Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Rao Giảng Tin Mừng Bằng Đời Sống Thánh Thiện - Tháng 11 năm 2001

Chủ đề:  RAO GIẢNG TIN MỪNG BẰNG ĐỜI SỐNG THÁNH THIỆN

 

I. LỜI CHÚA: Mt 5, 14-16

Các con là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp các con làm, mà tôn vinh Cha các con, Đấng ngự trên trời.

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Ánh sáng về đêm của thành phố trên đồi có thể chiếu xa hàng cây số. Nếu chúng ta sống cho Đức Kitô, ánh sáng của Ngài sẽ chiếu rọi qua chúng ta - vì Ngài là ánh sáng thật - cho mọi người nhận biết Ngài là ai. Ánh sáng Đức Kitô có thể bị che giấu khi chúng ta phạm tội, dửng dưng không màng đến, không chú tâm đến nhu cầu của anh em, sống theo lối nghĩ của đám đông.

III. CHUYỆN MINH HỌA

SỰ HIỆN DIỆN CÓ SỨC HOÁN CẢI


Các viên chức tại Vatican thường nói kết quả tích cực của các chuyến tông du mà Đức Thánh Cha thực hiện cần mất nhiều năm mới thấy hoa trái và thành công về phương diện mục vụ của các chuyến tông du cũng không phải luôn luôn dễ đo lường.

Tuy nhiên, chỉ một tuần sau khi Đức Thánh Cha trở lại Vatican sau chuyến tông du tại Kazahkstan hồi cuối tháng 9, một lá thư cải đạo từ Kazahkstan đã cho Đức Thánh Cha biết cuộc tông du của ngài ít nhất đã thay đổi một đời người.

Sveta Barbassova, 22 tuổi, nữ thông dịch viên đã theo phiên dịch trong thời gian Đức Thánh Cha sang thăm Kazahkstan đã viết thơ cho ngài và cho biết cô rất xúc động trước những sứ điệp của Đức Thánh Cha và đã quyết định chịu phép rửa tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Bức thư của cô đã được đăng tải trên công báo Vatican L'Osservatore Romano.

Barbassova cho biết cô chỉ biết đến Kitô Giáo qua những truyền thống cho tới khi cô gặp Đức Thánh Cha. Trường hợp của cô thuộc về nhóm mà Đức Thánh Cha muốn vươn tới trong chuyến tông du của Ngài: những người không thuộc tôn giáo nào nhưng "đang tìm kiếm sự thật".

Cô thông dịch viên trẻ này cho biết cô đã theo dõi hầu hết các biến cố diễn ra tại thủ đô Astana và rất kinh ngạc trước tính cách của Đức Thánh Cha: "rất yếu về thể lực, nhưng tinh thần rất mạnh mẽ".

"Trong những giây phút hiếm hoi mà tôi đã được đứng gần ngài, tôi cảm nhận ngay được một cảm giác vui mừng và bình an. Sự rõ ràng và sức mạnh tinh thần của ngài thật đáng kinh ngạc".

Cô cho biết, khi Đức Thánh Cha nói với những người trẻ tại trường đại học rằng Thiên Chúa yêu thương mỗi người trong họ, ngài đánh động tâm hồn nhiều người.

"Chưa từng có ai nói với tôi như vậy, và Đức Thánh Cha đã nói với tôi nhân danh Đức Giêsu Kitô". Barbassova nhận định rằng biến cố Thánh Lễ ngoài trời tại Astana, thu hút khoảng 40,000 người của nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau, là "giây phút mạnh mẽ nhất" trong cuộc tông du.

"Thật là một phép lạ", cô nói, "Sự hiện diện của Đấng Mầu Nhiệm quá tỏ tường, quá thực, đến nỗi như bạn có thể gần như chạm được đến vậy... Tôi biết Thiên Chúa đang hiện diện nơi đó với chúng tôi".

Cô nhận xét là thánh lễ được truyền hình đi cả nước, là "một mạc khải" đối với nhiều người Kazahkstan, đa số họ biết rất ít về Công Giáo. Nhiều người sau thánh lễ cho cô biết cảm nhận của họ tương tự như cô , một sự hiện diện thánh thiêng vượt quá lòng trông đợi của họ.

Từ khi Đức Thánh Cha từ giã, những cảm giác thẳm sâu trong lòng cô đã khiến cô tìm đến nhiều người và tỏ bày tâm sự với họ.

Đức Thánh Cha đã từng nói một trong những lý do chính mà ngài tông du Kazahkstan là vì đây là thời kỳ thuận tiện làm nảy sinh một cơ hội truyền giáo cho Giáo Hội Công Giáo mà ngày nay chỉ mới có 180,000 tín hữu trong tổng số 15 triệu dân.

Giáo Hội Công Giáo chào mừng cô Sveta Barbassova và những người đang thành tâm tìm Chúa.

(VietCatholic News 09/10/2001 ).

IV.DIỄN NGHĨA

Người đời thường nói “ hữu xạ tự nhiên hương ” . Cô thông dịch viên Steva Barbarosa đã cảm nhận được mùi hương lành thánh từ sự hiện diện của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du Kazahkstan. Một sự hiện diện thánh thiêng có sức lôi cuốn tâm hồn những người chung quanh hướng về Đấng Vô Cùng. Ánh sáng rạng ngời của Thiên Chúa quả thật đã được lan tỏa qua con người của Đức Thánh Cha, đưa người ta đến với Đấng mà Ngài tin tưởng, yêu mến, qua những lời huấn dụ, qua cách cầu nguyện, và toát ra qua toàn bộ con người của Ngài.

Thật ra, chỉ có Chúa mới thực sự là ánh sáng : “ Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có được ánh sáng của sự sống ” (Ga 8,12). Ngài là mặt trời cung cấp năng lượng và vẻ xinh tươi cho hoa lá, cỏ cây và muôn vật. Còn chúng ta, những môn đệ của Chúa phải nên như tấm gương phản chiếu lại ánh sáng nhiệm mầu ấy.

Hay nói khác đi chúng ta phải để ánh sáng của Chúa xuyên qua cuộc đời mình như ánh cầu vồng bảy sắc, do những áng mây lọc ánh sáng mặt trời sau cơn mưa, mà có được nhiều màu rực rỡ, tươi đẹp.

Bình an và niềm vui trong tâm hồn là ánh sáng của sự hiện diện Thiên Chúa. Ở đâu có Chúa thì ở đó có niềm vui và bình an chân thật. Gần gũi những người lành thánh làm cho ta cảm thấy vững tâm, cảm thấy bình an sâu thẳm. Sự bình an và niềm vui lôi cuốn tâm hồn con người, hướng họ về Đấng Tuyệt Đối. Bởi vì cuộc sống thực tế cho thấy không thể tìm được sự bình an và niềm vui trọn hảo trong cuộc sống chỉ với những lo toan đời thường. Một sự bình an có sức lôi cuốn và đánh động lòng con người.

Sự hiện diện của Đức Thánh Cha trong trường hợp nầy là sự hiện diện mặc khải về Thiên Chúa. Qua Ngài, cô Steva Barbarosa nhận ra Thiên Chúa mà Ngài yêu mến, tôn thờ, làm cho cô tin tưởng dấn bước theo niềm tin của Ngài.

1. Thế nào là Rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thánh thiện?

Ưu tiên số một : Điều quan trọng là mỗi Kitô hữu phải ý thức rằng mình có nhiệm vụ hàng đầu là làm chứng về Chúa cho anh em của mình, về Đức Giêsu Kitô, Đấng làm người, chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng ta : “ Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo ” (Mc 16,15). Nếu chưa ý thức sứ mạng truyền giáo mà Chúa đặt để nơi mỗi người như là một chúc ngôn, một mệnh lệnh phải thi hành, ngay khi lãnh bí tích Rửa tội, thì cần phải bắt đầu lại. Bởi vì nếu ta không bắt đầu thực hiện thì sẽ chẳng có một việc gì tiến triển hay hoàn thành .

Một nhà du lịch tới một sườn đồi trơ trụi ở miền Alpes nước Pháp. Giữa sườn đồi, người nầy thấy một ông già, trên lưng vác bị hạt dẻ và trong tay cầm một ống sắt. Ông già nầy đang dùng ống sắt để đục lỗ trên mặt đất và gieo những hạt dẻ trong các lổ ấy.

Sau đó, ông già nói với nhà du lịch : “ Tôi đã trồng trên 100. 000 hạt dẻ. Nhưng có lẽ chỉ có một phần mười sẽ mọc lên. Vợ và con trai ông già đã chết và đây là cách ông sống những năm tháng còn lại. Ông nói “ Tôi muốn làm một cái gì có ích ” .

Hai mươi lăm năm sau nhà du lịch trở lại sườn đồi củ. Ông hết sức ngạc nhiên. Sườn đồi được che phủ bởi một cánh rừng tuyệt đẹp rộng hai dặm và dài năm dặm. Chim chóc hót líu lo. Muông thú nô đùa. Và hoa dại tỏa hương thơm ngát. Nhà du lịch hết sức sững sờ vì ngọn đồi trơ trụi trước đây đã trở nên quá đẹp đẽ : tất cả chi vì ông già nầy đã lưu tâm.

Chúng ta cũng nhận được một cái túi hạt dẻ và một ống sắt vào ngày lễ Rửa Tội và Thêm sức của mình. Với cố gắng, với lòng tin tưởng vào sự trợ lực của Chúa, bạn hãy bắt đầu đi gieo Tin Mừng cho muôn dân theo khả năng hạn hẹp của mình.

Thiên Chúa chỉ có một kế hoạch : Đức Giêsu đã khởi đầu công trình cứu chuộc nhân loại bằng việc sinh ra làm người, ba mươi năm lớn lên trong âm thầm, chịu đau khổ, chịu chết thập giá, rồi sống lại, và trước khi về trời đã trao phó sứ mạng trọng đại cho chúng ta, các Kitô hữu, là làm sao cho mọi người nhận biết và tôn thờ Chúa để tất cả hưởng được ơn cứu chuộc mà Chúa đã thiết lập. Chúa chỉ có một kế hoạch duy nhất và không có kế hoạch dự trữ nào khác. Ngài trông đợi chúng ta, những môn đệ của Ngài không bỏ rơi, nhưng tiếp nối sứ mạng cứu độ của Ngài.

Chổ đứng của mỗi người trong chương trình của Thiên Chúa : Lúc quan trọng nhất trong cuộc chạy đua tiếp sức là lúc hai lực sĩ chạy đua trao gậy cho nhau. Rất nhiều cuộc đua thắng hay bại là do sự trục trặc xảy ra vào lúc nầy thay vì các lý do khác. Trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã trao cái gậy trách nhiệm về Nước Trời cho những kẻ đi theo Ngài. Ngài chỉ thị cho họ phải hoàn tất công trình của Ngài.

Có người đi khắp Năm Châu Bốn Biển như Thánh Phanxicô Xaviê để loan báo Tin Mừng; có người chấp nhận sống nghèo hèn tột cùng bên cạnh những người nghèo nhất, bị bỏ rơi đầu đường xó chợ như Mẹ Têrêsa Calcutta; Có người suốt cuộc đời ngắn ngủi không rời khỏi ngưỡng cửa tu viện, nhưng đã đem lại cho Chúa biết bao linh hồn như Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu .

Nhưng ngoài những tấm gương sáng chói ấy còn biết bao người đang sống một đời bình thường giữa bao bề bộn lo toan: cơm, áo, gạo, tiền … Vậy đâu là chỗ đứng hay vai trò nào cho họ trong việc loan báo về Chúa cho anh em mình như đức tin đòi hỏi; vì truyền giáo là bản chất của người Kitô hữu, có nghĩa là không thể sống đời Kitô hữu mà không truyền giáo, cũng giống như muối thì phải mặn, ánh sáng thì phải tỏa lan ra..

Chúa mời gọi ta hãy sống cuộc sống mình đang sống với chú tâm sống sao cho hoàn hảo, sống đẹp lòng Chúa. Thay vì cảm thấy chỗ đứng của mình trong cuộc sống, trong việc nói về Chúa cho người khác, thật nhỏ nhoi - xem ra đó là chuyện của các đấng bậc tu trì - ta cần tập trung để sống đời sống người tín hữu với chất lượng cao nhất trong chính những hoàn cảnh thực tế : gia đình, trường học, sở làm … Đó là làm chứng cho Chúa cho Chúa Giêsu ở bất cứ nơi nào bạn sống. Không có việc gì là nhỏ bé, nếu ta biết ta biết đặt vào đó mục đích lớn : “ Thần Khí Chúa tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung ” (1Cr 12,7). Chúng ta là những dụng cụ khác nhau, mỗi cái đều có giá trị riêng, trong bàn tay quyền năng của Thiên Chúa. Vấn đề là phải trở nên những khí cụ sắc sảo để Thiên Chúa dùng mà thực hiện chương trình của Người.

2. Sống thánh được không ?

Nên thánh không phải là cố gắng làm những công việc phi thường vĩ đại, nhưng là khiêm tốn chu toàn bổn phận thường ngày một cách thật tốt đẹp. Nên thánh chính là làm những việc bình thường một cách phi thường.

Cơ hội nên thánh luôn ở trong tầm tay của chúng ta. Đường theo Chúa nằm ngay dưới chân chúng ta. Chu toàn bổn phận của mình trong vui tươi, tin tưởng, phó thác nơi lòng yêu thương của Chúa là mình đang bước đi trên con đường cứu rỗi.

Đừng tìm đâu xa, ơn thánh Chúa đang tràn ngập trong những biến cố lớn nhỏ cuộc đời mình. Thánh Têrêsa Hài Đồng khuyên : “ Mỗi khi cúi xuống nhặt một cây kim, vì lòng mến Chúa và phục vụ anh em, đó là chúng ta đang xây đắp kho tàng vĩnh cửu của mình trên thiên quốc ” .

Tin tưởng, tôn kính, mến yêu Thiên Chúa và yêu thương, phục vụ, tha thứ cho anh em trong tương quan hằng ngày. Đó là con đường nên thánh (Thiên Phúc : Tình yêu mạnh hơn sự chết

Mẹ Ann Lee, người sáng lập cộng đoàn Shakers nói: “ Hãy làm tất cả công việc của bạn như thể là bạn sống 1000 tuổi và cũng hãy làm việc như thể bạn sẽ giã từ cõi đời này ngay ngày mai ” . Cộng đoàn Shakers nhấn mạnh đến ý nghĩa linh thánh của mọi công việc, xem mọi công việc đều được thánh hiến cho Thiên Chúa. Không có việc nào là quá nhỏ đến độ không cần phải quan tâm làm cho nghiêm túc. Thực hành tôn chỉ “ tận tâm tận lực trong mọi sự ” , nên từ mớ rau của người làm vườn cho đến chiếc ghế bàn của anh thợ mộc, cái gì của các thành viên nhóm Shakers thực hiện cũng có chất lượng tuyệt vời.

Nhiều người xem ra chẳng quan tâm mấy đến chất lượng công việc của mình, nhất là những việc lặt vặt hằng ngày. Nhưng một thành viên của nhóm Shakers đã phát biểu : “ Một người có thể diễn tả tôn giáo của mình qua việc rửa chén trong nhà bếp không thua kém chi so với việc hát kinh Vinh Danh ” . Nấu cơm, sửa xe, dạy học, làm ruộng, làm vườn, hay bất luận việc gì khác, nếu được làm với tất cả lương tâm và với thiện chí phục vụ tha nhân, thì đó cũng chính là những việc phụng sự Thiên Chúa, những hiến lễ dâng lên Thiên Chúa.

” Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo ” . Một đời sống tốt đẹp, nhiệt thành, nhân hậu, tử tế, vui tươi, ấm áp tình người, có sức thuyết phục người khác nhận ra Đấng mà chúng ta tin thờ và yêu mến hơn biết bao lời nói suông.

3. Giáo Hội thế nào ?

Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy rằng nhà truyền giáo đích thực phải là một vị thánh : “ Ơn gọi truyền giáo tự bản chất phát xuất từ ơn gọi nên thánh. Mọi nhà truyền giáo chỉ thực sự là nhà truyền giáo đúng nghĩa khi dấn thân sống đời thánh thiện : Sự thánh thiện là nền tảng thiết yếu và là điều kiện không thể thay thế để hoàn thành sứ mạng loan báo ơn cứu độ của Giáo Hội ” (RM số 90).

Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu dạy : “ Việc công bố Tin Mừng là một sứ mạng đòi hỏi phải có những người thánh thiện làm cho người khác nhận biết và yêu mến Đấng Cứu Thế ấy qua chính đời sống của mình. Ta chỉ có thể đốt lửa bởi một vật gì đó đang cháy. Thế nên, Tin Mừng chỉ có thể được loan báo một cách thành công tại Châu Á, khi các giám mục, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đang rạo rực tình yêu đối với Đức Kitô, khao khát làm cho Ngài được nhiều người nhận biết hơn, yêu mến và theo đuổi nhiều hơn. Kitô hữu nào giới thiệu Đức Kitô thì phải đưa sứ điệp mà mình sắp công bố hiện thân vào đời sống của mình ”. (GHAC số 23).

V. CẦU NGUYỆN


Lạy Chúa, xin cho con biết sống thánh, bằng cách chu toàn những việc bổn phận thường ngày, với ước mong cứu rỗi thật nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.

VI. HỌC LỜI CHÚA: Mt 5,16

“’Anh sáng của các con phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp các con làm, mà tôn vinh Cha các con, Đấng ngự trên trời”.

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

NHỮNG ĐỨC TÍNH CỦA NGƯỜI TRUYỀN GIÁO

ĐGH Phaolô VI đã nói đến việc Giáo Hội phải dấn thân vào công cuộc “ Phúc Âm hóa các văn hóa ” (Evangelii Nuntiandi số 20). Cụm từ này muốn nói rằng việc truyền giáo ngày nay không còn là việc chiêu mộ những phần tử mới cho một Giáo Hội đã có sẵn, nhưng là tạo nên những cộng đoàn Kitô hữu sống trong thế giới văn hóa riêng của mình, để làm dấu chỉ sống động về ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã ban xuống cho loài người qua Đức Giêsu Kitô.

Để làm được việc này, đòi hỏi mọi Kitô hữu phải sống đạo đức, thánh thiện theo mẫu gương Đức Kitô, liên kết trong cộng đoàn Kitô hữu ở môi trường mình đang sống, nhờ đó “ Phúc Âm nhập thể vào văn hóa bản xứ, cùng lúc, đem văn hóa ấy vào sinh hoạt của Giáo Hội ” (ĐGH Gioan-Phaolô II, Slavorum Apostoli).

Đây là công việc có tính cấp bách và trường kỳ, thiết tưởng cần có sự huấn luyện và thực hành những đức tính của người truyền giáo.

I. NHỮNG ĐỨC TÍNH CỦA NGƯỜI TRUYỀN GIÁO

1- Kết hợp mật thiết với Chúa Kitô.

Đây là nguồn lực chính yếu và cần thiết cho việc loan Tin Mừng. Muốn cho đi, chúng ta phải có trước đã, muốn chia sẻ cho người khác tình yêu, lòng tin tưởng an vui thì chúng ta phải thường xuyên chạy đến Đức Kitô để múc nguồn sống từ Ngài, qua việc cầu nguyện liên lỉ, năng suy niệm Lời Chúa, tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.

2- Vững vàng trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Ơn vững vàng của việc rao giảng Lời Chúa là do Chúa Thánh Thần ban. Ngay trong lúc hèn yếu khô khan, Chúa Thánh Thần sẽ đến làm cho chúng ta vững vàng, như Thánh Phaolô đã nói : ” Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh ” .

3- Trung tín với giáo huấn của Đức Kitô.

Một giáo lý viên người Pháp đã phải thốt lên : ” Càng dạy giáo lý nhiều năm, tôi càng thấy giáo lý của Giáo Hội khác xa với giáo huấn của Đức Kitô ” .

Với lời cảnh báo này, người loan Tin Mừng cần lưu ý :

Cố tránh những gì nghịch lại giáo huấn của Đức Kitô.
.Giáo lý phải đúng sự thực Phúc Âm.
Đáp ứng nhu cầu hiện tại :
+Giải phóng và xây dựng con người toàn diện.
+Tập trung vào Đức Kitô.
+Thiết lập một nền văn minh tình yêu và trách nhiệm liên đới (= Bác ái).
+Mở ra về phía lương dân bằng đối thoại.

4- Khiêm nhường nhận thức Mạc Khải là ân huệ nhưng không của Chúa.

Người loan Tin Mừng chỉ là người dọn đường cho người khác đón nhận Đức Kitô là Tin Mừng. Chúng ta không phải là người cho người khác đức tin. Cũng không phải học nhiều là có đức tin nhiều, mà Mạc Khải chính là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Chúa ban cho người ta lúc nào, bao nhiêu, chúng ta không biết. Chúng ta phải khiêm nhường nhận rằng tôi chỉ là người dọn đường, làm cho người ta mở rộng trái tim để đón nhận Chúa, tức là làm cho người ta khao khát sự thật. Trái tim mở ra là trái tim biết yêu thương. Một đứa trẻ biết nâng niu một bông hoa, một con vật là đứa trẻ đó có trái tim biết yêu thương.

Xã hội ngày nay người ta đánh giá con người bằng “ hữu tâm hay vô tâm ” , người ta ít lưu ý đến “ hữu thần hay vô thần ” .

5- Kính trọng hoạt động của CTT trong lòng người nghe Tin Mừng.

Chúa Thánh Thần hoạt động trong người nghe Tin Mừng bằng nhiều cách khác nhau, đa dạng. Chúa Thánh Thần là gió, là lửa; mà gió và lửa thì không có một cái khung nào cả.

Ngày nay, người ta bị lôi cuốn bằng nhiều cái đẹp : cái đẹp vô hình, cái đẹp hữu hình. Do đó, chúng ta phải phát triển cái đẹp, chính Chúa Thánh Thần hoạt động trong những cái đẹp đó, nhất là cái đẹp nơi con người : cái đẹp tinh thần, cái đẹp của trái tim, cái đẹp biết thông cảm .

Lưu ý về Phụng vu : cái đẹp Phụng vụ lôi cuốn lương dân rất nhiều.

6- Tinh thần đối thoại chớ không áp đảo.

Để đối thoại, chúng ta cần nhạy bén lượng thông tin : đón nhận thông tin và đem thông tin đến cho người khác. Điều này đòi hỏi chúng ta biết đọc Phúc Âm và biết đọc báo. Tuy nhiên,chúng ta cần tránh tự phụ, giảng dạy cho người khác, mà cần biết lắng nghe và chỉ nên nói ra khi vấn đề đã chín muồi.

Bốn cách đối thoại (theo ĐGH Gioan-Phaolô II) :
Đối thoại đời sống : đi lại với người khác bằng tình cảm.
Đối thoại bằng việc làm : cùng nhau làm việc tốt.
Đối thoại bằng trao đổi giáo lý với tôn giáo bạn.
Đối thoại bằng trao đổi những kinh nghiệm đạo đức.

Trước hết và trên hết là đối thoại với Chúa. Chúng ta hãy tập cho quen đối thoại với Chúa bằng cái nhìn. Chúa nhìn tôi, tôi đáp lại. Chúa yêu tôi, tôi yêu Chúa.

7- Hội nhập vào văn hóa người nghe.

Văn hóa là bầu khí mà con người phát triển trong đó : gia đình, nhà trường, tôn giáo, xã hội . . . Và khi người ta nói “ Văn-hóa-hóa ” có nghĩa là quá trình một người vừa sinh ra đã phải bước vào, để thấm nhiễm cách sống xứng với một người trong tập thể mình sinh ra. Như vậy, con người có thể đón nhận văn hóa một cách thụ động hay tích cực, nhưng dù đón nhận một cách hời hợt bên ngoài, hay đi sâu vào bên trong, văn hóa luôn có đó, ở nơi ta và chung quanh ta, nó là quĩ tích đời sống ta.

Hội nhập vào văn hóa người nghe là nỗ lực làm cho người nghe hiểu, chấp nhận và sống theo sứ điệp của Đức Kitô theo cách sống, cách hiểu và nhận thức của họ. ĐGH Phaolô VI đề cập đến vấn đề này như sau :”Phúc Âm hóa mất rất nhiều sức mạnh và hiệu lực nếu không lưu ý đến dân tộc mình gặp gỡ, nếu không nói tiếng nói của họ, nếu không sử dụng dấu chỉ và biểu hiệu của họ, nếu không trả lời cho những câu hỏi họ đặt ra và không nhập vào đời sống cụ thể của họ”. (Evangelii Nuntiandi số 63).

II. MỘT MẪU GƯƠNG TRUYỀN GIÁO

CHÚA GIÊSU YÊU THƯƠNG ANH

Một người Kitô hữu được cử làm người gác trại của những kẻ tử tù. Anh ta kinh hoàng khi biết tội ác của những người tù này và rất ghê tởm khi đến gần họ. Anh ta có thái độ như thế xem ra cũng không quá đáng.

Nhưng một hôm có tên tử tù bắt chuyện với anh và khôi hài kể lại rằng: Đứa bé gái 8 tuổi mà hắn giết chết đã nhìn thẳng vào mặt hắn ngay trước khi bị bóp cổ và nói rằng : “Chúa Giêsu yêu thương anh”. Dần dần người lính gác hiểu được câu nói đó. Khi ở trần gian, Chúa Giêsu đã từng tiếp xúc với những kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Chúa Giêsu yêu thương cả những kẻ giết Ngài.

Người lính gác cũng nhận định rằng mình không có gì đáng kiêu hãnh hơn kẻ tử tù kia. Vì vào những hoàn cảnh như hắn có khi anh ta cũng trở thành kẻ tử tù. Anh ta chỉ chưa gặp đúng dịp đó thôi. Thái độ hơn người của anh ta dần dần biến mất. Anh ta vẫn ghét tội ác, nhưng bắt đầu yêu thương những người tử tội, mong họ tin Chúa để được cứu. Anh ta cũng cầu nguyện cho họ nữa.

Và anh ta thưa với Chúa :”Lạy Chúa xin giải cứu con khỏi thái độ tự coi mình là thánh thiện rồi khinh bỉ người khác. Xin cho con xác nhận như thánh Phaolô ngày xưa rằng :”Con là kẻ nặng tội nhất”. Xin cho con thương yêu được những con người đáng ghét hơn cả”.

Em bé gái 8 tuổi đã truyền giáo một cách anh dũng, qua câu nói Chúa Giêsu yêu thương anh, nói trong một bối cảnh đặc biệt khó khăn, làm ta cảm nhận được sự thánh thiện toát ra từ con người và cuộc sống của em. Lời nói đó ít nhiều gì đi nữa cũng đã lưu lại trong lòng của chàng thanh niên đã bóp cổ và giết chết em. Em đã làm được như thế là vì em đã kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và vững vàng trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trung tín với giáo huấn của Chúa Kitô, em muốn xây dựng toàn diện con người đang muốn giết em. Dù phải chết, em vẫn nói :” Chúa Giêsu yêu thương anh” thay vì kêu cứu, như vậy, em đã thiết lập được một nền văn minh tình thương và trách nhiệm liên đới.

Đúng vậy, câu nói : “Chúa Giêsu yêu thương anh” được tên tử tù ghi trong lòng, nhưng anh không thể giữ riêng cho mình, anh đã nói lại cho người lính gác tù. Dù anh nói chơi hay anh nói thật lòng, anh cũng đã truyền giáo. Kết quả là anh lính gác tù đã thay đổi cuộc sống. Chúa Thánh Thần hoạt động trong con người anh và làm cho anh biết khiêm nhường mở rộng con tim đón nhận những người tội lỗi và cầu nguyện cho họ được ơn hối cải, bởi vì người nào có xấu đến đâu đi nữa, nơi họ vẫn còn ít là 5% tốt. Thế là đến lượt anh lính gác tù truyền giáo. Anh truyền giáo bằng cầu nguyện, bằng kết thân, bằng bắt đầu yêu thương những người tử tù. Anh mong muốn họ hối cải để được cứu rỗi.

KẾT

Mỗi Kitô hữu sống giữa đời là một chứng tá đắc lực cho việc truyền giáo của Giáo Hội, bởi vì mỗi người Kitô hữu đều có bổn phận truyền giáo khi họ lãnh bí tích Rửa tội và bí tích Thêm Sức.

ĐGH Gioan Phaolô II đã quả quyết :”Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này : Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc” (Redemptor hominis số 3). Để việc truyền giáo đạt được kết quả, mọi Kitô hữu cần trao dồi cho mình những đức tính của người truyền giáo, hay nói cách khác là đào luyện cho mình có những điều kiện cần thiết cho việc truyền giáo, nhờ đó chúng ta có thể trở nên “mọi sự cho mọi người” theo gương thánh Phaolô (1Cor 9, 22), để đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người trong Đức Giêsu Kitô, Đấng mà chúng ta đã cảm nhận :”Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người”. (Ga 1, 14) .

VIII. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

PHÚT SÁM HỐI

"Anh hãy nhớ đến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đavít, như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo. Vì Tin Mừng ấy tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng Lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích!" (2Tm 2, 8-9).

Bên cạnh việc truyền thanh, Giáo Hội có thể nhờ các nhà xuất bản và các thông tấn xã Công Giáo giúp phổ biến thông tin và cung cấp chương trình giáo dục và đào tạo liên tục về mặt tôn giáo cho khắp châu lục này. (TH GHTAC số 48)

” sao cho trong các phương tiện truyền thông ấy luôn có một chỗ dành cho các giá trị thiêng liêng và luân lý”. (Th GHTAC Số 48)

Con đã không quảng đại dấn thân rao truyền Lời Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.

Con đã quá coi thường những phương tiện truyền thông xã hội, hoặc không sử dụng chúng để hội nhập Tin Mừng. Xin Chúa thương xót chúng con.

Con đã quá chạy theo trào lưu đam mê nghe nhìn bất chính, Xin Chúa thương xót chúng con.

LỜI NGUYỆN CHUNG


Kêu mời: Anh chị em, các bạn trẻ thân mến,

Trong công việc tạo thành, Thiên Chúa đã trao cho loài người quyền sử dụng tất cả, để làm vinh danh Chúa. Và trước khi lên trời, Chúa Giêsu bảo các môn đệ: "Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo" (Mc 16,15). Qua đó có thể nói, Chúa muốn chúng ta sử dụng mọi phương tiện hiện có để làm vinh danh Chúa và cứu độ mọi loài. Tháng mười một này chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người biết sử dụng phương tiện truyền thông mà rao giảng và đón nhận Tin Mừng.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các bậc lãnh đạo Hội Thánh và xã hội. Xin cho các phẩm trật trong Hội Thánh, những người dấn thân trong công việc truyền thông xã hội, và các vị lãnh đạo trong xã hội, biết sử dụng những phương tiện truyền thông đại chúng mà gieo rắc tinh thần Phúc Âm, và nếp sống lành mạnh cho mọi người.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người có phương tiện nghe nhìn, phương tiện hiện đại để thông tin liên lạc. Xin Chúa cho họ biết chọn lựa những điều thích hợp để nghe, nhìn, hiểu biết và sống tốt nhân cách con người, và hơn nữa - đời làm con Chúa.

Trên thế giới hiện nay vẫn còn nhiều nơi, nhiều người thiếu phương tiện truyền thông hiện đại; chúng ta hãy cầu xin cho họ, dầu thiếu phương tiện, cũng hưởng được ơn khai sáng của Chúa Thánh Thần, mà phát triển con người và cảnh vật tiến tới hạnh phúc Nước Trời.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho chính chúng ta và hết mọi người trong họ đạo; Xin cho chúng ta chuyên cần học biết giáo huấn Phúc Âm, để khi sử dụng những phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta biết phân biệt các điều hay-dở, mà chọn lọc nhằm hữu ích cho mình và cho mọi người anh em.

Kết thúc: Lạy Chúa là Cha toàn năng, Chúa quan phòng kỳ diệu cho chúng con được hưởng nhờ ơn Con Chúa cứu chuộc, và bằng nhiều cách cho chúng con đón nhận Thánh Thần Chúa, nhằm dẫn đưa chúng con đến sự sống hoàn hảo. Xin nhậm lời chúng con cầu xin, ban cho chúng con ơn khôn ngoan sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội mà loan báo Nước Chúa trị đến. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

IX. SUY NIỆM

ĐỒNG HÀNH TRUYỀN GIÁO

”11 giờ khuya, cả xóm đi ngủ cả, tình cờ bác Ba nghe thấy tiếng người nói, ánh đèn sáng bên nhà chị Tám. Bác Ba liền lần sang xem có chuyện gì. Khi biết bên đó có người trở bệnh nặng cần đi Bệnh Viện gấp. Thế là bác Ba giúp đỡ tận tình, lại ở trong Nhà thương đến sáng để săn sóc người bệnh. Hôm sau, người bệnh đã bớt, bác Ba mới về. Gia đình chị Tám bảo nhau: “Ấy bác Ba có Đạo, gia đình bác ấy tốt lắm, có ai trong xóm gặp hoạn nạn thì gia đình bác ấy giúp hết mình. Người có Đạo thương nhau đã đành, họ cũng thương giúp cả người không có Đạo như gia đình mình đây nè”.

(pvl)

”Thánh nữ tiến sĩ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su là một người bệnh nặng, bệnh lao, lúc đó bệnh lao là một bệnh nan y. Và thánh nữ Tê-rê-xa đã trở thành một vị thánh chỉ vì chị biết dùng sự bệnh tật, sự đau khổ, sự bất hạnh của mình mà sống Đạo và truyền Đạo. Xỏ một sợi chỉ, khâu một miếng vá, nhặt một cọng rác... chị cũng dâng cho Chúa để cầu cho việc truyền giáo. Vì thế mà Giáo Hội đã đặt thánh Tê-rê-xa làm bổn mạng các xứ truyền giáo sau thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê. (Pvl)

”Anh Nguyễn Hữu Dũng từng rơi xuống tận cùng của sự đau đớn thể xác và tinh thần. Trong những ngày cô đơn đến tuyệt vọng, anh gặp được nhiều bàn tay nhân ái tiếp sức cho anh, mỗi người một cách, trong đó có những bàn tay của nhiều người Công giáo. Qua đó, anh tìm thấy sức mạnh trong niềm tin vào Chúa để có thể tiếp tục mang thương tích trên hình hài mà vẫn nở được nụ cười với cuộc đời trong những ngày còn lại của mình”.

“Sự thánh thiện không phải là một thứ hành trình khổ hạnh bất thường mà chỉ một số ít “thiên tài” mới có thể thực hành được, nhưng, như tôi đã nhắc lại trong Tông Thư mới đây của tôi Novo Millennio Ineunte, sự thánh thiện là “tiêu chuẩn cao” của một cuộc sống kitô hữu bình thường. Sự thánh thiện làm nên một cái gì tốt đẹp cho Chúa mỗi ngày, nhưng cũng công nhận điều Chúa đã làm và tiếp tục làm trong chúng ta và cho chúng ta. Hỡi các bạn trẻ thân mến, hãy nên thánh, bởi vì mất sự thánh thiện là điều làm cho thế giới buồn bã !”. (ĐTC)

”Trong ngày họp đầu tiên,( về truyền thông xã hội) Đức Hồng Y William H. Keeler của giáo phận Baltimore, Hoa Kỳ, một trong những diễn giả đầu tiên, đã đề cập đến những cơ hội mà các phương tiện truyền thông hiện đại cống hiến cho Giáo Hội. Giáo Hội phải tận dụng cho được những thành tựu trong ngành truyền thông đại chúng. Đặc biệt ngài nhấn mạnh đến Internet, như là một khả năng cống hiến cho Giáo Hội một kênh truyền bá Tin Mừng trực tiếp ( a direct channel of evangelization). Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh một ý tưởng quan trọng của Đức Thánh Cha, theo đó Giáo Hội phải dự phần vào nền văn hóa truyền thông, chứ không phải chỉ đơn giản là cố gắng sử dụng nó”.

Trên đây là những mảnh vụn được lượm lặt qua internet, có nói gì với giới trẻ chúng ta không? Các bạn đọc lại ý cầu nguyện trong tháng 11 này , rồi cùng tôi lượt qua một vài suy nghĩ.:

Xin cho những người thánh thiện cùng đồng hành để loan báo Tin Mừng. Tôi còn nhớ vào ngày Đại hội Giới trẻ Giáo phận 16.8.2000, các bạn có đóng góp ý kiến về việc nên thánh. Có bạn đã phát biểu: “Ơn gọi nên thánh dành cho mọi tín hữu; mọi người cần cộng tác với ơn Chúa”, “ Ý thức mình là con Chúa nhờ Bí tích Rửa tội và thực thi đức ái, nhất là biết hoán cải và hiệp thông”, “muốn nên thánh, sống theo ý Chúa: bác ái, cầu nguyện, suy niệm và thực hành Lời Chúa, lãnh các Bí tích, nhất là gắn bó với Bí tích Thánh Thể”.

Theo tôi nghĩ là các bạn tuyệt quá rồi! Các bạn đang muốn sống thánh thiện. Như vậy các bạn cùng Linh mục, tu sĩ đồng hành và can đảm loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa!! Nhưng các bạn ơi, các bạn hãy bắt đầu dấn thân ngay: Các bạn đang ở môi trường nào, các bạn nên thánh cho môi trường ấy, vì đời sống thánh thiện của mình là bài giảng lớn lao và đầy hiệu quả. Các bạn đừng lưỡng lự vì Nước Chúa đang cần các bạn. Những hình ảnh Chúa nhắc nhở chúng ta là muối, men , ánh sáng, chắc bạn ra sức thực thi, coi như điều đó luôn câu thúc đời bạn. Nhưng tôi tin chắc các bạn đang đợi sự động viên của Cha Sở hay người lãnh đạo. Phải, tôi đề cập vấn đề này.

Khi một đứa trẻ chào đời, nó cần hai chuyện: thức ăn và sự nâng niu âu yếm. Người lớn cũng thế thôi. Đó là tâm lý chung. Bạn bè cũng cần có những cử chỉ thân mật, một cái bắt tay nồng nhiệt, một cái vỗ vai thân mật, đôi khi đấm đá giỡn chơi với nhau. Những cái đó là yêu thương, là nâng đỡ là niềm vui, động viên và làm lớn lên tinh thần dấn thân của các bạn. Nhưng tôi còn muốn vượt quá sự tiếp xúc bề ngoài để thấy rằng con người chúng ta cần những sự đụng chạm thân mật bên trong nếu chúng ta nhận được những sự động viên khích lệ. Nói như vậy là tôi muốn đề cập đến vai trò của Cha Sở hay của lãnh đạo trong công việc đồng hành truyền giáo. Ước mong các người lãnh đạo nuôi dưỡng đức tin cho các bạn liên tục và gần gũi tiếp xúc những cộng sự viên, thí dụ như:

Công nhận khả năng. Trong gia đình, sự công nhận khả năng của các thành viên là quan trọng. Một người chồng nên thường xuyên công nhận những khả năng tốt đẹp của vợ, và người vợ cũng công nhận khả năng của chồng và đối với con cái cũng vậy, gia đình đó sẽ an vui và phát triển. Một món quà trong dịp này dịp nọ tặng cho nhau luôn luôn được đánh giá cao và làm cho nhau thấy được quí trọng.

Trường hợp trong mục vụ cũng thế. Thỉnh thoảng phải có những cuộc gặp gỡ trao đổi nhìn nhận nhau để công tác truyền giáo chuyển động. Người chủ sự giảng dạy, dù các thuộc viên không nhớ hết điều được trình bày, nhưng họ chẳng bao giờ quên được sự chăm sóc và chú ý đến họ. Có thể chăng? dùng những phương thế như giấy khen , giấy chứng nhận hoàn thành công tác.

Điều đó làm cho họ thấy phấn khởi và nhận ra mình quan trọng, để họ không nhụt chí vì những khó khăn. Có một linh mục mỗi tháng đi chơi với tín hữu một lần, thể thao, picnic, những tín hữu này đã đóng góp nhiều thì giờ, sức lực, tiền bạc vào việc xây dựng họ đạo. Ngài có mối quan hệ đặc biệt với họ, nên tín hữu cũng rất phấn khởi và tích cực cộng tác.

Khen ngợi : Trong gia đình, con cái khen mẹ nấu ăn ngon, luôn được ăn ngon. Cha mẹ khen con, con cái biết trở nên ngoan. Người truyền giáo cũng là con người, vốn thích khen. Người lãnh đạo biết khen ngợi những thành qủa của những người cộng sự là người lãnh đạo tốt. Dù khi đụng phải lỗi lầm, Ngài không tìm lỗi lầm mà chê trách, trái lại luôn tìm những điểm tốt của người khác để khen. Một cử chỉ vỗ vai, lời nói chân thành: “Tốt quá , làm thế nào mà thành công vậy? Tuyệt quá!”

Khi nào tất cả những điều này được thực hiện bằng cả chân tình, bày tỏ qua giọng nói, diễn tả tư tưởng cách ngọt ngào kèm theo những cử chỉ thân mật, điều đó sẽ làm cho người được khen ghi khắc trong lòng.

Yêu thương: Người lãnh đạo yêu quí các cộng sự viên, và các cộng sự viên chẳng bao giờ bỏ rơi để ngài phải đương đầu công việc một mình. Tình yêu chân thật biểu lộ bằng gương mặt, giọng nói và hành vi. Và đáp trả của họ luôn tích cực: “Cha Sở yêu thương, quí trọng và quan tâm đến mình, nào mình phải cố gắng hơn để đồng hành với Ngài trong công cuộc Nước Chúa”.

Điều cần lưu ý là Cha Sở trực tiếp lãnh đạo, dù đã phân công hẳn hòi, không bao giờ có thái độ giao khoán mọi sự.

Ước muốn của các bạn là như vậy, chắc chắn sẽ được đáp trả . Nhưng còn về phía các bạn , các bạn phải làm gì? Ngoài đời sống thánh thiện và hằng cầu nguyện, các bạn cần phát huy các khả năng của mình để phục vụ. Với thế giới ngày nay, các bạn cần tìm hiểu nhiều về tin học, vì đó là điểm mà Giáo hội đang quan tâm, như ĐứcThánh Cha nhấn mạnh ở trên: Phải dự phần vào nền văn hóa truyền thông chứ không chỉ đơn giản là cố gắng sử dụng nó.

X. TÌM HIỂU

Bệnh Than (Anthrax) Là Bệnh gì ?

Là một bệnh lây cấp tính do trực khuẩn Bacillus anthracis gây ra. Trực khuẩn này không có màu, mùi hay vị, tự bảo vệ mình chống lại ánh sáng mặt trời, sức nóng hay hóa chất khử trùng bằng cách tạo cho mình một lớp vỏ bên ngoài, do đó thuộc loại bào tử vi khuẩn (spore-forming bacterium). Bệnh than thường thấy ở gia súc hay thú hoang có xương sống như trâu bò, dê cừu, lạc đà, sơn dương và các loài ăn cỏ khác nhưng cũng có thể thấy nơi con người khi họ chung đụng với thú vật mắc bệnh.

Vì sao bệnh Than trở nên thời sự?

Vì bệnh này có tiềm năng được sử dụng trong chiến tranh vi trùng cho nên Bộ Quốc phòng đã tiêm ngừa cho tất cả binh sĩ Mỹ.

Bệnh Than có thường thấy không và ai sẽ mắc phải?

Bệnh Than thường thấy ở súc vật ở vùng canh nông như Nam Mỹ, Trung Mỹ, Nam và Đông Âu, Á châu, Phi châu, vùng Caribbean và Trung Đông. Con người mắc bệnh này là do sự tiếp xúc nghề nghiệp với súc vật hay sản phẩm của súc vật bị bệnh.

Bệnh Than lan truyền như thế nào?

Bệnh Than có ba thể: thể ngoài da, thể phổi và thể ruột. Bào tử của Trực khuẩn Than có thể tồn tại trong đất trong nhiều năm và con người có thể mắc bệnh khi xử lý những xác con vật đã chết vì bệnh ấy hay hít lấy những bào tử hay ăn thịt của con vật bị bệnh mà không nấu chín. Tại Hoa kỳ, súc vật bị bệnh này rất hiếm.

Bệnh Than có những triệu chứng gì?

Triệu chứng khác nhau tùy con người nhiễm bệnh như thế nào nhưng triệu chứng thường xảy ra trong vòng 7 ngày.

Bệnh Than da:

Đa số (95%) trường hợp xảy ra khi trực khuẩn xâm nhập qua chỗ da bịt cắt hay trầy trụa khi đang xử lý lông cừu, xử lý da hay lông dê mắc bệnh. Bệnh phát hiện như một nhọt ngứa ngáy như kiến cắn nhưng trong vài ngày sẽ thành mụt nhọt có nước, sau đó thành một loét không đau, đường kính cỡ 1 đến 3 centimét, có trung tâm đen và khô đặc biệt. Hạch gần đó sưng lên. Khoảng 20% tử vong nếu không được điều trị. Nếu điều trị bằng trụ sinh thì việc đưa đến tử vong rất hiếm.

Bệnh Than phổi:

Triệu chứng ban đầu giống như cảm cúm. Sau vài ngày bệnh nhân thấy khó thở và trụy tim mạch (shock). Thể phổi thường gây thương vong.

Có 4 giai đoạn:

1) Bào tử bám vào phế quản và bắt đầu sinh động.

2) Trực khuẩn xâm nhập và sinh sôi nẩy nở, chống lại bạch huyết cầu. Chưa có triệu chứng gì nhiều vì trực khuẩn ẩn nấu trong hạch và lá lách

3) Trực khuẩn tiết độc tố phá hủy mạch máu nhỏ và làm xuất huyết

4) Trực khuẩn bùng phát, sinh sôi nhanh chóng, xâm nhập vào dòng máu, gây nên cơn sốt, khó thở, hôn mê và chết.

Bệnh Than ruột:

Thể ruột của bệnh này là do ăn phải thịt súc vật bị bệnh. Trịêu chứng viêm ruột gồm có nôn mửa, biếng ăn, sốt, đau bụng, mửa ra máu và tiêu chảy nặng. Thể ruột của bệnh này chiếm 25 đến 60% trường hợp.

Bệnh Than thường thấy ở đâu?

Trên toàn thế giới, thường thường ở những nước đang phát triển và không có chương trình thú y công cộng như Nam và Trung Mỹ, Nam và Đông Âu, Á châu, Phi châu, vùng Carribbean và Trung Đông. Những nơi đó có nhiều súc vật bị bệnh Than hơn nơi khác.

Bệnh Than có lây từ người này qua người khác không?

Việc lây trực tiếp từ người qua người xảy ra rất hiếm. Do đó chúng ta không ngại săn sóc hay thăm viếng người bệnh Than thể phổi.

Có cách nào phòng ngừa bệnh Than được không?

Ở những nước có bệnh Than và sự chủng ngừa súc vật không tốt thì con người phải tránh đụng chạm súc vật và sản phẩm từ súc vật và tránh tiêu thụ thịt các con vật không được xử lý đúng cách và nấu chín. Cũng có chủng ngừa bệnh Than. Thuốc chủng có hiệu quả đến 93%.

Thuốc chủng ngừa bệnh Than là gì?

Thuốc chủng được Công ty Bioport ở Lansing , bang Michigan bào chế và phân phối. Thuốc chủng này được lọc sạch tế bào, có nghĩa là không có vi khuẩn sống hay chết. Sản phẩm cuối cùng chứa không quá 2.4 mg chất nhôm. Không được dùng thuốc chủng súc vật để chủng cho người.

Làm sao định bệnh bệnh Than?

Bằng cách tìm Trực khuẩn anthracis trong máu, nơi vết thương da, trong đàm hay bằng cách đo khán thể trong máu của người nghi mắc bệnh. Cách thông thường nhất là ngoáy lỗ mũi để tìm bào tử.

Có cách nào điều trị bệnh Than được không?

Bác sĩ có thể kê đơn trụ sinh (Ciprofloxacin, Doxicycline). Phải điều trị sớm, nhất là trong thể phổi. Không điều trị kịp thời sẽ gây tử vong. (B.S. ĐÀO XUÂN VIÊN : Theo tài liệu của Trung Tâm Phòng Bệnh CDC ở Atlant. Nguồn VietCatholic News)

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

NHỮNG CHIẾC ĐINH

Có cậu bé nọ rất nóng tánh. Ngày kia, người cha trao cho cậu một túi đinh và dặn khi nào cậu nổi nóng thì phải đóng một cây đinh vào hàng rào. Ngày thứ nhất trôi qua, cậu bé đã đóng 37 cây đinh vào hàng rào. Vài tuần sau, do biết tập kiềm chế hơn nên số đinh đóng vào hàng rào ngày một giảm. Cậu ta bổng nhận ra rằng giữ bình tĩnh còn dễ hơn là đóng mấy cây đinh vào hàng rào.

Cuối cùng, đến một ngày cậu bé thấy rằng mình không còn nổi đóa nữa. Cậu nói với cha mình về điều đó. Người cha bảo cậu từ nay nếu ngày nào giữ được bình tĩnh thì nhổ một cây đinh ra khỏi hàng rào. Ngày tháng trôi qua, cuối cùng, cậu bé có thể kể cho cha mình nghe rằng không còn cây đinh nào trên hàng rào cả.

Người cha nắm tay đứa bé, dẫn nó đến bên hàng rào và nói: “con đã làm rất tốt, nhưng bây giờ, con hãy nhìn những lổ đinh trên hàng rào mà xem, cái hàng rào không bao giờ còn như trước đây nữa”.

“Khi con nói trong cơn nóng giận, những lời nói ấy sẽ để lại những vết sẹo như những lổ đinh nầy. Con dùng dao đâm vào người khác rồi rút ra. Dù con có xin lỗi bao nhiêu lần cũng chẳng nghĩa lý gì, vết thương vẫn còn đó”.

“Vết thương lòng cũng tồi tệ như vết thương thể lý vậy. Trong khi bạn hữu lại là món quà quý hiếm như bảo ngọc. Họ làm con vui vẻ. Họ khích lệ con thành công. Họ lắng nghe con. Họ cầu nguyện cho con. Và họ luôn sẵn lòng với chúng ta”.

Tham Khảo:
Vì Sự Sống Trần Gian, Antôn Ngô Văn Vững sj;
Thà Thắp Lên Một Ngọn Nến, Christophers;
www.vietcatholic.net; www.simonhoadalat.com; Radio Veritas Asia; www.dongcong.com..

1089    17-04-2012 09:59:32