Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Nên Khí Cụ Bình An và Xây Đắp Tình Thương - tháng 12 năm 2012

  1. Lời Chủ Chăn
  2. Thư Mục Vụ
  3. Diễn Giải Thư Mục Vụ
  4. Lời Nguyện Chung
  5. Áp Dụng Thực Hành
  6. Học Kinh Thánh
  7. Tìm Hiểu Giáo Luật
  8. Trang Linh Mục
  9. Trang Tu Sĩ
  10. Trang Sống Ơn Gọi
  11. Trang Thiếu Nhi
  12. Trang Giới Trẻ
  13. Trang Gia Đình
  14. Trang Giáo Lý Viên
  15. Sống Đẹp
  16. Chuyện Thường Ngày
  17. Hỏi Đáp Mục Vụ
  18. Một Chút Tâm Tình

 

LỜI CHỦ CHĂN

TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103  đường 3/2
Vĩnh Long

24.11.2012

V/v Khí cụ bình an và xây đắp tình thương

Kính gởi: Các Linh Mục,
                Các Tu Sĩ
                Và Anh Chị Em Giáo Dân Địa Phận Vĩnh Long

"Chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại thành một"(Eph 2,14).

1. Vào cuối Thư Mục Vụ tháng 10 năm 2011, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bày tỏ ước mong cho mọi thành phần Dân Chúa được trở nên khí cụ bình an, xây đắp tình thương và sự sống trên quê hương Việt Nam (s. 5).  Hội Thánh muốn nói đến Bình an nào? Tại sao chúng ta chỉ có thể là khí cụ, mà không thể là tác nhân?

2. Trong các Thánh Lễ được cử hành một cách long trọng, Hội Thánh hát Kinh Vinh Danh,là Kinh mà Sứ Thần Chúa đã hát trong Đêm Chúa Giáng Sinh: Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm

Thiên Chúa là Đấng tự hữu, là Đấng Hằng Sống. Chúa đã ban sự sống cho con người. Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống thông hiệp với Chúa, hiệp thông với nhau. "Giá trị của con người, chức vị cao sang của con người, là được thông phần vào bản tính Thiên Chúa" (Thánh Lêô giáo hoàng, sermo 21,3.).  

Nếu Adong Evà đã đánh mất tình nghĩa, mất hiệp thông với Thiên Chúa, rồi cũng mất thông hiệp với nhau, thì việc Con Chúa làm Người là khởi đầu công trình kỳ diệu của Chúa, để tái tạo sự thông hiệp nầy. "Người là Bình An của chúng ta, Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại thành một " (Eph. 2,14), để chúng ta được trở thành kẻ được Chúa thương, êm ái nối kết với nhau bằng dây hợp nhất'((Thánh Augustinô, Sermo 185)..

Đó là ân huệ nhưng không lại được trao ban  cho người thiện tâm. Ai là người thiện tâm, nếu không phải là người có lòng tin vào Chúa Kitô, nhờ lời giảng  của Hội Thánh. Nhờ Bí Tích Rửa Tội, và tin vào Chúa Kitô, người tín hữu lại được sống hiệp thông với Chúa, với anh chị em tíh hữu (x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1694, 1691, 16920.

Chúa Kitô Phục Sinh đem bình an đến cho các môn đồ: "Bình An cho các con" (Gioan 20,19). Rồi Người ban Thánh Thần và sai các môn đồ làm sứ giả, làm thừa tác viên của Bí Tích Giao Hoà, làm khí cụ bình an: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Các con hãy nhận lãnh Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha" ( Gioan 20,21-23).

3. Năm đức Tin là thời điểm đặc biệt quan trọng để mỗi người chúng ta nhìn lại đời sống tín hữu của mình. Chúng ta làm sao để trân trọng và nuôi dưỡng lòng tin của mình.  Chúng ta có theo gương Hội Thánh thời sơ khai, chuyên cần với giáo huấn của các Tông Đồ, hiệp thông trong Lễ Bẻ Bánh, và cầu nguyện (x. Act 2,42).

Không có Thiên Chúa, không có Chúa Kitô, sẽ không có tương lai, không có hy vọng (Đức GH Bênêđitô XVI). Không có Thiên Chúa  thì tha nhân là ai đối với chúng ta?  Kẻ thù  kẻ cắp, kẻ gian?  Không tin Thiên Chúa, thì làm gì có tình thương chân thật, làm gì có tình Bác Ái?

Trong bầu  khí của Mùa Vọng,  của Năm Đức Tin,  chúng ta cùng nhau cầu nguyen với Thánh Phanxicô Assisi:

Lạy Chúa Từ Nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người,
Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa,

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,

Đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp ,

Đem chân lý vào chốn lỗi lầm,

Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng;

Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an,

Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,

Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,

Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.

Chính khi thứ tha là khi được tha thứ ; chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con,

Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
         Giám Mục của Anh Chị Em


THƯ MỤC VỤ

CHỦ ĐỀ: KHÍ CỤ BÌNH AN VÀ XÂY ĐẮP TÌNH THƯƠNG

Ước gì trong suốt năm Phụng vụ 2012, mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam đều tập trung vào việc "ở với Chúa" qua cử hành Thánh Thể, qua lắng nghe Lời Chúa, để mang trong lòng mình những tâm tư của Chúa, tâm tư hiền lành và khiêm nhường, thương xót và tha thứ, dấn thân và phục vụ. Nhờ đó, trong tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể trở nên những người có lòng nhân từ như Cha chúng ta ở trên trời (x. Lc 6,36), và nên khí cụ bình an, xây đắp tình thương và sự sống trên quê hương Việt nam (Thư Chung HĐGMVN 2012, số 5).

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Để có thể trở thành "khí cụ bình an", chúng ta cần phải thật sự có bình an. Người đời thường tìm bình an nơi những đảm bảo của tài sản, tiền bạc, địa vị, sức khoẻ. Nhưng tiền bạc, của cải, địa vị,  sức khoẻ rồi cũng qua đi với thời gian;  lại thêm biết bao sợ hãi, lo lắng, phiền muộn trong cuộc sống vốn đầy những bất ổn, không lường hết được. Chính lòng người vốn bất an nên sinh ra bất hòa, bất mãn, bất bình, bất nhân, bất nghĩa.....Vậy chúng ta cần phải có bình an nào để có thể trở thành tác nhân gieo rắc sự bình an cho người khác?

Do tội lỗi, con người đã đánh mất nguồn bình an. Thật vậy, Sách Sáng Thế chương ba ghi  lại bi kịch trong vườn Địa Đàng khi tổ phụ loài người sau khi bất tuân lệnh Chúa mà ăn trái cấm thì sợ hãi, chạy trốn khi nghe tiếng Chúa gọi.  Chính tội   lỗi đã khiến con người bối rối, sợ hãi, mất bình an như lời ngôn sứ Isaia: "những kẻ ác chẳng hưởng sự bình an bao giờ" (Isaia 48,22).

Từ tội Ađam,  tội ác tràn lan đến cả nhân loại. Chiến tranh liên miên khắp mọi nơi, mọi thời và hoà bình chỉ là sự ngưng nghỉ của chiến tranh mà thôi.

Nhân loại luôn khao khát sự bình an, hòa bình và đã nỗ lực tìm kiếm nhưng xem ra thất bại.  Từ khi phạm tội và loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống mình, tâm hồn con người có một khoảng trống không gì có thể lấp đầy,  nên cứ bất an, không thỏa mãn.  Có một bài báo đã nhận định ngắn gọn về thế kỷ 20 đáng cho chúng ta suy nghĩ: con người ngày nay "giàu hơn, mập hơn, nhưng không hạnh phúc hơn".

Khi báo tin cho các mục đồng về tin mừng trọng đại Con Thiên Chúa giáng trần, các thiên thần đã loan tin:

"Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."
(Lc 2,14)

Đấng Cứu Thế chính là Chúa của sự bình an. Và bình an nầy Thiên Chúa dành tặng cho tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bé mọn, tội lỗi. Bình an ấy chính là ơn cứu độ, là sự giải thoát khỏi tội lỗi gây xao xuyến,  bất an, là sự lấp đầy tâm hồn con người bằng chính Chúa, nguồn hạnh phúc và bình an.

Trước khi chịu tử nạn, Đức Giêsu củng cố các Tông đồ: "Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi." (Ga 14,27)

Rồi sau khi Phục sinh Chúa Giêsu lại ban tặng cho các Tông đồ món quà quý giá nhất, đó  là sự bình an: "Bình an cho anh em" (Ga 20,20).

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong buổi triều kiến chung ngày thứ tư 11.4.2012 giải thích, đây không chỉ là một lời chúc lành, đây là một quà tặng, quà tặng Đấng Phục Sinh ban cho các bạn hữu của Người. Quà tặng đó là chính Chúa Phục Sinh, Đấng đã chịu chết và sống lại đem ơn cứu rỗi cho các tông đồ.

Đồng thời, đây cũng là một yêu cầu: bình an Chúa Kitô đã đem lại bằng giá máu của Người là cho riêng họ, nhưng cũng là cho tất cả mọi người khác, và các môn đệ phải đem bình an này đến cho toàn thế giới." Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mệnh của Người trên thế gian, bây giờ đến phiên họ đi gieo rắc đức tin trong trái tim mọi người." Tuy nhiên, Chúa Kitô biết rằng các môn đệ Người vẫn còn sợ hãi. "Vì lý do này Ngài thổi hơi trên họ và tái tạo nơi họ thần khí của Người . Cử chỉ này là dấu hiệu của tạo vật mới. Với ân sủng của Chúa Thánh Thần đến từ Chúa Kitô phục Sinh, một thế giới mới bắt đầu".

Đức Thánh Cha nói: "Ngày nay cũng vậy, Chúa Sống Lại bước vào nhà và trái tim chúng ta, mặc dầu đôi khi các cửa đều đóng kín, Ngài đến đem niềm vui và an bình, sự sống và hy vọng, là những quà tặng chúng ta cần cho sự tái sinh nhân bản và thiêng liêng". Chỉ có Người mới có thể làm chấm dứt mọi chia rẽ, thù nghịch, giận hờn, ganh tị, hoài nghi, và thờ ơ. Chỉ mình Người mới có thể đem lại ý nghĩa cho đời sống của những ai đang mệt mỏi, buồn rầu và tuyệt vọng. (Radio Vatican)

Thánh Phaolô nói sự bình an Chúa Thánh Thần mang đến  chính là ơn cứu rỗi (Col 1, 20; Ep 4, 14). Do đó, muốn được hưởng sự bình an của Chúa, chúng ta cần sám hối tội lỗi và tin vào Đức Kitô, để được Chúa Kitô Phục sinh lấp đầy và biến đổi tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta kiên cường, hạnh phúc, bình an, trong niềm tín thác cậy trông vào Chúa là Đấng luôn yêu thương và luôn khát khao đưa chúng ta vào mối hiệp thông đời đời với người và, do đó,  với nhau.

Có được sự  bình an của Chúa, chúng ta mới có thể trở nên chứng nhân, khí cụ đem lại sự bình an cho mọi người và được phúc như Chúa nói: "Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình" (Mt 5,9), vì họ sẽ được sống như Thiên Chúa, làm con Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Hội thánh mở ra cho chúng ta Năm Đức Tin, chúng ta cần khẳng định đức tin mình, giữa một xã hội thực dụng và tục hoá. Hãy nên khí cụ bình an và xây đắp tình thương cho một xã hội hội đang cần Đức Tin. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1.      Chiều ngày thứ nhứt trong tuần, Chúa hiện ra và phán: "Bình an cho các con". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, tin thật vững chắc vào sự kiện Chúa đã phục sinh, để trở nên phương tiện bình an cho mọi người.

2.      Chúa phán: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con". Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, khi đã đón nhận bình an và tình thương Chúa, thì cũng trở nên người mang bình an và tình thương Chúa đến cho mọi người.

3.      Chúa phán: "Phúc cho những ai xây dựng hoà bình". Chúng ta cầu nguyện cho các kitô-hữu biết dùng lời nói, gương sáng, việc lành, mà xây dựng sự an hoà trong tâm hồn mỗi người; xây dựng hoà bình và hoà hợp với người khác.

4.      Chúa phán: "Phúc cho những ai biết thương xót người". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, vừa biết yêu thương nhau như Chúa yêu thương ta, vừa biết tin thờ Chúa trên hết mọi sự.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa yêu thương chúng con, Chúa muốn chúng con được bình an của Chúa. Xin ban Thánh Thần Chúa thánh hoá chúng con, biến chúng con trở khí cụ bình an và tình thương Chúa, cho mọi người được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Chúng con cầu xin ... Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

BÌNH AN TRONG CHÚA

Trên những chuyến xe khách, xe buýt ... người ta thường thấy những hàng chữ "chúc quý khách thượng lộ bình an". Người tài xế Công giáo treo hình Đức Mẹ trên xe có kèm theo hàng chữ "Nữ Vương ban sự bình an". Người tài xế Phật giáo treo hình Đức Phật, dù có hay không có hàng chữ nào, trong lòng họ vẫn cầu mong Đức Phật ban bình an. Như vậy, bình an là gì và làm sao để có sự bình an thật.

Có câu chuyện kể rằng: trong triều của một vị vua nọ có hai họa sĩ rất tài ba nhưng luôn ganh ghét đố kỵ nhau. Một hôm nhà vua phán: "Ta muốn phán quyết một lần dứt khoát ai trong hai ngươi là người giỏi nhất. Vậy hai ngươi hãy vẽ mỗi người một bức tranh theo cùng một đề tài, đó là bình an".

Hai họa sĩ đồng ý. Một tuần sau họ trở lại, mỗi người mang theo bức vẽ của mình. Bức họa của người thứ nhất vẽ một khung cảnh thơ mộng: những ngọn đồi nhấp nhô bao quanh một cái hồ rộng với mặt nước phẳng lì không một gợn sóng. Toàn cảnh gợi lên một cảm giác thanh thản, thoải mái. Sau khi xem xong, nhà vua nói: "Bức họa này rất đẹp, nhưng trẫm chưa hài lòng.".

Bức họa của người thứ hai vẽ một thác nước. Hình ảnh rất sinh động đến nỗi nhìn nó người ta như nghe được tiếng nước đổ ầm ầm xuống vực thẳm. Nhà vua nói: "Đây đâu phải là một cảnh bình an". Họa sĩ thứ hai bình tĩnh đáp: "Xin bệ hạ nhìn kỹ hơn một chút nữa xem". Nhà vua nhìn kỹ và khám phá một chi tiết mà ông chưa chú ý: Trong một nhành cây nép mình sau dòng thác lũ, có một tổ chim. Trong tổ, chim mẹ đang ấp trứng, đôi mắt nửa nhắm nửa mở. Chim mẹ đang bình thản chờ các con mình nở ra. Nhà vua nói: "Ta rất thích bức tranh này. Nó đã chuyển tải được một ý tưởng độc đáo về bình an, đó là vẫn có thể sống bình an ngay giữa những xáo trộn của cuộc đời". Và nhà vua đã trao giải nhất cho tác giả bức hoạ này.

Bình an khác với hòa bình. Hòa bình nói lên trạng thái bên ngoài: không còn cạnh tranh, không còn chinh chiến, xô xát, súng đạn, gươm đao. Cho nên có khi có hòa bình nhưng không có bình an. Nhân loại thì khao khát hòa bình, còn mỗi con người thì khao khát bình an. Vậy bình an thật là nương tựa vào Đấng Toàn Năng, nơi Ngài ta biết rằng không có thế lực nào có thể làm ta quật ngã, nơi Ngài ta sẽ tiến bước mà không sợ lạc đường. Nói cách khác, bình an thật là sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa và tin rằng Thiên Chúa hằng yêu thương và che chở những ai nương tựa vào Người.

Làm sao để ta có bình an của Chúa? Nhìn vào đời sống của Chúa Giêsu ta sẽ có ngay câu trả lời đó là cầu nguyện. Cầu nguyện để biết được ý Chúa và cầu nguyện để vững bước đi trong đường lối Người. Mỗi một biến cố xảy đến trong cuộc đời Chúa Giêsu là mỗi lần ta thấy Người cầu nguyện liên lỉ: cầu nguyện suốt đêm, cầu nguyện đến đổ mồ hôi máu...và sau khi cầu nguyện Người bình an bước đi trong thánh ý Chúa Cha.

Người Ki tô hữu chúng ta cũng vậy, muốn có sự bình an của Thiên Chúa thật thì ta phải theo gương Chúa Giêsu để ta được luôn bình an giữa bao sóng gió cuộc đời. Nhưng ơn bình an không chỉ dừng lại nơi cá nhân, cho riêng bản thân mà còn hướng đến với tha nhân.

Bình an của Thiên Chúa chính là xác tín tình yêu của Chúa Kitô và thúc đẩy chúng ta làm việc thiện, thúc bách chúng ta vì anh em mà phục vụ như Chúa Kitô đã phục vụ, như các thánh Tông Đồ phục vụ Giáo Hội.

Con người ta ai cũng muốn có bình an trong tâm hồn, nên luôn cầu chúc cho nhau được bình an. Nhưng sẽ không có bình an thật, nếu tâm hồn không có tinh thần Phục Sinh của Chúa Kitô, tinh thần đổi mới con người cũ trở nên con người mới sống theo hướng dẫn của Thánh Thần.

Con người ta ai cũng cần sự bình an. Chúa luôn muốn ban bình an cho chúng ta. Giáo hội cũng mong muốn như vậy. Cho nên mỗi khi tham dự thánh lễ, linh mục thay mặt Chúa và Giáo hội cầu chúc: "Bình an của Chúa ở cùng anh chị em", rồi linh mục nói với chúng ta: "Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau". Có bình an của Chúa ở nơi mình, chúng ta mới có bình an để chia sẻ cho nhau.

Bình an là một hồng ân Chúa ban và cũng là một trách nhiệm. Không phải chúng ta chỉ cầu khẩn và tìm kiếm bình an cho mình mà còn phải là "khí cụ bình an của Chúa", góp phần tạo nên bình an cho mọi người và cho toàn xã hội.

Xin Chúa cho chúng con trong mọi nơi mọi lúc, nhất là lúc xao xuyến, âu lo, sợ hãi, thử thách, luôn nghe được lời chúc bình an của Chúa Phục Sinh: Bình an cho anh em và biết đem bình an ấy cho anh chị em mình.

HỌC KINH THÁNH

BÀI 23: THƯ THỨ NHẤT CỦA THÁNH PHAOLÔ GỬI CHO TIMÔTHÊÔ  (1 Tim) 

1/ Lá thư được gửi cho ai?

Lá thư được gửi cho Timôthêô, "người con trong đức tin" (1,1).

2/ Mục đích của thư thứ nhất gởi cho Timôthêô là gì?

Mục đích khuyên nhủ Timôthêô phải có thái độ như thế nào trong việc giảng dạy và hướng dẫn các nhóm khác nhau trong cộng đoàn, nhất là thái độ phải có đối với những mê tín dị đoan (1 Tim 4, 1-5, 7).

3/ Hãy trình bày nội dung, bố cục lá thư?

Ngoài phần nhập đề và kết thúc, thư được chi ra làm 3 phần chính:

-       1, 3 - 20 là những lời căn dặn đối phó với tà giáo.

-       2, 1 - 3,16 các lời khuyên chỉ giáo về việc quảng trị cộng đoàn.

-       4, 1- 6, 2 cách xử sự trước những khó khăn của thời sau hết.

Những xử thế phải có đối với mọi người:

-       Cách chung chung (5, 1-2).

-       Đối với các quả phụ (5, 3-16).

-       Đối với các bậc lão thành (6, 1-2).

Lời Chúa: "Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô"  (I Tim 2,5).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một thần trí mới, một trái tim trong sạch; xin cho chúng con biết quý trọng tâm hồn thanh khiết, biết yêu mến và làm việc thiện cho anh em. Amen

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

LINH MỤC QUẢN XỨ THEO: CỒNG ĐỒNG VAT.II VÀ BỘ GIÁO LUẬT MỚI (tt)

6. Bổn phận của Linh Mục Quản Xứ đối với các Bí Tích và sự Cầu Nguyện.

Giáo Luật dạy: "Linh mục quản xứ phải làm sao cho Thánh Thể cực thánh trở nên trung tâm điểm của đời sống cộng đoàn giáo xứ; ngài hãy nuôi dưỡng giáo dân bằng việc cử hành sốt sắng các nhiệm tích và đặc biệt, là làm sao cho giáo dân năng tham dự bí tích Thánh Thể và Giải Tội; ngài hãy tìm cách đào tạo tinh thần cầu nguyện nơi giáo dân, thúc giục họ cầu nguyện trong gia đình; ngài hãy làm sao cho giáo dân tham dự một cách ý thức và sống động vào Phụng Vụ thánh " (điều 528,2).

Trong điều luật 528,2 nầy, Bộ Giáo Luật đặc biệt nói đến Thánh Thể, Thánh lễ, Giải tội, Phụng Vụ thánh và tinh thần cầu nguyện của giáo dân.

Thánh Thể là trung tâm điểm của đời sống cộng đoàn giáo xứ. Đây là điểm then chốt trong công việc mục vụ của linh mục quản xứ.

Nếu đoàn chiên mình không có một lòng tin mạnh mẽ sắt đá vào Chúa Giêsu Thánh Thể, thì công việc mục vụ của linh mục quản xứ không thể nào có kết quả chắc chắn và lâu dài được.

Muốn Chúa Giêsu Thánh Thể là lẽ sống của đoàn chiên mình, thì trước hết, Chúa Giêsu Thánh Thể phải là lẽ sống của Linh mục quản xứ. Giáo Luật buộc linh mục quản xứ phải ở ngay cạnh nhà thờ (đ.533,1) là để linh mục quản xứ được gần Chúa Giêsu Thánh Thể và nămg thăm viếng hầu chuyện với Ngài. Gương cha sở Vianê: ngài năng viếng Chúa Giêsu Thánh Thể và luôn nhớ từng con chiên một của mình trước mặt Chúa Giêsu Thánh Thể.

Chúa Giêsu Thánh Thể là Bạn độc nhất của linh mục. Cha Primo Reina kể lại biến cố cảm động nầy.

Sau một thời gian truyền giáo tại Bắc Cực trong hoàn cảnh quá lạnh lẽo và cô đơn, một số linh mục thừa sai đệ trình lên Đức Thánh Cha lời thỉnh nguyện sau đây:

"Kính tâu Đức Thánh Cha, chúng con đang truyền giáo cho dân Étkimô ở Bắc Cực. Điều kiện thời tiết ở đây rất khắc nghiệt. Nhiều lần, chúng con bắt buộc phải đi hàng trăm cây số trên băng tuyết mà không tìm được một thôn xóm, một nhà nguyện hay một nơi trú ẩn để tạm nghỉ thể xác hoặc tinh thần. Có anh em trong chúng con, nhiều khi đi lạc giữa sa mạc tuyết mênh mông, bị bão tuyết vùi dập, sống trong đêm tối Bắc Cực dài hàng mấy tháng, không hy vọng gì được cứu thoát. Kính tâu Đức Thánh Cha, để đủ sức chống chọi lại những hoàn cảnh khắc nghiệt trên đây, chúng con xin Đức Thánh Cha cho phép chúng con mang trên ngực một hộp nhỏ đựng Mình Thánh Chúa để Chúa Giêsu Thánh Thể nuôi dưỡng linh hồn chúng con hằng ngày và ban sức mạnh cho chúng con".

Đức Thánh Cha rất cảm động và ban phép đặc biệt đó cho các cha thừa sai Bắc Cực. Kể từ ngày đó, các Cha Trắng, tên gọi của các linh mục thừa sai Bắc Cực, mang nơi ngực một hộp nhỏ đựng Chúa Giêsu Thánh Thể, người Bạn Độc Nhất của họ giữa sa mạc tuyết lạnh mênh mông.

Thánh Lễ là công việc quan trọng nhất của đời sống linh mục.

Làm linh mục, trước hết là để "làm lễ". Chúa Giêsu truyền cho các linh mục: "Hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy " (Lc 22,19), trước khi truyền họ: "Hãy ra đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cho mọi người" (Mc 16,15). Nếu không làm gì được vì những lý do ngoài ý muốn của mình, mà chỉ "làm lễ" được, thì linh mục đã đạt được lý tưởng của linh mục rồi.

Trại tập trung Dachau ở Baviera, nước Đức, trong kỳ Đệ nhị Thế chiến, được mệnh danh là "Địa ngục trần gian", giam giữ 2.529 linh mục thuộc 144 giáo phận của các nước đồng minh. Trại tập trung kinh khủng nầy hân hạnh có một linh mục được phong chức, và tân linh mục nầy chỉ dâng được một thánh lễ, rồi chết. Số là: Thầy Sáu Carlo Leisner, tù binh trong trại, sắp qua đời vì bệnh lao phổi nặng. Thầy ao ước được chết trong chức linh mục. Đức Cha Gabriel Picquet, cũng là tù binh, bằng lòng phong chức linh mục cho thầy. Các linh mục trong trại tập trung rỉ tai nhau tổ chức một lễ phong chức linh mục trong trại, như trong Hang Toại Đạo. Chiếc gậy Giám Mục bằng gỗ được khắc mấy chữ: "Victor in vinculis!" (Chiến Thắng Trong Gông Cùm!). Chịu chức xong, cha Carlo Leisner quá yếu, nằm liệt mê man hai tuần lễ. Khi được hồi sức đôi chút, cha được giúp để kín đáo dâng Thánh Lễ mở tay, Thánh Lễ đầu đời và cũng là Thánh Lễ cuối đời của cha.

Trong một số nhà thờ ở Âu-Châu, người ta còn có thể đọc câu sau đây ở trên bàn thờ dọn đồ lễ: "Hỡi các linh mục đáng kính, các ngài hãy dâng Thánh Lễ nầy như thể là Thánh Lễ đầu tiên, như thể là Thánh Lễ cuối cùng, như thể là Thánh Lễ độc nhất!"

Cùng với việc dâng Thánh lễ, việc cử hành Bí Tích Giải Tội là vinh dự lớn nhất của linh mục. Đoàn chiên nào cũng biết ơn linh mục quản xứ, nhất là biết ơn vì đã được ngài tha tội để sống bình an.

Nếu được hỏi ngày nào đẹp nhất trong đời linh mục của mình, chắc có nhiều linh mục trong chúng ta trả lời ngay: "Đó là ngày dâng Thánh Lễ mở tay đầu tiên của tôi." Nhưng một linh mục sau đây, khi được hỏi một câu như thế, đã không trả lời ngay. Ngài im lặng một chút rồi nói: "Ngày đẹp nhất trong đời linh mục của tôi, là ngày tôi thay mặt Chúa Giêsu, đọc lời tha tội đầu tiên cho người đến xưng tội với  tôi: "Ta tha tội cho con, nhân Danh Cha, và Con và Thánh Thần ".

Chiều kia, trong một tuần đại phúc ở Torino, cha Orione giảng về sự tội. Xuất hứng, cha nói: "Dẫu trong anh chị em ở đây, có kẻ nào bỏ thuốc độc giết mẹ mình đi nữa, nhưng có lòng thật tình ăn năn thống hối và đi xưng tội, thì Chúa cũng thứ tha". Giảng xong, cha trở về nhà trong lúc trời đã nhá nhem. Một kẻ lạ mặt đứng núp trong hẽm tối, xông ra đè đầu cha xuống đất và bóp cổ cha: "Sao mi cả gan nói chuyện xấu của tao trước mặt công chúng? Tao bóp cổ cho mi chết ngay bây giờ". Cha ú ớ: "Không...bao...giờ! ". - "Chính mi vừa nói trong nhà thờ: có kẻ bỏ thuốc độc giết mẹ mình..." - "À, tôi nhớ rồi ! Đó là tôi đưa ra một ví dụ giả sử thôi. Chính Chúa Giêsu cũng dạy tha thứ hết mà! ". Tên lạ mặt không còn hung dữ nữa. Trong bóng tối, ông thú tội: chính mình đã bỏ thuốc đọc giết mẹ, và kể từ đó đến nay, hằng mắy chục năm rồi, lương tâm ông cứ bị cắn rứt mãi; chiều nay, đi ngang qua nhà thờ, dừng lại nơi cửa, nghe lóm được một câu, tưởng cha Orione đã biết rõ câu chuyện của mình, nên núp rình, định bóp cổ giết cha để thủ tiêu. Ông nói: "Tôi cần một chút bằng an mà mấy chục năm nay tôi không được". Thế rồi, cùng nhau đi trên đường tối, tên lạ mặt say sưa nghe cha Orione nói về Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót, nói Chúa Giêsu là Người Cha nhân hậu, Đấng Chăn Chiên lành... Ông xin chịu phép Giải Tội khi đang đi trên đường. Cha Orione đã cầu nguyên để chờ được giây phút nầy thôi. Nguồn bình an thật sự đến với người lạ mặt đã thao thức bồn chồn mấy chục năm trời vì tội đã giết mẹ mình. Ông quá sung sướng và luôn miệng cám ơn Chúa. Ông xin cha Orione cứ đơn cử câu chuyện của ông khi cha giảng về lòng nhân từ của Chúa trong phép Giải Tội.

Tinh thần cầu nguyện. Linh mục quản xứ hãy làm sao cho giáo dân có tinh thần cầu nguyện trong gia đình, là điều rất quan trọng để giúp giáo dân giữ vững đức tin. Kinh nghiệm cho thấy nhiều giáo xứ không có linh mục nhưng đã giữ vững được đức tin suốt nhiều năm nhờ sự đọc kinh cầu nguyện trong gia đình.

Trong thời kỳ Bắt Đạo tại Việt-Nam, Đức Cha Bình (Sohier) chạy trốn, và nhờ nghe một gia đình đọc kinh sáng mà xin vào núp, nên đã được thoát chết.

Sự đọc kinh tối sáng giúp cho giáo dân tội lỗi được ăn năn trở lại một cách lạ lùng. Nhân viên hỏa xa nghịch đạo sau đây được cứu rỗi nhờ đọc nữa kinh Kính Mừng mỗi tối mỗi sáng.

Số là: khi đau nặng gần chết, ông đặt khẩu súng trên bàn và nói với vợ: "Nếu bà đưa vào nhà nầy một linh mục, tôi sẽ cho nổ ba phát súng: nổ phát thứ nhất, giết linh mục; nổ phát thứ hai, giết bà; nổ phát thứ ba, giết tui ".

Nghe vậy, cha sở run, không dám đi kẻ liệt.

Trái lại, khi nghe tin nầy, Đức Cha Socche liền quyết định đến thăm ông.

Đức Cha bước vào cửa thì bệnh nhân trừng trừng nhìn ngài và giơ tay nắm lấy khẩu súng. Đức Cha dừng lại nơi cửa và nói: "Tôi đến đây để thăm ông". Bệnh nhân im lặng. Đức Cha nói tiếp: "Tôi có mặt ở đây, ông có bằng lòng không?". Bệnh nhân vẫn im lặng. Đức Cha hỏi tiếp: "Tôi đi, hay ông cho phép tôi ở lại?". Bổng bệnh nhân nói: "Xin Đức Cha ở lại!".

Tình hình thay đổi hẳn: bệnh nhân buông súng và xin xưng tội.

Khi Đức Cha hỏi tại sao ông được trở lại một cách lạ lùng như vâỵ, ông thú: "Không tối hay sáng nào mà con không đọc phần thứ hai của Kinh Kính Mừng". Phần thứ hai của Kinh Kính Mừng mà ông đọc hằng ngày, đã giúp ông trở lại một cách lạ lùng!

Trước những ơn ích lớn lao của việc đọc kinh cầu nguyện cá nhân và trong gia đình, linh mục quản xứ thúc giục đoàn chiên mình đọc kinh cầu nguyện tối và sáng. Nhất là Linh mục quản xứ hãy luyện cho các em nhỏ trong giáo xứ có thói quen tốt lành nầy, thói quen đọc kinh tối kinh sáng, đọc Kinh Hôm, Kinh Mai trong gia đình.

Làm sao cho giáo dân tham dự Phụng Vụ Thánh một cách ý thức, sống động và trọn vẹn như Công Đồng Vatican II và Bộ Giáo Luật mới nhấn mạnh, cũng là điều đòi hỏi nơi linh mục quản xứ nhiều hy sinh cố gắng liên tục và nhiều sáng kiến đạo đức.

Nguồn: http://tonggiaophanhue.net

TRANG LINH MỤC

BÌNH AN VÌ CÓ CHÚA Ở CÙNG

Đến gặp tôi là một phụ nữ khoảng 50 tuổi, chị chào tôi và nói:

-       Thưa cha, con là người xưng tội với cha hôm qua, cha khuyên con, và hôm nay con đến gặp cha. Cha biết không! Con đã đến bước đường cùng nên con chạy đến với cha.

-       Xin chị cứ nói, may ra tôi có thể giúp gì cho chị.

-       Thưa cha, vợ chồng con ra sức làm ăn, nhưng tiền bạc nó cứ đi đâu hết, làm cật lực mà vẫn thiếu! Đã vậy đứa con nhỏ của con như bị ai nhập vậy. Con nghe lời người ta xin bùa về cho nó uống, nó đỡ được vài ngày rồi sau đó vẫn như cũ. Con chạy đến thầy lần nữa, lần này thầy bó tay, vì cơ thầy thấp hơn. Tệ hơn, chồng con cũng dở chứng, nạt nộ con như má chồng con ngày xưa. Đây không phải tính cách của chồng con, con biết mà!

-       Chị có đọc kinh cầu nguyện không?

-       Thú thực với cha, con chỉ đi lễ ngày Chúa nhật mà thường là lo ra, còn sáng thì lu bu chuyện, tối về mệt quá nên lâu rồi con bỏ không đọc kinh hôm mai. Con nghĩ là Chúa bỏ con rồi.

-       Vậy là chị bỏ Chúa, chứ Chúa đâu bỏ chị. Chị đâu khi nào bỏ con của chị phải không? Nhưng cho dù có người mẹ vì lý do này hay lý do khác bỏ con mình thì Chúa vẫn không bao giờ bỏ chúng ta.

-       Vâng, con cũng nghĩ như vậy. Buổi chiều con thấy có những người nghèo hơn con, họ đi đọc kinh chung với nhau xem họ bình an biết mấy! Họ có đến nhà con đọc một lần, nhưng con xin họ đừng đến nữa vì con không đi đọc kinh chung với họ được.

-       Như vậy là chị mời Chúa ra khỏi nhà rồi. Chúa là người mạnh canh giữ nhà của con, khi không có Chúa trong nhà thì ma quỷ sẽ tấn công chẳng lạ gì!

-       Đôi mắt chị rướm lệ, chị lấy tay gạt nước mắt và nói: Thưa cha, con hiểu rồi. Từ xưa đến giờ con không biết, con chỉ biết cố gắng làm và chỉ lo làm ăn thôi.

-       Tôi kể cho chị nghe câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau và khuyên chị hãy thưa với Chúa: Lạy Chúa xin ở lại với gia đình của con, vì gia đình con đang gặp thử thách. Tôi nhấn mạnh: Chắc chắn Chúa sẽ đến và bình an lại trở về với gia đình của chị.

-       Dạ, con nghe lời cha.

-       Tôi nói với chị: Thà mình bớt việc đi một chút, nghèo đi một tí mà tâm hồn thanh thản bình an vẫn hơn phải không chị!  Bây giờ chị hãy vào nhà thờ cầu nguyện xin lỗi Chúa và thầm thĩ xin Chúa hãy ở cùng gia đình con ngày đêm nhé!

Vài ngày sau chị trở lại, tay cầm thánh giá với nụ cười trên môi và xin tôi làm phép. Tôi hỏi: Sao rồi chị? Chị trả lời: Thưa ổn rồi cha .

Tôi thầm cám ơn Chúa đã soi sáng cho tôi và dùng con người phàm hèn của tôi để nói về Chúa. Bình an của gia đình chị cũng làm cho bình an trong tâm hồn tôi được lớn lên. Tôi khẽ hát kinh hòa bình của Thánh Phanxicô: Lạy Chúa xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa...

TRANG TU SĨ

NƠI ĐÓ CÓ TÌNH THƯƠNG

Tôi có dịp ghé thăm Cha Bố ở một xứ Đạo ven biển. Nơi đây cho tôi  kỷ niệm đẹp mà tôi đã gìn giữ như một mảng ký ức đã giúp tôi tìm lại được sự thanh thản và bình tâm sau những khó khăn thất bại.

Tôi đến thăm Cha đúng vào lúc Cha đang bận rộn với việc xây cất Nhà Thờ nên tôi một mình ra biển mong tìm được sự yên tĩnh và dễ chịu hơn. Bờ biển trước mắt tôi không hoàn toàn là cát, vì có rất nhiều người đang chăm chỉ bới tìm gì đó trên những bãi đá trãi dài dọc theo bờ biển. Với tính hiếu kỳ, tôi tiến gần lại bên đám trẻ và bắt chuyện:

- Các em đang làm gì vậy?

Ngẩng người lên sau một phút dành cho sự ngạc nhiên và rồi ánh mắt các em lại sáng lên như phát hiện ra điều gì đó nơi tôi. Không thắc mắc, cũng cần chẳng hỏi xem tôi là ai, từ đâu đến... các em vui vẻ chào hỏi và đáp lời:

- Chào sơ! Tụi con đang bắt ốc, sơ bắt ốc không?

- Bắt chứ! 

Tôi nhanh nhẹn trả lời mà không cần suy nghĩ như đang chờ đợi câu nói ấy từ lâu rồi.

Cả nhóm hào hứng cho tôi mượn rổ, thau và dặn:

- Tìm con bự hẵn bắt nghe sơ!

Tôi hăng hái cầm rổ cầm thau lui cui bắt chước tụi nhỏ lật đá lên lựa bắt những con bự nhất... nhưng chưa đầy năm phút thì cậu nhóc bên cạnh bật cười hahaha chỉ vào rổ ốc của tôi:

- Sơ bắt toàn ốc mượn hồn không hà.

- Thì tụi con kêu sơ tìm con bự bắt mà

Tôi vẫn thắc mắc không hiểu, nhưng các nhóc càng cười to hơn rồi thân thiện chỉ dẫn:

- Nhưng sơ phải bắt ốc sống thì mới ăn được chứ! Sơ nhìn nè, ở trong vỏ ốc toàn là còng con không hà. Sơ tìm con ốc bự nhưng còn bám vào đá á!

Và rồi như đoán được nổi thất vọng của tôi, cả nhóm vây quanh động viên, rồi cả đám kéo tay tôi chạy đến bãi đá phía trước. Tôi thấy trong lòng tan đi mọi ưu phiền, cảm nhận sự thanh bình của biển rộng và tấm lòng đơn sơ thân thiện của những con người nơi đây. Tôi ôn tồn hỏi các em:

- Mấy đứa con hay đến đây bắt ốc lắm hả? Tụi con thích ăn ốc lắm?

- Chiều nào tụi con cũng đi bắt ốc về bán lấy tiền mua thức ăn khác... Nhưng hôm nào không bán được thì mang ốc về ăn.... Hihihi

Một bé gái vừa trả lời vừa chành miệng cười đưa hàm răng sún trông thật đáng yêu!

Mãi miết nói chuyện với các em, tôi đã quên mất thời gian, trời đã nhá nhem tối tôi phải nhanh trở về nhà xứ để Cha không phải lo lắng. Tôi chào từ biệt các bạn nhỏ dễ thương của tôi, các em cũng quyến luyến không kém gì tôi rồi đột nhiên cả nhóm gom chung tất cả những con ốc vừa bắt được lại vào trong cái túi nylon rồi đặt vào tay tôi:

- Sơ mang ốc về ăn đi! Ốc này ngon lắm đó sơ!

Một cảm xúc tràn dâng trong lòng, và tôi nghe sóng mũi mình cay cay. Gió biển buổi chiều thổi tạt vào mặt tôi lạnh ngắt nhưng sao trong lòng lại ấm áp quá! Tại sao những mảnh đời tuổi thơ cơ cực vất vả như các em bé đang đứng quanh tôi...nhưng trên khuôn mặt các em không hề thấy nổi u buồn oán trách số phận hay cuộc đời, mà ngược lại luôn tràn đầy sức sống - yêu đời. Cám ơn các em, những thiên thần nhỏ của tôi! Các em đã nhắc tôi nhớ rằng trên đời này còn rất nhiều điều thú vị để tôi khám phá, còn rất nhiều chuyện hữu ích cần tôi thực hiện và nhất là còn rất nhiều những con người để tôi yêu thương....

Nơi nào có tình yêu thương nhau thì nơi đó chắc chắn sẽ có Thiên Chúa ngự trị, và ngược lại nơi nào Thiên Chúa đến thì nơi đó tình yêu luôn hiện diện. Một tình yêu không vụ lợi - ích kỷ, cũng không chiếm đoạt - thụ hưởng nhưng Tình Yêu Thiên Chúa sẽ làm tan chảy mọi oán thù chia rẻ, phá tan những u buồn sầu khổ và hướng con người đến sự bình an - hoan lạc.

MTG Cái Nhum

Hãy Nên Khí Cụ Bình An Và Xây Đắp Tình Thương

Đang đọc kinh tối, từ nhà Bà Ba hàng xóm chợt vang lên 1 tiếng động thật lớn khiến tôi giật mình, tiếp đến là tiếng trẻ con khóc. Tôi lẩm bẩm: Anh Chị Năm lại cải nhau nữa rồi. Tội nghiệp mấy đứa nhỏ quá!

Hầu như ngày nào bên nhà Bà Ba điệp khúc ấy cũng lập lại, nhất là những buổi tối ngày thứ bảy khi anh Năm đi liêu xiêu và nhừa nhựa trở về từ quán Ông Tám đầu đường. Anh Năm là 1 thợ xây khéo nên thường xuyên có việc làm, tiền công nhật cũng khá nhưng gia đình vẫn bẩn chật thiếu thốn vì anh chẳng mang về đồng nào cho vợ con. Ngày trước Chị Năm là 1 cô gái út của 1 gia đình đủ ăn đủ mặc, chị không phải động tay vào bất cứ việc gì nặng nhọc. Cha chị thường nói: nó không làm chết 1 cọng cỏ. Khi Anh Chị Năm tìm hiểu để tiến tới hôn nhân, gia đình chị rất ái ngại, vì nhận thấy anh tuy có công ăn việc làm nhưng không biết lo, có đồng nào xào đồng nấy. Thuyết phục chị không được, gia đình đành tặc lưỡi: "thôi thì bụng làm dạ chịu, sau nầy có gì thì rán chịu, đừng than vản với ai" với chút hy vọng: khi đã có gia đình, có con cái, anh sẽ thay đổi. Cho nên bây giờ dù phải lam lũ, khổ cực, mua gánh bán bưng lo cho mẹ chồng và 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng chị không hề dám than thở một lời. Gia đình chị biết và giúp đỡ nhưng cũng đến 1 chừng mực nào đó thôi. Bao nhiêu thứ phải lo cho cuộc sống: tiền thuốc men cho mẹ, tiền học hành cho các con... khiến chị từ 1 cô gái dịu dàng, hoà nhã, trở thành người cáu gắt, bực bội khi thấy anh không chút trách nhiệm nào với mẹ già, với các con ... lại còn say xỉn luôn.

Tiếng Chị Năm khóc, tiếng các cháu ra khỏi nhà, có lẽ là đi về nhà Bà Ngoại...

Sáng hôm sau, nhịp sống của gia đình lại tiếp tục: Anh đi làm thợ, chị đi ra chợ, mấy đứa nhỏ đi học ... như là điệp khúc thường xuyên được lập đi lặp lại, ngày nầy sang ngày khác.

Tôi về nhà sau khi đi vắng khoảng 3 tuần, chiều nào cũng nghe tiếng nói tiếng cười vang lên bên nhà Bà Ba. Và một lần, vừa ra khỏi cổng nhà, gặp Chị Năm đi chợ về sớm, tôi mĩm cười chào chị và chị cũng vui vẻ chào tôi. Chưa kịp hỏi gì thì chị đã lên tiếng: Dì Tư ơi! Tôi mừng quá, ông nhà tôi lúc nầy đỡ lắm, chiều thứ bảy lãnh tiền là mang về đưa cho tôi, bớt nhậu rồi Dì ơi! Từ hồi nào tới bây giờ mới được mấy tuần lễ nầy thôi đó.

- Mừng quá hén Chị Năm. Anh Năm biết ý thức lại như vậy thật là mừng cho gia đình Anh Chị và các cháu quá. Chúa nhậm lời chị và các cháu cầu nguyện rồi đó.

- Dạ, chắc vậy đó Dì. Dì biết hông? Chắc Chúa sai Chú Bảy nầy tới giúp Ảnh quá Dì ơi! Chú Bảy, con bà Hai ở kế bên nhà tôi nè. Chú ở Rạch Giá mới về, chưa có việc làm, Anh Năm tôi xin cho chú làm chung được hơn 1 tháng nay. Ngày ngày cùng đi cùng về, hổng biết Chú Tư nói to nói nhỏ thế nào mà Anh Năm thay đổi vậy đó Dì Tư. Tôi mang ơn Chú Bảy vô cùng Dì ơi! Mà chú Bảy nầy ngộ thiệt nghen Dì. Anh Năm ảnh kể: Chổ nào mà có Chú Bảy hiện diện là chổ đó có tiếng cười. Chú Bảy lại rất khéo hoà giải mọi người với nhau. Gay cấn cách mấy, chú cũng tìm lời, tìm cách để 2 bên vui vẻ hoà thuận lại hà. Biết 2 người có chuyện không vui, chú Tư tìm dịp, nay thì lắng nghe tâm sự của người nầy, mai lại nói chuyện với người kia, tìm lời phân tích phải trái, đặt mình vào hoàn cảnh người kia... dần dần hoá giải tất cả những gút mắc, bất đồng. Dì biết hông? Anh Năm ảnh nói: trong chổ ảnh làm người ta không gọi chú Bảy bằng tên của chú mà gọi là Chú Bảy Hoà Giải đó Dì. Chú Bảy cũng khuyên tôi nhiều lắm Dì Tư: Chú nói cho tôi biết Anh Năm cũng bị áp lực nhiều vì mấy ông cai thầu, rồi thầy thợ với nhau ... nên tôi cũng thấy phần sai của mình!

Tôi chợt nhớ lời kinh hoà bình của Thánh Phanxicô Assisi: "Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa". Thánh Phanxicô đã xin Chúa cho mình trở thành khí cụ bình an của Chúa trong một bối cảnh xã hội thiếu vắng sự bình an. Phải chăng đây cũng là điều mà chúng ta, người kitô hữu của Chúa phải luôn cầu xin và trở thành trong cuộc đời của mình?

 Nhưng để có thể trở thành khí cụ đem bình an của Chúa đến cho người khác, chúng ta cần phải trang bị điều gì? 

Điều kiện tiên quyết có lẽ là phải có sự bình an trong tâm hồn. Vì không ai có thể cho người khác điều mà mình không có. Nhưng để có được sự bình an của Chúa, ta cần phải gắn kết đời mình với Chúa qua cầu nguyện. Cầu nguyện để nhận được sức mạnh thần thiêng từ nơi Chúa, cầu nguyện để có khả năng lắng nghe, cảm thông, chia sẻ và hòa giải.

Như vậy, muốn "đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, và đem niềm vui đến chốn u sầu", chúng ta cần phải cộng tác với ơn Chúa để tập luyện cho mình những khả năng biết lắng nghe, cảm thông, chia sẻ và hòa giải, hầu thực sự là khí cụ đem sự bình an của Chúa đến cho những người mình được sai đến để phục vụ. Chỉ khi đó, chúng ta mới thực sự là Con Thiên Chúa đúng tinh thần mối phúc thứ 7: "Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" (Mt 5,9).

MTG Cái Mơn.

TRANG SỐNG ƠN GỌI

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT ĐƯỢC CHÚA MUỐN TÔI ĐI TU HAY LẬP GIA ĐÌNH?

Đây là một đề tài lớn và rất ư quan trọng nếu không muốn nói là vô cùng quan trọng, vì chúng ta muốn bàn đến một vấn đề có liên quan và chi phối toàn bộ cuộc đời chúng ta. Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài chia sẻ này, chúng tôi không có tham vọng nói hết vấn đề, chỉ xin cùng các bạn trẻ, đưa ra một cách vắn tắt và bao quát vài nét đại cương như sau:

ĐỂ BIẾT ĐƯỠC CHÚA MUỐN TÔI SỐNG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH HAY TU TRÌ, 4 ĐIỀU ĐỀ NGHỊ CẦN LÀM:

1) CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện chính là chìa khóa của vấn đề ơn gọi.

Thật vậy, đọc lại truyện các thánh, đặc biệt câu truyện về ơn Chúa kêu gọi các Tông Đồ Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Lêvi..., chúng ta thấy tiếng gọi của Chúa đến thật bất ngờ. Điều đó đòi buộc chúng ta phải sẵn sàng, khi Người đến mời gọi chúng ta trong giờ Người muốn. Tinh thần tỉnh thức là tinh thần chung cho mọi bối cảnh, đặc biệt là bối cảnh ơn gọi. Dụ ngôn năm cô trinh nữ khôn ngoan và năm cô trinh nữ khờ dại là những lý lẽ mạnh mẽ giải thích cho chúng ta về sự tỉnh thức này: Năm cô trinh nữ khôn ngoan gặp được Tân lang vì đã biết trữ dầu đầy bình: dầu đây tượng trưng cho lời kinh thắp sáng.

Vậy muốn gặp gỡ được Chúa và nghe được tiếng Người, ta cần phải tỉnh thức. Muốn luôn luôn tỉnh thức, phải cầu nguyện liên lỉ. Khi cầu nguyện liên lỉ, chúng ta sẽ sống gần gũi thân mật với Chúa. Khi sống gần gũi thân mật với Chúa, ta càng nghe rõ tiếng Người gọi ta, cũng như biết rõ được ý định của Người cho ta. Nguyên tắc này đúng cho việc thực hành tu đức cách chung, và càng đúng cho việc chúng ta đi tìm ơn gọi cho cuộc đời của mình.

Có rất nhiều người được Chúa kêu gọi sống đời sống tu trì, nhưng đã lập gia đình, vì người đó hoặc không nghe được tiếng gọi của Chúa, hoặc không nghe đúng tiếng gọi của Chúa (có thể nghe theo tiếng gọi nào khác - nói theo Đức Gioan Phaolô 2), hoặc nghe được tiếng gọi của Chúa nhưng không sẵn sàng, can đảm và quảng đại đáp trả lại tiếng gọi đó... Họ thiếu đời sống cầu nguyện.

Cầu nguyện là chìa khóa số một cho một vấn đề ơn gọi, cách riêng là ơn gọi tu trì. Chúng ta tìm thấy chìa khóa này nhiều chỗ trong Kinh Thánh. Câu nói căn bản nhất là "Các con hãy xin chủ sai thợ đi gặt lúa của Người". Chúng ta có thể hiểu câu nói này theo hai nghĩa: (a) Nếu ta không xin thì chủ sẽ không sai thợ, nghĩa là nếu ta xin (= cầu nguyện) thì chủ sẽ sai thợ; (b) Nếu ta không xin thì chủ cũng vẫn sẽ sai thợ, nhưng nếu ta xin, chủ sẽ sai đi nhiều hơn, nhờ lời xin (= cầu nguyện) của ta. Và không phải chúng ta chỉ xin cho Giáo Hội một cách chung, nhưng trước hết là cho chính mình, bao lâu mình còn dò dẫm đi tìm ơn gọi cho cuộc đời của mình. Các bạn trẻ cần mạnh dạn chân thành thưa với Chúa: "Lạy Chúa, xin hãy sai con!" Kiên trì trong lời cầu này, Chúa có thể sẽ nhậm lời và sai mình đi, bằng không, chúng ta cũng biết được ý Chúa cho ơn gọi của mình.

Nếu cầu nguyện là cuộc đối thoại với Chúa, bạn hãy chuyên cần thưa với Người:

"Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Chúa muốn con sống đời sống nào, sống ơn gọi gia đình hay tu trì? Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa! Nếu Chúa muốn, con xin hiến dâng trọn đời con cho Chúa. Xin Chúa ban cho con tất cả mọi ơn cần thiết để sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi con. Xin cho con ơn luôn hiểu, biết và thực thi thánh ý Chúa. Nhất là xin cho con ơn khao khát được Chúa sai con vào đời để đáp trả lại tình yêu của Chúa..."

Bạn cần chuyên cần nói với Chúa, đồng thời, chuyên cần, chăm chỉ và khiêm tốn lắng nghe tiếng Ngài nói với bạn. Nếu bạn lắng nghe, bạn sẽ nghe (If you listen to, you will hear)

2) SUY NGHĨ & SO SÁNH

Trong khi cách thứ nhất mang tính cách siêu nhiên, cách thứ hai này bắt chúng ta vận dụng lý trí: suy nghĩ về từng ơn gọi, sau đó, làm một so sánh giữa hai ơn gọi.

Suy nghĩ: Ta có thể tự đặt ra những câu hỏi như: tôi hiểu gì về đời sông hôn nhân, về lý tưởng hôn nhân? Tôi đã hiểu tường tận về lý tưởng hôn nhân chưa? Tôi hiểu cách sâu xa và đúng đắn tình yêu là gì? Tôi thấy mình tự nhiên hướng chiều mạnh mẽ về đời sống nào? Dựa trên những gì tôi biết, tôi thấy lý tưởng hôn nhân có đẹp không? Nếu đẹp thì đẹp như thế nào? Con đường hôn nhân có giúp tôi nên thánh không? Tôi đã biết Chúa và tôi đã biết tôi bao nhiêu? Tôi biết Chúa thương tôi bao nhiêu? Tôi biết mục đích của đời tu là gì?... Đâu là ý nghĩa và mục đích của ơn gọi tu trì?...

Chúng ta có thể đặt ra bao nhiêu câu hỏi để suy nghĩ, rồi so sánh...

So sánh để rồi chọn lựa: Đã nói tới chuyện chọn lựa, trước mặt ta phải có ít nhất hai thứ: ơn gọi hôn nhân và ơn gọi tu trì. Muốn cho sự chọn lựa của ta được chính xác, chúng ta cần phải biết rõ mỗi thứ. Nói cách khác, chúng ta cần phải biết rõ cả hai ơn gọi.

Về Hôn Nhân, chúng ta cần nhấn mạnh đến hai chữ "ơn gọi". Thường chúng ta chỉ biết rõ hơn về đời sống hôn nhân hơn là ơn gọi hôn nhân. Dĩ nhiên chúng ta cần tìm biết cả hai, đời sống hôn nhân và ơn gọi hôn nhân. Nhưng vì thường chúng ta dễ biết về đời sống hơn, nên chúng ta cần quan tâm tìm biết nhiều hơn về ơn gọi hôn nhân.

Về tu trì, chúng ta phải nhận rằng, chúng ta ít biết hơn về đời sống hôn nhân. Do đó, chúng ta cần phải quan tâm hơn trong việc đi tìm hiểu về đời sống và lý tưởng tu trì.

Câu hỏi bao quát chúng ta cần đặt ra là, xét theo bản chất, hôn nhân và tu trì, con đường nào cao đẹp hơn? Nếu theo tự nhiên của lý trí, tôi mong mình được Chúa thương cho bước vào con đường nào?

Để được soi sáng cho những suy nghĩ của mình, ta cần sống đời cầu nguyện, và cần đi tìm hiểu về vấn đề ơn gọi.

3) TÌM HIỂU

Như đã nói trên, nếu chúng ta không đi tìm hiểu để hiểu rõ về cả hai loại ơn gọi, thì sự chọn lựa của chúng ta không bảo đảm chính xác hợp thánh ý Chúa. Do đó, có thể chúng ta sẽ không xác tín về ơn gọi mình đã chọn. Có bao nhiêu người đã than thân trách phận rằng, "Tôi đã chọn lầm ơn gọi của mình!" Có biết bao nhiêu người sau một thời gian cưới hỏi, than rằng, "Phải chi biết trước rằng mình sẽ khổ như thế này, thì tôi đã đi tu rồi!" Thiếu tìm hiểu, quyết định sẽ thiếu chính chắn và chính xác, ngoại trừ khi đón nhận được những ơn đặc biệt của Chúa, nhờ những di sản tinh thần của Ông Bà để lại..., hiểu theo nghĩa "Cây tốt sinh trái tốt".

Vậy tìm hiểu ơn gọi là việc cần thiết của tất cả các bạn trẻ, chứ không phải chỉ dành riêng cho các bạn nào hoặc sắp nhập dòng, hoặc đã quyết định đi tu, hoặc đang nhiêm chỉnh suy nghĩ về đời tu. Như một bổn phận của một người con Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều phải nghiêm chỉnh tìm hiểu để tìm ra ơn gọi cho cuộc đời của mình, như phần quan trọng nhất của thánh ý.

Đây là một vài công việc làm cụ thể cho việc tìm hiểu:

- Tham dự các Ngày tìm hiểu ơn gọi ("Vocation Day", "Come and See").

- Đọc sách báo nói về ơn gọi (Rất tiếc loại sách này rất khan hiếm!)

- Liên lạc với các giáo phận và các dòng để tìm hiểu. Thường dòng nào cũng niềm nở nói chuyện, tiếp xúc với các bạn, ngay cả đón tiếp những ai muốn đến vài giờ, vài ngày, hay vài tuần để tìm hiểu. Đây là cách rất thiết thực.

- Các đoàn thể Công Giáo nên tổ chức những ngày hay những buổi Tìm hiểu Ơn gọi cho những thành viên của đoàn.

- Các bạn trẻ có thể liên kết với nhau thành từng "nhóm chia sẻ", để trao đổi, giúp đỡ nhau về lý tưởng và về ơn gọi...

4) SỐNG VỚI MẸ MARIA

Nghe qua, cách thế này không có ăn nhập gì đến ơn gọi của chúng ta cả! Nhưng thật ra nó rất "ăn nhập".

Nếu một việc nhỏ bé trong đời sống của chúng ta, như một cơn đau bệnh, hay sự bình an trong một chuyến đi... mà chúng ta còn mong có bàn tay của Người Mẹ chúng ta can dự vào, phương chi là công việc tối quan hệ này, việc đi tìm ơn gọi cho cả cuộc đời của mình!... Đã nhiều lần, đặc biệt lần trong Thông Điệp Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Gioan Phaolô II, Vị Giáo Hoàng của Mẹ Maria, đã dạy cho chúng ta rằng, Cần phải ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài" (Tông Huấn Mẹ Đấng Cứu Thế, số 48). Hãy để Mẹ hiện diện trong cuộc đời của bạn, để Mẹ lo cho bạn, lo cho tương lai ơn gọi của bạn. Hãy thưa với Mẹ như Đức Gioan Phaolô II: "Totus Tuus", nghĩa là: "Toàn thân con thuộc về Mẹ. Xin Mẹ hướng dẫn con trong mọi sự!"

Trong bản thánh ca "Tâm ca đồng hành số 1", câu quan trọng nhất tôi đã viết là: "Tình Mẹ đưa con đi vào hành trình hiến dâng". Phải, tôi không tự mình quyết định, nhưng đã phó thác cho Mẹ, để theo sự khôn ngoan của Mẹ, quyết định cho ơn gọi của tôi.

Đối với người nữ, Đức Gioan Phaolô II nói: "Khi nhìn về Đức Maria, người phụ nữ tìm thấy trong mẹ bí quyết để sống xứng đáng nữ tính của mình và để hoàn thành sự thăng tiến của riêng họ..." (Thông Điệp "Mẹ Đấng Cứu Thế", số 46). "Mẹ Maria là 'khởi điểm mới' của địa vị và ơn gọi của mỗi người và của mọi người phụ nữ". (Trích Tông Thư "Địa vị và ơn gọi của người phụ nữ" của Đức Gioan Phaolô II, số 11).

KẾT LUẬN

Để có thể tìm ra ơn gọi thứ hai của mình trên hành trình đức tin, hoặc đi tu hay lập gia đình, chúng ta cần làm bốn việc: (1) Cầu nguyện, (2) Suy nghĩ & so sánh, (3) Tìm hiểu, (4) Sống với Mẹ Maria. Tuy vậy, mấy trang ngắn ngủi này chỉ là một vài gợi ý và đề nghị căn bản cho các bạn, đặc biệt cho những ai đang thao thức đi tìm chân lý, và một tiếng gọi thiên ân cho cuộc đời.

Mong rằng bạn sẽ xác tín về ơn gọi bạn sẽ chọn lựa, rằng "đây là ơn Chúa gọi tôi", để bạn sẽ không bao giờ đứng núi này trông núi nọ, rồi hối tiếc cho cái số phận mà chính bạn cho là hẩm hiu của mình. Cầu chúc bạn mãi mãi "enjoy" ơn gọi bạn sẽ chọn trong một buổi chiều Xuân thật đẹp, khi tới giờ Đức Giêsu đến gõ nhẹ cửa tâm hồn của bạn: "Hãy theo Ta!"

Lời hay ý đẹp

- Sự sống còn của Giáo Hội tùy thuộc vào ơn gọi linh mục tu sĩ. (Đức Gioan Phaolô II)

- Chúng ta nhận thấy rằng, phần chủ yếu của mọi ơn gọi đều tùy thuộc về Thiên Chúa. Vì thế, cầu nguyện là quan trọng. Một trong những phương tiện chính yếu của việc cổ động ơn gọi là cầu nguyện.  (Đức Gioan Phaolô II)

LM. JBM. Phương Anh, CSJB, Taiwan
Nguồn: catholic.org.tw

TRANG THIẾU NHI

10 điều trẻ em Công giáo cần biết

Dạy trẻ cầu nguyện có thể là việc khó. Tốt nhất là bắt đầu với những kinh phổ biến để trẻ có thể dễ nhớ. Trẻ sắp rước lễ lần đầu nên nhớ các kinh dưới đây, còn lời nguyện trước bữa ăn và kinh Thiên thần Bản mệnh là những kinh nguyện mà các trẻ còn rất nhỏ cũng có thể đọc hàng ngày.

1. Dấu Thánh giá. Dấu Thánh giá là lời nguyện cơ bản nhất của Công giáo, mặc dù chúng ta không thường nghĩ vậy. Chúng ta nên dạy con cái làm dấu với lòng tôn kính trước và sau mỗi kinh nguyện. Vấn đề phổ biến nhất là trẻ tập làm dấu Thánh giá bằng tay trái thay vì tay phải, vấn đề phổ biến thứ hai là vai phải trước vai trái.

2. Kinh Lạy Cha. Chúng ta nên đọc kinh Lạy Cha hàng ngày với con cái. Đó là lời nguyện tốt lành khi thức dậy và trước khi đi ngủ. Hãy chú ý cách phát âm từng chữ của trẻ; có nhiều khi hiểu sai và phát âm sai.

3. Kinh Kính mừng. Trẻ thường hướng về Đức Mẹ, và việc học kinh Kính Mừng sớm khiến chúng dễ nuôi dưỡng lòng sùng kính Đức Mẹ và dần dần cho chúng học các kinh về Đức Mẹ dài hơn, chẳng hạn lần chuỗi Mân Côi. Một cách hay để dạy trẻ kinh Kính Mừng là bạn đọc phần một (Kính mừng Maria... Và Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ), rồi để trẻ đọc phần hai (Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời...).

4. Kinh Sáng danh. Kinh Sáng danh là kinh rất đơn giản mà trẻ em nào cũng có thể nhớ như làm dấu Thánh giá. Nếu trẻ khó nhớ dùng tay nào để làm dấu (hoặc vai nào trước, vai nào sau), bạn có thể vừa làm dấu vừa đọc kinh Sáng danh, như Công giáo theo Nghi thức Đông phương và Chính thống giáo áp dụng.

5. Kinh Tin. Kinh Tin, kinh Cậy, kinh Mến là những kinh nguyện buổi sáng phổ biến. Nếu bạn giúp con cái nhớ các kinh này, chúng sẽ luôn có cách cầu nguyện mỗi sáng nếu chúng không có thời gian đọc những kinh dài hơn.

6. Kinh Cậy. Kinh Cậy là kinh nguyện rất tốt cho trẻ đến tuổi đi học. Hãy khuyến khích trẻ học thuộc để chúng có thể cầu nguyện trước khi làm bài kiểm tra. Không có cách thay thế cho việc học hành, đó là cách tốt cho học sinh nhận biết chúng không thể dựa vào sức riêng mình.

7. Kinh Mến. Tuổi thơ là thời gian đầy những cảm xúc sâu sắc, trẻ thường chịu đựng và hiểu những điều thực tế cùng bạn bè và bạn học. Mục đích ban đầu của kinh Mến là bày tỏ tình yêu mình dành cho Thiên Chúa, kinh nguyện này hàng ngày nhắc nhớ trẻ cố gắng tập tha thứ và yêu thương tha nhân.

8. Kinh Ăn năn tội. Kinh Ăn năn tội là kinh nguyện chính đối với Bí tích Hòa giải, nhưng chúng ta cũng nên khuyến khích trẻ đọc kinh này mỗi tối trước khi ngủ. Những trẻ mới xưng tội lần đầu cũng nên xét mình nhanh trước khi đọc kinh Ăn năn tội.

9. Lời nguyện trước bữa ăn. Truyền động thái cho con cái có thể rất khó khi xung quanh chúng có nhiều thứ đến mức thừa mứa (overabundance). Lời nguyện trước bữa ăn là cách tốt để nhắc nhở chúng (và cả chính chúng ta!) rằng mọi thứ chúng ta có đều do Thiên Chúa ban. Hãy tạo thói quen cầu nguyện trước bữa ăn để giáo dục lòng biết ơn và cầu nguyện cho những người đã qua đời.

10. Kinh Thiên thần Bản mệnh. Với lòng sùng kính Đức Mẹ, trẻ có thiên hướng về niềm tin vào Thiên thần Bản mệnh. Giáo dục niềm tin đó ngay từ khi chúng còn nhỏ sẽ giúp trẻ khỏi nghi ngờ về sau. Khi trẻ lớn hơn, hãy khuyến khích chúng supplement kinh Thiên thần Bản mệnh bằng lời cầu riêng tư hơn đối với Thei6n thần Bản mệnh.

Tác giả Scott P. Richert - Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ từ Catholicism.about.com)
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

TRANG GIỚI TRẺ

Bài Giáo Lý II của ĐTC Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin: Đức Tin Là Gì?

"Đức Tin là hồng ân của Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người" 

Dưới đây là bản dịch Bài Giáo Lý thứ hai của ĐTC Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin, được ban hành tại Quảng Trường Thánh Phêrô hôm thứ tư 24 tháng 10, 2012. Hôm nay ĐTC dạy về ý nghĩa của Đức Tin.

* * *

Anh chị em thân mến,
Thứ Tư tuần trước, với việc khai mạc Năm Đức Tin, tôi đã bắt đầu một loạt bài giáo lý về đức tin. Và hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy niệm về một câu hỏi cơ bản: đức tin là gì? Đức tin còn có ý nghĩa gì không trong một thế giới mà khoa học và kỹ thuật đã mở ra những chân trời mới, những chân trời mà từ trước đến giờ không ai có thể tưởng tượng nổi? Hôm nay tin có nghĩa là gì? Thực ra, thời đại chúng ta rất cần một nền giáo dục về đức tin được đổi mới, trong đó chắc chắn phải bao gồm sự hiểu biết về những chân lý và những biến cố của đức tin, nhưng trên hết nó phải phát sinh từ một cuộc gặp gỡ thật sự với Thiên Chúa trong Đức Chúa Giêsu Kitô, từ việc yêu Người, tin tưởng vào Người, để nó dính lứu đến trọn cuộc đời.

Ngày nay, giữa nhiều dấu hiệu của sự tốt lành, cũng phát triển một loại sa mạc tinh thần chung quanh chúng ta. Đôi khi, chúng ta cảm nhận từ những biến cố mà chúng ta nghe thấy mỗi ngày rằng thế giới sẽ không đi đến việc xây dựng một cộng đồng huynh đệ và hòa bình hơn. Chính những tư tưởng về tiến bộ và hạnh phúc cũng tỏ lộ những bóng tối của chúng. Mặc dù sự vĩ đại của những khám phá khoa học và những thành công của kỹ thuật, ngày nay người ta có vẻ không thực sự trở nên tự do và nhân đạo hơn. Vẫn còn nhiều hình thức khai thác, thao túng, bạo lực, áp bức và bất công ... Thêm vào đó, một loại văn hóa nào đó đã dạy con người chỉ di chuyển trong phạm vi các sự vật, phạm vi khả thi, chỉ tin vào những gì mình nhìn thấy và sờ mó được. Tuy nhiên, trái lại, số người cảm thấy mất định hướng cũng cũng gia tăng, và những người ấy trong cố gắng tìm cách vượt qua một viễn tượng hoàn toàn nằm trong phạm vi cùa thực tại, lại sẵn sàng tin vào tất cả mọi thứ và sự trái ngược của chúng. Trong bối cảnh này, tái xuất hiện một số vấn đề cơ bản, là những điều cụ thể hơn những gì chỉ có vẻ khi thấy lần đầu: Ý nghĩa cuộc đời là gì? Có một tương lai nào cho con người, cho chúng ta và cho các thế hệ tương lai không? Phải hướng dẫn sự lựa chọn tự do của chúng ta theo chiều hướng nào để có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc? Cái gì đang chờ đợi chúng ta bên kia ngưỡng cửa sự chết?          


Những vấn đề hấp dẫn này cho thấy rằng thế giới của việc lập kế hoạch, tính toán chính xác và thử nghiệm, nói tóm lại là thế giới của kiến thức khoa học, mặc dù quan trọng đối với đời sống con người, chưa đủ. Chúng ta không những chỉ cần bánh vật chất, mà còn cần tình yêu, ý nghĩa và hy vọng, một nền tảng vững chắc, một mảnh đất vững vàng giúp chúng ta sống với một ý nghĩa đích thực ngay cả trong những cuộc khủng hoảng, trong bóng tối, trong những khó khăn và trong những vấn đề thường nhật. Đức tin ban cho chúng ta chính đều ấy: đó là một lòng phó thác đầy tin tưởng vào "Ngài" là Thiên Chúa, Đấng mang lại cho tôi một điều chắc chắn khác, nhưng không kém vững chắc hơn điều đến từ tính toán chính xác của khoa học.          


Đức tin không đơn thuần là một sự đồng ý của trí tuệ con người với những chân lý cụ thể của Thiên Chúa. Đó là một hành động mà qua đó tôi tự do phó thác chính mình cho một Thiên Chúa, Đấng là Cha tôi và yêu thương tôi; là gắn bó với "Ngài" là Đấng ban cho tôi niềm hy vọng và tin tưởng. Chắc chắn rằng, việc gắn bó với Thiên Chúa này không phải là không có nội dung: nhờ nó mà chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra cho chúng ta trong Đức Kitô, đã cho chúng ta thấy dung nhan Ngài và thực sự trở nên gần gũi mỗi người chúng ta. Và thậm chí, Thiên Chúa đã tỏ lộ tình yêu của Ngài cho con người, cho mỗi người chúng ta, tình yêu khôn lường: trên Thánh Giá, Chúa Giêsu Thành Nazareth, Con Thiên Chúa làm người, đã cho chúng ta thấy một cách rõ ràng nhất rằng tình yêu này đi đến mức nào, đến tận mức tự hiến hoàn toàn.      


Với Mầu Nhiệm Cái Chết và Phục Sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa tự hạ xuống chỗ tột cùng cùa bản tính nhân loại của chúng ta để đưa nó lên với Người, để nâng nó lên cao bằng Người. Đức tin là tin vào tình yêu của Thiên Chúa, là điều không thuyên giảm trước sự gian ác của con người, biến đổi tất cả các hình thức nô lệ, bằng cách ban cho khả năng có thể được cứu độ. Như thế, có đức tin nghĩa là gặp gỡ "Ngài" là Thiên Chúa, Đấng nâng đỡ tôi và ban cho tôi lời hứa của một tình yêu không thể hủy diệt được, một tình yêu không những chỉ khao khát sự vĩnh cửu, nhưng còn ban tặng nó. Nó có nghĩa là tín thác vào Thiên Chúa với thái độ của một trẻ nhỏ, biết rõ rằng tất cả những khó khăn, tất cả những vấn đề của mình đều được an toàn trong "Ngài" của người mẹ.          


Và khả năng có thể được cứu độ này là một hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng cho tất cả mọi người qua đức tin,. Tôi nghĩ rằng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đặc trưng bằng những vấn đề và những hoàn cảnh đôi khi bi thảm, chúng ta phải suy niệm thường xuyên hơn về việc tin cách Kitô giáo có nghĩa là từ bỏ mình, phó thác cho ý nghĩa sâu xa, là điều nâng đỡ tôi và nâng đỡ thế giới, ý nghĩa này là điều chúng ta không thể tự cung cấp cho mình, nhưng chỉ lãnh nhận như một hồng ân, và là nền tảng mà trên đó chúng ta có thể sống mà không sợ hãi. Và chúng ta phải có khả năng rao giảng sự chắc chắn giải thoát trấn an này của đức tin bằng lời nói, và chứng tỏ nó bằng đời sống Kitô hữu của mình.        


Nhưng hằng ngày chúng ta thấy chung quanh mình nhiều người đang dửng dưng hay từ chối chấp nhận lời rao giảng này. Hôm nay ở cuối của Phúc Âm Thánh Marcô, chúng ta đã được nghe lời nghiêm khắc của Chúa Phục Sinh rằng, "Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị luận phạt." (Mc 16:16), người ấy sẽ bị sẽ hư mất. Tôi muốn mời anh chị em suy niệm về điều này. Lòng tin tưởng vào hoạt động của Chúa Thánh Thần phải luôn luôn thúc đẩy chúng ta đi rao giảng Tin Mừng và can trường làm chứng của đức tin. Nhưng ngoài khả thể tích cực đáp trả hồng ân đức tin, cũng có nguy cơ chối từ Tin Mừng, không chấp nhận cuộc gặp gỡ sống còn với Đức Kitô.            


Thánh Augustinô đã nêu lên vấn đề này trong chú giải về dụ ngôn người gieo giống, ngài nói: "Chúng ta nói, chúng ta gieo hạt giống, chúng ta trải hạt giống. Có những kẻ coi thường, có những người chỉ trích, những kẻ chê cười. Nếu chúng ta sợ họ thì chúng ta không còn gì để gieo nữa, và ngày thu hoạch chúng ta sẽ không có gì để gặt. Vì vậy xin cho hạt giống mọc lên từ đất tốt"
(Bài giảng về kỷ luật Kitô giáo, 13,14: PL 40, 677-678).      

Do đó, việc chối từ không có thể làm cho chúng ta thất đảm. Là Kitô hữu, chúng ta là nhân chứng của thửa đất màu mỡ này: đức tin của chúng ta, ngay cả trong giới hạn của mình, chứng tỏ rằng có những thửa đất tốt, mà trên đó các hạt giống của Lời Chúa sinh hoa trái dồi dào công lý, hòa bình, và tình yêu, một nhân loại mới, ơn cứu độ. Và toàn thể lịch sử Hội Thánh, với tất cả những vấn đề, cũng cho thấy rằng có thửa đất tốt, có hạt giống tốt, và hạt sinh hoa trái.     


Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: con người nhận được sự mở rộng lòng trí này từ đâu để tin vào Thiên Chúa, Đấng đã tự tỏ hiện trong Đức Chúa Giêsu Kitô, đã chết và đã sống lại, để nhận được ơn cứu độ của mình, để Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người thành sự hướng dẫn và ánh sáng của cuộc đời mình? Câu trả lời là: chúng ta có thể tin vào Thiên Chúa bởi vì Ngài đến gần chúng ta và chạm đến chúng ta, bởi vì Chúa Thánh Thần, là hồng ân của Chúa Phục Sinh, giúp cho chúng ta có thể đón nhận Thiên Chúa hằng sống. Như thế đức tin trước hết là một ân huệ siêu nhiên, một món quà của Thiên Chúa.      


Công Đồng Vaticanô II khẳng định: "Để có được, đức tin này cần phải có ân sủng đi trước và trợ giúp của Thiên Chúa, cùng với những sự giúp đỡ bề trong của Chúa Thánh Thần, Đấng chạm đến tâm hồn và hướng nó về Thiên Chúa, mở mắt tâm trí và ban cho 'tất cả mọi người niềm vui ngọt ngào để chấp nhận và tin vào chân lý'" (Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, 5). Nền tảng của cuộc hành trình đức tin của chúng ta là Phép Rửa, bí tích ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta thành con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô, và đánh dấu việc gia nhập vào cộng đồng đức tin, vào Hội Thánh: Chúng ta không tin một mình mà không có sự đi trước của ân sủng Chúa Thánh Thần; và chúng ta không tin một mình, nhưng cùng tin với các anh chị em của mình. Từ khi chịu Phép Rửa, mỗi tín hữu được mời gọi để sống trở lại và biến lời tuyên xưng đức tin này thành của riêng mình, cùng với các anh chị em của mình.  


Đức tin là một món quà của Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nói rõ rằng: "Chỉ có thể tin nhờ ân sủng và những sự trợ giúp bề trong của Chúa Thánh Thần. Nhưng không kém đúng rằng tin là một hành động đích thực của con người. Nó không ngược lại với sự tự do hay lý trí của con người" (số 154). Thực ra, nó liên hệ với chúng và nâng cao chúng, trong một canh bạc cuộc đời như một cuộc xuất hành, như một việc thoát ly chính mình, thoát ly những sự chắc chắn riêng, những mô thức suy nghĩ riêng của mình, để phó thác cho hành động của Thiên Chúa, là Đấng chỉ cho chúng ta thấy cách đạt được sự tự do thật, căn tính con người, niềm vui thật sự của tâm hồn và sự hòa thuận với mọi người. Tin là tự do và vui vẻ phó thác cho kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa trong lịch sử, như tổ phụ Abraham đã làm, cũng như Đức Maria thành Nazareth. Như thế, đức tin là một sự ưng thuận mà qua đó lòng trí chúng ta thưa "Vâng" cùng Thiên Chúa qua việc tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Chúa. Và lời "Vâng" này biến đổi cuộc đời, mở ra cho nó con đường hướng tới một sự viên mãn đầy ý nghĩa, làm cho nó nên mới, tràn đầy niềm vui và hy vọng đáng tin cậy.      


Các bạn thân mến, thời đại chúng ta cần những Kitô hữu là những người đã được Đức Kitô chiếm hữu, đang lớn lên trong đức tin nhờ quen thuộc với Thánh Kinh và các Bí tích. Những người ấy phải như một cuốn sách mở ra kể lại kinh nghiệm về cuộc đời mới trong Chúa Thánh Thần, về sự hiện diện của Thiên Chúa này là Đấng nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình và mở cho chúng ta con đường đến cuộc sống không bao giờ cùng. Xin cảm ơn anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Nguồn tin: vietcatholic.net

TRANG GIA ĐÌNH

BÀI 8. SỐNG THỜI KỲ ĐÍNH HÔN

"Đây là ý muốn của Thiên Chúa, là anh em nên thánh: anh em phải xa lánh hẳn tà dâm! Mỗi người trong anh em phải biết làm chủ bản thân mình, trong sự thánh thiện và danh dự. Đừng buông theo dục tình đam mê, như dân ngoại không biết Thiên Chúa." (1Tx 4, 3-5).

Hôn nhân là chuyện hệ trọng, liên quan đến hạnh phúc cả đời. Chính vì thế, để bước vào đời sống hôn nhân đôi bạn cần được chuẩn bị về nhiều mặt, để được thực sự tự do và chín chắn khi quyết định. Thời gian đính hôn chính là thời gian cần thiết giúp đôi bạn chuẩn bị cho mình một cuộc hôn nhân hạnh phúc. "Kinh nghiệm cho thấy rằng những bạn trẻ nào được chuẩn bị chu đáo cho đời sống hôn nhân và gia đình, cách chung, sẽ thành công hơn các bạn khác[1]."

1. Những giai đoạn chuẩn bị

Việc chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân và gia đình cần được thực hiện theo một tiến trình tuần tự và liên tục, bao gồm ba giai đoạn chính: chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị liền trước bí tích[2].

1.1. Chuẩn bị xa

Việc chuẩn bị xa bắt đầu từ thời thơ ấu trong gia đình. Đây là giai đoạn hình thành nhân cách. Các em cần được giáo dục và đào tạo về mặt nhân bản để biết quý chuộng các giá trị nhân bản đích thực, biết làm chủ bản thân và tôn trọng người khác phái. Ngoài ra, cũng cần giúp các em hiểu hôn nhân là một ơn gọi và là một sứ mạng đích thực, để từ đó các em dần dần khám phá ra ơn gọi của mình: hoặc tận hiến cho Thiên Chúa trong đời sống tu trì hoặc hướng về cuộc sống hôn nhân và gia đình.

1.2. Chuẩn bị gần

Việc chuẩn bị gần là một công cuộc lâu dài, bao gồm một chương trình giáo lý thích hợp. Người trẻ cần được đào sâu những vấn đề về tính dục, hôn nhân, bổn phận làm chồng, làm vợ, trách nhiệm giáo dục con cái, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ có được những yếu tố căn bản giúp xây dựng một cuộc sống gia đình ổn định.

Ngoài ra, họ cũng cần học hỏi để biết làm việc tông đồ trong gia đình, sống tình huynh đệ, cộng tác với các gia đình khác, tích cực tham gia các nhóm, các hiệp hội, các phong trào và các sáng kiến có mục đích đem lại lợi ích cho các gia đình về mặt nhân bản cũng như về mặt đức tin.

1.3. Chuẩn bị liền trước bí tích

Đôi bạn cần đào sâu về mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh, về ý nghĩa của ân sủng và trách nhiệm gắn liền với hôn nhân Kitô giáo, về ý nghĩa các thủ tục và các lễ nghi phụng vụ hôn phối.

Việc chuẩn bị liền trước Bí tích Hôn phối này cần thiết cho mọi trường hợp, nhất là đối với những đôi bạn còn nhiều thiếu sót và khó khăn về mặt giáo lý và nếp sống đạo.

2. Đính hôn

Đính hôn là kết thúc giai đoạn sơ khởi của gặp gỡ, quen biết, để đưa tình yêu lứa đôi lên một mức nghiêm túc hơn và hướng đến một quyết định quan trọng là thành hôn. Lễ đính hôn là một truyền thống văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới. Ở Việt Nam, thường có lễ dạm rồi đến đính hôn hay lễ ăn hỏi và sau cùng là lễ thành hôn hay lễ cưới. Tuy nhiên hiện nay nhiều nơi chỉ còn lễ hỏi và lễ cưới.

Lễ đính hôn công khai hóa tình yêu của hai người với họ hàng đôi bên, bà con lối xóm và bạn bè thân hữu. Từ ngày đính hôn đôi bạn có tư cách chính thức để công khai gặp gỡ tìm hiểu nhau cũng như tìm hiểu gia đình của nhau. Sau lễ đính hai bên gia đình sẽ trình với cha xứ biết để ngài hướng dẫn đôi bạn về giáo lý hôn nhân cũng như chuẩn bị những thủ tục cần thiết cho việc cử hành bí tích hôn phối.

3. Tại sao cần phải có thời kỳ đính hôn?

Thời gian đính hôn là thời gian chuẩn bị. Việc chuẩn bị này là điều quan trọng, giúp cho đôi bạn chín chắn và trưởng thành khi đưa ra lời cam kết, cũng như giúp cho hôn ước của đôi bạn có được nền tảng tự nhiên và siêu nhiên, vững chắc và lâu dài. Hội Thánh nhắc nhở những bậc có trách nhiệm: "Phải biết giáo dục thanh thiếu niên hợp thời và hợp cách về phẩm giá, phận sự và hành vi thể hiện tình yêu vợ chồng, nhất là trong chính khung cảnh gia đình; nhờ đó, một khi đã được rèn luyện để giữ đức khiết tịnh, đến tuổi thích hợp, họ có thể tiến tới hôn nhân sau khi đã sống đúng đắn giai đoạn đính hôn[3]."

Thời gian đính hôn là thời gian quý báu giúp đôi bạn có thêm cơ hội thích hợp để tìm hiểu nhau và gia đình của nhau, chứng tỏ cho nhau về tình yêu của mình, và xem thử những tình cảm ban đầu có thể trở thành tình yêu vợ chồng suốt đời không.

Thời gian đính hôn dài hay ngắn là tùy theo mức độ hiểu biết của đôi bạn về hôn nhân và gia đình, và tùy theo đôi bạn có tâm đầu ý hợp không. Nói chung, không nên vội vàng, hấp tấp; cũng không nên kéo dài quá lâu.

4. Sống thời kỳ đính hôn như thế nào?

Để cuộc hôn nhân được tốt đẹp và hạnh phúc, việc quan trọng trước hết cần phải làm trong thời gian đính hôn là gia tăng cầu nguyện, lắng nghe ý Chúa, xin Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn để mình có thể tìm hiểu và chọn lựa đúng đắn.

Cần học giáo lý hôn nhân để hiểu rõ về ý nghĩa, mục đích của bí tích hôn phối cũng như những đòi hỏi của bậc sống hôn nhân và gia đình.

Đôi bạn cần tìm hiểu nhau và gia đình của nhau để xem có hợp với nhau hay không; đồng thời cần giúp nhau sửa đổi những thiếu sót, khuyết điểm trong tinh thần khiêm tốn và biết phục thiện.

Đôi bạn cũng cần trao đổi với nhau về những vấn đề quan trọng, chẳng hạn vấn đề sinh sản và giáo dục con cái, công việc làm ăn, sử dụng tiền bạc, sống đạo, làm việc tông đồ... Bởi vì, sau khi kết hôn mà không nhất trí được với nhau về những vấn đề quan trọng, hoặc phát hiện ra những chuyện tình cảm của quá khứ bị giấu giếm, thì hạnh phúc có nguy cơ bị đổ vỡ.

Đặc biệt đôi bạn cần chứng tỏ cho nhau một tình yêu chân thành, trong sáng và chung thủy. Trong thời gian thử thách này, họ phải biết tự chủ, tự trọng và tôn trọng lẫn nhau, tập chung thủy và hy vọng được đón nhận nhau như quà tặng của Thiên Chúa. Họ sẽ dành những hành động biểu lộ tình yêu vợ chồng cho thời gian sau ngày thành hôn. Họ phải giúp nhau sống khiết tịnh bằng một quyết tâm dứt khoát, can đảm từ chối mọi nhượng bộ dù rất nhỏ mọn và xa tránh những hoàn cảnh dễ đưa đến vấp ngã[4].

Món quà tuyệt vời nhất đôi bạn có thể dành cho nhau trong ngày cưới chính là giúp nhau giữ được sự trong trắng của thời kỳ đính hôn. Những phim ảnh và sách báo lệch lạc đã khiến nhiều bạn trẻ nghĩ rằng không thể giữ được sự khiết tịnh và dễ buông theo bản năng. Thế nhưng, nếu có can đảm tự chủ trong những điều nhỏ mọn, họ có thể vượt thắng cám dỗ. Cụ thể là họ cần phải làm chủ đôi mắt, xúc giác và trí tưởng tượng.

Cách riêng, họ phải luôn sống trước nhan thánh Chúa trong tâm tình kính sợ, tin cậy và yêu mến. Tự sức riêng, họ thật yếu đuối nhưng Chúa luôn mạnh mẽ. Do đó, họ cần bám víu vào ơn Chúa bằng kinh nguyện. Nên nhớ rằng thời kỳ đính hôn là thời gian rất cần ơn Chúa để sự chuẩn bị mọi mặt được chu đáo. Từ đó, đôi bạn sẽ cố gắng hết sức để luôn giữ mình trong tình trạng đẹp lòng Chúa và được Ngài chúc phúc. Nếu lỡ sa ngã vì yếu đuối, họ cần mau mắn lãnh nhận bí tích tha thứ. Cả hai bên đều phải ý thức và giúp nhau đứng vững, vì hạnh phúc lâu bền của cả hai người.

Thời kỳ đính hôn vừa giúp đôi bạn chuẩn bị bước vào cuộc sống mới vừa giúp họ suy nghĩ cân nhắc thật kỹ lưỡng trước sự quyết định quan trọng cho cả một đời. Bao lâu chưa cử hành bí tích Hôn phối, họ vẫn còn có thể chia tay trong bình an.

4 GHI NHỚ :

1. H. Tại sao phải có thời kỳ đính hôn?

T. Phải có thời kỳ đính hôn:

- Một là vì hôn nhân là việc rất quan trọng, ảnh hưởng đến hạnh phúc cả cuộc đời.

- Hai là vì đôi bạn cần có thời gian để tìm hiểu về ý nghĩa, mục đích và những đòi hỏi của hôn nhân và gia đình Kitô giáo.

- Ba là vì đôi bạn cần có cơ hội để tìm hiểu về bản thân và gia đình của nhau để xem có hợp với nhau hay không.

2. H. Phải sống thời kỳ đính hôn như thế nào?

T. Trong thời kỳ đính hôn, đôi bạn cần gia tăng cầu nguyện, tích cực học hỏi về đời sống hôn nhân và gia đình, chứng tỏ cho nhau một tình yêu chân thành, trong sạch và chung thủy.

 

4 GỢI Ý SUY NGHĨ :

1. Người Nga có câu: "Trước khi ra trận, hãy cầu nguyện một lần; trước khi xuống tàu, hãy cầu nguyện hai lần; trước khi kết hôn, hãy cầu nguyện ba lần." Anh chị nghĩ gì về câu nói đó?

2. Ngày nay có khá nhiều cuộc hôn nhân bị đổ vỡ. Theo anh chị, đâu là những nguyên nhân chính?

3. Để yêu thương, không phải chỉ muốn là đủ, nhưng còn phải học cách yêu thương. Anh chị nghĩ gì về điều đó?

4 CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa biết rõ tình yêu và thiện chí của chúng con. Chúng con đang sống thời kỳ đính hôn để chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân và gia đình. Chúng con rất cần được Chúa soi sáng và hướng dẫn, hầu biết tận dụng thời gian đính hôn này để học hỏi và tìm hiểu thật chu đáo; nhờ đó cuộc sống hôn nhân và gia đình của chúng con mai sau sẽ được thành công như ý Chúa muốn. Amen

[1] GĐ 66

[2] x. GĐ 66; CBHP 21-59

[3] x. GLHT 1632; MV 49,3

[4] x. GLHT 2350; x. Education Guidance in Human Love (năm 1983), số 60-62 của Bộ Giáo dục Công giáo

 

Nihil Obstat : Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25.08.2004

Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh

Imprimatur : Mỹ Tho, ngày 03.09.2004

+ Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám Mục Mỹ Tho

   Chủ tịch Ủy Ban Giáo lý Đức tin

Nguồn: UB Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN, giaoducconggiao.net

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

Chúng ta sơ lược một vài tài liệu quan trọng hơn, trực tiếp nói đến việc dạy giáo lý đó là: Tông huấn Dạy Giáo Lý của ĐTC Gioan Phaolô II và cuốn Chỉ Nam tổng quát về việc dạy Giáo lý năm 1997.

CHỈ NAM TỔNG QUÁT VỀ VIỆC GIÁO LÝ NĂM 1997

1. Lý do xuất hiện cuốn Chỉ Nam tổng quát việc dạy giáo lý

Kể từ thế kỷ XIX, phong trào Huấn giáo được phát triển liên tục và lan rộng khắp nơi. Các tư tưởng, đường lối canh tân được truyền bá qua các tạp chí quốc tế và quốc gia. Người ta đặc biệt lưu ý đến 3 khía cạnh canh tân lần lượt theo 3 giai đoạn sau :

Giai đoạn canh tân phương pháp : Vào các thập niên 30-40, người ta nhấn mạnh đến việc đổi mới cách dạy giáo lý. Thời kỳ này, người ta đã khám phá ra nhiều quy luật tâm lý và phương pháp sư phạm. Giáo Hội cũng cập nhật những phương pháp này vào khoa Huấn giáo.

Giai đoạn canh tân nội dung: Vào các thập niên 40-50, người ta nhấn mạnh sự quan trọng của nội dung giáo lý hơn là phương pháp. Nội dung giáo lý là một Tin Mừng mang lại hạnh phúc chứ không phải là những lý thuyết trừu tượng.

Giai đoạn canh tân chủ đích: Theo đường hướng huấn giáo của Công đồng Vaticanô II, người ta xác định lại chủ đích của giáo lý là đón nhận, sống Lời Chúa và yêu mến Ngài.

Với 3 phong trào canh tân trên, khoa Huấn giáo đã đổi mới nhiều khuôn mặt của các giáo hội địa phương. Và để hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo Hội hoàn vũ, tất cả những góp ý về việc canh tân giáo lý của các Giáo Hội địa phương được đưa về Rôma và được chuẩn nhận chính thức trong cuốn "Chỉ Nam tổng quát việc dạy giáo lý năm 1971". Nhưng ngay sau đó ít năm, một số vấn đề mới xuất hiện ngoài xã hội và cả bên trong Giáo Hội dẫn đến việc bó buộc phải có những suy nghĩ mới. Đó là nội dung của Thượng hội đồng Giám mục năm 1977, được nối tiếp bằng Tông huấn của Đức Gioan Phaolô, Catechesi tradendae (1979).

Sau đó, các Đại hội nghị bình thường và ngoại thường của Thượng Hội Đồng giám mục đã có những vang dội riêng về vấn đề giáo lý. Cho đến 1985, Hôi nghị Thượng đỉnh bất thường đã đánh dấu một cách dứt khoát cả hiện tại lẫn tương lai của giáo lý. Một bản tổng kết 20 năm áp dụng Công Đồng Vaticanô II đã được trình bày vào dịp này và các nghị phụ của Thượng Hội Đồng đã trình lên Đức Thánh Cha bản soạn thảo một cuốn giáo lý phổ quát cho Giáo Hội công giáo. Đức Gioan Phaolô II không những rất ưng thuận mà còn cổ võ khuyến khích, và cuốn "Giáo lý của Giáo Hội công giáo" đã được hoàn tất 1992.

Biến cố này đòi buộc phải có một sự duyệt lại cuốn " Kim chỉ nam tổng quát về giáo lý" để thích nghi thứ dụng cụ thần học và mục vụ qúi báu này vào các nhu cầu mới. Vì thế công việc duyệt lại cuốn " Chỉ Nam tổng quát về Giáo lý » đã bắt đầu và chú ý đến hai đòi hỏi lớn sau đây :

- Một đàng đưa giáo lý vào việc phúc âm hóa theo đòi hỏi của các Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi) và Dạy Giáo lý (Catechesi Tradendae).

- Đàng khác, để ý tới các nội dung của đức tin theo cuốn Giáo lý của Giáo Hội công giáo đề nghị.

 2. Sơ lược nội dung cuốn Chỉ Nam tổng quát việc dạy giáo lý 1997

Cuốn Chỉ Nam tổng quát việc dạy giáo lý 1997 vẫn giữ lại những cơ cấu nền tảng của bản văn 1971, được chia thành dàn bài như sau:

 PHẦN MỞ ĐẦU : LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY

Phần mở đầu đưa ra các chỉ dẫn giúp chú giải và hiểu biết các trạng huấn con người và tình hình Giáo Hội theo ánh sáng đức tin và trông cậy ở sức linh hoạt của hạt giống Phúc âm. Đây là những chẩn đoán vắn tắt cho sứ vụ.

Phần này được mở đầu bằng dụ ngôn người gieo giống. Hạt giống là Lời Chúa, người gieo giống là Đức Kitô và những người tiếp nối công việc của Người, ruộng lúa là thế gian với những khác biệt về lịch sử, tôn giáo, văn hóa và xã hội. Vai trò của Giáo Hội trong thế giới không những làm men trong thúng bột mà cũng còn phải luôn đổi mới đời sống Giáo hội ngay từ bên trong. Và để cho hạt giống Tin mừng trổ sinh tươi tốt, cần phải biết đọc những dấu chỉ thời đại cũng như biết nắm bắt được những thách đố trong việc dạy giáo lý.

Phần mở đầu này nhằm khuyến khích các vị chủ chăn và những ai dạy giáo lý phải ý thức sự cần thiết của việc luôn sẵn sàng quan tâm đến mảnh đất được gieo giống, và thực hiện việc gieo giống với cái nhìn của đức tin và của lòng nhân ái. 

PHẦN I : GIÁO LÝ TRONG SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA GIÁO HỘI

Phần này gồm ba chương và thả neo sâu hơn cho nền Huấn giáo theo Hiến chế Công đồng Dei Verbum (Mạc Khải). Đặt giáo lý vào khung cảnh Phúc-âm-hóa mà các Tông huấn Evangeli Nuntiandi (Loan báo tin mừng) và Catechesi Tradendae (Dạy giáo lý) đã trình bày. Phần này cũng nêu rõ bản chất của giáo lý.

Chương I: Mạc khải và sự chuyển đạt mạc khải trong việc loan báo Tin Mừng.

Chương này dựa trên nền tảng thần học để nhắc lại cách vắn gọn khái niệm về mạc khải theo Hiến chế Tín lý về Mạc Khải (Dei Verbum)[28]. Công Đồng rất quan tâm đến mạc khải vì mạc khải là nền tảng của Thần học. Đức Kitô chính là trung gian và là sự viên mãn của toàn thể mạc khải. Ngài đến bổ túc và hoàn tất mạc khải bằng sự hiện diện và bằng việc tỏ mình ra qua lời nói, việc làm, dấu chỉ, phép lạ, nhất là qua cái chết và sự phục sinh, và sau cùng bằng việc sai Thánh Thần chân lý đến như một chứng tích của Thiên Chúa hằng ở với chúng ta.

Chương này cũng làm sáng tỏ cách thức đón nhận Lời Chúa. Những khái niệm về Lời Chúa, Tin Mừng, Nước Thiên Chúa và truyền thống được trình bày trong Hiến Chế về Mạc khải làm nên ý nghĩa của giáo lý. Với ý nghĩa này, việc loan báo Tin mừng của Giáo Hội trở thành điểm nhắm bắt buộc của giáo lý. Giáo Hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng[30], nghĩa là đem Tin Mừng vào mọi tầng lớp nhân loại và nhờ sự tiếp xúc này làm thay đổi từ bên trong và làm cho nhân loại được đổi mới.

Chương II : Giáo lý trong công cuộc loan báo Tin mừng.

Chương II xác định vị trí của giáo lý trong khuôn khổ loan báo Tin Mừng và đặt giáo lý trong tương quan với các hình thức khác của sứ vụ Lời Chúa. Nhờ tương quan này, người ta khám phá cách dễ dàng hơn đặc tính riêng của giáo lý :

Tiền phúc âm hóa (Pré-évangélisation) : là truyền giáo cho những người chưa tin hay những người dửng dưng với tôn giáo, nhằm thức tỉnh đức tin nơi họ. Giáo lý giúp cho đức tin mới chớm nở được chín chắn và sát nhập họ vào cộng đồng tín hữu qua việc trở lại với đức tin Kitô giáo. Như vậy hai hình thức này khác nhau và bổ túc cho nhau.

Khai tâm Kitô giáo (Initiation chrétienne) : Đức tin là lời đáp trả của con người trước Thiên Chúa được bắt đầu bằng nhiệm tích Thánh tẩy. Giáo lý là yếu tố căn bản cho việc chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo, nhất là bí tích rửa tội (tuyên xưng đức tin). Mục đích của giáo lý là làm cho đức tin của mọi người trở nên sống động, minh bạch và hữu hiệu.

Giáo dục thường xuyên đời sống đức tin (Éducation permanente de la foi) : việc giáo dục này được thực hiện dưới nhiều hình thức của giáo lý tùy theo nhu cầu, trình độ và môi trường...

Chương III : Bản chất, mục đích và sứ vụ của giáo lý

Chương này nhấn mạnh đến: Bản chất của giáo lý. Việc dạy giáo lý không tách khỏi các hoạt động mục vụ và truyền giáo của Giáo Hội, nên việc dạy giáo lý cũng nằm trong bản chất của Giáo Hội. Giáo Hội tiếp tục sứ vụ làm thầy giáo dục đức tin dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Mục đích của giáo lý là giúp tín hữu diễn tả niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc kết hiệp mật thiết với Đức Kitô và nên một với Ngài.

Sứ vụ của giáo lý là đạt được mục đích trên qua việc học hỏi về Chúa, cử hành phụng vụ, sống đức tin cách cụ thể và chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Kitô. Ngoài ra giáo lý còn có nhiệm vụ giúp tín hữu sống chiều kích Giáo Hội và tích cực tham gia việc truyền giáo.

 PHẦN II: SỨ ĐIỆP TIN MỪNGPhần này nói về nội dung của sứ điệp Tin Mừng, gồm hai chương :

Chương I : Các quy tắc và tiêu chuẩn để trình bày sứ điệp Phúc Âm trong giáo lý

Ấn định những quy tắc và tiêu chuẩn mà giáo lý phải theo để trình bày nội dung giáo lý :

- Nguồn mạch của giáo lý : Lời Chúa.

-  Lời Chúa được chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền.

- Trung tâm điểm của giáo lý : Chúa Kitô và các mầu nhiệm của Người.

- Sứ điệp của Đức Kitô : Tin Mừng Nước Thiên Chúa đem lại ơn cứu độ.

- Lịch sử ơn cứu độ.

- Hội nhập sứ điệp cứu độ vào trong các nền văn hóa khác nhau.

Chương II : Niềm tin của chúng ta, niềm tin của Giáo Hội.

Chương II được dành ra để trình bày giáo lý của Hội Thánh công giáo như một bản văn để quy chiếu mỗi lúc muốn truyền đạt đức tin qua giáo lý cũng như muốn soạn thảo ra các sách giáo lý địa phương. Bản văn cũng cho các nguyên tắc nền tảng để soạn giáo lý cho các Giáo Hội địa phương.

Hai cuốn: Giáo lý chung của Giáo Hội công giáo và Chỉ Nam tổng quát việc dạy giáo lý là hai dụng cụ khác nhau và bổ túc cho nhau, rất cần thiết cho việc dạy giáo lý.

(Còn tiếp)

SỐNG ĐẸP

TẠI SAO TÔI CHỌN CHÚA

10 khuyết điểm tuyệt vời của Chúa Giêsu

Những chia sẻ "10 khuyết điểm tuyệt vời của Chúa Giêsu" do ĐTGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tại Strasbourg, Pháp trong cuộc họp mặt "Niềm Vui Sống Đạo" của các bạn trẻ Việt Nam Công Giáo sống tại Âu Châu.

5. Chúa Giêsu làm bạn với kẻ tội lỗi

Không phải trong xã hội của người Do Thái vào thời Chúa Giêsu còn tại thế, mà ngay giữa xã hội chúng ta, người ta khó lòng chấp nhận chuyện người "đàng hoàng" lại giao du với lớp người được đánh giá là không "đàng hoàng".

Thời bấy giờ người đồng hương với Chúa Giêsu cho rằng hai giới đặc biệt không "đàng hoàng" là những quân thu thuế và người tội lỗi, đặc biệt là các người gái điếm. Người tội lỗi bấy giờ còn được xem là những kẻ không lành mạnh về cuộc sống thân xác, như người phung cùi, tàn tật... Những người Pha-ri-siêu nhiều lần thắc mắc về thái độ sống của Chúa Giêsu và nhắc nhở với các môn đệ Chúa:

"Sao Thầy của các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?" (Mt. 9, 11). "Ông nầy đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng" (Lc. 15, 2).

Theo các sách Phúc âm ghi lại, thì không những Chúa Giêsu chỉ gặp gỡ, chào hỏi, hay bất đắc dĩ được mời ăn thì ngại lắm phải chiều người ta, mà thực sự Ngài tự tìm tới nhà người thu thuế, và kẻ tội lỗi, làm thân với họ và ăn ở với họ.

Ông Da-kêu là người "đứng đầu những người thu thuế" (Lc. 19, 2); khi biết Chúa Giêsu đi qua thành phố Giê-ri-cô, ông ấy sợ không chen lấn nổi với đông đảo dân chúng, nên chạy ra đàng trước, trèo lên cây sung để xem Ngài, chẳng qua vì ông rất lùn. Chúa Giêsu đi qua, nhìn lên cây ấy thấy ông và nói ngay:

"Nầy ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!" (Lc. 19, 5).

Người chung quanh xào xáo:

"Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ" (Lc. 19, 7).

Chúa Giêsu tự đến để gặp gỡ Da-kêu và loan Tin Mừng:

"Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà nầy" (Lc. 19, 9)

Và chúng ta đều biết Chúa đã chọn 1 trong 12 vị tông đồ của Ngài là Mathêu, trước đó có tên là Lê-vi một người làm nghề thu thuế.

Và để giải thích thái độ ngược đời của mình, chính Chúa Giêsu đã nói rõ sứ mệnh của Ngài.

"Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa câu nầy: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi (Mt. 9, 12-13).

(còn tiếp)

Đức Hồng Y Px.  Nguyễn Văn Thuận

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

Sự vắng mặt người cha
gây trở ngại cho sự hiểu
biết của con trẻ về Thiên Chúa

Vatican (CNA/EWTN News) - Trong buổi Triều yết chung thứ Tư hàng tuần hôm 23/05 trước 20.000 tín hữu hành hương ở Quảng Trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đưa ra huấn từ rằng những người làm cha vắng mặt trong gia đình mình sẽ gây khó khăn hơn cho con trẻ của họ nhận biết về Thiên Chúa như một người cha yêu thương.  

Ngài nhận định: "Có lẽ con người hiện đại không cảm nhận được vẻ đẹp, sự cao quý và niềm an ủi sâu sắc trong từ 'cha', từ mà chúng ta hướng đến Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, vì nhân vật người cha thường không hiện diện đầy đủ trong thế giới ngày nay, và thường không hiện diện tích cực một cách đầy đủ trong đời sống hàng ngày".           


Ngài nhấn mạnh rằng "vấn đề một người cha không hiện diện trong đời sống của con trẻ là một vấn đề lớn của thời đại chúng ta" bởi vì nó có thể gây khó khăn cho những đứa trẻ này "hiểu chiều sâu ý nghĩa đối với chúng ta rằng Thiên Chúa là Cha".       


Tại Hoa Kỳ, hơn một phần ba trẻ em sống tách rời với cha ruột của chúng.         


Suy tư của Đức Thánh Cha tập trung vào hai đoạn văn Thánh Phaolô nói về Chúa Thánh Thần cho phép mọi người có thể gọi Thiên Chúa bằng từ thân mật 'Abba', sau đó ngài tiếp tục giới thiệu loạt suy tư về vai trò của cầu nguyện trong câu chuyện cứu độ.        


Trong thư gửi tín hữu Galát, Thánh Phaolô đã viết rằng "Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: 'Áp-ba, Lạy Cha!'". Thánh Phaolô cũng đã viết cho tín hữu Rôma, "anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: 'Áp-ba! Lạy Cha!'"         


Đức Thánh Cha lưu ý rằng từ "Abba" được dùng trong gia đình bằng ngôn ngữ Aram cũng được Chúa Giêsu sử dụng "ngay cả tại thời điểm bi thảm nhất của cuộc sống trần gian của Ngài," do đó chứng minh rằng Ngài "không bao giờ mất niềm tin nơi Chúa Cha và luôn luôn khẩn cầu Cha bằng sự thân mật của người con yêu dấu".      


Tương tự như vậy, qua Bí tích Rửa tội, mỗi Kitô hữu cũng trở thành người con trai, con gái yêu dấu của Thiên Chúa, "dự phần bằng cách được nhận làm nghĩa tử trong tình con thảo đời đời của Chúa Giêsu".          


Trong đoạn văn được chọn, Đức Thánh Cha giải thích Thánh Phaolô cũng chứng minh rằng "lời cầu nguyện Kitô hữu không bao giờ theo một hướng duy nhất từ chúng ta lên Thiên Chúa". Thay vào đó, nó là "một biểu hiện của mối tương quan lẫn nhau, trong đó Thiên Chúa luôn luôn hành động trước tiên".  


Vì vậy, bất cứ khi nào chúng ta trò chuyện với Cha trong lời cầu nguyện, thậm chí thinh lặng hay riêng tư, chúng ta không bao giờ một mình, vì "chúng ta nằm trong lời cầu nguyện to lớn của Giáo Hội, chúng ta là một phần của bản giao hưởng tuyệt vời mà cộng đoàn Kitô hữu khắp mọi nơi và mọi thời đại dâng lên Thiên Chúa".           


Đức Thánh Cha giảng dạy rằng đó là "lời cầu nguyện được Chúa Thánh Thần soi dẫn" làm Kitô hữu kêu lên "Abba! Lạy Cha!" cả "với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô". "Nó làm cho chúng ta dự một phần vào bức tranh khảm vĩ đại gia đình của Thiên Chúa, trong đó tất cả mọi người có một vị trí và vai trò quan trọng, hiệp nhất sâu sắc về mọi thứ".      


Đức Thánh Cha kết luận huấn từ của ngài bằng cách đề nghị những người hành hương nên học cách đánh giá cao vẻ đẹp của việc trở nên bạn hữu, hay đúng hơn là con Thiên Chúa" và kêu cầu Thiên Chúa Cha trong lời cầu nguyện "với sự tự tin và lòng tin tưởng của con trẻ xưng hô với cha mẹ, những người yêu thương mình".           


Sau đó, Đức Thánh Cha dẫn dắt những người hiện diện trong buổi triều yết hát lời Kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh trước khi ban phép lành tông đồ của ngài.

Nguồn: ubmvgiadinh.org

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

CÓ PHẢI HỄ ĐƯỢC LÃNH ƠN TOÀN XÁ LÀ ĐƯỢC LÊN THIÊN ĐÀNG NGAY?

 Hỏi: Nhân Năm Đức Tin, và tháng cầu cho các linh hồn  tháng 11, xin cha giải thích giúp 2 câu hỏi sau đây:

  1. Ân xá là gì và có hiệu quả ra sao ?
  2. Một người khi sống thì bê bối, bỏ Đạo lâu năm, lấy 2, 3 vợ... nhưng khi gần chết kịp ăn năn, xưng tội và được lãnh ơn toàn xá trong giờ sau hết. Như vậy chắc chắn được lên Thiên Đàng? Xin cha  cho biết điều này có đúng hay không?

Đáp: Căn cứ theo giáo lý  của Giáo hội, thì xin được nói rõ lại như sau:

1- Trước hết, theo giáo  lý và giáo luật, thì ân xá hay ơn xá giải "là ơn sủng mà Giáo Hội lấy ra từ kho tàng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô và công nghiệp của Đức Mẹ và các thánh để tha các hình phạt hữu hạn (temporal punishment) cho tín hữu còn sống hay cho các linh hồn còn đang ở nơi gọi là "Luyện tội" (x. SGLGHCG, số 1471; Giáo luật số 992- 994). Nói rõ hơn, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần tức tội  chối bỏ Thiên Chúa hoàn toàn thì không thể tha  được  (x. Mt 12:32; Mc 13:28-29) - còn các tội nặng nhẹ khác  đều có thể được tha qua bí tích hòa giải, như Chúa Giêsu  đã bảo đảm  với các Tông Đồ xưa:

      "Anh  em tha tội cho ai, thì người ấy được tha
       Anh  em cầm giữ ai, thí người ấy bị cầm giữ." (Ga 20:23)

Được tha tội qua bí tích hòa giải rồi nhưng hối nhân vẫn phải làm một việc gọi là việc "đền tội" (penance) do cha giải tội giao để tẩy xóa đi mọi hậu quả do tội để lại trong tâm hồn mình. Đây là hình phạt hữu hạn (temporal punishment) khác xa với hình phạt đời đời (eternal punishment) trong nơi gọi là hỏa ngục dành  cho những ngượi chết "trong khi đang mắc tội trọng và không kịp sám hối để xin Chúa thứ tha". (x. SGLGHCG, số 1033-1035).

Nghĩa là, khi ta nhận biết mình có tội nặng hay nhẹ và muốn xin Chúa tha thứ qua bí tích hòa giải thì phải tin rằng Chúa sẵn lòng tha, nếu ta thật lòng sám hối và  còn tin tưởng nơi lòng thương xót vô biên của Chúa.Sau đó,  phải đi xưng tội với một linh mục đang có năng quyền tha tội. (Linh mục nào đang bị Giám mục tạm  rút năng quyền - hay  nôm na gọi là "bi treo chén"(Suspension) thì thông thường không được giải tội hay cử hành bất cứ bí tích nào trong thời  gian còn bị tạm rút năng quyền). Nếu ai thành tâm và thành thực xưng ra các tội đã phạm vì yếu đuốii con người và vì ma quỷ cắm dỗ, thì chắc chắn sẽ được Chúa thương tha thứ qua tác vụ của linh mục như Chúa Giêsu đã phán hứa trên đây.

Cũng cần  nói rõ thêm là linh mục hay Giám mục thì cũng chỉ là thừa tác viên mà Chúa Kitô dùng để ban ơn thánh của Người cho chúng ta trong Giáo Hội. Do đó, đừng ai đặt vấn đề linh mục có xứng đáng hay không khi cử hành các bí tích. Mọi linh mục đang có năng quyền (Priestly Faculties) nhận lãnh từ Giám mục trực thuộc thì đều có thể cử hành thành sự (validly) các bí tích, đặc biệt là bí tích hòa giải, vì linh mục nghe và giải tội cho ai thì đều phải làm nhân danh Chúa Kitô (in Persona Christi) chứ không nhân danh chính mình. Như thế,  chính Chúa Kitô nghe và tha tội cho mọi hối nhân thành thật xưng tội qua trung gian của một linh mục, dù linh mục đó là người bất xứng đến đâu dưới mặt của người đời.

Phải nhấn mạnh thêm về sự thành thật khi xưng tội, vì nếu hối nhân dấu tội không muốn  xưng hết  với linh mục thì việc xưng tội sẽ không thành, mà còn phạm thêm tội cố ý nói dối Chúa nữa. Chính vì người ta cứ nghĩ  lầm là xưng tội với cá nhân linh mục, chứ không phài thú nhận tội lỗi với chính Chúa Kitô, nên nhiều người không dám xưng hết các tội đã phạm - cách riêng các tội phạm điều răn thứ sáu và chín-  với linh mục vì mắc cở hay sợ bị tiết lộ ra ngoài. Lo ngại như vậy là không đúng vì mọi linh mục đều bị buộc phải giữ kín mọi điều nghe được từ hối nhân trong Tòa giải tội . Đây là "ấn tòa giải tội" buộc mọi linh mục phải triệt để tuân giữ. Ai vi phạm sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết. (x Giáo luật số 1388, triệt 1) Vạ này chỉ có Tòa Thánh giải mà thôi.

Ân xá - toàn phần hay bán phần - chỉ có mục đích tha  từng phần hay toàn phần các hình phạt hữu hạn (temporal punishment)  sau khi các tội nặng nhẹ  đã được tha qua bí tích hòa giải, để tẩy xóa đi những hậu quả do tội còn để lại trong tâm hồn hối nhân như đã nói ở trên. Nghĩa là ân xá không có hiệu năng tha các tội lớn nhỏ cho ai mà chỉ tha hay tẩy xóa hình phạt hữu hạn của các tội đã được tha qua bí tích hòa giải mà thôi. Do đó, ai đang có tội trọng thì không thể lãnh ân xá hữu hiệu được mà phải đi xưng tội trước rồi mới lãnh ân xá sau để xin tha hình phạt hữu hạn, theo giáo lý Giáo Hội dạy.

Về thẩm quyền ban phát ân xá, thì  giáo luật chỉ qui định một mình Đức Thánh Cha có quyền ban ân xá hay cho phép Bản quyền địa phương nào ban ân xá vì lý do chính đáng được Tòa Thánh chấp thuận. Thí dụ mừng kỷ niệm thành lập Giáo phận hay Nhà Dòng   (x Giáo luật số 995, triệt 1 & 2)

2- Liên quan đến câu hỏi thứ hai, xin được trả lời như sau:

Giáo lý của Giáo Hội chỉ nói đến hiệu quả của bí tích hòa giải là cho chúng ta được giao hòa hay hiệp thông lại với Thiên Chúa trong thân tình Cha-con từng bị gián đọan vì tội, nhất là tội trọng, cũng như chỉ nói đến hiệu quả của ân xá là tha hình phạt hữu hạn sau khi tội được tha qua bí tích hòa giải.

Nhưng Giáo Hội không hề đưa ra tiêu chuẩn cụ thể nào về số phận đời đời của một ai sau khi chết. Nghĩa là  Giáo Hội chưa hề dạy nếu ai sống thế nào, hoặc làm điều gì, ngay cả tự tử thì chắc chắn sẽ  xuống hỏa ngục hoặc sẽ lên thẳng Thiên Đàng sau khi chết... Giáo lý chỉ nói đến những trường hợp gia trọng để lưu ý giáo dân phải tránh mà thôi. Thí dụ Giáo Lý của Giáo Hội dạy rằng: " những ai đang có tội trọng thì không được rước Mình Thánh Chúa và không được cử hành Thánh lễ ( nếu là linh mục) ( x Giáo luật số 916, SGLGHCG số 1415) hoặc "nếu ai đang mắc tội trọng mà chết không kịp sám hối  để được  hòa giải với Chúa thì sẽ phải hình phạt hỏa ngục". (x. SGLGHCG, số1033-1035)

Nhưng ai đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng  nói trên để đáng phải xuống hỏa ngục,  thì chỉ  một mình  Chúa biết và phán đoán mà thôi.  Giáo Hội không biết được  nên  vẫn dạy phải cầu nguyện cho mọi kẻ chết, kể cả cho những người  đã tự tử, hay tự sát sau khi giết một hay nhiều người khác, mặc dù Giáo Hội nghiêm khắc lên án hành vi sát nhân hay tự tử này.

Mặt khác, Giáo Hội cũng chưa hề phong thánh cho ai ngay sau khi người đó chết. Cụ thể, ai  sống thánh thiện,  đạo đức hơn các Đức  Giáo Hoàng. Trước  khi chết  các ngài cũng được xức dầu và  lãnh ơn toàn xá trong giờ sau hết, (trừ Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô I chết bất ngờ trong nhà nguyện riêng sau 33 ngày lên ngôi). Nhưng Giáo Hội vẫn cử hành  lễ an táng để cầu nguyện cho,  chứ chưa hề tức khắc tuyên bố vị nào đã lên Thiên Đàng rồi, nên khỏi cầu nguyện nữa. Ai được phong thánh (canonization) thì cũng phải chờ một thời gian và hội đủ một số tiêu chuẩn theo luật định. Nghĩa là cho đến nay, Giáo Hội chưa hề phong thánh cho ai ngay sau khi người đó chết, mặc dù nhiều người biết đời sống thánh thiện của người đó.

Tóm lại, chúng ta phải tin và trông cậy lòng thương xót tha thứ vô biên của Thiên Chúa, cũng như tin giá trị và hiệu quả của bí tích hòa giải và ơn toàn xá. Nhưng không thể căn cứ vào đây để phán đoán  ngay ai được lên Thiên Đàng hay phải sa hỏa ngục để khỏi cầu nguyện cho những người đó nữa. Có chăng chỉ nên tin rằng những ai đã thực tâm yêu mến và sống theo đường lối của Chúa thì chắc chắn Chúa sẽ không bỏ qua mà không tiếp nhận vào Nước Người nơi dành cho các Thánh và các Thiên Thần.Nhưng ai đã được lên Thiên Đàng và ai phải xuống hỏa ngục thì chỉ có một mình Chúa biết mà thôi.

Vậy chúng ta không nên vội đưa ra những phán đoán về số phận đời đời của ai cho dù  người đó sống chết ra sao, mà chỉ nên cầu nguyện cho họ mà thôi.

Ước mong những giải đáp trên đây thỏa mãn các câu hỏi đặt ra.

Lm.  Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

Không Chịu Buông Tay

Vài năm về trước, vào một ngày mùa hè ở Florida, một cậu bé quyết định đi bơi ở con sông gần nhà. Trời thì nóng mà nước sông thì mát, cậu mừng rỡ hãy ào xuống, bơi ra giữa sông mà không để ý rằng một con cá sấu đang bơi lại phía sau!

Cùng lúc đó, mẹ cậu bé đang ở trong nhà và khi nhìn ra cửa sổ, bà hoảng hốt khi thấy con cá sấu tiến ngày càn gần cậu con trai hơn! Hoảng sợ tột độ, bà mẹ lao ra, nhanh gấp nhiều lần cậu bé khi cậu chạy đi bơi, vừa chạy, vừa hét gọi con trai. Nghe tiếng mẹ gọi, cậu phát hiện ra con cá sấu và bơi ngược trở lại về phía bờ. Nhưng quá muộn, đúng khi cậu bơi tới bờ thì cũng là lúc con cá sấu đớp được chân cậu! Từ trên bờ, người mẹ chậm một giây, chộp lấy cánh tay cậu. Và bắt đầu một trận kéo co không cân sức. Con cá sấu khoẻ hơn người mẹ rất nhiều, nhưng người mẹ còn quá nhiều tình thương và không thể buông tay.

Lúc đó, một bác nông dân đi qua, nghe tiếng kêu cứu vội vã của người mẹ nên đã vội vã lấy một chiếc gậy to ra cùng chiến đấu với con cá sấu! Con cá sấu đành thả chân cậu bé ra.

Sau hàng tuần, hàng tuần trong bệnh viện, cậu bé đã được cứu sống. Nhưng chân cậu có một vết sẹo rất to, trông rất khủng khiếp - bằng chứng của lần bị cá sấu tấn công.

Một phóng viên tới gặp cậu bé khi cậu đã hoàn toàn bình phục. Phóng viên này hỏi cậu bé có thể cho xem vết sẹo được không. Cậu bé kéo ống quần lên, để lộ vết sẹo cho phóng viên chụp ảnh. Và phóng viên nọ đã nói rằng vết sẹo này cậu bé sẽ không thể nào quên!

- Không đâu, hãy nhìn tay cháu đã! - cậu bé nói rồi kéo tay áo lên. Trên tay áo của cậu là một vết sẹo to, thậm chí còn sâu hơn cùng với những vết cào xước rất đậm và kéo dài do móng tay của mẹ cậu - khi người mẹ dồn tất cả sức lực và yêu thương đễ giữ lại đứa con trai yêu quý. Cậu bé nói với phóng viên:

- Chính vết sẹo này cháu mới không bao giờ quên được! Và cháu tự hào về nó, tự hào vì mẹ cháu đã không chịu buông tay.

(Sưu tầm)

Con cái là hồng ân quý báu nhất mà Thiên Chúa ban cho cha mẹ. Con cái là niềm tự hào, tình yêu, sức sống, là tất cả đối với cha mẹ. Do đó, người mẹ không đành buông tay - dù hiểm nguy chết người - để đứa con mình đi vào cõi chết. Tình yêu ấy đã tạo nên động lực cứu cả hai mẹ con khỏi miệng cá sấu hung dữ.

Ngoài người mẹ trần thế, chúng ta mỗi người còn có Đức Mẹ, Nữ Vương quyền thế trên trời dưới đất, luôn nâng đỡ chở che, cầu bàu chúng ta. Xin cho ch1ung con được lòng yêu mến, noi gương sống của Mẹ với Chúa Giêsu và được Mẹ luôn hộ phù.

1344    12-12-2012 09:16:10