Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Họ Đạo An Bình

z4964905551913fa2069e3878290f5059b91a8eeca5f31

Địa chỉ:
 ấp An Thành, An Bình, Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long

Bổn mạng: 

Chầu lượt: CN Lễ Thánh Gia Thất

Số giáo dân:163

Năm thành lập:

Giờ lễ

Chúa nhật:                  Sáng : 06g00

Ngày thường: Thứ 2,4,6 : 05g00

                    Thứ 3,5,7: 17g00

Linh mục Chánh sở: Phêrô Nguyễn Hoàng Lâm 

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

I. DỰ KIẾN CỦA NHÀ THỜ CHÁNH TOÀ TRƯỚC 30.04.1975

Theo lời đề nghị của chính quyền xã An Thành và Bình Lương trước 30/4/1975, Cha Phaolô Trịnh Công Trọng chánh sở và Cha Gioan Trần Đức Hoàn phó sở Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long lúc đó, cùng với ông chánh án Trần Trung Hậu đã qua An Bình để xem hai công đất chánh quyền xã dâng để làm nhà giảng và mở trường học do các Dì điều hành. Sau đó, không biết vì lí do nào mọi dự tính mãi mãi là dự kiến.

II. KHAI SINH

Sau 30/4/1975 giáo dân An Bình đã lạc lỏng lại càng lạc lỏng hơn, bỏ Nhà Thờ, lạnh nhạt, và dậm chân tại chỗ như chiên không chủ chăn (Mt 10, 36).

Từ một sáng kiến liều lĩnh anh Giuse Trần Quang Sang (một thời từng sống với thầy Liêm Cao người Thành Triệu, lúc đó đang giúp Họ Cái Muối, làm việc tại trường Thánh Tâm của Cha Tôma Vẽ), tham gia cách mạng vào tháng 4/1975, anh thường đội nón tai bèo mang dép râu, mặc quần áo Kaki nilon bộ đội, đeo súng ngắn, cổ vắt khăn choàng tắm. Đầu tháng 6/1975, anh sang Thiềng Đức xin Cha Giuse Lục sang làm lễ tại nhà anh. Với tinh thần truyền giáo, Cha Giuse sẵn sàng, tuy nhiên Cha phải lãnh ý Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, Giám Mục Vĩnh Long. Sau khi được Đức Cha động viên, khích lệ và căn dặn khôn ngoan tùy cơ ứng biến, tiến được thì tiến không tiến thì lui.

Cha Giuse đã cầu nguyện để Thánh Thần chỉ dẫn và Thánh Giuse hỗ trợ. Giờ đây Cha Giuse linh cảm chuyện của mình hôm nay cũng giống như chuyện của Phaolô ngày xưa khi rao giảng cho người Macêđônia (Cv 16, 9-10). Chúa nhật 15/6/1975 Cha Giuse sang làm lễ đầu tiên tại nhà ông bà Sáu Phan Thị Lúa, được 11 người tham dự, chỉ có một người rước lễ. Điểm làm lễ các tuần sau vẫn cố định, sĩ số giáo dân mỗi Chúa nhật mỗi tăng.

Đầu tháng 7/1975 Cha Giuse gặp ông Chín Công Bí thư quân quản kiêm chủ tịch UB quân quản xã An Bình. Chúa đã dun dũi thế nào mà ông Chín Công rất thương Cha Giuse, đề nghị nhận nhau làm anh em kết nghĩa, ông Chín là anh, Cha Giuse là em (vì tuổi đời của ông lớn hơn Cha Giuse). Gia đình ông bà Sáu Lúa có nhã ý cho Cha Giuse miếng đất cạnh nhà, giáp ranh với đất của ông bà Út Hỷ ngang 6m x 12m để Cha Giuse làm Nhà Nguyện. Cha Giuse hăng hái sai Quới chức Thiềng Đức làm khung nhà bằng cây lợp lá do ông Năm Hiếu thực hiện; ông Tư Sáng chuyên chở. Nhưng ngày dựng nhà thì câu chuyện không thành. Không biết từ đâu? Nhưng có lời đồn thổi là bà Ba Đỗ Thị Mỹ Dung là chủ tịch hội phụ nữ An Bình lúc đó, dù gốc người Họ Đạo Phước Lý (Cù Lao Dài) không đồng ý, muốn tố cáo với Chủ Tịch UBMTTQ Tỉnh Cửu Long việc dựng Nhà Nguyện tạm này. Việc dựng nhà tạm dừng. Tất cả xuống ghe rút lui về Thiềng Đức.

Từ đây các gia đình có đạo rối đến nài xin Cha Giuse làm lễ tại nhà mình. Phong trào trở lại bùng lên, Thánh Lễ Chúa nhật luôn chuyển từ nhà này sang nhà khác trong các gia đình Công giáo cách sinh động, tạo thành một khí thế lôi kéo các gia đình lương dân. Tình nghĩa Cha con và anh em bổn đạo hài hoà thật dễ thương, nghèo mà vui, khó khăn vẫn hân hoan. Từng đoàn người quần Tây, áo dài lúc đi lên khi đi xuống rất vui. Bà con lương dân biết đây là những người Công giáo đi lễ ngày Chúa nhật. Ông Chín Công bị bệnh qua đời, ông Út Hỷ, thường gọi là ông giáo Hỷ làm Bí thư kiêm chủ tịch xã, đã từng quen biết với Cha Giuse thời còn đi học sư phạm nên rất hiểu biết, hết lòng thông cảm với Cha Giuse. Thời ông Út Hỷ điều khiển xã An Bình, mọi sinh hoạt của bà con Công giáo đều diễn tiến tốt đẹp. Đề phòng tương lai khi có sự thay đổi, Cha Giuse đã yêu cầu ông Út Hỷ chứng một số giấy cần thiết, chứng minh cộng đồng giáo dân An Bình đã sinh hoạt rất tốt và có thể tiếp tục sinh hoạt mãi tại An Bình.

III. HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN

Thay thế ông Út Hỷ, người được chuyển xuống huyện Long Hồ để phụ trách khâu thương mại của Huyện, là ông Sáu Yên. Ông Sáu Yên làm Bí Thư xã An Bình, ông không mấy thiện cảm với bà con Công giáo trong xã, nên dựa vào sự khiếu nại của nhà sư Giác Hoàng, lúc đó đang trụ trì tại Chùa Tiên Châu: chúng tôi chỉ hành đạo trong Chùa, tại sao Linh Mục lại được hành đạo trong các gia đình Công giáo từ đầu làng đến cuối xã?” và đòi Linh Mục Giuse phải xuất trình mọi giấy tờ để chứng minh có quyền hành đạo như vậy. Trước đây, Cha Giuse đã tiên liệu khó khăn sẽ xảy đến, nên đã xin ông Út Hỷ mọi giấy tờ cần thiết cho phép Họ Đạo An Bình được sinh hoạt như hiện nay, nên Cha bình tĩnh vui vẻ xuất trình mọi giấy tờ như ông Sáu Yên đòi hỏi. Sau khi xem các giấy tờ có sẵn, ông Sáu Yên lại đòi thêm những giấy tờ mới của Huyện Long Hồ và tỉnh Cửu Long chứng nhận. Cha Giuse cũng vui vẻ chấp nhận, nhiệt tình đi xin  mọi giấy tờ từ Huyện đến Tỉnh để thoã mãn yêu cầu của ông Sáu Yên. Thực tế, sĩ số bổn đạo mỗi ngày một tăng, việc giáo dân ăn mặc chỉnh tề, đẹp đẽ, lịch sự đi theo Cha sở Giuse dự lễ mỗi Chúa nhật làm cho bà con lương dân chú ý và cảm thấy hưng phấn về cách sống giản dị, đơn sơ, thân tình và dễ thương của những người Công giáo thành tín, sốt sắng. Kèm theo sự việc trên, người ta loan truyền một tin đồn: có một số lương dân rất có thiện cảm với đạo Công giáo, sẵn sàng gia nhập đạo. Sự kiện này làm chính quyền xã lưu ý và báo cáo xuống Huyện. Ông Mười Danh, trưởng công an huyện Long Hồ lúc đó, chỉ thị cho công an xã theo dõi cuộc hành đạo của bà con giáo dân xã An Bình vào mỗi Chúa nhật. Bằng một văn bản cụ thể, ông chỉ thị cho trưởng công an xã An Bình phải gặp Linh Mục Giuse và yêu cầu Linh Mục tự nguyện ký vào văn bản cam kết không sang xã An Bình làm lễ nữa. Sau ba Chúa nhật, ông Ba Oanh, trưởng công an xã An Bình lúc đó đã đích thân gặp Linh Mục Giuse tại điểm làm lễ từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, chuyển nội dung ý kiến của công an Huyện, Cha Giuse vui vẻ trò chuyện, yêu cầu cảm thông, cuối cùng của cuộc gặp, Cha nêu 2 ý kiến:

1. Cha sang An Bình làm lễ là do nhu cầu của giáo dân trong xã, có lễ trong xã, bà con có nhiều thời giờ lao động sản xuất, không tốn tiền đò, tránh được nguy hiểm khi có giông gió. Cha sang đây là do sự bổ nhiệm của Giám Mục Giáo phận Vĩnh Long, và vì nhu cầu cần thiết của giáo dân. Do đó, việc làm lễ của Cha là do mệnh lệnh của bề trên trực quyền, và để phục vụ bà con Công giáo nghèo trong xã, không phải là do ý Cha.

2. Trong hiến pháp nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà không có điều khoản nào cấm người Công giáo hành đạo, việc Cha sang làm lễ đang đi đúng chủ trương tự do tôn giáo của Đảng và Nhà Nước, nên Cha không thể ký tờ tự nguyện không sang làm lễ, mong ông Oanh thông cảm.

Như vậy, những cuộc gặp gỡ không đạt kết quả như ý, không còn kiên nhẫn, ông Mười Danh tuyên bố: không bàn cãi, không thảo luận, trao đổi gì nữa, còng. Mặt Trận tỉnh Cửu Long đã báo tin này cho Cha Phêrô Vân, lúc đó là quản lý Địa phận. Cha Phêrô Vân đã lên trình bày tin này cho Đức Cha Giacôbê. Đức Cha đã cho gọi Cha Giuse sang toà Giám Mục hỏi thăm tin tức về An Bình và theo sự khôn ngoan, ngài yêu cầu Cha ngưng sang An Bình làm lễ, để bảo toàn nhân sự. Cha Giuse đã thưa với Đức Cha: Công an yêu cầu con không sang làm lễ, con cứ qua, nhưng Đức Cha bảo con không sang An Bình làm lễ, con xin vâng lời, làm theo ý Đức Cha.

Từ sau lễ Đức Mẹ lên trời ngày 15/8/1982, Cha Giuse không sang An Bình làm lễ nữa, nhưng Cha đã yêu cầu giáo dân vẫn giữ thói quen cũ qui tụ đọc kinh từng nhà vào thời khắc như lúc còn cử hành Thánh Lễ. Hàng tuần Cha viết bài suy niệm Tin mừng gởi sang An Bình cho ông Hai Phúc, để ông làm phần suy tôn Lời Chúa như Cha chỉ dẫn.

Để có thể tiếp tục thói quen làm lễ, giáo dân An Bình đã làm đơn xin các cấp chính quyền, còn phần Cha Giuse vẫn kiên trì vận động. Sáu năm đợi chờ, đêm 24 và sáng 25.12.1988, Cha Giuse lại có thể sang nhà ông bà Hai Phúc làm lễ Giáng Sinh đêm và ngày. Cha con cùng họp nhau mừng Chúa đoái thương đến thăm và cứu chuộc dân Người. Cha Giuse đã chỉ thị cho ông Hai Phúc làm đơn, giáo dân cùng ký để xin làm lễ liên tục như trước đây. Nhờ Thánh Thần tác động, Cha Giuse làm đơn và đã được hai ông cựu bí thư xã là ông Út Hỷ và ông Hai Hải chứng thật tốt về sinh hoạt Công giáo và quan hệ xã hội của Linh Mục và giáo dân trong quá khứ. Với sự vận động không mệt mỏi của Cha Giuse, đầu năm 1989, đơn xin của Cha và giáo dân  An Bình Cha được Uỷ Ban Liên Tịch của Tỉnh Cửu Long cứu xét. Tỉnh đồng ý rồi, còn cần sự đồng ý của Thị Xã Vĩnh Long và xã An Bình. Nhờ sự tiếp giúp của Mẹ Maria và Thánh cả Giuse, sau nhiều gian nan thử thách đến mức tuyệt vọng, ngày 06.8.1989, Cha Giuse mới cầm được giấy phép của UBND Thị Xã Vĩnh Long do ông chủ tịch Bảy Thân ký và UBND Xã An Bình do ông chủ tịchTrần Văn Lựa ký cho phép Cha sang làm lễ tại điểm cố định nhà ông bà Giuse Nguyễn Hồng Phước (Hai Phúc).

IV. NGÀY VUI LẠI VỀ, HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Giai đoạn hai được sang An Bình làm lễ, Cha Giuse tạo điều kiện cho Họ Đạo An Bình tiến lên.

Cha xin các Soeur Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, Sr. Phụng Toàn và Sr. Phụng Thủy cùng đi với Cha sang An Bình mỗi Chúa nhật, để đang khi Cha ngồi toà, các Soeur tập hát, và sau Thánh Lễ thì dạy giáo lý cho các em, thăm viếng người nghèo, làm quen với bổn đạo. Các Soeur hôm nay làm tiền đề cho nhà các Soeur tại An Bình ngày nay.

Định vị Nhà Thờ: năm 1990, Cha Giuse, các Soeur Nữ Tử Bác Ái và Quới chức đi tìm chọn mua đất làm Nhà Thờ ở địa điểm thuận lợi. Xin Chúa chỉ điểm, xin Thánh Giuse giúp đỡ, sau nhiều lần đi tham quan, năm 1990, Cha Giuse và mọi người chọn đất nhà bà Trần Thị Xí, số 190/9 ấp An Thành, xã An Bình và ngày 22.11.1990 đã làm thủ tục sang nhượng. Toàn bộ thống nhất mua 2300m2 đất của bà Trần Thị Xí và 100m2 của anh cùng căn nhà bà đang ở làm nhà các Soeurs và nơi làm lễ. 

Việc dời điểm làm lễ về đất Nhà Thờ như hiện nay:

Phải vất vả, thiếu và tốn nhiều giấy tờ công sức từ xã lên huyện rất nhiều lần và kèm theo mưu trí linh động, cuối cùng Cha Giuse cũng được xã An Bình nhất trí cho dời điểm vào ngày 24/10/1992 sau khi đã nhận được sự đề nghị của UBMT huyện Long Hồ ngày 18/6/1992 và UBMT tỉnh Vĩnh Long ngày 18/6/1992.

Căn cứ vào đơn xin chuyển điểm làm lễ của bà con giáo dân xã An Bình. Lí do điểm cũ nhà bị hư.

Căn cứ vào ý kiến của UBMTTQ huyện Long Hồ và UBMTQ tỉnh Vĩnh Long ngày 18/6/1992.

Nay UBND xã An Bình chấp thuận cho giáo dân xã An Bình được chuyển điểm làm lễ từ số nhà 117/6 nhà anh Nguyễn Hồng Phước đến số nhà 190/9 nhà chị Nguyễn Thị Nhu thuộc ấp An Thanh A xã An Bình, huyện Long Hồ Vĩnh Long.

Mọi sự thay đổi cấu trúc hình thể nhà sinh hoạt làm lễ của giáo dân phải căn cứ theo chỉ thị 69 của chủ tịch HĐBT ký ngày 21/3/1991 mà thực hiện.

Với sự hiện diện của các Soeur mọi sự thêm ổn định. Để có nơi dạy học năm 1996 xây dựng nhà đa dụng ngang 8m hàng ba 3m dài 24m làm nhà ký nhi, lớp học tình thương, nơi cư trú của các Soeur. Phần nhà trước dùng toàn bộ làm nơi hành lễ.

Các Soeurs đã mua đất bên cạnh đất Nhà Thờ cất nhà khang trang. Sau khi dời Nhà Thờ về đất Nhà Thờ Cha Giuse giữ lệ làm lễ chiều các ngày thứ 3,5,7 và sáng Chúa nhật. Dĩ nhiên vẫn làm lễ kính và lễ trọng.

Sỉ số giáo dân có hụt vì những gia đình đi Mỹ hay đi làm ăn ở nơi khác. Sỉ số giáo dân hiện nay khoảng 163.

Ngày 8/11/2007 Cha Giuse cho Cha Phêrô Thấm, Cha Micae Sung, Cha Phêrô Líp cùng với các Soeur, anh em giáo dân trong Họ và ít người khách nơi xa đã khởi công làm phép đất đặt viên đá đầu tiên cho ngôi Nhà Thờ thực thụ của Họ Đạo. Kinh phí do Tòa Thánh cho 12.000 USD, Đức Cha Tôma cho 10.000 USD còn bao nhiêu Cha Giuse Lục quy động ân nhân xa gần giúp đỡ. Nhiều giáo dân từ Mỹ cảm thông và ra tay giúp Họ Đạo nghèo. Một số Cha rất nhiệt tình kêu gọi giáo dân đóng góp.

Cuối năm 2002, Cha Giuse biết rằng: nếu mình còn tiếp tục làm sở Họ An Bình thì chính quyền luôn tạo áp lực và việc xây dựng Họ Đạo khó có cơ hội vươn lên. Với sự tích cực của các Soeurs, đặc biệt là Sr. Nhu và Sr. Năm, sĩ số giáo dân khả quan, Cha Giuse nghĩ đến ngôi Nhà Thờ mới cho Họ Đạo. Vì thế, Cha đã đề nghị với Đức Cha Tôma để trao Họ Đạo cho Cha Antôn Nguyễn Văn Trạch, người thân với chính quyền, làm Cha sở An Bình, Cha Giuse cũng sẵn sàng tiếp tục cộng tác. Hy vọng Họ Đạo có cơ hội vươn lên. Nhưng sau một thời gian, Cha Antôn Trạch xuống Trà Ôn, ở với Cha Têphanô Thuyết là em ruột của ngài. Cha Phêrô Nguyễn Hoàng Lâm sang làm lễ thế. Khi Cha Lâm đi du học Rôma về giáo luật, Cha Phêrô Nguyễn Văn Thấm sang làm lễ. Rồi ngày 24/9/2007 Cha Antôn vì ung thư gan đã về với Chúa lúc 8 giờ 30 tối. Trước khi chết Cha đã làm đơn xin phép làm Nhà Nguyện An Bình. Đức Cha nhờ Cha Giuse Lục thực hiện việc xây dựng. Kỹ sư Nguyễn Văn Khang vẽ kiểu và cộng tác với Cha Giuse xây dựng Nhà Thờ này.

Họ Đạo An Bình hiện nay:

Giáo dân: Có khoảng 200 giáo dân (một số đã rời An Bình đi Mỹ hay đi làm ăn chỗ khác: gia đình Ba Long, Năm Phát, Thành Trung…

Quới chức: Giuse Nguyễn Hồng Phước, Giuse Nguyễn Văn Hoàng, Giuse Hà Văn Phát, bà Hai Hổ, bà Tư Các.

Các Soeurs: Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn và một tập sinh thực tập. Các Soeur có nhà riêng lo dạy ký nhi, lớp tình thương, giúp người nghèo, tập hát, dọn lễ, kéo chuông; coi sóc Nhà Thờ.

Các Cha sở
        Thời Cha Giuse Lục làm Cha sở có hai Cha phụ tá sang làm lễ tại An Bình: Cha Antôn Nguyễn Văn Trạch và Cha Fx Nguyễn Văn Việt.

Giuse Đinh Quang Lục ngày 15/6/1975 – 1/12/2002.

Antôn Nguyễn Văn Trạch ngày 1/12/2002 – 24/9/2007.

Các Cha giúp thời Cha Trạch:

Phêrô Nguyễn Hoàng Lâm.

Phêrô Nguyễn Ngọc Thấm.

Xin cảm tạ ơn Chúa, biết ơn Đức Mẹ và Thánh Giuse cũng như Thánh Phêrô bổn mạng Họ Đạo thương An Bình.

Cám ơn quý Đức Cha Giacôbê, Raphae và Tôma quan tâm giúp đỡ Họ Đạo An Bình nghèo nàn yếu ớt. Cám ơn Quý Cha, quý Soeurs và quý ân nhân đã ra tay giúp đỡ An Bình cả tinh thần lẫn vật chất. 

3435    21-02-2011 21:38:41