Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Mầu Nhiệm Giáo Hội Hiệp Thông

Thông thường chúng ta vẫn nhìn Giáo Hội như là một thể chế rộng lớn mang tính quốc tế, hoạt động có quy củ, trật tự và người công giáo chúng ta thường tự hào về điều này. Nói đến Giáo Hội là chúng ta nghĩ ngay đến đền thánh Phêrô uy nghi, những tòa nhà đồ sộ ở Vatican, với những bộ và ủy ban hoạt động, với hàng giám mục, linh mục và tu sĩ; nhưng lại coi nhẹ, thậm chí quên rằng Giáo Hội cũng là chính chúng ta, những người trong cùng một cộng đoàn giáo xứ hay những cộng đoàn cùng tin Đức Giêsu Kitô. Sẽ thật sai lầm nếu ai đó coi Giáo hội Chúa Kitô chỉ là một tổ chức xã hội, một tổ chức trần thế vì giáo hội tổ chức chặt chẽ và hoạt đông hiệu quả. Giáo hội trước tiên là một mầu nhiệm vì Giáo Hội phát sinh từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là xuất phát từ chương trình cứu độ phổ quát của Chúa Cha , sứ vụ và công trình cứu độ của Chúa Con và tình yêu thánh hóa của Chúa Thánh Thần (CĐ Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, số 2-3). Như thế Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (GH 4). Sự hiệp nhất của Ba Ngôi vừa là nguồn gốc, vừa là mạch sống, vừa là mẫu mực cho sự hiệp nhất của Giáo Hội: được sinh ra bởi Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, sự hiệp thông trong Giáo Hội cũng sẽ trở về với Chúa Cha nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, cho đến ngày tất cả mọi sự quy phục Người Con, Đấng đến lượt mình sẽ cũng trao lại mọi sự cho Chúa Cha, để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự (1 Cr 15, 28).


1. NGUỒN GỐC GIÁO HỘI NÓI LÊN TÍNH HIỆP THÔNG

Thông thường chúng ta vẫn nhìn Giáo Hội như là một thể chế rộng lớn mang tính quốc tế, hoạt động có quy củ, trật tự và người công giáo chúng ta thường tự hào về điều này. Nói đến Giáo Hội là chúng ta nghĩ ngay đến đền thánh Phêrô uy nghi, những tòa nhà đồ sộ ở Vatican, với những bộ và ủy ban hoạt động, với hàng giám mục, linh mục và tu sĩ; nhưng lại coi nhẹ, thậm chí quên rằng Giáo Hội cũng là chính chúng ta, những người trong cùng một cộng đoàn giáo xứ hay những cộng đoàn cùng tin Đức Giêsu Kitô. Sẽ thật sai lầm nếu ai đó coi Giáo hội Chúa Kitô chỉ là một tổ chức xã hội, một tổ chức trần thế vì giáo hội tổ chức chặt chẽ và hoạt đông hiệu quả. Giáo hội trước tiên là một mầu nhiệm vì Giáo Hội phát sinh từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là xuất phát từ chương trình cứu độ phổ quát của Chúa Cha , sứ vụ và công trình cứu độ của Chúa Con và tình yêu thánh hóa của Chúa Thánh Thần (CĐ Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, số 2-3). Như thế Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (GH 4). Sự hiệp nhất của Ba Ngôi vừa là nguồn gốc, vừa là mạch sống, vừa là mẫu mực cho sự hiệp nhất của Giáo Hội: được sinh ra bởi Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, sự hiệp thông trong Giáo Hội cũng sẽ trở về với Chúa Cha nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, cho đến ngày tất cả mọi sự quy phục Người Con, Đấng đến lượt mình sẽ cũng trao lại mọi sự cho Chúa Cha, để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự (1 Cr 15, 28).

Sự hiệp thông của Giáo Hội bắt nguồn từ sự hiệp thông của Ba Ngôi, tham dự và sống bằng sự hiệp thông ấy, đồng thời mô phỏng sự hiệp thông ấy: Thiên Chúa muốn có Giáo Hội bởi vì ngài muốn có sự hiệp nhất ấy, và cũng bởi vì tình yêu sâu thẳm của Người được biểu lộ trong sự hiệp nhất ấy . Cha Yves Congar nhận định rằng: “sự hiệp nhất của Giáo Hội là một sự chuyển thông và nối dài sự hiệp nhất trong Thiên Chúa”. Chính vì thế, Hiệp thông là một trong ba đặc tính làm nên mầu nhiệm giáo hội. Chúng ta không thể nào hiểu giáo hội một cách đúng đắn và đầy đủ nếu không nhìn đến đặc tính hiệp thông.


2. GIÁO HỘI HIỆP THÔNG NHƯ THÂN THỂ CHÚA KITÔ

Trình bày về đặc tính hiệp thông của Giáo Hội cho đầy đủ và bài bản là một điều đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Ở đây, mình chỉ xin được chia sẻ một vài ý tưởng để chúng ta sống hiệp thông cụ thể trong môi trường giáo xứ với các hoạt động tông đồ của anh chị em huynh trưởng, giáo lý viên, giới trẻ chúng ta. Mình xin đưa ra ba hình ảnh để minh họa cho tình hiệp thông.

- Hiệp thông không phải chỉ là tụ họp bên cạnh nhau, sinh hoạt, ăn uống chung với nhau. Ở chợ người ta tụ họp, buôn bán, trao đổi, ăn uống bên nhau nhưng nào có tinh thần hiệp thông thực sự ? hình ảnh của đống đá với các viên đá xếp bên cạnh nhau, xếp chồng lên nhau làm thành một “tập thể” nhưng cuộc đời, hoàn cảnh của các viên đá không có liên hệ gì với nhau. Mỗi viên đá là một thế giới riêng khép kín.

- Hiệp thông cũng không phải chỉ là sự liên kết giữa tôi và anh vì tôi cần đến anh để làm việc, tôi không thể phục vụ một mình và anh cũng thế. Tôi có nhiệm vụ của tôi và anh có nhiệm vụ của anh. Chúng ta cần dựa vào nhau để mà sống, để phục vụ cho một lý tưởng. Đây có thể là sự đoàn kết mà người ta hay đề cao: “đoàn kết là sức mạnh” nhưng vẫn chưa phải là tình hiệp thông thực sự. Hình ảnh của chiếc xe đạp với các phụ tùng như: căm, niềng, xích, bàn đạp, tay lái…được nối kết với nhau để cho chiếc xe đạp có thể di chuyển về một hướng. Tuy nhiên, nếu cái xích nó đứt, cái căm nó gẫy, cái bánh xe bị bể thì xe dừng lại, nhưng các bộ phận khác cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy. Tôi là anh căm, chị niềng bị gẫy thì sẽ có chị niềng khác được thay, em vỏ bị nổ thi đã có em vỏ khác thay thế và thế là chiếc xe đạp có thể chạy tiếp. Hiệp thông còn hơn thế nữa chứ không chỉ dừng lại là đoàn kết.


- Vậy hiệp thông là gì ? có nhiều cách định nghĩa và mỗi định nghĩa chỉ diễn tả được một phương diện chứ không toàn diện vì hiệp thông đúng nghĩa và đích thực chỉ có ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Vậy chỉ xin dùng hình ảnh cụ thể và sống động của thánh Phaolô để diễn tả tình hiệp thông giữa chúng ta. Đó là hình ảnh của một thân thể con người:

ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Ðức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, là Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.

Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Giả như chân có nói: "Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể.

Giả như tai có nói: "Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể.

Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?

Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được?

Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không có thể bảo tay: "Tao không cần đến mày"; đầu cũng không thể bảo hai chân: "Tao không cần chúng mày".

Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất; và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết.

Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.

Vậy anh em, anh em là thân thể Ðức Kitô, và mỗi người là một chi thể. (1 Cr 12, 5-27).

Chúng ta thấy, mỗi bộ phận trong cơ thể có một chức năng riêng nhưng có liên hệ mật thiết với nhau. Một ngón tay bị đứt chảy máu thì miệng la lên, nước mắt chảy, chân chạy đi tìm bông băng…; một cái mụn nhọn ở chân có thể làm cả cơ thể sốt, lằm im một chỗ; một khối u ác tính trong gan có thể hủy hoại cả một cơ thể và tất nhiên một hệ thống đề kháng mạnh khỏe sẽ ảnh hưởng tốt lên cả cơ thể.

Như vậy chuyện của tôi không còn chỉ là của tôi nữa, sự thánh thiện hay tội lỗi của tôi không phải là chỉ thuộc về cá nhân tôi nữa nhưng còn ảnh hưởng đến cả cộng đoàn, đến những người anh em tôi. Tôi thánh hay tội thì sự thánh thiện và tội lỗi ấy ấy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến anh em tôi. Và ngược lại, những sai lỗi và thánh thiện của anh em tôi có ảnh hưởng trực tiếp đến tôi. Trong kinh tin kính chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm các thánh cùng thông công là thế đó. Như vậy chúng ta có một sự hiệp thông sâu xa dựa trên cùng một đức tin, các bí tích và Lời Chúa và chia sẻ cùng một Thánh Thần để nên Thân Thể Đức Kitô. Đó là sự hiệp thông đích thực giữa các Kitô hữu đối với nhau. Nói như vậy cho thấy việc từ chối nhau hay chia rẽ nhau trong giáo hội là không thể hiểu nổi, phải nhận thấy sự hiệp thông sâu xa đó để chúng ta cần phải thay đổi thái độ và lối sống của mình đối với anh chị em.

jos. Thuần (nguồn www.giesulove.net)

9321    02-03-2011 15:04:39