Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Lên Đường Loan Báo Tin Mừng

Thánh Marcô là cháu của thánh Barnaba. Người đã đi theo thánh tông đồ Phaolô trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất, và theo đến tận Rôma. Người cũng là môn đệ của thánh Phêrô và là thông ngôn của thánh Phêrô, đã soạn lời giảng của thánh Phêrô thành sách Tin Mừng. Truyền thống cho rằng người đã sáng lập giáo đoàn Alexandria.

Thánh Marcô, mặc dù mang tên Roma, nhưng lại là người Do Thái, và còn được gọi theo tên Do Thái là Gioan.

Tuy không thuộc nhóm Mười Hai Tông Đồ, nhưng rất có thể ngài đã quen biết Chúa Giêsu. Nhiều văn gia Giáo Hội phát hiện ra chữ ký kín ẩn của thánh Marcô trong Phúc Âm của ngài, trong trình thuật người thanh niên bỏ chạy với một mảnh vải trên người, khi Chúa Giêsu bị bắt trong vườn Cây Dầu: ý nghĩa ở đây là chỉ có mình thánh Marcô đề cập đến chi tiết ấy. Điều này còn trùng hợp với một chi tiết khác: Marcô là con trai bà Maria, một góa phụ giàu có, sở hữu ngôi nhà, nơi các tín hữu Giêrusalem tiên khởi thường tụ họp. Theo một truyền thống cổ xưa, ngôi nhà này chính là ngôi nhà có phòng Tiệc Ly, nơi Chúa Giêsu đã ăn bữa Tiệc Ly và thiết lập bí tích Thánh Thể.

Marcô có bà con với thánh Barnabas; ngài đã đồng hành với thánh Phaolô trong cuộc truyền giáo lần thứ nhất, và ở bên cạnh vị Tông Đồ dân ngoại trong những ngày cuối đời của ngài. Tại Roma, Marcô còn làm môn đệ của thánh Phêrô. Trong Phúc Âm của ngài, với ơn linh hứng Chúa Thánh Thần, thánh Marcô đã trung thành trình bày giáo huấn của vị Tông Đồ trưởng.

Theo một truyền thống cổ xưa được thánh Jerome kể lại, sau khi hai thánh Phêrô và Phaolô chịu tử đạo, thánh Marcô đã sang Alexandria, giảng đạo, thành lập giáo đoàn và trở thành giám mục tiên khởi ở đó. Vào năm 825, thánh tích của ngài được dời từ Alexandria về Venice, thành phố hiện nay nhận ngài làm quan thầy.

Trang Tin Mừng hôm nay là một phần của phần phụ lục của sách Tin Mừng Máccô (Mc 16:9-20), trong đó trình bày bản danh sách một số lần hiện ra của Chúa Giêsu:  với bà Maria Mađalêna (Mc 16:9-11), với hai môn đệ đang trên đường về miền quê (Mc 16:12-13) và với nhóm Mười Một tông đồ (Mc 16:14-18).  Lần hiện ra cuối cùng này cùng với lời tường thuật việc Chúa về Thiên Đàng (Mc 16:19-20) tạo thành trang Tin Mừng hôm nay.   

          Không phải ngẫu nhiên mà cả bốn sách Tin Mừng đều kết thúc bằng lời mời gọi làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh. Còn nhớ tối hôm ấy sau bữa Tiệc Ly, các môn đệ đều hoảng loạn khi Thầy bị bắt. Một bóng đen sợ hãi đã bao trùm trên họ khi Chúa Giê-su bị kết án tử hình; hòn đá lấp cửa mồ cũng khép lại nơi họ mọi hy vọng. Họ đứng trước một tương lai vô định. Thế rồi điều họ không mong đợi lại xảy đến: Đức Giê-su phục sinh. Chính Ngài đã hiện đến với các ông và truyền lệnh cho các ông “đi khắp tứ phương thiên hạ” để loan báo Tin Mừng vĩ đại này. Họ trở thành chứng nhân bởi vì họ“không thể nào không nói lên những gì mắt thấy tai nghe” (x. Cv 4,20).

Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo.

Hôm nay, chúng ta đọc những lời này trong Ca Nhập Lễ. Đây là sứ vụ tông đồ Chúa đã ban và thánh Marcô đã ghi lại. Về sau, được ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, thánh nhân đã minh chứng lệnh truyền ấy đã được thực hiện khi ngài chép Phúc Âm: Các tông đồ ra đi và rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố tin mừng bằng những phép lạ kèm theo. Đó là những lời thánh Marcô kết thúc Phúc Âm của ngài.

Thánh Marcô đã trung thành với sứ vụ tông đồ mà ngài đã nghe qua lời giảng của thánh Phêrô: Hãy đi khắp thế gian. Chính thánh Marcô và Phúc Âm của ngài đã là một thứ men hiệu quả cho thời đại ngài. Chúng ta cũng phải trở nên một thứ men tốt cho thời đại chúng ta. Nếu sau lần nhát đảm, thánh nhân đã không khiêm nhượng và dũng cảm làm lại, có lẽ giờ đây chúng ta không có những kho tàng lời giảng và việc làm của Chúa Giêsu để thường xuyên suy gẫm, và nhiều người, nếu không nhờ ngài, chắc cũng chẳng bao giờ biết được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của nhân loại.

Sứ mạng của thánh Marcô – cũng như của các Tông Đồ, của các nhà truyền giáo, của các tín hữu tốt lành luôn ra sức sống đúng với ơn gọi của mình – chắc chắn không phải là một sứ mạng dễ dàng. Chúng ta biết ngài đã chịu tử đạo. Ắt hẳn thánh nhân đã trải qua kinh nghiệm chịu bách hại, mệt mỏi, và hiểm nguy trong việc theo bước Chúa.

Như thế, để trở thành chứng nhân được sai đi loan báo Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, cần phải có hai kinh nghiệm nền tảng, liên kết chặt chẽ với nhau : kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác và kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô phục sinh. Đó là con đường của các tông đồ và của những chứng nhân đầu tiên ; nhưng trong con đường của các ngài, chúng ta sẽ tìm ra những kinh nghiệm nền tảng làm nên con đường dành riêng cho mỗi người chúng ta hôm nay.

Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa, cũng như các tín hữu thời các Tông Đồ, vì sức mạnh và niềm vui Chúa Kitô đã được truyền lại đến ngày nay cho chúng ta. Mọi thế hệ Kitô hữu, mọi cá nhân đều được mời gọi lãnh nhận sứ điệp Phúc Âm và truyền thụ lại cho người khác. Ơn Chúa không bao giờ thiếu: Non est abbreviata manus Domini – Cánh tay Chúa không bị thu ngắn.

Người tín hữu biết Chúa đã thực hiện các phép lạ từ nhiều thế kỷ trước kia, và hiện nay Người vẫn đang thực hiện.Với ơn Chúa giúp, mỗi người chúng ta cũng sẽ thực hiện những phép lạ nơi tâm hồn thân nhân, bạn bè, và những người quen biết, nếu chúng ta sống trong mối kết hợp với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện.

Chúa về trời, hoàn tất sứ mạng tại thế, còn các Tông Đồ được sai đi rao giảng Tin Mừng. Trong công cuộc truyền giáo và xây dựng Giáo Hội, các tông đồ không đơn độc nhưng luôn “có Chúa cùng hoạt động.” Lịch sử hai ngàn năm của Giáo Hội chứng minh điều đó. Bất chấp những yếu đuối của con người, những thành công hay thất bại giữa trần gian, Tin Mừng vẫn luôn được rao giảng cho đến tận cùng trái đất.

Căn cứ vào lệnh truyền của Đức Ki-tô thì việc loan báo Tin Mừng phải là mối quan tâm hàng đầu của ta và mỗi việc ta làm phải được biến thành một hành động loan báo Tin Mừng. Thế nhưng dường như lệnh truyền này nơi ta vẫn đang bị tê liệt? Những thăng trầm trong lịch sử có làm ta nao núng, chao đảo, ảnh hưởng đức tin và nhuệ khí tông đồ không?

          Cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô “chỗi dậy từ cõi chết” khiến các môn đệ đầy xác tín loan báo Tin Mừng với tư cách là chứng nhân, dám đem mạng sống mình làm bảo chứng cho lời mình rao giảng. Như thế lệnh truyền của Đức Ki-tô “Hãy đi loan báo Tin Mừng” không phải là mệnh lệnh áp đặt từ bên ngoài mà là lẽ sống còn của người ki-tô hữu. Đã tin vào Chúa Ki-tô phục sinh thì không thể không loan báo tin vui Ngài sống lại.

“Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Mác-cô vinh dự rao giảng và ghi chép Tin Mừng. Xin cho chúng con được hiểu thấu những lời thánh nhân giảng dạy để trung thành bước theo Chúa Kitô  (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng ).

Huệ Minh

933    25-04-2016 16:02:46