Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Lịch Sử Cứu Độ_Chương 06

CHƯƠNG VI : ĐỨC KITÔ HOÀN TẤT ƠN CỨU ĐỘ

241. H. Ta có thể dựa vào đâu để tóm tắt những nét căn bản về cuộc đời Chúa Giêsu?
T. Dựa vào bốn sách Phúc Âm, sách Tông Đồ Công Vụ và các Thư khác nhau trong Tân Ước.

242. H. Theo các sách thánh đó thì Đức Giêsu là ai?
T. Đức Giêsu sinh bởi một trinh nữ tên là Maria; Cha nuôi của Ngài Giuse. Sau 30 năm sống cuộc đời bình dị, làm con một người thợ mộc, ở Nazareth xứ Galilê, Ngài bắt đầu rao giảng và chữa bệnh trong một thời gian tương đối ngắn, bị quan Rôma lên án tử hình do những đồng hương của Ngài là tư tế, biệt phái xúi giục. Trên đỉnh đồi Calvariô, Ngài bị đóng đinh giữa hai phạm nhân.

243. H. Cuộc đời của Đức Giêsu có gì đặc biệt không?
T. Đức Giêsu sống một cuộc đời bình dị, chỉ trừ một sự kiện thiết yếu mà chính sự kiện này sẽ làm cho tất cả hoá ra khác hẳn.

244. H. Đâu là sự kiện độc đáo trong cuộc đời Chúa Giêsu?
T. Đó là sự kiện Đức Giêsu đã Phục Sinh từ cõi chết. Các môn đệ Ngài đã quả quyết một cách chắc chắn đến nỗi cống hiến cả đời để phụng sự Ngài và thí mạng sống chịu tử đạo để minh chứng cho niềm xác tín của họ.

245. H. Sự kiện Phục Sinh của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với những Kitô hữu đầu tiên?
T. Sự kiện Phục Sinh của Chúa Giêsu là nền tảng cho niềm tin của các Kitô hữu đầu tiên và cho tất cả mọi Kitô hữu sau này.

246. H. Giáo Hội hiểu về ý nghĩa cuộc đời, cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu như thế nào?
T. Trong cách rao giảng và qua lời giáo huấn được ghi chép trong các sách Tân ước, Giáo hội không chỉ bằng lòng lập lại các sự kiện bên ngoài về cuộc đời Chúa Giêsu mà thôi, mà còn tìm kiếm ý nghĩa thiêng liêng của những sự việc đó: sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa.

247. H. Đâu là những nét chính yếu của lịch sử cứu độ ?
T. Trước hết, Thiên Chúa đã cho thấy Ngài có quyền tuyệt đối trên thế giới bằng cách tạo dựng vũ trụ và cho con người giống hình ảnh của Ngài.
- Lần thứ hai Ngài bước vào lịch sử bằng cách làm cho gia đình Abraham trở thành một dân tộc và thành một tôn giáo. Ngài còn nói với dân qua các giới luật và các ngôn sứ.
- Cuối cùng, bằng một cử chỉ yêu thương và tột bậc, Ngài đã sai Con Một của Ngài đến sống giữa con người.

248. H. Biến cố Đức Giêsu chào đời mang ý nghĩa quan trọng gì?
T. Biến cố chào đời của Đức Giêsu là một biến cố có ý nghĩa quan trọng tột bậc: trời, đất, thần thánh và nhân loại điều liên kết trong trẻ này. Biến cố Nhập Thể của Đức Kitô là bước thân mật nhất của Thiên Chúa vào lịch sử của loài người.

TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA

249. H. Do đâu Thiên Chúa Nhập Thể làm người ?
T. Thiên Chúa Nhập Thể không phải do công trạng con người, mà là do lòng yêu thương và nhân từ vô biên của Thiên Chúa. Vì trong lịch sử nhân loại, tội hầu như luôn đồng hành với con người.

250. H. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý này như thế nào?
T. Trong thư gửi tín hữu Ephêsô, Phaolô viết: "Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta cùng sống với Đức Kitô" chính mặc khải này đã thúc đẩy các vị tử đạo và những Kitô hữu khác dâng hiến đời mình cho Đức kitô.

SỰ HỢP NHẤT

251. H. Ý nghĩa của việc Nhập Thể là gì?
T. Đức Giêsu làm người đem lại sự hợp nhất giữa con người với đồng loại mình qua Đức Kitô và trong Đức Kitô hợp nhất với Thiên Chúa.

252. H. Tại sau có hợp nhất với Đức Kitô chúng ta mới có thể hợp nhất với nhau và hợp nhất với Thiên Chúa?
T. Có hợp nhất với Đức Kitô chúng ta mới hợp nhất với nhau, vì Đức Kitô là mối dây liên lạc. Có hợp nhất với Đức Kitô chúng ta mới hợp nhất với Thiên Chúa, vì Đức Kitô là Thiên Chúa.

253. H. Do đâu mà con người xa lìa nhau và xa lìa Thiên Chúa?
T. Tội lỗi đã tách biệt con người với Thiên Chúa: tội nguyên thuỷ của Ađam và của con cháu ông. Càng phạm tội đối với Thiên Chúa và càng xa lìa Ngài, thì con người càng phạm tội với đồng loại và tách xa nhau.

LÀM CHO TRON VẸN

254. H. phải chăng Đức Kitô đến để huỷ bỏ Luật cũ và Lời các Ngôn sứ ?
T. Đức Kitô đến không phải để huỷ bỏ Lề Luật và Lời các Ngôn sứ, nhưng để làm cho chúng được hoàn hảo và trọn vẹn.

255. H. Theo Phúc âm Thánh Matthêô, Đức Kitô xuất thân từ dòng dõi Abraham và Đavít (Mt 1,1), điều đó có ý nghĩa gì?
T. Đức Kitô thuộc dòng dõi Abraham, đem phúc lành đến cho thế giới, thực hiện lời Thiên Chúa đã hứa với Abraham: phúc lành phải nhờ dòng dõi ông mà lan đến mọi dân nước. Đức Kitô thuộc dòng dõi Đavít, là vua vĩnh cữu của muôn loài, thực hiện lời hứa với Đavít : sẽ ban cho dòng dõi ông một vương quốc vĩnh cửu và phổ quát.

ĐIỀU MỚI LẠ

256. H. Việc Nhập Thể mang lại nét mới lạ đặc thù nào?
T. Kitô giáo không chỉ đơn thuần là sự biến hoá của Do Thái giáo, nhưng làm cho Do thái giáo được hoàn hảo và trọn vẹn bằng cách mang lại điều mới lạ đặc biệt vào lịch sử cứu độ: Đức Kitô được sinh ra bởi một trinh nữ. Điều này có nghĩa vai trò của người nam trong việc thụ thai đã được hoàn toàn thay thế bằng quyền phép tác tạo của Thánh Thần.

257. H. Vậy Đức Kitô có phải là người kế thừa dòng dõi Abraham không?
T. Nơi Đức Kitô, gia đình Abraham và Đavít vẫn được tiếp tục. Nhưng đồng thời cũng có một sự bắt đầu mới mẻ : Thiên Chúa tạo dựng lại con người.

MẸ CHÚA

258. H. Tước hiệu vinh quang nhất của Mẹ Maria là gì?
T.Tước hiệu vinh quang nhất được ban cho Đức Maria, MẸ đã sinh ra Đức Kiô, Đấng Cứu độ là "MẸ THIÊN CHÚA" (Lc 1,43 ).

KHÁM GIAO ƯỚC

259. H. Tại sao Đức Maria được gọi là khám giao ước mới?
T. Trong việc hoàn tất Cựu ước, Mẹ Maria đã trở nên Khám sống động của Giao ước mới. Lòng dạ trinh trong của Mẹ như Nhà Tạm để Thiên Chúa hiện diện nơi trần thế một cách hiển vinh.

260. H. Phúc âm Thánh Luca trình bày điều này như thế nào?
T. Trong hai chương đầu Sách Phúc âm của mình, Luca đã nhấn mạnh mối tương đồng giữa Đức Trinh Nữ Maria với Khám Giao ước trong Cựu ước.
- Đavít và dân chúng vui mừng trước Khám (2sm 6, 12-15). Elisabet và con bà cũng vui mừng trước mặt Đức Maria.
- Đavít nhảy mừng trước Khám (2sm 6,16). Gioan Tẩy Giả hãy còn trong lòng mẹ cũng nhảy mừng trước Đức Maria (Lc1,44).
- Khám lưu lại nhà Aminadad trong ba tháng (2sm 6,10). Đức Maria cũng lưu lại nhà Zacaria trong ba tháng (Lc 1,40).
- Đavít nói: "Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được?" (2sm 6,9). Bà Elisabeth cũng nói: "Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi dến viếng thăm thế nầy?" (Lc 1,43).

NGƯỜI NGHÈO KHÓ - DÂN NGOẠI
261. H. Việc các mục đồng và các đạo sĩ đến kính bái Chúa Hài Đồng nói lên điều gì?

T . Các mục tử là hiện thân của người nghèo và các đạo sĩ là hiện thân cho Dân Ngoại. Hài Nhi được Thiên Chúa sai đến để đem Tin Mừng cho người nghèo khổ sầu muộn (Is 61,1) và nên ánh sáng cứu độ cho Dân Ngoại (Is 42,6; 49,6).

262. H . trong khi đi rao giảng, Chúa Giêsu thể hiện hai vai trò chủ yếu nào?
T. Trong khi đi rao giảng, Chúa Giêsu đã thi hành chức vụ của mình như một người Thầy và người làm Phép lạ.

NGƯỜI THẦY

263. H. Theo Phúc âm Matthêô, danh xưng Đức Kitô là người thầy nghĩa là gì?
T. Đức Kitô là người thầy, theo Matthêô, tức là Môsê mới. Điều này rất quan trọng trong việc giới thiệu Kitô giáo cho người Do thái hầu làm cho họ để đón nhận và thâm tính hơn. Đức Kitô đến không phải để huỷ bỏ luật Môsê, nhưng để nâng tôn giáo Môsê lên mức tuyệt hảo.

264. H. Đối chiếu những điểm tương đồng giữa Môsê và Đức Kitô?
T. Matthêô trình bày những điểm tương đồng giữa Môsê và Đức Kitô như sau:
- Môsê là vị ngôn sứ đặc biệt nhất đem lời Thiên Chúa đến cho dân chúng. Cũng vậy, Đức Kitô là vị ngôn sứ đem lời cuối cùng của Thiên Chúa đến cho dân Ngài.
- Môsê là nhà làm luật xuất sắc trong tôn giáo xưa. Đức Kitô là nhà làm luật mới qua bài giảng Tám Mối Phúc Thật trên núi .
- Môsê lên núi Sinai để ban luật cũ. Đức Kitô cũng đã lên núi để rao giảng lề luật mới, vượt xa luật cũ Môse.

265. H. Đâu là điểm dị biệt nền tảng giữa luật cũ của Môsê và luật mới của Đức Kitô?
T. Luật Môsê lấy công bình làm nền tảng còn Đức Kitô đã biến luật công bằng thành luật yêu thương.

NGƯỜI LÀM PHÉP LẠ

266. H. Dưới cái nhìn của Marcô, các phép lạ của Đức Kitô có ý nghĩa gì?
T. Theo Marcô nhờ phép lạ mà các Tông đồ từng bước tiến dần đến chổ tin tưởng vững chắc người hay làm phép lạ này chính thực là Đức Kitô, Đấng Cứu Thế mà muôn dân trông đợi.

267. H. Dưới cái nhìn của Gioan, các phép lạ của Đức Kitô có ý nghĩa gì?
T. Thánh Gioan xem những phép lạ của Đức Kitô như là những dấu chỉ: Những điều lạ lùng mà trên bình diện tự nhiên, mọi người điều có thể nhìn thấy bằng mắt phàm, thì trên bình diện siêu nhiên chúng tượng trưng cho những chân lý tương tự mà chỉ có mắt đức tin mới trong thấy được. Vd: phép lạ hoá bánh ra nhiều tượng trưng cho phép Thánh Thể

268. H. Dưới cái nhìn của Matthêô, các phép lạ của Đức Kitô có ý nghĩa gì?
T. Thánh Matthêô coi những phép lạ như là những cuộc tấn công trực tiếp vào vương quốc Satan. Vương quốc này bao gồm: Satan, tội lỗi phát xuất từ Satan, sự chết do tội lỗi đem đến và bệnh tật thường đi trước sự chết.

NGƯỜI THIẾT LẬP MỘT VƯƠNG QUỐC VĨNH CỬU

269. H. Để công trình cứu độ được tiếp tục ở trần gian Đức Kitô đã làm gì?
T. Ngài đã tuyển chọn cách riêng nhóm 12 người mà chúng ta gọi họ là những Tông đồ đầu tiên .

270. H. Con số 12 Tông Đồ có ý nghĩa gì ?
T. Không phải ngẫu nhiên mà Đức Kitô chọn 12 người làm Tông Đồ. Trái lại, con số 12 ám chỉ đến 12 tổ phụ trong Cựu ước. Vì Đức Kitô bắt đầu thiết lập một Israel mới, một Dân mới vĩnh viễn, nên Người muốn có 12 người để thay thế 12 tổ phụ, con của Giacob-Israel.

271. H .Đức Kitô làm gì để củng cố Israel mới trong đời sống thiêng liêng?
T. Đức Kitô cung cấp những phương tiện để hiệp thông với Thánh Thần và làm suy yếu thế lực của Satan hầu làm cho Israel mới được phồn vinh về mặt thiêng liêng bằng cách thiết lập 7 Bí Tích: Rửa Tội, Thêm sức, Thánh Thể, Giải tội, Sức dầu, Truyền chức thánh, Hôn phối.

272. H. Đâu là những nét căn bản trong cuộc đời rao giảng của Đức Kitô ?
T. Chúng ta có thể xác định những nét căn bản sau đây trong cuộc đời rao giảng của Đức Kitô: Ngài đi giảng dạy, Ngài là vị ngôn sứ lớn nhất trong các ngôn sứ, Ngài ban một lề luật mới, Ngài là một người làm phép lạ, Người thiết lập một cơ cấu vĩnh viễn với nhóm 12 Tông Đồ.

273. H. Đức Kitô trong vai trò rao giảng nói lên điều gì?
T. Ngài đi giảng dạy, nghĩa là Ngài chấp nhận vai trò của Môsê trước kia.

274. H. Nói Đức Kitô là vị ngôn sứ lớn nhất nghĩa là gì?
T. Ngài là vị ngôn sứ lớn nhất trong các vị ngôn sứ, vì Ngài là Lời của Thiên Chúa mặc lấy xác phàm, là mặc khải cuối cùng của Thiên Chúa cho thế gian.

275. H. Đức Kitô ban lề luật mới vượt xa mọi lề luật là luật nào?
T. Ngài ban một lề luật mới vượt xa mọi lề luật trong cựu ước, gồm tóm trong một giới luật duy nhất: bác ái.

276. H. Đức Kitô làm các phép lạ nhằm mục đích gì?
T. Các phép lạ là bằng chứng cho thấy vương quốc Satan đang lui dần trước vương quốc của Thiên Chúa.

277. H. Trong khi rao giảng, Đức Kitô đã thiết lập cơ cấu nào?
T. Ngài thiết lập một cơ cấu vĩnh viễn với nhóm 12 Tông đồ và ban những nguồn sống vô tận cho Israel mới qua việc thiết lập 7 bí tích.

278. H. Công trình cứu độ của Đức Kitô thật sự hoàn tất lúc nào?
T. Công trình cứu độ được hoàn tất lúc chính Đức Kitô chấm dứt cuộc sống của Ngài nơi trần thế. Đó là "giờ" mà Phúc âm thánh Gioan nói đến. Giờ mà thế giới mong đợi; giờ mà quyền lực Satan nhường bước trước quyền lực Thiên Chúa.

CHIẾN THẮNG TỘI LỖI

279. H. Theo Gioan và Phaolô, nguyên nhân của tội nguyên tổ cũng như những tội của con cháu sau này là gì?
T. Tội nguyên tổ cũng như tội của con cháu họ sau này điều phát xuất từ hai nết xấu cơ bản đó là: kiêu ngạo và bất tuân. Lòng tự ái vô độ của con người đối với phẩm giá của mình, bao giờ cũng dẫn tới chổ bất tuân giới luật của Thiên Chúa.

280. H. Sách Sáng thế mô tả sự sa ngã của loài người như thế nào?
T. Con người bị cám dỗ muốn bằng Thiên Chúa, đó là tội kiêu ngạo. Con người đã làm một hành động Thiên Chúa cấm. Đó là tội bất tuân. Mỗi tội kế tiếp về sau trong lịch sữ loài người cũng rập khuôn như thế.

281. H. Tại sao cái chết của Đức Kitô có thể tẩy xoá được tội lỗi loài người?
T. Đức Kitô chết để minh chứng tình yêu hiến thân cao độ và sự vâng phục trọn vẹn của Ngài đối với thánh ý Thiên Chúa. Nhân đức đã tẩy xoá tội ác: Lòng yêu mến và tuân phục của Ađam mới đã tẩy xoá sự kiêu ngạo và bất tuân của Ađam cũ.

282. H. Thánh Gioan và Phaolô đã diễn tả cái chết vâng phục và yêu thương của Đức Kitô thế nào?
T. Tình yêu và vâng phục trong cái chết của Đức Kitô có hai mặt:
Đó là tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với loài người, một tình yêu vô biên đến nỗi sai Con Một Ngài xuống thế để cứu chuộc loài người.
Đồng thời, đây cũng là tình yêu của Đức Kitô đối với người tội lỗi.

283. H. Xét dưới gốc độ yêu thương và vâng phục, cái chết của Đức Kitô còn có ý nghĩa gì?
T. Do tình yêu và vâng phục cao độ của Đức Kitô mà giờ tử nạn trên Núi Sọ chính là giờ chiến thắng vinh quang. Giờ Đức Kitô được tôn vinh vì đã chiến thắng tội lỗi.


CHIẾN THẮNG SỰ CHẾT

284. H. Đức Kitô làm gì để chiến thắng sự chết?
T. Hai đặc điểm của vương quốc Satan là tội và sự chết. Như Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi bằng sự hiến thân, thì Ngài lại chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh của mình: ngày thứ ba, Ngài sống lại, bẻ gẫy quyền lực sự chết trên loài người.

285. H. Công cuộc cứu độ của Đức Kitô hệ tại ở những điểm nào?
T. Công cuộc cứu độ của Đức Kitô chính là ở việc Ngài đã hiến thân chịu chết vì tội và đã được phục sinh chiến thắng sự chết. Đó là hai khía cạnh của công trình cứu độ: Đức Kitô chịu chết và phục sinh.

286. H. Cái chết và cuộc phục sinh của Đức Kitô có liên quan gì đến người Tôi Tớ trong Isaia đệ nhị không?
T. Hình ảnh của người Tôi Tớ của Isaia đệ nhị phải chịu chết và đau khổ và được hồi sinh, được viết khoảng 500 năm trước, có liên kết chặt chẽ với cái chết và sự phục sinh được thực hiện nơi Đức Kitô.

NGƯỜI PHỤ NỮ CHIẾN THẮNG

287. H. Phải hiểu thế nào về cách xưng hô: "Hỡi Bà" của Chúa Giêsu với Đức Maria trong Tiệc cưới và dưới chân Thập Giá?
T. Phải hiểu vấn đề này dựa vào mối quan tâm đặc biệt của Phúc âm thánh Gioan đối với Sách sáng thế (3,15).

288. H. Đâu là những điểm giống nhau giữa sách Sáng Thế và Phúc âm thánh Gioan?
T. Thánh Gioan đặc biệt quan tâm đến sách Sáng Thế nhất là những chương đầu. Ta có thể so sánh như sau:
- Câu mở đầu Phúc âm thánh Gioan "Lúc khởi nguyên" giống y trong sách sáng thế. Thánh Gioan cũng nói đến sự tạo dựng và phân biệt giữa sự sáng và tối tăm, y như trong sách Sáng Thế.
- Như vậy, chữ "Bà" ở đây có liên hệ phần nào với "Người đàn bà" trong sách Sáng thề 3,15: sự giao tranh trong tương lai giữa Satan và dòng dõi nó với "Người đàn bà" và dòng dõi bà.

289. H. Việc Chúa Giêsu gọi Mẹ mình là "Bà" còn mang ý nghĩa gì nữa không?
T. Từ ngữ này cho thấy Đức Maria là người đàn bà trong cuộc giao tranh, như Thiên Chúa đã có ý định từ trước. Bà chia sẻ đau thương với con Bà, vì thế đồng thời Bà cũng sẽ chia sẽ chiến thắng với Ngài.

290. H. Đâu là nền tảng thần học của thần học của tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội và Hồn Xác Lên Trời?
T. Việc Đức Maria chia sẻ chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi và sự chết chính là nền tảng thần học mà giáo hội, do sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, đã tin rằng Đức Maria là đấng vô nhiễm nguyên tội (chiến thắng hoàn toàn trên tội lỗi nhờ Đức Kitô) và được lên trời cã hồn lẫn xác (chiến thắng sự chết trong mối hiệp thông với Đức Kitô)

MẸ CỦA LOÀI NGƯỜI, EVA MỚI  

291. H. Tại sao phúc âm Thánh Gioan còn được coi là Phúc âm của những dấu chỉ?
T. Vì Gioan tường thuật lại những việc hữu hình nhưng lại tượng trưng cho điều tương tự là những thực tại thiêng liêng có tầm quan trọng hơn nhiều. Vd : phép lạ hoá bánh ra nhiều là dấu chỉ phép Thánh Thể .

292. H. việc Thánh Gioan giới thiệu Đức Maria là Mẹ của mình có ý nghĩa gì?
T. Đây cũng là một dấu chỉ : Đức Maria là Mẹ thiêng liêng của tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu, là Mẹ đầy thương yêu .Tất cả những ai càng yêu mến Con của Mẹ thì càng trở nên con cái Mẹ. Mẹ chính là Eva mới .

293. H. Tại sao Thánh Gioan lại được Chúa Giêsu chọn để phó thác làm con Đức Mẹ ?
T. Gioan được chọn làm đại diện bởi vì ông là môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương cách riêng, là môn đệ đã tham dự mật thiết hơn cả vào đời sống của Giêsu bằng cách dựa đầu vào ngực Chúa, là người chia sẽ những đau khổ ở Núi Sọ, và có mặt lúc nước và máu từ trái tim Chúa tuôn trào.

ĐỨC KITÔ ĐƯỢC TÔN VINH VÀ THÁNH THẦN

294. H. Thân xác vinh hiển của Chúa Giêsu sau Phục sinh như thế nào?
T. Đức Kitô sống lại không phải để sống một kiếp sống phàm nhân trước kia, mà là với một thân xác vinh hiển, thiêng liêng, và từ thân xác đó, Thánh Thần được tuôn xuống dồi dào cho thế giới.

295. H. Theo Thánh Gioan, nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu chảy ra tượng trưng cho điều gì?
T. Theo Thánh Gioan, nước tượng trưng cho Thần Khí. Khi nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu chảy ra là lúc Thần Khí được tuôn tràn xuống cho nhân loại (Ga7,37-39).

296. H. Thánh Thần được ban xuống khi nào?
T. Ngay buổi chiều ngày Phục sinh, Chúa Giêsu đã trao ban Thánh Thần cho các Tông Đồ (Ga 20,19-23). Rồi 50 ngày sau đó, vào Chúa Nhật Hiện Xuống, Thánh Thần đã tuôn tràn xuống trên các môn đệ và hiển hiện nơi thế gian.

297. H. Đâu là vai trò của Thánh Thần trong công cuộc cứu độ?

T. Hợp nhất với Đức Kitô, Đấng tuôn đổ Thánh Thần, chúng ta được trở nên Đền thờ của Thánh Thần và là con của Thiên Chúa.
- Thánh Thần cung cấp nguồn sống mới để tái sinh ta làm con cái Thiên Chúa (Rm 8,4).
Cư ngụ trong ta, Thánh Thần dìu dắt và hướng dẫn cách xử sự của chúng ta (Rm 8,9).
- Thánh Thần hợp nhất ta với Chúa Kitô và hợp nhất chúng ta với nhau trong Ngài (Ep 4,3).
- Thánh Thần là bảo chứng chúng ta sẽ được vinh hiển mai sau (2cr1,22).


4303    18-03-2011 17:05:07