Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Hiểu Và Sống Phụng Vụ_Phần 03_Tổng Quát Về Các Bí Tích (tt)


PHẦN III: CÁC BÍ TÍCH VÀ ĐỜI SỐNG
Nhìn Tổng Quát Về Các Bí Tích (tiếp theo)

BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Hôn nhân Công giáo liên hệ mật thiết với các tập tục xã hội xung quanh việc lập gia đình. Vì thế, phụng vụ hôn nhân rất uyển chuyển và có nhiều kiểu thức khác nhau có thể chọn lựa, để lễ nghi thích ứng tối đa với tình trạng thiêng liêng của đôi tân hôn, và với điều kiện sinh sống cũng như mức độ đức tin của những người tham dự. Điều cốt yếu là làm sao diễn tả được rõ rệt bản chất của Bí tích Hôn Phối là: thánh hiến tình yêu nam nữ; biểu hiện lòng Thiên Chúa yêu thương dân Người và tình Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh; dâng cho Chúa một người nam và một người nữ trọn đời hiến thân cho nhau, và dâng một gia đình mới muốn đáp lại tiếng mời gọi của Thiên Chúa và của tha nhân.

Trước hết, phụng vụ làm nổi bật lời hôn ước đôi tân hôn trao cho nhau, để nên vợ nên chồng trong Chúa Kitô và trước mặt Hội Thánh. Phụng vụ nhấn mạnh đến ý nghĩa tôn giáo của những cử chỉ hai người bày tỏ lời cam kết này như cầm tay nhau, trao nhẫn cưới cho nhau, cả hai cùng ăn một bánh cùng uống một chén, trong trường hợp có cử hành thánh lễ.

Nên cử hành hôn nhân trong thánh lễ, vì có một liên hệ chặt chẽ giữa hai Bí tích: Hôn Phối là cử chỉ hai người hiến thân cho nhau vì tin yêu nhau, còn Thánh Thể là Bí tích của đức tin; Hôn Phối là một giao ước, Thánh Thể là một mầu nhiệm Giao Ước mới lập bằng máu Đức Kitô, Đấng đã muốn hiến thân cho ta đến tận cùng; Hôn Phối là sống chung, Thánh Thể là cùng chia sẻ bàn tiệc của Chúa.

Cần phải nói cho đôi vợ chồng tương lai biết những gì họ cam kết giữ khi kết hôn với nhau trong Đức Kitô, đó là: mối dây nối kết họ không thể phá hủy được, họ phải trung thành với nhau, phải nhận bổn phận làm cha làm mẹ. Nhưng cũng phải dạy cho họ biết Hội Thánh và xã hội chờ đợi gì ở một gia đình công giáo, họ phải biết rằng gia đình là một tế bào và tế bào ấy phải hòa mình vào trong cộng đồng Kitô giáo thế nào. Ngoài ra cũng nên giúp họ suy nghĩ về cách thế cử hành lễ nghi và chọn những bài đọc trong thánh lễ (trong số 26 bài đọc Sách Lễ đề nghị). Đó là lý do khiến Hội Thánh yêu cầu hai người đính hôn phải liên lạc với giáo xứ nơi họ sẽ cử hành hôn phối ba tháng trước thời gian ấn định cử hành hôn lễ.

BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

Con Thiên Chúa đã làm người để kêu gọi nhân loại ăn năn trở lại và loan báo cho họ Tin Mừng cứu độ, để hiến mình làm lễ tế, ngõ hầu hòa giải nhân loại tội lỗi với Thiên Chúa, và để lãnh đạo một dân chính Người sẽ dẫn về cùng Cha của Người. Đức Kitô, Chúa chúng ta, là vị Ngôn sứ, Linh mục, Mục tử của dân mới của Thiên Chúa, là Hội Thánh Người đã thành lập trong máu Người.

Cũng như Thiên Chúa xưa đã làm đối với dân Người tuyển lựa và đưa ra khỏi đất Aicập, thì nay Đức Kitô cũng biến tất cả dân Người thành một dân ngôn sứ có nhiệm vụ làm cho người ta biết rằng Thiên Chúa kêu gọi họ; một dân tư tế mỗi ngày dâng cho Chúa đời sống của mình thì cũng dâng luôn cả đời sống của anh em mình nữa; một dân vương đế ý thức rằng mình yếu đuối nhưng cũng muốn hướng dẫn những người khác trên bước đường về sự sống. Mọi Kitô hữu, dù làm gì ở đời đi nữa, cũng đều có nhiệm vụ phải loan báo Tin Mừng, biến đời mình nên một của lễ dâng lên Chúa, và hướng dẫn thế gian đến với Người.

Để Hội Thánh có thể chu toàn một sứ mệnh như thế, Đức Kitô đã muốn thánh hiến đặc biệt hơn một số các môn đệ của Người. Đó là các tông đồ. Người đã biến các ông thành những kẻ tâm phúc, tỏ cho các ông ý định của Thiên Chúa, dạy các ông cầu nguyện, yêu cầu các ông từ bỏ mọi sự vì Tin Mừng. Nhất là Người đã dạy các ông rằng các ông chỉ có thể thi hành được nhiệm vụ Người giao phó cho nếu các ông ăn ở khiêm tốn và biết yêu thương. Buổi chiều ngày thọ hình, Người đã truyền cho các ông phải cử hành lễ tế Giao Ước mới để nhớ đến Người. Rồi sau khi sống lại, Người nói với các ông: "Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em, để muôn dân trở nên môn đệ của Thầy" (Mt 28,19-20).

Đến lượt các tông đồ, các ngài cũng gọi một số anh em tham dự vào công việc của các ngài, và đặt tay lên họ để làm cho họ trở thành "những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa" (1Cr 4,1-5). Được cộng tác với các tông đồ, rồi kế vị các ngài, những người đứng đầu các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi biết rằng mình có sứ mệnh và có quyền rao giảng Đức Giêsu Kitô, tha tội, chủ tọa lễ nghi bẻ bánh khi truyền phép bánh và rượu, hướng dẫn cộng đoàn địa phương tiến bước hòa nhịp với toàn thể Hội Thánh. Đó là thừa tác vụ các Giám mục đã được thừa hưởng, và các ngài chia cho các Linh mục và Phó tế một số công việc.

Phép truyền chức thánh là Bí tích làm cho một người đã chịu phép Rửa thành Phó tế, Linh mục hay Giám mục. Cũng như vào thời các tông đồ (Cv 6,6;13,3), khi ai được vị có quyền đặt tay lên đầu, thì người ấy được phong chức, vì cử chỉ ấy chuyển ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần xuống để giúp thi hành các thừa tác vụ này trong Hội Thánh, lại ban cho người thụ phong được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Tư tế và là Tôi trung phục vụ, nhân danh Người mà thi hành những tác vụ đó. Vì thế, ấn tích Giám mục, Linh mục, Phó tế cũng giống như ấn tích do phép Rửa hay Thêm Sức ban cho: không ai có thể xóa đi được.

BÍ TÍCH GIẢI TỘI

"Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15). Đó là lời Đức Giêsu kêu gọi khi khai mạc cuộc rao giảng của Người. Lời rao giảng này tiếp nối lời rao giảng của các Ngôn sứ và ông Gioan Tiền Hô, người dọn đường cho Đấng Thiên Sai, khi ông "rao giảng kêu gọi dân chúng chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội" (Lc 3,3). Sám hối, trở lại, hãm mình đều là những kiểu nói ám chỉ một cuộc trở về với Thiên Chúa mà Đức Kitô khuyên nhủ chúng ta.

Nhưng Đức Giêsu không chỉ khuyên nhủ người ta từ bỏ điều ác để nghe tiếng Chúa. Người đã làm điều chỉ mình Thiên Chúa làm được. Người đã nói với người đàn bà tội lỗi và người bất toại: "Tội của anh (của chị) đã được tha" (Lc 7,48; 9,2). Người đã đổ máu ra cho muôn người được ơn tha tội, và buổi chiều ngày Phục Sinh, Người đã nói với các tông đồ: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha" (Ga 20,22-23). Đức Kitô không thể không ủy cho Hội Thánh sứ mệnh tha thứ cho tội nhân, là những kẻ Người đã đón tiếp rất niềm nở, khiến cho kẻ thù của Người phải lấy làm khó chịu (Lc 15,1). Vì thế, ngay từ lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô đã kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối: "Anh em hãy sám hối, và mỗi người phải chịu phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội" (Cv 2,38).

Đối với những người đi từ chỗ không tin đến tin vào Chúa Giêsu, thì Bí tích đánh dấu cuộc trở về, Bí tích tha tội dĩ nhiên là phép Rửa, như thánh Phêrô dạy và như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Nhưng dù chịu phép Rửa rồi, cuộc chiến đấu giữa con người xác thịt và con người sống theo Thần Khí Thiên Chúa, giữa tình yêu và tính ích kỷ vẫn chưa hết đối với chúng ta, chúng ta còn phải tiếp tục chiến đấu suốt cả đời, và có khi có thể yếu đuối và sa ngã. Vì thế, Chúa ban cho chúng ta Bí tích Giải Tội: đó là cơ hội để ta nối lại giao ước của phép Rửa, mỗi khi cần. Một khi được tha tội, chúng ta được giao hòa cùng Thiên Chúa và anh em, vì mỗi tội nặng là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa và một sự từ chối tha nhân.

Chỉ cần thiết lãnh phép Giải Tội khi có những tội nặng. Đối với những tội nhẹ, chúng ta có nhiều phương thế để được tha tội, như cố gắng dứt bỏ tính ích kỷ, thực hành đức bác ái, cầu nguyện riêng và chung, nhất là đọc kinh Lạy Cha, và đặc biệt là tham dự thánh lễ. Nhưng, một đàng không nên coi nhẹ tính cách trầm trọng của một số tội, và đàng khác, người Kitô hữu đôi khi muốn xưng thú hết các tội của mình với Hội Thánh qua Linh mục, thừa tác viên của Chúa; làm như vậy để biểu lộ công khai ý muốn hối cải và do đó cố gắng tích cực hơn, đồng thời cũng để nhận được ơn của Bí tích làm cho chúng ta tiếp xúc với Chúa Kitô cứu chuộc như lời Công đồng nói: "Những ai đến lãnh phép Giải Tội thì được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa, được tha tội đã phạm đến Người và được hóa giải cùng Hội Thánh mà họ đã xúc phạm tới; họ lại được Hội Thánh tỏ lòng thương yêu, làm gương sáng, cầu nguyện cho mà ăn năn trở lại" (Hiến chế về Giáo Hội, số 11).

Có thể cử hành Bí tích Sám Hối riêng tư hay tập thể. Trong cả hai trường hợp, chúng ta phải đối chiếu đời mình với Lời của Chúa.

NGHI THỨC SÁM HỐI TẬP THỂ

Cử hành sám hối tập thể có lợi là làm cho chúng ta nhận thấy rõ rệt hơn tính cách cộng đồng của Bí tích Hòa Giải: chúng ta cùng nhau nghe công bố Lời Chúa kêu gọi ăn năn trở lại và tỏ cho thấy lòng Chúa thương xót chúng ta; chúng ta cùng nhau đối chiếu đời mình với Lời Chúa và cầu nguyện cho nhau; chúng ta cùng được Chúa tha tội và lại cùng nhau lên đường.

Nghi lễ sám hối tập thể có bốn phần:

Mở Đầu: Linh mục chào những người hiện diện, rồi đọc một lời nguyện.

Phụng Vụ Lời Chúa: Cộng đoàn nghe đọc một vài bài Kinh Thánh, sau mỗi bài có thể xen vào một bài Thánh Vịnh (ví dụ: Tv 6; 50; 129; ...) hoặc một bài hát. Sau đó, Linh mục diễn giải bài Kinh Thánh và hướng dẫn xét mình.

Nghi Thức Giao Hòa: Mọi người đọc kinh Cáo Mình, lời nguyện giáo dân và kinh Lạy Cha. Rồi từng người đến xưng tội với các Linh mục và lãnh phép Giải Tội riêng. Trong khi đó, cộng đoàn có thể hát hoặc nghe dạo nhạc phong cầm.

Kết Thúc: Khi mọi người đã lãnh phép Giải Tội xong, thì tất cả cùng hát một bài tạ ơn Thiên Chúa (ví dụ: bài Magnificat của Đức Maria; Tv 135,1-9.13-14.16.25-16). Sau cùng, Linh mục đọc lời nguyện kết thúc, ban phép lành, rồi giải tán.

Nghi lễ sám hối tập thể trên đây có xưng tội riêng và ban phép Giải Tội cho từng người, vì thế khác với "giải tội tập thể" (không có xưng tội riêng, ban phép giải tội chung). Theo kỷ luật hiện hành của Giáo Hội, chỉ được ban phép giải tội tập thể trong những trường hợp đặc biệt, như khi giáo dân quá đông mà Linh mục lại quá ít không đủ để nghe từng người xưng tội, khiến cho giáo dân không vì lỗi tại họ mà phải thiếu ơn Bí tích hoặc không được rước lễ trong một thời gian dài.

NGHI LỄ SÁM HỐI CÁ NHÂN

Theo phụng vụ mới, nghi lễ giải tội từng cá nhân cũng gần giống như trước kia, chỉ khác là trước khi người Tín hữu thú tội, Linh mục có thể đọc một vài câu Kinh Thánh nói về lòng từ bi của Thiên Chúa và kêu gọi người ta ăn năn trở lại (ví dụ: Ez 11,19-20; Mt 6,14-15; Mc 1,14-15; Lc 15,1-7; Ga 20,19-23; Rm 5,8-9; ...), và trước khi đọc lời giải tội, Linh mục có thể cùng cầu nguyện với người xưng tội.

BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

Thiên Chúa không gây ra bệnh tật; Người cũng "đã chẳng tạo nên sự chết" (Kn 1,13). Bệnh tật và sự chết đã do tội lỗi mà vào thế gian. Nói thế không phải là mỗi người khi bị ốm đau là do Chúa phạt vì tội lỗi riêng, mà bởi vì bệnh tật là do một sự dữ và một điều ác hại, và ác hại xâm nhập thế gian do tội lỗi.

Đức Giêsu đã hằng tỏ lòng yêu thương đặc biệt đối với những người đau ốm, vì Người thấy họ là những người nghèo, nghèo sức lực thể xác, loại người nghèo được Người ưu tiên loan báo cho sứ điệp cứu độ. Người chữa lành họ để cứu họ khỏi đau khổ. Giờ đây, tuy đã về cùng Chúa Cha, nhưng Người không bỏ rơi họ. Người hằng luôn luôn chuyển cầu cho chúng ta và cầu nguyện cho những người là thành phần đau khổ của Nhiệm Thể Người và liên kết với lễ tế cứu chuộc của Người cách mật thiết hơn những người khác. Nhưng nhất là Người đã lập một Bí tích để nâng đỡ, an ủi, khi chúng ta đau nặng: đó là phép Xức Dầu Bệnh Nhân.

Tại sao lại lập Bí tích cho người lâm trọng bệnh ? Thưa, vì khi lâm trọng bệnh, đời sống của người ta bị đảo lộn ghê gớm: phải ngưng mọi hoạt động nghề nghiệp, thường phải đứt đoạn với đời sống gia đình, phải trơ trọi trên giường bệnh, phải lo lắng về vấn đề tiền bạc, ấy là không kể đến nỗi đau đớn ngoài thể xác cũng như trong tinh thần, những câu hỏi thầm kín mà mỗi người đặt ra cho mình lúc bấy giờ. Nhờ Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, Chúa Kitô đến với bệnh nhân để trấn an, làm cho tin tưởng, tha các tội lỗi, và như vậy khiến người ấy được mạnh sức mà đối phó với cơn bệnh.

Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy các tông đồ được Đức Giêsu sai đi "xức dầu cho nhiều bệnh nhân và chữa lành họ" (Mc 6,13). Vào khoảng năm 60, thánh Giacôbê viết: "Có người trong anh em bị bệnh ư ? Hãy mời các vị kỳ mục trong Hội Thánh đến để đọc kinh cầu nguyện và xức dầu cho người ấy nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu bệnh nhân và Chúa sẽ nâng đỡ người ấy đứng lên. Nếu người ấy đã phạm tội, tội cũng sẽ được tha" (Gc 5,14-25). Như vậy là Hội Thánh đã nhận được Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân do truyền thống từ thời các tông đồ để lại.

Cũng như trong phép Thêm Sức, khi làm phép Xức Dầu, Linh mục cũng đặt tay lên đầu bệnh nhân và xức dầu một hay nhiều lần tùy nghi. Nhưng dầu xức cho bệnh nhân không cùng một ý nghĩa với dầu Thêm Sức, vì dầu Thêm Sức gợi lại việc xức dầu phong chức cho các tư tế và phong vương cho các vua trong Cựu Ước, còn dầu bệnh nhân là dầu có dược tính dùng để chữa trị, giảm đau, chứ không phải để hiến thánh hay phong vương.

Phép Xức Dầu Bệnh Nhân không có mục đích sửa soạn cho họ chết, nhưng giúp cho họ được lành bệnh, còn đối với người già thì nâng đỡ họ trong chuỗi ngày yếu đau bệnh tật. Tuy nhiên, vẫn có thể làm phép Xức Dầu cho một người đang hấp hối, nhất là nếu người ấy không xưng tội rước lễ được. Bấy giờ, phép Xức Dầu thay cho phép Giải Tội. Ai đau nặng hay sắp bị mổ, hoặc người già cả thấy mình yếu sức, thì nên nghe lời khuyên của thánh Giacôbê là cho "mời Linh mục của Hội Thánh đến". Nhiều nơi có cử hành Xức Dầu Bệnh Nhân tập thể, như tại các địa điểm hành hương và các ngày đặc biệt có tập trung người đau ốm lại. Nhiều người đã được hưởng nhờ ơn ích của những buổi cử hành như thế.


2290    21-03-2011 10:28:49