Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Huấn Luyện và Thăng Tiến Giáo Dân - Tháng 06 năm 2011

LỜI CHỦ CHĂN

Tòa Giám Mục Vĩnh Long
103 đường 3/2Vĩnh Long

Vĩnh Long, ngày 22.5.2011

                      V/v Huấn Luyện và Thăng Tiến Giáo dân

Kính gởi: Các Linh Mục, Tu Sĩ, Chủng Sinh
               Và Anh Chị Em Giáo Dân Địa Phận Vĩnh Long

"Thầy là cây nho, các con là nhành" (Gioan 15,5)

Đại Hội Dân Chúa, cao điểm của Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam, từ 21 đến 26.11.2010, được xem như khởi điểm của giai đoạn mới trong Lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam, một Đại Hội quy tụ mọi thành phần Dân Chúa, có đông đảo anh chị em  giáo dân tham dự. Các vị chủ chăn đã lắng nghe tiếng nói và những nguyện vọng của giáo dân, chẳng những mong muốn mà còn  tôn trọng sự tham gia tích cực của họ. Đàng khác các vị chủ chăn  nghĩ đến nhiệm vụ là phải làm sao cho việc tham gia của anh chị em giáo dân đạt hiệu quả tích cực. Do đó việc huấn luyện và thăng tiến giáo dân thật là vấn đề quan trọng.

1.  Trước tiên chúng ta  xem cách thức Chúa Giêsu tuyển chọn và huấn luyện các môn đồ, những người sẽ cộng tác với mình. Khi bắt đầu sứ vụ, Chúa đã thành lập nhóm mười hai, để ở với Chúa và để Chúa sai đi (Mc 3,14).

Thời các Tông đồ, các tín hữu chuyên cần với giáo huấn của các Tông đồ, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh, và cầu nguyện không ngừng (Tđcv 2,42).

2. "Thầy là Cây Nho, các con là nhành" (Gioan 15,5)

Nhành nho phải gắn liền với cây nho mới  sinh hoa trái. Các tín hữu hôm nay phải kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, phải hiệp thông với Hội Thánh, bằng cách trung thành lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện và chiêm niệm, cử hành mầu nhiệm Chúa  Giêsu trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, và nêu gương hiệp thông trong đời sống cũng như trong đức ái  (x. TH  Giáo Hội tại Châu Á, 23).

3.  Hơn nữa, người giáo dân sống giữa đời có sứ mạng làm nhân chứng Phúc Âm trong nơi họ sinh sống và làm việc. Công Đồng Vaticanô II đã nêu lên vai trò của giáo dân: "Họ được đặt ngay trong thế giới để thi hành những nhiệm vụ đa dạng nhất" (Lumen Gentium, 31). Đức Gioan Phaolô II đã giải thích thêm: "Do ân sủng và tiếng gọi của Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, mọi giáo dân đều là nhà truyền giáo; và địa bàn truyền giáo của họ là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp, như chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao" (Giáo Hội tại Châu Á, 45) .

Để giúp cho người giáo dân chu toàn trách nhiệm  làm nhân chứng giữa đời, Hội Thánh có Học Thuyết Xã Hội vững chắc. Họ có thể chứng tỏ rằng người công giáo tốt cũng là người công dân tốt, khi  phát huy đời sống đức tin và trình độ hiểu biết các giá trị luân lý và đời sống xã hội  (x. Bênêđitô XVI, Huấn từ cho HĐGMVN, 27.6.2009).

4. Đại Hội Dân Chúa đã nêu lên nguyện vọng của gáo dân, là được bồi dưỡng về thần học, giáo lý, Kinh Thánh, mục vụ. Đồng thời mong thấy đường hướng mới, quy chế và tổ chức Họ Đạo, Giáo Phận, sao cho mọi người có cơ hội tham gia các sinh hoạt của Họ Đạo, của Giáo Phận, cũng như góp phần xây dựng Nền Văn Minh Tình Thương, trong đó mọi người được tôn trọng, người nghèo được giúp đỡ, người  cô thế được bảo vệ.

Mong rằng Niềm Tin vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót, tín thác vào Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc trần gian luôn luôn hướng dẫn Hội Thánh trong sứ mạng yêu thương và phục vụ hạnh phúc con người.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân

   Giám Mục của Anh Chị Em

THƯ MỤC VỤ

CHỦ ĐỀ: HUẤN LUYỆN VÀ THĂNG TIẾN GIÁO DÂN

Đại hội nhấn mạnh vai trò của các giám mục và linh mục trong Hội Thánh. Công cuộc canh tân Hội Thánh cần được bắt đầu từ hàng linh mục, vì thế ước mong các giám mục và linh mục Việt Nam không chỉ là người quản trị giỏi nhưng trước hết là người của Chúa và là những mục tử nhân lành, biết gắn bó với Chúa Giêsu trong cầu nguyện để có thể phục vụ cộng đoàn theo gương Thầy chí thánh, biết tôn trọng và phát huy vai trò người giáo dân trong tinh thần đối thoại và cộng tác (Sứ Điệp Của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010, số 5).

 

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Đức  Hồng y Gasquet, trong quyển "Kitô hữu giáo dân  trong thời kỳ tiền cải cách giáo xứ", đã kể mẩu truyện dí dỏm như sau:

- Một Kitô hữu tân tòng hỏi linh mục : "Vai trò của giáo dân trong Giáo hội như thế nào?"

- Linh mục trả lời : "Giáo dân có hai vai trò, thứ nhất: quỳ trước bàn thờ ; thứ hai: ngồi quay mặt về toà giảng".

- Sau đó Đức hồng y còn hài hước nói thêm: người ta còn quên vài trò quan trọng nữa của người giáo dân là đưa tay vào túi móc tiền ra bỏ vào rổ ! 

Công Đồng Vaticanô II, đặc biệt qua Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân sẽ soi rọi cho chúng ta một cái nhìn mới về tầm quan trọng của người tín hữu giáo dân trong Hội Thánh, trong việc cộng tác với hàng giáo sĩ để phát triển Nước Chúa.

Trước khi diễn giải Thư mục Vụ, chúng ta tóm lược một vài ý về Chủ đề Huấn Luyện và Thăng Tiến Giáo Dân:

  1. Hội Thánh luôn luôn phải canh tân nghĩa là đổi mới, có thể hiểu phải sống tốt hơn, thánh hơn luôn mãi.
  2. Khởi điểm là hàng Giám mục và Linh mục không nên quá chú tâm về mặt cai trị mà luôn nghĩ mình là mục tử, phải hướng dẩn dạy dỗ tất cả Dân Chúa.
  3. Phải biết cầu nguyện và phục vụ các tín hữu.
  4. Biết tôn trọng tín hữu và hướng dẫn họ sống đạo, truyền đạo, biết đối thoại với mọi giới giúp họ  biết cộng tác với giáo quyềntrong việc gìn giữ và thăng tiến Hội Thánh.

Tất cả mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội - giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân - đều được mời gọi nên thánh và có trách nhiệm loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho mọi người, theo ơn gọi riêng của mình.

Nhờ Phép Rửa Tội và Phép Thêm sức mọi tín hữu (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) đều được xức dầu thánh (Chrism) để lãnh nhận ơn riêng của Chúa Thánh Thần, nhờ đó "trở thành một Kitô-hữu", nghĩa là được xức dầu, gia nhập vào Thân Thể Chúa Kitô là Đấng đã được xức dầu để làm tư tế, ngôn sứ và vương đế". (x. SGLGHCG, số 1241). Như vậy tất cả mọi Kitô hữu đều có chức Tư Tế cộng đồng.

Tuy nhiên có sự khác biệt giữa chức Tư tế cộng đồng và chức Tư tế Thừa tác. Trong khi chức Tư tế Thừa tác - tác vụ mà Giáo Hội thực hiện trong cương vị của Chúa Kitô là Đầu Hội Thánh - của hàng giáo sĩ là do Bí tích Truyền chức thánh, thì chức tư tế cộng đồng của người Kitô hữu  giáo dân là do Bí tích Rửa Tội và Thêm sức (xem thêm phần Giải Đáp Mục Vụ, tháng 6-2011).

Dù là giáo sĩ hay giáo dân, tất cả đều bình đẳng và được trân trọng như những bộ phận khác nhau trong cùng một thân thể. Mỗi bộ phận có chức năng riêng, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ cho lợi ích chung: "cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Chúa Kitô, mỗi người liên đới với người khác như những bộ phận của một thân thể"  (Rm 12, 4-5).

Vì thế, người giáo dân cũng được mời gọi tham gia vào vào việc xây dựng Giáo hội: "Kitô hữu là những người được tháp nhập với Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, làm thành dân Thiên Chúa; do đó tham dự theo cách thức của mình vào chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả của Chúa Kitô. Họ được mời gọi thi hành sứ mệnh mà Thiên Chúa trao cho Hội Thánh chu toàn trong thế giới, mỗi người theo phận vụ riêng của mình" (x. Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân, số 31).

Vị trí căn bản của người giáo dân trong Giáo Hội được Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân diễn tả qua ba chiều kích: mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.

- Chiều kích mầu nhiệm : Người giáo dân được hưởng trọn vẹn phẩm giá của Kitô hữu, nghĩa là con cái của Thiên Chúa, thân thể của Đức Kitô, đền thờ của Chúa Thánh Thần (số 11-13). Họ được thông dự vào ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô (số 14), vì là đền thờ của Chúa Thánh Thần, nên người giáo dân được mời gọi nên thánh bằng cách phát triển những hoa trái của Thánh Linh là sống theo gương mẫu là Đức Kitô, Đấng Thánh (số 16).

- Chiều kích hiệp thông: người giáo dân được lãnh những đặc sủng khác nhau, tất cả những đặc sủng này đều nhằm mưu ích cho cộng đoàn, xây dựng, duy trì những mối dây liên kết với những phần tử khác trong các cấp độ cộng đoàn khác nhau (giáo họ, giáo xứ, giáo phận, Giáo hội hoàn vũ) (x. Chương II của Tông huấn Christifideles laici).

- Chiều kích sứ vụ : người giáo dân tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội trong thế giới, đặc biệt nơi những môi trường mà Tin mừng chưa thấm nhập: những môi trường ngoài Kitô giáo ; những môi trường phản kháng, chống đối Kitô giáo ... (x. Chương III của Tông huấn Kitô hữu giáo dân).

Liên kết ba chiều kích trên, ta thấy người giáo dân có một vị trí đặc biệt trong Giáo hội, người giáo dân là chính Giáo hội (Đức Piô XII, diễn từ đọc trước các tân Hồng y 20.2.1946), là Dân Thiên Chúa, là Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, họ bình đẳng với mọi thành phần khác về vị trí và giá trị như bất cứ thành phần nào trong Thân Thể Mầu Nhiệm (x. 1 Cr 12,12).

Từ vị thế căn bản nầy chúng ta làm sáng tỏ linh đạo  (lối sống) của Kitô hữu. Linh đạo nầy đặt nền tảng trên Bí Tích Rửa Tội. Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu được chia sẻ ba chức vụ tư  tế, ngôn sứ, vương giả của Đức Kitô. Tuy nhiên, người giáo dân, do tính cách trần thế, hành xử ba chức vụ này khác với hàng giáo sĩ.

- Trong vai trò Tư Tế, người giáo dân được chia sẻ chức tư tế Chúa ban cho Giáo hội, gọi là chúc tư  tế cộng đồng.  Nhờ chức tư tế này, người giáo dân có thể thực sự thánh hoá đời sống mình, thánh hoá mọi sinh hoạt trần thế, mọi chức vụ, và ngay cả những khó khăn thử thách trong cuộc sống bằng cách kết hợp với hiến tế duy nhất của Đức Kitô, dâng lên Chúa Cha, qua tay linh mục, để nên lời ca khen chúc tụng cũng như mang lại ơn cứu độ cho chính mình và cho nhân loại  (x.Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân,  số 34).

- Trong vai trò Ngôn Sứ, người giáo dân tham gia vào chức vụ ngôn sứ của Đức Giêsu bằng cách góp phần vào sứ vụ loan báo ý định cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại: họ bày tỏ đức tin và đức ái cho những người chung quanh, trong lãnh vực nghề nghiệp, và nhất là trong đời sống gia đình (x. Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân,  số 35).

- Qua cái chết vâng phục và sự Phục sinh vinh hiển của Đức Kitô, Người đã chiến thắng ma quỉ, tội lỗi và sự chết và đã trao lại vương quyền cho Thiên Chúa là Cha, để Thiên Chúa nên tất cả trong mọi sự và cho mọi người (x. 1 Cr 15, 20-28). Do đó, khi lãnh nhận chức vụ Vương giả của Đức Kitô, người giáo dân được hưởng một sự tự do đích thực, không còn làm nô lệ cho ác thần, và được ban sức mạnh để chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi mình, đồng thời có trách nhiệm phải hăng say hoạt động để đưa tất cả mọi anh em của mình về với Thiên Chúa (x. Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân,  số 36).

Công đồng Vaticanô II khẳng định: "Thánh Linh không chỉ thánh hóa và huớng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí tích và các thừa tác vụ, cùng trang bị họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu "phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài" (1Cr 12, 11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo hội" (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 12b).

Vì địa vị và phẩm giá của người tín hữu giáo dân và chủ chăn đều như nhau, đều là con cái Chúa, nhưng có những phận vụ khác nhau để phục vụ Chúa và phục vụ anh em, nên để phát huy địa vị và trách nhiệm của người tín hữu giáo dân,  theo Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân số 32,  cần phải ý thức:

a. Quyền và bổn phận của người tín hữu giáo dân đối với chủ chăn:

- quyền được lãnh nhận các của cải thiêng liêng của Giáo Hội: Lời Chúa và các Bí Tích;

- quyền và bổn phận nói lên ý kiến của mình đối với những gì liên quan đến lợi ích cho Giáo Hội phát xuất từ đời sống thánh đức và thẩm quyền hiểu biết lãnh vực trần thế của mình.

- bổn phận vâng phục Huấn quyền của Hội Thánh về đức tin và luân lý;

 

b. Bổn phận của chủ chăn đối với giáo dân:

- lắng nghe ý kiến và lời khuyên của giáo dân, nhứt là những gì thuộc thẫm quyền chuyên môn của họ;

- tin cậy, ủy thác cho họ những phận vụ trong cộng đồng;

- để họ được tự do có sáng kiến hành động, nhứt là những gì thuộc lãnh vực chuyên môn của họ;

- trợ lực, khuyến khích và hướng dẫn giáo dân học hỏi và sống đời sống tôn giáo bằng lời Chúa và bằng các Phép Bí Tích.

Người giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo Hội sẽ không trở thành "ánh sáng và muối của thế gian". Như thế, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân vừa là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh Giáo Hội, "tùy theo độ lượng ân sủng Chúa Kitô ban cho" (Eph 4,7). (x. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân số 32).

Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: "Cần phải thay đổi não trạng, trước hết là cái nhìn về người giáo dân, từ chỗ coi họ là cộng tác viên của hàng giáo sĩ đến chỗ chấp nhận họ là những người đồng trách nhiệm thật sự trong việc thể hiện và trong hoạt động của Giáo hội, thúc đẩy một hàng ngũ giáo dân trưởng thành và nhiệt thành theo chiều hướng này." (Huấn từ của ĐTC vào ngày 7/3/2010).

Nguồn: Hiến Chế Aùnh Sáng Muôn Dân; Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân; Quốc Văn, OP,  Linh Đạo Giáo Dân Hay Những Nẽo Đường Nên Thánh; Nguyễn Học Tập, Phẩm Giá Người Kitô Hữu Giáo Dân.

Từ những nhận định trên, chúng ta thử kiểm điểm cách nhìn nhận và thực hiện việc Huấn Luyện và Thăng Tiến Giáo Dân:

  1. Hàng Giáo sĩ Có nhớ mình có nhiệm vụ huấn luyện và thăng tiến giáo dân không?
  2. Có làm gì để đào luyện và dẫn dắt?
  3. Có tôn trọng tín hữu không?
  4. Có biết nhờ giáo dân cộng tác không?

 

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu đã dành phần lớn thời gian rao giảng Tin Mừng để huấn luyện và thăng tiến mọi người dân đến với Chúa. Trước khi lên trời Chúa Giêsu trao công việc này cho các môn đệ. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. Chúa phán: "Các con hãy làm cho muôn dân trở nên môn đệ Thầy". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, biết dùng mọi khả năng hiện có của mình, mà giới thiệu ơn Cứu Chuộc của Chúa cho mọi người.

2. Chúa phán: "Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời". Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu biết lắng nghe Lời Chúa, hiểu biết và thực hiện ý Chúa, nhằm nên thánh như lòng Chúa mong ước.

3. Chúa phán: "Các con hãy ra sức làm việc, không vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn cho sự sống muôn đời". Chúng ta cầu nguyện cho mọi kitô-hữu, biết mục đích của đời sống mình, mà tự đào luyện và thăng tiến tới sự thánh trên trời.

4. Chúa phán: "Các con hãy cố gắng tìm đi qua cửa hẹp". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết chịu khó rèn luyện mình, giúp nhau loại bỏ những tính xấu, để tập luyện các nhân đức cho Nước Trời.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Con Chúa làm người để thánh hóa nhân loại. Xin cũng lại ban Thánh Thần giúp chúng con được huấn luyện và thăng tiến đời sống, cho tới quê hương thật là Nước Thiên Đàng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

GẮN BÓ VỚI CHÚA KITÔ

Trong Tin mừng Thánh Gioan Chúa Giêsu nói: "Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng lại gì được" (Ga 15,5).  Qua câu nói này, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ những người đi theo Chúa một chân lý đó là: Chúa chính là nguồn mạch sự sống, sự toàn thiện. Con người chỉ phát triển và trưởng thành khi và chỉ khi kết hợp với Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Sự gắn bó nầy được Tin mừng thánh Gioan dùng từ ngữ của riêng ngài là "ở lại" để chỉ sự gắn bó, sự liên kết đến độ trở nên một. Như vậy, dù là giáo sĩ hay giáo dân sự liên kết mật thiết với Chúa là tương quan sống còn của đời sống Kitô hữu, có gắn bó với Chúa, có nên một với Chúa thì mới phát triển tròn đầy ơn gọi riêng của mình.

Trước hết phải nói một cách rõ ràng rằng: ơn gọi riêng của người Kitô hữu dù là giáo sĩ hay giáo dân là nên thánh và nên thánh trong ơn gọi của mình. Công đồng Vatican II trong Hiến chế Tín Lý về Giáo hội đã khẳng định "Giáo dân là những người đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Ki-tô, nhờ Phép Rửa Tội, đã trở nên Dân Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Ki-tô theo cách của họ. Họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Ki-tô giáo trong Hội Thánh và trong thế giới theo phận vụ riêng của mình. Tính trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân" (Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo hội, số 31). Để lại sau lưng những quên lãng về vai trò của người giáo dân trong dòng sống của Giáo hội. Công đồng Vatican II khẳng định một cách rõ ràng giáo dân được ơn gọi nên thánh nhờ Bí tích Rửa tội, họ được mời gọi tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô theo cách và ơn gọi của họ như cành nho liên kết với thân nho. Như vậy, chính trong Bí tích Rửa tội người tín hữu được mời gọi nên thánh.

Sau khi thực hiện phép lạ chữa người bị quỷ ám tại Ghêraxa thì anh nầy xin theo Chúa Giêsu nhưng Người bảo anh: "Anh cứ về nhà và kể lại mọi điều Thiên Chúa đã làm cho anh." Anh ta ra đi, rao truyền cho cả thành biết mọi điều Đức Giê-su đã làm cho anh. (Lc 8, 38). Chúa chọn các môn đệ thì ít nhưng mời gọi mọi người hãy loan truyền tin mừng nước Thiên Chúa như người bị quỷ ám đây. Chúa cho mọi người được vinh dự làm con cái Chúa, nhưng Người chọn riêng một số ít người có ơn gọi đặc biệt để xây dựng Giáo hội Chúa nhưng "Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, cũng chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Ki-tô giữa loài người, nếu như chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với hàng giáo phẩm. Thật vậy, Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập, Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân Ki-tô giáo trưởng thành" (Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Truyền Giáo, số 21). Như thế, Giáo hội chỉ vững mạnh khi từng chi thể liên kết mật thiết với Chúa Giêsu là Đầu, hay nói cách khác Giáo hội chỉ vững mạnh khi giáo sĩ và giáo dân cùng được trưởng thành trong đời sống đức tin.

Như đã nói giáo sĩ là một thành phần rất nhỏ nên không thể bao quát được nếu không có sự nhiệt tâm dấn thân của anh chị em giáo dân vì thế Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Như Công đồng Vatican II đã chỉ rõ, ơn gọi của người giáo dân đặt họ ngay vào trong thế giới để thi hành những phận vụ đa dạng nhất, chính tại đây họ được mời gọi truyền bá Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô (x. Hiến chế "Ánh sáng muôn dân", 31). Do ơn sủng và do tiếng gọi của Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mọi giáo dân đều là nhà truyền giáo; và địa bàn truyền giáo của họ là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp như: chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao. (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 45).

Người giáo dân trong thế giới ngày nay có một vai trò quan trọng trong việc phát triển Giáo hội, họ là người dấn thân trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, họ chia sẻ nỗi vất vả của cuộc sống, họ trở nên những men, những muối cho môi trường sống của họ... vì thế có thể nói công cuộc truyền giáo ngày nay không thể quên vai trò quan trọng của người giáo dân. Nhưng để họ trở thành những chứng nhân của  Chúa Kitô, những nhà truyền giáo đích thực thì trước hết họ phải được "đào tạo" là những người gắn bó với Chúa Kitô. Có gắn bó với Chúa Kitô thì mới có thể trở thành những nhà truyền giáo chân chính.

Xin mượn lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi để tất cả chúng ta có thể mạnh dạn dấn thân cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội: "Tôi xin gửi lời cám ơn của toàn thể Giáo hội đến anh chị em giáo dân và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, là làm chứng cho Đức Kitô ở bất cứ nơi nào mình có mặt" (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 45).

 

HỌC KINH THÁNH

BÀI 6:  PHÚC ÂM THEO THÁNH LUCA (Lc)

1/ Thánh Luca là ai?

Luca bắt nguồn từ danh từ La tinh "Lucanus" nói lên nguồn gốc ngài là dân ngoại, trong thư II Tm 4, 11 "chỉ mình Luca ở với cha" có nghĩa là Luca là bạn đồng hành truyền giáo của thánh Phaolô. Trong thư Plm 24, Thánh Phaolô liệt kê Thánh Luca vào số " những cộng sự viên của ngài" còn trong Col 4, 14 ngài gọi Luca là "lương y".

2/ Luca đã đóng vai trò nào trong Tân Ước?

Ngài không chỉ là tác giả của Phúc âm thứ ba mà còn là tác giả của sách Tông đồ công vụ nữa.

3/ Thánh Luca viết Phúc âm nhằm mục đích gì?

Ngài viết Phúc âm để minh chứng rằng đạo Chúa Kitô là một đạo giáo toàn cầu qua cách quảng diễn lòng nhân từ của Chúa đối với những người nghèo khổ và bị áp bức, nêu cao lòng thiện cảm của Chúa dành cho dân ngoại. Phúc âm của ngài đã diễn đạt chân lý mà Thánh Phaolô đã công bố trong thư  Gal 3, 28 như sau: "không còn là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ vì tất cả anh em là một trong Đức Giêsu Kitô".

4/ Thánh Luca viết Phúc âm nhằm cho giới đọc giả nào?

Là một dân ngoại nên ngài viết cho các tín đồ dân ngoại trở lại đạo.

5/ Thêôphilô là ai mà thánh Luca đề tặng ở đầu sách Phúc âm của ngài?

Thêôphilô là một danh từ Hy Lạp, có nghĩa là "kẻ ấy yêu mến Thiên Chúa". Có thể ông là kẻ mới chịu đạo và đại diện cho nhóm đọc giả mà Luca nhắm tới giúp họ am tường về giáo huấn của đạo mới.

6/ Phúc âm của Luca có những đặc điểm nào?

Phúc âm ngài có 6 đặc điểm sau đây:

  1. Là một soạn giả lịch sử được diễn đạt một cách văn chương, trao chuốt.
  2. Là một Phúc âm cho dân ngoại.
  3. Là một Phúc âm cho những người bị áp bức.
  4. Là một Phúc âm của cầu nguyện.
  5. Là một Phúc âm của niềm vui, của lòng thương xót.
  6. Là một Phúc âm đặc biệt nói về nữ giới.

 7/ Tại sao lại tặng cho Thánh Luca biểu tượng con người?

Vì ngài đã phác họa chân dung Chúa Giêsu như một con người, một nhân cách toàn vẹn,  nhưng đồng thời nhân tính ấy cũng là một Thiên Chúa vẹn toàn.

8/ Lễ của ngài được mừng kính ngày nào trong Năm Phụng Vụ?

Là ngày 18.10 với tước hiệu là Luca Thánh sử.

Lời Chúa: "Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất" (Lc 19, 10).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, là môn đệ của Chúa, xin cho chúng con biết diễn tả hình ảnh Thiên Chúa giàu lòng thương xót qua đời sống biết yêu thương và dấn thân phục vụ của chúng con. Amen.

TRANG SỐNG ƠN GỌI

GIỮ GÌN ƠN GỌI TU TRÌ

 a/ Cầu xin ơn Chúa

Bạn chưa cưới vợ, lấy chồng cũng chưa đi tu. Bạn đang ở ngã ba đường. Điều cần là Cầu nguyện nhiều để tìm ra Ý Chúa. Bạn nên cầu xin mỗi ngày như sau: "Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Nếu Chúa gọi con theo Chúa trong bậc tu trì, con sẵn sàng "Xin vâng"

b/Giữ sức khoẻ, học hành, luyện tính tốt...

Tiếp đến, bạn gắng giữ sức khoẻ, học hành chăm chỉ, trau dồi tư cách, giữ gìn tình yêu, giữ linh hồn và thể xác luôn trong trắng, sống trong ơn thánh Chúa, không tội trọng. Nên tránh dịp "ở" riêng với một người khác phái, bất kì ở đâu, kẻo lỡ

c/ Hơn nữa, rất cần gia đình, cha mẹ, anh chị em cùng cầu nguyện và giữ ơn gọi cho con em.

Trong thực tế, nhiều cha mẹ rất tốt lành, muốn cho con em đi tu và khuyến khích giữ gìn Ơn gọi cho con em.Ngược lại nhiều cha mẹ đã ích kỉ, chỉ muốn giữ con cho mình, theo ý định tương lai mình định đoạt, làm ngăn trở, và mất đi Ơn gọi của con em. Họ không biết rằng con cái đi tu sẽ góp phần vinh dự và ích lợi cho gia đình họ nhiều hơn, nhờ những lời cầu nguyện của con cái họ. Để con ở ngoài lập gia đình theo ý họ, chưa chắc họ đã được nhờ, hay phải "ngậm đắng nuốt cay", vì dâu, vì rể, vì ngay cả con trai hay con gái.

d/ Cộng đoàn, xứ đạo cũng được mời góp phần cổ động và giữ gìn Ơn gọi tu trì bằng lời nguyện, nâng đỡ.

Dâng lễ Thứ năm hàng tuần với ý cầu nguyện cho ơn gọi. Lời nguyện giáo dân của Cộng đoàn hàng tuần nên có lời cầu cho ơn gọi, nhất là vào Ngày cổ động Ơn gọi hàng năm.

 

e/ Lòng Kính Mến Đức Mẹ

Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Giáo hội, Mẹ linh mục, Mẹ tu sĩ. Mẹ lo cho Con Mẹ, cho Giáo hội Con Mẹ, Mẹ lo cho các linh hồn, Mẹ lo cho Ơn gọi tu trì cách riêng để có những người con tiếp tục sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu.

Muốn giữ Ơn gọi, phải chạy đến cùng Mẹ. Muốn đời tu hạnh phúc, phải chạy đến cùng Mẹ. Muốn công việc tông đồ nơi các linh hồn kết quả, phải chạy đến cùng Mẹ.

Thánh Philip Nêri, một ông thánh vui tính, thường hỏi các thiếu niên:

- Con có yêu mến Đức Mẹ không?

- Vậy con hãy đi tu noi gương Đức Mẹ đồng trinh.

Đức Giáo Hoàng Piô XII nói:

"Yêu mến Đức Mẹ là phương thế tốt nhất để giữ đức khiết tịnh".

Mẹ Tẹrêsa Calcuta nói về Ơn gọi:

"Ôi, Ơn gọi làm linh mục cao trọng chừng nào!

Thiên Chúa đã đến sống cuộc sống của loài người,

Người cần linh mục để tiếp xúc với lòng Thương xót và sự tha thứ của Chúa.

Người cần thừa tác vụ linh mục để tẩy sạch tội lỗi, để xóa bỏ tội lỗi trong Máu Thánh Người.

Hỡi các bạn trẻ được Chúa Kitô kêu gọi,

được Chúa Kitô chọn làm của riêng Người,

hãy quan tâm đến lời mời gọi này như chiếc cầu liên kết linh hồn với Thiên Chúa.

Chúng ta đừng yêu bằng lời suông, nhưng hãy yêu đến bị tổn thương.

Yêu đắt giá như Chúa Giêsu yêu ta, Người yêu đến chết vì ta.

LM. ĐOÀN QUANG, CMC

 

TRANG THIẾU NHI

Củng Cố Đức Tin Cho Lớp Trẻ

Người mẹ than: “Tôi không thể hiểu được! Tôi đã cho nó đi học trường Công giáo 12 năm mà thậm chí nó không thèm đi nhà thờ!”.

Khi một số cha mẹ không thể chăm sóc, thậm chí là không chú ý, đa số các cha mẹ và ngay cả ông bà cũng ngạc nhiên thấy con cháu mình, nhất là độ tuổi 16-22, có vẻ muốn từ bỏ di sản của mình là đức tin Công giáo.
Tôi có hơn 40 năm làm giáo viên và giáo lý viên, đó là những gì tôi biết ở giới trẻ đã động viên tôi đưa ra vài lời khuyên đối với các giáo viên, các giáo lý viên, các bậc ông bà và cha mẹ. Trong khi không có gì đảm bảo rằng con cháu chúng ta vẫn gần gũi với đức tin Công giáo, vẫn có vài cách tốt để trau dồi đức tin của chúng – và những điều chân thật quan trọng để chúng nhớ:


1. Chất vấn là chuyện bình thường. Có lúc người lớn chúng ta cố gắng hiểu (và có thể cố gắng nhớ) rằng chất vấn trước đây khiến cho niềm tin là một phần trong quá trình trưởng thành.

2. Hãy biết rằng sự thận trọng của Giáo hội một phần là cách đáp lại mức độ thường xuyên con cháu chúng ta bị những thần tượng làm thất vọng. Căn cứ vào những sự phản bội thường xuyên của những có vẻ tốt đó, chúng nghe nói về các phương tiện truyền thông, có thể hiểu rằng chúng không thể tự động tin và tôn trọng các anh hùng – các thánh và những người thánh thiện – chúng ta đặt ra trước mặt chùng. Những vụ bê bối mới đây trong giáo hội cũng làm cho người trẻ – kể cả những người lớn – nghi ngờ các giáo sĩ và những người làm việc trong các bộ của giáo hội. Không lạ gì chúng nghi ngờ khi chúng ta nói với chúng: “Hãy tin tôi, đây là sự thật”. Chúng ta cần tránh kiểu nói: “Vì giáo hội nói vậy” hoặc “Vì tôi nói vậy”, thay vì thế hãy giúp chúng hiểu tại sao chúng ta tin những gì chúng ta làm, và tại sao chúng ta yêu mến giáo hội mặc dù giáo hội vẫn có những bất toàn.

3. Hãy biết rằng cha mẹ là những người ảnh hưởng nhiều nhất trong đời sống con cái. Gương sáng của cha mẹ là khí cụ mạnh nhất mà chúng ta phải giúp giữ Thiên Chúa và tôn giáo trong đời sống của con cái. Tôi tin rằng việc thảo luận về đức tin, về vị trí giáo hội, về việc thờ phượng và cầu nguyện, về vị trí của Thiên Chúa trong các vấn đề luân lý, đạo đức và các mối quan hệ nên ở trong phạm vi kinh nghiệm gia đình…Trong lúc khó khăn, việc cha mẹ tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa giúp an ủi con cái và giúp chúng hiểu rằng làm người lớn nghĩa là làm cho Thiên Chúa hữu hình và có thể đạt tới.


4. Đừng ngại hỏi các giáo viên và các giáo lý viên về cách trả lời các vấn đề tôn giáo và tâm linh. Mối quan hệ giữa cha mẹ và chương trình giáo dục tôn giáo của giáo xứ hoặc trường học Công giáo nên hợp tác với nhau. Cha mẹ nên cảm thấy thoải mái tận dụng khi có “cơ hội giáo dục”. Các giáo viên được đào tạo về các giai đoạn phát triển của trẻ em, và nên giúp đỡ các bậc cha mẹ góp các câu hỏi, mối bận tâm, và các vấn đề trước khi sự cố xảy ra minh nhiên.


5. Khuyến khích vai trò của ông bà trong đời sống người trẻ. Tôi tin rằng có sự kỳ diệu trong việc cách quãng một thế hệ. Đối với nhiều người trẻ, ông bà là những người có thể có uy tín và có thời gian lắng nghe những mối lo âu của chúng về Thiên Chúa và cuộc sống. Hãy khuyến khích ông bà góp phần giáo dục đức tin cho chúng. Ông bà có kinh nghiệm về đức tin. Người già có thể góp những câu chuyện và kinh nghiệm mà họ coi đó là xây dựng sự khôn ngoan của “quyền công dân Nước Trời”. Khi cha mẹ thường bị căng thẳng vì công việc và trách nhiệm, ông bà có thể đảm nhiệm công việc giáo dục đức tin cho lớp trẻ.


6. Đừng sợ nếu con cái tuổi thiếu niên không quan tâm tôn giáo. Chúng ta cần giúp con cháu thấm nhuần và sống đức tin sống động bằng cách thể hiện và bằng gương sáng mà giáo hội là ngôi nhà luôn chào đón chúng, nơi chúng có thể bày tỏ mối nghi ngờ và lo sợ, nơi có sứ điệp của Chúa Giêsu, và là nơi mai này chúng có thể đưa con cái của chúng đến. Nếu chúng không nối kết với giáo hội khi chúng còn nhỏ, chúng không bao giờ biết cách gần gũi Thiên Chúa trong tâm hồn. Chúng ta chỉ có thể để cửa mở rộng, tiếp tục cầu nguyện và phó thác chúng cho Thiên Chúa.

Nữ tu Tiến sĩ Carol Cimino, SSJ (dòng Nữ tử Thánh Giuse thành Rochester, New York)

 

 

TRANG GIỚI TRẺ

Bất cứ lãnh vực nào trong cuộc sống của chúng ta cũng cần được nâng chất lượng mỗi ngày. Để nâng chất thì cần có sự thay đổi. Sự thay đổi ấy tùy theo mức độ ý thức của con người.

Giáo hội chúng ta nhìn theo khía cạnh nào đó cũng còn mang tính cách phàm trần. Cho nên, Giáo hội cũng cần thay đổi mỗi ngày cho tốt hơn. Nhờ thay đổi mà đời sống của mọi thành phần dân Chúa cách riêng là đời sống giáo dân mỗi ngày được thăng tiến tốt hơn.

Nếu như trước đây trong Giáo hội Giáo sĩ điều hành toàn bộ mọi sinh hoạt lớn nhỏ thì hôm nay việc điều hành ấy được phân nhỏ ra. Người giáo dân vẫn có thể giữ được vai trò quan trọng trong Giáo hội phù hợp với bậc sống và lứa tuổi của mình.

Người trẻ được mời gọi cộng tác trong việc bảo vệ và phát triển Giáo hội. Trong họ đạo họ được mời gọi tham gia trong việc phụng tự như ca đoàn, giúp lễ… Họ cũng có thể được đào tạo để trở thành những huynh trưởng và các giáo lý viên để cộng tác trong việc giảng dạy giáo lý cho lứa tuổi ấu cũng như thiếu nhi. Ngoài ra, các công tác từ thiện bác ái cũng rất cần các bạn trẻ tham gia. Vì “ở đâu khó có thanh niên”!

Vì thế, người trẻ chúng ta hãy nhớ mình có bổn phận và trách nhiệm tham gia thăng tiến đời sống của Giáo hội.

TUỔI TRẺ – ĐỨC TIN – CUỘC SỐNG

Tại Sao Chúa Cho Phép Đau Khổ Xảy Ra? (tiếp theo)

5. Đức Giêsu Kitô và sự dữ

Đức Giêsu không đến để giải thích cho ta biết ý nghĩa của đau khổ. Người đã đến để cùng chia sẻ khổ đau, và lấp đầy chúng bằng sự hiện diện của mình. Người bắt đầu bằng cách xoa dịu nỗi đau khổ của những người khác để bảy tỏ sự đồng cảm của mình. Đi tới đâu là Người chữa lành bệnh tật xác hồn đến đó. Đối với những ai gặp đau khổ, Đức Kitô đã thốt lên những lời hết sức trìu mến: “Hỡi những ai đau khổ và gánh nặng, hãy đến với Tôi, và Tôi sẽ cho nghỉ ngơi lại sức” (Mt 11,28). Bất cứ người nào tiếp cận với Đức Kitô cũng đều gặp được một người tri kỷ, một người đã từng đau khổ hơn ta bội phần, một bậc thầy đã chế ngự được nỗi đau của riêng mình, một vị Chúa đang mở ra cánh cửa hy vọng dẫn đến một thế giới tuyệt hảo.

Ai có thể nói được có bao nhiêu người tàn tật, bệnh hoạn, có bao nhiêu tâm hồn khổ ải, phiền muộn hay bị cắn rứt đã tìm được bình an nội tâm và sự thanh thản trong Đức  Kitô. Chị Bernadette Soubirous, nhà thấu thị ở Lộ đức, đã chẳng nói rằng: “Với cây Thánh giá trên giường bệnh khổ đau này, tôi lại thấy mình hạnh phúc hơn cả một bà hoàng đang ngồi trên ngai báu nữa.” Thật đáng ngạc nhiên, phải không bạn?

Sự đau khổ của Đức Giêsu hiển nhiên không phải là một sự trả thù của một Chúa Cha đã bị tội lỗi xúc phạm. Đức Kitô thay vì đưa ra đủ lý lẽ biện minh cho đau khổ đã tự nguyện liên đới với khổ đau của chúng ta. Khi nói về đau khổ, Người rất hiểu rõ. Người đã nếm mùi đói khát mệt nhọc sau những đoạn đường dài. Người đã đau khổ vì các bằng hữu thân tín nhất bỏ rơi mình, các địch thù thì rủa xả, những kẻ dửng dưng thì nhạo cười, sứ mạng có vẻ như bị thất bại, thân xác phải đau đớn kinh khủng trong cuộc khổ nạn, nỗi bồn chồn khắc khoải trước cái chết và là cái chết trên cây khổ hình. Đức Kitô là người anh em cùng chung khổ đau với ta, là nạn nhân vô tội của tội lỗi loài người.  Ước gì ai gặp đau khổ cũng biết đứng trước thập giá của Chúa Giêsu để tìm thấy trong ánh mắt của Người, nếu không phải là một lời giải thích về sự dữ mà minh đang gánh chịu, thì ít nữa là một sự bình an trong tâm hồn.

6. Phải làm gì với đau khổ?

Một thanh niên Kitô giáo xem ra được trang bị tốt hơn so với một thanh niên vô thần. Đối với người này thì đau khổ chẳng có chút giá trị nào. Nếu như người ấy cũng tìm cách xoa dịu đau khổ của những người khác, thì bản thân anh rất có thể lại rơi vào tuyệt vọng khi đứng trước đau khổ của chính mình.

Đối với người trẻ theo thuyết Mácxít cũng vậy. Ngay cả trong thiên đường vật chất, bệnh tật và chết chóc vẫn luôn còn đó, không thể giải thích được, như những tàn tích vô ích. Một người thợ trẻ theo chủ nghĩa Cộng sản, do gặp tai nạn nghề nghiệp mà phải chịu thiệt thòi suốt đời. Anh ta không thể tìm ra cho mình một ý nghĩa nào đối với đảng, sự tàn tật của anh là một điều không thể cứu vãn được nữa.

Còn người Kitô hữu biết mặc cho sự đau khổ của nhân loại một giá trị tích cực. Đối với anh, chết chưa phải là hết, nhưng như chúng ta sẽ thấy ở một bài khác, nó là một ngõ dẫn vào cõi sống, là một cuộc tái sinh. Bất cứ đau khổ nào kết hợp với sự đau khổ của Đức Kitô đều có một giá trị cho riêng người đó và cho cả tập thể nữa. Nó giúp mở rộng Nước Chúa trong nhân loại. Người thanh niên bị bại liệt cũng có ích cho việc loan báo Tin mừng như nhà truyền

SỐNG ĐẠO

DÂNG LỄ

Đạo là đường lối tôn thờ. Đạo của chúng ta chỉ thờ thiên Chúa, thờ Đấng Tối Cao, Đấng Tuyệt Đối. Hễ thờ thì phải có cúng. Trong Đạo chúng ta lễ vật để cúng tế là Nhân tính của Chúa Giêsu và cả bản tính của chúng ta. Chúng ta cố gắng phân tích để nhận định.

Chúng ta mượn sự vật của Chúa: bánh rượu hợp với khổ nhọc của chúng ta nói được là với cả con người; vì nơi con người chỉ có chịu khó mới là sở hữu riêng biệt; kết hợp với chịu khó thì nói được là kết hợp với con người. Như vậy, của lễ đã được thánh hoá và có giá trị vô cùng.

Người giữ đạo thì không cứ là xem lễ. Xem lễ mỗi ngày! Chúng ta cũng biết tiếng “xem” không đúng, phải nói là dâng lễ mới đúng. Mà chúng ta dâng lễ thế nào? Có biết dâng lễ không hay chỉ xem mà không ý thức chi cả, chỉ biết đó là việc lành nên tham dự, thế thôi?

Xin đề nghị một lề lối dâng lễ. Đúng ra là tìm hiểu, theo dõi tâm ý của Hội Thánh hướng dẫn qua những cử chỉ, lời kinh, những bài Kinh Thánh, để gợi ý, tôn thờ, cảm mến.

Để theo dõi phần nào chúng ta chia Thánh lễ làm ba phần:

1) Phần chuẩn bị; 2) Phần dâng lễ; 3) Phần Hiệp lễ.

1. Phần Chuẩn bị

Sửa soạn tiến đến nơi dâng lễ.  Tâm ý nên nhớ mình đi dâng lễ, đến nơi hiệp thông với tập thể, toàn thể. Vì Thánh lễ không còn là việc của cá nhân nữa!

Tập đoàn đọc (hát) Ca Nhập Lễ: Hội Thánh muốn chúng ta bắt đầu tiếp xúc với Chúa.

Sau đó, làm dấu Thánh Giá: Hội Thánh muốn chúng ta nhìn nhận mình không xứng đáng dâng lễ, nên van xin Chúa, nương tựa vào Chúa.

Vui được Chủ tế chúc bình an, nhưng vẫn nhớ đời sống mình nhiều tội lỗi, nên tự thú và xin cộng đoàn cầu nguyện để Chúa tha thứ.

Trong những lễ kính thì chúng ta đọc Kinh Vinh Danh tôn thờ Chúa trước khi dâng lễ.

Kinh Tổng nguyện xin cho chúng ta biết dâng lễ và hưởng nhờ những ơn ích của Thánh lễ.

Đến những bài Thánh Kinh và Phúc Âm, chúng ta nhờ những bài nầy để nhớ uy quyền cao sang của Chúa, để tôn thờ những ân huệ Chúa ban, để cảm ơn và những bài học chúng ta phải thực hiện cho xứng đáng dâng Thánh lễ.

Những Lễ Trọng, chúng ta đọc Kinh Tin Kính. Đó là bảng tóm lược đức tin, là nền tảng cho việc tôn thờ và dâng lễ.

Có theo dõi, có tâm tình, mới nói được là dâng lễ !

2. Phần dâng lễ

Mượn bánh và rượu làm của lễ dâng tiến. Đáng lẽ là việc của con người đối với Chúa, mà chính con người không có gì cả, nên ghép lao công con người vào của lễ. Lao công là sở hữu riêng của con người, nhưng lao công không có giá trị của lễ, nên ghép cả con ngưởi làm vật lễ.

Tiếp đó, chủ tế rửa tay, xin Chúa rửa sạch tân hồn. Chúng ta cũng ước muốn được như vậy.

Đến những lời kinh và Ca Dâng Lễ là những lời van xin Chúa chấp nhận của lễ.

Xen bài ca Tiền tụng: Hội Thánh muốn nói lễ dâng là để ca tụng cám mến, tôn thờ, xưng hô Chúa ba lầnt  Thánh, đầy vinh quang.

Vật lễ dầu sao cũng là vật thọ tạo, không xứng đáng, nên xin Chúa thánh hóa.

Chủ tế đọc lời Chúa truyền giúp chúng ta tin nhận Bánh, Rượu, nên Mình Máu Chúa và con người chúng ta được thánh hoá vì được kết hợp với Mình Máu Chúa.

Chủ tế nâng cao Mình Máu Chúa và cúi lạy để chúng ta ngước nhìn, tôn thờ, khoái lạc, rồi cúi lạy mến thờ.

Nhờ việc nâng Mình Máu Chúa lên, giúp chúng ta nhớ công trình chịu chết và sống lại của Chúa và cũng nhờ đó, chúng ta thấy có chút gì giúp ta đáng hầu cận và phụng sự Chúa.

Lại nhờ thông phần với Mình Máu Chúa, chúng ta được hợp nhất với nhau và tăng lòng mến Chúa. Việc dâng lễ còn giúp để cầu nguyện cho toàn Hội Thánh.

Đến chính việc dâng lễ thì lễ vật là nhân tính của Chúa, hiệp với nhân tính, có thể nói, của cả vũ trụ, dâng lên cho Chúa Cha. Nhân tính mà cả vũ trụ, vì là vật thọ tạo không xứng với Đấng Tạo Dựng, do đó, phải có nhân tính của Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu dâng lễ.

Nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa. Chính việc dâng lễ là trung tâm điểm của việc tế lễ, là việc cao cả!

3. Phần hiệp lễ

Dâng lễ đã có phần kết hiệp, vì của lễ gồm nhân tính của Chúa và nhân tính của con người, của vũ trụ, nhưng việc nầy chỉ có tánh cách chung chung chưa đủ.

Xưa có luật cấm ăn của cúng, vì mình nhận định ăn của cúng là tham gia vào việc cúng tế, cho nên cúng tế nếu chỉ họp nhau, góp phần với nhau thôi, thì chưa đủ. Của lễ phải được hợp nhất. Vì thế, để thánh lễ được nên trọn thì đòi con người kết hợp nên một với Chúa Kitô: rước Mình Máu thánh Chúa. Nói được là Hiệp lễ.

Sau khi dâng lễ thì Chúa muốn chúng ta đọc kinh lạy Cha, đó là bảo chúng ta nhớ đến hiệu quả của thánh lễ: Sáng danh Chúa và lợi ích sinh ơn cho nhân loại.

Hưởng ứng ý Chúa, chúng ta đọc những kinh xin Chúa cứu khỏi tội lỗi, khỏi mọi biến loạn, được bình an và mong được hạnh phúc.

Bình an chính Chúa hứa ban, bình an của tâm hồn sạch tội, bình an của Hội thánh để được dự bàn tiệc của Chúa và dùng của ăn Mính Thánh. Để nên một với Chúa Kitô, đó là Hiệp lễ.

Sau đó chúng ta đọc lời nguyện xin ơn biết hưởng dùng lợi ích của Thánh Thể và nhân Danh Chúa Ba Ngôi, xin ban phúc lành cho mọi người.

Rồi kết lễ bằng lời: “Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bằng an!”. Lời đó đơn sơ, ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều đòi hỏi, cần chúng ta phải học hỏi: Sống Hiệp lễ.

Linh Mục Là Người Của Thiên Chúa Và Của Nhân Loại

Linh mục là người của mọi người. Con người linh mục có thể nói từ thụ thai trong lòng mẹ đã được Chúa định đặt cho làm linh mục. Do đó, nói được, linh mục được kêu gọi từ lúc thọ thai.

Rồi đến giai đoạn 9, 10 tuổi hay 15 tuổi, bằng cách nầy hay cách khác Chúa nói thầm trong lòng cậu bé: Hãy theo Thầy! Cậu đã thầm nghe và theo Thầy vào nhà tu. Tr?i qua năm tháng lâu dài và dĩ nhiên qua nhiều thử thách: lúc buồn chán, lúc hăng say, rốt cuộc rồi cũng tiến được lên bàn thánh.

Từ đây, con người đơn thường trở nên đấng tế lễ, tận hiến cho Chúa đã đành, mà cũng nói được, tận hiến cho đời nữa.

Chúng ta hãy ra sức suy niệm về đời tận hiến của con người linh mục. Tận hiến cho Chúa là việc mọi vật thọ tạo phải thực hiện vì Chúa tạo dựng con người. Trong con người có những gì mà không do Chúa ban, nên con người hoàn toàn lệ thuộc Chúa, rất đúng!

Đời tu là đời tận hiến, chúng ta hiểu thế nào? Tận hiến là dâng hiến, dâng tất cả, không để dành riêng bất cứ vật gì, mà dâng trọn cho Chúa và theo sứ mạng Chúa chỉ định cũng nói được là tận hiến cho đời.

Tận hiến trước tiên là không giữ  lại cho mình bất cứ sự vật nào làm của riêng; ngay việc sống đúng đắn, sống lành, sống thánh, tốt hơn phải sống cho đời, cho anh  em, không sống cho mình.

Có trí tốt cũng không dùng học hỏi để mình biết nhiều, hiểu rộng, để thành người thông thái, ưu tú. Đời ta không nên có ý nghĩ đó.

Mình hoạt động nhiều, có những công trình ngoạn mục, không phải để được đời khen tặng mà là để gánh vác cho đời.

Đời mình kể như không có, còn đời của người thật sự là có. Mình phải quên mình, hết tâm phục vụ, và thương yêu như chính Chúa Giêsu sống phục vụ và thương yêu cho đến chết vì thương nữa!

 

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

CHA SỞ (tt)
(Điều 519-544)

5. Nhiệm Vụ Của Cha Sở (đ.528-530)

Khởi đi từ điều 519 dạy rằng:

Cha sở là chủ chăn riêng của họ đạo được trao phó cho ngài và ngài thi hành trách nhiệm mục vụ của cộng đoàn được uỷ thác cho ngài, dưới quyền Giám mục Giáo phận, mà ngài được kêu gọi để chia sẻ thừa tác vụ của Đức Kitô, ngỏ hầu thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, thánh hoá và cai quản đối với cộng đoàn ấy…

Ba nhiệm vụ chính yếu trên của mọi linh mục (quyền chức thánh) mà đặc biệt là của các cha sở (quyền chức thánh + quyền tài phán) là được chia sẻ chức vụ linh mục của Chúa Kitô, Người là Ngôn sứ, là Tư tế và là Vương giả. Ngoài ra các nhà lập pháp còn đưa ra một số những nhiệm vụ khác nữa mà chúng ta thấy trong các điều khoản 528-530 sau đây.

  1. Nhiệm Vụ Giảng Dạy (đ. 528§1).

Trong tiếng Việt, từ giảng dạy có nghĩa là giải thích cho rõ (diễn giảng), nhưng trong tiếng Latinh “giảng” (praedicare, prae-dicere) còn thêm nghĩa là nói trước mặt làng nước, nói to tiếng, nói công khai, loan báo…Cho nên, khi Giáo luật đưa ra nhiệm vụ giảng dạy của các mục tử, cách riêng là các cha sở thì phải mang hai ý nghĩa trên, nghĩa là giải thích Lời Chúa, giáo huấn của Hội Thánh cách công khai, nhân danh Hội Thánh nhằm xây dựng cộng đoàn. Thật vậy, điều 762, lấy lại tư tưởng của Sắc lệnh Công đồng về linh mục (số 2), truyền dạy rằng:

Xét vì dân Chúa được tụ hợp do Lời Thiên Chúa hằng sống, Lời mà các tư tế có nghĩa vụ phải tuyên giảng, cho nên những thừa tác viên có chức thánh hãy quý trọng nhiệm vụ rao giảng; thực vậy, việc công bố Tin mừng của Chúa cho mọi người là một trong những bổn phận chính yếu của họ.

Cụ thể hơn, điều 528§1 đưa ra một loạt những nhiệm vụ của các cha sở trong việc giảng dạy như sau:

Cha sở buộc phải liệu sao để Lời Chúa được rao truyền cách toàn vẹn cho những người đang sinh sống trong họ đạo, vì thế, ngài phải lo giảng dạy giáo dân về các chân lý đức tin, nhất là qua bài giảng trong các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, cũng như qua việc đào tạo giáo lý; ngài phải ủng hộ các công việc cổ động tinh thần Phúc Âm, cả những việc liên quan đến công bình xã hội; ngài phải quan tâm cách riêng tới việc giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên; ngài phải cố gắng bằng mọi cách, với sự hợp tác của các Kitô hữu, để Tin Mừng cũng được loan báo cho những người không còn thực thành việc sống đạo hoặc không còn tuyên xưng đức tin chân thật nữa.

1/. Đối tượng được giảng dạy: “Cha sở buộc phải liệu sao để Lời Chúa được rao truyền cách toàn vẹn cho những người đang sinh sống trong họ đạo”. Điều nầy ngụ ý nói rằng Cha sở có bổn phận mang Lời Chúa không những cho các tín hữu trong họ đạo; nhưng còn cho hết những người đang sống trên lãnh thổ của họ đạo, kể cả những người không phải là tín hữu (x.đ.757;771). Đặc biệt chú ý đến việc dạy giáo lý cho: các lứa tuổi (x.đ.776); những người lãnh các bí tích: rửa tội (x.đ.777), thêm sức (x.đ.890), rước lễ lần đầu (x.đ.914), hôn phối (x.đ.1063) và các gia đình (x.đ.774§4)…

2/. Những hình thức giảng dạy: những hình thức giảng dạy thì rất đa dạng, chẳng hạn như: giảng thuyết, đối thoại, chuyện trò, diễn thuyết, sách báo, bích chương, các phương tiện truyền thông xã hội…nhưng các nhà lập pháp nhấn mạnh vào những hình thức chính sau đây: Giảng thuyết (x.đ.767), giảng tuần đại phúc (x.đ.770), dạy giáo lý (x.đ.776-777, 890, 914, 1063), giáo dục Công giáo, chẳng hạn như các trường học của họ đạo (x.đ.794).

3/. Nội dung giảng dạy: Điều 528§1 trên đây không những chỉ giới hạn vào những chân lý đức tin, nhưng còn bao gồm cả “những công tác cổ động tinh thần Phúc âm kể cả trong lãnh vực công bằng xã hội”. Điều 768 nói rõ hơn như sau:

Những người giảng Lời Chúa trước hết phải trình bày cho các Kitô hữu biết những điều phải tin và những việc phải làm vì vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi loài người (đ.768§1)

Họ cũng phải truyền đạt cho các tín hữu biết học thuyết của huấn quyền Giáo hội về phẩm giá và tự do của con người, về sự duy nhất và sự vững bền cũng như các trách nhiệm của gia đình, về những nghĩa vụ liên quan đến những người được liên kết với nhau trong xã hội, và về việc tổ chức các việc trần thế theo trật tự Thiên Chúa đã thiết lập (đ.768§2).

Từ những lời dạy của Hội Thánh được trích dẫn trên, không chỉ nhắn nhủ các linh mục nói chung, và các cha sở nói riêng, về nhiệm vụ giảng dạy Lời Chúa, nhưng còn muốn nhấn mạnh sự sống còn của Hội Thánh. Thật vậy, Hội Thánh (Dân Chúa) được tụ hợp nhờ Lời Chúa: Hội Thánh được hình thành bởi những người tiếp nhận Lời của Chúa và đáp lại bằng đức tin. Mặc khác, Hội Thánh không những được thành hình nhờ Lời của Chúa, nhưng Hội Thánh cũng cần được Lời Chúa nuôi dưỡng để tăng trưởng nữa (Hiến Chế về Mạc Khải số 21).  Vì vậy bài giảng sau Phúc âm không thể bỏ trong các ngày Chúa nhật và lễ buộc nếu không có lý do trầm trong. Cũng trong mục đích đó, Đức Cha Tôma, giám mục Giáo phận rất tha thiết mời gọi các Cha trong Giáo phận giảng trong mỗi thánh lễ missa nhằm để nuôi dưỡng và thăng tiến giáo dân được uỷ thác cho mình.

Nguồn: Sách Công Đồng Vat. II; Bộ Giáo luật 1983; Cha Nguyễn Ngọc Thử, Chú giải mục vụ và pháp lý; Phan Tấn  Thành, Giải thích Giáo luật; John P. Beal et al., New Commentary on the Code of Canon Law).

TRANG LINH MỤC

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân đã nhắn nhủ: “Các linh mục, tu sĩ phải giúp đỡ giáo dân trong việc đào tạo chính họ”. Trong bối cảnh xã hội hôm nay, một xã hội chạy theo lợi nhuận vật chất, sống hưởng thụ làm ảnh hưởng sâu xa đến đời sống tâm linh của người tín hữu, người linh mục có trách nhiệm bảo vệ đàn chiên mà Chúa trao phó qua việc huấn luyện và thăng tiến giáo dân về các mặt:  nhân bản, đức tin và ý thức truyền giáo.

Huấn luyện cho người giáo dân có một lương tâm ngay thẳng, thấm nhuần những giá trị nhân bản cùng với những giá trị trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Khi nhìn vào nền giáo dục hiện nay ai cũng than phiền lắc đầu, trình độ văn hóa kém đi đôi với sự xuống dốc của đời sống đạo đức. Con người mà lại thiếu đạo đức làm người, phần ”con”  lấn át cả phần”người” thì làm sao có thể sống yêu thương! Mà không có tình yêu thương thì không thể xây dưng được bất cứ diều gì. Con em trong họ đạo mất đi nền giáo dục đạo đức học đường cần phải được bù đắp bằng nền giáo dục Lời Chúa, ứng dụng vào cuộc sống làm người.  Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến việc giáo dục gia đình, để cha mẹ biết cách nuôi dưỡng và giáo dục con cái nên người hữu ích cho xã hội và Hội thánh. Ngoài ra tạo điều kiện và khuyến khích các gia đình thăm viếng và an ủi nhau, nhất là những gia đình cơm không lành canh chẳng ngọt. Các gia đình thấy rằng mình đang sống trong sự đùm bọc yêu thương của mọi người trong họ đạo sẽ cố gắng phấn đấu vượt qua khó khăn và sống tốt hơn.

Huấn luyện cho người giáo dân có một nền tảng của đời sống Kitô Hữu dựa trên Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh.  Trước tiên phải nói đến việc dạy giáo lý. Ít nhất mỗi tuần sau Thánh lễ Chúa Nhật nên có giờ để gặp gỡ nhắc nhở và động viên các em.  Ngoài ra cũng nên mở khóa bồi dưỡng giáo lý cho giáo lý viên, các bậc làm cha mẹ bằng một hình thức học tập nào đó. Chẳng hạn học tập và chia sẻ bài Phúc Âm Chúa Nhật hàng tuần.  Tổ chức lớp giáo lý nâng cao. Lồng vào những cuộc họp của gia trưởng hiền mẫu những điểm then chốt trong giáo lý, giúp họ nhớ lại và xác tín hơn những gì họ đã học. Trong tinh thần hiệp thông với Giáo hội cũng nên giúp giáo dân biết sơ qua những nét chính yếu các thông điệp, sứ điệp, tông huấn …của Đức Giáo Hoàng , những thơ mục vụ của Đức Giám mục giáo phận.

Huấn luyện người giáo dân về trách nhiệm của người tông đồ trong Hội Thánh và trong thế giới. Trong sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân có nói rõ ràng về bổn phận và quyền lợi của giáo dân trong việc mở mang Nước Chúa. Đồng thời đem những vấn đề của mình và của xã hội, những vấn đề liên hệ đến sự cứu rỗi loài người đến trong cộng đồng Hội Thánh, để góp ý nghiên cứu và cùng nhau giải quyết.  Linh mục khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo dân đến với bà con lương dân trong những dịp hiếu hỉ và mời  họ đến tham dự Thánh lễ của người công giáo, đặc biệt lễ Giáng Sinh, Chúa Nhật truyền giáo… Đây không chỉ là cơ hội tạo sự hiểu biết giữa đôi bên, mà còn là dịp để đem Chúa đến với anh em và dẫn anh em đến với Chúa.  Chắc chắn sẽ có những thắc mắc mà giáo dân trả lời không suông và linh mục lại có dịp giúp giáo dân của mình hiểu rõ hơn về đạo mà bấy lâu họ ‘giữ’ quá tốt nhưng chưa biết đào sâu và chia sẻ cho người khác

Với tinh thần trách nhiệm, linh mục được mời gọi noi gương Chúa Giêsu sống tinh thần phục vụ: ” Ta đến để cho chiên Ta dược sống và được sống dồi dào”. Đây là sứ mạng cao cả nhưng cũng đòi linh mục  phải hy sinh, nhưng nhờ ơn Chúa trợ giúp, cùng với ý thức được góp phần với Chúa mang lại hạnh phúc cho con người, thôi thúc người linh mục can đảm dấn thân phục vụ Chúa và anh em.

 

TRANG TU SĨ

TRÁI TIM NGƯỜI CHA

 

“Xin cho Linh Mục của Chúa có trái tim, trái tim của Chúa,  biết yêu thương, biết phục vụ bằng tình yêu hiến dâng, biết hy sinh, biết quên mình vì lợi ích muôn dân”

Mỗi lần lời bài hát vang lên là mỗi lần tôi nhớ về các Linh Mục với lòng biết ơn sâu sắc. Ngay từ nhỏ, tôi được các Dì phước dạy: phải cầu nguyện nhiều cho các Linh Mục, vì các Ngài mang trọng trách rất lớn và còn phải trả lẽ trước mặt Chúa về những linh hồn mà các Ngài có nhiệm vụ coi sóc.

Hồi đó, cứ thứ Năm mỗi tuần đám nhóc ca đoàn nhỏ chúng tôi lại hăng hái tới nhà thờ. Sau buổi tập hát là những giây phút thư giãn thoải mái: được trở thành những ông chủ bà chủ của một cây trái sum xuê chín mọng. Đứa tưới nước, đứa nhổ cỏ, đứa xới đất xung quanh gốc, đứa quét lá…bận rộn, mệt nhưng gương mặt đứa nào cũng phấn khởi, vui tươi và đầy ấp tiếng cười. Những lúc như thế, Cha sở không bao giờ vắng mặt. Lời Ngài trầm ấm lôi cuốn, vượt xa tiếng chí choé tuổi thơ, khắc ghi vào trái tim non nớt của chúng tôi. Qua những công việc bình thưòng đơn sơ, Ngài luôn lồng vào đó những lời dạy dỗ sâu sắc. Khi nhổ cỏ, Ngài nói: Tội lỗi cũng như cỏ vậy, nhổ hoài, còn mãi.  Muốn sạch cỏ, phải siêng năng thường xuyên nhổ cỏ.  Muốn tâm hồn sạch tội phải siêng năng đi xưng tội.  Khi tưới nước cho cây, Cha cũng không quên lời dạy dỗ:

-      Không tưới nước, chúng con nghĩ cây có sống được không?

-      Dạ, thưa ông cố, không ạ.  Nó sẽ khô héo và sẽ chết.

-      Ừ, Linh hồn mình cũng vậy đó, nếu không được ơn Chúa tưới gội, nó sẽ trở nên khô khan và nguội lạnh.  Ơn Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta lãnh nhận các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Giải Tội. Chúng con phải siêng năng đi lễ, xưng tội rước lễ để ơn Chúa luôn ban xuống tâm hồn chúng con. À, còn rất nhiều người nguội lạnh, bỏ đạo, chúng con phải nhớ cầu nguyện nhiều cho họ nữa.

Mỗi chiều thứ Năm trong vườn cây ăn trái, trong nhà thờ hay bất cứ chỗ nào là mỗi bài học Cha dành cho chúng tôi. Với thời gian chúng tôi dần lớn lên và trở thành người sống có ý thức, có trách nhiệm hơn đối với gia đình, Nhà Thờ và xã hội.  Đặc biệt là ý thức cầu nguyện cho những người tội lỗi được trở về với Chúa. Tất cả những điều đó như đã ươm mầm trong tôi ước muốn sống đời dâng hiến để phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân.

Rồi tôi đi tu thật.  Tôi nghiệm ra rằng, ơn Thánh Chúa đánh động tâm hồn tôi một phần lớn là nhờ mẫu gương sống thánh thiện tốt lành của người Cha già mà tôi hằng quý mến. Ngài là vị mục tử có trái tim chan chứa tình yêu Chúa yêu người.  Trong Nhà Dòng, được hướng dẫn, được dạy dỗ tôi càng thấy rõ hơn sự cao quý của đời dâng hiến.  Đặc biệt ơn gọi Thiên Chức Linh Mục. Từ Linh Mục, chúng ta lãnh nhận rất nhiều ơn Chúa.  Qua các bài giảng trong Thánh Lễ, những lời khuyên bảo, dạy dỗ trong đời sống thường ngày, là kim chỉ nam giúp người giáo dân sống đúng theo ý Cha trên trời.  Qua các Bí Tích là nguồn lương thực thần lương giúp con cái Chúa trung thành tiến về Quê Trời.

SỐNG ĐẠO

DÂNG LỄ

Đạo là đường lối tôn thờ. Đạo của chúng ta chỉ thờ thiên Chúa, thờ Đấng Tối Cao, Đấng Tuyệt Đối. Hễ thờ thì phải có cúng. Trong Đạo chúng ta lễ vật để cúng tế là Nhân tính của Chúa Giêsu và cả bản tính của chúng ta. Chúng ta cố gắng phân tích để nhận định.

Chúng ta mượn sự vật của Chúa: bánh rượu hợp với khổ nhọc của chúng ta nói được là với cả con người; vì nơi con người chỉ có chịu khó mới là sở hữu riêng biệt; kết hợp với chịu khó thì nói được là kết hợp với con người. Như vậy, của lễ đã được thánh hoá và có giá trị vô cùng.

Người giữ đạo thì không cứ là xem lễ. Xem lễ mỗi ngày! Chúng ta cũng biết tiếng “xem” không đúng, phải nói là dâng lễ mới đúng. Mà chúng ta dâng lễ thế nào? Có biết dâng lễ không hay chỉ xem mà không ý thức chi cả, chỉ biết đó là việc lành nên tham dự, thế thôi?

Xin đề nghị một lề lối dâng lễ. Đúng ra là tìm hiểu, theo dõi tâm ý của Hội Thánh hướng dẫn qua những cử chỉ, lời kinh, những bài Kinh Thánh, để gợi ý, tôn thờ, cảm mến.

Để theo dõi phần nào chúng ta chia Thánh lễ làm ba phần:

1) Phần chuẩn bị; 2) Phần dâng lễ; 3) Phần Hiệp lễ.

1. Phần Chuẩn bị

Sửa soạn tiến đến nơi dâng lễ.  Tâm ý nên nhớ mình đi dâng lễ, đến nơi hiệp thông với tập thể, toàn thể. Vì Thánh lễ không còn là việc của cá nhân nữa!

Tập đoàn đọc (hát) Ca Nhập Lễ: Hội Thánh muốn chúng ta bắt đầu tiếp xúc với Chúa.

Sau đó, làm dấu Thánh Giá: Hội Thánh muốn chúng ta nhìn nhận mình không xứng đáng dâng lễ, nên van xin Chúa, nương tựa vào Chúa.

Vui được Chủ tế chúc bình an, nhưng vẫn nhớ đời sống mình nhiều tội lỗi, nên tự thú và xin cộng đoàn cầu nguyện để Chúa tha thứ.

Trong những lễ kính thì chúng ta đọc Kinh Vinh Danh tôn thờ Chúa trước khi dâng lễ.

Kinh Tổng nguyện xin cho chúng ta biết dâng lễ và hưởng nhờ những ơn ích của Thánh lễ.

Đến những bài Thánh Kinh và Phúc Âm, chúng ta nhờ những bài nầy để nhớ uy quyền cao sang của Chúa, để tôn thờ những ân huệ Chúa ban, để cảm ơn và những bài học chúng ta phải thực hiện cho xứng đáng dâng Thánh lễ.

Những Lễ Trọng, chúng ta đọc Kinh Tin Kính. Đó là bảng tóm lược đức tin, là nền tảng cho việc tôn thờ và dâng lễ.

Có theo dõi, có tâm tình, mới nói được là dâng lễ !

2. Phần dâng lễ

Mượn bánh và rượu làm của lễ dâng tiến. Đáng lẽ là việc của con người đối với Chúa, mà chính con người không có gì cả, nên ghép lao công con người vào của lễ. Lao công là sở hữu riêng của con người, nhưng lao công không có giá trị của lễ, nên ghép cả con ngưởi làm vật lễ.

Tiếp đó, chủ tế rửa tay, xin Chúa rửa sạch tân hồn. Chúng ta cũng ước muốn được như vậy.

Đến những lời kinh và Ca Dâng Lễ là những lời van xin Chúa chấp nhận của lễ.

Xen bài ca Tiền tụng: Hội Thánh muốn nói lễ dâng là để ca tụng cám mến, tôn thờ, xưng hô Chúa ba lầnt  Thánh, đầy vinh quang.

Vật lễ dầu sao cũng là vật thọ tạo, không xứng đáng, nên xin Chúa thánh hóa.

Chủ tế đọc lời Chúa truyền giúp chúng ta tin nhận Bánh, Rượu, nên Mình Máu Chúa và con người chúng ta được thánh hoá vì được kết hợp với Mình Máu Chúa.

Chủ tế nâng cao Mình Máu Chúa và cúi lạy để chúng ta ngước nhìn, tôn thờ, khoái lạc, rồi cúi lạy mến thờ.

Nhờ việc nâng Mình Máu Chúa lên, giúp chúng ta nhớ công trình chịu chết và sống lại của Chúa và cũng nhờ đó, chúng ta thấy có chút gì giúp ta đáng hầu cận và phụng sự Chúa.

Lại nhờ thông phần với Mình Máu Chúa, chúng ta được hợp nhất với nhau và tăng lòng mến Chúa. Việc dâng lễ còn giúp để cầu nguyện cho toàn Hội Thánh.

Đến chính việc dâng lễ thì lễ vật là nhân tính của Chúa, hiệp với nhân tính, có thể nói, của cả vũ trụ, dâng lên cho Chúa Cha. Nhân tính mà cả vũ trụ, vì là vật thọ tạo không xứng với Đấng Tạo Dựng, do đó, phải có nhân tính của Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu dâng lễ.

Nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa. Chính việc dâng lễ là trung tâm điểm của việc tế lễ, là việc cao cả!

3. Phần hiệp lễ

Dâng lễ đã có phần kết hiệp, vì của lễ gồm nhân tính của Chúa và nhân tính của con người, của vũ trụ, nhưng việc nầy chỉ có tánh cách chung chung chưa đủ.

Xưa có luật cấm ăn của cúng, vì mình nhận định ăn của cúng là tham gia vào việc cúng tế, cho nên cúng tế nếu chỉ họp nhau, góp phần với nhau thôi, thì chưa đủ. Của lễ phải được hợp nhất. Vì thế, để thánh lễ được nên trọn thì đòi con người kết hợp nên một với Chúa Kitô: rước Mình Máu thánh Chúa. Nói được là Hiệp lễ.

Sau khi dâng lễ thì Chúa muốn chúng ta đọc kinh lạy Cha, đó là bảo chúng ta nhớ đến hiệu quả của thánh lễ: Sáng danh Chúa và lợi ích sinh ơn cho nhân loại.

Hưởng ứng ý Chúa, chúng ta đọc những kinh xin Chúa cứu khỏi tội lỗi, khỏi mọi biến loạn, được bình an và mong được hạnh phúc.

Bình an chính Chúa hứa ban, bình an của tâm hồn sạch tội, bình an của Hội thánh để được dự bàn tiệc của Chúa và dùng của ăn Mính Thánh. Để nên một với Chúa Kitô, đó là Hiệp lễ.

Sau đó chúng ta đọc lời nguyện xin ơn biết hưởng dùng lợi ích của Thánh Thể và nhân Danh Chúa Ba Ngôi, xin ban phúc lành cho mọi người.

Rồi kết lễ bằng lời: “Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bằng an!”. Lời đó đơn sơ, ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều đòi hỏi, cần chúng ta phải học hỏi: Sống Hiệp lễ.

Linh Mục Là Người Của Thiên Chúa Và Của Nhân Loại

Linh mục là người của mọi người. Con người linh mục có thể nói từ thụ thai trong lòng mẹ đã được Chúa định đặt cho làm linh mục. Do đó, nói được, linh mục được kêu gọi từ lúc thọ thai.

Rồi đến giai đoạn 9, 10 tuổi hay 15 tuổi, bằng cách nầy hay cách khác Chúa nói thầm trong lòng cậu bé: Hãy theo Thầy! Cậu đã thầm nghe và theo Thầy vào nhà tu. Tr?i qua năm tháng lâu dài và dĩ nhiên qua nhiều thử thách: lúc buồn chán, lúc hăng say, rốt cuộc rồi cũng tiến được lên bàn thánh.

Từ đây, con người đơn thường trở nên đấng tế lễ, tận hiến cho Chúa đã đành, mà cũng nói được, tận hiến cho đời nữa.

Chúng ta hãy ra sức suy niệm về đời tận hiến của con người linh mục. Tận hiến cho Chúa là việc mọi vật thọ tạo phải thực hiện vì Chúa tạo dựng con người. Trong con người có những gì mà không do Chúa ban, nên con người hoàn toàn lệ thuộc Chúa, rất đúng!

Đời tu là đời tận hiến, chúng ta hiểu thế nào? Tận hiến là dâng hiến, dâng tất cả, không để dành riêng bất cứ vật gì, mà dâng trọn cho Chúa và theo sứ mạng Chúa chỉ định cũng nói được là tận hiến cho đời.

Tận hiến trước tiên là không giữ  lại cho mình bất cứ sự vật nào làm của riêng; ngay việc sống đúng đắn, sống lành, sống thánh, tốt hơn phải sống cho đời, cho anh  em, không sống cho mình.

Có trí tốt cũng không dùng học hỏi để mình biết nhiều, hiểu rộng, để thành người thông thái, ưu tú. Đời ta không nên có ý nghĩ đó.

Mình hoạt động nhiều, có những công trình ngoạn mục, không phải để được đời khen tặng mà là để gánh vác cho đời.

Đời mình kể như không có, còn đời của người thật sự là có. Mình phải quên mình, hết tâm phục vụ, và thương yêu như chính Chúa Giêsu sống phục vụ và thương yêu cho đến chết vì thương nữa!

 

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

CHA SỞ (tt)
(Điều 519-544)

5. Nhiệm Vụ Của Cha Sở (đ.528-530)

Khởi đi từ điều 519 dạy rằng:

Cha sở là chủ chăn riêng của họ đạo được trao phó cho ngài và ngài thi hành trách nhiệm mục vụ của cộng đoàn được uỷ thác cho ngài, dưới quyền Giám mục Giáo phận, mà ngài được kêu gọi để chia sẻ thừa tác vụ của Đức Kitô, ngỏ hầu thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, thánh hoá và cai quản đối với cộng đoàn ấy…

Ba nhiệm vụ chính yếu trên của mọi linh mục (quyền chức thánh) mà đặc biệt là của các cha sở (quyền chức thánh + quyền tài phán) là được chia sẻ chức vụ linh mục của Chúa Kitô, Người là Ngôn sứ, là Tư tế và là Vương giả. Ngoài ra các nhà lập pháp còn đưa ra một số những nhiệm vụ khác nữa mà chúng ta thấy trong các điều khoản 528-530 sau đây.

  1. Nhiệm Vụ Giảng Dạy (đ. 528§1).

Trong tiếng Việt, từ giảng dạy có nghĩa là giải thích cho rõ (diễn giảng), nhưng trong tiếng Latinh “giảng” (praedicare, prae-dicere) còn thêm nghĩa là nói trước mặt làng nước, nói to tiếng, nói công khai, loan báo…Cho nên, khi Giáo luật đưa ra nhiệm vụ giảng dạy của các mục tử, cách riêng là các cha sở thì phải mang hai ý nghĩa trên, nghĩa là giải thích Lời Chúa, giáo huấn của Hội Thánh cách công khai, nhân danh Hội Thánh nhằm xây dựng cộng đoàn. Thật vậy, điều 762, lấy lại tư tưởng của Sắc lệnh Công đồng về linh mục (số 2), truyền dạy rằng:

Xét vì dân Chúa được tụ hợp do Lời Thiên Chúa hằng sống, Lời mà các tư tế có nghĩa vụ phải tuyên giảng, cho nên những thừa tác viên có chức thánh hãy quý trọng nhiệm vụ rao giảng; thực vậy, việc công bố Tin mừng của Chúa cho mọi người là một trong những bổn phận chính yếu của họ.

Cụ thể hơn, điều 528§1 đưa ra một loạt những nhiệm vụ của các cha sở trong việc giảng dạy như sau:

Cha sở buộc phải liệu sao để Lời Chúa được rao truyền cách toàn vẹn cho những người đang sinh sống trong họ đạo, vì thế, ngài phải lo giảng dạy giáo dân về các chân lý đức tin, nhất là qua bài giảng trong các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, cũng như qua việc đào tạo giáo lý; ngài phải ủng hộ các công việc cổ động tinh thần Phúc Âm, cả những việc liên quan đến công bình xã hội; ngài phải quan tâm cách riêng tới việc giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên; ngài phải cố gắng bằng mọi cách, với sự hợp tác của các Kitô hữu, để Tin Mừng cũng được loan báo cho những người không còn thực thành việc sống đạo hoặc không còn tuyên xưng đức tin chân thật nữa.

1/. Đối tượng được giảng dạy: “Cha sở buộc phải liệu sao để Lời Chúa được rao truyền cách toàn vẹn cho những người đang sinh sống trong họ đạo”. Điều nầy ngụ ý nói rằng Cha sở có bổn phận mang Lời Chúa không những cho các tín hữu trong họ đạo; nhưng còn cho hết những người đang sống trên lãnh thổ của họ đạo, kể cả những người không phải là tín hữu (x.đ.757;771). Đặc biệt chú ý đến việc dạy giáo lý cho: các lứa tuổi (x.đ.776); những người lãnh các bí tích: rửa tội (x.đ.777), thêm sức (x.đ.890), rước lễ lần đầu (x.đ.914), hôn phối (x.đ.1063) và các gia đình (x.đ.774§4)…

2/. Những hình thức giảng dạy: những hình thức giảng dạy thì rất đa dạng, chẳng hạn như: giảng thuyết, đối thoại, chuyện trò, diễn thuyết, sách báo, bích chương, các phương tiện truyền thông xã hội…nhưng các nhà lập pháp nhấn mạnh vào những hình thức chính sau đây: Giảng thuyết (x.đ.767), giảng tuần đại phúc (x.đ.770), dạy giáo lý (x.đ.776-777, 890, 914, 1063), giáo dục Công giáo, chẳng hạn như các trường học của họ đạo (x.đ.794).

3/. Nội dung giảng dạy: Điều 528§1 trên đây không những chỉ giới hạn vào những chân lý đức tin, nhưng còn bao gồm cả “những công tác cổ động tinh thần Phúc âm kể cả trong lãnh vực công bằng xã hội”. Điều 768 nói rõ hơn như sau:

Những người giảng Lời Chúa trước hết phải trình bày cho các Kitô hữu biết những điều phải tin và những việc phải làm vì vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi loài người (đ.768§1)

Họ cũng phải truyền đạt cho các tín hữu biết học thuyết của huấn quyền Giáo hội về phẩm giá và tự do của con người, về sự duy nhất và sự vững bền cũng như các trách nhiệm của gia đình, về những nghĩa vụ liên quan đến những người được liên kết với nhau trong xã hội, và về việc tổ chức các việc trần thế theo trật tự Thiên Chúa đã thiết lập (đ.768§2).

Từ những lời dạy của Hội Thánh được trích dẫn trên, không chỉ nhắn nhủ các linh mục nói chung, và các cha sở nói riêng, về nhiệm vụ giảng dạy Lời Chúa, nhưng còn muốn nhấn mạnh sự sống còn của Hội Thánh. Thật vậy, Hội Thánh (Dân Chúa) được tụ hợp nhờ Lời Chúa: Hội Thánh được hình thành bởi những người tiếp nhận Lời của Chúa và đáp lại bằng đức tin. Mặc khác, Hội Thánh không những được thành hình nhờ Lời của Chúa, nhưng Hội Thánh cũng cần được Lời Chúa nuôi dưỡng để tăng trưởng nữa (Hiến Chế về Mạc Khải số 21).  Vì vậy bài giảng sau Phúc âm không thể bỏ trong các ngày Chúa nhật và lễ buộc nếu không có lý do trầm trong. Cũng trong mục đích đó, Đức Cha Tôma, giám mục Giáo phận rất tha thiết mời gọi các Cha trong Giáo phận giảng trong mỗi thánh lễ missa nhằm để nuôi dưỡng và thăng tiến giáo dân được uỷ thác cho mình.

Nguồn: Sách Công Đồng Vat. II; Bộ Giáo luật 1983; Cha Nguyễn Ngọc Thử, Chú giải mục vụ và pháp lý; Phan Tấn  Thành, Giải thích Giáo luật; John P. Beal et al., New Commentary on the Code of Canon Law).

TRANG LINH MỤC

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân đã nhắn nhủ: “Các linh mục, tu sĩ phải giúp đỡ giáo dân trong việc đào tạo chính họ”. Trong bối cảnh xã hội hôm nay, một xã hội chạy theo lợi nhuận vật chất, sống hưởng thụ làm ảnh hưởng sâu xa đến đời sống tâm linh của người tín hữu, người linh mục có trách nhiệm bảo vệ đàn chiên mà Chúa trao phó qua việc huấn luyện và thăng tiến giáo dân về các mặt:  nhân bản, đức tin và ý thức truyền giáo.

Huấn luyện cho người giáo dân có một lương tâm ngay thẳng, thấm nhuần những giá trị nhân bản cùng với những giá trị trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Khi nhìn vào nền giáo dục hiện nay ai cũng than phiền lắc đầu, trình độ văn hóa kém đi đôi với sự xuống dốc của đời sống đạo đức. Con người mà lại thiếu đạo đức làm người, phần ”con”  lấn át cả phần”người” thì làm sao có thể sống yêu thương! Mà không có tình yêu thương thì không thể xây dưng được bất cứ diều gì. Con em trong họ đạo mất đi nền giáo dục đạo đức học đường cần phải được bù đắp bằng nền giáo dục Lời Chúa, ứng dụng vào cuộc sống làm người.  Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến việc giáo dục gia đình, để cha mẹ biết cách nuôi dưỡng và giáo dục con cái nên người hữu ích cho xã hội và Hội thánh. Ngoài ra tạo điều kiện và khuyến khích các gia đình thăm viếng và an ủi nhau, nhất là những gia đình cơm không lành canh chẳng ngọt. Các gia đình thấy rằng mình đang sống trong sự đùm bọc yêu thương của mọi người trong họ đạo sẽ cố gắng phấn đấu vượt qua khó khăn và sống tốt hơn.

Huấn luyện cho người giáo dân có một nền tảng của đời sống Kitô Hữu dựa trên Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh.  Trước tiên phải nói đến việc dạy giáo lý. Ít nhất mỗi tuần sau Thánh lễ Chúa Nhật nên có giờ để gặp gỡ nhắc nhở và động viên các em.  Ngoài ra cũng nên mở khóa bồi dưỡng giáo lý cho giáo lý viên, các bậc làm cha mẹ bằng một hình thức học tập nào đó. Chẳng hạn học tập và chia sẻ bài Phúc Âm Chúa Nhật hàng tuần.  Tổ chức lớp giáo lý nâng cao. Lồng vào những cuộc họp của gia trưởng hiền mẫu những điểm then chốt trong giáo lý, giúp họ nhớ lại và xác tín hơn những gì họ đã học. Trong tinh thần hiệp thông với Giáo hội cũng nên giúp giáo dân biết sơ qua những nét chính yếu các thông điệp, sứ điệp, tông huấn …của Đức Giáo Hoàng , những thơ mục vụ của Đức Giám mục giáo phận.

Huấn luyện người giáo dân về trách nhiệm của người tông đồ trong Hội Thánh và trong thế giới. Trong sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân có nói rõ ràng về bổn phận và quyền lợi của giáo dân trong việc mở mang Nước Chúa. Đồng thời đem những vấn đề của mình và của xã hội, những vấn đề liên hệ đến sự cứu rỗi loài người đến trong cộng đồng Hội Thánh, để góp ý nghiên cứu và cùng nhau giải quyết.  Linh mục khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo dân đến với bà con lương dân trong những dịp hiếu hỉ và mời  họ đến tham dự Thánh lễ của người công giáo, đặc biệt lễ Giáng Sinh, Chúa Nhật truyền giáo… Đây không chỉ là cơ hội tạo sự hiểu biết giữa đôi bên, mà còn là dịp để đem Chúa đến với anh em và dẫn anh em đến với Chúa.  Chắc chắn sẽ có những thắc mắc mà giáo dân trả lời không suông và linh mục lại có dịp giúp giáo dân của mình hiểu rõ hơn về đạo mà bấy lâu họ ‘giữ’ quá tốt nhưng chưa biết đào sâu và chia sẻ cho người khác

Với tinh thần trách nhiệm, linh mục được mời gọi noi gương Chúa Giêsu sống tinh thần phục vụ: ” Ta đến để cho chiên Ta dược sống và được sống dồi dào”. Đây là sứ mạng cao cả nhưng cũng đòi linh mục  phải hy sinh, nhưng nhờ ơn Chúa trợ giúp, cùng với ý thức được góp phần với Chúa mang lại hạnh phúc cho con người, thôi thúc người linh mục can đảm dấn thân phục vụ Chúa và anh em.

 

TRANG TU SĨ

TRÁI TIM NGƯỜI CHA

 

“Xin cho Linh Mục của Chúa có trái tim, trái tim của Chúa,  biết yêu thương, biết phục vụ bằng tình yêu hiến dâng, biết hy sinh, biết quên mình vì lợi ích muôn dân”

Mỗi lần lời bài hát vang lên là mỗi lần tôi nhớ về các Linh Mục với lòng biết ơn sâu sắc. Ngay từ nhỏ, tôi được các Dì phước dạy: phải cầu nguyện nhiều cho các Linh Mục, vì các Ngài mang trọng trách rất lớn và còn phải trả lẽ trước mặt Chúa về những linh hồn mà các Ngài có nhiệm vụ coi sóc.

Hồi đó, cứ thứ Năm mỗi tuần đám nhóc ca đoàn nhỏ chúng tôi lại hăng hái tới nhà thờ. Sau buổi tập hát là những giây phút thư giãn thoải mái: được trở thành những ông chủ bà chủ của một cây trái sum xuê chín mọng. Đứa tưới nước, đứa nhổ cỏ, đứa xới đất xung quanh gốc, đứa quét lá…bận rộn, mệt nhưng gương mặt đứa nào cũng phấn khởi, vui tươi và đầy ấp tiếng cười. Những lúc như thế, Cha sở không bao giờ vắng mặt. Lời Ngài trầm ấm lôi cuốn, vượt xa tiếng chí choé tuổi thơ, khắc ghi vào trái tim non nớt của chúng tôi. Qua những công việc bình thưòng đơn sơ, Ngài luôn lồng vào đó những lời dạy dỗ sâu sắc. Khi nhổ cỏ, Ngài nói: Tội lỗi cũng như cỏ vậy, nhổ hoài, còn mãi.  Muốn sạch cỏ, phải siêng năng thường xuyên nhổ cỏ.  Muốn tâm hồn sạch tội phải siêng năng đi xưng tội.  Khi tưới nước cho cây, Cha cũng không quên lời dạy dỗ:

-      Không tưới nước, chúng con nghĩ cây có sống được không?

-      Dạ, thưa ông cố, không ạ.  Nó sẽ khô héo và sẽ chết.

-      Ừ, Linh hồn mình cũng vậy đó, nếu không được ơn Chúa tưới gội, nó sẽ trở nên khô khan và nguội lạnh.  Ơn Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta lãnh nhận các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Giải Tội. Chúng con phải siêng năng đi lễ, xưng tội rước lễ để ơn Chúa luôn ban xuống tâm hồn chúng con. À, còn rất nhiều người nguội lạnh, bỏ đạo, chúng con phải nhớ cầu nguyện nhiều cho họ nữa.

Mỗi chiều thứ Năm trong vườn cây ăn trái, trong nhà thờ hay bất cứ chỗ nào là mỗi bài học Cha dành cho chúng tôi. Với thời gian chúng tôi dần lớn lên và trở thành người sống có ý thức, có trách nhiệm hơn đối với gia đình, Nhà Thờ và xã hội.  Đặc biệt là ý thức cầu nguyện cho những người tội lỗi được trở về với Chúa. Tất cả những điều đó như đã ươm mầm trong tôi ước muốn sống đời dâng hiến để phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân.

Rồi tôi đi tu thật.  Tôi nghiệm ra rằng, ơn Thánh Chúa đánh động tâm hồn tôi một phần lớn là nhờ mẫu gương sống thánh thiện tốt lành của người Cha già mà tôi hằng quý mến. Ngài là vị mục tử có trái tim chan chứa tình yêu Chúa yêu người.  Trong Nhà Dòng, được hướng dẫn, được dạy dỗ tôi càng thấy rõ hơn sự cao quý của đời dâng hiến.  Đặc biệt ơn gọi Thiên Chức Linh Mục. Từ Linh Mục, chúng ta lãnh nhận rất nhiều ơn Chúa.  Qua các bài giảng trong Thánh Lễ, những lời khuyên bảo, dạy dỗ trong đời sống thường ngày, là kim chỉ nam giúp người giáo dân sống đúng theo ý Cha trên trời.  Qua các Bí Tích là nguồn lương thực thần lương giúp con cái Chúa trung thành tiến về Quê Trời.

TRANG SỐNG ƠN GỌI

GIỮ GÌN ƠN GỌI TU TRÌ

 a/ Cầu xin ơn Chúa

Bạn chưa cưới vợ, lấy chồng cũng chưa đi tu. Bạn đang ở ngã ba đường. Điều cần là Cầu nguyện nhiều để tìm ra Ý Chúa. Bạn nên cầu xin mỗi ngày như sau: "Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Nếu Chúa gọi con theo Chúa trong bậc tu trì, con sẵn sàng "Xin vâng"

b/Giữ sức khoẻ, học hành, luyện tính tốt...

Tiếp đến, bạn gắng giữ sức khoẻ, học hành chăm chỉ, trau dồi tư cách, giữ gìn tình yêu, giữ linh hồn và thể xác luôn trong trắng, sống trong ơn thánh Chúa, không tội trọng. Nên tránh dịp "ở" riêng với một người khác phái, bất kì ở đâu, kẻo lỡ

c/ Hơn nữa, rất cần gia đình, cha mẹ, anh chị em cùng cầu nguyện và giữ ơn gọi cho con em.

Trong thực tế, nhiều cha mẹ rất tốt lành, muốn cho con em đi tu và khuyến khích giữ gìn Ơn gọi cho con em.Ngược lại nhiều cha mẹ đã ích kỉ, chỉ muốn giữ con cho mình, theo ý định tương lai mình định đoạt, làm ngăn trở, và mất đi Ơn gọi của con em. Họ không biết rằng con cái đi tu sẽ góp phần vinh dự và ích lợi cho gia đình họ nhiều hơn, nhờ những lời cầu nguyện của con cái họ. Để con ở ngoài lập gia đình theo ý họ, chưa chắc họ đã được nhờ, hay phải "ngậm đắng nuốt cay", vì dâu, vì rể, vì ngay cả con trai hay con gái.

d/ Cộng đoàn, xứ đạo cũng được mời góp phần cổ động và giữ gìn Ơn gọi tu trì bằng lời nguyện, nâng đỡ.

Dâng lễ Thứ năm hàng tuần với ý cầu nguyện cho ơn gọi. Lời nguyện giáo dân của Cộng đoàn hàng tuần nên có lời cầu cho ơn gọi, nhất là vào Ngày cổ động Ơn gọi hàng năm.

 

e/ Lòng Kính Mến Đức Mẹ

Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Giáo hội, Mẹ linh mục, Mẹ tu sĩ. Mẹ lo cho Con Mẹ, cho Giáo hội Con Mẹ, Mẹ lo cho các linh hồn, Mẹ lo cho Ơn gọi tu trì cách riêng để có những người con tiếp tục sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu.

Muốn giữ Ơn gọi, phải chạy đến cùng Mẹ. Muốn đời tu hạnh phúc, phải chạy đến cùng Mẹ. Muốn công việc tông đồ nơi các linh hồn kết quả, phải chạy đến cùng Mẹ.

Thánh Philip Nêri, một ông thánh vui tính, thường hỏi các thiếu niên:

- Con có yêu mến Đức Mẹ không?

- Vậy con hãy đi tu noi gương Đức Mẹ đồng trinh.

Đức Giáo Hoàng Piô XII nói:

"Yêu mến Đức Mẹ là phương thế tốt nhất để giữ đức khiết tịnh".

Mẹ Tẹrêsa Calcuta nói về Ơn gọi:

"Ôi, Ơn gọi làm linh mục cao trọng chừng nào!

Thiên Chúa đã đến sống cuộc sống của loài người,

Người cần linh mục để tiếp xúc với lòng Thương xót và sự tha thứ của Chúa.

Người cần thừa tác vụ linh mục để tẩy sạch tội lỗi, để xóa bỏ tội lỗi trong Máu Thánh Người.

Hỡi các bạn trẻ được Chúa Kitô kêu gọi,

được Chúa Kitô chọn làm của riêng Người,

hãy quan tâm đến lời mời gọi này như chiếc cầu liên kết linh hồn với Thiên Chúa.

Chúng ta đừng yêu bằng lời suông, nhưng hãy yêu đến bị tổn thương.

Yêu đắt giá như Chúa Giêsu yêu ta, Người yêu đến chết vì ta.

LM. ĐOÀN QUANG, CMC

 

TRANG THIẾU NHI

Củng Cố Đức Tin Cho Lớp Trẻ

Người mẹ than: “Tôi không thể hiểu được! Tôi đã cho nó đi học trường Công giáo 12 năm mà thậm chí nó không thèm đi nhà thờ!”.

Khi một số cha mẹ không thể chăm sóc, thậm chí là không chú ý, đa số các cha mẹ và ngay cả ông bà cũng ngạc nhiên thấy con cháu mình, nhất là độ tuổi 16-22, có vẻ muốn từ bỏ di sản của mình là đức tin Công giáo.
Tôi có hơn 40 năm làm giáo viên và giáo lý viên, đó là những gì tôi biết ở giới trẻ đã động viên tôi đưa ra vài lời khuyên đối với các giáo viên, các giáo lý viên, các bậc ông bà và cha mẹ. Trong khi không có gì đảm bảo rằng con cháu chúng ta vẫn gần gũi với đức tin Công giáo, vẫn có vài cách tốt để trau dồi đức tin của chúng – và những điều chân thật quan trọng để chúng nhớ:


1. Chất vấn là chuyện bình thường. Có lúc người lớn chúng ta cố gắng hiểu (và có thể cố gắng nhớ) rằng chất vấn trước đây khiến cho niềm tin là một phần trong quá trình trưởng thành.

2. Hãy biết rằng sự thận trọng của Giáo hội một phần là cách đáp lại mức độ thường xuyên con cháu chúng ta bị những thần tượng làm thất vọng. Căn cứ vào những sự phản bội thường xuyên của những có vẻ tốt đó, chúng nghe nói về các phương tiện truyền thông, có thể hiểu rằng chúng không thể tự động tin và tôn trọng các anh hùng – các thánh và những người thánh thiện – chúng ta đặt ra trước mặt chùng. Những vụ bê bối mới đây trong giáo hội cũng làm cho người trẻ – kể cả những người lớn – nghi ngờ các giáo sĩ và những người làm việc trong các bộ của giáo hội. Không lạ gì chúng nghi ngờ khi chúng ta nói với chúng: “Hãy tin tôi, đây là sự thật”. Chúng ta cần tránh kiểu nói: “Vì giáo hội nói vậy” hoặc “Vì tôi nói vậy”, thay vì thế hãy giúp chúng hiểu tại sao chúng ta tin những gì chúng ta làm, và tại sao chúng ta yêu mến giáo hội mặc dù giáo hội vẫn có những bất toàn.

3. Hãy biết rằng cha mẹ là những người ảnh hưởng nhiều nhất trong đời sống con cái. Gương sáng của cha mẹ là khí cụ mạnh nhất mà chúng ta phải giúp giữ Thiên Chúa và tôn giáo trong đời sống của con cái. Tôi tin rằng việc thảo luận về đức tin, về vị trí giáo hội, về việc thờ phượng và cầu nguyện, về vị trí của Thiên Chúa trong các vấn đề luân lý, đạo đức và các mối quan hệ nên ở trong phạm vi kinh nghiệm gia đình…Trong lúc khó khăn, việc cha mẹ tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa giúp an ủi con cái và giúp chúng hiểu rằng làm người lớn nghĩa là làm cho Thiên Chúa hữu hình và có thể đạt tới.


4. Đừng ngại hỏi các giáo viên và các giáo lý viên về cách trả lời các vấn đề tôn giáo và tâm linh. Mối quan hệ giữa cha mẹ và chương trình giáo dục tôn giáo của giáo xứ hoặc trường học Công giáo nên hợp tác với nhau. Cha mẹ nên cảm thấy thoải mái tận dụng khi có “cơ hội giáo dục”. Các giáo viên được đào tạo về các giai đoạn phát triển của trẻ em, và nên giúp đỡ các bậc cha mẹ góp các câu hỏi, mối bận tâm, và các vấn đề trước khi sự cố xảy ra minh nhiên.


5. Khuyến khích vai trò của ông bà trong đời sống người trẻ. Tôi tin rằng có sự kỳ diệu trong việc cách quãng một thế hệ. Đối với nhiều người trẻ, ông bà là những người có thể có uy tín và có thời gian lắng nghe những mối lo âu của chúng về Thiên Chúa và cuộc sống. Hãy khuyến khích ông bà góp phần giáo dục đức tin cho chúng. Ông bà có kinh nghiệm về đức tin. Người già có thể góp những câu chuyện và kinh nghiệm mà họ coi đó là xây dựng sự khôn ngoan của “quyền công dân Nước Trời”. Khi cha mẹ thường bị căng thẳng vì công việc và trách nhiệm, ông bà có thể đảm nhiệm công việc giáo dục đức tin cho lớp trẻ.


6. Đừng sợ nếu con cái tuổi thiếu niên không quan tâm tôn giáo. Chúng ta cần giúp con cháu thấm nhuần và sống đức tin sống động bằng cách thể hiện và bằng gương sáng mà giáo hội là ngôi nhà luôn chào đón chúng, nơi chúng có thể bày tỏ mối nghi ngờ và lo sợ, nơi có sứ điệp của Chúa Giêsu, và là nơi mai này chúng có thể đưa con cái của chúng đến. Nếu chúng không nối kết với giáo hội khi chúng còn nhỏ, chúng không bao giờ biết cách gần gũi Thiên Chúa trong tâm hồn. Chúng ta chỉ có thể để cửa mở rộng, tiếp tục cầu nguyện và phó thác chúng cho Thiên Chúa.

Nữ tu Tiến sĩ Carol Cimino, SSJ (dòng Nữ tử Thánh Giuse thành Rochester, New York)

 

 

TRANG GIỚI TRẺ

Bất cứ lãnh vực nào trong cuộc sống của chúng ta cũng cần được nâng chất lượng mỗi ngày. Để nâng chất thì cần có sự thay đổi. Sự thay đổi ấy tùy theo mức độ ý thức của con người.

Giáo hội chúng ta nhìn theo khía cạnh nào đó cũng còn mang tính cách phàm trần. Cho nên, Giáo hội cũng cần thay đổi mỗi ngày cho tốt hơn. Nhờ thay đổi mà đời sống của mọi thành phần dân Chúa cách riêng là đời sống giáo dân mỗi ngày được thăng tiến tốt hơn.

Nếu như trước đây trong Giáo hội Giáo sĩ điều hành toàn bộ mọi sinh hoạt lớn nhỏ thì hôm nay việc điều hành ấy được phân nhỏ ra. Người giáo dân vẫn có thể giữ được vai trò quan trọng trong Giáo hội phù hợp với bậc sống và lứa tuổi của mình.

Người trẻ được mời gọi cộng tác trong việc bảo vệ và phát triển Giáo hội. Trong họ đạo họ được mời gọi tham gia trong việc phụng tự như ca đoàn, giúp lễ… Họ cũng có thể được đào tạo để trở thành những huynh trưởng và các giáo lý viên để cộng tác trong việc giảng dạy giáo lý cho lứa tuổi ấu cũng như thiếu nhi. Ngoài ra, các công tác từ thiện bác ái cũng rất cần các bạn trẻ tham gia. Vì “ở đâu khó có thanh niên”!

Vì thế, người trẻ chúng ta hãy nhớ mình có bổn phận và trách nhiệm tham gia thăng tiến đời sống của Giáo hội.

TUỔI TRẺ – ĐỨC TIN – CUỘC SỐNG

Tại Sao Chúa Cho Phép Đau Khổ Xảy Ra? (tiếp theo)

5. Đức Giêsu Kitô và sự dữ

Đức Giêsu không đến để giải thích cho ta biết ý nghĩa của đau khổ. Người đã đến để cùng chia sẻ khổ đau, và lấp đầy chúng bằng sự hiện diện của mình. Người bắt đầu bằng cách xoa dịu nỗi đau khổ của những người khác để bảy tỏ sự đồng cảm của mình. Đi tới đâu là Người chữa lành bệnh tật xác hồn đến đó. Đối với những ai gặp đau khổ, Đức Kitô đã thốt lên những lời hết sức trìu mến: “Hỡi những ai đau khổ và gánh nặng, hãy đến với Tôi, và Tôi sẽ cho nghỉ ngơi lại sức” (Mt 11,28). Bất cứ người nào tiếp cận với Đức Kitô cũng đều gặp được một người tri kỷ, một người đã từng đau khổ hơn ta bội phần, một bậc thầy đã chế ngự được nỗi đau của riêng mình, một vị Chúa đang mở ra cánh cửa hy vọng dẫn đến một thế giới tuyệt hảo.

Ai có thể nói được có bao nhiêu người tàn tật, bệnh hoạn, có bao nhiêu tâm hồn khổ ải, phiền muộn hay bị cắn rứt đã tìm được bình an nội tâm và sự thanh thản trong Đức  Kitô. Chị Bernadette Soubirous, nhà thấu thị ở Lộ đức, đã chẳng nói rằng: “Với cây Thánh giá trên giường bệnh khổ đau này, tôi lại thấy mình hạnh phúc hơn cả một bà hoàng đang ngồi trên ngai báu nữa.” Thật đáng ngạc nhiên, phải không bạn?

Sự đau khổ của Đức Giêsu hiển nhiên không phải là một sự trả thù của một Chúa Cha đã bị tội lỗi xúc phạm. Đức Kitô thay vì đưa ra đủ lý lẽ biện minh cho đau khổ đã tự nguyện liên đới với khổ đau của chúng ta. Khi nói về đau khổ, Người rất hiểu rõ. Người đã nếm mùi đói khát mệt nhọc sau những đoạn đường dài. Người đã đau khổ vì các bằng hữu thân tín nhất bỏ rơi mình, các địch thù thì rủa xả, những kẻ dửng dưng thì nhạo cười, sứ mạng có vẻ như bị thất bại, thân xác phải đau đớn kinh khủng trong cuộc khổ nạn, nỗi bồn chồn khắc khoải trước cái chết và là cái chết trên cây khổ hình. Đức Kitô là người anh em cùng chung khổ đau với ta, là nạn nhân vô tội của tội lỗi loài người.  Ước gì ai gặp đau khổ cũng biết đứng trước thập giá của Chúa Giêsu để tìm thấy trong ánh mắt của Người, nếu không phải là một lời giải thích về sự dữ mà minh đang gánh chịu, thì ít nữa là một sự bình an trong tâm hồn.

6. Phải làm gì với đau khổ?

Một thanh niên Kitô giáo xem ra được trang bị tốt hơn so với một thanh niên vô thần. Đối với người này thì đau khổ chẳng có chút giá trị nào. Nếu như người ấy cũng tìm cách xoa dịu đau khổ của những người khác, thì bản thân anh rất có thể lại rơi vào tuyệt vọng khi đứng trước đau khổ của chính mình.

Đối với người trẻ theo thuyết Mácxít cũng vậy. Ngay cả trong thiên đường vật chất, bệnh tật và chết chóc vẫn luôn còn đó, không thể giải thích được, như những tàn tích vô ích. Một người thợ trẻ theo chủ nghĩa Cộng sản, do gặp tai nạn nghề nghiệp mà phải chịu thiệt thòi suốt đời. Anh ta không thể tìm ra cho mình một ý nghĩa nào đối với đảng, sự tàn tật của anh là một điều không thể cứu vãn được nữa.

Còn người Kitô hữu biết mặc cho sự đau khổ của nhân loại một giá trị tích cực. Đối với anh, chết chưa phải là hết, nhưng như chúng ta sẽ thấy ở một bài khác, nó là một ngõ dẫn vào cõi sống, là một cuộc tái sinh. Bất cứ đau khổ nào kết hợp với sự đau khổ của Đức Kitô đều có một giá trị cho riêng người đó và cho cả tập thể nữa. Nó giúp mở rộng Nước Chúa trong nhân loại. Người thanh niên bị bại liệt cũng có ích cho việc loan báo Tin mừng như nhà truyền giáo

TRANG QUỚI CHỨC

BIỆN SỞ (tt)

Lần trước chúng ta đã nói đến nhiệm vụ của ông biện trong việc cộng tác với cha sở qua bí tích rửa tội. Trong bài này, chúng ta lại tiếp tục bàn tới bí tích xức dầu.

Người giáo dân rất ao ước được linh mục đến thăm viếng nhưng  có thể vì nhiều lý do như họ đạo quá đông, công việc nhiều, hay vì lý do sức khoẻ… nên thường không cho phép linh mục có thể đáp ứng hoàn toàn ước muốn chính đáng đó của giáo dân mình. Dầu vậy, sự xuất hiện của cha sở lúc gia đình gặp khó khăn, đau khổ, nguy cấp…. sẽ bù đắp những khao khát của họ. Điều nầy có ý nghĩa rất quan trọng trong mối tương giao giữa chủ chăn và đoàn chiên. Thế nhưng linh mục không thể biết được cần phải có mặt nơi nào, lúc nào, nếu ông biện sở tại không giúp thông báo cho các ngàivà dĩ nhiên, các Biện sở cũng đã được hướng dẫn trước các điều phải thực hiện theo chức năng của mình.

Vì thế, ông Biện phải đặc biệt quan tâm đến những gia đình, những giáo dân có người già, người bệnh. Phải mau mắn liên hệ với cha sở khi có người lâm bệnh nặng, nguy tử, cần xức dầu. Phải trực tiếp cho cha biết tình trạng bệnh nhân, đưa cha đến với bệnh nhân, nhắc nhở bệnh nhân và thân nhân của bệnh nhân lo chuẩn bị cho bệnh nhân đón nhận các bí tích như: chuẩn bị xét mình xưng tội để nhận bí tích xức dầu, chuẩn bị nước thánh, đèn, khăn trải bàn (khăn trắng), ảnh Chuộc Tội. Mời gọi mọi người ý thức họp nhau cầu nguyện, giữ trật tự khi cha ban bí tích cho bệnh nhân.

Ông cũng phải học biết cách giữ linh hồn cho kẻ liệt, nhờ người đến đọc kinh cho kẻ liệt. Đây là lúc biện sở cho thấy “giá trị” của mình đối với khu xóm về mặt đời sống đức tin. Vì thế ông hãy cố gắng làm sao cho thật tốt, đừng làm lượm thượm sẽ bị giáo dân coi thường, mất uy tín, sẽ khó làm việc về sau.

Khi trong khu xóm mình có kẻ qua đời. Hãy có mặt tại tang gia sớm hết sức có thể, để giúp đỡ tang gia trong lúc bối rối về những việc phần đạo như : lo cho có người đến cầu lễ cho người vừa qua đời, ghi giấy báo tử, liên hệ cha sở xin làm phép xác, ngày giờ cho lễ an táng, nơi chôn cất.

Điều 12 khoảng 1 mục b trong Điều Lệ Quới Chức GPVL  dạy: “Khi có người trong xóm qua đời, tận tình giúp đỡ tang gia theo nghi thức đạo, loại trừ mê tín dị đoan”. Do đó, các Biện sở hãy cố gắng thuyết phục tang gia tránh những tập tục mù quáng như coi ngày giờ chôn cất, cúng bái, đạo tỳ…

Dưới đây làm những hình thức mê tín thường gặp:

- Phạn hàm: bỏ gạo, tiền hay vàng vào miệng người chết.

Lễ này theo tục xưa, bỏ gạo và tiền vào miệng tránh tà ma ác quỷ đến cướp đoạt, để tiễn vong hồn đi đường xa được siêu thoát.  Bỏ một nắm gạo và ba đồng tiền (đồng kẽm, đồng chinh) vào miệng người chết. Gạo để linh hồn người chết ăn, khỏi phải thành ma đói (ngạ quỷ). Tiền dùng để đi đò hay qua cầu sang bên kia thế giới. Những người lúc sống ăn ở bạc ác thì lúc chết linh hồn phải qua cầu Nại Hà. Người lương thiện được qua cầu Kim Ngân. Ngày xưa nhà giàu dùng gạo và vàng, ngọc để làm lễ phạn hàm.

- Đặt nải chuối hoặc con dao trên bụng người chết

Đắp chăn hoặc chiếu, buông màn, đặt một chiêc ghế con phía trên đầu, trên đó đặt một bát cơm úp, một quả trứng, dựng một đôi đũa trên bát cơm và thắp hương. Có địa phương còn có tục để thêm một con dao trên bụng, (có lẽ để trừ tà ma hay quỷ nhập tràng).

Cũng có người giải thích đặt nải chuối trên bụng người chết vì sợ thiên cẩu đánh hơi người chết, xuống moi ruột gan ăn làm cho người chết không được toàn thây, không thể siêu sinh nên đặt nải chuối cho thiên cẩu ăn mà không động đến ruột gan người chết.

- Vì sao có tục đốt vàng mã?

Người xưa quan niệm “trần sao âm vậy”, theo quan niệm đó người chết cũng có nhà cửa, quần áo, tiền để chi dùng phương tiện đi lại như khi còn sống. Người chết cũng được chia một phần gia tài… Từ việc cúng tế bằng đồ thật, dần dần mới sinh ra lễ đốt vàng mã, tức là thay thế bằng các đồ vật làm bằng tre, gỗ, rơm, rạ, đất sét hoặc giấy tượng trưng, nhưng kích thước thu nhỏ lại để người cõi âm mang đi, nhờ có "Phép thiêng biến ít thành nhiều". Áo quần của người chết mặc khi còn sống, để lại nhà mồ sau ba năm mục nát, không nỡ dùng vào việc khác, người ta đốt đi dần dần sinh ra được thay thế bằng quần áo giấy. Vì vậy mới có câu "đi theo ma mặc áo giấy".

- Rải giấy tiền vàng bạc

Khi đi đường đến nghĩa trang, tang gia rải giấy tiền vàng bạc, nhằm hối lộ cho đám tà ma quỷ dữ, kẻo quan tài nặng nề khó đi.

- Đạo tỳ

Nguyên gốc là chữ ĐÔ TÙY (Đô là đều, tùy là theo), rồi biến thể thành chữ ĐẠO TÙY( Đạo là một toán quân, tùy là theo), và người miền Nam không quen uốn lưỡi nên đọc là ĐẠO TỲ, để chỉ những người lãnh làm nhiệm vụ khiêng quan tài người chết đem đi chôn.

Người bình dân còn gọi những vị Đô tùy là Đạo hò, vì mỗi lần khiêng quan tài, họ phải hò lên để ra hiệu lịnh cùng làm cho ăn nhịp.

Thế nhưng dần dần, dân nam bộ lại thêm vào đó những hình thức mê tín như múa may đuổi quỷ, trừ ma.

Đây là những hình thức mê tín, không hợp với đức tin Công Giáo. Vì thế ông Biện sở tại hãy nói cho giáo dân biết để họ biết sống phù hợïp với đức tin Công giáo như lời Chúa Giêsu đã nói: Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ.

SỐNG ĐẸP

NGUYÊN TẮC CUỘC ĐỜI

Có những nguyên tắc trong cuộc sống bạn cần biết, vì ít nhiều, nó sẽ có ảnh hưởng lớn đến bạn đấy. Thử đọc xem có đúng là "đời thay đổi khi chúng ta thay đổi" không nhé!

1. Bạn được cuộc đời trao tặng một cơ thể. Dù bạn yêu hay ghét cơ thể mình, nó vẫn sẽ là của bạn đến suốt đời.

2. Bạn sẽ được trao tặng những bài học quí giá. Phần lớn thời gian bạn sẽ theo học ở một ngôi trường không có nhiều qui tắc gọi là Cuộc Đời. Mỗi ngày ở trường học ấy, bạn sẽ được những bài học khác nhau. Có thể bạn thích chúng, hay sẽ xem chúng là những bài học vô bổ và buồn tẻ.

3. Không hề có lỗi lầm, tất cả là những bài học. Trưởng thành là kết quả của quá trình trải nghiệm những thử thách và sai lầm. "Thất bại" sẽ là một phần quan trọng trong quá trình đó, quyết định sự trưởng thành của bạn.

4. Bài học sẽ lặp đi lặp lại đến khi bạn nhận ra. Một bài học sẽ đến với bạn dưới nhiều cách thức tiếp cận khác nhau đến khi bạn thấu hiểu được. Khi ấy, bạn lại chuyển sang bài học tiếp theo.

5. Không có giới hạn của sự học hỏi. Mọi nẻo đường của cuộc sống đều ẩn chứa những bài học rất riêng. Nếu bạn còn hiện hữu trên cuộc đời này, bạn cần phải học hỏi liên tục.

6. Hãy bằng lòng với những điều bạn đang có. Khi những điều bạn mong muốn đã trở thành hiện thực, bạn sẽ tiếp tục mong muốn một điều khác mà đối với bạn, nó hấp dẫn hơn cả thứ bạn đang có.

7. Những người xung quanh chỉ là tấm gương phản chiếu chính bạn. Bạn không thể yêu hay ghét một điều gì đó ở một người khác trừ khi điều đó phản ánh điều mà bạn yêu hay ghét ở chính bản thân mình.

8. Bạn là người quyết định cuộc sống của chính mình. Bạn có sẵn mọi công cụ cũng như mọi nguồn lực mà bạn cần. Bạn có đủ quyền năng để quyết định cách sử dụng chúng. Quyền lựa chọn là ở chính bạn.

9. Câu trả lời về cuộc đời luôn nằm trong chính bản thân bạn. Tất cả những điều bạn cần làm là ngắm nhìn, lắng nghe và tin tưởng.

10. Ngay từ khi mới sinh ra, bạn sẽ quên tất cả những điều bạn cần phải nhớ. Nếu muốn, bạn vẫn có thể nhớ bằng cách lắng nghe sự hiểu biết từ bên trong.

Nguồn:  Mực Tím Online - TÂM LINH HOÀNG dịch

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

Đừng bao giờ từ bỏ những người bạn mà bạn đã yêu thương!

Ở Nhật xảy ra một câu chuyện có thực 100% như thế này: Có một người vì muốn sửa lại nhà nên dỡ tường ra; tường nhà kiểu kiến trúc Nhật thường đế một tấm gỗ ở giữa, hai bên  trát xi măng, nhưng thực chất bên trong để  rỗng. 

Khi anh ta dỡ tường ra, phát hiện có một chú thạch sùng đang ngủ ở trong đó, đuôi nó bị đóng vào vào tường bởi một  chiếc đinh được đóng từ ngoài vào trong. Anh  này thấy tình cảnh đó vừa thấy thương thạch sùng vừa thấy tò  mò, anh ta chăm chú quan sát chiếc  đinh, trời ạ! đây là chiếc đinh được đóng khi xây nhà 10 năm trước.

Rút cục là có chuyện gì thế  này nhỉ? Chú  thạch sùng này  đã mặc kẹt trên tường mà vẫn sống  được trọn 10 năm! Sống được 10 năm trong bức tường tối, thật không đơn giản chút  nào. Có gì đó bất thường  thì phải? Anh ta tiếp tục tục nghĩ ngợi,  đuôi nó bị  đóng chặt, không thể xê dịch  được, thế nó đã sống được nhờ vào  điều gì mười năm qua? Anh ta quyết định chưa sửa công trình  của mình vội, muốn quan sát xem chú thạch  sùng này  đã ăn gì

Anh  muốn nghiên cứ tìm hiểu xem sao. Một lát sau, không biết  từ đầu bò ra một chú thạch sùng khác, miệng nó ngoặm  miếng thức ăn… Ồ! Anh ta lặng người đi. Thế này là sao nhỉ? Vì một bạn thạch sùng bị đinh đóng  vào đuôi  không thể đi lại được, một bạn thạch sùng khác đã kiếm tìm thức ăn  mớm cho bạn trong suốt mười năm qua. Tôi nhìn xong thấy xúc động vô cùng và thực sự cũng không  nghĩ thêm về mối quan hệ của chúng nữa.

Các bạn ạ, cùng với  sự phổ cập của máy tính trong xã hội con  người, tốc độ những thông tin mà chúng ta có được từ người thân, bạn hữu, đồng nghiệp, … ngày một nhanh hơn, nhưng khoảng cách giữa con người với con người chúng ta với nhau phải chăng cũng ngày một gần nhau hơn ? … Cho nên đừng bao giờ từ bỏ những người mà chúng ta yêu thương nhé!

(Sưu tầm)

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

Chức Tư Tế của Giáo dân là chức gì?

Hỏi: Xin Cha giải thích rõ chức vụ tư tế của người đã chịu Phép Rửa Tội.

Trả lời: Theo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo thì khi chịu phép rửa tội người được rửa tội cũng được xức dầu thánh   để lãnh nhận ơn riêng của Chúa Thánh Thần, nhờ đó “trở thành một Kitôhữu”, nghĩa là được xức dầu, gia nhập vào Thân Thể Chúa Kitô là Đấng đã được xức dầu để làm tư tế, ngôn sứ và vương đế” (x. SGLGHCG, số 1241).

Nói khác đi, qua bí tích Rửa Tội, người tín hữu được tái sinh trong sự sống mới và được “mặc lấy Chúa Kitô” như Thánh Phaolô dạy. (x.Gl 3,27). Cũng qua Phép Rửa, người tín hữu được tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và địa vị vương đế của Chúa Kitô như Giáo Hội dạy trên đây. Chính vì vinh phúc lớn lao này mà xưa kia các Thánh Giáo Phụ   đã gọi các tín hữu Chúa Kitô, tức những người đã được tái sinh nhờ Phép Rửa là những “Đức Kitô thứ hai = Alter Christus”. Từ ngữ này về sau cũng được dùng để chỉ các tư tế có chức thánh như Giám Mục và Linh Mục.

Khi nói đến người tín hữu giáo dân   là nói đến một thành phần Dân Chúa đông đảo nhất trong Giáo Hội không thuộc về hàng giáo sĩ (hay tu sĩ như Thánh Công Đồng Vaticanô II đã định nghĩa trong Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân (LG, 31). Thánh Phaolô đã cắt nghĩa sự khác biệt trong ơn gọi và vai trò của các thành phần Dân Chúa như sau: “cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Chúa Kitô, mỗi người liên đới với người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12, 4-5).

Nghĩa là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân chỉ là những bộ phận khác nhau của cùng một Nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo Hội mà thôi. Khác nhau về chức năng nhưng đều quan trọng và cần thiết cho sự hoạt động và sống còn của Nhiệm thể.

Khi nói đến chức tư tế là nói đến Chức Linh Mục duy nhất của Chúa Kitô, Vị Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê (Dt 5: 10).Nghĩa là chỉ có Chúa Kitô là Thầy Cả hay Linh Mục Thượng Phẩm duy nhất đã dâng Hy Tế đền tội thay cho nhân loại một lần xưa trên thập giá. Khi đó, Người vừa là Bàn Thờ, vừa là Của Lễ và là Linh Mục.

Chúa Kitô vẫn tiếp tục dâng Hy Tế này cách bí nhiệm qua tác vụ của Giáo Hội, cụ thể qua thừa tác vụ của các giáo sĩ có chức thánh như Giám mục và Linh Mục, là những người nhờ Bí tích truyền chức thánh mà được phép nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) để “làm vịệc này mà nhớ đến Thầy” tức cử hành Thánh lễ Tạ Ơn hàng ngày ở khắp mọi nơi trong Giáo Hội.

Đây là chức tư tế của hàng giáo sĩ phẩm trật hay thừa tác xuất phát từ bí tích truyền chức thánh. Ngược lại, chức tư tế chung của mọi Kitôhữu hay giáo dân là chức phát sinh từ bí tích Rửa tội và Thêm sức, chứ không từ bí tích truyền chức thánh. Vì thế, giáo dân không được phép cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Chỉ trừ trường hợp nguy tử, khi không tìm được các thừa tác viên có chức thánh (Giám mục, Linh mục, Phó tế) giáo dân mới được phép cử hành bí tích Rửa tội mà thôi.

Sự khác biệt giữa hai chức tư tế của giáo sĩ và giáo dân được Giáo Hội nói rõ như sau:

“Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn cả về yếu tính, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình. Tư tế thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô cử hành Hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng. Phần tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, cộng tác dâng thánh lễ và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực” (x. LG, số 10).

Nói rõ hơn, các tư tế thừa tác hay phẩm trật, cụ thể là các Giám Mục và Linh mục, trong cương vị  Chúa Kitô là Đầu (in persona Chirsti Capitis) để giảng dạy và cử hành các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể để diễn lại Hy Tế thập giá trên bàn thờ ngày nay, nhờ đó “Chúa Kitô,chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế (x. 1 Cor 10,17) thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện” (LG, số 3). Nghĩa là, công cuộc cứu chuộc nhân loại của Chúa Kitô đã hoàn tất một lần xưa qua Hy Tế của Người trên thập giá, được lập lại ngày nay mỗi khi Thánh lễ Tạ Ơn được cử hành. Và chỉ có Giám Muc hay Linh mục được làm việc này nhờ quyền thánh (sacra potestas) đã lãnh nhận qua bí tích truyền chức mà thôi.

Chức tư tế chung của người tín hữu chỉ cho phép mọi giáo hữu được hiệp thông với các tư tế thừa tác trong việc dâng đời sống của mình với mọi vui buồn, sướng khổ để kết hợp với Hy tế của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa để xin ơn cứu chuộc cho mình và cho người khác trong Thánh lễ.

Ngoài ra, chức tư tế và ngôn sứ của người tín hữu cũng đòi hỏi mọi giáo hữu sống nhân chứng cho Chúa Kitô trước mặt người đời để góp phần mở mang Nước của Chúa Kitô là “Nước của của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình” (LG, số 36). Đây chính là địa vị vương giả mà người tín hữu được chia sẻ với Chúa Kitô nhờ Phép Rửa.

Tóm lại, chức tư tế của người tín hữu hay giáo dân hoàn toàn khác với chức tư tế của hàng giáo sĩ thừa tác (Giám mục, Linh mục) như đã nói ở trên.Tuy nhiên sự khác biệt này không có nghĩa là ai cao trọng hơn ai, mà chỉ nói lên sự khác nhau về chức năng (phận vụ) để chu toàn các nhiệm vụ theo ơn gọi riêng của mỗi bậc sống mà thôi.

Điều quan trọng là mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội, -giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân - tất cả đều được mời gọi để nên thánh và có trách nhiệm loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho mọi người, mọi dân tộc trên toàn thế giới. Vai trò khác nhau chỉ nói lên bổn phận khác nhau phải chu toàn mà thôi.“Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào, vì tất cả đều thuộc về anh em mà anh em thuộc về Chúa Kitô và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa”. (1 Cor 3: 21,23).

LM. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

THỜI GIAN NGẮN HAY DÀI

Người Mông Cổ có kể lại một câu chuyện ngụ ngôn như sau:

-      Một hôm, con Phượng hoàng hỏi con Quạ: Này anh Quạ, tại sao anh sống trên cõi đời này đến 300 năm, còn chúng tôi chỉ có 33 năm thôi.

-      Con Quạ hỏi ngược lại: Thế sao cô bạn chỉ uống máu tươi, còn chúng tôi phải sống bằng xác chết?

-      Con Phượng hoàng nghĩ ngợi hay là chúng ta hãy thử ăn xác chết như loài quạ cho biết. Thế là cả hai cùng bay lượn để tìm mồi. Thấy một con ngựa chết thối, cả hai liền lao mình xuống. Con quạ như trúng số, nó ăn lấy ăn để một cách ngon lành.

-      Con Phượng hoàng cũng làm theo, nó mổ một cái rồi dừng lại, nó lại thử một lần nữa nhưng lắc đầu bảo quạ: Này anh quạ, tôi không thể tiếp tục được, thà một lần được uống máu tươi còn hơn phải 300 năm ăn đồ hôi thối. (sưu tầm)

Tiếng ve gọi hè. Tiếng ve kêu to, vang xa, nhưng chói tai. Đang khi loài ong mật, loài kiến thì dù nắng hay mưa, chúng vẫn kiên trì làm việc để lấy của nuôi thân, dự trữ phòng khi khó khăn, nguy hiểm thì trong tổ có sẵn thức ăn, dù không có tiếng kêu ầm ĩ. Loài ve nằm yên kêu trời, còn kiến thì siêng năng làm việc. Làm như thể không còn việc không còn giờ để làm nữa.

Thời gian dài hay ngắn. Giá trị đời người không được tính bằng thời gian ngắn hay dài, nhưng ở chỗ ta đã sử dụng nén bạc thời gian, sức khỏe, trí tuệ để phục vụ cuộc sống ra sao. Giá trị ở chỗ ta đã sử dụng thời gian như thế nào, có sinh nhiều ích lợi cho mình, cho người và cho thế giới hay không.

Thời gian thật ngắn cho người siêng năng. Họ giống như loài ong mật, mỗi giờ trôi qua, họ làm cho đời thêm ngọt, thêm tươi, thêm no ấm. Với họ thì bao nhiêu thời gian cũng không đủ. Họ tích cực làm việc, hăng say nghiên cứu, đầu tư mọi sự để xây dựng con người và phát triển cuộc sống. Họ kiên trì làm việc. Họ làm như thể không còn việc để làm, làm như ngày mai không còn có mặt trên hành tinh này nữa. Vì thế, họ tận dụng mọi giây phút để làm ích lợi cho cuộc sống riêng cũng như gia đình, cho Giáo hội và xã hội.

Thời gian thật dài cho kẻ lười biếng. Họ giống như loài ve, chỉ biết kêu trời, gọi người, hoặc than phận, nhưng lại không ra sức làm việc để nuôi thân, nuôi gia đình, làm giàu đất nước. Họ giống như cây tầm gửi, dễ dàng sống dựa vào người thân, bạn bè, xã hội. Với họ, cuộc sống trở nên nhàm chán, cuộc đời lê thê, thời gian trở thành nỗi ám ảnh cho đời họ.

Thời gian thật ngắn cho người hiếu thảo. Họ tranh thủ làm mọi sự tốt lành để phụng dưỡng cha mẹ. Họ không nề hà bất cứ việc gì, dù xa hay gần, dù ngày hay đêm, nhẹ nhàng hay nặng nhọc, vinh quang hay hèn mọn, vẻ vang hay cay đắng. Tất cả mọi việc của họ đều nhằm để xây dựng và bảo vệ gia đình, đặc biệt là để cho cha mẹ vui, hạnh phúc, và mong cho cha mẹ có thể an hưởng tuổi già, sống lâu với con cháu.

Thời gian thật dài cho kẻ vô ơn. Với họ, mọi việc đều tính toán so đo, và làm với thái độ cứng cỏi, gượng ép. Họ dễ cáu gắt, bực bội, và hay bắt lỗi cũng như chê trách cha mẹ. Nhất là hay đòi hỏi cha mẹ phải như thế này, phải là thế kia. Họ sẵn sàng tháo lui hoặc né tránh trách nhiệm khi có thể. Cha mẹ còn sống bao lâu ở đời thì đó là thời gian không vui đối với họ. Và cha mẹ sẽ trở thành gánh nặng, trở nên khó khăn cho cuộc sống của họ. Đúng là: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Loại người này muốn cha mẹ tìm vinh quang, sung sướng thoải mái cho mình, còn ngược lại thì không. Ho thích thu gom tư lợi, danh lợi, an toàn, an tâm cho riêng mình mà thôi.

Thời gian thật ngắn cho người bao dung tha thứ. Họ dễ dàng cảm thông với người khác, bởi họ luôn nhận ra thân phận của kiếp người vốn mỏng giòn, yếu đuối, nhiều lầm lỡ. Vì thế, thương xót, tha thứ cho nhau luôn là cần thiết. Với họ, tha thứ bao nhiêu cũng không được coi là đủ. Họ còn nhận ra cuộc sống của họ còn có thể làm cho nhiều người phiền lòng, vì thế, họ cũng sẵn sàng xin lỗi, chuộc lỗi và tạ lỗi người khác.

1310    24-04-2012 16:18:06