Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 3_phần 1

Ngày 4 tháng 3 
THÁNH CA-XI-MIA

* Gương thánh nhân: 
Thánh Ca-xi-mia sinh tại Kra-cô-vi, nước Ba-lan, năm 1458. Cha là vua Ca-xi-mia thứ 4, mẹ là hoàng hậu Ê-li-sa-bết, rất đạo đức.

Thánh nhân sống đời khiết tịnh hoàn hảo. Ngay lúc trẻ tuổi, ngài đã xa lánh những thú vui thế gian. Điều ngài ham thích nhất là được sống lâu giờ trước bàn thờ và bắt mình ép xác, chay tịnh. Nhiều đêm, ngài nằm ngủ dưới đất, hoặc trước cửa nhà thờ. Ngài đặc biệt sùng kính Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Mỗi lần nhìn lên thánh giá là mỗi lần nước mắt ngài chảy ra vì thương mến Chúa. Ngoài ra, thánh nhân cũng hết lòng tôn kính Đức Mẹ. Ngài gọi Đức Maria là " Mẹ hiền " của ngài.

Nơi thánh nhân, còn nổi bậc hai nhân đức bác ái và công bằng, như một tác giả đương thời với ngài đã làm chứng:

" Ca-xi-mia có một lòng bác ái hầu như không thể tin được. Lòng bác ái không giả dối, nhưng chân thật, do Chúa Thánh Thần nhóm lên để ngài yêu mến Thiên Chúa toàn năng. Nó đầy ngập lòng Ca-xi-mia đến nỗi tràn ra ngoài, Nó tràn từ thâm tâm ra đến bên ngoài để yêu thương tha nhân. Đền nỗi, đối với ngài, không có gì vui sướng và hợp với nguyện vọng của ngài hơn, là không những phân phát của cải đi mà còn được hiến thân và cư xử rộng rãi thật sự và hoàn toàn cho những người nghèo của Đức Kitô, cho kẻ lữ hành, cho người đau ốm, cho kẻ tù tội và cho mọi người đau khổ. Ngài ở với quả phụ, mồ côi và những kẻ bị áp bức. Không những như người bảo trợ và quản lý mà còn như cha, như con và anh em của họ. Sẽ phải viết một cuốn sách rất dài nếu muốn thuật lại mọi việc bác ái yêu thương của ngài đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Khó có thể nói và nghĩ về mức độ ngài vun trồng đức công bình , quý trọng đức tiết độ, biểu thị đức khôn ngoan, tỏ ra kiên nhẫn và can đảm như thế nào. Đặc biệt, ở tuổi mà người ta tự nhiên có khuyenh hướng dễ dàng muốn lao mình vào tội lỗi.

Hằng ngày, ngài khuyên cha mình lấy đức công bình mà trị quốc và chư hầu. Và khi nào, vì chểnh mảng hay vì ngu xuẩn mà người ta sơ xuất trong việc cai tù, thì ngài không hề bỏ qua cơ hội dùng lời lẽ vừa phải phàn nàn với cha mình. Ngài bênh đỡ các vụ kiện của những người túng thiếu hay khổ sở như mình; và đứng về phía họ, nên được dân tôn là người bênh vực kẻ nghèo khổ. Và mặc dầu là hoàng tử thuộc dòng họ quý phái, ngài chẳng bao giờ khó tính với ai trong cách đối xử và ăn nói, cho dù là đối với người tầm thường và hèn hạ nhất.

Ngài luôn thích ở giữa những người hiền lành và nghèo khó trong lòng, là những kẻ được hứa ban Nước Trời làm của mình, hơn là sống giữa những người sang trọng quyền thế ở đời này. Chẳng bao giờ ngài ham muốn quyền bính, và từ chối khi cha ngài trao cho. Đức Kitô Chúa chúng ta đã gọi của cải là gai nhọn; ngài sợ nó đâm vào tâm hồn ngài và linh hồn sẽ ra ô uế khi đụng vào các việc ở đời".

Thánh nhân qua đời ngày 4 tháng 3 năm 1484, lúc ngài mới 26 tuổi. Năm 1522, ngài được tôn phong hiển thánh và được chọn làm thánh Bổn mạng nước Ba-lan năm 1602.

* Quyết tâm: Tôi quyết sống thanh sạch, công bình, bác ái; nhất là tận tâm nâng đỡ bênh vực những người cô thế cô thân, bị áp bức khổ sở, theo gương thánh Ca-xi-mia.

* Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã gọi chúng con làm tôi tớ Chúa, để cùng Chúa làm chủ trái đất này. Vì lời thánh Ca-xi-mia nguyện giúp cầu thay, xin cho chúng con biết sống thánh thiện ngay lành mà phụng sự Chúa.

Ngày 7 tháng 3 
THÁNH NỮ PÊ-PÊ-TU-A VÀ PHÊ-LI-XI-TA
 
Tử đạo

Dưới thời bắt đạo của Hoàng đế Sép-ti-mô Sê-vê-rô ở Cạt-ta, nhiều người tín hữu đã bị giết chết vì Chúa. Họ phải chịu đủ mọi thứ hình khổ, bị thú dữ cắn xé, bò rừng chém chết, gươm giáo phanh thây xẻo thịt ... Nhưng họ vẫn can đảm giữ vững đức tin, sống chết trung thành theo Chúa.

Trong số đó có hai thánh nữ Pê-pê-tu-a và Phê-li-xi-ta. Pê-pê-tu-a là con một gia đình quý tộc. Cha ngài thờ ngẫu tượng. Còn ngài được Chúa thương cho biết Chúa, tin Chúa với Phê-li-xi-ta là một nữ nô lệ đang giúp việc trong nhà ngài. Cả hai còn đang học đạo thì bị phát giác và bị bắt; và đã được lãnh Bí tích Rửa tội trong lúc giam giữ.

Cha ngài vào thăm ngài trong ngục và khuyên bỏ đạo. Nhưng ngài chỉ vào một cái bình và nói:

- Người ta không thể gọi vật này bằng tên nào khác hơn là cái bình. Con cũng vậy, không thể gọi con bằng tên nào khác hơn là Kitô hữu.

Người cha nổi giận lao vào đánh đập ngài tàn nhẫn rồi bỏ ra về.

Trong lúc bị giam trong ngục, các ngài luôn cầu xin Chúa ban ơn giúp sức để chịu nổi mọi cực hình và chịu chết vì Chúa. Ngoài ra, các ngài hằng an ủi nhau, nhắc nhở nhau hy sinh chịu khó và sống vui tươi an bình.

Sau nhiều lần tra tấn cũng như dụ dỗ mà thấy các ngài cứ khăng khăng tin theo Chúa, nên quan án lệnh đem các ngài ra hí trường cho thú dữ dày xéo. "Ngày chiến thắng của các tử đạo đã bừng lên. Từ ngục thất, các ngài tiến ra hí trường, như đi vào thiên đàng. Nét mặt các ngài hân hoan, có run lên thì cũng vì vui chứ không phải sợ.

Pê-pê-tu-a là người đầu tiên đã bị con bò dữ tung lên và ngã ngửa xuống. Nhưng chỗi dậy và thấy Phê-li-xi-ta bị hất nằm trên đất, ngài liền đến giơ tay đỡ bạn dậy. Và cả hai cùng đứng. Dân chúng không còn hung hăng nữa. Các ngài được dẫn qua cổng " còn sống". Ở đó, một người tên là Rút-ti-cô đã nhận thấy Pê-pê-tu-a. Anh là một dự tòng và xưa nay vẫn ở giúp ngài. Như tỉnh dậy sau một giấc ngủ (vì ngài đã ngất trí đi như thế) ngài đưa mắt nhìn quanh khiến mọi người ngạc nhiên khi ngài hỏi:

- Bao giờ chúng tôi mới được dẫn tới con bò cái mà người ta thường nói?

Khi được biết rằng việc đó đã xảy ra rồi, ngài vẫn không tin. Mãi cho đến khi nhận ra các dấu vết bị bò húc trên thân xác và trên quần áo của mình. Rồi gọi em là người dự tòng kia tới, ngài khuyên bảo họ như sau:

- Hãy vững vàng trong đức tin... và hết thảy hãy yêu thương nhau. Đừng nao núng vì các khổ nạn của chúng tôi "

Dân chúng đòi mang các ngài ra giữa hí trường để được mục kích cảnh giết người, khi thấy gươm đâm vào thân thể các ngài. Các ngài liền tự động đứng lên, đi thẳng ra nơi dân chúng muốn. Nhưng trước đó, các ngài đã hôn nhau để kết thúc cuộc tử đạo với nghi lễ trao ban bình yên .

Pê-pê-tu-a thì phải nếm khổ nhiều hơn. Bị đánh vào xương sườn, ngài kêu lên nhưng rồi phải nắm lấy tay tên đao phủ mới tập nghề đang quờ quạng đưa lên chính họng mình. Một người phụ nữ như ngài chắc không thể bị giết cách khác hơn được: chính ngài phải muốn mới được, vì thần ô uế còn phải sợ ngài mà.

Vì các ngài bị bò hất tung mà còn sống, nên lý hình phải dùng gươm giết các ngài. Nhưng tên lý hình sợ hãi run rẩy, nên thánh Pê-pê-tu-a phải giúp hắn đẩy lưỡi giáo vào cổ mình.

Thế là thánh nữ Pê-pê-tu-a và Phê-li-xi-ta đã anh hùng chịu chết vì Chúa vào ngày 7 tháng 3 năm 203.

* Quyết tâm: Hằng ngày, noi gương thánh Pê-pê-tu-a và thánh Phê-li-xi-ta kêu xin Chúa ban ơn giúp sức, chịu khó hy sinh và trung thành bền đỗ vác thánh giá theo Chúa đến cùng.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, nhờ tình yêu nồng nàn của Chúa thúc đẩy, hai thánh nữ Pẹt-pê-tu-a và Phê-li-xi-ta đã coi thường những người bách hại và lướt thắng cả cái chết đớn đau. Cúi xin Chúa nhận lời hai thánh nữ chuyển cầu mà ban cho chúng con ngày càng thiết tha yêu mến Chúa.

Ngày 8 tháng 3 
THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA
 
Tu sĩ

Thánh Gioan Thiên Chúa sinh năm 1459, tại Bồ Đào Nha. Cha mẹ ngài rất nghèo nhưng giàu lòng đạo đức.

Năm lên 8 tuổi, ngài ham vui đi theo một nhà mạo hiểm đến Ma-trít. Nhưng bị lạc, nên ngài phải ở đợ nuôi thân cho đến năm 20 tuổi thì đăng lý vào quân đội. Sống trong quân ngũ, ngài bị lây nhiễm thói hư tật xấu của đồng đội, bê tha trác táng.

Nghe tin mẹ mất vì buồn sầu thương nhớ ngài, ngài hối hận và quyết tâm trở lại với Chúa. Ngày đêm, ngài ân cần cầu nguyện và ăn chay đền tội. Đặc biệt, ngài thương lo giúp đỡ những kẻ nghèo khổ bệnh tật.

Sau khi giải ngũ, ngài lặn lội buôn bán, dành dụm tiền của và nhờ một số nhà hảo tâm ủng hộ, ngài xây một bệnh viện chăm sóc những bệnh nhân nghèo. Số bệnh nhân ngày càng đông, thánh nhân không đủ sức lo, nên ngày ngày phải đi ăn xin để về nuôi dưỡng họ. Một mình không đảm đang hết công việc phục vụ chăm sóc, ngài cần thêm nhiều người phụ giúp. Ngài cầu xin Chúa, và Chúa soi sáng hướng dẫn ngài thành lập Dòng Anh Em Bác Ai, chuyên chăm sóc giúp đỡ người nghèo khổ bệnh hoạn.

Ngài luôn luôn khuyến khích các tu sĩ ân cần phục vụ người nghèo, kẻ khổ, chẳng những phần xác mà cả phần hồn, nhất là hết lòng tin tưởng trông cậy Chúa, vì Người hằng trợ lực cho những kẻ có lòng bác ái thương người. Trong một bức thư, ngài viết: "Nếu ta nhìn vào lòng thương xót của Chúa, thì bao lâu còn khả năng, chẳng bao giờ chúng ta thôi làm việc thiện. Bởi lẽ, khi vì yêu mến Chúa, ta trao lại cho người nghèo những gì mà thiên Chúa đã ban cho ta, thì Chúa hứa sẽ cho ta gấp trăm trong hạnh phúc muôn đời. Ôi số lời diễm phúc! Ôi mối lợi thánh thiện! Ai mà không muốn lấy của cải mình có đem cho Đấng đổi chác tốt lành như vậy, vì Người sẽ săn sóc công việc làm ăn cho ta, và dang tay xin ta cứ trở về với Người, cứ khóc lóc tội lỗi rồi chuyên cần bác ái, đối với mình trước, rồi đến tha nhân. Như nước dập tắt lửa thế nào, bác ái cũng tẩy xóa tội lỗi như vậy. Kẻ nghèo khó kéo đến chốn này không biết bao nhiêu mà kể, khiến chính tôi nhiều khi phải tự hỏi không biết giúp đỡ họ cách nào đây. Nhưng Chúa Giêsu Kitô phòng bị tất cả, và Người nuôi dưỡng mọi người. Nhiều kẻ nghèo tìm về nhà Chúa ở đây, vì Gơ-rơ-na-đa là một thị xã lớn và rất lạnh, đặc biệt trong mùa đông. Hiện nay, có hơn 110 người đang ở trong nhà; ốm có, khoẻ có, tôi tờ có và có cả khách hành hương nữa, Là vì đây là nhà chung, nên tiếp rước mọi hạng và mọi thứ bệnh tật: tàn tật, qué quặt, phong hủi, câm, điên, bất toại, sói đầu, già nua, trẻ nhỏ và nhất là nhiều người hành hương và đi đường. Họ đến đây và được cung cấp củi lửa, nước, muối và nồi để nấu ăn, chẳng phải trả đồng xu nào; nhưng Đức Kitô lo liệu hết.

Chính vì vậy mà lúc này tôi đang mang nợ nhiều và bị tù vì Đức Giêsu Kitô. Vì mắc nợ, tôi không dám ra khỏi nhà; các món nợ chưa trả giữ tôi lại. Nhưng khi tôi nhìn thấy nhiều người nghèo là anh em và là thân nhân của tôi phải khổ sở quá sức mình, chịu bao khốn cực trong tâm hồn và thể xác, mà tôi không giúp đỡ được thì tôi buồn vô hạn. Nhưng tôi tin tưởng vào Đức Kitô, vì Người hiểu lòng tôi, thế nên tôi nói: Bất hạnh thay con người đặt tin tưởng vào người đời, chú không tin tưởng vào Đức Kitô. Bởi vì, người đời thì dù muốn dù không, có lúc bạn phải xa lìa. Còn Đức Kitô, thì luôn luôn trung tín và trường tồn. Người dự liệu tất cả. Tạ ơn Người luôn mãi.

Thánh nhân qua đời ngày 8 tháng 3 năm 1550, và được phong thánh năm 1690. 

* Quyết tâm: Noi gương thánh Gioan Thiên Chúa, hết lòng thương giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật phần hồn cũng như phần xác, và tin tưởng Chúa hằng phù trợ trong công cuộc bác ái tốt đẹp này.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Gioan đầy tràn tình thương đối với kẻ nghèo hèn và bệnh tật. Xin cho chúng con cũng biết đem lòng bác ái mà phục vụ anh em, hầu đáng hưởng vinh quang Nước Trời với những người được Chúa tuyển chọn.

Ngày 9 tháng 3 
THÁNH PHAN-XI-CA RÔMA-NA
 
Nữ tu

Thánh Phan-xi-ca Rômana sinh năm 1384 tại Rô-ma, trong một gia đình quí tộc. Ngay từ lúc nhỏ, thánh nhân đã sống thầm lặng và siêng năng cầu nguyện. Năm lên 13 tuổi, ngài muốn dâng mình cho Chúa, nhưng cha mẹ bắt gả cho lãnh chúa tên Lô-ren-sô Pon-xi-a-ni.

Mặc dầu không muốn lấy chồng, thánh nhân cũng vâng lời cha mẹ, lo làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ, nêu gương cho mọi người trong gia đình. Nhưng ngài cũng không quên bổn phận đối với Chúa. Hằng ngày, thánh nữ lo dậy sớm đọc kinh cầu nguyện, để sau đó làm công việc nội trợ và lo cho kẻ ăn người ở trong nhà. Lo việc nhà xong, ngài vội vã đến bệnh viện, thăm viếng giúp đỡ bệnh nhân vì ngài rất thương yêu kẻ nghèo khổ bệnh tật. Săn sóc bệnh nhân có thể đưa về nhà, Phan-xi-ca chưa lấy làm đủ, ngài còn tìm kiếm họ trong các lều của họ và nơi các bệnh viện công. Gặp họ, ngài cho họ uống, làm giường và băng bó các vết thương. Các vết thương cáng thối và càng làm lên ruột, ngài lại càng săn sóc mau mắn và ân cần. Ngài cũng thường lui tới khu phố Cam-pô Xan-tơ, mang thức ăn và lương thực mỹ vị phân phát cho những kẻ thiếu thốn. Trở về, ngài mang theo đủ thứ áo quần rách rưới, bẩn thỉu. Giặt giũ, vá mạng lại cẩn thận như để cho chính Chúa dùng vậy .

Phan-xi-ca làm việc giúp đỡ bệnh nhân và các bệnh viện công cộng như thế trong 30 năm trời, là quãng thời gian ngài ở nhà chồng. Ngài năng lui tới hai nhà thương nhà thờ Đức Bà và nhà thờ thánh Xê-xi-li-a ở bên kia sông Ti-be, nhà thương Chúa Thánh Thần ở Xa-xi-a, và nhà thương thứ tư ở Cam-pô Xan-tô. Trong thời nhiều bệnh ôn dịch như vậy, không những khó tìm được y sĩ săn sóc thân thể người ta mà cũng khó kiếm được linh mục đem phương dược cần thiết đến chữa cho các linh hồn. Thánh nữ đi tìm các ngài và đưa các ngài đến gặp các bệnh nhân đã được chuẩn bị sẵn sàng để xưng tội và rước Mình Thánh Chúa .

Chẳng những thánh nhân tự mình hy sinh phục vụ bệnh nhân và người nghèo khổ, mà ngài còn mời gọi nhiều người nữ ở Rô-ma cộng tác. Ngài tụ họp họ vào một nhà những bà cùng lý tưởng bác ái như ngài. Đó là khởi điểm các hội dòng ngài sáng lập; gọi là " Dòng chị em cư sĩ thánh Biển-đức " . Ngoài lòng yêu thương kẻ nghèo khổ bệnh tật, thánh nữ còn có đức kiên nhẫn hiền hậu tuyệt vời, như bà Maria An-ghi-la-ri-a minh chứng:

Phan-xi-ca đã chứng tỏ đức kiên nhẫn khi sớm mất những đứa con mà ngài trìu mến. Luôn luôn ngài bình tĩnh vâng theo ý Chúa và tạ ơn Người về mọi sự xảy ra, ngài cũng nhẫn nhục như thế khi chịu đựng miệng lưỡi của những kẻ nói xấu, nói hành và dèm pha cách ăn ở của mình; chẳng hề tỏ dấu khó chịu đới với những kẻ mà ngài biết luôn luôn nghĩ sai về mình và về công việc của mình. Nguoc885 lại, ngài lấy đức để báo ác và luôn luôn cầu nguyện cho những hạng người ấy.

Thánh nhân qua đời ngày 9 thảng năm 1440, hưởng thọ 56 tuổi.

* Quyết tâm: Hằng ngày, cầu xin Chúa cho những người làm vợ, làm mẹ biết lo làm tròn bổn phận, và thương yêu giúp đỡ kẻ nghèo khổ, bệnh tật. Sống kiên nhẫn, hiền hoà với mọi người theo gương thánh nữ Phan-xi-ca Rô-ma-na

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã làm cho thánh nữ Phan-xi-ca trở nên một gương sáng đặc biệt về đời sống hôn nhân cũng như đời sống tu trì. Xin cho chúng con bằng lòng phụng sự Chúa, hầu có thể nhận ra và bước theo Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

* Thánh Đa Minh Cẩm 
Linh mục tử đạo

Thánh Đa Minh Cẩm sinh tại làng Cẩm Chương, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình sốt sắng đạo đức.

Ngay từ nhỏ, cậu Cẩm đã hấp thụ nền đạo hạnh của gia đình. Cậu lại học hành thông minh xuất sắc, nên được thâu nhận vào chủng viện tu học làm linh mục. Thời gian ở chủng viện, cậu rất chuyên cần học tập và trau giồi nhân đức. Và sau khi mãn khoá học thần học, thầy Đa Minh Cẩm được thụ phong linh mục.

Từ ngày được làm linh mục, cha Đa Minh luôn hăng say hoạt động tông đồ: tận tuỵ chăm sóc giáo dân, nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Đặc biệt cha luôn luôn sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào Bề trên mong muốn. Ở đâu có nhu cầu mục vụ là cha hy sinh tình nguyện, không ngại gian lao khổ cực, chẳng kể nhọc nhằn khó khăn hay nguy hiểm bắt bớ . Tinh thần hy sinh đó của cha được thể hiện rõ khi Toà Thánh phân chia địa phận Đông Đàng ngoài thành hai giáo phận Đông (Hải phòng) và Trung (Bùi Chu). Tuy cha sinh trưởng tai Bắc Ninh, thuộc giáo phận Đông, nhưng bề trên cử cha đến phục vụ ở giáo phận Trung, cha vẫn sẵn sàng hy sinh vâng lời, và chính nhờ hy sinh vâng lời như thế mà cha đã được chịu chết đổ máu ra làm chứng cho Chúa.

Đầu năm 1859, cơn bắt đạo trở nên gắt gao. Vùng cha ở bị các quan kiểm soát, bắt bớ thường xuyên. Cha phải ẩn trốn hết nơi này đến nơi khác. Nhưng nơi nào giáo dân cần lãnh nhận Bí tích, cha vẫn can đảm rời khỏi nơi trú ẩn đến giúp đỡ chăm sóc họ. Một hôm cha đang thi hành mục vụ ở Hà Lang, người ta phát hiện ra cha và tố cáo với quan. Họ tố cáo cha không phải vì ghét cha, nhưng vì lợi lộc vật chất ( lúc đó ai khai báo các linh mục sẽ được vua quan trọng thưởng tiền bạc hoặc chức tước ). Do đó, ngày 21 tháng giêng năm 1859 cha bị bắt giải về tỉnh Hưng Yên.

Ở Hưng Yên, quan tổng đốc ra lệnh nhốt cha trong một cái củi chật hẹp rất khổ sở. Nhiều lần quan cho dẫn cha ra tra tấn, đe doạ rồi khuyến dụ, nhưng lần nào cha cũng một mực khẳng khái xưng mình là linh mục, sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình đòn vọt vì Chúa, và cương quyết không bao giờ đạp lên Thánh giá.

Thấy cha bị giam cầm, tra tấn khổ sở, quân lính canh gác xúc động cảm thương. Họ dành cho cha nhiều dễ dãi và cho phép giáo hữu viếng thăm, nuôi dưỡng cha. Nhờ đó cha được tiếp xúc với nhiều người. Nhân cơ hội này cha dạy dỗ khuyên bảo mọi người bền tâm theo Chúa. Cha cũng tha thiết yêu cầu giáo hữu cầu nguyện cho cha đủ sức chịu đựng mọi cực hình và chịu chết vì Chúa. Cha còn biên thơ xin Đức Giám mục giáo phận cầu nguyện nhiều cho cha, đồng thời bày tỏ lòng trung kiên theo Chúa và ước mơ được phước tử đạo. Giám mục giáo phận lúc đó lá Đức Cha Va-len-ti-nô Vinh. Ngài thấy cha cương quyết trung thành theo Chúa thì rất vui mừng. Ngài sai linh mục Hương đến thăm và giải tội cho cha, để nung đúc thêm tinh thần và lòng can đảm.

Sau nhiều lần khuyến khích cũng như hăm doạ tra tấn mà thấy không thể lay chuyển được lòng tin của Cha, quan tổng quản xin vua kết án trảm quyết cha. Và vua đã thuận y án.

Khi được tin bị kết án trảm quyết, cha Đa Minh hết sức vui mừng và tạ ơn Chúa, vì Người đã thương ban cho cha được phước làm chứng cho Người.

Ngày 11 tháng 3 năm 1859, quân lính dẫn cha ra pháp trường. Cha quỳ gối cầu nguyện một lúc rồi ra lệnh cho lý hình thi hành phận sự. Họ chém cha 3 nhát mà đầu vẫn chưa đứt. Họ phải cứa đi cứa lại nhiều lần, đầu cha mới lìa khỏi cổ.

Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII đã tôn phong cha lên bậc Chân phước ngày 29 tháng 4 năm 1951. Và ngày 16 tháng 8 năm 1988, ngài đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II suy tôn Hiển thánh.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Đa Minh Cẩm, linh mục tử đạo, luôn luôn sống xứng đáng môn đệ Chúa bằng đời sống gương mẫu thánh thiện, nhiệt tâm truyền giáo và sẵn sàng vâng theo ý Chúa và cấp trên. 

* Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo Hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

2395    09-03-2011 08:37:20