Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Phép Thánh Thể Là Mầu Nhiệm Đức Tin - Tháng 05 năm 2005

CHỦ ĐỀ: PHÉP THÁNH THỂ LÀ MẦU NHIỆM ĐỨC TIN

I. THÔNG ĐIỆP ECCLESIA DE EUCHARISTIA số 15.

Trong thánh lễ, việc tái hiện có tính bí tích hy tế của Chúa Kitô được kiện toàn nhờ sự phục sinh của Ngài bao hàm một sự hiện diện hoàn toàn đặc biệt... Sự hiện diện nầy là hiện diện bản thể và nhờ nó, Chúa Kitô, vừa là con người vừa là Thiên Chúa, hiện diện nguyên vẹn. Như thế, giáo thuyết luôn có giá trị của Công Đồng Triđentinô được nhắc lại một lần nữa: “Nhờ việc truyền phép bánh và rượu, việc thay đổi tất cả bản thể của bánh thành bản thể của Mình Chúa Kitô, Chúa chúng ta, và sự thay đổi tất cả bản thể của rượu thành bản thể của Máu Ngài; sự thay đổi nầy, Giáo Hội Công Giáo gọi một cách đúng đắn và chính xác là sự biến đổi bản thể (transubstantiation)”. Thánh Thể thực sự là mầu nhiệm đức tin (mysterium fidei), mầu nhiệm vượt xa lý trí chúng ta và chỉ có thể được chấp nhận bằng đức tin mà thôi, như giáo lý của các giáo phụ đã thường nhắc đến về Bí Tích thần linh nầy.

II. DẪN GIẢI

Chúng ta nhớ: mầu nhiệm là cái chi mình không thể hiểu, nhưng nhờ người ta chỉ bảo thì mình có thể nhận biết mầu nhiệm đó là gì. Ví dụ: Mầu nhiệm Ba Ngôi. Chúng ta không thể hiểu tại sao Một Chúa mà Ba Ngôi. Nhờ Chúa mạc khải (mở màn chỉ dạy) chúng ta nhận ra Ba Ngôi Một Chúa là điều thật, là chân lý.

Đoạn Thông điệp trên đâ muốn dạy chúng ta hai điều: Thánh Thể là mầu nhiệm và đón nhận Thánh Thể bằng đức tin.

Thánh Thể là mầu nhiệm, vì bản thể của bánh, của rượu, biến thành Chúa Kitô trọn vẹn, sau lời truyền phép trong Thánh lễ. (Bản thể là cái gốc, cái chất, cái bên trong của của bánh, của rượu được biến đổi. Còn hình sắc (hình thái) bên ngoài của bánh và rượu vẫn còn sau khi biến đổi, chúng ta không thể hiểu được. Đó chính là mầu nhiệm.

Nhờ Chúa mặc khải, chúng ta chấp nhận đó là sự thật, tin Chúa có thật nơi hình Bánh rượu.

Chính nhờ đức tin (bằng đức tin) mà chúng ta chấp nhận như thế.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

PHÉP LẠ THÁNH THỂ TẠI LANCIANO, ITALIA

Bánh trở thành Thịt, như ngày nay người ta quan sát, được kính giữ trong hào quang bằng bạc, có kích thước như Mình Thánh lớn vẫn được các linh mục dùng trong Thánh Lễ. Rượu hoá thành Máu được kính giữ trong chén thánh bằng thuỷ tinh, họp thành 5 giọt to nhỏ khác nhau

Vào đầu năm Thánh Thể, ÐTC Gioan Phaolô II nhắc nhớ Phép Lạ xảy ra vào thế kỷ thứ 8 tại Lanciano, Italia. Trong một lá thơ gửi Đức Tổng Giám Mục Carlo Ghidelli của Giáo Phận Lanciano-Ortona, ĐTC nói: "Tôi ước mong rằng trong suốt năm Thánh Thể, tất cả các đoàn thể các giáo phận sẽ công khai canh tân đức tin của mình vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể trên bàn thờ và quyết tâm sống tinh thần thánh thể trong mọi công việc mục vụ cũng như trong tất cả cá chương trình truyền bá tin mừng."

Theo truyền thuyết, một tu sĩ dòng Basilian, đang lúc cử hành thánh lễ theo nghi thức Latinh tại nhà thờ Thánh Legonziano ở Lanciano, có ý nghi ngờ sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong Bí Tích đang cử hành trên bàn thờ. Ngay chính giây phút đó, vị linh mục liền nhìn thấy Bánh Thánh biến đổi thành Thịt của con người và Rượu Thánh biến thành Máu đỏ, và sau đó đông lại thành cục. Ngày nay, các di tích này đang được trưng bày tại Nhà Thờ Chính Toà.

Vào ngày 18 tháng 11 năm 1970, Tiến sĩ Eduardo Linoli đã phân tích những di tích của "Phép Lạ Mình và Máu Thánh" và đã đưa ra kết luận rằng đó thực là thịt trái tim của con người và là máu thật.

ÐTC cũng nhấn mạnh trong lá thư rằng "Đối với chúng ta là những kitô hữu, Bí tích Thánh Thể là tất cả, là trung tâm của đời sống đức tin và là nguồn sống tâm linh của chúng ta. Phép lạ này cũng là một biến cố rất đặc biệt cho cộng đoàn ở Lanciano."

ĐTC nói thêm: "Lanciano là nơi đã xảy ra Phép Lạ Mình và Máu Thánh, bởi vậy ngoài các tín hữu tại đây có lòng yếu mến đặc biệt Phép Thánh Thể, Lanciano cũng là đối tượng hành hương cho nhiều người khác đến từ khắp các miền của Italia và đến từ khắp thế giới”. (Zenit News 7/11/2004 )

IV. DIỄN GIẢI

1. Phép Thánh Thể là Mầu nhiệm đức tin.
a. Phép Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin

Chính trong việc cử hành Thánh Lễ Hội Thánh không ngừng xác nhận chân lý bất di bất dịch nầy. Sau mỗi lần đọc lời truyền phép, linh mục dừng lại và long trọng tuyên bố : “Đây là mầu nhiệm đức tin” (Mysterium fidei). Điều đó ngụ ý rằng, khi đọc lời thánh hiến của Đức Giêsu “Nầy là Mình Ta” trên bánh và “Nầy là Máu Ta” trên rượu, linh mục cũng như tất cả mọi người hiện diện phải nhớ rằng đây là một thực tại đức tin, vượt trên mọi cảm giác hay suy luận.

Hiểu theo Thánh Augustinô thì “Mysterium fidei” vừa có nghĩa là: mầu nhiệm đức tin, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là sacramentum fidei, nghĩa là dấu chỉ hay Nhiệm Tích đức tin.

Mầu nhiệm đức tin, vì toàn thể thực tại Thánh Thể là một mầu nhiệm mà chúng ta chỉ có thể đón nhận bằng đức tin. Thánh Irênê gọi Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin, vì phải có đức tin mới có thể thông dự vào nhiệm tích thánh nầy.

Mầu nhiệm đức tin còn theo nghĩa: một tín điều phải tin, như một chân lý của đức tin..vd: việc “biến thể”.

Dấu chỉ đức tin vì chỉ có đức tin mới phần nào khám phá ra mầu nhiệm sâu thẳm nầy.

Vì là mầu nhiệm đức tin, nên chúng ta chỉ có thể đến với Phép Thánh Thể với lòng tin, chứ không phải với một lý trí muốn giải thích tất cả.

Vì là dấu chỉ đức tin, nên chúng ta phải có thái độ cung kính, tôn thờ, một lòng tin chân thành và khiêm hạ mới mong Phép Thánh Thể đem lại hữu ích cho chúng ta.

Người Do thái thời Chúa Giêsu đã phản ứng lại “Lời nầy chói tai quá, ai nghe cho được “ (Ga 6. 60) khi Chúa nói: “Thịt Ta thật là của ăn, Máu ta thật là của uống...” (x.Ga 6, 53-56). Một số môn đệ bỏ đi, Phêrô thì thưa: “Lạy Chúa, chúng con đi đến với ai, Chúa có lời ban sự sống” (Ga 67-68).

Cũng như các tông đồ ngày xưa, người tín hữu ngày nay tin mầu nhiệm Thánh Thể vì tin vào Chúa Kitô. Vì Chúa Kitô là Chúa, nên mọi lời Người nói đều là sự thật. Dầu lời Người khó hiểu, nhưng chúng ta tin tưởng đó nhận, vì lời Người là sự thật, là đường đưa đến sự sống.

Vì Đức Kitô là Chúa, lời của Người có quyền năng, nên mọi điều Người muốn đều thành sự. Thời Cựu Ước, Chúa đã biến tảng đá thành nguồn nước, ban cho dân manna làm thức ăn, thì ngày nay, Chúa muốn bánh và rượu trở thành Mình Máu Người...tất cả đều thành sự và tất cả đều vì yêu thương con người.

Trước mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta chỉ có thể đáp trả bằng lòng tin như Thánh Tôma Aquinô: “Tôi tin mọi lời Con Đức Chúa Trời đã dạy. Không có gì xác đáng hơn lời sự thật nầy” (Hymnus: Adoro Te)

b. Chúa Kitô hiện diện trong Phép Thánh Thể

Chúa Kitô Phục sinh hiện diện trong Giáo Hội dưới nhiều hình thức: trong Lời Chúa, trong kinh nguyện của Hội Thánh, trong người nghèo khổ, yếu đau, tù đày (Mt 25, 31- 46)... trong các Bí tích do Người thiết lập, trong hy tế thánh lễ và nơi thừa tác viên, “nhất là Người hiện diện thực sự dưới hai hình Thánh Thể” (Hiến Chế về Phụng Vụ thánh số 7) (x. GLCG 1373).

Cách thức Đức Kitô hiện diện dưới hai hình Thánh Thể là độc nhất vô nhị: “có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể của Mình và Máu Đức Kitô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, nghĩa là Đức Kitô trọn vẹn” (CĐ Trentô, DS 1651).

“Sự hiện nầy được gọi là “thực sự” , không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự trong những cách khác, nhưng đây là cách hiện diện đầy đủ nhất vì là sự hiện diện bản thể, nơi đây có Đức Kitô vừa là Thiên Chúa, vừa là con người, hiện diện trọn vẹn” (Mysterium fidei 39) (x. GLCG 1374).

Trong Bí tích nầy, Đức Kitô hiện diện nhờ sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Người. Các giáo phụ khẳng định Hội Thánh tin rằng sự biến đổi nầy có được là nhờ hiệu quả của lời Đức Kitô và tác động của Chúa Thánh Thần.

Thánh Gioan-Kim khẩu nói về sự biến đổi : “Không phải con người làm cho các lễ vật trở thành Mình và Máu Đức Kitô, nhưng do chính Đức Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh vì chúng ta. Vị linh mục, hiện thân của Đức Kitô, đọc lời truyền phép, nhưng hiệu quả và ân sủng là do Thiên Chúa. Chính lời “Này là Mình Thầy” biến đổi các lễ vật” (x. GL 1375).

Công Đồng Trentô tuyên tín : nhờ lời truyền phép trên bánh rượu, trọn vẹn bản thể bánh biến thành bản thể Mình Thánh Chúa Kitô và trọn vẹn bản thể rượu biến thành bản thể Máu Thánh Người; Hội Thánh Công Giáo gọi việc biến đổi một cách đúng đắn và chính xác nầy là biến thể.

Đức Kitô hiện diện trong Thánh Thể bắt đầu từ lúc truyền phép và kéo dài bao lâu hình bánh rượu còn tồn tại.

Đức Kitô hiện diện trọn vẹn trong hình bành cũng như trong hình rượu.
Trong bất cứ phần nhỏ bé nào cũng có trọn vẹn Mình và Máu Chúa Kitô.
Việc bẻ bánh không chia Chúa Kitô (CĐ Trentô: DS 1641) (x. GLCG 1377)

2. Người đã yêu thương đến cùng (Ga 13, 1)

Yêu thương ai thì chúng ta muốn ở gần người đó. Chúa Kitô cũng vậy, để có thể ở lại với chúng ta luôn mãi, Người đã lập Phép Thánh Thể, trước khi tự hiến tế trên thập giá để cứu độ chúng ta.

Đây là cách thế biểu lộ tình thương một cách độc đáo của Chúa Giêsu. Người đã yêu thương chúng ta cho “đến cùng” (Ga 13, 1). Thật vậy, Người đời dù yêu thương nhau mấy, cũng chỉ ở gần nhau, ờ ngoài nhau. Còn Chúa Giêsu Người lập Phép Thánh Thể để nên của ăn thức uống hoà quyện trong con người chúng ta và biến chúng ta trở nên giống Chúa. Thánh Augustinô nói: “Chúng ta ăn Người, nhưng chính Người đồng hoá chúng ta”. Thật không còn sự gần gũi thân mật nào hơn thế nữa! Nên một với Chúa Kitô để nên một với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Bởi vì tất cả chương trình yêu thương của Thiên Chúa là biến đổi chúng ta nên một trong Chúa Kitô. Như Chúa Kitô là một với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Tình yêu muôn đời của Thiên Chúa dành cho thế gian không phải là một tình yêu theo cảm tính, thụ động, nhưng là một tình yêu sáng tạo, một tình yêu cứu chuộc. Muốn được cứu chuộc chúng ta phải hiệp thông với Chúa Ba Ngôi. Chính nhờ hiệp thông với Hội Thánh và nhờ Chúa Kitô mà chúng ta nên một với ba Ngôi Thiên Chúa. Phép Thánh Thể vừa là dấu chỉ vừa là cách thể hiện sự hiệp thông nầy.

3. Tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể.

ĐGH Gioan-Phaolô dạy: “Hội Thánh và thế giới rất cần tôn thờ Thánh Thể. Đức Giêsu đang chờ chúng ta trong Bí tích tình yêu nầy. Phải dành thời gian đến gặp gỡ, tôn thờ và chiêm ngưỡng Người với tất cả lòng tin và ước mong đền tạ muốn lầm lỗi thiếu sót của nhân gian. Hãy luôn tôn thờ Thánh Thể” (Gioan-Phaolô II, Bữa tiệc của Chúa 3) (GLCG 1380).

Ngoài việc tham dự Thánh lễ và Rước lễ, Hội Thánh còn mời gọi mỗi người tín hữu năng viếng Thánh Thể để bày tỏ lòng thờ phượng và yêu mến đối với Chúa Tình Yêu. Hiện diện bên Thánh Thể và nhìn ngắm Chúa là phương thế gặp gỡ đi vào chiều sâu thân mật với Chúa. Nhận thấy một nông dân ngày nào cũng vào nhà thờ quỳ chầu Chúa, mắt đăm đăm nhìn lên Nhà Tạm, cha sở họ Ars thắc mắc hỏi xem ông làm gì trong thờ gian lâu như vậy. Ông đáp gọn: “Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi”.

Thật vậy, Giáo Lý Công Giáo dạy: “Để đào sâu đức tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, Hội Thánh coi trọng việc thinh lặng tôn thờ Chúa đang ngự trong Mình Thánh” (GLCG 1379).

Trong thinh lặng, chúng ta nhìn Chúa và để Chúa nhìn ta. Có sự gặp gỡ và tiếp xúc giữa hai tâm hồn. Giữa ta với Chúa Giêsu Thánh Thể, và qua Ngài kết hợp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Tất cả đều diễn ra trong thinh lặng hoàn toàn, cả bên ngoài, lẫn bên trong.

Dù tội lỗi, yếu hèn, nhưng mỗi người chúng ta đều là tạo vật được Chúa cứu chuộc. Do đó, niềm vui của Chúa là được gặp ta.

Hiện diện trong thinh lặng trước Nhà Tạm, nhìn ngắm Chúa, ngoài việc tăng thêm lòng tin cho ta, thì còn làm Chúa vui lòng nữa.
Việc lãnh nhận Bí tích đòi hỏi chúng ta phải có lòng tin và nhờ các Bí tích đức tin của ta càng thêm mạnh mẽ hơn.

Với Phép Thánh Thể, đức tin giúp chúng ta đón nhận, giải đáp những thắc mắc và giúp ta nhận thấy:

Chúa quyền năng vô cùng.
Chúa thương yêu vô cùng.
Chúa khôn ngoan vô cùng.

Chúa dùng Phép Thánh Thể để tỏ cho loài người biết quyền năng Chúa vô hạn, biết Chúa thương ta đến tột cùng. Tình thương vượt mọi ý nghĩ của nhân loại.

Chúa dùng Phép Thánh Thể để chỉ bảo cho chúng ta phải nhớ: nhờ Phép Thánh Thể chúng ta mới có thể đền tội, mới tôn thờ Chúa thích đáng.

Chính nhờ Thánh Thể mà chúng ta đạt được mục đích tối chung là kết hợp với Chúa (chính là sáng danh Chúa và là vinh phúc của chúng ta).

Kiểm điểm:

- Chúng ta có tin Chúa thật sự hiện diện nơi hình bánh rượu không? Có thể có tin, nhưng xác tín, tin mạnh...thì không thể quả quyết được.
- Sau khi chịu lễ chúng ta có biết hầu chuyện với Chúa không? Nếu chưa, đúc tin chúng ta còn yếu kém, chưa sống theo đức tin.
- Đã tin rồi thì chúng ta không còn thắc mắc về mầu nhiệm (những điều không hiểu được) chỉ biết chấp nhận đó là sự thật. Tâm ý chúng ta thế nào?
- Chúa hiện diện thật nơi Phép Thánh Thể, chúng ta đối xử với Chúa thế nào? Bỏ rơi, lạnh nhạt, bất kính đến độ kể như khinh lờn với Chúa! Chúng ta thế nào?
- Giờ rước Chúa, chúng ta có cảm thấy vui và cầu xin được kết hợp với Chúa là hạnh phúc tuyệt vời. Tình chúng ta thế nào?
- Tình chúng ta còn quá kém, chưa biết sống đức tin.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được mạnh tin và nhất là biết sống đức tin.

Tham Khảo:

- Sách Giáo Lý Công Giáo
- Vì Sự Sống Trần Gian, Anôtn Ngô văn Vững, sj
- simonhoadalat.com

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI

Tôi kém tin Chúa Giêsu hiện diện trong phép Thánh Thể. Xin Chúa thương xót tôi.
Tôi không thể hiện đức tin vào Thánh Thể bằng những việc tôn thờ. Xin thương xót tôi.
Tôi không thể hiện đức tin vào Thánh Thể bằng cuộc sống. Xin thương xót tôi.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Linh mục chủ tế nâng cao Mình Máu Thánh Chúa lên cho mọi người chiêm ngưỡng, ngài công bố: “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Mọi người đồng thanh đáp: “Chúng con tin và loan truyền việc Chúa chết và sống lại”. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi người cùng tin:

Chúa Giêsu phán: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh: biết diễn tả đức tin khi tôn thờ Thánh Thể, để loan truyền mầu nhiệm tình thương của Chúa cho mọi người.

Chúa Giêsu phán: “Ai thấy Thầy, là thấy Chúa Cha”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, tin thật “Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể”, để khi rước Bánh Thánh là cả mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.

Chúa Giêsu phán: “Ai ăn Bánh này, sẽ sống đời đời”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, chăm lo tìm kiếm hạnh phúc thiên đàng, và diễn tả niềm hạnh phúc ấy khi được lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa.

Chúa Giêsu phán: “Này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, siêng năng và sốt sắng Rước Lễ; vì tin rằng rước Thánh Thể là lãnh nhận mầu nhiệm Chúa Cứu chuộc loài người.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Con Một Chúa làm lương thực nuôi sống chúng con, cho chúng con được hiệp thông với Chúa. Xin cũng ban Thánh Thần đốt lửa tin cậy mến Chúa trong lòng chúng con, giúp chúng con sống mầu nhiệm Thánh Thể Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

ĐẾN VỚI THÁNH THỂ BẰNG NIỀM TIN

Mỗi Thánh Lễ, sau khi thừa tác viên của Hội Thánh lập lại lời Chúa Giêsu: "Đây là Mình Ta. . . , Đây là Máu Ta. . .". bánh rượu ngay lúc đó, trở thành Mình Máu Chúa. Sự chuyển đổi mầu nhiệm này, Hội Thánh đầy xác tín, giới thiệu với tất cả chúng ta:"Đây là mầu nhiệm đức tin".

Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin, thì điều kiện phải có khi đến với bí tích này, là lòng tin.

Nếu chỉ nhìn bằng thị giác, ta chẳng thấy thay đổi gì. Trước sau vẫn là bánh trắng rượu hồng. Nhưng với đức tin, ta sẽ mạnh dạn xác tín, màu trắng của bánh, màu hồng của rượu, lúc này, chỉ còn là tấm áo, bao che một thực thể, là chính Thịt và Máu Chúa. Chính trực giác đức tin sẽ giúp ta cảm nhận được vinh quang của Đức Kitô đang hiện diện trong tấm bánh nhỏ mọn này. Chúa muốn dấu kín vinh quang của Ngài trong hình bánh rượu, để mỗi người chúng ta có thể tôn vinh Ngài bằng niềm tin, chứ không phải bằng điều gì khác. Ngài muốn chúng ta yêu Ngài vì chính Ngài, chứ không phải vì lợi nhuận.

Nếu Chúa chỉ hé mở một chút vinh quang của Ngài cho mọi người thấy, nơi nhà tạm . . . thì mọi Nhà Thờ Công Giáo sẽ chật cứng người, suốt 7 ngày một tuần, 24 giờ một ngày. Thậm chí, nhiều người phải ăn chực nằm chờ cả tháng, chưa chắc đã chen được, dù chỉ tới cổng Nhà Thờ. Ba vị tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê, chỉ vài phút được thấy sự thật về Chúa . . . mà đã quên cả xuống núi, quên cả làm lều để ở. Đội mưa, phơi nắng mà được chiêm ngưỡng Thầy như thế này, là no nê quá rồi . . ., chúng ta, chắc chắn, cũng chẳng khác ba ông.

Điều chúng ta vừa nêu lên, Chúa có thể đáp ứng một cách dễ dàng. Nhưng Ngài không thích làm thế. Không làm vì nó dễ quá. Ngài muốn làm một việc khó hơn, một phép lạ mà chỉ có người tin, mới nhận ra được, đó là tình yêu tự hạ tới độ quên mình của Ngài.

Đức Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngài là ánh sáng chiếu soi cho trần thế. Nơi Ngài tập trung tất cả mọi ánh sáng. Ở đây, ta chỉ cần nêu lên một loại ánh sáng, đó là ánh sáng phản chiếu vinh quang quyền năng của Ngài. Đối diện với ánh sáng này, con người buộc phải cúi đầu tôn thờ. Người Israel, lúc ở Sinai, đã phải nhờ ông Môisen thưa lại với Chúa:"Xin đừng phán, kẻo chúng con chết mất" (Xh 21, 19). Chính Môisen cũng được Chúa cho biết:"Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta, mà vẫn sống" (Xh 33, 20).

Chúa Giêsu, dù thực sự, là ánh sáng nêu trên, nhưng từ lúc nhập thể cho đến giây phút tắt thở trên thập giá, Ngài chỉ để lộ ra duy nhất một lần, ở đỉnh núi Tabor.

Còn thứ ánh sáng Ngài muốn biểu lộ, là ánh sáng soi đường dẫn lối, một thứ ánh sáng không làm ai sợ hãi, nhưng chỉ mời gọi họ bước theo. Ánh sáng này không huy hoàng rực rỡ, nhưng lại hữu hiệu tuyệt vời. Nó không hề áp đặt, nhưng luôn ban phát tự do. Người được mời có thể chấp nhận mà cũng có thể từ chối, nhưng hai thái độ sẽ dẫn tới hai hậu quả. Chấp nhận, sẽ được sống trong ánh sáng. Ngược lại, từ chối, là ở trong đêm tối. Và ánh sáng lúc đó, trở thành ánh sáng của xét xử, nhưng thái độ khép kín của con người đã kết án chính mình.

Hội Thánh chỉ cho ta :"Đây là mầu nhiệm đức tin".

Mọi người chúng ta đáp lại bằng lời tung hô:"Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến".

Lời tuyên xưng trên cho ta thấy: Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích của sự Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô. Nó là sự hiện tại hóa Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ngài. Nắm mộ của Ngài không phải là "tuyệt lộ", nhưng là "hạnh lộ". Nhờ đó, Ngài đi vào sự chết, tiêu diệt sự chết và Phục Sinh vinh hiển.

Mỗi người chúng ta, khi đến với Bí Tích Thánh Thể, đều được tham dự vào quyền năng đó. Đồi Canvê, nhờ nó, sẽ không còn nồng nặc tử khí, nhưng sẽ chất ngất niềm tin chuyển biến. Thập giá không còn là sự điên rồ, nhưng sẽ trở thành quyền năng cứu độ. Trong niềm vui và hy vọng, chúng ta được mời gọi trở thành "dầu" từ hạt lạc (đậu phọng) ép ra, thành "tấm bánh" từ lòng đất, qua nhiều qui trình lao tác, làm nên.

Bí Tích Thánh Thể là một thần lương.

Hiểu theo chiều kích trên, Bí Tích Thánh Thể trở thành một Thần Lương, một Linh Dược, không thể thiếu trên đường đi về vĩnh cửu:"Ai ăn Thịt và uống Máu Ta, sẽ được sống muôn đời" (Ga 6, 54).

Từ xác tín trên, một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta:"Cuộc sống hiện tại của chúng ta có ăn khớp với niềm tin đó không ? ". Cụ thể hơn, ta hãy tự hỏi:"Mỗi ngày, tôi có dành chút ít thời gian gần gũi với Thánh Thể không ? Nếu mỗi ngày không được, thì ít ra, mỗi tuần, ta có vui vẻ dành cho Chúa một khoảng thời gian nào đó, để trò chuyện với Ngài không ?".

Câu hỏi thật đơn giản, nhưng trả lời lại chẳng đơn giản tí nào. Bởi vì, xem chừng ai cũng ngắc ngư, ngần ngại. Lý do, chúng ta có thể "nhâm nhi" từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều, mà vẫn chưa thấy nóng chổ. Có thể "đỏ-đen" với nhau đến độ quên cả thời gian. Có thể "thì thầm" bên anh, bên em sốt sắng tới quên cả muỗi cắn (đốt) . . . Nhưng chỉ ít phút trước Thánh Thể, đã thấy lê thê như cả thế kỷ.

Nếu có ai trong chúng ta được ông Tổng Bí Thư mời ra phủ Chủ Tịch, ở Hà Nội, hội kiến, chắc chắn người đó sẽ hãnh diện, sẽ chuẩn bị chu đáo, sẽ nôn nao chờ đợi, để ngày hẹn mau tới. Thế mà, Đấng là VuaTrời Đất mời gọi, chúng ta lại coi thường và tìm mọi lý lẽ để chối khéo: nào bận quá, mệt quá, kẹt quá . . . ĐGH Gioan Phaolô II, Mẹ Têrêsa Calcutta, dù rất bề bộn công việc, nhưng các ngài vẫn tìm được hai, ba giờ mỗi ngày, để tâm sự với Chúa Giêsu trước Nhà Tạm. Các ngài làm được thế, vì với các ngài, Chúa Giêsu mới là nhân vật quan trọng nhất, các ngài phải tiếp kiến, phải hội ý, phải xin sự chỉ đạo, cho công việc mục vụ và truyền giáo của các ngài.

Có lẽ, hằng ngày, chúng ta chưa làm được như ĐGH Gioan Phaolô II, như Mẹ Têrêsa Calcutta, thì ít là, thỉnh thoảng, chúng ta hãy noi gương các ngài, đến với Thánh Thể, xin Ngài chỉ dẫn cho chúng ta những điều cần làm, để trở thành những chứng nhân đắc lực của Chúa trong thời đại này.

(Lm HỒNG NGUYÊN)

VII. TÌM HIỂU TÔN GIÁO BẠN

ĐẠO PHẬT ĐỜI LÝ

BÀI 3: ĐẠO PHẬT BÀNH-TRƯỚNG

Ba vị sư, mà Đàm-thiên kể tên trên kia, đều là người Ấn-độ hay Tây-vực (ở xứ Sogdiane) gần phía tây-bắc Ấn-độ.

Ma-la-kì-vực, tên chữ Phạn là Marajivaka, là người Ấn-độ, đến Giao-châu, rồi qua Quảng-châu. Tới Lạc-dương đời Tấn Huệ-đế, năm 294. Ông giỏi phù-pháp. Sau gặp loạn ở Trung-quốc, ông lại trở về Ấn-độ.

Khang-tăng-hội vốn người Tây-vực, theo cha buôn ở Giao-châu rồi học đạo Phật ở đó. Nguyên người Tây-vực mà ở xứ Việt, cho nên ông học giỏi hai th tiếng Phạn và Việt. Nhờ đó, ông đã dịch nhiều sách Phật ra Hán-văn. Sau đó, ông sang nước Ngô, giảng đạo cho Ngô Tôn-Quyền, rồi mất tại nước Ngô vào năm 280.

Còn như Chi-cương-lương, thì Trần Văn-Giáp cho là Cường-lương-lưu-chi chép trong sách Thập-nhị-du-kinh. Tên Phạn của sư là Kalaruci theo Pelliot, hay là Kalganaruci theo Trần Văn-Giáp. Vị sư này tới Giao-châu vào khoảng năm 255-256, và có dịch kinh Pháp-hoa Tam-muội. (BA)

Xem mấy thí-dụ trên, ta thấy rằng nhiều vị tăng dịch kinh Phật là người Ấn-độ hay người Tây-vực. Ngoài số những vị đã do đường bộ tới Trung-quốc, một số đã đi đường bể. Những vị này tất-nhiên phải học Hán-tự. Các vị ấy chắc phần lớn đã qua và ở đất Giao. Vì thế, đạo Phật rất có thể đã tới nước ta trước khi đến nước Trung-quốc.

Cho đến sư Đàm-thiên, cũng là người Indoscythe, ở phía tây-bắc Ấn-độ. Sư rất giỏi Hán-văn. Sở-dĩ sư lại rõ tình-hình Phật-giáo ở Giao-châu, chắc vì cũng có thời-kì qua ở đó.

Lịch-sử Phật-giáo ở nước ta, từ ban đầu đến lúc phái Thiền-tông xuất-hiện, không được biết rõ nữa, vì không ai biên-chép lại. Về Thiền-tông, thì sách TUTA còn chép khá kĩ-càng.

Dòng Thiền-tông lại có hai phái: phái Nam-phương và phái Quan-bích. Phái Nam-phương vào trước, phái Quan-bích vào sau. Nhưng từ đời Đinh, hai phái đều phát-triển một cách thịnh-vượng.

Tổ phái NAM-PHƯƠNG là Tì-ni đa-lưu-chi, tên Phạn là Vinitaruci, nguyên người Thiên-trúc, hoặc đạo Bà-la-môn (Braman). Sau theo Phật-giáo, rồi sang các xứ đông-nam để tới Tràng-an, kinh-đô nước Trần bên Trung-quốc (53). Sau, sư tới Quảng-châu; ở đó sáu năm dịch các kinh Phật. Tháng ba năm Canh-tý 580, sư sang Giao-châu, tới trụ-trì ở chùa Pháp-vân tại Luy-châu. - đó được mười lăm năm. Đến năm Giáp-dần 594, đời Tùy Khai-hoàng, mới mất.

Đệ tử Vinitaruci có sư Pháp-hiền, mà sách TUTA đã chép ra Pháp-đắc-hiền, trong chuyện quốc sư Thông-biện. Vị này được coi như là tổ thứ nhất của dòng Nam-phương. Sư người Chu-diên, họ Đỗ; ở chùa Chúng-thiện, tại núi Thiên-phúc, hạt Tiên-du. Sư có rất nhiều học-trò. Thứ-sử Lưu Phương ời tới Luy-lâu, ở chùa Pháp-vân. Rồi đi giảng đạo, dựng chùa khắp mọi nơi ở Phong-châu (Sơn-tây), Hoan-châu (Nghệ-an) Tràng-châu (Ninh-bình) và Ái-châu (Thanh-hóa). Đến năm Bính-tuất 626, đời Đường Vũ-đức, mới mất. (TUTA 44a).

Nhờ đó, phái Nam-phương rất được phát đạt, và đã bành-trướng nhất trong vùng phủ Từ-sơn. Có sư Định-không, là tổ thứ tám, lập chùa ở làng Dịch-bảng, là quê nhà Lý về sau (trước 808). Sau đó phái Nam-phương có nhiều can-hệ với các triều-đại độc-lập ở nước ta. Sư Pháp-thuận giúp Lê Đại-hành, sư Vạn-hạnh giúp Lý Thái-tổ, sư Đạo-hạnh mà tục-truyền là tiền-thân của Lý Thần-tông, sư Minh-không giúp Lý Thần-tông, đều thuộc phái này cả.

Phái QUAN-BÍCH thì đến đời Đường Nguyên-hòa mới vào nước ta, do vị sư người Đường là Vô-ngôn-thông đem tới. Sư người Quảng-châu, họ Trịnh. Sau khi đi học với Mã-tổ ở Giang-tây, sư về Quảng-châu. Sư sang Giao-châu, năm canh-tý 820; ở chùa Kiến-sơ, tại Phù-đồng (TUTA 4a). Phái này phát-đạt cũng chóng và đã phát ra nhiều vị cao-tăng còn để tiếng về sau. Sư Khuông-việt giúp Đinh Tiên-hoàng, sư Trí-không tức là Thông-biện quốc-sư, sư Khổng-lồ, sư Giác-hải đều thuộc phái này cả.

Không những ở chung-quanh kinh-kỳ đạo Phật thịnh-hành, mà đến những chốn xa, như Ái-châu, Phật-giáo trong đời Đường cũng đã phát đạt. Trong các vị tăng quê nước ta đã từng đi Thiên-trúc cầu đạo (3), có hai vị người Ái-châu, là Trí-hành và Đại-thặng-đăng. (BA). Vả bia HN (4) cũng cho ta biết rằng về đời thuộc Hậu-đường (923-937), châu-mục Lê Lương ở Ái-châu có dựng ba chùa ở trong hạ ấy.

Tuy đạo được thịnh-hành, nhưng nước ta bấy giờ vẫn còn bị người Tàu thống-trị. Cho nên Phật-giáo, cũng như các ngành tư-tưởng khác, hình như cũng chỉ đạt đến một hạng người quyền-quí, hay gần-gũi người ngoại-quốc cầm quyền, chứ không phổ cập đến dân-gian. Phải đợi đến thời-kỳ độc-lập, mới bắt đầu có những chứng rằng Phật-giáo có tổ-chức và ăn sâu vào dân-chúng. (thuvienhoasen.org)

(Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn / VietCatholic News)

VIII. TẢN MẠN

TƯỞNG NIỆM CỐ ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được các sử gia đánh giá là vị Tông Đồ không biết mệt mỏi. Báo chí thì đặt cho Ngài danh hiệu Lực Sĩ của Chúa. Trong 26 năm ở ngôi vị Giáo Hoàng, ĐTC Gioan Phaolô II đã thực hiện được những thành tích sau :

- Thực hiện 146 chuyến viếng thăm mục trên vụ tên toàn nước Ý và với tư cách là Giám Mục giáo phận Roma, Ngài đã thăm mục vụ 317 xứ đạo trong tổng số 333 xứ.

- ĐGH đã thực hiện 104 chuyến tông du ngoại quốc, đến 129 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Ngài đã đi quãng đường dài 1.247.613 cây số, tức gấp 3.24 lần quãng cách từ trái đất đến mặt trăng.
- Ngài đã không có mặt tại Vatican trong 822 ngày vì có các chuyến tông du.
- Đã đọc hơn 20.000 bài diễn văn và chào mừng.
- Đã công bố 100 tài liệu chính trong đó có :
- 14 Thông điệp
- 15 Tông Huấn
- 11 Tông Hiến
- 44 Tông Thư
- Chủ sự 147 nghi lễ phong chân phước cho tất cả 1338 vị.
- Chủ sự 51 nghi lễ phong thánh cho 48 vị.
- Chín lần phong chức Hồng Y cho tất cả 231 vị. Còn một vị vẫn được giữ kín danh tánh, gọi là in pectore.
- Chủ tọa 6 phiên họp Hồng Y
- Chủ tọa 15 phiên họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới
- Gặp gỡ 17.6 triệu khách hành hương trong 1160 lần tại quảng trường thánh Phêrô vào mỗi ngày thứ Tư.
- Gặp gỡ 8 triệu khách hành hương trong năm thánh 2000.
- Tiếp 737 lần các nhà lãnh đạo các quốc gia.
- Tiếp 245 lần các vị Thủ Tướng các quốc gia.
- Là tác giả của 5 quyển sách.
- Đám tang vĩ đại nhất trong lịch sử :

( Vatican 8/4/2005). Đám tang Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được coi là vĩ đại nhất không chỉ trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo mà còn là lịch sử của nhân loại. Sáng 8/4/2005, ông Walter Veltroni, thị trưởng thành phố Rôma cho biết cảnh sát và các lực lượng quân đội được kêu gọi kéo về tăng cường bảo vệ an ninh cho Rôma nhưng bây giờ “Xin nói thực là phó thác hoàn toàn trong tay Chúa. Dân chúng tuốn về đông quá không mộtlực lượng nào có khả năng bảo vệ hoàn hảo được”.

Cảnh sát Rôma cho biết giờ phút này đây, người dân Rôma với dân số 3 triệu đã phải đón thêm một con số có thể lên đến 5 triệu người. Phương tiện giao thông các loại liên tục đổ người xuống. Các khách sạn, nhà trọ và tất cả các nơi có thể ngủ được đều đã hết chỗ từ hôm thứ Hai. Do đó, trong các đêm từ hôm thứ Ba cho đến nay hàng triệu người ngủ ngay ngoài đường, nơi chờ xe điện ngầm, cầu thang , nói chung là bất cứ chỗ nào có thể ngủ được cũng thấy nhiều nhóm lăn ra ngủ. Người già cũng có, người trẻ cũng có nhưng đa số là thanh niên và thiếu nữ. Nếu so sánh với Đại Hội Giới Trẻ Đại Năm Thánh 2000 thì có hai sự khác biệt lớn lao. Khác biệt thứ nhất là hình ảnh vui tươi của các bạn trẻ trong những bộ đồng phục hay những tà áo mầu sắc rực rỡ nay được thay bằng những khuôn mặt đượm buồn với những giòng lệ lăn dài trên má trong những bộ quần áo bụi đời nhăn nheo và có khi hôi hám vì bụi đời. Khác biệt thứ hai là hình ảnh cờ xí muôn mầu muôn sắc của nhiều nước naychỉ còn gần như duy nhất là lá cờ trắng đỏ của tổ quốc Ba Lan của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Các bạn trẻ tiến bước ngay cả khi đã vào đến quảng trường Thánh Phêrô vẫn vừa đi vừa vỗ tay vừa kêu tên Đức Thánh Cha như khi lúc ngài còn sống.

Người ta đi đầy đường. Nhiều bạn trẻ vừa đi vừa giơ hình Đức Thánh Cha vừa khóc. Cảnh này lòng dạ ai chai cứng đến mấy cũng phải cảm động.

Cha Thomas Reese, chủ bút tờ America nhận xét:
”Thật là ngoại thường. Chúng tôi chưa bao giờ thấy một đám tang khổng lồ như thế này”.

Tại lễ đài chính hàng ngàn chiếc ghế đã được đặt trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô cho các nhà lãnh đạo trên thế giới. Trên quảng trường Thánh Phêrô sẽ có 115,000 tín hữu và dọc theo các đại lộ xung quanh Đền Thờ Thánh Phêrô sẽ có khoảng 5 triệu tín hữu theo dõi các nghi lễ qua các màn hình khổng lồ.

(Đặng Tự Do / VietCatholic News ( 08/04/2005))

BẦU CỬ TÂN GIÁO HOÀNG

Một trong những ước mong và trăn trối của Đức Giáo Hoàng trước khi chết là lần này khi bầu cử thành công vị tân Giáo Hoàng thì thêm vào làn khói trắng trên ông khói nguyện đường Sistine còn có thêm chuông Đền Thánh Phêrô sẽ reo vang nữa. Đó là theo lời Đức TGM Piero Marini, trưởng ban nghi lễ Phủ Giáo Hoàng thuật lại.

Lý do là trong quá khứ đã có những lần dân chúng đứng đợi ở dưới công trường thánh Phêrô không thể phân biệt được rõ ràng khi nào thực sự là khói đen và kh nào là khói trắng, nên đã mơ hồ và lẫn lộn.

Đây là tiết lộ mới nhất và sẽ đi vào truyền thống trong việc bầu Giáo Hoàng tương lai.

Đức Tổng giám mục Marini còn nói thêm rằng: “Như vậy ngay cả các nhà báo cũng sẽ biết rõ”. Điều này chứng tỏ Tòa Thánh Vatican thức thời với nhu cầu truyền thông chính xác cho thời đại mới, vì có ít nhất là 1 triệu người sẽ đứng chờ tại quảng trường Thánh Phêrô và hàng tỉ người khắp nơi trên thế giới theo dõi vụ bầu tân Giáo Hoàng.

Một điều bí mật khác mà nhiều ngườimuốn biết là vị hồng y “in pectore” (còn giữ kín trong trái tim của Ngài là ai? Thì chưa tìm thấy tài liệu nào ĐGH đề lại. Tuy nhiên phát ngôn viên Tòa Thánh Navarro-Valls hôm nay nói, ông không biết là ĐGH có đề cập tới vị hồng y giữ kín đó trong tài liệu nào đã trao lại cho các vị hồng y hay không thì ông không biết.

Những ước mong khác của Đức Gioan Phaolô II là ngài muốn được chôn dưới lòng đất chứ không phải là chỉ đặt trong ngôi mộ cao trên mặt đất. Ngài sẽ được chôn trong ngôi mộ của Đức Gioan XXII mà phần mộ này vào năm 2001 đã chuyển xác của Đức Gioan XXIII lên tầng trên Đền Thờ Thánh Phêrô để cho dân chúng chiêm ngưỡng, khi mà Đức Gioan XXIII được phong Chân Phước.

Đức Gioan Phaolô II được chôn cất với khăn vải lụa trắng che trên mặt, trong tay có cài tràng hạt Mân Côi và mặc phẫm phục nghi lễ phụng vụ vẫn quen khi chôn cất vị Giáo Hoàng là màu đỏ và mũ giám mục mầu trằng. Theo truyền thống thì quan tài chôn ngài sẽ có 3 lớp -- lớp gỗ, lớp ồng, rồi lớp gỗ nữa -- cách thế mà theo Tòa Thánh Vaican giải thích là đề làm cho xác nếu có mục thì sẽ cần thêm lâu thời gian hơn.

Trong quan tài sẽ để thêm một túi có đựng những mề-đay mà trong suốt 26 năm triều đại Giáo Hoàng của Ngài đã đúc ra làm kỉ niệm. Thêm vào đó theo truyền thống còn để một phong thơ dán kín trong đó có viết tiểu sử của Ngài bằng tiếng Latinh.

Nơi chôn cất Đức Gioan Phaolô II như vậy là rất gần kề bên ngôi mộ của Thánh Phêrô là vị giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội Công Giáo.

Về cái chết của Đức Gioan Phaolô II thì vị bác sĩ của Ngài là Dr. Renato Buzzonetti diễn tả với báo La Repubblica hôm nay như sau: “Ngài chết từ từ, có đau đớn và chịu khổ, nhưng Ngài chịu cơn đau với cách thế rất xứng đáng nhân phẩm con người. Đức Thánh Cha không thể thốt ra lời nào ngay lúc trước khi tắt thở. Đúng như là vì vài ngày cuối đời Ngài không thể nói được, nên Ngài bị buộc trong tư thế phải chịu im lặng”.

Đức TGM Marini cũng thông báo cho biết là có tin đồn là một nắm đất của Ba Lan sẽ được để trong quan tài của Ngài như mong ước của dân chúng Ba Lan, nhưng điều đó không được. Ngài nói thêm rằng: “Mỗi người đếu có những ước muốn riêng. Không thể nào đáp ứng được hết những ước muốn đó được”.

(Theo Vietcatholic News)

1028    20-04-2012 10:22:48