Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Hiểu Và Sống Phụng Vụ_Phần 03_Tổng Quát Về Các Bí Tích


PHẦN III: CÁC BÍ TÍCH VÀ ĐỜI SỐNG
Nhìn Tổng Quát Về Các Bí Tích

Muốn đưa một người lớn hay một em nhỏ gia nhập dân Thiên Chúa, muốn làm cho họ trở nên thành phần trong thân thể của Chúa Kitô, thì phải dìm họ xuống nước, hay đổ nước lên đầu họ. Muốn ban cho họ hồng ân là Chúa Thánh Thần, thì Giám mục xức dầu thánh lên trán họ. Để tham dự lễ tế của Chúa, rước Mình và Máu Thánh Người, thì giáo dân đến dự tiệc bánh và rượu được truyền phép. Muốn ban cho một người đã chịu phép Rửa Tội chức Linh mục, thì Giám mục đặt tay lên đầu người ấy.

Tại sao làm những cử chỉ đó, tại sao dùng nước, dầu, bánh và rượu. Các lời đọc kèm theo các nghi thức và xác định ý nghĩa của các nghi thức đó không đủ hay sao ? Nói cho sâu sắc hơn, tại sao Chúa lại dùng các Bí tích để hiến mình cho nhân loại ?

Trước hết xin nói là Thiên Chúa hoạt động liên li trong thế giới, bên ngoài các Bí tích: Người soi sáng, hướng dẫn, đổ đầy tràn tình thương xuống bất cứ ai không từ chối đặt niềm tin vào Người. Hơn nữa, Người chỉ hành động qua các Bí tích chừng nào người ta lấy tinh thần đức tin mà đón nhận các Bí tích. Nhưng dù sao, Bí tích vẫn là cách thế đặc biệt Chúa dùng để gặp gỡ con người một cách mật thiết, trong đời tư cũng như trong đời sống xã hội của họ. Tại sao vậy ? Thưa vì Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta
(Ga 1,14).

Đức Kitô, Bí tích của Thiên Chúa

Nếu Bí tích là một dấu hiệu hữu hình về hoạt động của Chúa nơi con người, thì Đức Kitô chính là Bí tích hoàn hảo của Thiên Chúa.

Người ta đã thấy tận mắt Đức Giêsu Nazareth, đã nghe Người giảng, tay họ đã chạm tới Người; và khi làm như thế, họ đã xem, đã nghe, đã chạm đến Ngôi Lời ban sự sống (1Ga 1,1). Đức Giêsu đã chịu khổ hình, đã bị đóng đinh và chết trên thập giá, đã sống lại và hiện ra với các tông đồ. Trong thân thể bị khổ hình, Người đã xóa bỏ tội lỗi nhân loại, và do thân thể Phục Sinh, Người đã nên một nguồn sống cho mọi người trong mọi thời đại. "Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người" (2Cr 5,19). Đức Kitô là Bí tích của Thiên Chúa vậy đó.

Hội Thánh, Bí tích của Đức Kitô.

Khi về trời, Chúa Giêsu bước vào một thế giới vô hình, nhưng Người vẫn muốn tiếp tục sống một cách hữu hình ở giữa loài người. Người dùng Hội Thánh để làm công việc này. Quả vậy, Người đã nói với các tông đồ, chiều ngày Phục Sinh: "Như Cha đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20,21-23). Trước kia, Người cũng đã nói với các ông: "Ai đón nhận anh em là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy"(Mt 10,40). Vậy Hội Thánh là Bí tích của Đức Kitô. Người trần mắt thịt nhìn thấy Hội Thánh là một tổ chức, một xã hội với các người lãnh đạo, các phần tử, cơ cấu, luật lệ. Còn chúng ta nhờ đức tin, nhận ra Hội Thánh - dân mới của Chúa - là nhiệm thể của Đức Kitô, là thực hiện ý định yêu thương từ ngàn đời ẩn dấu nơi Thiên Chúa, đó là: nhờ được liên kết với Đức Giêsu Kitô, mọi người "cùng được thừa hưởng một gia nghiệp, cùng làm thành một thân thể" (Ep 3,6).

Cũng như nhân tính của người thợ mộc thành Nazareth khiến một số người không nhận ra thiên tính của Người, đến nỗi nhân tính ấy trở thành một chướng ngại cho họ trên bước đường tìm kiếm đức tin, thì những vết nhơ và những vết nhăn của Hội Thánh đôi khi cũng làm cho người ta không nhìn ra trong đó bộ mặt của Đức Kitô, nhưng không phải vì thế mà Người kém linh hoạt và sống động trong Hội Thánh .

Các Bí tích của Hội Thánh

Hội Thánh sinh sống và tồn tại nhờ những hành động có kèm theo những lời nói mà Đức Kitô đã trao cho Hội Thánh nhiệm vụ phải cử hành. Đó là các Bí tích: "Điều người ta xưa trông thấy nơi Đấng cứu chuộc chúng ta, thì nay đã chuyển sang các Bí tích" (thánh Lêô Cả). Những hành động này hoàn thành trong Hội Thánh và do Hội Thánh, nhưng là những hành động của Đức Kitô: "Khi ông Phêrô làm phép Rửa, thì đó là Đức Kitô làm phép Rửa. Khi ông Phaolô làm phép Rửa, thì đó là Đức Kitô làm phép Rửa. Khi ông Giuđa làm phép Rửa, thì đó là Đức Kitô làm phép Rửa" (thánh Augustinô). Nhưng cũng như Đức Kitô không thể làm được những cử chỉ cứu độ, nếu người ta không lấy đức tin mà đón nhận (xem Mc 6,5-6), thì các Bí tích cũng chỉ có hiệu lực chừng nào người ta lấy đức tin mà đón nhận; đức tin của Hội Thánh thay cho đức tin của người chịu phép Rửa, trong trường hợp làm phép Rửa Tội hoặc Thêm Sức cho một trẻ nhỏ.

Các Bí tích ban sự sống thần linh, làm gia tăng hay phục hồi đời sống ấy, có thể nói là rập khuôn phần nào theo các giai đoạn kế tiếp trong đời sống con người. Trước hết có các Bí tích nhập đạo, nghĩa là đưa dẫn vào làm Dân của Chúa, rồi đến các Bí tích tổ chức chính dân Chúa thành một đoàn thể Hội Thánh, và cuối cùng là những Bí tích mà mục đích là ban lại đời sống thần linh đã mất vì tội lỗi, hoặc bổ sức cho con người khi phải ốm đau bệnh tật.

Những Bí Tích Nhập Đạo: Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể

"Ai không sinh ra bởi nước và Thánh Thần, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa" (Ga 3,5). Khi nói như vậy, Đức Giêsu cho một ý nghĩa mới cho một nghi thức mà chính Người đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa của ông Gioan. Sau khi sống lại, Người truyền cho các tông đồ: "Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và ThánhThần, để họ trở nên môn đệ của Thầy" (Mt 28,19). Khi đã lên trời rồi, Người sai Thánh Thần xuống trên các môn đệ đang họp nhau ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,4). Sau khi nhận được Thánh Thần, các tông đồ lại đặt tay ban Thánh Thần cho những nguời khác (Cv 8,15-17;19,5-7). Trong bữa ăn cuối cùng, Đức Giêsu đã ban Mình và Máu Người cho các môn đệ dưới hình bánh và rượu, khi Người bẻ bánh, lấy rượu chia cho các ông, và truyền cho các ông phải làm lại cử chỉ này để nhớ đến cái chết và sự sống lại của Người. Đó là nguồn gốc phát sinh ra ba Bí tích nhập đạo.

Trong nhiều nền văn minh, như Ấn Độ, có những nghi thức tắm rửa để thanh tẩy và hồi sinh, lại có cả bữa ăn tôn giáo nữa. Nhiều nền văn minh khác lại có những nghi thức cố định để đưa người ta gia nhập một tổ chức nào đó, hay là cho gia nhập với những người trưởng thành. Trong các nền văn hóa này, người ta dễ hiểu là cần phải được hướng dẫn từ từ để bước vào làm dân của Chúa.

Nhưng, ngoài những ảnh hưởng và điều kiện văn hóa xã hội gắn liền với các Bí tích nhập đạo, còn phải lưu ý rằng những Bí tích ấy rất phù hợp với bản tính con người, trong đó tinh thần và thể xác, khả giác và siêu nhiên luôn hoạt động trong thế hỗ tương. Tinh thần chỉ được diễn tả qua các cử chỉ của thân xác; nhờ giác quan mà tinh thần thêm phong phú, do sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Vì thế, khi cử hành các Bí tích, "thân xác được tẩy rửa, cho linh hồn nên trong sạch; thân xác được sức dầu, cho linh hồn được thánh hiến; thân xác được đặt tay lên, cho linh hồn được Thánh Thần soi sáng; thân xác được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Đức Kitô, cho linh hồn được đầy tràn Thiên Chúa". Đó là cách thế mà một giáo dân thế kỷ thứ II, ông Têtulianô đã hiểu về hoạt động của các Bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể thông ban cho người Tín hữu sức sống của Đức Kitô.

Những Bí Tích làm thành Dân Chúa: Hôn Phối và Truyền Chức Thánh

Muốn cho dân Chúa được tăng tiến thì loài người phải tồn tại. Thường gia đình là nơi trẻ em Công giáo được bắt đầu nghe nói về đức tin và dần dần ý thức được tất cả những khả năng tiềm tàng mà phép Rửa Tội đặt ở nơi em. Vì thế, Đức Kitô đã nói đến tính cách cao cả và nhắc lại luật căn bản của hôn nhân (Mt 19,3-6). Người còn làm hơn nữa, Người đã muốn cho cuộc hôn nhân giữa hai người Kitô hữu trở nên dấu hiệu về giao ước của Người với nhân loại trong Hội Thánh, Người đã nâng hôn nhân lên hàng Bí tích. Như vậy, khi thánh hiến tình yêu của đôi vợ chồng Công giáo, Bí tích Hôn Phối tỏ cho người ta thấy Thiên Chúa yêu thương loài người biết bao.

Khi thành lập Hội Thánh, Đức Kitô đã chọn trong số các môn đệ mười hai tông đồ. Người dành riêng các ông ra để loan báo Tin Mừng; Người đã giao cho các ông sứ mệnh làm phép Rửa, cử hành Thánh Thể để tưởng nhớ đến Người; Người đã trao cho các ông quyền tha tội, đặt các ông làm người hướng dẫn và coi sóc các anh em mình. Hội Thánh không thể tồn tại, nếu không có thừa tác vụ này. Vì thế, các tông đồ đã chọn những người kế vị và cộng tác, khi đặt tay lên đầu phong chức cho những người đó, để các ông phụng sự Chúa Kitô và cộng đoàn là Hội Thánh. Đó là Bí tích Truyền Chức Thánh mà các Giám mục, linh mục và Phó tế được tham dự, mỗi người tùy theo ơn đã nhận được.

Các Bí Tích Giải Tội và Xức Dầu Bệnh Nhân.

Đức Giêsu biết cái có trong con người (Ga 2,25). Người biết những khả năng vô biên Người đã đặt nơi họ, nhưng không một yếu đuối nào của họ mà Người không biết. Chính vì thế mà, trong cuộc đời tại thế, Người đã nghiêng mình xuống bên những người ốm đau bệnh tật để chữa lành họ, và Người đã đi đến với những người tội lỗi để tha thứ cho họ.

Bệnh tật và tội lỗi gắn liền với bản tính hư hỏng của chúng ta. Vì thế, Chúa Kitô đã muốn cho Hội Thánh của Người tiếp tục làm mãi những cử chỉ xót thương của Người trải qua mọi thời đại, Người đã trao cho Hội Thánh Bí tích Giải Tội và Xức Dầu Bệnh Nhân. Người đã nói với thánh Phêrô (Mt 16,19), và Người đã nói lại với các tông đồ: "Tất cả những gì anh em cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, tất cả những gì anh em tháo giải dưới đất thì trên trời cũng tháo giải" (Mt 18,18). Còn về những người đau yếu thì trong Tin Mừng theo thánh Marcô, chúng ta thấy Nhóm Mười Hai được Đức Giêsu sai đi các làng mạc trong sứ Galilê "xức dầu cho nhiều bệnh nhân và chữa lành họ" (Mc 6,13). Tuy đây, không phải là bản văn lập nên Bí tích Xức Dầu cho bệnh nhân, nhưng không thể chối cãi được rằng chính trong Bí tích này, Hội Thánh vẫn tiếp tục làm những cử chỉ tương tự để nâng đỡ những người ốm đau bệnh tật.

Bí tích Thánh Thể

Đó là những cử chỉ Đức Kitô còn làm trong Hội Thánh, để đến với loài người, xuyên qua vật chất là môi trường sinh sống tự nhiên của họ, và làm cho họ được tham dự sự sống của Thiên Chúa. Nhưng có một Bí tích không phải chỉ làm một cử chỉ của Đức Kitô; Bí tích này làm cho Đức Kitô hiện diện thường xuyên dưới hình bánh và hình rượu để làm của ăn nuôi dưỡng Tín hữu: đó là phép Mình Thánh Chúa. Tất cả mọi Bí tích đều thánh, vì là những hành vi của Đức Kitô và làm cho chúng ta tham dự sự sống của Người, vì cho chúng ta được gặp gỡ Người; còn phép Thánh Thể là thánh, vì là Chúa Kitô hiện diện giữa chúng ta. Vì thế, các Bí tích khác đều quy về Bí tích Mình và Máu Chúa Kitô, dấu hiệu tuyệt hảo về hiệp nhất, và nguồn mạch yêu thương trong Hội Thánh. Vì thế, sau khi cử hành các Bí tích thì thường cử hành phép Thánh Thể. Phép Thánh Thể không chỉ kết thúc giai đoạn nhập đạo mà còn là Bí tích diễn lại không ngừng giao ước giữa loài người với Thiên Chúa.

CÁC BÍ TÍCH NHẬP ĐẠO

Nhờ các Bí tích nhập đạo, con người "sau khi đã được giải thoát khỏi sự dữ, đã chết với Đức Kitô, đã được mai táng và sống lại với Người, thì nhận được Thánh Thần dưỡng tử và cùng với toàn thể dân Chúa cử hành lễ tưởng niệm cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô" (Công đồng Vaticanô II; sắc lệnh truyền giáo, số 14).

Phép Thánh Tẩy.

Chịu phép Rửa tức là chết và sống lại trong Đức Kitô. Thánh Phaolô đã dạy như thế (Rm 6,3-11, đọc trong đêm Phục Sinh). Nước làm cho chết và làm cho sống: điều này được nói lên cách rõ ràng nhất khi cử hành phép Rửa bằng cách nhận chìm xuống nước. Quả vậy, khi bước xuống giếng rửa tội, con người được dìm trong cái chết của Đức Kitô, là cái chết Đấng cứu họ khỏi chết; khi bước ra khỏi nước, con người được sinh lại với Đức Kitô để sống đời sống mới. Là thành phần của thân thể Đức Kitô, Con Thiên Chúa, từ đây con người thuộc về dân của Giao Ước mới, dân đã lãnh sứ mệnh loan báo cho mọi người là họ đã được Thiên Chúa kêu gọi.

Phép Thêm Sức

Vị Giám mục ban phép Thêm Sức cho người đã chịu phép Rửa, bằng cử chỉ đặt tay trên đầu và xức dầu thánh. Bí tích này làm cho người ấy được hoàn toàn đồng dạng với Đức Kitô. Người Kitô hữu nhận được hồng ân là Chúa Thánh Thần, làm cho họ tham dự vào mầu nhiệm lễ Hiện Xuống. Cũng như các tông đồ, họ phải trở nên nhân chứng của Đức Kitô.

Phép Rửa và Thêm Sức làm cho những ai đã chịu hai Bí tích này được vĩnh viễn thánh hiến cho Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì thế, mỗi người chỉ được lãnh nhận hai Bí tích này một lần mà thôi.

Phép Thánh Thể

Sau khi được thánh tẩy trong nước và Thánh Thần, lại được ghi dấu của Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu cùng với các anh em đồng đạo dâng lễ tế của Đức Kitô và dâng chính mình cho Thiên Chúa; rồi tham dự tiệc thánh, rước Mình và Máu Chúa. Đó là lần rước lễ đầu tiên. Từ nay, mỗi Chúa Nhật và mỗi ngày, nếu muốn, người ấy có thể đến dự bàn tiệc của Chúa Kitô, cho tới khi phải từ giã cõi đời này thì lại được rước Chúa Kitô làm của ăn trên chặng đường cuối cùng. Như vậy là phép Thánh Thể đặt nơi người ấy mầm sống đời đời.

NGƯỜI LỚN NHẬP ĐẠO

Các Bí tích cho người lớn nhập đạo thường được cử hành trong đêm Phục Sinh. Những Bí tích này chấm dứt một đoạn đường dài, khởi đầu từ khi người ta khám phá ra Chúa Kitô lần thứ nhất trong đời, và trải qua nhiều giai đoạn quyết định.

Thời gian dự tòng

Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ khi bước vào thời dự tòng. Bấy giờ Hội Thánh bắc một nhịp cầu liên lạc với người đang lên đường đến với Chúa. Hội Thánh ghi dấu thánh giá và đón nhận người ấy vào cộng đoàn phụng vụ. Từ nay, người dự tòng được dành chỗ trong cộng đoàn để nghe Lời Chúa. Hội Thánh giao người dự tòng cho một Kitô hữu hay một gia đình; người dự tòng có thể cùng với Kitô hữu hoặc gia đình đó suy nghĩ và học bước dần vào đời sống Kitô giáo. Khám phá ra Chúa Giêsu Kitô, cố sống theo Tin Mừng, ước lượng các trách nhiệm của người Kitô hữu trong xã hội: đó là mục tiêu phải nhắm tới.

Thời dự tòng có thể kéo dài một thời gian dài hay ngắn tuỳ theo đức tin đã vững hay còn non. Thường là phải qua nhiều năm. Trong thời gian này, người dự tòng cùng với các bạn dự tòng khác tham dự các buổi hội họp; trong đó, việc nghe Lời Chúa và cầu nguyện chiếm một phần quan trọng, và người chủ tọa cộng đoàn sẽ đặt tay lên đầu họ để xin Chúa cứu họ khỏi ảnh hưởng của sự dữ và mở lòng trí họ vâng theo Chúa Thánh Thần.

Chuẩn bị vào giai đoạn chót.

Khi người dự tòng đã quyết định xin lãnh phép Rửa Tội, thì vào đầu mùa Chay, Đức Giám Mục kêu gọi người ấy, và như vậy ngài phê chuẩn quyết định đó. Ứng sinh được Chúa giao cho một người đỡ đầu, và trong mùa Chay phải qua một thời gian chuẩn bị cuối cùng. Trong thời gian này, đương sự cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa và tăng thêm cố gắng thay đổi từ bên trong, để được thanh tẩy và soi sáng.

Những ngày đánh dấu đặc biệt cuộc chuẩn bị vào giai đoạn chót này, là các Chúa Nhật 3, 4 và 5 mùa Chay. Khi những người dự tòng đến tham dự Phụng Vụ Lời Chúa, họ được nghe đọc Tin Mừng về người thiếu phụ xứ Samari (nước trường sinh), về người mù từ khi mới sinh (ánh sáng), về ông Lazarô sống lại (sự sống mới), có trong sách bài đọc năm A. ngoài ra, còn hai buổi họp nữa thường diễn ra trong tuần, cũng quan trọng. Trong hai lần họp này, Hội Thánh dạy cho các Kitô hữu tương lai kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính.

Cử hành ba Bí tích

Trong đêm Phục Sinh, sau phần Lời Chúa, Giáo Hội cử hành ba Bí tích nhập đạo. Các bản văn trong phần Lời Chúa đêm Phục Sinh là phần sâu sắc và có ý nghĩa hơn cả trong các bài giáo huấn về phép Rửa.

Nghi thức ba Bí tích này, ngoài một số điều thích nghi cho người lớn, cũng không khác nghi thức Thánh Tẩy cho trẻ em, Thêm Sức và Thánh Thể. Nếu đêm nay, Đức Giám Mục không chủ tọa các lễ nghi, thì Linh mục làm phép Rửa, có thể làm phép Thêm Sức luôn, cho có sự liên tục giữa ba Bí tích nối tiếp nhau, để đưa người tân tòng đạt tới tầm vóc đầy đủ của một Kitô hữu đích thực.

Khám phá đời sống mới.

Những tuần lễ tiếp theo, người tân tòng còn phải khám phá ra địa vị của mình trong cộng đoàn anh em: trong cộng đoàn phụng vụ, người ấy có thể trao cho nhiệm vụ đọc Lời Chúa và phân phát Mình Chúa Kitô; trong cộng đoàn hoạt động tông đồ, người ấy sẽ nói lên tiếng nói của "những người ở xa" (Ep 2,13).

BÍ TÍCH THÁNH TẨY TRẺ NHỎ

Phép Rửa là cửa đưa vào sự sống và Nước Thiên Chúa. Đó là Bí tích đầu tiên của Luật mới, mà Chúa Kitô hiến cho mọi người để được sống đời đời. Rồi, Người trao phép này cùng với Tin Mừng cho Hội Thánh, khi truyền cho các tông đồ: "Anh em hãy đến với muôn dân, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần để họ trở nên môn đệ của Thầy" (Mt 28, 18-19). Vì thế, phép Rửa trước hết là Bí tích của đức tin, nhờ đức tin đó, loài người được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng Chúa Kitô.

Phép Rửa còn là Bí tích kết nạp vào Hội Thánh những người "được dùng vào công cuộc xây cất, để trở nên thành phần cấu tạo ngôi nhà Chúa ngự trong Thánh Thần" (Ep 2,22), "một dân thánh, một hoàng tộc chuyên lo việc tế tự" (1 Pr 2,9).

Phép Rửa làm cho con người được "thông phần thiên tính" (2Pr 1,14) và trở nên "nghĩa tử của Thiên Chúa" (Gl 4,5). Khi làm phép Rửa, Hội Thánh kêu cầu danh Thiên Chúa Ba Ngôi trên họ, và như vậy họ được ghi dấu, được trở thành sở hữu của Người và được cùng sống với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Phép Rửa thực hiện những hiệu quả nói trên, là nhờ quyền năng của mầu nhiệm Chúa Kitô chết và sống lại. Quả vậy, khi được dìm vào nước thánh tẩy, "chúng ta đã nên một với Chúa Kitô nhờ được chết như Người đã chết, đã cùng được mai táng với Người" (Rm 6,4-5), nên chúng ta cũng được "cùng sống lại và cùng sống với Chúa Kitô" (Ep 2, 5-6). Như vậy, phép Rửa chẳng qua chỉ là tưởng niệm và thực hiện mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm đưa con người vượt qua sự chết do tội lỗi gây nên mà bước vào cõi sống (Nhập đề sách Nghi Thức Thánh tẩy, số 3-6).

Đó là giáo huấn của Hội Thánh về phép Rửa cho trẻ em cũng như người lớn. Quả vậy, dù phải lấy đức tin mà lãnh nhận các Bí tích, nhưng xưa nay Hội Thánh vẫn làm phép Rửa cho các trẻ em trước khi chúng có thể tự mình làm được một tác động tin. Hội Thánh làm phép rửa cho chúng, nhân danh đức tin của chính Hội Thánh, do cha mẹ, các người đỡ đầu và những người cùng tham dự tuyên xưng. Đó là một trong các lý do nên cử hành phép Rửa tập thể cho nhiều trẻ em, có những Tín hữu liên hệ tham dự .

Nhưng, nếu trẻ em được Rửa Tội trong đức tin của Hội Thánh, thì nó phải lớn lên trong đức tin này, hầu một ngày kia có thể ưng thuận đức tin ấy. Vậy cha mẹ nên chuẩn bị cho con chịu phép Rửa bằng cách chính mình đào sâu thêm đức tin. Nếu họ thấy rằng về sau không thể giáo dục đức tin cho con cái được, thì phải chọn cho nó một người cha hay mẹ đỡ đầu có đủ khả năng chu toàn trách nhiệm này.

BÍ TÍCH THÊM SỨC

"Các người đã chịu phép Rửa tiếp tục con đường nhập đạo, nhờ Bí tích Thêm Sức, làm cho họ được lãnh nhận dồi dào Chúa Thánh Thần, Thánh Thần xưa kia Chúa Kitô đã ban cho các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần. Nhờ Thánh Thần, họ được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô một cách hoàn hảo hơn, để làm chứng cho Người, hầu xây dựng Thân Thể của Người trong đức tin và đức mến" (Nhập đề sách Nghi Thức Thêm Sức 1-2).

Cũng như xưa các tông đồ đặt tay lên đầu các Tín hữu đầu tiên, để thông ban cho họ Thánh Thần đã nhận được ngày lễ Ngũ Tuần (xem Cv 8,15-17;19,5-6), thì nay Đức Giám Mục, người kế vị các tông đồ, cũng làm cho người đã chịu phép Rửa được sống lại mầu nhiệm Hiện Xuống, khi ban "ân sủng là ơn Thánh Thần" cho người ấy (Cv 2,38). Nét tương tự giữa lời trong sách Cộng Vụ Tông Đồ với các lời đọc khi xức dầu thánh trong phép Thêm Sức thật là rõ rệt. Giữa phép Thêm Sức và lễ Hiện Xuống còn một mối liên lạc nữa, đó là: chỉ có Đức Giám Mục, hay ít ra, những Linh mục được ngài ủy quyền đặc biệt, mới có thể ban phép này mà thôi.

Nghi thức Thêm Sức gồm hai cử chỉ. Trước hết, Đức Giám Mục đặt tay chung trên các người chịu phép Thêm Sức mà cầu xin Thiên Chúa sai Thánh Thần xuống, rồi lấy dầu xức lên trán từng người một và nói: "T..., hãy nhận lấy ấn tích ơn Chúa Thánh Thần". Cử chỉ đặt tay lên đầu, mượn của Kinh Thánh, có ý nghĩa là cầu xin Chúa đổ Thánh Thần xuống trên các con cái. Các lời đọc kèm theo cử chỉ xức dầu thánh, nói lên hiệu quả đặc biệt của phép Thêm Sức là ban Thánh Thần. Xức dầu thánh cho người chịu phép Thêm Sức, là có ý nói rằng từ nay người đó được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng đã xức dầu đặc biệt hơn cả, còn hương thơm từ dầu lan tỏa ra có ý nhắc rằng chúng ta phải mang "hương thơm của Chúa Kitô" tỏa đi khắp nơi (2 Cr 2,15).

Mỗi lần cử hành phép Thêm Sức thì "mối dây liên lạc mật thiết giữa Bí tích này với tất cả giai đoạn nhập đạo" lại càng sáng tỏ (PV số 71). Ta thấy giữa phép Thêm Sức và phép Rửa có liên lạc, vì khi chịu phép Thêm Sức có lặp lại lời tuyên xưng đức tin, và vì chính người đỡ đầu khi làm phép Rửa sẽ giới thiệu người lãnh Bí tích Thêm Sức cho Đức Giám Mục, trong trường hợp không phải là cha mẹ giới thiệu. Vì có mối dây liên lạc giữa phép Thêm Sức với phép Thánh Thể, thành ra rất nên cử hành phép Thêm Sức trong thánh lễ, và cho những người mới chịu phép Thêm Sức rước lễ trong thánh lễ ấy. Vì thế, tuổi thông thường để được chịu phép Thêm Sức là tuổi trẻ em có thể rước lễ. Tuy nhiên, Hội Đồng Giám Mục có thể hoãn lại, nếu thấy như vậy trẻ em chịu phép Thêm Sức được nhiều kết quả hơn.

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

"Mầu nhiệm Thánh Thể là trung tâm của phụng vụ và của toàn thể đời sống Kitô hữu. Vì thế Hội Thánh cố gắng tìm hiểu mỗi ngày một sâu xa hơn và sống cách đầy đủ hơn mầu nhiệm đó" (Huấn thị về việc tôn sùng Thánh Thể, 1967, số 32). Chúng ta cử hành mầu nhiệm này trong thánh lễ, và hiệp thông khi rước lễ. Nhưng Thánh Thể còn là một Bí tích thường xuyên, vì Chúa Kitô vẫn hiện diện khi còn hình bánh hình rượu.

Sau đây là một ít chỉ dẫn về việc rước lễ và việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ.

Rước lễ dưới hai hình

Đức Kitô đã lập phép Thánh Thể dưới hình thức một bữa ăn, để tưởng niệm cuộc thương khó của Người. Người đã làm cho bánh nên Mình Người và rượu nên Máu Người và bảo các tông đồ: "Các con hãy nhận lấy mà ăn, hãy nhận lấy mà uống". Thời trước, trong hơn một ngàn năm, khi rước lễ thì các người Kitô hữu nhận được một miếng bánh trong tay và uống chén của Chúa. Rồi thói quen cho giáo dân rước lễ dưới hình rượu trong chén lễ, dần dần mất đi bên Tây phương, và bắt đầu từ thế kỷ thứ XV trở đi còn bị cấm nữa. Nhưng công đồng Vaticanô II đã cho mọi người lại được quyền rước lễ dưới hai hình. Đã hẳn Chúa Kitô hiện diện hoàn toàn và đầy đủ dưới mỗi hình bánh hay rượu. Người giáo dân chỉ rước bánh thánh thôi, cũng như người bệnh nhân chỉ rước một chút rượu đã truyền phép thôi, đều hiệp thông với Đức Kitô một cách đầy đủ trọn vẹn, với cả con người sống động và phục sinh của Người. Nhưng "hiệp lễ, xét như một dấu hiệu, thì có một hình thức hoàn toàn hơn khi người ta rước cả bánh và rượu" (Huấn thị nói trên, số 32), vì trong mỗi bữa ăn, người ta vừa ăn vừa uống. Trong bài diễn từ về bánh ban sự sống (Ga 6), Chúa đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ăn Mình và uống Máu Người để được sống đời đời, và khi lập phép Thánh Thể, Người cũng đã nhắc đến "rượu mới" Người sẽ uống với các môn đệ trong Nước của Cha Người (Mt 26,29). Vì thế, chúng ta diễn tả rõ hơn niềm khát vọng bữa tiệc trên trời, khi hiệp lễ trong chén của Đức Kitô .

Vì thế, từ nay được phép rước lễ dưới hai hình trong những lễ có cử hành các Bí tích, những lễ chính trong năm, lễ an táng, và mỗi khi thấy rằng cho rước lễ dưới hai hình có thể sinh ích lợi thiêng liêng cho giáo dân. Trong trường hợp này, sau khi đã rước Mình Chúa, giáo dân tiến về phía người cầm chén thánh. Người này nói: "Máu Thánh Chúa Kitô";"Amen", rồi cầm lấy chén trong tay và uống một chút Máu Thánh. giáo dân thưa

Cho người vắng mặt rước lễ.

Hội Thánh xưa nay vẫn để ý lo cho những người vắng mặt cũng được dự tiệc Thánh Thể. Nhưng trước đây, chỉ có Linh mục và Phó tế mới làm công việc này. Từ nay, cả giáo dân cũng được nhận lấy Mình Chúa để mang đến cho những người đau ốm và tất cả những ai bị ngăn trở không thể tham dự cộng đoàn phụng vụ được, nhất là cộng đoàn ngày Chúa Nhật. Mang Mình Thánh Chúa cho những người vắng mặt ngày Chúa Nhật, là một cách thế rất tốt để kéo dài thêm cuộc cử hành Ngày của Chúa ngoài thánh lễ. Giáo dân mang Mình Thánh nên đặt vào một cái bao, hộp hay một tấm khăn sạch và kính cẩn mang trên mình và luôn nhớ đến nhiệm vụ cao quí mình đang thi hành.

Cầu nguyện trước Thánh Thể.

Ngoài thánh lễ, Mình Thánh Chúa được cất giữ trong nhà tạm để bất cứ lúc nào cũng có thể đem đi cho người hấp hối chịu như của ăn đàng, và cũng để cho Tín hữu đến tôn thờ. Vì thế mà nhà tạm phải để ở một nơi dễ lui tới và thuận tiện cho việc cầu nguyện riêng.

"Khi thờ lạy Chúa Kitô hiện diện trong phép Thánh Thể, giáo dân phải nhớ rằng sự hiện diện này bắt nguồn từ lễ tế và hướng về việc rước lễ thực sự cũng như rước lễ thiêng liêng" (Huấn thị nói trên, số 50). Vậy cầu nguyện trước Thánh Thể là một cách tham dự tích cực hơn vào mầu nhiệm Phục Sinh và tạ ơn vì ơn Chúa đã ban cho chúng ta, khi Người truyền thông sự sống thần linh của Người cho chúng ta. Giáo dân có thể dành một phần rộng rãi trong lời cầu nguyện của mình cho những khát vọng cá nhân và để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, cũng như có thể dùng một vài đoạn ngắn lấy trong Tin Mừng hay phụng vụ để nuôi dưỡng lời cầu nguyện của mình. Thí dụ có thể đọc chậm rãi một đoạn trong một kinh tạ ơn để có thời giờ thong thả mà nghiền ngẫm nội dung.

Đặt Mình Thánh Chúa.

Để kêu mời một cách hối thúc hơn giáo dân đến cầu nguyện trước Thánh Thể, thỉnh thoảng cũng nên đặt Mình Thánh Chúa. Việc này "làm cho giáo dân nhận biết Chúa Kitô hiện diện một cách lạ lùng, và kêu mời họ đến tâm sự với Người. Vì thế, đặt Mình Thánh Chúa cũng là một cách thế giúp việc thờ phượng trong tinh thần và chân lý phải có đối với Người" (Huấn thị nói trên, số 60).

Đặt Mình Thánh Chúa có mục đích giúp cho ai nấy dễ cầu nguyện riêng hơn. Vậy, phải dành cho lời cầu nguyện riêng một chỗ rộng rãi. Vì thế, không được vừa đặt Mình Thánh ra đã vội vàng ban phép lành rồi cất vào nhà tạm ngay. Khi đặt Mình Thánh Chúa ra phải để cho người Tín hữu "có thời giờ vừa phải để đọc Lời Chúa, hát thánh ca, đọc các lời nguyện và yên lặng cầu nguyện trong một thời gian" (Huấn thị nói trên, số 66).


4462    21-03-2011 10:24:51