Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Nhân Bản Kitô Giáo_ Bài 7

Bài 7: CON NGƯỜI - GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Trong Thông điệp "Ngày thế giớí hoà bình", ĐGH Gioan Phaolô II viết : "Mỗi người đều được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1, 26-28), do đó được quy hướng một cách triệt để về Đấng Tạo Hoá, và sống trong mối quan hệ thường xuyên với những ai có cùng một phẩm giá. Vậy thăng tiến lợi ích của cá nhân là phục vụ lợi ích chung. Chính lợi ích chung là nơi mà quyền lợi và nghĩa vụ gặp nhau và tăng cường lẫn nhau" - Tđ "Ngày thế giới hoà bình", 1999, số 2). Con người là hình ảnh Thiên Chúa và Thiên Chúa lại là một cộng đoàn ba ngôi vị ; vì thế, đặc tính cộng đoàn đã được in sâu vào bản tính con người. Thật vậy, con người cần được sống trong xã hội. Ngay từ khi Thiên Chúa dựng nên nguyên tổ loài người, Người cũng đã tác tạo cho "có nam, có nữ' và phán : "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất" (St, 28). Cuộc sống quần cư đã tạo nên nhiều mối tương quan mật thiết giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng và giữa cộng đồng (quốc gia) này với cộng đồng khác (thế giới).

I. ĐẶC TÍNH CỘNG ĐOÀN CỦA ƠN GỌI LÀM NGƯỜI

Khi cầu nguyện với Chúa Cha "Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta... Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một" (Ga 17,21-22), Đức Giêsu đã nói lên một sự tương tự nào đó giữa sự kết hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của con cái Chúa trong chân lý và Đức Ái (MV 24). Thật vậy, con người cần được sống trong một cộng đoàn yêu thương như một tất yếu. Và cái môi trường đầu tiên thể hiện tình yêu thương đó là gia đình.

II. GIA ĐÌNH

II.1. Gia đình là hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi :
Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã "sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa" (St 1, 27), đồng thời thiết lập một quan hệ mật thiết mang tính cộng đồng "có nam, có nữ". Đó là gia đình đầu tiên của nhân loại. Vì con người là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, nên có thể nói Gia đình cũng mang đậm hình ảnh cao vời khôn ví ấy, đó là : Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa có 3 ngôi vị, nhưng chỉ một Thiên Chúa duy nhất. Tương tự, gia đình cũng có 3 ngôi vị (cha, mẹ, con cái), nhưng cùng được xây dụng chung trên một nền tảng vững chắc : gia đình. Gia đình là nền tảng vững chắc của các giá trị tinh thần và luân lý đạo đức chung. Mặt khác, gia đình cũng không thể thiếu những gì cần thiết về mặt vật chất, đó là tài sản của gia đình - thành quả lao động của người này, do sự tiết kiệm của người khác, và do sự cộng tác tích cực của mọi người. Những tài sản ấy cần được quản lý tốt, trong tình liên đới, không keo kiệt quá, cũng không phí phạm. Để có hạnh phúc trong gia đình, vừa cần có một sự cởi mở đối với gia sản siêu việt các giá trị tinh thần, vừa cần phải có một sự quản lý tốt các của cải vật chất cũng như quan hệ giữa con người với nhau. Lơ là đối với các khía cạnh ấy, sẽ đưa tới hậu quả là làm thương tổn sự tín nhiệm lẫn nhau, dần đưa gia đình tới chỗ mất quân bình, dễ đổ vỡ. Gia đình, vì thế, là nền tảng xã hội, đồng thời là Giáo Hội thu nhỏ.

II.2. Gia đình là nền tảng xã hội, là Giáo Hội tại gia : 
Gia đình là Giáo Hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo. Mọi thành viên của gia đình, ông bà, cha mẹ và các anh chị em sống đạo nhiệt thành làm thành truyền thống đức tin gia đình. Nơi đây, đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt trong những biến cố vui buồn của cuộc sống và qua những mẫu gương đức tin. Gia đình còn là "chiếc nôi của sự sống và tình yêu" (GHXH/GH, 209) giúp các phần tử gia đình cảm nghiệm tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa, đồng thời cũng giúp hình dung trước những mối tương quan liên vị trong xã hội. Nói khác hơn, gia đình là môi trường xã hội, ở đó đức tin triển nở, như lời dạy của ĐGH Gioan Phaolô II :  "Trong cuộc đời của họ không thể có hai lối sống song song : một bên là "thiêng liêng" với những giá trị và những bó buộc riêng ; bên kia là "trần thế", nghĩa là gia đình, công việc làm ăn, tương giao xã hội, dấn thân làm chính trị, sinh hoạt văn hoá... Thật vậy, tất cả các lãnh vực của đời sống giáo dân đều quy hướng vào ý định của Thiên Chúa, Ngài muốn tất cả chúng ta phải là "môi trường lịch sử" để Đức ái của Chúa Kitô được mặc khải và thể hiện cho vinh danh Chúa Cha, và phục vụ anh em mình. Tất cả các sinh hoạt, các hoàn cảnh, các cuộc dấn thân cụ thể - khả năng và liên đới trong công việc làm ăn, tình yêu và sự tận tụy trong gia đình hay trong việc giáo dục con cái, dịch vụ xã hội và chính trị, việc triển khai chân lý trong thế giới của văn hoá - tất cả những việc đó là cơ hội được quan phòng để thể hiện "việc thực hành liên tục Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái". (TH/KTHGD V, 59)

Ngoài ra, gia đình không thể tách rời khỏi giáo xứ, vì giáo xứ chính là hình ảnh của Giáo Hội mang tính xã hội trần gian ("Giáo Hội là xã hội trần gian" - SL. GDKTG, 3). Mối tương quan giữa gia đình và giáo xứ cũng không khác mối tương quan giữa gia đình và xã hội. Nếu tại gia đình, đức tin được truyền thụ bằng phương pháp tiếp cận và thực hành, những bài học được giảng dạy ngay giữa thực tế, thì tại giáo xứ, đức tin được thông truyền nhờ giảng giải và việc cử hành phụng vụ. Vấn đề giáo dục nhân bản cũng vậy, chính khi đối chiếu và đón nhận cảm tưởng của nhau, đoàn kết yêu thương nhau và cầu nguyện chung với nhau, đức tin và đức tính nhân bản của Kitô hữu được nuôi dưỡng, củng cố và phát triển. Có thể khẳng định : Nếu đơn vị hành chánh cơ sở (làng xã, thôn bản, phường khóm) là môi trtường phát triển nhân bản tình xã hội, thì giáo xứ là mội trường thuận lợi triển nở đức tin và nhân bản Kitô giáo.

II.3. Xây dựng gia đình : 
Không gì sánh bằng mẫu gương gia đình Nazaret. Muốn xây dựng một gia đình Kitô giáo đích thực thì người cha phải học theo gương thánh cả Giuse, một người công chính, bao dung, mẫu mực trong mọi sinh hoạt ở gia đình và luôn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Người mẹ thì phải học nơi Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội - là người hội đủ mọi đức tính của người vợ + nguời mẹ trần thế, đồng thời là một thánh nhân được Thiên Chúa tuyển chọn từ trước vô cùng, luôn biết nói xin vâng và thực hiện theo mọi yêu cầu của Thiên Chúa. Còn người con trong gia đình hãy làm sao cho xứng đáng là môn đệ Đức Giêsu Kitô, bởi Người là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, vậy mà khi nhập thế và nhập thể làm người trần thế, Người đã sống đúng cương vị một người con trong gia đình, không bao giờ làm cha mẹ buồn lòng (cứ nhìn hình ảnh "bác thợ mộc Giêsu, con ông Giuse ở làng Nazaret" (Mt 13, 51-57)hoặc hình ảnh một Chúa Trời đất trên thập tự đã "trối ông thánh Gioan cho Đức Mẹ" (Ga 19, 26), thì đủ hiểu).

III. XÃ HỘI

III.1. Tương quan giữa gia đình và xã hội :
Nhờ sự trao đổi, đối thoại với người khác và nhờ sự phục vụ lẫn nhau, con người phát triển khả năng nhân bản của mình. Mỗi người đều đón nhận từ xã hội nhiều di sản làm nên nhân cách của mình, và đến lượt họ, phải góp phần xây dựng xã hội. Tuy nhiên, nếu đời sống xã hội giúp nhiều cho con người chu toàn sứ mạng của mình, kể cả sứ mạng tôn giáo, thì cũng không thể phủ nhận rằng "con người vì những hoàn cảnh xã hội họ đang sống và tiêm nhiễm ngay từ thuở thiếu thời, nên nhiều khi xa cách không làm điều thiện và bị lôi kéo làm điều ác" (MV 25). Ngoài ra, sự can thiệp quá đáng của Nhà Nước cũng có thể đe dọa tự do và sáng kiến của cá nhân. Chính vì thế phải làm sao để mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội được hài hòa và mang lại nhiều ích lợi. Trong tương quan giữa gia đình và xã hội cần phải ưu tư tài bồi các giá trị con người ; nó cần thiết cho sinh hoạt truyền giáo và tông đồ. Chính trong ý nghĩa đó, Công Đồng Vaticanô II đã viết: "(Giáo dân) sẽ yêu thích nhiều khả năng nghề nghiệp, ý nghĩa gia đình và công dân, và các nhân đức liên quan đến đời sống xã hội như thanh liêm, tinh thần công lý, thành thật, tế nhi, khẳng khái. Không có những nhân đức đó thì không có đời sống Kitô hữu chân thật." (TH/ KTHGD  V, 60)

III.2. Để xây dựng một quan hệ hài hòa :
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy : " Vì thế, Ta qủa quyết rằng một Đức Tin không trở thành văn hóa là một Đức Tin không được tiếp nhận đầy đủ, không được suy nghĩ thấu đáo, không được sống một cách trung tín." "Công Đồng khuyến khích người Kitô hữu, công dân của nước trần thế và Nước Trời, nên chu toàn công tác trần thế của mình một cách nhiệt tình, trung tín, và vâng theo sự hướng dần của tinh thần Phúc âm. Những ai, từng biết rằng mình không có được nước vĩnh cửu dưới trần thế này, nhưng đang tiến về vương quốc tương lai, lại cho rằng có thể coi thường những nghĩa vụ làm người của mình, và không nhân ra rằng chính Đức Tin, tùy vào ơn gọi của mỗi người làm cho những nghĩa vụ đó trở thành một bổn phận khẩn thiết" (TH/KTHGD V, 59).  Để xây dựng một quan hệ tốt đẹp và ích lợi giữa cá nhân, gia đình và xã hội, Giáo Hội đã đưa ra một vài hướng dẫn :

a)- Nguyên tắc hỗ trợ : Thiên Chúa đã không dành cho mình mọi quyền bính, nhưng Ngài đã trao phó cho mỗi tạo vật những chức năng phù hợp. Cũng vậy, trong đời sống xã hội, một cộng đoàn lớn không thể can thiệp vào nội bộ một cộng đoàn nhỏ nhằm tước đoạt chức năng của nó ; nhưng phải nâng đỡ và cùng hoạt động để mang lại công ích. Quan hệ hỗ tương đòi buộc sự liên đới trách nhiệm và quyền lợi từ 2 phía: gia đình và xã hội.

b)- Thang giá trị : Để đời sống xã hội thực sự giúp con người phát triển, phải tôn trọng thang giá trị chân chính, tức là biết đặt chiều kích nội tâm và tinh thần lên trên chiều kích thể lý và bản năng. Có những cái vốn chỉ là phương tiện nhưng người ta lại coi như cứu cánh tối hậu. Và nhiều khi người ta biến con người thành phương tiện sử dụng như những phương tiện vật chất, trong khi "Nhân vị là chính và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội" (MV 25). Nhận chân được thang giá trị con người trong xã hội, tức là biết nhìn nhận nhân quyền và nhân vị con người, từ đó xác định trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên liên quan (gia đình - xã hội).

c)- Lời mời gọi hoán cải : Sống giữa xã hội, người Kitô hữu dễ dàng bị cuốn vào cơn lốc những trào lưu xã hội (cả tốt và xấu). Vì thế mà phải hoán cải, một sự hoán cải sâu xa trong tâm hồn và thường xuyên. Đồng thời, sự hoán cải ấy thúc đẩy con người can đảm cải thiện môi trường sống khi nó dẫn con người đến tội lỗi ("Phải có sự đổi mới tâm thức và những thay đổi sâu rộng trong xã hội" - MV 26). Khi ĐGH Gioan Phaolô II đề xuất khẩu hiệu "sám hối - canh tân" và thực hiện một cách rất sinh động và hiệu quả trong suốt triều đại của ngài, thì đó chính là ngài - bằng hành động cụ thể -  kêu mời mọi Kitô hữu (và thậm chí, cả nhân loại) cùng hoán cải bản thân + gia đình để đi đến hoán cải cả Giáo hội và xã hội trần thế, đi lần tới hiệp nhất trong Chân-Thiện-Mỹ. Trong thực tế, nhiều khi khó nhận ra được đâu là con đường phải đi, và phải có rất nhiều can đảm để dám đi con đường của Đức Ái, của Tình Thương hiến thân. Vì thế, cần cầu nguyện để đón nhận ơn Thiên Chúa nâng đỡ.

Có được như vậy, quan hệ hài hoà giữa gia đình và xã hội sẽ được nâng lên, và trở thành cái nôi tài bồi phẩm giá cao quý của con người.

IV. CÔNG ÍCH

Công ích là "Toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn" (MV 26). Như thế, công ích bao gồm ba yếu tố thiết yếu :

* Vấn đề nhân quyền :
Con người cần phải được tôn trọng, với những quyền căn bản và sự tự do cần thiết cho ơn gọi làm người được phát triển. Chẳng hạn "quyền hành động theo tiêu chuẩn chính trực của lương tâm, quyền bảo vệ đời sống tư và quyền tự do chính đáng cả trong phạm vi tôn giáo" (MV 26).

* Vấn đề an sinh xã hội :
An sinh xã hội là "những gì thiết yếu mà con người phải có để thực sự sống đời sống con người, như của ăn, áo quần, chỗ ở, quyền tự do chọn lựa bậc sống và quyền lập gia đình..." (MV 26).

* Vấn đề ổn định đời sống và bảo đảm an ninh :
Cuối cùng là tình trạng ổn định và an ninh trong xã hội. Bằng những phương thế thích hợp, chính quyền phải bảo vệ an ninh cho toàn xã hội, cũng như cho từng thành viên trong xã hội. Đổi lại, mỗi phần tử trong xã hội đều có trách nhiệm lo ổn định đời sống cá nhân, đồng thời đóng góp sức mình vào việc ổn định đời sống chung cho toàn xã hội, nhất là vần đề an ninh trật tự công cộng.

Ngày nay, mối liên hệ giữa các quốc gia càng ngày càng trở nên chặt chẽ. Vì thế, phải quan tâm đến công ích ở tầm vóc quốc tế. Để đạt mục đích nầy, "Các cơ quan của cộng đoàn quốc tế tùy theo phận vụ mình, phải đáp ứng những nhu cầu muôn mặt của con người trong lĩnh vực xã hội như lương thực, sức khỏe, giáo dục, việc làm... trợ giúp nỗi đau khổ của những người tị nạn rải rác trên khắp thế giới, cứu trợ những người di cư và gia đình họ" (MV 54).

V. KẾT LUẬN

Tóm lại, con người được Thiên Chúa dựng nên, ngay từ tiên khởi đã có Tình Yêu Thiên Chúa tạo nên một mối dây liên hệ mật thiết gắn bó các cá thể thành một cộng đồng, đó là gia đình ; rồi từ gia đình phát triển thành xã hội. Cho nên mối tương quan giữa con người - gia đình - xã hội là không thể phủ nhận. Đó là quan hệ hỗ tương không thể tách rời : con người có bổn phận xây dựng gia đình và xã hội, thì xã hội cũng có trách nhiệm bảo bọc, chăm lo cho gia đình và từng cá nhân. Cũng cần phải nhấn mạnh ở đây là nền nhân bản học Kitô giáo không chấp nhận những thành phần dân Chúa sống biệt lập với xã hội, coi xã hội như một thứ xa xỉ phẩm không ăn nhập tới bản thân mình. Kitô giáo là một  tôn giáo nhập thế, đem Đạo vào đời, sống "vui với người vui, khóc với kẻ u sâu", "buồn trước cái buồn của anh em, vui sau cái vui của anh em". Kitô giáo sống hiệp thông không chỉ trong lòng Giáo hội mà sống hiệp thông cùng với toàn thể xã hội loài người, không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo, giai cấp hay thành phần... Cần phải làm sao cho mọi Kitô hữu ý thức được sự liên đới trách nhiệm và quyền lợi với tất cả mọi thành phần xã hội, để từ đó xây dựng mối liên kết chặt chẽ trong yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, xoá bỏ hẳn mọi tị hiềm, thù oán.

CÂU HỎI GỢI Ý THẢO LUẬN

1/- Vì sao có sự tương quan giữa con người, gia đình và xã hội ? Từ đó, thử tìm cho "tương quan" một định nghĩa cụ thể?
2/- Tại sao lại gọi mối tương quan giữa con người, gia đình và xã hội là mối quan hệ hỗ tương ?
3/- Để xây dựng quan hệ hài hoà giữa 3 nhân tố của mối tương quan này, Giáo Hội Công Giáo đã có những hướng dẫn nào ? Phân tích cụ thể.
4/- Khi đã biết mối tương quan mật thiết giữa con người, gia đình và xã hội, anh (chị) thử "nhìn lại mình" rồi cho biết trong cuộc sống, anh (chị) đã thể hiện  được những gì có thể minh hoạ cho chủ đề này ?
5/- Tại sao trong dân gian lại có câu nói "cha chung chẳng ai khóc". Anh (chị) hiểu vấn đề "công ích" như thế nào ? Phân tích và cho biết quan điểm cá nhân của anh (chị).

_______________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
A.- Nguồn : Internet
01- Tông huấn về ơn gọi và sứ mệnh người giáo dân (Christifideles laici).
02- Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium).
03- Tuyên Ngôn về Giáo Dục Ki-tô Giáo (Gravissimum Educationis).
04- Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum).
05- Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân (Apostolicam Actuositatem).
06- Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis Humanae).
07- Sắc Lệnh về Hoạt Ðộng Truyền Giáo của Giáo Hội (Ad Gentes).
08- Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes).
10- Thông điệp Đức Tin là Hy vọng (Spe Salvi).
11- Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu (Deus Caritas est)..
12- Sắc lệnh Giáo Dục Kitô Giáo (Gravissimum educationis).
13- Thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới (2005) - ĐTC Gioan Phaolô II.
14- Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình (2007) - ĐTC Bênêđictô XVI.
15- Toát yếu "Giáo huấn xã hội của Giáo hội"- Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn..
16- "Hội Đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình - Một cái nhìn mới về Học thuyết.xã hội Công Giáo" - Hervé Carrier, S.J. - Chuyển ngữ : Nguyễn Đăng Trúc.
B.- Nguồn : sách
01- "Giáo lý Hội Thánh Công Giáo" - Hội Đồng Giám Mục VN - Nxb Tôn Giáo (2004).
02- "Bản toát yếu sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo" - HĐGMVN - Ủy ban Giáo lý Đức tin - Nxb Tôn giáo (2007).
03- "Giáo huấn xã hội của Giáo hội" - Hội Đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình - Bản dịch của Lm Nguyễn Hồng Giáo (2001).
04-  "Nho Giáo" I & II - Trần Trọng Kim - (Bộ Giáo Dục - Trung Tâm Học Liệu - 1971).
05- "Luận Ngữ" - Đoàn Trung Còn dịch - (Trí Đức Tòng Thơ -1968).
06- "Minh Tâm Bửu Giám" - Petrus Trương Vĩnh Ký dịch - (Hoa Tiên, Saigon - 1968).  
07- "Chu Tử Gia Huấn" - Trần Trọng San biên dịch - (Bắc Đẩu, Saigon  - 1973).
08- "Việt Nam Sử Lược" I & II- Trần Trọng Kim - (Tủ sách Văn Học - Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc trách Văn hoá, Saigon - 1971).
O9- "Phong tục Việt Nam" - Phan Kế Bính - (Hoa Tiên, Saigon - 1961).
10- "Cuộc Tiến Hoá Văn Học Việt Nam" - Kiều Thanh Quế - (Hoa Tiên, Saigon  - 1969).
11- "Tục ngữ phong dao" - Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc - (Mặc Lâm thư quán, Saigon - 1967).
12- "Việt Nam Cổ Văn Học Sử" - Nguyễn Đổng Chi - (Tủ sách Văn Học - Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc trách Văn hóa, Saigon  - 1970).
13- "Việt Nam Văn Học Sử" I & II  - Dương Quảng Hàm - (Thư Lâm ấn thư quán, Saigon - 1961).
14 "Đất Lề Quê Thói" - Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu - (Nxb Tp. HCM - 1992).
15- "Phong Lưu Đồng Ruộng" - Toan Ánh - (Mặc Lâm thư quán, Saigon - 1967).

4276    23-04-2011 08:23:05