Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Rao Giảng Tin Mừng Bằng Việc Xây Dựng Hòa Giải và Tình Liên Đới - Tháng 03 năm 2002

Chủ đề: RAO GIẢNG TIN MỪNG BẰNG VIỆC XÂY DỰNG
HÒA GIẢI VÀ TÌNH LIÊN ĐỚI

 

I. LỜI CHÚA : Mt. 5, 38-48

Các con đã nghe Luật dạy rằng : Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Ta, Ta bảo các con : đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện con để lấy áo trong của con, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt con đi một dặm, thì hãy đi với nó hai dặm. Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi.

Các con đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đống loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Ta, Ta bảo các con : hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con. Như vậy, các con mới được trở nên con cái của Cha các con, Đấng ngự trên trời, vì Người làm cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương.

Vì nếu các con yêu thương kẻ yêu thương mình, thì các con có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các con có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả những người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? Vậy các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện.

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Khi bị ai làm hại, phản ứng đầu tiên của chúng ta thường có khuynh hướng trả thù. Chúa Giêsu trái lại, mời gọi chúng ta hãy làm điều tốt cho kẻ làm hại chúng ta ! Không phải để được đạt kỷ lục chịu đựng, nhưng thực sự vì tình yêu và lòng tha thứ. Điều nầy vượt sức tự nhiên chúng ta. Chỉ có Chúa mới có thê ban cho cúng ta sức mạnh để yêu như Chúa yêu và cầu nguyện cho kẻ thù.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

TIN VÀO TÌNH YÊU

Chuyện xảy ra vào thế kỷ 16 tại Ấn Độ. Trong triều đình có hai sĩ quan nổi tiếng vì những đam mê của mình. Một người thì ganh tị. Một người thì tham lam.

Ngày kia, nhà vua có sáng kiến rất độc đáo để sửa đổi những tính xấu ấy. Ông cho triệu tập hai viên sĩ quan vào giữa triều Đình, loan báo sẽ tưởng thưởng họ vì đã phục vụ trong nhiều năm qua. Họ có thể xin gì tuỳ thích. Song người đầu tiên mở miệng xin chỉ được những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.

Nhiều phút trôi qua, không ai mở miệng nói trước. Người tham lam nghĩ trong lòng : nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia. Còn người ganh tị lý luận : thà tôi không được gì còn hơn mở miệng nói trước để tên kia được gấp đôi. Vì thế, không ai muốn lên tiếng trước.

Cuối cùng, vua yêu cầu người ganh tị nói trước. Người nầy lại nghĩ : thà không được gì còn hơn để tên tham lam được gấp đôi. Hắn liền tuyên bố : “Tôi xin được chặt đứt một cánh tay…”. Hắn cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là người tham lam sẽ bị chặt hai cánh tay.

IV. DIỄN NGHĨA.

Phát xuất từ lòng vị kỷ, chỉ nghĩ đến mình, chỉ lo cho mình, chỉ biết có mình. “Được ăn cả, ngã về không”. Ăn không được thì phá cho hôi ! Người ghen tị thà chịu mất một cánh tay còn hơn nhìn thấy người kia được của cải gấp đôi mình. Người ghen tị trước khi tiêu diệt kẻ khác, họ đã tự huỷ diệt chính mình.

Ganh tị, tham lam, ghen ghét, thù hận, chia rẽ đều phát xuất từ mẫu số chung là ích kỷ. Chỉ biết có lợi ích cho mình mà quên đi sự hiện diện, nhân phẩm và những lợi ích của người khác. Trong khi con người là hình ảnh của Thiên Chúa tình thương. Ngài là Chính Tình Yêu. Ngài tự đồng hoá mình với Tình Yêu. Là hình ảnh Chúa, chúng ta phải phản chiếu ánh sáng yêu thương của Ngài. Thiên Chúa là chủ tể của vạn vật, không có gì được dựng nên mà không do Ngài. Hơn thế, Ngài còn tỏ mình như một người Cha đầy yêu thương. Là con người, tạo vật do cùng một Đấng Tạo thành, anh em cùng một cha trên trời, chúng ta được mời gọi sống có trách nhiệm đối với nhau, chia sẻ thân phận làm người với nhau, trong đói lạnh, trong ấm no, trong vui buồn, trong hạnh phúc vĩnh cửu. Đó chính là sống yêu thương.

Mọi người đều liên đới với nhau.
Không ai sống một mình trên đời. Cách đây ba thế kỷ rưỡi, John Done viết : “Không ai là một hòn đảo”, thì hòn đảo làm người ta nghĩ đến một cái gì hoàn toàn cô lập, lẻ loi, tách biệt hẳn với phần thế giới còn lại.

Ngày nay, trái đất trở nên bé nhỏ hơn, nhất là nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại, như truyền thanh, truyền hình, Internet. Con người sống gần gũi nhau hơn. Một biến cố vừa xảy ra ở một nơi, thì chỉ vài phút sau cả thế giới đều biết.

Con người sống là sống với : với cha, với mẹ, với anh chị em, với người khác. Mỗi người đều cần đến nhau để sống. Chén cơm ta ăn là do nhà nông làm ra, manh áo ta mặc là do công sức người thợ dệt, kiến thức ta có là do công sức biết bao người vun đắp. Mỗi người đều có liên đới với người khác; cộng đồng nầy có liên đới với cộng đồng kia; quốc gia nầy có liên hệ với các quốc gia khác.

Trong Bài diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh ngày 11.01.2000, Đức Thánh Cha nói như sau :” Hơn trước kia, ngày nay chúng ta biết được một điều, đó là chúng ta không bao giờ sống hạnh phúc và bình an mà không có nhau. Chúng ta lại càng không sống hạnh phúc và bình an nếu người nầy chống lại người khác”. Đức Thánh Cha khẩn thiết kêu gọi đừng bao giờ có sự chia rẽ giữa các dân tộc nữa. Đừng bao giờ có một số người chống lại những người khác. “Tất cả mọi người phải sống chung với nhau dưới ánh mắt dõi theo của Thiên Chúa”.

Theo Đức Thánh Cha, tình liên đới còn phải đòi hỏi loài người khước từ các thần tượng như đeo đuổi sự thịnh vượng bằng mọi giá, Tìm kiếm của cải vật chất như giá trị duy nhất, xem khoa học như cách thế duy nhất để giải thích căn nguyên mọi vấn đề. Tình liên đới còn đòi hỏi mọi người phải tôn trọng và áp dụng pháp quyền mọi nơi để tự do cá nhân được bảo đảm. Tình liên đới cũng đưa tới việc nhìn nhận rằng Thiên Chúa phải được đặt vào chỗ nhất trong cuộc sống con người (Veritas).

Trong việc phát triển xã hội, phẩm giá con người phải được đặt lên hàng ưu tiên. Và khi nhìn nhận rằng mọi phát triển của cải vật chất đều nhằm để thăng tiến con người, chúng ta mới có thể nhận ra Thiên Chúa là Đấng đã ban mọi phẩm tính tốt đẹp cho con người.

Thực vậy, thái độ và cách nghĩ của chúng ta ảnh hưởng đến đến bầu khí chung quanh chúng ta. Chúng ta tác động trực tiếp đến cách nhìn và cảm nghĩ của những người chung quanh.

Họ là tấm gương phản chiếu tâm hồn chúng ta. Ta mỉm cười, người khác vui lây; ta nổi cáu, người khác bực dọc; ta buồn phiền, người khác không vui.Người nhiệt tình và năng động cũng làm cho những kẻ ở gần mình cũng nhiệt tình và năng nổ. Người bi quan yếm thế kẻ khác ở chung quanh mình.

Cha mẹ giàu lòng yêu thương và nhân hậu sẽ làm cho con cái biết nhạy cảm trước nổi khổ của người khác và tự tin. Cha mẹ cộc cằn, lãnh đạm sẽ làm cho con cái xơ cứng cảm xúc và thậm chí độc ác. Một quốc gia trong nhu cầu phát triển kinh tế làm phá hủy môi trường sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến môi trường sống của các quốc gia khác và của thế giới.

Do đó, moi người chúng ta hãy cố gắng làm lan toả những tâm tình và thái độ tích cực để mọi người chung quanh nhìn thấy cuộc sống tươi đẹp hơn.

Đổi mới cách nhìn về Thiên Chúa và về anh em.

Ngạn ngữ La tinh có câu : “Errare humanum est” (con người thì sai lầm !) Con người không ai hoàn hảo cả. Người được cái nầy thì thiếu cái kia. Giống như bàn tay có năm ngón không đồng đều nhau. Nhưng mỗi ngón đóng một vai trò hữu ích cho cả bàn tay. Nếu thiếu mất một ngón, cả bàn tay sẽ hụt hẩng, thiếu linh hoạt khi cử động, làm việc. Con người thì lầm lẫn, thiếu sót và hay vấp phạm.

Do đó, để có được mối tương giao tốt với người khác, đòi hỏi chúng ta trước tiên, phải có lòng bao dung tha thứ cho người khác. Phải tha thứ cho người vì Chúa dạy chúng ta phải tha thứ cho mọi người, kể cả kẻ thù của mình. Chẳng những vậy, Đức Giêsu còn đòi hỏi các môn đệ Người phải yêu thương và cầu nguyện cho kẻ nghịch thù của mình (x. Mt 6, 44). Không có tôn giáo nào dạy người ta yêu kẻ thù, duy chỉ mình Đức Giêsu. Hoạ chăng, các tôn giáo chỉ dạy : “muốn người ta làm điều tốt cho mình thì hãy làm điều tốt cho họ”. Đức Giêsu không chỉ dạy phải tha thứ cho kẻ thù, mà Người còn làm gương cho chúng ta, khi đang oằn oại trên thánh giá, Người van xin : “Xin Cha tha thứ cho họ” và nhất là những lời nói vô cùng cao thượng : “Vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).

Chúng ta phải tha thứ cho người vì đó còn là điều kiện để chúng ta được Chúa tha thứ : “Thật vậy, nếu các con tha lỗi cho người ta, thì Cha các con trên trời cũng sẽ tha thứ cho các con. Nhưng nếu các con không tha lỗi cho người ta, thì Cha các con cũng sẽ không th lỗi cho các con” (Mt 6, 14).

Chúng ta phải tha thứ cho người, vì ý thức rằng chúng ta cũng là những tội nhân, đầy lầm lỗi và khiếm khuyết.

Và hơn hết chúng ta phải tha thứ, vì đức yêu thương đòi hỏi phải biết thứ tha. Người đời thường nói nhịn là nhục. Nhưng có nỗi nhục nhã nào lớn hơn việc Con Thiên Chúa vô tội lại bị chết treo trên thập hình, một hình phạt dành cho kẻ sát nhân độc địa nhất.

Vì yêu thương Thiên Chúa chấp nhận tất cả, hy sinh tất cả, tha thứ tất cả. Để có thể giao hòa với anh em, chúng ta phải học biết tha thứ như Chúa Giêsu : “Tha thứ một xúc phạm là nhân đức cao nhất, vượt trên giới hạn tự nhiên, là bắt chước Chúa, vì đã làm điều thuộc về Chúa. Vì tha thứ tội lỗi chính là đặc quyền riêng biệt của Thiên chúa” (T. Gregorio De Nysse).

Tha thứ là tháo gỡ rào cản, phá đổ bức tường ngăn cách. Tha thứ là cất đi gánh nặng, là xoá bỏ món nợ. Tha thứ là hoà giải, là gặp lại nhau, là thiết lập lại quan hệ mới. Tha thứ là chất xúc tác rất cần thiết cho một khởi đầu mới. Tha thứ là mở toang cánh cửa lòng mình, cho nắng ấm tình yêu tràn ngập tâm hồn. Như thế, mức độ tha thừ chính là thước đo mức độ yêu thương kẻ thù (trích Thiên Phúc).

Trong mối hiệp thông Ân sủng cũng vậy. Tội của một người sẽ làm ngăn cản ơn Chúa cho những người khác. Sự thánh thiện của một người sẽ lôi kéo thêm ơn Chúa đến cho người khác. Chúng ta được mời gọi nên thánh không chỉ cho một mình mình mà còn là cho anh em chúng ta nữa.

Như vậy, để sống trong tình thân ái và hài hòa với mọi người, Mỗi người cần biết nhịn nhục, tha thứ, đón nhận người khác nhu là chính họ. Tắt một lời, yêu thương người như chính Chúa yêu thương.

Thiên Chúa không chỉ là Thiên Chúa công bình, mà còn là một người Cha đầy yêu thương. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được lòng tốt của Thiên Chúa nơi bản thân mình, chúng ta mới có thể tha thứ và hòa giải với anh em.

Biết bao ơn lành Thiên Chúa đã ban cho ta trong cuộc đời : ơn được làm người, được làm con Chúa, được sống đến hôm nay và bao nhiêu ơn lành lớn nhỏ mà ta nhận biết hay không phủ trùm chúng ta, làm sao chúng ta có thể ghìm chặt căm thù mà không tha thứ và hòa giải với anh em.

Do đó, cần phải đổi mới cái nhìn về Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta thực sự nhận ra rằng Ngài là Thiên Chúa Tình yêu, Ngài không hành xử với chúng ta theo luật lệ, nhưng theo tiêu chuẩn của tình yêu, bấy giờ chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận và tha thứ cho anh em mình.

Cũng cần ý thức rằng mỗi người có cách nhìn vấn đề khác nhau, tuỳ theo cảm nhận và tác động của ơn Chúa nơi họ, trong hoàn cảnh cụ thể lúc đó. Đừng bắt ai đó, phải suy nghĩ như mình muốn, nếu không sẽ đụng chạm đến chúng ta.

Hãy cho phép người khác làm người và không xét đoán họ. Hãy cho phép người khác thực hiện cuộc sống và định mệnh riêng của họ.

Fred Rogers, tác giả của chương trình truyền hình Mr. Rogers- Neihgborhood dành cho trẻ em, kể lại câu chuyện như sau :

Khi còn là một chủng sinh, Rogers có thói quen đến nhiều nhà thờ khác nhau, để nghe nhiều cách giảng. Một Chúa Nhật nọ, ông đã chịu đựng một bài giảng : “được nhào nặn cách tồi tệ nhất mà tôi đã từng nghe trong đời tôi”.Nhưng sau đó, Rogers đã nhận ra là người bạn cùng đền nhà thờ với ông đã rơi lệ. Cô ta cảm nghiệm về bài giảng ấy một cách hoàn toàn trái ngược với ông. Cô ta đã gặp được đúng điều mà cô ta cần hôm ấy.

red Rogers chia sẻ : “Lúc ấy tôi nhận thức được rằng khoảng không gian giữa người đang cố gắng hết sức mình để cống hiến và người đang cần được giúp đỡ là một không gian thánh, không gian của Chúa Thánh Linh. Chính Chúa Thánh Linh đã biến đổi bài giảng đó thành tuyệt vời cho cô ta và - như đã xảy ra - cho tôi nữa”. (Christophers : Better to Light One Candle)

Đừng áp đặt cách nghĩ của chúng ta cho người khác để rồi đi đến chổ đôi khi tệ hại là bất hòa, mâu thuẫn với họ.

Sống bao dung và có trách nhiệm với nhau.

Cuộc sống của chúng ta ngày nay, hơn bao giờ hết, ảnh hưởng đến cuộc sống của bao người khác. Thái độ vô trách nhiệm của con người ở một khu vực nào đó trên thế giới “ chẳng hạn việc gây ô nhiễm hay việc phát động chiến tranh “ đang đe doạ đến thiện ích của mọi người ở mọi nơi. Con người không chỉ có trách nhiệm về mình mà còn phải có trách nhiệm đoi với cộng đồng nhân loại mà chúng ta là một thành phần. Dù sông ở một nơi hẻo lánh, hay là cư dân của một thành phố lớn, mỗi người “ nam hay nữ, già hay trẻ “ đều là thành phần của một cộng đồng và có thể góp phần làm cho cộng đồng nên tốt đẹp hơn, hoặc ngược lại làm hủy hoại cộng đồng.

Nhiều quốc gia, để giữ giá một mặt hàng nào đó, họ thà đổ đi khi thị trường bị dư thừa còn hơn là bán rẻ cho những nước nghèo, có biết bao người lâm cảnh túng đói.

Nhiều gia đình, viện đủ thứ lý do để không phải giúp đỡ người lân cận, khi họ gặp cảnh túng cùng hoặc yếu đau bệnh tật.

Nhiều người trở nên xơ cứng trước nỗi khổ của anh em xảy ra trước mắt mình, xem như việc đó chẳng ăn thua đến mình. Ai chết mặc ai. Miễn không phải là mình, gia đình mình thì được rồi. Chẳng có chi phải bận tâm.

Đó là thái độ dửng dưng, thài độ mà George Bernard Shaw cho rằng : “Không thù hận, nhưng lạnh nhạt với người khác, điều đó còn tồi tệ hơn nhiều”. Chúng ta có thể cho mà không thương, nhưng không thể thương mà không cho (Richard Brownstein).

Phần đông trong chúng ta thường dễ cảm thấy rằng những gì mình có thể làm thật nhỏ nhoi và không đáng kể. Nhưng nếu mỗi người chúng ta vui lòng góp phần nhỏ bé của mình để giúp con người hiểu nhau hơn và liên đới với nhau hơn, thì cùng với nhau chúng ta thừa sức biến đổi thế giới.

Tình thương chân thực phải dẫn chúng ta đến chia sẻ và liên đới với mọi người. Chúng ta phải thấy mình có trách nhiệm trước cảnh đói no, ấm lạnh của người khác, vì họ là anh em chúng ta, cùng là con một Cha trên trời. Người nào chỉ chờ khi dư thừa mới giúp đỡ người nghèo thì sẽ chẳng bao giờ cho họ cái gì.

Tình thương chân thực đòi hỏi chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận người khác, với những bất toàn và lỗi lầm của họ, bằng một tấm lòng bao dung độ lượng. Dù ghét bỏ tội ác, nhưng chúng ta được mời gọi yêu kẻ thù, vì chính Thiên Chúa đã yêu thương họ. Yêu như thế là chúng ta dấn thân vào tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu cứu chuộc.
Lạy Chúa Giêsu chịu khổ nạn, xin cho con được chia sẻ lòng bao dung và tình yêu của Chúa đối với mọi người.

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết sống bao dung độ lượng với anh em như Chúa đã giang tay bao dung đón nhận chúng con trên thập giá. Xin cho các dân tộc châu Phi đang sống trong cảnh nghèo đói, chiến tranh, loạn lạc biết xây dựng sự hoà giải và tình liên đới với nhau. Amen

VI. HỌ LỜI CHÚA : Mt 5, 44

”Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”.

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

XÂY DỰNG TÌNH THÂN HỮU


Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy dẫy những mối nguy hiểm và đe doạ. Nào là nạn đói ở Phi Châu, bảo lụt ở Bangladesh . Đây đó vẫn thường có những trận động đất lớn, nào là chuyện cướp đoạt máy bay, xâm lấn lãnh thổ, chiến tranh hạt nhân, hận thù chia rẽ vì lý do tôn giáo, kỳ thị chủng tộc, tranh chấp ý thức hệ giữa các siêu cường quốc . . . Mới đây, vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào nước Mỹ ngày 11 / 09 / 2001 vừa qua của trùm khủng bố Bin Laden làm cho biết bao người mất mạng , làm cho mọi người trên thế giới hoang mang lo sợ. Dường như càng ngày con người như càng nhẫn tâm hơn, đối xử tàn tệ hơn đối với đồng loại, và sự đau khổ chết chóc như càng gần gũi hơn với đời sống con người. Đứng trước những cảnh thống khổ như thế, chúng ta có thái độ nào, chúng ta phản ứng ra sao ?

Dĩ nhiên, chúng ta chỉ có thể sử dụng những phương tiện trong tầm tay có thể, ngoài ra là việc của Thiên Chúa và những ân huệ của Người. Một trong những phương tiện mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta như một quà tặng vô giá, đó là Tình Thân Hữu.

I. TÌNH THÂN HỮU.

1 . Tình thân hữu là gì ?

Tình thân hữu là sự cảm thông chân thành, là thái độ sẵn sàng chia sẻ tất cả những thống khổ của người khác, bởi vì chỉ khi nào chúng ta hiểu rõ được những nỗi ưu tư dằn vặt của tha nhân trước cuộc sống luôn bị đe doạ, chỉ khi nào chúng ta cảm nghiệm được những nỗi đau đớn quằn quại của tha nhân trước cảnh nghèo túng, đói khát, thì chúng ta mới nhận thức được chân giá trị của tình thân hữu và sự cần thiết của nó đối với con người là quan trọng như thế nào.

2 . Lợi ích của tình thân hữu :

Nếu tất cả mọi người, mọi dân nước trên thế giới biết sống hoà bình, thân thiện, hữu nghị với nhau, thì con người sẽ không còn cảm thấy những hiểm hoạ chiến tranh, hay những nạn kỳ thị tàn ác. Nếu tất cả mọi người, mọi dân nước trên thế giới biết chia sẻ, Phân phối đồng đều cho nhau những tài nguyên, của cải, lương thực, vì tình thương liên đới mật thiết, thì con người sẽ cảm thấy hạnh phúc, vui tươi thực sự. Nếu tất cả mọi người, mọi dân nước trên thế giới biết sẵn sàng phục vụ, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp thiên tai, hoạn nạn, thì có lẽ bộ mặt con người sẽ lạc quan hơn, tin yêu hơn.

Tình thân hữu giữa người với người, giữa nước này với nước kia, có thể xóa tan đi tất cả những hận thù chia rẽ và đem lại nguồn hạnh phúc đích thực cho con người, đồng thời dẫn đưa con người đến chổ thiện hảo. Tình thân hữu còn là một phương tiện nhân loại của Thiên Chúa, để tình yêu của Chúa đi vào lòng thế giới, đến với từng người, từng tâm hồn của mỗi chúng ta. Chính Tình Yêu của Thiên Chúa sẽ làm tăng sinh lực và thánh hóa tình thân hữu của con người chúng ta, để chúng ta có thể kiên trì giữ vững mãi mối dây liên kết thân thiện giữa con người với nhau, và nhất là để chúng ta biết đáp trả lại tấm chân tình của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại.

3 . Mặt tiêu cực của tình thân hữu :

Cũng như mọi thứ tình yêu khác, tình thân hữu cũng có thể bị thương tích, bị đổ vỡ nếu như chúng ta không biết vun xới, bồi đắp cho nó, tệ hơn nữa, nếu như chúng ta sử dụng nó vì một mục đích xấu, hay vì tư lợi cá nhân nào đó. Đối tượng chính yếu của tình thân hữu là con người, và mục đích của tình thân hữu là xây dựng một tinh thần hữu nghị, thân thiện, là tạo ra niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhau.

Dĩ nhiên là chúng ta vẫn có thể cậy dựa vào tình thân hữu để được nâng đỡ, ủi an, khích lệ trong những lúc gặp khó khăn, nhưng không phải vì thế mà chúng ta có quyền lạm dụng tình thân hữu như một phương tiện để phục vụ cho lợi ích riêng tư của mình, hoặc để đạt tới một mục tiêu nào khác. Yêu mến bạn bè là yêu chính bản thân của bạn, vì lợi ích và vì hạnh phúc của bạn, đó mới là một tình thân hữu đích thực. Trái lại, nếu chúng ta chỉ biết lãnh nhận mà không biết cho đi,thì tình thân hữu giữa chúng ta và người khác sẽ bị mất thăng bằng và rồi đi đến tan vỡ.

4 .Tan vỡ, hàn gắn :

Một nguyên nhân khác có thể làm sứt mẻ hoặc cắt đứt tình thân hữu, đó là sự phản bội , sự bất trung. Đây là hai yếu tố gây nhiều đau thương nhất cho tâm hồn con người. Làm sao chúng ta không khỏi đau lòng, xót xa, khi bị chính những người bạn thân thiết, những người đã từng chia sẻ ngọt bùi với chúng ta, lại manh tâm phản bội ta ?

Dầu vậy, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và thấu suốt mọi sự, Người không để chúng ta phải rơi vào ngõ cụt. Người đã trao ban cho mỗi người chúng ta một trái tim biết yêu thương và tha thứ. Chính nhờ vào lòng nhân từ, quảng đại, hay tha thứ, được nhận lãnh từ Trái Tim Yêu Thương của Thiên Chúa mà chúng ta có thể hàn gắn và nối kết lại tình thân hữu. Điều này quả là khó thực hiện nếu như chúng ta không biết dẹp bỏ tính tự ái, lòng tự tôn và không biết học theo tấm gương cao cả của Chúa Giêsu.

II . MẪU GƯƠNG CAO ĐẸP CỦA TÌNH THÂN HỮU .

Chúa Giêsu là mẫu gương cao đẹp của tình thân hữu. Trong suốt cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu đã liên tục thể hiện một lòng yêu thương, tha thứ vô bờ bến đối với tất cả mọi hạng người. Ngài đặc biệt quí mến các trẻ em, Ngài chăm sóc, an ủi những kẻ khốn khổ, Ngài giúp đỡ, chữa lành các bệnh nhân, những kẻ tật nguyền. Ngài gần gũi, thân thiện và cùng đồng bàn với những người tội lỗi, cả với những người luôn tìm cách chống đối, phản nghịch Ngài. Đối với các môn đệ, Ngài đã cư xử với họ chí thiết chí tình, đã nâng đỡ họ lên hàng bằng hữu :”Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu” (Ga 15, 15). Và mặc dù Ngài đã biết trước, Giuđa sẽ phản bội (Ga 13, 21), Phêrô sẽ chối Thầy (Ga 13, 38), nhưng Ngài vẫn yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho họ. Ngay cả khi sắp tắt thở nhục nhã trên thập giá, Ngài vẫn còn xin ơn tha thứ cho những kẻ hành hình mình :”Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34).

Chúa Giêsu đã thực hiện đúng như lời Ngài đã nói :”Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13).

III . TRAU DỒI KỸ NĂNG

Để tình thân hữu giữa người với người đạt đến trình độ cao, chúng ta cần luyện tập trau dồi một số kỹ năng cần thiết:

1. Thấu cảm. Nhìn cuộc đời bằng cặp của người kia. Hiểu người kia vì tôi tự đặt mình vào trong hoàn cảnh của họ. Lắng nghe mọi tỏ bày, không lời và với lời, của người đó, và đáp ứng lại sự Bày tỏ của họ.

2. Thân thiện, kính trọng. Bằng nhiều cách tôi tỏ ra thân thiện và kính trọng người chung quanh. Tôi chấp nhận họ, mặc dù tôi không tán thành điều họ làm. Tôi ủng hộ người khác một cách năng động.

3. Hồn nhiên. Tôi hồn nhiên trong quan hệ, thay vì làm bộ. Tôi không trốn đằng sau vai trò và bề ngoài. Người khác biết tôi nghĩ gì. Tôi trau đổi với con người thật của mình.

4. Cụ thể. Tôi không mơ hồ, vòng vo khi tôi phát biểu. Tôi không nói chung chung nhưng tôi dựa trên hành vi và điều mắt thấy tai nghe, để nói chuyện. Tôi phát biểu trực tiếp và đi ngay vào vấn đề.

5. Chủ động. Tôi hành động thay vì chỉ phản ứng. Tôi đi bước trước để gặp gỡ người khác thay vì chờ họ đến với tôi. Thấy điều cần làm, tôi làm ngay, thay vì đợi người khác làm.

6. Tự bộc lộ. Tôi để cho người khác biết con người bên trong của tôi. Tôi không núp theo thói quen hoặc khuôn khổ văn hóa của mình. Nhưng tôi tự bộc lộ như một phương tiện để thiết lập những mối quan hệ sâu hơn với người chung quanh.

7. Đối chất. Tôi thách thức người khác một cách thận trọng và với trách nhiệm. Tôi sử dụng đối chất như một phương tiện để dấn thân chớ không phải để dằn mặt đối phương, hay để trả thù.

8. Tự biết mình. Tôi thăm dò nếp sống và hành vi của tôi và muốn người khác giúp tôi khám phá ra mình. Tôi đáp ứng người đối chất tôi, một cách không phòng vệ. Tôi sẵn sàng sửa đổi hành vi của mình. Tôi sử dụng đối chất như một cơ hội để khám phá ra mình.

IV. CHUYỆN MINH HOẠ.

ĐỂ THÀNH BẠN CÙNG PHÒNG TỐT

Tôi chưa bao giờ ngăn nắp. Lớn lên, tôi qui cho thói xấu này là một phần của tài năng. Khi vào đến đại học, sự lộn xộn của tôi vẫn còn, và tôi vẫn chưa giải thích được thoả đáng vì sao mình cứ thế mãi. Trong khi đó, bạn cùng phòng ký túc xá không hiểu cho rằng, sự lộn xộn này biết đâu sẽ góp phần vào tương lai xán lạn của tôi !

Tôi không rõ vì sao hai đứa tôi lại được vào chung một phòng. Hai con người hoàn toàn khác nhau có thể ở chung một chổ ! Kim cực kỳ có tổ chức. Cô dán nhãn mọi thứ và bất cứ món đồ nào của cô cũng có một chổ cất riêng. Kim thậm chí còn có cả một cái đựng bút dễ thương, và sử dụng nó theo đúng công dụng ! Cái đựng bút của tôi, trái lại, chỉ có một chổ để tống những mẩu giấy nhỏ vào, toàn đầu thừa đuôi thẹo. Dĩ nhiên tôi biết rằng, để bút chì đi lạc thì chúng cũng khó mà tự tìm được đường về cái đựng bút, nhưng tôi vẫn chẳng bao giờ cắm bút vào đấy.

Kim và tôi chỉ làm cho nhau cực đoan thêm. Kim càng ngày càng gọn gàng và tôi càng ngày càng bừa bãi. Kim luôn than phiền về quần áo bẩn của tôi, còn tôi luôn miệng than đau đầu vì hơi thuốc khử trùng Kim dùng. Kim vẫn phải hất quần áo của tôi qua một bên, và tôi vẫn hay để sách của mình lên cái bàn gọn gàng của Kim.

Mọi việc đưa đến khủng hoảng vào một buổi chiều Tháng Mười “định mệnh”. Kim bước vào phòng và nổi cáu vì một chiếc giày của tôi không thể giải thích được vì sao lại “mò” sang tận gầm giường cô. Tôi không biết chiếc giày đi lạc đó thì có ý nghĩa gì, chỉ biết là Kim vô cùng tức tối. Cô nhặt nó lên, quăng nó về phía tôi và cố ném cái đèn của tôi xuống sàn. Bóng đèn vỡ tan, rải đầy những mảnh thủy tinh lên trên đống quần áo mà tôi định xếp tối hôm đó. Tôi nhảy ra khỏi giường trong giận dữ và ngay lập tức chửi rủa về sự dữ dằn và vô cảm của Kim. Kim la hét lại, cũng bằng một nỗi giận dữ tương đương, và kết thúc là cả hai đứa tôi cùng lao ra cửa để tranh nhau thoát ra khỏi phòng.

Tôi chắc rằng chúng tôi hẳn sẽ không thể ở chung nhau quá một hai ngày trong cùng phòng; thậm chí không ở nổi thêm một đêm, nếu lúc đó không có một cú điện thoại gọi đến. Tôi đang ngồi trên giường của tôi, giận sôi. Kim cũng đang ngồi trên giường Kim, cũng giận sôi. Lúc ấy đã xế chiều và căn phòng u ám, ngột ngạt bởi dầy đặc những lời thóa mạ không thành tiếng.

Khi chuông điện thoại đổ, Kim nhấc máy và tôi có thể nói ngay rằng đó không phải là tin tốt lành. Tôi biết Kim có bạn trai ở thành phố nhà, và nghe tới cuối cuộc nói chuyện, tôi hiểu rằng anh chàng này đã cắt đứt với Kim. Rất tự nhiên, hoàn toàn không chủ đích, trong lòng tôi dâng lên một cảm giác tội nghiệp cho Kim. Mất một người bạn trai là một việc mà không có cô gái nào có thể chống chọi một mình được.

Tôi đứng dậy khỏi giường mình. Kim không nhìn tôi và khi gác điện thoại, cô chui vào chăn ngay lập tức. Ở ngoài, tôi nghe tiếng Kim khóc nấc. Phải làm gì đây ? Tôi không muốn làm lành ngay (vì tôi còn đang tự ái), nhưng tôi cũng không muốn bỏ Kim ở lại. Tôi nghĩ mãi và ra một cách.

Tôi bắt đầu dọn lại phần căn phòng của tôi. Từ tốn, tôi nhặc lại những quyển sách tôi đã vứt bừa lên bàn Kim. Tôi phủi sạch vụn thủy tinh bóng đèn trên vớ và áo sơ mi. Tôi cắm bút chì lại vào trong cái đựng bút. Tôi dọn giường. Tôi dựng thẳng lại cái túi đựng quần áo (nhưng các ngăn kéo thì chưa dọn nhé , tôi cũng có giới hạn của tôi chứ !), tôi quét sàn, kể cả phần của Kim. Tôi mải mê làm đến nỗi không nhận ra rằng Kim đã chui ra khỏi chăn. Cô nhìn theo từng cử động của tôi, nước mắt đã khô, cô chuyển sang ngơ ngác, có vẻ không tin được.

Cuối cùng, khi đã xong việc, tôi đến và ngồi xuống ở cuối giường Kim. Không nói gì cả, chỉ ngồi thôi. Mà tôi cũng chẳng biết nói gì. Bàn tay Kim ấm. Tôi cứ nghĩ chúng hẳn phải lạnh chứ, bởi vì tôi luôn luôn cho rằng những người ngăn nắp là những người “không tim”. Nhưng không. Bàn tay Kim ấm khi cô với ra nắm lấy bàn tay tôi. Tôi nhìn vào mắt Kim và cô mỉm cười:”Cám ơn”.

Kim và tôi là bạn cùng phòng cho đến hết năm học đó. Chúng tôi không phải lúc nào cũng nhất trí, bằng lòng về nhau; nhưng chúng tôi đã học được bí quyết của việc sống chung. Đó là : Nhượng bộ, gọn gàng, và biết kiềm chế. ( Elsa Lynch )

KẾT:

* Tổng thống Kaunda, nước Kenya, đã có lần phát biểu như sau:”Sự khác biệt giữa người Tây phương và người da đen Phi Châu là : Với người Tây phương (da trắng) khi cần phải giải quyết một vấn đề gì, họ có thái độ ‘tấn công”, còn người Phi Châu lại dựa trên kinh nghiệm và hoàn cảnh để giải quyết”.
* Và có một triết gia Phi Châu đã nói :”Bởi vì anh hiện hữu nên tôi cũng hiện hữu”.
Dựa vào những ý tưởng trên, chúng ta có thể nghĩ rằng người Phi Châu giàu tình người. Dù gặp nhau để giải quyết vấn đề gì đi nữa, họ vẫn dành nhiều thời giờ để hỏi thăm nhau về cuộc sống, về gia đình, về công ăn việc làm của nhau trước đã, họ cần có thời giờ để chia sẻ kinh nghiệm, để ở bên cạnh nhau.

Đó là một trong những yếu tố cần thiết của cuộc sống con người : TÌNH THÂN HỮU. Và đó cũng là điều Thánh Phaolô đã dạy trong thư gửi Philipphê 2, 1-5 :”Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu”.

VIII. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Tháng 3, Kính Thánh Giuse: Thánh Giuse là Bổn mạng và gương mẫu của các người lao động và các gia trưởng. Ngài đã sống cuộc đời lao động để nuôi sống gia đình... Vì thế, tại trường học của thánh Giuse, các người lao động và các gia trưởng hãy học cho biết giá trị của lao động: nuôi sống bản thân và gia đình, liên kết với anh em và phục vụ họ, thực thi bác ái đích thực và góp công vào việc kiện toàn công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa.

PHÚT SÁM HỐI.

- Không tham gia vào các hoạt động xã hội để làm chứng cho Chúa; hoạt không phản ánh đức ái Kitô-giáo, trong các hoạt động xã hội.
- Trong cộng đồng xã hội, có những tranh chấp, bất hoà, lại không hoà giải, thiếu liên kết; hoặc thù hận, ghen ghét; hoặc kỳ thị…
- Những "nghề nghiệp" bất chính; những thiếu bổn phận làm gia trưởng: nuôi sống, yêu thương, liên kết và phục vụ các thành phần trong gia đình.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu là gương mẫu và thầy dạy đức bác ái theo Tin Mừng; thánh Giuse đã áp dụng đức bác ái ấy trong đời sống gia đình; ngày nay, chúng ta hãy thực hiện đức bác ái Kitô-giáo trong cộng đồng nhân loại, nhất là trong các tổ chức từ thiện xã hội. Muốn được như thế, giờ đây, chúng ta hãy thành khẩn cầu xin Chúa:

Sau khi sống lại và lên trời, Chúa Giêsu vẫn hiện diện trong Hội Thánh để tiếp tục cứu chuộc nhân loại cho đến ngày tận thế. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tổ chức từ thiện xã hội trong Hội Thánh thể hiện rõ ràng đức bác ái theo Tin Mừng của Chúa Kitô.

Chúa Giêsu phán: "Thầy truyền cho các con giới răn của Thầy là Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu các con". Chúng ta hãy cầu nguyện cho thế giới hiện nay có nhiều người, nhất những người có năng lực, dám dấn thân - tham gia vào các hoạt động xã hội và phản ánh đức bác ái Kitô-giáo.

Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện: "Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con". Khi đọc kinh Lạy Cha và để thực hành các việc làm trong Mùa Chay, chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người, nhất là các dân tộc Châu Phi, biết sám hối, biết tha thứ , hoà giải cho nhau, hơn nữa biết sống liên đới với nhau và nhất là sống thân tình với Chúa.

Chúa Giêsu dù là Con Thiên Chúa, cũng được gọi là “con của bác thợ mộc Giuse”. Chúng ta hãy cầu nguyện cho cộng đoàn họ đạo, cho gia đình chúng ta được đồng tâm nhất trí thờ phượng Chúa, yêu thương và cùng nhau xây dựng hạnh phúc ngay trên trần gian này, mà đạt tới Quê Trời vĩnh cửu.

Kết thúc: Lạy Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Chúa đã ban Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô mà dạy chúng con sống bác ái yêu thương nhau, để chúng con được làm con Chúa và được sống hạnh phúc đời đời. Chúng con xin Chúa ban Thánh Thần đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, an ủi và hướng dẫn chúng con sống đẹp lòng Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

IX. CHIA SẺ

GIỮ CHAY TRONG HÂN HOAN VÀ HY VỌNG

Ấn tượng của bạn khi giữ chay là gì ? Có phải đó là một cách để than khóc cho tội lỗi của bạn không ? Bạn có thấy đó là một nghĩa vụ tôn giáo , một điều mà hễ là người Công giáo thì phải thực thi không ?

Đức Giê-su muốn việc giữ chay của các môn đệ Ngài khác hoàn toàn với những ấn tượng trên. Thực ra, thay vì là một dịp để than khóc, việc giữ chay là một dịp để vui mừng hớn hở và mong đợi.

Đức Giê-su nói rằng khi Ngài, là tân lang trong tiệc cưới, được cất đi, các khách dự tiệc cưới, là các môn đệ ngài, hãy than khóc. Nhưng, Đức Giê-su cũng đã hứa với chúng ta "Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" ( Mt 28, 20 ). Ngài ở cùng ta bằng nhiều cách: trong Thánh Thần của Ngài, trong Kinh Thánh, trong bí tích Thánh Thể, trong Giáo Hội, trong các vị mục tử, và giữa chúng ta khi chúng ta tập hợp nhau cầu nguyện trong danh Ngài. Trong rất nhiều cách thực sự và đụng chạm được, "Tân lang" đang ở với chúng ta ! Do đó, người Ki-tô hữu không nên giữ chay như một dấu hiệu than khóc.

Đối với con cái Thiên Chúa “ tất cả những ai thấu hiểu sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn họ “ giữ chay liên hệ mật thiết với cầu nguyện. Khi chúng ta từ bỏ chính mình cách này cách khác, chúng ta tìm thấy sự cần thiết phải hành động vì các nhu cầu của người khác.

Chúng ta nên một hơn, được tự do hơn khỏi những ràng buộc của thế gian, và gần gũi hơn với sự đói khát Đức Giê-su trong lòng mọi người. Khi được liên kết với lời cầu nguyện, giữ chay giúp ta chiến thắng tội lỗi và giữ chúng ta chú tâm vào những gì là thiết yếu.

Chay tịnh giúp ta xua đi những chia trí để ta nghe tiếng Chúa rõ ràng hơn. Chay tịnh cũng giúp ta đánh giá cao những gì ta có và cầu nguyện thêm cho những người thiếu may mắn hơn. Xa hơn nữa, chay tịnh và lời cầu nguyện dẫn chúng ta đến những nỗ lực cho công lý, hòa bình và lòng thương xót trên thế giới này.

Có thể nào giữ chay một cách hân hoan không ? Được chứ. Đúng ra, giữ chay mà đừng thiểu não có lẽ chính là điều mà Đức Giê-su đề cập trong Bài Giảng Trên Núi "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh." ( Mt 6, 16 - 18 ).

Mùa Chay này sao bạn không thử giữ chay "đầy hân hoan" ? Hãy chọn một hình thức giữ chay hợp lý và cầu xin Thánh Thần hướng dẫn những ý cầu nguyện của bạn. Và luôn luôn nhớ rằng Đức Giê-su, Tân Lang, đang ở giữa chúng ta.

”Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con giữ chay cách hân hoan trong Mùa Chay này. Xin cho việc giữ chay và lời cầu nguyện của con đem lại nhiều điều tốt đẹp cho những người chung quanh con và cho thế giới”. ( Trích tuyển tập 40 BÀI SUY NIỆM TRONG MÙA CHAY)

X. TẢN MẠN

BÍ QUYẾT ĐỂ THẤT BẠI

Bạn có muốn thất bại không ? Dễ lắm.
Một chuyên gia đã đề ra bí quyết ba bước sau đây :
Thứ nhất, hãy phủ nhận khả năng của bạn. Một khi bạn biết xem thường chính mình, bạn sẽ không bao giờ nhận ra điều tốt đẹp mà mình có thể thực hiện.
Thứ hai, rời ghế nhà trường rối thì bạn không cần phải học hỏi thêm gì nữa. Một khi bạn chấm dứt học hỏi, bạn sẽ không bao giở phải trăn trở về việc sửa đổi và lớn lên.
Điều cuối cùng, hãy coi như bạn có thể tự mình làm tốt mọi sự. Một khi bạn nói rằng bạn không cần ai giúp đỡ, bạn sẽ không nhận sự giúp đỡ nào. Và như vậy, bạn có thể nắm chắc rằng mình sẽ đạt được”thất bại”.
Còn nếu bạn muốn thành công, hãy tích cực phát triển các khả năng của mình. Hãy biết học hỏi không ngừng. Hãy thao thức thay đổi và lớn lên. Và điều cuối cùng ( song không kém quan trọng ) hãy cố nhận ra sự giúp đỡ của người khác có thể cống hiến cho mình và tận dụng nó.
Hãy làm việc với người khác và bạn sẽ thấy mình tiến bộ nhanh hơn mức mình dám mơ ước.
Khi hội họp”hãy làm tất cả những gì có thể để xây dựng”. (1Cr 14, 26)
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết tương trợ lẫn nhau.
(Trích Better to Light One Candle)

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

KHI TÔI XIN CHÚA

Tôi xin Chúa ban Sức mạnh,
Và Ngài đã ban cho tôi những khó khăn để làm tôi vững mạnh.
Tôi xin Chúa ơn Khôn ngoan,
Và Ngài đã ban cho tôi những vấn đề để giải quyết .
Tôi xin Chúa sự Thịnh vượng,
Và Ngài đã ban cho tôi trí óc và cơ bắp để làm việc.
Tôi xin Chúa sự Can đảm,
Và Ngài đã ban cho tôi nguy hiểm để vượt qua.
Tôi xin Chúa được Tình yêu,
Và Ngài đã ban cho tôi những người hoạn nạn để giúp đỡ.
Tôi xin Chúa những đặc ân.
Và Ngài đã ban cho tôi những cơ may.
Tôi đã không nhận được bất cứ điều gì tôi muốn,
Nhưng tôi đã nhận được mọi điều tôi cần.
(Dịch từ Feel Good Pages)

1553    17-04-2012 14:51:49