Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Họ Đạo Cái Nhum_Bến Tre

z51393961361943d376b6398ab487de52556b5b3a4c156

Địa chỉ: Số 124/67 Long Thới, Chợ Lách, Bến Tre.

Điện thoại: 0275.3873.131.

Bổn mạng: Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12).

Chầu lượt: Chúa Nhật IV Mùa Vọng.

Số giáo dân: 5.540.

Năm thành lập: 1731.

Giờ lễ

Chúa nhật:      05g00    ;     08g00    ;   15g00           

Ngày thường:  05g00     ;    17g00

Linh mục Chánh sở: Gioan Phạm Hữu Diện

Linh mục Phụ tá: Phêrô Nguyễn Trường Chinh

                            Tađêô Nguyễn Ngọc Điều

 

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

Diện tích khu vực nhà thờ 8. 050m2 (thửa số 1372)

  • Vị Trí Địa Lý.

Xưa: Cái Nhum thuộc An Lương thôn (đến năm 1890 đổi thành Hưng Long), Tân Minh tổng (1808), Tân Minh huyện (1823), Long Hồ dinh (1732), tức Vĩnh Thanh trấn (1808).

Hiện nay: Cái Nhum thuộc ấp Long Huê, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

  • Địa Danh.

Vì họ đạo ở gần con rạch có nhiều cây nhum, nên gọi là Cái Nhum.

Họ đạo còn có biệt danh là Cái Nhum Rau Má (để phân biệt với Cái Nhum Măng Thít, thuộc tỉnh Vĩnh Long), vì ngày xưa người dân ở đây thường dùng rau má mọc sẵn để trị bệnh nóng gan...

Về phía Giáo quyền:

1679 - 1844: Thuộc địa phận Đàng Trong.
1844 - 1924: Thuộc địa phận Tây Đàng Trong.
Họ đạo Cái Nhum được vinh hạnh vì có cha sở Lefèbvre (Ngãi) làm Giám mục tiên khởi giáo phận Tây Đàng Trong. Nhà thờ Cái Nhum lúc bấy giờ là nhà thờ Chánh Tòa.
1924 - 1938: Thuộc địa phận Sài Gòn.
Từ 1938 đến nay: Thuộc giáo phận Vĩnh Long.

Giai Đoạn Hình Thành

Họ Cái Nhum được thiết lập vào năm 1731. Đây là một trong những Họ đạo thâm niên nhất ở miền nam Việt Nam.

Lúc bấy giờ có ít người Công giáo di trú, đến đây tìm đất đai sinh sống. Họ tìm thấy có nhiều nhà bỏ hoang mà những người trước đã ra đi bỏ lại, họ liền vào ở trọ nơi đó. Như thế là giai đoạn đầu của Họ đạo được thành hình.

Khi được biết có một số người Công giáo tập họp sinh sống trong xã này, Linh mục Giuse Garcia dòng Phanxicô (1687-1761) thường thăm viếng, như chủ chăn ưu ái luôn bám sát vào đoàn chiên. Họ đạo ngày càng phát triển nhanh chóng, và không bao lâu, ngôi Thánh đường được mọc lên với tương lai đầy hứa hẹn.

Tiếp sau Cha Garcia là Cha Emmanuel De Valdehermoso đang truyền đạo ở vùng sông Cửu Long giữa những năm 1742 đến 1747. Có thể Cha đã lần lượt ở tại Cái Nhum, Cái Mơn, Thủ Ngữ.

Cha François Hermosa ở thường trực tại Cái Nhum những tháng cuối năm 1749 cho đến tháng 6.1750, đúng vào thời kỳ bách hại Kitô hữu bùng lên, và Cha Hermosa bị câu lưu tại đây rồi được đưa về Sài Gòn, sau cùng Cha bị trục xuất.

Số tín đồ lúc bấy giờ là vào khoảng 600 người, một con số rất to đối với thời ấy. Có thể nói toàn dân trong làng đều là người Công giáo.

Từ năm 1765-1772 có nhiều linh mục cũng thuộc dòng Phanxicô đến truyền giáo tại Cái Nhum như các Cha: P. Julien, Ferdinanel Olmedilla, Didace De Jumilla.

Giai Đoạn Xây Dựng và Phát Triển

Năm 1782, thời khởi nghĩa Tây Sơn, lúc Đức Giám Mục Bá Đa Lộc đang lánh nạn ở Phú Quốc cùng với các chủng sinh, thì linh mục Ferdinanel Olmedilla ở lại và bị bắt tại Cái Nhum, đưa về Sài Gòn, bị án tử hình tại Chợ Quán cùng với một thầy giảng đi theo ngài.

Linh mục Camille de Thersa, bề trên của các thừa sai dòng Phanxicô có lẽ đã từ trần tại Cái Nhum năm 1801, vào lúc Vua Gia Long lên ngôi.

1. MỘT SỰ KIỆN LỊCH SỬ ĐÍCH THỰC.

Dưới triều đại Gia Long, có một người Công giáo tên Nicolas Trần Công Lại, nguyên quán ở tỉnh Thanh Hóa vào Nam và cư ngụ tại Cái Nhum. Ông theo giúp một người tai mắt tên là Ba Đệ.

Khi Nguyễn Ánh chiêu mộ binh sĩ, ông theo phò chúa Nguyễn đánh Tây Sơn. Ông được vinh thăng chức "Dinh Trung" rồi đến chức "Đô Thống Chế"

Khi Nguyễn Ánh lên Ngôi hiệu là Gia Long, vua Gia Long ủy thác cho ông Lại chỉ huy hải thuyền hoàng gia đến phương xa tìm lương thực để đảm bảo lương thực cho nhà vua và quân đội. Khi ra khơi chẳng may gặp cơn bão táp, thuyền của ông bị xiêu bạt giữa biển khơi, sợ còn bị trôi dạt đến Ấn Độ.

Giữa lúc nguy cơ, hết phương kêu cứu với người phàm, ông ngước mắt lên trời, đặt hết niềm tin vào Đức Trinh Nữ Maria. Ông sốt sắng nguyện cầu và nói lên lời tuyên hứa: "Nếu con thoát tai nạn rùng rợn này, con sẽ xây cất một nguyện đường dâng hiến cho Đức Mẹ và sẽ dâng một cây nến với kích thước bằng cột bườm của chiếc thuyền này".

Đức Mẹ thông cảm nỗi lo âu của đứa con, cho ông thoát khỏi cảnh kinh hoàng và về đến Cái Nhum. Đến nơi, ông thực hiện ngay những điều đã đoan hứa, vì xác tín rằng nếu không có bàn tay Từ Mẫu can thiệp, ông sẽ vĩnh viễn giã biệt trần đời. Ông Dinh Trung cất một nhà nguyện dâng kính Đức Mẹ, nền móng ngay vị trí nguyện đường cũ của dòng các sư huynh Kitô Vua tại Cái Nhum và làm cây nến đúng theo lời hứa.

Năm Giáp Thân 1824, ông Nicolas Trần Công Lại được Chúa thương gọi về, để lại cho hậu thế gương thanh liêm, đạo đức, tân tụy phục vụ và lòng tin vào Thiên Chúa và Mẹ Maria. Thi hài của ông được chôn cất tại Cái Nhum, trong phạm vi đất của Dòng Kitô Vua, ấp Long Vinh, xã Long Thới, huyyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

2. TƯỢNG ĐỨC MẸ NGÀ.

Bên trong ngôi nhà nguyện được xây cất, quan Dinh Trung đã đặt tượng Đức Mẹ. Tượng vẫn còn trong nhà thờ họ Cái Nhum bây giờ. Tượng cao 1m17, trắng và bóng tựa như ngà, nên được gọi là tượng "Đức Mẹ Ngà", chạm trổ rất đẹp theo kiểu Tây Ban Nha. Một tượng Đức Mẹ khác cùng kích thước được đặt tại Sa Đéc do quan Dinh Trung hay do con cháu của ông thì không rõ. Hai tượng Đức Mẹ lịch sử này được dân chúng sùng kính đặc biệt, họ tin tưởng được nhiều ơn lạ Đức Mẹ ban cho.

3. TƯỢNG CHÚA GIÊSU HẠ XÁC.

Cũng vào thời ấy, họ đạo còn có một tượng Chúa hạ xác hiếm có và hiện giờ còn được sùng kính tại Cái Nhum.

Tượng lớn như người thường, bằng gỗ rất tốt, nhưng người ta không biết ai cho tượng ảnh này. Vì thế có sự tranh chấp giữa Họ đạo Chợ Quán và Họ đạo Cái Nhum, cho nên phải bắt thăm và Họ đạo Cái Nhum đã được giữ tượng Chúa Giêsu.

Trong những lúc bắt đạo, người ta dấu tượng này trong thuyền, rồi cho thuyền chạy ra khơi. Về sau, người ta đặt vào trong hòm rồi đem chôn xuống đất. Đến thời Cha Tournier, tượng được lấy lên và đặt trong nhà thờ. Tượng Chúa Giêsu hiện nay đang đặt ở Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum.

4. MỘT CƠN SÓNG GIÓ KINH KHỦNG.

Dưới triều Minh Mạng, chiếu theo lệnh nhà vua, Nhà thờ dâng hiến cho Đức Mẹ của quan Dinh Trung và Nữ tu viện, nói chung là các nơi thờ tự ở nam bộ Việt Nam đều bị triệt hạ.

Năm 1832, linh mục Odorico bị bắt tại Cái Nhum.

Năm 1833, ngài phải đổ máu đào vì đạo thánh, theo chiếu chỉ của vua. Nhưng nhờ mẫu hậu, bạo chúa hoãn án tử, ra án lưu đày đến Ai Lao. Nơi lưu đày, vị thừa sai Odorico vẫn hăng sai hoạt động theo sứ mệnh của mình. Ngài trút hơi thở cuối cùng ngày 23 tháng 5 năm 1834.

5. ĐÓN TIẾP CÁC VỊ THỪA SAI PARIS.

Năm 1833, Linh Mục Marchand đã trú ẩn nhiều ngày tại Cái Nhum. Khi nhận thấy không được an toàn, Ngài phải sang Cái Mơn.

Năm 1836, Linh Mục Lefèbre (sau lên chức Giám Mục) được Đức Cha Cuénot (Giám mục phụ tá) chỉ định về ở Cái Nhum phụ trách Tiểu Chủng Viện và Nữ Tu Viện.

Qua những lúc đạo thánh bị bắt bớ, họ Cái Nhum thường xuyên có Linh Mục: hoặc người ngoại quốc, hoặc người bản xứ phục vụ; và như kể trên, họ Cái Nhum lúc bấy giờ là trung tâm của một giáo hạt quan trọng, và cũng là trụ sở gần như thường xuyên của một số giáo sĩ thừa sai người Châu Âu.

Năm 1840, cha Lefèbre được tấn phong Giám Mục do tay Đức Cha Cuénot và làm phụ tá cho ngài. Hình như Đức Cha Lefèbre vẫn tiếp tục ở tại Cái Nhum.

6. GIÔNG TỐ LẠI NỔI LÊN!

Nên biết, vị trí cũ của Nhà Thờ, Nhà Phước và Chủng Viện lúc bấy giờ ở gần Rạch Chanh. Khi Đức Cha còn ở tại Cái Nhum, thì một trong những thầy giảng của Đức Cha, tên là Phước rất đạo đức, nhiệt thành việc tông đồ, nhưng tính hay bất cẩn, vô tình thầy làm phật lòng người bên lương do lời nói quá gắt gỏng của thầy. Do đó mà thầy bị tố giác, bị bắt đưa đến quan và bị tra tấn. Thầy Phước kiên tâm chấp nhận tất cả, nhưng có điều đáng tiếc là có một người trong những kẻ giúp thầy đã tố giác có sự hiện diện của Đức Cha trong tỉnh. Cuộc truy bắt tiến hành ngay, các quan đến Cái Nhum ngày 29 tháng 10 năm 1844.

Ông Phêrô Dinh cũng có tên là Yến, tuổi độ 30. Ông Dinh làm Biện Họ và Câu Đồng Nhi. Ông có 3 con, và vợ của ông là một người đàn bà rất đạo đức. Ông tự nhận là chủ nhà chứa chấp Đức Cha và bà giúp việc tên Tham Lương (có lẽ là để đánh lạc hướng các quan). Lúc đó, Đức Cha lại trú ẩn trong nhà một người lương ở Cái Gà.

Ông Dinh bị bắt và bị thẩm vấn. Mỗi lần tra khảo, dù dùng đủ cách dã man, lý hình cũng không nhận được một sự tiết lộ nào. Để trả lời những câu hỏi, ông Dinh chỉ dùng những lời nguyện tắt kêu cầu ơn trên.

Sau cùng, Đức Giám Mục Lefèbre bị bắt và bị điệu về Vĩnh Long. Ông Phêrô Dinh phải ở lại Cái Nhum, vì lẽ ông bị suy nhượt sau những trận đòn tra tấn. Ông nằm bất động, mặt mày bầm tím và sưng phù, xương bầy ra... Khi ấy, có cha Lượng từ Cái Mơn đến ban Của Ăn Đàng cho ông. Ít hôm sau, ông Dinh tắt hơi thở trong Chúa. Hài cốt của ông được kính giữ tại Dòng Kín Sài Gòn, và đã được Cha Antôn Lệ và phái đoàn quới chức họ Cái Nhum rước từ Dòng Kín Sài Gòn về kính trong nhà thờ Cái Nhum ngày 26.09.2006.

Ngày 27 tháng 9 năm 1857, Đức Thánh Cha Piô IX đã tôn phong ông lên bật đáng kính.

Chắc chắn, nhờ sự hy sinh và lời cầu bàu của vị Đáng Kính mà con gái của ông đã dâng mình cho Chúa trong dòng kín, tên Dòng của chị là Saint Pierre de Saint Thérèse. Chị đã qua đời cách thánh thiện tại Dòng Kín ngày 26 tháng 5 năm 1925, hưởng thọ 83 tuổi sau 34 năm sống đời tu Dòng.

7. MỘT TÂM HỒN ĐẠO ĐỨC - GƯƠNG HY SINH.

Ông Luy Ngò sinh trưởng tại Cái Nhum. Thân sinh của ông tên là Luôn. Khi còn là thanh niên, ông được tuyển mộ vào đạo binh Vua Gia Long, nhờ sự anh dũng đặc biệt, ông được thăng cấp dần dần đến đại úy. Trở về làng, ông là chủ một gia đình 12 con và ông là người Công Giáo rất tốt, ông ưa uống rượu, nhưng thời gian sau ông đã bỏ được.

Là Hương cả trong làng và là kẻ lớn trong họ đạo nên ông Luy Ngò thường hay săn sóc bệnh nhân, chôn xác kẻ chết, nêu gương cho các Quới Chức khác. Có lần ông bị cáo đã chứa dấu những vị thừa sai ngoại quốc, cũng may ông thoát nguy được, nhờ ảnh hưởng của bạn bè người lương đang làm việc ở tỉnh lỵ. Một lần khác ông bị tố cáo, trùng hợp với việc bắt thầy Phước, quan liền cho lính đến Cái Nhum truy nã bắt cho được Đức Cha Lefèbre.

Can đảm trước hậu hoạn vô thường, chính ông Luy Ngò đã bảo dấu kín Đức Cha và các Dì Phước. Khi hay tin bọn lính đến bao vây, ông kịp thời đối phó với hiểm họa, nhờ sự mách bảo của bạn thân là ông Cai Tổng Đường. Nhưng sau cùng ông Luy Ngò cũng bị bắt cùng với Đức Cha. Nhiều giáo dân cũng bị bắt trong đợt này, trong số đó có ông Cai Tổng Lợi. Ông Lợi rất nhát gan nên đã chối đạo liền sau đó. Ông Ngò hết sức đau lòng và làm hết cách để hoán cải anh bạn xấu này, nhưng vô hiệu.

Đến Huế được 12 hôm thì ông Luy Ngò kiệt sức nên thở hơi cuối cùng trong chốn lao tù vì Đạo Thánh Chúa, ngày 24 tháng 2 năm 1845, trước sự hiện diện của Đức Giám Mục. Ông Luy Ngò hưởng thọ 72 tuổi. Thi hài ông được an táng tại nghĩa trang Phủ Cam, họ đạo gần Huế. Đến sau, hài cốt của ông được đem về kính tại Cái Nhum.

Ngày 27 tháng 9 năm 1857, Đức Giáo Hoàng Piô IX vinh phong ông Luy Ngò lên bật đáng kính.

8. MÁU ĐÀO TUÔN ĐỔ.

Năm 1848, một lần nữa Giáo Hội bị bách hại. Họ Cái Nhum vẫn còn là địa sở chánh. Linh mục Borelle trốn sang trú ẩn tại đây. Cùng với cha Borelle, có vài linh mục bản quốc năng lui tới thăm Họ đạo. Trong số đó có cha Philipphê Minh cũng ở Cái Nhum một thời gian.

Nhà thờ bị triệt hạ. Chủng viện và nữ tu viện cũng bị phá hủy. Giáo dân thường tập họp tại nhà ông trùm Điểm để làm bổn phận đạo đức của mình. Cũng may tình trạng u buồn này không kéo dài, và giáo dân thừa cơ hội ân xá để tái thiết Thánh đường.

Năm 1853, Cha Minh bị bắt tại Mặc Bắc. Ông trùm Lựu, quê tại Cái Nhum, khi lên mười tuổi đã theo cha làm ăn sinh sống tại Bò Ót, và sau đó ông về cư ngụ tại Mặc Bắc. Ông trùm Lựu tận tâm tìm cách cứu thoát Cha Minh. Trái lại, bếp Nhẫn trước kia cũng sinh trưởng tại Cái Nhum, nhưng đã bỏ xứ vì những lý do đáng trách như trốn nợ, cờ bạc... Chính bếp Nhẫn đã tố giác Cha Philipphê Minh. Đến sau, bếp Nhẫn trở về sống tại Cái Nhum, rất hối hận về việc phản bội này, và làm lại cuộc đời, sống gương mẫu cho đến chết, khoảng năm 1875.

Được tin Cha Philipphê bị bắt thì giáo dân thường xuyên theo dõi sự việc, nhất là họ nhất tâm trong việc cầu nguyện.

Khi giáo dân họ Cái Nhum tập họp cầu nguyện tại nhà ông thợ Cơ, thì vào khoảng 3g30 chiều, họ nhìn thấy trên trời có một đám mây với hình thức lạ lùng. Tất cả mọi người có mặt đều kêu lên: "Đây là điềm báo Cha Minh đã bị tử hình!". Và sự việc đã xảy ra đúng như vậy. Cha đã bị hành quyết đúng vào giờ ấy.

Không một chút nghi ngờ và trì hoãn, giáo dân đã lo sắp xếp đi tìm xác Cha Minh. Họ chuẩn bị xong thì hay tin có ghe chở thi hài Cha về đến. Ba Linh mục bổn quốc có mặt ngay lúc đó là Cha Phaolô Lượng, Cha Laurensô Lân, Cha Gioan Thiền. Ba Cha tiếp nhận thi hài và đặt trong nhà ông Hương Hào Kim. Nơi đây giáo dân khâu đầu cho liền với xác của vị tử đạo, đoạn mặc lễ phục và đem đặt trong nhà thờ để dâng lễ. Những người hiện diện nghĩ rằng không cần cầu nguyện cho linh hồn cha Philipphê, vì họ minh định rằng hồn Cha đã lên thẳng Thiên Đàng.

9. TẠI SAO HỌ CÁI MƠN ĐƯỢC DIỄM PHÚC?

Trước kia, Cha Philipphê Minh đã ở tại Cái Nhum suốt hai năm trọn. Cách Cha sinh hoạt, ai ai cũng cảm tình mến phục. Họ đạo Cái Nhum ước mong giữ thi hài của Cha Philipphê Minh lại, nhưng Linh Mục Borelle quyết định đem báu vật này về Cái Mơn, vì lẽ trên xóm Giồng, có một người bên lương tên là Cử Giáng nghịch đạo, có thể anh ta xúi giục tố cáo bổn đạo đã chuộc lại đầu vị tử đạo trái với lệnh truyền của vua.

10. NHỮNG CHUYỂN BIẾN.

Cha cố Colombert (Mỹ) làm chánh sở Cái Nhum, từ năm 1864 đến năm 1866, chính cha Colombert đã có công dời Nhà thờ và nhà phước về chỗ đang ở bây giờ.

Năm 1867, Cha Tournier (Cha Thu) thay thế Cha Colombert vừa được tuyển chọn lên chức Giám Mục phụ tá cho Đức Cha Michel. Cha Tournier ở mãi tại Cái Nhum cho đến khi qua đời ngày 02 tháng 07 năm 1906.

Cố Tournier chú tâm phát triển nhà Phước. Cha cũng khởi công xây cất Nhà thờ họ. Công trình kiến thiết do chính Cha Tournier với sự công tác của ít người bổn đạo thiện chí, do Ngài luyện tập thành thợ. Nhà thờ được xây cất trên nền cũ. Sự kiến thiết vừa ít tốn kém, vừa chắc chắn và được hoàn thành sau 10 năm xây dựng.

Năm 1897, chính Đức Cha Despierre thân hành đến làm phép trọng thể, Nhà thờ được dâng hiến kính Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Nhà thờ với kiểu xây cất đồ sộ, theo lối xây dựng của thời trung cổ. Tháp chuông thì tương tự như tháp của các toà lâu đài ngày xưa. Bên trong nhờ có vòm cao mà Nhà thờ xem ra cao hơn thực sự. Cửa sổ và cửa vòng cung thì theo kiểu Roma, có nhiều bàn thờ nhỏ dâng kính các thánh được đặt hai bên trong Nhà thờ.

Cha Tournier luôn luôn nêu gương lao động cần mẫn, khiêm tốn, kín đáo và âm thầm. Ngài quý trọng những kỷ vật, và nhờ Cha mà Họ đạo Cái Nhum còn bảo tồn được nhiều di vật cổ kính hơn các Họ đạo khác. Ngôi nhà Cha ở cũng là nhà mà Đức Cha Colombert đã ở trước. Nhà này được cất theo kiểu bản xứ, rất thấp nên Cha cơi thêm một tầng lầu.

11. DÒNG THẦY GIẢNG.

Trong lúc Cha Tournier cai quản họ đạo, thì vào khoảng năm 1870, Đức Giám Mục dự định xây một tiểu chủng viện tại Cái Nhum, vì địa phận có vài sở đất ở đấy. Linh Mục Duquesnay và kế tiếp là Linh Mục Ritter đảm trách.

Cha Ritter thấy cần tiếp tục tổ chức tông đồ giáo dân của Cha Pornot sáng khởi. Chính Cha Ritter đã biến đổi tổ chức nhỏ bé này trở nên dòng Thầy Giảng và hiện giờ là dòng Kitô Vua.

Tiểu chủng viện Cái Nhum biến thành dòng Thầy Giảng, một cơ hội thuận tiện cho mầm non ơn Thiên Triệu tại đây. Mặc dù ơn gọi làm Thầy Giảng để tham gia trực tiếp vào việc truyền bá Phúc Âm là đáng được khích lệ và rất đáng quý về mặt đức tin. Đáng tiếc, giới thanh niên không mấy hâm mộ.

Sau khi Cha Tournier qua đời (02.07.1906). Hội các Thầy Giảng mà Cha Ernest Hay š làm bề trên đã được chuyển từ An Đức (Mỹ Tho) về Cái Nhum, và Cha Henri Hay š là bào đệ của Cha Ernest Hay š, đảm trách họ đạo cho đến năm 1914. Khi cha Henri Hay š được chỉ định về Trà Vinh thì cha Đôminicô Cơ, Linh Mục bản xứ, thay thế để phụ trách họ đạo Cái Nhum.

Ngày 28.10.1919, vì Cha Cơ đau yếu phải về nhà hưu dưỡng tại Chí Hòa (Sài Gòn) nên Đức Cha Quipton đã chỉ định Cha Phaolô Thắng đến phục vụ Họ đạo Cái Nhum, và đồng thời cũng làm bề trên nhà phước.

Từ đó trở đi, Họ đạo Cái Nhum lúc nào cũng có chủ chăn ở cùng và hướng dẫn (xem danh sách các vị chủ chăn).

Giai Đoạn Hiện Nay

Sau năm 1975, cha Simon Lâm Thành Hòa đã được thuyên chuyển đến Cái Nhum. Ngài đã sống với giáo dân trong sự khó khăn về kinh tế lẫn việc thờ tự. Ngài đã lèo lái con thuyền họ đạo vượt qua mọi khó khăn.

Đất nước dần dần đổi mới, đời sống tôn giáo của người dân được dễ dàng. Tuy nhiên, giáo dân lại đứng trước một thử thách đức tin khác. Đó là sự cám dỗ của vật chất với xu hướng sống hưởng thụ, gây trở ngại không ít đến đời sống đức tin.

Rồi Cha Simon Hòa phải đau ốm suốt 7 năm, nên năm 2000 Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu đã gởi đến cho họ đạo một cha sở khác là cha Antôn Nguyễn Văn Lệ, để củng cố đời sống đức tin cho mọi người. Nhờ đó, giáo dân Cái Nhum có thể giữ vững đức tin trước những cám dỗ của vật chất và sức lôi cuốn của lối sống hưởng thụ.

Ưu tư hiện nay của cha Antôn là làm thế nào để đời sống đạo đức của họ đạo đi vào nề nếp, nhất là đời sống hôn nhân và việc tổ chức dạy giáo lý, sinh hoạt cho thiếu nhi và giới trẻ. Bên cạnh đó, đời sống vật chất của giáo dân còn nhiều khó khăn, ngài cũng đã lo cho nhiều gia đình nghèo có cái ăn, cái mặc và trẻ em được đến trường...

ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI.

Đoàn thể hóa Thiếu nhi.
- Lên danh sách tất cả thiếu nhi trong họ đạo từ 6t - 16t,
- Chia đội có Huynh trưởng phụ trách - có chỗ riêng trong nhà thờ,
- Chúa Nhật tất cả thiếu nhi đều có mặt (thiếu có người đến gọi),
- Sinh hoạt vui chơi: Chúa Nhật cuối tháng,

Học Giáo lý: các Chúa Nhật khác,
- Tới 8t: Rước lễ,
12t: Thêm Sức,
15t: Bao đồng,
16t: Dự bị Hôn nhân - giải phóng.

Những người trễ nải - rối.
- Lên danh sách,
- Phân công các hội đoàn thăm viếng, động viên,
- Giải quyết cho hết "bỏ Phục Sinh" và hết rối.

Lập nhóm họi hỏi Lời Chúa.

Cố gắng lập các nhóm đọc - học và chia sẻ Lời Chúa. Trước là trong các hội đoàn, vì xác tín là không có cách nào thay đổi được con người và tạo ra những người nhiệt thành, ngoài cách tiếp xúc với Lời Chúa.

Xây thêm phòng học Giáo lý.

PHỤ LỤC

I. CỔ VẬT.

  1. Tượng Chúa hạ xác.
  2. Tượng Đức Mẹ Ngà.
  3. Tượng Thánh Phanxicô Assisi.
  4. Những Thánh Tích của hai hánh Philipphê Minh và Giuse Lựu.
  5. Di hài 2 vị Đáng Kính Luy Ngò và Phêrô Dinh.

1. Di tích lịch sử của họ đạo.
a. Lăng mộ ông Nicolas Trần Công Lại.

Di Tích lịch sử Triều Vua Minh Mạng "Lăng quan Dinh Trung Trần Công Lại"

Vị trí: Trước nhà thờ Dòng Kitô Vua, bên cạnh quốc lộ 57. Có bia sơn son do vua Minh Mạng ra chỉ dụ và chịu phí tổn xây dựng lăng tẩm kính quan với một kích thước qui mô.

b. Lăng song Thân của quan Dinh Trung.

Vị trí: Phía sau nhà hưu dưỡng Dòng Kitô Vua, gần cái cống, quen gọi là "Cầu lăng" là cầu đúc nhỏ gần lăng mộ.

Lăng tẩm gồm hai phần mộ: Hình con qui là của thân phụ quan và hình ngư hóa long là của thân mẫu quan.

2. Cơ sở của họ đạo.

a. Cô nhi viện (cũ).

Từ năm 1891 đến năm 1906, đức cha Lefèbre (Ngãi) lập cô nhi viện và phân trách nhiệm cho các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum (xưa gọi là Nhà Phước) để chăm lo cho các em mồ côi và trao thửa ruộng để sản xuất lương thực nuôi sống các em nên gọi là "Đồng mồ côi", hiện người ta vẫn quen gọi tên nầy. Đó là khu vực sau lưng tượng đài "Nữ Vương Hòa Bình" (quen gọi là Đức Mẹ Lớn).

b. Nhà thờ hiện thời.

Nhà thờ hiện nay là nhà thờ thứ 5, được cha sở Giuse Nguyễn Văn Bạch tái thiết năm 1951, theo mẫu cũ mà Cha Tournier đã xây dựng năm 1886, tức là theo kiểu thức kiến trúc và nghệ thuật kiến trúc "Roman" với hình Hoành Lan (Transept).

  1. Tháp chuông mặt tiền nhà thờ cao 33m.
  2. Dài 50m, Rộng 16m (gian giữa 7m và 2 gian bên 9m)
  3. Mỗi bên hình Hoành Lan (Transept) rộng 4m50
  4. Tường cao 5m50
  5. Nóc cao 9m
  6. Sức chứa 1050 người
  7. 3 chuông lớn được dâng hiến trên một thế kỷ.

Nhà xứ được xây dựng năm 1919 do cha sở Phaolô Trần Công Thắng với tài cố vấn kiến trúc của linh mục Boismery, Bề trên dòng Kitô Vua, hoa văn trên trần nhà xứ là do sư huynh Laurent Hiển dòng Kitô Vua vẽ năm 1938, theo lối kiến trúc Pháp, nóc nhà hình quả trám (quen gọi là nóc nhà bánh ít) - Nhà có 2 tầng - kích thước: 14m x 18m - liền kế nhà xứ là nhà bếp.

c. Khu nhà Giáo lý.

Hai khu nhà đa dụng làm nhà khách và phòng dạy giáo lý, xây dựng năm 1994, kích thước 8m x 20m (bán kiên cố), do Cha Simon Lâm Thành Hòa.

d. Nhà chơi.

Một nhà tiền chế vừa là nơi vui chơi sinh hoạt, vừa làm nơi để xe, xây dựng năm 2002, kích thước 10m x 20m, do Cha Antôn Nguyễn Văn Lệ.

e. Nhà hưu dưỡng.

Một nhà dưỡng lão được xây dựng năm 2003 (bán kiên cố), kích thước 7,5m x 8,5m, do Cha Antôn Nguyễn Văn Lệ.

II. CÁC HỘI ĐOÀN.

          Các hội: Lêgiô, các Bà Mẹ, hội Têrêsa, ca đoàn.

      Các giới: giáo lý viên, huynh trưởng, thiếu nhi học Giáo Lý.

      Họ Đạo có: Hội Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Kitô Vua.

      Cơ sở vật chất và các hoạt động khác: hệ thống nước sạch cho dân sử dụng, nước uống cho không, 5 phòng học giáo lý, 8 đài Đức Mẹ ở các xóm giáo.

            Đất thuộc Nhà Thờ: Hiện còn 8 thửa đã có sổ đỏ, gồm diện tích tổng cộng: 40.665,1m2.

III. NHỮNG MỤC TỬ CỦA HỌ ĐẠO

STT

QUÝ DANH

NHIỆM KỲ

A. Linh Mục Dòng Phanxicô

1

José Garcia (thành lập Họ Đạo)

1731 – 1742

2

Emmanuel De Valdehermoso

1742 – 1747

3

François Hermosa

1749 –1750

4

P. Julien

1750 – 1752

5

Perdinco Denus

1752 – 1760

6

Ferdinanel Olmedilla

1765 – 1772

7

Didace De Jumilla

1772 – 1774

8

Odoric De Collodi (Odorico, Cố Phương)

1774 – 1786

9

Ferdinanel Demisa

1786 – 1789

B. Linh Mục Thừa Sai Paris

10

Mgr. Dominique Lefèbre (Ngãi)

Giám Mục tiên khởi Tây Đàng Trong,

trụ sở tại Cái Nhum

1836 – 1844

11

(Thánh) Phil. Phan Văn Minh

2 năm

12

Père Borelle (cố chính Hòa)

?

13

Phaolô Lượng

?

14

Lôrensô Lân

?

15

Gioan Thiền

?

16

Isidore Colombert (Mỹ)

Dời Nhà Thờ từ Rạch Chanh về nơi hiện nay

1864 – 1866

17

Charles Tournier (Carôlô Thu)

Xây Nhà Thờ bằng gạch, lợp ngói móc, năm 1886, kiểu Roman

1867 – 1906

 

J.M. Fougeron

1875 – 1876

 

Phêrô Quờn

Nt

 

G. Ritter (Giáo)

Nt

 

Simon Đường

1876 – 1877

 

Le Vincent

Nt

 

Eugène Faron

Nt

 

J. Poinat

Nt

 

Jean Bte Dukernay (Nhơn)

1877 – 1878

 

Luc Colson

Nt

 

M. Brillet

Nt

 

Lucien Mossard (Mão)

Nt

 

J. M. Bình

1878 – 1879

 

Anrê Bữu

1879 – 1880

 

Hammo

Nt

 

J. Prodhomme

Nt

 

Tôma Nguyễn Vi Sâm

1880 – 1882

 

G. Laurent

Nt

 

Martin

Nt

 

Francis Grelet

1882 – 1904

 

JH. Génibrel

Nt

 

Tôma Nguyễn Khoa Thi

1904 – 1905

 

Félix Trình

Nt

 

Phaolô Trần Hiếu Ngãi

1905 – 1906

18

Henri Hay (Tài)

1906 – 1908

19

Ernest Hays (Hay)

1908 – 1916

F.X. Trần Văn Vàng

1912 – 1913

Simon Nguyễn Văn Sang

Nt

C. Linh Mục Việt Nam

20

Đôminicô Nguyễn Tri Cơ

1916 – 1919

Phêrô Nguyễn Tri Luật

Nt

Gioakim Nguyễn Văn Tứ

Nt

21

Phaolô Trần Công Thắng

1919 – 1939

 

Gabriel Phan Văn Thọ

1919 – 1929

 

Giuse Nguyễn Bá Hưng

Nt

 

Giacôbê Nguyễn Ca Các

Nt

 

Anrê Lê Văn Quyền

Nt

 

Carôlô Lê Văn Mười

Nt

 

Phanxicô Nguyễn Văn Nhơn

1929 – 1930

 

F. X. Trần Thanh Khâm

Nt

 

Carôlô Lê Hiển Nhơn

1931 – 1932

 

Marcô Nguyễn Minh Châu

1934 – 1936

 

Tađêô Võ Văn Nam

1937 – 1938

 

Giuse Nguyễn Văn Giỏi

1938 – 1939

22

Gioakim Đặng Phước Thiên

1939 – 1940

23

Gioan Bta Lê Quang Triêu

1940 – 1943

 

Phêrô Lê Văn Tý

1942 – 1945

24

Gioan Bta Nguyễn Linh Nhạn

1944 – 1948

 

Micae Lê Văn Sanh

Nt

25

ĐGM Phêrô Ngô Đình Thục

Lần 1: 10 tháng 9 ngày

Lần 2: Cái Nhum thành Nhà Thờ Chánh Tòa

 

11.05.1945

20.03.1946

 

Phêrô Nguyễn Văn Chính

1945 – 1947

 

Anrê Lê Văn Năm (Lê Hiển Nam)

Nt

 

Phaolô Lê Văn Linh

1947 – 1949

26

Giuse Nguyễn Văn Bạch

Tái thiết Thánh Đường như hiện nay. Lập tháp kỷ niệm Toàn Xá 1951.  Núi Đức Mẹ. Đồi Calvê

1948 – 1953

27

F. X. Nguyễn Văn Binh

1953 – 1954

28

Eusêbiô Nguyễn Văn Thới

Về Cái Nhum 2 lần. Lần 1: 1953 – 1955

Lần 2: 1956 – 1958

 

29

Phêrô Phan Ngọc Đức

Lập đài kính Nữ Vương Hòa Bình – 14.12.1958

1958 – 1960

30

Giacôbê Trần Văn Quyển

1960 – 1961

 

Gioakim Nguyễn Văn Tân

Nt

31

Phaolô Nguyễn Văn Mừng

1961 – 1964

32

Phêrô Trần Hữu Dư

Lập tháp kỷ niệm Năm Đức Tin, 4 giáo điểm và 7 đài Kính Đức Mẹ ở các xóm giáo

1964 – 1975

 

Phaolô Lê Quang Chỉnh

1969 – 1970

 

Alphongsô Nguyễn Ngọc Trân

Nt

 

Phêrô Nguyễn Văn Thứ

1971 – 1972

 

Giuse Hoàng Kim Đại

1972 – 1976

 

Tôma Nguyễn Văn Lễ

1974 – 1975

33

Simon Lâm Thành Hòa

Tu sửa Thánh Đường, xây dựng 2 nhà đa dụng

1975 – 2000

 

Phêrô Nguyễn Văn Đỗ

1975

 

Giuse Nguyễn Văn Thượng

1978 – 1994

 

Giacôbê Nguyễn Văn Tươi

1994 – 2000

34

Antôn Nguyễn Văn Lệ

Tái tu sửa Thánh Đường, tạo khu vui chơi thiếu nhi, nơi tịnh dưỡng cho người già yếu và xây dựng đời sống đức tin cho giáo dân

2000 – 2009

 

Giuse Trần Văn Huynh

2001 – 2011

 

Phêrô Nguyễn Văn Đẹp

2003 – …

 

Carôlô Đặng Đăng Nguyên

2007 – 2009

35

Gioan Phạm Hữu Diện

Tôn tạo lại cảnh quan Nhà Thờ với một khuôn viên lịch sự và khang trang có tường rào cao ráo, đặt mười bốn chặng đàng Thánh giá, sửa sang lại trong ngoài Nhà Thờ và thay bàn thờ đá.

Sửa lại Nhà Xứ, chỉnh trang lại Đất Thánh và xây dựng lễ đài để dâng lễ vào Tháng Các Đẳng.

2009 – …

 

Lôrensô Nguyễn Thanh Dũng

2009 – 2011

 

Phaolô Lê Hoàng Vũ

2009 – …

 

Giuse Cao Minh Hoà

2011 – …

IV. NHỮNG LINH MỤC SINH QUÁN CÁI NHUM

STT

QUÝ DANH

SINH

CHỊU CHỨC

1

Lôrensô  Lân

?

?

2

Cha Tùng (Chết 1863)

?

?

3

Tôma Nguyễn Vi Sâm

1850

1880

4

Simon Nguyễn Công Chánh

1861

1896

5

Phêrô Nguyễn Văn Vàng

?

?

6

F.X. Trần Văn Vàng

1878

?

7

Phêrô Nguyễn Trung Ngôn

1885

1914

8

Philipphê Ng. Trung Quang

?

?

9

Phaolô Nguyễn Trung Diên

1912

1939

10

Tađêô Nguyễn Văn Thiềng

1914

1941

11

Phêrô Trần Phúc An

1921

1950

12

Giacôbê Tô Đức Bạch

1923

1953

13

Raphae Nguyễn Văn Diệp

1926

8.12.1954

Gm: 15.8.1975

14

Gioan Bta Dương Văn Oai

1935

1962

15

Herménégilde Ng. Văn Hiệu

1906

1965

16

Gioan Kim Khẩu Trì Công Vị

?

14.05.1968

17

Carôlô Nguyễn Văn Bá

1943

13.03.1976

18

Gioan Bta Lê Đình Bạch

1958

30.06.1994

19

F.X. Lê Quang Dũng

1963

18.06.1996

20

Phêrô Nguyễn Văn Đẹp

1961

18.06.1996

21

Phaolô Lê Văn Nhẫn

1966

27.10.1999

22

Gioan Bta Nguyễn Thành Bảo

1976

01.07.2004

23

Gioan Bta Nguyễn Tri Tài

 

 

24

Micae Nguyễn Hà Thiện Tâm

1977

29.6.2007

V. NHỮNG LINH MỤC DÒNGKITÔ VUA

STT

QUÝ DANH

SINH

CHỊU CHỨC

1

Micae Nguyễn Văn Lực

1905

1953

2

Éphrem Nguyễn Văn Liễu

1915

1963

3

Herménégilde Ng. Văn Hiệu

1906

1965

4

Henri Nguyễn Văn Phán

1905

1965

5

Benard Trương Vĩnh  Thiện

4.1.1941

13.3.1976

6

Colomban Nguyễn Công Ngự

1918

1992

7941    22-02-2011 10:38:41