Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Họ Đạo Cái Muối

z5052506698798078ec2916aa9dc6b2e4ffb699e8e3286

Địa chỉ: 185 ấp Hòa Phú, Hòa Ninh, Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long

Bổn mạng: 

Chầu lượt: CN XV Thường niên

Số giáo dân: 1020

Năm thành lập:

Giờ lễ

Chúa nhật:      04g30 ;  16g00           

Ngày thường: 04g30;  17g00

Linh mục Chánh sở: Philipphê Phạm Huy Phong  

Linh mục Phụ tá: Laurensô Lê Anh Duy                

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

I. TỔNG QUÁT

Vị trí Địa Lý

     Họ Đạo Cái Muối nằm về hướng đông bắc Thị xã Vĩnh Long. Cách trung tâm Thị xã 2,5km. Nhà Thờ Cái Muối (còn gọi Nhà Thờ Kinh Mương Lộ) xưa kia thuộc làng Bình Long, Tổng Bình Hưng,Trấn Vĩnh Thanh (sau đổi thành Long Hồ Dinh).

      Cái Muối là tên của vàm rạch Cái Dâu - Cái Muối. Nhà Thờ Cái Muối còn được gọi là Nhà Thờ Mương Lộ hay Nhà Thờ Ngã Tư  Kinh vì nằm ở ngã tư Kinh Mương Lộ và rạch Cái Muối.

      Địa danh hành chính trước 1975: ấp Hoà Ninh, xã Bình Hoà Phước, quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long.

      Địa danh hành chính hiện nay: ấp Hoà Phú, xã Hoà Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

      Họ Đạo Cái Muối hiện nay thuộc địa bàn xã Hoà Ninh và một phần xã Bình Hoà Phước.

 Các Linh Mục phụ trách Họ Cái Muối qua các thời kỳ    

Cha sở tiền nhiệm

       Cha Matthêu Nguyễn Văn Sánh         1961 – 1964

       Cha Phêrô Phan Ngọc Đức                 1964 – 1966

       Cha Antôn Nguyễn Long Khương     1966 – 1967

       Cha Tôma Nguyễn Văn Vẽ                1967– 1974

       Cha Matthêu Nguyễn Văn Sánh         1974 – 2003

Cha phó tiền nhiệm 

       Cha Phanxicô Nguyễn Thanh Bình 1969 – 1971

       Cha Phêrô Nguyễn Văn Thứ              1971 – 1973

Nét đặc trưng

       Họ Đạo Cái Muối nằm ở phần trên cùng của vùng Cù Lao Minh, nơi sông Tiền Giang chia thành 2 nhánh:

       Hữu ngạn chảy ra biển qua 2 cửa Ba Lai và Hàm Luông.

       Tả ngạn là dòng Cổ Chiên chảy ra cửa Cổ Chiên và cửa Cung Hầu.

       Đất đai cù lao phù sa mầu mỡ, do vậy đa phần giáo dân Họ Cái Muối sống bằng nghề nông, chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản như : Nhãn, Xoài, Cam, Quít, Chôm Chôm…

II. GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH

1. Buổi đầu tiên

       Năm 1883 Bà Anna Nguyễn Thị Nghi cất Nhà Thờ lá.

      Ngược dòng thời gian, vào cuối thế kỷ XIX ông Nguyễn Văn Địch ở làng Bình Hoà Phước, vì gia đình nghèo nên cùng với vợ và 3 đứa con gái xuống ghe đi Ba Nam làm lúa mướn. Ông Tư Địch chết tại Ba Nam. Bà Tư và 3 người con đi ghe trở về nhà. Tháng 12 năm 1882 Bà Tư Chết, bỏ lại trên ghe 3 người con gái. Ghe trôi và tấp vào gần Nhà Thờ Cù Lao Giêng (thuộc Địa phận Long Xuyên ngày nay). Cha sở Nhà Thờ Cù Lao Giêng đem 3 người con của ông Tư Địch lên Nhà Thờ nuôi và cho theo đạo Công giáo. Ba người con đó là:

          Nguyễn Thị Thứ 10 tuổi.

          Nguyễn Thị Quờn 4 tuổi.

          Nguyễn Thị Quới mới biết bò.

      Bà Nguyễn Thị Nghi (mẹ ông Tư Địch) đi tìm con và cháu của mình thì gặp được 3 cháu nội tại Nhà Thờ Cù Lao Giêng. Bà trở về xin Cha sở Nhà Thờ Vĩnh Long theo đạo và rước 3 cháu nội về Cái Muối.

     Tiếp đó, năm 1883 Bà Anna Nguyễn Thị Nghi dâng 20 công đất và cất Nhà Thờ bằng lá tại vị trí Nhà Thờ hiện nay.

      Năm gia đình Công giáo đầu tiên.

      Ngoài gia đình bà Trùm Nghi nói trên, làng Bình Long lúc bấy giờ còn có 4 gia đình Công giáo khác giữ đạo mồ côi đó là:

       Gia đình ông Biện Phuông.

       Gia đình ông Tư Xe.

       Gia đình ông Bầu Long.

       Gia đình ông Ba Cự.

       Vì những lý do khác nhau, những gia đình này biết đến Thiên Chúa và đã theo đạo Công giáo. Họ tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các Bí Tích ở Nhà Thờ Vĩnh Long. Đến năm 1883 khi Bà Trùm Nghi dâng đất cất Nhà Thờ thì 4 gia đình Công giáo nầy cộng với gia đình Bà Trùm Nghi trở nên cộng đoàn đầu tiên của Họ Đạo.

2. Lớn Mạnh Và Phát Triển

       Từ 1883 – 1936:

      Từ khi có Nhà Thờ số đồng bào theo đạo ngày càng tăng, có lần số người lãnh nhận Bí Tích Rửa tội lên đến đôi ba chục người.

      Họ Đạo Cái Muối đầu tiên là Họ nhánh của Họ Đạo Cái Nhum (Chợ Lách). Sau đó vì xa xôi nên trao lại cho Vĩnh Long. Lúc nầy có Cha Miên (người Pháp) ở Vĩnh Long qua lại làm lễ.

      Năm 1936, Cha Miên xin Đức Cha ở Sài Gòn cất Nhà Thờ. Cha ở Nhà Thờ Vĩnh Long nhờ Cha Cenle (Cha sở Cái Bè) trông coi xây cất cùng với Ông Biện Lan ở Cái Bè qua làm thợ ăn công. Ở Cái Muối có các ông Biện Quyền, Biện Giàu, Biện Nên, Biện Chòi lo đắp nền Nhà Thờ và phụ giúp các việc khác. Nhà Thờ mái ngói tường vữa ximăng với diện tích 250m2 được hoàn thành vào cuối năm 1936, nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm làm bổn mạng, kính ngày 8/12 hằng năm.

       Thời điểm này, Họ Đạo cũng cất được nhà các Dì, trường Tiểu học cho con em trong vùng.

       Từ 1936 – 1960:

          Cái Muối vẫn tiếp tục là Họ nhánh của Vĩnh Long và có các Cha tới lui làm lễ. Mọi việc trong Họ Đạo do ông Câu Phaolô Đoàn Công Quyền đảm trách. Lúc này, từ 5 gia đình Công giáo ban đầu số giáo dân đã tăng lên do:

           Con em trong các gia đình Công giáo tăng.

           Số tân tòng cũng gia tăng.

           Một số giáo dân từ nơi khác chuyển đến.

         Trong vùng, các giáo điểm như Thủ Thể, Phước Định, Phú Phụng phát triển thành Họ Đạo. Đến năm 1959, giáo điểm Đồng Phú được hình thành. Trong số này Phước Định, Đồng Phú được tách ra từ Cái Muối.

       Từ 1961 – 1975:

          Năm 1961 Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, Cha sở chính toà Vĩnh Long giao cho ông Từ Bông đứng lo xây dựng nhà xứ. Thời gian này Bề Trên bổ nhiệm Cha Matthêu Nguyễn Văn Sánh về làm Cha sở đầu tiên của Họ Đạo. Kể từ đó Họ Đạo ngày càng lớn mạnh.

         Giai đoạn từ 1961 – 1975 là thời kỳ Họ Đạo phát triển mạnh nhờ các Cha sở, số giáo dân trong Họ ngày càng tăng. Đến năm 1975 đã có được 7 Họ nhánh là: Đồng Phú, Thủ Thể, Phước Định, Phú Phụng,Vĩnh Bình, Tân Phong, Thới Lộc. Các Họ này đều có Nhà Thờ riêng, mái bằng tôn, vách bằng ximăng, có nhà Dì, có trường Tiểu học. Riêng tại Cái Muối có trường Trung học Thánh Tâm. Thời gian này các hội đoàn được thành lập như: Hội Phạt Tạ, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Thanh Niên Thánh Nghiệp, Hội Lêgiô.

       Từ 1975 – 2007:

        Sau chiến tranh, đời sống bà con nói chung gặp nhiều khó khăn. Riêng đời sống đạo lại càng gặp khó hơn. Các Nhà Thờ chỉ có Thánh Lễ Chúa nhật, các hội đoàn đều phải giải tán. Nhưng bà con vẫn cố gắng gìn giữ nếp sống đạo đức.

         Đến thời kỳ đổi mới, đời sống đạo có phần dễ dàng hơn trước. Kinh tế của bà con cũng khởi sắc hơn. Từ năm 1988 một số hội đoàn được khôi phục, nhất là phong trào giới trẻ, sinh hoạt thiếu nhi, ca đoàn… Những giáo dân trước đây nguội lạnh nay trở lại sinh hoạt đạo đức. Một số con em có ý định đi tu. Về mặt xã hội, Họ Đạo có một đội bóng đá, một đội lân, xưởng mộc, nhà may để dạy nghề cho con em trong Họ.

       Cùng thời điểm này trở về sau, một số hạng mục được thực hiện như: xây nhà Dì, bắt cầu vượt sông, xây bờ kè trước Nhà Thờ, xây đài Đức Mẹ, xây dựng hệ thống nước tiệt trùng…

       Đến năm 2005, xây thêm bờ kè trước nhà Dì, đóng xe tang, lập đội đạo tỳ, xây tường rào trước Nhà Thờ, nâng sửa cung Thánh, sơn sửa trong ngoài Nhà Thờ và lót dalle sân Nhà Thờ…

III. GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

       Họ Đạo hiện có 1020 giáo dân

       Các sinh hoạt mục vụ của Họ Đạo:

     Ban Quý Chức được Đức Cha Tôma trao tác vụ vào ngày 10 tháng 08 năm 2007. Các vị này được phân công theo 6 Biện sở, đồng thời họp mặt hàng tuần với Cha sở để lo việc Họ Đạo.

       Một ca đoàn sinh hoạt đều đặn.

       Thiếu nhi và giới trẻ sinh hoạt hàng tuần.

       Bác ái: các Dì có phát thuốc, giữ trẻ…

     Cơ sở vật chất còn thiếu, trường Tiểu học nằm trong khuôn viên Nhà Thờ nhà nuớc chưa trả lại cho Họ Đạo.

IV. ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI

       Cũng cố đời sống đạo đức qua Thánh Lễ, dạy giáo lý.

       Tổ chức cũng cố các đoàn thể.

       Tu sửa lại cơ sở vật chất.

4607    21-02-2011 21:13:51