Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Quy Chế Linh Mục Giáo Phận Vĩnh Long

Thứ Năm Tuần Thánh 05.04.2007

QUY CHẾ LINH MỤC GIÁO PHẬN VĨNH LONG

LỜI MỞ ĐẦU

Hội Thánh được Chúa Kitô thiết lập để làm cộng đoàn hiệp thông các tín hữu, trước tiên là hiệp thông với Chúa Kitô và, qua Chúa Kitô, hiệp thông với nhau: " Hãy ở lại trong Ta, và Ta ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không lưu lại thân nho, các con cũng vậy, nếu không lưu lại trong Ta " (Gioan 15,4). Sự hiệp thông nhất thiết trong tình yêu:"Như Cha đã yêu mến Ta, Ta đã yêu mến các con. HãẢOy lưu lại trong tình yêu của Ta" (Gioan 15,9). Do đó luật căn bản của Hội Thánh, Cộng Đoàn Hiệp Thông của Chúa Kitô, là yêu thương: " Nầy là lệnh truyền của Ta: Các con hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các con " (Gioan 15,12 x. 13,34).

Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh bằng cách tự hiến chính mình: "Ta đã không đến để được hầu hạ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người" (Marcô 10,45). Giữa các môn đệ, Người đã nêu gương phục vụ bằng cách rửa chân cho các Tông Đồ: " Ta đã nêu gương cho các con, ngõ hầu như Ta đã làm cho các con thế nào, các con cũng làm như vậy " (Gioan 13,15).

Nhờ Bí Tích Truyền Chức Thánh, Linh mục được thánh hiến để phục vụ Dân Thiên Chúa, theo gương Chúa Kitô (x. Nghi Lễ Truyền Chức, Huấn dụ), trong tư cách người cộng tác trung chính của hàng Giám mục ( x. Nghi Lễ Truyền Chức , Huấn dụ và Lời Nguyện Tấn Phong).

Quy Chế Linh Mục Giáo Phận dựa trên Giáo Luật và theo chỉ dẫn của Thánh Bộ Giáo Sĩ, Thánh Bộ Truyền Giảng Phúc Âm, nhằm giúp các Linh Mục chu toàn trọng trách của mình, cộng tác với hàng Giám Mục trong Nhiệm vụ làm Thầy dạy Đức Tin, làm Tư Tế và làm Mục Tử, xây dựng và hướng dẫn Dân Chúa theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Mong các Linh mục đón nhận Quy Chế nầy như những chỉ dẫn cần thiết cho sự hợp nhất trong Giáo Phận và cho sự thăng tiến của Giáo dân.

Vĩnh Long, Thứ Năm Tuần Thánh , 5.4.2007


+ Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám Muc Giáo Phận Vĩnh Long

ĐỊNH NGHĨA

Một vài định nghĩa được trích dẫn từ Bộ Giáo Luật 1983:

- HỌ ĐẠO: Họ Đạo là một cộng đoàn tín hữu Kitô nhất định, được thành lập cách cố định trong Giáo Hội địa phương mà việc coi sóc mục vụ được trao cho một Linh Mục chánh sở như là chủ chăn riêng của họ đạo ấy, dưới quyền của Giám Mục Giáo phận. (BGL, Điều 515 §1)

- LINH MỤC CHÁNH SỞ: Linh Mục chánh sở là chủ chăn riêng của họ đạo đã được trao phó cho Ngài; Ngài thi hành mục vụ của cộng đoàn đã được giao cho dưới quyền của Giám Mục Giáo phận mà Ngài đã được kêu gọi chia sẻ với Giám Mục thừa tác vụ của Đức Kitô, để thi hành cho cộng đoàn ấy các nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản, cả với sự cộng tác của các linh Mục khác hay phó tế và với sự trợ giúp của các tín hữu Kitô giáo dân, chiếu luật. ( BGL, Điều 519)

- LINH MỤC PHÓ SỞ: Mỗi khi cần hay thuận lợi để việc coi sóc mục vụ họ đạo được chu toàn thích đáng, Linh Mục chánh sở có thể có thêm một hoặc nhiều phó, các vị nầy, với tư cách là cộng sự viên của Linh Mục chánh sở và chia sẻ những lo lắng của Ngài, cùng Ngài bàn bạc và nghiên cứu, để thi hành thừa tác mục vụ, dưới quyền Ngài. (BGL, Điều 545 §1)

I. SỰ HIỆP THÔNG TRONG CÁC MỐI TƯƠNG QUAN

Điều 1: §1. Cha Sở Họ , vì là chủ chăn riêng của một Họ Đạo được ủy thác dưới quyền của Giám Mục Giáo phận, vì vậy, ngài phải là tác nhân của sự hiệp thông với Giáo Hội Hoàn Vũ cũng như với Giáo Hội Địa Phương, phải là gương mẫu của sự gắn bó với Huấn Quyền trường cửu và kỹ luật của Giáo Hội.

§2. Vì là chủ chăn trực tiếp, Cha Sở phải thi hành những bổn phận và trách nhiệm theo những quy định của Giáo Luật và với lương tâm của một mục tử yêu thương đoàn chiên, ngài phải cố gắng để cổ võ trách nhiệm của hết mọi người, ngỏ hầu tạo cho Họ Đạo thành một cộng đoàn sinh động.

§3. Cha Sở có thêm những cộng sự viên là giáo sĩ, chủng sinh hoặc các tu sĩ, ngài phải quan tâm chăm sóc họ như một người cha, người thầy, người anh; hướng dẫn và giúp đỡ họ không những về tinh thần mà cả về vật chất, để họ có thể chu toàn những trách nhiệm hoặc những công việc mà ngài đã trao phó cho họ. Ngài cũng có trách nhiệm đối với các cha phó biệt cư là những cộng sự viên hoạt động độc lập trong một vài phương diện mục vụ ở các họ nhánh.

Điều 2: §1. Cha phó là cộng sự viên của Cha Sở trong việc chăm sóc mục vụ. Ngài được Giám Mục Giáo Phận sai đến để cộng tác, học hỏi và cùng với Cha Sở chăm lo cho cộng đoàn đã được ủy thác cho các ngài. Để có thể chu toàn bổn phận, Cha phó, trước hết phải thực thi Đức Vâng Lời và kính trọng Cha Sở như người thầy, người cha của mình, khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm mục vụ, chia sẻ những ưu tư lo lắng mục vụ với Cha Sở.

§2. Mặc dù được tin tưởng trao phó đặc trách các công tác mục vụ hoặc chăm sóc các cộng đoàn nhỏ (họ nhánh, họ lẽ như Cha Phó Biệt Cư), các cha phó có bổn phận tường trình công việc và những chương trình mà ngài đã và sẽ thực hiện cho Cha Sở biết, để cùng bàn bạc, thống nhất và hổ trợ nhau hoàn thành trách nhiệm.

§3. Ngài cũng có những quyền lợi và bổn phận mà Bộ Giáo Luật quy định.

Điều 3: Tương quan trong Linh Mục Đoàn: vì là thành viên của Linh Mục Đoàn Giáo Phận, các Linh Mục thi hành chức Linh Mục Thừa Tác trong sự hiệp thông với Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm và với nhau trong Đức Ái Linh Mục. Các Linh mục phải luôn cộng tác chặt chẻ với Giám Mục Giáo Phận trong sự kính trọng, yêu mến và vâng phục; cùng chia sẻ với Giám Mục Giáo Phận những ưu tư lo lắng mục vụ, hoàn thành các trách vụ được giao phó, thăng tiến đời sống tín hữu trong cộng đoàn mà các ngài được sai đến, góp phần vào sự phát triển của Giáo Phận. Vì vậy:

§1. Ngoại trừ lý do chính đáng không thể lãnh trách nhiệm được, các Linh Mục cần phải tham gia các công tác mục vụ khi được mời ở cấp Giáo Phận, Giáo Hạt hoặc liên Họ Đạo.

§2. 1°. Các Linh mục phải tham dự đầy đủ vào những dịp hội họp chung có tính chất thường kỳ như: Tĩnh tâm hàng năm, Tĩnh tâm hạt, các kỳ thường huấn, các dịp lễ của Giáo Phận.

2°. Các Thánh Lễ Phong chức Linh Mục, Thánh lễ An táng Giáo sĩ... các Linh Mục trong Giáo Phận nên tham dự để thể hiện sự hiệp thông trong chức Linh Mục và Linh Mục Đoàn Giáo phận.

3°. Các Thánh lễ An táng Cha hoặc Mẹ của Linh Mục trong Giáo Phận... các Linh Mục trong Giáo Hạt nơi cha mẹ của Linh Mục cư ngụ và các Hạt lân cận, cũng như trong Giáo Hạt mà Linh Mục đó đang phục vụ phải tham dự. Các Linh Mục Hạt Trưởng có trách nhiệm thông báo và tổ chức cho các Linh Mục trong Giáo Hạt tham dự các Thánh lễ này.

§3. Các dịp hành hương kính Đức Mẹ, kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam...tại các trung tâm hành hương của Giáo Phận, các Linh Mục nên tham dự và khuyến khích giáo dân trong họ đạo của mình tham dự.

§4. Theo truyền thống của Giáo Phận, khi có một Linh Mục qua đời, tất cả các Linh Mục trong Giáo Phận dâng ba lễ cầu nguyện cho Linh Mục đó, giáo dân ở các Họ cầu hồn ba lễ để cầu nguyện cho Linh Mục qua đời.

§5. Các Linh Mục Hạt trưởng có trách nhiệm thông tin cho các cha trong Giáo Hạt của mình những thông báo từ Tòa Giám Mục, và liệu cách tổ chức để cho các cha trong Giáo Hạt có thể tham dự đầy đủ.

Điều 4: Tương quan với các cộng đoàn Tu sĩ nam, nữ đang phục vụ trong họ đạo:

§1. Các Tu sĩ ( nam, nữ ) là những người sống đời tận hiến, tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, làm chứng tá cho sức sống và sự thánh thiện của Giáo Hội. Các tu sĩ được Bề Trên sai đến để̉ cộng tác mục vụ với hàng giáo sĩ địa phương. Các vị này sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ được trao nếu như không có sự hổ trợ về tinh thần lẫn vật chất của các giáo sĩ tại địa phương. Cha Sở trong tư cách là chủ chăn và là người có trách nhiệm trong họ đạo của mình, ngài có bổn phận huấn luyện và trợ giúp cho các tu sĩ đang phục vụ trong họ đạo hoặc trong các họ nhánh thuộc phạm vi trách nhiệm của ngài có được một đời sống xứng đáng không chỉ về mặt tinh thần mà cả về vật chất.

§2. Trong khi điều hành mục vụ, các Linh Mục phải quan tâm lo lắng để có sự đoàn kết và thống nhất giữa hàng giáo sĩ và các tu sĩ. Tránh thái độ độc đoán, chuyên quyền, thiếu tôn trọng từ hai phía, gây nên gương mù gương xấu trong họ đạo.

§3. Để tỏ tình liên đới và khuyến khích ơn gọi, các Linh Mục nên hiện diện vào những dịp Lễ Khấn Dòng, Lễ an táng tu sĩ và cha mẹ tu sĩ.

II. CÁC NHIỆM VỤ LIÊN QUAN ĐẾN THỪA TÁC VỤ THÁNH:

A. NHIỆM VỤ GIẢNG DẠY:

Điều 5 : Về Mục Vụ huấn giáo:

§1. Việc giáo dục Đức Tin cho giáo dân, nhất là giới trẻ và thiếu nhi, cần phải được các mục tử quan tâm và lo lắng. Cha Sở phải trực tiếp hoặc phân công một vị trong những cộng sự viên chuyên trách về giáo lý cho mọi thành phần trong Họ Đạo bao gồm luôn các lớp giáo lý dự tòng.

§2. Các mục tử cần quan tâm đến nội dung dạy Giáo lý và việc đào tạo nhân sự để cộng tác trong việc dạy giáo lý trong họ đạo. Những người này phải luôn được huấn luyện, bồi dưỡng về giáo lý đức tin, về sư phạm giáo lý và những kỹ năng cần thiết để làm việc. Phải thường xuyên kiểm tra để góp ý và kịp thời sửa sai những lệch lạc trong giờ giáo lý của các lớp.

§3. Chương trình giáo lý của Họ Đạo nên theo chương trình thống nhất chung của Giáo Phận hoặc của Hội Đồng Giám Mục.

Điều 6: Mục Vụ Ơn Gọi:

§1. Việc huấn giáo không chỉ làm tăng trưởng Đức Tin mà còn làm phát triển ơn gọi nơi người tín hữu, nhất là nơi giới trẻ. Các mục tử cần quan tâm phát triển ơn gọi tu trì nơi người trẻ, bằng việc huấn luyện, giáo dục, giúp cho họ nhận ra ơn gọi của mình và quảng đại đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa trong bậc sống tu trì ( Linh Mục, Tu Sĩ ).

§2. Các mục tử cần quan tâm đến các gia đình thân nhân của các Linh Mục - Tu Sĩ trong Họ - thăm viếng và giúp đỡ khi cần - thể hiện sự hiệp thông anh em trong bậc sống tu trì đồng thời nêu gương sáng cho giáo dân trong Họ nhất là giới trẻ noi theo. Các ngài cũng phải lưu tâm huấn luyện và khuyến khích các bậc cha mẹ Công giáo sống nêu gương sáng cho con cái, bằng đời sống cầu nguyện, sống bác ái, chu toàn bổn phận, hướng dẫn - giáo dục và khuyến khích con cái họ dấn thân phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội trong bậc sống tu trì.

§3. Các mục tử nên thiết lập ban phụ trách ơn gọi trong Họ đạo, chọn lựa những người xứng đáng để làm việc trong ban này (có thể chọn người trong Ban Quới Chức) và hoạt động dưới sự hướng dẫn của Cha Sở hoặc Cha Phó họ đạo.

Điều 7: Về Mục vụ hôn nhân và gia đình: Trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, việc sống lẫn lộn giữa người Công giáo và các tôn giáo khác dẫn đến hôn nhân khác đạo là điều không tránh khỏi. Các mục tử cần lưu tâm trong việc giáo dục chuẩn bị hôn nhân cho các đôi hôn phối trong họ đạo (không chỉ các đôi Công giáo mà luôn cả các đôi hôn nhân khác đạo), giúp cho họ hiểu được ý nghĩa quan trọng của hôn nhân Công giáo, các bổn phận luân lý liên quan đến hôn nhân... Việc điều tra hôn phối phải được thực hiện cẩn thận ; đối với trường hợp xin chuẩn hôn nhân khác đạo , các ngài cần gặp gỡ và giải thích rõ ràng những điều kiện để được chuẩn cho cả hai đương sự. Khi hoàn tất hồ sơ, Cha Sở hoặc một cộng sự viên của ngài phải đích thân mang hồ sơ đến gặp Giám Mục Giáo phận, không sử dụng những phương tiện trung gian có thể làm thất lạc.

Điều 8: Về Mục Vụ Truyền Giáo : Truyền Giáo là bổn phận và là căn tính của Giáo Hội:

§1. Trong khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy, các Linh Mục, đặc biệt các Cha Sở và các công sự viên của ngài phải quan tâm đến bổn phận Truyền giáo của mình, lo lắng đến đời sống Đức Tin của người tín hữu, vì Đức Tin không có việc làm là Đức Tin chết (Jc 2,17), các Linh Mục cần phải lưu tâm đến việc huấn luyện Đức Tin và khuyến khích giáo dân sống chứng tá Tin Mừng trong môi trường sống của mình. Chính đời sống thánh thiện và bác ái của họ sẽ góp phần vào công việc rao giảng Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa.

§2. Ngoài ra, các sáng kiến liên quan đến việc Truyền giáo cần phải được các mục tử quan tâm và sử dụng ( các hoạt động bác ái xã hội, thăm viếng trợ giúp người nghèo, cứu trợ hoặc trợ vốn chăn nuôi, khuyến học, giáo dục, nhà trẻ, giới thiệu công việc đến những cơ sở sản xuất kinh doanh trong họ đạo... ). Các mục tử không chỉ thực hiện nhưng cũng cần phải huấn luyện và khuyến khích giáo dân trong họ tham gia vào công việc này (nhất là các biện sở trong Ban Quới Chức, các thành viên trong các hội đoàn, các giới...).

B. NHIỆM VỤ THÁNH HÓA

Vì Phụng Vụ là nguồn gốc và tột đỉnh của mọi hoạt động trong Giáo Hội, nhưng không phải là một hoạt động độc hữu hay hoạt động của cá nhân. Vì vậy các mục tử cần phải lưu tâm sao cho việc cử hành Phụng Vụ theo đúng những quy luật mà Giáo Hội đã ấn định. Ngoài ra, các ngài cần lưu ý:

Điều 9 : §1.Thời gian cử hành phụng vụ: nhất là trong Thánh lễ, các Linh Mục cần phải tuân thủ một khi đã ấn định giờ giấc cử hành. Các ngài phải có mặt trong Nhà Thờ trước giờ ấn định, để xem xét sắp xếp chu đáo và nhất là để chuẩn bị tâm hồn sốt sắng dâng Thánh lễ hoặc cử hành các Bí tích.

§2. Thói quen tốt lành cử hành Bí Tích Giải Tội trước Thánh lễ cần được các mục tử duy trì. Nhu cầu thanh tẩy tâm hồn của người giáo dân là một nhu cầu tốt lành và thánh thiện, các mục tử không được từ chối giúp đỡ họ. Các ngài cũng phải khuyến khích giáo dân trong họ đạo siêng năng lãnh nhận các Bí Tích và tham dự Thánh lễ trong những dịp có tính cách đặc biệt trong họ đạo như: các lễ trọng, lễ Bổn Mạng họ đạo, Thánh lễ hôn phối hoặc an táng ...

Điều 10: Trong hoàn cảnh hiện nay, việc mặc tu phục khi di chuyển bên ngoài khuôn viên nhà thờ hoặc nhà xứ là một trở ngại, tuy nhiên, không phải vì thế mà bỏ đi việc mặc tu phục khi cử hành Phụng Vụ. Các Linh Mục phải có tu phục chỉnh tề khi cử hành các nghi thức Phụng Vụ. Các đồ vật thánh dùng trong Phụng Vụ phải được lau chùi và bảo quản sạch sẽ; các khăn thánh và các áo phụng vụ phải được giặt ủi thường xuyên. Đây là công việc không chỉ nói lên lòng tự trọng của mỗi cá nhân nhưng cũng nói lên sự kính trọng của các ngài đối với các hành vi thờ phượng và sự tôn trọng cộng đoàn tín hữu tham dự.

Điều 11: Các Linh Mục cần lưu tâm trong các việc phụng vụ hoặc các việc đạo đức cá nhân như: Giờ Kinh Phụng Vụ, viếng Thánh Thể, lần chuổi...Cũng vậy, việc suy gẫm và chuẩn bị bài giảng phải là một thói quen tốt lành và thường xuyên của mỗi Linh Mục. Các động tác trong khi cử hành Phụng Vụ phải được thực hiện với thái độ trang nghiêm và ý thức, tránh thái độ qua loa, chiếu lệ hoặc làm những động tác thừa thải, phô trương, gây lo ra chia trí cho cộng đoàn tín hữu đang tham dự.

Điều 12: Nhằm tránh những lạm dụng và làm giảm đi ý nghĩa cao trọng của Bí Tích Thánh Thể, việc dâng Thánh lễ tại tư gia phải được Đức Giám Mục Giáo phận đồng ý cho phép. Các Linh mục khi dâng lễ tại các tư gia phải có bổn phận xem xét sự chuẩn bị Thánh lễ đúng theo quy định của luật Phụng Vụ và phải giải thích rõ ràng cho cộng đoàn tín hữu tham dự.

C. NHIỆM VỤ CAI QUẢN:

Điều 13: Luật về cư sở: là chủ chăn trực tiếp chăm sóc đoàn chiên, nên các Linh Mục phải luôn hiện diện trong họ đạo của mình. Vì vậy:

§1. Ngoài những việc cần thiết liên quan đến mục vụ như: thăm viếng mục vụ, đi ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân, trao Mình Thánh Chúa, chủ sự các nghi thức an táng, chủ sự giờ kinh tối trong các khu xóm... hoặc phải tham dự các dịp chung đã nói trong điều 3, các Cha Sở và các cộng sự viên của ngài (Cha phó, thầy phó tế, thầy giúp xứ...) không nên rời khỏi nhà xứ, tránh gây khó khăn cho công việc mục vụ. Khi đi vắng các cha nên thông báo cho nhau để biết và tiện việc sắp xếp khi cần kíp.

§2. Khi đi vắng lâu ngày khỏi họ đạo, các Linh Mục phải lo liệu để có người thay thế trước khi thông báo với bề trên Giáo Phận:

Đi vắng từ 3 đến 6 ngày ( không tính ngày Chúa Nhật ), các Linh Mục phải thông báo cho Linh Mục Hạt Trưởng. Nếu Linh Mục Hạt Trưởng đi vắng phải thông báo cho Đấng Bản Quyền Giáo Phận.

Trên 6 ngày phải có sự đồng ý của Giám Mục Giáo Phận .

Điều 14: Về tổ chức nội bộ nhà cha sở:

§1. Văn phòng Họ Đạo: Mỗi họ đạo cần phải có một văn phòng hoặc nơi tương xứng để tiếp đón giáo dân và giải quyết các việc mục vụ. Cần phân biệt văn phòng họ đạo và phòng riêng của các Linh Mục. Việc tiếp khách tại phòng riêng phải được quy định rõ ràng trong nội quy nhà xứ do Cha Sở và các cộng sự viên thống nhất.

§2. Văn khố họ đạo : Mỗi họ đạo phải có văn khố hoặc tủ đựng tất cả hồ sơ, văn kiện của Tòa Thánh và của Giáo Phận và sổ sách của họ đạo. Cha sở và các cộng sự viên phải lưu tâm trong việc ghi chép cẩn thận và bảo quản các loại sổ sách bao gồm: Sổ Rửa Tội, Sổ Thêm Sức, Sổ Hôn Phối, Sổ Tử, Sổ Lễ, Sổ Tài Chánh, Sổ Tài Sản cùng với các văn bản chứng từ liên quan đến tài sản của họ đạo ... Các loại sổ sách này phải được Linh Mục Hạt Trưởng ký sổ kiểm tra định kỳ . Các loại sổ: Sổ Rửa Tội, Sổ Thêm Sức, Sổ Hôn Phối, Sổ Tử phải làm thêm một bản sao gởi về văn phòng Toà Giám Mục. Riêng Sổ Tài Sản cùng với các văn bản chứng từ liên quan đến tài sản chung của họ đạo phải làm thành ba bản: một bản lưu tại họ đạo, một bản gởi về cho Hạt Trưởng và một bản gởi về cho văn phòng Tòa Giám Mục, nhất là các chứng từ có tính cách pháp lý - sở hữu, khi photocopy phải có công chứng thị thực hợp pháp.

§3. Nội quy nhà xứ hay nhà cha sở : Cha Sở và các cộng sự viên của ngài nên có một nội quy thống nhất cho các sinh hoạt trong nhà, nội quy này sẽ bao gồm những quy định liên quan đến giờ giấc sinh hoạt chung, phân công trách nhiệm của từng cá nhân trong nhà xứ, các chương trình làm việc có tính cách định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng, việc đóng góp tài chánh của mỗi cá nhân cho những sinh hoạt chung trong nhà xứ (trong trường hợp các họ đạo mà khả năng tài chánh eo hẹp)... Ngoài ra, nếu ở các họ đạo có đông Linh Mục phục vụ và các thầy giúp họ, Cha Sở nên tổ chức các buổi họp chung định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng để cùng nhau học hỏi, tổng kết, phân công các công việc mục vụ của mỗi cá nhân, bàn luận các chương trình mục vụ cho họ đạo ...

Điều 15: Tổ chức họ đạo: Việc chăm sóc mục vụ không thể thành công nếu không có sự tham gia của mọi thành phần Dân Thiên Chúa. Vì vậy, Cha Sở và các cộng sự viên phải chú ý nhiều đến các cộng tác viên giáo dân trong họ đạo: Ban Quới Chức, các hội đoàn, các giới, các nhóm phục vụ trong họ đạo... các ngài cần phải quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện để cho họ cộng tác, hướng dẫn họ đời sống đạo đức và các kỹ năng hoạt động theo quy luật của mỗi nhóm. Các cộng tác viên giáo dân dù chỉ có chức năng tư vấn, nhưng không vì thế mà các Linh Mục bỏ qua những ý kiến đóng góp khôn ngoan của họ, các ngài cần lắng nghe, đối thoại trước khi quyết định các công việc trong họ đạo, cần tránh óc bè phái gây chia rẽ trong nội bộ các nhóm. Hàng năm, Cha Sở nên tổ chức các cuộc huấn luyện hoặc tĩnh tâm chung cho các nhóm nhằm nâng cao khả năng hoạt động Tông Đồ giáo dân của họ.

Điều 16: Về Mục vụ thăm viếng:

§1. Trong tư cách của một mục tử, các Linh Mục phải hiểu rõ đoàn chiên mà các ngài được trao phó chăm sóc. Việc thăm viếng các gia đình để hiểu rõ hoàn cảnh và khuyến khích họ sống chứng nhân Tin Mừng trong khu xóm của mình, lưu tâm đến những người già neo đơn, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình nguội lạnh, rối rắm, trẻ mồ côi, các bệnh nhân ... là công việc không thể thiếu được của các mục tử.

§2. Ngoài việc thăm viếng, các mục tử cần quan tâm đến việc bác ái xã hội, xem xét đến nhu cầu cần trợ giúp của những gia đình gặp khó khăn.

§3. Khi đi thăm viếng, cần có sự tháp tùng của quới chức phụ trách khu xóm đó. Nên tổ chức thăm viếng thường xuyên hoặc trong những dịp đặc biệt như: lễ, tết, tang chế của gia đình đó.... phải tránh những việc gây phiền nhiễu hoặc tạo cớ gây chia rẽ trong họ đạo.

§4. Để cho việc thăm viếng được đúng ý nghĩa của nó, các mục tử cần phải lưu tâm đến thái độ tiếp xúc của mình, các ngài phải tránh tham dự vào những cuộc vui say sưa quá chén gây nên gương mù gương xấu cho giáo dân. Cần hạn chế việc tham dự những dịp đặc biệt trong gia đình giáo dân ( đám cưới, giổ chạp, tang chế....) để tránh gây nên sự chia rẽ - bất hoà của các gia đình trong họ đạo.

III. LIÊN QUAN ĐẾN ĐỜI SỐNG LINH MỤC

Điều 17: Về đời sống của các Linh Mục: Linh Mục là hiện thân của Chúa Kitô Khó Nghèo, Vâng Phục và Toàn Hiến cho Sứ vụ, cho nên các ngài cần tránh thái độ sống đua đòi xa hoa, phung phí trong khi họ đạo còn quá nhiều người cần sự giúp đỡ của các ngài. Các ngài cũng cần phải tránh thái độ đòi hỏi quá mức hoặc những nhu cầu không cần thiết gây nên gánh nặng đối với người giáo dân.

Điều 18: Việc thuyên chuyển các Linh mục:

§1. Sau khi nhận được bài sai từ Đức Giám Mục Giáo Phận, các linh mục phải lo hoàn tất mọi công việc liên quan đến việc thuyên chuyển, việc bàn giao phải được tiến hành một cách cẩn thận: Cha Phó phải bàn giao cho Cha Sở, Cha Sở cựu phải bàn giao cho Cha Sở mới với sự hiện diện của Cha Hạt trưởng tất cả những sổ sách và những gì liên quan đến tài sản của họ đạo. Sau nghi thức nhậm chức, với sự khôn ngoan của ngài, Cha Sở tân nhiệm nên dành một thời gian để thăm viếng, làm quen và ổn định các công việc trong họ đạo trước khi tái tổ chức họ đạo theo ý ngài.

§2. Theo GL 538 § 3, các Linh mục đến tuổi 75, nên làm đơn xin nghỉ hưu gởi về Tòa Giám Mục và chờ được sự quyết định của Đức Giám Mục Giáo Phận.

Điều 19: Về việc tham gia các công việc hay các tổ chức xã hội : Trong hoàn cảnh hôm nay, khi xã hội ngày càng phát triển, mức sống và trình độ văn hoá và nhận thức của người giáo dân được nâng cao. Vì thế, các công việc xã hội nên để cho người giáo dân tham gia , các mục tử nên chọn lựa người có phẩm chất xứng đáng, có danh thơm tiếng tốt, có đủ trình độ và uy tín để tham gia các công việc xã hội thay thế các ngài. Các ngài sẽ có nhiều thời gian để nghiên cứu học hỏi và chăm sóc họ đạo. Việc thăng tiến họ đạo và làm cho nó ổn định và phát triển là một hình thức tham gia tốt nhất của các ngài đối với các hoạt động xã hội.

IV. KẾT

Điều 20: §1. Cùng với những quy định của Bộ Giáo Luật 1983, quy chế này được áp dụng cho tất cả hàng Giáo Sĩ đang làm việc tại các Họ Chánh và Họ Nhánh, Họ Lẽ, cũng như các Tuyên Úy trong các Cộng Đoàn Tu Sĩ Nam, Nữ trong Giáo Phận Vĩnh Long.

§2. Vì tình yêu Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm và vì phần rỗi các linh hồn, các quy chế nêu trên có giá trị như là người bạn đường nhắc nhở các mục tử trên con đường thánh hiến, không chỉ thánh hiến đời sống của mỗi cá nhân Linh Mục mà còn thánh hiến tất cả các linh hồn tín hữu mà các ngài được sai đi chăm sóc. Nguyện xin Mẹ Maria là Mẹ của hàng giáo sĩ luôn cầu bầu trước mặt Chúa cho tất cả chúng ta.

NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT:

BGL: Bộ Giáo Luật.
CNLM: Chỉ Nam Thừa Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục.
GD: Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân.
GLCG: Giáo Lý Công Giáo.
LM: Sắc Lệnh Về Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục.
MK: Hiến Chế Mạc Khải.|
MVGM: Sắc Lệnh Về Nhiệm Vụ Mục Vụ Của Các Giám Mục Trong Giáo Hội.
PV: Hiến Chế về Phụng Vụ.

SÁCH THAM KHẢO

1. Xem BGL 1983 , Điều 1008.
2. Bộ Giáo Sĩ, Chỉ Nam Thừa Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục, ngày 31-10-1994, và Linh Mục - Mục Tử và Nhà Lãnh Đạo Cộng Đoàn, ngày 04-08-2002
3. Xem BGL 1983 , Điều 273 - 289; Bộ Giáo Sĩ, CNLM, số 20 - 2 9, 31.
4. Xem BGL 1983, Điều 528 - 537.
5. Xem CĐ Vat II, MVGM, số 30; BGL 1983, Điều 545 - 552.
6. Xem Bộ Giáo Sĩ, CNLM, số 20 - 27.
7. Xem BGL 1983, Điều 275 § 1.
8. Xem CĐ Vat II, LM, số 7; BGL 1983, Điều 273.
9. Xem BGL 1983, Điều 274 § 2. 
10. Xem BGL 1983, Điều 276 § 2, 1°.
11. Xem BGL 1983, Điều 279 § 2; 555 § 1, 2.
12. Xem CĐ Vat II, MVGM, số 17; Bộ Giáo Sĩ, CNLM, số 31.
13. Xem CĐ Vat II, PV , số 35; MVGM, số 30.
14. Xem BGL 1983, Điều 528 § 1; 757; 764; 767-771; 773; 776 - 777; 779 - 780 .
15. Xem CĐ Vat II, LM, số 11; BGL 1983, Điều 233 § 1, 2; Điều 234; Bộ Giáo Sĩ, CNLM, số 13.
16. Xem BGL 1983, Điều 1063; 1128.
17. Xem BGL 1983, Điều 1066 -1067.
18. Xem BGL 1983, Điều 1086; 1125 - 1126.
19. Xem BGL 1983, Điều 528 § 1; 771 §2, 781; 785; 789; 790-791; 794-795.
20. Xem CĐ Vat II, MK, số 1, 9, 48; PV, số 14, 41- 46; MVGM, số 30; BGL 1983, Điều 528 § 2; 835 § 2, 3; 837 - 838.
21. Xem CĐ Vat II, MVGM, số 30.
22. Xem BGL 1983, Điều 283; 533 § 1,2; 550.
23. Xem BGL 1983, Điều 533 § 2: " Trừ khi có lý do quan trọng, hằng năm linh mục chính xứ được phép vắng mặt tại giáo xứ để đi nghỉ, tối đa là một tháng liên tục hoặc cách quãng; những ngày Linh mục chính xứ tĩnh tâm một lần hằng năm không kể vào thời gian đi nghỉ nầy; nhưng hễ vắng mặt khỏi giáo xứ hơn một tuần lễ, thì Linh mục chính xứ phải báo cáo với vị Thường quyền sở tại. (Nisi gravis obstet ratio, parocho, feriarum gratia, licet quotannis a paroecia abesse ad summum per unum mensem continuum aut intermissum; quo in feriarum tempore dies non computantur, quibus semel in anno parochus spirituali recessui vacat; parochus autem, ut ultra hebdomadam a paroecia absit, tenetur de hoc loci Ordinarium monere. )»

24. Xem BGL 1983, Điều 535.
25. Xem BGL 1983, Điều 535, 877, 895, 958, 1121, 1284.
26. Xem BGL 1983, Điều 532-537; 1281 - 1288.
27. Xem BGL 1983, Điều 555 § 1, 4.
28. Xem Bộ Giáo Sĩ, CNLM, số 28 - 29.
29. Xem ĐGH JP II, GD, số 15-17, 20, 24, 26 - 29; BGL 1983, Điều 275 § 2, 536 - 537.
30. Xem CĐ Vat II, MVGM, số 30; LM, số 6, 9; BGL 1983, Điều 529.
31. Xem CĐ Vat II, LM, số 17; BGL 1983, Điều 277; 282.
32. Xem BGL 1983, Điều 522-523; 538; 1740-1744; 1747-1752.
33. Xem BGL 1983, Điều 285 - 287; Bộ Giáo Sĩ, CNLM, số 33.
34. Xem GLCG, số 2442; BGL 1983, Điều 227.

712    13-04-2011 15:52:28