Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Họ Đạo Cái Đôi

z50932536415635e50544b43eb2e4bb07bdf4c722f3c1e

Địa chỉ: TT Long Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Bổn mạng: 

Chầu lượt: CN III Thường Niên

Số giáo dân: 5.549

Năm thành lập:

Giờ lễ:                       

Chúa nhật:        04g00  ;     07g30   ;     15g30

Ngày thường:   04g30    ;    18g00

Linh mục Chánh sở: Gabriel Lương Phước Trung

Linh mục Phụ tá: Phaolô Nguyễn Trọng Hiếu

                            Phaolô Lâm Minh Toàn

                            Giuse Nguyễn Văn Cao Trí

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

I / Nguồn gốc tên gọi họ đạo.

"Cái Đôi" là từ đọc trại của tiếng "Kinh Đôi", là hai con kinh nhỏ song song nhau, được dân đào để phân chia hai làng: làng Long Khánh thuộc tổng Vinh Trị (Ba Động) quận Cầu Ngang, và làng Long Vĩnh thuộc tổng Thành Hoá (Trà Kha) huyện Trà Cú.

Cái Đôi là vùng đất rộng, được dân địa phương dùng để gọi chung cho khu đất nằm hai bên bờ Kinh Đôi. Họ đạo nằm trong khu vực này, được gọi là họ Cái Đôi.

II/ Bước đầu thành lập họ đạo.

Vua Minh Mạng lên ngôi năm 1820. Đến năm 1833, nhà vua hạ chiếu chỉ cấm đạo trên toàn quốc.

Khoảng năm 1837, một số giáo dân ở làng An Nhơn (?) tỉnh Bình Định ( miền Trung nước ta), không chịu nổi cảnh bắt bớ, tù đày và bị giết, đã xuống thuyền đi dọc bờ biển để vào Nam lánh nạn.

Đoàn thuyền khá đông, một số đã ghé lại Gò Công (tỉnh Mỹ Tho), Ba Tri và Khâu Bàng (tỉnh Bến Tre). Duy có 7 thuyền đi tiếp đến vàm Sông Trước (nay là vàm Láng Nước) men theo sông nhỏ gọi là Rạch Cùn (nay là sông Long Toàn) và định cư ở đó.

Theo sử sách ghi lại, 7 thuyền trên gồm những người:

  1. Ông Phúc, bà Nữ và các con.
  2. Ông Nhan, bà Trang và các con.
  3. Ông Lịch và ông Khoa.
  4. Ông Văn, ông Chỉ và ông Kim.
  5. Ông Hợi và ông Phú.

Còn hai thuyền kia là người lương, thông gia với các thuyền trên, có cảm tình với đạo, sợ bị liên luỵ nên cũng theo vào Nam và sau này cũng vào đạo.

Số thuyền nhân trên đến lập nghiệp phía trên kinh Rạch Cùn, thuộc làng Long Phước, tổng Vinh Tr? (nay là xã Long Tồn).

Là những người dân miền Trung, họ rất cần cù và siêng năng. Họ khai phá đất hoang để làm ruộng và làm rẫy. Số bổn đạo đầu tiên này khoảng 15 người, họ rất thông chữ Nho và chữ Nôm, nên việc tự dạy văn hoá cho con cái là điều không thể thiếu được.

Là những người Công giáo đạo đức, lúc đầu họ mượn nhà ông Phúc làm nơi đọc kinh vào các ngày Chủ nhật.

Các sinh hoạt tôn giáo của họ không qua mắt được các quan chức và người dân địa phương. Lúc đầu, người dân hay đến xem họ làm gì với một tôn giáo lạ. Với bản chất hiền hoà và mộc mạc của người dân miền Nam, các quan chức và người dân địa phương cũng không để ý gì cho lắm, chỉ tò mò chút ít mà thôi.

Thỉnh thoảng, số giáo dân này cũng đến họ Chà Và (Vĩnh Kim) để chịu các phép Bí tích. Nhân một lần đến họ Chà Và, họ được gặp Đức cha Taberd (Cố Từ), ngài bày tỏ ý định muốn có một ngôi nhà nguyện nhỏ cho số bổn đạo xa xôi này.

Họ hùn lại mua một công đất hoang của người dân địa phương, phía dưới kinh Rạch Cùn, và vào năm 1841, họ cất một nhà nguyện tạm, toàn bằng vật liệu địa phương: mái lá dừa nước, cột mù u, và chọn thánh Tổng lãnh Thiên thần Micae làm bổn mạng. Trước cửa Nhà thờ có hàng me, nên còn gọi là "Nhà Thờ cây me".

Khoảng năm 1841 - 1846 có hai vị linh mục là cha Lân và cha Thăng, thỉnh thoảng có đến thăm và cho giáo dân chịu các phép Bí tích. Lúc bấy giờ là thời Đức Cha Taberd ( cố Từ).

Trong thời đại vua Tự Đức bách hại đạo Công giáo gay gắt (1847 - 1861), cha Phêrô Lựu, cha Hiển nhiều lần đến thăm, dạy giáo lý, ban các phép Bí tích và rửa tội cho nhiều tân tòng. Số giáo dân lúc này khoảng 40 người. Cũng trong thời gian trên, có một lần Đức Cha Lefèvre, kín đáo đến ban phép Thêm sức cho số giáo dân xa xôi này.

Với số bổn đạo ít ỏi, họ đạo chưa có Đất Thánh riêng, chỉ chôn chung với người dân địa phương, trên một khu đất hoang cạnh Nhà thờ. Chỉ khác là trên bia có ghi hình thánh giá, và tên tuổi thì toàn bằng chữ Nho và chữ Nôm.

Sau khi triều đình Huế buộc phải ký với Pháp hoà ước năm 1862, việc đi lại của các Linh mục có phần dễ dàng hơn. Từ năm 1862 đến năm 1877, cha Moreau, cha Khiêm, cha Phong, lúc bấy giờ đang làm cha sở họ Chà Và & Cầu Ngang, đã nhiều lần đến thăm Họ Đạo Cái Đôi, chỉ gián đoạn trong một thời gian ngắn, khi có cuộc nổi dậy của ông Nguyễn Tri Phong tại Ô Lắc.

III/ Thời trưởng thành.

Năm 1878, cha Phêrô Nguyễn Thông Lý được Đức Cha Colombert (cố Mỹ) chính thức bổ nhiệm về làm cha sở đầu tiên của họ đạo. Nhận thấy địa lý vùng này quá hạn hẹp, khó truyền giáo cho người dân nặng óc mê tín dị đoan ở đây, cha định dời Nhà thờ lên phía trên kênh Rạch Cùn, là nơi có nhiều nhà cửa và ruộng đất của giáo dân, hy vọng có thể mở mang họ đạo thêm nữa.

May thay, có ông Nguyễn Bá Tòng là người lương, nhưng lại có thiện cảm với đạo, có ý muốn hiến cho họ đạo một mẫu đất ở làng Long Khánh, để lập thêm một nhà giảng hầu truyền bá "cái đạo" mà ông gọi là "có nhiều gương lành, gương tốt đáng noi theo".

Năm 1881 thay vì lập nhà giảng, cha cho dời Nhà thờ về mẫu đất đó, tức trên nền Nhà thờ hiện nay. Sau đó, ông Tòng còn hiến cho họ đạo một số đất nữa gọi là đất "hội giảng" (hội Thừa Sai).

Số quới chức lãnh trách nhiệm dời nhà thờ về làng Long Khánh là các ông: ông Khoa, ông Lịch, ông Kim, ông Chỉ, ông Hơn, ông Ngàn và ông Giai. Nhà thờ lúc đó chỉ dùng trống để báo giờ lễ hoặc chầu phép lành.

Về vấn đề văn hoá cho các em nhỏ trong họ đạo, Cha Phêrô Lý luôn lưu tâm và nhờ ông giáo Tuỳ dạy chữ quốc ngữ cho các em, mà không phải đóng một chi phí nào.

Sau đó vài năm, Nhà thờ trên bị một cơn bảo làm hư hại nặng, nên năm 1888, Cha Tôma Vỏ hiền Gia, cho xây dựng lại với mái lá và cột cốc Cà Mau.

Dù ước mơ có một ngôi Nhà thờ tươm tất hơn: máy ngói, xây tường; nhưng các cha sở Tôma Gia, Anrê Miều, Gioan Baotixita Nhơn không thể thực hiện được, vì thiếu phương tiện vận chuyển vật tư.

Về mặt văn hoá, các cha có nhờ ông giáo Đại dạy chữ Quốc ngữ cho các em nhỏ không phân biệt lương giáo.

Về mặt kinh tế, giáo dân phần đông làm mướn cho các địa chủ. Được thiên nhiên ưu đãi: đất rộng người thưa, tôm cá dồi dào, lại thêm tánh tình chất phát mộc mạc, phần lớn giáo dân ít quan tâm đến việc làm giàu làm có, mà chỉ mong mỗi ngày có miếng ăn là được, tệ nạn rượu chè lúc bấy giờ rất ít thấy, duy có đá gà, đánh bạc là những tệ nạn mà các cha sở luôn lo lắng sợ giáo dân mình mắc phải. Chuyện đánh bài đánh bạc đến nổi phải cầm cố, hoặc bán đất là những việc thường xảy ra giữa những ông Cả, ông Chủ.

Năm 1901, sau khi nhậm họ đạo được một năm, cha Gioan Baotixita Dương Công Đồng cho bổn đạo khởi công đào kinh, từ Nhà thờ nối với kinh Rạch Cùn, với ý định chuyển vật tư về cất Nhà thờ, mỗi bổn đạo phải lãnh 40 mét đất đào, nay có người vẫn còn gọi là "kênh Cha Đồng".

Năm 1904, cha Gioan Baotixita Đồng, cho khởi công xây cất Nhà thờ mới, cũng trên nền Nhà thờ cũ, ông Chệt Phạt lãnh thi công, đồng nhi nam và đồng nhi nữ lãnh phần gánh đất đắp nền Nhà thờ, còn những người bài bạc thì bị cha sở phạt gánh đất đấp nền Nhà thờ, và lấp miếng ruộng phía sau Nhà thờ.

Cuối năm 1906, Nhà thờ hoàn thành với mặt tiền khang trang, không tháp, mái ngói, xây tường, hai bên có hành lang rộng rãi. Ngày 23-12-1906, Họ đạo long trọng mừng lễ khánh thành Nhà thờ, giáo dân được vào đọc kinh, dự lễ, và chọn thánh cả Giuse làm bổn mạng. Số giáo dân lúc bấy giờ khoảng 200 người.

Năm 1907, cha Đồng nhận thấy số huê lợi do đất Nhà Chung mang lại kha khá, cha cho cất nhà vựa lúa, và cũng cuối năm đó, thì cất luôn nhà cha sở. Trước đó, các cha sở ngủ nghỉ ở phía sau phòng thánh.

Việc học hành của các em nhỏ thì được ông giáo Đại và ông giáo Hội đảm trách. Mãi đến năm 1910, mới có hai nữ tu thuộc dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn đến giúp dạy học, dạy giáo lý cho các em và tân tòng. Các em học ngày hai buổi, những em nào trốn học thường bị cha sở phạt nặng. Cũng năm này, có hai em gái đầu tiên dâng mình cho Chúa vào dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn.

Năm 1917, cha Simon Sang cho cất nhà trường ngói đầu tiên của họ đạo.

Năm 1924, một ân nhân của cha Cần ở Sài Gòn hiến cho họ đạo một cái chuông, và năm 1928, bà câu Ngàn dành dụm tiền bán dưa môn dâng cho họ đạo một cái chuông thứ hai.

Năm 1938, số giáo dân lúc bấy giờ khá đông, cha Phêrô Thà cho phá hai hành lang hai bên, để cho lòng Nhà thờ được rộng rãi hơn.

Năm 1960, cha Antôn Bùi thanh Long cho nới thêm hai căn ở phía sau để làm cung thánh, và năm 1973, cha Bênađô Khả cho dỡ ra toàn bộ nhà thờ cũ được xây cất năm 1904, để cất lại cao hơn, với mặt tiền mới. Công việc đạt được 70 %, thì cuối năm 1974, chiến tranh đến hồi khốc liệt, chỉ trong phút chốc, Nhà thờ trở thành đống gạch vụn, giáo dân chạy tứ tán để lánh nạn.

Sau biến cố 30-4-1975, giáo dân trở về, dựng lại những gì còn lại để đọc kinh trên một nền Nhà thờ đổ nát, với biết bao sự đau lòng và mến tiếc. Cũng từ ngày đó, Họ đạo không còn trường học, không còn "đất nhà chung" nữa.

Ngày 8-10-1988, cha Phaolô Nguyễn phước Thuận, từ họ Mặc Bắc được bổ nhiệm về họ Cái Đôi để phụ lực với cha Phaolô Mừng. Nhìn Nhà thờ đổ nát, mà ước mơ có một ngôi Nhà thờ mới là một điều khó thực hiện với đôi bàn tay trắng, và với hoàn cảnh kinh tế khó khăn của giáo dân hiện nay.

Tin có Thiên Chúa hộ lực, được sự giúp đỡ nhiệt tình của các kiến trúc sư Nhà thờ Thanh Đa ( Thuận - Hàm - Khang) và tiền quyên được từ các nơi khác, cũng như được sự chấp thuận của Giám Mục địa phận, cha quyết định khởi công.

Ngày 03-03-1991, Đức Giám Mục phụ tá Raphae Nguyễn Văn Diệp đến ban phép Thêm sức cho các em trong họ đạo, và đặt viên đá đầu tiên để mở đầu cho một bước ngoặc mới.

Ngày 01-05-1992, Đức Giám Mục chánh toà Vĩnh Long Giacôbê Nguyễn Văn Mầu cùng giáo dân họ đạo dâng lễ trong nhà thờ mới.

Ngày 08-12-1992, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, toàn thể giáo dân long trọng mừng lễ khánh thành nhà thờ.

Ngày 11-01-1993, lần đầu tiên từ khi thành lập họ đạo đến nay, Đức Giám Mục Giacôbê Mầu đã phong chức linh Mục tại nhà thờ Họ Đạo cho một người con trong họ là Thầy Tađêô Phạm Văn Don, trước cha Don, họ Cái Đôi cũng hiến được cho Giáo Hội hai linh Mục khác là cha Phêrô Đổ (1973), cha Phêrô Kích (1976).

Ngày 19-03-1993, lễ Thánh Cả Giuse, Đức Giám Mục phụ tá Raphae đến họ đạo để ban phép Thêm Sức cho khoảng 50 em, và làm phép Nhà thờ mới với nghi thức long trọng.

Có thể tóm lại, họ đạo Cái Đôi từ khi thành lập đến nay (năm 1993) là 156 năm (1837 - 1993), và trải qua 24 trào cha sở và 7 cha phó. Số giáo dân hiện nay khoảng 5000 người.

Xin chân thành cảm ơn:

  •  
    1. Cha sở Phaolô Nguyễn phước Thuận đã nhắc nhở chúng con nên viết lại lịch sử của Họ Đạo.
    2. Cha Tađêô Phạm văn Don đã bỏ công sức truy tìm tài liệu như : Báo Truyền Thông (Địa phận VL), các họ đạo thuộc Địa Phận Đàng Trong bằng Pháp ngữ (của thư viện Địa phận Sài Gòn).
    3. Cụ ông Raymonđô Nguyễn văn Trước (sinh 1887), và cụ ông GBt. Lê văn Thời (sinh 1906) đã cung cấp cho chúng con những tư liệu quí giá.

(Pascal Trần hoàng Ngâu lược ghi)
Cái Đôi 19-03-1993
Lễ Thánh Cả Giuse Quan Thầy của họ đạo Cái Đôi

PHỤ LỤC:

I.- Giai đoạn xây dựng và phát triển sau năm 1993 (từ năm 1993 đến 2007):

- Ngày 3/7/2005, Họ Đạo thêm được 1 tân linh mục: Giuse Bùi Đặng Đăng Khoa. Ngoài ra, còn được 2 thầy Đại Chủng Viện, 1 thầy Kitô Vua, và nhiều dự tu ở các Dòng khác.

- Họ Đạo Ba Động được chính quyền cho làm lễ một năm 4 lần.

- Ngày 13 mỗi tháng, là ngày hành hương của giáo dân Họ Đạo ở Đài Đức Mẹ Cái Đôi.

- Ngoài ra, cha sở Phaolô Nguyễn phước Thuận cũng cho tuần tự xây cất hoặc trùng tu các cơ sở khác: Nhà trẻ. - Đài Đức Mẹ Họ Đạo. - Đồi Golgôtha. - Nhà các Dì (nữ tu). - Nhà Đa Dụng. - Trùng tu và mở rộng khu vực Đài Đức Mẹ Cái Đôi (cách Họ Đạo 5 km) để có nơi nghỉ ngơi cho khách hành hương.

II.- Giai đoạn hiện nay (năm 2007):

  1. Số giáo dân tại Họ Đạo Cái Đôi và các Họ lẽ là trên 9.000.
  2. Có cha sở và 2 cha phụ tá. 5 nữ tu Dòng MTG Cái Mơn, và 2 nữ tu Dòng MTG Cái Nhum ở nơi cơ sở sản xuất, hoặc phụ giúp Họ Đạo.
  3. Ban Quới Chức gồm 59 người.
  4. Có 3 Hội Đoàn: Legio (82 anh chị), 150 em Thiếu nhi, 30 em Giới Trẻ tự nguyện học hỏi Giáo Lý và sinh hoạt vào mỗi chiều Chủ Nhật.
  5. Ba ca đoàn (Lớn, Giới trẻ và Thiếu Nhi).
  6. Ban Xã Hội hằng tháng có phát tiền hoặc gạo cho người nghèo.
  7. Cha sở cũng cho cất các cơ sở vật chất khác: - Nhà Trẻ, nhà máy nước tinh khiết, nhà Đa Dụng.

III.- Phương hướng tới: Cha sở có định hướng tương lai cho Họ Đạo

  1. Giúp Ban Quới Chức ngày càng trưởng thành hơn.
  2. Hướng giáo dân sống tinh thần Phúc âm.
  3. Giới trẻ ngày càng có kiến thức văn hóa.
  4. Họ Đạo cũng đang đấu tranh để các Họ Đạo lẽ có Thánh Lễ thường xuyên hơn. Riêng Họ Đạo Động Cao (do có số giáo dân đông) đang xin phép chính quyền cho mỗi tuần có 1 Thánh Lễ.

HỌ ĐẠO CÁI ĐÔI QUA CÁC TRÀO CHA SỞ VÀ CHA PHÓ (1878 - 2005)

Cha sở Cha Phó

1. Cha Phêrô Lý 1878 - 1884

 

2. Cha Phaolô Lịch 1885 - 1886

 

3. Cha Tôma Gia 1886 - 1889

 

4. Cha Anrê Miều 1890 - 1893

 

5. Cha G.Bta Nhơn 1894 - 1899

 

6. Cha G.Bta Đồng 1900 - 1912

 

7. Cha Simon Sang 1912 - 1923

 

8. Cha Phêrô Cần 1923 -1928

 

9. Cha Giuse Thơ 1928

 

10 Cha Antôn Quyền 1928 - 1929

 

11. Cha Phaolô Duông 1930 - 1938

 

12. Cha Phêrô Thà 1938 - 1940

 

13. Cha Phêrô Tuyển 1940 - 1945

1. Cha Micae Sinh 1942

14. Cha Antôn Án 1946

2. Cha Phêrô Binh 1942 - 1943

15. Cha Bênađô Khả (1) 1947 - 1951

 

16. Cha Giuse Giỏi 1952 - 1955

3. Cha Raphae Diệp 1955

17. Cha Antôn Long 1956 - 1961

 

18. Cha Đôminicô Tỏ 1961 - 1964

 

19. Cha Phaolô Mừng (1) 1964 - 1969

 

20. Cha Eusêbiô Thới 1969 - 1971

 

21. Cha Giuse Bỉ 1971

 

22. Cha Giuse Bút 1971 - 1972

4. Cha Anrê Lễ 1971 - 1972

23. Cha Bênađô Khả (2) 1973 - 1974

5. Cha Giuse Khoa 1973 - 1974

24. Cha Phaolô Mừng (2) 1975 - 1988(nhưng vẫn còn ở đến năm 1992 mới về hưu VL)

6. Cha Bênađô Tiền 1978 - 1979

25. Cha Phaolô Thuận 1988...

7. Cha Phêrô Hai 1994 - 2001

 

8. Cha Gabriel Trung 2001 - 2007

 

9. Cha Giuse Trường 2005 - 2007

8115    05-03-2011 15:45:51