Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Họ Đạo Cổ Chiên

z51120041947347759fdcab520787b7b2a4dc467071caa

Địa chỉ: 

Bổn mạng: 

Chầu lượt: CN III Mùa Chay

Số giáo dân: 3.483

Năm thành lập:

Giờ lễ:   
Chúa nhật:   04g30 ;  08g00          

Ngày thường: 04g30 ; Thứ 5,7: 17g00

Linh mục Chánh sở: Phêrô Nguyễn Trung Kiên

Linh mục Phụ tá: GBt Nguyễn Anh Khoa

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO 

"Anh em tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn" (Mt 5,17). Lịch sử là bài học cao quí của mọi lẽ khôn ngoan trên đời. Người xưa có câu: "Ôn cố tri tân". Nay Giáo Phận Vĩnh Long tìm về lịch sử các họ đạo, để mọi thành phần Giáo hội nói chung và Giáo phận nói riêng học nơi người xưa, để biết sống ngày nay và xây dựng tương lai.

Tuy nhiên, tìm hiểu lịch sử cổ xưa của một công trình đã khó khăn , nay tìm hiểu lịch sử hình thành của một họ đạo lại càng khó khăn hơn. Bởi lẽ, họ đạo không phải chuyên là những cơ quan hành chánh có kế toán, thống kê, văn khố, lưu trữ hồ sơ...Chứng từ duy nhất chỉ là sổ Rửa tội. Nhưng đôi khi sổ sách cũng bị thất lạc do chiến tranh, hỏa hoạn hoặc nhiều nơi chưa có cha sở...

GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN.

Họ đạo Cổ Chiên không nằm ngoài quy luật trên. Nơi đây còn do hoàn cảnh đặc thù nhất định là một vùng Cù Lao, tựa một hòn đảo nhỏ, xưa nay gọi là Cù Lao Long Hòa. Khoảng 10 năm trở lại đây Cù Lao này đã tách thành hai xã: Long Hòa và Hòa Minh.

Diện tích chung khoảng 90 km2, chiều dài 30 km, chiều ngang 3 km; dân số chung khoảng 27000 nhân khẩu. Kinh tế chủ yếu bằng nghề nông, trồng lúa một vụ nước ngọt vào mùa mưa; 5 năm nay chuyển sang nuôi trồng thủy sản: tôm, cua. Tuy nhiên cuộc sống của người dân đầy bất trắc, rủi ro

Chứng từ hình thành họ đạo Cổ Chiên lần theo lịch sử xã hội.

Được biết một thời Vua Gia Long đã chạy trốn nhà Tây Sơn về đây. Di tích độc nhất tồn tại, "cái giếng vua Gia Long" nay đã lạn, nhưng người dân vẫn bảo tồn Di tích cổ đã được ghi chép trong sách "Gia Long tẩu quốc".

Tương truyền rằng: rời bỏ Cù Lao Long Hòa, vua Gia Long qua cửa biển Mỹ Long, rồi rong rủi vùng Hà Tiên. Hàng năm bà con cư dân ghi nhớ ơn vua và hoàng tộc nên lập đàn cúng tế: Khua chiêng, đánh mỏ vang dậy; đuổi tà ma, thú dữ và cầu phúc, nên còn lưu danh Cổ Chiêng, đọc trại thành Cổ Chiên. Từ đó trên bản đồ Địa lý có cửa Cổ Chiên là một trong chín cửa sông Cửu Long.

Ngoài ra, dựa vào chứng từ của các vị tiền bối còn sống minh mẫn, sáng suốt như: Bà Maria Nguyễn Thị Điệp, sinh năm 1907, mừng thọ 100. Cha mẹ bà đã sinh ra và đưa con tới Nhà thờ Họ chịu phép thánh tẩy nơi đây. Xưa kia Nhà thờ bằng tre lá, nằm ngoài vị trí Nhà thờ hiện nay. Do đó, tính thời điểm vua Gia Long tẩu quốc và đời cha mẹ sinh con và rửa tội bà Maria Điệp, Họ đạo Cổ Chiên hình thành khoảng cuối thế kỷ 19. Và một chứng từ đáng tin cậy khác: cha Matthêu Xuân năm nay khoảng 83 tuổi, cha sở đương nhiệm họ đạo Giồng Lớn, người Vĩnh Kim kể: Nhà thờ Cổ Chiên được xây dựng năm 1916 sau Vĩnh Kim một hay hai năm do hai cha thừa sai David quản nhiệm, qua lại dâng Thánh Lễ Chúa nhật rồi về Vĩnh Kim. Như vậy họ đạo Cổ Chiên thời ấy là họ nhánh của Vĩnh Kim. Tới nay đã qua nhiều đời các cha sở như: cha Giacôbê Tỏ, cha Phaolô Nghiệm, cha Bernard Khả, cha GBt Truyền, cha Phêrô Chính, cha Phaolô Đoán, cha Anrê Binh.

Đời cha sở tiền nhiệm Anrê Binh. Tôi được biết có các cha phó: cha Phêrô Liêm, cha Philipphê Thường. Ngoài ra từ họ đạo mẹ đẻ ra họ đạo con là nhà dạy Rạch Giồng và Bà Tùng. Nay Rạch Giồng được tách thành Họ đạo Rạch Giồng, xã Long Hòa, có cha sở riêng và Nhà thờ Bà Tùng trực thuộc Họ đạo Cổ Chiên. Nhà thờ Cổ Chiên còn gọi là Nhà thờ Hòa Minh. Theo cộng đoàn dân cư trong và ngoài họ đạo, do vị trí nằm trong xã Hòa Minh về phía Đông cách thị xã Trà Vinh 15km, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Số giáo dân hiện xê dịch chừng 3000 người, trên 13000 dân số xã. Ngoài Nhà thờ lá thời khai hoang, chuyển sang Nhà thờ kiên cố, nay là Nhà thờ thứ hai. Nhà thờ thứ nhất bị thiêu hủy thời Việt Minh, chiếm đóng năm 1945, đã mở "đường máu" thoát vòng vây của quân viễn chinh Pháp và máy bay phát hiện, cùng với dựa lúa đồ sộ nhất thời Địa Phận Nam Kỳ lúc bấy giờ, và nhà xứ, nhà sàn cùng chung số phận thời cha sở Giacôbê Tỏ. Sau đó cha con khăn gối tản cư lên Trà Vinh lánh nạn.

Năm 1947 cha Phêrô Nghiệm được bổ nhiệm về thay thế cha Giacôbê Tỏ. Nhà thờ cũ chỉ còn đống tro tàn, trên nền hoang phế, giống thời hai câu thơ hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, phế tích lâu đài bóng tịch xưa". Cha sở mới dựng lại ngôi Nhà thờ lá. Mãi năm 1958 cha sở Bernard Khả xây dựng ngôi Nhà thờ mới còn dang dỡ, ngài đổi đi. Năm 1960, cha Gioan Truyền về tiếp tục xây lầu hát. Sau đó cha Phêrô Chính về được một năm, 1967 cha Phaolô Đoán về thay thế. Đến năm 1976 đi cải tạo. Trải dài thời cha Anrê Binh trong "dầu sôi lửa bỏng", qua 28 năm chật vật đến ngày nghỉ hưu. Ngài cho lót gạch bông trong Nhà thờ, trong hoàn cảnh già yếu, ngài được cha phó Philipphê Nguyễn Như Thường tích cực cộng tác trong việc vực dậy và gìn giữ họ đạo. Cha Augustinô Nguyễn Sơn Đoài và cha phó Giuse Bùi Đặng Đăng Khoa được bổ nhiệm về thay cùng một ngày 6/10/2005, tiếp tục công trình mặt tiền Nhà thờ và tháp chuông, hoàn thành tháng 5/2007 như hiện nay.

CƠ SỞ VẬT CHẤT.

Khi Nhà thờ bị đốt cháy cùng số phận hai dựa lúa khổng lồ với hàng chục ngàn dạ lúa cũng bị ra tro. Trong đó đa số lúa của hội giảng Sài Gòn xuống thu; nay đã trở về tay không. Cở sở vật chất hiện là nhà xứ, nhà Dì và nhà giáo lý 3 phòng (8mx8m) đang xây dựng; khuôn viên Nhà thờ rộng 21000m2.

HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ.

  1. Ban Quới chức có 1 ông trùm, 2 ông câu, 26 ông biện. Lễ thánh hóa sáng thứ sáu
  2. Ca đoàn 3 (lễ I, II, III), ca trưởng: giáo dân, giáo viên mẫu giáo.
  3. Hội Legio: 2 Praesidia (Senior, Junior)- lễ thánh hóa thứ bảy
  4. Hội Thánh Nhi: thánh lễ sáng mỗi ngày, giáo lý, thể dục buổi sáng, sinh hoạt; đặc biệt lễ thánh hóa truyền giáo sáng thứ năm.
  5. Hội Thiện Tử (điều lệ, nội qui riêng, đóng niên liễm, cung cấp hòm, tẩn liệm, màn tang, xe tang, đưa rước xác do đạo tỳ chủ động); nhóm đạo tỳ 21 người, khỏe mạnh, tự nguyện, đạo đức, đồng phục.
  6. Các giới: Gia trưởng, lễ thánh hóa sáng thứ tư; Hiền mẫu lễ thánh hóa sáng thứ bảy; có tĩnh tâm mùa chay hai giới này.

HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN, BÁC ÁI.

Cấp học bỗng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cấp xe đạp, phát tập viết học sinh đầu năm học, phát gạo, hàng tiêu dùng khoảng 100 hộ nghèo, trong đó 25 hộ không Công giáo; khám phát thuốc bệnh mắt 700 người, người lương chiếm 2/3 và đưa đi trung tâm chuyên khoa phẫu thuật mắt TPHCM theo BS quyết định, mọi chi phí do nhà hảo tâm tài trợ; tổ vay quỹ tín dụng làm kinh tế nhỏ, giáo dục, động viên tham gia công trình phúc lợi: cầu, đường, giao thông nông thôn, nhà máy nước tinh khiết phục vụ cộng đồng dân cư tự nguyện.

ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI.

Xây dựng thêm cơ sở vật chất, đủ phòng cho 6 lớp giáo lý. Xây dựng đời sống, tinh thần sống đạo, sống đức tin, tinh thần bác ái, phục vụ và hướng dẫn mô hình phát triển kinh tế nông thôn.

6183    06-08-2011 08:34:46