Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Rao Giảng Tin Mừng Bằng Việc Dấn Thân Hoà Giải Anh Em - Tháng 09 năm 2002

Chủ đề: RAO GIẢNG TIN MỪNG BẰNG VIỆC DẤN THÂN HÒA GIẢI ANH EM

 

I. LỜI CHÚA : Lc 12, 49-53

Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên ! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc nầy hoàn tất !

Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Lửa mà Đức Giêsu nói đây phát sẽ phát sinh từ thập giá mà Người sắp chịu để thanh tẩy tâm hồn con người và ban cho họ sức sống mới. Việc theo Đức Kitô là một đòi hỏi có tính cách quyết liệt đến nổi người ta phải chấp nhận khước từ những gì cản trở bước đường đến với Ngài, kể cả tình thân quyến.

III. CHUYỆN MINH HỌA

NGỌN LỬA TÌNH YÊU

Tại một khu phố cổ Ấn Độ, trên đường cũng như trong nhà thường không có đèn. Giữa những khu phố như thế, thỉnh thoảng người ta thấy mọc lên một ngôi đền Ấn giáo. Dĩ nhiên,trong những ngôi đền như thế, ánh sáng cũng không được đốt lên thường xuyên.

Từ trên nóc đền thờ cũng như dọc theo bốn bức tường, họ treo những chiếc lồng đèn. Khoảng trống trong những chiếc lồng đèn ấy vừa vặn để cho vào một chiếc đèn dầu.

Bình thường ngôi đền thờ vắng lạnh vì tăm tối. Nhưng cứ mỗi sáng sớm, khi các tín hữu dùng đèn dầu soi đường để đi qua các khu phố đến đền thờ cầu nguyện, họ cũng mang chính những ngọn đèn ấy và đặt vào trong những chiếc lồng đèn trong đền thờ. Thành ra, khi mỗi tín hữu đặt ngọn đèn của mình vào trong các lồng đèn, thì ngôi đền thờ bổng sáng rực lên cách kỳ lạ.

IV. DIỄN NGHĨA

“ Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên ” (Lc 12, 49). Đó là tâm nguyện của Đức Giêsu và cũng là trách nhiệm của mỗi người tín hữu chúng ta : Thế giới nầy là một ngôi đền thờ rộng lớn mà mỗi tín hữu phải đặt vào đó ngọn lửa tình yêu, để thế giới nầy bừng sáng lên tình anh em một nhà.

Ngọn lửa mà Đức Giêsu đã ném vào thế giới nầy, chính là ngọn lửa tình yêu vẫn bừng cháy trong trái tim Người; là ngọn lửa Phục sinh đã bừng lên trong tâm hồn người tín hữu giữa đêm tăm tối, cũng là ngọn lửa Thánh Thần đã bừng sáng trí khôn các Tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần.

Lời yêu thương đã được viết lên trên cây thập giá, trong cuộc khổ nạn đau thương, đó chính là phép rửa mà Đức Giêsu phải chịu, để ném lửa yêu thương vào trần gian.

Mahatma Gandhi, vị thánh của Ấn Độ đã nhận định rất sâu sắc về ngọn lửa tình yêu nầy như sau : “ Một vật dù cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa không đủ mạnh ” . (Trích Thiên phúc).

Muốn hoà giải phải biết yêu thương

Nếu con người cần cơm bánh để sống, thì họ cũng cần tình yêu để sống còn. Ai cũng muốn mình được yêu thương. Người ta cảm thấy hạnh phúc khi biết mình được ai đó thương yêu. Dù có tất cả mọi thứ tiền tài vật chất, nhưng chúng ta sẽ không sống nỗi khi bị người chung quanh ghẻ lạnh, xa lánh, không một ai quan tâm đến. Vì khi thiếu vắng tình thương, con người cảm thấy trống rỗng, cô đơn, không gì bù đắp được.

Tuy nhiên tình yêu thương chân chính chỉ có được khi chúng ta biết yêu thương, quan tâm và chia sẻ với người khác. Vì con người được dựng nên để yêu thương và được yêu thương. Yêu thương chính là trao ban không phải chỉ những quà tặng vật chất, những cái dư thừa , mà là cho đi chính mình, chính tình thương yêu của mình. Và tâm hồn chúng ta sẽ được lấp đầy hạnh phúc vì đã cho đi.

Là kitô hữu, chúng ta đã mặc lấy Chúa Kitô, nghĩa là chúng ta được sống lại trong sức sống siêu nhiên để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với anh em đồng loại của mình.

Yêu thương là cảm thông với anh em mình, là chia sẻ những ưu tư, lo lắng, mối quan tâm của họ, là muốn nói với họ tôi cùng nhìn về một hướng với bạn. Người khác chỉ nghe chúng ta khi chúng ta chú ý đến nhu cầu của họ. Bởi vì tận thâm tâm lòng ích kỷ xúi giục mỗi người chỉ nghĩ đến cái lợi cho mình. Phải chứng tỏ rằng mình không hám lợi mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của anh em thôi, lúc bấy giờ họ mới mở lòng ra để đón nhận chúng ta và sự giúp đỡ của chúng ta.

Cha Anthony de Melo kể lại câu chuyện như sau : Một người đi săn ra hiệu cho con chó của mình rượt theo con vật nào đó cựa quậy phía sau lùm cây. Con cho phát hiện ra một con cáo. Nó dồn con cáo ra chổ trống cho người đi săn có thể nhắm bắn.

Con cáo rơi vào tình thế ngặt nghèo, nó nòi với con chó săn : “ Bộ mày chưa bao giờ nghe nói rằng loài cáo là anh em của loài chó sao? ”

” Dĩ nhiên là tao có nghe như thế ” , con chó trả lời …” Nhưng chỉ những kẻ mơ mộng và bọn ngu xuẩn mới nghĩ như vậy. Còn đối với những đầu óc thực tiễn thì tình huynh đệ chỉ có khi người ta chia sẻ với nhau cùng một mối lợi”.

Lý giải cho câu chuyện nầy Cha nói : Tín đồ Kitô giáo nói với tín đồ Phật giáo : “ Thật vậy, chúng ta có thể là anh em. Nhưng điều đó để dành cho những kẻ mơ mộng và ngu xuẩn. Còn đối với những đầu óc thực tiễn thì tình huynh đệ nằm ở chổ cùng nhau chia sẻ một niềm tin giống nhau”.

Và cha kết luận :Thật đáng tiếc, phần đông người ta chỉ có đủ lòng tín ngưỡng để đố kỵ chứ không có đủ để yêu thương.

Để có thể trở thành tác nhân hoà giải, cần phải hiểu người khác muốn gì, thao thức điều gì , cùng nhìn về hướng mà họ đang nhìn với lòng chân thành muốn giúp họ; lúc bấy giờ tác động giải hoà của chúng ta mới đạt được hiệu quả. Người khác sẽ nghe, cảm nhận và đón tiếp ý kiến của chúng ta. Và trên hết là bởi vì họ biết rằng chúng ta hiểu họ và yêu thương họ thật tình.

Hoà giải bằng lời nói tích cực yêu thương.

Có những lời nói làm cho người nghe nản lòng, mất cả nhuệ khí. Có những lời nói như đổ dầu vào lửa, khiến người nghe đã mất bình tĩnh lại càng nổi điên hơn. Có những lời nói gây sự phấn chấn, khích lệ, khiến người nghe như bừng tỉnh, nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Người có trách nhiệm càng cao, thì những lời nói gây ra những hậu quả càng lớn.

Thánh nữ Têrêsa Avila đã nói về các linh mục như sau : các nhà giảng thuyết không giúp cho người ta tự giải phóng được là bởi vì những gì họ nói ra thì quá hay nhưng tiếc thay những lời đó lại không có lửa của tình yêu Chúa. Chính vì thế mà ánh sáng của họ không bừng lên.

Thánh Têrêsa nói những lời trên đây không chỉ cho các linh mục mà cho tất cả mỗi người chúng ta. Là Kitô, hữu qua Bí Tích Rửa tội, chúng ta được thông phần sứ mạng ngôn sứ của Chúa Kitô. Là ngôn sứ tức là người đại diện, nòi thay mặt Chúa không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng cả cuộc sống nữa. Bằng lời nói và bằng đời sống chúng ta hãy nên như muối và ánh sáng làm nồng thêm hương vị yêu thương cho người chung quanh. Làm sao cho ở đâu có sự hiện diện của chúng ta, ở đấy có sự bình an và thuận hòa.

Sống tinh thần hòa giải là biết thứ tha.

Tha thứ cho người vì ta cũng lỗi lầm, bất toàn, là tạo điều kiện cho người khác có cơ may phát triển, là quên đi lỗi lầm của anh em mình và vì đó cũng là điều kiện để chúng ta được Chúa thứ tha.

Nếu Đức Giêsu không quên gốc gác của Lêvi là người thu thuế, thì làm gì có Matthêô thánh sử.

Nếu Chúa không quên người phụ nữ tội lỗi Mađalêna, thì làm gì có thánh nữ Mađalêna “ Tông đồ của các Tông đồ ” (cách gọi của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II) người có diễm phúc được Chúa Phục sinh hiện ra trước tiên và được sai đi loan báo Tin Mừng Phục sinh cho các Tông đồ.

Nếu Chúa không quên tội của Phêrô ba lần chối Chúa, thì làm gì có Thánh Phêrô Thủ lãnh của Tông đồ đoàn và của Giáo Hội.

Không thể có tha thứ chân thành, nếu không quên lỗi lầm của anh em xúc phạm đến mình. Người ta chỉ thật sự hoà thuận với nhau, khi biết quên đi quá khứ của nhau và bắt tay gầy dựng một chương mới của cuộc đời. Ngoài ra thì chỉ bằng mặt, chứ không bằng lòng.

Trong việc dấn thân xây dựng tình thân ái, trở thành cầu nối cho mọi người, người tín hữu phải học biết thứ tha theo gương Chúa Giêsu. Chính mình phải biết quên lỗi lầm của người thì mới mong người khác quên đi những tị hiềm của nhau mà chung sống hoà bình. Là cầu nối đôi bờ, là khí cụ bình an, chúng ta hãy nên như khí cụ bình an, khích lệ anh em sống hòa thuận yêu thương.

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Đem an hòa vào nơi tranh chấp,
Đem chân lý vào chốn lối lầm … (Kinh Hoà bình)

VI. HỌC LỜI CHÚA : Lc 12, 49

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên !”

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH


TÔN TRỌNG

Trong xã hội, thỉnh thoảng chúng ta nghe nói đó đây có những cuộc biểu tình hay những cuộc đình công đòi tự do, hoặc đòi tăng lương, hay đòi nhà ở, hoặc đòi cơm bánh . . . v. v. . tựu trung cũng chính là đòi được tôn trọng xứng đáng.

Sự tôn trọng là một trong những yếu tố cần thiết của việc hòa giải hòa hợp. Nếu tôi không biết tôn trọng bạn, cũng như tôi không biết tự trọng, thì tôi và bạn ngày càng xa cách, không khéo có thể còn trở thành kẻ thù không chừng.

Ngày xưa, nhà vua Alexandre de Macédoine có người bạn thân là Clitus, đã có lần Clitus cứu mạng Alexandre. Thế mà trong một bữa tiệc, Clitus vui miệng nói một vài câu hài hước đụng chạm đến nhà vua. Nhà vua nổi cơn thịnh nộ, rút gươm của một tên cận vệ đâm Clitus gục ngay trên bàn tiệc.

Những tội ác do sự nóng giận gây nên quả thực vô số, xảy ra hằng ngày. Dù rằng cơn thịnh nộ không đưa đến tội ác đi chăng nữa thì nó cũng hoàn toàn đi ngược lại với lòng tôn trọng và tình yêu của chúng ta phải có đối với người khác. Sự thịnh nộ gây nên quá nhiều tai hại, đến độ Đức Kitô phải lên tiếng cảnh cáo : ” Anh em nghe Luật dạy người xưa rằng :Chớ giết người. Ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : ai giận anh em mình thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì phải bị đưa ra trước thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt ” . (Mt 21-22).

Sự giận dữ, thịnh nộ là một sự thiếu tôn trọng người khác , cũng như không biết tôn trọng bản thân mình. Đó là một trong những yếu tố gây chia cách. Lavelle đã viết : ” Nếu một ngày nào đó những con người bất hảo có nại đến một cái cớ để tự bào chữa thì họ cũng không thể tìm ra cớ nào khác ngoài cớ này là : vì không ai tôn trọng chúng tôi, không ai yêu thương chúng tôi”.

Để góp phần tạo lập sự hòa giải, chúng ta nên tìm ra những yếu tố cụ thể có thể giúp ta chấp nhận mình như mình là, và chấp nhận người khác như họ là. Đó chính là sự tôn trọng.

Phẩm giá con người.

Trong chính bản thân cũng như trong tâm tưởng của Thiên Chúa, con người được ban cho một sự cao cả duy nhất. Mỗi người trong chúng ta có một linh hồn thiêng liêng, có ý thức về mình, có tự do, được kêu mời để có những tương quan thân tình với Thiên Chúa từ bây giờ và trong vĩnh cửu. Tất cả chúng ta đều có giá trị tuyệt đối trước tha nhân và trước Thiên Chúa.

Vì thế, chớ gì chúng ta càng ngày càng ý thức mạnh mẽ hơn, về phẩm giá của con người nhân linh nơi mình. Một khi ý thức đó giảm thiểu đi, khi mà, với mọi hình thức đàn áp, người khác đã có thể đập tan ý thức đó nơi họ, họ sẽ không còn là một con người nữa, họ hấp hối với những nỗi thất vọng và mọi thứ tội ác, họ trở thành một trong những mãnh lực mù quáng của tự nhiên.

Chúng ta có bổn phận giúp đỡ tha nhân ý thức về phẩm giá đầu tiên đó, khi - bất chấp địa vị xã hội, mức độ tri thức và đạo đức của họ , chúng ta nhìn họ với một ánh mắt chất ngất sự tôn trọng. Thánh Benoit dạy : ” Phải coi tất cả những dụng cụ trong tu viện như là những vật linh thánh ” . Như vậy, vấn đề con người còn nghiêm chỉnh hơn. Sự tôn trọng quả thực là linh hồn của tình yêu và đức ái. Không gì làm cho một người cảm động hơn sự kiện họ được chân nhận trong giá trị vật lý, trong thực tại của con người họ, cũng như trong tâm hồn họ.

René Leyvraz tự thuật về cuộc hối cải của mình trong tác phẩm “ Les chemins de la montagne ” như sau : Khi đã quyết định bước hối cải, ông đến một tu viện ở Constantinople , ở đó ông không quen biết ai cả và ông chỉ biết viết một vài câu để nói lên lý do ông muốn hối cải. Khi ông bước vào phòng khách tu viện, vị tu sĩ bàng hoàng thốt lên : ” Một linh hồn ” , bởi vị tu sĩ đã đọc qua mấy câu ông đã viết : ” Mảnh linh hồn ấy run rẩy trong tôi với một nỗi chờ đợi trong lo lắng. Ai vẫn kiên nhẫn nghiêng mình xuống trên mảnh linh hồn ấy của tôi cho đến ngày hôm nay ? Ai đã nói lên tình thương đối với mảnh linh hồn, cũng như thác loạn của mảnh linh hồn ấy trong tôi ? . . . Giây phút đó, tôi cảm nghiệm được giá trị của một linh hồn đối với Giáo Hội, tôi cảm nghiệm được nỗi băn khoăn vô cùng của Giáo Hội đối với các linh hồn. Làm sao người ta có thể hiểu được điều đó trong một thế giới hoàn toàn nhục thể, một thế giới nặng nề khuynh hướng duy vật. Đây là vấn đề của linh hồn tôi. Người ta có thể nói với tôi về hạnh phúc trần gian này, về của cải vật chất, về danh vọng, về nghệ thuật mà họ chẳng hề bắt tay làm được gì cho tôi hết. Nhưng đấy là vấn đề của linh hồn tôi . . . Và tôi cảm thấy hoang mang ” .

Chúng ta nên hiểu rằng khi chúng ta nói đến sự tôn trọng, thì không phải chỉ là vấn đề thái độ thuần tuý bên ngoài và rất ư tiêu cực hàm chứa sự việc tránh mọi lời nói gây tổn thương và mọi hành vi thiếu tế nhị đối với tha nhân ; nhưng vấn đề còn là, và nhất là sự tôn trọng tích cực và sinh động làm cho tha nhân thực sự có cảm tưởng họ là một con người quí giá và linh thánh.

Tôn trọng cả tâm hồn lẫn thể lý.

Sự tôn trọng tích cực và sinh động phải kèm theo mọi hình thái tình yêu, kể cả những hình thái sâu xa nhất. Tâm hồn cũng như thể lý càng phối hợp sâu xa thì sự hiệp thông giữa con người càng thân ái và họ càng phải tôn trọng lẫn nhau hơn. Sự tôn trọng không gây thiệt hại nào cho tình thân ái hay tình nghĩa ruột thịt, ngược lại sự tôn trọng mang lại cho tất cả những tương quan tình nghĩa ấy một phẩm chất không thể diễn tả và một cảm nghiệm tuyệt diệu. Mọi điều thô tục đều có thể làm phân hoá các tâm hồn và là một đe doạ đối với tình yêu.

Sự tôn trọng không loại trừ ai.

Sự tôn trọng tích cực và sinh động không loại trừ bất cứ ai. Sự tôn trọng ấy không chỉ để tâm đến những ưu điểm hay khả năng hoặc bất cứ nét độc đáo nào đó trong một con người, mà còn chú ý đến chính con người đó. Pascal đã nói : ” Nếu người ta cứ yêu tôi vì sự phán đoán, vì trí nhớ của tôi thì có phải thật sự là họ yêu tôi không ? Không. Vì tôi có thể mất tất cả những phẩm chất đó, nhưng tôi không thể mất chính tôi ” . Chúng ta cũng có thể nói y như vậy : Nếu người ta chỉ tôn trọng tôi vì của cải, vì quyền lực hay địa vị tôi có được, thì có phải thực sự là họ tôn trọng tôi không ? Không. Vì tôi có thể mất tất cả những thứ đó nhưng không thể mất chính tôi được. Theo tác giả Nédoncelle, trong La réciprocité des consciences : Tất cả những thứ tình yêu nào mang một lý do hình thức khác với sự hội nhập giữa tôi với bạn trong sự hiệp thông hỗ tương thì đều là một tình yêu ảo tưởng.

Dĩ nhiên là chúng ta không cần phải quá cố gắng để diễn tả niềm vui sướng của mình với người mình mới gặp lần đầu như là với những người thân cận nhất của ta hay bạn bè của ta, tuy nhiên, ta phải làm sao đó để không một ai đến gặp gỡ ta dù là ngắn ngủi, khi ra về họ còn nhớ hoài một ấn tượng tốt đối với ta, trước mắt ta họ là một con người chớ không phải là một sự vật.

Sự tôn trọng đòi hỏi có sự chú ý.

Trong cuốn sách “ Attente de Dieu ” , bà Simone Weil chí lý khi chủ trương sự chú ý là một yếu tố cần thiết của kinh nguyện. Bà viết : ” Không những chỉ tình yêu Thiên Chúa mới cần phải có sự chú ý, mà tình yêu đối với tha nhân , dĩ nhiên cũng là tình yêu đối với Thiên Chúa nữa “ cũng được cấu tạo bằng chất liệu đó tức là sự chú ý. Những người khốn cùng không cần thiết điều gì khác hơn trong trần thế này, ngoài những con người có thể lưu ý đến họ. Khả năng lưu ý đến một con người khốn cùng là một điều hiếm có, rất khó Khăn và hầu như đó là phép lạ . . . Gần như tất cả những ai vẫn tưởng rằng mình có khả năng ấy thì lại là những người chẳng có gì hết. Nhiệt huyết, mãnh lực của con tim, lòng thương xót : tất cả đều chưa đủ . . . ! .

Sự viên mãn của tình yêu đối với người lân cận đơn giản chỉ là khả năng có thể hỏi họ : ” Nỗi dằn vặt của bạn như thế nào ? ” . Đó là nhận ra rằng con người cùng khốn ấy hiện có đó, họ không có đó như một “ mẫu hàng ” , nhưng là trong vị thế của con người, vô cùng giống chúng ta, một con người mà một ngày nào đó đã bị sự khổ đau ghi ấn dấu bất khả xoá. Vì thế, cần phải và bắt buộc phải biết có một ánh mắt nhìn nào đó đối với người anh em ấy của chúng ta.

Ánh mắt nhìn ấy trước tiên phải là một ánh mắt nhìn lưu ý, cái nhìn làm sao để cho tâm hồn ta trống rỗng mọi thứ tư riêng chất chứa trong đó, hầu đón nhận con người mà ánh mắt nhìn đó, nhìn thấy họ trong tư thế họ là, trong thực tại chân thực của họ.

Sự tôn trọng con người đó, chúng ta không được phép tự chuẩn miễn cho mình trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả trong hoàn cảnh của những con người tội phạm ghê gớm nhất, hay của những bạo chúa khát máu nhất. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là bó tay chịu đựng những hành vi xấu của họ và không phản ứng gì hết. Trái lại, phải phản ứng mãnh liệt khi cần, vì công lý cần phải được tôn trọng. Nhưng phải phản ứng với một tinh thần tuyệt đối tự do, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ ý tưởng báo oán hay hận thù nào. Phải thể hiện công lý với một tâm trạng thực sự hối tiếc vì đã phải sử dụng những phương thức cứng rắn ấy để vãn hồi trật tự và quyền lợi. Nên nhớ, con người sa đoạ nhất vẫn là một thụ tạo của Thiên Chúa, họ vẫn mang một ơn gọi thần thánh, họ vẫn là một linh hồn được Đức Kitô chuộc lại với giá máu của Ngài. Đó là một phẩm giá bất khả huỷ.

Sứ mệnh phục hồi phẩm giá con người.

Có sứ mệnh nào đẹp đẽ hơn đối với tình yêu cho bằng sứ mệnh phục hồi trong con người niềm tin về giá trị vĩnh cửu của họ ? Theo gương Đức Kitô, chúng ta hãy học nơi Ngài cách thức đem lại phẩm giá con người như chính “ họ là ” , qua trường hợp của ông Giakêu (Lc 19, 1 - 10), và trường hợp của người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 1 - 11).

Thật khó mà diễn tả hết nỗi niềm cảm xúc của ông trưởng phòng thu thuế Giakêu khi ông thấy Đức Giêsu dừng lại ngỏ lời với ông : ” Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông ” . Có lẽ sự ngạc nhiên của người thiếu phụ bị bọn Biệt phái dẫn đến với Chúa còn lớn hơn cả những cảm xúc của Giakêu nữa :”Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ? Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Quả thật, những lời có sức mạnh giải phóng !

Giakêu với chức vụ và nghề nghiệp của ông, ông bị mọi người coi như một thứ người sống bằng những quyền lợi bất công, nếu không nói là trộm cắp. Còn người thiếu phụ, chị cảm thấy như bị đánh gục trước nỗi nhục nhã và sự oán hận mà những người chung quanh dành cho chị. Thế rồi có một ai đó đã trao đổi với họ trong tinh thần tôn trọng, và họ cảm thấy được yêu, mặc dù họ là những con người tội phạm. Đó chính là Đức Giêsu, Ngài tỏ ra tin tưởng nơi họ và thức tỉnh trong con người họ niềm hy vọng, nỗi khát mong và thiện chí muốn sống một đời sống ngay chính.

Kết

Được người khác hiểu mình, được người khác tôn trọng mình. Đó là điều chính đáng của con người, và đó cũng là khát vọng mù mờ nhưng đã có ngay từ tuổi ấu thơ. Anh không thể hiểu tôi nếu như anh không yêu tôi, và khi anh yêu tôi, anh sẽ tôn trọng tôi, anh sẽ chú ý đến tôi. Đó cũng là tư tưởng của Marie Noel , trong “ Les chansons et les heures “ :

”Khi Mẹ tôi thao thức bất tuyệt
Về cả ngàn ngàn điều tốt điều hay
Của bản thân tôi mỗi ngày . .
Với người hàng xóm, hay người thân thiết . . .
Khi ông Linh mục già nua
Có rót vào tai bạn những gì tôi đã nói
Trong kín đáo của khung tòa giải tội
Thì bạn cũng chẳng nhận biết được con người thật của tôi đâu
Ôi người bạn qua đường
Khi bạn thấy tôi thổn thức hay cười vang
Khi tôi dám thổ lộ với bạn tất cả
Khi bạn nghe tôi . . . hay qua lỗ khóa
Bạn dõi từng bước đi, từng hành vi
Thì về tôi , bạn cũng chẳng biết gì !
Và khi hồn tôi có ngang qua hồn bạn
Ở một khoảnh khắc nào đó dù rất ngắn
Và hồn bỗng bừng sáng với cái nhìn trên cao
Khi Thiên Chúa trong giọng nói ngọt ngào
Đọc cho tất cả những người ưu tuyển
Bài thơ hồn tôi , ôi bài thơ miên viễn
Đó mới là lúc bạn nhận ra tô
Là những gì trên mặt đất tuyệt vời . . .
Bạn chỉ có thể nhận ra tôi
Nếu một khoảnh khắc nào đó bạn YÊU tôi “.

VIII. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI.

Xin Chúa tha thứ cho những việc giáo dục và học tập không nhắm đến việc làm sáng danh Chúa.
Xin Chúa tha thứ cho những bất hòa trong các cộng đồng: gia đình, họ đạo, xã hội, quốc gia.
Xin Chúa tha thứ cho những hành động và lời nói thiếu lòng tin - cậy - mến Chúa.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Trong tháng chín này, Hội Thánh mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những nhà giáo dục đức tin và cho sự hòa giải của dân tộc Triều Tiên. Chúng ta cùng hiệp ý với Hội Thánh, mà thành khẩn cầu xin ơn Chúa xuống cho mọi người:

Chúa Giêsu trao cho Hội Thánh sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh: giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân: ý thức trách nhiệm gieo mầm đức tin, huấn luyện, giáo dục và phát triển đức tin cho mọi người.

Có những người, những hiệp hội dấn thân vào việc giáo dục đức tin cho các thanh thiếu niên công giáo. Chúng ta cầu nguyện cho những người này tràn ngập ơn Chúa Thánh Thần: khôn ngoan và can đảm, để giúp giới trẻ có được đức tin vững mạnh và thể hiện được đức tin ấy trong cuộc sống mình.

Có những người đang gặp phải nghi nan trong thời gian khủng hoảng đức tin. Chúng ta cầu xin cho những người này vượt qua cơn khủng hoảng, vẫn tin vào Chúa, nhờ việc tham dự phụng vụ và nhờ các thói quen đạo đức của Hội Thánh.

Chúa Giêsu dạy chúng ta phải lo làm hòa trước rồi mới đến dâng của lễ. Chúng ta cùng cầu xin ơn hòa giải : cho những chia rẻ đáng tiếc đang có giữa những người trong một gia đình, trong họ đạo chúng ta, và trong dân tộc Triều Tiên.

Kết thúc: Lạy Chúa chí tôn chí thánh, xin Chúa thương nhậm lời cầu nguyện của chúng con : mà ban Thánh Thần đốt lửa tin cậy mến trong lòng chúng con, giúp chúng con sống đẹp lòng Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

IX. ĐIỂM TIN

Tòa Thánh công bố sắc lệnh cho phép tín hữu được huởng ơn Toàn Xá.
VietCatholic News ( 07/08/2002 )

Tin Roma (Apic 06/082002) Hôm thứ bảy mùng 3/82002. Toà Xá Giải của Tòa Thánh đã công bố hai sắc lệnh mới, nói đến hai trường hợp được lãnh nhận ơn Toàn Xá.

Trường hợp thứ nhất là tham dự vào một công việc đạo đức vào ngày Chúa Nhật tiếp liền sau Chúa Nhật phục sinh, để tôn vinh lòng nhân từ của Thiên Chúa. Theo ước muốn của vị thánh nữ người Ba Lan, thánh Faustyna KOWALSKA , vị thánh phổ biến lòng nhân từ của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã thiết lập Chúa Nhật liền sau Chúa Nhật Phục sinh, làm Chúa Nhật của lòng nhân từ Thiên Chúa. Như thế, khi tham dự vào một việc đạo đức trong ngày Chúa Nhật nầy, tín hữu được hưởng ơn Toàn Xá, theo những điều kiện thông thường đã được Giáo Hội thiết lập để hưởng ơn Toàn xá. Đó là : Xưng tội, Rước lễ và Cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha.

Trường hợp thứ hai để hưởng nhờ Ơn Toàn Xá, đó là từ nay, mỗi năm một lần, vị Giám Mục Bản Quyền Giáo Phận có thể ban phép lành Tòa Thánh với ơn Toàn Xá, trong dịp cử hành long trọng tại Nhà Thờ Chánh Tòa hay tương đương Nhà Thờ Chánh Tòa. Được hiểu là tương đương Nhà Thờ Chánh Tòa, là Nhà Thờ được Đức Giám Mục Bản Quyền Giáo Phận chọn làm như thể là Nhà Thờ Chánh Tòa của ngài, trong dịp cử hành long trọng nầy.

Đức Ông Phêrô nguyễn văn Tài
Sơ kết Ngày quốc Tế Giới Trẻ tại Toronto , Canada

1. Các Đại Hội Giới Trẻ thế giới.

Vào năm 1983-1984 nhân dịp kỷ niệm 1950 năm cuộc Khổ nạn Chúa Kitô. 300. 000 giới trẻ đã hành hương về Roma và năm 1985 là năm Quốc Tế giới trẻ, cũng khoảng 300. 000 những người trẻ đã tựu về Đế Đô để gặp gỡ Đức Thánh Cha. Ý thức về nhu cầu của người trẻ và cảm nghiệm của hai lần gặp gỡ trên, Đức Gioan-Phaolô II đã thành lập Ngày Quốc Tế Giới Trẻ từ năm 1986. Mỗi năm một lần cử hành tên cấp Địa Phận vào Chúa Nhật Lễ Lá và mỗi hai hoặc ba năm một lần trên bình diện Quốc tế, vào kỳ nghỉ khoảng tháng 8.

Những chủ đề con số tham dự đáng ghi nhớ của các lần ngày Quốc Tế Giới Trẻ là Đại Hội lần II và Chúa Nhật Lễ Lá năm 1987 tại Buenos Aires Á Căn Đình với chủ đề : chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta và đã tin vào tình yêu đó (1Ga 4, 16) qui tụ 900. 000 bạn trẻ.

Đại Hội lần IV ngày 2/081989 tại Saint Jacques de Compostelle, Tây Ban Nha với chủ đề : Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14, 6) qui tụ 400. 000 người trẻ.

Đại Hội lần VI ngày 15/081991 tại Czetochowa, Ba Lan với chủ đề : Anh em đã được Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử (Rm 8, 15) qui tụ 1. 600. 000 người trẻ.

Đại Hội lần VIII ngày 15/08/1993 , tại Denver , Hoa Kỳ với chủ đề : Phần tôi, tôi để cho chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10) qui tụ 600. 000 người trẻ.

Đại Hội lần X ngày 15/01/1995 tại Manila , Phi Luật Tân với chủ đề : như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em (Ga 20, 21) qui tụ 4. 000. 000 người trẻ.

Đại Hội lần XV ngày 20/08/2000 tại Roma với chủ đề : Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 14, 6) qui tụ 2. 000. 000 người trẻ.

Và Đại Hội mới đây là Đại Hội lần thứ XVII được tổ chức ngày 18-23/082002 tại Canada với chủ đề : Anh em là muối đất , anh em là ánh sang thế gian (Mt 5, 13-14) qui tụ 800. 000 người trẻ.

Thành phố Toronto và Đất Nước Canada nơi Đại Hội giới trẻ Thế Giới thứ XVII.

Canada hay Gia Nã Đại là một quốc gia liên bang được thành lập năm 1867 gồm 10 Tỉnh và hai lãnh thổ. Đấy là một quốc gia có diện tích lớn rộng nhất thế giới, gần 9. 970. 610 km2. Nhưng chỉ có 30. 000. 000 dân. Toronto là thành phố đông dân cư nhất với 4. 000. 000 dân và Montréal 3. 500. 000 v.v .

Tiếng nói của Canada là Tiếng Anh và Tiếng Pháp và số người theo Công giáo chiếm tới 44% dân số.

Theo tài liệu được phát trên đài phát thanh Veritas ngày 24/07/2002 thì Toronto là một trong ba thành phố lớn nhất của Bắc Mỹ Châu sau Newyork và Los Angeles của Hoa Kỳ. Toronto là thủ đô của Tiểu bang Ontario, là thành phố phồn vinh nhất của canada và được mệnh danh là Hoolywood North Trung tâm Điện Anh Miền Bắc , Toronto được thành lập vào năm 1793, một thế kỷ rưởi sau thánh phố Montréal. Toronto cũng là nơi dung thân của hơn 169 sắc dân .

Giáo Phận Toronto được thành lập ngày 17/12/1841 và được cất nhắc lên hàng Tổng Giáo Phận ngày 18/03/1870 với con số 1. 847. 000 giáo dân và hàng năm có tới gần 20. 000 tân tòng.

Những điểm nổi bật trong năm sữa soạn Đại Hội là Thánh Giá của Ngáy Quốc Tế Giới Trẻ đã được cung nghinh đi khắp đất nước, làm thành một tuyến đường dài cả 42. 000 cây số. Có 15. 000 gia đình ghi danh đón các bạn trẻ khắp vũ trụ tựu về . 3. 500. ooo bửa ăn được cấp phát. 25. 000 thiện nguyện viên hướng dẫn và giúp đỡ . Toronto đã rộng mở vòng tay đón Đức Thánh Cha, khoảng 600 Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục; Hơn kém 10. 000 linh mục, tu sĩ và 800. 000 ngàn người trẻ sẽ tựu về cùng nhau cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XVII.

Những ngày Đại Hội

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm nay tuy là Đại Hội lần thứ XVII, nhưng lại là ngày Quốc Tế Giới Trẻ đầu tiên của kỷ nguyên 21, Đức Gioan-Phaolô II ý thức rằng giới trẻ là mầm non của Giáo Hội và là rường cột tương lai của xã hội, nên Ngài đã đưa ra một chủ đề : Các con là muối đất , các con là ánh sáng thê gian (Mt 5. 13-14). Đồng thời Ngài cũng chọn lựa 09 vị thánh để giới trẻ học hỏi và noi dõi bước chân anh hùng của các đấng đó là nữ thánh Agnès thành Roma, nữ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và 07 Chân phước Pedro Calungsod, Josephine Bakhaita, Pier Giorgio Frassati, Marcel Callo, Francisco castelle Aleu. Kateri Tekawitha và Anrê Phú yên.

Trong buổi khái mạc và chào đón Đức Thánh Cha tại Exhibition Place trên bờ hồ Ontario ngày 25/07/2002, bài Phúc Âm về Tám Mối Phúc thật đã được đọc lên để nhắc nhở cho giới trẻ trọng trách họ như Đức Thánh Cha nhắn gửi : các bạn trẻ Canada, Hoa Kỳ và khắp mọi nơi trên thế giới thân mến, qua việc nhìn lên Đức Giêsu, các con hiểu thế nào là nghèo trong tinh thần, hiền lành và thương xót, thế nào là kiếm tìm công lý, là trong sạch trong tâm hồn,.là trở thành những người kiến tạo hòa bình .

Và Đức Thánh Cha đại diện cho cũng một Đức Giêsu của hơn 2000 năm về trước, mời gọi giới trẻ trở nên muốn đấ và ánh sáng thế gian, bao hàm ý nghĩa mời gọi giới trẻ chọn điều thiện sống trong công lý và trở nên khì cụ yêu thương và hòa bình. Lời mời gọi nầy đòi hỏi một lựa chọn mà mỗi người chúng ta luôn bị dằn co giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tội, giữa sự sống và sự chết.

Sau nghi thức chào đón, Đức Thánh Cha bay về Đảo dâu tịnh dưỡng, nơi đó, ngày hôm sau 26/07/2002 Ngài đã dùng bữa ăn trưa với 14 bạn trẻ, đại diện cho giới trẻ của các Châu Lục , còn các bạn trẻ khác cùng với các Hồng y, Tổng giám mục, Giám mục và Linh mục. Tu sĩ qui tụ tại nhiều tụ điểm để cùng nhau cầu nguyện, học hỏi chủ đề làm sao để trở thành muối đất và ánh sáng thế gian bằng nhiều đề tài khác nhau, cũng như trao đổi và vui chơi giải trí .

Các bạn trẻ Việt nam được qui tụ tại Chủng viện Thánh Augustinô, được mệnh danh là Làng Việt nam, qui tụ cả 3000 giới trẻ VN khắp Năm Châu. Trong số đó cũng có 16 bạn trẻ, 08 linh mục và hai Đức Cha Bùi văn Đọc, Giám Mục Mỹ Tho và Đức Cha Nguyễn văn Sang, Giám mục Thái Bình từ VN tới. Số còn lại từ khắp các Châu Lục hành hương về Toronto cùng với 50 linh mục và nhiều tu sĩ hăng say hội thảo, học hỏi theo tinh thần của chân phước tuổi trẻ : Anrê Phú yên..cùng nhau giải trí và cầu nguyện .

Một trong những cao điểm là chiều 26/07/2002 đã diễn ra một buổi đi Đàng Thánh giá trên các đường phố Toronto . Hơn 500. 000 đã tham dự, những người tẻ đã ghé vai vác Thánh giá và từng chặng được các diễn viên với phần phụ họa của cả 100 giới trẻ đã trình thuật lại Tin Mừng về cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu.

4. Đỉnh cao của Đại Hội.

Đại Hội đạt tới đỉnh cao là đêm canh thức và Thánh Lễ kết thúc. Cả 600. 000 người tụ về Công Viên Downsview để tham dự đêm canh thức với Đức Thánh Cha (tối 27/07) và ngày hôm sau (28/07) thêm cả 200. 000 người nữa tời để cùng với Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ bế mạc. Nâng tổng số người tham dự lên 800. 000 người. Công viên Downsview được nổi bật với một lễ đài cao 8.50 mét, rộng 370m2 với một ây Thánh giá cao ngất 50 mét tỏa sáng ban đêm và nổi bật tên nền trời ban ngày.

Sáng Chúa Nhật ngày 28/07/2002 một cơn giông đã ập xuống Công viên làm ướt sũng cả công viên. Giới trẻ bị ướt lạnh run rẩy, nhưng mọi người không sờn lòng quyết tâm tham dự Thánh lễ bế mạc . Theo tin VietCatholic đăng tải ngày 29/07/2002, thì cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có tới 500 các vị Hồng y, Tổng giám mục, Giám mục và cả 2000 linh mục. Trong cơn giông bão, Đức Thánh Cha tiến vào Công viên giữa tiếng vỗ tay vang dội làm át cả tiếng mưa rơi nặng hạt, làm ấm lòng mọi người tham dự, dù xác thân đang run lạnh và áo quần ướt sũng ! Đức Thánh Cha trong bài giảng đã ký thác vận mệnh tương lai trong tay những người trẻ. Ngài nói : Cha đã già rồi , nhưng giới trẻ la lớn : Đức Thánh Cha còn trẻ . Thật vậy, dù thân xác của Ngài có bị tuổi đời 82 năm kèm theo bệnh tật phá hủy, nhưng tinh thần ngài thật trẻ trung và như các bào chí bình luận : như một phép lạ , một ông già lọm khọm, nhưng đã thu hút giới trẻ và bao tâm hồn ! Thật vậy, với những tư tưởng và niềm tin sắt đá đã làm cho ngài trở thành thần tượng của người trẻ và điểm mốc tựa nương cho Giáo Hội và xã hội đương đại.

Thiên nhiên, đất trời như hòa với biến cố để nói lên một ý nghĩa sâu đậm của buổi lễ bế mạc Đại Hội giới Trẻ lần nầy. Trời quang mây tạnh và mặt trời chói chang làm cho mọi người hiện diện phải liên tưởng tới Đức Kitô là nguốn sáng chiếu soi trong đêm u tối trần gian (Ga 1. 4-5) như thế nào, thì Đức Gioan-Phaolô II cũng như tia nắng ấm sáng soi giữa cơn giông bão của con tàu Giáo Hội và thế giới đầy nhiễu nhương của ngày hôm nay. Đức Thánh Cha đã chia sẻ : “ Các con, những người trẻ, là năng lực sống và còn là sức mạnh của Giáo Hội khắp thế giới , Thế giới mà các con đang thừa hưởng là một thế giới đang tuyệt vọng, đang cần đến một ý nghĩa được canh tân của tình huynh đệ và liên đới nhân loại. Đó là một thế giới cần được sự thiện mỹ và sự sang giàu phong phú của tình yêu Thiên Chúa chạm đến và chữa lành. Thế giới đang cần đến các chứng nhân cũa tình yêu Thiên Chúa, đang cần đến các con là muối đất và ánh sáng thế gian”.

Và Đức Thánh Cha chia sẻ chính cảm nghiệm cuộc đời của ngài : “ Cha đã sống qua những đêm đen tối dưới những chế độ độc tài tàn bạo, cho cha xác tín để tin tưởng vững mạnh rằng không khó khăn nào, không sự sợ hãi nào to lớn đến độ có thê dập tắt hoàn toàn niềm hy vọng nhen húm không ngừng trong lòng những người trẻ. Đừng để niềm hy vọng đó chết đi. Các con hãy đặt đời mình trên đó. Chúng ta không phải là tổng số của những yếu đuối và thất bại; chúng ta là tổng hòa của tình yêu Chúa Cha dành cho chúng ta và khả năng thực sự chúng ta có thể trở nên giống hình ảnh của con Ngài ” .

Cuối cùng Đức Thánh Cha công bố cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tới sẽ tổ chức tại Cologne , Đức vào năm 2005. Thời gian sắp tới là thời gian chuẩn bị và cũng là thời giờ của cuộc lữ hành đức tin , đã đến giờ trở về cuộc sống thường nhật và như muối thêm gia vị, chúng con hãy mang hương vị của nàgy hôm nay vào trong gia đình bạn bè, vào trong công việc, học hànnh và mọi sinh hoạt của chúng con , đến giờ chúng con giương cao Thập Giá Đức Kitô , chúng con hãy là ánh sáng thế gian , và cảm động biết bao tình thương của vị Cha chung chan hòa sẽ mãi mãi đồng hành cùng giới trẻ, Phép lành của Cha luôn ở với các con.

5. Dư âm của Đại Hội

Tất cả những ai đã một lần tham dự Đại Hội Giới Trẻ đều đạt một cảm nghiệm niềm tin sâu sắc trong tâm lòng. Tất cả đều được hun đúc và khởi nhóm lên lửa nhiệt tâm làm đổi thay con người tới tận gốc rễ và khơi nguồn một nhiệt tâm phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Đức Hồng y Lustiguer, Tổng Giám mục Paris đã nhận định : Canada đất rộng, dân thưa, hình như đã bừng tỉnh sau Đại Hội. Đặc biệt nhiều gia đình mở cửa đón những người trẻ về trú ngụ trong thời gian Đại Hội đã cảm phục trước tấm gương và niềm tin của người trẻ tạm trú. Giới truyền thông Canada đã không màng tới biến cố nầy mấy, nay phải tự thú như một phép lạ Đức Gioan-Phaolô II tìm đâu ra một sức mạnh để Ngài vượt thắng những nhọc mệt của hành trình mà tới với giới trẻ. Họ còn ngạc nhiên hơn nữa khi thấy giới trẻ bị cuốn hút bởi Đức Gioan-Phaolô II, một người mà các hãng thông tấn Canada cho là già nua, yếu ớt ! làm sao có thể là thần tượng cho một xã hội Canada vật chất, muốn gạt bỏ Thượng Đế ra khỏi nếp sống thường nhật

Chính Hàng Giáo Phẩm tại Canada cũng phải thừa nhận vì xã hội Canada đã vắng bóng Thiên Chúa trong đời sống, nên việc tổ chức Đại Hội Giới Trẻ thật là cần thiết và là một biến cố Phục sinh lại niềm tin vào Thiên Chúa và ươm lại cuộc sống văn minh bằng chính hhương vị thần linh tôn giáo .

Cũng phải nói tới nhiều người trẻ sau khi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã tìm ra con đường dấn thân phục vụ, đặc biệt trong lãnh vực tu trì, dấn thân theo Chúa, trong thiên chức linh mục và đời sống hiến dâng.

Trong 17 lần Ngày Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức và đặc biệt, những dịp tổ chức quốc tế qui tụ giới trẻ khắp năm châu tính cho cuộc Đại Hội vừa qua đã có tới 12 triệu người tham dự. Họ đã và đang trở nên muối men cho gia đình và ánh sáng niềm tin cho thế giới hôm nay .

Ngày Quốc Tế Giới trẻ lần thứ XVIII sẽ được tổ chức tại Cologne , Đức vào năm 2005

Thanh Quảng sdb
LM tổng Giám Đốc Đài Phát Thanh Vatican nói đến ba chiều kích của chuyến viếng thăm của ĐTC tại Ba Lan. VietCatholic News ( 22/08/2002 )

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Đức Gioan-Phaolô II tại quê hương ba Lan, có ba chiều kích, liên hệ đến cá nhân, liên hệ đến sứ mạng mục vụ của Ngài tại đất nước Ba Lan và liên hệ đến thừa tác vụ phổ quát cho toàn thế giới.

Đó là nhận định tổng hợp của LM Pasquale Borgomeo, Tổng Giám Đốc Đài Phát Thanh Vatican, về chuyến viếng thăm quốc tế lần thứ 98 và là chuyến về thăm quê hương lần thứ 8 của Đức Thánh Cha.

Cha Pasquale Borgomeo giải thích chiều kích thứ nhất như sau : Khía cạnh cá nhân của chuyến viếng thăm là khía cạnh dễ nhận ra nhất. Những cử chỉ và những lời nói của Đức Gioan-Phaolô II, kể cả những việc có tính cách mục vụ rõ ràng nhật, tất cả nói lên những cảm xúc của một người được biết đến và được mến thương, sống gần với hàng triệu triệu người nam nữ. Đây là yếu tố giải thích tại sao dân chúng châp nhận chờ đợi lâu giờ, để được gặp ngài, dù chỉ gặp trong giây phút ngắn ngủi mà thôi.

Tuy nhiên , và đây là chiều kích thứ hai : cuộc hành hương vừa qua của Đức Thánh Cha không phải chỉ là một cuộc hành hương đầy cảm xúc của tình cảm mà thôi, bởi vì sư điệp của chuyến viếng thăm có nội dung hết sức sâu xa và được gởi đến cho con người ngày nay trong mọi hoàn cảnh.

Nổi bật nhất trong các biến cố là biên cố cung hiến Đền Thờ Chúa Nhân Từ, hôm thứ bảy 17/08/2002 . Cha Pasquale Borgomeo nhận định như sau : việc công bố tình thương và lòng nhân từ của Thiên Chúa, là câu trả lời cho những lo âu và khát vọng của con người nam nữ hôm nay.

Chiều kích thứ ba : Sứ điệp về lòng nhân từ của Thiên Chúa - chủ đề của cuộc hành hương - có một giá trị phổ quát, và trở thành như một cuộc đối thoại giữa Đúc Giáo Hoàng và những người đồng hương của ngài.
Đức Ông Phêrô Nguyễn văn Tài

X. TẢN MẠN

CHÚA GIÊSU Ở TRONG TRÁI TIM

”Sáng mai tôi sẽ mổ tim cho em” Bác sĩ phẫu thuật nói.
Ông sẽ gặp Chúa Giêsu ở đó. Cậu bé ngắt lời.
Vị bác sĩ ngước lên, khó chịu :
Tôi sẽ mổ trái tim em ra để xem nó bệnh thế nào…
Nhưng khi ông mở trái tim em ra
Ông sẽ gặp thấy Chúa Giêsu ở đó !... Đứa bé nhấn mạnh.
Bác sĩ nhìn cha mẹ em bé. Họ đang ngồi bất động.
Khi tôi thấy tim em bị bệnh thế nào rồi
Tôi sẽ may nó lại và lồng ngực em sẽ trở lại bình thường.
Sau đó, tôi mới tính chuyện tiếp theo…
Nhưng ông sẽ gặp Chúa Giêsu ở đó, Kinh Thánh nói như thế.
Mọi Thánh thi cũng đều nói như vậy.
Ông sẽ gặp thấy Chúa Giêsu trong trái tim con…
Bác sĩ ngán ngẩm :
Tôi nói với em là tôi sẽ tìm trong trái tim em
Xem có thớ thịt nào bị bệnh, máu cung cấp có đủ không,
Động mạch có bị hẹp không ?
Và tôi sẽ tìm cách làm cho em khoẻ lại…
Ông sẽ gặp Chúa Giêsu ở đó. Ngài sống trong trái tim con.
Vị bác sĩ bỏ đi.
Ngồi tại văn phòng của mình
Bác sĩ phẫu thuật ghi âm lại những kiểm tra của mình :
tổn thương động mạch chủ, hư van phổi, thoái hoá cơ tim.
Không hy vọng ghép tim. Không hy vọng chữa khỏi.
Liệu pháp : thuốc giảm đau và nằm nghỉ.
Chẩn đoán : tạm chờ đợi, sẽ chết trong vòng một năm.
Bác sĩ ngừng thu âm. Nhưng dường như còn điều gì phải nói thêm :
”Tại sao vậy” - ông hét lên – “Tại sao Ngài lại làm thế với nó?
Ngài để nó ở đây. Ngài bắt nó gánh cơn bệnh nầy
Và Ngài bắt nó phải chết sớm. Tại sao ?”
Chúa trả lời :
”Đứa trẻ nầy, con chiên của Ta, không thuộc về đàn chiên của ngươi lâu dài, vì nó thuộc về đàn chiên của Ta mãi mãi.
Ở đây, trong đàn chiên Ta nó sẽ không còn phải khổ đau, nó sẽ được ủi an theo cách mà ngươi không thể tưởng tượng nổi.
Cha mẹ nó một ngày kia sẽ gặp lại nó ở đây.
Họ sẽ tìm được bình an
Và đàn chiên của Ta sẽ tiếp tục phát triển”.
Nước mắt nóng tuôn trào, nhưng cơn giận của bác sĩ càng nóng hơn : “Ngài đã dựng nên đứa bé nầy và Ngài đã tạo nên trái tim nó, để rồi nó sẽ chết trong vài tháng tới. Tại sao ?”
Chúa trả lời :
”Đứa bé nầy, con chiên của Ta, sẽ trở về với đàn chiên của Ta
vì nó đã hoàn thành sứ mạng :
Ta không đặt con chiên của Ta trong đàn chiên của ngươi để làm mất nó, nhưng để tìm lại con chiên khác đã mất”.
Vị bác sĩ bật khóc.
Bác sĩ ngồi bên cạnh giường đứa bé. Cha mẹ em ngồi phía đối diện. Đứa bé chợt thức giấc và thì thào :
”Ông đã mổ tim con chưa?”
”Rồi” Bác sĩ trả lời.
”Ông thấy gì trong đó?” Đứa bé hỏi.
”Tôi đã gặp thấy Chúa Giêsu ở đó !” Bác sĩ trả lời.
(Dịch từ Internet)

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

BẠN THẬT CÓ PHÚC

Nếu bạn thức dậy sáng nay và thấy mình khỏe mạnh hơn là bị bệnh!. Bạn có phúc hơn một triệu người bệnh không thể sống qua tuần nầy.
Nếu bạn chưa từng cảm nghiệm đau khổ vì chiến tranh, nổi cô đơn vì tù tội, sự đau đớn vì bị tra tấn, sự ray rứt do thiếu ăn!.
Bạn ở trên 500 triệu người khác trên thế giới.
Nếu bạn có thể đến dự lễ ở nhà thờ mà không sợ bị quấy nhiễu, bắt bớ, tra tấn hay bị giết chết!.
Bạn có phúc hơn ba tỉ người trên hành tinh nầy.
Nếu bạn có đủ cơm ăn, áo mặc, một mái nhà để che mưa nắng và một nơi để ngủ qua đêm!..
Bạn giàu có hơn 75% cư dân trên thế giới nầy.
Nếu bạn có tiền trong nhà băng, trong bóp, và để dành tiền lẻ ở một nơi nào đó!..
Bạn thuộc vào hàng 8% những người giàu có trên thế giới.
Nếu cha mẹ bạn còn sống và vẫn chung sống với nhau!...
Bạn thuộc vào hàng những người rất hiếm có.
Nếu bạn ngẩng cao đầu với nụ cười trên môi, mãn nguyện!...
Bạn thật có phúc, bởi vì phần lớn nhân loại có thể làm như thế nhưng hầu hết thì không thể.
Nếu bạn có thể cầm tay ai đó, ôm hôn họ hoặc choàng tay qua vai họ!...Bạn thật có phúc, vì bạn trao ban cái chạm tay chữa lành của Chúa.
Chúc bạn một ngày tốt lành, bạn thật có phúc và hãy nói với các bạn khác rằng chúng ta thật có phúc biết bao.
(Dịch từ Internet)

1092    17-04-2012 14:28:47