Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Loan Báo Tin Mừng Với Nhiệt Tình Tông Đồ Mới - Tháng 07 năm 2004

Chủ đề: LOAN BÁO TIN MỪNG VỚI NHIỆT TÌNH TÔNG ĐỒ MỚI

I. ĐỌC THƯ CHUNG CỦA HĐGMVN số 07

Hãy lên đường với tinh thần tông đồ, là sự hăng hái được thúc đẩy bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần, là lòng nhiệt thành truyền giáo được nung đốt bởi lửa của Chúa Thánh Thần, là những sáng kiến do ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Đó chính là tinh thần của Chúa Giêsu Kitô, "Đấng đã đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo" (Lc 4, 18). Đó là tinh thần của các Tông đồ sau ngày lễ Ngũ Tuần, mở tung cửa ra đi đếnvới mọi người, tới mọi chân trời để làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh (x. Cv 2). Đó là tinh thần của cộng đoàn tín hữu tiên khởi, sống hoà thuận thương yêu nhau (x. Cv 2, 44-46) và rao truyển đức tin trong tất cả mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Đó là tinh thần của các vị thừa sai ra đi, đến với mọi đất nước, dù khác biệt về ngôn ngữ, chủng tộc, văn hoá, tôn giáo...

II. CHUYỆN MINH HOẠ

CHỨNG TÁ NIỀM TIN

Vào cuối thế chiến thứ II, có một chiếc máy bay bị rơi tại vùng biển Thái Bình Dương. Trên chiếc máy bay đó có Đại Úy Eddie Rickenbacker, Thiếu Úy James Whittaker, và một phi đoàn 6 người. Cả 8 người đều sống sót sau khi máy bay bị rớt. Sau đó trong suốt 21 ngày, họ trôi lênh đênh ngoài biển cả trên 3 chiếc thuyền nhựa nhỏ không đồ ăn thức uống.

Nguồn sống độc nhất của họ chính là những giờ cầu nguyện mỗi ngày. Giờ cầu nguyện bao gồm đọc một đoạn sách từ cuốn Thánh Kinh bỏ túi và cầu nguyện tự phát với Thiên Chúa. Chỉ có Thiếu Úy Whittaker là người độc nhất vô thần trong nhóm này, nhưng không bao lâu.

Vào ngày thứ sáu, họ trở nên đuối sức và rất cần thực phẩm và nước. Sau giờ cầu nguyện ban tối vừa xong, họ bắn lên trời một trái sáng, hy vọng rằng nó có thể gây chú ý cho một chiếc thuyền hay một chiếc máy bay nào.

Thế nhưng, ánh chiếu xạ từ từ tắt đi và rơi xuống cạnh chiếc thuyền. Trong khi nó rớt xuống như vậy, nó đã lôi cuốn được một bầy cá. Trong sự hoan lạc của họ, hai con cá đã nhảy lên thuyền. Thế là họ có được một bữa cá ăn sau một tuần đói khát.

Chiều hôm sau, họ cầu xin cho được có nước uống. Chỉ sau một lúc, họ đã dồn dập trong một trận mưa lớn. Từ lúc đó trở đi, Thiếu Úy Whittaker đã trở nên một người có đức tin và không còn là người vô tín ngưỡng nữa.

Vào ngày thứ 10, một sự kiện đặc biệt xảy ra. Sau giờ cầu nguyện thường nhật, họ đã xưng thú tội lỗi mình công khai. Đấy chính là một hình thức tuyệt vời bày tỏ đức tin vàđức khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và người khác.

Vào ngày thứ 13, một sự kiện đáng chú ý khác đã xảy ra. Một trận mưa lớn đổ xuống nhưng nó cách xa tám người họ khoảng chừng 1000 feet.

Lần đầu tiên, Thiếu Úy Whittaker đã hướng dẫn giờ cầu nguyện. Ông cầu xin cho trận mưa trở lại. Thế rồi, điều không thể giải thích được bằng những luật thiên nhiên là: cơn mưa bắt đầu di chuyển từ từ đến họ ngược chiều gió. Họ đã uống và đã hứng nước để dự trữ.

Vào ngày thứ 21 họ đã nhìn thấy đất liền. Thiếu Úy Whittaker nghĩ rằng anh không thể nào chèo nổi khoảng cách đó nhưng anh đã cố gắng chèo. Sau 7 tiếng rưỡi, anh đã đến đất liền. Ông chia sẻ như sau: "Bây giờ, cho dù là đã được hoàn toàn bình phục, tôi không hiểu làm sao sau 3 tuần khát, đói, và phơi nắng, chúng tôi có thể vượt thắng."

Ngay sau khi đoàn người cập bến, họ quỳ gối xuống và tạ ơn Thiên Chúa.

Khi Thiếu Úy Whittaker trở về nhà, ông đã viết một cuốn sách bán chạy nhất, diễn tả về cảm nghiệm này. Đồng thời, ông đã du lịch toàn quốc, chia sẻ niềm tin mới của ông với nhiều khán giả.

Cảm nghiệm về sự hiện hữu và tình thương mà Thiên Chúa dành cho mình, Whittaker sau khi thoát nạn đã hăng hái đi khắp nước Mỹ để chia sẻ cho mọi người niềm tin mới của mình.

Nhiều người trong chúng ta trở thành những tín hữu trong cuộc sống. Thế nhưng đã có bao nhiêu người chịu đi một bước xa hơn như Whittaker? Có bao nhiêu người dám trở nên những vị tông đồ cho người khác?

Thiên Chúa không bao giờ muốn chúng ta chôn giấu ơn phúc đức tin của ta. Thiên Chúa muốn ta chia sẻ với đồng loại, giống như những người trên chiếc phà đã chia sẻ đức tin của họ với Thiếu Úy Whittaker, và đến phiên anh ta, đã chia sẻ đức tin của họ với người khác.

Đó chính là điều mà Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: "Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con." (Ga 20, 21). Điều quan trọng mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh là đức tin của chúng ta không thể bị chôn vùi trong chính con người của chúng ta mà thôi, nhưng chúng ta còn phải chia sẻ với anh chị em khác.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận biết rằng Ngài đã ban đức tin cho chúng con không phải là để riêng con nhưng là để chia sẻ với người khác.

III. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

Thư Mục Vụ của HĐGMVN mời gọi người tín hữu hãy lên đường truyền giáo với một "nhiệt tình tông đồ mới" bằng những phương thế như sau :

1. Nhờ sức mạnh và ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Chiêm ngắm dung nhan Chúa Giêsu để "Chèo ra chỗ sâu" (Duc in altum) là chủ đề của Tông Thư Bước Vào Ngàn Năm Mới (Novo Millennio inuente). Chiêm ngắm Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra chân lý này : Ngài đã là sứ giả Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất, là sứ giả Tin mừng đã để cho Thần Khí hướng dẫn.

Thần Khí đã xuống trên Đức Giêsu Nadarét vào lúc Ngài chịu thanh tẩy và được Chúa Cha giới thiệu là Con Chí Ái của Người (x. Mt 3,17). Chính vì "được Thần Khí dẫn đưa" (Mt 4,1), mà Ngài đã trải qua trong sa mạc cuộc chiến đấu quyết liệt và một cuộc thử thách lớn lao nhất trước khi bắt đầu sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Chính "với quyền năng của Thánh Thần" (Lc 4,14) mà Ngài đã trở về Galilê và mở đầu tại Nadarét công cuộc rao giảng, khi áp dụng đoạn sách tiên tri Isaia cho chính mình : "Thần Khí Chúa ngự trên tôi". Ngài công bố : "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này" (Lc 4,18.21 : x. Is 61,1).

Nhờ quyền năng của Thần Khí, Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân và xua đuổi ma quỷ, như một dấu chỉ Nước Thiên Chúa đã đến (. Mt 12,28). Vào buổi chiều Phục Sinh, Ngài thổi hơi trên các môn đệ sắp được phái đi mà nói với họ : "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần" (Ga 20,22)

Từ việc chiêm ngắm Đức Giêsu, sứ giả Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất đã để cho Thần Khí hướng dẫn, ta nhận ra rằng mỗi nhà truyền giáo cần phải để cho con người của mình trở nên hoàn toàn dể dạy đối với Chúa Thánh Thần, một sự dễ dạy để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn con người bên trong càng ngày càng nên giống Chúa Kitô. Không thể rao giảng và làm chứng về Chúa Kitô cũng như Tin Mừng của Ngài nếu bản thân nhà truyền giáo không phản ánh gương mặt Chúa Kitô. Gương mặt Chúa Kitô sẽ trở nên sống động trong chúng ta nhờ ân sủng và hoạt động của Thánh Thần.

Chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên can đảm và khôn ngoan để thực hiện sứ mạng làm chứng về Chúa cho mọi người. Trường hợp của các tông đồ là một điển hình : trong ba năm theo Đức Giêsu, dù đã yêu Chúa nồng nàn với một tấm lòng quảng đại, dù đã được Chúa huấn luyện trong nhiều năm, các tông đồ vẫn tỏ ra là những con người tối trí và chậm hiểu. Nhiều lần Chúa giảng dạy mà các ngài chẳng hiểu gì hết, nhất là khiếp sợ theo Chúa trên đường khổ nạn. Biến cố thập giá chiều thứ sáu tuần thánh đã làm tiêu tan niềm tin và hy vọng của các ngài vào Đức Giêsu.

Thế mà, vào chiều Ngày Phục Sinh, sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, Ngài đã biến đổi các tông đồ trở nên những chứng nhân can đảm cho Đức Giêsu và những người loan báo cách rõ ràng lời Ngài. Chính Thánh Thần đã hướng dẫn các ngài trên những nẻo đường gian khổ và mới mẻ của sứ mạng truyền giáo.

Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội. Chính Ngài giải thích cho tín hữu hiểu ý nghĩa thâm sâu của lời Đức Giêsu giảng dạy và mầu nhiệm con người của Đức Giêsu. Ngày nay cũng như vào buổi đầu của Giáo Hội, Ngài là Đấng hoạt động trong mỗi sứ giả Tin Mừng, nếu họ chịu thuộc về Ngài và để Ngài hướng dẫn mình, Ngài đặt nơi môi miệng họ những lời mà một mình họ không thể tìm ra được, và đồng thời chuẩn bị cho tâm hồn người nghe biết cởi mở đón nhận Tin Mừng và Triều Đại được loan báo.

2. Với tinh thần của Đức Kitô.

Tin Mừng của thánh Luca 4,17-21 cho thấy chính Chúa Giêsu đã được Thánh Thần xức dầu, tấn phong, được Chúa Cha xác nhận là người Con chí ái và được Chúa Cha sai đi rao giảng Tin Mừng. Ngài là Đấng Mêsia mà muôn dân hằng mong đợi từ bao ngàn năm. Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha xức dầu, nghĩa là được phong vương, lại được sai đi rao giảng cho những người nghèo khó, đui mù, tù đầy, bị áp bức đúng như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo: " Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo Tin ừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, tuyên cáo lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, loan tin cho người mù biết sẽ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa" ( Lc 4, 18-19 ).

Ở đây ta nhận thấy nét đẹp tương phản, Chúa Giêsu được phong vương lại đồng hóa với những người nghèo, đăng quang không kèn, không trống, khác với mọi suy nghĩ của trần gian.

Do đó, người tông đồ không thể chọn con đường nào khác ngoài con đường của Chúa Giêsu đã chọn. Đó là con đường khiêm hạ, từ tốn và khó nghèo. Và để đi được con đường đó, người tông đồ và người Kitô hữu cũng phải bước theo con đường Chúa Giêsu Kitô đã đi qua.

Thánh Phaolô đã nói về tâm tình của Đức Kitô, Đấng được Thiên Chúa sai đến trong bài thánh thi thời danh : "Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ là phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Pl 2,5-8).

Ở đây, thánh Phaolô chiêm ngưỡng và suy tư về mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc : Đức Giêsu hoàn toàn từ bỏ địa vị Thiên Chúa, để sống hoàn toàn như con người và gắn bó với chương trình của Chúa Cha cho tới cùng. Đây là mầu nhiệm tự hủy mang dấu ấn của tình yêu và diễn tả tình yêu.

Sứ mạng truyền giáo cũng đi trên con đường này, một con đường cuối cùng dẫn tới chân thập giá. Sứ mạng này đòi hỏi nhà truyền giáo "từ bỏ chính mình và những gì mình có, để trở nên tất cả cho mọi người". Sự từ bỏ được thể hiện qua nếp sống nghèo khó trong sự thanh thoát của nội tâm. Nếp sống này làm cho nhà truyền giáo được tự do để loan báo Tin Mừng, tự do để trở nên người anh em của tất cả mọi người mà ngài được sai đến để đem Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ cho họ.

Đó chính là linh đạo truyền giáo mà thánh Phaolô đã sống trên những nẻo đường truyền giáo và muốn chia sẻ lại cho chúng ta : "Tôi đã trở nên yếu với những người yếu để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để được phân chia phần phúc của Tin Mừng" (1Cr 9,22-23).

3. Với tinh thần của các Tông đồ sau ngày lễ Ngủ Tuần.

Trước ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ vẫn còn sống trong vòng u tối, dù rằng các Ngài đã đi theo Chúa Giêsu Kitô, đã được Ngài hướng dẫn, chỉ dạy, vén mở chân lý, nhưng trí các Ngài vẫn bị che mờ vì Chúa Thánh Thần chưa tới. Nhưng, ngày lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đổ xuống trên đầu các Ngài, biến đổi tâm trí của các Ngài,khiến các Ngài mạnh dạn, kiên cường, mở tung cánh cửa đang khép kín vì sợ người Do Thái, để tới mọi nơi làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh( Cv 2 ).

Có thể nói, đây là biến cố có một không hai trong lịch sử cứu độ: biến cố ấy đã thay đổi tất cả, đã làm đảo lộn tất cả, giúp các tông đồ trở nên những chứng nhân can trường không hề sợ sệt, dẫu có phải hy sinh tới cả mạng sống của mình vì Chúa Thánh Thần đã biến đổi các Ngài trở nên những người hoàn toàn mới với tinh thần mới, cung cách sống mới, suy nghĩ và hành động mới. Các Ngài đã cảm nghiệm lời Chúa sâu xa:" Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người chết vì người mình yêu"( Ga 15, 13 ).

Như vậy, chúng ta có thể nói rằng Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, là tác giả đầu tiên của việc đối thoại giữa Giáo Hội và tất cả các dân tộc, văn hoá và tôn giáo. Chính Ngài thúc đẩy mỗi người loan báo Tin Mừng, chính Ngài, từ chiều sâu ý thức, làm cho người ta đón nhận và hiểu Lời cứu độ, và chính Ngài liên tục gieo những hạt giống chân lý giữa các dân tộc, tôn giáo, văn hoá và triết học của họ.

Nhờ Chúa Thánh Thần, vị Thầy Nội Tâm, gương mặt và giáo huấn của Chúa Kitô sẽ tỏ hiện lên trong lòng người đón nhận và đặc biệt hơn trong chính cuộc đời và bản thân của nhà truyền giáo.

Cũng như ngày xưa, chúng ta phải cầu nguyện để Thiên Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm loan báo Tin Mừng, để bước đi trên những nẻo đường huyền nhiệm đầy bất ngờ của Thiên Chúa và để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn đến chân lý vẹn toàn (x. Ga 16,13).

4. Với tinh thần của các tín hữu tiên khởi

Được các tông đồ rao giảng, các tín hữu của các cộng đoàn tiên khởi đã thấm nhuần đức tin sâu sắc. Đời sống của họ là dấu chỉ của Tin Mừng, họ chuyên cần nghe các tông đồ rao giảng, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng ( Cv 2, 42 ), họ sống hoà thuận yêu thương nhau ( Cv 2, 44- 46 ) và rao giảng, loan báo Đức Kitô phục sinh trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

5. Với tinh thần của các vị thừa sai

Nhà truyền giáo, với tình yêu dành cho Chúa Kitô và Giáo Hội, được thúc bách nhờ "lòng nhiệt thành vì các linh hồn", một khi được tình yêu của chính Đức Kitô soi chiếu, sẽ biết chú tâm, nhẹ nhàng, thương cảm, đón tiếp, với một con tim sẵn sàng và cởi mở, biết lưu tâm đến những vấn đề của người khác.

Như Đức Giêsu, nhà truyền giáo tiên vàn là con người của tình thương. Để có thể loan báo cho mỗi người trong anh em mình rằng họ được Thiên Chúa yêu thương và họ có thể yêu thương Thiên Chúa thì nhà truyền giá phải làm chứng về tình thương đối với mọi người bằng cách hy sinh mạng sống mình vì người khác.

Nhà truyền giáo là "người anh em của tất cả" (frère universel), ngài mang trong mình tinh thần của Giáo Hội, sự cởi mở và quan tâm của Giáo Hội đối với mọi dân tộc và toàn thể nhân loại, đặc biệt đối với những người bé nhỏ nhất và nghèo khổ nhất. Ngài phải vượt qua mọi ranh giới và khác biệt về chủng tộc, giai cấp xã hội hay ý thức hệ. Ngài là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới, nghĩa là một tình yê không loại trừ ai cũng như không thiên vị người nào.

Trong Tông Huấn Loan báo Tin Mừng, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh rằng thời đại hôm nay chờ đợi những nhà truyền giáo trung thực. Sự trung thực được bày tỏ nơi chính bản thân và trong nếp sống Tin Mừng của nhà truyền giáo : "Ngày nay, người ta thường hay lặp đi lặp lại rằng : thế kỷ này khao khát sự trung thực. Nhất là khi nói tới giới trẻ, người ta quả quyết rằng họ ghê tởm những gì là giả tạo, giả mạo và tìm kiếm chân lý và sự trong sáng trên tất cả" (LBTM 75).

Chúng ta phải tỉnh táo trước những "dấu chỉ thời đại" ấy. Âm thầm hay lớn tiếng, thiên hạ luôn luôn vặn hỏi chúng ta : Các người có thực sự tin điều các người loan báo không ? Các người có sống điều các người tin không ? Các người có rao giảng thực sự điều các người sống không ? Hơn bao giờ hết, làm chứng bằng đời sống đã trở thành một điều kiện thiết yếu để việc rao giảng có hiệu quả thâm sâu. Chúng ta phải chịu trách nhiệm, đến một mức độ nào đó, về bước tiến của Tin Mừng mà chúng ta công bố.

Công cuộc truyền giáo đòi hỏi nhà truyền giáo có một lòng thương yêu ngày càng lớn hơn mãi đối với anh chị em mà mình được sai đến để nói với họ về Thiên Chúa Tình Yêu, về Tin Mừng cứu độ. Thánh Phaolô, sứ giả Tin Mừng mẫu mực đã viết cho tin hữu Thessalônica lời sau đây là một chương trình cho tất cả chúng ta : "Chúng tôi đã thương yêu anh em thắm thiết đến nỗi muốn giao phó cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa mà còn chính mạng sống chúng tôi nữa, bởi chưng anh em đã trở nên chí thân chí thiết với chúng tôi" (1 Tx 2,8 ; x. Pl 1,8).

Sự đơn sơ trong cách sống, đức tin sâu xa và tình yêu không giả dối đối với mọi người, nhất là người nghèo và người bị bỏ rơi, đó là những dấu chỉ Tin mừng trong hành động của người rao giảng.

Cuối cùng, như Đức Kitô, "đã yêu thương Giáo Hội và hiến mình vì Giáo Hội" (Ep 5,25), nhà truyền giáo phải yêu mến Giáo Hội. Tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo Hội, một tình yêu đến nỗi trao ban mạng sống, sẽ là tấm gương soi và điểm quy chiếu cho nhà truyền giáo. Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng chỉ với một tình yêu sâu xa dành cho Giáo Hội mới có thể nâng đỡ lòng nhiệt thành của nhà truyền giáo, như thánh Phaolô nói về nỗi ray rứt hàng ngày của ngài là "mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh" (2Cr 11,28).

Đối với mỗi nhà truyền giáo, lòng trung thành với Chúa Kitô không thể tách rời khỏi lòng trung thành đối với Giáo Hội, bởi vì "có một mối liên hệ sâu xa giữa Đức Kitô, Giáo Hội và việc loan báo Tin Mừng. Trong "thời của Giáo Hội" này, chính Giáo Hội có bổn phận phúc âm hóa. Bổn phận không thể hoàn tất mà không có Giáo Hội, càng không thể hoàn tất nếu chống lại Giáo Hội" .

Như vậy, nhà truyền giáo nhất thiết phải là một vị thánh. Bởi vì lời mời gọi truyền giáo tự bản chất phát xuất từ lời mời gọi nên thánh. Nhà truyền giáo chỉ thực sự là nhà truyền giáo khi ngài dấn thân trên con đường thánh thiện "Sự thánh thiện là nền tảng cốt lõi và điều kiện không thể thay thế được để chu toàn sứ mạng cứu rỗi của Giáo Hội".

Ơn gọi phổ quát hướng tới việc nên thánh liên hệ mật thiết với ơn gọi phổ quát hướng tới sứ mạng truyền giáo, bởi vì mỗi người tín hữu được mời gọi nên thánh và truyền giáo. Linh đạo truyền giáo là con đường dẫn tới sự thánh thiện.

Cuối cùng, để công cuộc truyền giáo mang lại kết quả như lòng Chúa mong muốn, chúng ta cần học hỏi nơi trường học của Đức Maria, nhà truyền giáo đầu tiên đã để cho Thánh Thần thúc đầy mà vội vã tiến bước (x. Lc 1,39-56) đem Chúa Giêsu trong cung lòng mình đến cho nhà Elizabeth và có mặt cùng cầu nguyện với các Tông đồ trong Nhà Tiệc Ly chờ đón Chúa Thánh Thần.

Dưới mái trường của Đức Maria, Giáo Hội chiêm ngưỡng dung nhan đầy lòng thương xót của Đức Giêsu nơi những người anh chị em, đặc biet nơi những người nghèo khó và thiếu thốùn. Với sự ân cần từ mẫu mà Mẹ đã tỏ ra ở tiệc cưới Cana (x. Ga 2,1-5), Đức Maria dạy nhà truyền giáo biết sống tế nhị, yêu thương và quan tâm đến những vấn đề của con người.

Tháng Mười năm 2003, khi bước vào năm thứ 25 sứ vụ Giáo Hoàng, với Tông Thư Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã công bố một Năm đặc biệt, gần như một sự tiếp nối lý tưởng của Năm thánh, dành cho việc tái khám phá kinh Mân Côi, là kinh nguyện rất thân thiết với truyền thống kitô giáo; một năm cần được sống dưới cái nhìn của Đấng, theo kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, nhờ lời "Xin Vâng", đã làm cho việc cứu độ loài người có thể được thực hiện. Đồng thời ngài đặt Đức Trinh Nữ rất thánh làm Thầy dạy các tín hữu trong việc chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô để từ đó ra đi truyền giáo trên đại dương bao la của thế giới.

Việc Truyền giáo phải khởi sự từ cuộc sống và bằng con tim. Cuộc sống và con tim đòi hỏi các môn đệ Chúa Kitô sống có tấm lòng. Tấm lòng với mọi người và với Giáo Hội, một tấm lòng "dễ dạy" đối với Chúa Thánh Thần, một tấm lòng mới như của Đức Maria

Do đó, để công cuộc truyền giáo có kết quả, người Kitô hữu hay những sứ giả Tin Mừng được Đức Thánh Cha khuyên nhủ ra đi với một nhiệt tình tông đồ mới mà chính Chúa Thánh Thần là tác nhân cốt yếu để người tông đồ hăng say loan báo Tin Mừng cứu độ. Đồng thời, đừng bao giờ để cho sự thành công hay thất bại khiến người Kitô hữu quên mất ơn gọi tôi tớ của mình, để cho Chúa lo chuyện làm cho lớn lên như Ngài muốn và khi Ngài muốn ( 1 Co 3, 7 ) và bắt chước tông đồ Phaolô biết chịu đựng những sự thiếu thốn cũng như sống trong sự dư giả, trở nên mọi sự đối với mọi người và sẵn sàng chấp nhận mọi sự: no cũng như đói, sung túc cũng như thiếu thốn, Người có thể tuyên xưng một cách bất khuất:" Tôi có sức chịu mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi "( Ph 4, 12-13 ).

(Lấy tư liệu từ : simonhoadalat.com)

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hăng say loan truyền Nước Chúa cho mọi người bằng chính đời sống chứng tá yêu thương của mình, với lòng nhiệt thành luôn mới mẻ, năng động, luôn để Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn trên mọi bước đường. Amen

IV. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI.
Tôi không loan báo Tin Mừng. Xin thương xót tôi.
Tôi thiếu tích cực loan báo Tin Mừng. Xin Chúa thương xót tôi.
Tôi không vận dụng các tiến bộ thời đại để loan báo Tin Mừng. Xin thương xót tôi.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Thế giới luôn biến đổi theo thời gian, có những tiến bộ khoa học, và cũng có những thoái hóa về mặt thuần phong mỹ tục. Nhưng Tin Mừng cần được loan báo cho tới mọi nơi mọi lúc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người đều loan báo Tin Mừng với nhiệt tình tông đồ mới:

1. Chúa Giêsu phán: "Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, thích nghi mọi hoàn cảnh để loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

2. Thế giới ngày càng tiến bộ về khoa học và tiện nghi. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người đang sống trong thế giới, cũng biết phát triển đức tin vào Thiên Chúa, khám phá chân lý Tin Mừng Cứu độ và qui thuận theo ơn hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

3. Tuy sống trong thời đại mới, con người luôn có những nhu cầu căn bản. Chúng ta cầu nguyện cho những nhà cầm quyền các quốc gia, luôn quan tâm chăm sóc những giá trị căn bản của người dân, nhất là về mặt tâm linh và ơn thánh của Tin Mừng cứu độ.

4. Mỗi Kitô-hữu đều có bổn phận loan báo Tin Mừng. Chúng ta cầu nguyện cho mọi giáo dân trong họ đạo chúng ta, biết thích nghi mọi hoàn cảnh sống của mình, mà tích cực loan báo Tin Mừng, với nhiệt tình tông đồ mới trong môi trường sống hiện nay.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con nhiệt tình trong việc thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng của con Chúa. Xin Chúa đổ tràn đầy Thánh Thần Chúa trên chúng con, để hướng dẫn chúng con chu toàn sứ vụ cao cả nầy, cách thích hợp cho con người thời đại. Amen.

V. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

NIỀM TIN LÊN ĐƯỜNG

"Có một người Do thái tên là Apôllô, quê ở Alexandria , đã đến Êphêsô; ông là người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh. Ông đã được học đạo Chúa; với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy chính xác những điều liên quan đến Đức Giêsu, tuy rằng ông chỉ biết có phép rửa của ông Gioan. Ông bắt đầu mạnh dạn rao giảng trong hội đường. Sau khi nghe ông nói, bà Priskilla và ông Aquila mời ông về nhà trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn" (Cv 18, 24-26).

Thời Công vụ tông đồ, có những người vừa nhận được Tin Mừng đã vội vã rao giảng Tin Mừng, nổi tiếng như vợ chồng Aquila và Priskilla, bà Lydia và hàng chục người khác được thánh Phaolô nêu đích danh và thăm hỏi trong thư Rôma (Rm 16, 1-16). Đặc biệt, có ông Apollô, một người chưa được Rửa tội trong Đức Giêsu, đã bắt đầu rao giảng về Đức Giêsu tại Alexandria và Êphêsô. Sau khi được chịu phép Rửa trong Đức Giêsu, ông đến rao giảng tại Antiôkia. Đúng là "kẻ đã được Loan Báo Tin Mừng, đến lượt mình, lại ra sức Loan Báo Tin Mừng", và "không thể tưởng tượng được một con người đã tiếp nhận Lời và đã hiến thân cho Triều Đại mà đến lượt mình lại không trở nên kẻ làm chứng và loan báo. (Tông huấn Loan Báo Tin Mừng số 24).

Đó là những niềm tin lên đường. Đối với họ, tin không phải chỉ là chấp nhận những chân lý mạc khải, mà còn là tích cực xây dựng những liên hệ mới. Liên hệ mới đó là sống thân thiết với Thiên Chúa là Cha nhân ái, và tôn trọng mọi người, yêu thương mọi người, giúp đỡ mọi người, như Chúa đã đối xử với họ. Niềm tin lên đường, một niền tin năng động, chứ không phải một niềm tin ở thế tĩnh như kiểu chắp tay đứng nghiêm, tuyên xưng các chân lý.

Họ lên đường, là họ đến với Chúa, lao mình vào chương trình cứu độ của Chúa, với tất cả thái độ từ bỏ của mình và tuyệt đối tin cậy vào Chúa.

Họ lên đường, là họ hòa mình vào cuộc sống đám đông, để cùng với Chúa Kitô đồng hành với họ, chia sẻ với họ, để họ có thể thấy được Tin Mừng tươi mát này, làhọ được Chúa yêu thương, họ được Chúa gọi, họ được Chúa kính trọng, họ được Chúa đợi chờ.

Họ lên đường, với nhiệt tình tông đồ, họ muốn trao lại cho người khác điều mà họ đã lãnh nhận, bằng những lời nói và cử chỉ gói ghém tình người, bằng những gương sáng về sự tận tâm chu toàn bổn phận, để dọn đường cho Chúa.

Là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta đừng quên giới thiệu Chúa Kitô cho những người xung quanh, qua những hình ảnh đẹp của đời thường : những nụ cười, những vẫy tay, những cái nhìn thân thương trao gửi cho nhau, những lời chào hỏi ân cần . .v.v. . . tuy chớp nhoáng, tuy tầm thường nhỏ bé, nhưng là những ngọn gió mát của đời thường mà lại khó quên.

Những hình ảnh đẹp của đời thường đó đang thực sự cần thiết cho thời điểm hiện nay của Hội Thánh Việt Nam ta. Đó là một cách Loan Báo Tin Mừng rất hợp thời và có thể đem lại nhiều kết quả tốt. Chúng ta hãy nghe ĐGH Gioan Phaolô II nói với những cộng đoàn tiểu muội, ngày 11 . 09 . 1989, nhân dịp kỷ niện 50 năm thành lập gia đình "Petites Soeurs de Jésus", về giá trị của những hình ảnh đẹp của đời thường như sau :"Với những phương tiện tầm thường của cuộc sống thường ngày, chúng con làm cho các môi trường khác nhau nhìn thấy chúng con sống gần họ, và sống với họ. Nhờ đó, họ đọc được trực tiếp Tin Mừng qua những phản ảnh trung thực của đời sống chúng con. Những phương tiện tầm thường là những quan hệ với láng giềng, những liên kết do công việc, những bước liên đới với những người mà chúng con tới, vì hạnh phúc hoặc vì thử thách của họ. Phương tiện tầm thường còn là thái độ chúng con sẳn sàng nghe họ, khuyên họ, giải tỏa những bối rối của họ khi họ gọi đến chúng con. Phương tiện tầm thường cũng là sự chúng con cầu nguyện cho họ, sự chúng con tham dự các lễ và các kỷ niệm của họ. Những cử chỉ khiêm tốn nhất của đời thường đều có thể nói về Chúa Kitô".

VI. TRANG GIA ĐÌNH

LÀM MẸ

Tôi vượt biển một mình, đau quằn quại đến không còn thiết sống. Tôi như đi trong sương mờ, mải miết vươn đến chỗ mẹ tôi đang vẫy gọi. Tôi thèm được vùi vào lòng bà, khóc nức nở như một đứa trẻ thơ để quên hết những nỗi đau thể xác và tâm hồn. Bà mở rộng vòng tay ôm lấy tôi.

Tôi khóc nức lên và choàng tỉnh dậy. Mẹ tôi đã tan biến, chỉ có dì đang ôm tôi. Tôi gào lên: "Dì làm gì vậy ? Tại sao dì dám ôm tôi ?" Dì lật bật lùi ra xa, lắp bắp: "Dì xin lỗi. Dì thấy con đau quá mà không biết làm gì. Dì thấy tội nghiệp con quá..." - "Ai cần dì tội nghiệp. Tôi đã bảo dì đừng vào đây mà. Hãy để cho tôi một mình, tôi không cần ai hết". - "Làm sao dì để cho con một mình được. Ba con không đi đến được, em trai thì đi mất. Không có dì con làm sao đây ?" - "Dì quan trọng quá nhỉ ? Vì ai mà em tôi thành bụi đời, ba tôi buồn rầu mà sinh bệnh, còn tôi thì bị tống cổ ra khỏi nhà ?" - "Con nghĩ sao cũng được nhưng bổn phận làm mẹ dì phải lo cho con."- "Làm mẹ à !" - Tôi hét lên - "Dì lấy tư cách gì làm mẹ của tôi ? Dì tự xem lại mình có xứng với hai tiếng ấy không ? Dì làm tổn thương đến vong linh của mẹ tôi đấy. Dì đi đi, dì ở đây làm tôi đau đớn hơn. Ôi, mẹ ơi, sao mẹ lại bỏ con, mẹ ơi !" Hoảng sợ trước lời kêu khóc của tôi, dì lóng ngóng chạy ra ngoài.

Năm tôi mười lăm tuổi mẹ tôi qua đời. Mẹ tôi là một phụ nữ tài năng, xinh đẹp. Chính vì vậy mà năm năm sau khi ba tôi cưới dì, một y tá lỡ thời, cục mịch, quê mùa, tôi bị sốc thực sự. Điều đó không chỉ làm tổn thương đến tâm hồn non trẻ của tôi mà còn xúc phạm đến vong linh của mẹ tôi.

Đối với tôi, dì là một người thuộc tầng lớp khác nếu không muốn nói là thấp hèn hơn. Ba tôi là một bác sĩ giỏi lại rất tài hoa. Ba và mẹ là một cặp xứng đôi đến nỗi trong cả triệu cặp vợ chồng chắc mới có một. Vì vậy sự khập khiễng giữa ba và dì làm tôi lúc nào cũng sôi sục, hễ cứ gặp mặt dì là mọi uất ức dâng lên trong tôi. Tôi không cấm ba lấy vợ kế nhưng biết bao người xứng đáng ba không chọn, lại chọn một bà y tá lỡ thời, quê mùa, thất học.

Em tôi còn phẫn uất hơn tôi nên đã bỏ nhà đi hoang, không tìm lại được. Tôi nói năng hỗn xược, xúc phạm cả ba lẫn dì, bị ba giận đuổi đi vào một đêm mưa tầm tã. Rồi ba hối hận chạy đi tìm tôi nhưng tôi nhất định không chịu về, đến ở hẳn nhà bạn trai. Trong ngày đám cưới của tôi, một cuộc hôn nhân ba không chấp nhận, ông bị lên huyết áp và bị liệt nửa thân người. Tôi sớm rời trường đại học, sống vất vưởng với một cuộc hôn nhân vội vã bốc đồng và chẳng mấy chốc cũng ly hôn khi đang bụng mang dạ chửa.

Khi con gái tôi ra đời, chẳng rõ chầu chực ở đâu sẵn, dì lao vào bệnh viện với nào tã, nào nón, nào khăn chẳng biết dì sắm sửa từ khi nào. Không đếm xỉa gì đến vẻ tức giận của tôi, dì nâng con bé lên nựng nịu: "Ôi, cháu của ngoại, cục cưng của ngoại. Ngoại mong cháu từ lâu lắm rồi, viên kim cương của ngoại. Nào, nào mẹ cho bé mum tí nào".

Dì lăng xăng líu xíu ủ chân tay cho tôi, lấy nước nóng chườm bụng rồi lại chạy băng về nhà vừa báo tin mừng cho ba tôi, vừa mua thức ăn tẩm bổ cho tôi.

Biết không thể xua đuổi được dì, tôi đành phải chấp nhận sự săn sóc của dì với vẻ xa cách lạnh lùng. Ngày hôm sau ba tôi đi xe lăn vào. Nhìn thấy ông, tôi bật khóc. Vị bác sĩ phong độ ngày nào nay tàn tạ vì bệnh tật, vì gia cảnh tan nát. Ông chỉ điềm đạm nói với tôi: "Ba không bắt con phải vì ba, phải vì dì cũng không vì bản thân con mà phải vì con bé này. Con đã tạo ra nó trong sai lầm của mình thì cũng đừng để nó lớn lên trong sự sai lầm. Hãy trở về với ba, cho con của con những gì tốt đẹp nhất dù bản thân con có phải đối diện với những thử thách đau lòng. Mẹ con mãi mãi là một hình ảnh đẹp không ai có thể làm hoen ố hình ảnh ấy".

Những lời ông nói cứ thấm vào lòng tôi đau buốt. Ôi, con gái của tôi, lẽ nào vì tôi mà cuộc đời nó cũng chẳng tốt đẹp gì hơn.

Tôi trở về nhà, lòng lạnh giá hơn. Dì là người vui nhất. Tôi chẳng hiểu được nỗi vui mừng ấy. Lẽ ra dì phải vui khi tống được cái gai nhọn như tôi ra khỏi nhà mới phải. Tôi nhận sự chăm sóc rất mực chu đáo của dì như nhận một thói quen, thậm chí như một sự ban ơn. Dì không chú ý gì đến vẻ xa cách, kẻ cả của tôi mà chỉ tìm mọi cách để tôi vui. Dì lăng xăng suốt ngày, quần xăn đến gối, mắt lấp lánh tia cười, miệng líu ra líu rít.

"Hoàn ơi, con xem con bé này đã biết cười rồi đấy". - "Ây, ấy, con đừng đi sãi chân như vậy, khép chân lại nào. Này, quấn cái khăn lên đầu, gió lùa đấy". - "Dì đã giặt đồ cho cháu rồi. Giặt đồ cho em bé không nên vắt, sẽ làm em vặn vẹo suốt đêm". - "Ôi cục vàng của ngoại sao lại khóc... Bé khó chịu hả ? Ứ ừ, em không chịu nằm nữa à ? Thế ngoại bế con ra sân chơi nghen ?"

Suốt ngày nhà chỉ văng vẳng tiếng dì. Dì tự hỏi rồi cũng tự trả lời. Dì đoán được ý của tất cả mọi người, từ ba tôi đến con bé chỉ biết khóc kia. Dì phục vụ tất cả chúng tôi với lòng tận tâm hồ hởi. Nhưng có lúc dì lại ngồi thần người ra, vẻ ủ dột trầm ngâm. Rồi không nén nổi, dì thở dài: "Tội nghiệp thằng Quang, mưa gió thế này không biết nó ở đâu".

Quang là em trai tôi, mười tám tuổi. Tôi lén nhìn dì, nỗi đau của dì giống hệt nỗi đau của người mẹ xót thương con. Nếu là mẹ tôi hẳn cũng chỉ đau khổ đến thế là cùng.

Đêm đêm sau khi làm xong mọi việc, dì lại quày quả đi tìm Quang. Dì đã đi tìm nó suốt hai năm qua. Ba tôi và tôi đã không còn hi vọng vì rõ ràng biết nó còn quanh quẩn đâu đây nhưng nó không muốn gặp ai trong gia đình. Nó đã không muốn gặp, không muốn trở về nhà thì dù có tìm được nào có ích gì. Nhưng dì không nản lòng. Một ngày kia dì chộp được nó khi nó ngủ gà ngủ gật trong công viên. Nói đúng ra khi nó đang đói ma túy. Thế là từ đó cả nhà tôi, hay đúng hơn là chỉ có dì, chiến đấu giành giật lấy nó từ tay của nàng tiên nâu.

Dì trói nó vào góc nhà, áp dụng đủ mọi phương cách, mọi bài thuốc từ tây lẫn ta, bồi bổ cho nó đủ mọi thứ sơn hào hải vị. Khi mập mạp béo tốt trở lại, nó lại bỏ nhà ra đi. Dì tiếp tục cất công đi tìm và lại tìm thấy khi nó đang thân tàn ma dại ở đâu đó. Lại cột nó ở góc nhà, lại những bài thuốc, những món ăn ngon... Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp lại không biết bao nhiêu lượt. Đến như tôi cũng phát chán, còn ba tôi thì gần như đã buông xuôi, đau đớn vì bác sĩ như mình mà không cứu nổi con. Chỉ riêng dì vẫn cứ bền bỉ đi tìm nó mãi.

"Hoàn này - Dì rụt rè bảo tôi khi thằng Quang bắt đầu một vòng cai nghiện mới - con phải nói điều gì với em chứ. Dì là người quê mùa, chỉ biết làm, không biết nói gì để khuyến khích động viên nó. Còn con là người có kiến thức, lại hiểu biết tâm lý của em, con phải giúp em con vượt qua những thử thách này. Con không thấy em con còn quá trẻ sao ? Lẽ nào chúng ta để cho nó chôn vùi cả cuộc đời..."

Tôi tìm thấy Quang đang nằm úp mặt khóc trên giường. Tôi không vỗ về nó mà ngồi xuống mép giường, đều đều nói: "Mẹ không mong muốn chị em mình trở thành như thế này. Chị đã sai lầm và em cũng vậy. Ta có thể giữ nguyên những cảm nghĩ của mình về dì mà không cần hủy hoại bản thân mình. Đứng dậy đi em, xây cho chính mình một tương lai mà không cần phụ thuộc bất cứ điều gì. Hãy làm sao cho xứng đáng với mẹ".

Tôi nói với nó cũng là đang nói với chính mình. Rồi tôi trở lại giảng đường đại học. Nó cũng đã thoát khỏi vòng kềm tỏa đáng sợ của nàng tiên nâu. Dù thực tế công sức của dì đối với chị em tôi rất lớn nhưng tôi vẫn không muốn thừa nhận. Dì nuôi con cho tôi đi học. Dì chăm sóc từng li từng tí cho Quang để nó có đủ sức khỏe trở lại trường. Dì lại là hộ lý của ba. Nhiều khi trong thâm tâm tôi chợt chạnh lòng thương dì. Làm sao dì có thể làm ngần ấy công việc trong một ngày, phục vụ cả bốn con người. Nhưng rồi niềm kiêu hãnh trong tôi lên tiếng: đó là nhiệm vụ của dì. Dì không có tài để làm những việc lớn lao thì phải làm những việc vặt ấy. Như đọc được suy nghĩ của tôi - nhiều khi tôi rất kinh ngạc về khả năng đọc được suy nghĩ người khác của dì - dì bảo: "Dì đã quen với những công việc này rồi. Ai chẳng muốn an nhàn nhưng cuộc sống bắt buộc mình phải sống hết mình với nó".

Tôi mở to mắt nhìn dì; câu nói của dì không phải của một y tá tầm thường mà là của một triết nhân. Ngôn ngữ của dì càng lúc càng khác xa con người dì. Một lần nữa dì lại đọc được suy nghĩ của tôi: "Con tự hỏi tại sao dì lại nói năng văn hoa như vậy phải không ? Dì là người không được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng mấy mươi năm qua cuộc đời đã dạy cho dì từng con chữ, từng lời nói, từng cách cư xử... Dì học ở khắp nơi... Mấy năm làm y tá trong bệnh viện, làm việc dưới quyền ba con dì cũng học hỏi được rất nhiều. Con hãy ráng học lên, sự học làm người ta mở lòng với nhân loại hơn".

Trời ơi, "sự học làm người ta mở lòng với nhân loại hơn". Một người như dì lại có thể nói câu đó ư ? Tôi vụt chạy vào phòng ba, thảng thốt nhìn ông: "Ba, rốt cuộc dì là người thế nào ? Làm sao ba có thể quên mẹ để yêu dì được ?" - "Con ngồi xuống đi con gái".

Rồi ba dịu dàng bảo: "Tuổi trẻ các con hay có một quan điểm tuyệt đối. Không có cái gì là tuyệt đối cả. Tại sao con lại nghĩ ba lấy dì nghĩa là ba đã quên mẹ con ? Tại sao con lại nghĩ vẫn yêu mẹ thì ba không thể lấy dì ? Cuộc đời là thế giới muôn màu. Vì sao con chỉ nhìn vào tài sắc của mẹ con mà cho rằng dì không xứng với ba, chứ không đánh giá dì bằng chính con người dì. Mẹ con là một thế giới khác, dì là một thế giới khác. Và không ai dám cho rằng thế giới nào đầy màu sắc và thế giới nào đầy bóng đêm.

Dì đã trải qua nhiều nỗi gian truân nhưng không hoàn cảnh nào có thể đánh gục được dì. Điều đó không dễ gì có được ở lớp người như ba, như mẹ, như con. Con thấy đấy, mẹ con là một bác sĩ, an ủi nâng đỡ cứu sống không biết bao nhiêu người nhưng khi biết mình bị bệnh thì suy sụp hẳn, không gượng dậy nổi. Khi mẹ chết, nếu không có dì chắc ba cũng đã trở nên bệ rạc, bê tha. Còn con, tự cho mình là thông minh, bản lĩnh nhưng chỉ vì một việc bất như ý mà thả trôi cuộc đời mình. Còn dì là người vào sinh ra tử, vào tù ra khám, từng làm vợ làm mẹ nhưng bị tước hết những quyền thiêng liêng ấy".

"Dì từng làm vợ, làm mẹ ?" Tôi ngỡ ngàng. "Con lạ lùng lắm sao ? Nỗi đau ấy dì giữ cho riêng mình, không mấy ai biết được. Chồng của dì đã hi sinh, đau đớn quá dì đã sinh non và đứa bé đã chết sau khi sinh vài giờ. Dì đã đem nỗi đau mất chồng, mất con vào cuộc hành trình lặng lẽ của mình. Dì đã đem tình thương của người vợ người mẹ dành cho tất cả mọi người, cho ba, cho các con với lòng cao cả vô biên. Dì đã sống cho người khác, vậy mà khi có ai khác sống cho dì thì con lại bảo dì không xứng đáng. Huống chi đây không phải là sự hi sinh của ba mà là sự đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Con hãy đem tấm lòng mình để gần gũi với dì hơn, khi đó con sẽ thấy ba không nói quá đáng. Những gì ở ba ở mẹ không có thì ở dì có, vậy không phải là bổ sung cho nhau sao ? Con còn đòi hỏi nơi dì điều gì nữa ?"

Tôi đòi hỏi gì ư ? Tôi được sinh ra bằng mối tình tuyệt diệu của ba mẹ, lớn lên trong tình yêu nhưng rốt cuộc lại trở thành một người không có tình thương yêu dù với một người đã xem mình còn hơn đứa con rứt ruột đẻ ra. Tôi sắp trở thành một bác sĩ nhưng lại không đủ lòng nhân ái của một y tá bình thường như dì. Tôi cứ mãi đau đớn vì mối mâu thuẫn giằng xé nên thường ngồi lì trong thư viện không về nhà sau buổi học. Dì lại tất tả tìm tôi. Cái vẻ hốt hoảng lo âu của một người mẹ vừa làm nhói lòng tôi vừa làm tôi uất hận. Tôi không biết mình hận cái gì ? Hận dì sao không là một người tầm thường cho tôi căm ghét mãi ? Hận dì sao dần dần rõ nét một nhân cách lớn làm tôi thấm thía sự nhỏ nhoi của mình.

Tôi theo dì vào nhà. Bé Uyên sà vào lòng tôi, líu lo đủ mọi chuyện. Dì bảo: "Con đừng quá mải mê với công việc, với những ý thích riêng mình mà bỏ quên cái quyền làm mẹ".

Dì không bảo "bổn phận làm mẹ" mà lại bảo "quyền làm mẹ". Tôi ngước mắt nhìn dì. Dì lại đọc được câu hỏi trong mắt tôi, cười đôn hậu: "Con không thấy được làm mẹ là một hạnh phúc lớn hay sao ?"

Tôi thấm thía câu ấy. Dì bị tước đi cái quyền làm mẹ từ khi rất trẻ và được ban trở lại khi tuổi về già nên dù chị em tôi đã đối xử thật tệ bạc với dì nhưng dì chỉ thấy niềm hạnh phúc được sống với thiên chức của người mẹ.

Mừng Quang thi đậu vào đại học, dì thưởng cho cả nhà một chuyến đi picnic xa bất chấp con bé Uyên quấy dì suốt cuộc hành trình, bất chấp ba tôi mới tập đi lại được, chân rất yếu, lúc nào cũng cần dì dìu đỡ. Chỉ có niềm vui bất tận của một gia đình hạnh phúc trong chuyến đi chơi ấy. Tôi hỏi dì: "Cái gì làm dì vui nhất hôm nay ?" - "Dì vui vì Quang đã đủ bản lĩnh để trở lại đời. Dì vui vì đã trả lại cho mẹ con những đứa con nguyên vẹn như ngày nào, còn lời thêm cục vàng này nữa nè". Rồi dì cười chỉ vào bé Uyên.

Ngày tôi xúng xính lên nhận bằng tốt nghiệp, dì dẫn theo một chàng trai trẻ lên tặng hoa cho tôi. Trẻ là vì anh ta chưa có vợ, so với tôi đã có con gái lên năm, chứ thật ra anh ta đã hơn ba mươi tuổi, là một bác sĩ trong khoa của ba tôi, đã âm thầm theo đuổi tôi từ nhiều năm nay. Mắt dì lấp lánh vẻ tinh nghịch và bí hiểm của bà mẹ đang mưu toan kiếm chồng cho con gái. Tôi vừa buồn cười vừa... tức, ngùng ngoằng bỏ đi: "Con không thích cái trò mai mối ấy. Con đâu có sợ lỡ thì..." - "Ây dà, cái giọng này dì đã nghe ở rất nhiều cô gái tân thời rồi. Nhưng cuối đời nhiều người mới nuối tiếc vì bỏ qua cơ may hạnh phúc gia đình. Con ơi nghe dì đi. Con còn lỡ dở vầy mãi dì không yên tâm. Khi nào con với em Quang có gia đình yên ấm hết thì dì mới hả lòng".

Ước mơ của con người quá nhiều. Ước mơ của bà mẹ dành cho con còn nhiều hơn. Dì trù liệu đủ mọi kế hoạch cho tôi, cho em Quang. Dì còn tính sẵn một tương lai dài thăm thẳm cho con bé Uyên vừa tròn năm tuổi, cho cả ông già gần đất xa trời là ba tôi, chỉ riêng mình dì không dự định một điều gì. Một buổi sáng đẹp trời, mọi người đều đã tỉnh giấc, chỉ riêng dì đi vào cõi vĩnh hằng. Dì từ giã cuộc đời nhẹ nhàng bình yên đến nỗi cả ba, cả tôi, hai bác sĩ trong nhà, đều không muốn truy lùng nguyên nhân để không làm tổn hại đến thân xác dì. Dì đang ngủ yên lành hay dì đang đi tìm mẹ tôi, hãnh diện khoe với bà rằng dì đã làm xong ước nguyện của bà.

Bên mộ dì, thằng Quang gào khóc nức nở. Khi mẹ tôi chết, nó còn quá bé để có thể đau đớn thống thiết như thế. Còn tôi, cả hai đám tang tôi đều không khóc. Chỉ có những giọt lệ chảy trong tim tôi không ai thấy được. Vì nó đọng ở trong tim nên lòng tôi luôn nhức nhối..( Trích từ Ephata )

VII. NGHỆ THUẬT SỐNG

BẬC THANG GIÁ TRỊ

Vào một đêm nọ, một kẻ trộm tinh nghịch lẻn vào tiệm vàng bán đồ trang sức. Thay vì đánh cắp vàng bạc, ngọc ngà, châu báu, anh ta chỉ thay đổi bản giá các món hàng.

Chỉ trong một đêm, các món hàng rẻ mạt, những đồ trang sức rẻ tiền bỗng trở thành đắt giá.

Ngày hôm sau, rất nhiều khách hàng giàu có đã ra về sung sướng sau khi mua được những món trang sức đắt giá đeo vào mình, khoe khoang với hàng xóm mình đã dám bỏ ra một số tiền lớn để ma những món hàng đắt giá ấy, có ngờ đâu mình đang trang điểm cho chính mình bằng những món đồ rẻ mạt, chẳng đáng giá là bao!
Không biết ai đã lẻn vào xã hội chúng ta, và đánh tráo giá cả các món hàng.
Thế gian đề cao: Chủ nghĩa cá nhân, tự ái, tự tôn
Thế gian đánh giá con người bằng lương bổng, lương bạn bao nhiêu thay vì "Mình là ai?"
Người ta xem trọng mấy chữ: giàu sang, uy thế, sắc đẹp, danh tiếng.
Những thần tượng được giới trẻ hay nói đến và ngưỡng mộ như tỷ phú Bill Gate của Mỹ, nữ tài tử Son Ye Jin người Hàn Quốc, thần đồng bóng đá Rooney của nước Anh...

Giới trẻ sẽ chạy theo những giá trị nào đây: Cá nhân chủ nghĩa hay phục vụ? Tự ái, tự tôn hay bác ái? Tìm kiếm danh vọng hay ẩn mình? Tình dục hay tình yêu? Lừa dối hay thủy chung?

Đây là một trách nhiệm lớn của chúng ta: Giúp trẻ tìm ra được giá trị thật của các món hàng, có được một bậc thang giá trị hợp với Tin Mừng. Đó mới thật là hành trang quý giá mà chúng ta có thể trao tặng cho trẻ trước khi các em bước chân vào đời.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trước hết, hãy tìm kiếm Nước Trời.

"Anh chị em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được. Vì kho tàng của anh chị em ở đâu, thì lòng anh chị em ở đó." (Mt 6, 19-21) ( Trích từ Vietcatholic News)

SỐNH NĂM THÁNH
(03.07.03-03.07.04)

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO ĐỨC
THEO GƯƠNG HAI THÁNH TỬ ĐẠO
PHILIPPHÊ PHAN VĂN MINH & GIUSE NGUYỄN VĂN LỰU

I. ĐỌC LỜI CHÚA : Lc 4: 14-22

Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền năng của Thánh Thần, và danh tiếng Người đồn ra khắp miền xung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và ai nấy đều ca tụng Người. Người đến Nazaret là nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, Người vào hộ đường ngày Sabbát và đứng dậy dọc sách. Người ta trao cho Người cuốn sách tiên tri Isaia. Người mở sách và gặp chỗ chép rằng:

"Thánh Thần Chúa ở cùng tôi, vì Người đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa".

Người gấp sách lại, trao cho viên phụ trách, đoạn ngồi xuống. Mọi người trong hội trường đều đưa mắt chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ rằng: "Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe." Và ai ấy đều công nhận lời Người và ngạc nhiên vì những lời hấp dẫn thốt ra từ miệng Người, họ nói: "Người này không phải là con ông Giuse sao?"

II. SỐNG TIN MỪNG

Có một nhà hiền triết nổi tiếng khôn ngoan và đạo đức, được mọi người kính nể. Người ta thường hay đến vấn kế. Một ngày kia có một người đến xin tiếp kiến. Nhà hiền triết đem trà ra mời khách. Ông rót trà vào tách, và tiếp tục rót, nước trà tràn ra ngoài, chảy xuống khay. Người khách nghĩ thầm, ông này lơ đễnh quá. Sau cùng như không cầm được nữa, người khách bèn lên tiếng: "Thưa Ngài, nước trà tràn ra ngoài rồi kìa!" Lúc đó, nhà hiền triết mới lên tiếng: "Đầu óc ông cũng giống như tách trà này, chất chứa đầy những thiên kiến, còn chỗ nào trống cho tư tưởng mới!"

Trong bảy lời xin của Kinh Lạy Cha, thì lời nguyện xin thứ nhất : "Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng", theo Giáo Lý Công Giáo có nghĩa là: "Chúng ta xin cho mỗi người Kitô hữu sống tốt lành thánh thiện để Danh Cha được vinh hiển, nhờ đó muôn người nhận biết và tôn vinh Danh Cha".

Qua đời sống tốt của chúng ta, Danh Chúa được vinh hiển và nhờ đời sống chứng tá tốt lành đó, mà người khác cũng nhận biết và tôn thờ hầu Danh Chúa được rạng sáng.

Một đời sống tốt lành, không hẳn là môt đời sống phi thường mà là sống một cuộc đời bình thường nhưng với đầy ắp tình thương mến Chúa. Chúng ta không tìm kiếm những chuyện phi thường, lớn lao trong cuộc đời, nhưng là biết đón nhận những biến cố vui buồn hằng ngày, với niềm tin vào sự sắp xếp của Chúa Quan Phòng, và sống "phi thường" những việc bình thường hằng ngày ấy với tất cả tình yêu dành cho Chúa.

Một cuộc sống như vậy là một chứng tá hùng hồn về niềm tin của người tín hữu trước mặt mọi người. Bằng đời sống ấy, chúng ta đễ lôi cuốn người khác đến với Chúa, với Tin Mừng.

Bài Tin Mừng trên cho thấy dân thành Na-gia-rét có vinh dự được gặp Chúa Kitô và nghe Ngài giảng. Nhưng họ đã không nhận ra được vinh dự lớn lao đó, đã để cho dịp may đó qua đi. Họ coi thường Chúa Kitô, vì họ biết rõ tung tích của Ngài: con trai của bác Giuse thợ mộc nghèo khó, và mẹ Ngài là cô thôn nữ Maria chất phác. Đầu óc họ hẹp hòi, quan niệm họ sai lạc về Đấng Messia. Họ vẫn mơ ước một Đấng Messia oai hùng, đánh đuổi ngoại xâm Rôma. Họ không biết gì về nguồn gốc địch thực của Chúa Kitô.

Vì mang sẵn thiên kiến đó, họ không thể chấp nhận giáo lý mới của Chúa Kitô, một thứ rượu mới cần bầu da mới (Lc 5: 38 ), một thứ sức sống mới cần cảm nghiệm bằng một trái tim mới (ez 36:26). Chính sự hiểu biết nông cạn và phiến diện đã cản trở họ đón nhận Tin Mừng của Chúa Kitô.

Người ta thường nói : "qua cầu mới hay!". Thông thường chúng ta chỉ nhận ra giá trị của một người hay một vật khi người hay vật đó không còn. Khi ngồi tù mới hiểu thế nào là giá trị của tự do, sống mồ côi mới hiểu thế nào là tình thương của cha mẹ.

Bài tin mừng dạy ta biết nhìn nhận những gì đang có là ân huệ Chúa ban, chẳng, gia đình, bạn bè, sức khỏe,tài nămg, cơ hội, v.v... Hãy san sẻ những ân huệ ta đang có và hãy biết ơn những gì người chung quanh làm cho ta. Hãy nếm những ơn phúc lành nho nhỏ trong đời sống, đó là những phép lạ vẫn xẩy ra hằng ngày. Chỉ cần có đức tin để nhận ra. Dân làng Na-gia-rét đã từ khước Tin Mừng chỉ vì họ đánh giá Chúa Kitô quá thấp, không nhận ra Ngài là quà tặng quí giá của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu trở về Na-gia-rét, nơi Ngài sinh trưởng, và rao giảng Tin Mừng cho những người đã từng quen biết Ngài. Chính Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy Ngài làm việc đó (Lc 4:14 ). Sự thánh thiện không hệ tại làm những việc lạ lùng, nhưng là chu toàn bổn phận hằng ngày với một tình mến lớn lao. Cần mở rộng lòng đón nhận ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần và hoạt động theo sự hướng dẫn của Ngài như Chúa Kitô.

Thánh Philipphê Minh và Giuse Lựu đã sống tinh thần đó. Các ngài dùng khả năng Chúa ban để rao giảng Tin Mừng. Cha Philipphê Minh ngược xuôi trong một vùng rộng lớn các xứ đạo ngài coi sóc để cử hành Bi tích và dạy gíao lý cho tín hữu với lòng tận tuỵ.

Ông Trùm Giuse Lựu cũng vậy, trong khả năng của mình, dạy giáo lý cho gia đình, cho những người chung quanh vào những giờ rỗi rảnh; giúp cha đi thăm viếng kẻ liệt với tất cả sự nhiệt thành.

Các Ngài đã trở nên những chứng nhân loan truyền Tin Mừng trong gia đình và Họ Đạo bằng chính đời sống thánh thiện. Ngài dạy chogiáo dân và con cái biết yêu Chúa và sợ tội, biết quí đức tin hơn tất cả những kho tàng khác.

Chúa Kitô chấp nhận hy sinh, hy sinh chính mạng sống, để chu toàn sứ mạng Chúa Cha ủy thác. Tiếp đến, các tông đồ và môn đệ của Chúa cùng chung mọt số phận như Thầy mình. Thánh Thánh Philipphê Minh và Giuse Lựu cũng đã chấp nhận trả giá để trở nên chứng nhân của đức tin. Thánh Philipphê Minh biết rằng giảng đạo trong thời cấm cách là nguy hiểm đến tính mạng; Thánh Giuse Lựu cũng biết rằng chứa chấp các linh mục thời cấm đạo là việc cực kỳ nguy hiểm, nhưng các Ngài vẫn làm. Sau cùng, chính việc những tông đồ đó đã đưa Ngài ra pháp trường...

Khi mới nghe Chúa Giêsu Giảng, dân thành Na-gia-rét trầm trồ khen ngợi giáo lý của Chúa. Nhưng ngay sau đó, chính những người đó đã muốn giết Ngài. Lý do là họ không muốn chấp nhận những đòi hỏi của tin Mừng. Nhiều người theo Chúa khi Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nhưng số người theo Chúa cho đến đồi Can-Vê chỉ vỏn vẹn có vài phụ nữ và môn đệ Gioan, (Gioan 19:25 )

Có những Kitô hữu chỉ muốn theo Chúa xa xa, tựa như Phêrô trong đêm Chúa bị bắt, không muốn hy sinh, không muốn vào qua cửa hẹp. Thánh Thánh Philipphê Minh và Giuse Lựu đã lấy chính đời sống minh chứng cho đức tin các ngài rao giảng. Gông cùm, gian lao và ngay cả cái chết cũng không tách biệt các Ngài ra khỏi tình mến của Chúa Kitô.

Hơn ai hết, các Ngài đã sống theo nguyên tắc thánh Phaolô đã đề ra: "Đối với tôi, sống chính là Đức Kitô, và chết chính là nguồn lợi" (Philip 1:21 ).

Xin hai thánh Philipphê Minh và Giuse Lựu phù hộ cho Giáo Phận Vĩnh Long chúng con, nhất là trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho mọi anh em địa phận chúng con . Amen

III. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

CÙNG CHỊU ĐAU KHỔ VỚI ĐỨC KITÔ

Thánh Phaolô viết thư cho các Kitô hữu Rôma như sau:"Nếu chúng ta là con cái trong nhà, thì chúng ta cũng là kẻ thừa tự, thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô, miễn là ta cùng chịu đau khổ với Người, để cùng được vinh hiển với Người" (Rm 8, 17). Với các Kitô hữu Philipphê, ngài viết:"Tôi được biết Người, biết quyền năng sự sống lại của Người, cũng như biết thông phần những đau khổ của Người, và được trở nên giống Người trong cái chết, để đạt tới sự sống lại trong kẻ chết" (Pl 3, 10). Còn với các tín hữu Colosê, ngài viết:"Tôi vui chịu trong thân xác tôi tất cả những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô" (Cl 1, 24).

Sự triển nở, dù là triển nở tự nhiên, và sự hình thành một con người hoàn chỉnh, đòi hỏi ta phải giáp mặt với đau khổ. Không giáp mặt với đau khổ, con người vẫn là vô nghĩa, là tầm thường. Khi ấy ta sẽ không thể nào phát huy phần lớn những tiềm năng của mình; ta sẽ chỉ biết về mình, biết về nhân lọai một cách hời hợt; ta sẽ không được đào luyện trong kiên nhẫn, trong chịu đựng, trong khoan dung, trong can đảm; tasẽ dễ dãi với mình mà lại hà khắc với người khác.

Còn nói về đức ái, một nhân đức siêu nhiên, thì sự đòi hỏi chấp nhận đau khổ trở thành thiết yếu, và việc năng chịu đau khổ cách can trường sẽ thật ích lợi. Chấp nhận đau khổ là điều kiện để có thể tự giải thoát chính mình, để thanh tẩy mình ngày một trong sáng hơn, hầu có thể dấn thân thực sự cho nhân loại.

Ngay lúc ta hiểu được câu "yêu người như chính bản thân" thì tất cả mọi đau khổ của nhân loại đều được ghi khắc trong tâm hồn ta và thiêu cháy nó. Ta sẽ dấn thân vào cuộc chiến đấu đầy khó khăn gian khổ của lòng từ bi. Ta sẽ biết thế nào là thất bại ê chề, thế nào là bó buộc phải rút lui, là bị người khinh bỉ, bị cộng tác viên bỏ rơi, thế nào là bị những người mình giúp đỡ vong ân, bị những kẻ bất chính bách hại, bị mệt mỏi không còn làm gì được nữa, thế nào là cơn cám dỗ xui khiến mình rút lui khỏi cuộc chiến đấu.

Dần dần ta sẽ được hoàn toàn đào luyện bằng đau khổ, và bằng đau khổ, đôi khi sẽ trở nên nặng nề tới mức độ ta cảm thấy hầu như tuyệt vọng. Nhưng tình yêu của ta dành cho Chúa sẽ đưa ta vào trong Ngài, Ngài sẽ làm cho ta nghe thấy tiếng Ngài tận thâm tâm, và làm ta hiểu được việc dẫn ta vào con đường đau khổ là cần thiết như thế nào. (theo Joseph-Louis Lebret, Dimensions de la charité)

1225    19-04-2012 16:11:17