Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Hạnh Thánh Tháng 2_phần 1

Ngày 2 tháng 2 
DÂNG CHÚA GIÊ-SU VÀO ĐỀN THÁNH

Ngày lễ hôm nay có hai ý nghĩa: thanh tẩy Đức Maria và dâng Chúa Giêsu vào đền thánh theo luật Môsê dạy. Theo luật này, người nữ sau khi sinh con thì bị nhơ uế 40 ngày nếu sinh con trai, 80 ngày nếu sinh con gái. Trong thời gian bị ô uế như thế, họ không được phép vào đền thờ, cũng chẳng được chạm đến vật thánh. Sau thời gian đó , họ phải đến đền thờ để được thanh tẩy. Khi đi, họ phải mang theo một con chiên nếu là nhà giàu, còn nhà nghèo thì một cặp chim gáy hay bồ câu non để làm của lễ. Ngoài ra, để ghi nhớ ngày vượt qua khỏi nước Aicập: các con đầu lòng của người Aicập bị giết chết, còn các con của người Do thái được cứu sống, luật này còn dạy các con đầu lòng của loài người cũng như của loài vật phải dâng hiến cho Thiên Chúa: "Hãy dâng cho Ta tất cả các con đầu lòng cả của người cả của vật trong dân Israel. Hết thảy chúng thuộc về Ta"

Ông Môsê bảo dân rằng: "Các ngươi hãy nhớ lấy ngày ra khỏi nước Aicập, được ra khỏi cảnh nô lệ, vì Thiên Chúa đã dùng bàn tay quyền năng mình mà đưa các người ra khỏi đất ấy. Khi nào Thiên Chúa đưa các người vào đất Canaan như Chúa đã thề hứa cùng các người và cùng cha ông chúng ta, và khi Chúa đã ban cho các người đất ấy rồi, các người hãy dâng cho Chúa các con trai đầu lòng của các ngươi cũng như các con đực của gia súc. Chúng sẽ thuộc về Chúa.

Khi con cháu hỏi các người về ý nghĩa của việc này, các người sẽ trả lời rằng: Vì Thiên Chúa đã dùng bàn tay quyền năng mình đã đưa chúng ta ra khỏi nước Aicập, ra khỏi đất nô lệ. Vì vua Pharaô cố tình không cho chúng ta đi, Thiên Chúa đã giết chết các con trai đầu lòng người Aicập, từ con loài người đến con loài vật. Vì thế, nay ta dâng Chúa tất cả các con đực đầu lòng của gia súc, và ta phải chuộc các con trai đầu lòng của con cái ta. Nghi thức ấy phải coi như khắc vào tay các người, vì Chúa đã dùng bàn tay quyền năng mình mà đưa chúng ta ra khỏi nước Ai-cập" (Xh, 13,1-3,11-16)

Khi đã sinh ra Chúa Giêsu đủ 40 ngày, Đức Maria và thánh Giuse đem hài nhi Giêsu lên Giêrusalem tiến dâng cho Thiên Chúa; và dâng một cặp chim gáy để thanh tẩy cho Mẹ Maria. Thánh sử Luca đã thuật lại việc dâng tiến Chúa hài nhi và thanh tẩy Mẹ Maria như sau:

"Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các Ngài, theo luật Môsê, bà Maria và Ông Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa như đã chép trong luật của Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh dành cho Chúa, và cũng để dâng của lễ theo luật Chúa truyền là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non"( Lc.2,22-24)

Thật ra, Mẹ Maria hoàn toàn thanh sạch, và Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa thì không buộc phải giữ luật này. Nhưng vì lòng khiêm tốn và để nêu gương trung thành tuân giữ luật Chúa cho chúng ta, Đức Mẹ và thánh Giuse đã đem Chúa Hài Nhi tiến dâng cho Đền thánh .

Lễ này còn gọi là lễ nến, vì có cuộc rước nến cháy sáng trước thánh lễ, do Đức Giáo Hoàng Sét-gi-ô I thêm vào. Nến ám chỉ Chúa Giêsu là ánh sáng như lời thánh Giám mục Xôphơnôriô đã nói:

"Chúng ta mang nến cháy. Trước hết là để chứng tỏ thiên tính sáng láng của Đấng đang đến. Người làm cho muôn vật rực sáng và dẹp tan mọi tối tăm ác hại. Người làm cho tất cả được chan hoà ánh sáng vĩnh cửu. Và nhất là cũng để chứng tỏ khi đưa đón Chúa Kitô, tâm hồn chúng ta phải sáng lên như thế nào.

Quả vậy, cũng như Thánh Mẫu Thiên Chúa đồng trinh vẹn tuyền đã ẵm ánh sáng thật trong tay, đến cùng những kẻ đang ngồi trong bóng tối thế nào, thì chúng ta cũng vậy, chúng ta phải được Ngài soi sáng cho và phải cầm nến cháy sáng trước mặt mọi người, để đi đón Đấng thật là sự sáng.

Thật vậy, ánh sáng đã đến trong thế gian và đã chiếu soi thế gian đang chìm đắm trong tối tăm. Mặt trời từ nơi cao đã đến viếng thăm chúng ta và chiếu soi cho những kẻ đang ngồi trong tối tăm. Thế nên, mầu nhiệm hôm nay thật là của ta. Nên ta phải cầm nến sáng mà đi đón; ta phải cầm nến sáng mà đi rước để nói rằng sự sáng đã mọc lên cho chúng ta. Đồng thời cũng nói lên sự rực rỡ mà ánh sáng đó đã đem lại cho chúng ta. Thế nên, chúng ta hết thảy hãy cùng đi đón Chúa".

Hôm nay, Hội Thánh làm phép nến và phân phát cho giáo dân rước kiệu vào thánh đường để tôn kính Chúa Giêsu là ánh sáng muôn dân. Những cây nến đã làm phép này được cất giữ trong mỗi gia đình, để dùng trong những lúc có người trong gia đình lãnh nhận những bí tích sau hết.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Giuse và Mẹ Maria, tôi hết lòng tuân giữ luật Chúa, hăng hái đón rước Chúa là Ánh Sáng soi rọi tâm hồn tối tăm của tôi. Và hằng ngày hiến dâng mọi người trong gia đình cho Chúa.

* Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Con Một Chúa đã mang kiếp người phàm, và hôm nay được hiến dâng trong đền thánh. Chúng con khiêm tốn nài xin Chúa cho tâm hồn chúng con cũng nên trong sạch, hầu xứng đáng dâng mình trước tôn nhan.

***
* Thánh Gioan Tê-ô-phan Ven - Linh mục tử đạo.

Trong sách "Một tâm hồn", thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã ca ngợi thánh Tê-ô-phan như sau: "Cha Tê-ô-phan Ven là một Đấng Thánh nhỏ. Cha có cuộc đời giản dị, Cha kính mến Đức Mẹ Đồng Trinh lắm, và tình lưu luyến gia đình của cha không thể tả"

Cha thánh Tê-ô-phan Ven sinh tại Pháp, ngày 21 tháng 11 năm 1829, thân phụ là Gioan Ven và thân mẫu là Maria Ghê-rê.

Nhờ gương sáng của cha mẹ và ảnh hưởng đạo đức của gia đình, ngay từ nhỏ cậu Ven đã có lòng kính mến Chúa và tôn sùng Đức Mẹ cách đặc biệt, nhất là cậu ước muốn dâng mình giúp việc giảng đạo Chúa. Thấy cậu ước muốn điều tốt lành như thế, cha cậu rất vui mừng. Ông gửi cậu học tiếng La tinh với cha xứ, để chuẩn bị vào chủng viện.

Năm lên 14 tuổi, cậu đang tu học thì nghe tin mẹ qua đời, cậu hết sức buồn sầu thương tiếc mẹ, muốn bỏ dở học hành. Nhưng nhờ cha và người chị khuyên bảo khích lệ, cậu vượt qua được cơn thử thách, tiếp tục lo bề tu luyện.

Sau khi học xong môn triết ở Morillon, Thầy Ven được chuyển đến giáo phận Poitiers , để học tiếp môn thần học vào tháng 10 năm 1848. Trong thời gian ở đây, thầy được ơn Chúa soi sáng, muốn đi truyền giáo ở các xứ xa. Thế nên sau khi chịu chức phó tế, thầy đã xin gia nhập Hội Thừa Sai giáo phận. Vào năm 1852, thầy đã được Đức Cha Pi-ô phong chức linh mục. Từ đó, hằng ngày vị tân linh mục này luôn thao thức được đi rao giảng đạo.

Và cha cũng được toại nguyện. Bề trên đã chấp thuận gởi cha đi giảng đạo ở Việt nam. Ngày 23 tháng 9 năm 1852, cha xuống tàu đi đến Hồng Kông, để chờ dịp sang Việt Nam . Trong khi ở đây chờ đợi, cha học thêm tiếng Hán.

Ngày 13 tháng 7 năm 1854, cha Ven đã đến Việt Nam tại cửa Cấm, và được toà giám mục Vĩnh Trị tiếp đón long trọng. Sau một thời gian học tiếng Việt, cha được Đức Giám mục chọn làm giáo sư chủng viện. Lúc đó Đức Cha Liêu đang ở đó; ngài phụ trách giáo phận Tây Đàng ngoài.

Tình hình cấm đạo lắng dịu chưa được bao lâu thì năm 1856, vua Tự Đức ra chỉ thị bắt đạo gắt gao. Chủng viện phải giải tán. Đức cha và các cha phải ẩn trốn nay đây mai đó, để tránh nguy hiểm cho đoàn chiên, nhất là để ban các bí tích, và động viên các giáo hữu tuyên xưng đạo Chúa. Cha Ven chịu khó len lỏi đi đó đây giảng đạo, và giúp đỡ giáo dân đến ngày 30 tháng 11 năm 1860 thì bị bắt, Và ngày 4 tháng 12, người ta nhốt cha vào cái củi hẹp có 8 người khiêng giải về Hà Nội.

Khi quan án hỏi; - Anh đến nước này để làm gì?

Cha thẳng thắn trả lời: - Tôi đến đây để giảng đạo thật là đạo Chúa. 
- Ai sai anh đến đây? 
- Không phải vua quan nước Pháp đã sai tôi đi, nhưng Bề trên trong đạo đã gởi tôi đến đây để truyền giáo.

Quan án hỏi: - Hãy đạp lên thánh giá, anh sẽ thoát chết. 
- Tôi đã suốt đời giảng đạo Thánh giá, sao tôi làm như thế được.

Thế là cha bị kết án trảm quyết. Và ngày 2 tháng 2 năm 1861, cha đã bị chém chết tại pháp trường cầu Giấy (Hà Nội); đầu cha bị bêu lên cây 3 ngày rồi thả trôi sông.

Đức Thánh Cha Pi-ô X tôn cha lên bậc Chân phước ngày 2 tháng năm 1909. Và ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng cha lên hàng Hiển thánh.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Tê-ô-phan Ven linh mục tử đạo, hằng ngày tôi lo giảng đạo Chúa bằng lời cầu nguyện, việc hãm mình, lời nói, gương lành, và sẵn sàng hy sinh mọi sự vì Chúa và vì phần rỗi các linh hồn.

* Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo Hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 3 tháng 2 
THÁNH BLA-SI-Ô . Giám mục tử đạo

Thánh Bla-si-ô là một trong những vị thánh được dân chúng mến mộ nhất, vì ngài luôn bầu cử cứu giúp những ai kêu cầu ngài. Ngài là một thầy thuốc tài giỏi, nhưng không bao giờ chữa bệnh mà không cầu nguyện với Chúa trước. Ngài thường nói với bệnh nhân: Tôi trị bệnh, nhưng chính Chúa chữa lành. Ngoài ra, ngài còn là một Kitô hữu đạo đức, thánh thiện nên được chọn làm Giám mục Sê-bát-ta, miền At-mê-ni. Trong thời gian làm Giám mục, ngài luôn chuyên cần giảng dạy đoàn chiên, đặc biệt ngài làm gương sáng cho mọi người. Đó là bài giảng hùng hồn nhất của ngài.

Gương sáng nổi bật nhất của thánh nhân là sẵn sàng hy sinh phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bệnh hoạn, tật nguyền. Ngài thực hiện đúng Lời Chúa Giêsu nói: "Ta đến, không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và nên giá cứu chuộc mọi người", và Lời: "Ai muốn là người lớn nhất trong các con phải trở nên tôi tớ các con"

Nhưng rồi thánh nhân lại từ chức Giám mục, lên núi tu luyện một mình. Ở đó, ngài ăn chay cầu nguyện và làm bạn với thú rừng. Tương truyền, hằng ngày chúng tụ họp quanh ngài: như để chầu chực ngài, nhất là để ngài chữa cho khỏi bệnh tật.

Năm 315, vua Lu-xi-a-nô bắt đạo dữ dội. Người ta vào rừng tìm những con thú dữ để xé xác những Kitô hữu không chịu chối đạo. Họ gặp cả những bầy sư tử, cọp, hùm, sói đang vây quanh một người. Họ hoảng hồn chạy về báo tin cho triều đình. Thế là nhà vua sai quân lính đến bắt thánh nhân.

Trước mặt vua, Bla-si-ô tự xưng mình là người tin theo Chúa. Và dù bị đánh đập nhừ tử, ngài vẫn vui lòng chịu khổ vì Chúa. Ngài nói với lý hình: - Tôi coi các cực hình này như không, vì nó chỉ hành hạ tôi trong giây lát, còn phần thưởng Chúa ban cho tôi thì đời đời.

Thấy không lay chuyển nổi lòng tin mạnh mẽ của thánh nhân, vua ra lệnh chém đầu để kết thúc đời ngài vào năm 316.

* Quyết tâm: Tôi quyết noi gương thánh Bla-si-ô, sẵn lòng hy sinh phục vụ mọi người, và chịu mọi gian lao khốn khó mau qua ở đời này, để đời sau được thưởng muôn đời.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, nhờ thánh Bla-si-ô tử đạo chuyển cầu, xin nghe tiếng dân Chúa nài van mà ban ơn phù trợ, để chúng con sống bình an trong cuộc đời hiện tại và mai ngày đạt tới phúc trường sinh.

***

Hôm nay, Hội thánh cũng mừng lễ thánh An-ga-ri-ô Giám mục.

Thánh nhân sinh tại Pi-các-đi, năm 801, trong một gia đình viên chức triều đình.

Lớn lên, An-ga-ri-ô được gởi học tại tu viện Cô-bi. Cậu say mê học các môn phần đời đến nổi bỏ bê các môn giáo lý thần học và chểnh mảng cả việc đạo đức. Nhưng một biến cố bất ngờ xảy ra khiến cậu hối tâm suy nghĩ và sửa đổi đời sống; đó là cái chết của vị vua nổi tiếng danh vọng giàu sang nhất lúc đó. Cái chết của nhà vua làm cho cậu thấy rõ mọi vinh hoa phú quý ở đời đều mau qua, chóng mất; và không có gì tồn tại trên thế gian này. Thế là cậu quay lại tìm vinh hiển bền vững nơi Chúa. Cậu chăm lo học biết Chúa và tập rèn nhân đức, và xin gia nhập dòng thánh Be-ne-đi-tô.

Sau khi thụ phong linh mục, thánh nhân vừa làm giáo sư thần học trong dòng vừa giảng đạo cho lương dân. Và khi vua nước Đan Mạch xin người đến rao giảng Tin Mừng cho nước ông, ngài được chọn đi với một tu sĩ của dòng. Hai nhà truyền giáo trẻ tuổi này hoạt động hăng say đắc lực, đem nhiều người trở lại với Chúa. Hằng ngày, ngài đi rảo các làng mạc thôn xóm, rao giảng Chúa cho mọi người và ban các Bí tích cho họ. Ngài chính là vị tông đồ được Chúa chọn và sai đi giảng dạy muôn dân, như lời Công đồng chung Vatican II: "Dù mọi môn đệ Đức Kitô đều có bổn phận góp phần vào công cuộc gieo vãi đức tin, nhưng Chúa Kitô luôn gọi trong số các môn đệ Người những kẻ chính Người muốn, để họ ở với Người và để Người sai đi giảng dạy muôn dân. Vì thế, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng tuỳ ý ban phát các đặc sủng để mưu lợi ích chung, Đức Kitô linh ứng ơn kêu gọi truyền giáo trong tâm hồn từng cá nhân, đồng thời thúc đẩy trong Hội thánh có những tổ chức đảm nhận nhiệm vụ truyền bá Tin Mừng của toàn thể Hội thánh như một bổn phận của riêng mình".

Thánh nhân luôn coi việc giảng đạo là bổn phận Chúa phú giao. Ngài đem hết tài đức, sức lực Chúa ban để mở mang đạo Chúa, không kể gì gian nan khổ cực. Chẳng màng chi danh vọng chức tước, ngài chỉ mong sao cho danh Chúa cả sáng, nước Cha trị đến.

Sau khi chu toàn sứ mạng rao giảng đạo Chúa tại Đan Mạch, thánh nhân trở lại Pháp, và được nhà vua chọn làm Tổng Giám mục giáo phận Ham-bua năm 832. Ngài xây cất nhà thờ chánh toà và thành lập tu viện tại đây.

Ngày 3 tháng 2 năm 865, thánh nhân qua đời đang khi còn mong ước làm nhiều việc khác giúp ích cho Hội thánh.

* Quyết tâm: Noi gương thánh An-ga-ri-ô, hằng ngày lo tìm kiếm hạnh phúc vinh hiển bền vững trên trời, bằng cách siêng năng làm tôi Chúa, giúp việc giảng đạo Chúa.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh An-ga-ri-ô Giám mục đem ánh sáng tin mừng đến cho các dân tộc Bắc Au. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, mà ban cho chúng con được bước đi luôn mãi trong ánh sáng chân lý của Chúa.

Ngày 5 tháng 2 
THÁNH A-GA-TA . Trinh nữ tử đạo.

Thánh nữ A-ga-ta sinh tại Xi-ci-li-a, nước Ý, khoảng năm 230, trong một gia đình giàu sang quý phái và đạo đức.

Ngay từ nhỏ, A-ga-ta đã được cha mẹ dạy đạo lý và tập rèn sống đạo. Nhờ đó, thánh nữ sớm được lòng tin mạnh mẽ và tâm hồn hướng về đàng lành. Nhờ ơn Chúa soi sáng, ngài đã khấn giữ mình đồng trinh, dâng trọn tình yêu cho Chúa, quyết chí yêu mến một mình Chúa suốt đời.

Xảy ra lúc đó, Hoàng đế Đê-ci-ô ra sắc chỉ cấm đạo; truyền cho các quan cận thần truy nã lùng bắt những người tin Chúa, thờ Chúa, cúng thần thì bị ngục tù, tra tấn và giết chết.

Ở Xi-ci-li-a có quan Quin-ti-a-nô. Ông ta là một con người ham danh háo sắc. Nghe biết A-ga-ta là một thiếu nữ xinh đẹp, giàu có, ông ta liền cho bắt trinh nữ và giao cho một mụ chứa tàn ác dụ dỗ ngài từ bỏ nếp sống trinh tiết. Nhưng sau nhiều lần quyến rũ, ngăm đe mà không hiệu quả, mụ chủ chứa giao trả ngài lại cho Quin-ti-a-nô.

Quin-ti-a-nô tìm đủ mọi cách rù quến thánh nữ, nhưng cũng vô hiệu. Cuối cùng, ông ta giận dữ, cho tra tấn hành hạ ngài một cách hết sức dã man, và ném vào lò lửa cho chết cháy. Nhưng Chúa đã gìn giữ thánh nữ, nên ông ta truyền nhốt vào ngục thất cho đến chết.

Thánh nữ đã chết rũ tù ngày 5 tháng 2 nắm, để lại gương trinh khiết vẹn toàn cho muôn thế hệ, như lời thánh Giám mục Mê-tô-đi-ô quả quyết:

"Anh em thân mến, như anh em biết, ngày lễ thánh A-ga-ta hôm nay đã họp chúng ta lại đây. Ngài là thánh tử đạo rất xưa, có lẽ ngay từ đầu nữa, nếu xét về cuộc chiến đấu hiển hách của ngài; nhưng ngài lại là thánh tử đạo của thời ta, vì dường như ngài vẫn đang còn chiến thắng, nếu xét về các phép lạ ngài làm hằng ngày vẫn xảy ra để tăng thêm và hoàn tất sự vẻ vang của ngài.

Vậy chính người trinh nữ ấy đã mời anh em đến đây tham dự Tiệc thánh này. Ngài là người đã đính hôn với vị Hôn phu duy nhất là Đức Kitô. Nếu ta muốn dùng lại những từ ngữ của thánh Phaolô và lấy lại kiểu so sánh của ngài với tình yêu phu phụ.

Nhờ việc luôn cầm trí, ngài không ngớt suy niệm và chiêm ngắm sự chết của vị Hôn phu yêu mến của ngài, dường như ngài vừa đổ máu ra vậy. Thế nên cái áo tử đạo mặc cho ngài đã mang vết máu không hề phai của Đức Kitô, mà màu máu đỏ còn thắm sâu vào ngài. Ngoài ra ngài còn muốn thông đạt lại cho hậu thế kho tàng của khoa hùng biện trinh khiết ở nơi mình, với tất cả vẻ duyên dáng tế nhị của nó khi lời ngài tuôn ra vô tận.

Sự tốt lành của thánh A-ga-ta hợp với tên ngài và với chính ngài. Thánh A-ga-ta nổi danh vì các việc hiển hách của mình. Tên ngài cũng nói lên các việc hiển hách ấy. Ngay tên thánh A-ga-ta cũng mời gọi người ta đến với ngài. Ngài còn dùng gương sáng dạy dỗ người ta. Vậy xin mọi người đừng trì hoãn nữa. Hãy cùng với ngài tiến thẳng lên sự thiện tuyệt đối của chính Thiên Chúa".

* Quyết tâm: Noi gương thánh trinh nữ A-ga-ta, tôi quyết giữ mình thanh sạch, trong trắng hằng ngày, dù có gian nan thử thách cũng một lòng trung kiên bền đỗ, giữ mình sạch tội cho đến chết.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, thánh nữ A-ga-ta đã luôn làm đẹp lòng Chúa, vì vừa sống cuộc đời kiên trinh vừa can trường hy sinh tử đạo. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu, mà ban cho chúng con được ơn tha thứ.

Ngày 6 tháng 2 
THÁNH PHAO-LÔ MI-KI . Và các bạn tử đạo

Ngày 15 tháng 8 năm 1549, thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê đem tin Mừng đến cho người Nhật. Và 40 năm sau, đã có trên 200 ngàn người tin theo Chúa. Nhưng ma quỉ không chịu thua. Chúng tìm cách lôi các linh hồn về phía chúng.

Một cuộc bắt đạo dữ dội xảy ra. Đó là năm 1597, vua Tai-cốt-mơ ra lệnh bắt giết hết những ai theo đạo Chúa, vì sợ những người này đồng loã với đế quốc Tây Ban Nha xăm lăng Nhật Bản. Số người bị bắt trước tiên gồm có 26 vị: 6 tu sĩ dòng thánh Phan-xi-cô, 3 tu sĩ dòng Tên và 17 giáo dân. Trong đó có 3 trẻ giúp lễ và Phao-lô Mi-ki, lúc đó 33 tuổi.

Nhà vua ra lệnh cắt tai, cắt mũi các ngài và đem đi đóng đinh vào thập giá tại Na-ga-sa-ki. Nhìn các ngài bị gông cùm, máu chảy dầm dề trên mặt, mọi người đều thương khóc thảm thiết!...

Một người đương thời đã thuật lại cuộc tử đạo của thánh Phao-lo- Mi-ki và các bạn ngài như sau:

"Sau khi chịu đóng đinh vào thập giá, các ngài tỏ ra kiên chí lạ thường. Hai cha Pa-xi-ô và Rô-tô-ri-ghết, mỗi người một bên, khuyến khích các ngài. Cha phụ trách giáo sở thì luôn yên lặng ngước mắt nhìn trời. Thầy Mac-ti-nô thì hát thánh vịnh để tạ ơn Chúa từ nhân, rồi thêm câu: Trong tay ngài, lạy Chúa... Cha Phan-xi-cô Bô-lan-cô cùng to tiếng tạ ơn Thiên Chúa. Còn thầy Cun-xan-cô thì đọc lớn tiếng kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng. Riêng thầy Phao-lô Mi-ki thấy mình ở trên một toà chưa từng có, bắt đầu nói với những người đang chứng kiến quang cảnh này rằng: Thầy là người Nhật, thuộc dòng Chúa Giêsu; thầy bị án tử hình này vì đã rao giảng Tin Mừng. Và thầy cám ơn Thiên Chúa đã ban cho mình ơn trọng như vậy. Rồi thầy nói thêm:

- Tôi đã đi đến hoàn cảnh này thì chắc không ai còn nghi rằng tôi còn dầu diếm sự thật. Vậy tôi xin tuyên bố với mọi người rằng: Không có đường lối cứu độ nào khác ngoài đường lối các Kitô hữu đang theo. Và vì đường lối đó dạy tôi phải tha thứ cho các cừu địch và cho kẻ làm hại mình, nên tôi rộng lòng tha thứ cho hoàng đế và cho mọi người làm tôi phải chết. Tôi xin họ hãy lãnh nhận phép Rửa tội của người kitô hữu.

Rồi quay nhìn các đồng nghiệp, ngài an ủi họ trong cơn chiến đấu cuối cùng này. Hân hoan hiện rõ trên gương mặt mọi người, đặc biệt trên gương mặt Lu-y, khi có người tín hữu nói với anh rằng: anh sắp được lên Thiên đàng; các ngón tay của anh và tất cả thân thể anh như muốn làm một cử động diễn tả một sự vui mừng sâu xa, khiến mọi người đứng xem đều quay mắt nhìn anh.

Anh An-tôn đứng ở cuối hàng, cạnh anh Lu-y. Mắt anh đăm đăm nhìn trời. Sau khi kêu tên Chúa Giêsu và Đức Mẹ, anh cất thánh vịnh: Hỡi trẻ thơ, hãy ca ngợi Chúa, mà anh đã học tại trường giáo lý Na-ga-sa-ki. Ở trường học công giáo đó, người ta vẫn dạy các em học thuộc thánh vịnh để hiểu về giáo lý.

Bấy giờ, bốn người lý hình tuốt lưỡi lê khỏi vỏ. Đó là thứ vũ khí người Nhật quen dùng. Thấy ghê quá, mọi Kitô hữu đều kêu lên "Giêsu, Maria". Và tiếng khóc than lâm ly tiếp tục bay lên trời...Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các lý hình đã làm xong công việc của họ đối với từng vị tử đạo, bằng một hai nhát lưỡi lê.

Thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn tử đạo đã được Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX tôn phong hiển thánh năm 1826.

* Quyết tâm: Tôi cầu xin Chúa cho tôi và mọi người trong gia đình kiên trì giữ vững đức tin, can đảm hy sinh chịu khó vì Chúa, và sẵn sàng tha thứ cho kẻ bách hại mình.

Lời nguyện: Lạy Chúa là nguồn sức mạnh của các thánh, Chúa đã gọi thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn bước lên thập giá mà vào cõi trường sinh. Xin Chúa thương nhậm lời các ngài cầu thay nguyện giúp, mà cho chúng con hằng can đảm tuyên xưng đức tin và trung thành giữ vững cho đến hơi thở cuối cùng.

2253    09-03-2011 08:40:33