Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Họ Đạo Mỹ Thuận

z49308211472177e0e629eb1e4b573743e8e1ed6127892
Địa chỉ: 147 ấp Mỹ Thuận, Phường Tân Hội, Tp Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Bổn mạng: 

Chầu lượt: CN XXX Thường niên

Số giáo dân: 278

Năm thành lập:

Giờ lễ

Chúa nhật:      06g00 ; 17g00

Ngày thường: 05g30;   17g00

Linh mục Chánh sở: Giacôbê Mai Văn Hiền

Linh mục Phụ tá: Phêrô Phạm Đức Thanh

                            Phêrô Phạm Xuân Lộc 

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

1. Nguồn gốc: Họ đạo Cầu Bắc, hay Cầu Bắc Mỹ Thuận, hay Họ đạo Mỹ Thuận; các danh xưng này được sử dụng ngay từ khi lập Nhà thờ Mỹ Thuận, nhất là từ sau năm 1975. Có lúc nhà nước cho gọi là Nhà thờ Tân Hoà, nhưng bà con trong Họ đạo mong muốn gọi là Nhà thờ Cầu Bắc, hay Nhà thờ Mỹ Thuận, một địa danh có vẻ thân thương hơn.

Năm 1968, ông Phêrô Nguyên Văn Minh (Ông Hai Minh) có dâng một số khoảng 8 công ruộng + vườn cho Toà Giám Mục Vĩnh Long để xây Nhà thờ và phục vụ cho việc truyền giáo. Lý do của việc dâng hiến sẽ được trình bày trong phần nguồn gốc đất.

2. Nhà thờ đầu tiên: Nhà thờ đầu tiên được dựng lên năm nào, hiện chúng ta không rõ, chỉ có thể phỏng đoán khoảng năm 1968 hoặc sau đó không lâu. Đây chỉ là một căn Nhà thờ gỗ lợp tôn hay ngói (?) nhưng có lẽ rất khiêm tốn. Vì chiến tranh (Mậu Thân 1968) nên Nhà thờ An Phú Thuận bị sập, cha sở Cái Tàu Hạ Phêrô Nguyễn Văn Triệu cho giở Nhà thờ An Phú Thuận, đem về cất trên đất Ông Hai Minh dâng. Địa điểm trên nằm phía sau nhà Ông Hai Nhách ở hiện nay. Sau đó Nhà thờ được dời về địa điểm Nhà thờ hiện tại.

Năm 1972, cha Phêrô Nguyễn Phước Lợi về nhận nhiệm sở Mỹ Thuận. Cha có nói: "Đã có Nhà thờ rồi, tuy nhiên hơi ộp ẹp nên Cha có tu bổ thêm chút ít". Dù vậy, thời này đây cũng chỉ là một école chappelle mà thôi (vì lúc đó Cha muốn mở lớp Mẫu Giáo). Trước khi có Nhà thờ, giáo dân đi lễ tại Cái Tàu Hạ, hay xuống Trung Tâm Fatima Vĩnh Long.

3. Trường Mẫu Giáo: Để nâng đỡ cho con em trong họ và con em lương nghèo, Cha Phêrô Lợi xây thêm một trường mẫu giáo với 2 căn, 1 căn nhỏ dùng làm văn phòng được xây kiên cố. Địa điểm trường như ta thấy hiện nay, cạnh ranh đất của Ông Hai Minh. Trường này hoạt động khá tốt, cho đến năm 1975, sau đó nhà nước quản lý.

4. Ruộng đất nhà chung: Như trên có nói, số đất ruộng và vườn của Nhà thờ là của ông Phêrô Nguyễn Văn Minh (Ông Hai Minh, còn gọi là Ông Hai Năm Căn- vì ông có căn nhà cổ năm căn, nên được gọi là như thế).

Nguyên do việc dâng đất à thế này: năm 1968 Cô Nguyễn Thị Hương, con gái lớn của Ông, đau bệnh chi thiếu máu trầm trọng. Cha Têphanô Bùi Văn Hồng, Quản lý Toà GM Vĩnh Long, thấy thương tình, đã hiến máu mình cho cô. Vì quí mến và để tạ ơn, Ông Hai đã dâng hiến số đất cho Toà GM, qua cha Têphanô Bùi Văn Hồng, có ý để sử dụng cho việc xây dựng nhà thờ và thành lập Họ đạo.

Số đất này, như ta thấy hiện nay, có hình tam giác không đều, mà cạnh đáy là QL 1A đi về Đồng Tháp, còn lại hai cạnh kia: một cạnh giáp ranh đất của Ông Hai từ lộ chạy vô cho tới cuối đất. Phần ranh này có một con mương nhỏ để lấy nước sinh hoạt, nhất là tưới tiêu cho mấy công ruộng.

5. Từ 19.6.1975: Cha Phêrô Lợi được cử về làm chánh sở Phước Hào, Trà Vinh. Họ đạo vắng Cha một tháng. Trong khi Cha Phêrô còn ở lại Cầu Bắc, có Thầy Giuse Nguyễn Văn Vinh ở phụ giúp cho Cha, có cả cô Nguyễn Thị Chính lo cho trường Mẫu Giáo. Sau khi Cha đi, Thầy Vinh tới Đại Chủng Viện ở Vĩnh Long để xin thêm Cha và Thầy lên giúp họ đạo Cầu Bắc. Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, liền cho các Cha trên Cái Tàu Hạ xuống dâng lễ ngày Chúa Nhật.

Tháng 7.1975: Thầy Phêrô Nguyễn Văn Be, được sai đầu tiên lên giúp cho họ đạo; như vậy các Cha Cái Tàu (Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Sang và Cha Phêrô Nguyễn Văn Duy) thay nhau làm lễ, lo công việc mục vụ. Các Thầy lo trường Mẫu Giáo và quản lý cơ sở đất đai, làm ruộng.

Tháng 8 hoặc 9.1975: Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện Vĩnh Long là Cha Gioakim Nguyễn Văn Tân, thấy tình hình các Thầy ở qui tụ sợ khó khăn, ngay cả việc học hành nữa, nên đã cho thành lập các cứ điểm sinh hoạt cho các Thầy: cụ thể như tại Nhà Thờ Bắc Mỹ Thuận- tại Nhà Thờ Tân Ngãi- tại Nhà Thờ Vĩnh Kim, Trà Vinh. Từ đó, lần lượt các Thầy lên ở tại Nhà Thờ Cầu Bắc có: Phêrô Nguyễn Thanh Liêm, Phaolô Trương Tấn Lực, Phêrô Ngô Văn Be (đã ở trước), Gioan Baotixita Nguyễn Ngọc Láng (đã thôi tu), Simon Nguyễn Văn Hiệp (đã thôi tu), Phêrô Võ Công Tấn, cũng có một số Thầy ở ngắn ngày, rồi trở về chủng viện: như Phêrô Lê Gấm Vàng, Thầy Phêrô Nguyễn Văn Thao.

Lịch làm việc của các Thầy: buổi sáng đi học- buổi chiều ở nhà lao động (nuôi cá, nuôi bò, trồng rau, làm ruộng), Cha Giám Đốc cho một số vốn để nuôi cá, kinh doanh mong có thu nhập sau này tự túc được. Tuy nhiên hoa lợi không nhiều, nên cái thu không bù nổi cái chi. Tết năm 1977, các Thầy về nghỉ Tết, anh em phải mượn tiền của nhóm ở Tân Ngãi.

Trong thời gian này, chủng viện quản lý các Thầy và cả cơ sở vật chất. Phần mục vụ, các bí tích, hai Cha Ở Cái Tàu phụ lo. Thời gian này, Nhà thờ luôn có thánh lễ ngày Chúa Nhật và thứ Năm. Lúc này họ đạo Mỹ Thuận còn phụ lo cho họ đạo Hoà Hưng bên kia sông, dù không có thánh lễ thường xuyên mỗi Chúa Nhật.

Cuối năm 1976: Thầy Phêrô Nguyễn Thanh Liêm (Thầy Sáu) về chủng viện.

Tháng 7. 1977: Thầy Phaolô Trương Tấn Lực (Thầy Sáu) được đổi về quê nhà tại Cái Bông, sau khi cơ sở Đại Chủng Viện bị lấy không lâu.

6. Việc phân chia ruộng đất của họ đạo:

Đầu năm 1976: nghe tin đồn sau này gia đình ai dư ất, sẽ bị nhà nước tịch thu để chia cho người khác, các Thầy đã bàn hỏi ý kiến của chủng viện và thống nhất: tạm thời chia cho mấy hộ đang ở trong khuôn viên nhà thờ- không được sang nhượng, hay ban chát. Mỗi hộ được 500m2 x 6 hộ: 3000m2 (danh sách Cha Bảo đã ghi đính kèm).

Số đất thổ cư các gia đình đang ở:
1. Gia đình Ông Dương Văn Lâm (Hai Nhách)
2. Gia đình Ông Lương Văn Sáu (Lạc Hồng) (mới về từ năm 1976)
3. Gia đình Ông Nguyễn Ngọc Vinh
4. Gia đình Ông Đặng Văn Nam
5. Gia đình Bà Trần Thị Quang
6. Gia đình Ông Nguyễn Văn Trụ (Ba Trụ)

Đến thời Thầy Thao ,vì sợ khoảnh đất trống giữa trường mẫu giáo và Nhà thờ người ta thấy trống nên Thầy cho Ông Hai Nhách ở để giữ đất.

7. Sau khi Thầy Phaolô Lực đi rồi, Thầy Phêrô Nguyễn Văn Thao làm trưởng nhóm với Thầy Hiệp và vài Thầy nữa (không rõ).

Sau khi Thầy Thao đi rồi, còn lại một mình Thầy Simon Hiệp mà thôi, lúc đó Thầy Gioan Trần Văn Thâm mới xin Đức Cha về ở Họ đạo Mỹ Thuận, vì cơ sở của DCCT tại cầu Cái Cá đã bị nhà nước quản lý.

Năm 1979: Có thể từ đây, Đức Cha giao lại Họ Đạo Mỹ Thuận cho các Cha DCCT quản lý. Lâu nay việc làm lễ và mục vụ vẫn do 2 Cha Sang và Duy phụ trách.

Năm 1978: Dù không rõ lắm, nhưng biết rằng Cha Châu về ở Cầu Bắc ngay những ngày đầu tiên khi Cha về Vĩnh Long. Ban ngày, với tư cách bác sĩ, Cha làm việc ở Bệnh Viện Vĩnh Long, chiều về Cầu Bắc. Thời gian dài từ năm 1978 đến 2007 Cha Châu phục vụ ho ïđạo Mỹ Thuận và đồng thời mở phòng khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Ngài đã vận động quyên góp tài chánh để sửa chữa Nhà thờ và xây dựng dãy nhà cộng đoàn. Trong khoảng thời gian nầy

Nhà Dòng triệu hồi cha Châu về một thời gian 2 tháng để tĩnh dưỡng và phái cha Khắp xuống tạm thay thế. Cha Khắp trở về nhà Dòng, Tòa Giám mục có phái cha Lâm và cha Hiền đến làm lễ hằng ngày và ngày Chúa Nhật.

Ngày 03-06-2007 cha Châu được Chúa gọi về. Nhà Dòng gửi Quang về Nhà thờ Mỹ Thuận để thực tập mục vụ 1 năm. Cha lập ban quới chức và cải tổ Họ đạo.

Năm 2008 cha Bảo từ cộng đoàn Vũng Tàu được Nhà Dòng sai về thế cha Quang. Do mái ngói Nhà thờ bị võng có phần nguy hiểm nên ngài cùng ban Quới Chức mới và bà con giáo dân khởi công gia cố lại. Đời sống đạo của giáo dân bắt đầu có sự thay đổi theo hướng tích cực.

Một nguồn tài liệu khác. Do nhu cầu một số bổn đạo ở ngã Ba Vĩnh Long Sađéc, cha Triệu đã đưa bổn đạo Cái Tàu, Nhơn Lương đến đắp nền và dựng một nhà nguyện tại góc đường Sađéc Vĩnh Long ở bắc Mỹ Thuận trên một miếng đất 15 công do gia đình ông bà Hai Minh dâng. Cha Triệu, cha Lộc, cha Phán, cha Lực, cha Hiệu tiếp tục đến dâng lễ. Đến đời cha Lợi một số gia đình đạo mới nghèo đến ở đất Nhà thờ và gia đình khác lân cận tạo thành họ đạo Mỹ Thuận với dự kiến xây một Nhà thờ. Sau 1975, đất và nhà nguyện giao cho chủng viện để các thầy thực tập và canh tác. Có cha Tân lui tới dâng lễ.

Năm 1976 các cha chủng viện hết lui tới. Đức cha giao lại cho Cái Tàu. Từ đó 2 cha Duy và Sang lo phụ trách mục vụ. Việc quản lý vẫn do các thầy Đại chủng viện. Năm 1979 thầy Joan (DCCT) về tiếp tục quản lý Nhà thờ. Công việc mục vụ do hai cha Duy và Sang tiếp tục với sự trợ giúp của cha Lê Thanh Châu, bác sĩ bệnh viện đa khoa Vĩnh Long.

Về cơ sở vật chất có 2 công rưỡi ruộng canh tác, một hồ rau muống. Họ đạo bình thường gồm 19 gia đình. Giờ hành lễ thỉnh thoảng có bổn đạo tứ phương ghé lại.

Một nguồn tài liệu khác HỌ ĐẠO MỸ THUẬN

Ngày 6/12/1966, vợ chồng bà Nguyễn Thị Huệ và Phan Đình Minh (tên thường gọi là ông bà Năm Căn), bán cho Giáo Phận Vĩnh Long phần đất của họ 4500m2 do linh mục Bùi Văn Hồng đại diện. Hai ông: Già Tư (ông Câu) và ông Năm Khâm (ông Biện) huy động bà con chuyển vật liệu được lấy từ nhà nguyện trong Nhân Lương đã bị đổ nát, đem về dựng lại căn nhà một mái; cột gỗ, mái tole, nền gạch tàu để làm nhà nguyện, trên nền đất của Nhà thờ hiện nay.

Hiện trạng đất Nhà thờ: hiện có 4 sổ đỏ đứng tên nhà thờ Mỹ Thuận:

1/. Số L757373, cấp ngày 06/12/2000. Diện tích 241m2
2/. Số AC664520, cấp ngày 16/08/2005. Diện tích 676,4m2
3/. Số AC 664521, cấp ngày 16/08/2005. Diện tích 11753,2m2
4/. Số AC 664522, cấp ngày 16/08/2005. Diện tích 920,5m2

Tổng cộng 13.591,1m2 (mười ba ngàn năm trăm chín mươi mốt phẩy một mét vuông).

Từ năm 1966 - 1972, được các cha ở Nhà thờ Cái Tàu Hạ gồm: cha Triệu, cha Thượng, cha Lực (dòng Kitô Vua) và cha Phán (dòng Kitô Vua) đến cử hành thánh lễ.

Đến năm 1972, cha Phêrô Nguyễn Phước Lợi về ở tại họ Mỹ Thuận. Thời gian này có các thầy ở Chủng Viện Vĩnh Long cùng lên giúp và ở tại họ đạo.

Đầu năm 1976, cha Lợi rời bỏ Mỹ Thuận. Cha Gioakim Giám đốc Đại Chủng Viện Vĩnh Long kiêm họ đạo Mỹ Thuận.

Năm 1977, thầy Gioan Trần Văn Thăm (dòng Chúa Cứu Thế: DCCT) đến phục vụ và ở tại nhà thờ Mỹ Thuận; cũng vào năm này, cha GBt Nguyễn Minh Sang và cha Phêrô Nguyễn Quang Duy (DCCT) đang phục vụ ở họ đạo Cái Tàu Hạ kiêm luôn việc coi sóc họ đạo Mỹ Thuận. (Vào năm 1975, ĐỆ TỬ VIỆN DÒNG CHÚA CỨU THẾ tại thị xã Vĩnh Long bị tịch thu, nên Đức Cha Giacôbê Mầu đã giao họ đạo Mỹ Thuận cho DCCT).

Tháng 9/1978, nhà dòng chỉ định cha Fx Lê Thanh Châu về tại Mỹ Thuận, làm thành một cộng đoàn DCCT miền Tây, mà cơ sở đặt tại nhà thờ Mỹ Thuận, dưới sự đồng ý của Đức Cha Giacôbê Mầu đương nhiệm lúc bấy giờ.

Ngày 19/1/1988, thầy Gioan Trần Văn Thăm đứng ra ký nhận quyền sử dụng đất với diện tích 4500m2.

Đã trải qua bao nhiêu lần tu bổ, sửa chữa và nâng cấp với sự cộng tác đắc lực của ban Quới chức và bà con giáo dân trong họ đạo, Nhà thờ đã tạm sạch sẽ và ổn định cho việc thờ phượng. Các cha và thầy phó tế Gioan Thăm đã xây dựng một dãy nhà cho cộng đoàn. Ngày 16/10/2000 Đức Cha Tôma Tân Giám Mục Chánh Tòa Giáo Phận Vĩnh Long đã lên làm phép nhà cộng đoàn nhân dịp lễ kính Thánh Giêrađô tu sĩ DCCT, thánh lễ được tổ chức trọng thể trong ngôi Nhà thờ mới được tu sửa.

Từ lúc đầu thành lập chỉ có vài hộ gia đến nay họ đạo đã có trên 320 giáo dân. Họ đạo Mỹ Thuận vẫn được Đức Giám Mục Giáo Phận giao cho DCCT cai quản.

4060    21-02-2011 20:30:17