Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Hiện Diện Bằng Đời Sống Bác Ái - Tháng 12 năm 2004

Chủ đề: HIỆN DIỆN BẰNG ĐỜI SỐNG BÁC ÁI

I. ĐỌC THƯ CHUNG CỦA HĐGMVN số 11

Người tín hữu cũng hãy nêu gương về đời sống hiệp nhất yêu thương. Không có lời rao giảng nào có sức thuyết phục bằng sự hiệp nhất yêu thương trong gia đình, xóm làng, trong giáo xứ, trong giáo phận, như lời Chúa Phán: "chính nời điều nầy mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy : ấy là anh em thương yêu nhau" (Ga 13, 35) "để hết thảy chúng nên một, cũng như, lạy cha, cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng ở trong chúng ta và thế gian tin là Cha đã sai Con".

II. DẪN GIẢI

Thư chung nhắc bảo chúng ta:
1. Phải thương nhau: thương mọi người trong gia đình, trong giáo xứ, trong giáo phận và cả trong làng nước.
2. Có sống bằng tình thương mới đúng là môn đệ của Chúa, Đấng đã chết vì tình thương.
3. Sống thương mới có thể sống bình an và vui phúc.
4. Sống thương mới đạt được tình trạng hiệp nhất với anh em, cũng có thể hiệp với Chúa nữa.
Thật sự chúng ta chưa biết thương.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết thương như Chúa thương.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

SỨC MẠNH CỦA TÌNH THƯƠNG

Tháng 5 năm 1945, một thiếu niên 15 tuổi, mặc đồng phục Đức Quốc Xã bị bệnh và chán nản vì mơ ước của cậu đã sụp đổ. Cậu được một gia đình Công Giáo nhận nuôi dưỡng thuốc thang, mặc dầu chưa biết rõ lý lịch của cậu. Tên cậu là Adolf Martin Bormann, con cả của Bormann, đã được Hitler đỡ đầu khi chịu Bí Tích Thánh Tẩy theo Tin Lành. Cậu là một người quốc xã cuồng tín, đã được giáo dục giữa lớp thiếu niên đặc quyền của Đức Quốc Xã.

Đức bác ái lạ lùng của gia đình kia đã làm cho cậu cảm xúc nhiều. Rồi một hôm có vị Linh Mục tới thăm và nói truyện về việc bị giam ở các trại tập trung Đức Quốc Xã. Cậu đã viết lại những dòng này: "Ban đầu tôi không tin truyện đó tí nào. Linh Mục chẳng là hạng người mà tôi không chịu nổi ư. Theo lý thuyết Đức Quốc Xã, Linh Mục là bọn lừa bịp dân chúng, là kẻ thù của Đức Quốc Xã. Nhưng vị Linh Mục này an ủi tôi, tôi cảm thấy sức gì ở trong ấy, có sự bình thản, yên hàn và yêu thương; trong con người này có một niềm tin mãnh liệt và không có chút gì lừa đảo. Lần thứ nhất tôi nghĩ rằng giam tù các Linh Mục có khi là một tội ác, sao người ta lại bách hại Kitô Hữu? Họ chẳng là người hiếu hòa đấy ư? Cái gì làm cho họ nuôi dưỡng tôi? Ích kỷ ư? Chẳng phải là tình yêu chân thực là gì?"

Sự ân cần, quan tâm của vị linh mục và sự giúp đỡ quảng đại của cha mẹ nuôi đã làm cho Bormann cảm phục, suy nghĩ, cậu đã tìm hiểu giáo lý và cuối cùng gia nhập Giáo Hội Công Giáo ngày 28.9.1947. Cậu từ giã cha mẹ nuôi, gia nhập đại chủng viện theo học Thần Học, rồi vào Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Lễ Phục Sinh năm 1958 Bormann thụ phong Linh Mục. Bốn em gái và hai trong ba em trai cũng trở lại Công Giáo và đi dự Lễ Truyền Chức của anh.

Đời sống bác ái yêu thương cao cả có sức cảm hóa mãnh liệt đến nỗi đã biến đổi từ con người vô tín ngưỡng tới người có niềm tin, từ kẻ thù trở thành bạn hữu, từ tội nhân trở thành người thánh thiện, từ một người thù ghét hàng Giáo Sĩ trở thành Linh Mục của Chúa Kitô.

IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống hiệp thông với Chúa. Mà Chúa là Tình Yêu. Muốn được hoà nhập vào tình yêu của Chúa, chúng ta phải sống yêu thương, như là giới luật quan trọng nhất mà Chúa dạy chúng ta. Đây cũng chính là giấy thông hành đảm bảo cho chúng ta vào cõi đời đời (x.Mt 25, 31-46)

Yêu thương ai và yêu thương thế nào? Yêu Chúa và yêu người. Yêu người cũng chính là yêu Chúa. Hai mặt của cùng một giới luật: Yêu thương.

Trong câu chuyện về người Samaritanô nhân hậu, để trả lời cho câu hỏi của người thông luật: "Vậy ai là anh em (người thân cận) của tôi?" (Lc 10, 29) Chúa Giêsu đã đưa ra phản ứng của ba mẫu người qua đường gặp người bị cướp nữa sống nữa chết và kết luận bằng câu hỏi : Ai đã tỏ lòng xót thương đối với người ấy?

Cả ba người cùng đi qua một quảng đường: Thầy tư tế, thầy Lêvi và người Samaritanô. Ba người cùng chứng kiến cảnh thương tâm. Nhưng hai người trước đã ngoảnh mặt làm ngơ, chỉ có người sau cùng dừng bước giúp đỡ.

Theo khảo cứu của tâm lý học, khi tai nạn xảy ra cho một người nào thì có hai điều kiện để nạn nhân dễ nhận được sự giúp đỡ, đó là nơi chốn và hoàn cảnh xẩy ra tai nạn. Nơi chốn thường là nơi vắng vẻ. Hoàn cảnh thường chỉ là một hay hai người qua lại lúc bấy giờ. Nếu tai nạn xảy ra ở giữa thị thành, hay lúc có đông người qua lại thì tâm lý sợ dư luận, trốn trách nhiệm sẽ đẩy lui lòng thương xót, để rồi ai cũng đùa cho nhau, mà cuối cùng thì không ai muốn "ách giữa đàng quàng vào cổ". Nhưng nếu tai nạn xẩy ra nơi một chỗ vắng, và chỉ một người qua lại thì cảm tình xúc động và thương xót sẽ thôi thúc người qua đường dừng lại à giúp đỡ nạn nhân.

Nơi chốn người bị nạn dọc đường trong câu chuyện người Samaritanô nhân hậu xãy ra là nơi vắng vẻ và hoàn cảnh lúc đó mỗi lần chỉ có một người qua lại, thế mà chỉ có một người dám lãnh trách nhiệm về mình, lo lắng tận tình cho người bị nạn, đưa về quán trọ săn sóc thuốc thang. Người Samaritanô nầy dù không biết nhiều về lề luật nhưng ông ta đích thực đã thực hành lòng yêu thương vô vị lơi, đúng với tinh thần bác ái Kitô giáo.

Khi đưa ra dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, Chúa Giêsu muôn cho thấy bác ái kitô giáo không dừng lại ở ranh giới nào. Bác ái đích thực không tra vấn, không đặt câu hỏi. Người có tinh thần bác ái đích thực luôn biết nhạy cảm trước nhu cầu của tha nhân, thức tỉnh để thấy nỗi đau khổ của tha nhân và đi bước trước đến gần họ bằng hành động giúp đỡ, bằng sự hiện diện thông cảm.

"Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy", Đức Giêsu bảo (Lc 10. 37). Ngài cũng muốn nói với chúng ta không phải chỉ hiểu biết về Chúa và về giáo lý của Ngài là đủ, như thầy tư tế thầy Lêvi rất rành về luật Môisê, mà điều quan trọng hơn hết là phải thực hành, phải sống điều mình tin. Cũng không cần phải tìm đâu xa người mà ta phải yêu thương, đó là những người mà ta gặp gỡ hằng ngày trong gia đình, trong làng, trong xóm, những người bất hạnh mà ta gặp thường quá đâm ra vô cảm trước nỗi cùng khốn của họ.

Đức Giêsu dạy chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người, nhất là những người cùng khốn bất hạnh và yêu ngay cả kẻ thù của mình nữa. Yêu kẻ thù: điều nầy có nghĩa chẳng những phải tha thứ, điều nầy có thể thực hiện được, nhưng phải thương người thù nghịch hay kẻ hảm hại mình. Đây là một điều khó khăn. Nhưng Chúa không dạy ta điều gì, mà với ơn Chúa, con người không thể làm được. Hơn nữa, Ngài cũng đã làm gương cho chúng ta khi xin với Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã kết án tử cho Ngài.

Theo tự nhiên, chúng ta thường yêu những người thân, những người tốt với chúng ta, những người vừa ý chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta đi xa hơn, vượt qua những tình cảm tự nhiên, yêu thương vì Chúa, để chúng ta có lòng bác ái đích thực: "Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa, nagy cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ" (Lc 6, 32 ).

Khi một ký giả chứng kiến cảnh mẹ Têrêsa Calcutta cúi xuống chăm sóc những người phong hủi, những người mắc bệnh truyền nhiễm nặng, anh ta thốt lên: "Cho tôi một triệu Mỹ kim tôi cũng không làm những chuyện nầy". Mẹ Têrêsa ôn tồn trả lời: "Tôi không làm vì tiền. Tôi chăm sóc cho những người khốn khổ nầy vì nhận ra khuôn mặt của Đức Kitô nơi họ".

Cuộc sống người Kitô hữu phải là chứng tá sống động về sứ điệp, về sự hiện diện của Chúa và tình yêu huynh đệ chân thành. Nếu người Kitô hữu biết nhận ra Đức Kitô nơi người nghèo, nơi những người đau khổ bệnh tật thì qua chứng tá đó người khác cũng sẽ nhận biết tình yêu Chúa Kitô qua cuộc sống của họ, ngược lại chúng ta chỉ thờ Chúa ngoài môi miệng còn lòng chúng ta thì xa cách Người.

Hãy trở thành 'người thân cận' với tha nhân để san sẻ, để cảm thông. Mỗi hành động bác ái chúng ta thực hiện là mỗi bước chúng ta tiến vào mối hiệp thông với Thiên Chúa Tình Yêu.

Bác ái Kitô giáo còn được đẩy tới cực điểm, khi Đức Giêsu dạy chúng ta phải yêu thương kẻ thù: "Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em" (Lc 10 27-28)

Thánh Augustinô giải thích chân lý nầy: "Có nhiều cách thức để làm việc bố thí, để giúp ta lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, nhưng không có cách nào cao cả hơn là cách chúng ta tha thứ thật lòng cho người anh em đã xúc phạm đến ta".

Đức cố Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã có lần phát biểu: "Một giáo hội phục vụ luôn luôn được thương mến". Thật thế, chỉ có bái ái mới có thể tỏ lộ được bộ mặt đích thực của Giáo hội và làm cho khuôn mặt ấy trở thành khả ái, chỉ có bác ái mới chứng thực rằng Chúa Giêsu đang ở trong Giáo hội.

Đức Hồng Y Cristot Saint Paul, Tổng Giám Mục Giáo Phận Vienne, đã nói như sau: "Bác ái là một nhân đức không thể có được nếu không có ơn Chúa tác động". (Nguyệt san Ba Mươi Ngày số tháng 2 năm 1999).

Chúng ta cùng nghe lại những lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô trong Thư gửi giáo đoàn Côrintô để tùy hoàn cảnh và theo cách thế khác nhau, mỗi người thực thi lòng bác ái, cốt lõi của Đạo chúng ta và là bảo chứng cho hạnh phúc Nước Trời mai sau cho mỗi người: "Lòng mến không ghen tương, không ba hoa, không tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không cáu kỉnh, không chấp nhất sự dữ, không mừng trước bất công nhưng biết chia vui một cách chân thành. Trong mọi sự lòng mến hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, trông cậy và kiên nhẫn". (ICor 13,4-7)

ThánhPhaolô cũng quả quyết đức bác ái phát xuất từ con tim trong sạch, từ lương tâm ngay thẳng và từ một đức tin không giả hình (x. IICor 6,6). Và nơi thơ (Eph 4,15-16) và một trong những hậu quả của việc thực hành đức bác ái là được lớn lên trong Chúa Kitô, được trở nên giống Chúa Kitô nhiều hơn. Càng sống đức bác ái chúng ta càng trở thành người kitô hơn.

Xin Chúa giúp chúng con thật lòng tin yêu Chúa, không chỉ bằng lời nói hay chỉ trong ý nghỉ, nhưng còn bằng cả tấm lòng thể hiện qua việc chúng con thật lòng yêu mến anh em,những người thân cận, nhất là cùng khốn bất hạnh. Xin cho chúng con biết vượt qua chính mình để đến với anh em bằng cả tấm lòng. Amen

Vài câu hỏi gợi ý:
1. Tôi có ác cảm với người khác không?
2. Tôi có ngại tiếp xúc (kỵ) tránh né giao tiếp với người khác không?
3. Tôi có biết quên những khuyết điểm, những tính xấu của anh em?
4. Tôi có giữ được khuôn mặt vui tươi khi gặp anh em?
5. Tôi có sẳn sàng giúp đỡ anh em, nhất là sẳn sàng chịu khó để giúp đỡ anh em, làm cho anh em vui?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Người tín hữu Chúa Kitô hiện diện khắp nơi trên thế giới, và người ta có thể nhận ra họ, khi họ tỏ lòng bác ái yêu thương đối với người khác. Chúng ta cầu nguyện cho mình và mọi Kitô-hữu trở nên những chứng nhân của Chúa Kitô:

1. Đạo Chúa còn được gọi là Đạo của Tình Thương. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, biết yêu thương nhau, và thể hiện tình yêu Chúa bằng đời sống bác ái đối với mọi người.

2. Chúa Giêsu phán: "Ai cho một kẻ bé mọn này uống dù chỉ một ly nước lã, thì họ không mất phần thưởng đâu". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người biết yêu thương nhau, giúp đỡ nhau tiến tới ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.

3. Chúa Giêsu phán: "Các con hãy vào hưởng sự vui mừng của Chúa các con, vì xưa Ta đói, các con đã cho Ta ăn". Chúng ta cầu nguyện các Kitô-hữu luôn thực thi đức bác ái mà Chúa Giêsu đã truyền dạy.

4. Những việc làm yêu thương và bác ái, là dấu chỉ của người môn đệ Chúa Kitô. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, nhiệt tình giúp đỡ người khác về vật chất và tinh thần, để mọi người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa.

Kết thúc: Lạy Thiên Chúa là Tình yêu, Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một cho trần gian. Xin ban Thánh Thần xuống trong chúng con, giúp chúng con thực hành đời sống bác ái, để mọi người nhận ra sự hiện diện của Chúa và cùng nhau tận hưởng tình yêu viên mãn của Chúa trong Nước Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

MỖI NGƯỜI CHO MỌI NGƯỜI, THIÊN CHÚA CHO TẤT CẢ

"Sau động từ "yêu", động từ "giúp đỡ" là một từ đẹp nhất trên đời". Bertha von Suttner đã nói như vậy.

Gia đình Beasley rất chí thú làm ăn, nhưng mãi vẫn không thấy có gì thay đổi trong cái thành phố nhỏ nghèo nàn ở bang Texas này. Đã vậy mà một hôm, ông Bill Beasley nhận được cú điện thoại báo rằng con trai ông đang bệnh nặng ở California và không mong gì qua khỏi. Ông không biết làm sao vét đâu ra tiền để vợ và mình đến được với con. Ông Bill đã làm nghề lái xe tải cả một cuộc đời, nhưng chưa bao giờ ông để dành được một xu. Nén lòng tự ái lại, ông gọi cho vài người họ hàng gần nhờ giúp đỡ, nhưng họ cũng không khá gì hơn.

Lòng hoang mang, lưỡng lự, nhưng ông Bill vẫn đi bộ cả dặm để đến một trạm xăng, nói với người chủ:"Con tôi bệnh nặng, mà tôi không có tiền. Ông có thể cho tôi gọi nhờ một cuộc điện thoại đi California không ?"

Ông chủ cây xăng trả lời:"Cứ gọi đi, muốn gọi bao lâu thì gọi". Ngay khi vừa quay số, một giọng nói cắt ngang:"Ông có phải là Bill Beasley không ?"

Đó là một người lạ mặt, từ trên buồng lái xe tải nhảy xuống. Anh thanh niên trông không có vẻ gì quen, và ông Bill chỉ biết nhìn anh ta chằm chằm, dò xét, và nói:"Vâng, tôi là Bill đây".

"Con trai bác với cháu là bạn thân ngày xưa. Khi học xong trung học, cháu cũng mất liên lạc luôn với cậu ấy". Anh ngừng một lát rồi nói tiếp:"Cháu nghe nói cậu ấy bị bệnh ?"

"Vâng, chúng tôi cũng mới được tin. Tôi tính gọi và thu xếp cho vợ tôi đến đó thăm nó". Rồi, rất xã giao, ông nói:"Chúc cậu Giáng Sinh vui vẻ. Gửi lời hỏi thăm cụ nhà".

Xong, ông Bill đi vào trong trạm xăng. gọi một người em họ ở bờ Tây, báo cho anh ta biết rằng ông hoặc vợ ông sẽ cố gắng khởi hành càng sớm càng tốt.

Gọi xong, ông vô cùng khổ sở buồn bã khi phải nói với người chủ trạm xăng, rằng ông sẽ trả tiền cú điện thoại ngay khi ông có tiền, còn bây giờ thì ông chưa có.

"Có người trả tiền cuộc gọi cho ông rồi. Cái anh chàng lái xe tải ấy, cái anh chàng mà con trai ông ngày xưa vẫn hay đi chơi chung ấy, để lại cho tôi 20 Đô và nói tôi gửi lại ông tiền còn lại sau khi thanh toán xong cuộc gọi. Anh ấy cũng gửi lại ông cái phong bì này đây".

Ông Bill run rẩy mở cái phong bì và kéo ra hai tờ giấy. Trên một tờ, ông đọc:"Bác là người lái xe tải đầu tiên mà cháu được đi cùng, người đầu tiên mà ba cháu đủ tin tưởng để cho cháu đi cùng khi cháu mới lên năm. Cháu nhớ, bác đã cho cháu một thanh kẹo Snickers". Tờ giấy thứ hai, nhỏ hơn, là một tấm ngân phiếu đã ký sẳn, với một mẫu giấy đính kèm:"Bác cứ điền vào số tiền mà bác và bác gái cần có, để thực hiện chuyến đi . . . , và mua cho con trai bác, bạn cháu, một thanh kẹo Snickers. Chúc bác Giáng Sinh an lành".

Sống Bác ái Kitô giáo là sống vì mọi người, cho mọi người. "Nhân loại làm nên bởi nhiều tâm hồn có định mệnh là yêu mến nhau" (Gratry, la connaissance de l'âme). Chúng ta phải yêu thương mọi người như chính mình, nhưng tình yêu ấy có thể có những cường độ và màu sắc khác nhau: hiếu thảo với cha mẹ khác với tình yêu vợ chồng và tình bằng hữu. Thiên Chúa tạo nên cho con người tình nghĩa, nhưng để cho mỗi người hình thành, bảo tồn và làm cho phát triển tình nghĩa mình có, theo khôn ngoan của riêng mình.

Ta chỉ gặp tình yêu khi biết cho đi, và ta chỉ giữ được tình yêu khi biết làm tròn phận sự và đề phòng cạm bẩy.

Người ích kỷ thường phàn nàn rằng mình bị phụ bạc, họ nói họ không có bạn, nhưng chính họ chẳng bao giờ nghĩ đến là bạn cho ai.

Ta chỉ có những người mà ta đã hiến thân cho, và ta chỉ hiến thân cho những người mà ta đã thuộc về họ.

Cái gì làm cho ta thu hút nhân tâm ? Đó là những hành động không chi li tính toán, không đòi hỏi ai báo đáp. Bạn hữu không phải là vấn đề mua chuộc, mà là vấn đề tự hiến.

Để có bạn hữu, đừng đòi hỏi phải yêu mình, nhưng hãy ăn ở làm sao để đáng được người ta yêu mến. Những tình nghĩa mặn nồng nhất là những tình nghĩa không hứa hẹn, không giải thích, không thề nguyền vì là chính đời sống của ta. Không có thân mật thì không có bằng hữu, nhưng thân mật quá cũng hại cho tình bạn. Trong tình bằng hữu, phải biết chịu đựng lẫn nhau, nhưng cũng phải biết tránh những gì có thể gây phật ý và tan vỡ. Cái nuôi sống tình bạn không phải là lợi lộc, mà là hy sinh. Do đó, muốn cho tình bạn thêm thắm thiết thì phải trao tặng, phải cố gắng để có một hình thức trao tặng cả khi ta nhận, vì thường khi cho, người ta vui hơn là khi nhận. Phải làm thế nào để trao tặng luôn là một hành động đơn thuần chứng tỏ tình yêu. Đừng để ích kỷ hay tham lam xen vào. Không có gì tai hại hơn cảm giác bị lợi dụng nơi người nhận.

Mỗi người cho mọi người, và Thiên Chúa cho tất cả, như vậy, không có ai bị quên lãng và mọi người đều quảng đại.

VII. TÌM HIỂU

ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II VÀ HỒI GIÁO

Vài tháng sau khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được bầu làm Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ, thì Giáo Chủ Khomeini khải hoàn trở về Iran. Hồi Giáo đã chứng tõ sức mạnh của mình.

Đức Tân Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chưa có kinh nghiệm đặc biệt về người Hồi Giáo. Vào khoảng thập niên 50, qua trung gian của Cha Charles de Foucauld và Nữ Tu Magdalene, người sáng lập Dòng Tiểu Muội Chúa Giê-su, có lẽ ngài đã nghe nói đến Hồi Giáo. Năm 1963, khi đi hành hương Thánh Địa vào năm 1973, khi dứng chân tại Phi-luật-tân, hẳn ngài cũng đã có dịp đọc kinh Coran của Hồi Giáo. Ngài cũng có kể lại rằng, lúc còn trẻ, trong một chuyến viếng thăm Tu Viện Đa-minh ở Firenze, Ngài đã gặp một người tự xưng là Hồi Giáo và hai bên trao đổi với nhau. Đức Karol Wojtyla, vị Giáo Hoàng tương lai, nói rằng đó là cuộc đối thoại đầu tiên giữa Ki-tô Giáo và Hồi Giáo.

Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II cho biết rằng qua Đức Hồng Y Pignedoli, cộng tác viên thân cận của Đức Phaolô VI và Đức Ông Rossano, người sáng lập Phong Trào Giải Phóng và Hòa Giải, Ngài thực sự đi vào con đường đối thoại với Hồi Giáo. Dù gặp nhiều khó khăn, hai vị này luôn tin rằng cần phải kiên nhẫn đối thoại với Hồi Giáo. Tuy nhiên cuộc đối thoại mà Giáo Hội muốn mở ra với Hồi Giáo lại diễn ra vào chính lúc tôn giáo này đang tìm thấy sức mạnh và niềm kiêu hãnh của nó.

Đọc lại những trao đổi giữa Giáo Chủ Ayatollah Khomeini và Đức Gioan Phaolô II trong hai năm 1979 và 1980, người ta thấy rõ giọng điệu gây hấn của vị Giáo Chủ Hồi Giáo này. Ông không ngừng tấn công Đức Gioan Phaolô II khi nêu lên câu hỏi tại sao Đức Giáo Hòang lại phải nhọc công can thiệp cho phái bộ ngoại giao của Hoa Kỳ bị bắt làm con tin tại Teheran, nhưng lại làm ngơ trước số phận của vô số người bị ngược đãi trên thế giới ? Hệ phái Shiite của Giáo Chủ Khomeini tự xưng là một thứ "thần học giải phóng" cho các dân tộc bị áp bức.

Kể từ sau 1989, Đức Gioan Phaolô II đã thấy trước rằng thách đố của thế giới sẽ là cuộc đối đầu với Hồi Giáo. Cuộc đối đầu lại càng căng thẳng hơn, khi phải bênh vực tự do tôn giáo cho các tín hữu tại các nước hồi giáo. Tình trạng của các tín hữu Ki-tô tại Sudan từ nhiều năm qua vẫn là mối quan ngại hàng đầu của Tòa Thánh. Từ Phi Châu, các nhà truyền giáo không chỉ ghi nhận sự bành trướng của Hồi giáo, mà còn lo ngại về ảnh hưởng của khuynh hướng Hồi Giáo cực đoan tại những quốc gia Hồi Giáo vốn có truyền thống khoan nhượng như tại Phi Châu. Phải chăng đây không là một thứ chiến tranh lạnh mà Hồi Giáo đang gây ra ?

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Tòa Thánh không hề muốn tạo ra một bầu khí đối đầu với thế giới Hồi Giáo. Trong nhiều cuộc gặp gỡ với những người Hồi Giáo, Đức Thánh Cha luôn muốn đối thoại. Nhưng kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, ngài xác tín rằng Hồi Giáo sẽ là vần đề lớn của thế giới.

Tòa Thánh và Đức Gioan Phaolô II luôn quan tâm để Giáo Hội không bị đồng hóa với thế giới Tây Phương. Tòa Thánh và Đức Thánh Cha đã chống lại chiến tranh Vùng Vịnh. Tòa Thánh và Đức Thánh Cha đã không ngừng bày tỏ thiện cảm với các dân tộc Hồi Giáo tại Bosnia - Herzegovina và kêu gọi thế giới can thiệp nhân đạo, để chấm dứt cuộc diệt chủng nhắm vào họ. Tòa Thánh và Đức Thánh Cha đã lên án cuộc chiến chống Irak do liên minh Anh Mỹ chủ trương.

Sau cuộc khủng bố 11.9.2001, bên kia những can thiệp chính trị và nhân đạo như thế, Đức Thánh Cha còn cố gắng kéo thế giới ra khỏi một cuộc đối đầu về văn minh và tôn giáo. Ngày 14.12.2001, vào chính ngày kết thúc tháng ăn chay Ramadan của người Hồi Giáo, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả tín hữu Ki-tô trên toàn thế giới hãy ăn chay để cầu nguyện cho hòa bình. Ngày 14.1.2002, ngài lại mời các vị lãnh đạo của các Giáo Hội Ki-tô, Do Thái Giáo, Hồi Giáo và các tôn giáo tại Á Châu về Assisi, nước Ý, để cầu nguyện cho hòa bình và thuyết phục các tín đồ của mọi tôn giáo chống lại mọi cuộc chiến tranh tôn giáo.

Đức Gioan Phaolô II kêu gọi mọi người, Ki-tô hữu cũng như Hồi Giáo, hãy vượt qua thái độ đối đầu. Với các bạn trẻ được Quốc Vương Hassan 2 của Maroc tập trung tại Casablanca hồi năm 1985, Đức Thánh Cha đã nói như sau: "Chúng ta đã từng đứng ở hai vị thế đối nghịch nhau. Chúng ta đã từng tiêu hao bao nhiêu năng lực cho những cuộc bút chiến và chiến tranh. Cha tin rằng hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy thay đổi những thói quen cũ của chúng ta. Chúng ta phải tôn trọng nhau. Chúng ta phải khuyến khích nhau làm điều thiện".

Qua những lời này, chúng ta nghe vọng lại chính giáo huấn của kinh Coran, Thật thế, kinh Coran giải thích rằng ý Chúa muốn có sự khác biệt giữa các tín hữu và mời gọi mọi người hãy cộng tác với nhau để làm việc thiện. Nhưng đây cũng chính là triết lý sống của Đức Gioan Phaolô II. Thật thế, đối với vị Giáo Hoàng này, cần phải chung sống với nhau. Đối thoại là khí cụ để hiểu nhau, tôn trọng nhau và cổ vũ cho "tình thân hữu và sự hiệp nhất giữa con người và các dân tộc". Đây cũng chính là thứ chính trị mà Đức Gioan Phaolô II đang theo đuổi. Lẽ khôn ngoan và kinh nghiệm lâu dài của Giáo Hội gợi lên con đường ấy... (Theo RADIO VERITAS)

VIII. NGHỆ THUẬT SỐNG

CHU KỲ PHỤNG VỤ

Nếu chúng ta nghĩ đến thời gian theo đường dài thì quá khứ sẽ đi vào dĩ vãng, không bao giờ với lại được, níu kéo lại được. 2003 đã qua rồi và không bao giờ trở lại. Nhưng nếu chúng ta xem thời gian theo nghĩa "chu kỳ" và "cử mừng" (celebration) , thì "xuân đi xuân lại tới", Tết Giáp Thân qua đi, Tết Con Khỉ sẽ lại tới.

Giáo Hội cũng tổ chức "lịch" của mình theo ý nghĩa chu kỳ và cử mừng. Giáng Sinh qua đi, Giáng Sinh lại đến. Mùa Vọng đã qua, Mùa Vọng lại vừa đến, mở đầu cho một năm mới Phụng Vụ.

Người Việt chúng ta cử mừng chu kỳ 12 năm với 12 con giáp - Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Kết nối với 10 tinh - Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí, chúng ta sẽ có một chu kỳ 60 năm cử mừng cuộc sống của con người, của xã hội... 12 năm nữa chúng ta sẽ gặp lại năm Thân. 60 năm nữa chúng ta sẽ lại ăn mừng Tết Giáp Thân.

Chu kỳ cử mừng của Giáo Hội không xây dựng trên 12 con giáp, nhưng trên 4 sách Tin Mừng. Giáo Hội chia chu kỳ thành 3 năm: năm A, B, C. Trong năm A, Giáo Hội sẽ công bố trọn cuốn Tin Mừng theo thánh Mátthêu trong các ngày chúa nhật. Vì thế, năm A còn được gọi là năm Mátthêu. Năm B sẽ là năm Matcô, năm C là năm Luca. Còn Tin Mừng Thứ Tư (vẫn thường được gọi là Tin Mừng theo Thánh Gioan) sẽ được công bố trong các ngày lễ trọng trong suốt 3 năm.

Song song với việc công bố Tin Mừng, mỗi chúa nhật Giáo Hội mời chúng ta lắng nghe hai bài đọc trích từ trong Cựu Ước và các sách khác trong Tân Ước.

Các ngày thường trong tuần, chu kỳ cử mừng của Giáo Hội là hai năm, năm chẵn và năm lẻ. Trong các ngày này, Giáo Hội sẽ tuyên đọc Kinh Thánh một cách liên tục, từ chương này sang chương khác, từ sách này sang sách khác. Tinh thần này được tỏ hiện trong câu "Trích Tin Mừng theo Thánh. ..".

Giáo Hội chia chu kỳ cử mừng của mình như thế với niềm ước mong sau 3 năm A, B,C, và hai năm chẵn, lẻ, tất cả các phần chính yếu trong Kinh Thánh đều được công bố và loan truyền.

Đó là ước muốn tối thiểu của Giáo Hội, Mẹ chúng ta. Tuy nhiên, Giáo Hội sẽ sung sướng lắm khi thấy chính bạn ngoài việc lắng nghe và suy niệm các bài đọc, các đoạn Tin Mừng được loan truyền trong thánh lễ chúa nhật và hằng ngày, bạn còn quyết tâm, hứa với chính mình trong ba năm sẽ đọc xong trọn bộ Kinh Thánh!

Đức Ki-tô Giê-su hôm qua, Đức Ki-tô hôm nay, và Đức Ki-tô mãi mãi . Đối với Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô, thời gian là chu kỳ. Trên vòng tròn, không có điểm đầu hay điểm cuối. Điểm nào cũng có thể là điểm đầu và điểm cuối "Đức Ki-tô là Alpha và Omega, là khởi nguyên và tận cùng" (Khải Huyền 21, 6).

Xin dâng mọi danh dự, uy quyền và chúc tụng về Thiên Chúa là "Đấng đã có, hiện có và sẽ tới" (Khải Huyền 1, 8).

1137    19-04-2012 15:16:19