Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Loan Báo Tin Mừng Bằng Những Phương Tiện Phù Hợp - Tháng 09 năm 2004

Chủ đề: LOAN BÁO TIN MỪNG
BẰNG NHỮNG PHƯƠNG TIỆN PHÙ HỢP

I. ĐỌC THƯ HĐGMVN số 9.

Việc truyền giáo phải đặt nền tảng trên lời cầu nguyện và thái độ sẳn sàng dấn thân lên đường theo Đức Kitô, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên để chân lý Phúc Âm trở nên trong suốt, dễ hiểu, dễ đón nhận, ta phải dùng những phương tiện phù hợp với con người hôm nay. Đó là biết sử dụng ngôn ngữ, các phù hợp với văn hoá và tâm lý người đương thời. Đó là cung cách thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, được diễn đạt với thái độ khiêm nhu, chân tình, thân ái. Đó là thái độ kính trọng, đối thoại với người nghe. Đó là vận dụng sáng tạo những kỹ thuật hiện đại phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng.

II. DẪN GIẢI

Thư HĐGMVN bảo chúng ta đặt việc cầu nguyện làm nền tảng cho việc truyền giáo.
Cầu nguyện cho chính chúng ta, cho có nhiều người có hồn, có tinh thần và biết nhiệt thành dấn thân làm việc truyền giáo. Người truyền giáo là nền của việc truyền giáo.
Cầu nguyện cho nhà truyền giáo biết và dùng những thế cách, những phương tiện thích ứng cho người, cho cảnh, cho thời đại.
Đã đành ơn Chúa là nền tảng, nhưng chính chúng ta phải lưu tâm khẩn nguyện, tìm học hỏi và thích dụng.
Lạy Chúa, xin dạy dỗ và hướng dẫn chúng con.

III. CHUYỆN MINH HỌA

CAP ANAMUR, CON TÀU KHÔNG BIÊN GIỚI

Trong buổi lễ mừng kỷ niệm 25 năm (1979-2004) Tàu nhân đạo Cap Anamur, hôm 04.09.2004 ở Troisdorf, Nước Đức, Bà Bộ trưởng bộ Trợ giúp các nước phát triển, Wiezoreck-Zeul, đại diện chính phủ Đức đã nói về Cap Anamur: “Ông Neudeck qua chiến dịch con tầu nhân đạo Cap Anamur đã đánh thức những tâm hồn đang chìm đắm trong giấc ngủ trước thảm cảnh bi thương của con người trên thế giới, đang cần sự liên đới tình người của nhau”.

Cách đây một phần tư thế kỷ (1979) Ông Neudeck, một Ký gỉa và là một cựu ứng sinh Dòng Tên, đã nảy ra ý tưởng tràn đầy lòng nhân đạo: lập hội “Ein Schiff fur Vietnam - Một con tầu cho Việtnam”, trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng thời điểm lúc đó. Vì thảm cảnh thuyền nhân Việtnam trên biển Đông bị hất hủi làm ngơ, bị bọn hải tặc cướp phá tống tiền nhận chìm, bị sóng gió bão táp làm lật thuyền chôn vùi từng nghìn vạn người trong lòng đại dương.

Những người Pháp năm 1979 đã có sáng kiến lập ra hội «un bateau pour Vietam» (một con tàu cho Việt nam) và gửi con tầu mang tên «Ile-de-Lumière» ra ngoài khơi biển Đông đi tìm cứu vớt những người Việt nam vượt biển bằng tầu thuyền gỗ đang lâm nạn

Họ muốn nối tiếp công trình yêu thương của Thiên Chúa mang ánh sáng, niềm hy vọng, tình người đến cho những người xấu số đang gặp cảnh khốn cùng trên biển cả!

Lúc đầu Hội này ủng hộ tinh thần và tài chánh cho con tầu Ile-de-Lumière làm việc nhân đạo. Nhưng sau Hội thuê bao riêng chiếc tầu Cap Anamur - Tầu được xây dựng năm 1977-78, dài 118, 7 mét, trọng tải 5350 tấn, 17 mét chiều rộng, có sân cho máy bay trực thăng lên xuống, lúc đó đang bỏ neo đậu ở hải cảng Kobe bên Nhật.

Con tầu được sửa sang thành một ngôi nhà có chỗ ngũ nghỉ, nhà ăn, nhà vệ sinh, kho chứa thực phẩm nước uống và nhất là một bệnh viện nhỏ cấp cứu cho những người được cứu vớt. Và trên tầu không chỉ có đội ngũ thủy thủ phục vụ điều khiển con tầu, nhưng còn có đội ngũ bác sĩ, y tá người Đức thiện nguyện sinh sống làm việc ngay trên tầu nữa.

Tầu Cap Anamur rời bến cảng Kobe với sứ mạngnhân đạo ngày 09.08.1979 ra khơi song song với con tầu Ile-de-Lumière của Pháp. Cùng thời gian đó một chiếc tầu thứ ba của Na-uy có tên “Lysekil hay Baie-de-Lumière” xuất phát từ hải cảng Singapore cũng vượt trùng dương đi tìm kiếm cứu vớt người Việ tnam vượt biển vùng trời biển Đông bằng tầu thuyền bị lâm nạn.

Hơn 11 ngàn người Việt Nam tỵ nạn, không chỉ hiện sinh sống ở Đức, mà còn hiện đang sinh sống khắp nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Úc... đã được con tầu nhân đạo Cap Anamur cứu vớt ngoài biển khơi năm xưa.

Tàu Cap Anamur vượt trùng dương đi tìm cứu vớt người bị lâm nguy trên biển cả không mang mầu cờ của đạo giáo nào. Nhưng sứ mạng việc làm dấn thân của Cap Anamur lại thấm nhuộm tình yêu thương vì con người.

Cap Anamur chính là vị ân nhân cứu giúp và mang đến cơ hội sống còn cho anh, cho chị, cho tôi, cho em, cho gia đình chúng ta, cho tương lai con cháu chúng ta. Cap Anamur đã đang làm công việc rao giảng Tin Mừng tình yêu, như Chúa Giêsu đã trao ban cho mỗi người: Anh em hãy đi rao giảng làm chứng cho tin mừng của Thầy đến tận cùng mọi biên giới trái đất! (CV 1, 8)

Cap Anamur đã vượt biên giới không gian địa lý từ Âu châu sang tới vùng biển Á châu làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa con người: Anh em gặp bước đường tai nạn khó khăn, chúng tôi tìm đến giúp anh em, vì đạo đức tình người!

Cap Anamur đã vượt biên giới thời gian, không kể năm tháng ngày giờ, luôn kiên trì với nhiệm vụ làm chứng cho tình yêu Đấng Tạo Hóa giữa con người: gần 10 năm trời lênh đênh ngoài biển khơi đi tìm kiếm cứu vớt giúp đỡ họ!

Cap Anamur đã vượt biên giới mầu da chủng tộc, tiếng nói. Họ không nhắm vào một mục đích nào khác cho riêng mình. Nhưng Cap Anamur đã đến với con người đang trong bước đường cùng khổ. Cap Anamur muốn cứu giúp những con người này nhân danh tình người lòng bác ái khoan dung.

Cap Anamur đã đạt đến biên giới lòng người. Họ thông cảm cùng thấu hiểu khát vọng nhu cầu căn bản đời sống con người. Và vì thế Cap Anamur nỗ lực bằng mọi gía, mang đến cho con người điểm ánh sáng niềm hy vọng, đang lúc trải qua cơn tuyệt vọng. Dù Cap Anamur có phải chấp nhận những khó khăn về tài chánh cùng những hiểu lầm ....

Việc làm của Tàu Cap Anamur là cách sống làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng thế giới hôm qua, hôm nay và ngày mai. Và như Thánh Phaolô đã qủa quyết: “Anh em mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6, 2). (VietCatholic News 06/09/2004 )

IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

Thư HĐGMVN đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho công cuộc truyền giáo như : việc truyền giáo không phải chỉ cần”một nhiệt tình tông đồ” (số 7), để đến vơi “những môi trường mới” (số 8), nhưng còn bằng “những phương tiện phù hợp với con người hôm nay” (số 9).

Có ba vần đề được Thư Mục Vụ nhấn mạnh trong số 9 : "Để chân lý Phúc Âm trở nên trong suốt, dễ hiểu, dễ đón nhận, ta phải dùng những phương tiện phù hợp với con người hôm nay... Những phương tiện phù hợp đó là: Nói, Làm và Sống theo tinh thần Phúc Âm.

1. “Đó là biết sử dụng ngôn ngữ, cách diễn tả phù hợp với văn hoá và tâm lý người đương thời” (số 9)

Đức Giêsu khi rao giảng Tin Mừng đã dùng những hình ảnh, những câu chuyện, những dụ ngôn rút từ cuộc sống đời thường để nói về những vấn đề cao siêu là Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và Mầu Nhiệm Ba Ngôi.

Đức Giê-su tiếp đón dân chúng, Ngài nói với họ về Nước Thiên Chúa, và chữa lành những ai cần được chữa . Điều mà Ngài rao giảng không phải là một cái gì xa vời đối với dân chúng, mà là một cái gì thiết thực, phù hợp với những khát vọng của họ. Đó là Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, một tin vui về việc họ được giải phóng, được thoát khổ và hạnh phúc, là điều mà họ hằng mong ước. Đó là thứ Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, Tin Mừng giải phóng cho kẻ bị giam cầm được tha, cho người mù được sáng mắt, cho kẻ bị áp bức được tự do, v. v. (Mt 4, 18).

ĐTC Gioan-Phaolô II trong Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu cũng dạy chúng ta ưu tiên dùng “phương pháp kể truyện quen thuộc với văn hoá Á Châu” và nên dùng “những hình ảnh dễ hiểu” để diễn tả Mầu Nhiệm Chúa Giêsu.

Các vị thừa sai khi đến truyền giáo tại Việt nam, các ngài chẳng những học nói và chử viết của người Việt, tìm hiểu phong tục tập quán và não trạng của người Việt, mà còn chú trọng các đặc biệt đến việc diễn tã nội dung giáo lý nữa, như việc thưởng phạt đời đời, thiên đàng hoả ngục...Các ngài bắt đầu bằng những mẫu chuyện hấp dẫn, những điều mà lý trí có thể suy luận, rồi sau mới đến những mầu nhiệm khó hiểu trong đạo.

Tóm lại, khi trình bày về giáo lý cần một lối nói đơn sơ, rõ ràng, ngắn gọn, bằng những từ thông dụng, mượn những câu chuyện đời thường gắn bó thiết thân với đời sống người nghe để trình bày về Chúa, hầu người nghe dễ đón nhận.

2. “Đó là thái độ kính trọng, đối thoại với người nghe, là vận dụng sáng tạo kỹ thuật hiện đại phục vụ Tin Mừng” (số 9)

Không có tôn trọng thì không có đối thoại. Vì như thế, chúng ta chỉ áp đặt ý kiến của mình trên người khác. Cần có thái độ khiêm tốn để người nghe dễ đón nhận Tin Mừng của Chúa, mà chúng ta chỉ là người rao giảng.

Thực tế cho thấy chúng ta có thể chưa biết đối thoại vì chưa tôn trọng đủ những anh em khác tôn giáo, hoặc ngay cả chính tôn giáo của họ. Muốn đối thoại thực sự cần có lòng khiêm nhu, không cho mình là hiểu biết hơn người, không đố kỵ và nhất là cần nắm rõ căn bản giáo lý của mình và chân thành bày tỏ niềm tin của mình cho người khác.

Bằng sự đối thoại trân trọng với những ai chưa chấp nhận Tin Mừng : Qua cuộc đối thoại này, một đàng các tín hữu có thể tiếp nhận thêm những gì là chân lý và ân sủng đã có nơi các dân tộc như một sự hiện diện thầm kín của Thiên Chúa. Đàng khác, các tín hữu cũng rao giảng Tin Mừng cho những người chưa biết, để củng cố bổ túc và nâng cao sự thật và sự thiện mà Thiên Chúa đã rao truyền giữa loài người, giữa các dân tộc, và cũng để thanh luyện họ khỏi sự lầm lạc và sự dữ “Để Thiên Chúa được vinh danh, quỉ dữ phải hổ thẹn và loài người được hạnh phúc” (TG 9).

Nhìn gương Đức Giêsu khi đi rao giảng, ta thấy Chúa còn tỏ lộ nét chân tình đặc biệt qua việc quan tâm ưu ái đến người khác như trong Phép Lạ Hoá Bánh Ra Nhiều (Lc 9,11b-17). Thấy trời đã tối, các môn đệ đề nghị Đức Giê-su giải tán dân chúng để họ tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn. Nhưng Ngài bảo các ông: “Anh em hãy cho họ ăn” . Thật là một quan tâm đầy tình người. Và sau đó Ngài đã làm một phép lạ cả thể.

Trong khi đi rao giảng Đức Giêsu luôn quan tâm đến những nhu cầu cụ thể của dân chúng. Nhờ sự quan tâm và những hành động cụ thể ấy, dân chúng cảm thấy được Ngài yêu thương, chăm nom, săn sóc. Cách rao giảng của Chúa đầy tình người.

Tình thương thúc đẩy sáng kiến hữu ích. Cónhững con người không quen biết, nhưng vì tình thương thấm nhuần tinh thần bác ái của Đức Kitô, đã hy sinh công sức, tiền của, đưa ra giải pháp tìm những con tàu nhu Cap Anamur, để giúp đỡ những người Việt nam chúng ta, bơ vơ lạc lõng, trên biển cả, mà chẳng vì một tư lợi nào, ngoài việc đem người anh em mình đến bến bình an.

Thư Mục Vụ cũng đề cập đến việc vận dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ cho việc loan báo Tin mừng. Ngoài những phương tiện nghe, nhìn truyền thống như radio, truyền hình, thế giới ngày nay đang tiếp cận một phương tiện liên lạc phổ biến và nhanh chóng: internet. Việc nầy có tầm quan trọng đến độ trong lần kỷ niệm thứ 36, ngày Truyền Thông Xã Hội, Đức Gioan-Phaolô II đã gửi một Sứ Điệp về Internet như là phương tiện để loan báo Tin Mừng hiện đại của Giáo Hội cho người thời nay. Công Đồng Vaticanô II, trong Sắc Lệnh Inter Mirifica (Truyền Thông Xã Hội) cũng nhắn nhủ: “Mọi con cái Hội Thánh phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà phải hết sức hăng say sử dụng ngay những phương tiện truyền thông xã hội một cách đắc lực vào các công việc tông đồ khác nhau tuỳ theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian” (IM, 13).

Có một Đan Viện tại Hoa Kỳ đã khởi đầu truyền giáo bằng Internet như sau:

Tại một thị trấn nhỏ mang tên Abiquiu, nằm lọt thỏm giữa một vùng sa mạc hoang vu, cách thành phố Santa Fe là thủ phủ của bang New Mexico, nước Mỹ khoảng hai giờ lái xe, có một đan viện của Dòng Biển Đức mang tên “Đan Viện Chúa Kitô trong sa mạc”. Đến tháng 4 năm 1995, nơi đây đã trở thành Đan Viện chiêm niệm đầu tiên trên thế giới nối vào mạng internet (www.christdesert.org).

Ngày nay, mỗi ngày, Đan Viện tiếp đón khoảng 25.000 lượt người du hành trên internet đã đừng lại viếng thăm. Qua máy vi tính, họ có thể nghe được những bài tháh ca, các bài giảng lễ, các lời kinh và đọc những tin tức về sinh hoạt của Đan Viện, những lời chỉ dẫn để tìm đến các nguồn thông tin tinh thần khác và cả những lời khuyên cho đời sống thực hành cụ thể nữa.

Có hai đan sĩ đặc trách việc hồi âm những lời cầu nguyện của các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới gửi tới địa chỉ email của Đan Viện.

Người ta ghi nhận chỉ có một số nhỏ du khách viếng thăm Đan Viện qua mạng thông tin internet là các tín hữu công giáo, tuyệt đại đa số còn lại đều thuộc các tôn giáo khác, hoặc là người không có tín ngưỡng.

”Thế giới nào con người ấy”. Thế giới hôm nay là thế giới của khoa học kỹ thuật. Và vì thế, chúng ta cũng phải sử dụng những phương tiện truyền thông hiện đại để có thể giao tiếp rộng rãi với con người hôm nay. Nhờ phương tiện này “việc rao giảng về Chúa được thực hiện như thể trên mái nhà” (LBTM số 6).

3. “Đó là cung cách thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, được diễn đạt với thái độ khiêm nhu, chân tình, thân ái” (số 9)

Thái độ thân ái, chân tình, tôn trọng người đối thoại, khiến lời nói của chúng ta dễ đi vào lòng người, như Đức Gioan-Phaolô II nói “đối thoại bằng con tim” và vì được kính trọng họ cũng sẳn sàng mở lòng ra với chúng ta.

Giáo Hội dạy: "Người Giáo Dân thực sự thi hành việc tông đồ bằng công việc của mình, để rao giảng Tin Mừng và thánh hóa nhân loại, đem tinh thần Tin Mừng thấm nhuần và hoàn hảo hóa những việc thuộc phạm vi trần thế, sao cho công việc của họ thuộc lãnh vực này làm chứng tỏ tường về Chúa Kitô và góp phần vào việc cứu độ nhân loại. Vì, bản chất riêng biệt của người Giáo Dân là sống giữa đời và làm việc đời, nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi, để một khi tràn đầy tinh thần Kitô Giáo, họ làm việc tông đồ như men trong bột" (TG số 2).

Nhiều người chúng ta, không phải là những người được sai đi trực tiếp rao giảng Tin Mừng, như các vị truyền giáo, các vị giảng thuyết, nhưng Giáo Hội đã đề ra cho chúng ta những phương thế vừa tầm tay, hợp với địa vị, môi trường và hoàn cảnh của mỗi người, ai cũng có thể làm được; đó là thực thi việc bác ái giúp đỡ tha nhân, đem tinh thần Chúa thánh hóa cuộc sống và mọi công việc to nhỏ chúng ta làm hằng ngày, để như một mẫu gương thánh thiện chinh phục tha nhân về với Chúa, an ủi những người sầu khổ, khích lệ những ai nản chí ngã lòng, nâng dậy những ai yếu đuối sa ngã, để tất cả mọi người đều cảm nhận được tình Chúa yêu thương họ.

Đúng như lời Chúa đã truyền dạy chúng ta: "Các con là ánh sáng trần gian. Sự sáng của các con phải chiếu soi trước mọi người, để mọi người thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con trên trời" (Mt 5:14 -16).

Nhiệm vụ truyền giảng Tin Mừng này tuy khó khăn, vì vượt sức tự nhiên của chúng ta, nhưng với ơn Chúa giúp, chúng ta có thể chu toàn. Muốn vậy, ta phải sống kết hiệp mật thiết với Chúa như cành nho liên kết và hút nhựa sống từ thân cây chuyền sang; Phải siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các phép Bí Tích, nhất là tham dự Thánh lễ và Rước lễ mỗi ngày; Ngoài ra còn phải chu toàn bổn phận của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Lạy Chúa, xin cho con biết dùng những phương tiện của con người, để đem Chúa đến với con người, với tấm lòng quảng đại, tôn trọng và nhân ái, ngõ hầu Chúa được đón nhận nơi những người chúng con gặp gỡ hằng ngày.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI.
Tôi không lắng nghe đối tượng, để chọn phương pháp thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng.
Tôi không cập nhật những thị hiếu của xã hội, không sử dụng các phương tiện hiện đại.
Tôi chỉ loan báo Tin Mừng bằng những phương pháp và phương tiện lỗi thời, kém hiệu quả.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Khi rao giảng, Chúa Giêsu đã giảng mọi nơi, cho mọi thành phần, và bằng mọi cách thế mọi phương tiện phù hợp với nơi chốn ấy, với thành phần ấy. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho chúng ta hôm nay, biết theo gương Chúa Giêsu:

Hội Thánh tiếp tục công cuộc loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, đang hiện diện khắp nơi, biết vận dụng nhiều phương tiện thích hợp để loan báo Tin Mừng cho mọi người.

Mỗi dân tộc có những tập tục, truyền thống, văn hoá khác nhau. Chúng ta cầu nguyện cho những nhà truyền giáo biết chọn lựa những phương tiện thích hợp để loan báo Tin Mừng cách có hiệu quả cho từng người, từng dân tộc.

Đối với nhóm người này, Chúa dùng dụ ngôn; người kia, Chúa nói thẳng ra; người khác, Chúa chỉ trích nặng lời. Chúng ta cầu nguyện cho chúng ta, biết dùng những phương pháp thích hợp để loan báo Tin Mừng cho từng hạng người đón nhận.

Chúa Giêsu giảng Tin Mừng khắp nơi: trên núi, ở bãi biển, trong hội đường, nơi hoang vắng. Chúng ta cầu nguyện cho chúng ta và mọi người trong họ đạo, cũng biết vận dụng mọi khả năng và mọi nơi sinh hoạt của mình mà loan báo Tin Mừng.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con loan báo Tin Mừng bằng phương cách hiện có, với khả năng và trong hoàn cảnh mình đang sống. Xin Chúa ban Thánh Thần soi dẫn chúng con biết chọn lựa đường lối thích hợp, và tác động giúp chúng con đạt tới hiệu quả theo ý Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

TÌM CHO MÌNH MỘT CÁCH LOAN BÁO TIN MỪNG

Năm thánh truyền giáo đòi hỏi chúng ta đổi mới chính mình trước dã, rồi mới có đủ hành trang đem Tin Mừng loan báo cho người khác. Đổi mới ỏ nhiều lãnh vực khác nhau: đổi mới trong suy nghĩ, đổi mới trong đánh giá, trong ước muốn, trong lựa chọn, trong phong cách, đặc biệt là đổi mới cách loan báo Tin Mừng sao cho phù hợp với thời đại mới cách hữu hiệu và đúng ý Chúa.

Để thực hiện được việc đổi mới này, trước hết chúng ta xem con người của thời đại này, lắng nghe những khát vọng của họ. Xem những mẫu gương trong Kinh Thánh như bản chỉ đường. Rồi chúng ta xét xem những yếu tố nào có thể chinh phục được con người ngày nay.

Biết lắng nghe con người, đó là thao thức về một trách nhiệm, trách nhiệm phải đồng cảm với nhu cầu và khát vọng của con người thời đại hôm nay, nhất là phải góp phần kiếm tìm những gì có thể đáp ứng khát vọng và nhu cầu ấy. Cách góp phần tốt nhất là chính chúng ta phải phấn đấu nên người tốt hơn, mới hơn, sống thích hợp với thời đại, có ích hơn cho xã hội đang chuyển biến mau lẹ này.

Biết lắng nghe Lời Chúa, đó là bản chỉ đường cho việc đổi mới. Việc đổi mới là một hành trình dài tìm kiếm. Phải rảo bước như nhóm mục đồng đến hang đá. Phải lên đường như ba đạo sĩ từ phương đông đến Belem . Phải đi, phải về như hai môn đệ trên đường Em-mau. Những cuộc hành trình này gồm ba giai đoạn:

Giai đoạn một là nắm bắt tình hình. Họ trao đổi với nhau. Đề tài trao đổi là thời sự bên ngoài, về những gì xảy ra lúc ấy có liên quan đến Đức Giêsu. Và cả thời sự nội tâm của mỗi người: những cảm nghĩ, những xao xuyến, những băn khoăn và hy vọng.

Giai đoạn hai là gặp gỡ Đức Giêsu Kitô. Nhóm mục đồng và nhóm đạo sĩ gặp được Đức Kitô là chính Ngôi Lời, Ngôi Lời không nói lên tiếng nhưng nói bằng chính mình. Hai môn đệ trên đường Em-mau gặp Đức Kitô cùng đồng hành và cắt nghĩa Kinh Thánh cho họ. Chúa mở trí khôn họ, đốt nóng trái tim họ, chỉ cho họ đường hướng phải chọn.

Giai đoạn ba là trở về cộng đoàn của mình, để kể lại những gì mình đã thấy. Họ thấy Tin Mừng nơi Đức Kitô đã được chính Đức Kitô giới thiệu bằng cách sống hiền lành, khiêm nhường, gần gũi với con người và chia sẻ thân phận những người nghèo khổ, yếu đuối. Tin Mừng không phải chủ yếu là những giáo lý, nhưng là chính Đức Kitô yêu thương, từ bỏ mình, dấn thân cứu đời. Sự gặp gỡ Đức Kitô như thế đã giải thoát họ khỏi những gánh nặng sợ hãi tạo ra do cơ chế của lề luật lỗi thời và các trung gian nhân sự hẹp hòi. Cuộc gặp gỡ Đức Kitô đã cho họ một chiếc phao thiêng liêng, nhẹ nhàng mà hữu hiệu, để họ bám vào mà bơi lội giữa biển đời sóng gió. Họ được đổi mới. Sự đổi mới ấy đã đáp ứng nhu cầu và khát vọng sâu xa của họ, giúp họ sống niềm tin một cách đơn sơ và giúp cho đời họ có một ý nghĩa cao đẹp, đầy hy vọng.

Áp dụng những gì đã học được ở trên vào hiện tình của con người thì khi theo dõi thời sự những dấu chỉ về Nước Trời trong xã hội ngày nay, chúng ta có thể nhận ra những màu hồng bên cạnh những màu xám, những người tốt việc tốt bên cạnh những người xấu việc xấu trong Giáo Hội cũng như ngoài Giáo Hội. Những điều tốt không thể bị nhốt trong một ranh giới nào cả: trong một dân tộc, một tôn giáo, hay một nền văn hóa; mà khắp nơi vẫn nhấp nhô những gương sáng về những giá trị thiêng liêng cao cả, như khiêm nhường, bao dung, tinh thần trách nhiệm, chân thành trung thực, bác ái, công bình, chiêm niệm, dũng cảm.

Chịu khó lắng nghe những nhu cầu, những khát vọng của con người ngày nay, chúng ta có thể cảm nhận được từ sâu thẳm những thao thức sôi sục về phát huy và sáng tạo những cái hay, những điều tốt, nhằm đem lại cho con người, cho cuộc đời được tốt đẹp hơn về mọi mặt hợp với chuyển biến của lịch sử.

Con người thời nay không còn dễ được thuyết phục bởi những lý thuyết hứa hẹn, những hội nghị long trọng, những cuộc lễ lớn, những nghi thức và biểu tượng đẹp. Trái lại, yếu tố chinh phục họ nhất chính là những con người sống quyết liệt với những giá trị cao. Họ đi tìm những người như thế. Cái phao đời họ là những người như thế.

Những người có giá trị cao hơn hết đang được đa số khâm phục chính là những ai luôn phấn đấu tự đào tạo nên người có bản lãnh, biết phân biệt thực hư, dám từ bỏ mình vì lợi ích chung, đầy lửa thương cảm đối với con người, nhất là đối với kẻ nghèo khổ. Chính những người mang thứ lửa ấy sẽ góp phần lớn lao trong việc đổi mới con người.

Những gương sáng như vậy sẽ là những bản tin thời sự có giá trị về Nước Trời. Với những giá trị cao cả thiêng liêng, họ tham gia vào việc đổi mới con người. Thực ra, sự hiện diện của họ rất đa dạng, cho dù sự hiện diện ấy rất âm thầm như sự hiện diện của Chúa Giêsu trong hang đá Bêlem, nó cũng vẫn là máng chuyển tải ơn thánh, có khả năng đánh thức tâm hồn con người.

Người Công Giáo trên quê hương chúng ta là một thiểu số nhỏ bé sống giữa đông đảo anh em thuộc các tôn giáo khác, nhất là anh em Phật giáo Hòa Hảo, họ sống đạo hầu như không căn cứ vào khuôn khổ cử hành lễ lạy bề ngoài, nhưng căn cứ vào cầu nguyện, liên đới, tương thân tương ái. Họ gắn bó với dân tộc, và nhạy bén với các hình thức hiếu thảo đối với tổ tiên, đất nước.

Với thực tế như vậy, việc loan báo Đức Kitô phải được thực hiện một cách khôn khéo, tế nhị, hài hòa. Nếu như những giá trị thiêng liêng chung của thời đại, của xã hội được coi như là những giá trị căn bản do Chúa Thánh Thần thổi vào, thì việc dùng những giá trị chung đó để giới thiệu Tin Mừng trong xã hội chúng ta là một lựa chọn bước đầu. Đó là một cách rất tốt để dọn đường cho Đức Kitô và làm cho người ta có thiện cảm với Giáo Hội, với đạo của chúng ta. Tất nhiên những giá trị chung đó không thay thế được những giá trị riêng của người môn đệ Đức Kitô, mà chúng ta luôn tự hào.

Cách loan báo Tin Mừng bằng chính con người và đời sống mang những giá trị như thế đòi hỏi nhiều đổi mới nội tâm và phong cách. Sự đổi mới này cần được thực hiện một cách cụ thể ngay trong gia đình, trong xóm ấp, trong họ đạo.

Tình hình nội tâm của đa số con người hôm nay đang có những chuyển biến đi tìm những giá trị cao. Nếu như sự đổi mới của chúng ta không là sự đổi mới chính mình, dựa trên Lời Chúa và gặp gỡ Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng, là đường, là sự thật, là sự sống, thì e rằng những chọn lựa phương thế loan báo Tin Mừng của chúng ta sẽ nghèo nàn giá trị Phúc Âm, sẽ không đúng ý Chúa. Trái lại, một khi có sự đổi mới chính mình với chất lượng cao sẽ là một cách loan báo Tin Mừng hùng hồn nhất.

VII. TRANG THIẾU NHI

I/-Câu chuyện:
Thằng Tí hớt hải chạy từ ngoài ngõ vào, miệng la toáng lên:
-Ba ơi, trong ra-đi-ô có Thánh Lễ đó, ba mở ra nghe đi!
-Thánh Lễ gì con? , đang đọc báo, nghe Tí nói, ba ngạc nhiên hỏi lại.
-Vừa rồi con chơi bên nhà bác Hai, anh Tư ( con bác Hai) mở ra-đi-ô nghe, có Cha làm lễ trong máy đó ba!
-À, tưởng gì quan trọng, chớ việc làm lễ trong máy thì ba biết từ lâu rồi. Đó là chương trình của Đài Chân Lý Á Châu đó con.
-Đài đó của ai vậy ba?
-Của Giáo hội Công giáo mình chứ của ai. Đài này đặt tại Phi-líp-pin, phát sóng phục vụ cho các dân tộc thuộc các quốc gia vùng châu Á. Mà nè, vị Giám đốc của đài này là một Đức Ông người Việt Nam mình đó nha!
-Ồ, vậy sao ba. Thế mà từ trước tới nay con cứ nghĩ rằng chỉ có các chính phủ ở các quốc gia mới có đài phát thanh. Không ngờ Giáo hội Công giáo mình cũng có đài riêng. Hay thiệt đó nha!
-Chớ sao con. Thời buổi bây giờ là thời của thông tin đại chúng mà, Giáo hội mình phải tận dụng mọi phương tiện thông tin để Loan báo Tin Mừng chớ. Mà không chỉ có đài phát thanh thôi đâu nha con, còn những phương tiện khác như: truyền hình, vi-đê-ô, sách báo, in-te-nét,cũng đã được sử dụng cho công cuộc truyền giáo và đem lại nhiều kết quả. Có nhiều dân tộc ít người ở vùng rừng núi sâu, chung quanh không có Nhà thờ, không có linh mục, vậy mà chỉ nhờ nghe rao giảng trên đài phát thanh mà trở lại Đạo Chúa đó con.
-Ồ, hay quá! Vậy có nhiều cách thức để truyền giáo quá, há ba.
-Đúng vậy! Ba chợt nhìn Tí, lấy tay xoa đầu em, rồi nói nhỏ với em như nhắn nhủ:
-Con nè, bây giờ còn nhỏ con phải ráng học giỏi, lớn lên con theo học các ngành về báo chí, hay tin học, viễn thông.Những kiến thức đó sẽ giúp con góp phần với Giáo hội trong công cuộc truyền giáo của thời đại mới, thời đại “bùng nổ” của thông tin đại chúng và viễn thông.
Tí e thẹn ôm chầm, giấu mặt vào lưng ba. Nhưng trong thâm tâm em đã quyết tâm thực hiện những lời ba vừa căn dặn.
II/-Trò chuyện với thiếu nhi:
Các em thiếu nhi thân mến,
Chúng ta thường ngộ nhận rằng chỉ có một cách truyền giáo duy nhất, đó là trực tiếp rao giảng Tin Mừng cho lương dân. Thực sự ra thì có rất nhiều cách thức và phương tiện phục vụ cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội:

-Trước hết, chúng ta có thể làm chứng cho Chúa Kitô bằng chính đời sống gương mẫu của mình. Thật vậy, một đời sống ngay thẳng, tuân giữ lề luật Chúa và Hội thánh; một đời sống thánh thiện, gắn bó với Chúa qua việc cầu nguyện, dự lễ, lãnh các Bí tích và thực hành các việc đạo đức; một đời sống phản ảnh tinh thần Phúc Âm: mến Chúa “ yêu người”sẽ làm cho mọi người chung quanh nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa qua chính cuộc đời chúng ta.

-Như đã nói ở trên, việc trực tiếp rao giảng Tin Mừng cũng là phương cách không thể thiếu trong sứ vụ truyền giáo. Thật vậy, “Làm sao tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng” (Rm10,14).

-Việc phụng vụ Lời Chúa và việc giảng dạy giáo lý cũng là những phương cách hữu hiệu trong việc truyền giáo, đặc biệt là trong việc tái truyền giáo cho chính các Kitô hữu, những người phần nào đã được xem là biết Chúa.

-Trong thời đại ngày này, thời đại của khoa học , kỹ thuật, thì việc sử dụng các phương tiện khoa học , kỹ thuật hiện đại, hỗ trợ cho việc rao giảng Tin Mừng, cũng là đều cần thiết và đem lại nhiều hiệu quả bất ngờ, như: sử dụng điện ảnh, tranh ảnh, vi-đê-ô, máy quay phim kỹ thuật số, các công trình kiến trúc tôn giáo hiện đại, uy nghiêm.

-Cuối cùng, thời đại chúng ta là thời đại “bùng nổ”của thông tin đại chúng. Vì vậy, việc ứng dụng các công nghệ thông tin vào việc truyền giáo, như mở rộng sử dụng mạng lưới báo chí, đài phát thanh, truyền hình, mạng in-tẹc-nét (Internet), sẽ là một việc làm thực tế, hợp thời và đầy hiệu quả.

Các em thiếu nhi thân mến,
Như vậy, thời đại mới đặt ra cho sứ vụ truyền giáo những thách thức mới. Nó đòi hỏi chúng ta không chỉ chuyên cần học hỏi Lời Chúa, hay giáo lý Công giáo , là nội dung Tin Mừng mà chúng ta phải loan báo , mà còn đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt và ứng dụng được các công nghệ khoa học , kỹ thuật của thời đại, để việc rao giảng Tin Mùng được phổ biến nhanh chóng, rộng khắp và đạt nhiều hiệu quả hơn.

Vì vậy, ngay bây giờ các em phải cố gắng học hành, rèn luyện không ngừng, vì trong tương lai các em chính là những người phải gánh vác sứ vụ nặng nề và trọng đại ấy!

III/-Bài học thực hành:
-Em siêng năng học hỏi Lời Chúa và Giáo lý Công giáo, để sau này trở nên một tông đồ truyền giáo nhiệt thành của Chúa Kitô.
-Em cố gắng sống gương mẫu, để các bạn chung quanh, nhất là các bạn lương dân, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa qua cuộc sống tốt lành của em.
-Em tìm xem các tranh ảnh Công giáo; tìm đọc các báo chí Công giáo; tìm nghe các chương trình Công giáo qua các phương tiện thông tin,và nhớ giới thiệu cho mọi người cùng được xem, đọc, nghe với em.
-Em cố gắng học hành thành tài, để sau này biết ứng dụng khoa học , kỹ thuật mới, công nghệ viễn thông hiện đại vào trong việc Loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

VIII. TẢN MẠN

TỰ LUYỆN BẢN THÂN

Có một vị ẩn tu sống đơn độc tại một nơi vắng vẻ, thế nhưng, hễ cứ gặp ai thì ngài lại than phiền rằng ngài có quá nhiều công việc phải làm. Dân chúng quanh vùng ngạc nhiên lắm, và họ xin vị ẩn tu hãy thử kể ra những gì đã làm ngài hao tâm tổn sức hằng ngày như thế. Vị ẩn tu cho biết: “Mỗi ngày tôi phải huấn luyện 2 chú chim ưng và 2 con diều hâu, 1 con lừa phải thắng yên cương, và 1 con sư tử để dạy cho thuần thục !”. Dân chúng đảo mắt nhìn quanh, lại càng thắc mắc: “Nhưng chuồng trại để nuôi chúng đâu, chúng tôi nào có thấy ?”. Đến đây thì vị ẩn tu mới tuần tự kể về những con vật ấy:

”Tất cả chúng ta, ai cũng đều có nuôi những con vật ấy mà không biết ! Này nhé, 2 chú chim ưng chính là đôi mắt của chúng ta. Đôi mắt chim ưng thì bao giờ cũng sáng quắc, có thể nhìn thấy con mồi bé nhỏ đàng xa hàng cây số. Đôi mắt chúng ta cũng luôn mở rộng, ngó ngang ngó dọc. Nhưng đôi khi, có những cái ngó trộm, có những cái nhìn nẩy lửa, hung dữ, sẵn sàng tấn công. Vậy, chúng ta phải luôn huấn luyện chúng, để chúng lúc nào cũng có cái nhìn nhân hậu, trìu mến, cảm thông và khích lệ.

Còn 2 con diều hâu, vốn là loài chim săn mồi, chúng có những móng vuốt sắc và cứng như sắt thép. Đó chính là đôi tay của chúng ta, mà chúng ta thường dùng để chụp và giữ lấy cho mình. Đôi khi, chúng còn được tận dụng để đấm đá, ẩu đả với người khác. Vì thế, chúng ta cần phải huấn luyện để chúng luôn được dùng cho việc xoa dịu, hòa giải, giúp đỡ và nhất là để ban tặng dâng hiến những gì là tốt đẹp cho tha nhân.

Kế tiếp, 2 con thỏ chính là đôi chân của chúng ta. Chúng ta có thể dùng chúng để đi đến những nơi không nên đi, để chận cho người khác té nhào. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể huấn luyện chúng để chỉ đi đến bất cứ nơi đâu nhằm mục đích cho phục vụ anh em đồng loại của mình.

Tiếp nữa, khó nhất là phải chăm sóc con rắn. Đó là cái lưỡi của chúng ta. Người đời thường bảo: “Cái lưỡi giết người còn bén hơn cả lưỡi gươm”. Mặc dù vậy, chúng ta cũng có thể huấn luyện để luôn luôn uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, ngõ hầu chỉ nói ra những lời dịu dàng, nâng đỡ và ủi an.

Đối với con lừa là thân xác chúng ta, chúng ta cũng cần huấn luyện để nó dứt khoát không được lười biếng, ngang bướng và thụ động, mà ngược lại, phải trở nên hữu dụng trong việc chu toàn những bổn phận hằng ngày của chúng ta.

Sau cùng là con sư tử. Người ta thường gọi sư tử là chúa sơn lâm, tức là trung tâm, là con tim, là nơi chứa đựng lòng dũng cảm, là chính nguồn động lực để yêu thương. Đó là những đức tính mà chúng ta phải huấn luyện để tránh cho con tim chúng ta khỏi sơ cứng và chai đá, khỏi trở nên nơi chất chứa những ghen ghét và hận thù.

Đấy, các ông các bà và các bạn trẻ thấy đấy, mặc dù không thấy đâu chuồng trại để nuôi những con vật ấy, nhưng hằng ngày tôi vẫn phải liên tục huấn luyện cho chúng nên thuần thục, để rồi tôi mới có thể tận dụng chúng vào những công việc hữu ích cho bản thân và cho tha nhân chung quanh tôi...

IX. NGHỆ THUẬT SỐNG

CON CHÓ TẬT NGUYỀN

- “Bán Chó Con”, Ba ơi, báo đăng ở đầu xóm người ta bán chó con kià, Ba cho con đi mua được không?
- Con xin phép Mẹ chưa ?
Quay sang mẹ bé Nam vòng tay lễ phép xin. Sau khi được phép cả ba lẫn mẹ, Nam vội vã đi ra đầu ngõ. Hàng xóm đã quy tụ khá đông, chờ chủ nhà dẫn bầy chó con ra trình làng.
Một lát sau, bà chủ nhà dẫn đàn chó con kháu khỉnh ra cho mọi người xem. Năm con chạy nhảy, một con khập khễnh lê theo. Khách có kẻ xầm xì khen ngợi, có kẻ hỏi nhau giá cả nên mua. Người bảo $5, kẻ đề nghị $70. Nam thò tay vô túi, thầm đếm tiền. Bé chỉ có vỏn vẹn $9.50!!!
Nhìn thấy bầy chó con thật dễ thương, Nam vội lấn lên trước, đến gặp ngay bà chủ, và bảo :
- Bà ơi, cháu muốn mua con chó con cuối cùng kia.
- Hả!
- Con chỉ có $9.50 thôi. Bà bán cho con con chó đi khập khểnh đó đi.
- Cháu à, cháu thật muốn mua con ấy ư ?
- Dạ phải.
- Thế thì bà cho con luôn đó, không bán đâu.
- Không được đâu. Con muốn mua. Con có tiền mà.
- Cháu à ! Con chó đó sinh ra với một chân bị tật, nó không thể chạy nhảy vui đùa với con như các con chó khác đâu. Con muốn mua, thì bà tặng không cho con đấy.
- Cám ơn bà, nhưng con muốn mua con chó ấy cơ. Nó cũng có giá trị mà!
- Cháu à. Nó què, nó tật, không bán được đâu. Con muốn nó thì bà cho con đấy.
Bé Nam cúi xuống, vén ống quần lên, để lộ cẳng chân giả:
- Bà ơi, con chó què ấy cần có người giống nó, hiểu nó.
Đồng cảnh ngộ, đồng cảm xúc.
Đức Ki-tô, tuy vốn địa vị ngang hàng Thiên Chúa, đã tự hạ (Philípphê 2, 6-7) trở nên con người bị giới hạn như ta. Cũng có ngày sinh, cũng có ngày chết. Cũng đói khát, cũng sợ toát mồ hôi máu. Ngài đã trở nên đồng hình đồng dạng với chúng ta. Tuy giàu sang, Ngài đã trở nên nghèo vì chúng ta ( 2 Côrintô 8, 9).

***

Ước mong ngày 13.8.2004, những người đau khổ tinh thần và tật nguyền thể xác cũng được thông cảm và xoa dịu phần nào trong ngày họp mặt tại nhà thờ Chánh Toà Vĩnh Long.

999    19-04-2012 16:04:50