Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Nêu Gương Sống Lương Tâm Công Giáo - Tháng 11 năm 2004

Chủ đề: NÊU GƯƠNG SỐNG LƯƠNG TÂM CÔNG GIÁO

I. ĐỌC THƯ CỦA HĐGMVN số 11

Nêu gương sống lương tâm công giáo. Trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống. Người tín hữu giáo dân hãy nổ lực cùng với đồng bào xây dựng một nếp sống lành mạnh trong khu phố xóm làng, loại trừ mọi tệ đoan tật xấu. Đặc biệt hãy nêu gương tôn trọng sự sống, tôn trọng phẩm giá con người, sống theo lương tâm ngay thẳng làm chứng về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa, Nước "đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an" (Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Kitô Vua).

II. DẪN GIẢI

Sống theo lương tâm : tâm ngay chínhcủa mình. Nghĩ thế nào thì tác động đời sống cũng phải như thế.
Phổ biến lối sống lương tâm ngay chính cho đồng bào để nhờ đó xây dựng xã hội tốt.
Sống đúng lương tâm; nhờ đ1o, bớt tệ đoan xã hội, tôn trọng sự sống và phẩm giá.
Xin Chúa cho chúng con được có lương tâm ngay chính và biết sống theo lương tâm.

III. CHUYỆN MINH HỌA

ĐỨC MẸ ĐEN

Câu chuyện xảy ra tại Hal, một thành phố nằm dọc theo kênh đào Charleroi . Hal chỉ cách Bruxelles, thủ đô vương quốc Bỉ chừng vài cây số. Tại đây có nhà thờ kiểu gô-tích, nơi tôn kính tượng "Đức Mẹ Đen". Bức tượng được tạc từ thế kỷ 13 và nổi tiếng nhất của Bỉ quốc, vì đã làm nhiều phép lạ.

Tại thành phố Hal cạnh con kênh Charleroi , xảy ra một tai nạn. Một bà mẹ goá sống với đứa con trai duy nhất. Một ngày, cậu bé chơi với bạn cạnh con kênh. Không hiểu hai cậu bé rượt đuổi nhau thế nào mà cậu trai con bà goá trượt chân và rớt xuống kênh. Người bạn hoảng hốt, chỉ biết hét lên những tiếng kêu cấp cứu. Bà mẹ lại càng hoảng hốt hơn, và cũng chỉ biết hét lên những tiếng kêu thảm thiết.

Chính lúc đó, một thanh niên đi về hướng này. Nghe tiếng kêu, chàng đoán ngay sự việc. Anh tức tốc nhảy xuống kênh và lặn sâu dưới dòng nước. Mấy phút sau, anh vớt được cậu bé và mang lên bờ, trước đôi mắt đẫm lệ của người mẹ. Nhiều người xúm lại cấp cứu cậu bé. Cậu từ từ hồi tỉnh. Cậu đã thoát chết nhờ hành động mau mắn và dũng cảm của người thanh niên lạ mặt.

Trước một công ơn to tát như thế, làm sao để cảm tạ cho đủ người đã cứu sống con mình? Bà mẹ goá lại quá nghèo! Nghĩ lui nghĩ tới, bà thấy không gì quý giá hơn là tặng chàng trai ảnh đeo có hình "Đức Mẹ Đen" của nhà thờ gô-tích thành phố Hal. Bà trao ảnh cho chàng và nói:
- "Chắc chắn là Đức Mẹ đã nghe lời tôi kêu cầu nên đã đưa cậu đến đây và cứu vớt kịp thời con trai tôi bị nạn".
Chàng thanh niên lúng túng trả lời:
- "Tôi không biết là có đúng như thế không, bởi vì, thú thật với bà, tôi là kẻ vô thần".
Tuy nói vậy, nhưng trước cái nhìn khẩn thiết của bà mẹ, chàng trai chấp nhận chiếc ảnh Đức Mẹ. Chàng cũng hứa là sẽ mang ảnh này như lời bà xin để ghi nhớ cuộc gặp gỡ với cậu bé con bà.

Mấy chục năm trôi qua. Chàng thanh niên dũng cảm năm xưa, giờ đây là một người đàn ông cao tuổi. Ông bị bệnh nặng và được điều trị tại một nhà thương bên Thụy Sĩ. Nhà thương do các nữ tu điều khiển. Cùng vào thời kỳ đó, tại vùng này, lại có một linh mụcngười Bỉ về đây nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng cha đến nhà thương thăm viếng các bệnh nhân theo lời xin của các nữ tu. Một ngày, cha đang đi trên đường gần nhà thương thì một nữ tu chạy đến và nói:
- "Xin cha đến mau vì có một bệnh nhân đang mê sảng".
Khi vị linh mục đến bên giường người bệnh, cha hiểu rằng, người bệnh đang nói tiếng Bỉ Flamand. Ông ta muốn bịt tai và xua đuổi tất cả những gì có liên hệ đến tôn giáo. Bằng tiếng Flamand, vị linh mục nói vào tai người bệnh:
- "Xin ông an tâm, không ai dám làm trái ý ông đâu. Chúng tôi chỉ cầu nguyện cho ông thôi".
Nói xong, vị linh mục thoáng thấy nơi cổ bệnh nhân có lấp lánh chiếc ảnh đeo "Đức Mẹ Đen". Không giữ được bình tĩnh, cha ngạc nhiên nói:
- "Ông mang một ảnh thật đẹp, vậy mà ông không muốn tôi nói với ông về Chúa Giêsu và về Đức Mẹ, Mẹ của Ngài và cũng là Mẹ của chúng ta sao?"
Người hấp hối bỗng như hồi tỉnh. Bằng từng câu rời rạc, ông kể lại câu chuyện cứu vớt một cậu bé và lời hứa với mẹ cậu bé là sẽ mang ảnh Đức Mẹ suốt đời, ghi dấu cuộc gặp gỡ. Và ông đã giữ lời hứa. Vị linh mục thật cảm động. Ngài cúi xuống cầm tay người bệnh và nói:

- "Chú bé mà ông đã cứu sống, là chính tôi đây. Mẹ tôi vẫn thường kể lại câu chuyện ấy và nhắc tôi nhớ đến ông luôn. Chúng tôi suốt đời ghi ơn ông. Và ông thấy đó: chính Đức Mẹ đã đưa tôi đến đây gặp lại ông, để giúp ông trong giây phút quan trọng cuối đời!"

Người bệnh cũng cảm động không kém vị linh mục. Ông bỗng trở nên bình tĩnh hơn. Ông chấp nhận xưng tội và xin rước Mình Thánh Chúa làm của ăn đàng. Sau đó, ông nhắm mắt an nghỉ trong vòng tay trìu mến ghi ơn của vị linh mục.

IV. DẪN Ý CÂU CHUYỆN

1. Sống lương tâm Công giáo là gì?

Dù có niềm tin tôn giáo hay không, mỗi người đều khám phá ra tận đáy lòng mình có một tiếng nói, một lề luật mà chính mình không đặt ra, nhưng vẫn luôn nhắc nhở mình phải tuân theo. Tiếng nói ấy kêu gọi con người phải yêu mến và làm điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy gọi là tiếng lương tâm. Chính tiếng lương tâm ấy phân định việc làm của chúng ta là đúng hay sai.

Với người Kitô hữu, lương tâm là nơi sâu kín nhất và là nơi Thiên Chúa hiện diện trong lòng mỗi người. Do đó, khi nghe theo tiếng lương tâm, ta cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình, và nhờ phán quyết của lương tâm, ta ý thức và nhận ra những quy luật của Thiên Chúa.

Người thanh niên trong câu chuyện trên đây, dù không tin Chúa, nhưng tiếng lương tâm thôi thúc anh như một phản xạ tự nhiên phải cứu người đang gặp nguy khốn.

Theo Giáo Lý Công Giáo: "Lương tâm là luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã đạt sẳn nơi đáy lòng mỗi người để soi dẫn họ làm lành lánh dữ" và để có được một lương tâm ngay thẳng cần phải có ba yếu tố : "Một là nhận biết các nguyên tắc luân lý; hai là ứng dụng các nguyên tắc ấy vào hoàn cảnh cụ thể; ba là phán quyết về các hành vi cụ thể đã làm, đang làm hay sắp làm" (GLCG trg. 123)

Phải biết các nguyên tắc luân lý tức là biết việc nào đúng việc nào sai và phải có phán đoán đúng. Dù là luật Chúa đặt sẳn nơi lòng người chứ không do con người tạo nên, nhưng lương tâm có thể bị biến chất do điều kiện sống chung quanh, vì thế cần phải huấn luyện lương tâm để có được phán đoán ngay thẳng và chân thật.

Lời của Chúa chính là nền tảng để rèn luyện lương tâm ngay thẳng. Những lệch lạc trong các phán đoán đúng hay sai thường là do thiếu hiểu biết về Đức Kitô và Giáo lý của Ngài.

Cần phải huấn luyện lương tâm suốt đời và phải được bắt đầu từ thuở ấu thơ, vì đây là giai đoạn rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Được huấn luyện tốt, lương tâm sẽ trở thành tấm bảng chỉ đường quý giá, dẫn con người đến tự do đích thực, và mang lại sự bình an cho tâm hồn.

2. "Sống lương tâm ngay thẳng...làm chứng về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa." (số 11)

Người tín hữu được mời gọi truyền giáo bằng chính đời sống của mình qua sự hiện diện trong môi trường mình đang sống. Theo Công đồng dạy, thì để sự hiện diện của chúng ta có tính cách truyền giáo, chúng ta phải là con người cầu nguyện, có một đời sống thiêng liêng và luân lý tốt, biết đến với mọi người với tâm hồn rộng mở, với con tim bao dung, với lòng nhiệt thành, tự nguyện hy sinh và tận hiến cho các linh hồn. Để được như vậy, chúng ta gia tăng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng việc thi hành nhiệm vụ hằng ngày.

Muốn được như vậy, cần phải có lòng nhiệt thành tông đồ, hay nói khác đi phải có lửa tông đồ trong trái tim ta. Chính lửa mến Chúa yêu người sẽ thúc bách ta. Không phải các giáo lý, các lý thuyết, các lý lẽ, sẽ chuyển tải được Tin Mừng vào lòng người. Chính lửa tình yêu mới đốt lên được sự khát khao chia sẻ Tin Mừng và đón nhận Tin Mừng. Khi lòng ta đầy lửa tông đồ, ta sẽ nhạy bén với những thời cơ. Và ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, nếu lòng ta bừng cháy lửa tông đồ, ta sẽ biết sáng tạo những cách làm chứng cho tình yêu Chúa một cách âm thầm mà hữu hiệu.

Ngọn lửa tông đồ ấy trước hết, giúp ta sống và vun đắp gia đình của chính mình trở thành môi trường tông đồ.

Một gia đình Công giáo sống đạo đức, chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa chắc chắn sẽ hạnh phúc đầm ấm và tràn đầy yêu thương. Vì ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có tình yêu và hạnh phúc. Ở đâu không có Thiên Chúa ở đó chỉ có ghen ghét, tranh chấp, thù oán và đó là hoả ngục. Một gia đình mà cha mẹ, con cái siêng năng tham dự Thánh lễ, ban tối đọc kinh chung gia đình, dùng lời Chúa làm ánh sáng soi đường chỉ lối, sống hoà thuận yêu thương nhau thì đó chính là gia đình gương mẫu theo Thánh Gia Thất. Từ gia đình tốt này sẽ trao tặng những người con tốt cho xã hội và giáo hội.

Gia đình là trường học đầu tiên giáo dục con cái, cha mẹ là thầy cô đầu tiên dạy dỗ con cái. Nền giáo dục của gia đình Công giáo được xây trên nền tảng là lòng yêu mến Thiên Chúa và con người. Như vậy, việc truyền giáo trước tiên phải được thực hiện nơi chính gia đình của mình.

Thứ đến, nhờ được hưởng một nền giáo dục công giáo tốt đẹp, con cái lớn lên sẽ cùng với cha mẹ góp phần "xây dựng nếp sống lành mạnh" trong môi trường mình đang sống: về mặt tích cực nêu gương đạo đức, chăm chỉ làm ăn, sống hoà thuận thương yêu tương trợ lẫn nhau, giữa những người trong gia đình và với mọi người chung quanh, nhất là những người cùng túng, neo đơn...; về mặt tiêu cực không sa đà vào các tệ đoan như cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút chích, làm băng hoại xã hội.

Sau hết, theo chỉ dẫn của Thu Mục Vụ, việc truyền giáo còn được thể hiện nơi người tín hữu bằng một đời sống với lương tâm ngay thẳng, trong sáng. Một lương tâm biết nhận ra rằng mọi người đều được dựng nên giống và theo hình ảnh Thiên Chúa, nên mỗi người đều có một phẩm giá đáng được tôn trọng, vì là con Thiên Chúa. Từ đó, đưa đến việc tránh những gì là xúc phạm đến mạng sống và phẩm giá con người như: ngừa thai, phá thai, hay coi rẻ thân xác con người, nhất là người nữ.

Một lương tâm ngay thẳng đôi khi đòi hỏi người tín hữu phải biết vượt qua những khó khăn, những cám dỗ của tiền bạc, của lối sống chạy theo vật chất của môi trường mình đang sống. Khước từ những cám dỗ của vật chất, dù sống trong cảnh thiếu thốn để khỏi bán rẻ lương tâm của mình là một cách sống chứng tá cho Nước Trời, là chứng tỏ cho mọi người biết rằng còn có một cái gì lớn lao hơn đáng cho con người sống và phụng sự. Đó chính là Nước Thiên Chúa "Nước tràn đầy sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an" (số 11).

Đức Hồng Y Martini nhận định về đời sống chứng tá của người tín hữu: "Ngày nay, điều quan trọng nhất không phải là có một sự thánh thiện ưu tú, giới hạn vào việc tuyên phong một vài nhân vật hoặc phong trào. Chúng ta cần một sự thánh thiện tỏa lan bàng bạc. Trong các cuộc thăm viếng mục vụ, tôi gặp thấy đông đảo những người đơn sơ, không thuộc một phong trào nào cả, nhưng sống trong Hội Thánh bằng một cuộc đời thánh thiện, nếu không anh hùng thì ít ra cũng với một cường lực luân lý to lớn. Một Giáo Hội địa phương cần phải nổi bật trước tiên nhờ khả năng khơi dậy chung quanh vị giám mục, một mùa hoa những cuộc đời thánh thiện bình dân".

Lạy Chúa, xin giúp chúng con can đảm làm chứng cho Chúa, không phải bằng những ước mơ to tát đâu xa, nhưng bằng chính cuộc sống đức tin anh dũng hàng ngày, để qua chúng con anh em gặp được sự bình an, trong sáng của Chúa. Amen.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Tháng 11 NÊU GƯƠNG SỐNG LƯƠNG TÂM CÔNG GIÁO

GỢI Ý SÁM HỐI.
Tôi không biết 'lương tâm' là tiếng Chúa phán trong tâm hồn. Xin thương xót tôi.
Tôi không hành động theo phán quyết của lương tâm. Xin thương xót tôi.
Tôi không nêu gương sống lương tâm Công Giáo. Xin thương xót tôi.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Làm người, ai cũng có lương tâm ngay chính. Là người Công giáo, còn có lương tâm Công giáo, phải sống theo lương tâm và lương tâm Công giáo. Chúng ta cùng chung lòng hiệp ý cầu nguyện cho chính chúng ta và cho mọi người:

1. Nước Thiên Chúa tràn đầy sự thật và sự sống,… công lý và bình an. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh, dùng cuộc sống theo lương tâm Công giáo, mà loan báo Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa trần gian.

2. Lương tâm dạy ta phải xây dựng một nếp sống lành mạnh trong lối xóm. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người luôn sống hoà thuận thương yêu nhau, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, giúp nhau tiến tới đời sống văn minh tình thương.

3. Lương tâm Công giáo dạy ta tôn trọng sự sống và phẩm giá con người. Chúng ta cầu nguyện cho hết mọi Kitô-hữu, bằng hành động cụ thể, dám tôn trọng mạng sống và phẩm giá con người, dù phải chịu nhiều thiệt thòi về những giá trị trần gian.

4. Lương tâm Công giáo dạy ta phải làm chứng về sự hiện diện của Nước Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, dùng đời sống lương tâm Công giáo, mà bày tỏ cho mọi người chung quanh nhận biết Nước Thiên Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô nêu gương sống theo thánh ý Chúa. Xin Chúa lại ban Thánh Thần Chúa cho trần gian, dạy chúng con nêu gương sống lương tâm Công giáo, hầu mai sau chúng con được hưởng Thiên đàng. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

RAO GIẢNG TIN MỪNG BẰNG ĐỜI SỐNG

Linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung nguyên là một Bác sĩ Phật giáo, chuyên môn về Da Liễu. Khi lên 18 tuổi, nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Đức Cha Jean Caissaigne tại trại phong Di Linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó quá tốt đẹp, và vô tình Đức Cha Jean Caissaigne đã trở thành thần tượng của cậu. Khi nhắc lại đoạn đời đó, cha Chung cho biết là ngài được rao giảng Tin Mừng bằng đời sống, chứ không phải bằng lời nói. Từ đó cậu Chung có ý nguyện học làm Bác sĩ để phục vụ bệnh nhân phong như Đức Cha Jean Caissaigne.

Khi bắt đầu học năm thứ nhất Y Khoa, nhân dịp tham dự Thánh lễ khai khóa của linh mục giáo sư bác sĩ Lischenberg, cậu Chung nhận thấy con người khoa học uyên bác của giáo sư Lischenberg đã biến thành một linh mục khả kính, trang nghiêm siêu thoát, chìm đắm trong cõi phúc lạc thần thiêng . . . Ơn gọi làm linh mục của cha Chung đã chớm nở từ đó.

Khi bác sĩ Chung phục vụ tại trại phong Bến Sắn, Dì hai Loan thuộc Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, là phó Giám Đốc, Dì là người phục vụ ở đây gần 17 năm, bất ngờ ngã bệnh ung thư và mất đi sau mấy tháng. Khi Dì hấp hối, bác sĩ Chung đang sửa soạn để đi với bác sĩ Quang, bác sĩ Bích Vân lên trại phong Di Linh khám mắt cho bệnh nhân. Vì xe chưa tới, bác sĩ Chung tiếc nuối những giây phút cuối cùng còn lại với Dì hai Loan, nên đã trở lại giường bệnh của Dì. Lúc đó Dì hai Loan mở mắt ra, nhìn bác sĩ và đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì. Dì Mười hiểu được, liền nói:"Chung, Dì hai Loan nói, tại sau chưa đi ?".

Khi kể lại kỷ niệm này, cha Chung đã dùng những ngón tay phải, chỉ vào cánh tay trái và cho biết lúc đó cha cảm thấy bị rỡn da gà lên. Sau đó, bác sĩ Chung đã về dự tang lễ của Dì hai Loan, và đã quyết định theo đạo. Một năm sau, bác sĩ Chung đã vào tu ở Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn (Lazariste), và đã lãnh Thánh Chức Linh Mục hơn một năm nay.

Ba vị đã tác động mạnh mẽ trên ơn gọi của cha Chung là Giám mục Jean Caissaigne, linh mục Lischenberg và Dì hai Loan. Cả ba cùng có một mẫu số chung - theo lời cha Chung - đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống, chứ không phải bằng lời nói.

Nguyện ước của cha Chung là được phục vụ bệnh nhân phong và bệnh nhân AIDS, rồi cuối cùng ngã bệnh giữa những bệnh nhân mà cha yêu thương phục vụ, đúng như lời Chúa Kitô đã phán dạy:"Không có tình yêu nào cao trọng cho bằng hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu".

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, mỗi Kitô hữu phải truyền giáo. Nhưng nên truyền giáo cách nào cho có kết quả ? Theo Thư Mục Vụ của HĐGM / VN 2003: Sống lương tâm công giáo: trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống . . .

Thời nay, biết bao người ngoài đạo Công Giáo khao khát đi tìm một Đấng Cứu Độ, như bác sĩ Chung chẳng hạn, họ mong muốn gặp được một tín hiệu nào đó để họ bám víu vào, họ hy vọng gặp được một người tốt, một động lực tốt. Tín hiệu đó, người tốt đó là người biết quan tâm tới họ, biết thương họ, biết đồng hành với cuộc sống của họ, biết có mặt trong các quảng đường lịch sử họ đi, biết giải đáp thích đáng cho những ẩn khuất cuộc đời của họ. Tín hiệu đó, người tốt đó là người sống lương tâm Công giáo, nghĩa là sống theo tinh thần công bình bác ái Kitô giáo.

Dư luận chung chung cho rằng: Công giáo Việt Nam rất tốt ở chổ có đông người đi lễ, nhiều người thuộc kinh, dễ qui tụ theo một nề nếp . . . nhưng song song với cái tốt đó, lại bị chỉ trích về tinh thần công bình bác ái. Nếu tinh thần công bình bác ái được coi là một tín hiệu có sức lôi kéo người ta đến với Đức Kitô, thì chúng ta nghĩ sao về những người, những cộng đoàn vẫn an tâm, vẫn hãnh diện với thói quen đi lễ đọc kinh đông, nhưng lại đứng nhất nhì về những chuyện trái đức công bình bác ái. Thực tế không thiếu những người, những cộng đoàn như thế.

Simone Weil nói rằng:" Người thời nay đánh giá đức tin người có đạo không ở thái độ và lời nói của người đó đối với Chúa, mà là ở thái độ và lời nói của người đó đối với người khác".

Trong bản tuyên ngôn của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu lần VII có nói:" Tại Á Châu đang nảy sinh một tình trạng mới của tinh thần, đó là sự thức tỉnh của quần chúng. Một lịch sử mới đang được viết ra trong thời đại chúng ta. Những diểm chính của lịch sử không còn là những cuộc chiến thắng và những khám phá của các quyền lực, nhưng là những hoạt động sâu rộng của tinh thần con người, cũng như sự liên đới giữa các người trong dân chúng với nhau".

Như vậy, những cá nhân cũng như những tập thể được coi là những tín hiệu trong lịch sử hôm nay không phải là những khuôn mặt anh hùng của một ý thức hệ, hay những vầng trán mang hào quang thánh của riêng một tôn giáo, nhưng là những người biết sống liên hệ mật thiết với mọi người, nhất là những người nghèo. Sống thân ái với những người xung quanh, tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau là nét độc đáo của người Châu Á, mà Sứ điệp Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu họp tại Daejon, Hàn Quốc từ 17 - 23 . 08 . 2004 vừa qua đã nhận định:" Chúng tôi hân hoan đọc được tín hiệu của niềm hy vọng tràn ngập trong các gia đình Á Châu. Được thôi thúc bởi các giá trị và truyền thống về tôn giáo và văn hóa, nhiều gia đình đang nỗ lực kiên trì dấn thân cho những lý tưởng của đời sống gia đình. Họ múc lấy sức mạnh từ những giá trị mang tính Á Châu, như lòng tôn kính sâu xa đối với sự sống, sự gần gũi và tôn trọng thiên nhiên, siết chặt tình thân gia tộc, tình nhân ái giữa người với người, củng cố lòng hiếu khách, tôn trọng người già, đề cao lòng hiếu thảo, chăm sóc cho người trẻ. Duy trì được đời sống tâm linh và niềm tin tôn giáo trong gia đình, cảm nhận được sự thánh thiêng của hôn nhân gia đình và con cái là yếu tố mang lại niềm vui . . .".

Sống lương tâm Công giáo là đời sống thật sự làm chứng Chúa Kitô. Cuộc sống làm chứng đó cần thiết và không gì thay thế được đối với mỗi Kitô hữu. Điều ta sống, điều ta làm quan trọng hơn điều ta nói. Chứng nhân Kitô giáo vừa do cuộc sống cá nhân Kitô hữu, vừa do cuộc sống cộng đoàn. Cuộc sống thực sự làm chứng Chúa Kitô là một mẫu mực, một bộ luật, một lý tưởng cho kẻ khác noi theo. Nó diễn tả sứ điệp Kitô giáo một cách cụ thể và dễ hiểu đối với kẻ khác, nó gây cho họ thích được đến gần Chúa Kitô. Nói cách khác, nó làm cho sứ điệp của Kitô giáo hiện thực và sống động. Nguyên tắc:"Hành động thiết thực hơn lời nói", là đúng cho tất cả các mối tương quan, nhất là rất thiết thực cho việc loan báo Tin Mừng: sự thành khẩn, thật thà, trung thực và đơn sơ, nghĩa là sống công bình bác ái, là những đức tính thiết yếu của việc làm chứng nhân Kitô giáo.

VII. TẢN MẠN

TÔN GIÁO BẠN

Phúc thay, phúc thay! Bạn trẻ ngày nay không còn hiểu được cái ý nghĩa "quân Giu-dêu". Giáo Hội Công Giáo đã bỏ cách gọi anh chị em Do Thái là "quân Giu-dêu" lâu rồi. Giáo Hội cũng không còn cầu nguyện cho "quân giết Chúa" trong các Lời Cầu Chung của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng thay bằng "Xin Chúa từ bi nhậm lời Hội Thánh Chúa cầu nguyện để dân tộc Chúa tuyển chọn trước tiên, xứng đáng đạt tơi ơn cứu chuộc hoàn toàn đầy đủ." ĐTC Gioan Phao-lô II gọi anh chị em Do Thái là "trưởng nữ" của Giao Ước.

Giáo Hội cũng không còn gọi anh chị em Tin Lành là "bè rối", hay "quân lạc đạo". Giáo Hội không còn cấm chúng ta đọc Kinh Thánh hay sách đạo do anh chị em Tin Lành xuất bản. Công Đồng Vatican II đã dùng cả từ ngữ "Giáo Hội" để chỉ cộng đoàn các anh chị em Tin Lành: "Dù chúng ta tin anh chị em ấy còn thiếu sót, nhưng chính các Giáo Hội và các cộng đoàn tách riêng ấy vẫn không phải là vô nghĩa và vô giá trị trong mầu nhiệm cứu rỗi. Thật vậy, Thánh Thần của Chúa Ki-tô không khước từ sử dụng họ như những phương tiện cứu rỗi mà năng lực phát xuất từ chính sự sung mãn của ơn thánh và chân lý đã được ủy thác cho Giáo Hội Công Giáo" (Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio số 3).

Trong tuần lễ Hiệp Nhất (từ ngày 18 đến 25 tháng 1 mỗi năm), chúng ta, với lòng biết ơn Thiên Chúa, và vững tin vào sứ mạng Chúa Ki-tô ủy thác cho mình, cần theo gương Giáo Hội nhiệt thành chia sẻ Tin Mừng với mọi người, đặc biệt với anh chị em Ki-tô hữu thuộc các Giáo Hội khác, với lòng quý mến, ngưỡng phục những gì tốt đẹp nơi anh chị em ấy.

Khi đến cùng họ, lắm khi chúng ta nghe anh chị em ấy chỉ trích Giáo Hội Công Giáo, các Đức Thánh Cha,... đôi khi quá nặng lời. Chúng ta phải gương cổ lên cãi lại ư? Đem hết tài biện bạch ra bênh vực Giáo Hội ư? Hay tìm cách vạch trần những lỗi lầm, những khiếm khuyết của Giáo Hội họ để trả đũa ư?

Công Đồng Vatican II phản ứng khác hẳn: "...đôi khi cũng tại lỗi những người ở cả hai bên. Vậy ngày nay những người sinh trưởng trong các công đoàn ấy (anh chị em thuộc các Giáo Hội khác) và thấm nhuần đức tin nơi Chúa Ki-tô không thể bị kết tội chia rẽ và Giáo Hội Công Giáo kính trọng, yêu thương họ như anh chị em. .. Một khi đã được công chính hóa nhờ đức tin khi chịu phép rửa tội, họ đã được tháp nhập vào Chúa Ki-tô và vì thế có quyền mang danh Ki-tô hữu và xứng đáng được con cái của Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận là anh chị em trong Chúa " (Unitatis Redintegratio số 3).

Công Đồng mong chúng ta vững tin vào Chúa và Giáo Hội, biết nhìn nhận lỗi mình, không cần vạch lỗi anh chị em khác, và kính trọng quý mến anh chị em các Giáo Hội khác như anh chị em trong Chúa, vì "chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha" (Ê-phê-xô 4:5).

Thật là một cách nhìn tích cực!

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa là Đấng quy tụ những gì phân tán và bảo tồn những gì đã quy tụ: xin đoái nhìn đến đoàn chiên của Con Chúa, để đức tin nguyên tuyền và dây liên lạc đức ái nối kết những kẻ mà phép Rửa Tội duy nhất đã thánh hóa (Lời Cầu Chung Thứ Sáu Tuần Thánh).

VIII. NGHỆ THUẬT SỐNG

BÍ QUYẾT VUI SỐNG

Sống cách chúng ta trên 7 thế kỷ, thánh Phanxicô Assisi vẫn mãi mãi để lại một hình ảnh trẻ trung. Chưa có vị thánh nào trong Giáo Hội được nhắc nhở, yêu mến như thánh nhân. Chưa có vị thánh nào đã gợi lên nhiều cảm hứng cho văn chương, nghệ thuật cho bằng thánh nhân. Chưa có vị thánh nào được các nhà chính trị, các nhà cách mạng ca tụng cho bằng thánh nhân.

Sứ điệp của thánh nhân siêu việt thời gian, bởi vì con người của thánh nhân là hiện thân của tuổi trẻ. Thật thế, suốt cả cuộc đời của mình, thánh Phanxicô Assisi luôn biết giữ một tâm hồn tươi trẻ. "Tuổi tác không phải là điều kiện thể lý cho bằng bầu khí của tâm hồn". Có lẽ thánh nhân không phải là người đã nói lên châm ngôn ấy, nhưng hẳn ngài đã sống theo châm ngôn ấy.

Ngài biết giữ mãi cho tâm hồn tươi trẻ bằng cách hạn chế tối đa các nhu cầu, bằng cách chống cự lại các ước muốn. Ngài đón nhận mọi sự. Không thắc mắc, không lo lắng, không buồn giận.

Những khám phá của kha học tâm lý ngày nay, thánh Phanxicô Assisi đã từng biết và sống một cách trọn vẹn. Thật thế, để có một thể xác lành mạnh, một tâm hồn tươi trẻ, các nhà tâm lý học khuyên chúng ta như sau:
- Hãy tập yêu thích những gì không quá đắt giá.
- Hãy tập yêu thích việc đọc sách, chuyện vãn, nghe nhạc.
- Hãy tập yêu thích những thức ăn thanh đạm.
- Hãy tập yêu thích tiếng chim hót, sự hiện diện của thú vật, tiếng cười đùa rộn rã của trẻ em.
- Hãy tập yêu thích trồng trọt, làm việc tay chân.
- Hãy tập yêu thích ánh bình minh cũng như hoàng hôn, tiếng mưa rơi trên mái nhà .
- Hãy tập yêu thích những nhu cầu đơn giản nhất.
- Hãy tập yêu thích công việc và cảm nhận được niềm vui khi làm tốt một công việc.
- Hãy tập yêu người, dù người không giống ta.

Không khí, ánh sáng, mặt trời, niềm vui, hạnh phúc, cuộc sống, con người: đó là những yếu tố cần thiết để tạo cho bầu không khí tươi trẻ trong tâm hồn. Phải chăng đó không là những yếu tố mà người ta cũng bắt gặp trong bà ca vạn vật của thánh Phanxicô Assisi?

Một tâm hồn luôn luôn tươi trẻ: đó không chỉ là một bí quyết để được hạnh phúc trên đời này, nhưng còn là một đòi hỏi đối với người Kitô. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: "Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những ai giống chúng. Ta nói thật với các con: nếu các con không đón nhận Nước Trời như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".
(Theo Radio Veritas)

1384    19-04-2012 15:18:07