Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Họ Đạo Chợ Lách

z518397163458837ee24d10e4f256774093d00c847d8f0
Địa chỉ:
 Thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre

Bổn mạng: Tổng Lãnh Thiên Thần Micae (29/9)

Chầu lượt: CN II Mùa Chay

Số giáo dân: 752

Năm thành lập: 1930

Giờ lễ

Chúa nhật: 05g30; 16g00

Ngày thường: 05g30

Linh mục Chánh sở: Lôrensô Nguyễn Thanh Dũng

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

I. THANH LẬP HỌ ĐẠO VÀ XÂY DỰNG NHÀ THỜ

1. Giai đoạn sơ khai

Trước năm 1930, Dòng Thầy Giảng ở Cái nhum đến lập một nhà dạy bằng lá tại bờ kinh Chợ Lách, thuộc làng Sơn Định, như một địa điểm truyền giáo, nhưng công việc truyền giáo chưa phát triển. Trong thời gian này có một số gia đình Công giáo từ các nơi khác đến sinh sống hoặc làm việc tại các công sở và một số Nữ tu dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum đến làm việc tại nhà thương Chợ Lách.

2. Ngày chính thức thành lập Họ Đạo

Năm 1930, ông Michel Nguyễn Hữu Mỹ, quê quán tại Bến Tre, làm tri phủ huyện Chợ Lách, ngoài công việc hành chánh, kiến thiết công sở, bệnh viện, trường học, nhà mồ côi, nhà dưỡng lão… Ông đã cùng với Cha sở Họ Cái Nhum là Linh Mục Phaolô Trần Công Thắng đứng ra xây dựng ngôi Nhà Thờ đầu tiên của Họ Đạo theo kiểu gothique, với một tháp chuông ngay trước cửa chính, cao khoảng 20m (trên nền Nhà Thờ hiện nay).

Ngày 29/9/1930, lễ kính Tổng lãnh Thiên Thần Micae, Đức Giám Mục Sài Gòn là Đức Cha Isidore Đượm (tên thật là Dumortier) đã đến chủ tọa lễ khánh thành Nhà Thờ. Sau khi làm phép Nhà Thờ và tháp chuông, ngài đã làm phép hai tượng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, một tượng đặt trước tháp chuông.

Họ Đạo Chợ Lách được chính thức thành lập và trở thành Họ nhánh của Họ Đạo Cái Nhum, nhận tổng lãnh Thiên Thần Micae làm bổn mạng Nhà Thờ.

Ngày lễ khánh thành được tổ chức rất long trọng và vui vẻ. Nhiều người từ các nơi tới dự tiệc đặc biệt là gia đình ông Nguyễn Văn Cẩm, người đã hiến đất để xây dựng Nhà Thờ và làm Đất Thánh.

3. Xây dựng Nhà Thờ thứ hai

   Vào năm 1970, ngôi Nhà Thờ đầu tiên đã xuống cấp, Linh Mục Phêrô Trần Hữu Dư đã cùng với quý chức và giáo dân xây dựng lại ngôi Nhà Thờ mới ngay trên nền ngôi Nhà Thờ cũ. Khi xây dựng Nhà Thờ có nhiều người không Công giáo đến phụ giúp.

II. HOẠT ĐỘNG SAU NGÀY THÀNH LẬP

1. Lớp giáo lý

Sau ngày khánh thành Nhà Thờ, nhiều người xin nhập đạo. Thầy Antôn Nguyễn Tri Thiên, là Đại Chủng sinh, quê quán tại Họ Cái Tắc, được mời đến để dạy lớp giáo lý đầu tiên. Vì chưa kịp xây dựng trường học, nên thầy Thiên dạy giáo lý ngay trong Nhà Thờ vào mỗi buổi chiều.

Thầy Thiên dạy một thời gian rồi bị bệnh. Thầy chết tại Chợ Lách và chôn tại Cái Tắc. Thầy Herménégilde Nguyễn Văn Hiệu, dòng thầy giảng Cái Nhum được mời đến dạy tiếp tục (năm 1950, dòng thầy giảng Cái Nhum đổi thành DòngKitô Vua  Cái Nhum).

Ngày 25 và ngày 29/9/1931, lễ kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, bổn mạng của Nhà Thờ, kỷ niệm một năm ngày thành lập Họ Đạo, nhiều gia đình được lãnh bí tích Rửa tội và Hôn phối.

2. Thánh Lễ

Mỗi ngày Chúa nhật, các Linh Mục ở Họ Đạo Cái Nhum lên dâng lễ. Thỉnh thoảng có các Linh Mục phó đến ở hẳn cả tháng để dâng lễ hằng ngày và dạy giáo lý, đặc biệt là giáo lý Thêm Sức, như Linh Mục Phêrô Lê Văn Tý, Phêrô Nguyễn Văn Chính … Đầu năm 1946, khi Đức Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục về tạm trú tại Họ Cái Nhum, ngài đã đến dâng lễ nhiều ngày Chúa nhật.

3. Núi Đức Mẹ

Để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, ông Michel Mỹ và Linh Mục Phaolô Thắng đã xây dựng một núi Đức Mẹ trước sân Nhà Thờ về phía Nam. Mỗi ngày vào chiều tối, có một số giáo dân đến trước núi Đức Mẹ đọc kinh cầu nguyện. Thời Đức Giám Mục Raphae Nguyễn Văn Diệp và Linh Mục Tađêô Thiện quê quán tại Họ Cái Nhum, còn là Chủng sinh, các Chủng sinh Họ Cái Nhum thường có thói quen mỗi dịp nghỉ hè, đều đến hành hương một ngày trước núi Đức Mẹ để xin ơn bền đỗ trong ơn kêu gọi.

Khoảng năm 1967, núi Đức Mẹ bị hư hại, Linh Mục Phêrô Dư đã dựng tượng Đức Mẹ Fatima trước cổng vào Nhà Thờ (nơi cây tùng hiện nay).

4. Nhà hát

Ông Michel Mỹ đã xây dựng một Nhà hát trong sân Nhà Thờ về phía bắc để cho giới trẻ sinh hoạt về văn hóa và tôn giáo. Ông thường tổ chức tuồng hát. Vào dịp lễ mừng Chúa Giáng Sinh, có các Thiên Thần bảo … ban Thánh ca cũng thường tập hát tại đây. Phía trước nhà hát là sân tennis.

III. HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ

Giáo Hội luôn luôn quan tâm đến việc giáo dục đức tin và văn hóa. Vì thế, sau khi khánh thành Nhà Thờ, Linh Mục Phaolô Thắng đã cho xây dựng một trường học bằng lá, gồm hai lớp ở phía đông nam Nhà Thờ. Các Nữ tu dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum được mời đến dạy văn hóa và giáo lý. Trước năm 1947, ngôi trường bị hư hại. Ông từ Micae Đỗ Văn Thống đã làm nhà trên nền trường.

Khoảng 1950, dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum đã xây dựng một trường sơ cấp ở phía đông bắc Nhà Thờ. Sau năm 1975, nhà nước mượn làm nhà trẻ và hợp tác xã dệt chiếu. Năm 1990, nhà nước trả lại toàn bộ dãy nhà trên đây theo hợp đồng.

Năm 1969, Linh Mục Phêrô Trần Hữu Dư đã xây dựng trường Trung học Nguyễn Trường Tộ, sau đổi là trường Thánh Mỹ Sơn (St. Michel), ở phía đông nam Nhà Thờ. Sau năm 1975 nhà nước mượn làm trường mẫu giáo cho đến ngày nay.

IV. ĐẤT THÁNH VÀ XÓM ĐẠO ĐẦU TIÊN

Khu Đất Thánh rộng năm công ở phía đông Nhà Thờ. Từ năm 1930 – 1947, có nhiều gia đình sinh sống chung quanh khu Đất Thánh và lập thành một xóm đạo.

V. SỐ GIÁO DÂN VÀ QUỚI CHỨC

Số giáo dân thay đổi tùy theo thời kỳ.

Thời gian

Gia đình

Số người

Quý chức

1930 – 1947

30

120

3

1947 – 1950

6

20

2

1950 – 1975

40

150

4

1975 – 1980

59

348

4

1980 – 1990

91

468

5 + 4

1990 – 1995

97

331

6 + 4

VI. TÌNH HÌNH SỐNG ĐẠO CỦA GIÁO DÂN QUA CÁC THỜI KỲ

1. Từ năm 1930 – 1947

Sau ngày khánh thành Nhà Thờ, Họ Đạo chính thức được thành lập, tinh thần sống đạo của giáo dân lên cao, việc đọc kinh, dự lễ, các lớp giáo lý sinh hoạt đều, nhiều người xin gia nhập đạo.

2. Từ 1947 – 1950

Chiến tranh bùng nổ, xóm đạo sống chung quanh Đất Thánh tự động di chuyển đi nơi khác. Thời gian “gom đạo”, Nhà Thờ bị chiếm đóng. Mọi hoạt động đều ngưng trệ. Các Linh Mục không được đến dâng lễ, ngày Chúa nhật, một số giáo dân phải đến Nhà Thờ Cái Nhum dự lễ. Tinh thần giáo dân bị thử thách. Nhiều người lo sợ và có một số người xa lìa Giáo Hội.

Khi tình hình ổn định, Đức Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục đã đến làm phép Nhà Thờ lần thứ hai.

3. Từ 1950 – 1975

Sinh hoạt tôn giáo trở lại bình thường. Các hội đoàn được tổ chức: hội Phạt Tạ, hội Legio Mariae, thiếu nhi Thánh Thể … Số giáo dân tăng dần. Việc đọc kinh liên gia được tổ chức. Ngày lễ mừng Chúa Giáng Sinh được tổ chức long trọng. Việc rước kiệu Chúa Hài Đồng từ Họ Cái Nhum lên Chợ Lách đã làm cho nhiều người lên tinh thần.

4. Từ 1975 – 1990

Chiến tranh chấm dứt, nhiều gia đình trở về quê cũ. Các hội đoàn ngưng hoạt động. Tượng Đức Mẹ ở trước sân Nhà Thờ bị gẫy hai bàn tay, đã phải dời xuống để sửa chữa. Tinh thần giáo dân không ổn định.

Ngày 15.8.1976, Linh Mục Phó Xứ Cái Nhum là Giuse Hoàng Kim Đại được Đức Giám Mục cử làm chánh sở Họ Chợ Lách. Tinh thần giáo dân được nâng đỡ. Các lớp giáo lý, các lớp bồi dưỡng về Kinh Thánh và Công đồng Vaticanô II được tổ chức và đặc biệt là Sắc lệnh Tông đồ giáo dân; nhờ đó, một số người đã ý thức nhiệm vụ Tông đồ trong môi trường của mình. Tinh thần phục vụ lên cao.

Từ năm 1977 đến nay, hằng năm vào dịp lễ mừng Chúa Giáng Sinh thường có hoạt cảnh. Trong dịp này tinh thần của giáo dân được nâng cao, và nhiều người không Công giáo cũng đến tham dự vui vẻ.

Ngày 27/8/1989, Đức Giám Mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu về thăm và ban bí tích Thêm Sức cho 62 người. Tinh thần giáo dân được khích lệ rất nhiều.

5. Từ 1990 – 1995

Từ năm 1990, Họ Đạo chia làm 5 xóm, như ngôi sao 5 cánh, lấy Nhà Thờ làm trung tâm. Ban quý chức được cũng cố, hai tuần họp một lần sau Chúa nhật lễ sáng. Sau thời gian học tập về Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân và hai sách giáo lý sơ cấp và trung cấp do Linh Mục Chánh Sở biên soạn, quý chức đã cùng với Linh Mục chánh sở quyết tâm xây dựng Họ Đạo theo nếp sống cộng đồng và huynh đệ, mọi người sẽ quan tâm đến nhau cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Tuy nhiên, vì tình hình kinh tế chung quá khó khăn, nên nhiều người đã phải tha phương cầu thực. Số giáo dân giảm.

Năm 1994, năm quốc tế gia đình, Linh Mục Chánh Sở đã biên soạn tài liệu hướng dẫn: Cầu Nguyện, Lắng Nghe, Chia Sẻ và Thực Hành Lời Chúa để giúp giáo dân biết lắng nghe Lời Chúa trong khi cầu nguyện. Nhờ tài liệu này, một số người đã thường xuyên lắng nghe Lời Chúa để xây dựng gia đình hạnh phúc và tích cực tham gia vào công việc Tông đồ.

Đầu năm 1995, Họ Đạo chuẩn bị mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Họ Đạo, bắt đầu bước sang một giai đoạn mới. Nhiều người đã phấn khởi và tích cực tham gia vào việc trang trí trong Nhà Thờ và trước sân Nhà Thờ cho sạch đẹp. Đồng thời đi vận động mọi người đến dự Thánh Lễ tạ ơn sẽ tổ chức vào ngày 29.9.1995, lễ kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, bổn mạng của Nhà Thờ.

6. Từ 2011 – Nay

Ngày 30/9/2011, Cha Laurensô Nguyễn Thanh Dũng được Đức Cha Tôma bổ nhiệm làm Cha Sở Họ Chợ Lách và Thới Lộc.

Khi mới lãnh nhiệm, Cha Laurensô tập trung củng cố đời sống đạo cho mọi người như ban quới chức, cổ võ việc đạo đức bình dân.

Cha cũng quan tâm chỉnh trang lại khuôn viên Nhà Thờ cho khang trang và thoáng mát. Với tinh thần của một Linh Mục trẻ năng động và nhiệt huyết, cha đã giúp bà con giáo dân củng cố niềm tin và thực hành sống đạo cách sốt sắng hơn và năng động hơn.

VI. CÁC LINH MỤC PHỤ TRÁCH HỌ ĐẠO

1. Từ 1930 – 1976

Họ Chợ Lách là họ nhánh của Họ Cái Nhum.

Các Linh Mục Họ Đạo Cái Nhum kiêm nhiệm:

LM chánh

LM phó

Quý danh

Năm phụ trách

1

 

Phaolô Trần Công Thắng

1930 – 1939

 

1

Phanxicô Trần Thanh Khâm

1930 – 1931

 

2

Phanxicô Lê Hiển Nhơn

1932 – 1933

 

3

Marcô Nguyễn Minh Châu

1934 – 1936

 

4

Tađêô Võ Văn Nam

1937 – 1938

 

5

Giuse Nguyễn Ngọc Giỏi

1938 – 1939

2

 

Gioakim Đặng Phước Thiên

1939 – 1940

3

 

Gioan Baotixita Lê Quang Triêu

1941 – 1943

 

6

Phêrô Lê Văn Tý

1941

 

7

Anrê Lê Hiển Nam

1943 – 1945, 1948

4

 

Gioan Baotixita Nguyễn Linh Nhạn

1944 – 1945, 1948

 

8

Micae Lê Văn Sanh

1945

 

9

Phêrô Nguyễn Văn Chánh

1946 – 1948

 

10

Phêrô Lê Văn Linh

1949

5

 

Giuse Nguyễn Văn Bạch

1949 – 1952

6

 

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Binh

1953

7

 

Eusebio Nguyễn Văn Thới

1953 – 1954, 1956 - 1958

 

 

Giacôbê Lê Quang Bạch đến nghỉ hưu. Ngài chết và chôn tại sân Nhà Thờ

 

8

 

Phêrô Phan Ngọc Đức

1958 - 1960

 

 

Michel Nguyễn Văn Lực

DòngKitô Vua

 

9

 

Giacôbê Trần Văn Quyển

1960 – 1961

 

11

Gioakim Nguyễn Văn Tân

1960 – 1961

10

 

Phaolô Nguyễn Văn Mừng

1962 – 1964

 

 

Herménégilde Nguyễn Văn Hiệu

DòngKitô Vua

 

11

 

Phêrô Trần Hữu Dư

1964 – 1975

 

12

Phaolô Lê Quang Chỉnh

1964 – 1970

 

13

Anphongsô Nguyễn Ngọc Trân

1969 – 1970

 

14

Phêrô Nguyễn Văn Thứ

1971 – 1972

 

15

Giuse Hoàng Kim Đại

1972 – 1976

 

16

Tôma Nguyễn Văn Lễ

1974 – 1975

12

 

Simon Lâm Thành Hòa

1975 – 1976

2. Từ 1976 – 1995

Họ Chợ Lách tách khỏi Họ Cái Nhum.

VII. CÁC TU SĨ QUÊ QUÁN TẠI CHỢ LÁCH

1. Anna Nguyễn Thị Giáo: Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán

2. Phêrô Trần Văn Nghĩa: Đại Chủng viện Cần Thơ (Linh Mục 2003).

VIII. VIỆC XÂY DỰNG VÀ SỬA CHỮA CƠ SỞ VẬT CHẤT

Năm 1988 nhân dịp lễ phong 117 vị Thánh tử đạo Việt Nam, Họ Đạo đã sửa chữa và trang trí lại trong Nhà Thờ và treo 14 chặng đàng Thánh giá.

Ngày 15/8/1989, dịp lễ kính Đức Maria Lên Trời, Họ Đạo đã dời trụ và đặt tượng Đức Mẹ lên, hướng về phía Bắc, dưới chân tượng Đức Mẹ có hai dòng chữ: “Người mẹ hiền khiêm nhu” và “Người cộng tác trổi vượt”. Đồng thời xây dựng hoa viên người Mẹ hiền trước sân Nhà Thờ.

 Năm 1990, Họ Đạo xây dựng bức tường phía Nam Nhà Thờ và sửa chữa hàng rào phía Tây, trước cửa Nhà Thờ.

3847    22-02-2011 15:44:48