Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Rao Giảng Tin Mừng Bằng Đời Sống Thường Ngày - Tháng 01 năm 2002

Chủ đề: RAO GIẢNG TIN MỪNG BẰNG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY


I. LỜI CHÚA : Lc 2, 41-51.

Hằng năm, Cha mẹ Chúa Giêsu trẩy hội lên đền Giêrusalem mừng Lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người : “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con !” Người đáp : “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của cha con sao ?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa với Thiên Chúa và người ta.

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM.

Khi lên mười hai tuổi, được coi như là người lớn, được tách khỏi cha mẹ để đi theo nhóm khác, Chúa Giêsu lần đầu tiên cho thấy ý thức về sứ mạng Con Thiên Chúa của Ngài. Ngài muốn được tự do để làm tròn sứ mạng của Ngài là thi hành Thánh ý Cha. Dẫu vậy, ngài vẫn yêu thương và vâng phục cha mẹ trần thế của mình, sống mối tương giao tốt đẹp với mọi người chung quanh, bằng công việc thường ngày là nghề thợ mộc của thánh Giuse và phụ giúp nuôi sống gia đình (dù Phúc Âm không nói rõ những biến cố nầy).

III. CHUYỆN MINH HOẠ.

NHỮNG VỊ THÁNH VÔ DANH

Có một vị thánh nọ, thánh thiện đến độ, không hề có ý nghĩ rằng mình là một con người thánh thiện. Ngày kia, một thiên thần đến nói với Ngài : “Chúa sai tôi đến gặp Ngài. Ngài hãy xin bất cứ điều gì Ngài muốn. Chúa sẽ ban cho Ngài. Vậy ngài có muốn được ơn chữa bệnh không?”.

Vị thánh trả lời : “Không. Thà để cho chính Chúa chữa trị thì tốt hơn”. Vị sứ thần đề nghị điều khác : “Ngài có muốn đem những người tội lỗi trở về đường công chính không?”

Vị thánh cũng lắc đầu từ chối : “Không. Cải hoá tâm hồn không phải là việc của tôi. Đó là công việc của các Thiên Thần”. Vị sứ giả của Chúa mới gợi ý thêm : “Ngài có muốn trở thành một mẫu gương để thiên hạ luôn đến để bắt chước không ?”

Vị thánh cũng khiêm tốn trả lời : “Không. Bởi vì làm như thế tôi sẽ trở thành trung tâm thu hút sự chú ý”. Thiên thần mới hỏi : “Vậy thì ngài mong muốn điều gì ?” Vị thánh trả lời : “Ơn Chúa, có ơn Chúa, đó là điều tôi hằng khao khát”.

Vị thiên thần được Thiên Chúa sai đến vẫn chưa chịu bỏ cuộc, nên đề nghị lần cuối cùng : “ngài phải xin một phép lạ. Nếu không, tôi đành phải để phép lạ xảy ra vậy”. Vị thánh của chúng ta đành phải ưng thuận : “Vậy thì tôi xin điều nầy : ước gì mọi việc thiện được thực thi qua tôi mà tôi không hề hay biết”.

Thế là để cho lời ước của vị thánh thành sự thật, Thiên Chúa ban cho cái bóng phía sau của ngài được mọi thứ quyền năng. Nơi nào có cái bóng ngài đi qua, thì nơi đó, người bệnh được lành, đất đai trở thành phì nhiêu, nguồn suối phát sinh sự sống, niềm vui trở lại trên những gương mặt sầu khổ.

Nhưng vị thánh không hề hay biết điều đó, vì dân chúng chú ý đến cái bóng đến độ quên hẳn con người (Veritas).

IV. DIỄN NGHĨA.

Còn Chúa Giêsu thì càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan và ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta ?. Trở về Nadarét cùng với thánh Giuse và Mẹ Maria, Chúa Giêsu sống dưới sự nuôi dưỡng của các ngài và luôn vâng phục các ngài. Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta không nên coi nhẹ trách nhiệm đối với gia đình. Cha mẹ là cánh tay sáng tạo nối dài của Thiên Chúa. Các ngài thay mặt cha mẹ để nuôi dưỡng và dẫn dắt chúng ta những bước đầu đời. Trách nhiệm đầu tiên của mỗi người trong cuộc sống gia đình là hiếu thảo với mẹ cha và có bổn phận yêu thương phụ giúp với các ngài trong công việc gia đình.

Chắc hẳn khi lớn lên và trưởng thành, dù Phúc Âm không nhắc đến, Chúa Giêsu đã tiếp tục nghề thợ mộc của thánh Giuse để nuôi sống gia đình. Và Ngài đã trở thành lao động chính trong gia đình nuôi sống mẹ Maria, khi thánh Giuse qua đời trong giai đoạn này.

Do đó, theo gương Chúa Giêsu, chúng ta đừng lấy cớ bận việc Thiên Chúa mà xao nhãng việc gia đình là công việc mà trong bổn phận thường ngày chúng ta phải làm. Và đó cũng là làm cho Chúa, theo thánh ý Chúa. Chúa Giêsu lớn lên đầy khôn ngoan và ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta… điều nầy muốn nói Chúa Giêsu phát triển đời sống con người một cách bình Thường trong mối tương giao tốt đẹp với gia đình Ngài và những người chung quanh. Có sự quân bình giữa mối tương giao của Ngài với Thiên Chúa và loài người. Điều Nầy quan trọng đối với Chúa Giêsu và cả cho chúng ta nữa, những người tín hữu, cần có sự phát triển quân bình về thể lý, tinh thần, xã hội và đạo đức.

Ba mươi năm lớn lên âm thầm trong miền Nadarét của Chúa Giêsu vẫn có giá trị cứu chuộc như ba năm cuối đời đầy những hoạt động của Ngài để loan báo tình thương Thiên Chúa mà đỉnh điểm là cái chết trên Thập giá và cuộc Phục sinh của Ngài.

Như vậy, dù chỉ làm những công việc bình thường như bao nhiêu trẻ thơ khác và như một thanh niên sống với cha mẹ của mình và những người thân cận, nhưng với hết tình sống cho người khác và sống cho Chúa, những công việc âm thầm đó ,dù không được ai hay biết, vẫn có giá trị lớn lao trong chương trình của Thiên Chúa.

Cũng thế, “có biết bao nhiêu những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ ngày ngày âm thầm hy sinh trong không biết bao nhiêu công việc vô danh, phiền toái mỗi ngày. Có biết bao người đang âm thầm đau khổ và hy sinh cầu nguyện mà không thể thấy được kết quả của lời cầu nguyện của mình. Có biết bao người âm thầm phục vụ tha nhân cách nầy hay cách khác mà không hề được đền đáp hay nhắc nhớ”.

“ Trong ánh sáng của Mầu Nhiệm Giáng sinh, chúng ta được mời gọi để tìm thấy giá trị của những hy sinh âm thầm từng ngày. Sự thinh lặng bé nhỏ của Hài Nhi Giêsu trong hang đá Bêlem, ba mươi năm âm thầm của Ngài tại Nadarét : đó là ý nghĩa của cuộc sống phiền toái, độc điệu mỗi ngày của chúng ta. Hài Nhi Giêsu mời gọi chúng ta nhận ra giá trị của cuộc sống ấy. Thiên Chúa thi ân tùy theo cách thế Ngài muốn. Cuộc sống âm thầm và hy sinh từng ngày của chúng ta là một trong muôn nghìn cách thế thi ân của Ngài mà chúng ta không thể đo lường được. Ngoài sự tưởng tượng và dự đoán của chúng ta được Chúa dùng như cái bóng vô hình nhờ đó, Ngài thông ban muôn ơn lành cho người khác” (Veritas).

1. Mọi công việc dù lớn hay nhỏ đều có giá trị của nó nếu chúng ta biết lưu tâm.

Bước vào đời Chúa ban cho chúng ta mỗi người một số nén bạc : người thì mười nén, kẻ thì năm nén, người khác chỉ một nén. Đó là tất cả sức khỏe, tài năng, trí tuệ mà một người có thể có được. Điều quan trọng là phải làm sao phát triển chính con người mình một cách triệt để hữu ích nhất theo như thánh ý Chúa mong muốn, với những giây phút hiện tại, bằng chính những việc làm cụ thể, trong môi trường sống riêng biệt hằng ngày của mỗi người.

Chúng ta không thể đứng núi nầy trông núi nọ. Vì như thế chúng ta sẽ bỏ phí cuộc đời mình. Phải biết chấp nhận thực tế cuộc sống của chính mình. Cuộc đời giống như một ván bài, người ta phải chơi tay bài của mình một cách tốt nhất. Nhiều người cứ đòi cho được những lá bài tốt hơn những lá bài trên tay của mình. Đó là những kẻ thua ván bài cuộc đời. Chúng ta không được phép chọn lựa sẽ chơi hay không chơi ván bài cuộc đời mình. Chơi là chuyện bắt buộc - chứ không tùy ý ta. Chúng ta chỉ có thể chọn cách chơi nào cho có hiệu quả nhất mà thôi. Sống hiệu quả cuộc đời mình mỗi giây phút, đó là sống thánh thiện và rao giảng về Chúa bằng cuộc đời âm thầm của mình.

”Rabbi hỏi một em học sinh xem điều gì đang làm em buồn.

- “Cái nghèo của con” - em học sinh trả lời – “Hoàn cảnh con bất hạnh đến nỗi con không thể học hành hay cầu nguyện gì được”.

- “Nầy con, ở tuổi nầy của con, lời cầu nguyện đẹp nhất và việc học tập tốt nhất chính là : chấp nhận cuộc sống đúng như thực tế của nó”.(Anthony de Mello)

Điều quan trọng đối với em bé nầy trong độ tuổi của nó là dâng cho Chúa những biến cố đang xảy ra trong cuộc đời nó và chăm lo học tập. Sẽ có một ngày, nó sẽ phải đương đầu với những khó khăn hơn trong cuộc sống, vừa tầm với độ tuổi của nó.

Sống hữu ích giây phút hiện tại, chu toàn nhiệm vụ đang làm hàng ngày dù lớn hay nhỏ, âm thầm hay được ca tụng, khó khăn hay dễ dàng là sống thánh thiện, làm sinh lợi nén bạc cuộc đời của mình.

2. Thực hiện những việc tầm thường một cách phi thường.

Chúng ta hay xem thường những công việc nhỏ nhặt thường ngày và mơ ước phải chi mình có điều kiện nầy, tài năng kia, môi trường nọ, chắc chắn mình sẽ thành công rực rỡ. Chúng ta cảm thấy chỗ đứng của mình trong cuộc sống thật nhỏ nhoi. Nhưng kỳ thực, mọi vai trò đều quan trọng nếu được ta đảm nhận một cách hoàn hảo. Thay vì than vắn thở dài về các giới hạn của mình, chúng ta cần tập trung quan tâm để sống chất lượng cao nhất trong chính hoàn cảnh thực tế đang diễn ra : “Thần Khí tỏ ra nơi mỗi người một cách là vì ích chung” (1Cr 12, 7).

Chúa Giêsu trong thời thơ ấu ẩn dật tại Nadarét có làm phép lạ nào đâu. Ngài sống bình thường như bao nhiêu trẻ thơ bình thường vào tuổi Ngài, với những công việc bình thường, đơn độc thường ngày của gia đình. Ngài sống hết mình tuổi thơ ấu của Ngài. Dù Ngài là Chúa Trời đất, có biết bao là chuyện phải làm. Chính Ngài đã anh dũng sống kiếp phàm nhân bình thường trong vai trò một trẻ thơ. Nhưng phải chăng quảng đời 30 năm ẩn dật đó của Chúa Giêsu lại không có giá trị cứu độ chúng ta ?

Thử sống một ngày bình thường với những người chung quanh với cái nhìn thân ái, hiền hòa với họ; nhìn ra những khía cạnh tốt đẹp nơi họ; làm mọi việc với hết khả năng. Người ta nói, con người chỉ sống có 10% khả năng mình có; hãy sung sướng vì mình được sống và đang sống, đang khỏe mạnh, không phải đói khát, có công ăn việc làm, dù không giàu có hơn ai; đừng so sánh với bất cứ ai; hãy chơi tốt ván bài cuộc đời mình, của chính mình; biết tạ ơn Chúa vì những ơn lành Ngài ban, và bạn sẽ dần cảm nhận ra rằng môi trường mình đang sống thật đầy, thật đáng để sống và đáng yêu biết bao.

Đó chính là sống thực mỗi giây phút hiện tại, mỗi ngày trong đời. Đó cũng chính là sống phi thường bằng những việc bình thường hàng ngày. Người khác không nhìn những mơ ước của chúng ta, họ nhìn vào đời sống thực tế đang diễn ra hàng ngày của mỗi người . Qua đời sống tốt đẹp của chúng ta mà mọi người nhận biết Cha trên trời.

Và nếu có lần nào đó bạn thấy những cố gắng của mình xem chừng vô nghĩa, thì xin hãy nhớ lại lời Thánh Nữ Madeleine Sophie Barat : “Không có việc gì là bé nhỏ, nếu đó là những việc có thể làm vui lòng Chúa chúng ta”. Cần biết tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Thái độ của mỗi người luôn luôn do chính mình định đoạt.

3. Biết quên mình.

Học nhớ đã khó. Học quên lại càng khó hơn. Muốn nhớ điều đã học thì phải quên nó đi, nếu không tâm trí ta sẽ bị đầy ắp, ngột ngạt làm sao chứa nổi hết.

Con người thường nghĩ về mình. Thích tìm mọi cách để lo cho mình : trong kiến thức, trong tình yêu, trong tích luỹ tài sản, sức khoẻ,vì sợ mình thiếu thốn, mất mát, thua thiệt. Cho đi thời giờ, sức lực, tâm trí lo toan và của cải của mình cho người khác tức là mất mát. Nhưng thực ra một khi chúng ta biết san sẻ, biết sống cho người, là chúng ta sống đầy, sống trọn vẹn, tâm hồn tràn ngập niềm vui và bình an, sống có ý nghĩa và trên hết sống theo ý Chúa muốn. Vì sống là lãnh nhận và chia sẻ.

Hoặc đôi khi chúng ta cho rằng cố gắng của mình cho người khác là nhỏ nhoi, vô nghĩa, thế giới thì mênh mông, người nghèo, bất hạnh thì vô kể. Mẹ Têrêsa Calcutta khi được hỏi về những hoạt động của dòng mình đã trả lời : “Những gì chúng tôi đang làm chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu như giọt nước ấy không có trong đại dương, chắc hẳn là đại dương sẽ vơi đi vì thiếu mất một giọt nước”.

Mỗi người chúng ta khi đóng góp - dù nhỏ nhoi - cho thiện ích chung chính là đang làm cho thế giới và cuộc sống tốt đẹp hơn lên so với tình trạng hiện tại của nó. “Hãy luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người” (Tx 5, 15).

4. Cần biết định hướng cuộc đời.

Mỗi người chỉ sống một lần trên đời. Và mỗi người đều có 24 giờ một ngày để sống. Thật ra ai cũng muốn tận dụng cuộc sống mình hầu đạt được những kết quả tốt đẹp như mong muốn. Có một bí quyết giúp bạn làm hoàn hảo công việc : đó là hãy làm mọi việc với lòng yêu thương trong tâm tình cầu nguyện. Dù làm bất cứ ngành nghề nào hãy cầu nguyện xin Chúa giúp bạn làm tốt nhất công việc của mình, qua công việc đó, bạn hết lòng muốn cống hiến chất lượng tốt nhất cho những người liên hệ. Hãy dâng cho Chúa công việc của bạn với ước muốn làm điều tốt nhất cho người khác. Đó chính là bí quyết làm hoàn hảo trong mọi công việc.

Và nếu có thiếu sót, hãy biết rằng, dù Thiên Chúa muốn ta triển nở hết sức có thể các phẩm tính của mình, nhưng Ngài không ghét bỏ ta chỉ vì ta bất toàn. Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta, yêu luôn luôn luôn và yêu vô điều kiện.

Để sử dụng tốt các ân huệ Chúa ban, chúng ta cũng cần hiểu hết tiềm năng của mình. Nghĩa là, ta cần biết trân trọng và phát triển các năng khiếu và nghị lực nơi ta. Ta cần vượt qua các hạn chế và các sai lệch của mình. Cần phải biết bắt đầu lại, khi thấy mình đi chệch hướng. Hãy biết cộng tác với ơn Chúa, biết lắng nghe tiếng Chúa ngỏ lời với bạn. Hãy tận dụng các ân huệ Ngài ban để sống một đời sống mạch lạc và sung mãn (theo The Christophers, Better to Light One Candle).

Hãy tận dụng thời giờ Chúa ban. Đừng lãng phí thời giờ không cho một mục đích nào cả. Cuộc sống ngắn ngủi. Cần sống có chất lượng, không phải bằng cách cố tìm những việc phi thường mà là chu toàn những việc tầm thường một cách phi thường.

“Người ta chỉ có thể đốt lửa bởi một vật gì đó đang cháy” Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu đã nói như thế. Cuộc sống tốt của người tín hữu có sức thuyết phục người khác về Thiên Chúa mà họ tôn thờ hơn biết bao lời nói suông.

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin dạy con biết tận dụng cuộc sống Chúa ban để sống cho Chúa và cho anh em con với tất cả trách nhiệm và lòng yêu thương, hầu Danh Chúa được nhận biết và tôn thờ trong môi trường con đang sống. Amen.

VI. HỌC LỜI CHÚA : Lc 2, 51


”Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa với Thiên Chúa và người ta”.

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐEM TIN MỪNG ĐẾN NƠI MÌNH SỐNG VÀ LÀM VIỆC

ĐGH Gioan Phaolô II đã bày tỏ trong Tông Huấn GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU như sau : Những kẻ tin vào Chúa Kitô vẫn là một thiểu số nhỏ bé trong lục địa mênh mông và đông dân nhất này, nhưng không phải là một thiểu số nhút nhát, họ sống đức tin một cách sống động, đầy hy vọng và ban sức sống, mà chỉ có duy nhất tình yêu

Mới có thể mang lại. Tham vọng duy nhất của Giáo Hội là tiếp tục sứ mạng phục vụ và yêu thương của mình, để tất cả dân Châu Á “ có sự sống và sống dồi dào “.

Ước vọng của Giáo Hội là cầu xin trong thiên niên kỷ Kitô giáo thứ ba, Giáo Hội sẽ gặt được mùa gặt lớn trên lục địa vừa rộng lớn vừa tràn trề sức sống này. Là Kitô hữu, cùng hòa nhịp sống với Giáo Hội, chúng ta có thể, chúng ta sẽ, chúng ta cố gắng, chúng ta phải đem Tin Mừng đến nơi mình sống, đến nơi mình làm việc bằng những con đường có tên sau đây :

1. Con đường khám phá, nhằm hướng đến người ngoài Công giáo.

Khám phá gì ? Khám phá Thiên Chúa đang hoạt động nơi người mình gặp, nơi mình đến, nơi mình làm việc như thế nào?

Bằng dấu chỉ để nhận diện là người tốt việc tốt là của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa hiện diện ở đó. Có những mẫu gương điển hình trong Kinh Thánh minh chứng điều đó : Người Samaritanô ngoại đạo (Lc 10, 29-37) người phong cùi ngoại đạo (Lc 17, 11-19) , viên sĩ quan ngoại đạo (Lc 7, 1-10) , người thu thuế cầu nguyện (Lc 18, 9-14) .

Bằng hoạt động của Chúa Thánh Thần , theo như văn kiện Tòa Thánh ngày 19 . 6 . 1991 có nói rằng Chúa Thánh Thần hoạt động nơi những kẻ nghe Tin Mừng trước khi ta rao giảng. Và thánh Phaolô xác định : qua Chúa Thánh Thần, dân ngoại được biết Tin Mừng :”Mầu nhiệm Chúa Kitô . . . Nay đã được mạc khải cho các tông đồ của Người, và cho các vị tiên tri nhờ Chúa Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự.” (Eph 3, 5-6). Nhờ những khám phá trên, khi đến với người ngoài Công giáo, chúng ta hãy khen họ, khích lệ những cái tốt họ đang có. Đừng bao giờ chê hay khích bác họ. Nên xoáy hoạt động của mình vào tình gia đình.

2. Con đường khẳng định, nhằm hướng đến người Công giáo.

Khẳng định gì ? Khẳng định niềm tin, để họ biết họ tin ai, họ tôn thờ ai. “Chỉ có một Chúa,

một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người”. (Eph 4, 5-6).

Là người Công giáo, ta phải khẳng định rõ niềm tin của mình. Nhưng khi khẳng định niềm tin mà thiếu bác ái thì không có sức thuyết phục, khi đức tin thiếu chiều sâu thì đó chỉ là khoe khoang những cái phụ thuộc, đưa đến việc khiêu khích người ngoài Công giáo. Bởi vì đức tin không phải là một mớ lý thuyết về chân lý, mà là việc gặp gỡ Thiên Chúa. Đức tin là một bầu trời mới, một Nhân sinh quan mới.

3. Con đường dấn thân , nhằm tinh thần liên đới.

Dấn thân là tích cực tham gia vào những việc từ thiện bác ái nhằm thăng tiến con người. Thực hành mục vụ dấn thân, ưu tiên cho người nghèo, cần có tinh thần liên đới. Người ta nghèo, không phải chỉ có Nhà Nước hay chính họ có trách nhiệm, mà tôi cũng có trách nhiệm liên đới, bởi vì mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa.

Mẫu gương cụ thể nói đến trách nhiệm liên đới trong Kinh Thánh : Người phú hộ và kẻ ăn mày (Lc 16,19-31)”. . . Con ơi, hãy nhớ lại : suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ”.

4. Con đường làm chứng, nhằm vào đời sống thánh thiện của chính mình.”Các con sẽ làm chứng cho Thầy. . .” (Lc 24, 48). Lời nói và gương mẫu của Chúa Giêsu không phải là một kỷ niệm xa xưa, nhưng luôn là một thực tại trong tâm hồn của mỗi người Kitô hữu. Nếu thực tại ấy được thể hiện đầy đủ nơi cuộc sống của tôi, bằng cách tôi sống đúng như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống, thì đó chính là tôi đang làm chứng nhân cho Chúa.

Do đó, con đường làm chứng không đặt nặng việc dạy giáo lý, việc dấn thân . . . Mà đặt nặng vấn đề sống thánh thiện, sống tốt lành, sống chứng nhân. Và tạo cho cuộc sống làm chứng có điều kiện lây lan.

5. Con đường đối thoại, nhằm tạo mối tương giao với người khác.

Đối thoại đời sống : đi lại với người khác, bằng tình cảm, bằng tương giao cho đi và lãnh nhận.

Đối thoại bằng việc làm : cùng nhau làm việc tốt.
Đối thoại bằng trao đổi giáo lý với anh em thuộc các tôn giáo bạn.
Đối thoại bằng trao đổi những kinh nghiệm đạo đức.

6. Con đường đổi mới, nhằm hoán cải con người toàn diện.

Điều kiện căn bản để thực hiện ơn gọi loan báo Tin Mừng là đổi mới con tim (Tâm). Người chủ động làm việc này là Chúa Thánh Thần, Đấng đổ vào lòng chúng ta tình yêu Chúa Kitô. Còn chính chúng ta là người cộng tác với Chúa Thánh Thần, phải tự tạo cho mình có một số điều kiện để tình yêu Chúa Kitô đổ vào lòng ta và sinh hoa trái. Từ đó, chúng ta mới có thể giúp người khác đổi mới nhờ đời sống chứng nhân và con đường đối thoại. Trong việc này, chúng ta phải trọng kính hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lòng người nghe Tin Mừng. Chúa Thánh Thần hoạt động trong người nghe Tin Mừng bằng nhiều cách khác nhau, do đó, cần có tinh thần sáng tạo và tỉnh thức để tìm biết và nắm bắt những chao đảo, những đổ vỡ, những cái đang xảy ra làm băng hoại con người để

Báo động cho người ta đổi mới. Đó là những con đường và còn nhiều con đường khác nữa . . . Để đem Tin Mừng đến nơi mình sống và làm việc, mà các bạn trẻ chúng ta cần phải nhanh chóng thực hiện. Chúa Kitô đang chờ các bạn, Giáo Hội đang chờ các bạn.

Nếu các bạn nói “Tôi không thể . . .” thì xin các bạn cùng với tôi làm đám tang cho cụm từ “Tôi không thể” đó đi ! Như lời kể của cô CHICK MOORMAN sau đây :

Lớp học của cô Donna dạy cũng giống như đa số lớp học khác của năm thứ tư mà tôi đã từng gặp trong quá khứ. Mấy đứa trẻ xếp làm năm hàng, mỗi hàng sáu đứa, mỗi đứa một bàn học. Bàn cô giáo thì đặt đối diện học sinh, phía trước lớp học. Trên bảng dán thông báo có ghi rõ những công việc mà học sinh phải làm.

Rốt cuộc, đó là một lớp học giống như người ta thấy trong tất cả các trường tiểu học truyền thống. Tuy nhiên, có cái gì hình như khang khác, ngày hôm đó, ngày mà tôi bước vào lần đầu tiên. Bầu không khí có vẻ phấn chấn như thế nào đấy.

Cô Donna đã từng dạy ở thành phố nhỏ thuộc bang Michigan từ nhiều năm nay, và chỉ còn hai năm nữa là đến tuổi về hưu. Hơn nữa bà ta đã từng tham dự vào một chương trình nhằm hoàn thiện nhân viên giảng huấn mà tôi là một trong những người tiên phong tổ chức. Chương trình xoáy trọng tâm vào những ý tưởng đặc thù của ngôn Ngữ nghệ thuật và có mục đích là giúp học sinh nắm vững để cảm nhận sâu sắc được công việc. Công việc của cô Donna là đi tham dự các buổi đào tạo, rồi áp dụng trong lớp học mình những ý niệm mà bà ta đã học được. Vai trò của tôi là đi thăm các lớp học và cổ vũ cho việc thực hiện chương trình đó.

Tôi ngồi ở cuối lớp để quan sát. Tất cả học sinh, mỗi em đều có một tờ giấy nhỏ đang viết trên đó những ý tưởng, hay những suy nghĩ của các em. Có một học sinh mười tuổi ngồi cạnh tôi viết đầy một trang toàn là câu “tôi không thể nào”.

“Tôi không thể nào ném quả bóng chày xa như anh tôi được.”
“Tôi không thể nào làm bài toán chia khó được”.
“Tôi không thể nào làm bạn với Debbie”.

Em này viết gần nửa trang và không có dấu hiệu gì nó sẽ viết chậm lại. Nó ngồi viết một cách thật lâu và kiên trì. Trong khi đi dạo giữa các dãy bàn, tôi liếc nhìn xem những người khác viết cái gì. Tất cả các học sinh khác đều viết cùng một cách như thế cả, hoặc kể ra hết mọi việc mà chúng không thể làm được.

“Tôi không thể nào hít đất 10 lần được.”
“Tôi không thể nào ngưng được khi đang ăn bánh bích quy”.

Công việc này đã kích thích óc tò mò của tôi, tôi không hiểu được cái gì đã xảy ra, và tôi quyết định đến cạnh cô giáo để tìm hiểu xem. Nhưng khi đến gần, tôi mới biết được rằng cô giáo cũng đang viết. Tôi cảm thấy tốt hơn là đừng làm gián đoạn chuyện viết của bà ta.

“Tôi không thể nào ngăn chặn được mẹ thằng John đến gặp các giáo viên cả.”
“Tôi không thể nào làm cho con gái tôi hiểu rằng phải đổ xăng hết.”
“Tôi không thể nào thuyết phục được thằng Allan rằng những cú đánh nhau không dàn xếp được gì cả”.

Thất vọng không thể hiểu được tại sao học sinh và cô giáo thảy đều nhấn mạnh đến mặt tiêu cực, thay vì xác định mặt tích cực bắt đầu bằng “tôi có thể”, tôi trở về chỗ ngồi và tiếp tục quan sát. Các em còn viết 10 phút nữa. Đa số đều xong một trang. Vài em còn tiếp tục viết sang trang khác nữa.

Cô Donna ra lệnh là công việc đã chấm dứt :”Các con hãy viết xong ý của mình đi, đừng viết sang trang khác” Tiếp theo, cô bảo học sinh gấp đôi trang giấy lại trước khi mang lên nộp cho cô. Khi đến trước bàn cô, học sinh bỏ tờ giấy “tôi không thể nào” vào một cái hộp.

Sau khi học sinh bỏ tờ giấy của mình vào hộp, cô giáo mới bỏ thêm mấy tờ giấy của mình vào. Đóng hộp lại, kẹp hộp dưới nách đi ra khỏi phòng học, đi dọc theo hành lang. Học sinh chạy theo cô, tôi đi theo học sinh. Đến giữa hành lang, cả đám ngừng lại, cô Donna đi vào phòng của người gác cổng, một chốc, rồi mang ra một cái xẻng.

Tay này cầm cái hộp, tay kia cầm cái xẻng, cô Donna dẫn học sinh ra khỏi trường và đến một góc xa nhất của sân trường. Ở đó họ bắt đầu đào đất lên.Họ sắp sửa chôn những trang giấy viết “tôi không thể nào” của họ. Hơn 10 phút mới đào xong, bởi vì phần đông học sinh đứa nào cũng muốn tự tay mình đào một lần. Khi cái lỗ đã sâu khoảng một mét thì học sinh ngưng lại không đào nữa. Cái hộp của những “tôi không thể nào” được đặt xuống lỗ và người ta lấp đất ngay.

Ba mươi mốt đứa trẻ từ 10 đến 11 tuổi đều đứng yên quanh nấm mộ, mỗi đứa có tối thiểu một trang đầy những câu “tôi không thể nào” trong chiếc hộp kia, nằm sâu một mét dưới lòng đất. Cô giáo cũng đứng im bất động. . . Đến một lúc, cô giáo nói :”Này các con, các con hãy đưa tay ra và cúi đầu xuống”. Học trò vâng lời và làm y theo. Họ nhanh chóng nắm tay nhau thành một vòng tròn quanh nấm mộ. Chúng cúi đầu xuống và chờ đợi. Cô Donna đọc điếu văn :

“Hôm nay chúng ta tập hợp nơi đây để tôn vinh một ký ức về “tôi không thể nào”. Lúc nào nó cũng sống mãi với chúng ta, nó đã ảnh hưởng đến hết thảy chúng ta, còn có một ảnh hưởng lớn đặc biệt đối với một số người trong chúng ta. Người ta cứ phun vọt tên nó ra, khốn thay, trong tất cả những ngôi nhà công cộng :

Trong trường học, tòa thị sảnh, trong quốc hội, và thậm chí trong cả Tòa Bạch Ốc nữa.

“Chúng ta nhớ rằng “tôi không thể nào” đã có một nơi yên nghỉ cuối cùng, cũng như tấm bia người ta khắc lên đó một bia kí. Nó đã để lại trong đám tang ấy những anh chị em của nó là “tôi có thể làm được điều đó”, “tôi sẽ làm điều đó”, “tôi làm ngay điều đó”. Những người này cũng không được biết nhiều bằng cha mẹ nó rất nổi tiếng, và chắc chắn rằng chưa bao giờ mạnh mẽ và đầy sức lực như thế đâu. Nhưng có lẽ một ngày nào đó, nhờ các con mà nó có một ảnh hưởng đến cả thế giới và còn lớn mạnh hơn nữa”.

“Cầu mong cho “tôi không thể nào” hãy ngủ yên đi, và cầu mong cho hết thảy chúng ta có mặt ở đây hãy tiến bước lên trước, không có nó đi theo. Amen”.

Nghe điếu văn ấy, tôi biết rằng những học sinh này sẽ không bao giờ quên cái ngày hôm

nay, cử chỉ thật là tượng trưng, đó là một ẩn dụ của đời sống, đó là một kinh nghiệm về một bộ não ngay thẳng sẽ còn khắc sâu mãi vào ý thức và vô thức của những đứa trẻ này.

Viết ra những câu “tôi không thể nào” rồi đem chôn, rồi đọc điếu văn. Cô giáo này đã dụng công nhiều. Và cũng chưa chấm dứt đâu. Sau buổi lễ đó, cô Donna và học sinh trở lại lớp học để

Làm tiếp phần lễ tang.

Họ ăn bánh bích quy, bắp rang, uống nước trái cây để làm lễ tang cho cái chết của “tôi không thể nào”. Trong buổi lễ, cô Donna lấy ra một miếng bìa cứng làm một tấm mộ bia. Cô viết phía trên tấm bia những chữ “Tôi không thể nào” và RIP ở giữa (Requiescat In Pace = Yên giấc nghìn thu), rồi ở dưới thêm vào ngày tháng.Tấm bia bằng bìa cứng này treo trong lớp học của cô Donna cho đến hết niên học. Năm khi mười hoạ có em học sinh nào quên đi và nói “con không thể nào” thì cô Donna chỉ có việc lấy ngón tay chỉ lên tấm bia RIP. Em học sinh đó sẽ nhớ lại ngay rằng “tôi không thể nào” đã chết rồi, và phải chọn nói lại một câu khác.

Tôi không phải là một học sinh trong số các học sinh của cô Donna, mà tôi là cô giáo của các học sinh của tôi. Tuy nhiên, ngày đó cô Donna đã cho tôi một bài học mà không bao giờ tôi quên được. Cho đến hôm nay, sau bao nhiêu năm, mỗi lần nghe câu nào bắt đầu bằng “tôi không thể nào” thì tôi lại thấy hình ảnh của buổi tang lễ của lớp học đó. Cũng như các học sinh đó, tôi nhớ rằng “tôi không thể nào” đã chết rồi, đã bị chôn vùi rồi.

(Theo Denis Duellet, VITAMINES POUR L'ÂME )

VIII. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

PHÚT SÁM HỐI.

Là Kitô-hữu, nhưng con đã quên thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng. Xin Chúa thương xót chúng con.

Con cứ tưởng chỉ ở trong môi trường thích hợp mới loan báo Tin Mừng. Xin Chúa thương xót chúng con.

Trong những môi trường bất lợi cho đời sống vật chất của con, con đã không loan báo Tin Mừng. Xin Chúa thương xót chúng con.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em, các bạn trẻ thân mến,

Là Kitô-hữu, khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta đã được Chúa Giêsu trao sứ mạng loan báo Tin Mừng. Vậy bằng cách nào chúng ta thi hành sứ mạng này ? Sách Phúc Âm cuộc sống Chúa Giêsu dạy ta rao giảng Tin Mừng “ loan báo Đức Giêsu Kitô, bằng mọi cách, ở mọi nơi, trong mọi việc”. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu ý thức và thi hành sứ mạng mà mình đã lãnh nhận:

Xin Chúa cho mọi thành phần và phẩm trật trong Hội Thánh, ý thức và thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô nơi mọi hoàn cảnh sống của riêng mình, để muôn dân thiên hạ đều có thể nhận biết ơn cứu độ của Chúa Kitô.

Xin Chúa làm cho những người chưa tin nhận Chúa Kitô, có được thành tâm thiện chí trong cuộc sống và công việc, gặp thấy lời rao giảng của mọi thành phần Dân Chúa, để một ngày gần nhất, họ có thể lãnh nhận ơn Cứu độ trong Hội Thánh Chúa.

Xin Chúa cho những người đang sống đức tin vững mạnh, hay đang khủng hoảng đức tin, những "đạo dòng" hoặc tân tòng, hàng giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, nghèo hay giàu… xin cho họ biết rằng: mỗi người đều có thể nói Chúa cho người khác bằng cuộc sống và công việc của mình.

Mỗi người trong họ đạo chúng ta có mỗi hoàn cảnh, mỗi độ tuổi, mỗi công việc khác nhau, xin Chúa cho mỗi người biết cố gắng sử dụng những cá biệt của mình mà rao giảng Tin Mừng Chúa, để danh Chúa được hiển sáng và sẽ có nhiều người tin vào Chúa hơn.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu Kitô, được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng, mỗi người đều có hoàn cảnh sống khác nhau. Xin ban Thánh Thần hướng dẫn chúng con thực thi lệnh truyền của Chúa trong môi trường sống hằng ngày của chúng con, hầu cho mọi người chung quanh chúng con nhận biết và tôn thờ Chúa để được sống đời đời. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen

IX. SUY NIỆM

NGƯỜI KITÔ HỮU DẤN THÂN THẾ NÀO ?

Xin cho các Kitô hữu trong các Hội Thánh địa phương biết dấn thân mỗi ngày để loan báo Tin Mừng tại môi trường sống và làm việc của mình ….

Các bạn trẻ thân mến, Kitô hữu là ai vậy ? Có khi nào các bạn đặt câu hỏi đó không ? Kitô hữu là một tên gọi bình thường ? Hay là một danh hiệu để phân biệt ? Hay là một trách nhiệm mà nhiều khi phải đánh đổi bằng cả một đời người, có khi phải hy sinh cả mạng sống để mà minh chứng nếu cần.

Giáo lý dạy “Kitô hữu “ là tên mà chúng ta có được nhờ Bí Tích Rửa Tội. Tên “ Kitô hữu “ khắc ghi trong chúng ta dấu ấn đặc biệt : làm con cái Chúa- nên chi thể Đức Kitô -nên anh chị em với nhau. Tên gọi “ Kitô hữu “ là một cái tên làm nền tảng cho mọi tên gọi khác. Cho dù là Đức Giáo Hoàng, Đức Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ hay giáo dân, thì trước hết họ phải là “ Kitô hữu “. Nói cách khác là tất cả chúng ta “ Kitô hữu “ đều phát xuất từ Chúa Kitô.

Vì vậy, các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy ý thức và xác tín về tên gọi “ Kitô hữu “của mình. Nó không chỉ là một tên gọi bình thường, mà là cả một danh hiệu, một vận mạng, một tên gọi định hướng cuộc đời mình. Trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, tên gọi “ Kitô Hữu “sẽ giúp chúng ta biết lựa chọn kịp thời, giải quyết đúng lúc, hoặc chọn một hướng đi phù hợp .v..v. Tại sao tôi dám chắc như vậy ? Vì chúng ta là “ Kitô hữu “, mà “ Kitô hữu “ là những người thuộc về Đức Kitô ( TĐCV11, 26).

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tác phẩm “ Bước qua ngưỡng cửa hy vọng “, được xuất bản tháng 12 / 1994, đã đưa ra suy tư của Ngài : Tuổi trẻ là gì ? Chắc chắn không phải là một khoảng thời gian nào đó giữa tuổi thơ và tuổi trưởng thành. Trái lại, theo tôi đó là thời gian đặc biệt mà Chúa Quan Phòng ban cho mỗi người để họ nhận ra ơn gọi của mình.

Các bạn có chấp nhận suy tư của Đức Giáo Hoàng không ? Nếu bạn chấp nhận thì bạn đã nhận ra ơn gọi hay chưa ? Các bạn dám mạnh dạn bắt chước người thanh niên trong Phúc Âm đã đến tìm gặp Chúa Giêsu và nói với Người : “ Thưa Thầy , tôi phải làm gì để được sống đời đời “ không ? (Mt 19, 16). Và khi Chúa Giêsu nói với anh ta : “Con muốn sống đời đời thì phải giữ các điều răn “ . Anh ta vui mừng hớn hở vì anh ta đã giữ những điều răn mà Chúa nói đó từ thuở nhỏ. Và anh ta tiếp tục hỏi : “’ Vậy tôi còn thiếu điều gì nữa không ? “, Chúa Giêsu đáp : “ Hãy bán những gì anh có và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến đây theo tôi “. (Mt 19, 16 - 22 ). Vá các bạn cũng biết điều gì đã xảy ra, người thanh niên đó không chấp nhận đề nghị của Chúa “ bán gia tài “.

Các bạn thân mến, tôi dám chắc các bạn đã khám phá ra ơn gọi của mình như người thanh niên trong Phúc Âm, nhưng chỉ có một điều là chưa dám chấp nhận và thực hiện. Phúc Âm nói người thanh niên buồn rầu bỏ đi, khi Chúa bảo “ bán gia tài “ , vì anh ta có quá nhiều của cải. Các bạn trẻ, cái gì làm các bạn chùn bước ? Tiền tài ? Danh vọng ? Sắc đẹp ? Các bạn hãy nhớ lại tên gọi của mình là “ Kitô hữu “, thuộc về Chúa Kitô. Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi, đã đang và sẽ luôn đồng hành với chúng ta, Người cùng đi với chúng ta như một người bạn. Và lúc đó chúng sẽ nhận ra điều này : “ Người là người bạn duy nhất mà chúng ta luôn luôn có thể tin cậy” (ĐGH Gioan Phaolô II ).

Một thanh niên đã nói với tôi : Cha ơi làm sao mà đem Chúa đến cho người khác được ??? Trong khi chính bản thân mình chưa tốt, chưa sống đạo tốt, những người công giáo chưa tốt. Muối không mặn thì làm sao dám quăng ra đời ? Đèn leo lét làm sao chiếu soi được đêm tối ?

Bạn đừng quá bi quan như vậy, dù sao trong đêm tối mịt mù, một ánh đèn leo lét vẫn có thể nhận ra được, miễn làm sao nó đừng tắt. Mà ngọn đèn leo lét là tại vì chúng ta chưa khơi nó dậy. Tại sao bạn biết mình chưa tốt , mà không chịu sống tốt ? Hãy cố gắng lên đi.

Tôi rất thông cảm với các bạn, loan báo Tin Mừng nơi môi trường mình sống và làm việc không phải dễ, nhưng cái khó không quá tầm tay chúng ta. Nếu thật sự là khó đến nỗi không ai có thể làm được, hay chỉ một số người nào đó mới làm được ( Tu sĩ ), thì tại sao Chúa Giêsu không chọn tông đồ của mình là những tiến sĩ luật, những văn nhân, những nhà thông thái … mà lại chọn những người thiếu học, đơn sơ chất phát, nghèo nàn và còn quê mùa nữa.

Theo các bạn Chúa đã chọn các tông đồ theo tiêu chuẩn nào ? Theo tôi nghĩ và có lẽ các bạn cũng đồng ý, tiêu chuẩn đó là sự nhiệt thành, sẵn sàng, dứt khoát . Phêrô, Simon bỏ chài lưới - Matthêu bỏ bàn thu thuế - mọi tông đồ khác đều làm như vậy. Và cho dù họ cũng có chúc hy vọng gì đó như làm lớn, hưởng lợi lộc ( trường hợp hai đứa con ông Giêbêđê ), nhưng chúng ta phải công nhận rằng các tông đồng rất nhiệt thành, rất hăng hái và dứt khoát, nhất là sau ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, các ngài đã mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng. Các ngài không còn nhớ mình là người quê mùa ít học, những người nghèo quanh năm suốt tháng chỉ biết có chài lưới, chỉ có lao động vất vả mà vẫn nghèo . Các Ngài đã ý thức và xác tín mình đã thuộc về Chúa Kitô - Có Chúa Kitô cùng đồng hành, có Chúa Kitô là bạn và có thể luôn luôn đặt tin cậy vào người bạn đó.

Vậy các tông đồ là ai ? Các ngài có hơn chúng ta không, khác chúng ta không ? Họ là những người hoàn toàn như chúng ta, đầu đội trời chân đạp đất, họ là những người mà chúng ta có thể gặp bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào. Nhưng có một điều khác chúng ta là : Tâm hồn họ luôn tỏa ra một đức tin sống động vào sự hiện diện của Chúa Kitô.

Như Chúa Kitô đã mời gọi các tông đồ, Ngài cũng mời gọi chúng ta rao giảng Tin Mừng, trình bày Thiên Chúa, giới thiệu nước trời cho anh em của mình. Tôi xin đọc một đoạn ngắn Hiến Chế LG 31 để các bạn thấy được Hội Thánh là công cụ của Chúa Kitô ở trần gian, ý thức về vai trò sứ mạng của mình và con cái mình như thế nào : “ Anh chị em giáo dân ( có các bạn trẻ ) được Thiên Chúa mời gọi, để dưới sự hướng dẫn của Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình, và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ trình bày Chúa Kitô cho người khác “.

Các bạn trẻ thân mến, ý cầu nguyện của tháng giêng như tôi đã viết ở đầu bài : “ Xin cho các Kitô hữu trong các Hội Thánh địa phương biết dấn thân mọi ngày để loan báo Tin Mừng tại môi trường sống và làm việc “.

Ý cầu nguyện rất đúng với điều mà Hội Thánh trong Hiến Chế LG 31 đã nói ở trên. Tôi xin liệt kê ra để thấy rõ :

Anh chị em giáo dân được Chúa mời gọi.
Dưới sự hướng dẫn của Phúc Âm.
Như men bên trong.
Họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành nhiệm vụ của mình
Với lòng tin cậy mến
Với bằng chứng đời sống.
Họ trình bày Chúa Kitô cho người khác.

Chúng ta thấy Mẹ Hội Thánh rất khôn ngoan, dạy chúng ta những việc cần phải làm và có thể làm được. Cũng như Chúa Giêsu đã nhờ các tông đồ làm những việc cần làm và có thể làm được với sự dấn thân.

Hội Thánh không bảo chúng ta phải thay đổi môi trường sống và nơi làm việc, mà bảo chúng ta hãy loan báo Tin Mừng chính nơi môi trường mình đang sống và làm việc. Như vậy, chúng ta không còn phải lo âu băn khoăn nữa, trái lại chúng ta càng thêm ý thức và xác tín mạnh mẽ dù ở đâu làm việc gì, chúng ta cũng có thể loan báo Tin Mừng.Và các bạn cũng nên nhận ra hai điều này :

Việc loan báo Tin Mừng của chúng ta không tùy thuộc vào cấp bậc trong Giáo Hội hay địa vị xã hội hoặc trình độ học vấn… nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ sống bác ái của mình.Thánh tông đồ trong thư I gởi Côrintô ( 13 ), tôi xin tóm ý : Tôi chẳng là gì hết nếu tôi không có đức ái “.

Một giáo dân biết quảng đại đón nhận đức ái siêu nhiên trong tâm hồn và trong đời sống thì thánh thiện hơn một vị Linh Mục chỉ chấp nhận đức ái một cách nửa vời ….

Vì vậy cũng có thể nói, người giáo dân trong đó có các bạn trẻ, nếu biết dấn thân hàng ngày để loan báo Tin Mừng tại môi trường mình đang sống và làm việc, thì cũng sẽ đạt kết quả tốt đẹp như các tông đồ, hay như các nhà truyền giáo.

X. TẢN MẠN

Sống thoải mái là sống thế nào ?
Dưới dây là một số định nghĩa đơn giản - nhưng không phải là dễ dàng - về ý nghĩa của “sống thoải mái”.
Cho phép người khác làm người, không xét đoán họ
Sống trọn vẹn ngày hôm nay.
Chấp nhận sự thật về chính mình mỗi ngày.
Tìm hiểu và vượt thắng những khuyết điểm riêng.
Không phàn nàn, oán trách hay cãi vã với người khác về các khuyết điểm của họ.
Sống cho hôm nay và ngày mai, không sống cho ngày hôm qua.
Cho phép người khác thực hiện cuộc sống và định mệnh riêng của họ.

“Sống thoải mái” là rút nắm đấm lại, là lật đổ ngẫu tượng cái tôi, và nhất là luôn nhìn nhận chính mình và người khác đều là con cái Thiên Chúa. Bạn hãy thử sống thoải mái như vậy đi. Mọi việc sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều đấy.

“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó”. (Mt 7, 12)

Lạy Chúa Giêsu, Ngài luôn tôn trọng tự do của con, dù con chấp nhận hay khước từ Ngài. Xin cho con biết tôn trọng anh chị em con như thế . Amen
(Better to light a Candle)

XI. Nghệ Thuật Sống :

Những Điều Quan Trọng Nhất

Với giọng nói e dè và cái nhìn ngưỡng mộ, cậu bé mừng cha mình khi ông tan việc trở về nhà : “Thưa cha, một giờ cha kiếm được bao nhiêu tiền”.

Thật sửng sốt, người cha trừng mắt nhìn đứa con và nói : “Nầy con, ngay cả mẹ con cũng không biết chuyện nầy. Đừng quấy rầy cha. Cha mệt rồi….

Nhưng cha hãy nói cho con nghe đi! Mỗi giờ cha kiếm được bao nhiêu tiền. Đứa bé nhấn mạnh.

Cuối cùng người cha đành phải trả lời : “Hai mươi đôla một giờ,” “Thế cha có thể cho con mượn 10 đôla không ?” Cậu bé hỏi.

Bực mình người cha thét lên : “Đó là lý do mà con hỏi cha kiếm được bao nhiêu tiền à ?” Đi ngủ đi và đừng làm phiền cha nữa !”.

Đêm xuống, ngẫm nghĩ về những điều đứa con nhỏ của mình nói, người cha cảm thấy

hối hận. Có lẽ nó muốn xin tiền mua món gì chăng ?

Cuối cùng, để được thanh thản, ông đi về phía phòng đứa con nhỏ của mình và hỏi : “Con ngủ chưa”.

Giọng ngái ngủ đứa bé trả lời : Dạ chưa. Có gì không cha ?. Người cha đáp : “Tiền mà con hỏi cha hồi sớm đây nè!”

“Con cám ơn cha”. Cậu bé vui mừng nói trong khi đưa tay vào dưới gối moi ra một ít tiền.

“Giờ thì con có đủ rồi ! 20 đôla !” đứa bé nói với cha nó trong khi ông đang nhìn nó chằm chằm và cảm thấy bối rối về điều nó vừa nói. “Cha có thể dành cho con một giờ làm việc của cha không ?” (Dịch từ Feelgoodpages : The important Things)

Các bạn ạ ! Hãy lưu ý điều quan trọng nầy là dành chút thời giờ trong ngày của mình để chăm sóc con cái !

Tham Khảo:
Vì Sự Sống Trần Gian, Antôn Ngô Văn Vững sj;
Thà Thắp Lên Một Ngọn Nến, Christophers;
www.vietcatholic.net; www.simonhoadalat.com; Radio Veritas Asia; www.dongcong.com.

1614    17-04-2012 14:59:04