Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Lịch Sử Cứu Độ_Chương 08

CHƯƠNG VIII : ƠN CỨU ĐỘ ĐƯỢC LAN RỘNG

343. H. Vấn nạn quan trọng nào đặt ra cho Giáo hội buổi sơ khai?
T. Trong những năm đầu tiên, sau khi Đức Kitô về trời, vấn đề quan trọng được đặt ra cho Giáo hội là: Kitô giáo phải chăng chỉ giới hạn trong dân Israel mà thôi hay còn kêu mời tất cả mọi người thông dự vào? Sách Công Vụ Tông Đồ, do Luca biên soạn, đã thuật lại những cách thế giải quyết mà Giáo hội thuở ban đầu đã làm: Giáo hội phát triển thế nào từ Giêrusalem đến Roma và được Thánh Thần hướng dẫn thế nào để hiểu rõ tính phổ quát của mình.

GIÁO HỘI TẠI GIÊRUSALEM

344. H. Theo Sách Công Vụ Tông Đồ, Giáo hội sơ khai sinh hoạt thế nào?
T. Năm chương đầu Sách Công Vụ Tông Đồ mô tả Giáo hội sơ khai làm thành một nhóm đoàn kết chặt chẽ, dưới sự lãnh đạo và giảng dạy của các Tông Đồ. Họ chuyên cần cầu nguyện và bẻ bánh. Họ sống tình huynh đệ, đến độ mọi sự điều làm của chung và không ai trong họ phải thiếu thốn.

345. H. Vai trò của Phêrô thể hiện thế nào?
T. Sách Công Vụ mô tả cách đặc biệt quyền tối thượng của Phêrô trong việc lãnh đạo Giáo hội. Ông đã đề nghị Matthia thay thế Giuđa Iscariôt; giảng công khai trong ngày Thánh Thần Hiện Xuống; chữa lành người què và rao giảng tại cửa Đẹp Đền Thờ.

346. H. Mối quan hệ giữa các kitô hữu đầu tiên và Do thái giáo như thế nào?
T. Là những người Do thái tin theo Đức Kitô, họ có một cộng đoàn riêng biệt, có một nếp sống độc đáo và một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là Đấng Messia, đã chết và đã Phục Sinh, nhưng đồng thời họ vẫn duy trì truyền thống Do thái giáo của mình.

STÊPHANÔ VÀ SỰ PHÂN TÁN

347. H. Stêphanô là ai? Và có những đóng góp gì cho việc phát triển Giáo hội?
T. Stêphanô là người Do Thái gốc Hy Lạp, một trong bảy phó tế được các tông Đồ tuyển chọn để phục vụ những người goá bụa Do Thái gốc Hy Lạp, tức là những người Do Thái sinh ra ngoài sứ Palstine.

348. H.Ông có những gì đóng góp cho việc phát triển Giáo hội ?
T. Sự xuất hiện của ông và những người Do thái gốc Hy lạp khiến giáo hội bắt đầu di chuyển ra khỏi giới hạn của Do thái giáo và ra khỏi trung tâm của nó ở Giêrusalem. Vì thế vai trò của ông thật quan trọng và cái chết của ông tạo nên biến cố chủ yếu trong sách Công Vụ.

349. H. Do đâu mà người Do thái ném đá Stêphanô cho đến chết?
T. Sự thù nghịch đưa đến việc người Do thái ném đá Stêphanô cho đến chết phát xuất từ quan điểm của Stêphanô trong bải giảng tuyên xưng đức tin.

350. H. Theo Stêphanô việc Chúa hiện ra cho Abraham ở Mêsôpôtamia có ý nghĩa gì?
T. Dẫn chứng sự kiện Thiên Chúa hiện ra cho Abraham ở Mêsôpôtamia, Stêphanô muốn nói rằng hoạt động của thiên Chúa không thể nào chỉ bị giới hạn ở Palstine mà thôi. Tôn giáo không thể bị ràng buộc vào một nước hay một dân tộc nào.

351. H. Stêphanô cắt nghĩa thế nào về Đền Thờ?
T. Stêphanô cho rằng Đền Thờ khômg phải là cần thiết. Trước ngày Đền Thờ được thiết lập, Thiên Chúa đã được phụng thờ rồi.

352. H. Stêphanô nói về chương trình cứu độ của Thiên Chúa thế nào?
T. Thiên Chúa vẫn hoàn tất chương trình cứu độ của Ngài mặc dù các sứ giả của Ngài là các vị lãnh đạo, các ngôn sứ bị bách hại và bị giết chết. Stêphanô có ý ám chỉ đến Chúa Giêsu, vị ngôn sứ cuối cùng đã bị bách hại và cái chết của Ngài là điềm báo trước sự Phục sinh vinh hiển.

353. H. Ông tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu ra sao?
T. Stêphanô kết thúc bài giảng bằng việc tuyên xưng niềm tin: "Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa" (Cv 7, 56). Điều đó đã dẫn ông tới cái chết .

354. H. Nét nổi bật của bài giảng của Stêphanô là gì?
T. Đây là tấm gương đầu tiên trong lịch sử Giáo hội sơ khai muốn tách rời tôn giáo của Đức Kitô ra khỏi Do thái giáo. Stêphanô không có ý đã kích Do thái giáo, ông chỉ nhằn nêu lên tính cách tạm thời của nó. Đền Thờ và Luật Môsê phải chấm dứt, nhường chỗ cho tôn giáo mà Đức Kitô thiết lập, một tôn giáo không bị giới hạn trong một quốc gia, một xứ sở hay một Đền thờ nào cả.

355. H. Cái chết của Stêphanô mang lại những kết quả nào?
T. Cái chết của Stêphanô mang lại những kết quả thiết thực:
- Trước hết, ông cho chúng ta một lý thuyết thần học về sự độc lập Kitô giáo
- Thứ đến, do bị bách hại, những kitô hữu Do thái gốc Hy Lạp đã phải rời khỏi Giêrusalem và chính nhờ họ mà công cuộc truyền giáo được thực hiện khắp nơi.

PHÊRÔ VÀ CORNÊLIÔ

356. H. Tính phổ quát của Giáo Hội còn được thể hiện thế nào qua sự kiện Phêrô và Cornêliô?
T. Việc Phêrô Rửa tội cho Cornêliô không phải là người Do thái đã mở đầu cho việc thu nhận những người dân ngoại vào Giáo hội (Cv 10 và 11).

357. H. Đâu là những nét đại cương của sự kiện này?
T. Cornêliô, một người không phải Do thái, đã được một thị kiến bảo ông đi gặp Phêrô, lúc bấy giờ đang ở Gióp-phê. Còn Phêrô, trong một thị kiến lại thấy một tấm khăn từ trời buôn xuống với các thứ vật ô uế theo Luật Môsê. Ông được lệnh hãy giết mà ăn, vì những gì Thiên Chúa đã tẩy sạch thì không được gọi là ô uế (Cv10,13-14). Đang lúc giảng, Phêrô chứng kiến Thánh Thần ngự xuống trên những người ngoại giáo đang có mặt tại nhà Cornêliô, được Thánh Thần soi sáng, ông rửa tội cho Cornêliô và những người đang ở đấy.

358. H. Hỏi phải hiểu biến cố này như thế nào?
T. Biến cố này có thể được coi là ngày Thánh Thần Hiện xuống trên Dân Ngoại. Chính chúa Thánh Thần đã huớng dẫn từ đầu chí cuối biến cố này. Đây là hành động thứ hai (hành động thứ nhất là việc tử đạo của Stêphanô ) trong việc bày tỏ chương trình cứu độ hoàn toàn của Ngài: Cả Dân Ngoại cũng như DoThái. Bởi vì cả hai phải hợp nhất với nhau trong Đức Kitô, và trong Đức Kitô, họ được hợp nhất với Thiên Chúa. Từng bước, Thánh Thần hướng dẫn một cách vững vàng Giáo hội sơ khai hiểu rõ hơn tính cách công giáo của mình .

PHAOLÔ NGƯỜI TACSÔ

359. H. Phaolô là ai?
T. Phaolô, tên Do thái là Saolô, người Do thái gốc Hy lạp, là người có trách nhiệm cắt đứt sợ dây ràng buộc giữa Do thái giáo và Kitô giáo. Việc ông trở lại Kitô giáo là một hiện tượng nổi bật trong lịch sử tôn giáo thế giới.

360. H. Sứ mạng của Phaolô sau khi trở lại là gì ?
T. Các tường thuật khác nhau về việc Phaolô trở lại nhấn mạnh ông được tuyển chọn để đem Đức Kitô đến cho Dân ngoại. Hanaya đã được lệnh rằng Phaolô là kẻ được Thiên Chúa chọn làm dụng cụ để mang Danh Chúa Giêsu ra truớc mặt các dân nước và vua chúa (x.Cv 9,15). Chính Phaolô khi trở lại cũng nói ông được gọi đi làm chứng tá cho Đức Kitô trước mặt thế giới, mở mắt cho Dân Ngoại (x.Cv 22,15 )

361. H. Những năm đầu trở lại Phaolô làm gì?
T. Ba năm đầu, ông sống ở sa mạc Aribi và tại Đamas. Kế đó, ông ở hai tuần tại Giêrusalem. Được Barnaba một Kitô hữu khả kính Do thái gốc Hy lạp, giới thiệu ông ra mắt các Tông đồ. Các Kitô hữu thì hoài nghi đối với Phaolô, còn những người bạn Do thái của ông trước kia thì tức giận vì cho đó là một sự phản bội nhục nhã. Ông bắt buộc phải rời bỏ Giêrusalem và Palestine để quay về Tacsô.

362. H. Cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên của Phaolô bắt đầu như thế nào ?
T. Khoản 4-5 năm sau, khi Barnaba được gởi đến Antiokia để truyền giáo cho cả Dân Ngoại cũng như người Do thái, ông tìm Phaolô tại Tacsô và đưa Phaolô về Antiokia. Được Thánh Thần thúc đẩy, hai ông bắt đầu cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất (từ năm 45 - 49), (Cv 13, 2-4).

363. H. Qua cuộc hành trình đầu tiên, Phaolô và Barnaba đã nhận ra điều gì?
T. Họ nhận ra rằng người Do thái, những người được các ông rao giảng trước tiên vì họ là dân Thiên Chúa, thì chống đối tin mừng, còn Dân ngoại thì đón nhận cách chân thành và đông đảo. Nhờ sự soi sáng của Thánh Thần và bằng kinh nghiệm chua xót cá nhân, Phaolô và Barnaba, ngày càng nhận ra bản chất công giáo nơi Giáo Hội Chúa Kitô.

364. H. Danh hiệu "ánh sáng Dân ngoại" mà Phaolô tự gán cho mình bao hàm ý nghĩa gì?
T. Đó là một ơn gọi được Isaia đệ nhị loan báo truớc kia khi nói về người loan báo trước về Người Tôi Tớ đau khổ của Giavê. Phaolô biết rằng chính Đức Kitô là người Tôi Tớ chuộc tội cho nhân loại bằng cái chết của mình. Nhưng ông cũng biết rằng Đức Kitô sống trong ông, dùng ông như khí cụ riêng biệt để truyền bá ánh sáng Kitô giáo vào thế giới tối tăm của Dân Ngoại.

365. H. Kết thúc cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất, Phaolô và các Tông đồ rút ra được kết luật gì?
T. Mọi người đều kết luận là, đức tin thể theo thánh ý Thiên Chúa, được Thánh Thần mặc khải, đã mở rộng cửa cho các Dân Ngoại (Cv 14, 27).

CÔNG ĐỒNG GIÊRUSALEM

366. H. Đâu là lý do triệu tập và tầm quan trọng của Công Đồng Giêruslem?

T.Vào năm 50, Công Đồng được triệu tập là do thái độ ngoan cố của những Kitô hữu Do thái. Họ đòi hỏi những người ngoại mới trở lại phải chịu cắt bì và giữ luật Môsê (Cv 15,5). Bức xúc trước những đòi hỏi này, các Kitô hữu tại Antiôkia đã gởi một phái đoàn do Phaolô và Barnaba lãnh đạo đến Giêrusalem để thảo luận với các Tông Đồ về vấn đề này.

367. H. Công đồng Giêrusalem đã giải quyết vấn nạn này như thế nào?
T. Dưới sự chủ toạ của Giacôbê, Giám mục Giêrusalem, Công Đồng tuyên bố: những người ngoại trở lại với Chúa không phải lệ thuộc vào những đều khắt khe trong luật Môsê. Tuy nhiên để duy trì sự hoà thuận và hợp nhất, ông khuyên những Kitô hữu gốc dân ngoại sống ở Palestine ích ra hãy tuân giữ những điều đã quy định trong sách Lêvi: về ăn thịt thú chết ngạt, về hôn nhân giữa những người bà con (Cv17,18).

368. H. Quyết định của Công Đồng nói lên điều gì?
T. Sắc lệnh của Công Đồng biểu lộ lòng tin tưởng hoàn toàn vào sự trợ lực của Thánh Thần (Cv 15, 28). Giờ đây, hết mọi người đều được mời gọi trở lại tính bản thiện mà Chúa đã ban cho nhân loại trước khi tổ tông phạm tội.

CHƯƠNG IX : KITÔ GIÁO VÀ DO THÁI GIÁO

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA HAI TÔN GIÁO

369. H. Đâu mối tương quan giữa Kitô giáo và Do thái giáo?
T. Vì Đức Kitô, mặc dù được sinh ra do một trinh nữ, và như thế là có sự phá vỡ giữa cũ và mới, nhưng vẫn thuộc dòng dõi Abraham và Đavít điều này liên kết hai tôn giáo lại với nhau theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

370. H. Thánh Phaolô đã diễn tả mối tương quan giữa hai tôn giáo như thế nào?
T. Là một biệt phái được rèn luyện để hiểu biết và yêu mến luật Môsê, Ngài đã giải thích cách đầy đủ bằng nhiều hình thức khác nhau về mối tương quan giữa hai tôn giáo này.

371. H. Hình ảnh đầu tiên mà Phaolô dùng để chỉ mối tương quan giữa hai tôn giáo là gì?
T. Theo Phaolô, Do thái giáo có nhiệm vụ làm quản giáo cho Kitô giáo, nghĩa là nhiệm vụ của Do thái giáo là dẫn thế giới tới cửa Kitô giáo. Một khi tới đó là Do thái giáo đã hoàn thành nhiệm vụ.

372. H. Hình ảnh thứ hai mà Phaolô dùng để chỉ mối tương quan giữa hai tôn giáo là gì ?
T. Phaolô so sánh Do thái giáo những đứa trẻ vị thành nhiên, còn Kitô giáo như một người lớn, đã trưởng thành. Những đứa trẻ, Do thái giáo bị coi gần như nô lệ và bị ràng buộc đủ thứ Luật lệ. Kitô giáo là nguời trưởng thành, được tự do trong sự tự do của Thánh Thần và được hưởng gia tài là Thánh Thần mà Đức Giêsu Phục sinh ban cho .

373. H.Theo Phaolô, đâu là mối tương quan chính yếu giữa hai tôn giáo nầy? *

* Theo Do thái giáo:

Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất.
Lề Luật của người Do thái đặt nền tảng trên Thập giới, dựa trên đức công bình.
Hiến lễ là thú vật và sản phẩm hoa màu ruộng đất.
Tước hiệu con Thiên Chúa của người Do thái.
Biến cố Vượt qua: dân Do thái được cứu thoát bao hàm việc thiên thần vượt qua nhà có bôi máu trên khung cửa mà không giết con đầu lòng của họ là việc dân Do thái vượt qua Biển Đỏ bình an .
Của ăn trong cuộc xuất hành là Manna, thứ bánh duy trì sự sống tự nhiên của con người .
Đền thờ nơi Thiên Chúa cư ngụ, được xây bằng đá và gỗ.
Israen, theo Hôsê, là bạn trăm năm của Giavê.
* Theo kitô giáo:

Chân lý tối cao của Kitô giáo là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần.
Luật của Đức Kitô đặc nền tảng trên Đức ái: yêu Chúa và yêu người.
Hiến lễ Mình và Máu Chúa Kitô.
Kitô hữu là con Thiên Chúa và hợp nhất với Đức kitô, là chính con một Thiên Chúa.
Đức Kitô đã đổ chính máu mình ra để cứu độ loài người và họ được dự phần vào ơn cứu độ nhờ nước của Bí Tích Rửa Tội.
Của ăn nuôi sống người tín hữu trong cuộc xuất hành về quê trời là chính Mình và Máu Thánh Chúa.
Đức kitô trở nên Đền Thờ của chúng ta. Là Đền thờ có nghĩa là Thiên Chúa phải ở trong Ngài, vì chính Ngài là Thiên Chúa.
Giáo Hội là bạn trăm năm của Đức Kitô, được kết hợp với Đức Kitô bằng đức tin, đức mến và các Bí Tích.

374. H. Hình ảnh thứ ba mà Thánh Phaolô dùng để chỉ mối tương quan giữa Do thái giáo và Kitô giáo như thế nào?
T. Hình ảnh thứ ba để chỉ mối tương quan giữa hai tôn giáo là điểm khác biệt giữa lời hứa và sự thi hành lời hứa: Do thái giáo là tôn giáo của lời hứa và tất cả những lời hứa này được thực hiện nơi Đức kitô.

375. H. Những lời hứa được thực hiện trọn vẹn nơi đức Kitô thế nào?
T. Những lời hứa đã được thực hiện trọn vẹn nơi đức Kitô là: lời hứa trong Sách Sáng thế 3,15. Lời hứa với Abraham rằng các dân nước sẽ được chúc phúc nhờ gia đình ông, lời hứa của Nathan với dòng dõi Đavít, lời hứa trọng đại qua tiên tri Giêrêmia, lời hứa của Môsê về một ngôn sứ vĩ đại sẽ đến, lời hứa của các ngôn sứ về nhóm bé nhỏ còn sót lại.

376. H. Lời hứa trong Sách Sáng Thế 3 ,15 được thực hiện nơi Đức Kitô thế nào DDK
T. Lời hứa trong Sách Sáng Thế 3,15 về việc Satan bị đạp đầu được thực hiện qua cái chết và cuộc Phục sinh của Đức Kitô: sự chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi và sự chết.

377. H. Lời hứa với Abraham rằng các dân nước sẽ được chúc phúc nhờ gia đình ông được thực hiện thế nào ?
T. Lời hứa với Abraham rằng các dân nước sẽ được chúc phúc nhờ gia đình ông, đã được trọn vẹn nơi Đức Kitô. Là con cái Abraham, Ngài đã ban phúc lành ấy cho các dân nước, và trong Ngài, những người này đã trở thành con cháu Abraham.

378. H. Lời hứa của Nathan với dòng dõi Đavít được thực hiện thế nào?
T. Lời hứa của Nathan với dòng dõi Đavít về một vương quốc vĩnh cửu và phổ quát. Vương quốc ấy là Giáo hội, Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô.

379. H. Lời hứa trọng đại qua tiên tri Giêrêmia về việc thiết lập Giao ước mới được thực hiện như thề nào?
T. Lời hứa trọng đại qua tiên tri Giêrêmia: Thiên Chúa sẽ thiết lập một giao ước mới. Đức Kitô đã thiết lập một Giao ước mới, một tôn giáo mới bằng chính máu Ngài.

380. H. Lời hứa của Môsê về một ngôn sứ vĩ đại sẽ đến được thực hiện như thế nào?
T. Lời hứa của Môsê về một ngôn sứ vĩ đại sẽ đến; Chính Chúa Giêsu là vị ngôn sứ đó (Cv 3, 21-22)

381. H. lời hứa của các ngôn sứ về nhóm nhỏ còn sót lại để lãnh nhận lời hứa là những ai?
T. Lời hứa của các ngôn sứ về nhóm nhỏ còn sót lại để lãnh nhận lời hứa: Hiện thân của nhóm nhỏ được tuyển chọn này chính là Đức Kitô và nhóm nhỏ những người Do thái đã công nhận Chúa Giêsu Là Đức Kitô và hiệp nhất với Ngài.

382. H. Vậy đâu là những nét cơ bản tóm tắt về mối tương quan giữa hai tôn giáo này?
T. Do thái giáo ví như là một thiếu niên so với người trưởng thành, được quyền thừa tự là Kitô giáo, cũng giống như lời hứa với việc thực hiện trọn vẹn lời hứa ấy.
Sự khác biệt căn bản giữa Do thái giáo và Kitô giáo là chính Đức Kitô, Ngài là Đấng mà Israel Cũ mong đợi, nay là nguồn sống của Israel Mới.
Khoảng cách giữa hai tôn giáo cũng lớn bằng Đức Kitô: Ngài là khoảng cách vô cùng giữa Cựu ước và Tân ước.
Đức Kitô là một ân huệ được ban cho thế gian, dù thế gian không xứng đáng. Đó là một ân huệ, nghĩa là một cử chỉ yêu thương và nhân từ tuyệt vời của Thiên Chúa ban cho linh hồn mỗi người. Người Kitô hữu, do đó, không có quyền tự hào như là do kết công nghiệp hay giá trị của mình.

SỰ BÍ ẨN CỦA DO THÁI GIÁO
383. H. Hai điều bí ẩn liên quan đến Do thái giáo là gì?

T. Hai điều bí ẩn lớn liên quan đến Do thái giáo là:
Sau bao nhiêu thế kỷ mong đợi, Do thái giáo đã không nhận ra Đấng Cứu Thế khi Ngài đến.
Dân Do thái đã sống gần hai ngàn năm nay mà không có Đền Thờ, Bàn thờ và Hiến lễ.

384. H. Phaolô đã đề cập về dân Do thái không nhìn nhận Chúa Giêsu như thế nào?
T. Trong Thư gởi tín hữu Roma, (đặt biệt Rm 9,1-5 ; 10,1) Phaolô đã bày tỏ nỗi buồn sâu sắc và chân thành cũng như lòng yêu thương thắm thiết đối với dân tộc ông. Ông xót xa cho họ vì họ muốn tách rời Đức Kitô thay vì phải hợp nhất với Ngài. Niềm hy vọng và nỗi ước mơ tột đỉnh của ông là được cứu độ.

385. H. Sự thật là có một số đông người Do thái không phải là Kitô hữu, trong khi họ là con cháu Abraham, những người được thừa hưởng lời hứa. Vậy phải chăng Thiên Chúa đã thất hứa?
T. Phaolô đã trả lời cho câu hỏi: Ai là con cháu Abraham? Phải chăng chỉ những người họ hàng với Abraham về phương tiện tự nhiên hay mọi con cái thiêng lieng của Abraham, tức là những người có họ hàng với Abraham qua sự hợp nhất với Đức Kitô, con cháu Abraham? nhờ đức tin, anh em điều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô "mà nếu anh em thuộc về Đức Kitô, thì anh em là dòng dõi Abraham, những người thừa kế theo lời hứa" (Gl 3, 26-29). Vậy Thiên Chúa vẫn luôn trung thành với lời Ngài đã hứa.

386. H. Trong chương trình cứu độ, Dân Do thái và Dân Ngoại được mời gọi trở thánh con cái Thiên Chúa và thành Dân của Ngài như thế nào?
T. Mọi Kitô hữu, Do thái hay Dân Ngoại điều được Thiên Chúa yêu thương. Giống như cách thế Thiên Chúa quen làm trong Cựu ước là chọn người này hơn người kia. Giờ đây một lần nữa chính ngài tuyển chọn miêu duệ thiêng liêng của Abraham chứ không chọn dân Do thái là con cháu tự nhiên của Abraham.

387. H. Lý do nào người Do thái không nhìn nhận Chúa Kitô?
T. Theo Phaolô, trước kia vốn là một biệt phái, Dân Do thái rất sốt sắng, nhưng lòng sốt sắng của họ bị lạc hướng: Họ đặc niềm hy vọng cứu độ vào lề luật, vào khả năng của họ tuân giữ giới luật. Đây là sự nhầm lẫn căn bản, vì ơn cứu độ chỉ gặp thấy nơi Đức Kitô mà thôi. Chính do niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô phục sinh, con người được hợp nhất với Đức kitô và được cứu độ.

388. H. Như vậy phải chăng Thiên Chúa đã bỏ Israel ?
T. Phaolô đưa ra hai giải thích: một là tất cả những Kitô hữu đầu tiên là Do thái, hai là trong chương trình của Thiên Chúa, việc người Do thái không đón nhận Chúa Giêsu dường như lại là cớ cho dân ngoại đón nhận ơn cứu độ.

389. H. Lý do thứ nhất Phaolô biện minh Thiên Chúa không bỏ Israel là gì?
T. Phaolô cho rằng không phải tất cả mọi người Do thái điều chối bỏ Chúa Giêsu. Tất cả những Kitô hữu đầu tiên điều là người Do thái, họ là những người thuộc số nhỏ còn sót lại mà các ngôn sứ nói đến. Hơn nữa, có một số tín hữu có một địa vị độc đáo trong việc hoàn thành ơn cứu độ của Kitô giáo. Theo nghĩa này, thì chắc chắn Thiên Chúa đã không chối bỏ dân Ngài.

390. H. Lý do thứ hai của Phaolô là gì?
T. Theo trương trình cứu độ của Thiên Chúa, thì dường như sự mù quáng của dân Do thái không đón nhận Chúa Giêsu, lại là cớ đưa tới việc dân ngoại nhận ra ánh sánh cứu độ nhờ tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh.


SỰ SỐNG CÒN CỦA DÂN DO THÁI

391. H. Do đâu Do thái vẫn tồn tại qua bao thế kỷ dù phải trải qua bao biến cố thăng trầm?
T. Từ ngày Giêrusalem bị quân Rôma huỷ diệt năm 70, người Do thái không còn Đền Thờ, Bàn Thờ và Hiến lễ, không còn quốc gia (mãi cho tới những năm gần đây khi nước Israel được tái lập), bị lưu đày, bị tàn sát khắp nơi, nhưng họ vẫn tồn tại, sau biết bao tan thương như thế. Bởi vì, bất cứ ở đâu, lúc nào người Do Thái cũng tổ chức thành một nhóm riêng biệt, đầy sinh lực, luôn luôn ý thức về lịch sử cổ thời của dân tộc mình. Nhất là họ luôn luôn được Giavê phù trợ cho khỏi bị tiêu diệt.

392. H. Thánh Phaolô đã giải thích bí nhiệm này như thế nào?
T. Phaolô tin tưởng có ngày dân Do thái sẽ nhìn nhận Chúa Giêsu là Đức Kitô của họ. Sự mù quáng của họ chỉ có tính cách tạm thời. Sự tuyển chọn đầu tiên của Thiên Chúa bằng cách nào đó, vẫn còn bền vững khi đến ngày Thiên Chúa định, những cành nguyên thuỷ sẽ được ghép lại với cây ôliu.

393. H. Theo Phaolô tại sau dân Do thái sẽ tin nhận Chúa Kitô?
T. Bởi vì, chỉ khi nào Israel xưa trở lại với Đức kitô, thì công trình cứu độ mới thực sự là được thông phần đầy đủ vì chỉ lúc đó, mới thực có sự hợp nhất phải có giữa dân Do thái và dân ngoại trong Đức Kitô (Ep 2,14-16).


4467    18-03-2011 17:05:03