng là mình phạt vì trẻ dốt hay không hiểu. Lòng nhiệt thành của mình đối với Lời Chúa sẽ chỉ cách vượt thắng hay hóa giải những khó khăn, trở ngại.

3- Cái nhìn đức mến.

a/ Làm cho kẻ khác biết Lời Chúa và ý định tình thương của Người nơi Đức Kitô là một cử chỉ bác ái đối với họ. Lòng yêu mến chân lý thì cao vượt trên tất cả những gì mà con người có thể cho đi. Nó mời gọi và đưa kẻ khác vào dự tiệc trong Nước Chúa, trong tình yêu thương của Chúa: vì tin vào tình thương của Chúa là đón nhận tình thương đó.

b/ Những người quanh cận của giáo lý viên là những kẻ mình dạy và những người mình hợp tác. Đức mến là sợi dây nối kết mình với cộng đoàn Giáo Hội. Đức mến của giáo lý viên phải góp phần xây dựng cộng đoàn đó. Hợp tác là yêu chuộng ích chung của cộng đoàn. Chấp nhận và muốn hợp tác là yêu mến cộng đoàn. Trong việc hợp tác, ta phải từ bỏ nhiều, phải chịu đựng nhiều để dùng ngọn lửa đức mến mà thiêu hủy tính ích kỷ của cá nhân, của tâm thể.

c/ Đức mến của giáo lý viên đối với phụ huynh là chứng tích về công trình mình đang thực hiện. Điều đó có khi đưa phụ huynh đến sự yêu mến Lời Chúa. Đi sâu vào đời sống gia đình, giáo lý viên sẽ liên kết chặt chẽ với phụ huynh, cảm thông được sự lo âu, hy sinh, và những khó khăn của họ.

d/ Đức mến đòi hỏi giáo lý viên phải bỏ mình rất nhiều : cởi bỏ tâm thức “ công chức ” cản trở mình lắng nghe và thông cảm với kẻ khác, cởi bỏ tâm thức “ giáo sĩ “ làm giảm đi cách vô ý thức những giá trị nhân bản, cởi bỏ tâm thức “ quan tòa ” cản trở việc đối thoại.

KẾT

Giáo lý viên cần có một đạo đức do chức năng đòi hỏi : đạo đức được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, Phụng Vụ, và Thần Học, bằng đời sống Giáo Hội truyền giáo với những gánh nặng và khó khăn. Giáo lý viên cần luôn luôn bồi dưỡng về giáo thuyết tâm lý, sư phạm mà sứ vụ đòi hỏi. Lòng vâng phục không miễn chuẩn cho giáo lý viên khỏi trau dồi chuyên môn. Việc bồi dưỡng cũng như việc huấn luyện là chuyện trường kỳ. Giáo lý viên phải mỗi ngày ý thức hơn về bản chất và những đòi buộc của sứ vụ, của ơn gọi : Phải luôn luôn thanh luyện và tăng sức cho ý hướng ngay lành, trau dồi những đưc tính nhân bản. ( theo tài liệu SPGL của TGM G.B Phạm Minh Mẫn)

VIII. KINH NGUYỆN CỦA GIÁO LÝ VIÊN

Lạy Chúa Giêsu là Con Một tự lòng Chúa Cha. Chúa đã đến mạc khải các mầu nhiệm Nước Trời cho những ai bé mọn, và đã thương cho con được dự phần vào sứ mạng rao giảng các mầu nhiệm ấy.
Xin Chúa ban cho con và cho mọi giáo lý viên Thánh Thần tình yêu và sự thật, để chúng con luôn kết hiệp với Chúa và được Chúa dạy dỗ.
Xin cho con biết can đảm dạy điều con tin và quảng đại thực hành điều con dạy.
Xin ban cho con ánh sáng và tình yêu để con trình bày Lời Chúa thật sáng sủa và sống động.
Xin cho con biết quan tâm đến từng học sinh Chúa đã trao phó cho con, để con luôn yêu mến các em, cầu nguyện cho các em và dẫn đưa các em đến với Chúa.
Xin Chúa mở rộng cõi lòng các em, để các em hiểu biết và thực hành Lời Chúa.
Xin cho gia đình các em biết quý trọng phần rỗi của con cái mình, luôn thúc đẩy các em đến với Chúa, và xin cho các em biết đem Chúa về lại với gia đình. Amen .

IX. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

” Nhận nhưng không thì cũng hãy cho nhưng không ”.
” Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân ”.

PHÚT SÁM HỐI

Xin Chúa tha thứ những thiếu sót trong việc sống đạo sốt sắng.
Xin Chúa tha thứ những gương xấu , làm nhơ danh Chúa
Xin Chúa tha thứ những lời nói và việc làm cản trở lương dân đến với Chúa
Xin Chúa tha thứ những e ngại, hoặc không nói về Chúa cho những người cần được nghe.

LỜI NGUYỆN CHUNG


Kêu mời: Anh chị em và các bạn trẻ thân mến,
Là một kitô hữu, chúng ta đã trở thành người rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, vì qua các Bí tích, chúng ta thông phần sứ mạng Tiên tri của Chúa. Trong tháng Bảy này, chúng ta học và thực hành sứ mạng Truyền giáo nơi người giáo lý viên giáo dân; giờ đây chúng ta sốt sắng dâng lời cầu lên Chúa Giêsu là Thầy của chúng ta:

Ngay trước khi Chúa lên trời, Chúa nói với các môn đệ: “ Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân ” , chúng ta cầu xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục và Linh mục, luôn trung thành với sứ mạng mà Chúa đã trao phó, trong mọi hoàn cảnh.

Trong họ đạo chúng ta, nhờ cha sở, Chúa Giêsu cũng đã trao cho các giáo lý viên sứ mạng dạy giáo lý cho các em. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người này nhiệt tình trong việc hướng dẫn, giúp các em hiểu biết và yêu mến Chúa, để các em sống đạo ngày càng tốt hơn.

Trong Phúc Âm có viết: “Người ta mang các trẻ em đến cùng Chúa Giêsu…” và Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy”. Chúng ta cầu xin cho bậc là cha mẹ cũng ý thức bổn phận dạy đạo cho con cái, và nhất là nhắc nhở con cái đến học tại các lớp giáo lý của họ đạo.

Chúa phán: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít…”; chúng ta cầu xin cho những người đang hoạt động truyền giáo thêm nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng; và cầu xin cho mọi người, nhất là những người trẻ, trong họ đạo chúng ta, biết dấn thân góp phần vào việc truyền giáo, cho Danh Cha cả sáng.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu là Thầy dạy Tin Mừng cứu độ, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con, và bảo chúng con phải loan truyền ơn cứu độ ấy , mặc dầu chúng con không xứng đáng. Xin Chúa ban Thánh Thần Chúa thánh hóa chúng con, biến đổi chúng con nên chứng nhân trung thành của Chúa, và sai chúng con đến mọi nơi chúng con sống, mà loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

X. HỌC HỎI & CHIA SẺ

CHÚA ĐANG NGỰ ĐẾN NHÀ TÔI

"Thánh Thần, khấn xin ngự đến, hồn con đang mong chờ Ngài. Suối nguồn Thánh ân…"

”Thôi, thôi! Đi ra khỏi nhà tao hát. Muốn hát Chúa thì ra ngoài đường mà hát”. Hai bạn trẻ vội cất đàn rồi chuồn. Đó là một trong những kỷ niệm "đang lo" cho nàng dâu Công giáo tương lai của một gia đình hết lòng thờ Phật.Cô …

Trân, bán vé máy bay cho một đại lý của Hãng không tư nhân Pacific, trong dịp tình cờ đã quen với anh Giàu. Rồi sau nhiều lần gặp gỡ, họ bắt đầu yêu nhau. Khi bắt đầu dấn thân trong đường tình, Trân bắt đầu cảm nhận một cản trở lớn có thể cô và Giàu khó vượt qua được. Gia đình Giàu là gia đình Phật giáo "toàn tòng". Anh ruột của Giàu là Thượng tọa Thích Nhật Bình, chủ trì chùa Giác Ngộ. Giàu cũng đã quy y, có pháp danh. Còn mẹ Giàu thì khỏi bàn, nhà bà thì sắp xếp như một điện thờ, và bà tụng niệm ngày nhiều lần.

Giàu kể: "Tôi theo đạo chẳng phải tin Chúa, mà chỉ đơn giản là muốn được vợ". Chính vì hoàn cảnh đặc biệt này khiến Trân phải e ngại. Trân biết mình khó có thể chọn lựa cách khác, nên cô bắt đầu dành nhiều thời gian để cầu nguyện. Trân tự đưa ra những kế hoạch cụ thể để làm sao vừa giữ đạo giữ chồng, vừa không làm cho gia đình chồng khó chịu. Trân kể: "Em cố gắng đối phó với những khó khăn cách hoàn hảo, nhưng xem ra không kết quả lắm".

Một cơ hội đến với Trân và Giàu. Một người bạn học giáo lý dự tòng chung với Giàu mời hai vợ chồng cùng tham gia một nhóm cầu nguyện và chăm sóc bệnh nhân AIDS. Điều làm cho Trân ngạc nhiên không phải là mình đã dám dấn thân cho người bệnh AIDS, mà nhận ra chính mình đang được biến đổi. Nhưng biến đổi như thế nào? Giàu kể: "Một hôm đi làm về bực bội, tôi cằn nhằn mẹ rồi bỏ lên lầu nằm. Lúc đó tôi nghe mẹ tôi nói với vợ tôi: “Con đi lễ hằng ngày nhớ cầu xin cho chồng con thay đổi tính nết”, sự giận dỗi trong tôi tan biến mất. Tôi cám ơn Chúa, vì Người đã cho tôi một người vợ tuyệt vời".

Từ ngày đó, đời sống tôn giáo của vợ chồng Giàu - Trân trở nên đời sống tôn giáo của gia đình. Giàu kể: "Bây giờ, cứ mỗi thứ sáu, tự mẹ tôi mua cá làm cơm để cả nhà ăn thay vì mua thịt như những ngày khác". Trân cảm tạ Chúa vì biết Chúa đang ngự đến gia đình mình. (Nguyễn Lê Phan)

NHỮNG NGƯỜI LÀM CHỨNG CHO TIN MỪNG

Giáo dân:
"Như Công đồng Vatican II đã chỉ rõ, do ơn kêu gọi của mình, các giáo dân được đặt một cách vững chắc vào trong thế giới để thi hành những công việc hết sức đa dạng. Chính tại nơi này họ được mời gọi truyền bá Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Do ơn sủng và do tiếng gọi từ Bí tích Thánh Tẩy và Thêm sức, mọi giáo dân đều là nhà truyền giáo; và địa bàn truyền giáo của họ là những thế giới vô vùng rộng rãi và phức tạp như chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao.Tôi xin gởi lời cám ơn của toàn thể Giáo hội đến họ, và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong sinh hoạt và sứ mạng của Dân Chúa, làm chứng cho Đức Kitô ở bất cứ nơi nào mình có mặt…” (Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu)

Giới trẻ

”… Những vấn đề vừa nhiều vừa phúc tạp mà giới trẻ đang đương đầu trong thế giới Á Châu biến chuyển này buộc Giáo Hội phải nhắc người trẻ nhớ rằng họ là người có trách nhiệm về tương lai của xã hội và của Giáo Hội.Giáo hội xin gởi tới họ sự thật của Tin Mừng như một mầu nhiệm lạc quan, có sức giải phóng mà họ cần biết, cần sống và cần chia sẻ một cách xác tín và can đảm.Các phong trào tông đồ giới trẻ có tổ chúc và các câu lạc bộ giới trẻ có cơ hội cảm nghiệm thế nào là tình bằng hữu Kitô giáo, một điều hết sức quan trọng đối với giới trẻ. Tại các giáo xứ và giáo phận, thanh niên nam nữ phải được mời gọi tham gia việc tổ chức các hoạt động liên quan đến mình. Nhờ sự tươi trẻ và nhiệt tình, tinh thần liên đới và luôn hy vọng, họ có thể trở thành người hòa giải trong thế giới chia rẽ hiện nay”.
(Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu)

1691    17-04-2012 10:19:02