Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Loan Báo Tin Mừng, Bắt Nguồn Từ Thiên Chúa Ba Ngôi - Tháng 03 năm 2004

Chủ đề: SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG,
BẮT NGUỒN TỪ THIÊN CHÚA BA NGÔI

I. ĐỌC THƯ CHUNG CỦA HĐGMVN SỐ 2.

Loan báo Tin Mừng là ân huệ và ơn gọi đặc biệt của Hội Thánh, là chân tính sâu xa nhất của Hội Thánh, một Hội Thánh xuất phát từ tình yêu của Ba Ngôi được diễn tả qua việc Chúa Cha sai Chúa Con xuống trần gian để cứu độ trần gian (x. ga 3, 16) và việc Chúa Cha cử Thánh Thần đến với Hội Thánh để tiếp tục và hoàn tất sứ mạng của Chúa Con. Ba Ngôi là cội nguồn của Hội Thánh, vì thế, Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo (x. Ad Gentes 2). Chúa Giêsu đã nhiều lần cho các môn đệ hiểu rằng sứ mạng Loan Báo Tin Mừng của họ đến từ Ngài và sứ mạng của Ngài đến từ Chúa Cha: "Như Cha đã sai Thầy vào thế gian, Thầy cũng sai anh em vào thế gian" (Ga 17, 18; x. Ga 20, 21).

II. CHUYỆN MINH HOẠ

SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

Tại làng kia có một khu vườn được rào kín bởi những bức tường rất cao, làm cho những người đi ngang qua đều cảm thấy tò mò muốn biết có gì sau những bức tường cao ấy.

Một hôm, có bốn người thanh niên mạnh khỏe, trang bị đầy đủ , cầm đèn và với một cái thang thật dài, họ làm liều leo lên tường xem bên trong kia có gì. Người thứ nhất leo lên tới đỉnh thang, nhìn vào trong khu vườn, anh ta cười cách khoái chí, rồi nhảy xuống phía trong vườn. Đến lượt người thứ hai cũng trèo lên đỉnh thang, nhìn vào cười cách sung sướng và cũng nhảy xuống trong vườn. Người thứ ba cũng vậy. Sau cùng tới phiên người thứ tư, vừa leo lên tới bậc thang cuối cùng, nhìn vào phía trong, anh ta trông thấy một khu vườn tuyệt đẹp, nào là hàng cây với cành lá nặng trĩu những trái chín đỏ, nào là những luống hoa muôn màu sắc, những bồn nước trong xanh và những thảm cỏ hấp dẫn.

Trước cảnh tượng thần tiên đó, người thứ tư cũng muốn nhảy vào trong vườn như ba người trước kia, nhưng có một tư tưởng xâm chiếm anh, thôi thúc anh trèo xuống thang và đi báo tin cho những người khác biết những vẻ đẹp tuyệt vời của khu vườn đó.

Đời sống mỗi người kitô hữu là một sứ mệnh, như Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến, để rao giảng Nước Trời, Chúa Giêsu cũng sai các môn đệ vào giữa xã hội để tiếp tục rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Chúng ta cũng được sai đi để thi hành sứ mệnh của Thiên Chúa, nhưng không phải để tìm vinh dự và lợi ích cá nhân, mà là giới thiệu và mời gọi mọi người đón nhận hạnh phúc vĩnh cửu nhờ sống kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi.

III. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

Chúng ta tìm hiểu về mối tương quan giữa mầu nhiệm Ba Ngôi và mầu nhiệm Giáo Hội dưới ánh sáng của Hiến Chế Tín Lý Giáo Hội (Lumen Gentium) và được tiếp nối qua Sách Giáo Lý Công Giáo để nhận ra sứ mạng loan báo Tin Mừng là xuất phát từ Thiên Chúa Ba Ngôi.

Giáo Hội là một mầu nhiệm. Đó là tựa đề chương thứ nhất của Hiến chế tín lý về Giáo Hội. Tựa đề này là một lời tuyên xưng. Lời tuyên xưng này bắt nguồn từ cái nhìn chiêm ngắm ý định của Thiên Chúa liên quan đến nhân loại. Giáo Hội được Cúa Cha tập họp chung quanh Đức Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là Dân tộc lữ hành, phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Đức Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần.

Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo Hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo Hội lãnh nhận sứ mạng để làm cho tất cả nhân loại thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền thờ Chúa Thánh Thần.

Việc chiêm ngắm mầu nhiệm thẳm sâu, khôn dò, khôn tả của Ba Ngôi sẽ dẫn đến suy tư về Giáo Hội như là hình ảnh mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và Giáo Hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (GH 1; GL số 772). Chúng ta có thể nói rằng Giáo Hội học căn bản của Vaticanô II là Giáo Hội học hiệp thông được xây dựng trên mầu nhiệm vô cùng thâm sâu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trong phần trình bày về Giáo Hội (Mục 9), gồm 6 tiết (GL tr. 291-370) đã thể hiện và tiếp nối Giáo Hội Học của Vaticanô II một cách rệt.

Chúng ta sẽ tìm hiểu mối liên hệ thâm sâu giữa Mầu nhiệm Ba Ngôi và mầu nhiệm Giáo Hội xoay quanh ba vấn đề sau đây để thấy rằng công cuộc truyền giáo cũ Giáo Hội có nguồn gốc từ Thiên Chúa Ba Ngôi :

1. Giáo Hội phát xuất từ đâu?
2. Đâu là bản chất của Giáo Hội?
3. Giáo Hội đi về đâu?
1. Loan báo TinMừng là ý định của Chúa Ba Ngôi

Giáo Hội bắt nguồn từ Chúa ba Ngôi. Mở đầu và kết thúc Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội đều hướng cái nhìn chiêm ngắm về Chúa Ba Ngôi. Công Đồng trích dẫn lời thánh Cyprianô : "Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (GH 4).

Công Đồng Vaticanô II khi trở về với các chứng từ của Kinh Thánh và của các Giáo phụ đã thay thế cái nhìn về Giáo Hội : từ cái nhìn về một Giáo Hội mang tính xã hội với cấu trúc kim tự tháp sang một Giáo Hội hiệp thông mang chiều kích Ba Ngôi. Với cái nhìn Giáo Hội như là hình ảnh sự hiệp thông giữa Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội chính là hoa trái phát sinh từ sáng kiến của Thiên Chúa. Thiên Chúa đi bước trước trong sáng kiến nầy.

Trong ý định cứu rỗi đầy yêu thương từ đời đời của Chúa Cha, Giáo Hội đã được Thiên Chúa chuẩn bị trong lịch sử Giao ước với dân Israel, để khi đến thời gian viên mãn, Giáo Hội được thiết lập trong sứ mạng của Chúa Con mà cao điểm là mầu nhiệm Vượt Qua và được hoàn tất trong ngày lễ Ngũ Tuần, ngày mà Giáo Hội nhận được đầy tràn Chúa Thánh Thần (GL x. nguồn gốc nền tảng và sứ mạng của Hội Thánh, số 758-769).

Vì phát xuất từ Chúa Ba Ngôi nên Giáo Hội, trước hết, là công trình của Thiên Chúa chứ không phải công trình của loài người và do đó, không thể hiểu thấu đáo về Giáo Hội với cái nhìn hoàn toàn nhân loại. Thứ đến, khi nói Giáo Hội bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi, chúng ta hiểu rằng Giáo Hội là một hồng ân của Thiên Chúa, là ơn nhưng không của Thiên Chúa. Giáo Hội sinh ra từ việc đón nhận ơn mặc khải nhưng không của Thiên Chúa Cha và tạ ơn Người nhờ Đức Giêsu trong Chúa Thánh Thần: "Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn" (Mt 11, 25). Và cuối cùng, vì có cội nguồn là Chúa Ba Ngôi, mà Thiên Chúa đã Nhập Thể làm người, ở với con người, qua Đức Giêsu Kitô, thì Giáo Hội của Thánh Thần Đức Kitô cũng phải dấn thân sống cho con người, nhất là những người nghèo và những kẻ bé mọn, để làm cho sức mạnh và sự bình an của Đức Kitô sự hiện diện nơi nhân loại.

Hiểu như vậy, chúng ta thấy nguồn gốc Ba Ngôi của Giáo Hội là nền tảng cho sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Giáo Hội khai sinh từ Ba Ngôi, là một Giáo Hội đang trong tư thế truyền giáo và luôn phải lên đường. Giáo Hội là nơi mà, trong quyền năng Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô hiện diện để hoàn tất sứ mạng cứu thế của Người. Giáo Hội không ngừng nhận lãnh Thánh Thần để định hướng lịch sử về Vinh Quang Thiên Chúa, khi mà Thiên Chúa sẽ là Tất Cả trong tất cả. Giáo Hội được thiết lập trong mối hiệp thông với Ba Ngôi với sứ mạng đưa dẫn muôn dân vào trong mối hiệp thông với Thiên Chúa, tức là sứ mạng truyền giáo.

Giáo Hội có cội nguồn, cùng đích là Chúa Ba Ngôi và là công trình của Chúa Ba Ngôi.

- Cội nguồn : Giáo Hội là sự tập họp (Gl số 751) phát xuất từ ý định nhiệm mầu yêu thương của Chúa Cha khi Người muốn cứu nhân loại : "Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ, Người đã quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh" (GH 2; GL số 759).

- Công trình : Sứ mạng của Chúa Con là thực hiện ý định hiệp nhất và yêu thương của Chúa Cha bằng cách xuống thế làm người và vâng phục cho đến chết để hoà giải chúng ta với Chúa Cha trong mầu nhiệm Vượt Qua. Giáo Hội được sinh ra từ cạnh sườn khai mở của Chúa Kitô (GH 3; GL số 766).

- Cùng đích : Sứ mạng của Chúa Con được hoàn tất trong việc Chúa Thánh Thần được sai đến với Giáo Hội (GH 4; GL số 757-768).

Được khai sinh từ ý định của Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần, sự hiệp thông của Giáo Hội, trong Chúa Thánh Thần, nhờ Chúa Giêsu Kitô phải trở về với Chúa Cha để cho Thiên Chúa là tất cả trong tất cả (x. 1 Cr 15,28). Vì thế, Ba Ngôi không chỉ là cội nguồn của Giáo Hội mà còn là "Quê hương" của Giáo Hội như là một dân lữ hành đang hướng về . Giáo Hội là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự hiệp thông của Giáo Hội bắt nguồn từ mối hiệp thông của Chúa Ba Ngôi.

2. Giáo Hội sống hiệp thông theo khuôn mẫu là Chúa Ba Ngôi

Có ba hình ảnh được sử dụng nhiều lần để chỉ về Giáo Hội, trong các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II và bắt nguồn từ trong chính mầu nhiệm Ba Ngôi đó là : Dân Thiên Chúa, Thân Thể Chúa Kitô, và Đền Thờ Chúa Thánh Thần (x. Giáo Hội 17; GL số 781-801). Ba hình ảnh này được lựa chọn cách ưu tiên bởi vì chúng diễn tả mầu nhiệm sâu xa và sống động nhất của Giáo Hội, một Giáo Hội không ngừng được khai sinh từ ý định yêu thương của Thiên Chúa Cha, từ ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô và từ những kỳ công của Chúa Thánh Thần thực hiện qua dòng lịch sử.

Với cái nhìn về Chúa Ba Ngôi trong mầu nhiệm hiệp thông, Giáo Hội tin rằng, trong Chúa Kitô, Chúa Cha ban cho Giáo Hội và cho mỗi người tín hữu sự sống của Người trong Thánh Thần. Trong Thánh Thần, nhờ Chúa Kitô, Giáo Hội và mỗi người tín hữu đi tới Chúa Cha. Đức Kitô là Con Một, Người được Cha yêu thương bởi vì Người là Đấng đầy Thánh Thần và ban Thánh Thần cho Giáo Hội .

Trong khuôn khổ bài nầy, chúng ta chỉ tìm hiểu Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa.

Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội khẳng định Chúa Kitô đã thiết lập giao ước mới trong máu Người với một Dân mới của Thiên Chúa, một "dòng giống được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, dân tộc đã được Thiên Chúa thâu phục, trước kia không phải là một dân. Mà nay là dân của Thiên Chúa" (1P 2, 9-10; GH 9).

Có ba yếu tố căn bản và liên kết chặt chẽ với nhau trong khẳng định nầy :

1) Sự bén rễ của Giáo Hội trong dân Israel : Dân mới của Thiên Chúa bén rễ trong Giao ước cũ. Thiên Chúa đã muốn quy tụ một dân để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện (GH 9 ; GL số 781). Ngài đã chọn dân Israel là dân Ngài, đã thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần bằng cách tỏ chính mình và ý định mình qua lịch sử dân ấy, và Ngài đã thánh hoá họ để dành riêng cho Ngài.

2) Tính chất mới mẻ hoàn toàn của Giáo Hội trong Chúa Kitô: Dân mới nầy có sự đứt quảng với dân Israel . Dân mới nầy như một cuộc tạo dựng mới do hành động cứu chuộc của Chúa Kitô (x. Cv 20, 28).

3) Sự khai mở của Giáo Hội cho tất cả mọi người, Do thái và Dân ngoại : Qua việc đón nhận dân ngoại, cộng đoàn Kitô hữu có kinh nghiệm và xác tín rằng rằng Dân mới của Thiên Chúa mở rộng cho toàn thể nhân loại (x. Cv 15, 14). Tất cả mọi người thuộc gia đình nhân loại đều được kêu gọi để làm nên một dân thánh duy nhất trong Chúa.

Dân mới của Thiên Chúa có những đặc điểm như sau :

Trước hết, Dân Thiên Chúa là dân được chính Thiên Chúa kêu gọi. Chính Thiên Chúa khởi xướng việc kêu gọi nầy. Cho nên, nét chính yếu của Dân mới nầy là được Thiên Chúa kêu gọi một cách vô điều kiện (nhưng không) (x. ĐNL 7, 7-8).

Thứ đến, Dân Thiên Chúa là Dân được cứu độ. Ơn cứu độ không được ban cho từng cá nhân riêng rẽ mà là cho cả một dân: "Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc, để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện" (GH 9). Chúa Cha đã dành lại cho Ngài Dân mới nầy nhờ máu Con của Người : "Vì chúng ta, Người đã tự hiến cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính và để thanh luyện chúng ta khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện" (Tt 2,14).

Sau cùng, tất cả mọi người thuộc Dân mới nầy đều cùng có một phẩm giá làm con Thiên Chúa, cùng có sự tự do do Thánh Thần ban, cùng có một lề luật yêu thương, một ơn gọi đáp trả lời mời gọi nên thánh, cùng một hướng đi về Nước Trời (GL số 872). Sự bình đẳng căn bản nầy dựa trên Bí Tích Rửa Tội mà họ đã lãnh nhận, qua đó, mọi tín hữu đều tham dự vào chức tư tế, vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô (GH 10, 11, 12; GL số 783-786).

3. Ba Ngôi : cùng đích mà Giáo Hội nhắm tới.

Giáo Hội là dân lữ hành, có cội nguồn từ Chúa Cha,nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần, sẽ quay về với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, nhờ Đức Kitô. Giáo Hội lữ hành hướng về vinh quang Giêrusalem trên trời mà Đức Maria vừa là hình ảnh, vừa là dấu chỉ của niềm hy vọng cho Giáo Hội (GH VII và VIII).

Ba Ngôi là cùng đích mà Giáo Hội nhắm tới, do đó, bao lâu còn trên đường lữ thứ, Giáo Hội luôn cần phải"canh tân và thanh tẩy". Giáo Hội không tự đồng hoá mình với Nước Trời, nhưng như phương thế, như "bí tích của ơn cứu độ", như người tôi tớ phục vụ Thiên Chúa. Giáo Hội trần thế chỉ kết thúc trong vinh quang trên trời. Giáo Hội luôn bước theo Chúa Kitô là Đường dẫn tới Chúa Cha. Ba Ngô chính là cội nguồn và là Quê hương, là Đầu và là Cuối của Giáo Hội. Trong sự viên mãn của thời gian và của ơn cứu độ cánh chung, Thánh Thần cũng sẽ có mặt cùng với Chúa Cha và Chúa con : "Thiên Chúa phán : trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm " (Cv 2,17 ; x. Ge 3,1).

Bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội xuất hiện như là : "một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Thánh Cyprianô) và Giáo Hội vì có cội nguồn là Chúa Ba Ngôi, nên không co rút vào chính mình mà có sứ mạng loan báo tình thương, sự hiệp thông và bình an cho mọi người, theo hình ảnh của Chúa Ba Ngôi. (lấy ý từ Mầu Nhiệm Ba Ngôi và Giáo Hội của Đức Cha Phaolô Bùi văn Đọc)

Xin tình yêu của Chúa Ba Ngôi thôi thúc chúng con đến với anh em, bằng tất cả lòng nhiệt thành, để Thiên Chúa được đón nhận và mọi người được nên một trong Chúa, qua Hội Thánh. Amen

V. HỌC THƯ CHUNG số 2

"Ba Ngôi là cội nguồn của Hội Thánh,
vì thế, Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo."

VI. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SUY NIỆM.

LỜI CHÚA: "Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con Đấng phù trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi"(Ga 14, 16). "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con, các con hãy nhận lấy Thánh Thần". (Ga 20, 21-22).

Thiên Chúa là Tình yêu, Ngài sai Ngôi Lời nhập thể, nhập thế để loan báo Tin Mừng Tình yêu, cho mọi loài tham dự vào sự sống viên mãn của Ngài.

Được Thiên Chúa yêu thương, được Thiên Chúa cứu độ, chúng ta hãy sống trong tình yêu của Chúa, và nuôi dưỡng ơn cứu độ hằng lớn lên trong chúng ta, ấy cũng là loan báo Tin Mừng.

GỢI Ý SÁM HỐI

Con không thể hiện tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống. Xin thương xót con.
Con lãnh đạm trong việc tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất. Xin thương xót con.
Con không quí trọng và không nuôi dưỡng ơn cứu độ của Chúa trong con. Xin thương xót con.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa là Tình yêu, Người muốn thông ban sự sống vĩnh phúc của Người, không chỉ cho chúng ta, mà cho hết mọi loài. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng ý nguyện cho chúng ta và cho mọi người dấn thân loan báo Tin Mừng:

- Chúa Giêsu cầu nguyện: "Lạy Cha, xin hãy cho mọi người nên một trong Chúng Ta". Chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh được hợp nhất, yêu thương, trở nên dấu chỉ sự sống, sự hiệp thông và tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi cho trần gian.

- Chúa Giêsu phán: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu, loan truyền ánh sáng cứu độ và Tin Mừng tình yêu Chúa đến cho mọi người.

- Chúa Giêsu phán: "Ai yêu mến Thầy, Cha Thầy và Thầy sẽ ở trong người ấy". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trên khắp địa cầu, cho các trẻ nhỏ, cho thổ dân thiểu số, cho người nghèo khổ, nhận ra tình Chúa yêu mình, để mau mắn tin-cậy-mến Chúa hết lòng.

- Chúa Giêsu phán: "Thánh Thần mà Chúa Cha sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy các con mọi điều". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, được Thánh Thần sưởi ấm lòng tin-cậy-mến Chúa, mà sống ngoan đạo và loan báo Tin Mừng cho anh em.

Kết thúc: Lạy Chúa là Cha toàn năng, Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một làm Đấng Cứu chuộc loài người, và ban Thánh Thần an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành. Xin Chúa nhậm lời chúng con cầu nguyện mà thúc đẩy chúng con tiếp tục dấn thân loan báo Tin Mừng cho hết mọi loài. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH.

LINH HỒN CỦA VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG

Bộ phim có tựa đề "Mỹ nhân và người thú" kể về một hoàng tử giàu có, trẻ tuổi tài cao, nhưng tính tình lại kiêu căng, ngạo mạn. Lần kia có một bà lão đến trao tặng cho hoàng tử một đoá hồng thật đẹp, chẳng những không thèm nhận mà hoàng tử kiêu căng ấy còn xua đuổi bà lão. Trước thái độ khiếm nhã ấy, bà lão đã làm phép biến hoàng tử đẹp trai trở thành xấu xí giống như con dã thú. Và quả thực, hoàng tử đã trở thành người thú, và bà còn cho biết thêm là cho đến lúc cánh hoa cuối cùng của bông hồng rụng xuống mà hoàng tử chưa được ai yêu thương, thì hoàng tử suốt đời sẽ mang hình dáng xấu xí như thế. Bị phạt như vậy, hoàng tử sống xa cách mọi người, đóng kín mình trong lâu đài. Bỗng nhiên, một hôm có người tìm đến lâu đài, làm cho hoàng tử người thú nổi giận, và hoàng tử ra lệnh tống giam kẻ lạ mặt này.

Khi hay tin cha mình bị bắt, cô Been, tức là mỹ nhân trong truyện phim, đến tự nộp mình để cứu cha. Thoạt đầu, cô Been rất khó chịu với tính cọc cằn của người thú, nhưng vì bản tính dịu dàng với tâm hồn đầy yêu thương, cô Been quyết tâm giúp người thú sửa mình. Tình yêu thương, sự dịu dàng và tha thứ của mỹ nhân đã giúp người thú trở lại nguyên hình hoàng tử, không phải là một hoàng tử kiêu căng, nhưng đẹp trai, nhất là đẹp lòng, và có một tâm hồn cao thượng nữa.

Truyện phim trên đây chỉ là sản phẩm của một trí tưởng tượng, nhưng tích chứa một bài học quí giá, và có thể gợi ý cho mỗi người chúng ta hiểu và sống giáo lý của Chúa Giêsu:"Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Và ngươi phải yêu người thân cận như chính mình người". Con người không có tình thương thì không còn là con người, mà trở nên người thú như vị hoàng tử trong phim. Có thể như cô Been, chúng ta cũng gặp những người anh em sống không có nhiều tính người mà đã trở thành như những người thú cọc cằn thô lỗ, không lịch sự mánh mung gian tham . . . Và như vậy thì chỉ tình thương tràn đầy mới có thể biến đổi được anh em, xây dựng cuộc sống của anh em trở nên tốt hơn, như cô Been mỹ nhân biến người thú trở thành hoàng tử tốt lành.

Truyện phim trình bày cho chúng ta một cô mỹ nhân từ bản chất hoàn toàn tốt lành, đầy tình yêu thương, nhưng đó là một mẫu người tưởng tượng. Trong thực tế, mỗi người chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, được chia sẻ sự sống và tình yêu thương của Ngài, nhưng mỗi người chúng ta đều có chút tính thú vật xấu nơi mình, do hậu quả của tội nguyên tổ. Mỗi người chúng ta cần đến với Chúa, để cho tình yêu của Chúa thanh tẩy và đổi mới mỗi ngày một hơn. Chúng ta cần yêu mến Thiên Chúa hết sức, hết tâm hồn mình, để được trở nên giống Chúa, và để có thể thực hiện tốt điều răn thứ hai là yêu mến và phục vụ anh em xung quanh, vượt qua được những thú tính của anh em, làm cho anh em trở thành người hơn, và nhất là trở thành con cái Thiên Chúa.

"Thiên Chúa và con người" đó là điều mà chúng ta phải đối xử làm sao với hai thực thể căn bản này. Đây là câu hỏi quan trọng không những của những triết gia, của các nhà tư tưởng, mà là của mỗi người chúng ta. Có người cho rằng Thiên Chúa và con người nghịch nhau, và giải pháp được chọn là chọn một trong hai. Nếu chọn Thiên Chúa thì phải từ bỏ con người, nếu từ bỏ Thiên Chúa thì chọn con người.

Hãy nhìn về cuộc sống mình đang sống, chúng ta đang hướng đến, đang hành xử theo cách nào đây ? Chúng ta hiểu và sống cầu nguyện, sống tin tưởng nơi Thiên Chúa nhưng loại bỏ anh em, thù ghét anh em, mánh mung với anh em, thì làm sao nếp sống đạo của chúng ta là đích thực được. Nếu chúng ta phục vụ anh em mà loại bỏ Thiên Chúa, thì làm sao chúng ta có sức mạnh yêu thương anh em cho đến cùng, có sức mạnh để vượt qua được những thú tính của anh em. Chỉ có tình yêu thương thần thiêng của Thiên Chúa mới có sức mạnh biến đổi. Chúa Giêsu đã nhắc lại điều căn bản này, nhưng chúng ta lại rất dễ quên. Chỉ có con đường duy nhất là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức và yêu thương anh em với tình yêu thần thiêng này, và không có con đường nào khác.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta trở thành một mỹ nhân không phải về thể xác, nhưng mỹ nhân tràn đầy nếp sống tinh thần, làm tròn kiếp sống làm người của mình, và đồng thời cũng giúp anh em xung quanh làm tròn kiếp người của họ trong tình yêu Chúa. Đây là linh hồn của việc loan báo Tin Mừng. Xin Thiên Chúa giúp chúng ta trở thành những nhà truyền giáo, những chứng nhân cho tình yêu Chúa trong mọi hoàn cảnh. (Theo Radio Veritas ngày 24 . 10 . 1999)

VIII. TRANG THIẾU NHI

I. Câu chuyện vui:
Trong giờ trả bài giáo lý của lớp vỡ lòng, thấy Tèo đang chia trí nhìn ra cửa sổ, giáo lý viên liền gọi: "Tèo, em hãy trả lời xem: có mấy Chúa?". Bị gọi bất ngờ, Tèo giật mình lúng túng không biết trả lời ra sao, miệng cứ ấp a ấp úng mãi. Thấy vậy, Tí ngồi đàng sau lấy tay che miệng rồi nhắc khẽ Tèo: "Một Chúa, Một Chúa".

Bỗng Tèo quay lại đàng sau la Tí: "Bạn đừng có mà dụ khị tôi, tôi không mắc lừa bạn đâu. Hồi nãy bạn Tâm trả lời có tới ba Chúa mà cô còn bắt quì kia, huống hồ bây giờ bớt đi còn có một Chúa chắc bị cô đánh đòn quá!"

Tí: !!!!
II. Trò chuyện với thiếu nhi:
Các em thiếu nhi thân mến,

Nghe câu chuyện vui ở trên chắc các em cười cả hai bạn: cười bạn Tèo vì đã không thuộc bài giáo lý, lại còn lo ra chia trí trong giờ học; cười bạn Tí vì tật xấu lén nhắc bạn trong giờ trả bài. Nhưng chúng ta cũng có phần thông cảm, vì dù sao hai bạn trên mới chỉ là học trò lớp giáo lý vỡ lòng.

Để khỏi rơi vào tình trạng dở khóc dở cười của bạn Tèo, chúng ta phải luôn khẳng định rõ tín điều Một Chúa Ba Ngôi, đã được dạy trong sách Giáo lý Công giáo, mà chúng ta đã được học từ lớp vỡ lòng: "Chỉ có Một Thiên Chúa Duy Nhất, mà Người có Ba Ngôi: Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là Con, Ngôi thứ ba là Thánh Thần". Vậy, Thiên Chúa Ba Ngôi chính là đối tượng tôn thờ duy nhất mà niềm tin Công giáo nhắm tới.

Không những thế mà sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh hôm nay cũng bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật vậy:

-Trườc khi về trời, Chúa Giêsu trao ban sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các môn đệ: "Các con hãy đi, thâu nạp môn đệ khắp muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần"(Mt 28,19). Như vậy, việc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh rõ ràng là nhân danh Chúa Ba Ngôi, xuất phát từ Thiên Chúa Ba Ngôi.

-Trong Phúc Âm của Thánh Gioan, việc Chúa Giêsu ban truyền sứ vụ loan báo Tin mừng cho các môn đệ, và qua các môn đệ cho Hội Thánh và chúng ta hôm nay, mang dấu ấn của sự liên kết Ba Ngôi: "Người lại bảo các ông: "Bằng yên cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói rồi, Người thở hơi trên các ông mà phán: "Hãy nhận lấy Thánh Linh. Hễ các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha…"(Ga20, 21-22). Như vậy, sứ vụ phát xuất từ Cha, được trao ban cho chúng ta qua Con, và được thực hiện nhờ quyền phép của Thánh Linh.

-Chúa Giêsu không những cho thấy chính Chúa Cha là Đấng chủ trì công cuộc truyền giáo, khi Người dạy các môn đệ "hãy cầu xin Cha sai thợ gặt đến"(Lc10, 2), mà Người còn liên kết việc đón nhận sứ giả loan báo Tin Mừng, với việc đón nhận chính Cha và Người: "Ai tiếp rước các con là tiếp rước chính Thầy, ai tiếp rước Thầy là tiếp rước chính Đấng đã sai Thầy"(Mt 10,40).

-Vâng theo sự sai khiến của Chúa Cha, Chúa Giêsu không chỉ trở nên linh hồn của mọi hoạt động, trong đó có hoạt động truyền giáo, của Hội Thánh qua lời đoan hứa: "Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế"(Mt 28, 20), mà Người còn hứa ban Thánh Thần để bảo đảm "không phải các con sẽ nói, nhưng chính Thần Khí của Cha sẽ nói trong các con"(Mt 10, 20).

-Cuối cùng, chúng ta đừng quên rằng mục đích của sứ vụ truyền giáo là làm cho muôn dân được tin nhận và tôn thờ Một Chúa Ba Ngôi, để họ được hưởng nhờ ân sủng và ơn cứu độ của Người.

Như vậy, Thiên Chúa Ba Ngôi không những là nguồn xuất phát, mà còn là động lực và là cùng đích của sứ vụ loan báo Tin Mừng Của Hội Thánh.Vì vậy, sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh, cũng như hoạt động truyền giáo của mỗi người chúng ta, không thể tách rời khỏi niềm tin về Thiên Chúa Ba ngôi, cũng như không thể không đón nhận nguồn trợ lực siêu nhiên từ Người.

III. Bài học thực hành:

-Em nghiêm trang, cung kính khi làm dấu Thánh Giá, vì đó là lúc em tuyên xưng Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.
-Em siêng cầu nguyện xin Cha sai nhiều thợ gặt, cũng như xin Chúa Thánh Thần thánh hoá công cuộc truyền giáo của Hội Thánh.
-Em siêng năng học giáo lý để biết Chúa, nhất là biết Chúa Ba Ngôi, để sau này giới thiệu Chúa cho mọi người, nhất là cho các bạn lương dân.

IX. THÁNG BA HƯỚNG VỀ THÁNH CẢ GIUSE

THÁNH GIUSE - VỊ THÁNH ÂM THẦM VÀ THINH LẶNG.

Nếu bạn hỏi mười người xem, ngoài Đức Mẹ, vị thánh lớn nhất đối với họ là ai, thì có sáu đến bảy người sẽ nói rằng đó là Thánh Giuse. Nhưng nếu đề nghị họ kể bạn nghe những điều Thánh Giuse đã làm thì rất ít người có thể nói một cái gì mới lạ : họ sẽ bảo rằng Thánh Giuse là cha nuôi của Chúa Giêsu hoặc kể vài chuyện về Ngài mà ta không biết đúng sai đến độ nào. Ví dụ như câu chuyện chàng thanh niên Giuse được chọn làm hôn phu của cô Maria vì cây gậy của chàng trổ hoa .

Ta trở lại Kinh Thánh để xem các tác giả viết gì về Thánh Giuse. Thánh Mathêu giới thiệu như sau:

Bà Maria thân mẫu của Đức Giêsu đính hôn với ông Giuse, nhưng trước khi chung sống thì đã có thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, vốn là người công chính, không muốn tố cáo bà công khai, nên định bỏ bà cách kín đáo. ông tính làm như vậy thì có sứ thần của Chúa đến báo mộng rằng : "Này Giuse, đừng sợ rước Maria về …". Thức dậy, ông Giuse vâng theo sứ thần Chúa dạy rước vợ mình về nhà. (Mt1, 18 - 24)

Bạn thuộc đoạn văn trên nằm lòng đến độ tôi rất ngại ngùng khi phải ghi lại. Mọi chuyện đã rõ : Thánh Giuse có do dự đó nhưng sứ thần đã đến sắp xếp mọi việc và đâu lại vào đó đúng với CHƯƠNG TRÌNH MẦU NHIỆM CỦA THIÊN CHÚA. Thánh Giuse vâng phục thánh ý Thiên Chúa một cách nhanh chóng, quyết liệt và dứt khoát đến độ vô lý. Ông chỉ cần một dấu hiệu nho nhỏ là đọc được thánh ý Chúa và thực thi ngay lập tức : đó là lý do mà ông được gọi là "người công chính".

Còn bạn và tôi thì sao ? Chúng ta có tự coi mình là công chính không ? Chúng ta có sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa qua một dấu hiệu thật nhỏ và tuân theo mà không bao giờ bàn cãi không ? hay chúng ta chờ đợi những phép lạ nhãn tiền và sau đó lý luận, mặc cả trước khi thực hiện ?

"Người công chính" Giuse suốt đời là một người luôn thức tỉnh trước thánh ý Thiên Chúa, thức tỉnh cả trong giấc ngủ. Bằng chứng là mỗi lần Chúa tỏ ý là mỗi lần ông nằm mộng. Sở dĩ Thánh Giuse xác tín rằng các giấc mộng của mình là thánh ý Chúa đó là gì mỗi lần nằm mộng là mỗi lần ông phải quyết định ngược lại với mọi toan tính của mình. Mặc dù không hiểu gì cả nhưng Thánh Giuse vẫn đón nhận trong âm thầm và thinh lặng.

Đây cũng là một điều bất ngờ nơi Thánh Giuse. Trong bốn cuốn Tin Mừng, không thấy ghi lại một câu nói nào của Thánh Giuse. Đức Maria được xem là mẫu mực của sự thinh lặng cầu nguyện. Người luôn ghi nhận và suy niệm trong lòng, thế nhưng cũng có 6 lần Người lên tiếng. (2 lần ngày truyền tin, 1 lần trước Ysave, 1 lần khi tìm lại trẻ Giêsu, 2 lần trong tiệc cưới Cana). Còn Thánh Giuse thì tuyệt đối không hề nói một lời. Sự âm thầm của Thánh Giuse quả là một đặc trưng. Âm thầm đến độ Ngài chết lúc nào, thế nào, ở đâu thì cũng chẳng ai nói đến. Nhưng chính điều đó đã biến Thánh Giuse thành một vị đại thánh, bởi vì Ngài đã Ngài nghe và làm theo sự hướng dẫn của Chúa một cách tuyệt đối.

Tôi và bạn. Chúng ta cần phải học hỏi các nhân đức của Thánh Giuse. Những nhân đức quan trọng nhất mà ta quan sát được trong đời sống của thánh Giuse, là nhân đức khiêm nhường, nhân đức tin cậy mến, những nhân đức nhân bản .

Đặc biệt noi gương Thánh Giuse trong âm thầm và thinh lặng để có thể nghe được thánh ý Thiên Chúa Ba Ngôi và thực thi ngay lập tức. Cũng trong âm thầm và thinh lặng đó. Bạn và tôi dâng những lời cầu nguyện, những hy sinh, những việc làm tốt cho anh em chung quanh với ý hướng cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.

Thánh Giuse sẽ mãi mãi là tấm gương cho bạn và tôi !!!

X. TẢN MẠN

ĂN CHAY

Tình hình dịch cúm gia cầm đang lan rộng khắp nơi như một đại dịch . Thịt gà vịt bị cấm bày bán trên thị trường làm cho những loại thịt khác tăng giá. Trong lúc nhiều người đang buồn khổ phát điên lên thi chủ nhân của những đàn dê bầy bò phen này được giá bất ngờ.

Một giáo dân nói đùa rằng: "Mùa chay năm nay, các cha khỏi bận tâm nhắc chuyện ăn chay kiêng thịt, lúc này chúng con kiêng thịt suốt ". Không ít người quan niệm mùa Chay phải ăn chay kiêng thịt như luật dạy là đủ rồi. Trong Phúc Âm , những người Biệt phái đã chất vấn Chúa Giêsu: "Tại sao chúng tôi và môn đệ của Gioan ăn chay, còn môn đệ của Thầy thì không ăn chay?" Một quan niệm chú trọng đến hình thức như vậy sẽ làm cằn cỗi giá trị đạo đức, đồng hoá phương tiện với mục đích, và điều nguy hiểm là xem việc ăn chay như cách thế tự cứu mình. Từ chuyên môn gọi đó là "qui ngã" (égocentrique). Câu trả lời của Chúa Giêsu nhằm nói lên rằng chính Ngài là lý do để phải ăn chay hay không. Hướng này gọi là "qui Kitô" {christocentrique).

Những người theo đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo thờ Ông Bà cũng thường đặt những câu hỏi tương tự. Họ đặt nặng vấn đề ăn chay, hoặc theo định kỳ hàng tháng, hoặc chay trường. Nhưng nếu chỉ có 'chay" mà không "tịnh" thì lòng sẽ còn "động" như người ta thường mỉa mai châm biếm :

Thà ăn mặn nói ngay
Hơn là ăn chay nói dối.

Mùa Chay Kitô giáo mang tính cách đặc trưng vừa chuyên biệt nội tâm của mỗi người vừa phù hợp với đường hướng mục vụ của Hội Thánh. Vậy thì Mùa Chay 2004, Năm Thánh Truyền Giáo mời gọi chúng ta đến với mọi người để thi hành sứ mệnh truyền giáo. Đặc biệt quan tâm chăm sóc giáo dục các trẻ nhỏ và ân cần đón tiếp niềm nở những người phận nhỏ theo tinh thần sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Mùa Chay không chỉ ăn chay kiêng thịt, không chỉ là khổ chế tự tạo như đánh tội, mặc áo gai... mà chính là gian khổ của hoàn cảnh sống, đặc biệt của đám đông dân nghèo, mới là trường đào tạo con người rất hữu hiệu. Lửa thử vàng gian nan thử đức. Đúng hơn thì lửa uốn vàng gian nan rèn nhân đức. Chính cái gian khổ của cuộc sống nó sẽ dạy cho chúng ta nhiều điều và nhất là tôi luyện chúng ta nên người bằng cách tạo cho ta một quả tim thịt mềm. Biết vui với người vui, khóc với khóc, là con tim ta đã mở ra và lòng ta đang tăng thêm tình nhân ái.

Bao bị, gậy gộc, tiền bạc có khi cần, có khi không nhưng tấm lòng là không thể thiếu với người truyền giáo. Đến với anh chị em khác đạo, đến với đồng bào lương dân, vốn liếng tri thức rất cần, kinh nghiệm rất cần, phương tiện cũng rất cần, nhưng trên hết và trước hết, phải có một tấm lòng. Trái tim thịt mềm là chiếc cầu nối đôi bờ ngăn cách của sự bất đồng tín ngưỡng, niềm tin hay chính kiến.

Bước vào Mùa Chay Thánh của Năm Truyền Giáo này mong sao đoàn con cái Chúa, mọi thành phần, đặc biệt những tay thợ gặt chuyên biệt, khi nhận chút tro trên đầu, được thêm một chút khiêm nhu chân thành để đến với tha nhân vì đã nhận ra sự mong manh bất toàn của chính bản thân. Cũng mong sao ta biết tận dụng các hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống để dệt cho ta một chút tấm lòng, một chút tình người. Làm người để gặp gỡ con người đặc biệt anh em lương dân khác đạo, là một phương thức tuyệt vời.

X. NGHỆ THUẬT SỐNG

LẮNG NGHE TIẾNG THÌ THẦM

Một giám đốc trẻ tuổi, thành đạt phóng chiếc xe hơi thể thao đời mới hiệu Jaguar khá nhanh qua khu phố bên cạnh. Anh dòm chừng bọn trẻ con có thể bất ngờ lao qua từ chỗ đậu xe và anh giảm tốc độ vì nghĩ hình như vừa thoáng thấy bóng người.

Khi xe anh chạy qua, không có bóng đứa trẻ nào. Nhưng bất ngờ, một viên đá bay thẳng vào cánh cửa xe. Anh thắng gấp và lùi xe về chỗ viên đá bay ra.

Anh nhào khỏi xe, chộp lấy thằng nhóc đang còn đứng đấy và quát to: "Mày nghĩ mày đã làm gì hả nhóc?"

Cơn nóng giận càng bốc lên: "Xe này là xe mới và viên đá của mày sẽ tốn bộn tiền đấy con ạ. Tại sao mày chơi thế hả?"

"Anh ơi, làm ơn. Em xin lỗi nhưng em không còn cách nào khác" . Cậu bé van xin : "Em phải ném đá vì không ai chịu dừng lại cả".

Nước mắt chảy dài xuống cằm cậu bé khi cậu nhìn quanh bãi đậu xe. "Kia là anh trai của em" cậu nói : "Anh ấy ngã khỏi xe lăn nhưng em không thể nào bế anh ấy vào lại được".

Sụt sịt khóc, cậu bé năn nỉ chàng giám đốc: "Anh có thể làm ơn giúp em đưa anh ấy vào lại xe được không ạ? Anh ấy đã bị thương mà anh ấy nặng quá đối với em".

Nghe thế, chàng giám đốc nuốt cơn giận vào lòng. Anh đã giúp chàng trai tật nguyền lên xe lăn, lấy khăn tay lau những vết trầy xước và kiểm tra cẩn thận xem mọi việc đã ổn chưa.

"Cám ơn anh và cầu Chúa phù hộ cho anh" - cậu bé nói với giọng đầy biết ơn. Chàng giám đốc nhìn theo dáng cậu bé đang đẩy chiếc xe lăn đi xa dần.

Đoạn đường anh trở lại với chiếc xe hơi đắt tiền của mình sao bỗng trở nên dài đến thế. Và anh đã không sửa lại cánh cửa xe bị hỏng kia. Anh muốn giữ lại bằng chứng ấy để nhắc mình đừng đi qua cuộc đời nhanh quá đến nỗi ai đó phải ném hòn đá mới mong được mình chú ý.

Luôn có những tiếng thì thầm trong tâm hồn của bạn. Đôi khi bạn chẳng có thời gian để lắng nghe. Và đây là lựa chọn của bạn: hãy lắng nghe - hoặc chờ đến khi gặp một hòn đá! (từ internet)

SỐNH NĂM THÁNH
(03.07.03-03.07.04)

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO ĐỨC
THEO GƯƠNG HAI THÁNH TỬ ĐẠO
PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH & GIUSE NGUYỄN VĂN LỰU

I. ĐỌC LỜI CHÚA: CL 3,12-27

"Thưa anh em, anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu và khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân".

II. GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO

YÊU NHƯ CHÚA YÊU

1. Nét độc đáo của hôn nhân và gia đình Kitô giáo

Trước hết, chúng ta thử đặt vấn đề: Phải chăng chỉ trong gia đình Kitô giáo mới có tình yêu và hôn nhân. Phải chăng chỉ trong gia đình Kitô giáo mới có một tình yêu đẹp và một hôn nhân lý tưởng? Không chắc. Trong những câu truyện Việt nam như Sự tích trầu cau, Hòn vọng phu ...lại chẳng phải là những câu truyện phản ảnh một quan niệm về tình yêu đẹp và hôn nhân lý tưởng đó sao. Những câu chuyện này đâu phải là những câu chuyện của Kitôgiáo. Hơn nữa, người còn cho rằng có khi ở trong gia đình Kitô giáo không có một tình yêu và hôn nhân đẹp cho bằng những gia đình ở ngoài Hội Thánh Công giáo. Thậm chí, người ta còn cho rằng hôn nhân và gia đình trong Kitô giáo nhiều khi không đạt tiêu chuẩn, không đủ lý tưởng.

Vậy, nét độc đáo của hôn nhân Kitô giáo nằm ở chỗ nào? Nó nằm ở lề luật trung tín đơn hôn và vĩnh hôn chăng? Ngoài Kitô giáo cũng vẫn có thôi. Hay do hôn nhân Kitô giáo có thiết định luật pháp vững chắc chăng? Ngoài Kitô giáo cũng có thôi. Có chăng chúng ta chỉ có thể nói được rằng Kitô gíao trong lịch sử đã gây một ảnh hưởng trong xã hội để đi đến một thiết định luật vững chắc cho hôn nhân và gia đình mà thôi. Tất cả những điều này chưa phải là yếu tố để làm cho hôn nhân Kitô giáo có giá trị đối với xã hội và với các nền đạo đức.

Nhưng điểm độc đáo của hôn nhân và gia đình Kitô giáo chính là một ơn gọi. Một ơn gọi xuất phát từ Thiên Chúa. Một ơn gọi chờ đợi tiếng đáp trả từ phía con người. Một ơn gọi tiến đến sự viên mãn của đức ái. Một ơn gọi nhằm phục vụ cộng đoàn.

2. Nội dung của ơn gọi hôn nhân và gia đình Kitô giáo

a. Nhằm tiến đến sự viên mãn của tình yêu

Cho dù chúng ta có sống trong bậc sống nào: là linh mục, tu sĩ hay sống đời hôn nhân, thì ơn gọi làm Kitô hữu vẫn luôn là ơn gọi căn bản. Phép rửa tội là dấu chỉ Thiên Chúa chọn gọi chúng ta làm Kitô hữu. Khi Thiên Chúa gọi chúng ta làm Kitô hữu là Người gọi chúng ta tiến đến sự thánh thiện. Trong Cựu ước, theo nguyên gốc Hypri, thánh thiện do bởi chữ Kadosch, có nghĩa là tách biệt, là cắt đứt. Vì thế, lời mời gọi nên thánh là lời mời gọi chúng ta tách biệt khỏi thế giới trần tục để chỉ hướng về Thiên Chúa và để chỉ dành cho một mình người mà thôi.

Trong Tân ước, sự thánh thiện còn có nghĩa là sự viên mãn của tình yêu . Hiến chế về Gíao Hội lập lại tư tưởng này. Do đó, để sống ơn gọi hôn nhân và gia đình, trước hết là sống ơn gọi làm Kitô hữu. Đó là tiến đến sự thánh thiện, mà tiến đến sự thánh thiện là tiến đến sự viên mãn của đức ái. Nói cách khác, tiến đến sự thánh thiện là tập sống tình yêu trong chính gia đình của mình. Tình yêu mà theo kinh thánh nói đến là tình yêu Agapê, tình yêu của ba ngôi Thiên Chúa.

b. Nhằm phục vụ cộng đoàn

Nét thứ hai của ơn gọi làm Kitô hữu là bao giờ cũng nhằm để phục vụ cộng đoàn. Người Do thái ngày xưa khi chịu phép cắt bì là họ trở thành thành phần của một dân được tuyển chọn, dân của Thiên Chúa. Ngày hôm nay, khi ta lãnh nhận phép rửa tội thì chúng ta không chỉ là đi vào mối tương quan hoàn toàn mang tính cá nhân với Đức Giêsu, mà qua mối tương quan ấy chúng ta còn trở nên thành phần của một dân mới là hội thánh, là chi thể trong nhiệm thể Đức Giêsu. Cho nên làm một Kitô hữu là không chỉ đạt đến sự viên mãn của đức ái mà còn nhằm để phục vụ cộng đoàn. Nếu tôi là linh mục, tu sĩ thì tôi tiến đến sự trọn hảo của Đức ái và phục vụ cộng đoàn bằng việc giữ và sống ba lời khuyên Phúc âm hay bằng việc mục vụ của tôi. Nếu tôi được mời gọi sống đời hôn nhân gia đình thì việc phục vụ cộng đoàn trước hết là phục vụ trong gia đình của tôi. Gia đình mà ngày hôm nay được gọi là Hội Thánh tại gia. Vì thế, phục vụ trong gia đình chính là phục vụ Hội Thánh. Và tất cả những gì được nói về Hội Thánh thì nó phải được thể hiện trong gia đình của chúng ta. Đó là gia đình thờ phượng Thiên Chúa. Đó là gia đình hiệp thông trong tình yêu. Đó là gia đình loan báo Tin Mừng. Đó là gia đình phục vụ sự sống... Nếu gia đình nào thể hiện được những điều này thì gia đình ấy có khả năng phục vụ gia đình rộng lớn hơn là họ đạo, là giáo phận, và là đại gia đình Giáo Hội Chúa Kitô.

3.Sống ơn gọi hôn nhân gia đình là:

a. Sống có trách nhiệm

Chúng ta cần xác định rằng ơn gọi hôn gia đình Kitô giáo không phải là một định mệnh, cũng chẳng phải là sự ngẫu nhiên mà là khởi đi từ một tiếng gọi. Tiếng gọi ấy bao giờ cũng chờ đợi lời đáp trả bằng tự do. Khi đáp trả bằng tự do thì bao giờ cũng gắn liền với một trách nhiệm. Lên tiếng đáp trả ơn gọi là đảm nhận một trách nhiệm. Trách nhiệm với nhau, trách nhiệm với xã hội và trách nhiệm trước Thiên Chúa vì ơn gọi này xuất phát từ Ngài. Do đó, nếu ta ý thức trách nhiệm này thì ta bước vào hôn nhân và sống đời hôn nhân gia đình với tất cả nổ lực và cố gắng để chu toàn trách nhiệm làm chồng, làm cha, làm vợ, làm mẹ và làm con trong gia đình của mình.

b. Sống với một lời hứa

Nói đến một trách nhiệm là nói đến một sứ mạng. Khi Thiên Chúa gọi ai thì bao giờ Ngài cũng trao cho một sứ mạng. Và khi sứ mạng được trao cho ai thì bao giờ Ngài cũng hứa: "Ta ở với ngươi" (x .Xh 3,12). Ơn gọi của Môisen, của các tiên tri và của Đức Maria cho thấy điều đó. Vì thế, nếu Thiên Chúa gọi tôi bước vào đời hôn nhân gia đình thì Ngài cũng trao cho tôi một sứ mạng và cũng hứa với tôi như thế. Nhưng vấn đề là tôi có chấp nhận lời hứa ấy không . Tôi có chấp nhận để Thiên Chúa ở trong gia đình tôi không trong lời kinh hôm kinh mai gia đình?, qua việc cả nhà tôi cùng nhau tham dự thánh lễ và rước Chúa như sức mạnh nâng đỡ không?, và qua phép hoà giải mỗi khi vợ chồng cha mẹ, con cái có những va chạm và những lúc "cơm không lành canh không ngọt" không?

c. Bước theo tiếng gọi của Thập giá Chúa Kitô

Ơn gọi trong Kitô giáo bao giờ cũng là tiếng gọi của Thập giá. Bởi vì mọi người Kitô hữu đều được mời gọi bước theo Đức Kitô mà theo lời thánh Phaolô, Đức Kitô đó là Đức Kitô chịu đóng đinh. Bước theo Đức Kitô trong và qua ơn gọi sống đời hôn nhân gia đình là chấp nhận chịu đóng đinh, là chấp nhận thập giá. Chấp nhận thập giá trong gia đình là chấp nhận những hy sinh, là chấp nhận những khác biệt tưởng chừng không thể hoà hợp được, là chấp nhận những khuyết điểm của nhau,….. nhưng thập giá ấy là thập giá của tình yêu và của sự tha thứ.

Với niềm tin Kitô giáo, không bao giờ chúng ta nhìn thập giá mà lại quên Đức Giêsu phục sinh. Vì thế, trong đời sống hôn nhân và gia đình, chúng ta tin rằng sự hiện diện phục sinh của Ngài chính là sức mạnh và là sự nâng đỡ cho mỗi gia đình chúng ta.

Thay cho lời kết:
Những gợi ý trên đây phần nào giúp chúng ta khám phá con đường nên thánh của các vị tử đạo nói chung và các vị tử đạo Việt Nam nói riêng, khi đọc tiểu sử và cuộc đời của các ngài. Các ngài là những Kitô hữu. Các ngài đã sống ơn gọi Kitô hữu. Các ngài đã bước theo chân Đức Ki tô để hướng đến sự trọn hảo của tình yêu. Để rồi với tình yêu đó, giúp các ngài chấp nhận máu chảy, đầu rơi và vô vàn vô số những cực hình khác nữa.

Lay Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa vì Ngài đã chọn gọi con làm Kitô hữu. Chúng con cám ơn Chúa đã mời gọi chúng con bước vào đời hôn nhân và gia đình. Xin giúp chúng con biết quý trọng và sống ơn gọi này. Đó là con đường nên thánh mà Chúa muốn chúng con sống cách chung thuỷ, đạo đức, với tất cả niềm tin, theo gương cha ông chúng con. Amen.

III. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

CẦU NGUYỆN TRONG HOẠT ĐỘNG

Hoạt động của chúng ta hướng về những kết quả có giá trị thiêng liêng và chúng ta không thể tách rời việc cầu nguyện ra khỏi hoạt động. Cầu nguyện không chỉ là những lúc chúng ta ngồi thinh lặng nghĩ tưởng đến Thiên Chúa, nhưng ngay trong lúc chúng ta hoạt động, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện. Bất cứ làm một công việc gì, dù nhỏ nhặt đến đâu đi nữa, chúng ta có thể cầu xin Chúa cho công việc đó được có kết quả, nhờ ơn Chúa, và kính dâng lên Ngài thành quả tốt đẹp chúng ta đã đạt được. Mỗi ngày chúng ta vẫn thường phân chia thời gian để sinh hoạt : có thời gian học tập, thời gian lao động, thời gian giải trí, thời gian nghỉ ngơi và thời gian dành cho những sinh hoạt khác. Chúng ta có lẽ không quên dành thời gian để cầu nguyện. Thật ra, thời gian cầu nguyện không thể tách rời ra ở một khoảng riêng biệt, nhưng cần được kết hợp trong tất cả mọi hoạt động của con người. Như vậy, sự cầu nguyện đã làm tăng thêm giá trị cho từng công việc của chúng ta. Chúng ta phải cầu nguyện ngay trong khi làm việc, vì tất cả mọi công việc từ khởi điểm đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa.

"Dù chúng ta sống, dù chúng ta chết, chúng ta đều thuộc về Chúa" (Rm 14,8). Vì thế, không phải chỉ lúc sống chúng ta mới có thời gian, nhưng cả khi chúng ta chết, chúng cũng được lãnh nhận thời gian. Thời gian ấy là thời gian vĩnh cửu, thời gian của sự sống đời đời. Thời gian của chúng ta theo ngày tháng qua đi, không thể tìm lại được, vì một quá khứ xa xôi, làm sao có thể tới gần hiện tại, một hiện tại không biết chờ đợi và không ngừng trôi qua. Chính vì vậy, chúng ta hãy thực hiện ngay lúc này công việc của ngày hôm nay, và hãy làm ngay hôm nay công việc của ngày mai . . . Nhận thức sâu sắc được ý nghĩa và giá trị tuyệt đối của thời gian, chúng ta hãy quay về với thời gian của chính mình, để thực hiện đúng theo chương trình của chúng ta đối với Thiên Chúa.

Hãy kiểm soát lại, đừng để phung phí hay đánh mất thời gian. Chúng ta cũng đừng quên lãng hiện tại, vì đó là phần thưởng của Thiên Chúa. Chính Ngài đã dành trọn vẹn cho chúng ta, để chúng ta sử dụng thời gian, tìm lối bước vào đời sống cầu nguyện với Thiên Chúa.

Cầu xin cho đừng có gia đình nào được bắt đầu mà không có nền tảng nâng đỡ.
Cầu xin cho đừng có gia đình nào bị tan rã vì thiếu vắng tình thương.
Cầu xin cho đôi bạn biết phục vụ nhau trong thân xác cũng như trong tinh thần.
Ước mong sao cho đừng có gia đình nào phải sống dưới gầm cầu.
Ước mong sao cho đừng có người ngoài xen vào tổ ấm gia đình và cuộc sống của đôi bạn.
Xin đừng ai ép buộc họ sống không có viển tượng tương lai.
Xin cho đôi bạn có thể sống "hôm qua, hôm nay và mãi mãi tương lai" trog tình phục vụ nhau.
Ước chi gia đình bắt đầu và kết thúc một cách có ý thức về con đường sống dành riêng cho họ.
Xin cho người nam có được ân sũng làm người cha tốt,
Xin cho người nữ trở thành bầu trời đầy sự dịu hiền, sự tiếp đón và sức nồng ấm.
Xin cho những người con biết được sức mạnh phát sinh từ tình yêu thương
Nguyện xin Chúa chúc lành cho Gia đình. Amen.
Xin cho người vợ người chồng có đủ sức mạnh yêu thương không cùng.
Ước gì không ai bước lên giường ngủ mà không xin được tha thứ hay tao ban tha thứ.
Ước chi những trẻ nhỏ học biết ngay từ đầu đâu là ý nghĩa của đồi sống.
Ước chi gia đình biết thực thi sự chia sẻ vòng tay yêu thương và cơm bánh.
Ước chi người vợ và người chồng không phản bội chính mình, và không phản bội con cái.
Ước chi sự ghen tương không làm chấm dứt niềm xác tín về tình yêu giữa hai người.
Ước chi trong bầu trời, ngôi sao sáng nhất là niềm hy vọng luôn hướng về trời trong hiện tại và mai sau.
Nguyện Xin Chúa chúc lành cho gia đình. Amen
(bài hát "Lời Cầu Nguyện của Gia "Đình", cu"a Lm ZEZINHO)

1955    19-04-2012 16:24:52