Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

HÃY BAO DUNG NHƯ NGƯỜI CHA

HÃY BAO DUNG NHƯ NGƯỜI CHA

Trang Tin Mừng vừa nghe là một trong những trang đẹp nhất của Tin Mừng. Có thể gọi đó là Tin Mừng của Tin Mừng. Vì chương 15 Tin Mừng Luca này được coi như bản tóm tắt tất cả Tin Mừng. Tin Mừng đó là Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót. Lòng thương xót của Thiên Chúa thực vô biên, dài, rộng, cao, sâu khôn lường, ta không thể nào hiểu thấu. Những bài sách thánh hôm nay hé mở cho ta mấy nét của lòng thương xót vô biên đó.

Thấy Chúa Giêsu gần gũi với những người thu thuế và tội lỗi, nhóm Pharisêu và kinh sư lên tiếng trách cứ Người. Bấy giờ Người đã dùng ba dụ ngôn để diễn tả lòng thương xót và niềm vui của Thiên Chúa đối với những kẻ tội lỗi ăn năn hối cải là: “Con chiên bị lạc”, “Đồng bạc bị đánh mất” và “Người Cha nhân hậu”. Hai dụ ngôn đầu nhấn mạnh đến thái độ của Thiên Chúa luôn đi tìm người tội lỗi. Dụ ngôn thứ ba nhấn mạnh đến thái độ khoan dung tha thứ và sẵn sàng đón nhận họ hồi tâm sám hối trở về

Thiên Chúa kêu gọi con người tội lỗi ăn năn trở về, lời kêu gọi đó luôn được nhắc đi nhắc lại trong Cựu ước và đã tiếp tục vang lên một cách mạnh mẽ trong Tân ước qua những lời giảng dạy, qua cuộc đời của Đức Giêsu nhất là qua cái chết của Người trên thập giá. Trang Tin Mừng hôm nay đó là tình thương tha thứ của Thiên Chúa, nhất là qua hình ảnh người cha nhân hậu.

Thật vậy, đây là hình ảnh của một tình yêu không biên giới và vô điều kiện của Thiên Chúa. Ngài là Cha và chúng ta là con. Làm con thì có quyền hưởng gia tài của cha. Thiên Chúa luôn tôn trọng quyền tự do của chúng ta nhưng đồng thời mỗi người chúng ta lại phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình trước mặt Ngài. Vì tôn trọng quyền tự do của con, người cha đã chia gia tài cho cậu út và để cho cậu ra đi. Nhưng tình yêu của người cha luôn đi theo cậu không ngơi, luôn mong chờ cậu trở về. Ngày ngày ông những nóng cùng trông. Cho tới một ngày kia, ông nhìn thấy bóng dáng cậu từ xa thất thểu lê lết từng bước chân. Thế là ông vội chạy về phía cậu, quên đi tuổi già sức yếu của mình, ông lại gạt bỏ khỏi lòng mình mọi đau buồn về lầm lỗi thất hiếu của cậu. Ông ráng chạy, chạy thật nhanh mà ôm lấy người con yêu dấu, đã chết mà nay lại sống. Rồi ông mở tiệc linh đình để ăn mừng.

Thiên Chúa đi tìm và kêu gọi kẻ có tội, Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi nó hối cải, hơn nữa Ngài còn vui mừng đón nhận nó khi trở về. Dụ ngôn người đàn bà tìm thấy đồng tiền mất, người chăn chiên tìm thấy con chiên lạc và ông bố gia đình đón nhận người con phung phá trở về, cả ba dụ ngôn đó chứng minh như vậy.

“Khi cậu còn ở xa, cha cậu đã trông thấy cậu”. Người cha đang chờ đợi. Ông không tự hỏi người con thứ của mình nói gì hoặc làm gì, ông chỉ nghĩ: “Nếu con ta xuất hiện nhỉ!”. Ngay khi ông thấy cậu, ông ôm cậu vào lòng, hết sức thương hại và yêu mến. Ông chạy lại (không cần phải làm đến như thế đâu!), ông hôn cậu tới tấp (nói cha tha thứ cho con không tốt hơn sao!), ông không lắng nghe những lời xin lỗi, ông quá vội vàng khi làm bùng lên niềm vui và ngày lễ hội. Nhanh lên, hãy đưa áo quần lại đây! Nhanh lên, hãy làm thịt bê béo! Con ta đã mất nay lại tìm thấy.

Người cha không những đã bày tỏ lòng thương yêu đối với người con thứ, đứa con đã đòi chia gia tài, rồi sau khi ra đi đã ăn tiêu hoang phí, khi trở về lúc nó còn đàng xa người cha đã nhận ra và lập tức chạy đến ôm chầm lấy, hôn lấy hôn để. Ông còn cho mở tiệc ăn mừng, vì điều quan trọng đối với ông là đứa con đã trở về. Đứa con của ông đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Người cha còn bày tỏ lòng nhân hậu với người con cả, đứa con hằng ngày vẫn ở bên cha mà hình như tâm hồn của nó đã đi hoang từ lâu. Nó kể công, nó phân bì, nó ghen tị rồi tức tối giận dỗi, nó muốn cắt đứt tình nghĩa huynh đệ không chấp nhận cho đứa em trở về và nó cũng đang cắt đứt luôn tình nghĩa phụ tử không chịu vào nhà, vì trong lòng của nó chưa bao giờ có tình thương. Sự chuyên cần trong công việc hằng ngày của nó xem ra vì thói quen hoặc vì bổn phận hơn là vì một mối tình. Nhưng người cha vẫn nhân hậu đầy yêu thương năn nỉ: “Này con, hằng ngày con vẫn ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con”.

Người con cả là một người con chí thú làm ăn ở nhà với cha, nhưng xem ra quan hệ với cha không được thân mật, thẳng thắn. Tuy ở nhà với cha nhưng lòng vẫn xa cách. Và kết quả là người con cả đã không hiểu và không chấp nhận nổi cách xử sự của cha đối với đứa em của anh vừa trở về. Do đó, thay vì nhập tiệc chia vui với cha và với em, người con cả đã dừng lại ở cửa, tự mình đứng ở thể tách biệt với gia đình sum họp.

Người con cả ở đây tiêu biểu cho nhóm người Biệt phái Pharisêu trong dân Do Thái. Họ tưởng rằng họ trung thành với Thiên Chúa và đáng được Chúa thương, có quyền hưởng gia tài, rồi khinh bỉ các dân ngoại và những hạng người mà họ cho là tội lỗi. Thì ra, Tin Mừng hôm nay là một Tin Mừng đối với người tội lỗi sám hối trở về, nhưng đồng thời lại cũng là một lời cảnh cáo đối với những người “ở trong nhà”, những người tưởng mình đạo đức, tốt lành. Người con cả, bao nhiêu nămm ai cũng tưởng là ngoan ngoãn tốt lành lắm. Đến ngày em của anh hồi sinh và trước niềm vui vô bở của người cha, anh đâm ra hậm hực, bực tức… thì ra bề ngoài anh ngoan, nhưng nội tâm của anh thì cay nghiệt, tù túng, đầy những ghen tị, sát phạt. Cả anh nữa, anh cũng chẳng hiểu thế nào là lòng thương xót. Cuối cùng anh không muốn bước vào lòng thương xót đó. Anh chưa gặp được Thiên Chúa. Anh vẫn ở ngoài ơn cứu độ.

Dụ ngôn cho thấy, người cần trở lại hơn hết chính lạ người con cả, người con vẫn ở nhà với cha nhưng lòng thì không ở cùng với cha.

Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân, ngay cả những tội nhân bầm dập, khốn cùng nhất, đã được Chúa Giê-su khẳng định trong Tin Mừng Mat-thêu: “Cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Ngài đưa công lý đến toàn thắng.” (Mt 12, 20 và Is 42, 3)

Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Phiêu lưu trong tội lỗi, chúng ta chỉ cảm thấy chán chường thất vọng. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta từng giây từng phút. Tình yêu của Ngài vượt lên trên mọi tính toán, đo lường của chúng ta. Người con hoang đàng trong Tin Mừng chỉ xin được đối xử như một người làm công trong nhà, nhưng người cha đã phục hồi anh trong tước vị làm con. Ông đã xỏ nhẫn cho anh, mặc áo mới cho anh và sai mở tiệc ăn mừng.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được hiểu thêm lòng thương xót vô biên của Chúa. Xin cho chúng ta mau mắn chỗi dậy mỗi lần sa ngã, với niềm xác tín vào lòng nhân hậu vô bờ của Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài.

 

 

1534    09-09-2016 07:57:29