Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Lòng Nhiệt Thành Truyền Giáo Trong Thiên Niên Kỷ Thứ III - Tháng 10 năm 2001

Chủ đề: LÒNG NHIỆT THÀNH TRUYỀN GIÁO TRONG THIÊN NIÊN KỶ THỨ III

I. LỜI CHÚA: Lc 5, 1-11

Một hôm Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Giênêsarét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe Lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

Giảng xong, Người bảo ông Simon : “ Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá ” . Ông Simôn đáp: “ Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy. Tôi sẽ thả lưới ” . Họ đã làm như vậy và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người nầy tới và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt xuống dưới chân Đức Giêsu và nói : “ Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi ! ” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simôn : “ Đừng sợ, từ nay con sẽ là người thu phục người ta ” . Thế là họ đưa thuyền vào bờ và bỏ hết mọi sự mà theo Người.

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Nhờ vâng theo lời Chúa bảo mà Phêrô và các bạn ông được mẻ cá lớn, dù xét theo kinh nghiệm riêng ông thì không thể nào có được như vậy. Khiêm tốn làm theo lời Chúa dạy sẽ được kết quả mỹ mãn. Và nhờ khiêm tốn nhận biết thân phận hèn kém của mình để vâng theo ý Chúa, Phêrô được Chúa giao nhiệm vụ lớn lao hơn nhiều : đánh cá người.

III. CHUYỆN MINH HỌA

KHIÊM NHƯỜNG

Một hôm, hoàng tử gọi vào đền vua một người lái buôn chuyên nghề bán ngựa. Ông ta dẫn đến trước mặt hoàng tử hai con ngựa bạch đã được huấn luyện rất kỹ để hoàng tử kén chọn. Bề ngoài, hai con ngựa trông giống hệt nhau, nhưng người lái buôn lại đòi hai giá khác nhau, con nầy gấp đôi giá con kia. Hoàng tử liền gọi các quan cận thần đến mà bảo :

- Ta có thể tặng hai con ngựa nầy cho ai giải thích cho ta biết tại sao con ngựa nầy gấp đôi giá con ngựa kia ?

Các quan cận thần đến gần hai con ngựa và quan sát kỹ càng, nhưng không một ai nhận ra có điều gì khác biệt. Thấy vậy, hoàng tử cho gọi hai người lính hầu cận đến và sai họ cưỡi trên lưng hai con ngựa, hy vọng rằng các quan cận thần sẽ nhận ra giá trị của mỗi con. Sau mấy vòng phóng ngựa chung quanh sân, không ai trong các quan nhận ra sự khác biệt về giá trị của hai con ngựa. Cuối cùng, hoàng tử phải lên tiếng giải thích cho họ :

- Chắc các ngươi đã nhận ra rằng : trong khi ngựa chạy quanh sân, con ngựa thứ nhất không để lại dấu vết gì đàng sau, nó chạy cách nhẹ nhàng như bay. Trái lại con ngựa thứ hai để lại lớp bụi bay ngợp trời. Chính vì lý do đó mà con ngựa thứ nhất có giá gấp đôi con ngựa thứ hai.

IV. DIỄN NGHĨA

1. “ Duc in altum ” : Hãy ra chỗ nước sâu thả lưới (Lc 5,4). Đó là lời mời gọi Chúa Giêsu đưa ra cho Phêrô và các Tông đồ, dù cả đêm các ông đã vất vả luống công, không bắt được một con cá nào. Đó cũng là lời hiệu triệu mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đưa ra cho Giáo Hội khi bước vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ III, trong Tông Thư Khởi Đầu Thiên Niên Kỷ Mới. Phêrô và các bạn đồng môn đầu tiên đã tin lời Chúa Giêsu và thả lưới. “ Họ đã làm như vậy và bắt được rất nhiều cá ”. (Lc 5,6).

“ Duc in altum ! Những lời nói đó vang lên với chúng ta ngày nay, và kêu mời chúng ta nhớ lại dĩ vãng với lòng biết ơn, sống thời hiện tại cách phấn khởi và nhìn vào tương lai với niềm tin tưởng : “ Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi đến muôn đời ” (Dt 13,8). (TNKM 1)

Khởi đầu một kỷ nguyên mới, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta, qua Tông Thư Thiên Niên Kỷ Mới, “ phải bắt đầu lại từ Chúa Kitô, với lòng hăng say của ngày lễ Hiện xuống, với sự nhiệt tình đổi mới ” , khởi phát từ việc chiêm ngắm Chúa Giêsu trong chiều sâu của mầu nhiệm Nhập Thể Cứu Độ của Người, khởi đầu từ Cựu Ước cho đến biến cố Phục sinh của Tân Ước, từ đó Giáo Hội múc lấy nguồn sức sống để sống thánh thiện theo đòi hỏi của Tin mừng.

Vì Giáo Hội thánh thiện là do gắn bó với Thiên Chúa là Đấng ba lần thánh, bằng : cầu nguyện, qua việc tâm tình với Chúa làm cho ta trở nên bạn thiết với Người, cử hành Thánh Thể Chúa Nhật vì biến cố Phục sinh là nguồn gốc và là nền tảng của đức tin Kitô giáo, giao hòa với với Chúa và với anh em qua Bí Tích Hòa Giải, nhận ra sư ưu việt của ân sủng của Chúa trong đời sống tín hữu (kết quả công việc ta làm là do ân sủng của Chúa), nhờ việc lắng nghe Lời Chúa (mỗi gia đình nên có một quyển Kinh Thánh, Đức Thánh Cha mời gọi) và rao giảng Lời Chúa cho mọi người (TNKM số 30-41).

Trong viễn cảnh của của ngàn năm mới, Đức Thánh Cha mời gọi Giáo Hội múc nguồn từ Chúa Kitô, với sự trợ lực của Chúa Thánh Thần của Người, để ra đi truyền giáo, vì công cuộc truyền giáo “ chỉ mới giai đoạn bắt đầu ” (Redemptoris Missio số 1). Trong Bài Giảng nhân Ngày Chúa Nhật Truyền giáo 22.10.2000, Đức Thánh Cha xác quyết : thế giới không thể thiếu các nhà truyền giáo. Ngài định nghĩa : “ Truyền giáo là loan báo Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là anh cả của chúng ta, Chúa Thánh Thần là tình yêu. Truyền giáo là sự khiêm hạ nhưng say mê vào chương trình của Thiên Chúa, Đấng muốn nhân loại được cứu độ và được giao hòa ” . Ngài cũng nhấn mạnh lòng nhiệt thành truyền giáo phải phát bắt nguồn từ việc chiêm ngắm Đức Giêsu : “ Sự dấn thân truyền giáo nảy sinh như một ngọn lửa tình yêu từ việc chiêm ngắm Đức Giêsu và sự lôi cuốn của người. Chỉ các Kitô hữu đã chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô mới có thể cảm thấy bị mê mẩn bởi vẻ huy hoàng của Người (x. Đời sống thánh hiến số 15) và làm chứng cho niềm tin của mình vào Đức Kitô, Đấng Cứu chuộc duy nhất của nhân loại ” . (Bài giảng nhân Ngày Thế Giới Truyền giáo 22.10.2000 và được nhắc lại trong Ngày Thế Giới Truyền Giáo 21.07.2001)

Đức tin mà chúng ta nhận được là một hồng ân, một món quà từ trên cao Chúa ban cho chúng ta. Nguồn ân huệ nầy trở thành trách nhiệm biến chúng ta thành những người rao giảng và tông đồ : “ Truyền giáo là vấn đề của đức tin, là dấu chỉ chính xác niềm tin chúng ta vào Đức Kitô và vào tình yêu của Người dành cho chúng ta “(RM số 11). Và cũng trong Redemptoris Missio Ngài lưu ý tính hiệu quả của việc truyền giáo phải phát xuất từ việc chiêm niệm : “ Nếu nhà truyền giáo không phải là một người chiêm niệm thì không thể loan báo Chúa Giêsu cách khả tín được ” RM số 91). “ Ai đã thực sự gặp gỡ Đức Kitô thì có bổn phận loan báo về Người ! ”

2. Trong Bài Giảng Ngày Thế Giới truyền Giáo 22.10.2000, Đức Thánh Cha cũng đã chỉ cho chúng ta cách thức truyền giáo là đi theo con đường mà chính Chúa Giêsu đã đi : Phục Vụ, Khó Nghèo, Khiêm Nhường Và Thập Giá.

Khuôn mặt của Đức Kitô là “ khuôn mặt của Người phục vụ ” . Chúa Giêsu đến trần gian “ không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người ” (Mc 10,45). Việc cho đi chính mình cho tất cả mọi người là nền tảng thiết yếu trong Giáo Hội và đồng thời cũng chính là phương pháp Giáo Hội theo đuổi trong khi thực thi sứ vụ được giao phó. Và việc phục vụ đầu tiên và cao trọng nhất của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho muôn dân.

Thái độ cần có của người phục vụ Tin Mừng là khiêm nhường: biết đón nhận giá trị và nhu cầu của người khác. Đức tính đối nghịch với mối tội đầu nguy hiểm số một “ Kiêu ngạo ” là Khiêm Nhường. Cũng như kiêu ngạo là căn nguyên gây nên tội lụy cho con người do tội nguyên tổ, và là đầu mối cho bao nhiêu thứ tội khác, thì khiêm nhường là nền tảng làm triển nở những nhân đức tốt đẹp khác.

Thật vậy, trên cái nền khiêm nhường người tông đồ mới có thể đón nhận thánh ý Chúa làm ý muốn của mình để phục vụ anh em mình nhu Chúa muốn là hiến thân mình cho mọi người vì Nước Trời. Khiêm nhường làm cho ta biết từ bỏ những tiện nghi, ngay cả chính đáng, chấp nhận sống khó nghèo như Chúa muốn nghĩa là từ bỏ cơ bản ngay trong ý muốn của mình. Vì người ta có thể bỏ mọi thứ bên ngoài như nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc...nhưng nếu không từ bỏ ngay trong ước muốn của mình thì một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, người ta có thể tậu lại tất cả. Khiêm nhường làm cho ta chấp nhận khổ đau, bị áp bức, bị khinh chê ...tóm lại chấp nhận vác thập giá vì Nước Trời. Điều nầy không dễ dàng chút nào vì nó đi ngược lại lòng vị kỷ mạnh mẽ nơi mỗi người. Chấp nhận ý muốn người khác trên ý muốn của mình, mà lại là những ý muốn đối nghịch là điều khó khăn nhất, đòi hỏi phải có lòng khiêm nhường sâu thẳm.

Thái độ của Phêrô đứng trước lời mời gọi của Chúa Giêsu xem ra trái với kinh nghiệm nghề nghiệp của mình nhưng ông đã không phản kháng, trái lại, khiêm nhường đón nhận lời Chúa như một mệnh lệnh cần phải thi hành. Kết quả là một vụ đánh cá bội thu, khiến ông sửng sốt nhận ra sức mạnh quyền năng của Thiên Chúa và sụp lạy xưng nhận mình là kẻ tội lỗi. Và từ tâm tình dốc cạn tấm lòng mình cho Thiên Chúa, sẵn sàng đón nhận và làm theo ý Chúa đó, Phêrô được Chúa Giêsu giao cho nhiệm vụ lớn lao hơn nhiều: “ Đừng sợ, từ nay con sẽ là kẻ đi thu phục người ta ” (Lc 5,11).

Khiêm nhường là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến khác với tính tự cao tự đại. Người tự cao luôn luôn đứng trên cao nhìn xuống mọi sự, họ có thấy gì ở bên trên họ đâu. Họ đâu có thấy Chúa. Họ chỉ thấy họ ở trên mọi người : họ là chúa tể. Có thể sánh ví kiêu ngạo như ngọn đồi, còn khiêm nhường như thung lũng. Ơn chúa không thể dừng lại ở ngọn đồi nhưng chảy tràn xuống thung lũng dưới chân đồi.

Thánh Phêrô, sau một đêm chài lưới chẳng được con cá nào, Chúa mới cho một mẻ cá đầy thuyền. Đó là thất bại một đêm để khiêm nhường chuẩn bị cho một giờ. Lần khác, Ngài đã thất bại một giờ để khiêm nhường chuẩn bị cho thành công một đời. Đó là lúc Ngài phạm tội chối Chúa. Tội đó khiến Ngài khiêm nhường thật sâu xa. Nhờ đó Chúa đã chọn Ngài làm thủ lãnh Giáo Hội. Vì thế, kẻ nào coi mình là số không, thì sẽ có đủ chỗ cho Đấng vô cùng. Còn kẻ nào cho mình là đầy đủ thì lại bị Chúa loại bỏ vào con số không. Qua lời khiêm nhường của Thánh Gioan Tẩy Giả : “ Tôi không đáng cởi dây giày cho Đấng Cứu Thế ” , Chúa đã đáp trả đầy tình yêu mến : “ Trong con cái loài người không ai cao trọng bằng Gioan ” . (Thiên Phúc : Tất cả là hồng ân).

Chính trong thầm lặng khiêm nhường ngày qua ngày, trong những công chuyện tầm thường người tông đồ loan báo và làm chứng cho Tin Mừng, ngay cả hiến dâng mạng sống của mình. Trong âm thầm, hạt giống trong lòng đất đâm chồi mọc lên, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng.

3. Tinh thần Truyền giáo theo Thông Điệp Redemptoris Missio.

Chúng ta thử tìm hiểu một vài nét về sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội trong Thông Điệp quan trọng nầy, đặc biệt trong các chương III : Chúa Thánh Thần, Đấng chủ trì công cuộc truyền giáo; chương IV : Những chân trời mênh mông của việc truyền giáo cho lương dân; chương V : những con đường truyền giáo và chương VIII: Linh đạo truyền giáo.

Ngày 07 . 12. 1990, nhân dịp kỷ niệm 25 năm Sắc lệnh Công đồng Ad gentes, 15 năm sau Tông Huấn Evangeli nuntiandi (ĐGH Phaolô VI), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, đặc biệt đề cập đến sứ mạng Truyền giáo của Giáo Hội. Trong cái nhìn của những năm cuối cùng của thiên niên kỷ, Đức Thánh Cha nhận định rằng “ công cuộc truyền giáo chỉ mới ở giai đoạn đầu, còn lâu mới được hoàn thành ” .

a. Mục đích của Thông Điệp nhằm canh tân đức tin và đời sống người tín hữu. Chính việc loan báo Tin Mừng hay việc tái loan báo Tin Mừng sẽ củng cố đức tin Kitô hữu. Vì đức tin chỉ được kiên vững nhờ cho đi.

Loan báo về ai? Nhiệm vụ căn bản của Giáo Hội qua mọi thời là loan báo niềm tin của mình vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của trần gian, Con Một Đức Chúa Cha, xuống thế làm người bởi phép Chúa Thánh Thần. Chỉ qua Đức Giêsu Ktiô chúng ta mới đến được với Thiên Chúa Cha : “ Con người chỉ có thể đi vào sự thông hiệp với Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, dưới tác động của Chúa Thánh Thần ” .

b. Truyền giáo là gì ? Cho ai?

Truyền giáo là nói về Đức Kitô, Đấng cứu Độ cho muôn dân, là chia sẻ niềm tin mà chúng ta nhận được từ trên cao, chứ không do công trạng chúng ta, về Đức Kitô cho lương dân, vì mọi người đều cần Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết và giao hòa con người lại với Thiên Chúa. Khi nói về việc truyền giáo cho lương dân (Ad gentes), Đức Thánh Cha phân biệt ba tình trạng của thế giới như sau:

Trước hết là tình trạng một xã hội-văn hóa, một dân tộc, một nhóm người thực sự chưa nhận biết gì về Chúa Kitô và Tin Mừng của Người hay một môi trường đã có những cộng đoàn Kitô hữu nhưng họ chưa đủ trưởng thành để hội nhập niềm tin của mình vào môi trường sống và loan báo niềm tin của mình cho những người khác. Công cuộc truyền giáo tại đây được gọi đúng nghĩa là Truyền giáo cho lương dân (Ad gentes).

Kế đến là những cộng đoàn Kitô hữu có cấu trúc giáo hội địa phương vững mạnh, có đời sống đức tin nhiệt thành, sống chứng nhân Tin Mừng một cách sáng chói trong môi trường của mình và có ý thức về sứ vụ truyền giáo phổ quát. Hoạt động mục vụ Giáo Hội được thực thi tại đây.

Cuối cùng là tình trạng của những xứ đã có truyền thống Kitô giáo lâu đời và đôi khi nơi những Giáo Hội trẻ, nơi mà người tín hữu hầu như đã đi mất đức tin sống động, sống xa rời Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Trường hợp nầy cần phải có một cuộc truyền giáo mới hay “ tái truyền giáo ” .

Vậy hoạt động truyền giáo cho lương dân (Ad gentes) là nhắm vào những người chưa phải là Kitô hữu, chưa tin nhận Chúa Kitô hoặc những Giáo hội chưa bén rễ sâu vào Tin Mừng.

c. Tại sao phải truyền giáo ?

Vì con người chỉ thực sự được giải thoát nhờ gắn bó với Đức Kitô, chỉ nhờ Người chúng ta mới được giải thoát khỏi tội và sự chết. Chỉ có Ngài mới đem lại cho cuộc sống chúng ta một ý nghĩa, sự bình an và niềm vui. Nhiệm vụ chúng ta là phải nói cho mọi người biết về tình thương khôn dò của Thiên Chúa dành cho con người (x. Ep 3,8).

Phải truyền giáo cho các dân tộc, bất chấp những khó khăn. Có những khó khăn ngoại tại như : cấm cớ hay sợ bị mất ảnh hưởng, vong thân khi đón nhận Tin Mừng Kitô giáo...hoặc những khó khăn nội tại như thiếu lòng nhiệt thành, hy vọng và niềm hứng khởi hoặc tệ hại hơn là thái độ dửng dưng của người tín hữu, do ảnh hưởng bởi những khái niệm thần học không đúng, nặng về thuyết tôn giáo tương đối coi mọi tôn giáo đều như nhau.

Dầu vậy, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta không nên bi quan vì ý thức rằng chính Chúa Giêsu và Thánh Thần của Người mới là nguồn động lực chính của việc truyền giáo, còn chúng ta chỉ là những cộng tác viên của Người và khi đã làm hết trách nhiệm của mình chúng ta có thể nói : “ Chúng con chỉ là những dụng cụ vô ích của Thiên Chúa. Chúng con chỉ làm điều mà chúng con phải làm ” (Lc 17,10). Mọi tín hữu phải nỗ lực truyền giáo : “ Tất cả những ai tin vào Chúa Kitô phải chứng tỏ lòng nhiệt thành truyền giáo , một yếu tố không thể tách rời của lòng tin , hầu đem đến cho người khác niềm vui và ánh sáng đức tin. Lòng nhiệt thành phải nên như sự đói khát làm cho Chúa Giêsu được nhận biết. Có như vậy, chúng ta mới hướng cái nhìn về những chân trời mênh mông của thế giới chưa nhận biết Chúa ” . (RM số 40).

d. Chúa Thánh Thần, Đấng chủ trì công cuộc truyền giáo.

Chúa Thánh Thần hiện diện trong công trình cứu chuộc của Chúa Kitô và cũng chính Ngài là Đấng chủ trì việc tiếp tục công trình cứu rỗi bắt nguồn từ Thập giá. Dù Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi loan báo ơn cứu rỗi, nhưng chính Chúa Thánh Thần là Đấng tác động thực hiện sứ vụ nầy nơi tâm hồn các nhà truyền giáo và trong lịch sử thế giới.

Thật vậy, ngay từ buổi sơ khai của Giáo Hội, chính Chúa Thánh Thần tác động hoán cải tâm hồn các kitô hữu đầu tiên, soi sáng tâm hồn và hướng dẫn hoạt động của các Tông đồ : “ Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Tin Mừng thấm sâu vào tâm thức và tâm hồn nhân loại và lan tỏa trong dòng lịch sử. Chính Chúa Thánh Thần ban sự sống cho tất cả ” . (Encyclique Dominum et vivificantem, n. 64).

Việc sai đi “đến tận cùng trái đất” (Cvsđ 1,8).

Các tác giả Phúc âm khi thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đấng Phục sinh và các Tông đồ đều kết thúc với sứ mạng được sai đi : “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn môn đệ...Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,, 18-20; Mc 16, 15-18; Lc 24, 46-49; Jn 20, 21-23).

Đây là việc sai phái trong Thánh Thần, như Phúc âm Thánh Gioan đã thuật lại rõ ràng : như Chúa Cha đã sai Người, Chúa Kitô cũng sai các tông đồ vào trong thế gian, và chính vì lẽ đó mà Ngài ban Thánh Thần cho họ. Thánh Luca cũng liên kết chặt chẽ việc các Tông đồ làm chứng về Chúa Kitô với việc Chúa Thánh Thần làm cho sứ mạng ấy được hiện thực.

Trong các bản văn kinh Thánh nói về việc các Tông đồ được sai đi loan báo Tin Mừng đều đề cập đến hai yếu tố: “đến tất cả các dân nước” và lời đảm bảo của Chúa Giêsu họ sẽ không đơn độc mà sẽ được ơn trợ lực của Chúa. Điều đó cho thấy cho thấy có sự hiện diện và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, đồng thời với sự trợ giúp của Chúa Giêsu.

Chúa Thánh Thần trợ giúp công cuộc truyền giáo. Trong ngày Hiện Xuống, khi Chúa Thánh Thần xuống tràn ngập các Tông đồ, Người biến đổi các ông thành những chứng nhân và tiên tri, giúp các ông mạnh dạn loan báo về Chúa Giêsu. Chính Chúa Thánh Thần ban cho các ông khả năng làm chứng về Chúa Giêsu một cách “mạnh dạn” (x. Cv 2,29) và hăng say đi khắp nơi loan báo Tin Mừng.

Chúa Thánh Thần làm cho tất cả Giáo Hội trở thành những nhà truyền giáo. Qua lời rao giảng đầu tiên của Phêrô ngày Lễ Hiện Xuống, một số đông đã trở lại, nhờ sự khơi động của Thánh Thần. Đó là cộng đồng Giáo hội tiên khởi. Họ để mọi sự làm của chung, sống yêu thương hòa thuận, chuyên cần cầu nguyện và cử hành Thánh Thể. Đời sống của cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi nầy là một chứng từ chiếu sáng cho việc truyền giáo.

Sách Công vụ sứ đồ cho thấy khởi đầu chỉ có nhóm Mười Hai rao giảng Tin Mừng và bắt đầu từ người Do thái; nhưng rồi sau đó, chính cộng đoàn tín hữu, bằng lối sống của mình, đã làm chứng cho Chúa và đem lương dân trở lại (x. Cv 2, 46-47). Như vậy, việc truyền giáo cho lương dân (ad gentes) ngay từ buổi đầu của Giáo Hội được thể hiện bằng chính lối sống tốt đẹp của Kitô hữu và bằng lời loan báo cá nhân mỗi khi có thể.

Chúa Thánh Thần hiện diện hoạt động qua mọi thời và khắp mọi nơi. Chúa Thánh Thần hiển hiện cách đặc biệt trong Giáo Hội và nơi mọi phần tử của Giáo Hội. Tuy nhiên sự hiện diện và hoạt động của Thánh Thần thì có tính cách phổ quát, không giới hạn trong không gian và thời gian. Chúa Thánh Thần ban cho con người “ánh sáng và sức mạnh giúp họ đáp trả lời mời gọi từ trên cao” (Gaudiun et Spes n. 10). Sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần không chỉ giới hạn trong những cá nhân, nhưng còn trong xã hội, trong lịch sử, nơi các dân tộc, trong các nền văn hóa, trong các tôn giáo...Người dẫn dắt thời gian và biến đổi bộ mặt thế giới qua sự Quan Phòng của Người.

Công cuộc truyền giáo chỉ mới ở giai đoạn đầu. Đức Thánh Cha mời gọi Giáo Hội cần khởi động lại sứ mạng truyền giáo cho nhân loại thời đại hôm nay, trong sự tín thác vào Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn lực của việc Truyền giáo. Cần can đảm và lắng nghe Thánh Thần

e. Truyền giáo như thế nào ?

Trong chương V khi nói về những con đường truyền giáo Đức Thánh Cha nhắc lại Sắc lệnh Ad gentes :”Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn là sự biểu hiện chương trình của Thiên Chúa, sự vinh hiển và việc thể hiện lịch sử cứu độ qua lịch sử thế giới mà Thiên Chúa rõ ràng muốn nhắm đến qua công cuộc truyền giáo” (Ad gentes).

Hình thức rao giảng trước tiên là làm chứng: Người đương thời tin vào các nhân chứng hơn thầy dạy, vào kinh nghiệm hơn giáo thuyết, vào cuộc sống và những dữ kiện hơn những lý thuyết. Bởi đó, hình thức rao giảng Tin Mừng trước hết là làm chứng bằng đời sống của Kitô hữu và của những nhà truyền giáo.

Trong một vài trường hợp, khi không thể làm được gì khác thì chỉ duy nhất đời sống chứng tá Tin Mừng là có thể thực hiện được. Lời chứng có hiệu quả nhất là : quan tâm đến người nghèo, những kẻ bé mọn, những người đau khổ; phấn đấu cho hòa bình, công lý, quyền con người, thăng tiến con người; thể hiện tình huynh đệ trong môi trường sống của mình. Giáo Hội và các nhà truyền giáo còn phải làm chứng bằng sự khiêm tốn qua việc xét mình cá nhân và tập thể để sửa chữa lại những cách hành xử đi ngược lại với Phúc âm và làm biến dạng khuôn mặt Đức Kitô (RM số 43).

Kế đến là loan báo Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc. Giáo Hội có nhiệm vụ loan báo tình thương Chúa cho mọi người rằng moi người đều được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc. Đây chính là trọng tâm của việc truyền giáo. Bởi vì “Đức tin được sinh ra từ lời loan báo và mọi cộng đoàn giáo hội bắt nguồn và phát sinh từ việc đáp trả cá nhân của mỗi tín hữu vào lời loan báo nầy. Cũng như tâm điểm của nhiệm cục cứu độ là Đức Kitô, thì cũng thế, hoạt động truyền giáo là nhằm loan báo mầu nhiệm của người” (RM số 44).

Việc truyền giáo không bao giờ là một hành vi cá nhân riêng rẽ nhưng liên kết với tất cả các cộng đoàn giáo hội. Dẫu cho nhà truyền giáo chỉ có một mình, nhưng họ được nối kết vô hình với công cuộc truyền giáo của cả Giáo Hội. Sớm hay muộn gì người ta cũng nhận ra cộng đoàn đã sai phái họ ra đi và đang nâng đỡ họ.

Xuất phát từ lòng tin, nhà truyền giáo loan báo cách mạnh mẽ, hùng hồn : “Vì tin tưởng vào Chúa chúng tôi mà chúng tôi đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em, qua những cuộc chiến gay go” (1Th 2,2).

Xác tín rằng nơi mỗi người và mọi dân tộc chưa tin Chúa đều tiềm ẩn sẵn - nhờ tác động của Thánh Thần - khát vọng, dù vô thức, hiểu biết về Thiên Chúa, về con người, về con đường dẫn đưa họ thoát khỏi tội lỗi và cái chết, nên nhà truyền giáo hăng say loan báo Chúa Kitô mà không do dự hay nản lòng và tin rằng mọi người sẽ đón nhận. Họ biết rằng đây không phải là một chân lý nhân loại mà họ loan báo nhưng chính là “Lời của Thiên Chúa”, Đấng có đầy sức mạnh và huyền diệu.

Lời chứng hùng hồn nhất cho Tin Mừng là dâng hiến chính bản thân mình. Vì tử đạo là “làm chứng”. Qua dòng lịch sử của Giáo Hội và ngay trong thời đại chúng ta đang sống biết bao Giám mục, linh mục, Tân ước sĩ nam nữ, giáo dân đã dâng hiến mạng sống mình cho niềm tin. Chính họ là những sứ giả, những chứng nhân Tin Mừng tuyệt hảo (RM 45).

f. Những ai có nhiệm vụ phải truyền giáo ?

Không thể có chứng cứ nếu không có những người làm chứng. Việc truyền giáo liên quan đến tất cả mọi người trong Giáo Hội, khởi từ mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ : “Các con hãy làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, trong khắp xứ Giuđê và Samaria, và cho đến tận cùng thế giới” (Cv 1,9). Mọi thừa tác viên có chức thánh cũng như các Kitô hữu giáo dân đều có bổn phận truyền giáo. Đối với người tín hữu, việc cộng tác vào công cuộc truyền giáo phát xuất từ việc họ lãnh nhận tù Đức Kitô qua bí tích Rửa tội ba nhiệm vụ : tiên tri, tư tế và vương đế.

g. Linh đạo truyền giáo (RM chương VIII).

Hoạt động truyền giáo đòi hỏi phải có một linh đạo truyền giáo chuyên biệt cho các vị thừa sai.

Được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần, những người được Thiên Chúa sai đi truyền giáo phải trở nên ngoan ngoãn với ơn Chúa Thánh Thần. Điều nầy khiến họ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn từ bên trong làm cho họ ngày càng giống Chúa Kitô hơn. Nhờ vâng phục Thánh Thần họ cũng sẽ đắc thủ được ơn can đảm và biện phân. Đó là những nét chính yếu của linh đạo truyền giáo. Chính Thánh Thần sẽ hướng dẫn họ đi trên những nẻo đường truyền giáo khó nhọc và mới mẻ.

Sống mầu nhiệm Chúa Kitô “được sai đi”.

Việc hiệp thông thân mật với Chúa Kitô là một yếu tố thiết yếu của linh đạo truyền giáo : người ta không thể hiểu biết cũng như sống đời truyền giáo mà không qui chiếu về Chúa Kitô, Đấng sai họ ra đi rao giảng. Họ phải đi lại con đường tự hủy vì yêu thương của Đức Kitô cho đến dưới chân thánh giá. Nhà truyền giáo được mời gọi “từ bỏ chính mình, tất cả những gì mình có, để trở nên tất cả cho mọi người” (Ad gentes) và “Đừng sợ ! Vì Ta ở cùng các con” (CV 18, 9-10).

Yêu mến Giáo Hội và mọi người như Chúa Giêsu đã yêu. Nhà truyền giáo phải được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành “yêu mến các linh hồn”, phát xuất từ tình yêu của chính Chúa Kitô, Đấng thấu hiểu tâm hồn con người, yêu thương mọi người bằng việc cứu chuộc và chịu đau khổ vì họ, trong khi bị chối từ, như : quan tâm, dịu dàng, thông cảm, đón tiếp, sẵn sàng, hiểu biết những khó khăn của người khác. Và giống Chúa Kitô, họ cũng phải yêu Giáo Hội : “Đức Kitô đã yêu thương và đã phó mình vì Hội Thánh” (Ep 5, 25). Đối với nhà truyền giáo “lòng tín trung với Chúa Kitô không thể tách rời khỏi lòng trung tín với Giáo Hội” (Presbyterorum ordinis, n. 14).

Nhà truyền giáo thật sự phải là một vị thánh. Lời mời gọi truyền giáo phát xuất từ bản chất của lời mời gọi nên thánh. Tất cả mọi nhà truyền giáo đúng nghĩa đều phải dấn bước trên con đường thánh thiện: “Sự thánh thiện là nền tảng thiết yếu và là điều kiện tuyệt đối không thể thay thế của việc hoàn tất công cuộc rao truyền ơn cứu rỗi của Hội Thánh” (Christifideles laica, n. 17). Ơn gọi phổ quát nên thánh liên kết chặt chẽ với ơn gọi truyền giáo : mọi tín hữu đều được mời gọi nên thánh và truyền giáo.

V. CẦU NGUYỆN

Xin Chúa Thánh Thần cho mỗi tín hữu chúng biết múc lấy từ Chúa Kitô năng lực truyền giáo mới, để hăng say làm chứng về Chúa cho anh em đồng bào con, còn rất nhiều người chưa nhận biết tôn thờ Chúa, hầu mọi người ,nhờ ơn Chúa giúp, được hạnh phúc, bình an và niềm vui chân thật. Amen

VI. HỌC LỜI CHÚA

“Hãy ra khơi thả lưới !” (Lc 5,4).

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

DẤN THÂN VÌ TIN MỪNG

Mỗi con người, sau khi gặp Chúa Giêsu, đều được sai đi. Sau khi đón nhận Lời đầy sức sống, lòng tin mãnh liệt đã nuôi Lời Tin Mừng bình an, và nhận thức “sứ mạng yêu thương” của người yêu Chúa, họ không thể ở yên trong nếp sống củ. Tin vui đầy ấp trong lòng, họ không thể không nói ra. Đi theo Chúa, họ không thể không hy sinh phục vụ người khác; bởi vì Tin Mừng cần được loan báo, gương dấn thân phục vụ con người của Chúa Giêsu cần phải được tái diễn lại nơi những Kitô hữu đang sống trong thời đại hôm nay.

Là những Kitô hữu trẻ, chúng ta có thái độ nào trước lệnh truyền sai đi của Chúa Giêsu :”Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con”. (Mt 28, 19-20).

Trước hết, chúng ta nên xem lại thái độ mạnh dạn ra đi theo tiếng gọi của các Kitô hữu thời Giáo Hội sơ khai.

I. THÁI ĐỘ RA ĐI THEO TIẾNG GỌI CỦA KITÔ HỮU THỜI GIÁO HỘI SƠ KHAI

” Các con hãy đi . . .” Lời sai đi ấy, Chúa Giêsu đặt trong tim những con người ngư phủ bình thường giản dị : Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan. “Lập tức họ bỏ lưới mà theo Ngài”. (Mt 4,22). Hoặc một người tội lỗi như Matthiêu :”Ông đứng dậy đi theo Ngài”. Những con người được Ngài chữa lành, được Ngài chạm tới :”Hãy về nhà và thuật lại những điều Thiên Chúa đã làm cho anh. Người ấy ra đi và rao truyền khắp cả mọi thành những điều Chúa Giêsu đã làm cho mình”. (Lc 8,19).

Tất cả những ai thực sự được lời Ngài chạm tới đã cùng một phản ứng : ra đi hân hoan, loan báo và làm chứng cho Tin Mừng, tin vui trọng đại, tin giải thoát lớn lao khiến họ bị tác động, đổi hẳn con người cũ của mình.

Họ là những con người nhỏ bé đơn sơ, không ngại ngùng mà thông báo cho các bậc vị vọng quyền uy :”Thấy rồi thì họ đã cao rao các điều họ đã nghe nói về Con Trẻ và ai ai đã nghe biết thì đều kinh ngạc về mọi điều các kẻ chăn cừu tán dương và ca ngợi Thiên Chúa về các điều họ đã nghe và thấy, thực đúng như lời đã báo cho họ”. (Lc 2, 17-20).

Họ là những con người đầy mặc cảm bị khinh khi, tội lỗi đã trở nên hào hùng biết cho đi :”Giakêu nói cùng Chúa : Thưa Ngài, nửa phần sản nghiệp của tôi, tôi xin bố thí cho người nghèo, và nếu tôi đã gian lận gì của ai tôi xin hoàn lại gấp bốn” (Lc 19, 9).

Đó là những con người thay vì hèn nhát đã trở nên can đảm, thay vì bi quan thất vọng đã trở nên tin tưởng vui mừng :”Phần chúng tôi, chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi không thể không nói ra được” (Cv 4, 20). Cũng chính họ, từ con người bình dân và chất phát đã được Thánh Thần biến đổi để làm những việc kỳ diệu. “Nguyên ngày hôm đó đã thêm vào được lối 3000 linh hồn. (Cv 2, 41). Trong số những kẻ nghe Lời, có lắm người tin, chỉ kể đàn ông cũng đã lên đến 5000.” (Cv 4,4).

Họ là những con người cứng cỏi, chống đối, nhưng đã gặp Ngài, đã đổi hẳn cuộc đời, dám từ bỏ những danh vọng quyền thế đã có, chấp nhận những hiểm nguy sóng gió :”Tôi coi mọi sự hết thảy như thua lỗ, bất lợi cả, trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành tổn hại mọi sự và xem như rác rưởi để được Đức Kitô” (Ph 3, 8).

Họ là hàng trăm người vô danh, tên chỉ được nhắc một đôi lần trong Tin Mừng, đã chung vui với các môn đồ, đã được sống niềm tin, đã kiên vững, đã dám hy sinh :”Vì công việc của Đức Kitô mà anh gần như chết hụt, đã liều mạng sống mình để thay mặt cho anh em mà giúp đỡ tôi”. “Họ đã cùng tôi chiến đấu vì Tin Mừng…” (Ph 2, 20 ; 4, 3).

Còn thời đại hôm nay, sau 20 thế kỷ, những người đã một lần gặp gỡ Đức Kitô, họ có thái độ nào ? Nhiệt tình phục vụ Tin Mừng của họ ra sao ?

II. THÁI ĐỘ DẤN THÂN CỦA CÁC KITÔ HỮU NGÀY NAY

Là những người giáo dân, nhất là những người trẻ, sống ở đời cùng với những bổn phận trần thế, họ có một tư thế đặc biệt, vừa khó khăn, vừa thuận lợi trong việc phục vụ môi trường xung quanh. Đó là những kích thích, cãi cọ, xích mích, mạnh ai nấy sống. Ngoài xã hội : nhiều bon chen, giành giật, nhiều lối sống ích kỷ, chối từ Tin Mừng, nhiều lối quảng cáo sa đọa, khử thiêng . . . tưởng chừng như họ bị lẻ loi, tiếng nói của họ không được quan tâm. Lắm khi họ cũng bị môi trường hóa không ít. Chính bản thân họ : mức sống khó khăn, làm lụng vất vả, chật vật trong việc nuôi sống gia đình, thời giờ eo hẹp, đi lại gặp gỡ nhau khó khăn . . . đã làm cho họ kém phần chuyên cần trong việc sống Tin Mừng. Thiện chí lắm khi cũng bị lung lay, buông xuôi, trong số họ, đã có những trường hợp phải thốt lên :”Chỉ kiếm sống không thôi cũng đủ mệt nhoài, còn giờ đâu mà nghĩ đến người khác…”

Vậy họ có thái độ nào cho việc loan báo Tin Mừng ?

Đã có không ít người, trước tiên bằng sự nhắc nhở cho nhau về sứ mạng riêng biệt gần như không thể thay thế của họ :”Men trong bột”. Họ hiểu rằng, Giáo Hội Đức Kitô sẽ không hiện diện đủ mọi người, nếu như họ chạy trốn xóm nhỏ bẩn thỉu, nơi giành giật bon chen, nếu như họ lãng quên những tâm hồn yếu đuối đau khổ, đang cần được xoa dịu hằng ngày. Ngay lúc ấy, khác với linh mục, tu sĩ, họ đã có thể và đang có mặt khắp nơi : bên cạnh người thợ lam lũ, ngay bên những con người “ích kỷ”, “mánh mung”, là bạn của những người tội lỗi, sa đọa, là cha, là mẹ, là những đứa con, là người làm công, làm chủ . . . tất cả đều là chi thể của Đức Kitô. Họ hiểu rằng, nếu họ không dấn thân loan Tin Mừng giải thoát, không phục vụ yêu thương cho những con người ấy, thì đã làm nghẽn mạch nhựa sống từ đầu chi thể cho đến anh em mình . . . Đặc biệt, nhờ sống chung trong lòng đời với những đa diện và phức tạp, vừa “ô nhiễm tâm linh” nhưng cũng đầy khao khát chân lý, họ đang có được sự nhạy cảm đối với môi trường thực tế, để cảm thông với người khác. Và còn gì tốt hơn để loan báo Tin Mừng cho người thợ bằng người thợ, cho người trẻ bằng chính người trẻ . . .

Họ hiểu rằng, thế giới họ đang sống hôm nay đã trở nên chai lì và nghi ngờ với ngôn ngữ và lời nói, nó đang thèm khát những gương sống, những chứng nhân và cần thật nhiều, nơi nào cũng thế : từ xóm nhỏ nghèo nàn đến đô thị ăn chơi. “Các con hãy là muối cho đời, là ánh sáng cho thế gian”.

1- Thái độ người nhân chứng.

Khi dấn thân phục vụ, họ kể lại cho người khác nghe những gì họ đã gặp được nơi Chúa Kitô, những niềm vui, sự bình an mà Tin Mừng mang đến cho họ, điều quan trọng của họ là cảm nghiệm, là tác động sống mà Chúa không ngớt mang đến cho con người, nếu con người biết tìm kiếm. Họ không thích trình bày chân lý của Đức Kitô bằng những lý luận suy diễn khô khan, nhưng bằng chính Lời Ngài và sự tác động của Lời Ngài nơi chính họ.

Là men trong bột phải âm thầm khiêm tốn. Mang trong tâm hoài bão lớn của Tin Mừng, nhưng không vỗ ngực huênh hoang, nhưng khiêm tốn trong cuộc dấn thân, âm thầm bền bỉ nơi từng người họ tiếp xúc. Họ tin rằng chính Chúa là Đấng đã làm cho hoa trái Tin Mừng lớn lao trở thành những mùa màng kỳ diệu, còn họ chỉ là những “dụng cụ người” cộng tác với Ngài. Thế nên, trong hoàn cảnh khó khăn không phương tiện, đã không làm cho họ buông xuôi, nhưng vẫn kiên trì đi vào đời sống mỗi ngày như men trong bột, và sự nhiệt thành của men, ơn Ngài không thiếu sẽ làm cho những người mà họ tiếp xúc đổi thay.

2- Thái độ thường trực dấn thân.

Họ biết mình đang là sứ giả lưu động của Chúa Kitô trong cuộc sống. Hạt giống Tin Mừng sẵn trong tay, gặp lúc gieo được là gieo. Lòng ấp ủ tình thương yêu, gặp lúc giúp đỡ an ủi được là làm. Dầu có người ghét bỏ hay hiểu lầm, họ vẫn tin rằng thái độ phục vụ sẽ đổi thay loài người. Nhờ chân lý sống động của Lời Ngài, cùng với cảm quan nhạy bén trong môi trường trần thế, họ đang trở nên những y tá của Tin Mừng, cứu cấp, băng bó những vết thương tâm linh, những lở lói khổ đau nghèo túng cho anh em một cách cấp thời, kịp lúc . . . Phải chăng họ đang góp phần xứng đáng cho ước vọng này của thế giới : chặn đứng tội ác, sự oán hờn, lòng ích kỷ . . . ngay từ trong trứng nước.

3- Thái độ tích cực dấn thân.

Khiêm tốn thầm lặng nhưng đầy tin tưởng nơi sức mạnh của loài người. Trong cuộc tiếp xúc với nhiều hạng người trong xã hội, họ không mặc cảm, e ngại hay thủ thế với anh em ngoài Kitô giáo, họ trình bày chân lý và minh chứng bằng đời sống, hơn là tìm cách bảo vệ và lo thắng trong các cuộc tranh luận. “ Chúng tôi . . . không dựa vào mánh lới, không xuyên tạc Lời của Thiên Chúa, nhưng đàng hoàng giãi bày sự thật . . . vì chúng tôi rao giảng không phải về chính mình, song về Đức Kitô Giêsu, còn chúng tôi chỉ là đầy tớ của anh em vì Đức Kitô …” .(2Cor 4, 2-5).

Họ tin rằng Đức Kitô dẫu đã khổ đau, bị chối từ, bị đóng đinh, nhưng cuối cùng Ngài đã chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự ích kỷ, chiến thắng sự tối tăm . . . “Ai sẽ là kẻ có thể thắng thế gian, nếu không phải là kẻ đã tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa” (1Gn 5, 5). Họ tự tin nhưng không dựa vào khôn ngoan, tài năng của mình, nhưng là dựa vào chính Đức Kitô đang sống trong mình.

4- Thái độ cộng tác với người khác.

Khi dấn thân phục vụ, họ lấy lợi ích của chính con người mà họ tiếp xúc chứ không tìm lợi ích cho mình, không tìm vinh quang cá nhân. Thế cho nên, họ sẵn sàng cộng tác với mọi người, mời gọi mọi người càng được rộng lớn ra thêm. Không phân biệt giữa nhóm này với nhóm khác, giữa họ đạo này với họ đạo khác . . . lắm khi chịu thiệt thòi miễn là thân mình Đức Kitô ngày càng lớn thêm mãi.

Đặc biệt họ gắn bó mật thiết với các linh mục, tu sĩ trong vùng, để cùng nhau ưu tư về những nhu cầu và vấn đề của họ đạo, để mỗi bên với cách thế dấn thân của mình mà hỗ trợ cho nhau. Hiển nhiên sẽ tốt đẹp và sinh nhiều hiệu quả khi họ được nuôi dưỡng bởi giáo huấn của Giáo Hội, thường xuyên được giúp đỡ hướng dẫn của các linh mục, tu sĩ.

5- Thái độ kết hợp mật thiết với Chúa Kitô sống động.

Đây là “nguồn lực” chính yếu và cần thiết cho sự nhiệt tình loan báo Tin Mừng. Họ hiểu rằng, muốn cho đi họ phải có trước đã, muốn chia sẻ cho người khác tình yêu, lòng tin tưởng an vui thì chính họ phải thường xuyên chạy đến Đức Kitô để múc nguồn sống từ Ngài. Việc cầu nguyện liên lỉ thiết tha, năng suy niệm Lời Chúa, tham gia tích cực các Bí Tích, nhất là bí tích Thánh Thể đã và đang trở nên thường xuyên đối với họ.

”Hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong anh em. Cũng như cành nho không thể sinh quả một mình khi nó không dính liền với thân cây, thì anh em cũng vậy, nếu không ở trong Thầy . . . Không có Thầy anh em không thể làm gì được”. (Gn 15, 4-5).

Tuy nhiên lắm khi họ đã không đủ giờ, hoặc quá xa xôi, thậm chí ở vùng không có nhà thờ, không có linh mục, họ “ở lại với Thầy” bằng cách nào ? Lúc ấy họ hiểu rằng họ đã mất tất cả những phương tiện bình thường như tất cả các Kitô hữu khác. Giờ đây chỉ còn một mình họ với Chúa Kitô bên cuốn Thánh Kinh, mối dây liên hệ ấy càng trở nên duy nhất và cần thiết cho họ hơn.

”Tôi trở về bên Chúa” như một điệp khúc của đời tôi. Đó là cách họ trả lời. Sau mỗi công việc, lúc nghỉ ngơi, sau mỗi lần tiếp xúc với người khác, cả trước khi lao lực . . . họ hồi tâm, cắm sâu tâm hồn mình trong Ngài, xin Ngài chuyển cho họ sức sống và năng lực . . . cứ thế tiếp diễn trong một ngày, từng lúc như thế, họ đã “sạt” cho bình hơi của mình lại đầy, vốn trang bị thêm hao hụt bởi nhọc nhằn, nước mắt, bốc hơi đi bởi lo sợ, những lần hy sinh bởi những ích kỷ, bon chen của thế trần. “Và này, Ta ở mãi với anh em cho đến tận thế”, lời ấy đang trở nên Tin Mừng bình an cho họ hơn bao giờ hết.

KẾT

Để cầu nguyện cho lòng hăng say truyền giáo,chúng ta cùng hát : KINH HÒA BÌNH của thánh Phanxicô

Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ Bình An của Chúa,
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Đem an hòa vào nơi tranh chấp,
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm,
Để con đem tin kính vào nơi nghi nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa, xin hãy dạy con,
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí :

ƠN AN BÌNH.
(Cf. PAUL ALAIN, Le Groupe des Pratique de l.Evangile)


VIII. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

1. PHÚT SÁM HỐI

Xin Chúa tha thứ những khi con không làm chứng nhân cho đạo Chúa, không làm tròn sứ mạng truyền giáo.
Xin Chúa tha thứ những khi con làm gương xấu … làm mất thanh danh Chúa.
Xin Chúa tha thứ những khi con e ngại xưng mình là người có đạo, không dám nói Chúa cho người khác.

2. LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em, các bạn trẻ thân mến,

Trong Tông huấn Giáo Hội Tại Á Châu, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi kitô-hữu đều có bổn phận truyền giáo theo mệnh lệnh của Chúa Cứu Thế. Đức Thánh Cha còn hướng dẫn từng thành phần, từng giới (cả giới trẻ) cách thức truyền giáo cho người Á Châu trong thiên niên kỷ thứ ba này. Theo lời của vị Cha chung, chúng ta hãy mau thực hiện sứ mạng truyền giáo. Nhưng trước hết và giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau dâng lời cầu xin Chúa:

Trước hết chúng ta cám ơn Chúa vì đã soi dẫn Đức Giáo Hoàng chỉ dạy cộng đồng dân Chúa trên khắp năm châu phải thực hiện việc truyền giáo cho các dân tộc hôm nay; Xin Chúa thêm ơn thúc giục mọi thành phần dân Chúa và nhất là chính chúng con, mau liệu truyền giáo ngay trong hoàn cảnh sống của mình.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những công việc và những con người dấn thân truyền giáo trong Giáo Hội; Xin Chúa kêu gọi nhiều người nhiệt thành, ban cho họ được nhiều khả năng, nhiều sáng kiến hữu hiệu, và giúp họ sử dụng nhiều phương tiện thuận lợi , để thực hiện việc truyền giáo cho các dân tộc.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân tộc, mọi thành phần nhân loại, có được mọi điều kiện để nhận biết thờ phượng Chúa; Xin Chúa tỏ hiện rõ hơn, để cho các thành phần nhân loại, dù là sang hèn, hay giàu nghèo, dù là dân tộc thiểu số hay chưa tin Chúa, biết dùng lý trí và đức tin sáng suốt Chúa ban, mà nhận biết và tôn thờ Chúa.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho chính chúng ta và hết mọi người trong họ đạo; Xin Chúa cho chúng ta luôn nhớ bên tai lời Chúa dạy: "Hãy đi rao giảng Tin Mừng", để chúng ta biết dùng mọi hoàn cảnh, mọi thời giờ và mọi nơi mà giới thiệu đạo Chúa cho những người xung quanh.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã biết Chúa bảo chứng con phải rao giảng Tin Mừng, và Chúa còn ban ơn Thánh Thần , giúp phương tiện, cho chúng con hoàn thành sứ mạng; chúng con nài xin Thánh Thần Chúa biến đổi sự hiểu biết của chúng con thành hành động Loan báo Tin Mừng khắp nơi. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

IX. SUY NIỆM

TRUYỀN GIÁO

Trong ngày Lễ Hiện Xuống đầu tiên.

Ý cầu nguyện của tháng 10 là xin cho Giáo Hôi tìm lại được nhiệt tình truyền giáo của lễ Hiện Xuống đầu tiên. Vì thế ta cần nhìn lại thuở ban đầu ấy của Hội Thánh Chúa Kitô.

Thật là dễ dàng nhận ra điều đó khi chúng ta chăm chú đọc lại Sách Tông đồ Công vụ. Sách TĐCV được coi như Phúc Âm của Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần là động lực của công cuộc truyền giáo. Không có Chúa Thánh Thần là không có truyền giáo. Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II đã công bố một công cuộc truyền giáo mới, và Tái Rao giảng Phúc Âm cho toàn thể Giáo Hội bắt đầu từ năm 1990 với Tông Huấn “ Sứ vụ Đấng Cứu Thế” ( Missio Redemptoris, 07/12/1990, năm kỷ niệm 25 năm Sắc lệnh Công Đồng Vatican II “Ad Gentes”).

Đức Thánh Cha đưa ra nhiều phương cách truyền giáo. Nhưng Ngài nhấn mạnh rằng: dù với phương cách nào thì cũng cần phải hành động trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, phải tái khám phá ra động lực thúc đẩy người ta trở về với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người.

Một trong những phương cách tốt nhất là hãy mở Sách Công Vụ Tông Đồ ra và hãy nguyện xin cho gương sống của những người Kitô hữu đầu tiên tạo nên cảm hứng cho chúng ta, để chúng ta cũng biết chia sẻ tình yêu của Chúa Giêsu cho người khác.

Trong Sách Công Vụ Tông đồ, chúng ta nhận thấy những người Kitô hữu đầu tiên đã xây dựng Giáo Hội từ nhiều khó khăn, hỗn tạp. Mọi vấn đề xảy đến đều mới mẻ đối với họ. Họ bỡ ngỡ, họ kinh ngạc trước những thành công lớn lao vượt sức của mình. Họ thú nhận đó không phải là công lao của họ mà là của Chúa Thánh Thần. Họ trở nên một Cộng đoàn đức tin bởi quyền lực của Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống. Họ tạo nên một hệ thống truyền giáo vô song, và bung ra khắp các ngã để rao giảng Tin Mừng về ơn Cứu Độ. Họ ra đi bằng phương tiện đơn thường. Đó là đẹp thay bước chân rao giảng, và đi theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

Đương nhiên cùng với con người, khả năng, nghị lực của họ, nhưng luôn tiếp chạm ngọn lửa Thánh Thần. Những con người của Tông đồ Công vụ đã ca hát trong ngục tù, đã đương đầu với nghịch cảnh, đã sống vui vẻ, đã quảng đại chia sẻ những gì mình có, đã tranh luận, đã ra trước công quyền, đã gom góp của cải giúp đỡ người nghèo, đã chăm sóc và chữa lành những kẻ bệnh hoạn tật nguyền, đã cầu nguyện với lòng đơn sơ sốt sắng, đã sống hài hòa với mọi người , đã thương yêu nhau đến nỗi người người thèm muốn thốt lên : “ Kìa xem họ yêu thương nhau là dường nào!” Đó là một cộng đoàn những con người, nhưng là những con người đầy Chúa Thánh Thần, đầy nhiệt tình rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. Họ trình bày Chúa Giêsu chính là nguồn hạnh phúc và là mối hy vọng lớn lao cho mọi người phải đạt tới. Những người rao giảng này muốn biến đổi người nghe. Họ nói với tất cả tấm lòng yêu thương chân thành.. Họ dùng mọi phương cách của con người để thuyết phục, nhưng lúc nào cũng dựa vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, nhờ vậy những gì họ nói ra đã gây tác động xoáy sâu vào tâm hồn người nghe.

Họ quá biết sự hoán cải của con người luôn luôn là một phép lạ. Họ cảm nghiệm quyền năng của Chúa trong tâm hồn và họ chia sẻ Chúa Giêsu, Đấng họ biết, cho người khác. Họ đã biến đổi hàng ngàn, hàng vạn người khác. Và chỉ trong một thời gian ngắn, Kitô giáo đã lan tràn đến tận hang cùng ngõ hẻm của đế quốc La mã.

Chúa Thánh Thần, Đấng đã hoạt động với các Tông đồ thuở xưa, cũng còn đang hoạt động ngày hôm nay. Nhưng Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta, vì vậy chúng ta hãy mở tâm hồn ra mời Ngài đến chiếm ngự. Xin Ngài đổ đầy ơn sủng và biến chúng ta trở nên dụng cụ của Ngài cho thế giới hôm nay.

Ngày nay chúng ta cần phải có sự dũng cảm và lòng can đảm như các Ngài. Không một lý do nào làm cho chúng ta phải hổ thẹn và sợ hãi khi chúng ta sống và làm chứng nhân đức tin công giáo của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh và ơn can đảm, để chúng ta thể hiện đức tin mạnh mẽ như những tín hữu trong Giáo hội thời đầu.

Lễ Hiện xuống và công cuộc truyền giáo đan quyện lấy nhau y như là một: Lễ Hiện Xuống đầu tiên bao gồm: 120 người kiên trì cầu nguyện với Mẹ Maria, Thánh Thần được ban xuống, Các Tông đồ ra khỏi căn phóng đóng kín để công bố Lời Rao giảng Tiên Khởi về sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô, và những người nghe đã ăn năn sám hối và chịu Phép Rửa nhân Danh Đức Kitô và đón nhận ơn huệ Chúa Thánh Thần.

Công vụ Tông đồ khởi đầu từ phòng tiệc ly, nơi đó các môn đệ và Mẹ Maria liên lỉ cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần được ban xuống. Cũng vậy khi chúng ta liên lỉ cầu nguyện như hơi thở, chúng ta cũng tạo ra được khung cảnh chờ đợi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta. Cầu nguyện cũng là hoạt động của Chúa Thánh Thần, Truyền giáo cũng là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Hãy quỳ gối xuống và bắt đầu cầu nguyện đi thôi.

X. TẢN MẠN

NGẪM NGHĨ MÀ XEM...


Ngày nay,
Ta có những tòa nhà cao hơn và xa lộ rộng hơn,
nhưng lòng trắc ẩn thấp hơn và tầm nhìn hẹp hơn.
Ta tiêu xài nhiều hơn, nhưng vui hưởng ít hơn.
Ta có những ngôi nhà lớn hơn,
nhưng những gia đình nhỏ hơn.
Ta có nhiều thỏa hiệp hơn, nhưng ít thì giờ hơn.
Ta có nhiều kiến thức hơn, nhưng ít suy nghĩ hơn.
Ta có nhiều thuốc men hơn, nhưng ít sức khỏe hơn.
Ta tích lũy thêm nhiều của cải,
nhưng lại bỏ bớt đi giá trị của mình.
Ta nói rất nhiều, ta lại yêu thương quá ít
và căm ghét quá nhiều.
Ta lên tận Mặt Trăng rồi trở về, nhưng ta thấy ái ngại
khi phải băng qua đường để gặp gỡ người hàng xóm.
Ta đã chinh phục không gian bên ngoài,
nhưng không chinh phục được chính nội tâm mình.
Thu nhập của ta tăng cao, nhưng đạo đức ta thì tụt thấp...
Thời buổi này là lúc có nhiều tự do hơn,
nhưng ít niềm vui hơn.
Có nhiều thức ăn hơn, nhưng ít sức sống hơn.
Thời gian này là lúc có hai đầu lương đem về nhà,
nhưng ly dị thì gia tăng.
Thời buổi này là lúc có nhiều căn nhà tiện nghi hơn,
nhưng cũng nhiều gia đình đổ vỡ hơn.
Vì thế tôi đề nghị những điều sau đây, từ hôm nay:
Bạn đừng tìm một điều gì đó làm một cơ hội đặc biệt,
vì mỗi ngày bạn sống là một cơ hội đặc biệt.
Hãy học hỏi, đọc sách nhiều hơn,
Hãy ngồi nơi ngưỡng cửa và nhìn ra quang cảnh
mà không quan tâm đến các nhu cầu của mình.
Hãy dành nhiều thời gian hơn cho gia đình,
Hãy ăn món nào bạn thích,
Hãy viếng thăm nơi nào bạn yêu mến.
Cuộc sống là một chuỗi những thời điểm vui hưởng;
sống không phải chỉ là tồn tại mà thôi.
Hãy sử dụng chiếc cốc pha lê của mình.
Đừng cất giữ lọ nước hoa thơm nhất,
nhưng hãy sử dụng nó mỗi khi bạn cảm thấy mình cần.
Hãy xóa đi khỏi từ vựng của bạn những cụm từ “mai mốt”
và “một ngày nào đó”.
Hãy viết ngay lá thư mà mình nghĩ rằng
"mai mốt” rồi mình sẽ viết.
Hãy nói với gia đình và bạn hữu mình rằng
bạn yêu thương họ rất nhiều.
Vì vậy, đừng trì hoãn đem nụ cười và niềm vui
thêm vào cuộc đời mình.
Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút đều là đặc biệt.
Và bạn không biết đấy có phải là ngày giờ chót hay không...
Nếu bạn quá bận mà không thể dành ra vài phút
để gởi thông điệp này cho một người mình thương,
và bạn tự nhủ rằng “mai mốt” mình sẽ gởi,
thì hãy nhớ rằng “mai mốt” có thể là một ngày thật xa,
hoặc bạn không còn có mặt trên đời để nhìn cái “mai mốt” nữa...

(sưu tầm)

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

CHỈ MỘT CỐC SỮA

Ngày kia, có một cậu bé nghèo phải đi bán dạo từng nhà để kiếm tiền đi học. Một hôm cậu cám

thấy rất đói mà trong túi lại chỉ có 10 xu. Cậu quyết định đến ngôi nhà sắp tới sẽ xin chút gì ăn cho đỡ đói. Thế nhưng, cậu ta mất hết tinh thần, khi trông thấy người phụ nữ trẻ đẹp ra mở cửa. Thay vì xin chút gì để ăn, cậu liền xin nước uống.

Người phụ nữ thầm nghĩ cậu bé nầy trông rất đói, nên mang cho cậu một ly sữa lớn. Chậm rãi uống xong cậu liền hỏi “Con phải trả cho bà bao nhiêu ?”

- “Con không phải trả gì cả” người phụ nữ trả lời. “Mẹ ta đã dạy chúng ta không bao giờ được nhận tiền khi thực thi lòng nhân ái”.

Vài năm sau, người phụ nữ ấy mắc bệnh rất nặng. Các bác sĩ địa phương đành bó tay. Cuối cùng, họ chuyển bà ta lên một thành phố lớn, ở đó, người ta cho mời các chuyên gia đến nghiên cứu căn bệnh hiếm hoi nầy. Bác sĩ Howard Kelly được mời đến tham khảo ý kiến. Khi vừa nghe đến tên thành phố mà người phụ nữ sinh sống, một tia sáng kỳ lạ ánh lên trên đôi mắt ông.Tức khắc, ông đứng lên và đi xuống hành lang bệnh viện để đến phòng người phụ nữ nằm.

Mặc bộ áo trắng, bác sĩ Kelly bước vào phòng thăm người phụ nữ. Ông nhận ra bà ta ngay tức khắc. Ông trở về phòng hội chẩn và quyết tâm tìm mọi cách để cứu mạng sống người phụ nữ nầy. Kể từ ngày đó, ông đặc biệt quan tâm đến ca bệnh nầy. Sau một thời gian chiến đấu cật lực với cơn bệnh, bệnh nhân bình phục hẳn. Bác sĩ Kelly yêu cầu văn phòng chuyển hóa đơn thanh toán viện phí cho ông xem.

Nhìn vào hóa đơn, ông viết điều gì đó vào góc tờ giấy và bảo mang đến cho người phụ nữ. Bà nầy rất ngại mở tờ hóa đơn ra, vì biết rằng mình sẽ phải chi trả hết số tiền còn lại để sống cho viện phí. Cuối cùng, bà ta cũng nhìn vào và có một điều gì đó đập vào mắt bà trên góc tờ hóa đơn. Người phụ nữ đọc thấy dòng chữ nầy :

”Đã được thanh toán đầy đủ chỉ với một cốc sữa !”

Tham Khảo:
Vì Sự Sống Trần Gian, Antôn Ngô Văn Vững sj;
Thà Thắp Lên Một Ngọn Nến, Christophers;
www.vietcatholic.net; www.simonhoadalat.com; Radio Veritas Asia; www.dongcong.com....

2178    17-04-2012 10:04:31