Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Như Muối, Như Ánh Sáng Trần Gian - Tháng 06 năm 2002

Chủ đề: NHƯ MUỐI, NHƯ ÁNH SÁNG TRẦN GIAN

 

I. LỜI CHÚA : Mt 5, 13-16

Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng : « Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta lấy gì mà ướp cho mặn lại ? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời. »

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Thánh Matthêô đã ghi lại Lời giảng của Đức Kitô về hai hình ành là biểu tượng thiết yếu sứ mạng của người Kitô hữu, cũng là môn đệ Đức Kitô, đó là muối và ánh sáng. Là muối, người Kitô hữu phải ảnh hưởng tích cực đến những người quanh mình như muối ướp đời. Là ánh sáng, người Kitô hữu phản chiếu hình ảnh Đức Kitô trên khuôn mặt mình, để mọi người nhận biết và tôn thờ Ngài.

III. CHUYỆN MINH HỌA

ÁNH SÁNG CỦA MỘT QUE DIÊM

Một buổi tối nọ, John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng một trăm ngàn người tại vận động trường Los Angeles . Đang diễn thuyết bổng ông dừng lại và nói : « Xin các bạn đừng sợ. Tôi sắp cho tắt tất cả các đèn trong sân vận động nầy ».

Đèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dày đặc. John Keller nói tiếp : « Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa tôi đốt thì hãy kêu lớn lên : « Đã thấy ». Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên : « Đã thấy ».

Sau khi đèn được bật sáng, John Keller giải thích : « Ánh sáng của một hành động nhân ái dù nhỏ như ánh lửa của một que diêm, sẽ chiếu sáng trong đêm tối của nhân loại y như vậy ».

Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh : « Tất cả những ai có mang theo hộp quẹt, xin hãy bật lửa lên ! ». Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.

John Keller kết luận : « Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, có thể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta. »

IV. DIỄN NGHĨA.

Khi mới gọi chúng ta trở thành muối và ánh sáng (x. Mt 3, 13-15) là Đức Giêsu mong muốn chúng ta có bổn phận phải truyền giáo. Thật vậy, truyền giáo chính là bổn phận của người Kitô hữu, có nghĩa là người Kitô hữu không thể sống đời sống đức tin của mình mà không truyền giáo. Cũng như muối không thể không mặn, ánh sáng không thể không chiếu sáng. Người Kitô hữu có trách nhiệm truyền giáo là vì ân sủng Bí Tích Rửa Tội thúc đẩy họ phải loan báo về Chúa cho người khác, bằng việc thực thi Tám Mối Phúc Thật, nói tóm gọn, bằng đời sống bác ái với mọi người vì Nước Trời.

« Các con là muối đất ». Khi sánh ví người Kitô hữu với muối, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ của Người một trách nhiệm rất quan trọng. Muối là một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống của con người : muối vừa làm phân bón cho đất đai màu mỡ với chất sodium của nó ; vừa làm gia vị cho các món ăn thơm ngon, đậm đà ; vừa bào quản thực phẩm cho khỏi hư thối ; vừa làm vị Thuốc chữa bệnh cho con người.

Nếu muối rất cần thiết trong sinh hoạt của cuộc sống, thì người Kitô hữu cũng đóng một vai trò quan trọng trong môi trường xã hội. Họ phải là những thỉnh nguyện viên bảo vệ môi trường khỏi những ô nhiễm của xấu xa, tội lỗi. Đồng thời, họ cũng phải làm cho cuộc đời của những người chung quanh bớt vô vị, nhạt nhẽo, nhưng luôn đậm đà, thắm tình yêu cuộc sống của con người. Thánh Phaolô dạy : «Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương » (Cl 4,6).

”Các con là ánh sáng cho trần gian “.

Thực ra, chỉ có Thiên Chúa mới là ánh sáng (1Ga 1,5) và chỉ có Đức Giêsu mới dám nhìn nhận mình là ánh sáng : “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Chính xác hơn, Chúa chính là nguồn ánh sáng, là mặt trời, nguồn năng lượng duy nhất, cần thiết cho mọi năng lượng. Không có mặt trời, sẽ không có màu sắc, vẻ đẹp, thảo mộc, sinh vật và con người. Mặt trời chính là hình ảnh đẹp nhất về Thiên Chúa, Cội nguồn của mọi sự sống. Thế mà hôm nay, Chúa đã tuyên phong cho con người yếu hèn, tội lỗi, bệnh tật, khổ đau, là ánh sáng : “Các con là ánh sáng cho trần gian”.

Quả thật, cho dù là những tín hữu rất ngoan đạo, chúng ta cũng chỉ có thể phản chiếu ánh sáng của Chúa, nghĩa là chúng ta để cho ánh sáng của Người xuyên qua và toả sáng trong cuộc đời chúng ta. Thánh Phaolô viết : “Thiên Chúa đã phán Ánh Sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm ! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ biết vinh quang Thiên Chúa rạng ngời trên khuôn mặt Đức Kitô” (2Cr 4,6).

Nếu Chúa đã gọi chúng ta là muối là ánh sáng thì thật là vinh dự cho chúng ta, vì Người đã nhìn nhận nơi chúng ta một giá trị cao quý, Người La Mã có câu : “Nil utilius Sale et sale” (Không có gì hữu ích bằng mặt trời và muối). Muối quí giá đến nỗi người ta phải dùng muối để phát lương. Vì thế mới có từ “Salarium” trong Tiếng La Tinh và “Salary” trong Tiếng Anh. (Trích Thiên Phúc)

Giá trị hữu ích của muối và ánh sáng có tác động biến đổi những gì chạm đến nó : giữ cho thức ăn khỏi hôi thối, xua tan bóng tối. Người Kitô hữu cũng được mời gọi ảnh hưởng tích cực đến những người sống quanh mình bằng một đời sống đầy nhân ái, yêu thương hầu tạo nên một bầu khí bình an hoà thuận nơi mọi người. Chỉ có bình an sâu thẳm, yêu thương chân chính khi con người gắn chặt đời mình trong niềm tin vào Thiên Chúa. Và trong khả năng mình, mỗi người hãy thắp lên một ngọn nến yêu thương, giữa đêm đen lạnh lẽo của oán thù, chết chóc.

Hàng năm, cứ vào ngày 5/12, toàn thế giới mừng ngày “Những Người Thiện Nguyện Quốc tế”. Đây là ngày dành để tri ân những người hiến thân phục vụ không công cho đồng loại, và cũng là ngày mời gọi mọi người dấn thân phục vụ tha nhân.

Được thành lập từ năm 1986, đến nay tổ chức đã có khoảng 35 cơ quan thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để phục vụ mọi tầng lớp trong xã hội.

Từ một thanh niên làm việc tại các nước nghèo cho đến chuyên viên tổ chức các cuộc lạc quyên. Từ một cán sự y tế phục vụ thổ dân Châu Phi, các bác sĩ “không biên giới” có mặt ở những nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, cho đến các chuyên gia phục vụ dự án phát triển tại các nước thuộc Thế Giới Thứ Ba. Tất cả đều được thúc đẩy bởi một tinh thần phục vụ yêu thương, một tấm lòng nhân ái vị tha.

Ngày Quốc Tế Những người Thiện nguyện là bài ca dành cho một nhân loại đang nỗ lực vươn tới một thế giới đầy tình nhân ái. Họ chính là muối, là ánh sáng cho trần gian vậy.

MUỐI và ÁNH SÁNG.

Chủ đề của sứ điệp Quốc tế Giới trẻ Năm 2002.
Nhân ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XVII, năm 2002 tổ chức tại Toronto, Canada, dựa trên câu Phúc Âm Thánh Matthêô 5, 13-14 : “Các con là muối đất” Các con là ánh sáng cho trần Gian”, Đức Thánh Cha triển khai sứ điệp của mình gửi thế giới nhân ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XVII. Chúng ta thử tìm hiểu một vài nét căn bản về sứ điệp nầy.

Trước hết Đức Thánh Cha nhắc lại những kỷ niệm về Năm Thánh 2000, trong số rất nhiều người hành hương, những người trẻ (nhân ngày quốc Tế Giới Trẻ tổ chức tại Rôma) đã tề tựu quanh mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Họ đã lãnh hội được nhiều điều bổ ích thiêng liêng cho đời sống cá nhân và trong sự hiệp thông sâu xa với Giáo Hội, được củng cố đức tin và sau đó ra về với sứ mạng trở nên những chứng nhân can đảm cho Tin Mừng, trong buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba.

Đức Thánh Cha nhận định Ngày Quốc tế Giới Trẻ là một biến cố quan trọng trong đời sống của những người trẻ khắp thế giới cũng như của chính Giáo Hội. Và hướng tới Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XVII nầy, Ngài mời gọi họ hãy coi đó như một cơ hội mới để gặp gỡ Đức Kitô, để trở thành chứng nhân về sự hiện diện của Ngài trong xã hội hiện nay và nên như những người góp phần xây dựng “một nền văn minh tình thương”.

1. “Các con là muối đất” (Mt 5, 13).

Muối và ánh sáng là hai yếu tố thiết thực cho đời sống con người. Một trong những tính năng quan trọng của muối là làm cho thức ăn thêm hương vị thơm ngon. Hình ảnh nầy gợi nhớ chúng ta về Bí Tích Rửa tội đã lãnh nhận. Khi đó, con người chúng ta đã được biến đổi sâu sắc, nhờ được “ướp” bằng chính cuộc sống mới của Chúa Kitô (x. Rm 6, 4). Chính chất muối là Chúa Kitô làm cho đời sống Kitô hữu chúng ta không bị biến dạng, ngay cả trong một môi trường đang bị thế tục hoá một cách mạnh mẽ.

Muối chính là ân sủng của Bí Tích Rửa Tội làm cho chúng ta được tái sinh trong Chúa Kitô, được sống trong Chúa Kitô và có khả năng đáp trả lại lời mời gọi của Ngài để “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (x. Rm 12, 1). Trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô khuyên nhủ giáo đoàn hãy bày tỏ cách rõ ràng cho mọi người lối nghĩ và cách sống của họ : “Anh em đừng có rập theo đời nầy, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 2).

Muối còn được dùng để giữ thức ăn cho khỏi hôi thối. Chúng ta cũng được mời gọi gìn giữ đức tin của mình một cách nguyên tuyền và truyền lại cho người khác. Thách thức đặt ra cho thế hệ chúng ta là phải gìn giữ nguyên vẹn kho tàng đức tin. Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ tìm hiểu về cội nguồn Kitô hữu của mình, học hỏi lịch sử Giáo Hội, tìm hiểu thấu đáo những di sản thiêng liêng mà chúng ta kế thừa, bước theo chân những chứng nhân và những vị thầy đã đi trước chúng ta. Chỉ khi chúng ta trung thành với những giới răn của Thiên Chúa và với giao ước mà Chúa Kitô đã đóng ấn bằng máu của Người đổ ra trên Thập giá, chúng ta mới có thể là tông đồ và là chứng nhân trong thiên niên kỷ mới.

Chỉ có con người, cách đặc biết các bạn trẻ, là có khả năng tìm kiếm Đấng tuyệt đối cũng như ý nghĩa cùng đích đời mình. Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ đừng bằng lòng với những cái tầm thường, cũng đừng thất vọng khi thấy có những người dửng dưng trước nổi khát vọng sâu thẳm và chân chính của tâm hồn họ. Nếu biết duy trì khát vọng cháy bỏng về Chúa, những người trẻ sẽ tránh được thói sống tầm thường, chạy theo thời của xã hội hiện nay.

2. ”Các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5, 14).

Với những người đương thời với Chúa Giêsu cũng như với chúng ta hôm nay, ánh sáng tượng trưng cho nổi khát vọng, được khắc ghi trong lòng mỗi người, có được chân lý và sự hiểu biết một cách hoàn hảo.

Khi ánh sáng yếu đi hay mất hẳn, người ta không thể phân biệt được những sự vật chung quanh mình. Trong bóng đêm đen, người ta cảm thấy sợ hãi và bất an, vậy các bạn trẻ hãy trở nên những người lính tuần canh (x. Is 21, 11-12) để báo tin mặt trời ló dạng là Chúa Kitô Phục sinh.

Ánh sáng mà Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm là ánh sáng đức tin, ân huệ vô điều kiện Chúa ban, để chiếu dọi tâm hồn và soi sáng trí khôn : “Quả thật Thiên Chúa đã phán : ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm ! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô”. (2Cr 4, 6). Điều Nầy giúp chúng ta hiểu được những lời Chúa Giêsu nói về sứ mạng và bản thân Ngài : “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ành sáng ban sự sống” (Ga 8, 12).

Việc gặp gỡ Đức Kitô mang lại cho đời sống chúng ta một nguồn sáng mới, hướng chúng ta theo đường ngay nẻo chính và biến chúng ta thành chứng nhân cho Ngài. Nhờ Đức Kitô, chúng ta có một cái nhìn mới về sự vật và con người, một cái nhìn đức tin và biết sống niềm tin ấy bằng chính cuộc đời mình, nên như muối và ánh sáng cho đời.

Thế giới đương đại đang bị trần tục hóa, họ sống như không có Chúa. Các bạn trẻ cần ý thức rằng tin Chúa có nghĩa là tin với cả con người mình và Phúc Âm chính là khuôn vàng thước ngọc định hướng cho cuộc đời chúng ta. Là những nhà truyền giáo, tức là trở thành dấu chỉ của tình thương Thiên Chúa, bằng lời nói và hành động của mình : “Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng “ (Mt 5, 15).

Cũng giống như muối đem lại hương vị cho thức ăn và ánh sáng chiếu sáng bóng đêm, sự thánh thiện phản chiếu vinh quang Thiên Chúa, mang lại cho cuộc sống một ý nghĩa tròn đầy. Biết bao vị thánh, có những vị trẻ tuổi như thánh Anrê Phú Yên (Việt Nam )…, đã trở nên mẫu gương cho Giáo Hội và cho mọi người. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các bạn trẻ được nên những vị thánh trong thiên niên kỷ thứ ba nầy.

Đức Thánh Cha nhắc lại Tông thư Bước Vào Thiên Niên Kỷ Mới. Tông Thư mời gọi mọi người hãy trở nên những nhà truyền giáo, những người phản chiếu ành sáng Chúa Kitô cho thời đại mình, bằng cách học hỏi Lời Chúa, múc lấy nguồn ân sủng từ Bí Tích Giải Tội và Bí Tích Thánh Thể, gặp gỡ Chúa Kitô qua việc tôn thờ Thánh Thể. Dần dần các bạn sẽ nhận lãnh được một nghị lực mới giúp nâng đỡ những ai đau khổ và xây dựng một thế giới hòa bình. Khi chiêm ngắm ánh sáng tỏa rạng trên gương mặt Đức Kitô Phục sinh, hãy học sống như “con cái ánh sáng, con cái của ban ngày” (1Th. 5, 5), hãy biểu lộ cho mọi người biết rằng “ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5, 9).

Để kết thúc, Đức Thánh Cha nói về mục đích của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Toronto là nhằm đem lại sự hiệp nhất cho các Kitô hữu, trong khi loan báo Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất, còn ơn cứu độ thì dành cho hết mọi người và cũng đồng thời nói cho thế giới biết niềm vui của các bạn vì được gặp gỡ, được hiểu biết thêm về Đức Giêsu Kitô và việc các bạn tự nguyện dấn thân loan báo Tin Mừng của Người khắp cùng bờ cõi thế giới.

3. Thay lời kết : Thái độ dửng dưng là một trọng tội.

Không ai lên thiên đàng một mình. Chúng ta liên đới với nhau trong hạnh phúc vĩnh cửu và trong tội của mình. Mọi người đều phải có trách nhiệm trước cảnh khốn khổ của đồng loại đang sống bên cạnh mình. Thế giới là tài sản chung của cả nhân loại chứ không phải của riêng một mình ai. Nếu chúng ta được thành đạt, giàu có, thông minh hơn người, là do ơn lành Chúa ban để phục vụ người khác, chứ không phải là lý do để tự hào hay khinh bỉ kẻ khác.

Hơn nữa ngay cả khi chúng ta không làm điều gì ác, nhưng chính thái độ dửng dưng trước cảnh khổ của đồng loại chính là một trọng tội. Elizabeth Leseur nói : “Chúng ta phạm tội không những về những điều ác chúng ta đã làm, nhưng cả về những điều thiện mà chúng ta không làm”.

Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 1991, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II mời gọi chúng ta hãy đọc và suy gẫm dụ ngôn người giàu có và Lazarô. Lý do người giàu có trong dụ ngôn nầy bị kết án, không phải vì ông đã làm điều gian ác nào đó, nhưng là vì ông đã dửng dưng trước cảnh khốn khổ của Lazarô. Ông thấy, ông biết, ông cảm nhận có người nghèo đói bên cạnh mình, nhưng đã đang tâm làm ngơ, như họ chưa từng có mặt trên đời nầy. Lòng ích kỷ đã làm trái tim ông ra xơ cứng.

Chúng ta thường cho rằng sống tốt là làm điều thiện hay không làm điều dữ. Quan niệm như thế dẫn chúng ta đến chổ khép dần cánh cửa tâm hồn mình, chỉ biết lo cho mình hay gia đình mình thôi. Ai sống chết mặc ai, tôi đâu phải chịu trách nhiệm về họ. Trong xã hội hiện nay, chung quanh ta ngày càng có nhiều người sống theo chủ nghĩa “Măckênô” mặc kệ họ, can chi đến tôi! Dửng dưng trước nỗi khổ của người khác không phải là một hành vi vô thưởng vô phạt, mà là một hành động tội ác. Tội bỏ qua những việc lành đáng ra chúng ta phải làm !

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, xin cho hồng ân Bí Tích Rửa Tội mà chúng con đã lãnh nhận, biến đổi chúng con thành những sứ giả nhiệt thành loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh, nên như muối và ánh sáng cho đời. Amen

VI. HỌC LỜI CHÚA : Mt 5, 16

“Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

Trong sứ điệp dành cho Ngày Giới trẻ thế giới lần thứ 17 tại Toronto , Canada, Đức Thánh Cha đã cho chủ đề dựa trên câu Phúc âm: “Anh em là muối đất...Anh em là ánh sáng thế gian” (Mt. 5, 13-14)

Dựa trên lời Chúa và những gợi ý của Đức Thánh Cha, chúng ta cùng nhau tìm cách sống đích thực những lời giáo huấn quý giá này:

Theo Đức Thánh Cha, Chúa Giêsu đã sử dụng hai hình ảnh muối và ánh sáng bổ sung cho nhau, là những thứ không thể thiếu được trong cuộc sống con người. Phần chúng ta, chúng ta được nhắc nhở về ý nghĩa, giá trị và sứ mệnh không thể bỏ qua được của đời người Kitô hữu chúng ta hôm nay.

Muối là thứ gia vị, thức ăn làm gia tăng vị ngon và bổ dưỡng trong thức ăn thức uống hằng ngày. Muối giúp bảo tồn thức ăn. Ánh sáng giúp cho con người sinh trưởng và hoạt động có hiệu quả. Ánh sáng giúp nhìn rõ sự thật vạn vật và phân biệt đúng sai.

Qua Bí tích Rửa tội, người Kitô hữu được ướp lấy chất muối và thấm nhuần ánh sáng Chúa Kitô . Chính chất muối này, thử ánh sáng này đã trao ban cho đời người Kitô ý nghĩa, giá trị, hiện năng đích thực.

Thưa anh chị, điều đầu tiên trong ý định của Chúa Kitô là : “Anh em chúng ta phải là muối (chớ không phải là mắm) nhưng làm sao để trở thành muối “ Trong kinh nghiệm dân gian, người ta lấy nước biển làm ra muối. Vậy ta thử suy nghĩ ngược lại.

Một ngày nọ, hạt muối nô đùa bên bãi biển, nhìn ngắm biển biếc xanh mênh mông đang từng đợt phun lên những dãi bọt trắng xóa. Muối mới thầm hỏi biển rằng: Biển ơi, ngươi là ai? , qua tiếng sóng vỗ: Muối nghe biển bảo rằng: Hãy đến bên ta, ta sẽ cho bạn biết ta là ai?

- Một cơn sóng chạm tới mình, muối cảm thấy thân mình mát dịu, một đợt sóng thứ hai, muối thấy mình lâng lâng, rồi đợt sóng thứ ba, muối cảm thấy như mình đang ngất lịm và tan dần trong biển. Chừng ấy muối mới biết mình là một phần của biển, và biển là tất cả thân mình.

Đời người Kitô hữu nếu biết để tâm lắng nghe và suy niệm (Đức Maria) lời Chúa Kitô, cũng như năng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và Hòa Giải (xưng tội) chắc chắn sẽ được chất muối Chúa Kitô thấm nhuần và biến thành muối Kitô.

Để cho chất muối Chúa Kitô biến đổi mình thành muối Kitô cũng thường được hiểu là việc nên Thánh trong đời thường.

Một ngày nọ, có bà mẹ dẫn con gái bé bỏng mình đi chợ. Khi đi ngang nhà thờ các cửa kính đầy hình màu. Đứa bé xin mẹ dẫn vào nhà thờ để xem các hình ảnh màu đẹp đẽ kia. khi vào trong nhà thờ, nhìn lên các khung kiến mà chan hòa ánh sáng. Cô bé hỏi mẹ: Mẹ ơi, hình ai trên các cửa kiến vậy?
- Hình các Thánh đó.
- Các Thánh là ai?

- Giống như các hình kiến màu được mặt trời chiếu sáng trở nên rực rỡ. Các Thánh là những người để cho ánh sáng Chúa chiếu xuyên qua đời mình.

Một câu trả lời đầy ý nghĩa phải không bạn? Nhưng liệu đứa bé có hiểu được ý nghĩa đó không? Dù đứa bé có hiểu không, không biết, nhưng chắc chắn lời hay ho đó sẽ in sâu vào tâm trí nó. Phần chúng ta, chúng ta chắc thấm thía vì câu trả lời trên đây. Nên thánh là để cho ánh sáng lời Chúa Kitô, việc làm và gương sống của Chúa Giêsu chiếu xuyên qua đời ta. Nên thánh không phải “làm thánh là lánh khỏi đời thường” mà là sống đời thường cách thánh thiện. Nên thánh cũng có thể hiểu theo cách so sánh của dân gian: “Trong đầm gì đẹp bằng sen .... gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Sống đạo giữa đời đừng để đời lấn át đạo. Hãy đem đạo vào đời, chớ đừng đem đời vào đạo. Hãy lấy đạo hướng dẫn đời đừng để đời điều khiển đạo. Sống như thế chúng ta mới có thể bảo toàn bản chất Kitô của mình và ánh sáng đức tin Kitô không bị che lấp khi muối được bảo toàn vị mặn, ánh sáng không bị che khuất, nó sẽ muối mặn đời và chiếu sáng thế gian. Ta hãy nhớ lời Đức Thánh Cha: bất cứ các con làm việc và sinh sống ở đâu, ở đó các con sẽ là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa, là những chứng nhân khả tín cho sự hiện diện từ ái của Chúa Kitô: Sống nhân hậu và bao dung, chuyện rất khó trong xã hội đòi ăn miếng trả miếng hôm nay, nhưng nếu sống được mới thực sự là muối đất và ánh sáng thế gian.

Một cán bộ hỏi một người Công Giáo: “Anh có phải là con chiên ngoan đạo không?
Người Công Giáo trả lời: Cán bộ an tâm đi, một con chiên ngoan đạo không bao giờ làm bậy đâu”.

Phải, nhưng làm sao để luôn có thể không làm bậy? Nếu không luôn :Học hỏi Tin Mừng để Tin Mừng soi sáng lòng trí ta. Làm sao có đủ sức mạnh gìn giữ mình khỏi làm bậy? Nếu không siêng năng xưng tội, Rước lễ. Chính ân sủng của hai Bí tích này gìn giữ ta luôn khỏi làm bậy. Đồng thời chính hai Bí tích này giúp Chúng ta biết sống cảm thông với mọi người trong mọi hoàn cảnh đau thương bất hạnh của họ. Làm tăng thêm năng lực mới gíup ta mang đến sự an ủi cho người đau khổ vì nghèo đói, bệnh tật, vô gia cư, vô gia đình, vô nghề nghiệp nhất là những người trẻ có cuộc sống không tương lai, không lý tưởng hay lý tưởng của họ chỉ là những ảo ảnh cho khát vọng hưởng thụ đầy ích kỷ.

Hãy nên muối đất và ánh sáng thế gian. Chúc các bạn trở thành những vận động viên bơi lội tài năng, được trang bị niềm tin Kitô vững chắc mang đầy tính mặn của chất muối Kitô: Khiêm tốn, nhân hậu, bao dung, để giúp mình thắng dòng nước ngược có sức mạnh lôi cuốn bởi những đam mê tệ nạn xã hội, sức mạnh của óc hưởng thụ, thiếu trách nhiệm và đạo đức hôm nay.

VIII. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI.

Xin Chúa tha thứ cho những hành động và lời nói, chẳng những không mang đến sự hòa bình, mà còn gây chia rẻ, thù hận.
Xin Chúa tha thứ cho những thái độ tự kiêu và những tấm lòng ích kỷ.
Xin Chúa tha thứ cho những lối sống lu mờ phẩm chất Kitô-giáo, của những Kitô-hữu nguội lạnh.
Xin Chúa tha thứ cho những thái độ dửng dưng trước những cảnh thương tâm, xin tha thứ cho chúng con không sùng kính Thánh Tâm Con Chúa, và không bày tỏ Tình Thương của Chúa trong đời sống chúng con.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa được bày tỏ cách rạng ngời nơi con người Chúa Giêsu Kitô, nhất là trong việc Chúa chết và sống lại. Nơi Chúa Giêsu, trời và đất được giao hoà, con người và vạn vật khởi sự sống trong thời đại hoà bình viên mãn, một viễn cảnh hoà bình mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo về thời Cứu độ. Chúng ta đang sống trong thời Cứu Độ ấy, giờ đây hãy cùng nhau cầu nguyện cho mọi người thực sự nỗ lực xây dựng hoà bình theo ý Chúa mong muốn:

- Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Chúng ta cầu xin cho Hội Thánh, khi đã đón nhận bình an của Chúa, cũng biết góp nhiều công sức xây dựng hoà bình và công lý cho toàn thế giới.

- Muốn có hoà bình thật sự, người ta cần phải dẹp bỏ mọi thù hận và ghen ghét. Chúng ta cầu xin cho mọi dân tộc và mọi người, biết tôn trọng nhân phẩm, yêu thương nhau, hiểu biết nhau, thông cảm và chia sẻ những của cải vật chất cũng như tinh thần cho nhau, ngày càng tiến triển đến sự toàn vẹn của thời đại cứu độ.

- Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người... Đó là lời kinh xin hoà bình của Thánh Phanxicô. Chúng ta cầu nguyện cho tất cả các Kitô-hữu, và các tín đồ của các tôn giáo khác, thiết tha sống đời công bằng bác ái, để chẳng những cùng cầu nguyện cho hoà bình thế giới, mà còn dấn thân cộng tác xây xựng công lý và hoà bình.

- “Thầy truyền cho các con một giới răn mới: là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”. Thánh Tâm Chúa Giêsu là biểu hiệu tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, thành tâm tôn sùng Thánh Tâm Chúa và bắt chước cách biểu hiện tình yêu ấy, để phân phát tình thương Thiên Chúa đến với mọi người, thật sự trở nên “muối cho đời và là ánh sáng cho trần gian”.

- “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”. Chúng ta cũng hãy mượn lời nguyện của thánh Phanxicô, để cầu xin cho mọi thành phần trong gia đình và trong họ đạo của chúng ta, biết chu toàn những bổn phận của mình, được bình an trong tâm hồn, hài hòa với người thân và người láng giềng, yêu thương giúp đỡ nhau đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

Kết thúc: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, vì yêu thương loài người chúng con quá bội, mà Chúa đã ban Con Một Chúa làm Đấng hòa giải “đất trời”. Con Chúa đã trở nên gương mẫu cho chúng con về đời sống làm con Thiên Chúa, về giới răn yêu thương và về đời sống chung hòa bình. Chúng con nài xin Chúa ban Thánh Thần xuống, sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con, hướng dẫn chúng con làm những sự lành và xây dựng một thế giới hòa bình. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

IX. CHIA SẺ

SỐNG BÍ TÍCH THANH TẨY

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trình bày “vai trò người giáo dân trong mầu nhiệm Giáo Hội” qua 27 bài giáo lý, trong đó chúng ta thấy rõ vai trò của người giáo dân, chỗ đứng của họ và nhất là các hoạt động của họ nhằm xây dựng Giáo Hội, mở rộng Nước Chúa, mà cụ thể nhất là làm muối đất và ánh sáng trần gian trong các việc làm và môi trường họ đang sống.

Trước hết ĐTC xác nhận rằng: “người giáo dân là thành viên đầy đủ tư cách trong Giáo Hội”. Thực vậy hiến chế Lumen Gentium (LG 31) khẳng định: “Những tín hữu này (những người đã chịu Bí tích Rửa tội) đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô, và lãnh nhận một ấn tích không thể xóa nhòa, thuộc về Chúa Kitô xét theo đặc tính của Bí tích Thanh Tẩy. Họ thuộc về Thân Thể Mầu nhiệm của Đức Kitô. Vì vậy họ có quyền tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô, theo cách thức riêng của họ. Họ cũng có bổn phận tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa”.

Kế đến Đức Thánh Cha cũng xác nhận rằng người giáo dân phải nỗ lực xây dựng và phát triển Giáo Hội nơi môi trường sống và làm việc của mình, khi Ngài lập lại lời của Công Đồng (LG 31): “Anh chị em giáo dân được Thiên Chúa mời gọi để dưới sự hướng dẫn của Phúc âm, như men từ bên trong, họ thánh hoá thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế với lòng tin, cậy, mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ trình bày Chúa Kitô cho người khác”.

Các bạn trẻ thân mến, ý cầu nguyện trong Tháng Sáu này, Giáo Hội kêu gọi chúng ta dồn hết nghị lực của mình để làm muối đất và ánh sáng trần gian. Nói một cách dễ hiểu hơn là “người giáo dân phải chu toàn ơn gọi của mình ở giữa thế gian”. Mà muốn chu toàn, chúng ta phải có một đường lối để đi, một phương thế để sống hoặc một gương mẫu để noi theo. Thiết tưởng không có “mẫu gương nào hay nhất và đáng cho mọi người bắt chước hơn hết là mẫu gương cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu”. Có lẽ các bạn nghĩ rằng: không ai gọi tôi, không ai bảo tôi. Trong dụ ngôn về vườn nho, ông chủ hình như lúc nào cũng đi tìm những người thất nghiệp và nói: “các anh hãy đi làm vườn nho cho tôi” (Mt 20,4)... Tôi nghĩ rằng, lời mời gọi này đã không ngớt vang lên trong dòng lịch sử, và dành cho mọi kitô hữu ở trần gian này. Lời mời gọi đó không chỉ hướng tới các vị chủ chăn, các giáo sĩ hay tu sĩ, mà là lời mời gọi dành cho mọi thành phần trong Giáo Hội để làm việc trong “vườn nho” của Chúa. Và các bạn cũng nên xác tín rằng, dù cố gắng đến đâu, dù nỗ lực đến đâu, nếu không sống kết hợp với Chúa Kitô, thì việc làm của chúng ta cũng trở nên vô nghĩa “không Thầy chúng con cũng chẳng làm gì được…” (Ga 15,4-5). Việc sinh hoa kết quả thực sự phải tuỳ thuộc vào mối hợp nhất với Chúa Kitô.

Các bạn trẻ, Giáo Hội nhìn thấy nơi các bạn một sức sống mãnh liệt. Một bầu nhiệt quyết sẵn sàng đảm nhận những công việc phù hợp với tuổi tác, khả năng và môi trường văn hoá mà các bạn đang sống. Các bạn trẻ là một lực lượng hùng hậu, hơn bao giờ hết, ngay bây giờ, cho công việc truyền giáo của Giáo Hội.

Thế nào là muối đất? Thế nào là ánh sáng trần gian?
Tôi nhớ một câu chuyện thế này: có một anh học trò đến hỏi thầy mình:
- Thưa thầy, xin thầy hãy phân biệt cho con thế nào là kiến thức, thế nào là giác ngộ?
Ông thầy điềm tĩnh trả lời:
- Kiến thức là khi con cầm cây đuốc để rọi cho người ta đi. Còn giác ngộ là khi “chính con là cây đuốc”.
Mỗi người chúng ta hãy đặt câu hỏi về mình:
- Tôi là người cầm đuốc hay chính tôi là cây đuốc???

Làm muối đất hay là ánh sáng trần gian ở đây có nghĩa là bạn đã sống đạo thế nào? Có người đến nói với tôi thế này: thưa cha con nghĩ là trong chúng ta có ba thành phần: Thứ nhất là có những người có đạo, nghĩa là có rửa tội, nhưng không bao giờ đến nhà thờ; Thứ hai là những người giữ đạo, có nghĩa là có đi nhà thờ vào Chúa nhật hoặc lễ cả…; Thứ ba là những người sống đạo có nghĩa là ngoài những việc như đi nhà thờ, giữ luật Chúa và luật Hội Thánh, họ còn phải nỗ lực hằng ngày đem Chúa đến cho người khác bằng đời sống gương mẫu đạo đức, bằng việc sống bác ái và giữ đức công bằng. Nói cách khác người sống đạo là người biết đem những gì nghe được, học hỏi được ở nhà thờ để thực hiện trong cuộc sống với những người họ gặp hằng ngày.

Một linh mục, thi hành các Bí tích, chưa hẳn là sống đạo, vì nếu như những việc đó được làm một cách máy móc. Dạy giáo lý cho nhiều người trong nhiều năm, chưa hẳn là sống đạo, nếu như người dạy đó không sống những gì mình dạy. Đi đọc kinh xem lễ hằng ngày chưa hẳn là sống đạo, nếu đó chỉ là thói quen, đối với những người này thì Thánh lễ đã chấm dứt khi họ vừa bước ra khỏi nhà thờ.

Các bạn trẻ thân mến! Chúng ta không thể suốt đời chỉ là người cầm đuốc!!! Làm muối đất, làm ánh sáng trần gian, bạn phải là cây đuốc.

Như tôi đã nói ở trên, chúng ta có một gương mẫu để noi theo đó là “Chúa Kitô”. Chúa Kitô không muốn cứu độ chúng ta theo cách thế “áp đặt” là chỉ cần phán một lời là xong. Nhưng Chúa Kitô đã trở nên nguyên nhân cứu độ cho chúng ta theo cách thế là làm người như chúng ta. Thật vậy Chúa đã không ở trên cao, nhưng Chúa đã bỏ trời cao, xuống thế làm người, chịu sinh ra trong cảnh nghèo hèn thiếu thốn” sống hòa mình với người tội lỗi, với bọn thu thuế, chết nhục nhã như những tên trộm cướp” Chính vì vậy mà chúng ta được cứu độ.

Các bạn trẻ! Các bạn đừng có ảo giác, tôi sẽ trở thành một nhà hùng biện trong việc rao giảng Phúc âm, tôi sẽ làm linh mục, tu sĩ” để rao giảng Nước Chúa” tôi sẽ cố gắng học hỏi thật nhiều về thần học, về Kinh Thánh” để giảng thuyết cho anh em mình” thật sự những điều đó rất cần thiết, nhưng nó chỉ là lý thuyết suông, nếu như nó không được biến thành “muối” và “ánh sáng”. Con người thời đại chúng ta thích “muối” và “ánh sáng” chứ không muốn nghe những lời nói suông.

Chúc các bạn luôn nỗ lực, dấn thân, dồn hết nghị lực của mình để làm “cây đuốc” chứ đừng suốt đời chỉ là người cầm đuốc.

X. TẢN MẠN

THƯ CỦA CHÚA

Người nhận: Con
Ngày: Hôm nay
Người gửi: Thiên Chúa
Chủ đề: Về chính con
Vấn đề: Cuộc sống
Ta là Thiên Chúa. Hôm nay ta sẽ giải quyết mọi vần đề của con. Nên nhớ là Ta không cần đến sự trợ giúp của con.
Nếu có một tình huống nào đó xảy ra trong cuộc sống mà con không thể thu xếp được, đừng cố mà giải quyết. Hãy vui lòng đặt vấn đề ấy vào trong một cái hộp có tên NCGQ (nhờ Chúa giải quyết). Mọi khó khăn rồi sẽ được giải quyết thôi, nhưng vào Thời điểm của Ta, chứ không phải của con.
Một khi vần đề đã được đặt vào trong hộp, đừng bận tâm đến nó nữa mà hãy quan tâm đến những điều tốt đẹp đang diễn ra trong đời sống ngay lúc nầy.
Nếu con bị kẹt xe. Đừng chán nản. Có biết bao người trên thế giới nầy, việc có được một chiếc xe để lái là điều không tưởng.
Nếu con gặp phải một ngày làm việc rất tồi tệ, hãy nghĩ đến những người đã bao năm qua không có việc làm.
Nếu con thất vọng về những người mà con tiếp xúc, hãy nghĩ đến những người không hề biết thương yêu ai và cũng chưa hề được ai thương yêu. Nếu con nuối tiếc vì mất một dịp nghĩ cuối tuần nào đó, hãy nghĩ đến những bà mẹ phải làm việc một mạch mười hai giờ một ngày và bảy ngày một tuần để có đủ tiền nuôi con họ.
Nếu con bị hư xe dọc đường, phải dẫn bộ hàng dặm mới gặp được chổ sửa chữa, hãy nghĩ đến những tàn tật ước mong có được một cuốc đi bộ như con.
Nếu con khó chịu vì tóc mình bắt đầu nhuốm bạc, hãy nhớ đến những bệnh nhân ung thư đang được hóa trị liệu, tóc rụng không còn một sợi để ngắm nhìn.
Nếu con bối rối vì không lý giải được đâu là ý nghĩa cuộc đời. Hãy cám ơn Chúa vì có biết bao người không sống đủ lâu để ưu tư như con.
Nếu con cảm thấy mình là nạn nhân của sự độc ác, ngu dốt, nhỏ nhen, không an toàn, nên nhớ rằng, mọi việc có thể tồi tệ hơn và con chỉ là một trong vô số những nạn nhân phải gánh chịu những điều đó. (dịch từ Feelgoodpages. Com)

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

CHÚA KHÔNG HỎI

Chúa không hỏi bạn lái loại xe nào,
Nhưng Người hỏi bạn đã chở giúp cho ai chưa?
Chúa không hỏi bạn đã nhận bao nhiêu lời khích lệ,
Nhưng Người hỏi bạn đã có khích lệ ai chưa?
Chúa không hỏi nhà bạn to, đẹp thế nào,
Nhưng Người hỏi bạn đã từng tiếp đón ai đến ngụ tại nhà chưa?
Chúa không hỏi bạn lo cho mình thế nào,
Nhưng Người hỏi bạn đã giúp đỡ ai chưa?
Chúa không hỏi bạn sống ở khu vực nào,
Nhưng Người hỏi bạn đối xử với chòm xóm ra sao?
Chúa không hỏi da bạn màu gì,
Nhưng Người hỏi tính tình bạn thế nào?
Chúa không hỏi bạn có bao nhiêu bạn,
Nhưng Người hỏi bạn có là bạn của ai chưa?
(Dịch từ Sacredpages. Com)

1210    17-04-2012 14:41:09