Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Luồng Gió Mới - Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Cl 2, 1-11; 1 Cr 12, 3b-7. 12-13; Ga 20, 19-23

LUỒNG GIÓ MỚI

Có quá nhiều dấu ấn trong Giáo Hội Công Giáo, nhưng có lẽ dấu ấn Công đồng Vaticano II để lại trong lòng người tín hữu không những sự đổi mới của các nghị sự, của quyết định của công đồng nhưng có lẽ ấn tượng nhất là người quyết định khai mở công đồng.

Chắc có lẽ mọi người không thể quên vị Giáo Hoàng có sáng kiến mở công đồng Vaticano II. Bình thường cũng đã nhớ khi một vị Giáo Hoàng khai mở công đồng nhưng đặc biệt ở vị Giáo Hoàng khai mở công đồng này khi Ngài đã luống tuổi. Nhiều người không chỉ nhận định mà tin rằng đây chính là luồng gió mới mà Thánh Thần thổi vào Giáo Hội.

Nhờ Luồng Gió mới, nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà  Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã triệu tập Công đồng vào ngày 11 tháng 10 năm 1962. Công đồng này được  Chân Phước Giáo hoàng Phaolô VI kết thúc ngày 8 tháng 12 năm 1965.

Nhìn lại một chút lịch sử, ta thấy suốt những năm 1950, những người Công giáo nghiên cứu về thần học và Kinh Thánh bắt đầu quay khỏi chủ nghĩa tân kinh viện và kiểu giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen. Giáo hội đã áp dụng cách hiểu này từCông đồng Vatican I để trả lời dị giáo đổi mới. Có thể nhận thấy thay đổi này đối với các nhà thần học như Karl Rahner S.J., và John Courtney Murray S.J., họ cố gắng giải thích kinh nghiệm con người hiện đại để hợp với những điều giáo lý Kitô giáo; những người như là Yves Congar, Joseph Ratzinger (tức là Giáo hoàng Biển Đức XVI), và Henri de Lubac tìm hiểu về Kinh Thánh và Giáo hội một cách được cho là chính xác hơn, dùng nó là nguồn phục hồi.

Cùng lúc đó, các Giám mục trên thế giới có nhiều vấn đề khó khăn trước mặt do thay đổi chính trị, xã hội, kinh tế, và công nghệ. Trong số đó có Giám mục muốn tìm cách mới để giải quyết các vấn đề này. Công đồng Vatican I đã được tổ chức gần 100 năm về trước nhưng bị cắt ngắn khi Quân đội Ý vào thành phố Rôma vào cuối thời kỳ Thống nhất nước Ý. Vì thế, công đồng chỉ có thì giờ tranh luận về vai trò của chức Giáo hoàng, còn các vấn đề mục sư và giáo lý mà có thể ảnh hưởng đến cả Giáo hội chưa được giải quyết.

Và như vậy, rất nhiều người nghĩ rằng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII sẽ là một Giáo Hoàng thích yên ổn vì khi đó tuổi đã cao. Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII được bầu lên ngày 28-10-1958, một cụ già đã 77 tuổi lại có thể làm nên một mùa xuân cho giáo hội. Có thể nói, chính tương quan của giáo hội và thế giới lúc đó đã tạo ra bầu khí ngột ngạt hối thúc vị Giáo hoàng già nua phải làm một cái gì đó như Ngài nói: “ít nhất phải mở toang cánh cửa ra để thoáng khí hơn”.

Nhờ ơn Chúa thúc đẩy, Ngài công bố mục đích triệu tập Công đồng ngày 25 tháng 1 năm 1959, chưa ba tháng sau khi được bầu tháng 10 năm 1958. Trong khi Ngài tỏ ý kiến đầy đủ về công đồng trong nhiều bức thư vào giai đoạn ba năm, một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất là khi Giáo Hoàng trả lời câu hỏi tại sao cần triệu tập một công đồng.

Rất đơn giản, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII mở cửa sổ và nói “Hãy mở những cánh cửa sổ ra. Hãy tìm hiểu nhìn xem những dấu chỉ thời đại . Hãy lắng nghe con người và tìm hiểu những suy nghĩ thắc mắc của họ”.

Thật sự, không chỉ phải ở Công Đồng Vaticano II mới có sự hiện diện của Thánh Thần nhưng Thánh Thần đã có, đang có và vẫn có, vẫn hiện diện, vẫn sống với Giáo Hội. Thánh Thần chính là Đấng làm mới, làm tươi mới lại khuôn mặt cứng tin, khuôn mặt cằn cỗi của con người trước một Thiên Chúa quyền năng.

Quá nhiều lần con người cố thủ trong cái nhìn nhỏ hẹp của mình để rồi quên lãng đi sự hiện diện rất quan trọng của Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngôi Ba Thiên Chúa đóng vai trò rất quan trọng trong công trình sáng tạo, trong công trình cứu độ của con người.

Ta còn nhớ trong sách Sáng Thế, Thần Khí Thiên Chúa bay là là trên mặt nước : "Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Chúa bay lượn trên mặt nước." (St 1,1-2) 

Và ta thấy Thánh Thần trong mầu nhiệm tạo dựng con người. Thánh Thần là Đấng ban sự sống thể lý cho con người : "Chính hơi thở của Thiên Chúa đã làm ra tôi, khí Shadday đã cho tôi sự sống" (G 33, 4). Chính Thánh Thần phục sinh kẻ chết về thể lý cũng như tinh thần. Người phục hồi sự sống cho những bộ xương khô, biểu tượng của sự chết : "Ta sẽ ban Thần Khí của Ta xuống trong các ngươi. Và các ngươi sẽ được sống" (Ed 37, l4). Và Thánh Thần, Đấng bảo tồn toàn thể sự sống trên trái đất. Khi Giavê Thiên Chúa rút hơi thở Người lại, thì không tạo vật nào còn sống : "Nếu Người chỉ nghĩ đến Người, nếu Người rút về làn khí hơi thở của Người, thì mọi xác phàm sẽ chết cùng một lúc, và con người sẽ trở về với cát bụi" (G 34, 14-15).

Không chỉ hiện diện nhưng Thánh Thần đã làm cho con người không chỉ sống nhưng hơn nữa là khi có ơn Thánh Thần thì người nhận ơn Thánh Thần sẽ khôn ngoan, sức mạnh ... như các trang Thánh Kinh ghi lại.

Ơn khôn ngoan cho những người lãnh đạo.

Thánh Thần được Thiên Chúa ban cho những người được Ngài đặt lên để cai trị Dân của Ngài.

Trường hợp Môsê với 70 trưởng lão (Ds 11, 16-17. 25-26).

Trường hợp Giôsua được Thiên Chúa chọn kế vị Môsê (Ds 27, 28-33).

"Giôsua con của Nun, đã được đầy Thần Khí Khôn Ngoan, vì Môsê đã đặt tay trên ông" (Đnl 34, 9).

Việc xức dầu cho các vua là dấu hiệu sự hiện diện của Thánh Thần trong việc cai trị của họ : "Samuel cầm lấy sừng dầu mà xức dầu cho cậu giữa các anh và Thần Khí đã đáp xuống trên Đavít từ ngày ấy về sau" (1Sm 16, 13).

 Sức mạnh và lòng can đảm cho một số trường hợp đặc biệt.

Trong thời kỳ các Quan Aùn là một trong những thời kỳ đen tối nhất của dân Israel, Thánh Thần đã được phú ban cho các vị, nhờ đó các vị có một sức mạnh hay uy quyền đặc biệt : "Thần Khí Thiên Chúa đến trên ông (Otniel) và ông đã làm thẩm phán trên Isrel. Oâng đã xuất chinh và Giavê đã phó nộp Cushan-Rishơataim, vua Aram trong tay ông..." (Tl 3, 10).

"Thần Khí Giavê xuống phủ trùm người Ghêđêôn, và ông thổi tù và" (Tl 6, 34).

"Thần Khí Chúa đến trên Giéptê và ông đã qua Galaađ và Manassê" (Tl 11, 29).

"Thần Khí Giavê xuống trên ông (Samson) và ông đã xé mảnh con sư tử như thể người ta xé mảnh con dê ... Bấy giờ Thần Khí giáng xuống trên ông, và ông đã xuống Asqalon và giết 30 người ... Khi ông đến gần Lêkhi, Thần Khí Giavê giáng xuống trên ông : các chão trên tay ông đã ra ngay như sợi dây gai cháy xèo trong lửa ..." (Tl 14, 6. 19 ; 15, 14).

Hiểu biết và sáng kiến trong khoa học và nghệ thuật.

Hai người thợ (Bơxalêel và Oholiab) đã nhận được ơn thông minh và tài khéo để thực hiện "Trướng Tao Phùng" :

"Người đã ban cho nó (Bơxalêel) đầy Thần Khí Thiên Chúa về khôn ngoan, minh mẫn, hiểu biết và bách nghệ ... Người đã ban cho chúng đầy tài khôn khéo..." (Xh 35, 30-35).

Việc xây dựng đền thờ cũng do Thần Khí hướng dẫn Đavít vẽ mẫu và trao lại cho Salômon : "Bấy giờ Đavít trao cho Salômon con ông, mẫu của tiền đường và mẫu của chính điện... ; và mẫu của tất cả những gì ông đã được Thần Khí hứng cho về các Tiền đình của Nhà Giavê và các phòng xung quanh" (1Sbn 28, 11-12).

Tóm lại, mọi thành phần Dân Chúa Trong Cựu Ước đều tin tưởng cách đơn sơ và thực tế vào hoạt động của Thánh Thần của Thiên Chúa trong đời sống cũng như lịch sử.

          Đặc biệt nhất, có lẽ chúng ta thấy Thánh Thần luôn đồng hành cùng với Chúa Giêsu từ khi nhập thể cho đến khi Chúa Giêsu rời thế gian mà về với Cha. Trước khi tắt thở, Chúa Giêsu đã trút hơi thở và phó thác cho Thần Khí. Thần Khí, Thánh Thần mà Chúa Giêsu trao phó cũng chính là Thánh Thần mà Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ khi Chúa Giêsu về Trời :  Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. (Ga 14, 16.17).

          Thánh Thần vẫn hiện diện, vẫn hoạt động trong Giáo Hội, trong mỗi người. Thế nhưng, đáng tiếc thay ngày hôm nay người ta chạy theo lợi ích cá nhân, chạy theo cái tôi của mình để rồi dập tắt đi Thần Khí mà Thiên Chúa ban cho mỗi người, Thiên Chúa ban cho Giáo Hội.

          Còn đó sự giằng co giữa Thần Khí và xác thịt, Thánh Thần và con người.

          Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta khơi lên Thần Khí mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta vào ngày chúng ta lãnh bí tích Thanh Tẩy và Thêm Sức. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chắc chắn chúng ta sẽ được sống và được sống dồi dào cũng như có những ơn cần thiết để sống giữa cuộc đời tạm bợ này.

          Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ra để cho Luồng Gió mới chính là Thần Khí thổi trong con người chúng ta, đổi mới con người chúng ta.

 

Huệ Minh

1835    23-05-2015 00:16:57