Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Họ Đạo Phú Hiệp

z51921018588258a68ab7e9a3919abf4440de7338af314

Địa chỉ: Phú Hiệp, Phú Sơn, Chợ Lách, Bến Tre.

Bổn mạng: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8).

Chầu lượt: Chúa Nhật III Mùa Vọng.

Số giáo dân: 1628.

Năm thành lập: 1864.

Giờ lễ

Chúa nhật:     06g00

Ngày thường:   05g00

Thứ 7: 17g30

Linhmục Chánh sở: Giuse Lê Công Khánh

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

Họ Đạo An Phú Hiệp

* Năm 1938 Giáo Phận Vĩnh Long được thành lập gồm : Vĩnh Long-Trà Vinh và Bến Tre. Họ Phú Hiệp Đông giáp Họ Tân Phó, tây giáp Họ Cái Nhum;  Nam giáp Họ Cái Mơn phía Bắc giáp kinh Hội Đồng Vàng, chảy ra Hàm Luông.

* Từ năm 1864

* Cha GERNOT, Cha sở Cái Mơn vừa là Bề Trên dòng Mến Thánh Giá cái Mơn đã làm lễ cắt tóc và cử hành lễ mặc Tu phục cho các chị. Sau đó, cha phái các chị đi làm tông đồ lưu động, rao giảng Lời Chúa.

Vùng phụ cận Cái Mơn thời ấy có đồn điền Phú Hiệp. Cha GERNOT phái các chị đến vùng nầy trước tiên. Dì Anna Miều là nữ Tu sĩ có thành tích nhất ở đồn điền Phú Hiệp. Chị Anna Miều đi thăm gia đình, ban ngày dạy giáo lý- đêm đến, xuống thuyền đọc kinh và nghĩ đêm (trích "Việt Nam Giáo Sử" của Phan Phát Huồn, trang 459).

* Một gia đình đạo đức, vị vọng dâng  cho nhà thờ 6 công đất tọa lạc chặng giữa kinh Cả Chánh và đất ông Nguyễn văn Hoàng. Ngôi Nhà nguyện đầu tiên được hình thành bằng vật liệu cây, lá,  giáo dân 50 người. - Phía mặt tiền hà nguyện là sông Vàm Mơn, phía sau là đất thánh.

* Đến năm 1897, ông Phaolô Võ văn Thiền và vợ là bà Anê nguyễn thị Hậu, giáo dân  Phú Hiệp dâng một quả chuông . Ông bà đến Cái Mơn gặp cha sở Gernot dâng cúng tiền. Cha Gernot nhận tiền, đặt bên Pháp quả chuông loại 2, đúc tại Marseille năm 1898 và được chở về nhà thờ Phú Hiệp, lúc ấy chưa gọi là Họ đạo mà được mang tên Phú Hiệp Hội (Tên người dâng, niên lịch đúc chuông và tên  người  thợ đúc, nhà sản xuất và tên Họ đạo còn ghi khắc bên trên quả chuông Phú Hiệp hiện nay)

Giai đoạn chuyển tiếp.

- Các Cha phó Cái Mơn đến làm công tác Mục Vụ tại Phú Hiệp (1914, 1915, 1916)

- Từ năm 1914 đến 1915, cha Phanxicô Xavier Truyền đặc trách công tác Mục Vụ Họ Phú Hiệp  (Theo bút tích sổ Hôn Phối có chữ ký của cha còn lưu lại tại Họ đạo).

- Trong năm 1916, các cha M. Thanh và Ambroise Nhứt (Theo chữ ký sổ Bút Tích Hôn Phối tại Họ đạo).

CHA GIUSE BIỂU (Tháng 7 /1916 đến tháng 7 / 1919)

Thời gian nầy, một gia đình đạo đức, vị vọng trong Họ dâng  thêm phần đất là 1 ha 20 (12 công đối diện với đất Nhà Chung Cái Mơn (ngang vườn ông Sáu Vinh bây giờ, xưa là đất nhà thờ cái Mơn) (Theo lời kể của ông Phanxicô Hoàng) và Bề Trên quyết định dời Nhà thờ mới về đây.

- Bề Trên đặc cử Cha giuse Biểu làm cha sở Họ Phú Hiệp và giao nhiệm vụ xây Nhà thờ. Năm 1917 bắt đầu xây Nhà thờ kiên cố kiểu Roman: sườn gỗ; tường gạch, vôi, ô dước ; nền móng  đá xanh :

- Năm 1918 hoàn thành, Bổn Mạng Đức Mẹ Mân Côi (Bút tích kỷ niệm còn ghi lại đầu trang sách mục lục của Bà Phan thị Phẩm, sinh năm 1902, hiện con bà còn lưu giữ và phần thuật lại của ông Phanxicô Hoàng).

* CHA PHAOLÔ LỊNH (Tháng 1 /1920 đến tháng 4 /1923)

- Bề Trên chuyển Cha Giuse Biểu và cử Cha Phêrô Lịnh thay (Theo Bút tích Hôn Phối).

Thời gian nầy, giáo dân Bà Chủ, Mỹ Sơn, Ba Vát, Tân Phó, Thạnh Ngãi lãnh Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Hôn Phối đều đến Nhà thờ Phú Hiệp (Theo bút tích sổ có chữ ký các Cha phụ trách như Cha G. Khánh ; cha Thommeret ; Cha P. Tuyên ; Ch Giuse Thiên ; Cha B. Bellocq).

* CHA GIOAN B. NHƠN (Tháng 5 /1903 đến tháng 1 / 1932)

- Cha Baoxita Nhơn sở Phú Hiệp.

Một điểm lịch sử cần ghi lại : Vào ngày 8 tháng 8 năm 1923: Ông Cụ cố Giuse Nguyễn văn Oai, người quê Cái Nhum được nhận Bí  tích Hôn Phối với Bà cụ cố Juliana Nguyễn thị Mầu, quê  họ Phú Hiệp do cha G. B. Nhơn chủ lễ. Trước 2 nhân chứng: Ông Phêrô Trần văn Việt (Cái Nhum) và ông Raphae Nguyễn phong Tống (Phú Hiệp). Ông Bà cụ cố là song thân của Đức Giám Mục Phó Raphae Nguyễn văn Diệp, Gm phó  Gp Vĩnh Long (sổ Hôn Phối Họ Phú Hiệp)

* CHA SỞ GABRIEL THỌ (Từ tháng 2/1932 đến tháng 1/1934) (Bút tích trong sổ Hôn Phối Phú Hiệp )

* CHA GIOAN ĐỖ HOÀNG SINH (Từ năm 1934 đến tháng 5/1936)

Thời gian nầy bổn đạo Phú Hiệp tăng lên 700 và có nhiều gia đình nhân đức dâng cúng đất ruộng cho Nhà Chung lên đến 40 hecta (400 công)  những người canh tác đóng góp cho Nhà Chung mỗi công 02 giạ lúa, số lúa trên 100 giạ/ năm  (Theo lời kể của ông Phanxicô Hoàng, ông Biện Phaolô Trần văn Phúc và  ông Philipphê Phan văn Tâm, giáo dân).

- Cha sở Gioan xin Bề cho  một thầy đại chủng sinh Thánh Giuse SaiGon đến giúp, (Thầy nầy quê nội ở Phú Hiệp đang phát triển). Chẳng may thầy bị trọng bệnh và qua đời. Hiện mộ phần của Thầy nằm trên cung thánh nhà Thờ Phú Hiệp, không ghi rõ năm sinh, tử...mà chỉ ghi trên bia mộ : THẦY PHÊRÔ NGUYỄN VĂN NAM. Thân nhân, em, cháu Thầy một số ở Phú Hiệp, số khác ở Họ Vĩnh Phước (Bà Chủ) hiện còn sống (Người viết bài nầy có lần được nghe ông Trần văn Giảng và em là ông Trần văn Tôn, giáo dân cao niên của họ Phú Hịêp kể lại).

* CHA PHAOLÔ LÊ HIỂN QUANG  (từ tháng 7/1936 đến tháng 9/1943)
Ngoài công tác mục vụ, Cha còn  lưu ý phát triển:
- Xây trường học, nhà xứ, nhà dì, cổng tam quan
- Trồng các loại cây ăn quả và cây cho bóng mát.
Theo truyền tụng của các bô lão đã có lần cha chúc dữ Họ đạo, nên từ đó giáo dân có mặc cảm bị chúc dữ lên không nổi.!
Ngày 3 tháng 1 năm 1938 thành lập Piáo Phận Vĩnh Long, Đức Giám mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục, Giám mục hiệu tòa tiên khởi.

* CHA LUY GONZAGA NGUYỄN HỮU VINH (tháng 10/1943 - 01/1949)

Đức  Cha Phêrô, cử cha Louis G, Nguyễn hữu Vinh làm cha  sở họ Phú Hiệp. Thời gian đầu, Cha nhận thấy giáo dân, nhất là giới trẻ, đa số ít học, thiếu hiểu biết, thêm  nạn thất nghiệp và đói khổ chiếm đại đa số ; cha lấy cờ xí, màn trướng trang hoàng trong nhà thờ phân phát cho người dân, đa số người lương, để may quần áo mặc vì vải sồ khan hiếm. Cha tổ chức cho giới trẻ nam nữ trong họ có nghề nghiệp : nam thì mua dừa chế thành dầu để bán, nữ thì Cha cho đi học dệt vải bằng bông hoặc lụa tơ tằm bằng những khung cửi dệt thủ công (Đa số người dân lương, giáo được Cha giúp đỡ hiện đã cao niên và còn sống tại Phú Hiệp).

- Cha  dùng uy tín  cứu được nhiều người thoát được thoát án tử.

* CHA PHÊRÔ TÝ

- Thời gian nầy, cha Phêrô mua một ngôi nhà lớn kiểu xưa 9 căn bằng gỗ quí của một gia đình vị vọng tại Ba vát (Phước Mỹ Trung) để xây dựng Nhà Thờ Mỹ Sơn, họ nhánh của Phú Hiệp, thay ngôi Nhà thờ cũ, trên phần đất của ông bà Hương Trưởng Giảng (là cha mẹ nuôi của bà Rạng, vợ ông biện Trình) mới dâng cho Nhà Chung  Mỹ Sơn. Số cây còn lại, cha Phêrô cho cất lại nhà Cha sở Phú Hiệp tồn tại đến ngày nay (Viết theo lời kể của ông Biện Trình Họ Mỹ Sơn và ông Lê văn Tập lúc tản cư tại đất Nhà Thờ Phú Hiệp).

* CHA TAĐÊÔ NGUYỄN LƯƠNG THIỆN (Tháng 5/1962 - 6/1966)

- Hoán chuyển với Cha Phêrô Tý, Cha qui tụ giáo dân, sắp xếp vào hội đoàn, nổi bật nhất là Đoàn thể Phạt tạ, Con Đức Mẹ, Đạo Binh Thánh Thể, Hội Hài Đồng, Hội thánh Phêrô, Hội Tấn Giáo...Đó là đường hướng mục vụ của Cha (Giáo dân thời ấy gọi đùa, đặt tên riêng cho Cha là ông Hội).

- Những biến cố thăng trầm :

Một buổi chiều Chúa Nhật tháng 5 năm 1988, giữa lúc giáo dân  làm việc kính Đức Mẹ trong Nhà Thờ và Chầu Phép Lành M.T.C, một trận giông nổi lên, mặt tiền cao 26m không có cốt sắt bê tông, sập từ phần trên đầu cột chống đỡ đến Thánh Giá, đổ ào ra phía sân, giáo dân hoảng vía nằm rạp xuống gạch. Ngay hôm sau, huy động toàn  giáo dân dọn dẹp. Sau đó, Cha mướn cha con ông Biện Trương văn Hinh và con là Trương văn Minh làm thợ hồ tái tạo mặt tiền cũng bằng gạch xây với xi măng thay cho chất vôi, ô dước. Hạ thấp mặt tiền xuống 6 m chỉ còn 20 m (Người giáo dân Họ đạo hiện đa phần còn sống kể lại).

Ba năm sau, do độ lún của các cột gạch và tường quá nặng phía tiền đừng... trận giông mưa đêm tháng 8 năm 1961 làm mặt tiền Nhà thờ từ phía mới xây lên lại đổ một lần nữa (vì chất liệu mới không ăn khớp với chất liệu cũ) (ông già Vui kể, ông là con của ông Hinh).

Lần trùng tu nầy, Cha không nhờ thợ hồ địa phương, nhưng mời thợ hồ ở Cái nhum về làm chủ thầu với công sức của thanh niên trong họ, xây lại mặt tiền có cốt sắt bêtông, hạ thấp chỉ còn 14 m và còn tồn tai đến ngày phá để xây nhà thờ mới hiện nay...

Dịp nầy Cha cũng xây trường họ với 4 phòng học và nơi ở cho các Dì. Công trình nầy hoàn thành năm 1962. Sau năm 1975 Nhà Nước dùng làm trường học. Năm 2004 Cha Antôn Quân đã tôn tạo lại như hôm nay.              

Tháng 8 năm 1964, Đức Cha Antôn Thiện đến Ban Phép Thêm Sức tại Phú Hiệp. Sau diễn văn cám ơn của Đại Biểu họ, Đức Cha đáp từ bằng việc rầy quở Họ Phú Hiệp không quan tâm đến ơn gọi linh mục, và để phạt cảnh cáo, Đức Cha rút Tađêô về làm Cha sở Cái Mơn và chỉ cho phép Cha vãng lai Phú Hiệp làm công tác mục vụ.

* CHA SỞ MARCÔ TRẦN AN THẠCH ( Tháng 5/1966 đến tháng 5/1967)

Sau những biến cố, Đức Cha Antôn thương Họ Phú Hiệp, Ngài lại đặc cử Cha Marcô Trần An Thạch đến nhậm Sở. Cha không ở được lâu vì không hòa được với quân đội đang đóng ở khu vực nhà thờ.

* CHA SỞ VINCENT NGUYỄN NGỌC THANH ( Tháng 5/1967 đến tháng 9/1969) 

Nhận thấy hoàn cảnh không thuận lợi, Bề Trên khôn ngoan thuyên chuyển cha Marcô ; và bổ nhiệm cha già Vincent Nguyễn ngọc Thanh làm Cha sở Phú Hiệp vào đầu tháng 5/1967.

Cha Vincent thích  hội hoạ, có năng khiếu mở mang công trình ngoại vi Nhà Thờ. Lúc mới đến, Cha huy động giáo dân tráng xi măng sân Nhà Thờ, đường kiệu chung quanh. Cha cho dựng tượng Đức Mẹ Môi Khôi Fatima và ảnh Chúa chuộc tội trước tiền đường.  Cha thương lượng chủ lò gạch Huỳnh Hưng ở đầu vàm Mơn dựng tượng Chúa Giêsu Vua đứng trên quả địa cầu cao 4m trên phần đất mõm Vàm. Cùng thời gian, Cha giao ông Câu Phaolô Trần văn Phú cất một ngôi Nhà nguyện cho giáo dân Phú Hiệp phía cách sông, và cho dựng tượng Đức Mẹ xuống ơn cao 2m50 bên phải Nhà nguyện. Chúa Nhật và đầu tháng, Cha  đến làm Mục vụ cho giáo dân bị cách sông (Ngôi nhà và tượng Đức Mẹ hiện vẫn còn đến nay).

Cha Vincent tuy già, nhưng rất là nghệ sĩ. Cha đàn vĩ cầm (violon) rất hay...  dịp Lễ Giáng Sinh, cha tổ chức văn nghệ dưới sự đạo diễn của Cha và ông Mười Màu, từ Họ Cái Mơn ra giúp.

* CHA SỞ PHÊRÔ ĐINH TÀI TƯỚNG (tháng 10/1996 đến tháng 10/2002) 

Đức Cha cử Cha Phêrô Đinh tài Tướng đến nhận Sở Phú Hiệp. Cha đơn sơ từ lúc mới đến. Tron bộ thường phục, tay xách giỏ đồ dùng, trong im lặng và vâng phục.  Cha đến Họ Đạo giáo dân không ai hay biết.  Lúc ấy, Cha còn là một linh mục trẻ mới 47 tuổi. Chính Cha là người dày công chăn dắt đoàn chiên 3 họ :Phú Hiệp, Mỹ sơn và Bà Chủ lâu năm nhất (33 năm).

Nối tiếp công trình của các Cha sở tiền nhiệm, cha củng cố Hội Đoàn...  Họ Đạo đa phần là quê mùa, ít học, ít thông hiểu Giáo Lý và kém Đức Tin, nghèo khổ nên thờ ơ việc đạo, ít tham dự Thánh Lễ, bỏ Chúa Nhật... Đây là mối ưu tư lớn nhất của cha, Cha thường xuyên dạy dỗ, nhắc nhở vấn đề nầy.

Công việc ban đầu:  sắm cho Họ Đạo một máy phát điện (hiện nay vẫn còn). Trang bị Nhà thờ: quạt máy, micro, ampli, đàn organ. Cổ võ cho giáo dân sùng kính Đức Mẹ. Hàng năm vào tháng 5, mỗi Sở Biện thực hiện một chiếc kiệu Đức Mẹ nhỏ nhắn xinh xinh đi lưu động đến từng gia đình trong phần Sở của Họ Đạo suốt tháng việc sống đạo cứ thế Cha con chắc chiu mãi đến năm 1975.

Những biến cố: Ngày 30 tháng 4 năm 1975,  giải phóng miền nam.  - Lực lượng quân giải phóng tràn ngập, nhưng còn ở phía bên kia sông, giằng co, e ngại chưa dám đến tiếp thu. Chính Cha, với chiếc áo dòng Linh mục đứng trước mũi ghe lớn của một Biện Sở, đi đón đoàn tiếp thu của lực lượng giải phóng, làm trung gian dàn xếp cho đôi bên lần đầu tiên gặp mặt nhau. - Khu vực xóm đạo, bị gán ghép là nơi sản sinh ra thành phần chống cách mạng. Có một buổi sáng, cha đang cử hành Lễ như thường lệ, lúc gần Dâng Mình Thánh, một cán bộ của địa phương đến trước của Nhà hờ, cho người lên bàn thờ mời cha xuống cho ông ta gặp. Buộc lòng Cha phải cởi áo lễ để trên bàn thờ ra gặp ông ta. Cán bộ nặng lời, buộc phải xin phép, nếu có hành lễ hàng ngày, không được tự tiện.

* CHA EUSÊBIÔ NGUYỄN CÔNG THỚI (5 ngày).

Đức Cha hoán chuyển Cha Phêrô và bổ nhiệm cha Eusêbiô Nguyễn công Thới đến Phú Hiệp. Nhưng chỉ 5 ngày thì phải đi học tập cải tạo. Một lần nữa CHA PHÊRÔ TƯỚNG (đã về ở Bà Chủ- xã Vĩnh Hoà) lại phải kiêm nhiệm Họ Phú Hiệp và Mỹ Sơn.

Những khó khăn mới : Dời ảnh Chúa Giêsu Vua  ở mõm vàm Mơn về Nhà Thờ, nhưng bị ngưng, đến năm 1994 mới được dựng lại.

a. Chúa Nhật muốn có Lễ Misa phải làm đơn xin phép cho Cha từ Vĩnh Hoà đến.

b. Lệnh cấm Cha không được cử hành lễ ở địa phương xã (gồm 2 Nhà Thờ Phú Hiệp và Mỹ Sơn).

Họ Phú Hiệp và Mỹ Sơn phải vắng Cha hơn 3 năm bắt đầu năm 1986 ; giáo dân 2 Họ mỗi Chúa Nhật, phải đến Cái Mơn hoặc Vĩnh Bình  dự Thánh Lễ ;  Dì Têrêsa Phép bị bắt giải về Bến Tre, Dì Năm Bài về nhà Phước.

- Họ đao được thông báo là có giấy bên Tây gởi qua nói nhà thờ đã hết thời hạn sử dụng (!), phải đóng cửa, nhưng giáo dân cam kết chịu trách nhiệm.
- Ban quới chức bị giải tán.
- Đến năm 1990 cha mới thường xuyên lo cho giáo dân.
Công trình cha Phêrô lưu lại như một kỷ niệm cho Họ Phú Hiệp :
1- Công trình  bờ kè bêtông chống lở, dài 110m
2- Tu sửa căn phía Cung Thánh, đúc  bêtông cốt sắt.
(kinh phí của toà Giám Mục và giáo dân Họ Đạo đóng góp).
3- Lát gạch men Nhà Thờ và nhà cha (giáo dân ).
4- Cải tạo vườn Nhà Thờ, trồng cây đặc sản.
5- Dựng ảnh thánh Tâm và tái tạo đồi Canvê.

* CHA PHÊRÔ PHẠM TUẤN TRI (Tháng 5/1999 đến năm 2002)

Cha Phêrô Tri, nguyên Cha sở Họ Bến Tre đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng Cha còn muốn cộng tác theo sức, nên Đức Cha cho phép Cha về Phú Hiệp vừa an duỡng tuổi già, vừa làm công tác Mục vụ giúp Cha sở Phêrô Tướng. Lúc nầy Cha đã 80 tuổi. Cha đơn sơ, giàu bác ái. Thời gian ở Phú Hiệp, ngoài dâng lễ Misa, cha cổ võ Phong trào Phạt tạ Thánh Tâm, dạy giáo lý tân tòng. Về công tác xã hội, cha cho tiền nâng cấp sạch hoá 300m đường trong xóm, xoá 9 cầu khỉ, thay bằng cầu bêtông, cất nhà tình thương cho gia đình người lương. Nhờ cha trợ giúp, Cha sở Phêrô Tướng chỉ còn  lo mục vụ cho 2 họ nhánh Bà Chủ và Mỹ Sơn.

* CHA GIUSE NGUYỄN NGỌC THÍCH và Cha đặc trách ANTÔN NGUYỄN MINH QUÂN  (tháng 10/2002...)  

Tháng 10 năm 2002, Đức cha Tôma Nguyễn văn Tân đương kim Giám Mục Vĩnh Long giao trọng trách Họ Phú Hiệp và Họ Mỹ Sơn cho Cha Quản Hạt Giuse Nguyễn ngọc Thích. Cha Quản Hạt đề cử Cha Antôn Nguyễn minh Quân là một trong số các cha Phó ở Cái Mơn, thường xuyên trực tiếp đảm trách công tác Mục vụ tại Họ Phú Hiệp với tính cách chính thức.

Cha Antôn, Linh mục trẻ mới 38 tuổi, Cha có biệt tài thuyết giảng và biệt tài ngọai giao mặt xã hội. Số giáo dân Họ Phú Hiệp lúc nầy 1500 ; Đức Cha và Cha Quản Hạt hiểu rõ hiện trạng giáo dân Phú Hiệp về Giáo Lý, Tín Lý, cũng như các mặt xã hội khác, nên các ngài chỉ định các Cha Phó trẻ khác của Họ Cái Mơn luân phiên hợp tác làm Mục vụ tại đây, với mục đích đem tài năng, trí tuệ của các Cha cùng với Cha Antôn, truyền đạt cho giáo dân vốn dĩ thấp kém về mọi mặt.

Giữ vai trò đặc trách chính yếu, việc làm đầu tiên của Cha Antôn là tu bổ lại khang trang ngôi nhà trường và nhà các Dì đã từ lâu bị trưng dụng và bỏ thành hoang phế. Tiếp đến là cải tạo đất vườn Nhà thờ, phá bỏ những hoa màu phụ và thay thế vào cây đặc sản có giá trị kinh tế. Cùng với việc cải tạo vườn, Cha đề xướng khai hoang khu đất thánh, và hiện từng bước đã khang trang hơn, vốn dĩ hoang phế lâu năm. Ngoài công tác mục vụ, cha còn đem khả nămg ngoại giao để mưu cầu phúc lợi về kinh tế, xã hội cho con chiên mình, nhất là giới nghèo.

Một điểm son chính là các Cha đặc biệt quan tâm đến việc nâng đỡ và đào tạo con em Thanh thiếu niên trong Họ tự nguyện theo Ơn  gọi linh mục hoặc tu sĩ.  

Công việc nặng nề nhất Cha Antôn Quân phải đảm nhận là xây mới ngôi Thánh Đường. Thành thật mà nói thì cha rất thành công trong công tác nầy. Sự đóng góp của Họ đạo chỉ là tượng trưng. Một tay cha xoay trở, dầu vậy cha không mất chút thời giờ nào trong vấn đề mục vụ. Vừa xây dựng ngôi Thánh đường vừa lo xây dựng con người. Cha Hạt Trưởng đã đề xuất xin Đức Giám Mục ban khen cha là linh mục trẻ năng động, đoàn kết tốt, kiến trúc đẹp mà không gây lãng phí, giữ được uy tín cho cá nhân và cho Giáo Phận.   

Một trang sử mới bắt đầu. Mọi tầng lớp giáo dân Họ Phú Hiệp phấn khởi, lắng nghe các mục tử của mình, từng bước hối cải, chừa bỏ những tập quán xấu, tập biết lắng nghe và vâng phục. Họ Đạo ghi nhớ công ơn và cầu xin Chúa và Mẹ thánh Người ban thưởng các Mục Tử trong quá khứ đã dày công với Họ Phú Hiệp, hiện còn sống hoặc đã ly trần, cũng như các vị Mục Tử hiện tại được ơn sức mạnh và nghị lực để đảm nhận những trọng trách nặng nề hơn, khó khăn hơn của thời điểm mới 

* ĐỐI VỚI  NỮ TU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ CÁI MƠN

Giáo dân Phú Hiệp luôn ghi nhớ công ơn của các chị,  những người đã có công khai sáng Họ đạo cùng với các vị Mục Tử trong nếp sống giản đơn thiếu thốn, hy sinh và vâng phục từ buổi ban đầu. Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Thánh Người trả công bội hậu cho các tớ nữ đã dày công với Họ Đạo Phú Hiệp, hiện còn sống hoặc đã ly trần.

7028    15-01-2011 07:12:12