Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Rao Giảng Tin Mừng Bằng Việc Can Đảm Đến Với Người Nghèo - Tháng 10 năm 2002

Chủ đề: RAO GIẢNG TIN MỪNG BẰNG VIỆC
CAN ĐẢM ĐẾN VỚI NGƯỜI NGHÈO

 

I. LỜI CHÚA : Mt 10, 40-42

Ai đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
Ai đón tiếp một vị ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.
Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ nầy uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Tình yêu chúng ta dành cho Chúa được xác định qua cách thế chúng ta đối xử với anh em của mình, nhất là với những kẻ bé mọn. Những kẻ bé nhỏ là những người không có khả năng đền ơn cho chúng ta. Chúa Giêsu tự đồng hoá mình với những kẻ ấy và người sẽ ghi nhận công lao của chúng ta.

III. CHUYỆN MINH HOẠ


TẠI SAO?

Trên đường phố, tôi trông thấy một cô bé lạnh lẽo và run rẩy trong bộ đồ mỏng manh với hy vọng có chút gì ăn cho đỡ cơn đói như cào gan ruột. Tôi tức giận thưa với Chúa :
Tại sao Chúa lại cho phép xảy ra như thế ?
Tại sao Chúa không hành động gì cơ chứ ?
Một lúc sau Chúa không nói gì .
Nhưng đêm đó, Ngài đã trả lời thật bất ngờ:
Chắc chắn Ta đã làm điều gì cho việc đó rồi : Ta đã tạo dựng nên con.

IV. DIỄN NGHĨA

Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con cùng một Cha trên trời và cùng được Chúa Kitô cứu chuộc, chúng ta hết thảy mọi người đều là anh em của nhau, chịu trách nhiệm lẫn nhau : “ Càng ngày càng phải nhận thức sự bình đẳng căn bản giữa mọi người hơn, bởi vì mọi người đều có một tâm linh và được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa nên có cùng một bản tính và cùng một nguồn gốc, hơn nữa vì được Chúa Kitô cứu chuộc, nên họ đều được mời gọi như nhau và cùng hưởng chung một cùng đích nơi Thiên Chúa”. (MV 29a).

Đức cố Hồng Y Fx. Nguyễn văn Thuận đã nói : “ Giám đốc và công nhân, sĩ quan và binh sĩ, giáo sư và học sinh, khác biệt nhau vì địa vị, vì cấp bậc, nhưng đó chỉ là phụ thuộc. Họ đồng hàng với nhau vì là “ người ” , vì là anh em con Chúa, điều ấy mới quan trọng. ” (Đường Hy Vọng số 588). Ngài còn nói tiếp : “ Bớt diễn thuyết về hạn hán ở Sabel, sóng thần ở Bangladesh, bạo động ở Nam Mỹ, nhưng hãy tìm thấy “ Chúa Giêsu bị bỏ rơi, kém mở mang ” , kề bên con, dưới mái nhà con, bên kia vách tường con. ” (ĐHV số 597).

Không cần nhìn đâu xa, quanh ta còn biết bao người nghèo khổ. Mà nghèo thì thiếu thốn và thua thiệt mọi thứ. Tựu trung theo Cha Angelo de Vanande Scolozzi trong lời tựa quyển sách nói về cuộc đời Mẹ Têrêsa Calcutta, có hai loại nghèo : nghèo vật chất và nghèo tinh thần.

Nghèo vật chất là thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu phương tiện sinh sống, thiếu mắt, thiếu tay, thiếu chân, thiếu trí thông minh … thiếu những điều kiện để sống cho ra con người. Nghèo đói luôn luôn đi đôi với sợ hãi. Mẹ Têrêsa Calcutta kể lại : “ Cách đây vài tuần, tôi tiếp nhận một bé gái lang thang. Nhìn mặt em, tôi biết ngay em đang đói cồn cào, dù em không thể nói cho tôi biết em nhịn ăn đã bao ngày. Tôi cho em một tấm bánh. Em vồ lấy và bắt đầu ăn nhỏ nhẽ, từng miếng một. Tôi bảo em : “ Nếu con đói, con cứ ăn hết đi nhé! ” Em do dự đáp : “ Cháu không dám ăn hết đâu. Lỡ bị đói nữa thì đâu còn gì mà ăn ” .

Người không tiền thì sợ bệnh tật, sợ mất việc làm, tương lai bất ổn, gia đình nheo nhóc. Nói tóm lại người nghèo thì thiếu thốn và sợ hãi.

Tuy nhiên còn một thứ nghèo khác là nghèo tinh thần. Trong một xã hội giàu có và phát triển như xã hội Phương Tây và ngay chính trong xã hội chúng ta đang sống, nơi một số những gia đình giàu có, họ vẫn sống trong cảnh nghèo đói và sợ hãi. Họ Hoang phí tiền của cho những tiện nghi hào nhoáng nhất thời, cho những thèm khát trong phút chốc và sống trong tâm trạng kiêu căng chỉ biết có mình, chỉ tìm hưởng thụ cho riêng mình, tích luỹ tài sản cho mình ngày một nhiều thêm, mà chẳng bận tâm tới sự đói no, sự thiệt thòi của người khác. Tâm hồn họ đóng kín lại, trở thành nước ao tù. Họ nghèo vì thiếu tình nhân ái trên đống của cải dư thừa.

Tiền sĩ Karl Menninger trong cuốn “ Vì Đâu Có Tội Lỗi ” gọi đó là một thứ “ tội tập thể ” . Đó là sự làm ngơ (của xã hội) đối với những khu xóm nghèo nàn của thành phố, sự ô nhiễm môi sinh trên toàn quốc, sự khai thác nhân lực của những người di dân trong kỹ nghệ , đó chỉ là một vài “ tội tập thể ” làm cho ông kinh sợ. Điều bi thảm trong những tội tập thể nầy là những cá nhân riêng rẽ, như bạn và tôi, không tự cho là mình có trách nhiệm hay tội gì cả.

Người giàu có cũng sợ hãi. Họ sợ mất đi số tài sản kếch sù mà họ đã vun bồi, sợ phải cưu mang hay chia sẻ tiền bạc, thời gian , sợ làm giảm nhẹ bản thân của họ, khi nghĩ đến người khác đang thiếu thốn.

Tại sao cần phải can đảm đem tình thương Chúa Kitô đến với người nghèo?

Bởi vì cái mà cả hai hạng người nghèo vật chất và nghèo tinh thần đều thiếu thốn đó chính là “ tình người ” là “ sống xứng với phẩm giá con người ” . Bởi vì “ Thảm kịch của người nghèo không phải chỉ là thiếu thốn, nhưng còn vị họ không thể sống xứng với con người ” (ĐHV số 588). Chỉ có sự ấm áp của tình người mới làm cho người nghèo vật chất thấy rằng họ được tôn trọng như một con người và chỉ có tình người mới làm tan băng những tâm hồn xơ cứng của những người nghèo khó về tinh thần.

Chúng ta thường muốn thấy kết quả trước mắt, dù không phải là sự đền đáp, nhưng ít nhất cũng là một tín hiệu đáp trả nào đó cho sự giúp đỡ của mình. Người nghèo thì dĩ nhiên là không có điều kiện để đáp đền chúng ta. Còn khi đến với những người nghèo tinh thần thường khi chúng gặp phải những nhọc nhằn, hiểu lầm. Do đó, cần phải có sự can đảm với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để dấn thân đến với họ, mà không mong sự đáp đền và kết quả thì phó thác vào tay Chúa

Theo cha Anthony de Melo, hành vi bác ái của chúng ta thường ẩn chứa một sự vị kỷ nào đó. Chúng ta tin rằng mình không bao giờ giả dối khi cố gắng thể hiện tình thương đối với người khác, nhưng có thể có ba loại ích kỷ khi thực hiện hành vi bác ái như sau :

Loại ích kỷ thứ nhất là ta dành cho mình cái khoái lạc, sự thoả mãn khi giúp đỡ người khác. Loại ích kỷ nầy được gọi là qui ngã và rất dễ thấy.

Loại thứ hai là ta dành cho mình cái khoái lạc được làm thoả mãn người khác. Đây là loại ích kỷ tinh tế hơn, rất khó thấy và do đó nguy hiểm hơn. Bởi vì trong trường hợp nầy ta cảm thấy mình rất cao thượng, nhưng mổ xẻ tới cùng thì té ra ta chẳng cao thượng tí nào.

Loại ích kỷ thứ ba, loại tệ hại nhất : ta làm điều tốt để tránh khó chịu. Ta bực dọc chứ không khoan khoái để làm nó. Ta ghét nó. Ta vừa hy sinh vừa càm ràm. Làm vì nhiệm vụ phải làm để khỏi bối rối lương tâm. Lối ích kỷ nầy được thể hiện như sau : - “ Thưa cha, tối nay con có thể gặp cha được không ạ? ” . - Ừ, con cứ đến. “ Tôi không muốn gặp anh ta, thậm chí tôi ghét gặp anh ta nữa. Tối nay tôi muốn xem truyền hình, nhưng làm sao tôi có thể nói “ không ” với anh ta được ? Tôi không có can đảm từ chối : “ Con cứ đến ” , miệng nói thế nhưng lòng tôi nghĩ : “ Chúa ơi, con lại phải chịu đựng nỗi khổ nầy ” . Ta hành động để khỏi bị bức rứt : đó là loại bác ái tệ hại nhất. Ta muốn người khác nghĩ mình là một linh mục tốt, dù trong lòng bực bội.

Thật ra, trong mỗi hành vi bác ái của con người, vô tình hay cố ý, ít nhiều đều có những tư tưởng vị kỷ nầy. Vấn đề là vượt lên trên những tư tưởng ấy, hành vi ta làm với mục đích là vì Chúa, vì yêu mến Chúa, muốn vâng theo lời người dạy, bất chấp những tư tưởng kể cả những tư tưởng nổi loạn trong tâm hồn mình. Bởi vì như Đức cô Hồng Y Fx. Nguyễn văn Thuận nói : “ Làm việc thiện chưa phải là tông đồ, làm vì xem đó là sứ mệnh Chúa Kitô mới là tông đồ ” . ”

Giới luật quan trọng nhất của Đạo chúng ta là yêu thương, Chúng ta cũng sẽ bị xét xử về lòng yêu thương. Người yêu đuối, thiếu thốn mới cần đến tình thương của chúng ta hơn. Chúa cũng không bao giờ sai ta làm điều gì mà không ban đủ ơn trợ lực cần thiết : “ Ơn Ta đủ cho ngươi ” . Xin cho con can đảm đem tình thương Chúa đến với anh em nhất là những người thiếu thốn về mọi mặt.

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên những sứ giả của tình yêu chúa đến với anh em chúng con, nhất là những người nghèo khổ, túng thiếu, để mọi người nhận ra tấm lòng của Chúa qua sự hiện diện của chúng con. Amen

VI. HỌC LỜI CHÚA : Mt 10, 42

Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ nầy uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu…

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

HIỆN DIỆN VỚI TÌNH YÊU KHIÊM TỐN

Trong bài phát biểu của Mẹ Têrêsa Calcutta tại Hội Nghị Thế Giới lần thứ 4 của Hiệp Hội các cựu học sinh của các sư huynh các trường Thiên Chúa Giáo tại Malta ngày 30 . 08 . 1976, Mẹ có nói : ” Các bạn có nhận ra các người nghèo khổ ngay tại nhà mình không ? Biết đâu trong gia đình, trong cộng đoàn bạn sống, lại chẳng có một người nào đó đang cô đơn, cảm thấy thiếu thốn tình yêu, bị tổn thương, chà đạp. . . Biết đâu vợ, chồng, con cái các bạn cũng đang bị cô lập ngay trong gia đình mình đó. Bạn có nhận ra điều đó không ? Ngày nay các cụ già đâu cả rồi ? Họ ở trong các viện tế bần cả. Tại sao vậy ? Tại vì không ai cần đến họ nữa, tại vì họ là gánh nặng đè lên vai ta.

Cách đây ít lâu, tôi có đến thăm một viện dưỡng lão khang trang lộng lẫy. Bốn mươi cụ sống tại đó không thiếu thốn bất cứ thứ gì. Mọi thứ đều hoàn hảo. Nhưng tất cả các cụ đều nhìn đăm đăm ra cửa, mặt mũi buồn thiu. Tôi bèn hỏi chị nữ tu phục vụ :
- Sao các cụ cứ nhìn ra cửa hoài vậy?
Chị trả lời thật gọn :
- Họ cứ thế suốt ngày đấy ! Lúc nào họ cũng mong có một người nào đó, hoặc con cái, hoặc thân nhân, bạn hữu đến thăm.
Nỗi nghèo khổ ấy lớn biết bao ! ...
Nghèo, không chỉ là nghèo vật chất, mà còn là nghèo tinh thần. Đói, không chỉ là đói cơm bánh, mà còn đáng sợ hơn nữa là đói tình thương, đói chân lý. Bởi đó, Giáo Hội kêu gọi và cầu nguyện cho mỗi người chúng ta can đảm nói lên tình yêu của Đức Kitô đối với người nghèo.
Thể hiện lời kêu mời của Giáo Hội, chúng ta hãy đến với người nghèo bằng sự hiện diện với tình thương khiêm tốn.

I. HIỆN DIỆN.

Hiện diện là có mặt để mang lại niềm vui cho một ai đó, để khích lệ an ủi họ chứ không luôn luôn cần thiết phải làm hay nói một điều gì. Vả lại, không phải lúc nào cũng có thể làm hoặc nói một điều gì đó . . . Chỉ cần có mặt, chỉ cần hiện diện với tất cả sự thông cảm và yêu thương là đủ.

Đúng vậy, nếu xảy ra một trận bảo, con cái trong nhà cuống cuồng lo sợ, dù người mẹ có mặt ở đó cũng không hẳn đã là sự che chở bảo đảm, nếu như người cha vắng mặt. Bỗng dưng người cha xuất hiện giữa khung cửa, mọi con tim lắng đọng an bình, như thể sự hiện diện của người cha đủ sức bảo vệ mọi người trước giông tố vậy.

Hay như một em bé đứng khóc, vì em sợ một tiếng động, sợ bóng tối, sợ những không không vô lý nào đó . . . Mẹ em chạy đến với em, tức khắc nụ cười xuất hiện với hàng nước mắt chưa khô. Sự hiện diện yêu thương, một sự hiện diện đầy mãnh lực chở che, một sự hiện diện bảo đảm an bình.

1 . Sự hiện diện của Đức Kitô.

Ngày nay, có biết bao người không còn lấy một người thân thuộc trong cuộc sống của họ; ngày nay, có biết bao người đang ở trong trường hợp của người bại liệt bên hồ Betsaiđa đã thân thưa với Đức Kitô : ” Thưa Ngài, tôi không có ai . . . tôi không có ai để giúp tôi xuống nước khi nước động ” . (Ga 5, 7). Đức Kitô có mặt ở đó và người bệnh ba mươi tám năm ấy đã được khỏi.

Đức Kitô! Có phải vì những việc như thế đó mà Ngài đã chấp nhận cuộc nhập thể và nhập thế không ? Vâng, Ngài đến để gánh lấy tội phạm của chúng ta và đền bù những tội phạm đó cho chúng ta, nhưng đồng thời cũng để mang đến cho chúng ta sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính Ngài là sự hiện diện ấy, một sự hiện diện mang lại sức mạnh, lòng can đảm, niềm xác tín, và sự bình an.

2 . Sự hiện diện của chúng ta.

” Mọi sự cho mọi người ” là một lý tưởng cao đẹp mà chúng ta chỉ có thể thực hiện được một cách vô cùng bất toàn. Nhưng chúng ta cũng phải nỗ lực thực hiện ngay trong cái giới hạn bất toàn có thể ấy.

Có những lúc trong cuộc sống, chúng ta phải thực hiện cho bằng được cái không thể, để sự hiện diện của chúng ta mang lại niềm an ủi và khích lệ cho những ai cần đến nó.

A/ Hiện diện bằng chính thân mình.

Trong hoàn cảnh vui mầng : như một gia đình nào đó có một người đã mất tích và hầu như vô vọng, nay bỗng dưng xuất hiện giữa những người thân thuộc. Nếu có sự hiện diện của chúng ta lúc đó, sẽ làm cho niềm vui của họ tăng lên và cũng rất đỗi dễ dàng cho chúng ta hiệp thông với họ.

Trong hoàn cảnh khó khăn, đau khổ . . . Nhiều khi chúng ta không dám nghĩ tới việc mình hiện diện ở đó. Chính sự ngại sợ làm chùn bước chân của chúng ta. Nếu vượt qua được, đó là một ân huệ mà Đức Kitô đã hứa ban Nước Trời không những cho những ai đã trân trọng từng ly nước lạnh cho người đang khát, mà nhất là cho những người biết viếng thăm những kẻ đơn côi: “ Ta bị tù đày, bệnh tật . . . các ngươi đã viếng thăm Ta . . . ” (Mt 25, 35 - 36).

Hiện diện trong giây phút mọi người đau đớn tiễn đưa một người thân thương của họ vừa nằm xuống. Hay hiện diện trong những hoàn cảnh thê thảm khi định mệnh của một con người được quyết định : một tử tội đã ân cần thốt ra lời biết ơn sâu xa với một người mà anh ta yêu mến, đến thăm anh ta, trước lúc anh ta bị hành hình : ” Tôi chắc chắn anh sẽ đến ” . Và để có được sự chắc chắn của người tử tội, anh bạn kia phải vượt qua biết bao khó khăn trở ngại.

B/ Hiện diện bằng thư từ.

Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể có mặt đúng nơi đúng lúc, vì chúng ta còn nhiều bận rộn, hoặc bệnh hoạn, nhất là khi ở xa, có những khoảng cách ngăn cản . . . Lúc ấy những cánh thư rất cần thiết, thay thế sự hiện diện của chúng ta, để chia vui sẻ buồn. Đó là sự gần gũi tinh thần, và nhiều khi sự hiện diện tinh thần còn quan trọng hơn sự hiện diện thể lý.

II. HIỆN DIỆN VỚI TÌNH YÊU KHIÊM TỐN.

Tình yêu khiêm tốn là thứ tình yêu đã làm cho sự kín đáo, sự tự huỷ, sự khiêm tốn, sự quên mình cùng hoà hợp trong một nguồn sáng duy nhất. Đó là một tình yêu, trong đó không những chỉ có sự tôn trọng mà còn hàm chứa một điều gì đó như một sự quỳ gối, một sự tôn thờ. Tình yêu khiêm tốn chấp nhận mọi sự tự hạ, chớ không vinh vang về phẩm giá của mình, nhân cách của mình, giá trị của mình, uy tín của mình, một chỉ ưu tư đến điều thiện hảo nơi người khác mà thôi.

Tình yêu khiêm tốn có thể làm nao núng những tâm hồn chất chứa hận thù như mẫu sáp ong tan chảy trước sức nóng của ngọn lửa.

Đọc tác phẩm “ Le vent du gouffre ” của Charles Sylvestre, chúng ta bắt gặp một mẫu người hiện diện với tình yêu khiêm tốn đúng nơi, đúng lúc như sau :

Chị Monique thấy chồng mình, là ông Gilbert de la Barthe, mỗi ngày một rời xa mái ấm gia đình để chạy theo hai con người quỉ quyệt chỉ bám vào ông vì tiền mà thôi. Chị Monique ý thức rõ rằng nếu can thiệp trực tiếp sẽ không có kết quả đối với một người chồng thô bạo, vì trong mắt chồng, hầu như chị không đáng gì cả, và chồng chị chưa có thể hiểu được sức mạnh tàng ẩn dưới dáng vẻ hiền hòa của chị. Chị khiêm tốn có mặt (hiện diện với tình yêu khiêm tốn), Đồng thời vẫn tế nhị để chồng chị không nghĩ rằng chị bị mắc mưu, hay chị đồng lõa với việc xấu đó. Không có một sự trách móc nào trong lời nói hay thái độ của chị, nhưng trọn vẹn cuộc sống chị là một lời kêu mời trong sáng và tế nhị, kêu mời chồng chị hướng đến một đời sống trong sạch và Kitô giáo mà trước đây chồng chị vẫn sống.

Hơn nữa, chị vẫn kiên nhẫn dùng những thời gian rảnh rỗi để an ủi những con người khổ đau thể lý cũng như tinh thần ở xung quanh chị.

Một lần kia, với sự hiện diện đầy tình yêu khiêm tốn , chị đã cứu được một tâm hồn coi như đã tan vỡ, qua mẫu chuyện sau đây :

Một thiếu nữ ở làng bên, Germaine Bertot, vừa từ Paris về, với một thân xác và một tâm hồn bị hao mòn ghê gớm, và cha mẹ cô cảm thấy ghê sợ trước những lời nói phạm thượng và thô tục thường xuyên trên môi miệng cô.

Đã hơn một lần chị Monique lấy hết sức can đảm thử xóa bỏ những lời ngạo mạn đó. Ngày kia khi chị Monique đến gần căn nhà thê thảm ấy, chị nghe Germain Bertot đang gào thét một bản nhạc thô tục và chán đời, với những điệp khúc mang quá nhiều những gợi cảm nhớp nhúa rất ư hấp dẫn, khiêu khích, kêu mời . . . Một thoáng qua, chị thấy như choáng váng đứng trước nỗi thất vọng kéo dài, như muốn thiêu rụi tất cả. Chị nhớ lại, quá nhiều những sỉ nhục chị đã phải chịu, nhưng vẫn uổng công. Chị muốn thối lui và thầm nguyện : ” Lạy Chúa, con không muốn . . . “ . Nhưng bất ngờ, chị nghe bà mẹ của Bertot hét lên :
- Mày gây điếm nhục, khổ sở, trơ trẽn . . . Mày có im cái mồm đi không ?
Germaine Bertot giận run :
- Bà đừng la lối gì nữa ! Tôi sẽ tự tử ngay bây giờ. Như thế cho tiện, chẳng phiền hà gì đến ai: cả bà lẫn tôi.

Chị Monique đứng sững lại. Nghe tiếng thét cuối cùng ấy, chị không thể rời xa hơn nữa. Chị nghĩ rằng Thiên Chúa muốn chị chịu đựng những nhục nhã ấy. Chị vội chuẩn bị những lời nói, nhưng đầu óc chị vẫn trống rỗng, không có một ngôn từ nào. Trước khi gõ cửa, chị thoáng thấy chị chưa khiêm tốn đủ. Chị hắng giọng để báo trước, rồi chị bước qua cánh cửa và vào nhà.

Germaine Bertot ngồi gần lò sưởi vội vã quay về phía chị Monique với vẻ dữ tợn ghê gớm. Cô sẵn sàng để bung ra những lời thô tục. Nhưng ánh sáng trong đôi mắt của chị Monique đã bao trùm và ngăn Germaine lại. Rồi chị Monique đến gần , và lúc đó Germaine nhận ra cô đã đợi chờ Monique với khuôn mặt đón đợi của một đứa trẻ.

- Chị đi ngang qua đây, Germaine, em có thể cho chị xin một ly nước được không ?
Cô ta đứng lên đi kiếm nước. Monique lặng lẽ uống ly nước rồi nói :
Em làm ơn cho chị nhiều lắm, nếu em bằng lòng đan cho chị mấy búp len đó. Chắc chắn công việc này không thích thú gì, nhưng việc em làm sẽ rất vui thích đối với chị.
Rồi chị đến ngồi trên một chiếc ghế thấp gần cô ta, và nhìn cô ta với ánh mắt hết sức dịu dàng. Đột nhiên, chị ấp ủ đôi tay cô ta trong bàn tay chị :
- Em đã đau khổ quá nhiều. Nếu em muốn, em có thể coi chị như một người bạn . . .

Một sức mạnh toả ra từ Monique đến độ Germaine đành chấp nhận để yên, những bàn tay đã trở nên ngoan ngoãn trong bàn tay chị. Lúc đó Germaine muốn trả lời nhưng cô chỉ còn biết Khóc, lặng lẽ những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má cằn cỗi của cô. Cô bắt đầu thổn thức :

- Đã hai năm rồi, em không thể khóc được !
Bà mẹ của Germaine cũng nức nở, bà biết rằng con của bà có thể được cứu thoát.

KẾT

Vâng , Không gì làm mềm những con tim chai cứng bằng sự hiện diện với tình yêu khiêm tốn. Đồng thời cũng không có gì trở thành phương dược hữu hiệu đối với sự nhát sợ cho bằng tình yêu khiêm tốn. Sự nhát sợ đó vẫn có nơi chúng ta và nơi những người chúng ta vẫn gặp mỗi ngày. Sự nhát sợ đó là thứ rào cản chúng ta đem Đức Kitô đến cho những người nghèo khổ, nhất là nghèo khổ tinh thần.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II , trong Tông Huấn Giáo Hội tại châu Á , số 34 *1 đã dạy “ Ưu tiên yêu thương người nghèo và có những quyết định xuất phát từ tình thương ấy không gì khác hơn là muốn rộng tay đón nhận lấy hết con số đông đảo những người đói khát, túng thiếu, vô gia cư, những người không được chăm sóc về y tế, và nhất là những người không hy vọng có một tương lai tốt đẹp hơn. Không thể làm ngơ trước những thực tại ấy. Làm ngơ không biết đến họ tức là đã bắt chước “ông nhà giàu” làm bộ không biết người hành khất Lazaro nằm trước cổng nhà mình”.

VIII. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI.

Xin Chúa tha thứ cho những thiếu ý thức loan báo Tin Mừng bằng đời sống đạo đức.
Xin Chúa tha thứ cho những thiếu quan tâm đến người nghèo.
Xin Chúa tha thứ cho những thiếu tích cực cộng tác trong việc dạy giáo lý cho con em thiếu niên nhi đồng.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Trong tháng mười, có Chúa nhật Truyền giáo, Hội Thánh mời gọi chúng ta quan tâm nhiều hơn đến việc truyền giáo. Đó cũng là sứ mạng của mỗi Kitô-hữu. Mỗi chúng ta có một hoàn cảnh khác nhau để hoàn thành sứ mạng ấy. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho mọi người:

Chúa Giêsu trao cho Hội Thánh sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Chúng ta cầu nguyện cho từng thành phần trong Hội Thánh: luôn ý thức trách nhiệm loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người, trong mọi tầng lớp của xã hội.

Xã hội và Giáo Hội hiện nay, đang cần nhiều hình thức hoạt động của các giáo lý viên, để loan báo Tin Mừng. Chúng ta cầu nguyện cho : Trong các cộng đồng dân Chúa, có nhiều người có nhiều khả năng, dấn thân tích cực cho việc dạy giáo lý, mà truyền đạt đức tin cho anh chị em mình.

Vẫn còn có nhiều người nghèo sống trong xã hội đang phát triển. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người, nhất là những người giàu: chẳng những biết quan tâm giúp đỡ kẻ nghèo, mà còn biết: phải nói lên tình yêu Kitô-giáo đối với những người nghèo khó.

Hiện nay, trong các giáo xứ đang có những cố gắng mới, để bảo tồn và loan báo Tin Mừng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những nỗ lực ấy, đạt nhiều kết quả theo thánh ý Chúa; cho anh chị em giáo lý viên của họ đạo chúng ta: tận tâm phục vụ Lời Chúa cho mình và cho tha nhân.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã và đang rao giảng Tin Mừng nơi chúng con, là các thành phần thân thể Chúa. Xin Chúa luôn ở trong chúng con, xin Chúa ban Thánh Thần Chúa cho chúng con, để chúng con luôn hoạt động truyền giáo theo thánh ý Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

IX. CHIA SẺ

Các bạn trẻ thân mến!
Giáo Hội mời gọi chúng ta trong tháng 10 này, cầu nguyện cho mọi thành phần trong Giáo Hội : linh mục, tu sĩ, giáo dân, được can đảm nói lên tình yêu của đức Kitô đối với người nghèo .

Các bạn cũng biết : các nhà truyền giáo, các Linh mục và các tu sĩ là những người được kêu gọi đặc biệt cho công việc truyền giáo, nói cách khác là các nhà truyền giáo, các linh mục và các tu sĩ tham gia vào sứ mạng của Chúa Giêsu cao hơn người giáo dân, vì thế họ có trách nhiệm cao hơn người giáo dân , họ được chính Thức sai đi qua bí tích truyền chức thánh qua lời khấn dòng, và chắc chắn vì sứ mạng cao cả ấy, đòi buộc họ phải sống thánh, phải nên thánh.

Tuy nhiên, Giáo hội dạy rằng : Giáo hội là Thánh và mọi phần tử của Giáo hội đều được mời gọi nên thánh. Trong khả năng và trong ơn gọi nên thánh này,tất cả những phần tử trong Giáo hội đều bình đẳng như nhau. Mức độ nên thánh của mỗi người không phụ thuộc vào địa vị trong xã hội hay trong Giáo hội, nhưng hoàn toàn tuỳ thuộc vào mức độ bác ái mà họ sống (1Cr 13 ). Sự thánh Thiện của người Kitô hữu ăn rể sâu trong sự liên kết với Chúa Kitô nhờ đức tin và Bí Tích Thanh Tẩy. Thánh Phao lô trong thư gởi Êphêsô (4,5) có nói : “một Chúa, một Đức tin, một phép rửa”. Tuy nhiên tất cả điều đó chẳng có ích gì nếu như thiếu đức bái ái, vì cũng chính thánh Phao lô tuyên bố trong bái ca đức mến : “Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa mà không có Đức mến, thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng chũm choẹ xoang xoảng.

Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi đều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả Đức tin đến chuyển núi rời non, mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng làm gì. Giả như tôi đem hết gia tài sản nghiệp mà bố thí hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi . (1Cr 13,1-3).

Trong kinh đọc mười điều răn, câu tóm là : “mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà chớ : trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy”. Và có lẽ các bạn cũng thường nghe câu nói :”Kính Chúa mà không yêu người thì không được rỗi linh hồn “.Trong thế giới mà chúng ta đang sống có rất nhiều người nghèo, ngay trong Giáo hội, ngay trong Giáo xứ, mà nghèo thì đi chung với khổ,nói như vậy không có nghĩa là người giàu không khổ. Cách đây khá lâu chắc các bạn có xem bộ phim nhiều tập của Mêhicô “Người giàu cũng khóc”.Thật sự người giàu cũng có nổi khổ của họ, nhưng người nghèo thì chắc chắn khổ hơn. Vì vậy mà Giáo hội mới chú trọng đến người nghèo, Chúa Giêsu cũng bênh vực cho người nghèo, yêu thương người nghèo “.

Nhưng bằng cách nào ? Các bạn trẻ chúng ta nói lên tình yêu của Chúa kitô đối với người nghèo ?.

Trong suốt 20 năm qua, Giáo hội Việt nam đã có rất nhiều cố gắng trong việc làm chứng Tin Mừng bằng lòng bác ái Kitô giáo. Giáo hội đặc biệt lo cho người nghèo về tinh thần lẩn vật chất : tuỳ theo hoàn cảnh tuỳ theo khả năng, tuỳ theo điều kiện cho phép, mỗi nơi có những việc làm khác nhau nhưng chỉ nhằm một mục đích là giúp người nghèo vươn lên, sống xứng đáng phẩm giá của một con người : nhà tình thương, quỹ giúp học sinh nghèo, nồi cháo cho bệnh nhân ở các nhà thương, giếng nước sạch, thuốc men, gạo mì, tiền bạc, quần áo , và nhiều công tác từ thiện khác. Trong tất cả những việc làm đó, các bạn trẻ đã đóng góp được việc gì ? Chúng ta có coi đó là việc làm của mình hay chỉ là của người khác ? Các bạn có nghĩ rằng tất cả những gì chung ta đang có và đang hưởng thụ đều là do Chúa, vì tình yêu bao la của Người, ban cho chúng ta không ? Và các bạn có biết là các anh chị em nghèo khổ đáng thương kia cũng là con Chúa vá xứng đáng được có và hưởng thụ tất cả những gì mà các bạn đang có và hưởng thụ không ? Tại sao họ phải chịu như vậy ? Tôi không thể trả lời cho các bạn tại thế này hay tại thế kia ?. Nhưng tôi xin thưa một cách dứt khoát là : Chúa muốn chúng ta thông cảm với ho, phải giúp đỡ họ, phải làm cho họ thấy được tình yêu của Chúa Kitô đối với họ như đối với mọi người bằng chính đời sống bác ái.

Hay các bạn cho đó là chuyện tầm thường ? Các bạn nên nhớ rằng : không có cử chỉ nào bé nhỏ ( tầm thường ) nếu vì yêu Thương. Tình yêu thuộc về Chúa nên mỗi một hành động vì yêu thương không bao giờ tầm thường.

Các bạn thân mến ! Cách để nói lên tình yêu của Đức Kitô với người nghèo chắc chắn phải là tình bác ái, bác ái có việc làm kèm theo, chứ không thể là lời nói suông hoặc một vài việc như Giúp tiền, gạo, quần áo … phải trở nên một với người khác. Thếnào là trở nên một ? Cảm nhận điều anh em cảm nhận - ước ao những gì họ ước ao - đặt hoàn cảnh của mình vào hoàn cảnh của anh em , phải biết đón nhận, phải biết dành cho anh em một chổ trống trong ta, hãy làm cho anh em những gì mình muốn anh em làm cho mình - vì làm cho anh em chính là làm cho Chúa –“ Mỗi lần anh em làm việc gì cho một kẻ bé mọn trong anh em Ta, là làm cho chính Ta vậy”. Có lẽ đây là câu “tâm niệm” sống mà các bạn và tôi luôn ghi nhớ và thực hiện.

Tôi xin mời các bạn nhìn lại những tấm gương thành công nhất sáng chói nhất để nói lên tình yêu của Chúa Kitô đối với người nghèo. Trước hết là cha Phanxicô Assisi. Ngài đã sống đồng hoá với những người nghèo.Ngài đã lập dòng “anh em hèn mọn” để chuyên phục vụ cho người nghèo .

Rối đến cha Charles de Foucauld với các chị em tiểu muội. Các chị em tiểu muội đã bắt chước Cha sống nghèo khó để phục vụ. Trong thủ bản của các chị em có ghi : “chúng tôi yêu quý cách riêng những kẻ mọn hèn khốn khổ, vì yêu thương giúp đỡ kẻ mọn hèn là yêu thương giúp đỡ chính mình Chúa “

Kế đến là cha sở họ Ars, một con người sống rất nghèo khó. Chính sự nghèo khó chủa cha đã thu hút không biết bao nhiêu người. Và chính sự nghèo khó của cha đã làm cho cha trở nên một người rất giàu.Cha được rất nhiều người dâng cúng của cải tiền bạc “..nhưng cha đã đến cho người nghèo tất cả “ để nói lên tình yêu của Chúa.

Và Đức thánh Cha Gioan XXIII, khi còn là chủng sinh, ngài viết thư về nhà có đoạn như sau : “Chúa muốn con làm linh mục không vì giàu sang, nếu thế thì thật là khốn nạn . Con sẽ làm linh mục nghèo để phục vụ cho người nghèo”.

Đấy, các bạn tre đã thấy những tấm gương sáng chói về việc “nói lên tình yêu của Chúa Kitô đối với người nghèo”. Có lẽ các bạn sẽ nói với tôi “vì họ là Giáo hoàng, Linh mục”. Không phải nhưng vậy đâu, vì lòng bác ái và sự phục vụ, không phải có nhờ chức Giáo hoàng hay linh mục, , nhưng ai cũng có được nếu biết học hỏi , nếu biết lắng nghe lời Chúa .Chúa đã phán “hãy học cùng ta …hãy trở nên trọn lành…”, mà mức trọn lành của mình không tuỳ thuộc vào địa vị hay chức vụ ,mà hoàn toàn tuỳ thuộc vào mức độ bác ái mà mình sống.

Cho nên nếu các bạn sống đức bác ái trọn vẹn thì các bạn cũng làm được những vịệc của các cha thánh gương mẫu ở trên, có khi còn hơn thế nữa. Chúc các bạn thành công.

X. ĐIỂM TIN


BÀI GIẢNG CỦA ÐỨC THÁNH CHA TRONG LỄ AN TÁNG ĐỨC HỒNG Y FX. NGUYỄN VĂN THUẬN

Ba lời nhắn nhủ cuối cùng của Đức Hồng y :
"Hãy yêu mến Đức Trinh nữ và hãy trông cậy thánh Giuse. Hãy trung thành với Giáo hội. Hãy đoàn kết và đầy lòng yêu thương mọi người”.

Đức Gioan Phaolô II nêu lên ba lời nhắn nhủ này trong chúc thư thiêng liêng của Đức Hồn Y Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận, khi giảng lễ an táng cử hành chiều ngày Thứ Sáu 20/9 trong vương cung Vatican trước sự hiện diện một phái đoàn giám mục Việt nam.

Đức giáo hoàng đã đi trực thăng từ đền tông đồ Castelgandolfo về chủ lễ với phần ban bài giảng và nghi lễ từ biệt, Đức Hồng Y quốc vụ khanh Angelo Sodano chủ sự Thánh Lễ.

1. Họ vẫn chứa chan hy vọng, được trường sinh bất tử (Kn3, 4).

Những lời đầy an ủi này trong sách Khôn ngoan mời chúng ta dâng lên, trong ánh sáng hy vọng, kinh cầu của chúng ta cho linh hồn được tuyển chọn của Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận chúng ta thương tiếc, ngài đã đặt tất cả cuộc đời mình dưới dấu chứng hy vọng.

Chắc chắn sự khuất bóng của ngài gây đau buồn cho những ai đã quen biết và yêu mến ngài: gia đình ngài, cách riêng mẹ Ngài, tôi lại bày tỏ cho bà sự gần gũi yêu thương của tôi. Tôi cũng nghĩ tới Giáo hội Việt nam yêu quí, người đã sinh ngài trong đức tin, và tôi cũng nghĩ tới toàn thể dân Vietnam, mà đức Hồng y đáng kính đã công khai nhắc tới trong chúc thư thiêng liêng của ngài, bằng cách khẳng định luôn luôn yêu mến. Toà Thánh mà ngài đã phục vụ qua những năm cuối đời ngài, than khóc Hồng y Văn Thuận.

Với tất cả, cũng trong lúc này, xem ra ngài gởi lời mời hy vọng, với một tình yêu thuyết phục. Trong năm 2000 khi tôi xin ngài hướng dẫn những suy tư trong Tuần Tĩnh tâm Giáo triều Roma, ngài đã chọn chủ đề: "Những chứng nhân hy vọng". Bây giờ Chúa đã thử ngài " như vàng trong lò" và đã đón nhận ngài "như một của lễ toàn thiêu", chúng ta có thể nói thật rằng :lòng hy vọng của ngài đầy tràn sự trường sinh bất tử "(x. Kn 3, 4-6). Nghĩa là hy vọng đó đầy tràn Chúa Kitô, sự sống và sự sống lại của những ai trông cậy nơi Người.

2. Hãy hy vọng trong Chúa! Chính bằng lời mời đặt sự trông cậy chúng ta vào Chúa mà hồng y yêu dấu đã khởi sự những suy tư tuần Tĩnh tâm. Những lời khuyên của ngài đã in sâu vào ký ức của tôi do chiều sâu những suy tư của người, luôn luôn thêm phong phú với những kỷ niệm cá nhân ngài, phần lớn liên hệ với 13 năm ngồi tù. Ngài thuật lại rằng chính lúc ngồi tù, ngài đã hiểu nền tảng đời sống kitô hữu là "chọn một mình Chúa mà thôi", bằng cách phó thác hoàn toàn trong tay phụ tử Chúa.

Chúng ta được kêu gọi tất cả, hồng y nói thêm dưới ánh sáng kinh nghiệm cá nhân của ngài, phải loan báo "Tin Mừng hy vọng", và ngài xác quyết: chỉ nhờ đặc tính triệt để hy sinh mà người ta có thể hoàn thành ơn gọi này, dầu ở giữa những thử thách Cam go nhất. "Làm tăng giá trị tất cả đau đớn, ngài nói, như một trong vô số gương mặt của Chúa Giêsu bị đóng đinh và kết hợp gương mặt đó với gương mặt của Người, có nghĩa là đi vào trong chính động lực đau đớn -tình yêu của Người, điều đó có nghĩa là thông phần vào ánh sáng của Người, vào sức mạnh của Người, vào sự bình an của Người, điều đó có nghĩa là tìm lại nơi chúng ta một sự hiện diện của Chúa, mới mẻ và trọn vẹn hơn" (Những chứng nhân hy vọng, Rome 2001, bằng tiếng ý, p. 124).

3. Người ta có thể tự hỏi do đâu ngài có sự nhẫn nại và can đảm luôn làm đặc tánh riêng của ngài. Ngài đã trông cậy, về vấn đề này, vào sự kiện là ơn thiên triệu linh mục của ngài được liên kết cách nhiệm mầu nhưng có thật với máu các vị tử đạo đã chịu chết thế kỷ trước khi các vị rao giảng Tin Mừng tại Việt nam. "Các thánh tử đạo, ngài nhận xét, đã dạy chúng ta nói "vâng": một cái "vâng" vô điều kiện, không hạn chế đối với tình yêu Chúa, mà còn một cái "không" cho những phỉnh nịnh, những thỏa hiệp, bất công, dầu với mục đích cứu mạng sống mình" (ibid. Pp. 139-140). Và ngài nói thêm đây không phải là tính anh hùng nhưng là lòng trung đã chín muồi bằng cách quay nhìn Chúa Giêsu, gương mẫu của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo. Một gia sản phải tiếp nhận hằng ngày trong một đời sống đầy tình yêu và hiền hoà.

Khi dâng lời kính nhớ cuối cùng cho vị sứ giả anh hùng Tin Mừng Chúa Kitô, chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta, một gương sáng gắn bó kitô hữu cho đến mức tử đạo. Ngài đã nói về mình một cách đơn sơ gây xúc động "Trong vực thẳm những đau khổ của tôi, tôi không bao giờ thôi yêu thương mỗi người, tôi không loại trừ ai khỏi tim tôi" (ibid. P. 124).

Bí quyết của ngài là một sự trông cậy bất khuất vào Chúa, nuôi dưỡng bằng kinh nguyện và sự đau khổ chấp nhận với tình yêu. Trong tù, hồng y cử hành Thánh Thể mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay. Đó là bàn thờ của ngài, là nhà thờ chánh toà của ngài. Mình Thánh Chúa Kitô là "thuốc uống" của ngài. Người thuật lại cách cảm động: "Cứ mỗi lần, tô đã có thể giang tay và đóng đinh mình vào thánh giá Chúa Giêsu, cùng uống với Người chén cay đắng nhất. Mỗi ngày khi đọc những lời truyền phép, tôi củng cố hết lòng và hết linh hồn tôi một giao ước mới. Một giao ước đời đời giữa tôi và Chúa Giêsu , bằng máu của người pha trộn với máu của tôi" (ibid. P. 168).

4. "Đối với tôi, sống là chính Chúa Kitô" (Ph 1, 21). Trung tín cho đến chết, hồng y Nguyễn văn Thuận đã làm của mình câu phát biểu của tông đồ Phaolô chúng ta vừa nghe. Ngài đã giữ sự bình thản và cả niềm vui trong lúc nằm bệnh viện lâu ngày va đau đớn. . Những ngày cuối cùng, khi ngài không còn khả năng nói nữa, ngài nhìn chăm chăm vào thánh giá trước mặt ngài. Ngài cầu nguyện trong thinh lặng, hoàn tất sự hy sinh cuối cùng của ngài, để hoàn thành một cuộc sống đánh dấu bởi sự đồng hình đồng dạng anh hùng của ngài với Chúa Kitô trên thánh giá. Những lời Chúa Giêsu đã công bố trong ngày áp lễ Vượt Qua, áp dụng rất đúng cho ngài: "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, thì nó mới sinh được nhiều hạt khác. "(Ga 12, 24).

Chỉ nhờ hy sinh chính mình mà người kitô hữu góp phần vào phần rỗi thế gian. Đúng như vậy đối với người anh em đáng kính của chúng ta. Ngài lìa bỏ chúng ta, nhưng gương sáng của ngài vẫn ở lại. Đức tin bảo đảm chúng ta rằng ngài không chết, nhưng ngài vào trong ngày đời đời, ngày không có lúc tàn.

5. "Lạy mẹ Maria rất thánh... xin cầu cho chúng con... trong giờ lâm tử". Trong tù, khi không thể đọc kinh, ngài chạy tới Đức Maria:" Lạy Mẹ, Mẹ thấy con đang ở giới hạn cuối cùng, con không còn sức đọc một kinh nào. Lúc đó... phó dâng mọi sự trong tay Mẹ, tôi chỉ lập đi lập lại "Kính mừng Maria!" (ibid. P. 253).

Trong chúc thư thiêng liêng của ngài, sau khi đã xin lỗi, Hồng y chúng ta thương tiếc khẳng định tiếp tục yêu mỗi người. "Tôi bình thản ra đi, ngài quả quyết, và tôi không giữ hận thù với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ đã qua của tôi cho Đức Vô nhiễm Maria và thánh Giuse ".

Chúc thư kết thúc với ba lời nhắn nhủ: "Hãy yêu mến Đức Trinh Nữ rất Thánh và hãy trông cậy vào thánh Giuse, hãy trung thành với Giáo hội, hãy đoàn kết và yêu thương mọi người". Đó là sự tổng hợp của đời sống ngài.

Ước chi bây giờ ngài được đón tiếp, với thánh Giuse và Đức Maria, hầu chiêm ngưỡng trong vinh quang thiên đàng, gương mặt vinh hiển Chúa Kitô, mà ngài đã khát khao tìm kiếm trên đời này như niềm hy vọng độc nhất của ngài. Amen!

Đức Ông Nguyễn Quang Sách VietCatholic News ( 23/09/2002 )

SỨ ĐIỆP TRUYỀN GIÁO CỦA ĐGH GIOAN-PHAOLÔ II NHÂN NGÀY CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO TRUYỀN GIÁO LÀ CÔNG BỐ ƠN THA THỨ

Anh chị em thân mến!
1. Sứ vụ truyền bá Tin Mừng của Giáo Hội về thực chất là sự công bố tình yêu, lòng từ bi và sự tha thứ của Thiên Chúa được mạc khải cho nhân loại qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó là sự công bố Tin Mừng rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và muốn muôn người hiệp nhất trong lòng lân tuất của Ngài, Ngài tha thứ cho chúng ta và đòi buộc ta cũng phải tha thứ cho tha nhân ngay cả với những lỗi lầm lớn lao nhất. Đây là Lời hòa giải được ký thác cho chúng ta như Thánh Phaolô nói: "Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải."(2 Cor 5,19). Những lời này là sự vang vọng và là một nhắc nhớ cho chúng ta về lời kêu gào thống thiết từ thánh tâm Chúa Kitô trên cây thánh giá: "Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm" (Lk 23, 34).

Tổng hợp lại, đây là những nội dung căn bản của Chúa Nhật Truyền Giáo mà chúng ta sẽ cử hành vào ngày 20 tháng 10, với một chủ đề đầy hứng khởi: "Truyền Giáo là Công Bố Ơn Tha Thứ". Dù rằng biến cố này được lặp lại hàng năm, theo dòng thời gian, nó vẫn không mất đi ý nghĩa và tầm quan trọng, bởi vì truyền giáo là sự đáp trả của chúng ta trước lệnh truyền tối thượng của Đức Giêsu: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, dạy bảo họ tuân giữ những điều thầy đã truyền cho anh em"(Mt 28, 19).

2. Ở buổi rạng đông của thiên niên kỷ thứ ba của Kitô Giáo, nghĩa vụ truyền giáo còn cấp bách hơn bao giờ, vì như tôi đã nói trong tông thư Redemptoris Missio "Con số những người không biết Đức Kitô và không thuộc về Giáo Hội đang liên tục gia tăng. Thật vậy, từ khi bế mạc Công Đồng, con số này đã nhân lên gần gấp đôi. Khi chúng ta nghĩ đến thành phần bao la này của nhân loại, những người được Chúa Cha yêu thương, và vì họ mà Ngài đã sai Con Ngài đến, thì tính chất bức bách của sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội là hiển nhiên." (n. 3).

Cùng với Thánh Phaolô, vị tông đồ và nhà truyền giáo vĩ đại, chúng ta muốn lặp lại rằng "Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó."(1 Cor 9, 16-17). Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa, điều có thể khiến cho muôn người của các chủng tộc và văn hóa khác nhau nên anh chị em với nhau, mới có thể chữa lành những chia rẽ đau đớn: tranh chấp ý thức hệ, mất quân bình kinh tế và bạo lực là những gì đang đè nặng lên nhân loại.

Tất cả chúng ta đều ý thức về những cuộc chiến tranh kinh hoàng và những cuộc cách mạng đẫm máu trong thế kỷ qua và những cuộc tranh chấp mà chẳng may vẫn còn đang gây đau thương cho thế giới hầu như thường xuyên. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một khát vọng của những người nam nữ, bất chấp sự nghèo đói thê thảm về tinh thần và vật chất, đang khát khao sâu xa Thiên Chúa và lòng từ bi của Ngài. Ngày nay, lời mời gọi của Thiên Chúa muốn ta công bố Tin Mừng vẫn còn hiệu lực; thật ra còn cấp bách hơn bao giờ.

3. Trong tông thư Khởi Đầu Ngàn Năm Mới, tôi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc suy niệm thiên nhan Đức Kitô đau khổ và vinh quang. Trung tâm của thông điệp Kitô Giáo là sự công bố mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô, Đấng đã bị đóng đinh và đã sống lại. Suy niệm về khuôn mặt của Đấng bị đóng đinh trong đau thương "chúng ta đối diện với khía cạnh nghịch lý nhất trong mầu nhiệm của Ngài ló dạng trong giờ sau hết trên Thập Giá" (n. 25) Trên cây Thập Tự, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta tất cả tình yêu của Ngài. Thập Giá là chìa khoá cho ta tự do tiếp cận với "lẽ khôn ngoan không phải của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này” nhưng là lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được ẩn giấu"(1 Cor 2, 6.7).

Thập Giá, trên đó tôn nhan vinh quang của Đức Kitô Trỗi Dậy đã được chiếu sáng, dẫn dắt chúng ta tới sự viên mãn của cuộc sống Kitô Giáo và tình yêu trọn hảo, bởi vì nó mạc khải lòng mong mỏi của Thiên Chúa muốn chia sẻ với nhân loại chính cuộc sống, tình yêu và sự thánh thiện của Ngài. Trong ánh sáng của mầu nhiệm này, Giáo Hội, khi nhớ đến những lời của Chúa: "Hãy nên trọn hảo, vì Cha trên trời của anh em là trọn hảo" (x. Mt 5, 48), hiểu rõ hơn bao giờ rằng sứ vụ của mình sẽ ra vô nghĩa nếu nó không dẫn đến sự viên mãn của đời sống Kitô Giáo, là tình yêu hoàn toàn và sự thánh thiện.

Trong khi suy niệm về Thánh Giá, chúng ta học biết cách sống với lòng khiêm nhường và tha thứ, hoà bình và hiệp thông. Đây là kinh nghiệm của Thánh Phaolô, người đã viết cho cộng đoàn Êphêsô: "Vậy, tôi, trong tư cách một người tù của Thiên Chúa, khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau" (Eph. 4, 1-3).

Và với cộng đoàn Côlôsê, ngài thêm: "Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó" ( Col. 3 12-15).

4. Anh chị em rất thân mến, tiếng kêu của Đức Giêsu trên cây Thánh Giá (x. Mt 27,46) không phải là sự thống khổ của một con người tuyệt vọng, nó là lời nguyện của Chúa Con, Đấng đã hiến mạng sống mình lên Chúa Cha cho sự cứu độ nhân loại. Từ cây thánh giá, Đức Giêsu cho thấy những điều kiện khiến chúng ta được tha thứ. Trước sự thù hận mà bởi đó những kẻ bách hại Ngài đã đóng đinh Ngài lên cây Thánh Giá, Ngài đã đáp trả bằng lời cầu nguyện cho họ. Ngài không chỉ tha thứ cho họ nhưng còn tiếp tục yêu thương họ, mong mỏi điều tốt cho họ và phù trợ cho họ. Cái chết của Ngài trở nên sự hiện thực hoá của Tình Yêu.

Đứng trước mầu nhiệm cao cả của Thánh Giá, chúng ta chỉ có thể quỳ gối thờ lạy. "Để mang con người về với thiên nhan Chúa Cha, Đức Giêsu không chỉ mang lấy khuôn mặt con người nhưng còn tự gánh lấy 'khuôn mặt' của tội lỗi"(x. 2 Cor 5:21) (Tông Thư Khởi Đầu Ngàn Năm Mới, 25). Sự tha thứ hoàn toàn của Đức Kitô, ngay cả đối với những kẻ bách hại Ngài, là khởi đầu của một nền công lý mới của Nước Thiên Chúa dành cho mọi người.

Trong bữa Tiệc Ly, Đấng Cứu Thế đã nói với các Môn Đệ Ngài: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Do điều này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Jn 13, 34-35).

5. Chúa Kitô Phục Sinh ban bình an cho các môn đệ Ngài. Giáo Hội, trung thành với lệnh truyền của Chúa, tiếp tục công bố và tán phát bình an của Ngài. Qua việc truyền giảng Tin Mừng, các tín hữu giúp con người nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau và như những người hành hương trên thế gian này, mặc dù trên các nẻo đường khác nhau, tất cả chúng ta đều đang trên đường về Quê chung mà Thiên Chúa, qua nhiều cách thế chỉ có Ngài biết, đang không ngừng chỉ lối cho ta. Đại lộ chính của truyền giáo là chân thành đối thoại (xem Ad Gentes 7, Nostra aetate 2); "đối thoại không bắt nguồn từ những tính toán chiến thuật tư lợi" (Redemptoris Missio, 56) cũng không phải tự nó là cùng đích.

Thay vì vậy, đối thoại nói với người khác với lòng kính trọng và sự hiểu biết, bắt nguồn từ những nguyên tắc theo đó chúng ta tin tưởng và công bố với tình yêu những chân lý sâu xa nhất về đức tin là niềm vui, hy vọng và ý nghĩa của cuộc sống.

Thật ra, đối thoại là sự hiện thực hóa một tác động thiêng liêng dẫn đưa tới "sự thanh tẩy nội tâm và hoán cải mà, nếu được theo đuổi với sự vâng phục Thần Khí, sẽ mang lại những hoa trái thiêng liêng"(ibid 56). Dấn thân cho đối thoại lắng nghe và tôn trọng là một điều kiện không thể thiếu (conditio sine qua non) cho chứng tá chân thật của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa

Đối thoại này được liên kết gần gũi với sự sẵn sàng tha thứ, bởi vì một người biết tha thứ mới có thể mở lòng ra cho tha nhân và học cách yêu thương và thông cảm người khác để bước vào sự hài hoà với họ. Vì hành động tha thứ, theo gương Chúa Giêsu, thách thức và mở tâm hồn ta ra, chữa lành các vết thương của tội lỗi và sự chia cách; và tạo ra sự hiệp thông thật sự.

6. Việc cử hành Chúa Nhật Truyền Giáo đem đến cho mọi người cơ hội để tự vấn trước lệnh truyền của tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Tình yêu kêu gọi đức tin; tình yêu bảo chúng ta đặt niềm tin nơi Ngài "Không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người" (Thư Do Thái, 11,6).

Trong dịp lặp lại hàng năm này, chúng ta được mời gọi cầu nguyện không ngơi cho những công việc truyền giáo và hợp tác bằng mọi phương tiện với các hoạt động của Giáo Hội trên khắp thế giới để xây đắp Nước Thiên Chúa, "một Vương Quốc vĩnh cửu và phổ quát: một Vương Quốc của sự thật và sự sống, một Vương Quốc của thánh thiện và ơn sủng, một Vương Quốc của công lý, yêu thương và hoà bình" (Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Kitô Vua). Chúng ta được mời gọi để nên chứng tá trước hết bằng chính cuộc sống chúng ta qua sự gắn bó hoàn toàn với Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài.

Vâng, chúng ta không bao giờ xấu hổ vì Tin Mừng và không bao giờ sợ hãi tuyên bố rằng chúng ta là Kitô Hữu, không bao giờ che giấu đức tin chúng ta. Thay vì vậy, chúng ta phải tiếp tục nói để mở rộng những không gian cho việc công bố ơn cứu độ, vì Chúa Giêsu đã hứa ở cùng chúng ta mãi mãi và Ngài luôn luôn ở giữa các môn đệ Ngài.

Chúa Nhật Truyền Giáo, ngày hội Truyền Giáo, giúp chúng ta khám phá giá trị ơn gọi cá nhân và cộng đồng của chúng ta. Nó kích thích chúng ta tiến ra "với các anh em bé mọn nhất của ta" (x. Mt 25, 40) qua những nhà truyền giáo trên mọi miền của thế giới. Đó là sứ vụ của Các Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo đã luôn được thực hiện trong sứ mạng của Giáo Hội, để bảo đảm rằng những người bé mọn nhất không thiếu những người cùng bẻ bánh của Lời với họ và tiếp tục mang đến với họ ơn sủng của tình yêu không mệt mỏi tuôn đổ từ thánh tâm Đấng Cứu Độ.

Anh chị em rất thân mến, chúng ta hãy tín thác cam kết công bố Tin Mừng và thật ra là toàn bộ các hoạt động truyền giáo của Giáo Hội nơi Đức Mẹ Maria, Nữ Vương Truyền Giáo. Xin Mẹ đồng hành với chúng ta trên con đường khám phá, công bố và chứng tá cho tình yêu của Thiên Chúa, Đấng tha thứ và ban bình an cho nhân loại.

Trong những tình cảm này, với tất cả những nhà truyền giáo trên khắp thế giới, với những ai đồng hành với họ trong lời cầu nguyện và trong sự trợ giúp bằng hữu, với các cộng đoàn Kitô Hữu của các tổ chức kỳ cựu hay tân lập, tôi vui mừng ban Phép Lành Tông Toà, cầu khấn trên anh chị em sự chở che kiên vững của Chúa.

Từ Vatican , Tháng 5 Ngày 19 Năm 2002, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống


XI. TẢN MẠN

GIỮ LẠI CÁI NĨA CỦA BẠN


Một người đàn bà sau khi được chẩn đoán biết bệnh của mình ở vào giai đoạn cuối, chỉ còn sống chừng ba tháng nữa thôi. Bà ta sắp xếp những công việc mình theo “thứ tự”. Bà ta gặp Cha sở của mình và mời ngài đến nhà mình để bàn thảo những ước nguyện sau cùng của bà.

Bà ta muốn những bài hát nào phải được hát trong tang lễ, những đoạn Kinh thánh nào sẽ được đọc lúc ấy, và những trang bị cần thiết khác …. Bà ta yêu cầu được chôn cất cùng với quyển Kinh Thánh yêu thích . Mọi việc đã được sắp đặt và cha sở chuẩn bị ra về, nhưng chợt bà ta nhớ lại điều gì thật quan trọng, bà ta nói cách khẩn trương:

Còn điều này nữa, thưa cha.
Điều gì thế ?
Đây là điều rất quan trọng, con muốn được chôn cất với cái nĩa đặt trên tay phải của mình.
Cha sở đứng nhìn bà ta mà không hiểu bà ta muốn nói gì. Bà ta hỏi:
Điều đó làm cha ngạc nhiên lắm phải không ?
Đúng vậy, tôi cảm thấy bối rối về yêu cầu của bà.

Bà ta giải thích : Trong những năm tham gia công tác từ thiện của xứ đạo với những bữa cơm miễn phí, con luôn nhớ khi bữa ăn chính đã hết, ai đó nghiêng đầu nói : “Hãy giữ lại cái nĩa của bạn”. Đây là phần con thích thú, bởi vì con biết rằng còn có cái gì đó ngon hơn sẽ được dọn ra, chẳng hạn bánh sô-cô-la mịn màng hoặc bánh táo thật hấp dẫn. Cũng thế, con muốn mọi người nhìn thấy con trong quan tài với cái nĩa trên bàn tay phải và con muốn họ ngạc nhiên tự hỏi “Cái nĩa để làm gì vậy?” Sau đó, con ước mong cha nói với họ: “Hãy giữ cái nĩa của bạn”. Còn điều tốt nhất phải đến.

Mắt cha sở đẫm nước mắt của niềm vui và cáo biệt người đàn bà. Ngài biết đây là một trong những lần sau cùng gặp người đàn bà nầy trước khi bà ta chết. Ngài cũng hiểu ra rằng bà ta thấu hiểu thiên đàng hơn mình. Bà ta biết được điều tốt hơn đang đến với bà.

Trong đám tang, người ta đến gần quan tài của người đàn bà và thấy bà ta mặc chiếc áo đẹp cùng với quyển Kinh Thánh và cái nĩa được đặt trên bàn tay phải của bà. Cha sở cứ nghe người ta lập đi lập lại câu hỏi “Cái nĩa để làm gì thế?”. Và ngài cứ mỉm cười.

Trong bài giảng, cha sở nói cho mọi người biết về mẫu đối thoại ngắn của ngài với người đàn bà trước khi bà ta qua đời. Ngài cũng nói với họ về cái nĩa và nó có ý nghĩa như thế nào đối với bà ta. Cha sở nói với mọi người làm thế nào mà ngài cứ nghĩ mãi về cái nĩa và có thể họ cũng sẽ nghĩ về nó mãi không thôi.
Ngài có lý.
Vậy mỗi khi bạn cầm đến cái nĩa, nó sẽ nhẹ nhàng nhắc nhỡ bạn rằng điều tốt nhất hãy còn phải đến. (Dịch từ Internet)

XII. NGHỆ THUẬT SỐNG

NHỮNG BƯỚC HẠNH PHÚC

MỌI NGƯỜI ĐỀU BIẾT RẰNG:
Bạn không thể là mọi sự cho mọi người,
Bạn không thể làm mọi việc cùng một lúc,
Bạn không thể làm mọi việc tốt như nhau,
Bạn không thể làm mọi việc tốt hơn người khác.

VẬY:
Bạn phải nhận ra bạn là ai, và hãy là chính mình,
Bạn phải quyết định điều gì trước nhất, và hãy thực hành điều đó,
Bạn phải khám phá ra những năng lực của mình, và hãy biết tận dụng chúng,
Bạn phải học không ganh đua với người khác,
Bởi vì không ai khác cạnh tranh với thực chất của bạn.

TIẾP ĐẾN:
Bạn phải học biết chấp nhận cá thể của chính mình,
Bạn phải học biết sắp xếp những ưu tiên và có những quyết định,
Bạn phải học biết sống với những giới hạn của mình,
Bạn phải học biết khước từ sự đáng kính trọng của mình,
Và bạn sẽ là người cực kỳ nghị lực.

HÃY DÁM TIN RẰNG:
Bạn là một cá thể độc đáo, kỳ diệu,
Bạn là trường hợp có một trong lịch sử,
Thể hiện chính mình là bổn phận của bạn hơn là quyền lợi,
Cuộc sống không phải là vấn đề để giải quyết,
Nhưng là một quà tặng để quí trọng nâng niu,
Và bạn sẽ đứng vững trước những gì thường làm bạn té ngã.
(Dịch từ Internet)

1025    17-04-2012 14:25:21