Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Phép Thánh Thể Hiện Tại Hóa Hy Tế Thập Giá - Tháng 03 năm 2005

CHỦ ĐỀ: PHÉP THÁNH THỂ HIỆN TẠI HOÁ HY TẾ THẬP GIÁ

I. THÔNG ĐIỆP ECCLESIA DE EUCHARISTIA số 12.

Khi thiết lập Bí tích nầy, Chúa Giêsu không chỉ nói “Nầy là Mình Thầy”, “Nầy là Máu Thầy”, nhưng Người đã thêm “bị nộp vì anh em” và “đổ ra vì nhiều người “ (Lc 22, 19-20). Người không chỉ xác quyết những gì Người ban cho họ ăn và uống là thịt máu Người mà thôi, trái lại Người cũng diễn tả giá trị hy tế của chúng nữa, bằng cách hiện tại hoá một cách Bí tích hy tế của Người được hoàn tất trên Thập Giá một vài giờ sau đó để cứu rỗi mọi người. “Thánh lễ vừa là tưởng niệm hy tế Thập Giá để lưu truyền muôn đời, vừa là bàn tiệc thánh để thông hiệp với Mình và Máu Chúa, cả hai gắn liền và không thể tách rời nhau.... Thật vậy, hy tế của Chúa Kitô và hy tế Thánh Thể là một hy tế duy nhất”...Thánh Lễ hiện tại hóa hy tế Thập Giá, không thêm bớt gì mà cũng không nhân lên được.

II. DẪN GIẢI

- Thông Điệp nhắc cho chúng ta: Chúa muốn biến bánh, rượu thành Mình, Máu thánh Chúa để ở lại với chúng ta đến tận thế.
- Bánh, Rượu nên Mình Máu thánh Chúa để nên của lễ thượng tiến cho Thiên Chúa và nên của lễ đền tội.
- Thánh lễ “ hiện tại hoá “ nghĩa là làm cho Hy tế Thánh giá nên của lễ thường xuyên cho nhân loại thụ huởng và thích dụng.
- Xin cho chúng con được biết chính xác hơn mầu nhiệm Thánh Thể và biết hưởng dụng.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

HY SINH CHO NGƯỜI PHONG CÙI

Hiện nay trên thế giới có khoảng 14 triệu người vẫn còn mắc bệnh phong cùi. Số người này cư ngụ trong 14 quốc gia ở Phi Châu, Nam Mỹ và Á Châu.

Theo tài liệu mới nhất của Tổ Chức Y Tế Thế Giới thì trong năm 2003 thế giới có thêm 455,792 bệnh nhận cùi trong đó 310,090 người ở Á Châu. Trong năm 2004 có thêm 513,798 trường hợp trong đó 409,090 ở Á Châu.

Trong nỗ lực hạn chế bệnh cùi, chỉ tiêu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đến năm 2002 là làm sao cứ 10,000 người thì chỉ còn 1 người bị bệnh cùi. Thế giới đã đạt được kết quả này.

Theo báo cáo, nếu trong năm 1985 có 122 quốc gia có người mắc bệnh cùi thì đến năm 2002 chỉ còn 14 quốc gia.

90% số người cùi trên thế giới ở tại các quốc gia như Ba Tây, Ấn Độ, Madagascar, Mozambique, Miến Điện, Nepal, Senegal. Điều đáng chú ý là Ấn Độ có nhiều người cùi nhất thế giới chiếm tới 70% số người mắc bệnh cùi trên thế giới.

Giáo Hội Công Giáo tích cực chăm lo cho bệnh nhân cùi. Trên toàn thế giới, các tổ chức Công Giáo đã phụ trách 800 trung tâm săn sóc người cùi, trong đó 349 trung tâm ở Á Châu với 817,321 bệnh nhân, 263 trung tâm ở Ấn Độ, 116 trung tâm ở Senegal, và 43 trung tâm ở Ba Tây.

Tại Việt Nam trong các trung tâm săn sóc người phong cùi, chỗ nào người ta cũng thấy bóng dáng các nữ tu. Hình ảnh của các chị bên cạnh bệnh nhân phong cùi đã làm biết bao nhiêu người thắc mắc tự hỏi động lực nào đã thúc đẩy các chị dấn thân vào "địa ngục trần gian". Và câu trả lời là: "Tình yêu của Chúa Kitô thúc đẩy tôi".

(VietCatholic News ( 30/01/2005 )

IV. DIỄN GIẢI

1 Ý nghĩa của Hy tế Thập Giá.

"Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là Hy tế. Nơi Chúa Giêsu, mọi sự đều là của lễ, từ lời giảng dạy đến các phép lạ, từ những cử chỉ và lời nói thông thường cho đến sự hy sinh lớn lao nhất là hy sinh mạng sống. Mọi sự đều biểu lộ tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha. Sự dâng hiến của Chúa Giêsu được hoàn tất bằng cái chết và trong cái chết tự nguyện trên thập giá” (TCHĐGMVN 3).

Thật vậy, suốt cuộc đời trần thế của Đức Giêsu - gồm 30 năm ẩn dật và ba năm cuối đời rao giảng, kết thúc bằng cái chết thập giá và sống lại vinh hiển - là một hy tế dâng lên Thiên Chúa Cha, hy tế của tình yêu vâng phục đối với Chúa Cha và cũng là tình yêu cứu độ con người.

Trọn cuộc đời của Đức Giêsu được định hướng bằng Thánh ý Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4, 34).

Tình yêu vâng phục ấy vươn tới đỉnh cao trong những ngày cuối đời của Chúa Cứu Thế. Vào đêm Người bị nộp, Đức Giêsu đã biến bửa Tiệc Ly thành lễ tưởng niệm hy tế Ngài sẽ dâng lên Thiên Chúa Cha, trong vài giờ nữa trên thập giá, để cứu độ loài người “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em...Đây là Máu Thầy, Máu để lập giao ước, đổ ra cho nhiều người được tha tội”(Mt 26, 39).

Chính tình yêu đi đến tận cùng ấy (x. Ga 13, 1) đã làm cho hy tế của Chúa Kitô mang giá trị cứu chuộc và đền tội cho tất cả chúng ta.

“Giáo Hội luôn coi cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một hy tế. Hy tế ấy khác với hy tế Cựu ước, vì hoàn toàn là hy tế tình yêu, là sự dâng hiến bản thân. Chúa Giêsu không dâng hiến cho Chúa Cha điều gì bên ngoài, mà chính là bản thân mình".. (TCHĐGMVN 3).

Vậy Hy tế Cựu Ước là gì?

Người Do Thái có tục sát tế chiên trên bàn thờ để thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa, để xin ơn và để đền tội.

Tục lệ này bắt nguồn từ thời Abel, con trai thứ của Ađam: «Aben làm nghề chăn chiên» (St 4,2), nên để thờ phượng và tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, «Aben dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng» lên Ngài (St 4,4).

Đến thời dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ, Môsê ra lệnh cho mỗi nhà người Do Thái phải sát tế một con chiên, bôi máu lên khung cửa (x. Xh 12,2-7). Đêm ấy, tất cả những nhà trên đất nước Ai cập không có máu chiên trên khung cửa, đều bị chết đứa con trai đầu lòng (x. Xh 12,29-30). Chỉ có người Do Thái nhờ máu chiên trên khung cửa mà không bị như thế. Từ đó việc sát tế chiên mang thêm ý nghĩa: chiên chết thay người.

Về sau, theo sách Xuất hành (Xh 29,38-46) thì tại đền thờ, các tư tế Do Thái đều sát tế mỗi ngày hai con chiên làm của lễ toàn thiêu: sáng sớm một con, chập tối một con, để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội cho dân. Đúng ra ai phạm tội thì chính người ấy bị phạt, mà phạm đến Thiên Chúa thì chỉ có hình phạt chết mới xứng đáng. Nhưng Thiên Chúa nhân lành không muốn con người phải chết: «Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống» (Ed 18,23). Luật công bằng đòi hỏi tội phải đền; nên để con người còn được sống mà ăn năn hối cải, Ngài chấp nhận cho con người lấy chiên đền mạng. Như vậy chiên bị sát tế là để hy sinh chết thay cho con người lẽ ra phải chết vì tội lỗi mình.

Đức Giêsu là «Chiên Thiên Chúa» bị sát tế để cứu nhân loại. Theo kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng bị giết chết để đền tội thay cho con người, tương tự như những con chiên bị sát tế trong đền thờ để đền thay người tội lỗi. Gioan Tẩy Giả đã thấy trước số phận tương lai của Đức Giêsu như thế, nên ông giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người: «Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian».

Thánh Phaolô viết: «Nếu máu các con dê, con bò còn thánh hóa được con người, làm cho họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy» (Dt 9,13-14). Hiệu lực đến nỗi Ngài chỉ cần chết một lần là đủ xóa được tội lỗi toàn nhân loại: «Chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ» (Dt 10,10).

Lễ toàn thiêu mà chính Đức Giêsu là của lễ, là chiên bị sát tế, đồng thời cũng chính là chủ tế, lấy thập giá làm bàn thờ, được thực hiện để thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa. Trong lễ toàn thiêu này, Ngài đã chịu đau khổ tột cùng và bị giết để cứu chuộc nhân loại, để nhân loại «được sống và sống dồi dào» (Ga 10,10). Tất cả chỉ vì yêu thương con người đến tận cùng của tình yêu (x. Ga 13,1). Trong lễ toàn thiêu này, Đức Giêsu đã thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa bằng chính tình yêu hoàn toàn vị tha và vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại, được thể hiện cụ thể bằng cái chết thê thảm của Ngài. Đó chính là cách thờ phượng mới của Đức Giêsu đối với Thiên Chúa: Ngài thờ phượng, yêu mến và tôn vinh Thiên Chúa bằng cách phục vụ và chết cho con người.

(Trích Đức Giêsu thờ phượng Thiên Chúa, Internet)

Thế nhưng tại sao đau khổ và cái chết của một người lại có thể cứu chuộc tất cả chúng ta?

Thánh kinh đã dùng khái niệm về sự liên đới tập thể như trong Bốn Bài Ca về Người Tôi Tớ của Isaia (42, 1-4; 49, 1-6; 50, 4-9; 52, 13-53, 12) trình bày hình ảnh Người Tôi Tớ được Thiên Chúa chọn để “hiến mạng sống làm của lễ đền tội cho chúng ta”.

Thánh Phaolô cũng đã dùng nguyên tắc liên đới tập thể để giải thích về tội lỗi của loài người và về ơn cứu độ của chúng ta trong Chúa Kitô: “Vì một người duy nhất (Ađam) mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn đến mọi người...thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu, còn dồi dào hơn biết mấy” (Rm 5, 12-15) (GLCG dành cho giáo dân tr. 99).

Không ai trên đời nầy “dù là người thánh thiện nhất “ lại có thể mang trên mình tội lỗi của mọi người và đền thay cho họ. Nhưng Chúa Kitô là Thiên Chúa làm người, Đấng vượt trên loài người, đồng thời ôm lấy mọi người trong nhân tính của Ngài và là Đầu của cả nhân loại, chỉ một mình Ngài có thể cứu độ mọi người. Hy tế của Chúa Kitô là hy tế cứu độ duy nhất và có tính cách quyết định (nt. tr. 100).

2. Phép Thánh Thể hiện tại hoá hy tế Thập Giá.

Khi cử hành Thánh lễ, Hội Thánh tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, lúc đó cuộc Vượt Qua nầy trở nên hiện diện giữa cộng doàn, vì lễ tế của Đức Kitô trên thập giá chỉ dâng một lần là đủ và luôn sống động để đem lại ơn cứu độ. “Mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, lúc đó Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện” (LG 3; GLCG 1364).

Thánh lễ cũng là một hy tế, vì qua lời truyền phép: “Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. “Nầy là chén Máu Thầy, máu Giao Ước mới sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội” (Lc 22, 19-20) Đức Kitô ban chính thân mình đã tự hiến trên thập giá vì chúng ta để chúng ta được tha tội.

Thánh lễ là một hy tế vì hiện tại hoá hy tế thập giá, vì tưởng niệm và ban phát hiệu quả của hy tế nầy (GLCG 1366). Lễ hy sinh là chính Đức Kitô, được dâng cách đ ẫm máu trên bàn thờ thập giá, cho Đức Chúa Cha, một lần dứt khoát, để đem lại ơn cứu chuộc cho nhân loại, nay được tái diễn và tưởng niệm mỗi lần thánh lễ được cử hành, để mang lại ơn cứu độ va ơn tha thứ tội lỗi cho chúng ta.

Hy tế thập giá và hy tế Thánh Thể chỉ là một. Lễ vật duy nhất là Đức Kitô, xưa chính Người dâng mình trên thập giá, nay được dâng trên bàn thờ, nhờ thừa tác vụ linh mục (hiện thân của Chúa Kitô cử hành Thánh lễ) và người nhận là Thiên Chúa Cha. Chỉ khác một điều là ở cách dâng: Xưa trên thập giá, Đức Kitô dâng chính mình bằng cách đổ hết máu ra; nay cũng chính Người được dâng trên bàn thờ, nhưng không còn đổ máu nữa. Và do đó, hy tế Thánh Thể có giá trị đền tội cho chúng ta.

Thánh lễ cũng là hy tế của Hội Thánh. Cùng với Đức Kitô là Đầu, Hội Thánh cũng được dâng hiến trọn vẹn cho Đức Chúa Cha. Hội Thánh cũng hiệp nhất với Đức Kitô để cầu bàu cho nhân loại. Mọi tín hữu được mời gọi kết hiệp đời sống của mình, những lời ca ngợi, những đau khổ, kinh nguyện, những hy sinh hằng ngày với lễ tế của Đức Giêsu dâng trên bàn thờ làm lễ thượng tiến Chúa Cha.

Của lễ Chúa Giêsu dâng cho Chúa Cha không gì khác hơn là chính bản thân Ngài. Và đây là của lễ Chúa Cha vui lòng hơn cả, vì nó là tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta dâng những vui buồn, sướng khổ, những việc thiện và kể cả những lỗi lầm thiếu sót của chúng ta hằng ngày nghĩa là trọn vẹn con người chúng ta phải trở thành của lễ hy sinh tiến dâng Chúa Cha nhờ kết hợp với của lễ là chính Chúa Giêsu.

Yêu thương Chúa Cha đến độ phục vụ con người cho đến chết, Đức Giêsu cũng mời gọi ta sống hết lòng cho Chúa và anh em. Một cuộc đời hiến thân tận tuỵ phục vụ tha nhân vì Chúa, chính là lễ hy sinh đẹp lòng Thiên Chúa nhất.

Các nữ tu hy sinh cuộc đời chăm sóc cho những người phong cùi, Đức Cha Jean Cassaigne đã ôm ấp, yêu thương và từ chức Giám Mục Sài-gòn để trở về với những đứa con phong cùi của ngài ở Di Linh: Ngài đã lây bệnh cùi và đã nằm lại giữa những con cái phong cùi của ngài. Cha thánh Maximilien Kolbê, đánh đổi mạng sống mình để cứu lấy người bạn tù...là những tấm gương xả thân trọn vẹn vì tình yêu cho Chúa và tha nhân, là lễ hy sinh đẹp lòng Thiên Chúa nhất: vì dâng hiến chính bản thân mình, theo gương Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng cái chết hy sinh trên thánh giá để chuộc tội chúng con, xin cho chúng con cũng biết xả thân phục vụ Chúa và anh em, để đáp lại phần nào tình Chúa yêu thương chúng con. Amen.

Xét mình:
- Có nhớ Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng và con người hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa?
- Có nhận định tôn thờ Chúa là phận sự căn bản của con người?
- Cho được tôn thờ có nhớ cần phải dâng lễ? Nhưng không của lễ nào xứng đáng! Cần phải kết hợp với Mình Máu Chúa thì của lễ mới thích đáng! Hiểu thế nào?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SUY NIỆM.

LỜI CHÚA: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”(Lc 22, 19).
"Việc này” chính là “cùng với Chúa mà hiến tế hằng ngày”.
”Việc này” còn là “chịu thương khó với Chúa Kitô”.

”Việc này” còn là “kết hiệp với Bí tích Thánh Thể”, Rước Lễ.

GỢI Ý SÁM HỐI
Con không kết hợp lễ vật hiến dâng của con với Chúa Thánh Thể hằng ngày.
Con không kết hợp những khó nhọc cuộc sống con với Chúa.
Con chưa xác quyết hiệu quả vô cùng của Hy Tế Thập giá của Chúa. Xin thương xót con.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu yêu thương chúng ta cách lạ lùng, chẳng những ban cho chúng ta hiệu quả của Hy Tế Thập Giá, mà còn cho chúng ta được chứng kiến và tham dự vào chính Hy Tế ấy nhờ Bí tích Thánh Thể. Chúng ta cảm tạ Chúa và hiệp ý cầu nguyện:

Chúa Giêsu phán: “Nầy là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh, nhận thấy Hy Tế Thập Giá của Chúa Giêsu hiện diện thật sự trong Bí tích Thánh Thể.

Chúa Giêsu phán: “Nầy là Máu Ta, sẽ đổ ra cho mọi người được tha tội”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người, nhờ tin vào Bí tích Thánh Thể, được hưởng hiệu quả của Lễ Hy Tế Chúa: được tha tội và được sự sống của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu phán: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, năng tôn thờ Bí tích Thánh Thể, để cùng tế hiến những khổ nhọc trong cuộc sống mình, với Hy Tế Thập Giá của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu phán: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, siêng năng Rước Lễ, sống mầu nhiệm Thánh Thể, cùng hiến tế đời sống mình trong Hy Tế Thập Giá Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì yêu thương chúng con cho đến cùng, Chúa đã để lại cho chúng con Bí tích Tình Yêu, hầu chúng con có thể tham dự vào Hy Tế Thập Giá của Chúa. Xin cho chúng con dám hy sinh để yêu mến Chúa, mà được dự phần hưởng ơn Cứu độ. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

HY TẾ TẠ ƠN

Nguồn Mạch Và Chóp Đỉnh Của Đời Sống Kitô Hữu.

Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói:"Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội".(Mt 26, 27 – 28).

Đây là thời điểm quan trọng nhất của lễ tế Chúa Giêsu. Ngài dâng lời cảm tạ và nói:

"Này là Mình Thầy . . ."
"Này là chén Máu Thầy . . .".

Tất cả đều đã được nói ra và đã được thực hiện tại đây . . . Danh từ Eucharistia có nghĩa là Tạ Ơn, Ca Tụng và Tôn Thờ Thiên Chúa, để tỏ lòng tri ân của toàn thể nhân loại cùng với vị thủ lãnh của mình là Đức Kitô. Do đó nhịp điệu trang trọng của Kinh Tiền Tụng đã nói lên mục đích thứ nhất của việc tế lễ: dâng lên Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô, Con của Ngài, tất cả vinh quang Ngài có quyền đòi hỏi nơi chúng ta. Chẳng những toàn thể nhân loại, mà còn toàn thể vạn vật, cùng với toàn thể các thiên thần, đều được kết hiệp trong hành vi tôn thờ đó:"Thánh! Thánh! Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Trời đất đầy vinh quang Chúa. Hoan hô Chúa trên các tầng trời. Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô Chúa trên các tầng trời."

THỰC HÀNH

1. Việc Truyền Phép thực hành điều Kinh Tiền Tụng diễn tả. Cũng như lễ tế thứ nhất trong bữa tiệc ly đi trước lễ tế trên thập giá. Thánh lễ nào cũng nhắc lại lễ tế trên thập giá và cho phép chúng ta tham dự vào lễ tế đó.

Trên thập giá đã xảy ra sự gì? Chúa Giêsu đã tự sát tế, Ngài đã dâng hiến mạng sống mình cho lẽ công minh của Chúa Cha, để đền tội chúng ta và giao hòa chúng ta với Thiên Chúa. Như thế, khi chết cho chúng ta, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta được cùng với Ngài, trong Ngài và nhờ Ngài sống đời sống mới, đời sống của con cái Thiên Chúa, mà Ngài đã đổ máu ra để trả lại cho chúng ta sự sống ấy.

Trên bàn thờ xảy ra sự gì? Cũng như trên thập giá, việc Truyền Phép bánh và rượu, cũng như lời đọc khi truyền phép đều nhắc lại việc sát tế trên núi Sọ, ở đó thân xác Chúa Giêsu bị bầm dập vì roi vọt và máu Ngài đã chảy ra đến giọt cuối cùng:"Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Này là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội". Linh mục chủ tế nói nhân danh Chúa Giêsu..

Nhưng chúng ta đừng quên điều này: từ lúc dâng của lễ, cuộc đời chúng ta hòa lẫn với lễ tế của Đức Kitô, chúng ta cùng hy sinh với Ngài, để làm vinh danh Chúa Cha, chúng ta chết cho tội lỗi, để được tái sinh trong ơn thánh và trong chính sự sống Thiên Chúa. Vậy, bạn hãy chấp nhận sự từ bỏ mà Thánh Lễ đã gợi lên cho bạn. Nhờ Đức Kitô, bạn hãy gỡ mình ra khỏi mọi dính bén với tội lỗi.

2. Thảm kịch thập giá sẽ dẫn đến mầu nhiệm Phục Sinh. Nhờ Thánh Lễ, chúng ta được chết với Đức Kitô thế nào, thì cũng nhờ Thánh Lễ, chúng ta được sống lại với Ngài như vậy. Như thế, sự đồng hóa của chúng ta với Đức Kitô, có tính cách thường xuyên, nhất là trong Thánh Lễ, chúng ta trở nên một với Ngài: Thánh Lễ giúp chúng ta thực hiện điều đó. Thánh Lễ là mầu nhiệm thập giá được đặt vừa tầm tay chúng ta và đưa mầu nhiệm thập giá vào cuộc đời chúng ta để nâng chúng ta lên đến tận Thiên Chúa. Thánh lễ nối kết hai việc tế lễ, quan trọng như nhau, và cần thiết như nhau, đối với ơn cứu độ của chúng ta. Nhưng việc tế lễ thứ hai chỉ có giá trị và chỉ được thực hiện nhờ việc tế lễ thứ nhất: việc tế lễ của Đức Kitô không cần bắt đầu lại nữa, nhưng việc tế lễ của chúng ta phải được tiếp diễn mỗi ngày. Trong mỗi Thánh Lễ, cùng với mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm Phục Sinh cũng được tái diễn lại đối với Hội Thánh. Đức Kitô vinh hiển đã qua đau khổ, để vào vinh quang: nhờ Thánh Lễ, Chúa Giêsu cũng muốn dẫn chúng ta qua các giai đoạn mà Ngài đã đi trước vì lòng yêu thương chúng ta. Bạn hãy để Chúa Giêsu dẫn dắt, bạn hãy để Ngài nắm lấy tay bạn. Ước chi Thánh Lễ bạn tham dự mỗi ngày, tập cho bạn đem thập giá vào cuộc đời bạn, để đời sống của bạn cũng mang một vết thương như Chúa Giêsu.

3. Do đó, việc tế lễ của Đức Kitô làm cho việc tế lễ của chúng ta có giá trị, đồng thời việc tế lễ của chúng ta là một Thánh lễ của Đức Kitô nối dài.

Quả thực, chúng ta biết điều này: Thiên Chúa sẽ không thể cứu chuộc chúng ta, nếu chúng ta không cộng tác với công cuộc cứu chuộc của Ngài. Trong tinh thần hiệp thông với Hội Thánh, chúng ta hãy đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng cách chúng ta cùng cộng tác với ơn cứu độ của Chúa Giêsu.

(trích: Hương Việt, Suy niệm với các Bí Tích)

VII. TRANG THIẾU NHI

I/- Chuyện kể:

Chúa Nhật vừa qua, thay vì giờ sinh hoạt đội ban chiều, Cha Sở đã tổ chức chiếu phim cho các bạn thiếu nhi xem. Đó là bộ phim “Marcellino Bánh và Rượu”.

Bộ phim kể về cuộc đời của một cậu bé tên là Marcellino. Một buổi sáng kia, các thầy lượm được cậu trước cửa Nhà Dòng. Có lẽ vì một lý do nào đó cậu bị cha mẹ bỏ rơi. Lúc đầu, các thầy định đem cậu cho một gia đình nào đó làm con nuôi. Nhưng rồi cuối cùng thì quyết định giữ cậu lại trong Nhà Dòng.

Kể từ khi nuôi cậu, các thầy đã phải hy sinh vất vả nhiều: nào là lo cho cậu có cơm ăn, sữa uống; nào là phải dạy dỗ cậu nên người; nào là phải dạy cậu cầu nguyện; nào là phải chịu những sự phá phách của cậu; nào là bị mắng vốn vì những hành động dại dột; nào là phải thức đêm chăm sóc những khi đau bệnh.Thế nhưng vì yêu thương cậu, các thầy đã chấp nhận hy sinh tất cả.

Cậu Marcellino cứ thế lớn lên trong tình yêu của các thầy. Rồi chính em cũng đã trở thành một cậu bé ngoan, đem lại niềm vui và nhất là có lòng yêu thương mọi người.

Một ngày kia, do tính tò mò của trẻ em, Marcellino dần khám phá ra bí mật của căn gác gỗ, nơi mà các thầy dòng đã nghiêm cấm em không được đặt chân tới (có lẽ vì sợ căn gác cũ kỹ kia sập đổ gây tai nạn?). Cậu phát hiện ra nơi đó có một người bị đóng đinh trên thập giá. Bằng trí óc trẻ thơ, cậu cho rằng Ông ấy đói, lạnh và cô đơn. Sẵn với lòng thương người, cậu đã cho Ông ấy bánh rượu để qua cơn đói; mền để qua đêm giá lạnh; và nhất là đã kết bạn, trò chuyện để Ông khỏi phải cô đơn. Cậu đâu biết rằng người đàn ông ấy chính là Chúa Giêsu!

Bộ phim khép lại bằng cái chết, sự ra đi thanh thản của Marcellino. Chúa Giêsu-Người Bạn-đã cho cậu biết rằng mẹ cậu hiện đang ở thiên đàng. Và do cậu ước mơ muốn đến đó gặp mẹ, nên Ngài đã cho cậu ra đi bình an, trong sự thương tiếc của các thầy dòng cũng như của dân chúng trong làng.

Buổi chiếu phim đã kết thúc, mà Tí và các bạn vẫn chưa muốn ra về. Marcellino đã trở nên hình ảnh lý tưởng cho các em trong đời sống. Riêng Tí, em quyết tâm sẽ noi theo gương cậu bé Marcellino, sống một đời sống biết yêu thương,hy sinh vàchia sẻ đối với mọi người.

II/-Trò chuyện với thiếu nhi:

Các em thiếu nhi thân mến,

Hơn cả Marcellino trong cuốn phim ở trên, Chúa Giêsu Thánh Thể là mẫu gương sáng ngời và hoàn thiện về tình yêu-sự hy sinh-chia sẻ.

- Thật vậy, nơi Bí tích Thánh Thể hy tế xưa của Chúa Giêsu trên thập giá được tái diễn: Xưa trên thập giá, Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình làm hy lễ dâng lên Chúa Cha, để đền thay tội lỗi và cứu chuộc nhân loại; ngày nay trên bàn thờ, trong thánh lễ, Chúa Giêsu lại dùng chính Mình và Máu Ngài, dưới hình bánh rượu, để làm hy lễ dâng lên Chúa Cha, cho chúng ta được sống đời đời. Hy lễ Thánh Thể vì thế chính là Hy lễ Thập giá-Hy lễ Tính Yêu.

- Trong thánh lễ, Bí tích Thánh Thể vừa giúp chúng ta tưởng niệm hy tế Thập giá, vừa là bàn tiệc thánh để chúng ta thông hiệp với Mình và Máu Chúa. Cho nên Hy lễ đó không phải chỉ dâng lên Cha, mà còn dành cho chúng ta nữa.

- Cuối cùng, trong thánh lễ Chúa Kitô cũng muốn biến hy tế thiêng liêng của Giáo hội thành hy tế của mình. Vì vậy, khi tham dự thánh lễ, mỗi Kitô hữu hiến dâng lên Thiên Chúa hy tế của riêng mình (những hy sinh, hãm mình, những đau khổ trong cuộc sống, việc từ bỏ ý riêng), nhất là tự hiến chính mình với tế phẩm đó.

III/-Bài học thực hành:
- Noi gương Chúa Giêsu Thánh Thể, em sống tinh thần yêu thương-hy sinh-chia sẻ.
- Em chấp nhận mọi khó khăn, đau khổ, thử thách trong cuộc sống, vì đó chính là con đường thập giá theo chân Chúa Kitô.
- Mỗi khi tham dự thánh lễ, em phải chuẩn bị hy tế riêng của mình, để góp phần vào hy tế của Đức Kitô trên bàn thờ.

VIII. TẢN MẠN

Mùa chay

Mùa Chay năm Thánh Thể khởi đầu vào một thời điểm rất “chay” đối với người công giáo Việt nam chúng ta. Đang ăn Tết ở tốc độ cao, phải thắng gấp, chẳng những thắng tay thắng chân mà còn phải thắng miệng với một ý chí rất căng ! Áp dụng chiến thuật “đánh nhanh, đánh mạnh, diệt gọn” sẽ đem lại chiến thắng dễ dàng hơn, bởi vì không còn mồi nào để cám dỗ, đối phương cũng khó xoay trở. Đừng quên rằng ma quỉ đã từng dùng miếng ăn để cám dỗ dân Do thái thời Môsê, và sau này chúng cũng dùng lại chiến thuật đó để cám dỗ Đức Giêsu. Tốt hơn, hãy biết lo cảnh giác phòng xa.

Cách thức ăn chay nơi vài tôn giáo

Trong Kinh Thánh Do Thái, thỉnh thoảng chúng ta thấy người Do Thái ăn chay bằng cách nhịn ăn từ sáng cho đến chiều (Giô-na 3, 7-8; 1 Sa-mu-en 14, 24), và trong lòng Giáo Hội, thuở xưa cũng thế, người công giáo chúng ta cũng nhịn ăn từ sáng cho đến chiều mỗi khi ăn chay.

Trước thập niên 50, người công giáo còn giữ chay bằng cách không ăn gì từ nữa đêm cho đến khi rước lễ mỗi ngày.

Tập tục ăn chay bằng cách nhịn ăn nhịn uống từ rạng đông cho đến khi mặt trời lặn, ngày nay vẫn còn được anh chị em Hồi Giáo tuân giữ trong suốt tháng Ramadan. Người công giáo chúng ta chỉ còn ăn chay mỗi năm có hai lần, vào thứ tư lễ Tro và Thứ sáu Tuần thánh. Chúng ta ăn chay bằng cách mỗi ngày chỉ ăn một bữa no, còn các bữa kia, chỉ ăn chút đỉnh, và kiêng không ăn thịt các động vật trên trời, dưới đất, ngoại trừ động vật sống trong nước.

Trong khi ấy, anh chị em Phật Giáo lại ăn chay mồng một và ngày rằm, bằng cách vẫn ăn no, nhưng kiêng không ăn thịt của bất cứ động vật nào, chỉ ăn thực vật.

Mỗi tôn giáo đều có một cách thức để “ăn chay”, và ngay cả khoa học cũng “ăn chay”!!!

Thật thế, mỗi khi bác sĩ muốn khám sức khỏe chúng ta theo phương pháp khoa học, họ cũng buộc chúng ta nhịn ăn nhịn uống ít nhất là 12 đến 14 tiếng đồng hồ trước khi thử máu! Và chúng ta chấp nhận vâng theo mà không cần cật vấn hay phàn nàn.

Cái ăn chay “y học” này là để giúp bác sĩ và chúng ta biết tình trạng sức khỏe của chúng ta mà chăm lo, hay chữa lành. “Ăn chay nhà đạo” chúng ta cũng thế, cũng có mục đích chữa lành, và chăm lo sức khỏe “phần hồn” chúng ta, nhưng nhất là để kéo chúng ta ra khỏi chúng ta, mà chia sẻ cuộc sống mình với người khác, và đó cũng là cách chữa lành rất hiệu nghiệm.

Ăn chay nhà đạo
Ăn chay nhà đạo phải đi liền với bố thí và cầu nguyện.
Ăn chay nhà đạo phải đi liền với công bằng bác ái xã hội.

”Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa?

Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành” (I-sa-i-a 58, 4-8).

Phải chăng đó là tiếng thôi thúc chúng ta trong mùa chay Năm Thánh Thể. Trong sứ điệp mùa chay 2005, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta đặc biệt quan tâm đến những người già lão cao niên: Năm nay tôi muốn anh chị em lưu tâm đến một chủ đề đúng là hiện tại, được minh họa bởi câu sau đây trong sách Đệ-Nhị-Luật: "Yêu mến Thiên Chúa có nghĩa là sự sống cho anh em, và là sự sống lâu.. . " (30, 20).

Mùa chay không chỉ là kiêng khem, mà còn biết ra khỏi chính mình để hướng đến việc phục vụ những người khác. Đức Thánh Cha nhạy cảm đối với những người già lão, vì các cụ dễ cô đơn và mang nhiều mặc cảm. Ngài nhấn mạnh: “Sự chăm sóc người già, hơn hết khi họ gặp những thời buổi khó khăn, phải là một quan tâm lớn đối với mọi tín hữu”.

Xin cầu chúc quý vị và các bạn một Mùa Chay biết dừng lại ở chỗ nào và biết làm sao để thăng tiến trên con đường Chúa mời gọi.

IX. NGHỆ THUẬT SỐNG

HÃY TẠM QUÊN MÀ VUI SỐNG

Người dẫn chương trình giơ cao ly nước và hỏi khán giả:
Quý vị thử đoán xem ly nước này nặng bao nhiêu?
Điều đó còn tuỳ thuộc vào chuyện anh cầm nó trong bao lâu chứ, một khán giả nói.

Đúng vậy - người dẫn chương trình trả lời - Nếu tôi cầm nó trong một phút thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu tôi cầm nó trong một tiếng đồng hồ thì tay tôi sẽ mỏi. Còn nếu tôi cầm nó cả một ngày, quý vị sẽ phải gọi xe cấp cứu cho tôi. Cùng một khối lượng, nhưng mang nó càng lâu thì sẽ càng trở nên nặng hơn.

Trong cuộc sống cũng vậy, nếu chúng ta cứ liên tục chịu đựng gánh nặng, nó sẽ càng ngày trở nên trầm trọng. Không sớm thì muộn chúng ta sẽ gục ngã. Điều quý vị phải làm là đặt ly nước xuống, nghỉ một lát, rồi lại tiếp tục cầm nó lên.

Thỉnh thoảng, chúng ta phải biết đặt gánh nặng cuộc sống xuống, nghỉ ngơi lấy sức để còn tiếp tục mang nó trong quảng đời tiếp theo. Khi bạn trở về nhà, hãy quẳng gánh lo âu công việc ngoài cửa. Ngày mai bạn sẽ nhặt nó lên và tiếp tục mang. Còn bây giờ, giải trí và thư giản.

Mỗi ngày chúng ta đều cần có giây phút nghỉ ngơi, không bận tâm đến bất kỳ một gánh nặng nào.

3000    20-04-2012 10:30:55