Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Phép Thánh Thể Đảm Bảo Sự Sống Đời Đời - Tháng 07 năm 2005

CHỦ ĐỀ: PHÉP THÁNH THỂ ĐẢM BẢO SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

I. THÔNG ĐIỆP ECCLESIA DE EUCHARISTIA số 18.

Bí Tích Thánh Thể, theo một nghĩa nào đó, là sự nếm trước hương vị thiên đàng "bảo đảm cho vinh quang sẽ tới". Trong Bí Tích Thánh Thể tất cả đều diễn tả sự chờ đợi đầy tin tưởng nầy: "Chúng tôi mong ước niềm hy vọng mà Chúa hứa và sự quang lâm của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng tôi". Ai nuôi mình bằng Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, không cần chờ đợi một thế giới bên kia để nhận lãnh sự sống đời đời, họ đã chiếm hữu nó ngay từ đời nầy, như hoa quả đầu mùa của sự sung mãn sẽ tới, liên hệ đến toàn thể con người. Thật vậy, trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng nhận được sự bảo đảm về việc thân xác sống lại trong ngày sau hết: "Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, người ấy sẽ sống đời đời, và tôi, tôi sẽ cho họ sống lại ngày sau hết" (Ga 6, 54). Bảo đảm ấy về sự Phục sinh trong tương lai đến từ sự kiện là thịt của Con Người, được trao ban làm của ăn, là thân xác vinh quang của Đấng Phục sinh. Vì thế Thánh Inhaxiô Thành Antiôkia đã định nghĩa một cách hết sức chính xác Bánh Thánh Thể như "liều thuốc trường sinh, thuốc giải độc để khỏi phải chết".

II. DẪN GIẢI

1. Sống thể xác: đến thời hạn phải tan rã hết.
2. Sống của linh hồn: tự nhiên, phải kể như sống mãi, thường còn.
3. Sống siêu nhiên: làm con Chúa, tham gia phần nào chính sự sống của Chúa.
Sống thể xác: muốn được sống mãi phải nhờ ăn quả mới của Cây Trường Sinh. Thánh Thể là quả, là trái của Cây Trường Sinh.
Rước Mình Thánh là ăn xác thể Chúa, để được biến thành như chính xác thể Chúa; Mà xác thể Chúa (chịu chết để đền tội, để nên của lẽ thượng tiến) là xác thể nguyên tuyền, xác thể thường còn, trường sinh).

Khi chịu lễ, chúng ta dường như đồng hoá với Chúa, hiệp nên một với Chúa (Nhiệm thể), thì dĩ nhiên chúng ta được cuộc sống thường còn, sự sống vĩnh cửu, sự sống đời đời, nghĩa là không bao giờ chết, nhưng sống mãi.

Phép Thánh Thể là Thánh Lễ (dâng của lễ cho Chúa) và cũng là Hiệp lễ (chịu Mình Thánh hay rước lễ là kết hợp với Chúa Kitô.

Rước Thánh Thể: kết hợp với Chúa đưa đến hiệu quả là mình có được phần nào sự sống đời đời lại được bảo đảm được sống lại với thể xác của mình. Bởi Chúa là Sự Sống và là Sự Sống lại.

Kết hợp với Chúa là Sự Sống và là Sự Sống lại thì dĩ nhiên được sống (siêu nhiên) và sống lại như chính Chúa.

Chịu lễ kết hợp với Chúa hiện thời chưa đạt được sống (siêu nhiên) hoàn toàn, chưa sống lại như Chúa, nhưng vẫn cho chúng ta nếm trước hương vị Thiên Đàng. Chúa là Thiên Đàng. Nơi đâu có Chúa thì nơi đó là Thiên Đàng. Kết hợp với Chúa cũng đạt được phần vinh quang của Chúa .

Trong thời gian chưa đạt được hoàn toàn thì chịu lễ (rước Mình Thánh Chúa ) nắm được bảo đảm và một niềm hy vọng vững chắc cho sống siêu nhiên và sống lại.

III. CHUYỆN MINH HOẠ 

BẢO CHỨNG CỦA TRƯỜNG SINH BẤT TỬ  

Công chúa Touwan bên Trung Quốc từ trần vào khoảng năm 104 Trước Công Nguyên, nhưng được những người sinh sống đồng thời tin tưởng là bà sẽ trường sinh bất tử vì bà được an táng trong một quan tài bằng ngọc thạch. Chồng bà nhắm mắt lìa đời 9 năm trước đó cũng được an táng trong một quan tài tương tự.

Đôi vợ chồng được an nghỉ trong hai ngôi mộ xây cất trong vùng đồi núi hoang vu. Mãi đến năm 1969 người ta mới khám phá ra và cả thế giới ngạc nhiên trước sự giàu sang của thời đại ấy được biểu lộ qua 2,800 của lễ được dâng tặng lúc cử hành lễ an táng, nhưng đặc biệt nhất là hai cái quan tài, mỗi cái gồm tất cả hai ngàn mảnh ngọc nhỏ được kết chung lại bằng những sợi chỉ bằng vàng.

Những người sinh sống vào thời đại ấy quan niệm rằng: vàng và ngọc thạch không bị thời gian làm hư hại vì thế chúng ta bảo chứng cho sự trường sinh bất tử.

Con người đã một lần sống trên đời là có khát vọng mãnh liệt và sâu xa được sống hoài, sống mãi. Từ xưa đến nay, con người thuộc đủ mọi thứ bậc trong xã hội đều cố tìm cách duy trì sự sống hoặc nếu có chết đi, thì bằng đủ mọi cách ướp xác, hoặc bao bọc trong vàng ngọc, đá quý, như trường hợp gia đình vương tộc Trung Quốc trên đây, cốt sao giữ cho thi thể được tồn tại lâu dài.

Thế nhưng thực tế cho thấy chẳng ai trường sinh bất tử cả. Thi hài người chết cũng vẫn chỉ là thân xác chờ ngày thối rữa chẳng sớm thì chầy.

Vậy mà Đức Giêsu lại nói: "Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, người ấy sẽ sống đời đời, và tôi, tôi sẽ cho họ sống lại ngày sau hết" (Ga 6, 54).

Chân lý hiển nhiên cho những ai tin vào Đức Giêsu là: muốn được sống đời đời thì phải ăn và uống Thịt Máu của Chúa.

Người ta đọc thấy trên ba vòng bán nguyệt của khung cửa chính ở nhà thờ chánh toà Milanô bên Italia có khắc ba dòng chữ:

- Phía dưới hình một hoa hồng được chạm trổ tinh vi của một vòng bán nguyệt, người ta đọc được hàng chữ: "Mỗi hạnh phúc chỉ kéo dài trong khoảnh khắc".

- Bên vòng bán nguyệt của khung cửa kia, dưới hình một cây thập giá có ghi hàng chữ: "Mỗi đau khổ chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc".

- Ở vòng nguyệt của khung cửa giữa dẫn vào lòng chính của vương cung thánh đường có khắc dòng chữ: "Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng".

Chỉ có Đức Giêsu mới đáp ứng được khát vọng sâu thẳm của con người: sống đời đời.

IV. DIỄN GIẢI 

1. Thánh Thể, Bánh hằng sống.

Khát vọng sâu xa nhất của con người, sau khi được no thoả cơm bánh, yêu thương và được yêu thương, là khát vọng hướng về Đấng Tuyệt Đối: Thiên Chúa. Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người được mời gọi trở thành con Thiên Chúa: "con người không chỉ sống nhờ cơm bánh mà còn sống nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra" (Đnl 8,3).

Khác với những nhu cầu tự nhiên như: cơm gạo, tình yêu và chân lý... vốn là những điều mà con người có thể một phần nào đó, tự cung cấp cho mình, nhu cầu đói khát Thiên Chúa thì vô cùng vượt xa khả năng con người. Con người khao khát Thiên Chúa nhưng không thể tự cung cấp Thiên Chúa cho mình. Chỉ một mình Thiên Chúa biết rõ con người cần gì và cũng chỉ một mình Thiên Chúa có thể đáp ứng những nhu cầu ấy.

Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải sống nhờ lời Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa tiên vàn là Lời sự thật soi sáng trí tuệ, là các huấn giới hướng dẫn trong sự thiện để con người bước đi trong đường ngay nẻo chính và chuyên tâm thực hành những điều thiện hão.

Khi ban sự sống siêu nhiên cho con người thì Thiên Chúa đã dự liệu cách thế để nuôi dưỡng nó. Đó là nuôi dưỡng bằng chính Thiên Chúa.

Nhưng Thiên Chúa thì vô hình, mà con người thì hiện hữu trong thân xác. Do đó, cả những nhu cầu thiêng liêng nhất của con người cũng phải được diễn tả qua thân xác và phải đáp ứng cách hữu hình.

Thức ăn nuôi dưỡng con cái Thiên Chúa chỉ có thể là bánh từ trời. Thiên Chúa muốn con người được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa. Nếu Lời Chúa trong Cựu ước là Lời được mặc khải qua miệng các tổ phụ và các tiên tri, thì vào thời Tân ước "Lời Thiên Chúa đã trở thành xác thể và ở giữa loài người chúng ta" (Ga 1, 14).

Và điều mà loài người không dám nghĩ tới thì Thiên Chúa đã thực hiện. Lời Thiên Chúa không chỉ trở nên xác thịt và ở giữa loài người, mà còn trở nên bánh nuôi sống nhân trần: "Ta là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy sẽ sống đời đời. Và bánh mà Ta ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống" (Ga 6, 51).

Đức Giêsu hiến trao Thịt và Máu Người làm của ăn nuôi sống trần gian lần đầu tiên trong nhà Tiệc Ly, cách đây 2000 năm. Nhưng tặng phẩm của thân xác Người không bao giờ chấm dứt. Một tặng phẩm duy nhất nhưng được liên tục ban phát cho đến tận thế. Mà không có giảm sút, suy tàn nhưng luôn sung mãn, tràn đầy.

(Theo Vì sự sống trần gian, Antôn Ngô văn Vững, Sj)

Vậy, sự sống muôn đời mà chính Thịt và Máu Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta chính là sự sống của Thiên Chúa, sự sống thần linh.  

2. Sống tâm tình tạ ơn

Nhờ ăn Thịt và uống Máu Chúa mà chúng ta được sự sống đời đời. Do đó, tâm tình chúng ta phải có mỗi khi rước Chúa là hoàn tin tưởng vào Chúa Giêsu đang thực sự hiện diện trong hình Bánh, hình Rượu, đồng thời tỏ lòng cung kính biết ơn tình thương Chúa dành cho ta và thể hiện lòng biết ơn đó qua việc sống chia sẻ, yêu thương với anh em mình.

Chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã dựng nên trời đất thì Ngài cũng đầy quyền năng sáng tạo và yêu thương để làm cho bánh và rượu biến nên Thịt Máu Người dù khó hiểu và kỳ diệu đối với chúng ta.

Chúng ta đồng thời thể hiện lòng biết ơn sâu thẳm vì Chúa đã thương cho chúng ta nhờ việc kết hiệp với Chúa mà được sống đời đời trong vinh quang với Người, điều mà con người qua bao đời mong ước tìm kiếm trường sinh nhưng không bao giờ đạt được.

Lòng biết ơn đưa chúng ta đến chỗ, theo gương Chúa Giêsu, sống yêu thương, tha thứ và cảm thông với anh em mình. Vì tất cả đều cùng ăn một tấm bánh và uống chung một chén rượu: tất cả đều chỉ có một Chúa ở cùng.

Thánh Thể trờ thành cuộc sống vĩnh cửu hay án phạt cho con người tuỳ theo thái độ và lối sống của chúng ta khi tiếp nhận quà tặng Thánh Thể Chúa.

KIỂM ĐIỂM

1. Tham dự Thánh lễ, chúng ta có chú ý đến hiệp lễ không ?
2. Hiệp lễ là cao điểm của Thánh lễ. Hiệp lễ đem lại nhiều ân huệ quan trọng, ta có nhận thấy không ?
3. Có biết hiệp lễ là kết hợp với Chúa, là mục đích sau cùng của con người gồm cả việc sáng danh Chúa và hạnh phúc của con người. Kết hợp với Chúa là làm sáng danh Chúa, và với chính Chúa (nói được đạt chính Chúa là hạnh phúc tuyệt đối của con người ).
4. Cố gắng chiến đấu với lệ thói, máy móc khi dự lễ, có cố gắng và cố gắng đến mức độ nào ?
5. Có xác tín Mình Máu Thánh mà ta rước lấy bảo đảm cho sống siêu nhiên và sự sống lại không ?
6. Có làm gì để cho việc chịu lễ là một việc kết hợp với Chúa và có cố gắng làm cho việc kết hợp ngày càng sâu xa nồng thắm hơn.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con biết tin tưởng, yêu mến và sống theo gương Chúa nhờ việc năng dự lễ và rước Chúa. Amen

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI.

Tôi kém tin, hoài nghi về sự bảo đảm hiệu quả của Bí tích Thánh Thể. Xin thương xót tôi.
Tôi quá mưu tìm sự sống đời này, mà không màng đến sự sống đời sau. Xin thương xót tôi.
Tôi muốn sự sống đời đời, nhưng lại không sống mầu nhiệm Thánh Thể. Xin thương xót tôi.

LỜI NGUYỆN CHUNG. 

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể cách thực sự và trọn vẹn, nghĩa là gồm cả nhân tính và thiên tính. Ai rước lễ là rước cả Thân thể phục sinh của Chúa, cả sự sống đời đời. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi người:

1. Chúa Giêsu phán: "Ta đến để cho chiên Ta được sống, và sống dồi dào". Chúng ta cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh, hiệp thông trong Bí tích Thánh Thể, làm sống động sự sống phục sinh của Chúa, và làm chứng tá cho sự sống đời đời.

2. Chúa Giêsu phán: "Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người đều tin nhận có sự sống đời sau vĩnh cửu; và tin Chúa Giêsu Kitô là nguồn của sự sống ấy, được bảo đảm có hiệu quả nơi Bí tích Thánh Thể

3. Chúa Giêsu phán: "Ai ăn Thịt Ta, người ấy sẽ sống đời đời". Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, luôn kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể, để diễn tả sự sống hạnh phúc đời đời, ngay tại cuộc sống trần gian, bằng việc hân hoan thực hành sống đạo.

4. Chúa Giêsu phán: "Ai ăn Thịt Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, tin cậy vững vàng vào lời hứa của Chúa, và ra sức mưu tìm những lợi ích cho vinh quang Nước Trời.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự và làm được tất cả. Ở trần gian này, Chúa nuôi dưỡng chúng con bằng Bí tích Mình Máu Thánh Chúa. Xin cho chúng con mai sau trên trời, cũng được đồng bàn và đồng thừa kế, với đại gia đình các Thánh trong Nước Trời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH 

THÁNH THỂ, ĐIỂM HẸN  

Đường đời cũng như đường đức tin, cả hai đều đưa ta ngang qua hoang địa. Ai, hoặc cái gì sẽ nâng đỡ ta khi "ngày tàn" ? Tàn của một ngày và ngày tàn của cuộc đời. Lời kinh của Chúa Giêsu dạy ta "xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày". Lương thực, các vị tổ phụ trong Giáo Hội đã hiểu rằng đó là Thánh Thể. Lương thực ấy Chúa không ngừng chia sẻ cho chúng ta, trên những con đường mà người nhà của Ngài đã mệt mỏi lê bước trong hoang địa; nhưng đồng thời, lương thực ấy cũng được chia sẻ ngày qua ngày trong những nỗi nhọc nhằn của đời thường. Một lương thực không bao giờ cạn, vì Đấng chia sẻ cho chúng ta đã qua bờ bên kia rồi: Khi đêm về với chúng ta thì Ngài vẫn đứng đó, trong ánh sáng bình minh, Ngài như Đấng Hằng Sống. Ngài luôn có mặt đúng điểm hẹn trên từng cây số của đường đời và đường đức tin của ta. Ngài đang đợi chờ ta.

THÁNH THỂ LÀ ĐIỂM HẸN

Hẹn gặp ai là dấu hiệu có thâm tình với người đó. Muốn đến điểm hẹn để gặp người đã hẹn là muốn hiệp thông với người đó. Gặp được người đó, hiệp thông với người đó như là múc được nguồn năng lực, tăng thêm sinh lực để tiếp tục vui sống , tiếp tục bước đi trên đường đời.

Trên con đường đức tin, Thánh thể là điểm hẹn, là bữa tiệc hiệp thông cho lữ khách múc lấy nguồn sinh lực để vững bước trên đường tiến về Bữa Tiệc cánh chung. Theo não trạng thời các tông đồ, mọi bữa ăn chung là một cử chỉ xây dựng tình huynh đệ, tạo sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Thánh Phaolô lấy cảm hứng từ biểu tượng đó khi bàn về việc dự tiệc:"Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư ? Và khi ta cùng bẻ bánh thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao ? Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể". (1Cor 10, 16 -17). Nước Thiên Chúa là một bữa tiệc tập họp chung quanh Đức Giêsu. Sự hiện diện của Đức Giêsu tạo sự hiệp thông, là bữa tiệc của Giáo Hội, trong đó Đức Giêsu vừa là bàn tiệc vừa là lương thực.

HẸN ĐỂ HIỆP THÔNG

Thánh Thể là điểm hẹn hiện thực của Đức Kitô vượt qua, là nơi tập họp và là bữa tiệc của cuộc lễ. Vì thế, Thánh Thể là sự hiệp thông.

"Đây là Mình Ta, đây là Máu Ta", thế là bánh và rượu, kết quả của lao công tập thể của con người thu gặt được từ ruộng đất, giờ đây đã trở nên thân Mình và Máu huyết Đức Kitô, là Mình và Máu đã được Ngài dâng lên Chúa Cha một lần thay cho tất cả. Đến lượt chúng ta, mỗi người cũng phải dâng Mình và Máu Thánh ấy lên Thiên Chúa Cha trong Đức Kitô.

Để đáp lại của lễ đã được hiến dâng trong Đức Kitô, Thiên Chúa ban cho chúng ta Mình và Máu Đức Kitô làm của ăn nuôi dưỡng, của ăn ấy là khởi đầu đời sống vĩnh cửu và là sức mạnh giúp ta đương đầu với mọi cản trở trên đường đi đến cứu rỗi.  

HIỆP THÔNG ĐỂ ĐƯỢC SỐNG ĐỜI ĐỜI

Rước lễ là rước Mình Máu Đức Kitô, là hiệp thông với Đức Kitô, cũng là khởi đầu đời sống đời đời. Bởi sự hiện diện Thánh Thể là thực sự, nên có khả năng thoả mãn ước muốn của con người, nhưng vì còn bị che khuất, nên nó lại đào sâu thêm niềm khát mong. Bánh Thánh Thể gia tăng cơn đói khát mà nó làm no thoả. Trong cử hành Thánh Thể, mối căng thẳng hướng đến cánh chung mãnh liệt hơn bất cứ nơi đâu, trong đó, những người dự tiệc thánh kêu cầu Đấng họ đã gặp:"Lạy Chúa, xin ngự đến" (1Cor 16, 22). Thánh Thể là cuộc lễ cánh chung, nhưng đồng thời cũng là vọng lễ.

Thực tại cánh chung, được thích nghi trong Thánh Thể với tình trạng của Giáo Hội tại thế, vẫn còn là điều thuộc tương lai, chúng ta mới chỉ được nếm hưởng trước một phần nào, cho tới khi "Ngày" chói chang đến xé tan bức màn bao phủ.

Thánh Thể là hiệu lệnh lên đường và là của ăn đàng. Các tín hữu tiến đến mục đích là Đức Kitô, nhờ sức mạnh của mục đích đã đạt, trong sự hiệp thông đã được thực hiện, Đức Kitô vượt qua, vừa là đích điểm, vừa là đường đi. Đó là thân phận của Giáo Hội tại thế: được cứu độ trong hy vọng, "chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa". (Rm 8, 24). ĐGH Gioan Phaolo II đã nói:"Bí tích Thánh Thể, theo một nghĩa nào đó, là sự nếm trước hương vị thiên đàng, bảo đảm cho vinh quang sẽ tới. Trong Bí tích Thánh Thể, tất cả đều diễn tả sự đợi chờ đầy tin tưởng này" (GHTBTTT số 18). "Thật vậy, trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng nhận được sự bảo đảm về việc thân xác sống lại trong ngày sau hết:"Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, người ấy sẽ sống đời đời, và tôi, tôi sẽ cho họ sống lại ngày sau hết" (Gn 6, 54).

SỐNG HIỆP THÔNG

Rước lễ là được hiệp thông với Chúa Kitô, là dấu chỉ bảo đảm sự sống đời đời, nên mỗi lần tôi rước lễ, tôi muốn được hiệp thông với Chúa Giêsu trong một khía cạnh nào đó:

1. Xin được hiệp thông với Chúa Giêsu trong việc Người đền tội cho nhân loại. Tôi đem tâm tình thống hối của tôi, thân phận của tôi, hoàn cảnh của tôi, đặt vào công phúc bao la của Chúa Cứu Thế. Tôi tin rằng: công phúc của tôi chẳng là gì, nhưng "nhờ Người, với Người và trong Người" mà tôi sẽ được thứ tha và được cứu độ.

2. Xin được hiệp thông với Chúa Giêsu trong việc Người cảm tạ Chúa Cha. Khi lập phép Thánh Thể, Người đã ngước mắt lên trời, tạ ơn Chúa Cha và đọc lời chúc tụng. Nay, tôi hiệp thông với Người, để cảm tạ và chúc tụng Chúa Cha vì muôn ơn Người đang mưa xuống trên Giáo Hội và trên nhân loại, cách riêng vì ơn tôi được Chúa yêu thương và được tin vào tình yêu của Người.

3. Xin được hiệp thông với Chúa Giêsu trong việc Người vâng phục thánh ý Chúa Cha. Người đã vâng phục cho đến chết. Trong tinh thần vâng phục ấy, tôi sẽ có những quyết định cụ thể, như tránh mọi tội trọng, mọi tội nhẹ cố tình, hết sức chu toàn bổn phận, sẵn sàng đón nhận mọi đớn đau hồn xác mà Chúa sẽ gửi đến để góp phần nhỏ bé vào công trình cứu độ của Chúa.

4. Xin được hiệp thông với Chúa Giêsu trong tinh thần bác ái của Người. Người đã vất vả đi tìm chiên lạc, đã quảng đại thứ tha cho kẻ làm khổ mình, đã cam chịu nhục nhã đắng cay như một tội phạm ghê tởm. Khi hiệp thông với trái tim bác ái của Chúa Kitô, tôi xin Chúa luôn đổi mới trái tim tôi và trái tim mọi người, để tôi và mọi người biết yêu thương nhau chân thành, ít là biết sống tình người với nhau.

5. Xin được hiệp thông với Chúa Giêsu trong sự Người phó thác mình cho Đức Chúa Cha. "Con xin phó linh hồn con trong tay Cha". Lời phó thác ấy gói ghém cả một thực tế phũ phàng. Người đã làm tất cả, chịu đựng tất cả. Thế mà trên thánh giá, Người thấy như chẳng mấy ai tin theo Người ! Tôi cũng muốn nói lên lời phó thác như Chúa Kitô, khi thấy thực tế quá xa với những ước mơ, khi tín hiệu về một trời mới đất mới còn quá yếu ớt, mà niềm tin như đã cạn dần với bao nghiệt ngã đắng cay phải chịu đựng. Tôi phó thác và hiệp thông vào sự sống lại của Chúa Kitô, tin tưởng rằng Chúa có cách dẫn đưa lịch sử đến đích điểm tốt đẹp nhất, theo kế hoạch của Người.

6. Xin được hiệp thông với Chúa Giêsu trong sự Người hiện diện giữa trần gian. Thánh Thể là sự Chúa có mặt giữa con cái loài người, như một tình yêu thắp sáng lên niềm hy vọng. Khi hiệp thông với Người, tôi xin Người làm cho nhiều tín hữu, nhiều gia đình, nhiều cộng đoàn trở thành những ngọn đèn đức tin, đức ái thắp sáng lên niềm hy vọng, làm chứng rằng Chúa là Tình Yêu đang có mặt ở giữa chúng ta.

VII. TRANG THIẾU NHI

THIẾU NHI "BẠN CỦA CHÚA GIÊSU"  

1. THÀNH PHẦN GỒM:

Tất cả các em thiếu nhi, tuổi từ 7 đến 14.
Và những giáo lý viên, linh hoạt viên, huynh trưởng.

2. NHỮNG MỤC TIÊU

" Giúp tất cả các thiếu nhi yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể
" Giúp các thiếu nhi rèn luyện bản thân.
" Giúp các thiếu nhi vươn mình lên trong ơn gọi nên thánh.
" Giúp các thiếu nhi góp phần vào cánh đồng truyền giáo.
" Giúp các thiếu nhi ý thức: mình là thành phần của Hội Thánh, là tương lai của Giáo Hội và xã hội.  

3. CÁC CUỘC HỌP HÀNGTUẦN: Noi gương các Tông Đồ.
Các thiếu nhi làm gì trong các cuộc họp?
" Các em tụ họp quanh Đức Giêsu là Bạn của mình.
" Lắng nghe lời Chúa và hiệp nhất cầu nguyện cho việc truyền giáo.
" Học hỏi đề tài của cuộc họp, giáo lý và việc truyền giáo.
" Kiểm điểm và phân chia công việc hằng tuần.

4. NHỮNG HỢP TÁC CỦA THIẾU NHI.

1. Siêng năng và sốt sắng tham dự Thánh lễ và Rước lễ
2. Hy sinh, hãm mình: đóng góp hoa thiêng liêng và tiền của vào quỹ truyền giáo.
3. Thường xuyên cầu nguyện: Kinh sáng, kinh tối và các giờ
4. Việc tông đồ, học giáo lý, làm gương sáng: Đọc sách thánh, giúp lễ, ca đoàn, quét nhà thờ, viết bảng, xướng kinh, cắm hoa...
5. Mời bạn bè làm "Bạn của Chúa Giêsu".

KINH NGUYỆN TẮT:  

BAN SÁNG: Lạy Chúa, con dâng ngày hôm nay lên Chúa, xin cho con và các bạn con, yêu mến Chúa Giêsu và làm việc tông đồ.  

RƯỚC LỄ: Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa, xin cho cha mẹ, ông bà, anh chị em con, và bạn bè con: cùng yêu mến Chúa.  

LÀM VIỆC TỐT: Lạy Chúa, con muốn làm việc này vì lòng yêu mến Chúa, và để cứu rỗi các linh hồn.

VIII. CÁC TÔN GIÁO BẠN

1. TÔN GIÁO

Nói về tôn giáo Việt Nam, nhiều người ngoại quốc cho là một vấn đề phức tạp, phức tạp vì sự đụng chạm giữa nhiều tôn giáo, mà cũng phức tạp vì rất khó phân biệt một cương giới giữa các đạo giáo nơi đây.

Linh mục L. Cadière, trong cuốn Croyances et Pratiques Religieuses des Annamites đã cho rằng" thật là một việc vừa khó khăn, vừa tế nhị để làm tỏ rõ về tôn giáo Việt Nam trong toàn diện. Khó, vì đề tài khó, tế nhị vì nhiều điểm còn mập mờ ". Ông lại cho là tại Việt Nam có một sự chồng chất và hỗ tương thâm nhập giữa các điều sùng tín, và bên cạnh sự phụng thờ nghiêm minh theo nghi lễ với những quan niệm rất cao quý, là những nghi thức pha ảo thuật với tính chất rất tàn bạo.

Ông P. Louvet khi viết về lịch sử tôn giáo Việt Nam đã nêu lên :

"Tất cả những đạo giáo và những điều hành đạo dị đoan quấn quít lấy nhau, chồng chất lên nhau, hợp thành một sự hỗn tạp với những định thức mâu thuẫn mà người ta không sao nhận biết được. Ai cũng tuân theo hết mọi điều. Các bậc nho gia trí thức, kể cả vua chúa , là những người thường tự hào chỉ theo lẽ phải và chỉ tin tưởng ở những giáo điều ghi trong Tứ Thư, Ngũ Kinh của Khổng Tử, cũng vẫn thờ Phật, cúng tế thần linh và xem bói khi cần tới".

2. THỜ PHỤNG TỔ TIÊN

Dân Việt Nam , như trên đã nói rất trọng lễ, và trong lễ thì ân nghĩa giữ phần quan trọng.

Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha me, cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo phải biếtt ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, và đã hiếu với cha mẹ phải hiếu với ông bà tổ tiên tức là nguồn gốc của mình.

Lúc ông bà, cha mẹ còn sống, con cháu phải phụng dưỡng, phải tuân theo những lời dạy bảo của các ngài, phải lựa ý chiều chuộng ăn ở sao để cho các ngài được hài lòng.

Khi các ngài trăm tuổi, ngoài việc lo ma chay chôn cất, con cháu phải thờ cúng các ngài, cũng như thờ cúng các tổ tiên về trước.

Thờ cúng tổ tiên nghĩa là lập bàn thờ tại nhà và cúng bái trong những ngày sóc vọng giỗ Tết.

Người Việt Nam thường ngoài tôn giáo của mình đều có thờ phụng tổ tiên, kể cả những người theo Thiên Chúa giáo.

Thực ra thờ phụng tổ tiên không phải là một tôn giáo, do đó không thể gọi là Đạo Ông Bà được. Là một đạo phải có giáo chủ và giáo điều và việc hành đạo phải qua trung gian tu sĩ.

Thờ phụng tổ tiên do lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà cụ kỵ đã khuất.

Phan Kế Bính trong Việt Nam Phong Tục đã viết:

"Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, ấy cũng là nghĩa cử của người".

Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu, thì con người ta phải có tổ tiên mới có thể có mình được. Bỏ tổ tiên không thờ phụng tức là quên nguồn gốc, huống chi ông bà là người đã sinh dưỡng cha mẹ và cha mẹ là những người đã sinh dưỡng mình.

Những người theo Thiên Chúa giáo, tuy không lập bàn thờ tổ tiên, nhưng không phải là không thờ phụng tổ tiên. Những ngày giỗ chạp họ vẫn làm cỗ và cầu nguyện cho người khuất.

(Trích "Nếp Cũ/ Tín Ngưỡng Việt Nam " của Toan Ánh)

IX. TẢN MẠN

MÙA THÁNH HIẾN và TẠ ƠN

Xuân Hạ Thu Đông là qui luật tuần hoàn của thiên nhiên. Những thay đổi nắng mưa làm cho vạn vật như luôn chuyển mình và cuộc sống con người hoà cùng thiên nhiên trong vũ khúc chờ đợi và chào đón: Mùa nắng kéo dài thì đợi trông mưa, mùa mưa kéo dài lại mong nắng. Bởi thế, "ơn trời mưa nắng phải thì".

Còn đời sống siêu nhiên thì sao? Có những mùa thay đổi không? Rõ ràng trong lịch phụng vụ chia thành những mùa Vọng, Giáng Sinh, Chay, Phục sinh và mùa thường niên, được áp dụng cho các kitô hữu từ đông sang tây, từ bắc chí nam. Đã vậy thôi đâu, các linh mục và tu sĩ lại có thêm mùa phong chức, mùa thánh hiến, mùa tạ ơn . Trong giáo phận Vĩnh Long chúng ta, tháng 6 tháng 7 hàng năm coi như bước vào mùa của hàng giáo sĩ và tu sĩ.

Chỉ trong vòng một tuần lễ (3/6 đến 10/6) và chỉ cách nhau 6 cây số trong huyện Chợ Lách, Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn và Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum tổ chức lễ khấn trọn đời và lễ tạ ơn Ngọc Khánh, Kim Khánh, Ngân Khánh. Thật đông vui, các khách thập phương đổ về Cù Lao Minh, nơi có hai họ đạo Cái Mơn và Cái Nhum lâu đời giàu truyền thống truyền giáo và tử đạo. Những kiosques trái cây dịp này cũng ăn theo khấm khá. Sầu riêng, chôm chôm, măng cụt đang rộ mùa. Dân địa phương chào mời khách thập phương cách lịch sự ngọt ngào như hương vị trái cây, giá cả mềm mại dễ chấp nhận.

Đến giờ lễ, trong nắng ban mai rợp bóng cờ hoa, đoàn nữ tu trong tu phục của Hội dòng trang trọng tiến vào nguyện đường. Những hiền thê của Đức Kitô cầm đèn cháy sáng trên tay đón chờ Đức Lang Quân đang đến. "Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ để tiến về lều thánh cao sang", sẵn sàng ký kết giao ước tình yêu theo linh đạo Mến Thánh Giá. Khấn giữ đức thanh bần, khiết tịnh, vâng phục. Chọn lựa cách sống từ bỏ, hy sinh, phục vụ. Thật cao cả nhưng cũng ngàn nổi gian truân. Ngày hôm nay và mãi mãi cho đến trọn đời.

Xin được cùng tạ ơn Chúa với các Dì mừng Ngọc Khánh, Kim Khánh, Ngân Khánh. Những con số 60, 50, 25 năm nói lên những chứng từ sống động của các nữ tu. Lý tưởng càng cao đẹp đòi hỏi những tâm hồn càng thánh thiện.

Cầu chúc các nữ tu luôn trung thành với những gì đã khấn hứa và biết sống linh đạo mến Thánh Giá mỗi ngày. Hãy nhớ "Đời con đã hiến cho Chúa, buồn vui đời sống dâng Chúa. Đây hy lễ toàn thiêu, đây hy lễ tình yêu, cùng dâng lên với Giêsu". Mong sao trong Năm Thánh Thể 2005 này, các nữ tu biết sống mầu nhiệm Thánh Thể bằng cách tự coi mình như hạt lúa mì bị nghiền nát để trở thành một tấm bánh ngon được bẻ ra trao hiến cho mọi người, như Chúa Kitô đã thực hiện trong Bí Tích Thánh Thể.

X. NGHỆ THUẬT SỐNG 

Lỗ nhỏ đắm thuyền

Trên sườn núi Long's Peak ở Colorado có một cây đại thụ khổng lồ bị tàn phá còn trở lại mỗi một khúc thân. Những nhà thực vật học đoán cây đó sống khoảng 400 năm. Hồi Columbus đặt chân lên đất El Salvador nó đã có rồi và khi những tu sĩ tới gây dựng sự nghiệp ở Plymouth, nó mới sống được nửa đời của mình.

Trong đời sống dài đằng đẵng suốt bốn thế kỷ đó, nó bị sét đánh 14 lần và trải qua biết bao lần tuyết băng, giông tố mà vẫn sống. Về sau, nó bị một đàn sâu đục khoét hết lớp vỏ này đến lớp vỏ khác, mỗi ngày gặm nhấm từng chút một liên tiếp không ngừng.

Dần dần cây cổ thụ trở nên mục ruỗng và ngã đổ. Thành thử một cây cổ thụ khổng lồ chống chọi nổi với thời gian, với sấm sét, với giông tố mà rốt cuộc lại bị hạ vì những con sâu tí hon, nhỏ xíu tới nỗi có thể bẹp nát giữa hai đầu ngón tay người...

Nhiều người chúng ta cũng từng vinh quang chiến thắng được sấm sét, giông tố, vượt qua cả trời long đất lỡ trong đời, để rồi bị những phiền muộn, giận hờn vặt vãnh, tầm thường đánh gục. Những điều vụn vặt ấy có khác chi những con sâu nhỏ kia có thể phá huỷ cuộc sống chúng ta từng ngày.

Vì thế, đừng bao giờ để những con sâu ấy len lỏi trong tâm hồn, khi chúng ta có thể bóp bẹp chúng chỉ bằng hai đầu ngón tay!.

1218    20-04-2012 10:18:37