Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Lịch Sử Cứu Độ_Chương 02

CHƯƠNG II : GIA ĐÌNH - DÂN TỘC - TÔN GIÁO


GIA ĐÌNH CỦA ABRAHAM ( St. 12 , 1 - 25, 8)

32. H. Với Abraham, nét độc đáo của lịch sử cứu độ là gì?
T. Với Abraham, lịch sử cứu độ tiến gần hơn với ý nghĩa hiện tại của hai chữ lịch sử, qua những nhân vật và những biến cố mà ta có thể xác định được thời gian và không gian.

33. H. Bức tranh toàn cảnh chín chương Sáng Thế 3 - 11 đã cho ta thấy là gì ?
T. Chín chương Sách Sáng Thế từ 3 -11 đã cho ta thấy vương quốc Satan tràn ngập con người và thế giới, con người mỗi ngày một xa dần Thiên Chúa và khao khát được cứu độ trong tuyệt vọng.

34. H. Thiên Chúa bắt đầu thể hiện chương trình cứu độ của người với Abraham như thế nào?
T. Trong cảnh tăm tối của thế giới ngoại lai, Thiên Chúa đột ngột bước vào tuyển chọn một người duy nhất là Abraham (1850 tr. CGS), thuộc thị tộc Tharê, sinh sống tại Ur còn gọi là Chalđê.

35. H. Thiên Chúa đã đối xử với Abraham thế nào và đã hứa với ông những gì?
T. Thiên Chúa đã đối xử với Abraham như người thân tình và đã hứa:
- Một dân tộc sẽ phát xuất từ Abraham;
- Một đất nước thuộc quyền sở hữu của dân tộc ông.
- Một phúc lành được ban xuống cho các dân trên thế giới nhờ Abraham.
Để bảo đảm và xác nhận những lời hứa nầy Thiên Chúa đã ký kết một giao ước với Abraham.

36. H. Những mẫu chuyện về sự thân tình của Thiên Chúa với Abraham có giá trị nào đối với lịch sử cứu độ không?
T. Những giai đoạn đoạn của đời sống Abraham làm nổi bật ba phương thế hoạt động của Thiên Chúa qua từng thời kỳ trải nhiều thế kỷ, khi Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ cho nhân loại.

37. H. Phương thế thứ nhất là gì?
T. Phương thế thứ nhất là việc tuyển chọn: Thiên Chúa chọn một người để làm dụng cụ của Ngài . Đó là Abraham. Tại sao Chúa lại chọn Abraham, mà không phải là ai khác? Vì Thiên Chúa muốn chọn chính ông. Quyền tuyển chọn bao giờ cũng thuộc về một mình Thiên Chúa.

38. H. Phương thế thứ hai là gì?
T. Phương thế thứ hai là lời hứa: Cựu Ước từ đầu đến cuối vẫn là một lời hứa. Bây giờ là lời hứa với Abraham và lời hứa ấy sẽ được tiếp nối bằng những lời hứa khác sau này với những người mà Thiên Chúa chọn.

39. H. Phương thế thứ ba là gì?
T. Phương thế thứ ba là giao ước: biểu lộ sự hiệp nhất thiêng liêng giữa Thiên Chúa và loài người. Một sự ràng buộc của Thiên Chúa đối với loài người và của loài người đối với Thiên Chúa.

40. H. Chúa dùng ba phương thế này để làm gì đối với Abraham?
T. Thiên Chúa dùng ba phương thế: tuyển chọn, lời hứa, giao ước để kết buộc với Abraham.

41. H. Về phía Abraham, ông đã đáp lại lời Thiên Chúa như thế nào?
T. Abraham đã đáp lại Thiên Chúa bằng niềm tin tuyệt đối của mình. Do đó, Thánh Phaolô gọi Abraham là cha của các kẻ tin.

42. H. Tại sao gọi Abraham là mẫu gương của các kẻ tin?
T. Như sự cứu độ của tất cả thế giới bắt đầu với niềm tin của Abraham thế nào, thì sự cứu độ của mỗi người Kitô hữu cũng bắt đầu với niềm tin của mình như vậy, với ý muốn chấp nhận mọi điều Chúa dạy và mọi điều Chúa muốn.

43. H. Câu chuyện về Abraham có giá trị gì trong cái nhìn lịch sử thế tục?
T. Các học giả ngày nay công nhận rằng câu chuyện về Abraham hoàn toàn ăn khớp với các chuyện chúng ta biết về xứ Canaan và Mêsôpôtamia khoảng 2000 năm trước Chúa Giáng Sinh

44. H. Câu chuyện Giacóp nắm quyền trưởng nam và chuyện Giuse bị bán sang Aicập nói lên điều gì?
T. Câu chuyện về việc Giacóp lên nắm quyền trưởng nam và Giuse bị anh em bán sang sang Aicập nói lên những việc quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa: Thiên Chúa vẽ đường thẳng lịch sử bằng những nét cong.


GIA TỘC BIẾN THÀNH DÂN TỘC (Xh -1- 180)

45. H. Bối cảnh lịch sử trong giai đoạn chuyển tiếp từ Giuse đến Môisê như thế nào?
T. Xuất Hành là quyển sách thứ nhì của Kinh Thánh đã dồn ép lịch sử khoảng 400 năm bằng cách nhảy từ Giuse sang Môisê. Sự suy thoái của dân Israel trùng hợp với việc người Hykos (thuộc dân Sêmít như con cháu Giacóp) bị mất quyền hành cai trị Aicập, bị người Aicập đánh bại (khoảng năm 1570 trước Chúa Giáng Sinh) và dân Israel bị thất sủng. Môisê đã xuất hiện trong hoàn cảnh nầy.

46. H. Thời thơ ấu và niên thiếu của Môisê có những đặc điểm nào?
T. Thời thơ ấu và niên thiếu của Môisê được ghi dấu ấn qua việc thoát chết lúc còn bé, được giáo dục trong triều đình vua Pharaon , khám phá được sự thật về gia đình của ông, trốn khỏi Aicập đến xứ Mađian sau khi giết chết một người Aicập định giết một người Israel. Và tại đây, bắt đầu giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời ông.

47. H. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa nơi bụi gai bốc cháy quan trọng như thế nào trong cuộc đời Môisê?
T. Cuộc gặp gỡ này chiếm vị trí quan trọng trong cuộc đời Môisê :
- Ông được Thiên Chúa chọn làm vị cứu tinh của dân Israel đang bị nô lệ.
- Ông được Thiên Chúa ban cho quyền làm các phép lạ để cảnh tỉnh vua Pharaon.
- Và cuối cùng được Thiên Chúa mặc khải Thánh Danh Ngài: Yahvê, nghĩa là Ta là Đấng ban sự sống cho muôn vật.

48. H. Từ "Vượt qua" ở đây có ý nghĩa gì?
T. Từ Vượt qua thời Xuất Hành mang hai ý nghĩa:
Thiên thần vượt qua mà không giết chết con đầu lòng trong nhà của những người Do thái có máu chiên bôi trên khung cửa.
Dân Do thái được Chúa cho vượt qua Biển Đỏ bình an.

49. H. Theo lịch sử hiện đại thì cuộc vượt qua này tương ứng vào thời nào của lịch sử
T. Cuộc vượt qua của dân Do thái xảy ra vào khoảng thế kỷ XIII trước Chúa Giáng Sinh (1250), thời vua Ramsès trị vì Aicập.

50. H. Dân tộc Israel được hình thành như thế nào?
T. Israel lúc đầu là một đám dân hỗn hợp, đa số thuộc dòng giống Giacóp, Israel (con cháu của Giacóp), nhưng về sau có những nhóm khác lợi dụng nhập vào để thoát khỏi ách nô lệ. Họ chỉ trở thành một dân tộc thuần nhất, khi ở trong sa mạc, họ chấp nhận một nếp sống chung, một pháp luật chung, một sự lãnh đạo chung và Môisê đã trở thành vị cứu tinh của họ.


DÂN TỘC TRỞ THÀNH TÔN GIÁO

Xh. 19- 20 : về giao ước và thập giới;
24
: về sự thừa nhận giao ước;
25,1- 27, 2
: về khám giao ước và nhà tạm.
40
: về khám giao ước và nhà tạm. Làm nơi Chúa hiện diện

51. H. Ngoài vai trò là vị cứu tinh, Môsê còn giữ vai trò nào đối với dân Israel không?
T. Ngoài vai trò là vị cứu tinh, giờ đây Môse trở thành vị trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người .

52. H. Giao ước là gì ? Và đâu là điểm căn bản của giao ước?
T. Giao ước có nghĩa là một sự thoả hiệp và giao kết. Điểm căn bản của giao ước là Thiên Chúa đoái thương trở nên người cha của dân tộc này, và dân tộc đó trở thành con cái của Ngài (Xh 4,23). Như một người cha, Thiên Chúa hứa bảo vệ dân Ngài; như một đứa con, dân thề hứa vâng phục cha chí thánh của mình.

53. H. Nghi thức giao ước được diễn ra thế nào?
T. Môsê đã tiến hành giao ước bằng việc lấy máu những con bò đực tơ, rảy phân nửa trên bàn thờ đại diện Thiên Chúa, và rảy phân nửa kia lên dân chúng. Hành động nầy có ý nói rằng Thiên Chúa và dân Người trở thành một gia đình, những người cùng máu huyết.

54. H. Thập giới là gì?
T. Thập giới là 10 giới luật căn bản diễn tả ý muốn của Thiên Chúa. Đây là một thứ luật sơ đẳng, một thứ luân lý vừa tầm một dân tộc vừa mới thoát ách nô lệ ở một nước ngoại giáo, đặt nền tảng trên sự công bằng hay sự tôn trọng những quyền lợi của tha nhân.

55. H. Thập giới dạy điều gì?
T. Ba giới răn đều dạy bổn phận phải có đối với Thiên Chúa; Bảy giới răn sau đều dạy bổn phận đối với tha nhân.

56. H. Khám giao ước là gì?
T. Là một cái khám làm bằng gỗ keo, dát vàng trong ngoài, bên trong để những tấm bia Thập giới, có lẽ có một ít manna và chiếc gậy của Aaron

57. H. Chỗ quan trọng của Khám Giao ước ở đâu?
T. Điểm quan trọng của Khám Giao ước là mặt khám như một mặt bàn bằng vàng ròng, có hai thiên thần Kêrubim chầu. Đây là "bàn xá tội" nơi mà máu các vật hy tế sẽ được vị thượng tế rảy lên trong ngày xá tội, là ngai của Yahvê Thiên Chúa; chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa sân Ngài

58. H. Nhà tạm là gì?
T. Là chiếc lều nơi đặt khám giao ước, làm bằng một khung gỗ với những tấm màn che. Khi khám giao ước được đặt vào trong nhà tạm, thì có đám mây bao phủ, Chỉ sự hiện diện vinh quang của Thiên Chúa.

59. H. Tại sao giao ước giữa Thiên Chúa với dân qua Môisê được chúng ta gọi là tôn giáo thời Môisê?
T. Ý nghĩa đầu tiên của từ tôn giáo nói lên sự ràng buộc giữa Thiên Chúa và dân Người. Giao ước mà Thiên Chúa lập với dân Ngài có mục đích đó, nghĩa là Thiên Chúa và dân Ngài ràng buộc với nhau như Cha - Con. Do đó, giao ước mà Môisê truyền lại cho dân là một tôn giáo với đầy đủ ý nghĩa của nó gồm có: tổ chức - Thần linh - Luật lệ - Nghi lễ.

60. H. Nét nổi bật của tôn giáo nầy là gì?
T. Đó là sự thờ phượng bằng lể tế, dưới nhiều hình thức đã có từ thuở ban đầu của tôn giáo nầy:
- Lễ hy tế: Toàn bộ vật hy tế được lửa thiêu huỷ trên bàn thờ.
- Hy lễ hiệp thông: Một phần vật hy tế được thiêu huỷ. Phần còn lại dành cho các vị tư tế và người dân lễ để họ chia sẽ với gia đình và bạn bè trong một bữa ăn cộng đồng.
- Hy lễ xá tội: Phần quan trọng của hy lễ này là việc rảy máu trên bàn thờ.

61. H. đâu là ý nghĩa sâu xa của lễ tế ?
 
T. Những lễ tế có ý nghĩa rất sâu xa đối với dân Israel, chúng được coi như là những cống vật hiến cho Đấng có quyền trên muôn vật như: hy lễ hiệp thông nói lên sự hiệp nhất với Thiên Chúa qua bữa ăn; hy lễ xá tội cho thấy mọi người đều có ước muốn căn bản được đền tội xúc phạm đến Thiên Chúa .

62. H. hai biến cố nền tảng trong lịch sử Israel là gì?
 
T. Đó là biến cố Xuất Hành khỏi Aicập và biến cố Giao ước trên Núi Sinai. Những biến cố này làm nền tảng cho đời sống thờ phượng và cầu nguyện đồng thời cũng là việc tưởng niệm quá khứ, là chỗ dựa cho đời sống hiện tại và tương lai của Dân Israel .

63. H. Suốt một cuộc đời, Môisê đã đóng những vai trò nào trước mặt Chúa và Dân Israel ?
T. Không những là vị cứu tinh, là người trung gian mà ông còn là một vị tiên tri nữa. Là phát ngôn viên của Thiên Chúa, ông truyền lại cho loài người những lời Thiên Chúa phán. Và ông đã tiên báo về một vị tiên tri mới, tối hậu của Thiên Chúa sẽ đến (Tl. 18,15).


64. H. Thiên Chúa đã thực hiện chương trình cứu độ thế nào khởi từ Abraham cho đến trước khi vào Đất Hứa?
 
T. Thiên Chúa đã chọn Abraham, gìn giữ gia đình ông với Isaac với Giacop - Israel và con cháu đông đảo của họ ở Aicập; gia đình ấy trở thành một dân tộc chúng được sự huấn luyện của Thiên Chúa trong sa mạc; và dân tộc này đã trở thành một cộng đồng tôn giáo nhờ biến cố giao ước Sinai.


4702    18-03-2011 17:02:39