Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Giới Thiệu

Giới Thiệu / Chương I / Chương II / Chương III / Chương IV / Chương V / Chương V/
Chương VII / Chương VIII / Thông Tri và Chú Thích Sơ Khởi

 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội
Lumen Gentium

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Lời Giới Thiệu

Căn cứ vào những vấn đề đã được trình bày, ngày nay ai cũng công nhận Hiến Chế tín lý về Giáo Hội là then chốt của cả Công Ðồng Vaticanô II. Là vì, sau thế chiến thứ nhất, vấn đề bản tính Giáo Hội đã trở thành trọng tâm của các cuộc tranh luận về thần học. Quả thực các Công Ðồng trước, như lịch sử chứng minh, đã luôn cố gắng đưa ra những giải đáp thích hợp với nhu cầu thời cuộc; nhưng vấn đề bản tính sâu xa của Giáo Hội vẫn còn là trọng tâm cho các cuộc tranh luận và cho các quyết định của Công Ðồng Vaticanô II.

Người ta có thể viện dẫn nhiều lý do lịch sử, xã hội, thần học để giải thích cho sự tập trung chủ đề ấy về Giáo Hội.

Công Ðồng Vaticanô I, do những đòi hỏi của thời cuộc, đã khởi sự suy tư về bản tính thần học của Giáo Hội. Tuy nhiên, chương trình quá rộng rãi và hoàn cảnh chính trị bất lợi đã không cho phép công cuộc khẩn thiết ấy được kết thúc tốt đẹp. Bởi vậy, những chương trình dang dở của Vaticanô I cần phải được bổ túc cấp thời, nếu không, khoa Giáo hội học có nguy hiểm là quá thiên về một phía, tức về quyền tối thượng của Giáo Hoàng Rôma và các quyền bính của Ngài, dễ làm phương hại đến những giá trị khác trong Giáo Hội.

Hơn nữa, sau thế chiến thứ nhất, một tình trạng mới đã nảy sinh, lôi kéo theo một lối nhìn mới về Giáo Hội và một cách thức cảm nghiệm mới về những thực tại của Giáo Hội. Ðể có lối nhìn mới đó - ngoài những yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội mà chúng ta không muốn nhắc tới ở đây - chúng ta hãy nêu lên những động lực sau đây thuộc khoa Giáo hội học đã gây nên một ảnh hưởng không nhỏ:

a) Phong trào Công giáo Tiến Hành hoặc những phong trào tương tự trong giáo dân đã cổ võ một tinh thần tông đồ mới và đồng thời làm cho họ tin tưởng cách chính đáng là họ thuộc về Giáo Hội nhiều hơn. Sự ý thức "thuộc về" sâu xa hơn ấy tiến triển dần dần trong cộng đoàn Giáo Hội. Giáo Hội không được coi là một thực tại dành riêng cho các giáo sĩ nhưng cho hết mọi người cùng sống, cùng khổ và cùng làm việc trong đó. Như thế, khoa thần học về giáo dân được phát huy một cách đặc biệt và sống động, nêu ra mối suy tư thần học về Giáo Hội.

b) Sự suy tư thần học này đã giúp nhiều cho lối nhìn mới về Giáo Hội, vì đã áp dụng những tiến bộ của các khoa Thánh Kinh, lịch sử và nhân văn. Thật vậy, thần học phô bày ý nghĩa xã hội gắn liền với chính nhân vị. Sự liên hệ giữa đặc tính xã hội hóa đang vươn lên và ý thức mãnh liệt về địa vị con người không thể không bày tỏ mối suy tư thần học về Giáo Hội. Do đó mà khoa Giáo hội học ngày nay có những khía cạnh xã hội và nhân loại, huyền nhiệm và tượng trưng dễ đối kháng với một khoa Giáo hội học nặng tính cách pháp lý trước đây.

c) Phong trào hiệp nhất cũng ảnh hưởng đến sự biến đổi này. Ước nguyện hiệp nhất tạo nên những cuộc đối thoại về thần học, trong đó các vấn đề không được thảo luận đặt trong tình trạng tương phản biện chứng với các ý kiến khác nhau. Nhờ thế mà những trực giác về bản tính Giáo Hội nhất thiết phải phát hiện.

Những điều đó đặt ra cho Giáo Hội hai việc cần thực hiện: làm sáng tỏ và tìm hiểu các vấn đề của Giáo Hội trong toàn bộ. Ðã đến lúc Giáo Hội càng ngày càng phải nghiên cứu, đào sâu và diễn tả chân lý về chính mình. Ngoài ra, ý thức về chính mình cũng cần được xếp đặt cho có hệ thống theo tính cách năng động cổ truyền.

Cần nói thêm rằng "trực giác minh bạch về sự kiện này là: cộng đoàn Kitô giáo chắc chắn sẽ không theo kịp bước tiến của thế giới ngày nay và phải chịu tăng triển chậm chạp dù đã đi tiên phong về vấn đề Giáo hội học", trực giác ấy không thể không buộc Giáo Hội suy nghĩ về những trách vụ cấp bách của mình, cũng như không thể không buộc Giáo Hội phải làm cho tổ chức của mình không còn bị cô lập, sự cô lập mà Giáo Hội có thể rơi vào.

Những điều nói trên cho ta thấy một hình ảnh khá chính xác của một khoa Giáo hội học tiền Công Ðồng:

a) Trước hết nó mang tính chất đối thoại. Ðối thoại chân thành và cởi mở với mọi thực tại thụ tạo, trong đó ý định cứu rỗi của Thiên Chúa được hoàn tất. Giáo Hội không thể chỉ tự giải thích về bản chất của mình, nhưng còn cần phải tự đả thông với người khác: với các Kitô hữu không công giáo và với một thế giới thờ ơ với ơn cứu rỗi.

b) Tuy nhiên, cuộc đối thoại - dù cần thiết - cũng không thể tự hạn chế vào việc thông cảm đơn thuần nhằm mục đích hiểu biết. Nhưng Giáo Hội còn phải đi sâu vào những nguyện vọng của mọi người. Giáo Hội phải hiện diện với mọi thực tại và với những nỗ lực của mọi người để làm cho xã hội nên tốt đẹp hơn. Bởi vậy, khoa Giáo hội học cũng mang tính chất nhập thể vì Giáo Hội hiện diện sống động theo kiểu Chúa Kitô, hầu có thể cứu chuộc thế giới.

c) Muốn thế, cần phải có sự canh tân tận bên trong, phải cải tổ cơ cấu, phải mở rộng tới những cách thức hiện hữu mới, mà không làm Giáo Hội mất sự canh tân và cải tổ. Khuynh hướng cải tổ, tuy đôi khi đi đến tận căn và thái quá, nhưng nói chung vẫn có giới hạn chính đáng, rõ ràng, theo câu châm ngôn cổ truyền: "Giáo Hội phải được cải tổ không ngừng".

d) Khuynh hướng cải tổ trong khoa Giáo hội học nói lên một tính chất tiêu biểu khác: tính chất hiệp thông. Giáo Hội phải là trung tâm hiệp thông nhân loại trong các hoạt động thế tục cũng như trong các hoạt động tôn giáo. Bởi vậy, Giáo Hội như là bí tích tạo nên sự hiệp thông ấy.

Những đặc điểm trên của khoa Giáo hội học ngày nay được thu thập và chấp nhận trong văn kiện mà chúng ta sẽ giải thích sau đây. Chắc hẳn, văn kiện chúng ta hiện có không phải chỉ được soạn thảo một lần. Trong Giáo Hội vẫn còn nhiều chống đối với lối nhìn vấn đề theo cách thức mới mẻ này: Có hai khuynh hướng xuất hiện trong các cuộc thảo luận ở Công Ðồng: khuynh hướng thứ nhất ủng hộ quan niệm hiện tại mới mẻ và sống động hơn về Giáo Hội mà yếu tính là như một sự hiệp thông với mầu nhiệm đời sống Ba Ngôi; khunh hướng thứ hai coi Giáo Hội như một thể chế, một xã hội hoàn hảo giữa lòng thế giới, có những bổn phận và quyền lợi riêng. Ðấy chỉ là những vấn đề được nhấn mạnh vì không bên nào cho quan điểm đối lập là sai. Chính vì đó mà giai đoạn khởi đầu của văn kiện đã trở nên rất sôi nổi, lâu dài và đôi khi bi đát. Chúng ta sẽ cố gắng rút ra những đường nét chính từ việc soạn thảo này.

Lược đồ đầu tiên gồm một tập dầy 123 trang đã được gửi đến các Giám Mục vào tháng 11 năm 1962. Lược đồ gần như là một bản toát yếu các vấn đề mà trước khi họp Công Ðồng, Ðức Gioan XXIII đã hỏi ý kiến cả thế giới. Lược đồ gồm 11 chương và một phụ trương, trong đó không thấy có những tiêu chuẩn rõ rệt. Ðây là những vấn đề được bàn đến: về bản tính của Giáo Hội chiến đấu ở trần gian; về những phần tử của Giáo Hội chiến đấu và về việc Giáo Hội cần cho ơn cứu rỗi; về chức Giám Mục chính tòa; về các bậc sống theo đường lối hoàn hảo của Phúc Âm; về giáo dân; về quyền giáo huấn của Giáo Hội; về uy quyền và sự vâng phục trong Giáo Hội; về liên quan giữa Giáo Hội và chính quyền; về sự cần thiết của Giáo Hội để loan báo Phúc Âm cho mọi dân tộc trên khắp mặt đất; về sự hiệp nhất. Trong phần phụ trương còn thêm lược đồ về "Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại".

Lược đồ đầu tiên ấy được thảo luận trong kỳ họp thứ nhất (từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 12 năm 1962 trong 6 phiên họp: phiên họp khoáng đại thứ 31 tới 36). Tất cả đồng thanh dành ưu tiên cho đề tài về Giáo Hội nhưng cũng có đôi điều chỉ trích: lược đồ thiếu liên kết và tổng hợp, không nêu ra những đường nét chủ chốt. Người ta còn mong muốn một lược đồ có tầm mức mục vụ hơn. Về nội dung, nhiều Nghị Phụ nhấn mạnh cần phải lưu ý tới những viễn tượng rộng lớn hơn của khoa thần học hiện đại, bởi vì cái gọi là "mới", thường chỉ là một ý thức sắc bén hơn về một chân lý đã quá xa xưa. Cần nhấn mạnh khía cạnh Giáo Hội là cộng đoàn thiêng liêng, là hiệp thông và mầu nhiệm, hơn là khía cạnh Giáo Hội là một xã hội hoàn hảo. Một cách tiêu cực, người ta chỉ trích lược đồ đầy vẻ phô trương thanh thế (trình bày Giáo Hội như một thế lực đi từ chiến thắng này tơi chiến thắng khác), quá thiên về giáo sĩ (giản lược đời sống Giáo Hội vào hoạt động của giáo phẩm mà gạt giáo dân ra ngoài), có tính cách pháp lý (quá nhấn mạnh những yếu tố pháp lý, vì dù có cần thiết và chính yếu thật, chúng không phải là những yếu tố duy nhất trong Giáo Hội). Một cách tích cực, người ta muốn lược đồ đề nghị phải trình bày một Giáo Hội thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, nghĩa là một tinh thần cởi mở và phổ quát, một tinh thần truyền giáo, một tinh thần khiêm tốn và phục vụ. Có lưu ý đến những điều đó rồi mới thấy việc sửa chữa lại lược đồ là việc làm không thể tránh được.

Theo sự chỉ dẫn của Công Ðồng, ủy ban thần học bắt tay vào việc trong thời gian giữa kỳ họp nhất và kỳ họp hai. Ủy ban lưu tâm vào phần trên của lược đồ sơ khởi: phần dưới, ủy ban chỉ giữ lại một vài đoạn và đưa lên một trong các chương trên. Văn thể cũng được sửa lại hết. Tất cả chỉ còn lại 4 chương và được gửi tới các Nghị Phụ vào mùa hè năm 1963. Bốn chương đó bàn về:

I. Mầu nhiệm Giáo Hội.

II. Cơ cấu phẩm trật Giáo Hội, đặc biệt về chức Giám Mục.

III. Dân Chúa, đặc biệt về giáo dân.

IV. Lời kêu gọi nên thánh trong Giáo Hội.

Trước kỳ họp hai, theo sự gợi ý bằng giấy viết của nhiều Nghị Phụ, thứ tự này đã được sửa đổi. Ủy ban chấp thuận. Và đây là thứ tự mới: các đoạn mà toàn thể có đặc điểm về Dân Chúa đều được rút ra khỏi các chương I và III. Những yếu tố này được đặt trong một phần khai triển mới, nằm ngay sau phần trình bày về mầu nhiệm Giáo Hội và trước phần nói về phẩm trật. Chương III không còn đề cập đến Dân Chúa, nhưng chỉ bàn về những phần tử của Dân Chúa trên toàn thế giới, tức là giáo dân. Sau cùng là tu sĩ được đề cập rõ ràng trong tựa đề của chương IV.

Trong nghị trường, các Nghị Phụ thảo luận theo cách chia sơ khởi là bốn chương. Các thảo luận kéo dài từ ngày 30 tháng 9 đến 31 tháng 10 năm 1963. Bản trình bày mới được tiếp nhận nồng hậu. Hầu như toàn thể các phiếu (2,301 chống với 43) đều chấp thuận coi nó như nền tảng cho việc tranh luận. Nhưng hai khuynh hướng thần học, như chúng ta đã nói trên, tiếp tục biện hộ cho quan điểm của mình. Phần đông các Giám Mục hoan hỉ và hài lòng về lối trình bày tỉ mỉ và nhận định rằng toàn bộ từ đây đã được xây dựng vững chắc hơn. Các ngài vui mừng đón nhận những ý kiến gợi lên việc hiệp nhất và mục vụ. Các cuộc thảo luận trở nên gay go khi bàn về Giám Mục Ðoàn (chương II). Người ta sợ Giám Mục Ðoàn sẽ phương hại tới quyền tối thượng của Giáo Hoàng. Một cuộc bỏ phiếu để làm sáng tỏ đã được tổ chức ngày 30 tháng 10 năm1963. Kết quả là đa số nghiêng về Giám Mục Ðoàn. Tuy nhiên các cuộc thảo luận vẫn tiếp diễn và cũng nhờ có thảo luận mà cơ ấu của lược đồ thay đổi dần dần. Một cơ cấu mới hình thành. Chủ đề Dân Chúa làm thành chương II và tiếp theo sau là chủ đề về Phẩm Trật. Các tu sĩ xin Công Ðồng bàn về họ trong một chương biệt lập. Chương IV của lược đồ phân thành hai: lời kêu gọi nên thánh (chương V) và các tu sĩ (chương VI). Sau các cuộc thảo luận khá sôi nổi và sau một cuộc bỏ phiếu với kết quả sát nút, Công Ðồng quyết định cho xen lược đồ về Ðức Mẹ vào Hiến Chế về Giáo Hội (Chương VIII). Sau cùng, Công Ðồng còn thêm một chương khác (chương VII) nói về đặc tính cánh chung của Giáo Hội, về sự liên lạc giữa Giáo Hội dưới đất và Giáo Hội trên trời. Ðó là diễn tiến của bản văn chung quyết như chúng ta hiện có.

Theo cách sắp xếp hiện thời, thì cứ hai chương một đi với nhau, theo một thứ tự hợp lý, có lẽ không ngờ tới, nhưng dễ biện minh:

1) Hai chương đầu nói về mầu nhiệm Giáo Hội, trước hết theo chiều hướng siêu việt, sau đó theo hình thức lịch sử. Những đặc điểm căn bản của Giáo Hội như phương tiện cứu rỗi đều thấy xuất hiện trong suốt cả hai chương. Cách mô tả giản dị nhưng không một ai có thể nghi ngờ về ý tưởng phong phú của chúng.

2) Hai chương kế tiếp mô tả cơ cấu hệ thống của cộng đoàn được Chúa Kitô thiết lập. Các mục tử giảng dạy, thánh hóa và cai trị. Còn giáo dân, dưới sự chỉ dẫn của các ngài, tham gia vào một công trình cứu độ: đó là hai mặt của một bức hình: một mặt là chương III nói về Phẩm Trật và mặt kia là chương IV, về Giáo Dân.

3) Sau đó, lược đồ chú ý tới sứ mệnh cốt yếu của Giáo Hội tức là việc thánh hóa mọi phần tử trong Dân Chúa. Ðời sống tu trì gắn liền với mục đích ấy và đó là lý do khiến Giáo Hội coi nó là quan trọng và rất lưu tâm đến. Xét trên bình diện này, người ta không còn để ý tới sự phân biệt giữa giáo phẩm và giáo dân. Ðức ái hoàn hảo là luật sống độc nhất cho mỗi người, trong khi đó không phải ai cũng giữ qui luật đời tu. Phản đối nguyên tắc này có nghĩa là không biết đến giá trị Kitô giáo của hôn nhân và gia đình.

4) Chúng ta đi hai chương cuối cùng: chương VII trình bày sự bành trướng cánh chung của Giáo Hội trong huy hoàng và trong cộng đoàn các Thánh; chương VIII và cũng là chương sau cùng, bàn về địa vị và sứ mệnh của Ðức Trinh Nữ, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ nhân loại, ở trong cộng đoàn có Ngài là kiểu mẫu và là Ðấng bảo trợ. Nhờ có chung nền tảng mà hai chương này liên kết được với nhau. Cả hai cùng hướng về cuộc kết thúc huy hoàng, lúc đó bóng đêm của mầu nhiệm sẽ nhường chỗ cho ánh sáng.

Sau các cuộc thảo luận gay go và nhiều lần bỏ phiếu, người ta đã đi đến kết thúc. Nhưng một thiểu số ngoan cố không chịu khuất phục. Ðể xoa dịu và để mọi người đồng thanh chấp nhận một vấn đề quan trọng như thế - một sự đồng thanh cần thiết trong tất cả các quyết định của Công Ðồng - ngày 16 tháng 11 năm 1964, Ðức Giáo Hoàng đã đề nghị với Công Ðồng để thêm một phần "chú thích sơ khởi" cho chương III của Hiến Chế. Giáo lý của chương III trong Hiến Chế phải được giải thích và được hiểu theo phần chú thích này. Một số đông các Nghị Phụ bối rối về phần chú thích, nhưng dường như không có lý do. Thật vậy, phần đó không chứa đựng điều gì thực sự mới mẻ nhưng chỉ giải thích rõ rệt hơn một vài ý niệm pháp lý, vì có một số Nghị Phụ dựa vào những ý niệm này để bênh vực cho những thắc mắc của các ngài. Cũng nên biết rằng, phần chú thích sơ khởi ấy tương ứng với phần giải thích rất tỉ mỉ về 5 vấn đề đặt ra ngày 30 tháng 10 năm 1963, phần giải thích mà ngay cả những vị bây giờ thắc mắc với phần chú thích cũng đã không ngần ngại bỏ phiếu chấp thuận. Lời diễn tả ở hai phần kể là như nhau. Khi mây đen dần dần tan biến, người ta đã xóa tan được những ngộ nhận sau cùng, nhờ xem kỹ lại phần chú thích sơ khởi. Trong cuộc đầu phiếu ngày 19 tháng 11 năm 1964 về toàn bộ lược đồ, chỉ còn 10 phiếu chống; trong cuộc đầu phiếu chung quyết trọng thể ngày 21 tháng 11 năm 1964, số phiếu chống trụt xuống còn 5. Như thế kể là mọi người đã đồng thanh chấp nhận.

Sau phần phác họa về lịch sử các biến cố, chúng ta sang phần phân tích bản văn, đi theo thứ tự của Hiến Chế. Mục đích mà chúng ta muốn nhằm tới là: qua những chú thích đơn sơ vắn tắt, chúng ta sẽ trung thành hết sức có thể với điều Công Ðồng giảng dạy. Chúng ta nhằm đến phần chính yếu, tìm cách xác định nội dung những điều Công Ðồng quả quyết và bỏ qua những điều giải thích sâu rộng hơn cũng như những vấn đề đang được các thần học gia tranh luận.

6229    27-02-2013 08:26:22