Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Rao Giảng Tin Mừng Bằng Việc Dấn Thân Trong Ơn Gọi Linh Mục và Tu Sĩ - Tháng 02 năm 2002

Chủ đề: RAO GIẢNG TIN MỪNG BẰNG VIỆC DẤN THÂN
TRONG ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ

 

I. LỜI CHÚA : Mt. 4, 18 - 22

Chúa Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thấy hai anh em: Simon tức Phêrô với em là Anrê đang thả lưới dưới biển (vì họ là dân chài). Ngài phán bảo họ : “Hãy theo Ta, Ta sẽ cho các ngươi trở thành kẻ đánh lưới người”. Lập tức, hai ông bỏ chài lưới mà đi theo người.

Đi một quảng nữa, Người thấy hai anh em khác là Giacôbê và em là Gioan đang cùng với Cha là Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM.

Chúa Giêsu gọi những môn đệ đầu tiên. Diễn tiến của ơn gọi nầy như sau : Trước hết, Chúa Giêsu “thấy”, đây là sáng kiến của Thiên Chúa; Ngài bảo “hãy theo Ta”, để các ông chia sẻ sứ mạng của Ngài; “Lập tức” : các ông mau mắn đáp trả lời Chúa và “Các ông bỏ thuyền, bỏ cha mà đi theo Ngài” : theo Chúa thì phải từ bỏ, kể cả những gì là thân thiết nhất.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

TIẾNG GỌI LÊN ĐƯỜNG

Một linh sư Ấn giáo rất hài lòng về sự tiến bộ của người đệ tử. Nhận thấy anh ta không cần sự dìu dắt của mình nữa, nên ông bỏ mặc anh trong túp lều tranh rách nát bên cạnh bờ sông. Mỗi buổi sáng, khi thức dậy, người đệ tử xuống dòng sông thanh tẩy theo đúng nghi thức, rồi giặt chiếc áo rách của mình. Đó là tài sản duy nhất của anh.

Ngày kia, anh nhận ra chiếc áo của mình phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn rách tả tơi. Anh đành phải vào làng xin một chiếc áo khác. Chiếc áo nầy cũng bị chuột gậm nát như tương. Anh mới xin về một con mèo. Lần nầy, anh khỏi phải lo chuột quấy phá. Nhưng không xin áo, thì phải xin cơm bánh.

Ngày ngày phải vác bị đi khất thực, người đệ tử cảm thấy mình như một gánh nặng cho dân làng. Vì thế, anh tìm cách tậu cho bằng được một con bò để lấy vốn làm ăn. Nhưng có bò thì cũng phải có cỏ cho bò ăn, Những ngày đầu, anh còn tự mình cắt cỏ. Về lâu về dài, anh đành phải thuê người cắt cỏ vì không có thì giờ cầu nguyện. Bò càng ngày càng sinh sản ra nhiều, người cắt cỏ cũng phải gia tăng.

Chẳng mấy chốc, mảnh đất xung quanh túp lều của anh đã trở thành nông trại. Con người đã một thời muốn bỏ tất cả mọi sự để trở thành một tu sĩ, nay nghiễm nhiên là một chủ nông trại giàu có. Có tiền, có mọi sự, nên anh cũng muốn có người chia sẻ công việc của anh. Anh đành phải cưới vợ.

Khi vị linh sư có dịp về thăm ngôi làng cũ, ông ngạc nhiên vô cùng, vì túp lều nghèo nản bên bờ sông, nay đã là cả một cơ nghiệp. Ông hỏi người đệ tử:
Thế nầy nghĩa là gì hở con ?
Người đệ tử mới trả lời :

- Có lẽ thầy không tin. Nhưng tất cả cơ nghiệp nầy hiện hữu cũng chỉ vì con đã không làm cách nào để giữ được chiếc áo rách. (Thiên phúc)

IV. DIỄN NGHĨA.

Mang thân phận con người sống giữa trần gian với bao nhiêu những quyến rũ chung quanh thường ngày lôi kéo : thích tiện nghi, dễ dãi, thoải mái. hưởng thụ,ngại khó, ngán hy sinh, nhưng đồng thời, chúng ta lại được mời gọi sống cho một lý tưởng cao siêu : quên mình, sống cho người khác. Lấy hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình. Và khi sống cho hạnh phúc của người khác là sống cho Chúa. Mà hạnh phúc lớn lao nhất của con người là được Chúa.

Điều nầy mời gọi chúng ta phải biết vượt thắng những cám dỗ của cải vật chất cũng như những thoả mãn tư lợi dù chính đáng hay không, bằng cách nhìn lại chính mình. Phải biết dừng lại giữa bề bộn cuộc đời để nhìn vào lòng mình, nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình, chấp nhận khuyết điểm, lỗi lầm, định hướng lại mục đích cuộc đời mình xem có còn in theo bước chân của Đấng mời gọi chúng ta bước theo không. Đó mới là khôn ngoan đích thực. Vì chỉ khi chúng ta nhìn nhận mình đầy khuyết điểm, chúng ta mới mong sửa chữa những khuyết điểm ấy được.

Người đệ tử của vị linh sư Ấn giáo ngày càng xa rời nếp sống tu hành, vì anh chưa một lần nhìn lại bản thân. Quên mất hướng đi. Có nhìn lại bản thân con người mới thấy mình cần phải hoán cải, canh tân, tái lập lại quyết tâm bỏ mình để trọn vẹn sống cho Chúa. Và có nhìn lại chính mình, nhận ra sự yếu hèn của mình, chúng ta mới thấy mình cần Chúa, cần sự trợ giúp của ơn Chúa.

1. Tiếng gọi lên đường.

“Hãy theo Ta. Ta sẽ cho các ngươi trở thành kẻ đánh lưới người”. (Mt 4, 19) Lời Chúa phán như một mệnh lệnh của một Đấng đầy uy quyền. Thiên Chúa tuyển chọn người Chúa muốn chọn. Chính Chúa, chứ không phải chúng ta, là người đi bước trước trong việc mời gọi chúng ta, các linh mục và tu sĩ, làm tông đồ của Chúa. Nhiều khi chúng ta tưởng là mình chọn Chúa, nhưng thực ra, Chúa chọn chúng ta trước. Việc chúng ta phải làm là lắng nghe tiếng Chúa trong mỗi phút giây hoàn cảnh của cuộc sống và mau mắn đáp trả lại lời mời gọi của Người.

Thiên Chúa chọn lựa và sai đi. Những cuộc chọn lựa trong Cựu Ước và trong Tân Ước cũng đều như thế. Thiên Chúa hiện ra với Môisê, chọn ông làm lãnh đạo và sai ông đưa dân ra khỏi đất Ai Cập : “Bây giờ ngươi hãy đi đi ! Ta sai ngươi đến với Pharaôn để đưa dân ta là con cái Israen ra khỏi đất Ai cập”. Chúa Giêsu đã chọn bảy mươi hai môn đệ và sai các ông đi vào các làng mạc. Ngài chọn mười hai Tông đồ và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Như vậy, người được chọn là khí cụ của Chúa, để làm công việc cho Chúa, chứ không phải công việc của riêng mình, theo lối nghĩ và cách nói của mình.

Khi Chúa chọn ai, việc đầu tiên là Ngài bảo người đó từ bỏ. Ơn gọi đầu tiên trong Cựu Ước là

như thế : Thiên Chúa nói với Abraham : “Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi nhà cha ngươi… (St 12, 1) . Ơn gọi đầu tiên trong Tân Ưoc cũng thế : bốn môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu “lập tức bỏ bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người”. (Mt 4, 22). Tất cả các ơn gọi khác cũng đều như thế !

Đòi hỏi của Chúa thật tận căn : của cải, những người thân thiết và chính cả mạng sống của đương sự phải cống hiến trọn vẹn cho một mình Chúa, cho công việc của Chúa : “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai, con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”. (Mt 10, 37-39 ).

Từ bỏ mọi thứ để theo chúa thì được ích gì ? Chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu : “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. (Mt 10, 40). Được chọn lựa làm môn đệ, chúng ta trở nên bạn thiết của Chúa, chứ không đơn thuần là tôi tớ, sai đâu đánh đo,”vì tôi tớ không biết việc chủ làm”, mà là bạn hữu thân tình, được Chúa ưu ái gửi gắm trách nhiệm “lưới người” và được hưởng phần phúc lớn lao trên Trời. Chúa hứa như thế.

2. Quảng đại dấn thân.

Làm sao biết Chúa gọi mà trả lời và đáp trả như thế nào?
Mọi người đều được Chúa mời gọi để sống cho Chúa và làm việc cho Chúa. Một cách đặc biệt, Chúa chọn riêng một số người để sống chuyên biệt cho sứ mạng mà Chúa muốn gửi gắm, đó là chuyên lo cho phần rỗi các linh hồn. Họ là các giáo sĩ và tu sĩ. Toàn bộ đời sống của họ nên như của lễ hy sinh cho Chúa và các linh hồn.

Làm sao biết Chúa chọn mình sống bậc tu trì?
Nhận ra tiếng Chúa gọi qua gia đình đạo đức, cuộc sống bản thân cảm thấy thích hợp với đời sống dâng hiến : thể lực, trí lực, đạo đức, có tinh thần phục vụ… một cách tương đối nào đó phù hợp với những tiêu chuẩn mà Giáo Hội qui định cho những người dấn thân. Và nhất là phải được bề trên trong Giáo Hội, trực tiếp thay mặt Chúa, quyết định chọn lựa.

Muốn nhận rõ tiếng Chúa, cần nhìn vào lòng mình, để lắng nghe tiếng thôi thúc của con tim hoặc cảm nhận qua những biến cố xảy ra chung quanh như cảnh nghèo đói, bệnh tật, bất công, cùng khốn của anh em đồng loại, đưa đến quyết định dấn thân sống cho anh em theo đường lối của Chúa. Biết bao người đã không màng lợi lộc vật chất, địa vị, cuộc sống an nhàn, yên thân để dấn bước theo Chúa phục vụ anh em.

Cuộc sống chung quanh chúng ta thật ồn ào huyên náo với đủ loại phương tiện thông tin, báo hình, báo viết, trăm ngàn mối lo cho cuộc sống, cuốn hút chúng ta vào vòng xoáy vô tận : kiếm nhiều tiền để sống, và sống để kiếm tiền với quan niệm có tiền là có tất cả ! Thiên Chúa làm gì có chỗ trong tâm hồn mình. Cần biết dừng lại. Tĩnh lặng nhìn vào chiều sâu tâm hồn. Thiên Chúa không ở nơi ồn ào. Khi gặp Môisê, sau những rung chuyển, cát lăn, đá chạy, thì trong tiếng gió hiu hiu thổi , Thiên Chúa xuất hiện đàm đạo với ông.

Do đó, thanh thiếu niên cần được hướng dẫn sống đời nội tâm, sống gắn bó với Chúa và những lý tưởng cao siêu thanh thoát cũng như tinh thần dấn thân phục vụ. Linh mục hay tu sĩ không phải là một nghề để kiếm sống, nhưng là một chức phận, một bậc sống hiến thân cho Chúa và cho người, nhất là những người bất hạnh trong xã hội.

Nhìn vào lòng mình để giúp chúng ta nhận ra rằng mình đầy những bất toàn và lầm lỗi hầu ý thức rằng việc Chúa chọn lựa mình là một hồng ân vô điều kiện mà Chúa ban cho ai là người Chúa muốn. Chúa muốn chọn Giacóp thay Esau đó là quyền của Chúa. Có nhận ra mình yếu đuối bất toàn, thì mới có thể sửa đổi cho phù hợp với ơn gọi mà Chúa trao ban.

Một trong những nghịch lý lớn nhất của Kitô giáo chính là càng nhận ra sự nhỏ bé bất toàn của mình, con người càng lớn lên trong ân sủng của chúa. Chính lúc Gioan Tẩy Giả nhận mình nhỏ bé, Chúa lại tôn vinh ngài như người cao trọng nhất trong Nước Trời. Và trên hết là ý thức rằng mình được chọn để làm công việc của Cha trên trời, chứ không phải công việc của chúng ta.

Nên dù có thành công hay thất bại không là vấn đề, vì chúng ta đã cố gắng hoàn thành công việc được giao phó, còn kết quả là của Chúa: “ Làm việc để vinh danh Chúa, thì cho dù có thất bại cũng là thành công : thành công trong việc hoàn tất phận sự của mình”. (Thellier de Poncheville).

Một người lái xe tải ở Ý được tặng thưởng huy chương vì 40 năm hành nghề lái xe mà không gây ra tai nạn nào. Người ta hỏi đâu là bí quyết an toàn ? Ông khiêm tốn trả lời : “Vì tôi chỉ biết chăm chăm nhìn đường”. Theo Chúa là từ bỏ chính mình. Vì có bỏ mình, chúng ta mới can đảm bỏ đi danh, lợi, thú. Theo Chúa là đồng hành với Ngài từ Đỉnh Tabor cho đến đỉnh Núi Sọ. Khi vui cũng như lúc buồn, khi sướng cũng như lúc khổ, chăm chăm bước theo Chúa mà đi, không ngã lòng.

Gia đình là cái nôi của xã hội. Sự hình thành nhân cách và đạo đức của một đứa trẻ in đậm dấu ấn của gia đình. Cha mẹ đạo đức, con cái mới đạo đức. Cũng như biết bao cha mẹ than phiền con cái ăn chơi lêu lổng, không lo làm việc; nhưng tự xét bản thân, những cha mẹ ấy có làm gương cho con cái trong chuyên cần lao động, gầy dựng nếp sống ổn định cho gia đình chưa ? Dĩ nhiên, cha mẹ sinh con đâu dễ sinh lòng. Nhưng gia đình là mái trường đầu tiên. Đứa bé ngay từ ấu thơ, học tập từ chính cha mẹ của mình. Điều đó ăn sâu vào ký ức không thể xoá nhoà, dần dần hình thành nếp nghĩ, lối sống của nó.

Do đó, muốn con cái dấn thân quảng đại phục vụ Chúa, đặc biệt trong chức vụ linh mục và tu sĩ, các cha mẹ cần ý thức trách nhiệm của mình ; cầu nguyện, gợi ý, nhắc nhở, nung đúc tinh thần đứa trẻ và nhất là sống một cuộc sống đạo đức.

Người có trách nhiệm quan trọng thứ đến, trong việc đào tạo ơn gọi là các Cha sở. Phát huy, nhắc nhở, cầu nguyện cho ơn gọi trong họ đạo trong những thánh lễ thứ năm hằng tuần - ngày dành kính Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm - giúp đỡ các em về tinh thần cũng như vật chất để gầy dựng những người kế thừa cho các ngài trong nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng.

Điều Chúa cần nơi những ai được mời gọi sống theo đường lối tu trì là : luôn luôn sẵn sàng cho Chúa, bất chấp những hèn kém khuyết điểm của mình. Ý thức rằng chúng ta chỉ là những dụng cụ tầm thường, nhưng may mắn thay, được sử dụng trong bàn tay phi thường của Thiên Chúa. Chúa cần nơi chúng ta một tấm lòng.

Trong Better to Light One Candle của nhóm Christophers có kể lại câu chuyện với tựa đề “Phêrô được mấy điểm ?” như sau :

Một lá thư đề gửi cho “Ông Giêsu Kitô” đã được Charles Scholz kể lại trong bài thuyết trình của ông tại một hội nghị về sức khoẻ ở Washington D.C.

Đề tài thuyết trình của ông là : vai trò lãnh đạo. Và tiêu điểm ông muốn nhấn mạnh là : người lãnh đạo không nên lệ thuộc quá nhiều vào các nhà tư vấn và các chuyên gia khác.

Lá thư tưởng tượng đề gửi cho Đức Giêsu nói trên được viết bởi “Văn Phòng Trắc Nghiệm Tâm Lý Galilê”. Lá thư ấy nhằm giải đáp một yêu cầu kiểm tra tâm lý “mười hai người mà Ngài có ý định mời cộng tác”.

Theo nội dung thư cho biết, cuộc trắc nghiệm ấy chưa thể hoàn thành được; tuy nhiên văn phòng đã có một số kết quả về “Ông Simon, con Giôna”.

Căn cứ vào một biên bản dữ liệu đính kèm, lá thư cho biết “ông Simon có tính hấp tấp rất nguy hiểm, ngoài ra ông còn có sự kiêu hãnh lộ liễu và thiếu ổn định tâm lý một cách trầm trọng”. Lá thư đề xuất với Đức Giêsu rằng : “Ngài không nên thu dụng ông Simon, nếu không, công việc của Ngài chắc chắn sẽ đổ bể”. Thư còn nói thêm : “Chỉ xét về ngoại hình của ông Simon, chúng tôi e rằng ngoại hình ấy sẽ tạo nên một ấn tượng không mấy tốt đẹp cho tổ chức của Ngài”.

May thay, Đức Giêsu không phán đoán điên rồ như văn phòng tư vấn ấy. Ngài dễ dãi đến nổi Ngài chấp nhận chọn chúng ta để thực hiện công cuộc của Ngài. Ngài chỉ yêu cầu một tấm lòng … nơi Phêrô và nơi chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin chỉ cho con biết đường lối Chúa. Xin giúp bổ khuyết những thiếu sót nơi con.

3. Giáo Hội dạy.

”Trách nhiệm Truyền giáo “trước hết thuộc về Giám Mục đoàn, đứng đầu là người kế vị thánh Phêrô”. “Là những cộng tác viên của Giám mục, do bí tích truyền chức, các linh mục được mời gọi chia sẻ mối quan tâm truyền giáo”. Do đó, có thể nói một cách nào đó, các Linh mục có trách nhiệm hàng đầu “đối với việc Phúc Âm hoá trong Ngàn Năm Thứ Ba”.

”Tân Phúc Âm hoá đòi hỏi khẩn cấp tìm ra một hình thức thi hành thừa tác vụ Linh mục thật xứng hợp với những điều kiện hiện nay, để thừa tác vụ đó đạt được hiệu quả và có sức đáp ứng tương xứng với những hoàn cảnh mà nó được thực thi. Nhưng điều đó chỉ có thể được thực hiện nhờ luôn qui chiếu về Đức Kitô là mẫu gương độc nhất của chúng ta”.

“Cũng như đời sống của Đức Kitô được thánh hiến cho việc loan báo đích thực ý muốn yêu thương của Chúa Cha (x, Ga 17, 4; Dt 10, 7-10), thì cuộc đời của Linh Mục cũng được thánh hiến nhân Danh Đức Kitô để thực hiện cùng một việc loan báo như vậy”.

”Những nhà rao giảng Tin Mừng, phải là những chuyên viên về con người, biết tường tận con tim của người thời nay, chia sẻ những niềm vui và hy vọng, những lo lắng và ưu phiền của họ, và đồng thời là những người chiêm ngắm trong tình yêu với Thiên Chúa”.

”Rao Giảng Tin Mừng gồm có loan báo, làm chứng, đối thoại và phục vụ. Công việc đó đặt nền tảng trên ba yếu tố không thể tách rời nhau là : dạy Lời Chúa, ban các Bí Tích và lãnh đạo người tín hữu”.

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, xin cho ngày càng có thêm nhiều người quảng đại dấn thân phục vụ Chúa trong nhiệm vụ linh mục và tu sĩ, hầu danh Chúa được cả sáng . Amen

VI. HỌC LỜI CHÚA : Mt. 4, 20

“Lập tức, hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người”.

VII. ÁP DỤNG LỜI CHÚA

DẤN THÂN TRONG ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ

Trong chuyền viếng thăm mộ của hai thánh Phêrô và Phaolô (Ad Limina) của các Giám Mục Việt Nam tháng 1/ 2002 vừa qua, các Giám Mục báo cáo cho Toà Thánh biết là Việt Nam hiện có rất nhiều ơn gọi làm Linh mục và Tu sĩ. Đó là điều rất mừng cho Giáo Hội Việt Nam , cũng là điều rất mừng cho giới trẻ chúng ta. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa trực tiếp can thiệp vào Lịch sử Cứu Độ. Thiên Chúa gọi ai thì Ngài trao công tác cho người đó. Người đó có ƠN GỌI. Nhưng Chúa gọi mỗi người mỗi cách, và mỗi người có tâm chất riêng, khuynh hướng riêng, hoàn cảnh riêng. Một số người thành công, một số người thất bại trong ơn gọi.

Dưới đây, chúng ta lần lượt nhìn lại một số mẫu ơn gọi và sự đáp trả trong Kinh Thánh, rồi sau đó, chúng ta xem lời mời gọi của Chúa đối với bạn trẻ hôm nay .

I. MỘT SỐ MẪU ƠN GỌI TRONG KINH THÁNH.

1- Abraham : Chúa gọi Abram :”Hãy rời bỏ xứ sở. . .Mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Và ông Abram ra đi. (St 12, 1 tt ). Một niềm tin bất khuất mà thánh Phaolô gọi Abraham là cha của những người tin. Trên đường theo Chúa, Abraham gặp nhiều khó khăn, nhưng ông vẫn ngoan ngoãn tin theo Chúa. Rồi cũng có lúc ông bị khủng hoảng : Chúa hứa cho ông làm tổ phụ của một dân tộc đông như sao trên trời, như cát dưới biển, thế mà nay ông đã già vợ ông đã lão mà chẳng có con. Ông đã chọn giải pháp dễ dãi : cưới nàng hầu Hagar và có con, nhưng đó không phải là ý Chúa, và ông đã chấp nhận từ bỏ để làm theo ý Chúa. (St 16, 1-16).

Qua thời gian dài chờ đợi, Abraham đã sử dụng thời gian để trao dồi ơn gọi, mà cũng sử dụng thời gian để đối phó với việc hủy hoại ơn gọi. Ông đã đáp trả ơn gọi bằng việc luôn tin tưởng và thực thi ý Chúa, tuy rằng ông có yếu đuối, nhưng ơn Chúa không thiếu cho ông.

Như vậy, chúng ta có thể rút ra bài học : ơn gọi = chú ý + thời gian. Nghĩa là tập trung tư tưởng trong thời gian để trao dồi ơn gọi.

2- Môisen : Một nhà lãnh tụ quả cảm bền chí, là tôi tớ trung thành của Thiên Chúa. Lúc đầu, Chúa gọi ông, ông thối thác, nhưng sau cùng, ông vâng theo ý Chúa, ông đến gặp Pharaon để dẫn dân về đất Chúa hứa. Cách chung, ông luôn tin vào Chúa, nhưng rồi cũng có lúc ông lại nghi ngờ : Đập gậy vào đá , theo lời Chúa, để nước chảy ra cho dân uống. (Ds 20, 9-11). Và vì thế mà ông không được vào Đất Hứa (Ds 20, 12-13)

Môisen có một phấn đấu cao trước sự giằng co giữa độ cao của ơn gọi và bản năng của con người ông. Đứng trước sức nặng của nhiệm vụ, ông là con người của quần chúng, nhưng rất cô đơn giữa quần chúng. Chống đối thì thấy rõ nét, nhưng cảm thông yêu thương thì quá lờ mờ. Trước sự kiện như thế, nhiệm vụ vẫn đòi hỏi ông phải chu toàn.

Như vậy, bài học cho chúng ta là ơn gọi đòi hỏi sự khiêm tốn, tin tưởng phó thác cho Chúa và chấp nhận.

3- Samson : Chúa gọi Samson từ khi ông chưa tượng thai trong lòng mẹ, mẹ ông phải kiêng cữ với một chế độ ăn uống đặc biệt. Ông được gọi là Nagia (Nazir), nghĩa là người được khấn dâng cho Thiên Chúa. (Sách Thủ Lãnh 13,1-7). Nhưng rồi, lớn lên, bản chất của ông ngang tàng, mê gái, hay gây hấn. Ông vừa bênh vực dân Chúa chống lại quân Philitinh, vừa chiến đấu theo bản chất ngang tàng của tuổi trẻ. Thế mà tại sao Chúa vẫn sử dụng ông, khi ông không thắng được tính hiếu thắng và tính hiếu sắc của tuổi trẻ ?

Nagia là được khấn dâng cho Thiên Chúa, nhưng đòi hỏi nghiêm nhặt : Không cạo đầu, không cắt tóc, kiêng kỵ rượu, chất say . . . Thế mà Samson nặng về bản năng, ông sống buông thả mà ông không thấy, lương tâm ông chết dần chết mòn, để rồi cuối cùng ông phải thất bại.

Bài học ở đây là cảnh giác : Phải chiến đấu để làm chủ tư tưởng, ý chí hướng về mục đích nhất định.

4- Saolê : Vị vua đầu tiên của dân Do Thái. Chúa ra lệnh cho tiên tri Samuel xức dầu cho ông. Nhưng rồi chính Chúa lại truất phế ông để trao vương quyền cho Đavit. Bởi vì ông quen ra lệnh hơn là tùng phục. Ông tham quyền cố vị, ông dùng quyền Chúa trao cho ông để củng cố địa vị của mình thay vì phục vụ dân.

Quyền bính đã làm hư đi ơn gọi của ông. Đương nhiên, Chúa kêu gọi ai thì Chúa trao ban chức vụ. Khi có chức vụ thì có quyền bính, nhưng phải biết sử dụng quyền bính để phục vụ người khác.

Bài học cho những người dấn thân trong ơn gọi làm linh mục và tu sĩ ở đây là vâng phục và đề phòng kiêu căng. Vâng phục Chúa, vâng phục Đức Giám Mục, bề trên, vâng phục luật lệ Nhà Nước, nghĩa là sống khiêm tốn và phục vụ.

5- Đavid : Đavid là minh quân số I của Israel, và là tổ phụ của Đấng Cứu Thế. Ông được Chúa chọn khi còn bé, lúc còn chăn chiên. Tiên tri Samuel đã xức dầu phong vương cho ông. Với cánh tay quyền năng của Thiên Chúa, ông đã thắng Gôliat, đã thắng Saolê, bởi vì ông phó thác tin tưởng nơi Thiên Chúa.

Khi ông thống nhất được đất nước và lên ngôi vua, ông đã nên cao trọng, thì ông lại quá tự tin nơi mình ,khi đó ông thất bại. Ông tỏ ra thấp hèn trong việc chiếm đoạt vợ của tướng Uria và lập kế giết Uria. Vì sao vậy ? Vì bản tính tự nhiên của ông : đẹp trai, nghệ sĩ, giỏi thơ, và nhất là hoàn cảnh rảnh rang, thảnh thơi đẩy đưa. Tuy nhiên, điều đáng khâm phục nơi vua Đavid là ông biết ăn năn hối lỗi và phục thiện. Phụng vụ gọi ông là Thánh Vương Đavid.

Bài học ở đây là hết lòng cậy trông vào Chúa. Chúa là tất cả, còn ta có là gì cũng là do Chúa ban. Do đó chớ nên ỷ tài ỷ sức riêng mình, nhưng phải sáng suốt nhìn nhận con người mình đầy yếu đuối tội lỗi thiếu sót và mau mắn hối cải.

6- Giôna : Chúa sai tiên tri Giôna đi báo tin cho Ninivê, kinh thành của Assur :”Còn 40 ngày nữa là Ninivê sẽ bị tiêu diệt”. Ông không chịu đi Ninivê, mà lại đi Tarsis lánh mặt Chúa. Nhưng sau bao biến cố, ông vẫn phải đi Ninivê. Báo tin xong, Ông ngồi đợi xem Chúa có ra tay tiêu diệt không, nhưng Chúa không ra tay, làm ông bực tức. Ông không chờ Chúa tha cho dân Ninivê, mà ông chờ Chúa trừng phạt họ. Tại sao ? Vì óc kỳ thị chủng tộc và tôn giáo nơi ông. Ông là người Israel , còn Ninivê thuộc Assur, là dân ngoại giáo.

Giôna nặng thành kiến. Thành kiến là bức tường ngăn cách con người với sự thật. Thành kiến có thể bóp chết Thần Khí, ơn gọi trong ta.

Bài học cho chúng ta là phải khiêm tốn nhìn nhận con người thật của mình. Một danh nhân nào đó đã nói : “Ta có thể đổ nước biển đầy ly, nhưng trong ly nước biển đó không có đầy đủ những đặc tính của biển khơi”.

7- Giuđa Iscariot : Giuđa đến xin Chúa Giêsu và Ngài đã chọn ông. Trong nhóm 12 tông đồ, ông là người giữ túi tiền (quản lý), nhưng ông tham tiền. Tiền bạc đã gặm nhấm con người ông, bắt đầu bằng ăn bớt tiền, rồi đến ăn cắp (thánh Gioan gọi Giuđa là tên ăn cắp) . . . dần dần đi đến chổ nộp Thầy.

Giuđa tham tiền mà đánh mất ơn gọi. Vì lòng tham mà ông bất chấp Thầy, bất chấp mọi sự ghê tởm sẽ xảy ra. Từ đấy, đức khó nghèo là bài học quí báu cho những ai muốn theo đuổi ơn gọi làm Linh mục và Tu sĩ.

II. LỜI MỜI GỌI CHÚA ĐỐI VỚI BẠN TRẺ HÔM NAY.
(Trích từ MAI AN, NIỀM HY VỌNG, p. 79 , 83)

Một sinh viên đại học Y Khoa và cũng là thanh niên nhiệt thành trong sinh hoạt giới trẻ, sau lần tham dự khoá huấn luyện dành cho các huynh trưởng đã ghi lại như sau :

Từ trước đến nay, tôi vẫn ưa thích các việc đạo đức, nhất là những lúc cầu nguyện trong thinh lặng. Tuy nhiên tôi cũng thường cảm thấy bất an trong tâm hồn.

Tôi có cảm tưởng như Chúa muốn tôi nhìn thẳng vào mắt Ngài, nhưng đó lại là điều tôi không dám và luôn tìm cách tránh né. Tôi sợ Ngài sẽ khiển trách tôi về những tội thầm kín nào đó. Tôi sợ Ngài sẽ đòi hỏi tôi điều gì đó mà tôi chưa sẵn sàng.

Trong những ngày tĩnh tâm vừa qua, tôi có cảm giác là ánh mắt Chúa đang theo dõi tôi. Biết không thể tránh né được, cho nên cuối cùng tôi đã lấy hết can đảm nhìn thẳng vào Chúa. Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn vào mắt Ngài và có cảm tưởng đọc được trong đó lời nói thật âu yếm :”Ta yêu thương con”, Ánh mắt Chúa như có sức mạnh thu hút, tôi không thể quay đi được nữa. Tôi dừng lại lâu giờ như để được mất hút đi trong ánh mắt của Ngài”.

Hồi ký của chàng sinh viên trên đây gợi lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người thanh niên giàu có trong Phúc Âm Marcô 10, 17-22. Trong cuộc gặp gỡ này, thánh sử đặt trước mắt chúng ta không phải một người tội lỗi, nhưng là một thanh niên đang bước trên con đường ngay chính, một người nhiệt tâm thiện chí đi tìm kiếm giá trị chân thật và sự sống đời đời. Rất có thể anh ta đã được nghe nói về Chúa, đã thán phục những lời giảng dạy và các phép lạ của Ngài.

Tuy là người giàu có, nhưng có lẽ vì thiếu hạnh phúc, cho nên anh càng bén nhạy trước những lời giảng dạy của Chúa về hạnh phúc thật. Thánh sử ghi nhận sự kiện anh ta chạy đến quỳ xuống trước mặt Chúa Giêsu. Điều đó nói lên thái độ nội tâm sẵn sàng và niềm khát vọng của anh .” Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.

Câu hỏi của anh phản ánh não trạng chuộng luật pháp, quan niệm về ơn cứu rỗi của giới trí thức thời đó. Họ cho rằng sự sống đời đời có thể mua được bằng việc thiện cá nhân, thay vì nhận biết đó là ơn nhưng không của Thiên Chúa ban cho những người được ngài kén chọn.

Trả lời câu hỏi của người thanh niên, Chúa Giêsu đã dùng thứ ngôn ngữ quen thuộc : Ngài hỏi anh ta về các giới răn của Chúa. Qua cách đối đáp, người thanh niên cho thấy chẳng những anh thuộc lòng mà còn tuân giữ nữa. Chúa Giêsu cho anh thấy rằng tình yêu của anh đối với Thiên Chúa vẫn còn ở bình diện tiêu cực : anh chỉ tránh làm điều ác cho tha nhân cũng như không xúc phạm đến Chúa. Như thế chưa đủ, tình yêu chân thực phải đi xa hơn nữa. Xa tránh điều ác mà thôi chưa đủ, còn cần phải hăng say làm việc thiện và yêu thương đến độ quên mình.

Bởi đó, Chúa Giêsu không ngần ngại nói với anh :”Anh chỉ còn thiếu một điều là hãy về bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Ta”.

Lời đề nghị của Chúa Giêsu là một lời mời gọi, đồng thời là một thách đố cho những ai muốn trở nên môn đệ Ngài, muốn theo sát gót Ngài và chia sẻ sứ mệnh của Ngài.

Trong Phúc Âm, chúng ta còn gặp thấy những người giàu có khác, chẳng hạn như Giakêu, ông Nicôđêmô, ông Giuse Arimathia. Nhưng Chúa Giêsu không bảo những người này về bán hết tài sản, phân phát cho người nghèo, rồi đến theo Ngài. Tại sao Ngài lại đưa ra một đề nghị xem ra quá đáng đối với chàng thanh niên giàu có này ? Có thể trả lời là vì Chúa yêu thương anh ta cách riêng. Quả thật, Thánh Marcô rất cẩn thận ghi lại :”Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu thương, rồi Ngài bảo anh : anh chỉ cò thiếu một điều . . .”

Lời mời gọi của Chúa Giêsu phát xuất từ tình thương để đi tới một sự hiến thân trọn vẹn và để phục vụ vì tình yêu. Nói khác đi, Chúa Giêsu đã đi thẳng vào vấn đề với một câu hỏi tuy ngụ ý nhưng cũng rất rõ ràng :”Con có yêu mến Ta đến độ sẵn sàng khước từ tất cả, ngay cả bản thân, để theo Ta và chỉ sống vì Ta không ?”

Trước lời mời gọi của Chúa, người thanh niên giàu có và đầy thiện chí ấy đã đáp lại như thế nào ? Thánh Marcô kết thúc cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người thanh niên bằng những lời này :”Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó và buồn sầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. Từ chối lời mời gọi, người thanh niên đã buồn sầu bỏ đi, thái độ này hoàn toàn trái ngược với thái độ hăng hái ban đầu.

Trước sự từ chối của người thanh niên, Chúa đã để cho anh ta tự do chọn lựa và ra đi. Đó là một trong những đặc điểm về khoa sư phạm của Chúa Giêsu : Ngài yêu thương mời gọi, nhưng Ngài không bao giờ cưỡng bách ai cả. Ngài không mặc cả với ai, Ngài cũng không lừa gạt ai, Ngài cho họ thấy rõ những thách đố, những chông gai của thập giá và tuyên bố rõ ràng :”Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta”.

Nhưng theo Chúa không phải là đi theo con đường của sự chết, của sầu khổ, nhưng chính là qua sự chết cho bản thân, cho thế gian, cho tội lỗi, để tiến tới hạnh phúc thật và sự sống đời đời.

III. LỜI NGỎ.

1- Với bậc Cha Mẹ.

Một đứa trẻ không học làm tông đồ thì sợ rằng nó sẽ không bao giờ trở thành tông đồ. Cho nên từ rất sớm, cha mẹ nên lo hướng dẫn nó về nhiệm vụ truyền giáo. Nên cho nó gia nhập vào các phong trào làm việc tông đồ và lưu ý nó thực hành các lời hứa. Thúc đẩy nó cầu nguyện cho các tội nhân và người ngoại giáo, dâng những hy sinh để cộng tác với Chúa Kitô trong việc cứu rỗi các linh hồn.

Cho nó hiểu rằng, dù tuổi còn nhỏ, đứa trẻ có thể lôi kéo các bạn của nó làm điều thiện. Chính cha mẹ lại phải làm gương nhiệt thành tích cực trong một công việc tông đồ nào đó, không chỉ lấy sự đóng góp tiền bạc là đủ.

Cha mẹ nói cho con cái về công việc của các vị truyền giáo; tỏ cho chúng thấy sự tốt đẹp và cao quí của các bậc tu trì và linh mục. Ơn kêu gọi, nếu có, chỉ nẩy mầm và triển nở nếu được vun trồng trong một bầu khí thuận lợi. Một lý tưởng tốt đẹp như thế sẽ gợi cảm và lôi cuốn đứa trẻ.

Trong thông điệp về “Chức vụ Linh Mục” (Eccl. 44, 15) , ĐGH PIO XI đã nói :”Phần lớn các Giám mục và Linh mục được Giáo Hội ca tụng, mắc nợ ơn thiên triệu và sự thánh thiện của mình do gương mẫu và các bài học của người cha đầy niềm tin và đức hạnh, của người mẹ khiết tịnh và đạo đức, của gia đình nhờ gia phong trong trắng mà tình mến Chúa yêu người hằng ngự trị. Những nố ngoài luật lệ thông thường thì rất hiếm, và những nố ấy càng xác định luật này là đúng. . . Khi cha mẹ cố gắng, ngay từ Những năm đầu của con cái, dạy cho chúng lòng kính sợ Thiên Chúa, lòng đạo hạnh, sự tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, lòng tôn kính những nơi thánh và người thánh; khi con cái nhìn thấy nơi cha mẹ sống gương mẫu danh dự, chăm chỉ, đạo đức; khi con cái nhìn thấy cha mẹ thương yêu nhau thánh thiện trong Chúa, năng lãnh các Bí Tích, chẳng những vâng giữ luật ăn chay kiêng thịt của Giáo Hội, mà còn tự ý hãm mình; khi con cái thấy cha mẹ quây quần với con cái trong gia đình đọc kinh cầu nguyện, để lời kinh chung dễ được chấp nhận; khi con cái thấy cha mẹ biết thương hại những người cùng khổ, biết san sẻ của cải dư dật hoặc vừa đủ cho những người nghèo khó . . . Thì thật là khó mà lại không có lấy một đứa, trong số các con cái mình, nghe tiếng Chúa gọi trong tâm hồn nó, vì con cái dễ theo gương cha mẹ”.

2- Với các bạn trẻ.

Các bạn trẻ thân mến, tôi xin mượn lời của ĐGH PIÔ XII để ngỏ lời cùng các bạn. Các bạn ơi,”từ 20 thế kỷ nay, trong mọi thế hệ, hàng nghìn vạn nam nữ, để theo lời khuyên của Chúa Giêsu Kitô, đã tự do khước từ lập gia đình, khước từ những nhiệm vụ thánh thiện và những quyền lợi thiêng liêng của hôn nhân . . . Nếu những tâm hồn quảng đại này xa lánh đời sống bình thường, thì không phải họ từ bỏ nó, mà họ tận hiến mình để phục vụ nhân loại, trong tinh thần vô vị lợi hoàn toàn đối với mình và với công việc của mình, để có thể hành động rộng rãi hơn, trọn vẹn hơn và phổ quát hơn nhiều. Hãy nhìn những người nam cũng như nữ này; hãy xem họ hiến mình để cầu nguyện, đền tội, chuyên cần dạy dỗ, giáo dục giới trẻ và những người dốt nát, nghiêng mình trên giường của bệnh nhân và người hấp hối, trái tim họ rộng mở trên mọi thứ khốn khổ và mọi thứ yếu đuối, để nâng cao làm cho mạnh mẽ, làm cho nhẹ bớt, và thánh hoá chúng”.

ĐGH PIÔ XII kêu mời mỗi tín hữu, mỗi người có thiện chí hãy hồi tâm xét mình và tự hỏi mình đã đóng góp được gì trong công việc cứu độ của Thiên Chúa ? Đó là điều cần suy nghĩ cho mỗi bạn trẻ chúng ta hôm nay.

KẾT.

Vào một buổi tối đẹp trời, cơm nước xong, bầu khí ấm áp của gia đình ông Nguyễn văn …thật đáng nêu gương : Bà vợ đang ngồi vá áo cho con, hai đứa con trai đang chăm chỉ học bài, ông chồng nằm võng phì phà điếu thuốc lá. Bỗng dưng, ông gọi bà :

Má mầy ơi, Linh mục được cầm Chúa trong tay thì hạnh phúc lắm phải không ? . . . Ngài chắc phải vui lòng, vì được ban Chúa cho người ta rước lễ, nhất là cho các trẻ em. Trong khi xưng tội, Linh mục còn trả Chúa lại cho những ai đã phạm tội trọng đến xưng tội và thống hối. . . Khi ngài giảng dạy, hay dạy giáo lý, thì cũng là ban Chúa cho người ta. Cuộc đời Linh mục thật đẹp đẽ . . . Cuộc đời ấy phải là cuộc đời của con chúng mình, phải không bà ? Nhất định, nhất định thế . . . Phải học hành lâu năm, phải khôn ngoan và đạo đức . . . Rồi chúng ta nghèo nàn, má mầy nhỉ, chúng ta sẽ phải hy sinh nhiều. Nhưng má mầy sẽ làm những hy sinh đó, để sau này con mình có thể thành linh mục tốt phải không?.

Nếu mỗi gia đình công giáo đều có cách suy nghĩ như gia đình ông Nguyễn văn … thì Giáo hội sẽ không thiếu ơn gọi Linh mục và tu sĩ để phục vụ cho công việc truyền giáo. Rất tiếc ! Biết bao gia đình làm ngơ với ơn gọi làm Linh mục và tu sĩ. Những gia đình ấy không bao giờ cung cấp được linh mục hay tu sĩ là vì con cái của họ chẳng nghe nói đến bao giờ, chẳng có ai động viên chúng.

VIII. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

1. PHÚT SÁM HỐI.

Xin Chúa tha thứ cho những lần con thiếu tôn trọng và bảo vệ mạng sống của mình và của anh em; thiếu giúp đỡ nhau để phát triển sự sống con người.
Xin Chúa tha thứ cho những lần con đánh mất phẩm giá cao quí con người mình và những lần con hạ thấp nhân cách của anh em: sỉ nhục và khinh thường người khác.
Xin Chúa tha thứ cho những lần con chê bai đời sống tu sĩ và linh mục, những lần con không giúp đỡ về tinh thần và vật chất cho việc đào tạo giáo sĩ và tu sĩ.

2. LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa tạo hoá đã dụng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa; vì thế, loài người trở nên cao trọng hơn trong các loài hữu hình. Sự sống và phẩm giá con người cần được mọi người tôn trọng, bảo vệ và phát triển. Hơn nữa, Chúa cũng muốn trên trần gian có một số người dấn thân sống cao đẹp, phục vụ đời sống Tin Mừng. Chúng ta hãy thành khẩn cầu xin Chúa:

- Hội Thánh là "giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa", chúng ta cầu xin cho những nỗ lực của Hội Thánh đạt được những kết quả thiết thực, cho mọi người biết tôn trọng sự sống và phẩm giá con người.

- Sống hưởng thụ và ích kỷ , là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội giết người và hạ thấp nhân phẩm (phá thai và tệ nạn xã hội); chúng ta cầu xin cho mọi người vui sống đời phục vụ nhau, với tình yêu của Chúa Kitô, biết hy sinh hãm mình để mưu cầu những quyền lợi chính đáng của con người.

- Giáo Hội tại Cam-pu-chia và Lào đang rất cần đời sống chứng nhân Tin Mừng; chúng ta cầu xin cho những người trẻ, cách riêng cho người trẻ tại địa phương, lắng nghe được tiếng Chúa mời gọi, dấn thân hoạt động tông đồ, và nhất là dám hiến thân trong đời sống tu sĩ và linh mục,

- Chúa là Thiên Chúa hằng sống, là Thiên Chúa của kẻ sống; Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, nâng đỡ cuộc sống nhân loại, chữa lành các bệnh nhân, cho kẻ chết sống lại... Chúng ta cầu xin cho cộng đoàn họ đạo chúng ta siêng năng và sốt sắng kết hợp với Đức Giêsu Kitô, để được thông hiệp trong sự sống thánh thiện và hạnh phúc của Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa là Đấng hằng sống và thánh thiện vô cùng, Chúa đã ban sự sống và phẩm giá cao trọng cho loài người chúng con, Chúa cũng đã ban Con Một Chúa là người cứu chuộc chúng con, xin Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trong mỗi người chúng con, để thánh hóa canh tân thế giới, thêm sức mạnh giúp chúng con phát triển những ơn Chúa đã ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

IX. CHIA SẺ


”Xin cho các cộng đoàn Kitô hữu tại Campuchia và Lào mỗi ngày một dấn thân hơn để phát triển các ơn gọi làm linh mục và tu sĩ”.

Các bạn trẻ thân mến ! Mẹ Hội Thánh bảo chúng ta cầu nguyện cho các cộng đoàn Kitô hữu tại Campuchia và Lào. Chúng ta biết rằng, không phải vì Hội Thánh hiện diện nên có công cuộc truyền giáo, nhưng phải nói ngược lại : vì công cuộc truyền giáo mà Hội Thánh được lập nên và tồn tại. Mẹ Hội Thánh ý thức vai trò và trọng trách mà Chúa trao ban nên không ngừng nỗ lực, vượt mọi thử thách khó khăn để đem Chúa đến cho thế giới.

Trong Tông Huấn “ Giáo Hội tại Á Châu”, Hội Thánh nhìn thấy một mùa gặt phong phú về đức tin sẽ được thu hoạch tại lục địa rộng lớn và đầy sức sống này trong ngàn năm thứ ba Kitô Giáo. Chúng ta là những Kitô hữu Việt Nam, những cộng đoàn Kitô hữu Campuchia và Lào...Tất cả là người Châu Á. Chúng ta hãnh diện vì Thiên Chúa đã khởi sự kế hoạch của Người tại phần đất Á Châu và nhất là đã sai Con một của Người, Đức Giêsu Kitô Đấng cứu độ mặc lấy xát phàm làm người Á Châu.

Cũng như Mẹ Hội Thánh từ lúc khởi đầu công cuộc Phúc Âm hóa mới tại Á Châu, đã gặp những thử thách lờn như :

Khó khăn trong việc đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo địa phương đã có từ lâu đời.

Đấng cứu thế sinh ra tại Á Châu mà cho tới nay vẫn có nhiều người của lục địa này chưa biết Chúa , thì chắc chắn cộng đoàn Kitô hữu ở Campuchia và Lào cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đem Chúa đến cho anh em mình trong đất nước của họ.

Tôi nhận thấy có hai cái khó cho các cộng đoàn Kitô hữu tại Campuchia và Lào :

Cái khó khăn chính nơi cộng đoàn là chưa có nhiều người dấn thân trong ơn gọi làm Kitô hữu, và như vậy ơn gọi làm linh mục và tu sĩ cũng bị tắc nghẽn.

Cái khó thứ hai là như Hội Thánh đã nói trong Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu : những nền văn hoá và tôn giáo địa phương có từ lâu đời. Thật sự rất khó mà thay những nền văn hoá và tôn giáo địa phương đã có từ lâu đời, nếu không muốn nói là bất khả xâm phạm.

Campuchia và Lào cũng có nền văn hoá và tôn giáo địa phương lâu đời và có thể được coi như là “ quốc giáo “ nhất là Campuchia. Có khi nào bạn tiếp xúc với một người Campuchia hay Lào chưa ? Tôi thì có cơ hội hơn phần lớn các bạn, tôi sinh ra ở Trà Vinh, lớn lên ở Trà Vinh, các bạn biết tỉnh Trà Vinh là một tỉnh mà người Khơme (Campuchia) Sinh sống rất nhiều, nhất là ở huyện Trà Cú. Từ nhỏ tôi đã có dịp sống và tiếp xúc với người Khơme, tôi có ông ngoại nuôi là người Khơme. Một người Khơme giữ đạo công giáo rất tốt, chiều thứ bảy nào cũng lội bộ 2 km đến nhà tôi để nghỉ đêm, sáng Chúa nhật đi lễ, rất ít bỏ lễ ngày Chúa nhật, ngay cả lúc chiến tranh ác liệt nhất.

Hằng năm vào những ngày lễ hội và tết của người Khơme, ông bà ngoại tôi thường hay đi dự. Hiện tại, ngay họ đạo tôi phụ trách, tôi cũng quen rất nhiều người Khơme. Tôi xin chia sẻ với các bạn trẻ nhận định của tôi về người Khơme sinh sống ở tỉnh Trà Vinh. Tôi xin lỗi trước đây là sự nhận định của tôi ... Các bạn có thể có những nhận định của các bạn .

Theo tôi, người Khơme rất đơn sơ và thành thật ... đơn sơ trong lời nói, trong cách ăn mặc, trừ lễ hội thì có hơi sặc sở về màu sắc. Cách chung chung người Khơme nghèo hơn người Việt nam. Họ rất thực tế, nói thẳng không vòng vo , rất dễ làm quen và thân thiện .

Có một điều mà tôi dám chắc là ai cũng công nhận, là người Khơme rất khó thay đổi cái mà người ta gọi là “nhân sinh quan”, tức là cái quan niệm về cuộc đời, lối sống, lý tưởng sống .

Tôi có dịp giúp đỡ cho một số anh chị em Khơme về phần vật chất và quan hệ rất tốt đối với họ về mọi mặt. Nhưng để nói về Chúa cho họ thì chưa “ vô “ được. Ngay họ đạo “Hoà Lạc” là một họ đạo ở giữa làng người Khơme, đã được thành lập trên 60 năm, vậy mà số người Khơme giữ đạo chẳng là bao, chỉ có tính cách “ cha truyền con nối “.

Một cán bộ nhà nước về kế hoạch hoá gia đình đã nói với tôi, khó mà thuyết phục người Khơme theo kế hoạch hoá gia đình. Vì người Khơme cho rằng, ông bà cha mẹ chết sẽ đầu thai và con cháu, mà nếu kế hoạch, tức là không sinh nhiều con, thì ông bà cha mẹ lấy đâu mà đầu thai.

Vả lại đạo Phật (người Khơme theo phái tiểu thừa ) đã ăn sâu trong xương tuỷ của người Khơme. Đạo Phât vừa là đạo vừa là lối sống xã hội. Hầu hết nam thanh niên Khơme điều trải qua một thời gian tu ở Chùa. Tu đối với họ không phải là thoát ly trần tục, nhưng là một cách để đền ơn báo nghĩa. Nơi Chùa họ được huấn luyện, được học hành chữ nghĩa và ngành nghề... Để ra giúp đời.

Đó là một số nhận định của tôi về những người Khơme mà tôi biết được. Chắc chắn còn rất nhiều những điều quan trọng nữa, sẽ làm cho công cuộc truyền giáo cho người Campuchia và Lào gặp nhiều khó khăn. Và cứ theo cái kiểu lý luận “ đạo nào cũng là đạo, đạo nào cũng dạy làm lành lánh dữ “ thì khó mà thay đổi được những tôn giáo địa phương lâu đời bằng giáo lý công giáo. Đàng khác, các cộng đoàn Kitô hữu Campuchia và Lào hiện tại đang sống đức tin như thế nào ? Có thể hiện được tinh thần bác ái Kitô giáo không ? Họ có ý thức rằng công cuộc truyền giáo là của chính họ hay không ? Và họ đã có những nỗ lực nào để phát triển cộng đoàn ? Và một khi cộng đoàn đã được phát triển mạnh thì họ có ý thức phải phát triển các ơn gọi làm linh mục và tu sĩ, để phục vụ cộng đoàn không ?

Hội Thánh nhận thấy khó khăn trong việc phát triển các ơn gọi làm linh mục và tu sĩ ở Campuchia và Lào, nên kêu gọi chúng ta hãy Cầu Nguyện nhiều cho những anh chị em đó. Chúa phán :” Lúa chính đầy đồng mà thợ gặt thì ít, chúng con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa “….

Mặc dù có những khó khăn lớn khi phải đối thoại với những nền văn hoá và tôn giáo có truyền thống lâu đời , nhưng Hội Thánh vẫn nhận ra những giá trị thiêng liêng của những nền văn hoá và tôn giáo đó. Những giá trị xem ra rất phù hợp với Giáo lý công giáo như : yêu mến sự thinh lặng và chiêm ngưỡng, sống đơn sơ mộc mạc, khao khát hiểu biết vá tìm kiếm triết lý, tôn trọng sự sống, gần gũi với thiên nhiên, hiếu thảo đối với cha mẹ, tinh thần gia đình, tinh thần bao dung tôn giáo và sống chung hoà bình, khát vọng sâu xa đối với những giá trị thiên nhiên .

Những giá trị thiêng liêng vừa kể trên cho phép chúng ta được đặt niềm hy vọng “một mùa gặt phong phú về đức tin”, vì tất cả những giá trị văn hoá và tôn giáo vừa kể trên không đi ngược lại giáo lý kitô giáo.

Do đó chúng ta có thể nói, nếu ở Việt nam các cộng đoàn Kitô hữu đã và đang phát triển các ơn gọi làm linh mục và tu sĩ ngày càng khả quan ... thì các cộng đoàn Kitô hữu tại Campuchia và Lào cũng sẽ làm được với nỗ lực của mình và dưới sự trợ giúp của ơn Chúa.

Chúng ta biết rằng các cộng đoàn Kitô hữu tại Campuchia và Lào sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sẽ vượt qua được. Hội Thánh bảo chúng ta cầu nguyện cho họ, chúng ta tin rằng Chúa sẽ nhậm lời. Hiện tại các cộng đoàn Kitô hữu tại Campuchia và Lào có nhiều khó khăn về nhân sự, về hoàn cảnh, về xã hội ... Nhưng vẫn có nhiều cơ hội và điều kiện hơn Hội thánh sơ khai, lúc mà Chúa sắp vế trời, Chúa truyền :” chúng con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi dân nước…”.

Chắc chắn khi bang lệnh truyền này Chúa Kitô biết các môn đệ của mình và những người kế vị họ sẽ thực hiện được. Ngay bây giờ và trong lúc này lệnh truyền đó cũng thiết tha và cấp bách như vậy, thì các cộng đoàn Kitô hữu trên khắp thế giới, nhất là các cộng đoàn Kitô hữu Campuchia và Lào cũng sẽ Thực hiện được.
Xin các bạn trẻ luôn ý thức và cầu nguyện cho họ.

X. TẢN MẠN

VỊ ĐẮNG CỦA HẰN HỌC

Không ai lại đem ướp lạnh rượu vang đỏ.
Để sản xuất rượu vang trắng, người ta bóc sạch vỏ trái nho trước khi cho nó lên men. Nhưng để làm rượu vang đỏ, người ta cho lên men trái nho còn nguyên vỏ. Vì thế, rượu vang đỏ chứa một số axít “ chẳng hạn như axít tan-nic “ không hề có trong rượu vang trắng.

Nếu bạn ướp lạnh rượu vang đỏ, hương trái cây sẽ nhạt đi, và rượu sẽ có vị hắc do axít tiết ra từ vỏ trái nho.

Những lời nói hằn học của chúng ta giống như rượu vang đỏ ướp lạnh vậy. Những lời chỉ trích bất nhẫn và cay đằng sẽ làm tổn thương người ta, chứ không xây dựng được gì. Nếu cần phải nêu ý kiến ( hoặc thậm chí nếu cần phải phê phán ai ) bạn hãy làm công việc ấy với tấm lòng nồng nhiệt và nhân ái, bấy giờ sự phê phán của bạn mới có tác dụng xây dựng.

Lòng nhân ái luôn sinh quả ngọt.
Lạy Chúa, xin tha thứ cho sự bất nhẫn của con.
(Theo Better to Light One Candle)

ĐÔI ĐIỀU VỀ TÍCH ÔNG TÁO

Ngày 23 tháng chạp hằng năm Âm lịch, người ta quen lệ tiễn ông Táo về trời. Người miền Bắc gọi là Chạp ông Công, người miền Nam gọi cách cụ thể hơn là ngày đưa ông Táo về Trời. Tích của Táo quân được ghi lại như sau :

1. Tích ông Táo.

Học phái Lão Tử cho rằng có một vị thiên thần coi việc thiện ác của từng gia đình và mỗi năm một lần về tâu sự với Ngọc Hoàng . Người Việt Nam quan niệm về ông táo khác với người Trung Hoa, tích kể rằng:

Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ rất nghèo khổ. Chồng tên là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Họ lấy nhau đã lâu mà không có con, cho nên thường buồn phiền cãi lẫy với nhau. Một hôm Trọng Cao quá tức giận mà đánh vợ. Tức mình, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, rồi gặp một chàng trai là Phạm Lang, anh này đã dùng lời ngon ngọt Và khéo léo quyến rũ được Thị Nhi. Hai người ăn ở với nhau thành vợ chồng.

Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ bỏ đi mất, liền đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng không thấy tăm hơi, buồn rầu bỏ công ăn chuyện làm, ra đi làm người hành khất để đi tìm vợ.

Một hôm, Trọng Cao đến một nhà khá giả xin ăn, bà chủ nhà đem cơm ra cho. Thì ra đó là Thị Nhi. Hai người nhận ra nhau, tình xưa nghĩa cũ dễ nào quên. Thị Nhi hối hận vì đã lấy Phạm Lang. Họ đang hàn huyên thì bất ngờ người chồng mới là Phạm Lang từ ngoài đồng đi làm về, Thị Nhi mới nói Trọng cao vào ẩn trong đống rơm. Phạm Lang về nhà để cốt lấy tro bón ruộng, nên đốt đống rơm lấy tro. Trọng Cao đang say ngủ trong đống rơm vì đường xa mỏi mệt ấy bị chết cháy, người vợ cũ là Thị Nhi, thấy vậy cũng lao vào lửa chết theo. Phạm lang thấy vợ chết cũng lao mình vào đống rơm đang cháy ấy mà chết.

Cũng có tích khác: sau khi Thị Nhi lấy Phạm Lang, một hôm trong nhà cúng đốt mã ngoài sân, có một hành khất vào ăn xin. Thị Nhi nhận ra người chồng cũ của mình, động lòng thương đem gạo ra cho. Bị Phạm Lang nghi ngờ, Thị Nhi lấy làm xấu hổ đâm đầu vào đống lửa đang đốt mã mà tự tử. Trọng Cao cảm tình ân nghĩa cũng lao vào lửa mà chết theo, Phạm lang vì mối tình thương vợ, cũng nhảy vào cùng chết.

Thượng đế thấy ba người có nghĩa mới phong cho làm Táo Quân, và phân chia mỗi người một việc.
Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp.
Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà.
Thị Nhi là Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa.

2. Vài nhận xét về tích truyện:

a) Vượt qua cái lý để đạt tới cái tình: Tích truyện cho thấy một điều không có lý, người Việt xưa không bao giờ có thể chấp nhận việc đa phu, một bà hai ông. Người ta thường chỉ trích "Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp hai ông một bà".

Như vậy, điều mà tích truyện nhắc tới, đó không phải là cái lý, nhưng là cái tình nghĩa phu thê, sống chết cùng nhau. Có thể nói, triết lý tình thương, tình con người với nhau bàng bạc trong các truyện cổ như bó đuốc soi cho lối đường hậu duệ noi theo.

b) Cái tình có thể đụng tới lòng Trời: người Việt tin rằng "Ông Trời có mắt" nên trong mọi việc cũng dùng cái tình mà đối xử với nhau. Cái tình ấy lay động được lòng Trời, phúc hoạ cũng theo cái tình nghĩa đối với nhau mà ông Trời phạt hay thưởng cho.

c) Vấn đề sống chết: Tại sao các tích truyện thường giải quyết vấn đề khó xử trong nhân sinh bằng cái chết, ví như tích truyện "trầu cau" cũng thế ? Người Việt không tin rằng chết là hết, nhưng vấn đề sống như thế nào là đáng sống và chết như thế nào cho đáng.

Người xưa nói: "sát thân thành nhân", nhấn mạnh tới tinh thần xả thân cứu đời, hy sinh cho việc nhân đức là thành công, thành nhân.

Như vậy, tinh thần của người Việt có một đặc điểm sáng chói là tình thương. Tình thương có trong mỗi người, lớn lên trong gia đình và phát triển nơi mọi người. Người sống theo đạo nhân là người biết hy sinh, xả thân cho đồng loại của mình. Có bao nhiêu truyện, tích, tuồng, chèo, liên hệ cùng một nội dung, một tiêu điểm: Điển hình như Tống Trân, Phạm Công, Phạm Tải, Trương Viên… đáp ứng nguyện vọng hạnh phúc của nhiều người mà tình riêng của họ như tình lứa đôi, tình vợ chồng lại bị tổn thất, khiến cho người vợ hiền như Cúc hoa, Ngọc Hoa, Thị Phương chịu nỗi oan khiên*.

d) Liên hệ đến gia đình: Quan niệm táo quân là vị thần thứ nhất, quan trọng hàng đầu trong gia đình, nhiều địa phương có tục lệ, người con gái khi mới về nhà chồng, phải làm lễ ở bếp, hay ở bàn thờ Thổ Công, để xin phù trợ về sau trong công việc bếp núc, tề gia, nội trợ của người đàn bà quán xuyến gia đình.

Tục ngữ phương Tây có câu: "bàn tay đưa nôi là bàn tay cai trị thế giới", người Việt Nam thì quan niệm: Người nội trợ là chủ tướng trong gia đình.

e) Lối kết của tích truyện là có hậu. Người Việt thường nói "ở hiền gặp lành", hệ quả của đức là phúc. Ngày đầu năm người ta Cầu chúc nhau được phúc, cũng là thời gian để làm hoà những bất đồng tương quan, nếu trong năm đã không thuận hoà với nhau. Người ta muốn khởi đầu một năm bằng những điều tốt đẹp, để cả năm có phúc.

3. Áp dụng:

a) Bếp lửa mang một ý nghĩa rất quan trọng. Bếp lửa ngoài công dụng nấu chín thực phẩm còn là một lò sưởi, còn là nơi quy tụ cả gia đình để chia sẻ với nhau bữa ăn cũng như lửa ấm. Lễ hội bao giờ cũng gắn bó với nghi thức thắp lửa thiêng.

Lửa xua đuổi thú dữ, đẩy xua muỗi mòng, tạo bầu khí ấm áp, tạo nên những gặp gỡ… Không gia đình nào là không có bếp lửa. Bếp lửa, còn là gia đình, một gia đình hạnh phúc là một gia đình bếp lửa giữ được lửa cháy.

b) Tinh thần gia đình, điều quan trọng là yêu thương. Gia đình biểu lộ qua bữa ăn và dĩ nhiên là qua bếp lửa là nơi thực hiện những bữa ăn có một tầm quan trọng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Ngày nào lửa không bén trên bếp, ngày ấy là một ngày gia đình thiếu hơi ấm, thiếu tình thương. Tình thương được biểu lộ qua bếp lửa như dân gian Việt Nam thường nói : "tối lửa tắt đèn có nhau" .

Cuộc sống chung đi từ những gì rất thực tế: "Có thực mới vực được đạo", người ta có muốn mơ mộng gì chăng nữa thì cũng cần đến bếp lửa để nấu chín thực phẩm, nấu chín thức ăn. Ngày xưa vào những thời hồng hoang của lịch sử, việc giữ lửa là việc sống còn của bộ tộc, ngày nay thiếu lửa trong gia đình cũng là nguy cơ cho gia đình tan vỡ : " Bếp lạnh canh nguội".

c) Thường xưa kia, có gì lủng củng, đau yếu nhất là đau mắt trong gia đình, người ta phải xem lại bếp núc tức là ông táo có được giữ sạch sẽ hay không? Như vậy tập tục cũng có ích cho việc giữ vệ sinh lắm.

d) Vua táo định đoạt phúc đức cho gia đình. Phúc đức này là do sự ăn ở phải đạo của gia chủ và của mọi người trong nhà. Sự tích ông táo trong dân gian Việt Nam, có những nét đẹp truyền thống của nó, thông thường ở các giáo xứ có chương trình văn nghệ trong dịp này, cũng có tiết mục táo quân đóng góp vào để trình tấu những gì đã làm được và chưa được trong năm qua, hướng tới một năm mới nhiều tốt đẹp hơn. Chúc mọi người một năm bình an và hạnh phúc và giữ được lửa tình yêu bén trong gia đình. (Theo VietCatholic)

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG :

DẤU CHÂN TRÊN CÁT.

Vào một đêm kia, một người đàn ông nọ mơ thấy mình đang đi dạo dọc theo bờ biển cùng với Chúa. Từng cảnh một của cuộc đời anh ta lần lượt xuất hiện trên bầu trời. Trong mỗi chặng đời của mình, anh ta để ý thấy có bốn dấu chân in trên cát : hai dấu chân của mình và hai dấu chân kia của Chúa.

Khi cảnh cuối cùng cuộc đời của mình vừa diễn qua, anh ta quay lại nhìn những dấu chân in trên cát và phát hiện ra rằng nhiều lần trong cuộc sống mình, anh chỉ thấy có hai dấu chân mà thôi. Và anh cũng cảm nhận ra rằng, đó chính là giai đoạn sa sút và buồn bã nhất của đời mình.

Điều nầy thực sự làm cho anh ta lo lắng. Anh liền hỏi Chúa nguyên do nào như vậy .

”Thưa Chúa, Chúa nói với con rằng một khi con đã theo Chúa thì Chúa sẽ cùng đi với con suốt cả cuộc đời. Thế mà, con để ý thấy mỗi khi con gặp rắc rối trong cuộc sống, thì chỉ còn có hai dấu chân thôi. Con không thể hiểu nổi tại sao khi con cần Chúa nhất, thì Chúa lại bỏ rơi con ?”

Chúa trả lời : “Hỡi con yêu dấu của Ta. Ta luôn yêu con và không hề bỏ con. Mỗi khi con gặp thử thách và đau khổ trong cuộc sống, con chỉ thấy có hai dấu chân thôi, là vì chính Ta đã ẵm con đi”.

(Dịch theo FeelGoodPages : Footprints)

906    17-04-2012 14:55:25