Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Loan Báo Tin Mừng Trung Thành Với Truyền Thống Hội Thánh Sơ Khai - Tháng 05 năm 2004

Chủ đề: LOAN BÁO TIN MỪNG
TRUNG THÀNH VỚI TRUYỀN THỐNG HỘI THÁNH SƠ KHAI

I. ĐỌC THƯ CHUNG HĐGMVN số 04.

Chúa Giêsu đã thiết lập và uỷ thác cho Hội Thánh nhiệm vụ loan báo Tin Mừng (x. Mc 16, 15; Mt, 28, 19-20). Lệnh truyền nầy đã trở thành sứ mạng chính yếu của Hội Thánh Chúa Kitô. Hội Thánh không hiện hữu cho mình, nhưng cho con người và với con người. Hội Thánh hiện hữu là để loan báo Tin Mừng và làm cho những ai thành tâm đón nhận Tin Mừng trở nên môn đệ Chúa Kitô (x. Mt 28, 19) đồng thời quy tụ cho Thiên Chúa mọi con cái tản mác về lại một mối (x. Ga 10, 52).

Vâng lệnh Chúa Giêsu Kitô, dưới tác động của Thánh Thần. Hội Thánh sơ khai hăng hái dấn thân vào việc loan báo Tin Mừng, sẳn sàng hiến mạng sống để làm chứng về hồng ân cứu độ mà Chúa Giêsu đã thực hiện qua mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Người (x. Cv 2, 37- 40; 1 Cr 9, 16).

II. HỘI THÁNH SƠ KHAI LOAN BÁO TIN MỪNG

1. Sứ mạng của Hội Thánh : Loan báo Tin Mừng.

Các tác giả Phúc âm khi thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đấng Phục sinh và các Tông đồ đều kết thúc với sứ mạng được sai đi : "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn môn đệ...Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 18-20; Mc 16, 15-18; Lc 24, 46-49; Jn 20, 21-23).

Đức Giêsu đến trần gian nầy chỉ với một sứ mạng duy nhất là cứu độ con người. Sứ mạng ấy, Chúa trao phó lại cho các Tông đồ, để rồi đến lượt mình, các Tông đồ trao phó lại cho Giáo Hội. Cứu độ con người là chương trình duy nhất của Đức Giêsu Kitô, và không có chương trình dự phòng. Giáo Hội lãnh nhận sứ mạng được giao phó ấy, giống như những vận động viên trong cuộc chạy đua tiếp sức, đón nhận thẻ từ tay vận động viên chạy trước và cố gắng chạy cho đến đích.

Như vậy, nhiệm vụ căn bản của Giáo Hội qua mọi thời đại là loan báo niềm tin của mình vào Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất của trần gian, Con Một Đức Chúa Cha, xuống thế làm người bởi phép Chúa Thánh Thần. Chỉ qua Đức Giêsu Ktiô chúng ta mới đến được với Thiên Chúa Cha.

Và truyền giáo là nói về Đức Kitô, Đấng cứu Độ muôn dân, là chia sẻ niềm tin mà chúng ta nhận được từ trên cao, chứ không do công trạng chúng ta, về Đức Kitô cho lương dân, vì mọi người đều cần Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết và giao hòa con người lại với Thiên Chúa.

Bởi vì con người chỉ thực sự được giải thoát nhờ gắn bó với Đức Kitô, chỉ nhờ Người chúng ta mới được giải thoát khỏi tội và sự chết. Chỉ có Ngài mới đem lại cho cuộc sống chúng ta một ý nghĩa, sự bình an và niềm vui. Nhiệm vụ chúng ta là phải nói cho mọi người biết về tình thương khôn dò của Thiên Chúa dành cho con người (x. Ep 3,8).

Công Đồng Vaticanô II đã long trọng khẳng định: "Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo" (TG 2). Đức Gioan-Phaolô II cũng nhận định : "Đã đến lúc phải dốc toàn lực trong Giáo Hội vào một cuộc loan báo Tin Mừng mới và vào sứ vụ đến với muôn dân. Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chứ nào trong Giáo Hội được miễn trừ khỏi trach nhiệm cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọ dân tộc" (TĐ. Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, 3)

2. Chúa Thánh Thần, Đấng chủ trì công cuộc truyền giáo.

Chúa Thánh Thần hiện diện trong công trình cứu chuộc của Chúa Kitô và cũng chính Ngài là Đấng chủ trì việc tiếp tục công trình cứu rỗi bắt nguồn từ Thập giá. Dù Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi loan báo ơn cứu rỗi, nhưng chính Chúa Thánh Thần là Đấng tác động thực hiện sứ vụ nầy nơi tâm hồn các nhà truyền giáo và trong lịch sử thế giới.

Thật vậy, ngay từ buổi sơ khai của Giáo Hội, chính Chúa Thánh Thần tác động hoán cải tâm hồn các kitô hữu đầu tiên, soi sáng tâm hồn và hướng dẫn hoạt động của các Tông đồ : "Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Tin Mừng thấm sâu vào tâm thức và tâm hồn nhân loại và lan tỏa trong dòng lịch sử. Chính Chúa Thánh Thần ban sự sống cho tất cả". (TĐ. Dominum et vivificantem, n. 64).

Các Tông Đồ được Đức Giêsu sai đi trong Chúa Thánh Thần. Phúc âm Thánh Gioan đã thuật lại rõ ràng : như Chúa Cha đã sai Người, Chúa Kitô cũng sai các tông đồ vào trong thế gian, và chính vì lẽ đó mà Ngài ban Thánh Thần cho họ. Thánh Luca cũng liên kết chặt chẽ việc các Tông đồ làm chứng về Chúa Kitô với việc Chúa Thánh Thần làm cho sứ mạng ấy được hiện thực.

Trong các bản văn Kinh Thánh nói về việc các Tông đồ được sai đi loan báo Tin Mừng đều đề cập đến hai yếu tố: "đến tất cả các dân nước" và lời đảm bảo của Chúa Giêsu họ sẽ không đơn độc mà sẽ được ơn trợ lực của Chúa: "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 20). Điều đó cho thấy cho thấy có sự hiện diện và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, đồng thời với sự trợ giúp của Chúa Giêsu.

" Trong ngày Hiện Xuống, khi Chúa Thánh Thần xuống tràn ngập các Tông đồ, Người biến đổi các ông thành những chứng nhân và tiên tri, giúp các ông mạnh dạn loan báo về Chúa Giêsu. Chính Chúa Thánh Thần ban cho các ông khả năng làm chứng về Chúa Giêsu một cách "mạnh dạn" (x. Cv 2,29) và hăng say đi khắp nơi loan báo Tin Mừng.

" Qua lời rao giảng đầu tiên của Phêrô ngày Lễ Hiện Xuống, một số đông đã trở lại, nhờ sự khơi động của Thánh Thần. Đó là cộng đồng Giáo hội tiên khởi. Họ để mọi sự làm của chung, sống yêu thương hòa thuận, chuyên cần cầu nguyện và cử hành Thánh Thể. Đời sống của cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi nầy là một chứng từ chiếu sáng cho việc truyền giáo.

Sách Công Vụ Sứ Đồ cho thấy khởi đầu chỉ có nhóm Mười Hai rao giảng Tin Mừng và bắt đầu từ người Do thái; nhưng rồi sau đó, chính cộng đoàn tín hữu, bằng lối sống của mình, đã làm chứng cho Chúa và đem lương dân trở lại (x. Cv 2, 46-47). Như vậy, việc truyền giáo cho lương dân (ad gentes) ngay từ buổi đầu của Giáo Hội được thể hiện bằng chính lối sống tốt đẹp của Kitô hữu và bằng lời loan báo cá nhân mỗi khi có thể.

" Chúa Thánh Thần hiện diện hoạt động qua mọi thời và khắp mọi nơi. Chúa Thánh Thần hiển hiện cách đặc biệt trong Giáo Hội và nơi mọi phần tử của Giáo Hội. Tuy nhiên sự hiện diện và hoạt động của Thánh Thần thì có tính cách phổ quát, không giới hạn trong không gian và thời gian. Chúa Thánh Thần ban cho con người "ánh sáng và sức mạnh giúp họ đáp trả lời mời gọi từ trên cao" (Gaudiun et Spes n. 10). Sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần không chỉ giới hạn trong những cá nhân, nhưng còn trong xã hội, trong lịch sử, nơi các dân tộc, trong các nền văn hóa, trong các tôn giáo...Người dẫn dắt thời gian và biến đổi bộ mặt thế giới qua sự Quan Phòng của Người.

" Công cuộc truyền giáo chỉ mới ở giai đoạn đầu. Đức Thánh Cha mời gọi Giáo Hội cần khởi động lại sứ mạng truyền giáo cho nhân loại thời đại hôm nay, trong sự tín thác vào Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn lực của việc Truyền giáo. Cần can đảm và lắng nghe Thánh Thần.

3. Những đặc điểm của Hội Thánh sơ khai.

Với niềm tin mãnh liệt vào Chúa Kitô Phục Sinh, do việc các Tông Đồ đã chứng kiến tậnmắt, nên các ngài tụ họp lại quây quần sống bên hau, vì cùng chung một niềm tin. Một niềm tin ảnh hưởng trên cả cuộc sống của các ngài, chứ không chỉ trong lý trí hay trong những giờ cầu nguyện, mà thể hiện qua những lựa chọn trong cuộc sống thực tế hằng ngày.

Khởi từ niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh và thao thức với lời di chúc của Chúa Giêsu là đem Tin Mừng đến cho muôn dân, các Tông đồ đã ngoan ngoãn để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn ra đi làm chứng về Chúa cho mọi người. Các ngài đã để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn con người bên trong của mình ngày càng nên giống Chúa Kitô hơn. Bởi vì không thể rao giảng và làm chứng về Chúa Kitô cũng như Tin Mừng của Ngài nếu bản thân nhà truyền giáo không phản ảnh gương mặt Chúa Kitô. Gương mặt Chúa Kitô sẽ trở nên sống động trong chúng ta nhờ ân sũng và hoạt dộng của Chúa Thánh Thần.

Chính Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Hiện Xuống đã biến đổi các Tông đồ trở nên những chứng nhân can đảm cho Chúa Giêsu. Chính Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn các ngài và những người loan báo Lời Chúa trên những nẻo đường gian khổ và mới mẻ của sứ mạng truyền giáo.

Chính nhờ Chúa Thánh Thần nâng đỡ mà Giáo Họi buổi đầu tăng tiến (x. Cv 9, 31). Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội. Chính Ngài giải thích cho tín hữu hiểu ý nghĩa thâm sâu của lời Chúa Giêsu giảng dạy và mầu nhiệm về con người của Ngài. Vào buổi đầu của Giáo Hội cũng như hôm nay, Chúa Thánh Thần là Đấng hoạt động trong mỗi sứ giả Tin Mừng, nếu họ chịu thuộc về Ngài và để Ngài hướng dẫn mình, và đồng thời chuẫn bị cho tâm hồn người nghe biết cởi mở đón nhận Tin Mừng và Triều đại được loan báo.

Nhờ sự dẫn dắt từ bên trong của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh sơ khai đã thể hiện việc rao giảng Tin Mừng trước tiên, bằng đời sống yêu thương của mình. Họ đồng tâm nhất trí với nhau không chỉ trong lời nói mà cả trong việc chia sẻ của cải vật chất, khiến cho mọi người không ai thiếu thốn điều gì. Nhờ liên kết mật thiết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện qua việc ôn lại những kỷ niệm về những điều mà Thầy chí Thánh đã nói và làm, cử hành việc bẻ bánh để tái diễn cử chỉ thân thương của Thầy, các Kitô hữu tiên khởi đã cảm nghiệm sâu sắc về tình thương của Chúa đối với họ, nhờ đó, đến lượt họ cũng đã thể hiện một lối sống yêu thương đối với nhau. Chính đời sống yêu thương ấy, tự nó đã là một lời chứng tuyệt vời về Tin Mừng.

Xác tín mình được Thiên Chúa yêu thương, các Kitô hữu tiên khởi đã ra đi loan báo tình thương Chúa cho mọi người rằng mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc. Đây chính là trọng tâm của việc truyền giáo. Bởi vì "Đức tin được sinh ra từ lời loan báo và mọi cộng đoàn giáo hội bắt nguồn và phát sinh từ việc đáp trả cá nhân của mỗi tín hữu vào lời loan báo này. Cũng như tâm điểm của nhiệm cục cứu độ là Đức Kitô, thì cũng thế, hoạt động truyền giáo là nhằm loan báo mầu nhiệm của người" (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế số 44).

Nhờ gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh và đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, Giáo Hội sơ khai đã can đảm làm chứng cho đức tin của mình cho đến chết. Thật vậy, lời chứng hùng hồn nhất cho Tin Mừng là dâng hiến chính bản thân mình và đây chính là lời chứng có tinh thuyết phục nhất mà Giáo Hội 21 thế kỷ qua luôn trung thành bước theo.

Lạy Chúa, xin cho Giáo Hội luôn trung thành với truyền thống Hội Thánh sơ khai, trong việc loan báo Tin Mừng, bằng đời sống yêu thương, quên mình, cho đến chết, dưới sự dẫn dắt và nâng đỡ của Chúa Thánh Thần.

III. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

1. GỢI Ý SUY NIỆM.

Nhớ các biến cố khơi nguồn sứ vụ Loan Báo Tin Mừng: Trước Chúa lên trời, Chúa Thánh Thần hiện xuống, Hội Thánh sơ khai thi hành sứ vụ, cách nhiệt tâm. Hội Thánh cùng đồng tâm nhất trí, cầu nguyện chung, Bẻ bánh chung, mọi sự là của chung, cùng kể cho nhau nghe những Lời Chúa nói, việc Chúa làm .. .

2. GỢI Ý SÁM HỐI

Tôi không tham dự những buổi sinh hoạt đạo đức bình dân. Xin Chúa thương xót tôi.
Tôi không lãnh nhận hoặc khô khan đối với các Bí tích của Chúa. Xin thương xót tôi.
Tôi ít tham dự Thánh Lễ, và tôi sống thiếu hài hòa với anh chị em. Xin thương xót tôi.

3. LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Khi nhìn vào đời sống Giáo Hội sơ khai, người ta phải tấm tắc khen ngợi: "Kìa xem, họ thương yêu nhau là dường nào". Từ đó cho ta thấy: sống đức tin và đức ái, là loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu. Chúng ta cầu nguyện cho cộng đoàn chúng ta nên những chứng nhân loan báo Tin Mừng:

- Phêrô đứng chung với nhóm mười một tông đồ, lớn tiếng nói rằng: " … Đức Giêsu … là Đấng Kitô". Chúng ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục và hàng Giáo Sĩ được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần trong việc giảng dạy và hướng dẫn Hội Thánh.

- Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong Kinh Thánh, cùng các Giáo huấn của Hội Thánh.

- Các tín hữu siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu siêng năng và tích cực trong việc tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các Bí tích; đồng thời cũng sốt sắng trong các việc đạo đức bình dân.

- Các tín hữu ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người, mọi gia đình trong họ đạo chúng ta, sống đức tin và đức ái chân thành, sống hòa thuận yêu thương nhau, mà làm chứng cho đạo Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, sự phục sinh của Con Chúa đã thật sự tác động hiệu quả nơi cộng đoàn Giáo Hội sơ khai. Nhờ đó mà Hội Thánh ngày càng lớn mạnh. Chúng con nài xin Chúa ban Thánh Thần Chúa xuống trên chúng con, biến đổi chúng con nên những chứng nhân loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

IV. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

ĐỨC ÁI: LINH HỒN CỦA VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG

Công việc Loan báo Tin Mừng phải là sự nhập thể của một tình yêu thuần túy đối với những người lân cận, phải là sự biểu hiện của một Đức Ái sống động. Đương nhiên, việc loan báo Tin Mừng phải được diễn tả bằng lời nói, bằng văn bản được in ra, bằng những tổ chức, những biểu hiện và những ảnh hưởng có tính toán, vì điều kiện sống của con người đòi hỏi như thế, và không gì được thể hiện cách thuần túy siêu nhiên, kể cả những gì được hoàn tất do sức mạnh của Thánh Thần. Như vậy, việc loan báo Tin Mừng cũng phải có cách thức nào đó, nhưng nếu quá chú trọng đến hình thức, thì dễ có nguy cơ rơi vào tình trạng quên đi tinh thần và sẽ bị vật chất hóa, trở thành chai cứng, dễ bị thoái hóa. Đúng vậy, vì sứ mệnh của việc loan báo Tin Mừng quá cao cả đối với con người, nên nguy cơ bị thoái hóa càng trở thành một mối đe dọa. Linh hồn của việc loan báo Tin Mừng là Đức Ái, là tình yêu chân thực đối với Thiên Chúa và con người. Vì tình yêu này mà Giáo Hội, từ thời các tông đồ đến nay, luôn nhiệt tình và can đảm rao truyền Tin Mừng bất chấp mọi khó khăn gian khổ, và luôn trung thành với truyền thống Tông Đồ.

Ngay từ thời các tông đồ, các tín hữu đã cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người, được thể hiện trong Đức Giêsu Nazareth, nên họ nhiệt tình và can đảm loan truyền cho mọi người. Họ loan Tin Mừng một cách tự phát như là hơi thở vậy, Họ đi đến đâu thì Tin Mừng được loan báo đến đó. Trốn cuộc bách hại ở Giêrusalem, họ lên Samari và Samari trở nên như trung tâm của Giáo hội sơ khai, vì ở đó Giáo Hội được bình an, số tín hữu tăng lên mãi.

Chỉ trong vòng ba thập niên, Tin Mừng đã lan rộng khắp các nước xung quanh Địa Trung Hải. Tin Mừng được loan đi rộng rãi và mau chóng như thế là nhờ ý thức truyền giáo phát sinh trong tâm thức mọi Kitô hữu, không phân biệt giáo phẩm hay giáo dân. Lúc đó, người giáo dân truyền giáo không do mệnh lệnh của hàng giáo phẩm. Đặc biệt tại Antiôkia, một số tín hữu từ Cyrênê, Cyprô đã nảy ra sáng kiến rao giảng Tin Mừng cho người ngoại. Nhiều người trở lại, gây tiếng vang tới Giêrusalem. Chừng đó, các tông đồ mới sai Barnaba tới để quan sát (Cv 11, 19-24).

Những người giáo dân làm tông đồ nổi tiếng thời đó là vợ chồng Aquila-Priscilla, bà Lyđia và hàng chục người nam nữ được thánh Phaolô nêu đích danh và thăm hỏi trong thư Rôma (Rm 16, 1-16). Thậm chí Apollô, một người chưa được rửa trong Đức Giêsu đã bắt đầu rao giảng về Đức Giêsu tại Alexandria và Êphêsô. Sau khi được chịu phép Rửa tội trong Đức Giêsu ông đến rao giảng tại Antiôkia. Chẳng ai sai ông đi rao giảng, trừ ra Thánh Thần mà thôi.

Động lực nào thúc đẩy họ nhiệt tình rao giảng như vậy ? - Đức Ái trong Thánh Thần. Đúng vậy, Công cuộc rao giảng Tin Mừng mà không có tình yêu, sẽ trống vắng mọi thực chất. Khi đó, thay vì trở thành như một lời mời gọi đối với những người ngoài công giáo, thì nó sẽ trở thành như một phương tiện kích bác, công kích. Nguy cơ này dặc biệt dễ dàng xảy ra trong những lần biểu dương công khai, bởi vì những cuộc biểu dương ấy dễ bị hiểu như một xác quyết ngạo mạn về tín ngưỡng của mình, ngay cả khi mục đích của những lần biểu dương đó chỉ nhầm làm nổi bật lý tưởng thuần túy và huynh đệ nhất của tôn giáo. Tinh thần biểu dương ấy tự đắc với những cuộc đại hội có cả chục ngàn người, nhưng lại quên đi khía cạnh gíá trị của khối người ấy, thì công cuộc loan báo Tin Mừng khi đó chỉ nhắm vào những con số, nhắm đến việc chiêu mộ, ưu tư đến số lượng, ưa thích những bản thống kê.

Dĩ nhiên, việc loan báo Tin Mừng với tinh thần Đức Ái cũng lưu ý đến khối lượng nhưng ưu tiên vẫn là những con người, từng cá nhân cùng với hoàn cảnh của họ, thảm kịch và số phận tư riêng của họ. Việc loan báo Tin Mừng có Đức Ái sẽ cảm nghiện cách sâu sắc giá trị đặc thù của từng con người và sự khẩn thiết phải làm cho mọi người khám phá ra giá trị đích thực của cuộc sống. Việc loan báo Tin Mừng khao khát làm cho tất cả mọi người trở thành Kitô hữu, nhưng lại không thích thú gì bao nhiêu đến số lượng, mà ưu tư nhất là nhìn thấy mỗi người anh em của mình tháp nhập vào Giáo Hội, vào Đức Kitô, vào Thiên Chúa với một hành vi thực sự có tính cách nội tâm, tự do và cá thể. Vấn đề không phải chỉ là việc người ta được nhận lãnh Bí tích Rửa Tội, người ta được gọi là Kitô hữu, nhưng là nhìn thấy con số những người thực sự và chân thành gắn bó với Thiên Chúa mỗi ngày một tăng thêm. Linh mục Yves de Montcheuil đã viết:"Tiên vàn và duy nhất không phải là việc tăng số lượng các thành viên gia nhập Giáo Hội, là tìm kiếm những dự tòng đông đảo, là tổ chức những cuộc biểu dương vĩ đại, nhưng là làm cho con người biết đến với đời sống Kitô giáo, giúp đỡ họ đi sâu vào đời sống ấy hơn, làm cho họ biết dâng cho Thiên Chúa nhiều hơn để rồi chính họ tiến sâu vào đời sống dâng hiến". (Yves de Montcheuil, Pour un apostolat spirituel).

Khi không đâm rể sâu trong Đức Ái, việc loan báo Tin Mừng sẽ mang tính chất truyền thông và dễ dàng trở thành một thứ nghề nghiệp. Đó là lý do gây ngạc nhiên cho chúng ta, khi chúng ta thấy có những người rất nhiệt tình trong công cuộc hô hào phổ biến niềm tin, rồi lại dễ dàng bỏ ngay niềm tin của mình để đi đến một quá khích chỉ có tính cách xã hội nào đó.

Tóm lại, việc loan báo Tin Mừng có Đức Ái tiên vàn là một sự hiến thánh bản thân mình cách thành thật cho Thiên Chúa. Nó giả thiết một sự hiểu biết có kinh nghiệm và một nhận thức sâu sắc về mầu nhiệm Đức Kitô, về con người nhân linh, về tội lỗi, về sự cứu chuộc và về ân sủng. Đó là sự xác tín thâm sâu dàn trải và hiệp thông, là sự khám phá lớn lao mà người loan báo Tin Mừng có Đức Ái đã thâu thập được và muốn đem ra chia sẻ lại cho mọi người. Đây chính là tinh thần loan báo Tin Mừng truyền thống của Giáo Hội chúng ta.

V. GHI NHẬN

NGÀY " GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO"

Từ sáng sớm ngày 30.4, từng đoàn người khắp nơi trong giáo phận vội vả trong tinh thần phấn khởi tiến về nhà thờ Chánh Tòa. Những đôi vợ chồng U 50 dùng những phương tiện lưu thông như xe khách, ghe tàu, xe hai bánh trông thật đầm ấm hạnh phúc. Họ đi mang theo những tâm tư mong được lắng nghe chia sẻ, dồng thời khát mong được học hỏi những kinh nghiệm và gương sống tốt đẹp.

Ban Tiếp Tân phải làm việc hết công suất để trao đến từng tham dự viên những tài liệu, phù hiệu và kèm theo phần ăn sáng đủ bảo đảm chất lượng, vì " có thực mới vực được đạo" mà. Anh chị em đã quen với công việc này trong nhiều năm qua, nhờ đó sớm ổn định trật tự cho hàng ngàn người trong một thời gian ngắn nhất. Tổng số tham dự viên đến 2500, phân chia thành 30 nhóm, được hướng dẫn do 60 anh chị em linh hoạt viên.

Khai mạc

Cha Tổng Đại Diện tuyên bố khai mạc Đại Hội "Gia Đình Công Giáo, chứng nhân Tin Mừng" , lấy tha thứ làm trọng tâm dựa trên thơ của Thánh Phaolô Tông đồ gới giáo đoàn Côlôsê : "Anh em hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, như Chúa đã tha thứ cho anh em" (Cl 3, 13) . Bài hát chủ đề được mọi người đồng xướng trở thành một giai điệu ngọt ngào và đầy tâm quyết : "Bên nhau chung một mái nhà người ơi hãy là sợi thương . Bên nhau góp sợi chỉ tình chung khâu áo rách gia đinh . Sức sống gia đình ta là kết mối dây vị tha . Sức sống gia đình ta là 3 mối trong 1 tình".

Tiếp theo, kiệu ảnh Thánh Gia Thất lên nhà thờ trong một nghi thức trang trọng và sốt sắng. Một đoàn người đông đảo bước theo Thánh Gia tiến vào Nhà Chúa được xem như một hình ảnh đẹp mang nhiều ý nghĩa. Thánh Gia dìu dắt các gia đình công giáo trong cuộc hành trình đức tin của họ, và điểm dừng cuối cùng là được sum họp nơi Thiên Đàng.

Thuyết trình

Bữa ăn tinh thần do Cha Tổng Đại Diện chiêu đải các tham dự viên gồm nhiều món chọn lọc cách hài hòa. Dĩ nhiên món đặc sản Kinh Thánh bao giờ cũng là món chủ lực:

- Giữa một thế giới hận thù bạo lực, Đức Thánh Cha kêu gọi các kitô hữu hãy biết sống tha thứ.

- Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2003 mở ra một hướng truyền giáo bằng cách làm chứng cho sự thật. Người công giáo sống quảng đại tha thứ theo gương Chúa Giêsu.

- Nền tảng Kinh Thánh: Thiên Chúa là Đấng hay tha thứ cho con người lỗi phạm. Là hình ảnh của Thiên Chúa, con người thể hiện sự tha thứ cho nhau. Hơn ai hết, vợ chồng một xương một thịt, dùng chất keo tha thứ để hàn gắn những rạn nứt "gương vỡ lại lành" đẹp hơn xưa, sáng hơn trước.

- Gia đình học tập, rèn luyện, thực hành thương yêu tha thứ trong gia đình mình, từ đó lan tỏa ra chung quanh.

Thảo luận nhóm

Những câu chuyện về người chồng, người vợ, những đứa con được các đôi vợ chồng trình bày cách sống động. Bây giờ là lúc thuận tiện để họ bộc lộ những tâm tư của mình. Làm sao vượt qua những trở ngại trong việc thực thi đức ái trong gia đình khi gặp phải người chồng sa đọa, rượu chè, độc tài, bạo hành, khô đạo … hay người vợ hung dữ, cay chua, gắt gỏng, lấn lướt ? Cha mẹ có những biện pháp cụ thể nào dành cho những đứa con lêu lõng thôi học, bỏ nhà đi hoang ? Vợ chồng khác đạo, cha mẹ chồng khó tính cũng là những vấn đề nhức nhối được nêu lên như những lời cầu cứu. Phải tính sao đây khi làm việc tông đồ giáo dân mà không được sự đồng thuận của người bạn đời ? Những lời chia sẻ chân thành, những lời giải đáp hợp tình hợp lý luôn được đón nhận bằng những tràng pháo tay nhiệt liệt tán thưởng.

Thánh lễ cầu cho các gia đình

Đức Cha Tôma chủ tế cùng với hơn 20 cha đồng tế và các đôi vợ chồng cho thấy một đại gia đình giáo phận quanh Bàn Tiệc Thánh Thể. Một cộng đoàn "Agapê" thể hiện đức ái trong hiệp thông và chia sẻ. Bí tích Thánh Thể là nguồn sống nuôi dưỡng sự hiệp nhất trong tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình công giáo.

Bài huấn từ của Đức Cha so sánh gia đình của nguyên tổ Adam - Eva và Thánh Gia Giuse - Maria - Giêsu. Sự sa ngã của nguyên tổ làm cho tình yêu trở nên lệch lạc, đem tội vào thế gian, kéo theo bao hậu quả nghiêm trọng. Thánh Gia Thất là một mẫu gia đình mới mà Thiên Chúa muốn tái lập nhằm ban ơn cứu độ cho con người. Làm sao Thánh Gia phải được nhân rộng ra trong toàn giáo phận. Đức Cha luôn nhấn mạnh yếu tố tình yêu trong gia đình. Tình yêu đem lại hạnh phúc và giúp vượt qua những trở ngại.

Gia đình theo Chúa

Đại Hội lần này, nhóm "gia đình theo Chúa" từ Sàigòn được mời đến thuyết trình. Họ gồm 5 đôi vợ chồng trông hạnh phúc và nói năng đạo đức. Chủ đề "Phục sinh là tha thứ và tha thứ là phục sinh" được đón nhận như điều mới mẻ và hấp dẫn. Nội dung trình bày: Nơi Thánh giá, Chúa Giêsu đã làm gì để tha thứ? Sau khi sống lại, Ngài đã tha thứ cho các môn đệ như thế nào? Làm tổn thương nhau nơi thân xác, trái tim, trí nhớ, tâm hồn. Đó là những vết thương, những kỷ niệm buồn. Chữa lành bằng cách sẳn sàng tha thứ, để giúp nhau sống cuộc sống mới (phục sinh).

Không chỉ là những lời nói suông, họ còn diễn tả việc vợ chồng xin lỗi nhau, nói lời tha thứ cho nhau cách chân thành và cùng cầu nguyện cho nhau. Thật ấn tượng và cảm động! Hy vọng những cách làm này và những lời nói đó sẽ còn được lặp lại nơi các gia đình công giáo.

Những cảm nghĩ
- Hơn cả sự mong đợi.
- Gia đình con quyết tâm theo Chúa hơn.
- Vợ chồng của con cùng nhận thức: tha thứ là một nghĩa vụ kéo dài suốt đời.
- "Gia đình là một vườn ươm", một hình ảnh so sánh rất hay.
- Làm việc tông đồ giáo dân được bắt đầu ngay trong chính gia đình của con.
- …

Bế mạc vào lúc 16 giờ. Một ngày nắng đẹp. "Ông Trời" cười toe toét hài lòng, đúng là Cha Trưởng Ban Mục vụ Giới trẻ, đồng thời là Trưởng Ban Tổ Chức. Ẩm thực đây đủ, âm thanh chất lượng cao, vệ sinh trật tự đúng mức. Tóm lại : đủ, nhanh, sạch, đẹp.

VI. NGHỆ THUẬT SỐNG

Ở Hy-lạp cổ xưa, nhà triết học Socrates vốn nổi tiếng thông thái và uyên bác. Ngày nọ, một người quen đến gặp ông và hỏi: "Ông có muốn biết những gì tôi mới nghe được về một người bạn của ông không ?" Và sau đây là những mẩu đối thoại giữa hai người:

- Xin chờ một chút. Trước khi kể về người bạn của tôi, tốt nhất anh nên suy nghĩ một chút và chọn lọc những gì anh định nói. Chính vì thế tôi muốn anh trả lời ba câu hỏi. Câu thứ nhất là về sự thật. Anh có hoàn toàn chắc chắn rằng những điều anh sắp kể là có thật không ?"
- Ồ không ! Thật ra tôi chỉ được nghe nói về điều đó thôi, và...
- Được rồi. Bây giờ là câu hỏi thứ hai, câu hỏi về sự tốt đẹp. Có phải anh sắp nói những điều tốt đẹp về bạn tôi không ?
- Không, mà ngược lại là...
- Thế à ? Còn một câu hỏi cuối cùng ,câu hỏi về sự hữu ích.Tất cả những điều anh sắp nói về bạn tôi thật sự cần thiết cho tôi chứ ?
- Không, cũng không hoàn toàn như vậy.
- Vậy đấy. Nếu những gì anh muốn kể không có thật, cũng không tốt đẹp, thậm chí cũng chẳng cần thiết cho tôi thì tại sao anh lại phải kể với tôi nhỉ ?

SỐNH NĂM THÁNH
(03.07.03-03.07.04)

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO ĐỨC
THEO GƯƠNG HAI THÁNH TỬ ĐẠO
PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH & GIUSE NGUYỄN VĂN LỰU

I. ĐỌC LỜI CHÚA: Mc 16,15

"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo"

II. DẪN Ý CẦU NGUYỆN

1.Gia đình dấn thân trong ơn gọi làm Kitôhữu:

Người ta thường nghĩ rằng chỉ có hai ơn gọi. Một là ơn gọi làm linh mục. Hai là ơn gọi làm tu sĩ. Nhưng từ sau công đồng Vatican II, trong những tài liệu và bản văn giáo lý đã bắt đầu nói đến hôn nhân cũng là một ơn gọi ngang hàng với ơn gọi linh mục và tu sĩ. Và cho dù là ơn gọi nào di nữa thì tất cả chúng ta đều có một điểm chung là cùng đáp trả lời mời gọi nên thánh của Đức Giêsu: "hãy nên thánh" (x Mt 5, 48). Nói cách khác, mọi ơn gọi đều bắt đầu từ ơn gọi làm Kitô hữu trong và qua phép rửa tội. Nói đến ơn gọi là nói đến sứ mạng. bởi khi Thiên Chúa lên tiếng kêu gọi là Ngươi trao cho một sứ mạng, một bổn phận. Trong và qua phép rửa tội này,Thiên chúa đã kêu gọi chúng ta làm con của Người, làm chi thể của Đức Kitô, nhưng đồng thời ngài cũng trao cho chúng ta sứ mạng rất lớn. Đó là sứ mạng tiên tri, sứ mạng tư tế, sứ mạng vương đế. Vì thế để nên thánh trong ơn gọi hôn nhân và gia đình, mỗi gia đình công giáo nhất thiết phải dấn thân thực thi sứ mạng này.

2. Gia đình dấn thân loan báo Tin Mừng:

Công đồng Vatican II định nghĩa gia đình là Hôi Thánh tại gia. Điều này có nghĩa là trong mỗi gia đình Kitô hữu cũng mang những đặc tính của Hội Thánh phổ quát trong đó phải kể đến đặc tính loan báo Tin mừng. Vì thế, gia đình Kitô hữu là gia đình đã đón nhận Tin Mừng, lớn lên trong Tin Mừng, và phải sẳn sàng dấn thân rao giảng Tin mừng cho người khác. Vì là hội thánh tại gia, nên mỗi gia đình cần ý thức sự dấn thân này. Tất cả mọi thành viên trong gia đình đều phải loan báo Phúc âm và nhờ đó được phúc âm hoá

Noi gương đôi vợ chồng Aquila và Pơrítkila trong sách Công Vụ Tông Đồ (x. Cv 18,1tt), nhiều gia đình bên Âu châu đã tự nguyện hy sinh một phần đời mình để dấn thân phục vụ Tin mừng ở những miền đất xa xôi nhất của thế giới

Thế nên, mỗi gia đình chúng ta phải là một ngọn hải đăng cho "những kẻ ở xa", chưa tin, chưa thấy ánh sáng của Tin mừng, hoặc chưa sống phù hợp với Tin mừng. Vì theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tương lai của việc phúc âm hoá tuỳ thuộc rất nhiều ở các gia đình.

Lời nguyện dấn thân:
Lạy Chúa Thánh Thần,
Gia đình con ao ước dấn thân
Làm chứng nhân của Đức Kitô và tình yêu của Chúa Cha.
Nhưng chúng con biết chúng con yếu hèn và sợ hãi
Nên chúng con tin tưởng phó thác vào Chúa
Để Chúa đổ đầy sức mạnh và quyền năng Chúa trên gia đình chúng con.
Để gia đình chúng con can đảm rao truyền Phúc âm bằng lời nói và việc làm, mọi nơi mọi lúc.
Xin cho gia đình con
Được hô hấp nhờ lời Chúa trong phụng vụ mỗi ngày
Được nuôi dưỡng nhờ Thánh Thể thường xuyên
Được chữa lành qua Bí tích hòa giải.
Xin ban cho gia đình con
Một đức tin sống động để chuyển lời kinh của chúng con thành việc làm cụ thể
Sẳn sàng phục vụ
Thực hiện tình yêu thương anh em
Mở miệng nói lời khôn ngoan nhờ Chúa hứng khởi
Trong cuộc sống gia đình , nghề nghiệp và xã hội
Để gia đình con có thể can đảm, kiên trì loan báo cho thế giới biết Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng cứu độ.
Xin cho gia đình con
Sống hiệp thông với anh chị em xung quanh
Thường xuyên họp nhau thành từng nhóm sống phúc âm
Để giúp nhau phát triển và đào sâu cuộc sống siêu nhiên và tông đồ.
Xin dạy gia đình con
Sống hiệp nhất và tin tưởng vào các mục tử của Giáo Hội :
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Đức Giám mục Tôma chúng con và các giám mục
Các linh mục
Để cùng các ngài, gia đình chúng con chu toàn phần trách nhiệm của mình trong công cuộc truyền bá Phúc âm.
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.Amen.

III. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

BIẾT ĐẾN GẦN

Ai là người lân cận của tôi ? Một tiến sĩ luật thắc như vậy đó. (Lc 10, 29-37). Và Đức Giêsu kể chuyện một người khốn cùng bị bọn cướp bỏ mặc trong tình trạng dở sống dở chết bên lề đường. Một thượng tế đi ngang và tránh qua lề đường bên kia. Một tư tế đi ngang . . . và cũng không hơn chi ông thượng tế trước mình. Một người Samaritanô đi ngang và đã bước đến bên nạn nhân . . . Theo ý ông, ai trong ba người là lân cận của nạn nhân ?

Qua hai chữ "lân cận" trong dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói lên một ý nghĩa tích cực, ít ai có thói quen nghĩ tới. Nhà thông luật hỏi : Ai là người lân cận của tôi ? Đức Giêsu trả lời ông : Hãy trở nên lân cận với mọi người, nghĩa là hãy trở nên con người biết đến gần, biết đến bên cạnh người khác trong tinh thần tương trợ, hãy trở nên con người biết nghiêng mình nhìn đến nỗi khổ đau của con người, của mọi người, của con người đầu tiên ở trước mặt mình dù là một người xa lạ và có thể là kẻ thù của mình nữa, hãy trở nên cận kề như người Samaritanô đã làm đối với nạn nhân lạ mặt bất tỉnh nhân sự bên vệ đường.

Đến cận kề ở bên, đến với những nhu cầu cấp thiết của người lân cận, không đợi chờ cho họ phải cầu cứu. Như Đức Maria trong tiệc cưới Cana, luôn luôn có đôi mắt, đôi tai tinh tế, không phải để thỏa mãn bản tính tò mò của mình, nhưng là để sẳn sàng luôn, trước những khốn khó của trần thế, hầu có thể biết được đâu là lúc, và đâu là phương thức lợi ích để chúng ta có thể ra tay tương trợ mà không cần người khác phải van nài chúng ta, phục vụ không gây phiền hà. Đó là một trong những dấu chỉ quyết liệt nhất của đức ái chân thật.

Đức ái là sự lưu ý đến người khác, là sự tôn trọng, là tri thức sâu xa về người lân cận của mình. Những thái độ nội tâm đó sẽ chỉ là sự vô tâm và lừa dối nếu đức ái của chúng ta không trở thành tích cực và không bùng nổ thành muôn vàn sự kiện phục vụ đa diện vì lợi ích của anh em. Đức ái là một tinh thần, nhưng là một tinh thần có rất nhiều bàn tay để nắm lấy những bàn tay khác. Căn bản ở chổ ta có biết sử dụng những bàn tay ấy hay không ?

Biết đến gần là có tinh thần cộng tác, có sự chú tâm đến người khác. Sự chú tâm luôn luôn cảnh giác để có thể đưa tay ra giúp đỡ những người đang sống với chúng ta, hoặc những người chúng ta gặp trên đường, để đưa họ ra khỏi tình trạng khó khăn nào đó, hoặc giúp đỡ họ một việc bình thường nào đó, như giúp một hành khách bước lên xe, tình nguyện vác đỡ gánh nặng cho một người lớn tuổi . . . có biết bao cơ hội để chúng ta thể hiện tinh thần cộng tác. Nhưng rồi cũng có biết bao người sống như câm như điếc trước những nhu cầu nho nhỏ đó. Thánh Ambrôsiô dạy rằng: "Bạn sẽ mắc lỗi rất nặng nếu bạn để cho người lân cận của mình ngụp lặn trong nỗi cùng khốn; bạn biết họ đang thiếu thốn những gì cần thiết, họ đang đói, họ đang chật vật, bạn biết họ ngần ngại không dám thú nhận sự khốn cùng của họ, thế mà bạn vẫn không đưa tay giúp đỡ họ . . . đó là một trọng tội".

Thay lời kết:

Trong bộ sưu tập "Études" đầu năm 1940, của Doncoeur, có một bài nhan để Remaillage. Tác giả ví một dân tộc cũng như một tấm vải. Khi những sợi chỉ gắn bó sít sao với nhau thì tấm vải có thể bọc gió và đủ sức đưa chiếc thuyền lướt tới, đủ sức bảo vệ thân xác chúng ta chống đỡ mưa sa gió lạnh và bảo vệ hơi ấm của cơ thể. Nhưng một khi sợi chỉ rời rã, tấm vải trở thành vô dụng . . . Khi đó, điều căn bản là chúng ta biết quét hồ tấm vải lại. Bằng cách nào ? Bằng cách biết chú tâm để không bỏ lỡ bất cứ dịp nào, hầu có thể phục vụ và tạo nên một bầu khí tế nhị yêu thương giữa những con người vẫn luôn luôn bị giới hạn bởi thái độ hờ hững, khinh thường và hận thù của kẻ khác.

Phải chăng khu xóm chúng ta đang sống là một tấm vải bị xời xạc với những sợi chỉ rả rời ? Vậy chúng ta hãy là người mang hồ đến quét lại tấm vải ấy đi.

(viết theo JeanVieu Jean)

1247    19-04-2012 16:17:13