Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Họ Đạo Bưng Trường

z501902039657005a893e9b444d673d37722e9dca3e257

Địa chỉ: ấp Quang Trường, xã Hiếu Thuận,Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long

 

Bổn mạng: 

Chầu lượt: CN XVIII Thường niên

Số giáo dân: 1577

Năm thành lập:

Giờ lễ

Chúa nhật:      04g30 ;   16g00

Lễ chiều thứ bảy (Thánh Lễ Chúa nhật):  16g00

Linh mục Chánh sở: Antôn Lê Văn Thiềng

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

Nghe tên “Bưng Trường”, chắc hẳn ai cũng nghĩ rằng: đây là nơi vùng sâu vùng xa khó đi lại lắm. Ngày xưa đúng như thế, vì đây là vùng bưng biền lầy lội. Trường có nghĩa là dài; vùng đất bưng dài hơn ba cây số.

Dọc theo con sông, vẫn gọi là “Kênh ngã chánh”, dân cư từ các nơi như Xuân Hiệp, Mai Phốp…đến đây khai hoang lập nghiệp, chủ yếu họ làm lúa mùa. Trong đó có 24 gia đình Công giáo là những gia đình đầu tiên của Họ Đạo Bưng Trường. Lúc đó Cha Anrê Miều (1897 – 1916) chánh sở Mai Phốp, cùng với hai Dì thuộc Dòng MTG Cái Mơn (Dì 7 Chẳn và Dì Sáu Tập) kêu gọi giáo dân cùng nhau xây cất Nhà Thờ để có nơi đọc kinh dự lễ. Ngôi Nhà Thờ đầu tiên được dựng lên bằng gỗ tạp có ba gian, lợp lá. Vì đường sá đi lại khó khăn; dưới sông thì đi lại bằng thuyền chèo, trên bờ chỉ là con đường đất nhỏ hẹp, nên không có Thánh Lễ thường xuyên.

Sau đó đến Cha Keller Cảnh (1916 – 1919) kế nhiệm. Ngài là Linh Mục Thừa Sai.

Tiếp theo là Cha F.x Truyền (1919 – 1926). Rồi đến Cha Gioakim Tứ (1926 – 1939).

Qua 40 năm, Nhà Thờ bằng gỗ tạp mái lá. Năm 1934, Cha Gioakim cho khởi công xây dựng ngôi Thánh Đường mới khang trang và kiên cố mà đến nay vẫn còn vững chắc.

Đến năm 1937 mới hoàn thành. Ngày 01/01 ngày lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa là bổn mạng của Nhà Thờ. Cha qua đời năm 1944.

Hằng năm đến ngày lễ Thánh Gioakim, Họ Đạo Bưng Trường cử hành lễ giỗ để ghi công ơn khó nhọc của Cha.

Theo dòng thời gian, các Cha từ Mai Phốp đến Bưng Trường chăm sóc hướng dẫn, giảng dạy cho giáo dân (Bưng Trường là Họ nhánh của Mai Phốp). Từ năm 1939 – 1959 là thời gian Cha Felix Trình làm chánh sở. Vì hoàn cảnh chiến tranh, nên có một số gia đình ở Bưng Trường tản cư xuống Mai Phốp để lánh nạn hoặc phải đi lính, số gia đình ở lại còn rất ít.

Năm 1954, Cha Trác cùng với 200 gia đình di cư từ Bắc vào Nam đã dừng chân tại Bưng Trường thời gian 2 năm.

Cha Giacôbê Tỏ (1959 – 1962).

Cha Anrê Hớn (1962 – 1965). Cha cho xây dựng trường học và nhà Cha sở đến nay vẫn còn và có sửa chữa thêm.

Cha Phaolô Đoán (1965 – 1967) Cha sở Hiếu Nhơn; ngài trông coi luôn Bưng Trường vì Mai Phốp đến Bưng Trường lúc này đi lại rất khó khăn.

Từ năm 1967 – 1972 Bưng Trường lại thuộc về Mai Phốp. Cha Benoît Nhơn phó Mai Phốp thường xuyên lên làm lễ; và thỉnh thoảng cũng có Cha Giuse Nghĩa, Cha Giuse Bỉ ở Hựu Thành đến giúp.

Đến năm 1972 Họ Đạo Bưng Trường mới có Cha sở đầu tiên. Đó là Cha Giuse Bút. Ngài trông coi Bưng Trường, Hiếu Nhơn và Nhơn Ngãi. Cha nới rộng Nhà Thờ thêm một căn, xây lại cung Thánh và xây tháp chuông. Nhưng ngài chỉ ở Bưng Trường có hai năm. Đến ngày 27/4/1974 ngài chuyển về Họ Đạo An Hiệp Bến Tre.

Ngày 31/3/1975 Cha F. X. Nguyễn Thanh Bình, cha phó Mai Phốp lên trông coi Bưng Trường. Vì là lúc tiếp thu, các gia đình đang gặp cảnh kinh tế khó khăn, Cha đã mở tổ hợp tác dệt thảm, đan chiếu, đánh dây… để giúp cải thiện cuộc sống. Cha cho lát gạch từ cổng Nhà Thờ vào và xung quanh. Trong 15 năm tại vị, Cha đã giúp ích cho giáo dân Bưng trường rất nhiều về tinh thần cũng như về vật chất.

Cha sở tại Hiêrônimô Đặng Cao Bằng từ Họ Đạo Phú Quới đến nhận nhiệm sở Bưng Trường ngày 01/01/1991. Trong công tác mục vụ, Cha thành lập ban Quới chức, Hội phạt tạ, Hội Legio Mariae, Hội hiền mẫu… mở các lớp giáo lý, lo cho giáo dân về tinh thần cũng như vật chất.

Về quang cảnh của Nhà Thờ

            Lấp các ao để nới rộng khuôn viên Nhà Thờ.

            Năm 1995, nâng cấp nền Nhà Thờ, lợp ngói lại.

            Năm 1996, xây lại phòng Thánh rộng rãi hơn.

            Mua 3 công đất nơi khác để đổi lấy lại trường học mà trước đây nhà nước đã mượn của Họ Đạo. Nay sửa lại làm hội trường và các phòng lớp giáo lý.

            Năm 2001, đắp đồi Đức Mẹ. Xây cổng rào Nhà Thờ, xây thêm nhà Cha xứ.

            Xây tháp chuông và mua hai chuông mới.

            Lót gạch lại từ cổng, sân và xung quanh Nhà Thờ, vừa làm đẹp cảnh quang, vừa giúp giáo dân có nơi phơi lúa.

            Năm 2006, dựng chặng đàng Thánh Giá xung quanh Nhà Thờ, các tượng trong chặng đàng Thánh Giá to như người thật.

            Năm 2007, đóng plafond và sơn lại Nhà Thờ.

Từ 24 gia đình Công giáo đầu tiên gồm 72 người, qua bao năm tháng hạt giống đức tin phát triển đến nay đã có 263 gia đình với 1468 giáo dân.

Về ơn Thiên Triệu:Giáo dân Bưng Trường sống bằng nghề nông, nên chỉ biết làm thợ cắt lúa thần nông. Còn cánh đồng truyền giáo Chúa mới chọn được một thợ gặt. Đó là Linh Mục Anrê Nguyễn Hữu Lễ. Ơn gọi còn quá khiêm tốn!!!

Các Nữ tu Dòng MTG Cái Mơn phục vụ tại Bưng Trường:

1. Dì Bảy Chẳn; 2. Dì Sáu Tập; 3. Dì Tư Nguyện; 4.   Dì Sáu Huệ; 5. Dì Năm Trinh; 6.  Dì Tám An; 7. Dì Tư Kính; 8. Dì Mười Nhì; 9. Dì Năm Tịnh; 10. Dì Tám Thơm; 11. Dì Út Liễn; 12. Dì Ba Trọng; 13. Dì Sáu Cân; 14. Dì Hai Lành; 15. Dì Tư Trường; 16. Dì Hai Lễ; 17. Dì Tư Hường; 18. Dì Tư Rằm; 19. Dì Năm Dung; 20. Dì Sáu Lựa; 21. Dì Sáu Trong; 22. Dì Tư Ngoan; 23. Dì Hai Minh; 24. Dì Ba Là; 25. Dì Út Mai; 26. Dì Hai Hường; 27. Dì Chín Ra; 28. Dì Tám Kim Anh; 29. Dì Chín Thuỷ.

Quang  cảnh Bưng Trường ngày nay thật khang trang, rộng rãi, đẹp đẽ. Đó cũng là nhờ công sức của quý Cha, của giáo dân xây dựng qua bao ngày tháng. Nhất là nhờ sự đóng góp của ân nhân gần xa. Điểm đặc biệt là ngôi Thánh Đường vẫn giữ nét cổ kính của ngày nào. Muốn chiêm ngưỡng Bưng Trường xin mời “HÃY ĐẾN XEM”.

Một nguồn tài liệu khác

Nhà Thờ Bưng Trường nằm bên phải trục lộ giao thông Cầu Vĩ – Nhà Đài. Cách Cầu Vĩ 2 cây số rưỡi. Trước đây là Họ nhỏ của Mai Phốp. Nay là địa sở chính, có các Họ nhỏ: Hiếu Nhơn, Hiếu Phụng và Nhơn Ngãi, đều nằm trong khu vực xã Hiếu Trung, huyện Vũng Liêm.

Đầu tiên vùng đất này là sình lầy bỏ hoang, chỉ có một vài gia đình đến đây khai khẩn đất hoang. Họ phải đi 6 cây số tới Mai Phốp. Thấy tinh thần sốt sắng của họ, Cha Miều cho cất một nhà dạy bằng lá và cho Dì tới. Các gia đình gốc ở đây là ông biện Ất, ông Quảng Bá, ông nhất Lõi, ông giáo Lư, các gia đình này đều lập cư trên 100 năm.

Qua đời Cha Miều thì Họ Đạo cũng phát triển thêm, nên sang đời Cha Truyền, Ngài đã cất lại Nhà Thờ lớn hơn chứa chừng 100 người. Năm 1936 Cha Gioakim Tứ đã xây cất Thánh Đường đang có hiện nay. Cất Nhà Thờ xong thì Cha Tứ đi, Cha Fekix Trình về thế coi Họ Mai Phốp. Sau Cha Trình là Cha Tỏ. Cha Tỏ lo khai khẩn đất hoang, chia cắt đất nhà chung cho các gia đình nghèo khó. Nhờ thế thêm được Họ Thánh Giuse. Thời gian này cũng gặp chiến tranh, các Dì phải bỏ về Nhà Phước. Năm 1942 Họ Đạo tạm yên ổn, ông Biện Kiệm đã xin các Dì trở lại. Năm 1961, Cha Nguyễn Bá Hớn thay thế Cha Tỏ cấy thêm cho Họ Bưng Trường 1 nhà học 4 căn và 1 nhà Dì đủ tiện nghi. Năm 1965, Bưng Trường trở thành Họ nhỏ của Hiếu Nhơn vì Cha Phaolô Đoán được sai về Hiếu Nhơn để coi Bưng Trường và Hựu Thành. Sau 18 tháng, Cha Đoán đi, Cha Nghĩa về Hựu Thành trông coi Bưng Trường. Ngài xây cho Nhà Thờ 1 cổng và 1 lầu chuông. Năm 1972, Bưng Trường chính thức có Cha sở đầu tiên là Cha Nguyễn Văn Bút. Trong thời gian 18 tháng Cha đã sửa lại cung Thánh, bàn thờ, xây nhà máy đèn, thêm căn trường học cho các Dì ở. Tháng 10 – 1974, Cha Bút đổi đi, Họ Bưng Trường lại thuộc Họ Mai Phốp. Tháng 3 – 1975, Cha Nguyễn Thanh Bình về phục vụ Họ Bưng Trường, Hiếu Nhơn, Hiếu Phụng và Nhơn Ngãi.

Năm 2009, Đức Cha Tôma bổ nhiệm Cha Antôn Lê Văn Thiềng về làm Sở Họ Đạo Bưng Trường, Cầu Vỹ và Nhơn Ngãi.

Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít. Tới nay Bưng Trường dâng cho Giáo hội được 1 Linh Mục Anrê Nguyễn Hữu Lễ và 6 Dì phước.

Về mặt vật chất sau 1975 chỉ còn 4 công ruộng, 2 công vườn, 1 Nhà Thờ và nhà Cha sở. (Đã hiến cho nhà nước 81 công ruộng và nhà trường 4 gian). Năm 1983 sửa tháp cuối Nhà Thờ và đặt tòa Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa làm bổn mạng Nhà Thờ.

Số Giáo dân là 15773 người, tinh thần khá cao. Số người siêng năng đọc kinh dự lễ mỗi ngày một tăng

3537    09-01-2011 15:08:26