Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Rao Giảng Tin Mừng Bằng Đời Sống Chứng Nhân - Tháng 04 năm 2002

Chủ đề: RAO GIẢNG TIN MỪNG BẰNG ĐỜI SỐNG CHỨNG NHÂN

 

I. LỜI CHÚA : Ga 1, 35-42

Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi : “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp : “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy) Thầy ở đâu ? Người bảo họ : “Đến mà xem”. Họ đã đến xem chổ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

Ông Anrê, em ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp anh mình là ông Simôn và nói : “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói : “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô).

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Nhiệm vụ của Gioan Tẩy Giả là giới thiệu Đức Giêsu như Đấng Cứu Tinh mong đợi, cho dân chúng. Người thời nay đang kiếm tìm một ai đó có thể mang lại cho họ sự an toàn trong một thế giới đầy bất ổn. Anrê chấp nhận lời chứng của Gioan về Đức Giêsu và mau mắn đi giới thiệu với anh mình là Phêrô, rồi dẫn ông đến với Ngài, để ông cũng được gặp Ngài.

Nhiệm vụ của người Kitô hữu hôm nay cũng là giới thiệu Chúa cho anh em mình, trước hết, bằng chính đời sống chứng tá đức tin của mình.

III. CHUYỆN MINH HỌA

SỐNG VÀ CHIA SẺ NIỀM TIN

Đức Tổng Giám Mục Helder Camara của Braxin, có lần đã chia sẻ kinh nghiệm như sau :
Tôi có người anh lớn hơn tôi năm tuổi, đã rửa tội từ lúc mới sinh, và từng theo học nhiều năm trong trường dòng. Nhưng lớn lên, anh bắt đầu bê trễ, bỏ đọc kinh, bỏ dự lễ, và cuối cùng bỏ đạo.
Sau khi tôi thụ phong linh mục, anh cùng với tôi sống chung với người chị độc thân. Mỗi lần biết tôi sắp đi giảng tĩnh tâm, anh lại hỏi :
Hôm nay chú nói về đề tài gì ?
Tôi lại có dịp giải thích cho anh những điều mình sắp giảng. Anh chỉ lắng nghe, không bình luận.
Tám năm sau, anh mắc căn bệnh hiểm nghèo. Biết mình sắp chết, anh gọi tôi lại và nói.
Lâu nay, tôi quan sát thấy không có sự cách biệt giữa lời chú giảng và việc chú làm. Vậy xin hỏi chú, tôi có thể dựa vào đức tin của chú để Rước lễ không ?
Tôi trả lời :
Em tin là Chúa lòng lành vô cùng sẽ đoái thương anh.
Bấy giờ, anh tôi nói trong nỗi xúc động :
Ngay bây giờ thì chưa được đâu, vì tôi chưa xưng tội.
Tôi định tìm cho anh một linh mục khác nhưng anh đòi xưng tội với tôi. Sau khi Rước lễ xong, anh thều thào trong nước mắt.
Tôi tin tôi tin chú ạ. Bây giờ tôi tin, không phải dựa vào đức tin của chú, mà tôi thực sự xác tín rằng Chúa yêu thương tôi !
Ít phút sau đó, anh đã ra đi trong bình an thanh thản.

IV. DIỄN NGHĨA

Có một điều thú vị là dường như mỗi lần Tin Mừng Gioan đề cập đến Anrê thì liền sau đó Anrê lại dẫn một ai đó đến giới thiệu với Đức Giêsu. Ngay sau khi gặp Đức Giêsu, qua lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả, Anrê mau mắn đi giới thiệu với anh mình và còn dẫn anh mình đến gặp Đức Giêsu.

Rồi sau đó, Anrê đã dẫn cậu bé có “năm chiếc bánh và hai con cá” giới thiệu với Đức Giêsu, để rồi sau khi cầu nguyện tạ ơn, Người đã biến khẩu phần ăn riêng của cậu bé thành bửa ăn tập thể nuôi sống hơn năm ngàn người.

Lần thứ ba, chúng ta gặp lại Anrê lúc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối. Có mấy người Hy Lạp đến xin gặp Người. Cũng chính Anrê là người đã giới thiệu họ đến gặp Đức Giêsu.

Chính nhờ Anrê mà Phêrô được gặp gở Đức Giêsu và trở thành Tông đồ đá tảng của Hội Thánh. Cũng chính nhờ Anrê mà hơn năm ngàn người đã chứng kiến được phép lạ hóa bánh ra nhiều cách lạ lùng.

Giới thiệu Chúa cho anh em mình là nhiệm vụ đức tin của mỗi người Kitô hữu. Một đức tin khởi phát từ Đức Kitô phục sinh mà chúng ta nhận lãnh qua lời chứng của các Tông đồ, do các ông đã từng thấy Đức Kitô phục sinh.

Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng hay điều kiện thích hợp để nói về Chúa cho người khác. Cha Charles de Foucauld quả quyết : “Chỉ có một số người có khả năng làm chứng bằng lời nói, nhưng mọi người đều có thể làm chứng bằng đời sống lương thiện, gương mẫu và bằng đời sống Kitô hữu sinh động”.

Trường hợp Đức Tổng Giám Mục Helder Camara của Braxin trong câu chuyện trên đây là một điển hình. Chắc hẳn đời sống đức tin sinh động của ngài đã lôi kéo người anh của mình có lại niềm tin vào Chúa hơn là những lời nói : “Tôi quan sát thấy không có sự cách biệt giữa lơi chú giảng và việc chú làm. Vậy xin hỏi chú, tôi có thể dựa vào đức tin của chú để Rước lễ không?”.

Một đời sống tốt phản ánh đức tin sáng ngời có sức thuyết phục người khác hơn biết bao lời nói suông như lời Đức Giáo Hoàng Phaolô Vi nhận xét : “Con người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn các bậc thầy, hoặc nếu có nghe các bậc thầy, là vì các bậc thầy nầy là những chứng nhân”.

Lịch sử Hội Thánh công giáo được viết bằng máu của các Thánh Tử đạo . Thời đại nào, trang sử nào của Hội Thánh cũng được viết bằng máu các Thánh Tử đạo. Thật vậy, không phải chỉ có ngày xưa, lâu lắm rồi, cha ông chúng ta, những người sống niềm tin trước chúng ta mới đổ máu để làm chứng cho đức tin của mình.

Theo Hãng Thông Tấn Fides : Từ năm 1980-1989 có 115 linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo dân đã bị giết; Từ năm 1990-2000 có 604 nhà truyền giáo bị giết chết, trong số đó có 248 vị đã chết do nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994; Năm 2001 có 33 nhà truyền giáo bị giết gồm 25 linh mục, 5 nữ tu, 1 chủng sinh, 1 giáo dân và một thiện nguyện viên; Năm 2002 có 1 Tổng Giám mục và 2 linh mục bị giết tại Châu Phi.

Việc các chứng nhân anh dũng sẳn sàng chịu chết vì đạo minh chứng hai điều : một là Đức Kitô phục sinh là Chúa thật, vì chẳng ai dại gì đi chết cho một huyền thoại hay một ảo tưởng hai là chính việc liều mạng sống của các Thánh Tử Đạo là lời chứng hùng nồn nhất cho niềm tin của các Ngài vào Đấng Phục sinh, đồng thời đánh động niềm tin của chúng ta vào Ngài : “Máu các Thánh Tử Đạo trổ sinh người công giáo”.

1. Sống Tin Mừng Phục sinh

Không ai có thể cho cái mà mình không có. Thật vậy, ánh sáng chỉ tỏa lan khi ngọn đèn cháy sáng. Muốn cho người ta tin Chúa, chúng ta cần phải tin mãnh liệt, phải sống niềm tin của mình, một niềm tin khởi phát từ cuộc Phục sinh của Đức Kitô.

Ngôi mộ trống rỗng và những lần hiện ra của Đức Giêsu cho các Tông đồ minh chứng rằng Người đã thực sự sống lại. Đó là một sự kiện. Một sự kiện có thật đã xãy ra cách đây 2002 năm. Tuy nhiên, sự thật ấy có tác động gì đối với tôi không đó mới là điều quan trọng ? Bởi vì cũng giống như mưa từ trời rơi xuống cho hết mọi người, nhưng kẻ thì hứng nước bằng lu, kẻ khác bằng một cái thau nhỏ, kẻ khác nữa lại không nhận được một giọt nước nào, vì anh ta chẳng có gì hoặc chẳng muốn hứng lấy nước.

Qua cái chết và cuộc Phục sinh của Người, Đức Kitô đã thiết lập ơn cứu độ cho chúng ta, Ngài đã phá đổ rào chắn của tội lỗi và sự chết, mở lối đưa chúng ta về trời, bằng cách nối dòng nhựa hiệp thông ân sũng cho chúng ta. Nhưng được rỗi hay không là tùy ở thái độ dấn thân tin tưởng của mỗi người chúng ta. Thánh Augustinô nói : “Để dựng nên chúng ta, Chúa không cần đến chúng ta; nhưng để cứu chuộc chúng ta, Chúa cần đến sự cộng tác của chúng ta”. Mỗi người phải tự mình quyết tâm sống theo đường lối của Chúa, thì mới được ơn cứu rỗi cho chính mình.

Cũng thế, nếu ta tin mãnh liệt và thể hiện niềm tin ấy qua đời sống, qua cách nghĩ, qua lời nói, qua hành động của mình, sao cho người khác nhận thấy chúng ta thật là người “tín hữu”, có Chúa Kitô nơi mình, thì mới mong giới thiệu Chúa cho anh em mình, theo cách thế thích hợp của bậc sống mỗi người.

Thân xác Chúa Kitô Phục sinh biến đổi trở nên thiêng liêng. Cũng chính thân xác đã từng sống khoảng 33 năm nơi trần thế, từng chịu đánh đòn, đội mão gai, vác thập giá, thân xác của Vị Thầy đáng mến mà các Tông đồ ba năm qua từng gặp gỡ, chung sống với biết bao kỷ niệm ấy, giớ đây không còn lệ thuộc bởi không gian và thời gian nữa. Ngài có thể xuất hiện ở nhiều nơi cùng một lúc. Ngài có thể vào phòng nơi các môn đệ cầu nguyện trong khi cửa vẫn đóng kín. Ngài có thể hiện ra và biến đi bất cứ lúc nào. Đó là một trong những lý do khiến các Tông đồ cảm thấy bỡ ngỡ mỗi lần Chúa hiện ra vời họ. Đức Kitô Phục sinh là bảo chứng vững chắc rằng ngày sau hết thân xác của những ai tin vào Chúa cũng sẽ được biến đổi thiêng trong vinh quang như vậy.

Chúa Kitô Phục sinh mời gọi chúng ta đỗi mới con người của mình: Một niềm xác tín mới, mãnh liệt hơn đến độ sống chết đến cùng cho Chúa như các tiền nhân Tử Đạo của chúng ta. Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối, do đó, điều gì thuộc về Người, chạm đến Người cũng là tuyệt đối. Ngài đòi hỏi chúng ta “yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết cả trí khôn”. Và chúng ta không phải tìm đâu xa cách thế thể hiện niềm tin sắt đá của mình.

Chính trong môi trường hằng ngày, qua những giao tiếp với những con người bình thường mà chúng ta gặp gỡ trong gia đình, nơi công sở, trong xí nghiệp, trên đồng ruộng … mà chúng ta sống niềm tin của mình, một niềm tin được đổi mới hằng ngày nhờ ơn Phục Sinh của Chúa Kitô. Sống niềm tin mãnh liệt vào Đức Kitô Phục sinh tự nó đã là lời giới thiệu về Chúa cho anh em mình. P. Babin nói : “Người ta chỉ có thể tin vào Đức Kitô khi họ tin vào tình yêu của những kẻ loan báo Người”.

2. Sự hiện diện âm thầm cảm thông

Là những Kitô hữu sống cuộc đời bình thường giữa người con người bình thuờng, chúng ta có thể giới thiệu Chúa cho anh em mình theo cách thế thường tình nhất mà ai cũng có thể làm, dĩ nhiên là với quyết tâm, đó là hiện diện bên cạnh người khác với niềm cảm thông, chia sẻ, khi vui, lúc buồn của cuộc sống. Vì cảm thông là chạm đến chiều sâu tâm hồn của người khác, nghe được tiếng lòng của nhau, là cảm nhận những gì thầm kín đang diễn ra tận đáy lòng của nhau, dù nhiều khi không nói ra lời.

Một em học sinh đi thăm gia đình của một bạn cùng lớp vừa qua đời. Khi vừa về đến nhà, cha em hỏi:
“Sao con ở đó làm gì lâu qúa vậy ?”
Em học sinh trả lời :
” Con ở lại để an ủi mẹ của bạn con”
Người cha tiếp tục hỏi :
” Nhưng con có thể làm được gì để an ủi họ ?”
Em nhỏ thưa với cha mình :
” Dạ con chỉ ngồi cạnh mẹ của bạn con và cùng khóc với bà”.
Người ta thường nói : “Niềm vui được trao tặng thì sẽ tăng gấp đôi, và nỗi buồn được chia sẻ sẽ giảm đi một nửa”. Sự cảm thông làm cho người ta xích lại gần nhau, thuơng nhau hơn và dễ quên đi những tỵ hiềm đố kỵ nhỏ nhen đời thường.

Sự hiện diện âm thầm của Thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Giêsu và Mẹ Maria là một minh chứng tuyệt vời . Chúng ta có thể kể đến sáu lần Kinh Thánh nhắc đến Thánh Giuse, mà mỗi lần nói đến là mỗi lần chúng ta thấy sự hiện diện của Ngài là cần thiết để giải quyết một khó khăn nào đó cho Thánh Gia : Sứ thần báo mộng cho Giuse biết mầu nhiệm thánh ý Chúa để ông nhận Maria đang có mang Chúa Giêsu về nhà mình; Ngài vất vả đưa Đức Maria trong những ngày sắp sinh con về Bêlem để làm sổ kiểm tra dân số; Ngài hiện diện trong hang bò lừa bên cạnh Chúa Giêsu mới sinh, khi các mục đồng đến viếng; Cùng với Đức Maria, Ngài đưa trẻ Giêsu khi được 40 ngày, trình diện tại đền thờ; Ngài đưa trẻ Giêsu cùng mẹ Người trốn sang Ai cập để tránh cơn giân dữ của Hêrôđê; Sau ba ngày tìm kiếm, cùng với Đức Mria, ngài đã gặp lại Chúa Giêsu trong đền thờ, năm Chúa lên 12 tuổi. Và Ngài đã âm thầm qua đời trong quảng đời ẩn dật của Chúa Giêsu, vì sau đó không thấy Kinh Thánh đề cập đến Ngài nữa.

Một sự hiện diện âm thầm khiêm hạ, nhưng đầy ắp những tận tụy lo toan, bảo bọc Thánh gia, nhất là trong những lúc khó khăn. Thánh Giuse chính là chổ dựa, là điểm tựa bình yên cho Chúa Giêsu và Mẹ Mara.

L. Moody nói : “Các ngọn hải đăng không thổi còi ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng”. Chúng ta cũng hãy là điểm tựa cho anh em bằng sự hiện diện âm thầm đầy tình người của mình hầu khi cảm nhận được lòng tốt của chúng ta, mọi người tin nhận Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ.

3. Nói về Chúa bằng cách lắng nghe

Thông thường thì muốn cho ai đó nghe biết một thông tin, chúng ta cần phải nói. Lời nói chuyển trao sứ điệp. Tuy nhiên, đôi khi lời nói lại mất tác dụng của nó là chuyễn tải thông tin, vì người đời không thích nghe hoặc không muốn nghe. Vả lại, con người thích được nói hơn là nghe nói.

Khi chúng ta lắng nghe ai với sự quan tâm và tập trung chúng ta sẽ nghe được cảm xúc của người nói. Bởi vì chính ánh mắt, chất giọng và cử chỉ của người nói chuyễn tải nội dung phong phú không thua kém ngôn ngữ bằng lời. Lắng nghe với thái độ và tâm tình như vậy là ngầm nói với người khác tôi mong muốn được hiểu bạn, tôi sẳn sàng chia sẻ những vui buồn của bạn, tôi tôn trọng bạn. Một người biết lắng nghe là một người bạn vàng.

Biết lắng nghe là chạm được vào chổ thâm sâu trong tâm hồn người khác, là thiết lập sự đồng cảm dựa trên sự tín thác. Vì người nói muốn thổ lộ tâm tình mình cho một ai đó mà họ tin tưởng. Và một khi đã tín nhiệm nhau rồi người ta dể chấp nhận nhau hơn. Từ chổ hiểu nhau, thông cảm, tín nhiệm đến chổ chấp nhận lối sống, niềm tin của người đối thoại không phải là con đường quá xa. Bởi vì, không thể có sự truyền thông đích thực, nếu người ta không biết lắng nghe.

Nhà hài hước Ambrose Bierce định nghĩa một người đáng chán là “một người thao thao nói trong khi bạn muốn anh ta lắng nghe”. Như vậy, lắng nghe là một nghệ thuật để hiểu nhau, hầu đáp ứng đúng những khát vọng mà người khác đang mong ước.

Muốn giới thiệu Chúa cho người khác một cách hữu hiệu chúng ta cần phải biết lắng nghe họ.

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin cho con biết sống thánh bằng cách sống tốt đời sống tín hữu của con và xin biến đổi đời sống con nên sự hiện diện đầy Chúa cho anh em con. Amen

VI. HỌC LỜI CHÚA : Ga 1, 41-42

”Trước hết, Anrê gặp anh mình là Simôn và nói : “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giêsu”.

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

CÁCH THỨC LÀM CHỨNG

Tại Italia, có một cộng đoàn gọi là cộng đoàn Thánh Edigio.Một hôm, một người trong cộng đoàn này dẫn một người bạn Tin Lành vào thăm một nhà thương tư. Người thanh niên của cộng đoànThánh Egidio này, theo lời kể của người bạn Tin Lành, đi từ giường này đến giường kia, đi đến đâu anh cũng được các bệnhnhân reo mừng đón tiếp thật nhiệt tình. Anh ôm hôn từng bệnhnhân một, anh ngồi lại với mỗi người chừng một, hai phút, trao đổi vài câu vui đùa, hoặc một chuyện gì quan trọng có liên quan đến một việc cần làm cho người nằm viện. Rồi anh lại ôm họ trước khi đi đến với người khác. Những cuộc tiếp xúc thật cảm động, cho dù ngắn ngủi nhưng chan chứa tình người.

Người thanh niên của cộng đoàn Thánh Egidio này quả đã và đang làm những điều kỳ diệu. Anh ta làm và những thanh niên khác cũng đang làm những điều ấy. Công việc của họ khơi nguồn từ lòng nhân từ và cảm thông với Chúa Kitô và tiếp tục cộng tác với Ngài, với các anh em khác, để mang lại hạnh phúc đến cho nhiều người, nhân danh Chúa Kitô.

Đó là một trong muôn ngàn cách thức làm chứng cho Chúa hiện nay trên thế giới để cho "Danh Cha cả sáng".

I. Ý MUỐN CỦA THIÊN CHÚA

Thiên Chúa muốn chúng ta làm chứng cho Người. Đúng vậy, trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa trên chúng ta, Người đã tiên liệu là chúng ta sẽ góp một phần tích cực vào công trình Cứu Chuộc, chúng ta sẽ là những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô. Nhằm mục đích ấy, Chúa Thánh Thần được bố trí để lấp đầy chúng ta bằng mọi ân huệ của Người. Người chỉ yêu cầu chúng ta một điều thôi, đó là ngoan ngùy. Chúng ta càng tỏ ra ngoan ngùy với hoạt động của Người thì Người càng có thể hoạt động trong chúng ta và qua chúng ta.

Chỉ với cách này, chúng ta mới hoàn tất được thánh ý củaThiên Chúa trên chúng ta. Chỉ với cách này, chúng ta mới có quyền nói cách chân thành :"Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng", nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta thành những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô. Bằng cách nào ?

II. CÁCH THỨC CỦA CHÚA THÁNH THẦN

A. Chúa Thánh Thần sẽ nói qua chúng ta.

Phải chăng Người sẽ làm cho mỗi người chúng ta trở thành một cái " Micro " ? Thôi thì cứ cho là thế đi, nhưng không phải là bất cứ một cái Micro nào đó đâu, không phải là một Micro tự động; mà là một Micro có khả năng dùng trí thông minh và con tim để hiểu được những gì nghe nói, và diễn tả ra cách trung thành, không thay đổi, nhưng theo cách thức của mình.

Đúng hơn, có lẽ nên nói : một người thông ngôn . . . mộtngười thông ngôn theo nghĩa rộng, không phải là thông ngôn từng chữ, nhưng có tự do để chọn lựa các từ ngữ và hình ảnh mà chuyển thông tư tưởng của Thiên Chúa; có lẽ cũng như tác giả thánh, khi soạn Sách Thánh, dù là với một mức độ thấp kém hơn nhiều.

1/ Chúa Thánh Thần nói qua chúng ta điều gì ?

Qua chúng ta Người sẽ loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho những người sống chung quanh chúng ta hoặc đến nghe chúng ta. Để được thế, Người sẽ thích ứng với các khả năng, với tâm tính chúng ta, với các hoàn cảnh trong đó chúng ta đang sống.

Có biết bao cách thức loan báo Tin Mừng hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp : khi đi thăm viếng bệnh nhân, khi chia sẻ, thông cảm với người cùng khổ, khi vui chơi với bạn bè, nơi đám giổ, đámcưới, khi nói chuyện với nhau nhân dịp xảy ra một biến cố nào đó . .v. . v. . .

2/ Chúa Thánh Thần không nói qua chúng ta điều gì ?

Đừng coi mình thuộc vào số những người có đầu óc sáng suốt, nên bất cứ dịp nào cũng "giảng luân lý". Những người ấy vô tình đã gây nhiều điều xấu hơn là làm được việc tốt.

Ngượclại, hãy tỏ ra kín đáo, thận trọng, khi nói về những điều liên hệ đến Thiên Chúa. Nếu có gì nghi ngờ, tốt nhất đừng nói. Nhưng ở điểm này, phải đề phòng phản ứng ngược lại : đó là không dám nói nghiêm túc, không dám nói về Thiên Chúa khicó dịp tốt, do nể nang, do ngượng ngùng phi lý.

3/ Theo gương các tông đồ.

Chúng ta nên bắt chước các tông đồ và các môn đệ, sau ngày lễ Ngũ Tuần đầu tiên. Các ngài có "cách" loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Khi các ngài xuất hiện nơi công cộng, mọi người chạy tới để lắng nghe các ngài. Quả đúng là các ngài có đoànsủng phi thường mà chúng ta không có, nhưng dù sao, tuy không có các đoàn sủng, chúng ta cũng có các ơn theo bậc sống.

4/ Trong cầu nguyện, hãy năng xin các ơn theo bậc sống của mình.

Đây là ơn biết nói về Thiên Chúa, về Chúa Giêsu Kitô, vềơn Cứu Độ, cho hợp thời đúng lúc, không phải là cứ nói, không cần quan tâm tới con người, trái lại phải biết để ý tới con người và hoàn cảnh. Cần phải vừa thận trọng, vừa đơn giản, vừa kín đáo. Nếu cần, ta hãy xin một người nào đó biết rỏ chúng ta, và có óc phán đoán tốt, xem trong lãnh vực này, chúng ta có được điểm tốt chăng, hoặc chúng ta đang phóng đại, hoặc đang thiếu sót.

5/ Hãy tỏ ra xác tín khi nói về những điều liên hệ tới Thiên Chúa.

Giữa một chứng nhân chân chính của Chúa Kitô, biết tin sâu xa vào những điều mình nói, khi loan báo Tin Mừng cứu độ, và một chứng nhân giả hiệu của Chúa Kitô, chỉ biết trả bài thuộc lòng, có sự khác biệt một trời một vực. Khác nhau như thể ngày với đêm.

Ta hãy xin cho được ơn tin vào những điều ấy, rồi mỗi ngày,trong giờ cầu nguyện, hãy củng cố lại những xác tín thuộc ĐứcTin.
Dầu ít khi nói và nói ít, chúng ta sẽ là những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô, nếu những người nghe chúng ta thấy rõ ràng là chúng ta chân thành tin vào những điều chúng ta nói với họ.
B. Chúa Thánh Thần sẽ hành động qua chúng ta.

1/ Người sẽ giúp chúng ta sống điều chúng ta nói, hành động phù hợp với lời nói.

Chắc chắn đó là chứng tá hữu hiệu nhất : làm chứng cho Chúa Kitô bằng gương sáng, làm chứng cho cho Chúa Kitô bằng cuộc sống thinh lặng tỏa rạng ra xung quanh chúng ta, cả khi sống riêng tư một mình, cũng như khi sống trước mặt những người khác. Đó là làm tông đồ, mà không tìm cách tỏ ra cách giả tạo hoặc giả trá.

2/ Người sẽ nhắc chúng ta nhớ lại Lời Chúa nói.

"Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời." (Mt 5, 14 - 16).

3/ Ngọn đèn sáng của chứng nhân.

Tất cả các chứng nhân của Chúa Kitô phải là những ngọn đèn sáng, tỏa rạng giữa đêm tối trần gian. Chính Chúa Thánh Thần sẽ lo liệu để những ngọn đèn này tiếp tục tỏa sáng trước mặt mọi người, nghĩa là Người sẽ cung cấp nhiên liệu : tinh thần đức tin, đức ái, đức cậy, nhất là tinh thần cầu nguyện chuyên chăm, vì chính khi cầu nguyện mà người ta đốt ngọn lửa cháy bừng.

4/ Đèn sáng tùy năng khiếu tự nhiên và siêu nhiên ở mỗi người.

Có những ngọn đèn mạnh, cũng có những ngọn đèn yếu. Có những ngọn hải đăng, cũng có những ngọn đèn đường ở những khu phố nghèo. Mỗi thứ đều có lý do hiện hữu riêng.

Những đức tính tự nhiên và nhân bản như thông minh, có ý chí, khả ái, bình tĩnh . . . cũng rất có ích, nhưng không tạo ra ánh sáng.

Những đức tính siêu nhiên như đời sống nội tâm, đức tin mạnh mẽ, đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân, quên mình, hy sinh, nhiệt thành . . . rất cần thiết đối với những chứng nhân của Chúa Kitô. Chứng nhân nào biết sống sứ điệp thần linh mà mình loan báo, thì lôi kéo các linh hồn lại với Thiên Chúa, cho dù họ không phải là người có tài lợi khẩu tự nhiên, cho dù họ không độc đáo, cho dù họ không nổi bật về phương diện con người.

C. Chúng ta đang là ánh sáng hay bóng tối ?

Chúng ta phải nhìn nhận rằng, trong số nhữ ng người được kêu gọi trở thành chứng nhân của Chúa Kitô, có những người thay vì là "ánh sáng", lại đang là "bóng tối", như là những ngọn đèn đã tắt. Những ai bước theo các kẻ ấy dễ lạc trong đêm tối, rơi vào hố sâu. Cũng có những người như những ngọn đèn yếu ớt, run rẩy, như thể yếu điện vậy; ánh sáng của họ không hấp dẫn chút nào. Không biết họ có ý thức về những nỗi thất vọng mà họ đã tạo ra nơi kẻ khác không ? Có khi là tình trạng lộn xộn hoặc gương xấu do lối sống buông thả, hâm hẩm của họ ?

Dù muốn dù không, người ta vẫn gây ảnh hưởng trên môi trườngtrong đó người ta sống, ảnh hưởng tốt hoặc xấu. Hoặc ngườita nâng cao trình độ sống thiêng liêng của tập thể, hoặc ngườita hạ thấp trình độ ấy xuống. Ném một viên sỏi xuống mặt hồ,ta thấy có ngay một chuyển động trên mặt nước, tạo ra biết bao vòng tròn đồng tâm cứ lan tỏa cho tới tận bờ và tận đáy. Các lời nói và việc làm của chúng ta, các phản ứng, tất cả phong cách của chúng ta đến từng chi tiết, đều gây tiếng dội tốt hoặc xấu ra xung quanh chúng ta. Do đó, mỗi người phải lãnh lấy trách nhiệm về phần mình. Và cũng vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện, để xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho biết : cho tới hiện giờ, tôi đã làm vui lòng hay đã làm phiền lòng Người? ( Eph 4, 30 : "Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc".), chúng ta đã là những chứng nhân đích thực hay giả trá của Chúa Kitô ? Chúng ta đã hoàn toàn mềm mại dưới bàn tay Người hay chúng ta đã kháng cự lại các soi sáng của Người ?

III. CHỨNG TỪ CỤ THỂ

Ông Liu Chai-Yin, người Đài Loan, từ một nhân viên Thuế Vụ trở thành tông đồ của Chúa Kitô, chính ông đã kể lại như sau:

1. Một Matthêu thứ hai :"Tôi đã làm việc ở phòng thuế".

Trước khi được 33 tuổi, tôi luôn luôn là một "con mèo ốm". Mặc dù không nằm liệt giường, nhưng thân xác luôn yếu ớt và lúc nào tôi cũng cảm thấy đau. Bệnh tật đã khiến tôi phải sống những ngày bất hạnh giữa tuổi xuân xanh. Tôi nhớ có lần khi đang nằm ở bệnh viện, nhiều vị chủ chăn đã đến thăm và đặt vào tay tôi một vài tập "Tin Mừng" mỏng, bảo tôi đọc.Tôi không có nhiều kiên nhẫn, cũng chẳng thích thú để đọc.

"Hôm nay ơn cứu độ đã đến với nhà này" (Lc 19, 9). Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể tìm thấy câu ấy trong cuốn sách đặc biệt này. "Đừng than khóc về những việc người ta đã làm; đừng lo lắng cũng như bận tâm về những điều người ta đang làm,và đừng ân hận về những điều sai lỗi người ta đã phạm".

Tôi cảm thấy phần nào câu nói này phản ánh cuộc đời tôi, vì lòng tôi cũng bị các mối lo ngập tràn. Tôi rất muốn sửa đổi nhưng không có ai giúp. Tôi khỏi bệnh và đi làm trở lại. Một bà bạn đồng nghiệp, một người hay đi lễ ngày Chúa Nhật và thích nói chuyện về đức tin, đã nhận ra tôi thường chăm chú nghe bà nói. Do đó bà mời tôi đi tới nhà thờ với bà. Lần đầu tiên khi tham dự thánh lễ và khi quỳ xuống, tôi cảm thấy sợ hãi. Kinh nghiệm này để lại một ấn tượng sâu sắc nơi tôi. Khi dự loại nghi thức này, tôi thấy được hình ảnh của linh hồn mình.

Nhờ kinh nghiệm đạo đức này, tôi bắt đầu tham dự thánh lễ đều đặn và được giới thiệu với Cha xứ. Ngài dạy giáo lý cho tôi. Sau khi chịu phép Rửa Tội, tôi dự lễ ngày Chúa Nhật đều đặn và đời sống thiêng liêng của tôi được vững mạnh.

2. Thánh hóa gia đình.

Tôi đã kết hôn với một người ngoại giáo cách đây 20 năm. Vào lúc ấy Giáo hội rất khắc khe với việc lập gia đình cùng người khác đạo. Vì vậy trường hợp của tôi cũng tạo nên một tình trạng khó xử với Cha xứ. Tuy nhiên, ngày nay, thái độ của ngài đới với hôn phối khác đạo đã khác.

Vợ tôi cùng đi với tôi tới nhà thờ mỗi Chúa Nhật trong khi cha mẹ vợ lại sùng đạo Phật. Khi còn trẻ, cô ấy thường đi Chùa với mẹ. Còn sau khi lập gia đình, tôi cảm thấy cô ấy cố gắng chia sẻ niềm tin với tôi. Tuy nhiên tôi tôn trọng lòng hiếu thảo của vợ, vì mẹ vợ tôi vẫn còn sống. Vợ tôi đồng ý cho con cái được Rửa Tội. Tôi khâm phục đức tin sâu xa và sự hiểu biết của cô ấy. Tôi cũng tôn trọng tín ngưỡng của gia đình cô, nhưng tôi trang hoàng nhà cửa bằng các vật dụng tôn giáo, để mỗi khi bà con và bạn bè bước vào nhà tôi, họ đều nhận ra ngay đó là một gia đình Công Giáo.

Từ khi mẹ vợ tôi qua đời, vợ tôi đi lễ và tham dự các sinh hoạt của nhà thờ. Các bạn bè Kitô hữu đối đãi với cô như một người thân thiết, họ cầu nguyện cho cô, nhưng không ép cô đón nhận đức tin. Nhờ ảnh hưởng tốt đẹp đó, vợ tôi và em cô ấy đã học giáo lý. Một năm sau, cả hai chịu phép Rửa Tội. Trước khi lập gia đình, gia đình cô không có ai theo đạo cả. Nhưng sau khi hạt giống đức tin đã được gieo xuống, một cháu gái và hai em rể đã học giáo lý và gia nhập Giáo Hội.

3. Mỗi Kitô hữu là đèn soi cho người khác.

Tôi là công nhân viên nên có cơ hội gặp gỡ nhiều người. Đó là một môi trường lý tưởng để đưa các người ngoại đạo trở thành Kitô hữu, nhưng điều ấy không đơn giản chút nào.

Ngày nay, nhiều người ngoài Kitô giáo ước muốn đón nhận ánh sáng của Đức Kitô. Nếu có nhiều người trong Giáo Hội chúng ta ý thức về ước muốn này hơn, thì nhân loại sẽ không còn xa ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Khi sống trong một môi trường trù phú với một tiêu chuẩn sinh sống cao, đa số con người cảm thấy miễn cưỡng khi phải tìm kiếm những gì vượt quá kinh nghiệm thông thường của con người, và khi phải chấp nhận Chúa là Thiên Chúa sáng tạo.

4. Dấn thân làm tông đồ.

a. Ở giáo xứ chúng tôi, mọi người trong gia đình ông Lim đều là Kitô hữu trừ ông bố. Bà vợ luôn xin các ủy viên của Hội Đồng giáo xứ cầu nguyện cho chồng bà trở lại. Lúc đó, tôi là chủ tịch Hội Đồng và tôi có sáng kiến mời ông Lim gia nhập cộng đoàn.

Lúc đầu tôi cảm thấy ngại vì ông Lim là một viên chức chính phủ cao cấp, ngoài ra ông còn là người có học thức rộng. Tuy nhiên, chúng tôi đã gặp gỡ và đối thoại với nhau, một cuộc đối thoại vô thưởng vô phạt. Nhiều lần tôi cố gắng giới thiệu ông Lim với Cha Chao, tuyên úy phong trào Cursillo, nhưng ông đều lịch sự từ chối.

Do đó sự việc được tạm thời hoãn lại. Nhưng "điều không thể với con người lại là điều có thể đối với Thiên Chúa" (Mc 20, 27); đó quả là kế hoạch của Chúa. Tôi phải đi Đài Bắc để gặp Cha giám đốc phong trào Cursillo. Cả hai chúng tôi đang bách bộ dọc theo một chiếc cầu cao, thì thình lình một người chào tôi và hỏi tôi đang làm gì ở Đài Bắc. Đó là ông Lim. Tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi giới thiệu ông với Cha Chao.

Ở thành phố Đài Bắc này có tới ba triệu người, vậy mà chính ở đây và ngay lúc này chúng tôi lại gặp nhau. Tôi nói với Cha Chao rằng đây chắc chắn là việc Chúa làm và phần còn lại là việc của ngài. Ngày hôm sau, khi tôi ngỏ lời mời ông Lim, ông lập tức cầm tay tôi và chấp nhận học giáo lý với Cha Chao theo như lời mời của tôi. Sau đó ông lãnh phép Rửa Tội và trở thành một thành viên trong gia đình Thiên Chúa.

b. Ông Fu và tôi cùng làm việc với nhau ở phòng thuế lợi tức. Ông viết rất hay và góp bài đều đặn cho các tạp chí, nhưng ông không phải là một Kitô hữu. Mỗi khi viết bài cho tờ báo Công Giáo, tôi luôn đưa cho ông Fu đọc. Mục đích của tôi là cho ông biết tôi là người Công Giáo, đồng thời cũng giúp ông hiểu biết một chút về các hoạt động của Giáo Hội.

Bằng phương cách đó, chúng tôi đã trở thành bạn thân. Hơn nữa,ông Fu là người đồng hương với Đức Giám Mục, do đó chúng tôi đã sắp đặt để mời Đức Giám Mục gặp ông Fu và hai người bạn của ông. Họ chấp nhận lời gợi ý của Đức Giám Mục là học giáo lý và trong dịp mừng năm Tin Mừng được rao giảng ở giáo phận Kaohsiung, họ đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội.

KẾT

Thiên Phúc đã viết : Thế giới hôm nay đã bước sang thế kỷ 21, với 6 tỷ người chen chúc trong đó, nhưng chỉ có 1 tỷ người Công Giáo. Đó là trách nhiệm của mỗi người chúng ta : những chứng nhân đức tin thời nay.

Chúng ta là chứng nhân cho Chúa, khi chúng ta ngồi lại với nhau giải quyết tranh chấp, xây dựng hòa bình.

Chúng ta là chứng nhân cho Chúa, khi chúng ta chăm lo cho người nghèo, quan tâm đến trẻ thơ và người già yếu.

Chúng ta là chứng nhân cho Chúa, khi chúng ta đem niềm vui đến cho những người bất hạnh, mang lại nụ cười cho những kẻ khổ đau.

Thiên Chúa rất cần những chứng nhân như thế, để đổi mới bộ mặt trái đất, làm tươi mát khuôn mặt địa cầu. Thiên Chúa rất cần những chứng nhân đi xây dựng một thế giới, nơi đó con người yêu thương nhau hơn. Thiên Chúa rất cần những chứng nhân đi thánh hóa trần gian bằng đời sống tin tưởng, tràn đầy niềm vui.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho chúng con gặp được Ngài trong những nụ cười trao cho nhau, trong những hy sinh vô vị lợi, và trong nỗi thao thức xây dựng một thế giới huynh đệ hơn.

VIII. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Ý CẦU NGUYỆN THÁNG TƯ

1.GỢI Ý SÁM HỐI

Lời nói và hành động làm mất hòa khí gia đình.
Thiếu giáo dục đức tin và nhân bản cho các thành phần trong gia đình mình.
Không làm gương sáng đức tin, trái lại còn làm gương xấu cho anh chị em.
Không nhìn những chứng nhân đức tin anh dũng theo nghĩa tích cực., trái lại còn dèm pha…

2. LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Gần hết thời gian tại thế của Chúa Giêsu, Ngài sống trong gia đình; mỗi người chúng ta đều có gia đình, có những người thân quen, và bạn hữu. Giờ đây chúng ta hãy cùng sốt sắng cầu xin Chúa ban ơn cho chúng ta biết thánh hóa đời sống làm người trong gia đình và giữa xã hội.

- Hội Thánh là cộng đoàn những người tin Chúa Kitô Phục sinh; Chúng ta cầu xin cho các gia đình Kitô-giáo sống thuận hòa hạnh phúc , trở nên dấu chứng niềm tin vào Chúa Phục sinh cho mọi người.

- Có những gia đình tan vỡ, có những trẻ em sống vô gia cư. Chúng ta cầu nguyện cho những người này, tìm thấy nguồn an ủi nơi những hoạt động bác ái của Hội Thánh, và cũng sớm đón nhận đức tin vào Thiên Chúa là Cha rất mực yêu thương mọi người.

- Có những người sống trong gia đình, đảm nhận các bổn phận hôn nhân; chúng ta cầu xin cho những người này tận tâm săn sóc giúp đỡ nhau phát triển con người toàn diện, kể cả giáo dục đức tin và nhân bản cho con cái.

- Có những người thoát ly gia đình, sống độc thân, chuyên lo thực hiện các việc làm chứng nhân đức tin. Chúng ta cầu nguyện cho những người này, ngày càng thêm đông số, các việc làm chứng đức tin càng thêm hiệu quả, lòng nhiệt thành tông đồ càng thêm năng động.

- Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho cộng đoàn họ đạo chúng ta: cho bậc làm cha mẹ và giáo lý viên biết dùng gương sáng mà giáo dục đức tin và nhân bản cho con cháu; xin cho mọi người trong họ đạo làm sáng ngời ánh nến phục sinh của Chúa Kitô cho tất cả anh chị em.

Kết thúc: Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa không ngừng mời gọi tất cả loài người chúng con tiến về nhà Cha trên trời, để tận hưởng nguồn hoan lạc vĩnh cửu; chúng con xin Chúa nhậm lời chúng con cầu xin hôm nay, mà ban Thánh Thần đốt lửa đức tin và yêu mến trong lòng mọi người chúng con, để nhân loại nhận biết và yêu mến Chúa là Cha của tất cả mọi người. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

IX. CHIA SẺ

SUY TƯ 1

1. Chứng nhân cho niềm hy vọng vào hạnh phúc vĩnh cửu.

Một người đàn ông chán đời nọ đang đứng nhìn dòng nước từ một chiếc cầu cao. Ông đốt một điếu thuốc cuối cùng trước khi kết liễu cuộc đời.Ông không còn lối thoát nào khác hơn nữa. Ông đã làm đủ mọi cách để lấp đầy nỗi chán chường trong tâm hồn. Ông đã đi đây đi đó, ông đã tìm lạc thú trong các cuộc vui trác táng, ông đã chạy đến với mọi thứ hơi men và khói thuốc. Nhưng chán chường vẫn cứ chán chường. Ông thử thời vận lần cuối cùng bằng một cuộc hôn nhân, nhưng không có một người đàn bà nào có thể ở bên cạnh ông được vài tháng, bởi vì ông đòi hỏi quá nhiều, nhưng lại không biết nghĩ đến người khác. Ông nhận ra rằng ông đã chán chường mà cũng không ai được hạnh phúc bên cạnh ông. Chỉ có dòng sông may ra mới mang lại cho ông sự thanh thản.

Người đàn ông chưa hút xong điếu thuốc thì cũng có một người hành khất cũng đi qua chiếc cầu. Con người rách rưới đó dừng lại nhìn người đàn ông và chìa tay xin giúp đỡ. Người đàn ông chán chường không ngần ngại rút cả ví tiền và trao cho người hành khất. Ông giải thích rằng bên kia thế giới ông không cần tiền bạc nữa. Người hành khất cầm lấy chiếc ví một lúc rồi trao lại cho khổ chủ. Ông ta nhìn thẳng vào đôi mắt của kẻ chán đời và nói: "Thưa ông, tôi không cần một số tiền lớn như thế. Tuy là một người hành khất, nhưng tôi không là một kẻ hèn nhát. Ông hãy giữ lại tiền của ông và đem qua bên kia thế giới của ông". Nói xong, người hành khất ném cả ví tiền xuống dòng sông rồi lặng lẽ bước đi, bỏ mặc kẻ chán đời tiếp tục gặm nhấm nỗi đắng cay chua xót của ông.

Trong đời thường con người mãi mê tìm kiếm hạnh phúc bằng mọi phương thế, lắm lúc phải trả với cái giá rất đắt. Tiếc thay con người chỉ bắt bóng, chạy theo ảo ảnh: có rồi lại mất, no rồi lại đói, cơn khát về mọi lãnh vực vẫn luôn giày xéo con người.

Đành rằng ai cũng mong sao cuộc sống ngày càng khả dĩ sung túc hơn, hạnh phúc hơn, ao ước xây dựng cho mình một căn nhà tương lai tốt đẹp nhất. Nhưng điều không thể quên đó là xây dựng tương lai trên đá hay trên cát ? Dự tính điều này điều nọ cho ngày mai hay thế này thế kia, cần phải có, nhưng đó phải là sự dự tính được hướng dẫn bởi Lời của Đấng Khôn Ngoan (Mt 7, 24-27).

Con người sống cần phải biết lựa chọn theo bậc thang giá trị: giữa toàn vẹn và từng phần, giữa nhiều và ít, giữa chung và riêng, giữa vĩnh viễn và tạm thời. Và trong nhiều tình huống con người luôn bị đặt giữa ngã ba đường phải lựa chọn. Ánh sáng của Lời Chúa giúp cho con người xác lập một quyết định không sai lầm: “Tiên vàn các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người” (Mt 6, 33).

Người đàn ông trong câu chuyện trên là tiêu biểu cho biết bao người đã ngã quỵ và tuyệt vọng trong ước mong mưu tìm hạnh phúc trong cuộc sống đời thường. Anh ta có rất nhiều dự tính và đã trả những giá rất đắt cho những hạnh phúc anh đang đeo đuổi. Nhưng vì sai lầm trong lựa chọn mà anh đã trở thành một kẻ chán chường tuyệt vọng.

Vì kiểu dáng hạnh phúc này chấm dứt lại nảy sinh những loại mới hơn, quyến rũ hơn. Con người đua nhau tăng tốc tìm kiếm, nhưng vì là ma trận nên không lối thoát; hay như đang tìm kiếm nhưng dòng nước ảo giác giữa sa mạc nóng cháy.

Ước chi giữa lúc thê thảm ấy lại xuất hiện một vị cứu tinh , một con người thông thạo đường đi nước bước để hướng dẫn những ai đang sống trong ảo giác hay trong ma trận tìm ra một lối thoát thật sự. Như người đàn ông chán chường đang dứng trên chiếc cầu, phải chi gặp được một tia sáng hy vọng vào hạnh phúc thật sự, chắc ông ta không lựa chọn giải pháp tự tử, mà ông coi như phương thế tìm kiếm sự thanh thản : một quyết định sao quá lầm lẫn!

2. Chứng nhân cho tình thương :

Một linh mục Brazil thuật lại một kinh nghiệm Phục Sinh của mình như sau: "Mỗi ngày, khi đi ngang qua một con đường ở Rio de Janeiro , tôi đều thấy một người đàn ông còn trẻ ngồi dựa lưng vào tường, chìa tay xin ăn. Ông ta không đi được vì đôi chân bị tật. Vì qua lại khá thường, nên sự hiện diện và số phận của người ăn xin què quặt không làm tôi bận tâm suy nghĩ: thế nào là không đi được".

Nhưng một ngày kia, số phận của ông ta bỗng đánh động tâm hồn tôi mãnh liệt. Nhất là khi dừng lại đằng xa quan sát tôi thấy có bao nhiêu người đi ngang qua mà hình như không trông thấy ông. Tôi quyết định đến nói chuyện và hỏi ông: "Ông có thể đứng dậy được không? Ông có muốn đi không?". Ông ta đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn tôi dò xét và khi đọc được sự thành thật trên khuôn mặt của tôi, ông ta nói: "Tôi luôn luôn hy vọng là một ngày nào đó cuộc đời tôi sẽ đổi mới. Dĩ nhiên tôi sẽ đi được nhưng chi phí mua sắm những dụng cụ quá đắt làm sao tôi với tới. Vì thế không còn cách nào hơn là đành quên giấc mơ có thể đi được".

Nghe xong tâm sự của ông, tôi xiết chặt tay ông giã từ và hứa: "Một ngày gần đây, giấc mơ của ông sẽ thành sự thật".

Trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật sau đó, tôi thuật về số phận của ông ăn mày và đề nghị công đoàn hãy làm một cái gì để giúp ông ta. Một cuộc lạc quyên được tổ chức và tôi vui mừng khi thấy số tiền quyên góp được vượt quá chi phí của cặp nạn và đôi chân nhân tạo. Người hành khất càng hân hoan hơn khi tôi báo tin mừng: ông được chuyên chở ngay đến một bệnh viện đặc biệt và trong những tuần lễ kế tiếp, ông cố gắng tập đi đứng một mình.

Lễ Phục Sinh đến. Tôi đi mời ông dự lễ và dành cho ông một chỗ đặc biệt gần bàn thờ. Trong bài giảng hôm ấy, tôi lại đề cập về ông đại ý như sau: "Chúa Giêsu đã Phục Sinh để sống một cuộc sống mới. Ngài sẵn sàng ban cho chúng ta thông phần vào khả năng trao tặng nhau những cuộc sống mới. Nhờ lòng hảo tâm của anh chị em, ông bạn của chúng ta đã được ban cho một cuộc sống mới". Nói đến đây, tôi mời ông đứng dậy để giới thiệu ông với cộng đoàn mà kể từ nay ông đã trở nên một phần tử. Ông đứng dậy và chống nạng đi trước mặt mọi người. Tôi cảm thấy bầu khí nhà thờ lúc ấy tràn đầy sức sống".

a/ Sự quan tâm đến người khác.

Chàng thanh niên trong câu chuyện trên đã ngồi ăn xin ở góc tường lâu ngày dài tháng, đoàn người cứ qua rồi lại không mấy ai quan tâm đến khốn khổ què tật của anh ta; hoạ chăng anh được nhớ đến với một ít xu bố thí thương hại.

Ngày nay, do sự cạnh tranh rầm rộ trong cơn lốc của kẻ thắng người thua; và nhất là do xu hướng “chiếm đoạt và hưỡng thụ” như đang dần dần trở thành phương châm sống, thì tương quan giữa người với ngưới dễ xảy ra nguy cơ xa lạ nhau, đối đầu nhau.

Con người có sự quan tâm, nhưng chỉ là sự quan tâm về chính cái tôi , một cái tôi phải trên hết, phải chiến thắng. Sau cái tôi bản thân cũng có thể là cái tôi từ từ lớn hơn như gia đình, nhóm, nhưng trên tiêu chuẩn có lợi cho bản thân. Một khi xu hướng “được” đã trở thành bản năng tự nhiên rồi thì việc “cho” sẽ là không thể. Chính xu hướng này đã bao bọc con người đó trong một cái tháp ngà cá nhân chủ nghĩa, rút tất cả các nhịp cầu hiệp thông, bế tắt mọi con đường dẫn tới tha nhân, chẳng khác nào ao tù đóng kín.

Tin mừng Thánh Gioan thuật lại: sau mẻ lưới đầy cá, Chúa Giêsu mời các môn đệ cùng điểm tâm với Ngài sau khi họ đã trải qua một đêm thức trắng vất vả, và Ngài đã cầm lấy bánh và cá trao tận tay các ông (Ga 21, 1-14). Đây là phương thế Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện giữa những kẻ tin vào Ngài trải qua mọi thời đại: tự nhiên như trong một bữa ăn thân mật, nhưng muốn cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài, chúng ta phải noi gương Ngài chia sẻ cho nhau tất cả những gì mình có.

Chúa Kitô phục sinh đã muốn khai thông mọi bế tắt bằng việc cầm bánh và cá trao cho các môn đệ (Ga 21,13), để các ngài cũng sẽ ra đi để tiếp tục trao ban (Act 3,6-7), như vết dầu loang sẽ hình thành một cộng đoàn, một dân mới biết quan tâm và biết cho đi: “Mọi tín hữu, muôn người như một, đem mọi sự làm của chung. Họ bán ruộng vườn của cải, để lấy tiền chia cho ai nấy tuỳ cần” (Act 2,44-45).

b/ Cho đi bằng việc làm.

Anh què ăn xin trong câu chuyện đã được thay đổi cuộc đời, anh vui mừng khôn tả với cuộc sống mới. Niềm vui vô tận ấy được kết thành từ sự dừng bước để suy nghĩ của Vị linh mục cộng với sự đóng góp cụ thể của cộng đoàn. Từ lâu nay anh rất mong mỏi những đồng tiền bố thí rơi rớt để chống lại cái đói cái lạnh trầm kha, để cố giữ lại mạng sống lây lất qua tháng ngày. Nhưng thật ra, điều anh cần là sự chữa lành: sự đi lại như mọi người, được hoà nhập vào cộng đoàn.

Sự chữa lành không thể tự không mà có, nhưng đã phát xuất từ lòng quảng đại của những con người dám dừng lại, dám hy sinh giờ giấc, dám chậm trễ công việc, dám hy sinh tiền của,dám làm một cái gì đó.

Thánh sử Luca thuật lại câu chuyện người Samari nhân hậu còn soi sáng cho ta một yếu tố khác: người Samari không sợ nguy hiểm giữa đường vắng, anh qua dại dột khi ách giữa đàng lại mang vào cổ ! Anh ta có thể bố thí cho một ít dầu, hay một ít tiền rồi bỏ đi như một người xa lạ. Trái lại, anh ta dã xem nạn nhân như người đồng loại, một người thân quen, hay đúng hơn anh đã xem nạn nhân như chính mình. Như vậy việc làm của anh ta phát xuất từ cái nhìn mới này: anh ta xem nạn nhân là đồng loại là người thân là chính mình.

SUY TƯ 2

Cha Joseph Kentenich, vị sáng lập tu hội Schoenstatt, chết vào năm 1968, trên mộ ngài người ta thấy có câu tiếng Latinh : “Dilexit Ecclesiam”, Tạm dịch là “ Người đã yêu Hội Thánh”. Sỡ dĩ có câu đó trên mộ của Ngài, vì Cha Joseph Kentenich có một lòng yêu mến Hội Thánh đặc biệt, ngay cả những lúc khó khăn, lúc bị thử thách . Ngài luôn nhận ra Hội Thánh là Hiền Thê và là Thân Mình của Chúa Kitô. Vì thế mà Ngài rất yêu Hội Thánh.

Hiện nay, chúng ta biết có rất nhiều người hay nói : “Tôi tin Chúa Kitô”, nhưng lại không chấp nhận Hội Thánh. Những người này đã coi Chúa Kitô nhưng là cái phong trào hay một món quà trang sức, cũng như nhiều người đã đeo cây thập giá của Chúa Kitô trên tai, trên cổ, nhưng chẳng biết cây thập giá đó là gì? Họ không thấy mối quan hệ giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Họ không hề có ý thức về sự hiện diện của Chúa Kitô trong Hội Thánh.

Vậy Hội Thánh là gì ? Thánh Têrêsa Avila trước khi chết đã nói : “Tôi là ái nữ của Hội Thánh”. Chắc chắn Thánh nữ Têrêsa đã cảm nghiệm được mối liên hệ giữa mình và Hội Thánh như thế nào mới thốt lên lời đó. ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm “Chứng nhân hy vọng “đã nói : “Tôi cảm thấy một tình yêu nồng nhiệt mõi khi chiêm ngắm Hội Thánh “.

Vậy Hội Thánh là gì ?.

Thưa Hội Thánh là người biểu lộ tôn nhan của Chúa giữa lòng thế giới. Hội Thánh luôn có những đứa con ưu ái, làm chứng nhân đức tin thời nay, luôn thúc đẩy các tín hữu can đảm sống và hành động.

Xin đan cử một vài chứng nhân đức tin thời nay. Trường hợp của cha sở họ ARS, vị mục tử khiêm hạ và rất đơn sơ, đến phụ trách một xứ đạo hầu như không còn người đi lễ. Bằng đời sống thánh thiện và cầu nguyện, cha đã biến xứ đạo đó thành một nơi lui tới cho nhiều người vì lòng yêu mến Chúa. Có một người nông dân, khi được hỏi về cha sở họ ARS, anh ta trả lời : “ Tôi đã thấy Thiên Chúa nơi một người “.

Trường hợp của mẹ Têrêsa Calcutta, người ta tự hỏi, mẹ đã làm gì mà trong ngày lễ an táng mẹ, một đoàn người đông đảo đi theo sau thi hài của mẹ. Có các Kitô hữu và cả những tín đồ Ấn Giáo, cũng như Hồi Giáo, tất cả điều nhận thấy nơi mẹ sự thu hút của Chúa Giêsu Kitô.

Các đại chứng nhân như thế, về sự hiện diện của Chúa Kitô không hề thiếu trong suốt con đường lữ hành ở trần gian của Hội Thánh. Chúng ta nói ngoài những vị như cha sở họ ARS, mẹ Têrêsa Calcutta… ở mõi xứ đạo, mỗi vùng đều có những người như vậy, âm thầm, bằng cách này hay bằng cách khác, đã làm biểu lộ tôn nhan Chúa ở nơi họ đang sống, đã làm sống động sự hiện diện của Chúa Kitô ngay nơi họ làm việc. Những người này đã làm như vậy, đã sống như vậy, vì họ đã nhìn thấy Chúa Kitô trong Hội Thánh, hay chính xác là thấy Chúa Kitô nơi người anh em của mình. Chúng ta không thể làm gì hơn là đi theo con đường của họ.

Cụ thể là người tín hữu hôm nay phải làm gì ? Chúng ta phải đồng hành với Chúa Kitô trong mọi hoạt động - trong các buổi cử hành phụng vụ - khi cử hành bí tích - khi cử hành phụng vụ lời Chúa - khi làm công tác bác ái từ thiện … cả cuộc sống với những vất vả và lo toan.

Ngày nay có rất nhiều người, cả những Kitô hữu, mang tâm trạng của hai môn đệ làng Emmau “Chúa cùng đi với họ mà họ không nhận ra Ngài “. Vì không nhận ra Chúa, chúng ta cảm thấy bơi vơ, chúng ta thiếu can đảm hay đúng hơi là chúng ta sợ sệt khi phải loan báo Chúa Kitô.

Các bạn trẻ thân mến, đừng bao giờ các bạn nghĩ rằng mình bơi vơ, cô độc. Không đâu bạn hãy tin tưởng đi, Chúa Kitô luôn sống trong Hội Thánh của Ngài cũng như từng người trong chúng ta “ Thầy ở cùng chúng con mõi ngày “. Các bạn hãy nhìn lại gương của cha sở họ ARS, của mẹ Têrêsa Calcutta và nhiều người nữa … Tại sao các ngài đã làm như vậy ? Vì các ngài đã nhìn Chúa Kitô nơi anh em mình, và các ngài luôn ý thức Chúa Kitô đang đồng hành với các ngài. Các ngài đã cố gắng , đã tận dụng, không bỏ lỡ cơ hội nào, không lãng phí thì giờ, tất cả để biểu lộ tôn nhan Chúa.

Các bạn trẽ thân mến ! là con cái của Hội Thánh , chúng ta được mời gọi trở thành những người phục vụ Hội Thánh. Biết bao nhiêu tấm gương qua các thời kỳ, từ Hội Thánh sơ khai tới nay, đã anh dũng sống đức tin, làm chứng đức tin, bên vực đức tin .Tôi muốn nói đến Các Thánh trong Hội Thánh, chính tình yêu Chúa Kitô đã thúc bách các ngài hành động. Bạn và tôi, chúng ta đang ở trong Hội Thánh như đang ở trên một chiếc thuyền gặp sóng gió, chúng ta có thể làm ngơ được sao ? chúng ta không thể chèo được ? chúng ta không thể tát nước được ? Hãy làm bất cứ việc gì dù là nhỏ với mục đích làm sáng danh Chúa và cứu rỗi mình và anh em.

SUY TƯ 3

Suy niệm Sáu ngày trong tuần Bát nhật Phục Sinh
Sống Mầu nhiệm Phục Sinh như thế nào?

Kitô hữu là người tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, là người có Chúa Kitô. Tôi là Kitô hữu, cụ thể là như thế nào?

Điểm thứ 1 : “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2,20). Khi tin vào Chúa Phục sinh thì lời chào “Chúa ở cùng anh em…và ở cùng cha” là sự thật : Chúa có nơi tôi. Đây không phải là lời chào xã giao, mà là lời chào của lòng tin. Vậy điểm thứ nhất của lòng tin vào Chúa Phục Sinh là con người tôi là “alter Christus”.

Điểm thứ 2: Người anh em cũng là “Alter Christus”. “Mỗi khi anh em làm một việc dù nhỏ bé cho 1 anh em bé mọn là làm cho chính mình Thầy” (Mt 25,40). Thực thi lòng mến là hoa trái niềm tin Chúa Phục sinh.

Điểm thứ 3 : Anh em tụ họp nhân Danh Chúa thì có Chúa Phục sinh hiện diện. “ Hai ba người hội họp nhân Danh Thầy thì có Thầy ở giữa” (Mt 18,20). Cộng đoàn hay Hội thánh là ân huệ cho tôi gặp Ngài thường xuyên.

Điểm thứ 4 : Trong Bí tích Thánh thể tôi tham dự là có Chúa Phục sinh chủ tọa. “ Đây là mình Thầy hy sinh vì anh em” (Lc 22,19). Thánh thể là hiện diện của Chúa có quyền năng, tức là Đấng Phục Sinh. “Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén là anh anh tuyên xưng Chúa chịu chết, Chúa Sống lại và mai ngày Chúa lại đến trong vinh quang” (1co 11,26). Đó là điểm thứ bốn của lòng tin vào Chúa Phục sinh. Gặp Chúa trong rước lễ thật là “kinh khủng….”xúc động”.

Điểm thứ 5 : tin vào Chúa Phục sinh là Chúa đồng hành với tôi trong cuộc sống. Bài Phúc âm thánh Gioan (Ga 21, 1-14) ghi lại kinh nghiệm của các Tông đồ tại Galilê : Trước khi chịu chết, Chúa đã cùng ăn cùng ở cùng làm, cùng đi rao giảng với các Tông đồ thế nào, thì sau Phục sinh Chúa cũng thân tình bình dị ở cùng họ như thế ấy. Sau khi sống lại, Chúa hẹn họ gặp lại tại Galilê. “anh em không có gì ăn hà!?”; “ Đem ít cá lại đây!”; “Anh em đến ăn”. Ô! Thân tình chi lạ! Chúa Phục Sinh!

Điểm thứ 6 : Niềm vui vì Chúa Phục sinh : “ Ngày hoan lạc! Đoàn con vang hát : Vạn Tuế! Chúa Kitô khải hoàn!”. Tôi phải đi loan báo niềm vui đó theo lệnh Ngài. Bà Mađalêna gặp Chúa Phục sinh, “Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Ngài mà nay đang buồn bã khóc lóc” (Mc 16,10). Hai môn đệ buồn bỏ về quê, Chúa Phục sinh xuất hiện cùng đi với họ cho tới khi họ nhận ra Ngài họ vui mừng cả thể, vội vã trở lại báo cho anh em” ( Lc 24, 13-25) “Anh em hãy đi tứ phương thiên hạ loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).

X. TẢN MẠN

KHÔNG CÓ NGƯỜI BẠN NÀO TUYỆT VỜI HƠN

Có một cha xứ nọ, vào quãng giữa trưa, băng ngang qua ngôi nhà thờ của mình, ngài dừng lại bên cạnh bàn thờ và bổng chợt thấy có ai đó đang đến cầu nguyện.

Khi cánh cửa sau vừa mở, cha thấy một người đàn ông tiến vào từ phía hông nhà thờ. Ngài cau mày khi thấy người đàn ông mặt mày râu ria tua tủa, áo sống tồi tàn, cũ kỹ. Chiếc áo khoác ngoài thì bạc thếch nhăn nheo. Ông ta quỳ gối xuống, đầu cúi thấp, sau đó đứng lên và ra đi.

Những ngày tiếp theo, người đàn ông ấy lại đến vào giữa trưa, mỗi lần như vậy ông ta đều quỳ gối một chốc, lon đựng thức ăn trưa túm trong vạt áo.

Điều đó làm phát sinh mối nghi ngờ nơi cha xứ : phải chăng đây là một tên ăn trộm? Ngài quyết định chận người đàn ông ấy lại và hỏi : “Anh đang làm gì ở đây ?”

“Cha thấy đó, con chỉ ở lại đây một chốc “ người đàn ông trả lời , nhà máy nơi con làm việc thì cách đây rất xa, nên con đến quỳ gôi ở đây để nói chuyện với Chúa và con nói với Chúa thế nầy :

“THƯA CHÚA, CON VỪA MỚI TỚI ĐỂ THƯA CHUYỆN VỚI CHÚA. CON THẬT HẠNH PHÚC BIẾT BAO TỪ KHI CON ĐƯỢC KẾT BẠN VỚI CHÚA VÀ CHÚA ĐÃ TẨY SẠCH TỘI CON. CON KHÔNG BIẾT PHẢI CẦU NGUYỆN VỚI CHÚA NHƯ THẾ NÀO, NHƯNG CON NGHĨ ĐẾN CHÚA MỖI NGÀY. VẬY ĐÓ, THƯA CHÚA GIÊSU, CHÍNH LÀ JIM HÔM NAY ĐẾN VỚI CHÚA ĐÂY”.

Cha xứ vô cùng kinh ngạc, nói với anh ta rằng điều đó rất tốt và anh ta có thể thể đến đây cầu nguyện bất cứ lúc nào. Đến giờ phải đi, Jim mĩm cười với cha xứ và nói “cám ơn”. Anh ta biến mất ngoài cửa. Vị cha xứ đến quỳ xuống cạnh bàn thờ, điều mà trước đây ngài chưa bao giờ làm.

Con tim lạnh giá của ngài tan băng, tràn ngập tình thương ấm áp và Ngài đã gặp Chúa Giêsu nơi đó. Những giọt nước mắt rơi trên gò má, từ trong tâm hồn, ngài lặp lại lời cầu nguyện của Jim :

“THƯA CHÚA, CON THÂT HẠNH PHÚC BIẾT BAO TỪ KHI CON ĐƯỢC KẾT BẠN VỚI CHÚA VÀ CHÚA ĐÃ TẨY SẠCH TỘI CON CON KHÔNG BIẾT PHẢI CẦU NGUYỆN VỚI CHÚA NHƯ THẾ NÀO, NHƯNG CON NGHĨ ĐẾN CHÚA MỖI NGÀY. VẬY ĐÓ, THƯA CHÚA GIÊSU, CHÍNH LÀ CON HÔM NAY ĐẾN VỚI CHÚA ĐÂY.”

Một bữa nọ, cha xứ để ý, đã quá buổi trưa mà Jim không đến. Và cứ như thế nhiều ngày trôi qua mà không có Jim, ngài bắt đầu lo lắng. Ngài đến nhà máy hỏi thăm và biết rằng Jim đang bị bệnh. Các nhân viên bệnh viện lo láng cho tình trạng sứ khỏe của Jim, nhưng chính sự hiện của anh ta lại khiến cho họ cảm động.

Một tuấn lễ trôi qua từ khi Jim đến bệnh viện, anh mang một luông gió mới vào trong bệnh viện với nụ cười vui vẻ trên môi làm thay đổi tâm trạng mọi người, như sự đền ơn của anh.

Cô y tá trưởng không làm sao hiểu nổi thái độ hài lòng của Jim, khi mà anh ta không có lấy một bó hoa, một tấm thiệp, một cú điện thoại thăm hỏi, cũng chẳng có lấy một người thăm.

Cha xứ ở lại bên giường bệnh của Jim và nói lên điều mà cô ý tá trưởng quan tâm là không có một người bạn nào đến chăm sóc cho anh và anh cũng chẳng có nơi nào để mà nương tựa.

Ngạc nhiên, Jim trả lời với nụ cười thật dễ mến : “Cô y tá sai rồi, cô ta không biết gì cả. Bởi vì mỗi ngày tại đây, vào lúc giữa trưa, NGÀI ở đây, một người bạn củ của con, cha biết không, Ngài ngôi ngay chổ nầy đây, cầm lấy tay con. Ngài cúi xuống trên con và nói với con :

“ NẦY JIM, TA VỪA MỚI TỚI ĐỂ NÓI CHUYỆN VỚI CON ĐÂY. THẬT HẠNH PHÚC BIẾT BAO TỪ KHI TA ĐƯỢC KẾT BẠN VỚI CON VÀ TA ĐÃ TẨY SẠCH TỘI CON. TA LUÔN LUÔN VUI THÍCH NGHE CON CẦU NGUYỆN. TA NGHĨ VỀ CON MỖI NGÀY. THẾ ĐẤY, JIM, TA LÀ GIÊSU ĐANG ĐẾN VỚI CON ĐÂY”.

Có nhiều người đến và đi khỏi cuộc đời của bạn, nhưng chỉ những người bạn chân chính là in những dầu chân lại trong tâm hồn của bạn
(Dịch từ Internet)

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

CHÚA BAN CHO BẠN

Đủ Hạnh phúc
Để giúp bạn thấy dễ chịu
Đủ Thử thách
Để giúp bạn mạnh mẽ
Đủ Buồn phiền Để giúp bạn thành người
Đủ Hy vọng
Để giúp bạn hạnh phúc
Đủ Thất bại
Để giúp bạn khiêm tốn
Đủ Thành công
Để giúp bạn phấn khởi
Đủ Bạn hữu
Để khuyên nhủ bạn
Đủ Của cải
Để giúp người túng thiếu
Đủ Nhiệt tình
Để mà trông đợi
Đủ Lòng tin
Để xua tan sự phiền muộn

Đủ Quyết tâm
Để làm cho mỗi ngày một tốt đẹp hơn
(Dịch từ Feel Good Pages)

1246    17-04-2012 14:48:32