Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Hòa Giải và Tha Thứ Trong Gia Đình - Tháng 08 năm 2003

CHỦ ĐỀ: HÒA GIẢI VÀ THA THỨ TRONG GIA ĐÌNH

I. ĐỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 58

Việc đón nhận lời mời gọi hoán cải của Tin Mừng là việc của mọi Kitô hữu, vì nhiều khi họ đã bất trung với sự "mới mẻ" của phép Rửa tội là Bí tích đã biến đổi họ thành thánh...

Sự hối hận và tha thứ thường xuyên cho nhau trong gia đình Kitô hữu, đưa đến khoảnh khắc đặc biệt nơi Bí tích thống hối Kitô giáo.

Khi nói về các đôi bạn, Đức Phaolô VI đã viết trong Thông Điệp Sự Sống Con Người : "Nếu tội lỗi vẫn còn đè nặng trên họ, ước gì họ đừng nản lòng, nhưng với một sự bền đổ khiêm tốn, ước gì họ hãy chạy đến với lòng nhân từ của Thiên Chúa vẫn luôn luôn tuôn đổ dồi dào trong Bí tích thống hối".

II. CHUYỆN MINH HỌA :

LUÔN LUÔN ĐƯỢC ĐÓN TIẾP.

Một cô gái từ lâu chối bỏ Thiên Chúa, không tuân theo lời chỉ dạy của người cha, cũng như lời khuyên của mẹ và đã dấn thân vào con đường tội lỗi.

Vào một đêm kia, trong cơn thất vọng, cô cảm thấy cuộc đời mình quá bế tắc, khiến cho cô dự tính tự tử, nhưng trước khi thực hiện ý định này, cô muốn âm thầm trở về nhìn lại mái nhà xưa, nơi cô đã sinh ra và trải qua thời thơ ấu cũng như tuổi trẻ hồn nhiên của mình.

Quá nửa đêm, cô về đến nhà mình, cô lặng lẽ mở then cổng và nhẹ nhàng vào trong sân. Sau khi rảo bộ trên lối đi quen thuộc và đến trước cánh của nhà, cô vô cùng kinh ngạc khi thấy cánh cửa vẫn mở. Trong tâm trạng hoảng sợ có thể có chuyện xấu xảy đến với cha mẹ mình, cô đã gọi mẹ:
- "Mẹ ơi, con thấy cánh cửa vẫn mở".
Mẹ cô vội vã chạy đến ôm chặt cô và nói:
- "Con ơi, kể từ khi con bỏ nhà ra đi, không lúc nào lòng của cha mẹ không nghĩ đến con, ngày đêm mẹ luôn luôn cầu nguyện với Chúa : "Lạy Chúa, xin Chúa thương dẫn đưa con gái của con trở về nhà". Và mẹ đã nói với cả nhà : "Bất cứ lúc nào con trở về, dù đêm hay ngày tôi mong muốn rằng nó sẽ nhìn thấy cánh cửa luôn luôn rộng mở với nó và nhận ra rằng nó luôn luôn được cả nhà đón tiếp".

Tình mẫu tử yêu thương tha thứ của bà mẹ, đã thuyết phục cô gái tội lỗi trở về với gia đình. Biết sống cãm thông và trên thuận dưới hoà là dấu hiệu gia đình được Thiên Chúa chúc phúc. Trong Thư Mục Vụ 11.10.2002 về Hôn nhân và Gia đình, Hội đồng Gíam Mục Việt Nam nêu lên nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam vừa đậm đà bản sắc dân tộc : coi trọng chữ Hiếu, chữ Tín, vừa thấm nhuần tinh thần Kitô giáo : tha thứ, hoà giải.

III. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

Để biến gia đình thành mái ấm cho con người, cha mẹ cần phải làm hết sức mình để tạo cho gia đình một bầu khí tinh thần lành mạnh, được xây dựng trên tương quan giữa các thành viên trong gia đình và phải để Thiên Chúa làm chủ gia đình mình.

1. Tương quan vợ chồng.

Con người ai cũng có nhiều thiếu sót và bất toàn, để cho gia đình êm ấm, vợ chồng cần phải tập chấp nhận sự yếu đuối của nhau. Chấp nhận có nghĩa là bỏ qua, đừng chú ý đến những lỗi lầm, sơ sót của nhau . Đừng chỉ trích, cũng đừng đòi hỏi người kia phải tốt đẹp, hoàn hảo như một người chồng, người vợ lý tưởng, nhưng nên cầu nguyện cho nhau tìm cách khích lệ, nâng đỡ nhau để dần dần cả hai đều trở nên tốt đẹp. Thánh Phaolô Tông đồ nhắn nhủ giáo dân Ephêsô : "Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô" (Ep 4, 32).

Muốn được như vậy, cần phải tạo sự thông cảm cởi mở trong đời sống vợ chồng. Đây là một trong những bí quyết quan trọng mà nhiều người không để ý. Ngoài tình chồng-vợ, cần phải có tình bằng hữu: trao đổi, chia sẻ với nhau một cách chân tình. Nếu không, đời sống vợ chồng dễ đi đến chổ xa cách, khi mà người chồng sống trong thế giới riêng của người chồng và người vợ sống trong thế giới của người vợ, vì họ chỉ có thể chia sẻ tâm hồn, góc khuất riêng tư của mình với một ai đó, mà không phải là chồng hay vợ. Vợ chồng muốn hiểu nhau hơn, muốn yêu nhau hơn thì phải nói chuyện, hỏi han nhau, tâm tình chia sẻ mọi vui buồn, mọi cảm nghỉ riêng của mình. Có chia sẻ mọi vui buồn, có tâm tình với nhau cách thành thật và cởi mở, thì tình nghĩa giữa hai người mới ngày càng đậm đà và khắng khít hơn.

Có nhiều lý do khiến vợ chồng không thể nói chuện hay trao đổi với nhau, và một trong những lý do thông thường nhất là coi thường người kia thất học, không biết gì. Giáo hội dạy: " Để gia đình có thể sống trọn vẹn và chu toàn sứ mệnh mình, cần phải biết hoà hợp tâm hồn: vợ chồng phải cùng nhau bàn định, cũng như cha mẹ phải ân cần cộng tác trong việc giáo dục con cái" (MV 52).

Cha mẹ hợp nhất với nhau: "Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn". Đừng: "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", "Ông nói gà, bà nói vịt, ông bảo làm thịt, bà bảo để nuôi", con cái sẽ không biết theo bên nào.

Khi sống chung với nhau, thế nào cũng có lúc vợ chồng bất đồng ý kiến, hiểu lầm nhau hoặc giận nhau về những hành động hoặc những lời nói vô tình. Cần học biết tha thứ cho nhau. Đừng làm to chuyện ra, cũng đừng tránh né vấn đề. Nên giải quyết càng sớm càng tốt để không ai giận ai nữa.

Thánh Augustinô nói : "Chúng ta thường có ước muốn yêu thương rất lớn và khả năng yêu thương rất hạn hẹp". Nhưng Chúa Thánh Thần sẽ đổ tràn tình yêu vào lòng chúng ta, nếu chúng ta biết sống khiêm nhường để xin lỗi nhau và biết sống yêu thương để tha thứ cho nhau. Đó là một chuyển động tình yêu làm rộng mở cõi lòng chúng ta, làm tình yêu vô tận của Thiên Chúa tràn vào được đời sống vợ chồng chúng ta. Thánh phaolô viết : "Bởi thế một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau. Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội : chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỉ thừa cơ lợi dụng" (Ep 4, 25-27).

Nói sự thật với nhau, sống sự thật với nhau. Xin lỗi nhau và tha thứ cho nhau, đừng cố chấp, khư khư cho mình là đúng, hoặc đổ lỗi hết cho người kia. Đổ lỗi là hèn nhát và không sao sửa chữa được lỗi lầm. Có như vậy đời sống vợ chồng mới bình an và hạnh phúc lâu bền.

Người ta có cảm tưởng xin lỗi là hạ mình trước người kia và tha thứ là ở địa vị trên người kia. Đó là cách hiểu của thế gian, là đứng ở vị thế kiêu ngạo mà nhìn các nhân đức xin lỗi và tha thứ, trong lúc hai nhân đức nầy nằm trong phạm vi của tình yêu, vì "yêu là cho hết, cho cả chính mình" (Thánh Têrêsa Nhỏ). Yêu như Chúa Giêsu yêu chúng ta. Cho dù chúng ta có bội bạc đến đâu, Ngài cũng vẫn yêu thương ta. Trong phạm vi tình yêu, không có chổ đứng của kiêu ngạo. Con người thì đầy khiếm khuyết : khi lỡ nóng giận, khi lỡ lời làm mất lòng chồng hay vợ, khi có cử chỉ hay hành động không đúng với tình yêu...tôi xin lỗi.

Khi xin lỗi là tôi muốn người phối ngẫu yêu tôi với tất cả những yếu hèn của con người thật của tôi. Và ngược lại, khi tha thứ, là tôi muốn yêu người bạn đời tôi, như Chúa Giêsu yêu tôi. Tha thứ là cho đi, dù mình có bị thương tổn : "Cho thì có phúc hơn nhận" (Cv 20, 35).

Tựu trung, cuộc sống gia đình là sống cho nhau, là yêu thương vì nhau. Ích kỷ là kẻ thù lớn nhất của hạnh phúc gia đình. Không có gì làm con người khốn khổ bằng tính ích kỷ. Người ích kỷ không chỉ làm khổ vợ con, họ hàng, mà còn làm khổ cho chính bản thân mình nữa. Khi cái "tôi" đã ngự trị, thì nó độc ác và không nương tay với ai cả. Lòng tham của nó không giới hạn, không gì làm thỏa lòng nó được.

2. Tương quan giữa cha mẹ và con cái

Tạo bầu khí giáo dục lành mạnh. "Chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân" (GD 3).

"Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí chỉ trích, nó sẽ thích kết án người khác. - Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí hận thù, nó sẽ bướng bỉnh, hiếu chiến. - Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí chế diễu, nó sẽ nhút nhát rụt rè. - Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí sợ sệt, nó sẽ mặc cảm tội lỗi. - Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí tha thứ, nó sẽ hiền hoà, thông cảm. - Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí khuyến khích, nó sẽ tự tin. - Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí cởi mở, nó sẽ bộc lộ cảm nghĩ riêng tư. - Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí khích lệ, nó sẽ phát triển tài năng. - Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí công bằng, nó sẽ bênh vực sự thật. - Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí bác ái, nó sẽ biết thương người. - Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí cầu nguyện, nó sẽ tìm thấy Niềm Tin. - Nếu đứa trẻ sống trong bầu khí có Chúa ngự trị, nó sẽ phát triển toàn diện nhân cách". (Theo Dorothy L. Nolte)

Cha mẹ làm gương sáng đời sống đạo đức. Cha mẹ cộng tác với Chúa để sinh con cái. Nhiệm vụ đầu tiên của cha mẹ là làm cho con mình trở nên con cái Chúa qua việc cho con cái lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Bản thân cha mẹ phải sống theo đường lối của Chúa, để con cái cũng được lớn lên theo con đường mà cha mẹ đã và đang đi.

Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

Công Đồng dạy: "Được cha mẹ hướng dẫn bằng gương sáng và kinh nguyện gia đình, con cái và những ai sống trong gia đình sẽ gặp được con đường nhân ái, cứu độ và thánh thiện" (MV 48).

Nhờ yêu thương và hợp nhất, cha mẹ sẽ tận lực săn sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con cái . Tình yêu và sự tận tụy của họ sẽ khơi dậy nơi con cái sự tín nhiệm, tinh thần cởi mở và lòng biết ơn. Chắc chắn con cái sẽ kính trọng và gắn bó với cha mẹ.

3. Tương quan giữa anh chị em.

"Bàn tay có ngón dài, ngón vắn". Nói thế để biện minh cho những dị biệt giữa anh chị em với nhau. Nhưng khác nhau không có nghĩa là xung khắc, đối nghịch nhau, mà có thể là những cơ hội tốt để cộng tác và bổ túc cho nhau. Nhờ học nơi gương sáng của cha mẹ, các anh chị đi trước hỗ trợ và hướng dẫn các em nhỏ theo sau. Các em kính trọng và noi gương các anh chị.

Như cha mẹ biết chấp nhận nhau, anh chị em trong nhà được củng cố bằng lòng tin tưởng lẫn nhau : hoạn nạn cùng gánh, đau khổ cùng chia, giúp nhau thăng tiến.

Trong bầu không khí thánh thiện gia đình được cha mẹ gầy dựng, anh chị em trong nhà học biết hy sinh và tôn trọng nhau. Chín người, mười ý, nhưng với mẫu số chung là hạnh phúc của anh chị em ruột thịt, tất cả cùng gắn bó bổ túc cho nhau, giúp nhau phát triển. Gia đình phải là cứ điểm của sự thăng tiến con người trên mọi bình diện.

4. Luôn luôn để Chúa làm chủ trong gia đình

Bất cứ gia đình nào muốn có hạnh phúc, việc đầu tiên đôi vợ chồng phải làm là mời Đức Chúa Trời làm chủ gia đình mình. Đây là điều căn bản nhất. Nếu không có Chúa làm chủ, gia đình không thể hạnh phúc được. Mời Chúa làm chủ nghĩa là vợ chồng phải có lòng tin Chúa một cách chân thành, kính mến Chúa và muốn làm theo lời Ngài. Cả hai vợ chồng phải có cùng đức tin, cùng quan điểm sống thì mới có thể đồng ý với nhau trong những việc làm khác một cách tốt đẹp được. Đức tin ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống con người, nên trong vấn đề xây dựng gia đình, chúng ta không thể loại bỏ đức tin ra ngoài.

Nhờ có Chúa làm chủ gia đình, Chúa Giêsu sẽ hiện diện giữa đôi lứa và Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn đời sống của gia đình. "Sự hiện diện của Chúa Giêsu làm cho sự hiệp nhất của đôi bạn trở nên trọn vẹn : hiệp nhất thể xác, tình yêu, tinh thần và thiêng liêng." (Đường Hy Vọng số 489).

Thánh Phêrô nhắc nhở : "Như những người con biết vâng phục, anh em đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còm mê muội. Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn, nếp ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em. Vì có lời Kinh Thánh chép rằng : hãy sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh" (1Pr 1, 14-16).

Xin Chúa cho chúng con noi gương Thánh Gia, biết hy sinh quên mình, yêu thương những người trong gia đình như chính thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu.
Xin cho chúng con yêu Chúa để biết yêu nhau và dạy con cái biết sống thương yêu.
Xin cho chúng con biết sống thánh từng ngày, để gia đình chúng con trở nên mái ấm hạnh phúc lôi cuốn mọi người đến với Chúa. Amen

IV. HỌC TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO SỐ 58

"Sự hối hận và tha thứ thường xuyên cho nhau trong gia đình Kitô hữu, đưa đến khoảnh khắc đặc biệt nơi Bí tích thống hối Kitô giáo".

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI.
Có những lần tôi đã không thừa nhận lỗi của mình.
Có những lần tôi cố chấp không tha thứ cho nhau.
Có những lần tôi cố tình làm cho "chuyện nhỏ xé ra to".
LỜI NGUYỆN CHUNG.
Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Làm người có giới hạn và bất toàn, lại phải sống với gia đình và xã hội, làm cho con người phải va chạm gây ra bất hòa. Chúa Giêsu đã dạy ta phải cầu xin ơn tha thứ và hãy tha thứ, trong kinh Lạy Cha. Chúa còn dạy phải đi làm hòa với người anh em, trước khi dâng của lễ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người đang sống trong gia đình:

1. Người thu thuế đấm ngực cầu nguyện rằng: "Xin Chúa thương xót tôi, vì tôi là kẻ có tội". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong Hội Thánh, luôn biết nhìn nhận tội lỗi của mình, để xin Chúa thứ tha, và người khác cũng dễ dàng tha thứ cho nhau.

2. "Hãy liệu lo làm hòa với người anh em, đang lúc còn đi đường với họ". Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần trong gia đình đang khi còn chung sống với nhau, có lòng khiêm tốn và quảng đại tha thứ cho nhau, để luôn sống hòa thuận với nhau.

3. "Anh em hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện bất bình với người kia". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong gia đình, đều sẵn sàng tha thứ cho nhau, theo lời Thánh Phaolô dạy và như Chúa đã hết lòng quảng đại đối với hối nhân.

4. Chúa Giêsu nói với Phêrô: "Phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy". Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần trong gia đình thuộc họ đạo chúng ta, cũng biết hết lòng quảng đại tha thứ cho nhau, theo như lượng từ bi của Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin nhậm lời khiêm tốn này xin của chúng con, xin thương tha thứ mọi tội lỗi chúng con, và dạy chúng con cũng biết hết lòng tha thứ cho nhau, để có cuộc sống hòa thuận và bình an như lòng Chúa mong ước. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

LÀM CHỦ CƠN NÓNG GIẬN

Cũng như mọi cảm xúc khác, nóng giận tự nó là một phản ứng tự nhiên cần thiết cho đời sống con người, nó giúp con người ứng tiếp đúng lúc. Tuy nhiên , nếu để cơn nóng giận điều khiển, con người sẽ mất khả năng suy nghĩ và từ đó sẽ có những lời nói hoặc hành động mà mình không thể lường trước được.

Đời sống hôn nhân gia đình là trường học làm người. Chính những va chạm trong gia đình giúp con người biết mình hơn và nhờ đó rèn luyện cho mình những nhân đức cần thiết như hiền lành, nhẫn nhục, quảng đại, phục vụ, tha thứ . . . Như thế rèn luyện những nhân đức cũng chính là tập làm chủ những cảm xúc của mình, đặc biệt là cơn nóng giận. Nhưng làm thế nào để làm chủ được cơn nóng giận ?

Chúng ta biết rằng não bộ điều khiển các chức vụ khác nhau của cơ thể. Mỗi phần trong não bộ tương ứng với một số chức năng : một phần điều khiển các cơ bắp của cơ thể, một phần khác chịu trách nhiệm lưu giữ những thông tin từ bên ngoài, một phần khác nữa giúp chúng ta suy luận.

Riêng đối với các cảm xúc, cũng có một phần tương ứng với não bộ. Khi chúng ta hành động dưới ảnh hưởng của cơn cảm xúc mạnh đến nỗi lay động những phần khác trong não bộ, lúc đó sẽ có những xáo trộn trong não bộ.

Chẳng hạn khi chúng ta không còn làm chủ được cơn nóng giận, lúc đó nó sẽ ảnh hưởng trên những phần khác của não bộ, khiến chúng ta suy nghĩ lệch lạc, nói ra những điều mà bình thường chúng ta không thể nói được, những nỗi đau tưởng đã chìm sâu trong ký ức bỗng trồi lên, sự tha thứ mà chúng ta đã dành cho một người nào đó nay bỗng trở thành cay đắng, chúng ta không còn làm chủ được miệng lưỡi, mà ngay cả tay chân chúng ta nữa.

Ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần ân hận vì đã nói những lời mà chúng ta không hiểu được tại sao mình đã có thể nói như thế.

Thông thường cơn nóng giận nào cũng làm phát sinh cơn nóng giận khác nơi người bị tổn thương, đôi khi nó cũng có thể là sự bùng nổ của cơn nóng giận bị dồn nén. Chẳng hạn ở sở làm một người chồng bị đồng bạn làm tổn thương, về đến nhà, ông sẽ trút cơn giận trên người vợ khi thấy bà không tươm tất việc nhà. Và dĩ nhiên, cơn giận nào cũng làm phát sinh một cơn giận khác : người vợ sẽ phản ứng lại bằng cách bắt bẻ chồng mình là người không đàng hoàng, bà sẽ gợi nhớ lại những thiếu sót của ông đối với vợ con.

Nếu không ai nhường ai, nếu không ai dừng lại để thấy lỗi của mình, chúng ta có thể đoán được những gì sẽ xẩy ra cho gia đình này.

Những va chạm, cãi vã có thể là dịp để vợ chồng hiểu nhau hơn, cảm thông và tha thứ cho nhau. Tuy nhiên, nếu những cãi vã đó là con đẻ của một cơn nóng giận thường xuyên, thì chắc chắn bầu khí gia đình sẽ trở nên ảm đạm, buồn thảm. Nếu gia đình không có con thì chiến tranh lạnh giữa vợ chồng là điều tất nhiên. Nếu trong gia đình có nhiều người thì hẳn sẽ có nhiều phe phái. Cả gia đình sẽ sống trong nghi kỵ, e dè. Càng bị xa lánh, kẻ nóng giận càng tìm cách làm thương tổn người khác hơn; kẻ nóng giận sẽ không còn thấy được mình suy nghĩ,

hành động thế nào, nhất là mình đang làm thương tổn người khác ra sao.

Đức Giêsu đã tỏ ra rất khắc khe với sự nóng giận. Ngài gọi kẻ nóng giận là "tên sát nhân". Ngài đòi hỏi chúng ta không những phải tránh sự nóng giận, mà còn phải đi làm hòa với kẻ nóng giận trước khi dâng của lễ. Còn thánh Phaolô thì dạy :"Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả". (1Cor 13, 4-7).

Trong đời sống hôn nhân và gia đình, ai cũng có thể rơi vào nóng giận. Nếu thật sự muốn xây dựng tình yêu và hạnh phúc gia đình, mỗi người cần phải hồi tâm để tự hỏi :"Tôi có để cho cơn nóng giận điều khiển tôi không ? Đâu là nguyên nhân đích thực của sự nóng giận nơi tôi ?" Nếu mỗi người muốn thực sự chữa tính nóng giận của mình, chúng ta hãy dừng lại để phân tích lần nóng giận cuối cùng của chúng ta.

Chúng ta đã nói những gì, đã làm những gì trong khi nóng giận. Hẳn chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta đã không làm chủ được sự suy nghĩ và hành động của chúng ta. Chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi :"Tôi đã xúc phạm đến người khác thế nào ?" Chúng ta hãy đặt mình vào địa vị người mà chúng ta làm tổn thương bằng lời nói và hành động của chúng ta. Có thấy được tổn thương của người khác, chúng ta mới nhận ra được tính cách trầm trọng và độc ác của cơn nóng giận.

Cuối cùng, không có phương pháp nào hữu hiệu để chữa cơn nóng giận cho bằng sự cầu nguyện. Cầu nguyện là tự đặt mình trước mặt Chúa để thấy rằng chúng ta xúc phạm đến Ngài, đến hình ảnh của Ngài nơi người khác. Cơn nóng giận nào cũng là một hành động thiếu đức tin. Nếu chúng ta luôn tin rằng người anh em chúng ta là hình ảnh của Chúa, thì hẳn chúng ta sẽ thấy được sự nóng giận xúc phạm đến Chúa như thế nào.

Đời sống hôn nhân và gia đình là một trường rèn luyện nhân cách. Nhưng rèn nhân cách không phải chỉ là cố gắng của ý chí đơn thuần, nhưng còn là đòi hỏi của đức tin nữa. Bí tích Hôn Phối là một gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Chính qua những cố gắng gặp gỡ nhau mà chúng ta gặp gỡ Chúa. Do đó, những cố gắng không ngừng của chúng ta để thắng vượt nóng giận trong đời sống hôn nhân và gia đình là những bước tiến dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa. (theo Thời Sự Công Giáo 1994)

VII. TRANG THIẾU NHI

1. Câu chuyện gia đình:
Mấy ngày nay bầu khí trong gia đình Tí thật nặng nề. Cuộc "chiến tranh lạnh" giữa ba và má đã nổ ra. Mọi chuyện bắt đầu từ hôm thứ năm vừa rồi.

Sáng hôm đo, tới giờ đi học rồi mà em Ti vẫn còn chưa chịu rời khỏi giường. Sốt ruột má lại xem, vẫn thấy em nhắm mắt ngủ li bì. Đưa tay sờ thử trán con, má giật mình thảng thốt: " Anh ơi, bé Ti bệnh rồi, sao nó nóng quá!". Ba chạy vội lại, thăm dò một lát rồi quyết định: "Con nó bệnh thật rồi, không đi học được đâu. Em lấy thuốc cho con uống, rồi gởi tạm bên nhà Bác Hai, rồi hãy đi làm. Chiều tan sở, anh sẽ về sớm đưa con đi khám Bác sĩ xem sao".

Gởi em Ti cho Bác Hai rồi, má đi làm. Nhưng quả thật là má không an tâm, cứ một lát lại điện về thăm chừng. Đến trưa thì em Ti lại sốt cao, má đành phải xin cơ quan cho về sớm. Má tính đưa em Ti đi bệnh viện ngay, nhưng lại ráng tới chiều chờ ba về. Nhưng năm giờ, sáu giờ, rồi đến bảy giờ tối mà vẫn chưa thấy ba đâu. Cuối cùng, má đành phải một mình đưa con đến bệnh viện. Sau khi khám, bác sĩ nói em Ti bị sốt xuất huyết, may mà đưa đến bệnh viện kịp thời, nhưng cũng phải nằm lại điều trị mấy ngày cho qua cơn nguy hiểm.

Sau chuyện đó, má giận ba lắm. Tối đó, mãi hơn mười giờ khuya ba mới về tới nhà, người toàn mùi rượu bia. Dắt xe vào nhà xong, là ba lăn quay ra ngủ một giấc tới sáng. Lúc thức dậy, nghe Tí kể lại chuyện tối qua má đưa em Ti đi bệnh viện, ba hốt hoảng lấy xe đi ngay, không kịp cả ăn sáng. Thấy ba đến, má giận quá không nói một lời, mặc cho ba ra sức phân bua, đưa ra mọi lý do để giải thích cho việc đi nhậu và về trễ tối qua.

Mấy ngày sau đo, bầu khí nặng nề vẫn tiếp tục bao trùm lên gia đình Tí. Ba má cãi nhau một trận lớn tiếng, rồi thì sau đó không ai thèm nói với ai một lời nào nữa. Nằm trên giường bệnh, bé Ti cũng cảm thấy buồn lây. Em chỉ muốn thấy ba má làm hòa với nhau.

Sáng Chúa Nhật, sau khi đi lễ về Ti thấy ba nói với má: "Cho anh xin lỗi nha, lẽ ra bữa đó anh không nên đi nhậu với bạn bè như vậy. Con bệnh mà anh thờ ơ, vô tâm, anh thấy mình có lỗi với em và các con quá!" Ti thấy má mỉm cười và nói: "Mà em cũng có lỗi nữa, lẽ ra em không nên lớn tiếng với anh trước mặt các con. Nhưng anh hiểu cho, tại con bệnh nên em sốt ruột đâm ra nóng nảy". Thấy ba má đã làm hòa với nhau, Ti mừng quá reo lên: "Hoan hô ba má, con mừng quá hết bệnh rồi nè!"

Có một điều ba má đã không nói cho anh em Tí và Ti biết: Sở dĩ ba má làm hòa với nhau, là do bài giảng sáng nay trong Thánh lễ của Cha Sở. Ngài nói, gia đình nào cũng có những lúc bất hòa. Nhưng điều quan trọng là phải biết mau chóng nhận ra phần lỗi của mình và sẵn sàng tha thứ cho nhau. Có như thế thì mới giữ được bầu khí hòa thuận và sự bền vững trong đời sống gia đình. Nếu Ti biết được lý do này, chắc em cũng phải reo lên: "Hoan hô Cha Sở!".

2. Trò chuyện cùng thiếu nhi:
Các em thiếu nhi thân mến,
Đúng như lời Cha Sở đã nói trong câu chuyện ở trên, gia đình nào cũng có những lúc bất hòa: bất hòa giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa anh em với nhau.Nhưng nếu người nào cũng khăng khăng cho phần đúng thuộc về mình, mà không chấp nhận sai lỗi, hay có lòng hẹp hòi cố chấp, không tha thứ cho lỗi lầm của người khác, thì làm sao giữ được hòa khí trong gia đình. Chính những thái độ sai trái đó sẽ đẩy đời sống gia đình đến chỗ xung đột, bất hòa, thậm chí đến bờ vực của sự tan vỡ.

Chính vì vậy ngay từ nhỏ, các em thiếu nhi đã phải tập cho mình có tính khiêm nhường, biết can đảm nhận ra những sai lỗi của mình để sửa chữa. Đồng thời, khi có người nào lỗi phạm đến mình, các em cũng phải tập sống thái độ bao dung, sẵn sàng tha thứ cho họ.

Các em thiếu nhi thân mến,
Bí tích Giải tội là Bí tích giao hòa chúng ta với Thiên Chúa. Nhưng muốn lãnh nhận bí tích ấy, trước hết, chúng ta phải nhận ra những sai lỗi của mình qua việc xét mình. Kế đo, chúng ta phải ăn năn sám hối về những sai phạm đã mắc phải, qua việc ăn năn dốc lòng chừa. Rồi sau đó, ta mới tới Tòa Giải Tội để thú nhận tội lỗi với Thiên Chúa, qua linh mục đại diện Người. Khi đó chúng ta sẽ hân hoan, vì được Thiên Chúa khoan dung và giàu lòng thương xót, tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Vậy, để sống giao hòa và tha thứ đối với mọi người, các em phải thấu hiểu và tập sống các ý nghĩa của Bí tích Giải tội -Bí tích Giao hòa.

Rèn luyện để có một trái tim khoan dung, ôn hòa, một trái tim giàu lòng thương xót, thứ tha, sẽ luôn là một việc làm cao qúi và cần thiết của người thiếu nhi Công giáo chúng ta hôm nay. Nhất là khi chúng ta đang sống trong một bối cảnh xã hội và thế giới đầy dẫy những ghen ghét, bất công, bạo lực, hận thù…Ta hãy cùng nhau góp phần làm cho bộ mặt xã hội và thế giới ngày một tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn, các em nhé!

3. Bài hát - Cử điệu:
Bài "Đôi tay trên vai" (X. Sổ tay Tông đồ của Thiên Ân - Trang 41):

*Bài hát:
(A).Đôi tay trên vai chúng ta bước đều (B).Tay giơ lên cao giúp ta thấu hiểu (C).Tay đặt trên mình nhận ta hèn yếu (D).Tay hướng về đây kết đoàn trong yêu thương.
Cử điệu:
(A): Tập hợp vòng tròn, hai tay đặt trên vai người phía trước, bước theo chiều kim đồng hồ.
(B): Hai tay đưa cao khỏi đầu, bàn tay lắc theo nhịp bài hát, bước theo chiều ngược kim đồng hồ.
(C): Hai tay bắt chéo trước ngực, đập tay vào ngực theo nhịp bài hát, chân dậm tại chỗ, mặt hướng vào giữa vòng tròn.
(D): Hai tay đưa thẳng về trước, lòng bàn tay ngửa, nhịp tay theo bài hát, chân bước vào giữa vòng tròn.
4. Băng reo:
-QT: Ai
-TC: Khiêm nhường!(Đang đứng, ngồisụp xuống, hai tay đập xuống đất).
-QT: Ai
-TC: Nhận lỗi!(Vẫn ngồi, hai tay bắt chéo, đập đập tay vào ngực).
-QT: Ai
-TC: Tha thứ! (Hơi nhổm lên, hai tay xua qua lại trước mặt).
-QT: Thì được Chúa
-TC: Thứ tha! Ahh!( Đứng thẳng lên, hai tay vung lên cao, chân nhảy lên, hô lớn một tiếng.
* Sau đó hát bài "Đôi tay trên vai" kèm cử điệu.
5. Thực hành:
+Em siêng năng Xưng tội - Rước lễ, để thường xuyên kín múc nguồn sức mạnh yêu thương - tha thứ của Chúa Kitô.
+Em tập thái độ can đảm nhận lỗi và biết nói hai tiếng "xin lỗi" với mọi người.
+Em tập cách sống hiền hòa, bao dung và sẵn sàng tha thứ cho bạn bè.

VII. TẢN MẠN

Cách nay đúng 150 năm, trưa ngày 03.7.1853, giáo trưởng Philipphê Phan văn Minh bị điệu đến pháp trường Đình Khao. Lính tráng mặc áo đỏ cầm gươm giáo đi hai hàng. Có một nhóm giáo dân can đảm tháp tùng để chứng kiến vị linh mục trẻ tử đạo. Lại thêm đám đông người lương tò mò chạy theo coi cảnh chém đầu tử tội. Họ ngạc nhiên vì "tội nhân " này bình tỉnh và vẻ mặt hớn hở vui tươi cách lạ lùng.

Một hồi chiêng trống vang lên, vừa dứt tiếng, lưỡi gươm lý hình đã giúp Cha Philipphê Minh được toại nguyện. Máu đào của Cha đổ thấm vào đất Đình Khao như hạt lúa gieo vào lòng đất chờ ngày trổ sinh những bông hạt khác .

Sau một thế kỷ rưỡi, ngày lịch sử được diễn lại trong cảnh mới và những người mới với biết bao thay đổi khác biệt. Cũng tại mảnh đất Đình Khao này, chúng ta lại tham dự một lễ khai mạc Năm Thánh vừa hoành tráng trang trọng, vừa linh thiêng thánh thiện. Không chỉ có một hồi chiêng trống ngắn ngủi, mà cả một điệu nhạc hùng hồn vang lên tô đậm nét anh hùng của Hai Vị Thánh Tử Đạo .

Tiếng nhạc oai hùng vang trên khắp cõi trời "Vĩnh Long". Hàng trăm Linh mục cùng với Đức Giám Mục mặc lễ phục màu đỏ rực lên trong nắng trưa tháng bảy. Từng vị tiến lên lễ đài với cảm giác như tiến lên pháp trường, hiệp cùng lễ tế của Chúa Giêsu trên Thánh giá và hòa cùng hiến tế của Hai Vị Anh Hùng Tử Đạo Giáo phận Vĩnh Long. Cùng cất lên một bài ca, bài ca được viết bằng máu và được hát bằng tình yêu.

"Đây bài ca ngàn trùng dâng về Thiên Chúa, bài ca thấm nhuộm máu hồng. Từng bao người anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu".

Từ trên lễ đài nhìn xuống, hàng ngàn người gồm tu sĩ và giáo dân chật kín Trung tâm Hành hương Đình Khao. Một đám đông có tổ chức và trật tự. Họ đọc kinh cầu nguyện, họ chăm chỉ lắng nghe học hỏi và suy niệm cuộc đời của Hai Vị Thánh như những tấm gương sáng ngời và sống động. Nếu tinh ý, chúng ta sẽ thấy có những giọt nước mắt lăn dài trên má của một số giáo dân xúc động mạnh. Những giọt nước mắt của niềm vui dâng tràn và niềm tin mãnh liệt.

Hôm nay, ngày khai mạc Năm Thánh, kỷ niệm 150 năm Hai Vị Thánh Tử Đạo của Giáo Phận Vĩnh Long, nhìn quang cảnh tưng bừng trang trọng bên ngoài và lắng đọng sâu thẳm bên trong, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của những cụm từ được trình bày ngay mặt tiền lễ đài:
- "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà chết đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt" (Ga 12, 24).
- "Máu Tử đạo là hạt giống phát sinh người tín hữu" (Tertulianô).
- "Người gieo trong nước mắt, sẽ gặt trong vui mừng".
Trước đó phải có nước mắt, có chết, có tử đạo, để rồi sau đó sẽ vui mừng, phát sinh sự sống và tăng thêm tín hữu. Nhờ máu của Hai Vị Thánh Tử Đạo, Giáo phận Vĩnh Long ngày nay có được mùa gặt dồi dào. Máu tử đạo của Thánh Philipphê Phan văn Minh và những nhục nhằn cam chịu của Thánh Giuse Nguyễn văn Lựu sẽ còn tiếp tục hằng ngày nơi các tín hữu biết chấp nhận những hy sinh cố gắng vì đức tin.
Lạy Hai Thánh Tử Đạo Vĩnh Long,
Là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng,
Xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu
Được noi gương các Ngài,
Biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ.
Để một ngày kia trên Thiên quốc
Chúng con hợp tiếng với các Ngài,
Ca ngợi tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển . Amen

IX. NGHỆ THUẬT SỐNG

NƯỚC GIẢI KHÁT "QUẢNG ĐẠI"

Ngày nay khi mỗi ngày khí hậu một trở nên nóng hơn làm cho khuôn mặt vui tươi xinh xắn hằng ngày của bạn biến sắc ra "nhăn nheo" cau có, quạu quọ vì mọi vật xung quanh như đang đè nặng trên bạn, khiến bạn luôn bực tức và cảm thấy khó chịu.

Nhận thấy tình hình kinh tế thị trường tới hồi gay gắt, chúng tôi sau bao ngày vò đầu bứt tóc đã chế ra một loại nước giải khát mới. Và giờ đây chúng tôi xin hân hạnh ra mắt các bạn một sản phẩm mới có thể giúp bạn làm dịu mát mọI thứ, đó là một loại nước giải khát "Quảng Đại" đặt biệt được chiết suất từ sự tự nguyện với thành phần chính là tình yêu, nên rất đơn giản và dễ pha chế.

Nào chúng ta cùng bắt đầu nhé! Đầu tiên bạn hãy lấy một chiếc ly to - nhỏ tùy ý bạn, tiếp đến đổ nước yêu thương vào cao hơn nửa ly một chút, rồi bạn hãy vắt một trái chanh vui vẻ, hoà đồng vào, sau đó bạn hãy dùng loại đường mang nhãn hiệu "lời nói ngọt ngào êm dịu" cho vào ly, sau cùng đập thêm một chút đá nhiệt thành vào quậy đều lên cho tất cả hòa tan vào nhau.

Và thế là chúng ta vừa hoàn tất một ly nước giải khát "Quảng Đại" mang hương vị tình yêu rồi đó. Bây giờ chúng ta cùng thưởng thức nhé! Uống từng ngụm thôi (kẻo sặc đấy!). Bạn có thấy mát dịu hẳn và hương tình yêu lan tỏa khắp người không?

Đặc biệt loại nước "Quảng Đại" này bạn có thể dùng bao nhiêu lần trong ngày tùy thích, dùng thường xuyên sẽ giúp bạn luôn vui tươi và có một cơ thể tràn đầy sức sống. Chúc bạn thành công.

SỐNH NĂM THÁNH
(03.07.03-03.07.04)

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO ĐỨC
THEO GƯƠNG HAI THÁNH TỬ ĐẠO
PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH & GIUSE NGUYỄN VĂN LỰU

I. ĐỌC LỜI CHÚA : Mc 1, 21-29

Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Capharnaum. Ngay ngày Sabbát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.

Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng : "Ông Giêsu Nazarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng thánh của Thiên Chúa!" Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó : "Câm đi, hãy xuất khỏi người nầy!" Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nõi họ bàn tán với nhau : "Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!" Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.

Vừa ra khỏi hội đường Capharnaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Một ngày làm việc của Đức Giêsu đầy bận rộn : Ngài kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên (1. 16-20); giảng dạy trong hội đường như Đấng có uy quyền; trục xuất ma quỉ; chữa lành người bệnh. Đức Giêsu thực hiện quyền năng của một vì Thiên Chúa với sự nhiệt tình không mệt mõi.

III. CHUYỆN MINH HỌA

ĐÁP TRẢ TÌNH THƯƠNG

Sau nhiều ngày hy sinh cầu nguyện, một vị truyền giáo da trắng đã đặt chân trên mảnh đất của một bộ lạc người da đỏ tại Mỹ châu. Vị truyền giáo bắt đầu rao giảng tình thương của Thiên Chúa là Cha chung của toàn thể nhân loại, của mọi chủng tộc, không phân biệt màu da tiếng nói.

Ngài cũng nói với họ về tình thương của Chúa Giêsu vì muốn cứu chuộc nhân loại, nên đã chấp nhận hy sinh chết trên thập giá như bằng chứng cao cả nhất của tình thương vô giới hạn. Những người dân da đỏ chăm chú lắng nghe giảng dạy mà không khỏi xúc động đến rơi lệ.

Một lần kia, sau những giờ nghe giảng, trước khi giải tán trở về nhà, họ nói với vị truyền giáo :

- Thưa Cha, ngày mai chúng con sẽ trở lại và trả lời cho Cha biết chúng con phải làm gì để đáp trả tình thương vô biên đó.

Tối hôm ấy, tất cả những người đàn ông trong bộ lạc tụ họp lại chung quanh vị tù trưởng và những người cao niên để bàn tán với nhau về việc phải làm gì để đáp lại cho cân xứng. Một người đề nghị : Có lẽ chúng ta phải sát tế tất cả súc vật của chúng ta để dâng Ngài chăng? Người khác đặt câu hỏi : phải chăng chúng ta sẽ phục vụ Ngài suốt đời như kẻ nô lệ? Có kẻ không ngần ngại phát biểu : hay là chúng ta phải sát tế con cái chúng ta cho Ngài nữa mới xứng đáng?

Ngày hôm sau, một số người đại diện tháp tùng vị tù trưởng đến gặp vị truyền giáo và thưa :

-Thưa Cha, chúng con đã bàn bạc suốt đêm qua và chúng con quyết định sẵn sàng làm bất cứ điều gì Ngài muốn, dù có phải hy sinh mạng sống mình đi nữa.

Vị truyền giáo vui mừng đáp :

- Các bạn thân mến, Thiên Chúa tình thương chỉ mong muốn một điều duy nhất là các bạn kính mến Ngài và yêu thương lẫn nhau mà thôi.

Giải đáp của vị truyền giáo được loan đi trên môi miệng tất cả mọi người trong bộ lạc, họ hú lên những tiếng vui mừng reo vang và nhảy múa như ngày đại hội để cảm tạ vị thần tình thương đòi hỏi quá ít để đáp trả tình thương quá lớn lao như vậy.

Trong thời hoạt động, chắc hẳn nhiều người đã nhận ra sức sống của Chúa qua hai vị thánh và qua những lần tiếp xúc gặp gỡ, họ đã cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi hai vị. Vì trong cuộc sống hai vị thánh đã biết rao giảng về Chúa cho mọi người, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá và bằng trái tim tràn đầy tình yêu Chúa.

IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

1. Thời hoạt động của Thánh Philipphê Minh và Giuse Lựu.
a. Thánh Philipphê Phan Văn Minh
- Trong chức vụ linh mục, cha Philipphê Minh trong 5 năm từ 1846-1852 đã coi sóc các Họ Đạo trên một địa bàn rộng lớn, xa xôi, trải dài từ Nam Vang đến Mặc Bắc. Cha đi thăm viếng, dạy kinh, ban các bí tích cho các giáo hữu ở khắp vùng Tiền Giang và Hậu Giang.
- Dù hoàn cảnh bắt đạo gắt gao, cha Philipphê Minh vẫn chu toàn bổn phận của một mục tử : cha vẫn đi lại, khuyến khích các tín hữu, mở lớp dạy giáo lý và trao ban bí tích.
- Cha quan tâm đến việc huấn luyện Ơn gọi, đào tạo những tông đồ cho thế hệ tương lai, qua việc chọn lựa, nuôi dạy các trẻ em thông minh, đạo đức.

b. Thánh Giuse Nguyễn văn Lựu
- Nối nghiệp cha, Giuse Lựu chí thú làm ăn và đã gầy dựng được một cơ nghiệp tương đối để nuôi sống gia đình.
- Tánh tình người đôn hậu : hiếu kính với bề trên và nhân từ với bề dưới và hay thương giúp người nghèo khổ.
- Giuse Lựu là một tín hữu hết lòng thờ Chúa và yêu người : Lúc việc nhà rảnh rỗi thì người dạy giáo lý cho con cháu, cho bà con xóm giềng, nhắc nhở người trong nhà việc kinh sách, xưng tội rước lễ.
- Biết ông là người hiền lương tài đức, cha sở bổ nhiệm ông làm biện và sau đó làm trùm nhứt Họ Mặc Bắc. Ông năng thăm viếng giáo dân bệnh tật, giúp đỡ người nghèo, và dâng cúng đất đai cho Nhà Chung Mặc Bắc.
- Gặp thời bách hại khó khăn, nhà thờ bị triệt phá, ông sắm sẳn bàn thờ và dành nhà mình như nhà nguyện để các cha có thể lui tới giúp đỡ giáo hữu. Thật là một vị chức việc gương mẫu cho hàng quý chức.

2. Thời hoạt động của Chúa Giêsu.
- Cả cuộc đời hoạt động của Đức Giêsu có thể được nhìn qua một ngày làm việc của Người, qua Tin Mừng Thánh Luca: Mc 1, 14-32.
- Đức Giêsu bắt đầu rao Giảng Tin Mừng tại Galilê, kêu gọi người ta sám hối và tin vào Tin Mừng.
- Ngài kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên : Phêrô. Anrê. Giacôbê và Gioan.
- Ngài vào hội đường ở Capharnaum và giảng dạy như Đấng có uy quyền, vì Ngài là Thiên Chúa, chỉ có Ngài mới biết rõ về Thiên Chúa.
- Ngài chứng tỏ uy quyền trên ma quỉ khi trục xuất chúng khỏi người bị ám
- Đến nhà Ông Simon và Anrê, Người chữa bệnh sốt cho bà mẹ vợ ông Phêrô.
- Chiều đến khi mặt trời đã lặn, Ngài vẫn chưa nghỉ ngơi : tiếp tục trừ quỉ và chữa lành nhiều bệnh.
- Sáng sớm hôm sau Ngài tìm nơi vắng vẻ cầu nguyện một mình.
3. Các thánh Tử đạo đã sống như Chúa Giêsu.
- Như Đức Giêsu nhiệt thành với công việc Nhà Chúa, cả hai thánh Philipphê Minh và Giuse Lựu đều nhiệt thành trong bổn phận của mình : làm tròn trách nhiệm mà Chúa giao phó theo bậc sống mình.
- Việc Đức Giêsu bận rộn chữa bệnh và trừ quỉ hé mở cho chúng ta thấy tình thương và lòng tận tụy của Người đối với con người. Cả hai vị thánh cũng đều sống thân ái, yêu thương những người thuộc về mình và sẳn sàng cống hiến bản thân phục vụ họ.
- Dù mệt nhọc suốt ngày rao giảng Tin Mừng và chữa bệnh, trừ quỉ cho dân chúng, Đức Giêsu vẫn không quên dành thời giờ riêng từ lúc sáng sớm để cầu nguyện, gặp gỡ Chúa Cha. Gặp thời khó khăn bách hại, cả hai vị thánh không chùn bước, nhưng bền tâm chu toàn nhiệm vụ được giao phó, chung thủy đến cùng với Thiên Chúa của mình
4. Gia đình dạy con cái thế nào?
Bắt chước nhịp sống của Chúa Giêsu: làm việc không ngừng đi đôi với cầu nguyện.
Cha mẹ nên tập cho con cái ham thích làm việc để nuôi sống bản thân, giúp ích cho mình, giúp ích xã hội. Làm việc, nhất là làm việc thiện làm cho người tín hữu sống đúng với phẩm giá làm Con Chúa của mình.
Bên cạnh đó, cần dạy con cái biết sống đời cầu nguyện. Tận đáy lòng của người Công giáo luôn cảm thấy mình cần Chúa và con đường dẫn chúng ta đến chổ cảm nghiệm và kết hợp với Ngài là cầu nguyện. Cầu nguyện ở đây không chỉ là quì hàng giờ trước Thánh Thể, trong đêm tối để đọc kinh, lần hạt nhưng phải hiểu là bao gồm nhiều hình thức sinh hoạt khác trong đó: Chúng ta dự lễ với cả gia đình tại nhà thờ họ đạo; chúng ta phát triển mối liên hệ mật thiết với Chúa qua việc năng lãnh nhận các bí tích; chúng ta quây quần cả gia đình để đọc kinh tối chung và cùng cầu nguyện với nhau; chúng ta năng cầu nguyện riêng với Chúa mỗi khi có dịp trong ngày.
Tóm lại, phải tạo dịp gặp gỡ riêng tư với Chúa, sau những bộn bề của công việc hằng ngày, để tâm hồn ta được lấp đầy Chúa. Bởi vì, không có ơn Chúa đời sống con người không thể hình thành và triển nở được.
- Xin hai thánh phù hộ chúng con mỗi người biết tận dụng sức lực Chúa ban để tận tâm phục vụ gia đình và Hội Thánh;
- Xin cho các linh mục biết lo việc mở mang Nước Chúa và yêu thương giáo dân của mình không ngại gian khổ;
- Xin cho những ai nhận lãnh chức việc phục vụ Họ Đạo trong Hàng Quới Chức được luôn nhiệt thành hăng say phục vụ Chúa. Amen

V. HỌC LỜI CHÚA : Mc 1, 31

"Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài."

VI. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI.
Tôi quá ích kỷ, không giống Chúa Giêsu trong chức năng của mình mà phục vụ mọi người.
Tôi không giống thánh Philipphê Minh sống vì mọi người và chết cho nhiều người được sống.
Tôi không giống thánh Giuse Trùm Lựu, hoạt động Tông đồ và xã hội giúp nhiều người.

LỜI NGUYỆN CHUNG.
Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Trong ngày hoạt động của Chúa Giêsu mà Phúc Âm ghi lại, Chúa phân chia ngày giờ để lo việc thờ phương Thiên Chúa, và cứu giúp mọi người. Các thánh Philipphê Minh và Giuse Trùm Lựu đã noi theo đó mà sống hoạt động của mình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu:

1. Ngày sabbat Chúa Giêsu vào hội đường giảng dạy như Đấng có uy quyền. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu siêng năng và sốt sắng trong các việc thờ phượng Chúa: như dự lễ và đọc kinh tối chung, để nói cho mọi người biết quyền năng và tình thương của Chúa.

2. Người ta nói Chúa biết bệnh tình của bà mẹ vợ ông Phêrô. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Kitô-hữu, ở mọi nơi, cũng nói cho Chúa nghe về tình trạng xã hội, thiếu sức sống đức tin, thiếu phương tiện loan truyền ơn cứu độ, để được Chúa cứu giúp.

3. Chúa chữa lành mọi kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người, bằng khả năng trong chức phận của mình, nâng đỡ và an ủi người thiếu thốn, hầu xây dựng cuộc sống chung ngày càng tiến triển hơn.

4. Thánh Philipphê Minh với cuộc đời ngắn ngủi, Thánh Giuse Trùm Lựu với cuộc sống vất vả, đã dấn thân hoạt động giúp ích phần rỗi anh em. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, tùy hoàn cảnh và chức vụ của mình, cũng góp phần phục vụ ơn cứu rỗi cho anh em mình, nên xứng đáng là con cháu các Thánh Tử đạo.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa đã ban Con Một Chúa là Đức Giêsu nên gương hoạt động cho chúng con, Chúa lại đoái nhìn thời hoạt động của Cha thánh Philipphê Minh và Giuse Trùm Lựu. Xin Chúa nhậm lời chúng con cầu xin, ban Thánh Thần hoạt động trong chúng con nên giống Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

CƯỜI VỚI BẤT CỨ AI

Mẹ Têrêsa thành Calcutta kể lại như sau : Nhiều người đến thăm tôi tại Calcutta , và trước khi ra về thường ngỏ ý với tôi :"Xin cho chúng con một lời khuyên để chúng con sống tốt đẹp hơn".

Tôi liền bảo họ :"Quí vị hãy về và cười với nhau. Hãy cười với vợ của ông. Hãy cười với chồng của bà. Hãy cười với con cái của ông bà. Hãy cười với mọi người, bất luận người đó là ai. Cười như thế quí vị sẽ lớn lên trong tình yêu hỗ tương".
Nghe vậy, một người trong nhóm hỏi tôi:
- Bà có lập gia đình không ?
Tôi gật đầu và nói:
- Đôi khi tôi cũng thấy khó cười với vị hôn phu của tôi.
Và Mẹ Têrêsa kết luận:
- Đúng thế, Chúa Giêsu có thể đòi hỏi rất nhiều. Và chính khi Ngài đòi hỏi như thế thì không gì đẹp cho bằng nở một nụ cười thật tươi với Ngài.
Phúc Âm không ghi lại một nụ cười nào của Chúa Giêsu, mà chỉ đôi ba lần nhắc đến những thổn thức và tiếng khóc nức nở của Ngài. Vậy mà cả cuộc đời, những lời rao giảng, những việc làm, và nhất là cái chết và sống lại của Ngài được gọi là Tin Mừng.
1. Chúa Giêsu là nụ cười của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu mang đến cho con người một Tin Mừng, bởi vì qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của mình, Ngài đã mang đến cho mọi người con đường hy vọng. Đau khổ và sự chết đã bị khắc phục, bởi vì hy vọng, niềm vui, sự sống đã bừng dậy từ đau khổ và sự chết. Chúa Giêsu chính là nụ cười của Thiên Chúa được gửi tặng chúng ta. Trong Ngài, con người tìm được ý nghĩa của cuộc sống, ngay cả khi gặp thất bại, khổ đau. Trong Ngài, con người tìm được niềm vui, ngay cả khi thua thiệt mất mát. Trong Ngài, con người tiếp tục hy vọng, ngay cả giữa những giờ phút tăm tối nhất của cuộc đời.
Nụ cười lôi cuốn nụ cười. Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi con người một nụ cười đáp trả .
2. Nụ cười của hai thánh Philipphê Minh và Giuse Trùm Lựu.
Cả hai đều nhiệt thành trong bổn phận của mình : làm tròn trách nhiệm mà Chúa giao phó theo bậc sống của mình, là nở nụ cười thật tươi với Chúa.
Cả hai đều sống thân ái, yêu thương những người thuộc về mình và sẳn sàng cống hiến bản thân phục vụ họ, là nở nụ cười xinh xắn với mọi người.
Gặp thời khó khăn bách hại đạo, cả hai không chùn bước, nhưng bền tâm chu toàn nhiệm vụ được giao phó, là nở nụ cười thật duyên dáng với Chúa và với mọi người.
3. Học cười với bất cứ ai.
Nụ cười lôi cuốn nụ cười. Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi chúng ta một nụ cười đáp trả. Cười với Chúa Giêsu là biết đón nhận từng giây phút trong cuộc sống và mọi biến cố với tất cả tin yêu, hy vọng, phó thác. Cười với Chúa Giêsu là luôn sẳn sàng nhận ra Ngài với khuôn mặt của mỗi người anh em xung quanh ta.
Cười với chúa Giêsu cũng có nghĩa là biết trao ban một ánh mắt cảm thông, một nụ cười thân thiện, một lời nói an ủi, tha thứ với tất cả mọi người. Phục vụ Chúa, phục vụ anh em trong từng giây phút của cuộc đời bằng những cử chỉ, những hành vi, dù là nhỏ, nhưng đầy yêu thương, đó là chúng ta đang cười với Chúa, với mọi người. (Abbé Pierre :"Un sourire coute moins cher que l'électricité, mais il donne autant de lumière.")

1177    19-04-2012 09:04:36