Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Lịch Sử Cứu Độ_Chương 07

CHƯƠNG VII : THÔNG PHẦN VÀO ƠN CỨU ĐỘ

ƠN CỨU ĐỘ TRONG ĐỨC KITÔ

298. H. Làm sau ta có thể dự phần vào ơn cứu độ mà Chúa Kitô đã thực hiện?
T. Mỗi người chỉ gặp thấy ơn cứu độ trong Đức Kitô, và chỉ có Ngài mà thôi. Chỉ trong Đức Kitô và qua sự hợp nhất với Ngài chúng ta mới được cứu độ.

299. H. Tại sau chúng ta chỉ được cứu độ trong Chúa Kitô?
T. Chúng ta được cứu độ trong Chúa Kitô vì:
- Chỉ có một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, tự hiến làm giá chuộc mọi người: Đức Giêsu Kitô (1Tm 2, 5)
- Ngoài Đức Kitô, không ai có thể đem lại ơn cứu độ (Cv 4,12).
- Chỉ mình Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết .

300. H. Để có thể hợp nhất với Chúa Kitô hầu được ơn cứu độ chúng ta phải làm gì?
T. Theo các tác giả Tân ước, ta phải có Đức tin, Đức mến và lãnh các Bí Tích, nhất là Bí Tích Rửa Tội và Thánh Thể. Cả ba yếu tố này đều tuyệt đối cần thiết và đều liên hệ với nhau.

301. H. Tin là gì?
T. Đức tin là một ân huệ do chính Thiên Chúa ban cho bao gồm sự tin tưởng công nhận Chúa Giêsu là Đấng cứu thế và tuyệt đối trông cậy yêu mến Ngài.

302. H. Đức tin là một ân huệ của Thiên Chúa nghĩa là gì?
T. Đức tin là một ân huệ của Thiên Chúa, vì nó được ban cho một cách nhưng không, do chính Thiên Chúa chứ không phải do bản tính con người mà có được.

303. H. Tại sao nói tin là công nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế?
T. Vì ơn cứu độ không thể gặp thấy trong giới luật hay trong bất cứ công trình nào khác của nhân loại. Ơn cứu độ chỉ được thấy trong Đức Kitô, qua Ngài và bởi Ngài mà thôi.

304. H. Đức tin có tầm quan trọng như thế nào?
T. Đức tin là phương tiện thiết yếu để hợp nhất với Đức Kitô. Đức tin là phương tiện đầu tiên để chúng ta được cứu thoát, vì tất cả những phương tiện khác đều dựa vào nó.

305. H. Đâu là tầm quan trọng của các bí tích?
T. Các bí tích là yếu tố thiết yếu thứ hai để được hợp nhất với Đức Kitô. Đặc biệt là bí tích Rửa tội và bí tích Thánh Thể là hai bí tích được nói đến nhiều nhất và đặc biệt nhất trong Tân Ước.

306. H. Đâu là tầm quan trọng của bí tích Rửa tội?
T. Với bí tích Rửa tội người Kitô hữu được hợp nhất với Đức Kitô đã chết và đã phục sinh. Họ chết cho tội lỗi và sống lại trong một cuộc sống mới. Họ thông phần chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi và sự chết.

307. H. Đâu là tầm quan trọng của bí tích Thánh Thể?
T. Với bí tích Thánh Thể chúng ta tiếp nhận Mình và Máu Chúa Kitô, như của ăn thiêng liêng làm cho ta được sống. Thánh thể nuôi dưỡng chúng ta lúc ở trần gian và bảo đảm cuộc sống vĩnh cữu mai sau. Bí tích này nối kết chúng ta với Đức Kitô và với nhau, qua thân xác Phục Sinh của Đức Kitô hiện diện trong Thánh Thể.

308. H. Đâu là tầm quan trọng của đức mến?
T. Thánh Gioan đặc biệt nhấn mạnh: Thiên Chúa là tình yêu. Đó là bản tính của Ngài. Đức Kitô, Thiên Chúa mặc lấy xác phàm, cũng chính là tình yêu, và là bằng chứng lòng Thiên Chúa yêu thương thế gian. Vậy với lòng yêu mến, chúng ta được hiệp nhất với Đức Kitô và trong Ngài ta được hợp nhất với Thiên Chúa. Và đây là nhân đức quan trọng nhất.

309. H. Bí tích Rữa Tội và Thánh Thể có liên quan với nhau thế nào trong Tân Ước ?
T. Theo Thánh Gioan, nước và máu từ cạch sườn Chúa Giêsu chảy ra tượng trưng cho Bí Tích Rửa Tội và Thánh Thể. Còn theo Thánh Phaolô, thì việc dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ, dùng của ăn, thức uống lạ lùng trong sa mạc, là tượng trưng cho Bí Tích Rửa Tội và Thánh Thể trong Kitô giáo. Hai Bí Tích này liên quan mật thiết với nhau.

HIỆU QUẢ CỦA SỰ HỢP NHẤT

310. H. Sự hợp nhất với Đức Kitô mang lại hiệu quả gì?
T. Một khi hợp nhất với Đức Kitô bằng đức tin, các Bí tích và lòng mến, mỗi người chúng ta sẽ trở nên: Hợp nhất với Thiên Chúa Cha, Đền Thờ Chúa Thánh Thần, Công dân Nước Trời, Anh em của Đức Kitô, Con cái của Đức Mẹ, những người đồng chiến thắng Satan, Con cháu thiêng liêng của Abraham, hợp nhất với nhau.

311. H. Tại sao hợp nhất với Chúa Cha?
T. Vì con người sau khi sa ngã không còn hợp nhất với Thiên Chúa nữa. Nhờ Đức Kitô, sự hợp nhất này được phục hồi (2Cr 5,21).

312. H. Tại sao là đền Thờ của Chúa Thánh Thần?
T. Nhờ hợp nhất với Đức Kitô, thân xác chúng ta trở thành Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.

313. H. Tại sau là công dân Nước Trời?
T. Vì nguồn sống chúng ta là do tự Thiên Chúa, đường đi nước bước chúng ta được Thánh Thấn hướng dẫn, mục tiêu được hứa cho chúng ta là quê trời (Pl 3,20).

314. H. Tại sau là anh em của Đức Kitô?
T. Nhờ hợp nhất với Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, Đức Kitô sẽ uốn nắn chúng ta theo khuôn mẫu của Ngài (Rm 8, 29 ).

315. H. Tại sao là con cái của Thiên Chúa Cha?
T. Nhờ hợp nhất với Đức Kitô, Con duy nhất của Thiên Chúa Cha, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, và Thiên Chúa nhìn chúng ta qua Con Một Ngài (Ep, 5 - 6).

316. H. Tại sao là con cái Đức Mẹ?
T. Bởi vì Chúa Giêsu đã cho Mẹ làm Mẹ thiêng liêng của tất cả những ai trở thành môn đệ yêu dấu của Ngài (Ga 19, 26-27).

317. H. Tại sao là những người đồng chiến thắng Satan?
T. Bởi vì chúng ta thông phần vào chiến thắng mà Đức Kitô thực hiện qua cái chết và Phục Sinh của Ngài. Nên sự chiến thắng của Đức Kitô cũng là sự chiến thắng của chúng ta (Rm 16, 20).

318. H. Tại sao là con cháu thiêng liêng của Abraham?
T. Vì được thừa hưởng những lời mà Thiên Chúa đã hứa cho Abraham và dòng dõi ông. Theo Thánh Phaolô, những lời hứa đó đã được trọn vẹn trong Đức Kitô, miêu duệ Abraham và trong tất cả những ai liên kết với Ngài. Do đó, họ trở nên con cái thiêng liêng của vị tổ phụ nầy (Gl 3,26 -29).

319. H. Tại sao được hợp nhất với nhau?
T. Bởi vì mỗi cá nhân chúng ta không thể hợp nhất với Đức Kitô, nếu chúng ta không đoàn kết mật thiết với nhau.

GIÁO HỘI

320. H. Sự hợp nhất của các Kitô hữu trong Đức Kitô nghĩa là gì?

T. Sự hợp nhất của những người được thanh tẩy trong Đức Kitô hợp thành một cộng đoàn, được gọi là Israel mới, Dân Thiên Chúa, Giáo hội của Đức Kitô, vương quốc của Đức Kitô, Thân Thể Đức Kitô. Ba danh hiệu cuối cùng: Giáo hội, Vương quốc, Thân Thể Đức Kitô là phổ biến hơn cả.

321. H. Giáo hội là ai?
T. Trước hết và quan trọng hơn hết, Giáo hội là một đoàn thể qui tụ chung quanh Đức Kitô Đấng đã chết, đã phục sinh và ban Thánh Thần. Đức Kitô là tâm điểm hợp nhất tất cả những người đã được thanh tẩy.

322. H. Sự hợp nhất được các tác giả Tân Ước mô tả thế nào?
T. Các tác giả Tân Ước đã dùng nhiều hình ảnh khác nhau để so sánh sự hợp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo hội như: cây nho và cành nho, sự liên kết của những viên đá xây đền thánh, sự kết hợp vợ chồng.

323. H. Sự hợp nhất giữa cây nho và cành nho thế nào?
T. Như cành nho phải hợp nhất với cây nho để múc lấy nguồn sống, tương quan giữa Đức Kitô và người tín hữu cũng vậy. Ở đây, sự hợp nhất được nhấn mạnh như là điều thiết yếu cho sự sống (Ga, 1- 4).

324. H. Phải hiểu sự hợp nhất của những viên đá xây đền thánh thế nào?
T. Hình ảnh này bao hàm hai ý: đây là sự hợp nhất có tính cách vững vàng và đồng thời hợp nhất để làm nơi cư ngụ cho Thiên Chúa. Đền Thờ trong cựu ước là nơi cư ngụ của Thiên Chúa được thay thế bằng đền Thờ sinh động là chính Đức Kitô và những ai hợp nhất với Ngài. Ở đó, ta gặp được Thiên Chúa (Ep, 20 -22).

325. H. Phải hiểu thế nào về sự hợp nhất giữa Đức Kitô và Giáo hội như là hình ảnh sự hợp nhất giữa vợ chồng?
T. Theo Thánh Phaolô sự hợp nhất giữa Đức Kitô và Giáo hội là khuôn mẫu của sự hợp nhất vợ chồng, vì đây là sự hợp nhất có tính cách tự nguyện, vui thú và sinh động hơn cả (Ep 5,22-23).

326. H. Sự hợp nhất giữa Đức Kitô và Giáo hội theo cách thế nào?
T. Mỗi tín hữu được kết hợp với Thân Thể Phục Sinh tạo thành Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngài. Điều này có nghĩa là các kitô hữu, qua sự hợp nhất với Thân thể Phục Sinh của Đức Kitô, trở thành những phần thân thể đó, nên Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô (Ep 5, 22-23).

327. H. Phải hiểu "Thân Thể Đức Kitô" và "Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô" thế nào?
T. Các Kitô hữu không phải và cũng không thể là Thân Thể Phục Sinh của Đức Kitô. Nhưng bao lâu chúng ta là Thân Thể Mầu Nhiệm, thì chúng ta không bao giờ bị tách rời khỏi thân thể phục sinh của Đức Kitô. Sự phân biệt này được Phaolô nhấn mạnh trong thư gưĩ tín hữu Côlôsê và Ephêsô khi nói Đức Kitô là đầu và Giáo hội là Thân Mình.

328. H. Phaolô trình bài sự hợp nhất với Đức Kitô như Ađam mới thế nào?
T. Trong Ađam cũ, nhân loại đã sa ngã; hợp nhất với Ađam mới, chúng ta trở thành thụ tạo mới, được hồi sinh, bởi vì Ađam mới thông ban Thánh Thần, Đấng ban sự sống cho ta để ta trở nên chi thể của Ngài.

329. H. Đặc tính thứ hai của Giáo hội là gì?
T. Đó là nhiệm vụ giáo huấn: Giáo hội tiếp tục sứ mạng ngôn sứ của Đức Kitô với tư cách là sứ giả của Thiên Chúa, là Lời sống động của Thiên Chúa. Nhiệm vụ được Đức Kitô củng cố bằng việc hứa ban Thánh Thần là Thầy dạy Chân Lý sẽ đến.

330. H. Các tác giả Tin Mừng trình bày vể nhiệm vụ này của Giáo hội sơ khai thế nào?
T. Các Tông đồ đã thi hành sứ mạng và quyền hạng này ngay từ thuở Giáo hội sơ khai, vị trí trung tâm của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên ở Giêrusalem là lời giảng dạy của các Tông Đồ (Cv 2, 41- 42).

331. H. Dấu hiệu nào cho thấy các Tông Đồ tin chắc rằng họ được Thánh Thần soi sáng trong việc giảng dạy?
T. Dấu hiệu chứng tỏ các Tông Đồ tin tưởng họ được Thánh Thần soi sáng trong việc giảng dạy là Sắc chỉ của Công Đồng Giêrusalem, liên quan đến sự tự do cũa các kitô hữu tân tòng, đối với những yêu sách của luật Môsê (Cv 15, 28).

332. H. Bản thân Phaolô đã tin tưởng thế nào và sự trợ lực của Chúa Thánh Thần trong khi rao giảng?
T. Với tư cách một Tông đồ, Phaolô cũng tin chắc rằng ông giảng dạy với quyền năng của Đức Kitô và sự trợ giúp của Thánh Thần chân lý: chính Đức Kitô nói nơi ông ( 2Cr 13,3).

333. H. Đặc tính thứ ba của Giáo hội là gì?
T. Đó là Giáo hội có quyền năng của Đức kitô. Quyền năng đã được Đức Kitô thực hiện để chiến thắng Satan và đem sự sống của Thánh Thần đến cho thế gian. Lúc còn sinh thời, Ngài đã chia sẻ quyền năng đó với các Tông Đồ để các ông đi chữa bệnh và trừ quỷ. Nhưng sự chia sẻ sâu xa nhất là việc thông phần vào cái chết và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.

334. H. Hiện nay Đức Kitô hoạt động trong Thân Thể Mầu nhiệm của Ngài thế nào?
T. Bằng cách chia sẻ quyền năng của mình cho nhũng kẻ được tuyển chọn, Đức Kitô ngày nay vẫn tiếp tục hoạt động trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngài những điều mà thở xưa, Ngài đã làm trong thân xác hữu hình của mình.

335. H. Vậy đâu là vai trò của các thừa tác viên khi cử hành các bí tích ?
T. Các thừa tác viên cử hành bí tích chỉ là những khí cụ mà Đức Kitô dùng để quyết định, để làm, để nói những điều mà Ngài đã từng làm, từng nói, qua nhân tính của Ngài khi còn ở trần thế. Nhưng bao giờ cũng chính Đức Kitô hành động.

336. H. Quyền năng Đức Kitô được thể hiện qua Bí Tích Rửa tội thế nào?
T. Trong Bí Tích Rửa Tội, qua các thừa tác viên Đức Kitô tiếp tục trao ban Thánh Thần qua Thân thể phục sinh của người mà người Kitô hữu hợp nhất, để họ nên con cái Thiên Chúa và con Hội Thánh.

337. H. Quyền năng Đức Kitô thể hiện thế nào qua Bí Tích Thánh Thể?
T. Trong Bí Tích Thánh Thể, chính Đức Kitô hiện diện nơi vị chủ tế truyền phép biến đổi bánh rượu thành Mình và Máu của Ngài nên vị chủ tế đọc là: "Này là Mình Ta", " Này là Máu Ta".

338. H. Quyền năng Đức Kitô thể hiện thế nào qua Bí Tích Giải Tội?
T. Trong Bí Tích Giải Tội, khi linh mục tha tội là chính Đức Kitô tha tội. Quyền tha tội chỉ thuộc về một mình Đức Kitô mà thôi. Qua vị linh mục, Đức Kitô tiếp tục tha tội và tái lập sự hợp nhất giữa hối nhân với Thiên Chúa.

339. H. Quyền năng Đức Kitô thể hiện thế nào qua Bí Tích Thêm Sức?
T. Trong Bí Tích Thêm Sức, qua thừa tác viên Giáo hội, Đức Kitô tiếp tục gửi Thánh Thần xuống để làm cho các Kitô hữu ngày nay trở thành những chứng nhân can đảm của Ngài.

340. H. Quyền năng Đức Kitô thể hiện thế nào qua Bí Tích Xức Dầu?
T. Trong Bí Tích Xức Dầu, qua các thừa tác viên, Đức Kitô tiếp tục thánh hoá và chữa lành bệnh tật.

341. H. Quyền năng Đức Kitô thể hiện thế nào qua Bí Tích Truyền Chức Thánh?
T. Trong Bí Tích Truyền Chức Thánh, qua các thừa tác viên, chính Đức Kitô tiếp tục chia sẻ quyền năng của Ngài với những người mà Ngài chọn làm khí cụ sống động của mình. Họ là những người được tuyển chọn để được Đức Kitô mặc khải chân lý trọn vẹn.

342. H. Vai trò của Phêrô được các tác giả Tin Mừng đề cập như thế nào?
T. Vai trò của Phêrô được các tác giả Tin Mừng mô tả một cách tuyệt vời qua việc ông được cất nhất lên địa vị cao trọng nhất về trách nhiệm cũng như quyền hành, lúc ông tuyên xưng vào Chúa Giêsu là Đức Kitô, Đấng Thiên Sai đã được Thiên Chúa hứa.


3062    18-03-2011 17:05:05